Chiến loạn - Chương 7: Từ Biệt
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
130


Chiến loạn


Chương 7: Từ Biệt


Binh lính cấp báo là một quân sĩ vô danh, cúi đầu dâng thư bằng cả hai tay còn run bần bật. Do miệt mài thúc ngựa hay tin đưa đến quá hệ trọng?

Đinh Công Trứ cẩn trọng mở phong thư rồi ngay lập tức biến sắc, cả khuôn mặt đang hồng thuận bỗng chốc trắng bệch, quai hàm ông đanh lại, răng nghiến vào nhau ken két. Đoạn ông chào từ biệt mẹ, khuyên mọi người về nghỉ ngơi rồi ra lệnh cho binh lính cấp báo và Cao Khiển cùng ông tiến vào thư phòng.

Binh lính cấp báo vừa bước vào phòng, được lệnh liền tường thuật trong tiếng nức nở như mất mẹ mất cha: “Hồi bẩm Đinh Thứ sử, là thư khẩn từ Ngô Thứ sử. Giờ Tuất hai khắc hôm qua khi dạ yến trong Dương phủ còn đang diễn ra, Kiều Công Tiễn đã hành thích thành công Dương Tiết độ sứ, hiện giờ y đã nắm lấy binh quyền và tự xưng là Tĩnh Hải Tiết độ sứ đời tiếp theo, đồng thời phát lệnh kêu gọi toàn quân theo hàng sẽ được biệt đãi.”

Y ngưng một chặp rồi tiếp tục, giọng đã trấn tĩnh hơn dù đầu vẫn cúi thấp, mi mắt gập xuống, giọng ứ nghẹn: “Bẩm, chủ nhân cho mời Đinh Thứ sử ngay sáng ngày mai có mặt tại Phủ Thứ sử ở Ái Châu. Sự việc hệ trọng, khẩn mong Đinh Thứ sử khởi hành ngay trong đêm.”

Đinh Công Trứ từ lúc vào thư phòng đã ra lệnh cho tiểu binh được nói rồi chầm chậm đi đến phía sau án thư, nơi treo hai thanh trường kiếm đan chéo nhau, vô ý nhất một thanh lên lau chùi. Sau khi tên lính bẩm báo xong, nhanh như chớp ông quay lại lia một đường đứt lìa đầu tên lính. Nhát chém sắt lịm khiến tường vấy lên một vệt máu dài lớn, chiếc đầu còn đang trợn trừng lăn long lóc trúng ngay chân Cao Khiển khiến hắn hoảng sợ quỳ phục xuống dù không hiểu nguyên do.

Đinh Công Trứ ra lệnh Cao Khiển lột quần áo thi thể kiểm tra khắp người xem có đặc điểm riêng biệt nào giúp nhận dạng. Cao Khiển theo lệnh lột hết tầng quần áo, kiểm tra cặn kẽ từng thước da, chỉ dâng lên tấm thẻ bài khắc hai chữ “Lưu Quan”, bên trên còn có dấu triện mờ thể hiện ấn tín của Dương Tiết độ sứ.

Công Trứ đoán hẳn Lưu Quan mới là người truyền tin đích thực, có thể trên đường đi đã bị địch nhân giết người diệt khẩu, sau đó cố tình thay người giả dạng xâm nhập vào phủ ông nhằm moi móc thêm thông tin. Đoạn ông ra hiệu cho Cao Khiển thu dọn thi thể rồi lui xuống đóng cửa lại.

Không khí trong phòng đặc mùi máu tanh bỗng chốc ngột ngạt.

Đôi mắt cú vọ của ông dời xuống gầm trường kỷ gần cửa sổ chái đông gian phòng. Khi chỉ còn cách vài bước chân, ông vun kiếm cắt một đoạn chân trường kỷ rồi quát lên: “Còn không mau lăn ra đây!”

Đường kiếm bén ngọt thứ hai trong tối cùng khí thế bức người doạ kẻ dưới gầm lăn ra, chỉ kịp khẽ kêu một tiếng: “Cha.”

Ra là Đinh Bộ Lĩnh – đại thiếu gia Thứ sử Hoan Châu. Bộ Lĩnh phủi bụi bám trên áo quần rồi nhìn cha, nó có đôi mắt cú vọ và làn da ngăm đặc trưng di truyền từ Đinh Công Trứ, cũng có thể là do chạy loạn bên ngoài mỗi ngày nên da mới đen được như vậy. Người nó toát lên khí con nhà võ, mắt sáng quật cường, dù bị bắt quả tang nhưng thái độ vẫn rất điềm nhiên, còn dùng ánh mắt gan lì nhìn thẳng cha nó cười cười.

Công Trứ nhìn đứa con tương lai sẽ gánh vác cả gia tộc đang chầm chậm phủi bụi trên tà áo mà ngao ngán. Thân con nhà tướng, gây dựng cơ nghiệp trên lưng ngựa nên ông không đặt nặng học thi thư, nhưng đứa con này của ông cũng thật là…suốt ngày không theo tiên sinh học chỉ thấy chạy loạn chơi với đám nhóc quanh vùng. Con trai đã bước sang tuổi mười ba mà vẫn lông bông như vậy, thân làm cha ông thấy mình chưa tận tâm hoàn thành trách nhiệm. Nhiều năm qua lo dân lo nước, nhưng chính đứa con ruột tương lai kế tục lại không có đủ thời gian đoái hoài. “Ngọc không dũa không thành ngọc quý”, xét cho cùng Đàm thị cũng là phận nữ nhân, sao có thể rèn dũa được một đấng nam nhi kinh bang kế thế. Tiếc là đến lúc ông nhận ra thì đã rơi vào thời chiến loạn, sợ không còn thời gian quan tâm được nữa. Nghĩ vậy, ông hỏi con với giọng điệu hoà hoãn hơn: “Giải thích ngọn ngành sao ngươi có mặt ở đây?”

Bộ Lĩnh rành rọt trả lời: “Cha, trốn địch phải phục tại nơi địch không ngờ đến. Thư phòng của cha trong nhà ai cũng sợ nhất, trong này nhiều giấy tờ quan trọng như vậy, có mất không ai gánh nổi tội.”

Kể từ năm bảy tuổi phát hiện ra trong nhà còn có chỗ gọi là “thư phòng”, Bộ Lĩnh chỉ muốn chia đôi thời gian nửa cùng đám bạn trong vùng, nửa mày mò ở đây. Vì mỗi khi bước chân vào gian phòng này, một cảm giác hưng phấn lúc nào cũng như quật thẳng mặt nó, từ tấm bản đồ Tĩnh Hải quân đến sách địa giới mỗi Châu, tất cả đều mang sức hút mãnh liệt níu chân nó từ ngày này qua ngày khác, chỉ hận không thể dọn luôn vào trong mà ở. Quả thực sau đó nó dọn vô thật. Ban ngày ở trong thư phòng, dưới gầm trường kỷ kia nó tỉ mẫn đào ra bên ngoài, rồi đêm đến khi cửa thư phòng bị khoá lại âm thầm lặng lẽ từ ngoài đào vào trong. Cứ như thế ngày qua ngày cũng tạo thành một lỗ chó tiện bề chui ra chui vào.

“Hay cho câu “có nhiều giấy tờ quan trọng”, ngươi chắc lục lọi trong này không ít?” Cha nó quắc mắt hỏi vặn.

Nhìn dáng người cao ngất trước mặt, Bộ Lĩnh biết đã lỡ lời. Nhưng việc chính khiến nó quyết tâm ở lại nhìn cho đến hết đoạn chặt đầu lục xác vừa nãy mà không dám nôn còn chưa thành, sao có thể để cha nổi giận tống cổ ra ngoài. Bộ Lĩnh khống chế nhịp tim đang thúc liên hồi trong lồng ngực, thành thật nói: “Cha, con trai không ngoan khi tự tiện trốn trong phòng, xin cha tha tội” rồi với ánh mắt tự tin, nó nhìn thẳng cha nói tiếp: “Cha, con biết vì sao cha giết tên lính đó.”

Cha nó nhướng mắt lên lần hai trong tối nay, lần một là với Đàm thị ở hậu hoa viên ban nãy. Nhưng ông vẫn lặng im nhìn nó khiến Bộ Lĩnh sốt ruột tự vấn “sao cha không tò mò hỏi tại sao?”

Vì sao cha nó không hỏi tại sao?

Vì nếu cha nó hỏi tại sao nghĩa là đang khích lệ thói tự tiện của đứa con trai lông bông không ra gì. Cũng giống như một tên lính canh cửa bỗng dưng chạy xộc vào doanh trướng chủ soái, kêu hắn đứng bên ngoài nghe các tướng lĩnh cấp cao bàn bạc có nghĩ ra một đối sách, nên ngay lập tức muốn trao đổi cùng. Tên lính đó dù thông minh và tham vọng nhưng quá tự tiện và ngạo mạn, nên trước khi trình bày đối sách thì lĩnh quân côn trước đã. Trong quân đội kỷ luật nghiêm minh, ai cũng giống như ngươi khác gì buổi họp chợ có thể chạy ra đi vào, tuỳ tiện nghỉ xả hơi hay nhấp ngụm trà.

Trị quân cũng vậy mà trị gia cũng vậy. Nên cha nó vẫn đứng đó chấp tay sau lưng, nhìn nó với ánh nhìn “ngươi biết cha đang tính đánh ngươi bao nhiêu roi không”, khiến Bộ Lĩnh không tự chủ được mà nuốt nước bọt cái “ực” lạnh cả sống lưng.

Học gì hay ho không chịu lại học tính cố chấp từ Đàm thị, Bộ Lĩnh sau một giây hơi choáng vì lĩnh sát khí từ cha, cuối cùng cũng dùng định lực cố gắng nhìn qua hướng khác, lấy can đảm nói lời thống thiết trong lòng: “Ngô Thứ sử nếu dù không vừa lòng Kiều Thứ sử nhưng ông thân là con rể Tiết độ sứ, Kiều Thứ sử lại là giả tử của Tiết độ sứ, nên dù trong trường hợp nào cũng không thẳng mặt gọi tên huý “Kiều Công Tiễn”, nếu không cũng kiêng trong trường hợp này mà gọi “Kiều tặc”. Nguyên tắc đưa tin là đưa đúng nguyên văn không trật một chữ, nếu như đúng như tên lính kia nói thì thật cũng quá bất thường. Nên tên lính kia hẳn là giả. Tên binh lính cấp báo ban nãy có lẽ đã giết lính cấp báo thật do Ngô Thứ sử sai đến, giả mạo chạy tới chắc trông mong biết thêm tin tức nào đó trọng yếu từ cha để về báo cáo cấp trên. Cha, con nói liệu có đúng không?”

Công Trứ nhướng mày lần ba, lần này mắt ông có mở to thêm một chút. Thực sự đến tận hôm nay ông mới phát hiện ra một tính cách vô cùng thú vị của con trai, chính là “thích suy nghĩ phức tạp”!

Công Trứ phát giác ra tên giả mạo đơn giản tinh ý phát hiện ấn tín bao thư có người mở ra trước khi tới tay ông, với tên mồm mép đó thực không giống phong cách người truyền tin trước giờ của Ngô Thứ sử. Kể không biết tên đó là người mới hay là một tên thích lấy diễn kịch làm vui, đã truyền tin mà lại nói quá nhiều! Ông đã giúp y hoá kiếp, cầu mong kiếp sau nhớ là người suy nghĩ kỹ trước khi nói, đừng để cái miệng lại hại cái thân. Nói đi cũng phải nói lại, xét về mặt khách quan, con trai ông suy nghĩ cũng có hướng đúng, nhưng bản tính này nếu không có người bên cạnh nhắc nhở thật rất tốn thời gian phải đi lòng vòng.

Bộ Lĩnh hồi hộp quan sát sắc mặt cha, mong thật mong cha làm ơn hãy đồng ý dẫn nó cùng ra chiến trường. Chẳng hiểu tự khi nào, có thể là sau những lần chơi đùa với lũ trẻ xung quanh và người thắng luôn là nó, dần dần nó nảy sinh khát khao cái cảm giác khi bước trên đường được mọi người nhận ra, được mọi người dõi theo rồi dần mong ước được thành kính, ngưỡng vọng. Nay cơ hội đã đến, nó cũng đã bước sang tuổi mười ba, có thể không trực tiếp lĩnh quân đi đánh nhưng cơ hội được gia nhập quân doanh hiểu biết dần cũng không tồi. Bộ Lĩnh đảo mắt suy trước tính sao rồi quyết định quỳ xuống dưới chân cha, ngẩng đầu lên, mắt thành khẩn: “Cha, đất nước đang đứng trước nguy cơ chiến loạn, con giờ tuổi đã mười ba cũng không còn nhỏ, xin cha cho con được theo cùng xuất trận.”

“Ngươi theo ta, để làm gì?” Công Trứ nheo mắt hỏi.

“Ra sức lập công, giúp gia tộc vẻ vang vinh hiển”. Đây là câu trả lời chuẩn mực nó dự tính từ lâu chỉ đợi chờ ngày cha hỏi.

Công Trứ nhìn con trai đang quỳ dưới nền cầu xin mà không mảy may thương cảm. Nói đoạn ông bỏ rơi Bộ Lĩnh, ngoảnh mặt bước đến gian sau thư phòng, nơi đó có chiếc bàn thờ cao hơn bảy thước, bên trên treo hình một võ tướng uy nghi lẫm liệt. Ông thắp một nén nhang cho võ tướng, vái lạy thật sâu rồi quay lại nhìn Bộ Lĩnh, hạ giọng: “Giờ vẫn chưa được.”

Công Trứ thoáng thất vọng. Ông chinh chiến gần mười năm nay sao không hiểu con mình đang có tâm tư gì. Rõ ràng con ông cũng có đôi chút khả năng phán đoán, nhưng thông qua ánh mắt đủ biết con ông là kiểu người chưa biết bò đã đòi chạy, suốt ngày niệm trong đầu hai chữ “chiến công”, ra chiến trường hiện tại cũng chỉ đưa đầu chết sớm chứ không làm nên trò trống gì.

Mắt Bộ Lĩnh mở lớn, câu trả lời có điểm nào sai? Không thể nào, nó đã suy nghĩ rất lâu và kín kẽ mới có được câu trả lời hoàn hảo đến thế. Chắc hẳn cha sợ nó vướng víu trên chiến trường nên mới không chấp thuận, phải nói cho cha biết trong những năm qua nó cũng đã chuẩn bị rất nhiều. Bộ Lĩnh càng nghĩ càng thấy mình không có gì sai, nó dùng đầu gối lết đến gần rồi níu chân cha, giọng nửa nóng giận nửa không phục: “Cha, nhà người khác chỉ mong đưa con họ ra chiến trường lập công, tại sao cha thân là Thứ sử lại không làm vậy? Con nay đã lớn sao cha cứ nhốt trong nhà như con gái? Có phải cha nghĩ con không làm được gì? Không giấu gì cha, ngày nào con cũng trốn trong thư phòng trau dồi kiến thức quân sự, học tập nhìn đoán sa bàn, học hỏi tiền nhân binh pháp, cách phân biệt khí giới, cách áp dụng địa hình. Cha, thời cơ đã đến, xin cho con một cơ hội.”

Đến lúc này máu trong người Đinh Công Trứ đã sôi sòng sọc, ông nén cơn giận, chỉ cười lạnh: “Được, nếu ngươi không phục thì ta cũng nói rõ ràng cho ngươi hiểu. Ngươi nãy nằm dưới đó cũng chứng kiến cảnh ta chặt đầu lục xác, có thấy buồn nôn? Ngươi thử tưởng tượng nằm đó không phải một mà là hàng ngàn hàng vạn người, có người ngươi chỉ có dịp gặp qua một lần, có người mới vừa cùng cười nói hôm qua, hẹn một ngày bình sẽ đi câu cá thì ngươi cảm thấy thế nào? Bộ Lĩnh, ngươi còn nhỏ dại nên nhìn mọi việc đều quá đơn giản. Chiến trường đâu phải nơi để ngươi thể hiện bản thân kiến công lập nghiệp? Đó là nơi sống chết chỉ cách nhau gang tấc, bắt buộc phải giành giật, là nơi bỏ cái riêng trong lòng vì cái đại nghĩa mà hy sinh. Đó là chưa kể đến sức ngươi đang có, ngươi dù can đảm nhưng bắp tay cầm đao lực không đủ thì sao thắng nổi một tên đồ tể đã chặt thịt thành quen?”

“Nếu được thì không ai muốn sống trong thời chiến loạn để có cơ hội trở thành anh hùng lưu danh muôn thuở, họ chỉ khắc khoải cầu mong một mái ấm đơn sơ cùng vài bữa cơm đạm bạc qua ngày. Ban sáng dạy võ lũ trẻ quanh thôn, dù mệt nhọc nhưng hạnh phúc vì có vợ con đang đợi họ về, hay cùng anh em họ hàng giải quyết những vặt vãnh cuộc sống.”

“Bộ Lĩnh, ngươi quá tự đại.”

“Ngươi được nuôi dạy trong dòng dõi quan quân, sống trong phủ cao nhà lớn, chưa một ngày trải qua tình cảnh nghèo đói kiệt quệ phải dứt ruột bỏ vợ bán con, cảnh âm dương cách biệt, cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh. Nếu một ngày mục đích của ngươi cầm quân ra trận là vì dân vì nước mà không phải cho mục đích bản thân, tới lúc đó ngươi sẽ thấm được điều ta nói hôm nay.”

Bộ Lĩnh nãy giờ thinh lặng lắng nghe đến độ mặt đỏ tía tai, sắc mặt còn thay nhau chuyển xanh chuyển trắng, đa phần vì quá hổ thẹn mà biến đổi, móng tay bấm sát vào da khiến phần tiếp xúc cũng chuyển thành trắng. Nó không nghĩ ý chí ra trận lập công cho gia tộc có gì không đúng, không phải người lớn luôn thích nghe những lời đó sao, giờ sao lại bị cha suy diễn thành bi quan đến vậy? Cũng không rõ vì sao cha tức giận chỉ với một câu của mình, rồi bản thân lại bị giáo huấn nặng nề đến thế.

Lúc đầu nó còn không phục dự tính chất vấn ngược lại cha, nhưng càng nghe càng cảm thấy không thể phản bác nỗi. Nó phải bật lại sao đây, những điều cha nói nó hầu như chưa kinh qua nên chỉ chỗ hiểu chỗ không. Nó chưa từng ra chiến trường, chưa từng mất người thân, chưa từng sống trong cảnh nghèo khó túng quẫn, cũng chưa từng hứng chịu mưa tên loạn lạc thì có tư cách gì phản bác lại.

Rồi Bộ Lĩnh cảm nhận được đôi chân mình tê rần, cả hai đầu gối đều đau nhức như có kim châm. Một khắc, nó chỉ mới quỳ có một khắc. Bộ Lĩnh nhắm chặt hai mắt rồi buông lỏng người, lần đầu tiên biết thế nào gọi là “bật cười chua chát trong lòng”, tự giễu mình mới quỳ hơn một khắc đã không chịu được. Có vẻ đúng như cha nói, là nó đã quá tự cao tự đại, sức lực như thế này cũng mong ra chiến trường lập được công lao?

Ánh mắt Bộ Lĩnh từ cố chấp dần chuyển sang mông lung, con ngươi qua lại có phần mơ hồ, lông mày nó từ đá vào nhau nhăn thành một nhúm rồi cũng dần buông lỏng, sắc mặt chùng xuống có chút bi thương, lòng tự tôn hiện cũng vứt ra sau đầu, trong lòng lúc này chỉ còn gặn vấn bản thân “Chẳng lẽ, thật sự, là nó sai rồi sao?”

“Giờ thì đứng lên về rửa mặt ngủ đi, nhớ qua chào bà và mẹ một tiếng. Hãy trưởng thành từ những điều nhỏ nhặt và khiến người quan tâm ngươi bớt lo.” Nói rồi cha nó phẩy tay ra ý lui xuống.

Môi Bộ Lĩnh mím lại vào nhau, buồn rầu gục đầu tạ ơn cha vì đã có công giáo huấn, mặt cúi gầm rồi lủi thủi bước ra. Khi đi đến ngưỡng cửa phòng, nó chống tay dừng lại bên lề, không quay về sau mà chỉ cất lời đượm buồn: “Cha, con trai biết mình kiêu ngạo, sẽ chăm chỉ ở nhà rèn dũa, đợi cha chống giặc chiến thắng trở về đoàn tụ. Cha đi trận này xin ráng bảo trọng.”

Nói rồi Bộ Lĩnh lẩn vào bóng đêm đi mất.

Công Trứ nhìn theo bóng dáng con đến khi khuất hẳn, khẽ buông một tiếng thở dài. Có lẽ, đứa con này của ông vẫn chưa đến mức không làm gì ra hồn. Ngay khi tính trở lại phòng thu dọn ông nhận ra có người đang dắt đèn lồng đi tới, là phu nhân Đàm thị.

“Thị Thiềm, sao nàng còn chưa ngủ?” Đinh Công Trứ trìu mến hỏi vợ yêu.

“Thiếp tới từ biệt lão gia.” Nói rồi đôi mắt bà ngấn nước.

Công Trứ thở dài, ông biết bà đã đoán được. Đàm thị ngoài là vợ hiền dâu thảo, bà còn là người thông minh nhanh nhạy với thời cuộc, khiến ông luôn nhất mực yêu chiều, khi rảnh rỗi còn thích tìm bà đàm đạo chuyện thế sự. Ngặt nỗi, lần nào ông xuất trận bà cũng khóc như mưa.

Công Trứ ôn nhu: “Bên ngoài trời lạnh, vào trong hẳn nói”.

Ông dìu phu nhân vào đến bàn, rót cho bà chén trà nóng rồi tóm lược cục diện hiện tại. Thấy phu nhân nghe xong khuôn mặt bỗng trở nên đăm chiêu, ông hỏi nguyên do thì Đàm thị đáp: “Thiếp sợ, đây không chỉ là nội chiến”.

Công Trứ thoáng trầm ngưng rồi giật thốt: “Ý nàng là…Kiều Công Tiễn sẽ cầu viện quân Nam Hán?!”

Đàm thị nhìn chồng e dè gật đầu: “Lão gia, tục ngữ có câu “chó gấp còn nhảy được tường”, khi dồn kẻ địch vào tường chính là lúc cần cẩn trọng nhất.”

Đây chính xác là điều Công Trứ lo sợ, một cuộc binh biến, không những vậy địch còn kết hợp lại với nhau. Ông cần khởi hành ngay trong đêm để trao đổi cùng Ngô Thứ sử tình thế bất lợi này.

Đoạn ông uỷ thác việc nhà cho bà quán xuyến, dặn dò nghiêm khắc hơn với Bộ Lĩnh, rồi thu dọn một ít đồ đạc mang theo. Đàm thị ngoan ngoãn dạ thưa tất cả.

Đàm thị chờ đến lúc phu quân ngừng nói thì tiến lại gần rồi ngẩng mặt lên nhìn ông, bà nhẹ nhàng lấy đầu ngón tay yêu chiều lướt qua chòm râu lúng phúng chưa kịp cạo của ông, áp đôi bàn tay ấm nóng của mình lên má ông, dù không nói gì nhưng ánh mắt của bà như đi sâu vào tâm trí ông, tưởng như muốn ở lại đó, bên cạnh ông mãi mãi.

Công Trứ vòng tay ra sau ôm vợ thật chặt, ép sát gần hơn vào ông, cố gắng hít hà hương bưởi nhẹ nhàng thường phảng phất trên tóc bà, tưởng chừng thật lâu thật lâu sau mới chầm chậm buông tay, thì thầm bên tai bà hai chữ “bảo trọng” rồi uy dũng cất bước rời đi.

Đàm thị nhìn theo cho đến khi chồng xa khuất, không biết vì sao trong lòng cứ dâng lên nỗi bất an. Bà lấy từ trong người ra miếng Nghê Vân thuý ngọc phu quân vừa tặng con gái. Nãy bà đã đi tìm con, giải thích cặn kẽ đây là vật quan trọng đối với cha, bà phải tốn hai bộ quần áo mới và miếng ngọc đẹp tương đương cho Quế Hương mới đổi được về. Vậy mà lúc nãy bà vẫn chần chờ chưa đưa.

Thực sự bà muốn nói với ông, rằng lão gia có muốn mang theo Nghê Vân thuý ngọc như mọi lần?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN