Chiến loạn - Chương 6: Gia Yến
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
186


Chiến loạn


Chương 6: Gia Yến


Đàm thị bên này một mặt nhẹ nhàng hầu hạ mẹ chồng ăn bánh chay, một mặt thi thoảng lén liếc lão gia xem có phát hiện điều gì bất thường.

Đinh phu nhân Đàm Thị Thiềm năm nay dù hơn ba mươi, nhưng nhờ bản tính siêng luyện công lại sinh hoạt trong nhà quyền quý, nên dung nhan vẫn dưỡng đến đẹp, tựa như gái ngoài hai mươi. Điểm nổi bật trên khuôn mặt bà chính là ánh mắt vô cùng tinh anh, không chỉ riêng thời thiếu nữ mà ngay cả đến hiện tại cũng làm thổn thức biết bao tâm tư lỡ rơi trúng vào. Thế nên bất kể lúc nào Đinh thứ sử đại nhân bắt gặp ánh mắt ấy, đa phần đều không cưỡng lại được vẻ ma mị mà mỉm cười đáp lại. Tối nay cũng không ngoại lệ, nhưng hình như có điểm bất thường từ cơ mặt mất tự nhiên của phu nhân khiến Đinh lão gia nghi hoặc nhíu mày, rồi như phác giác điều gì, từ cái nhìn thắm đượm nhu tình mật ý, ánh mắt Đinh lao gia bỗng chuyển sang đỏ rực, giọng ông trầm xuống như gầm trong họng: “Đại thiếu gia đâu sao không thấy?”

Đại thiếu gia Thứ sử Hoan Châu Đinh Bộ Lĩnh – đích trưởng tôn tộc Đinh, trong bữa tiệc đoàn viên lại không có mặt, rõ là biết chọc chỗ ngứa của cha.

Đinh lão gia chằm chằm nhìn người vốn thường khiến ông vô cùng yên tâm trong chuyện trị gia bằng cặp mắt cú vọ quen thuộc. Đàm thị cũng không phải là nhu nhược mà khiếp sợ, ai cũng rõ bà trước giờ gan rất to, biết chuyện đã lỡ, bà thành thành thật thật khai nửa canh giờ trước đứa con trai quý hoá của lão gia lừa gia đinh trốn biệt góc nào không rõ. Tuy nhiên bà cũng “an ủi” lão gia từ đó đến giờ gác cổng chưa thấy thiếu gia ra ngoài, nên chắc nó chỉ quanh quẩn trong phủ mà thôi.
Đinh Thứ sử gầm gừ trong miệng như hổ vì không thể phạt phu nhân trước bao nhiêu người, nhất là khi cả cơ thể bà đang tràn đầy điệu bộ mĩ nhân kế hòng lấy lòng. Mắt lại còn ngấn nước! Khá lắm, mẹ nào con nấy. Ông bực dọc sai gia đinh lục sát toàn phủ lần nữa, nhất định bắt đại thiếu gia bằng được, ít ra phải dâng tách trà kính bà nội và cha mẹ trọn đạo hiếu mới được tha.

Gia nhân hoảng sợ cúi lạy vâng dạ rồi tất tả chạy đi.

Cả nhà đang yên đang lành vì cơn thịnh nộ của lão gia trầm mặc thấy rõ. Gia nhân đứng bên hầu hạ cúi gầm bất động, tự giác đưa mình vào trạng thái nhập thiền. Chủ tử quanh bàn cũng biết thân biết phận không dám ho he, mới đầu còn cố gắng tỏ ra bình thường ăn nhẹ nói khẽ, dần dần cũng thấy ngượng tay, gắp thức ăn đưa vào miệng nhai mà đầu lưỡi không cảm nhận được xíu xiu vị giác, đành gác đũa ngốc mặt lặng im. Đàm thị thấy vậy đảo mắt vào vòng ngán ngẩm thói xấu của lão gia, ghé sát vào tai Đinh lão phu nhân thì thầm điều gì khiến bà gật đầu liên tiếp mấy cái cười cười chấp thuận.

Nói đoạn Đàm thị nhỏ nhẹ: “Lão gia, Quế Hương vài tháng gần đây siêng năng tu dưỡng tỳ bà, không bằng nhân dịp đoàn viên tấu một khúc nhạc tặng lão gia, có được không?”

Đinh Thứ sử nhướng mày nhưng không tỏ ra kinh ngạc. Hơn mười lăm năm cưới Đàm thị, ông đã không còn thôi bất ngờ về chiêu trò phu nhân nhà mình. Tính ông nóng như lửa, nếu lúc nóng giận lấy cứng đối cứng đều sẽ vỡ vụn, phu nhân luôn biết chạm đến điểm khiến ông mềm lòng mà ngoan ngoãn nghe theo. Ngoài chiến trường uy dũng như mãnh hổ, về đến nhà cũng chỉ là mèo con thèm được phu nhân vuốt ve. Nhiều lúc ông muốn tỏ uy trước vợ nhưng đều bất thành, thôi thì tật xấu có mỗi một người biết không đáng là gì.
Đinh Thứ sử uy nghi lẫm liệt chắc mẫm là thế nhưng có lẽ vẫn không thể ngờ chuyện ông bị vợ “thu phục” không chỉ tất cả gia nhân trong nhà, mà ngay người dân khắp thành Hoan Châu nhân lúc trà dư tửu hậu đều thường mang ra bàn tán xôn xao phân tích cặn kẽ, còn được nhà nhà người người xem như “tấm gương mẫu mực” để “răn dạy” chồng. Ngay cả thuộc hạ của ông cũng thường mổ xẻ nghiền ngẫm, nắm rõ tường tận trong lòng bàn tay “đặc điểm” cấp trên hòng tiện bề ăn ở. Cái này người đời vẫn thường gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”. Có điều “hương” này đối với vị Đinh Thứ sử nào đó là “thơm” hay “không thể chịu đựng nổi”, vẫn thật chưa một ai có được diễm phúc hiểu rõ.

Thấy cha không nói gì nghĩa là ngầm đồng ý, Quế Hương cho người đi lấy đàn còn nàng trong lúc đó ngồi ngẫm lại lời ca, cố gắng vớt vác bầu không khí gia yến đang dần đóng băng, thầm mắng tám tỷ lần Bộ Lĩnh ham chơi suốt ngày gây loạn.

Quế Hương là con đầu Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ, là con gái ruột Đàm thị, nàng năm nay vừa bước qua tuổi mười bốn. Do là nữ nhi nên nàng không chịu quá nhiều áp lực, mà được nuôi lớn trong sự nuông chiều và thương yêu của đại gia đình. Nàng đối đãi mọi người thường ngay thẳng, bản tính thuần khiết vô tư, trái ngược hoàn toàn đứa em trai Bộ Lĩnh – là cháu đích tôn tộc Đinh nên chịu nhiều gánh nặng ngay từ lúc lọt lòng.

Đêm trăng thanh vắng, càng về khuya tiếng nói cười trên các trục đường chính càng thưa, trăng nhô lên càng cao, đúng là “thiên thời, địa lợi” để đàn ca, nàng thầm cầu mong “nhân hoà” nữa là vừa đẹp.

Đàn được mang đến, Quế Hương chỉnh lại dây cho chuẩn xác. Thực ra ngày nào nàng cũng lôi đàn ra đánh đến mòn tay nên dây luôn được chỉnh sẵn, chỉ là lần đầu thể hiện trước người khác mà không phải nhạc sư dạy đàn, nên muốn thể hiện bản lĩnh cho mọi người trầm trồ thêm thôi. Khi cảm thấy ổn thoả, nàng xin phép được đàn, mong mọi người đừng cười chê vì tài sơ học thiển. Đây cũng là bài học vỡ lòng trước khi nhạc sư bắt đầu chỉ dạy chuyên môn, theo thầy, người tay nghề càng cao càng phải lễ độ khiêm nhường.

Ánh trăng bàn bạc chiếu rọi tưới lên vóc dáng mảnh mai Quế Hương, như khoác thêm chiếc áo choàng lấp lánh rực rỡ. Thiếu nữ nhẹ nhàng lướt từng đầu ngón tay trên dây đàn, uyển chuyển lên xuống, quyện hoà cùng âm thanh trong trẻo cao vút phát ra từ cuống họng cô gái tuổi trăng non, khiến giai điệu ngân nga cứ như thế chầm chậm du dương đi vào lòng người:

“Chuyện kể rằng ở tận phương nam,
Có một Châu tên độc chữ Hoan,
Xuất hiện vị Thứ sử trẻ tuổi,
Luôn được dân kính phục, thương yêu.

Ơi vị Thứ sử họ Đinh,
Con dân nhờ ngài yên bình, trù phú,
Biết ơn ngài mang đến sự no đủ,
Giúp sáu năm qua vui vẻ thanh nhàn…

Công Trứ nuốt từng âm, lắng nghe trong niềm hoan hỉ. Ông biết vợ và con gái muốn mình vui nên đã dày công chuẩn bị. Chợt ông thầm nghĩ rồi bật cười, vài tháng nữa là đến sanh thần mình, không biết trong nhà còn có tiết mục nào đặc sắc hơn không. Rất nhiều phủ khác xây dựng cả nơi riêng để đào tạo bài bản ca vũ trong nhà, riêng phủ ông thì vợ biết múa, con biết đàn, lại còn tự làm rất nhiều món ngon, đối đãi với nhau thâm tình thân thiết, đùm bọc quan tâm. Thử hỏi kiếp này được nhủ vậy, còn mong mỏi gì hơn.
Công Trứ hít một hơi căng tràn bầu không khí trong trẻo, lắng nghe lời con gái đang xướng ca. Bài hát nói về Hoan Châu đã thay da đổi thịt suốt sáu năm qua như thế nào từ khi ông đến, cũng như kể về những vất vả ông từng trải.

Đã sáu năm kể từ lúc được Dương Tiết độ sứ cử đi trấn giữ Hoan Châu. Giúp đỡ bá tánh lương dân, đó là tất cả những gì ông cho là hạnh phúc, là sứ mệnh. Nhớ lại những ngày đầu mới đến, khắp nơi ruộng đồng khô cằn bỏ hoang không bóng người chăm, dân hầu như ly tán tứ phương, trước thì vì thuế nặng sưu cao, sau thì do binh đao loạn lạc. Thuở đó ông thường miệt mài ngày đêm thực địa rồi nghĩ cách, nghĩ được cách lại đi xuống thực địa thí điểm, trăn trở nhất là làm sao dẫn nước về tưới tiêu giảm đất bỏ hoang để bá tánh an tâm cày cấy, thậm chí thời gian đầu ông còn xắn áo kéo quần đạp bùn giúp dân thị phạm. Thời gian dần trôi, dân cũng đã thôi lo sợ chiến tranh và di cư tản mác mà tin ông, tin quân đội ông, tin cách ông cai quản. Tuổi tuy gần bốn mươi đầu đã bạc hơn nửa, nhưng ông vẫn muốn ngày đêm ăn ngủ cùng dân để dù chỉ thêm một ngày, dân sẽ có hạnh phúc được thêm một ngày.

Rồi Đinh Công Trứ trầm ngâm đượm buồn.

Chinh chiến hơn mười năm, trực giác mách ông biết không chỉ Kiều Công Tiễn, mà còn Nam Hán quân phương Bắc xa xôi kia sau khi án binh bất động nhằm ổn định, sớm muộn cũng không quên rửa mối nhục Tiến, Bảo. Rồi đây con dân Hoan Châu ông, con dân Tĩnh Hải quân sẽ đi về đâu.

Con gái sau khi xướng ca khen hết sông này núi kia cuối cùng cũng âm a ngừng. Đinh Công Trứ mỉm cười đôn hậu. Con gái đã nói lên cõi lòng của cha, xứng đáng trọng thưởng. Đoạn ông rút miếng Nghê Vân thuý ngọc bên hông ra tặng Quế Hương. Đàm thị kinh ngạc, đây là ngọc bội lão gia thích nhất luôn mang bên người hơn sáu năm nay, vì lão nhân gia kỳ lạ nói miếng ngọc này giúp lão gia thôi mất ngủ và căng thẳng, mang bên người sẽ giúp tâm tình thư thái hơn. Đàm thị không ngăn cản niềm vui của chồng và con gái, bà dự tính sẽ lựa lời kêu con trả lại ngọc cho cha sau, vì bà là người luôn tâm niệm vào Phật và tướng số. Có điều sống ở đời, phàm những việc dự định chắc mẫm sẽ làm lại thường khó thành.

Ngay lúc cả nhà xum họp đầm ấm, tiếng cấp báo kéo từ ngoài cổng vào hậu hoa viên khiến cả Công Trứ và Đàm thị đều dấy lên trực giác bất ổn. Thân là võ tướng, xưa nay Đinh Thứ sử quản lý thủ hạ rất mực xâm nghiêm, phàm đang trong gia yến hay bất kỳ khu vực nào nội viện đều nghiêm cấm binh lính bén mảng. Vậy mà ngay tối nay đích thân Cao Khiển, thủ lĩnh thân vệ của ông đang dẫn theo sau một tiểu binh đến từ Ái Châu, tiến vào cấp báo. Trên người binh sĩ cấp báo vô danh ấy, ông có thể ngửi ra được mùi tang tóc bi thương.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN