Chúa Ơi Chàng Muốn Lấy Con - Chương 1. Tôi mà ghen á?
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
256


Chúa Ơi Chàng Muốn Lấy Con


Chương 1. Tôi mà ghen á?


Khi Adam, người đàn ông đầu tiên, trở về nhà lúc tối muộn, Eva liền đếm xương sườn của chàng, phòng trường hợp chàng lại sử dụng thêm chiếc nữa…

(Ngạn ngữ Do Thái.)

Hắn đang tiến về phía tôi. Đã lâu lắm rồi chuyện này không xảy ra…

Hắn quá đẹp, tôi cảm thấy mình sắp bủn rủn cả người.

Tuy thế tôi vẫn mở cửa cho hắn, ngây thơ, thuần khiết, và gạt bỏ mọi ý nghĩ lầm lạc.

Hoàn toàn chắc chắn rằng giữa chúng tôi sẽ không bao giờ xảy ra bất cứ chuyện gì nữa.

Vừa ngắm nhìn hắn, tôi vừa não nề nghĩ: “Hắn không hề thay đổi…”

Thầm lặng, đôi mắt hắn dường như đang hỏi tôi: “Đã bao lâu rồi ta không gặp nhau nhỉ?”

– (Tôi thở dài)… Đã rất lâu rồi, quá lâu rồi… (Tôi bồn chồn lùa tay vào tóc và ngón tay xoắn lấy xoắn để một lọn tóc.)

Trong tích tắc, đầu óc tôi quay cuồng còn bụng thắt lại vì ham muốn khẩn thiết cần phải thỏa mãn.

Phải rồi, nhưng còn Henri. Tôi không thể làm thế, tôi đã hứa với anh…

Bỗng nhiên tôi thấy nóng bừng bừng. Tôi buộc phải đứng dậy đi lại.

Đúng rồi, chính thế, đi lại. Nhất là không ngồi quá gần hắn. Tránh xa hắn ra. Nghĩ tới chuyện khác. Tôi cảm thấy nếu không vã nước lạnh lên mặt thì tôi sẽ lao vào hắn như một con điên. Nhưng tôi đang lảm nhảm gì thế này? Tôi ĐIÊN mất rồi.

Tôi nhìn hắn. Hắn cũng nhìn tôi. Hắn nhìn tôi đăm đắm, thậm chí cái vẻ hơi ngạo nghễ ấy dường như muốn nói: “Tôi biết cô đang thèm khát tôi – tất cả bọn họ đều thèm khát tôi – đừng cố kháng cự… Nào, lại đây.”

Hắn bảo tôi “lại đây” ư? Tôi chết mất.

Thiền. Thả lỏng bản thân. Nhìn đi chỗ khác. Tôi nên ra ngoài để không khí mát lành thốc vào mặt giúp tôi quay lại với thực tại.

Phải rồi, nhưng tôi chúa lười nên không muốn nhúc nhích.

Tôi muốn ở lại đây, cùng hắn. Tôi muốn hắn.

(Thở dài)… Khó quá đi mất. Henri, em van anh, hãy thứ lỗi cho em…

Tôi ngồi xuống tràng kỷ, xích lại gần hắn bằng vài cú nhích mông kín đáo.

Hắn không nhúc nhích, tiếp tục nhìn tôi với vẻ ranh mãnh và thấu hiểu.

Đồ đểu, thôi đi.

Tôi khép chặt đùi và bắt tréo chân, mắt nhìn hắn không rời.

Đầu hơi ngả ra sau, tôi dùng ngón trỏ mơn man chóp mũi, vơ vẩn xuống môi, lướt trên cằm, rồi vẽ nên những đường lượn chậm rãi trên cổ và thử, trong một giây minh mẫn cuối cùng, kìm nén những xung năng dữ dội của mình.

Bàn tay phải, như đã tách rời khỏi cơ thể tôi, chậm rãi buông dọc theo cổ họng, tiếp tục vòng qua hông, và vừa cố giữ cho mình bất động và thẳng thớm, hơi cứng nhắc, tôi vừa tiến về phía hắn, trên chiếc gối dựa màu đỏ của ghế sofa.

Hắn đợi tôi, mỉm cười mãn nguyện. Hắn biết đã thắng được tôi.

Bên dưới tay mình, tôi cảm thấy hắn hơi cứng, chuyện này chỉ càng khiến tôi khao khát hắn hơn.

Đột nhiên tôi buông thả, tôi không còn kiểm soát được mình nữa.

Tôi nhảy bổ vào hắn!

Vĩnh biệt nhé, lương tâm, ta từng yêu ngươi nhiều lắm.

Đó là bi kịch của tôi, tôi không bao giờ có thể cưỡng lại lời mời gọi.

Chính xác hơn là lời mời gọi của đồ ăn thức uống. Bàn tay tôi, nôn nóng, chộp lấy hắn rồi xé nhanh gọn chiếc hộp các tông được đóng dấu tiền định “Pim’s vị cam” (loại thượng hạng ). Tôi thốt lên một tiếng làu nhàu trầm đục vì khoái cảm. Các ngón tay tôi lướt trên nắp hộp màu trắng, rồi thọc sâu vào bên trong để giải thoát kho báu tuyệt diệu khỏi phần vỏ hộp đã trở nên vô dụng.

Tôi sẽ lỗ mãng và manh động dùng răng mà xé toạc lớp màng màu ánh sữa, hay sẽ dùng móng tay và cố bình tĩnh tìm cho đúng góc mở mà không phải gồng mình như một con nghiện lên cơn vật thuốc?

Tôi chọn cách dùng miệng (giữ vẻ thanh lịch nào), roẹt, hấp, miếng Pim’s đầu tự dâng hiến cho tôi, lả lơi, nằm bơ vơ trên cùng, phàm tục, khoái lạc.

Mùi hương đánh thức mọi giác quan (nhỡ ra một trong số chúng vẫn còn thiêm thiếp ngủ) khiến tôi lâng lâng ngây ngất. Thậm chí không để ý nghĩ thoáng qua là mình sẽ chẳng bao giờ gầy đi được kịp hình thành trong đầu, hấp, tôi đã hau háu nuốt chửng miếng bánh.

Mùi thơm của sô cô la trộn lẫn với mùi cam tan nhanh trong miệng rồi lan khắp vòm họng. Các nơ ron thần kinh nhấp nháy như bột phát phê ma túy, bị dìm ngập đến tận nơ ron cuối cùng bởi một liều endorphine ra trò.

Ưmmmm… tôi nhắm mắt. Tuuuuuuyệt thật…

Tôi dùng đầu lưỡi cù nhẹ lớp vỏ sô cô la của miếng tiếp theo khiến nó tan chảy dưới hơi nóng trước khi nhay miếng bánh giê noa mềm mại như trong một trò chơi thú vị (tôi không nên làm thế, làm thế thật vô lý, sau tất cả những gì tôi đã chịu đựng, sau tất cả những nỗ lực này, tôi… ). Tôi bỗng nhiên nuốt chửng miếng bánh. Được rồi, không gì có thể ngăn cản tôi nữa.

Phòng khách hệt như một bãi chiến trường.

Áo khoác, giày, khăn quàng và chùm chìa khóa bị tôi quẳng lung tung, vất vưởng quanh tràng kỷ, lẫn với những chiếc túi đựng đồ ăn sẵn bị quăng quật và nằm vương vãi, kể cả chiếc túi đựng bánh thuyền rắc vụn bánh mì bỏ lò hiệu Dauphine đông lạnh đang sắp rã đông đến nơi nếu tôi không làm gì để cứu nó, nhưng thây kệ.

Trong mắt tôi chỉ có hắn. Tôi không ăn nữa, mà ngốn, ngấu, nghiến, nhồm nhoàm, tọng, mắt trợn ngược, tóc xõa xượi, áo xộc xệch, váy tốc lên, hai chân thu dưới bàn tọa, xương sống còng gập trên kho báu đang khỏa lấp cái bụng hạnh phúc của tôi. Sự khoái trá đã đạt đến đỉnh điểm, tôi… tay tôi kiếm tìm mà chỉ tìm thấy khoảng không trống rỗng. Không còn gì nữa.

Đã hết rồi sao??!

Tiu nghỉu, tôi lục kỹ trong bao bì nhăn nheo và vô dụng, từ đó rơi ra vài mẩu vụn bánh nho nhỏ khốn khổ sắp làm bẩn tràng kỷ nhà tôi.

Trạng thái ngây ngất chấm dứt, chào mừng trở về với thế giới thực tại.

Khỉ thật. Vụ ăn kiêng của tôi.

Cuống cuồng, tôi quờ tay trên sàn nhà để tìm lại vỏ hộp các tông và khẳng định điều mình vốn đã nghi ngờ: nhìn lượng calori chứa trong một trăm gam bánh, tôi chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương án: hoặc chịu đựng nỗi hổ thẹn và ô nhục thầm lặng, hoặc đền tội bằng cách thực hành hai trăm bảy mươi sáu giờ đạp xe trong nhà, thiết bị đã được mua cách đây hàng tháng trời sau khi xem một mẩu quảng cáo trên truyền hình, mà tôi vẫn chưa có thời gian sờ đến lần đầu tiên (tôi đang sống cuộc sống của người điên).

Tôi nghiêng về phương án thứ hai. Thề trên đầu Richard Virenque[1], ngay ngày mai tôi sẽ tiến hành tập luyện. Trong lúc chờ đợi, tôi cần phải tẩu tán các bằng chứng không thể chối cãi về hành động điên rồ vừa rồi.

Đống vỏ vo viên nằm dưới đáy thùng rác và bị vô số rác rưởi phủ lên: xong.

Hút bụi một lượt khắp hiện trường phạm tội: xong.

Kiểm tra môi kỹ càng để phát hiện vết sô cô la cuối cùng: xong…

Không được để xảy ra điều gì bất trắc.

Nếu bị bắt quả tang thì cũng cóc cần, tôi sẽ chối đến cùng.

Tôi thấy Henri rất rõ, anh đang chế nhạo ra mặt cái tật thiếu ý chí kinh niên của tôi, miệng nói rằng phụ nữ mới yếu đuối và đồng bóng làm sao trong khi nam giới lại luôn kiên định với những gì đã quyết định.

Tuy nhiên, nếu tôi tự đan cho mình một chiếc quần bó màu cam từ khi chúng tôi hẹn hò cùng nhau, đó không phải vì tôi “đồng bóng”. Không đâu thưa ngài.

Henri đã ngừng hút thuốc từ khi gặp tôi (một bước tiến nhỏ đối với anh, một bước tiến lớn đối với hơi thở của anh). Tôi, người chưa bao giờ cầm một điếu thuốc hôi hám trên tay, đã ngây thơ nghĩ rằng vậy thì tôi sẽ trở thành chất gây nghiện duy nhất đối với anh, đối tượng ham thích và trụy lạc duy nhất của anh.

Vậy mà không hề. Người đàn ông đang trong thời kỳ cai thuốc phải bù đắp sự thiếu hụt chất nicotin thân thương bằng đồ ăn.

“Em yêu! Ta ra ngoài ăn tối đi!” (nhiều lần mỗi tuần.)

Rồi những điều ngạc nhiên tìm đến tận nhà: “Em yêêêêu! xem anh mang gì về này!”

“À vâng. Bánh ngọt. Lại thế rồi. Có chứ, có chứ, dĩ nhiên là em thích. Chỉ là (tôi thích hoa hơn) em đang phải giảm ít cân, và… Không! Không! Em không muốn làm anh phật ý đâu! NHƯNG CÓ CHỨ, EM THÍCH BÁNH MÀ! Ôi không, em chưa bao giờ nói là tại anh mà em mập lên! này, anh nhìn xem anh yêu, em ăn đây…” Chưa kể sự biến mất của các đĩa xúp, được nuốt vội bên một góc bàn trong bữa tối của bọn trẻ, ngày nhà chỉ có ba mẹ con sống cùng nhau.

Ngày nay, tôi phải nấu nướng những bữa ăn gia đình chính hiệu cho chúng tôi. Nấu nướng. Từ này đối với tôi chẳng khác nào hành vi giới tính đối với một thái giám. Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng mình có thể xoay xở tạm ổn (nấu chín mì cũng không đến nỗi quá phức tạp) nhưng thực ra, nếu không có Picard[2], cả lũ chúng tôi sẽ chết đói từ đời nào rồi.

Thật may, Henri vẫn thường chứng minh tình yêu dành cho tôi bằng những lời bày tỏ nhiệt thành về những đường cong nở nang của tôi (một từ hay ho để tránh nói “nung núc mỡ”).

Nhưng tôi khó mà tin lời anh. Cứ hình dung một gã quen giao du với các cô nàng vóc dáng như que tăm (khốn kiếp) mà xem. Làm sao người đàn ông này lại có thể rung động trước cơ thể của một phụ nữ mà cô con gái đầu lòng vẫn thường nói mê mệt “cặp ti bự” của mẹ, vừa nói vừa âu yếm vục mặt vào trong đó, và cô con gái thứ hai khuyên chị nó đừng có lấy làm khó chịu, bởi so với cái ông trên ti vi kia kìa (Guy Carlier[3]) thì dù sao vẫn cứ nhỏ hơn.

Tôi không rõ nhờ phép màu nào anh có thể mê mẩn thân hình tôi. (Một phép màu để hành hương tới thánh địa Lourdes.)

Ngay cả việc vẻ bề ngoài của Henri có nét giống với Bud Spencer[4] hơn là Terence Hill[5] cũng không thể ngăn tôi khỏi nghĩ ngợi. Và vì thế, tôi luôn trông chừng xung quanh bằng con mắt không biết xót thương.

Người ta không thể đi đến chỗ nói rằng tôi ghen được, ghen thì không. Cái từ này nói thẳng ra là quá đáng nếu để miêu tả khách quan các triệu chứng gắn bó của tôi với người đàn ông này.

Tôi chỉ là một phụ nữ không thích người khác chõ mũi vào việc riêng của mình, và vì thế phải lo trước để không một bàn tay thích dạo chơi nào đến xoáy mất thứ của cải mà mình phải tốn bao nhiêu công sức mới tìm được.

Nói cho cùng, chính tôi, từ sau khi ly dị, đã phải chịu đựng nhiều cuộc hẹn với những gã tính cách hoặc là thống thiết hoặc là thảm hại.

Chính tôi phải chịu đựng những cái ve vuốt từ đôi bàn tay xâm xấp mồ hôi của họ, những ánh nhìn ngờ nghệch nực cười của họ, và tất cả những câu đùa chỉ khiến bản thân họ cười, còn người khác thì rụng rời tay chân.

Và bây giờ khi đã hoàn thành toàn bộ công việc casting ấy, lẽ nào tôi lại để một con rệp cái đến cuỗm mất chàng diễn viên chính trong bộ phim của tôi chứ?

Thôi đi. Chẳng thà hôn vào kẽ chân của thằng em trai tôi còn hơn.

Cuộc cách mạng giải phóng tình dục ngu xuẩn cho phép phụ nữ chọn người đàn ông của đời mình thay vì để đối phương chọn họ, như trước kia, khi họ không được tự quyết và người ta chỉ định cho họ một đức ông chồng (già khằn và xấu xí) rồi bảo họ rằng: “Đây, và cô hãy tự xoay xở với thứ này đi” là gì kia chứ?

Ngày nay, nếu phụ nữ gặp được một người đàn ông hấp dẫn, họ chỉ việc tiếp cận thôi!… NGAY CẢ KHI ĐÓ LÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA TÔI!!

I am dreaming[6].

Và chớ có bảo rằng tôi quá lời đấy nhé, hừm. Tôi biết mình đang nói gì.

Tôi đã từng chứng kiến – lặng đi vì sửng sốt – những cảnh tượng liên quan đến thói trơ trẽn tồi tệ ấy.

Này nhé, cách đây mới chỉ vài tháng, một nữ tài xế xe buýt đã nói với Henri khi anh bấm lỗ vé: “Xin lỗi anh, nhưng… sao trông anh đẹp trai thế nhỉ…”

Các bạn hình dung ra chứ?? Tại sao ngành giao thông công chính lại có thể vô trách nhiệm đến mức tuyển dụng những con mụ đàn bà cuồng dâm thiếu thốn tự cho phép mình – mà không hề bị trừng phạt – quấy rối những khách hàng đáng thương phải bước lên xe buýt chỉ vì ô tô của họ bị hỏng?

Nhưng những người soát vé làm gì chứ?!

Khi Henri kể lại cho tôi nghe giai thoại này với nụ cười tự mãn, tôi đã ngay lập tức chĩa bóng đèn để đầu giường vào mặt anh rồi tuôn ra hàng tràng câu hỏi: miêu tả? mắt? màu tóc? dáng người? dấu hiệu nhận dạng?

Để không tấn công bằng chiêu dùng túi xách đập túi bụi vào một nữ tài xế vô tội khi tôi đi xe buýt lần tới.

Lại còn hôm qua, lúc cả hai chúng tôi đang dạo trong siêu thị và yên ổn tranh luận về nhãn hiệu món nghiền trộn kem đánh dậy uy tín nhất thì, một phụ nữ tuổi tầm sáu mươi đẩy xe hàng đi ngang qua gần chúng tôi đã buột miệng sau khi dòm Henri từ đầu đến chân: “Chà! Đúng là một anh chàng tốt mã, cao lớn và vạm vỡ làm sao!”

Henri, hơi ngạc nhiên, đã mỉm cười với bà, trong khi tôi đốp chát lại bằng một giọng tôi hy vọng là dứt khoát và pha chút mỉa mai: “Phải đấy, được như thế vì đó là chồng TÔI mà…” (Thực tế thì tôi đã ấp úng rít qua kẽ răng và không ai nghe thấy gì, kể cả tôi.)

Sau đó, khi chúng tôi tiến lại quầy bán sản phẩm chăm sóc răng miệng, hứa với nhau sẽ không quên mua nước giặt thì lại gặp bà cụ, bà cụ lại thốt lên: “Đúng thật, một anh chàng tốt mã… ” (năm! năăăm!)

Tôi vờ như không nghe thấy gì.

Chính Henri đã nói rõ: “… đi cùng một phụ nữ vô cùng xinh đẹp…”, vừa nói vừa đặt tay lên vai tôi, trước khi cười bò ra và chọn kem Colgate trắng răng.

Tôi tự nhủ được rồi, căn cứ vào tuổi của bà ta thì có lẽ không có gì nghiêm trọng, cần phải thôi ngay cái thói nhìn đâu cũng thấy mặt dở mặt tồi. Thôi nào, chẳng tội gì phải quan trọng hóa lời nhận xét của một cụ già lém lỉnh. Nghĩ thông suốt, tôi bèn nở một nụ cười với bà cụ, kiểu “đừng lo, bà chị mãn kinh, tôi thừa hiểu mục đích của bà chị là trong sáng mà”. Ngay lập tức, tôi nhận lại ánh mắt nham hiểm nhất và đố kỵ nhất mà đôi mắt con người có thể biểu lộ. Tôi nhầm chăng? Phải chăng bà già vô hại này thực ra lại là một mụ đàn bà cuồng điên khỏa thân và mang vớ sexy bên dưới áo khoác đi mưa? Tôi cố hết sức kìm chế mới không mời bà ta mua lấy một trong những dụng cụ thuôn dài để mát xa mặt, như ta vẫn thấy trong các catalogue giới thiệu đồ trang điểm cá nhân.

Toàn bộ trò xiếc này là vì Henri của tôi cao một mét chín mốt, tóc màu nâu sậm, hết sức đẫy đà, và chỉ cần cổ áo sơ mi hơi phanh ra là để lộ ngay một đám lông lá ken dày. Vậy mà, vì một lý do tôi không tài nào hiểu nổi, dường như hình ảnh này lại khiến đám phụ nữ (trừ tôi) ngây ngất như lên đồng. Liệu đó có phải kiểu phản xạ có thể so sánh với phản xạ ở nam giới khi nhìn thấy một bộ ngực đầy lấp ló sau cổ áo khoét sâu? Tôi tự hỏi mình thế.

Nhưng tôi cứ nói mãi nói hoài mà quên hẳn cái khoản tự giới thiệu.

Tên tôi là Déborah assouline, năm nay ba mươi ba tuổi (chưa đến tuổi phải nói dối chuyện tuổi tác). Để giới thiệu ngắn gọn về bản thân, tôi cao một mét sáu bảy, nặng năm mươi ba cân (không phải vào thời điểm này, đồng ý, nhưng cân nặng của tôi đã từng có lúc như thế). Tóc tôi màu nâu, tôi đã ly hôn với một gã tên là Jean- Louis de Montmarchay, cách đây tám năm tôi đã sinh ra một cô bé tên là Héloïse (bằng phương pháp gây tê màng cứng), cách đây sáu năm tôi lại sinh thêm một cô bé nữa tên là Margot (không dùng phương pháp gây tê màng cứng ), và từ hơn hai năm nay tôi sống với một người đàn ông tên là Henri ba mươi tư tuổi, bản thân anh là cha của một cô bé tên là Diane, mười ba tuổi (có được mà không cần gây tê màng cứng màng mềm gì hết và không hề đau đớn, như mọi đàn ông trên đời này).

Tối nay, chúng tôi được mời đến ăn tối tại nhà Roxane, cô bạn cực thân của tôi.

Và riêng lần này, RIÊNG LẦN NÀY, một niềm vui sướng vô hạn bóp nghẹt tim tôi vì tôi có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn rằng tôi có thứ gì đó để diện.

Đó là một chiếc áo len mỏng ôm sát, màu đỏ có đính trang kim kín đáo, cổ áo khoét rộng sang hai vai, điểm xuyết một bông hoa nhỏ thêu bằng chỉ vàng. Đơn giản là một kỳ quan vừa được khám phá ngày hôm kia trong một cửa hàng Trung Hoa nhỏ xinh mà chỉ mình tôi biết.

Phía dưới tôi chọn một chiếc quần âu rộng rãi màu đen, che rất khéo những vết loạn dưỡng mô…. loạn dưỡng mỡ… loạn dưỡng mô mỡ phụ nữa… ờ thì… loạn dưỡng mô mỡ phụ nữ… rốt cuộc là những vết mỡ sần của tôi, chứ sao nữa.

Tôi đang mặc áo lót thì Margot đẩy cánh cửa phòng tắm, quan sát tôi vài giây rồi bảo:

– Mẹ ơi… có phải tất cả phụ nữ đều mặc một thứ như mẹ đang mặc, kia kìa, trên ngực mẹ ấy?

Tôi (chỉnh lại dây áo). – Gì cơ, áo lót à?

Margot. – Vâng, đúng đấy ạ.

Tôi. – À không, cái đó còn tùy. Mẹ cho là có những phụ nữ không mặc đến, khi họ không có nhiều ngực lắm…

Margot (vừa đi khỏi vừa nhún vai). – Mẹ ơi, mẹ đúng là toàn nói những điều vô nghĩa lý, dĩ nhiên là họ không có nhiều ngực rồi. Họ chỉ có hai bên ngực, như tất cả mọi người thôi chứ!

Từ đó trở đi phần ngực ở trong tình trạng không trọng lực, đến lượt con gái cả bước tới lẳng lặng nhìn tôi chăm chú khi tôi đang kẻ cho mình một đường viền sát mi mắt, mũi tì vào tấm gương gắn phía trên bồn rửa.

Liếc nhìn con bé trong gương, tôi thấy nó đang nhại điệu bộ của tôi.

A ha, con muốn chơi trò đó hả con yêu? Tuýt: bắt đầu nhé một cuộc đua các kiểu nhăn nhó.

Những cú lé mắt dữ dội, lưỡi thè lè dài tận yết hầu, cười nhe nhởn kiểu “đói khát cùng cực” (vô cùng khó, cần hai bàn tay hỗ trợ thêm), ai nấy đều kiên quyết không từ bỏ bất cứ nỗ lực nhăn nhó nào để chiến thắng.

Héloïse sắp giành phần thắng nhờ một vẻ mặt đặc biệt: vén môi trên, sao cho chỉ mình môi trên gí sát vào cánh mũi phải (vẻ mặt có tên “Héloïse khéo léo”). Thế nhưng chính tôi mới là người thắng cuộc bằng một cái bĩu môi ngắn ngủi, nhờ một kỹ thuật cá nhân khó tả có tên “miệng của cá bơn kinh ngạc”, hiệu ứng kỹ thuật cộng thêm đôi môi màu tôm hùm đã đem về cho tôi chiến thắng.

Cô búp bê của tôi đi khỏi trong tâm trạng vui sướng.

Còn tôi phải lo sửa sang lại lớp trang điểm của mình.

Cuối cùng cũng đã sẵn sàng.

Tôi đã đeo mắt (nghĩa là đeo kính áp tròng ), tóc mái đã sạch bong, và đôi hoa tai của tôi lấp lánh một cách quý phái (mua ở H&M với giá mười euro, nhưng tôi khiến chúng trông như đồ Cartier vậy).

Hai nhóc tì của tôi đang ở trong phòng ăn và cùng Jonathan biến những chiếc pizza tôi đặt mua thành một bữa tiệc, nó đến trông lũ nhóc để đổi lấy quyền độc chiếm vô hạn định đối với chiếc điều khiển ti vi.

Các bạn biết Jonathan chưa nhỉ? Thằng em hai mươi chín tuổi của tôi, cố hết sức bám lấy căn hộ gia đình mà nó không muốn xa rời, vì niềm hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ chúng tôi (không, tôi huyên thuyên đấy). Thằng em tôi khoảng chừng bảy tuổi khi lần đầu tiên mẹ tôi yêu cầu nó đi xếp dọn phòng riêng của nó và nó liền suy ra rằng đó sẽ là phòng riêng của nó trong suốt phần đời còn lại. Ôiii, thằng em đáng ghét. Nên nhớ là, dù thế nào tôi cũng vẫn yêu thương nó. Nhất là khi nó cứu nguy cho tôi bằng cách trông hộ tôi lũ trẻ. Tôi cũng tín nhiệm nó nhất trong nhiệm vụ này, vì khi đã liên quan đến vấn đề phòng thủ lãnh thổ của nó, ta sẽ không bao giờ tìm đâu ra người tốt hơn.

Henri bước vào phòng tắm đúng lúc tôi làm tóc xong, anh quan sát tôi vài giây rồi mỉm cười.

– Em đẹp lắm, anh bảo. Em toàn làm đẹp thế này vì người khác thôi, chẳng bao giờ vì anh cả…

Luận chiến cũng để làm gì đâu? Dĩ nhiên câu đó sai lè lè. Thường ngày đi làm tôi cũng trang điểm đấy chứ. Và bao giờ anh chẳng có mười phút tận hưởng vẻ đẹp đó trước khi tôi ra khỏi nhà.

Anh không thấy được khía cạnh tốt đẹp của sự việc: mối quan hệ giữa chúng tôi lâu bền đến mức đây là người đàn ông duy nhất tôi cho phép ngắm tôi trong toàn bộ ánh sáng chói lòa của sự trần trụi da thịt. Nghĩa là không phấn nền, là răng chưa chải, và gợi cảm ngang với một cây xương rồng. Lẽ ra anh nên hãnh diện mới phải chứ.

Đến lượt tôi săm soi anh: chà chà, cũng tạm.

nói gì thì nói, vì nét độc đáo duy nhất trong trang phục của anh là ở chỗ đổi màu cà vạt nên người ta chẳng thể nhận rõ được sự khác biệt.

Dĩ nhiên, anh không quên xịt cả lít nước hoa như mọi ngày. Việc này đã trở thành nỗi ám ảnh trong anh: anh xịt nhiều đến độ bầu không khí sau mỗi bước chân anh trở nên dễ bắt lửa đến là nguy hiểm.

Tôi chạy vào phòng ngủ, lục trong túi xách để xác nhận là tôi đã không quên vỉ thuốc (loại bổ sung vi chất dùng hàng ngày vào giờ cố định; có trình bày cụ thể thì cũng vô ích, trong chuyện này, tôi không còn đúng giờ như cái đồng hồ biết nói nữa).

Điện thoại di động của tôi đổ chuông: là cô nàng

Daph né bạn tôi.

Sau khi giơ tay ra hiệu cho chàng tóc xoăn cao lớn đang sốt ruột chờ đợi, tôi nhận cuộc gọi, rồi chúng tôi cười rúc rích với nhau vài phút về buổi siêu âm mà cô nàng vừa trải qua hồi chiều (…à phải rồi, bởi vì cô nàng đang có bầu mà!)

Daphné có một nỗi ám ảnh là sinh vật nhỏ bé đang lớn lên trong bụng cô nàng có đôi bàn tay hộ pháp giống hệt mẹ chồng cô nàng. Ám ảnh ấy lớn đến nỗi cô nàng còn hình dung đứa trẻ có những ngón tay khổng lồ hình khúc dồi. Bác sĩ thở dài, giải thích giai đoạn này phôi thai mới chỉ dài bốn milimét, nếu nó có tay thì thật là kỳ khôi, nhưng vô ích, Daphné chẳng muốn nghe gì hết. Cô nàng cứ nhất quyết gạn hỏi bác sĩ cho ra nhẽ, đến mức khi bị hắt hơi, cô nàng bất thần són một phần trong số nửa lít rưỡi nước đã uống trước khi vào siêu âm, ngay trên giường khám…

Henri không thích chờ đợi một khi anh đã xong xuôi đâu vào đấy, và anh càng không thích khi tôi cười đùa với ai đó không phải là anh. Thế nên anh đứng lừng lững sau lưng tôi rồi nói: “Đừng cử động, có một con nhện trên người em, đây này.” Dĩ nhiên là tôi không tin (tôi đâu phải một cô nàng tóc nâu giả hiệu cơ chứ), rồi tôi tiếp tục cười vui vẻ qua điện thoại. Nụ cười của tôi chợt biến thành tiếng thét chói tai khi anh bắt lấy rồi đưa cho tôi xem con nhện ban nãy quả thật đã bò trên lưng tôi… và thực ra đó là một mụn vải màu đen đã xù lông.

Tôi liền ngắt máy để rảnh tay đánh anh tới tấp.

Ngồi lên xe rồi, như thường lệ, Henri càu nhàu rằng vì tôi mà chúng tôi sẽ rơi vào cảnh tắc đường. Xin lỗi nhé anh yêu, lần sau em hứa sẽ đề nghị Roxane tổ chức bữa tối tại nhà lúc ba giờ chiều, khi ấy mọi chuyện sẽ ổn cả.

Ngồi trên ghế trước, lấp ló sau một bó lay ơn lùm xùm mua tặng nữ chủ nhà, tôi âu yếm ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của người yêu.

Cái mũi của anh, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ quen được.

Trái lại, tôi rất thích cái miệng nhỏ xinh tươi tắn

với hai hàm răng trắng muốt thẳng tắp, chỉ đúng hai chiếc răng cửa là hơi dài hơn một chút. Chúng đem lại cho anh vẻ trẻ trung (của loài thỏ) mỗi khi anh cười. Đôi tai anh đặc biệt nổi bật. Kỳ lạ thật, bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy. Tôi sẽ nhay chúng thật kỹ, chính thế.

Cặp lông mày của anh, dào ôi, chả theo kiểu nào hết. Nói cho cùng, toàn bộ lợi ích của chúng nằm trong việc anh có thể khiến mỗi bên cựa quậy độc lập với nhau. giống như hai cánh mũi, ngoài ra (cái này phải tận mắt nhìn mới tin được) còn giống cả hai tai nữa. Gã này dư sức đóng thế Jim Carey trong những pha diễn biểu cảm bằng nét mặt.

Henri sở hữu một cung lông mày hơi thấp (đúng là anh chàng “nhanh lên không thì chúng ta sẽ rơi vào đám tắc đường mất” của riêng tôi), cùng mái tóc nâu, xoăn và đã thoáng có sợi bạc, mà tôi chỉ chịu đựng nổi khi được cắt ngắn.

Nhưng điều khiến tôi ngưỡng mộ ở anh chính là ánh mắt sát nhân. Lạnh lùng và ấn tượng. Có đến hàng nghìn biến thể tinh vi khác nhau để diễn tả tâm trạng của anh, mà tôi vẫn thường khoe khoang mình là người duy nhất biết cách giải mã trong thời điểm hiện tại. Tôi thích khi ánh mắt đó hướng về tôi, rồi khi gặp mắt tôi, mắt anh như rạng lên một nỗi âu yếm vô bờ bến, tựa lời tỏ tình thầm lặng.

Dịu lòng với ý nghĩ này, tôi nghiêng người để cùng nhìn thứ đã khiến anh chăm chú từ lúc dừng xe trước đèn đỏ.

Đó là Milla Jovovitch.

Hầu như trần truồng (chỉ mặc chiếc váy ngắn cũn), nụ cười sắc lẻm, cô nàng tạo dáng vô cùng sexy trên một tấm áp phích quảng cáo cho sản phẩm gì tôi không rõ (và nên vậy thì hơn, vì tôi sẽ không đời nào mua sản phẩm đó).

Khi ra khỏi thang máy, cơn thịnh nộ của tôi vẫn chưa nguôi. Chúng tôi đang thấp giọng cãi nhau trước cửa nhà Roxane.

Tôi (run lên vì cơn giận cố kiềm chế). – KHÔNG! Em mặc kệ, vì anh chiếu tướng cô ả đó đến lồi cả mắt ra cơ mà! Đây chỉ là vấn đề nguyên tắc thôi! anh không thấy phiền khi sỉ nhục em bằng cách đó ngay trước mặt em à? Anh cóc cần biết cảm xúc của em ra sao phải không?!

Henri (quan sát tôi như thể tôi đang lên cơn cuồng loạn). – Nhưng đó chỉ là một BỨC ẢNH thôi mà! Em sẽ không làm mình làm mẩy với anh chỉ vì một bức ảnh chứ?

Tôi (“ai mà thèm quan tâm”). – VÂng, vậy mà từ khi quen em, anh CHƯA BAO GIỜ nhìn em như thế cả!!

Henri (giễu cợt). – Em muốn anh nói sao đây? anh luôn thấy cô gái này đại diện cho ngoại hình hoàn hảo tuyệt đối mà…

Tôi (hét lên trong lúc vẫn nhỏ giọng ). – NHƯNG TẠI SAO ANH CHẲNG BAO GIỜ THẤY NHỮNG CÔ GÁI GIỐNG NHƯ EM LÀ ĐẸP HẢ?!?!

Anh ấn chuông cửa trước khi tôi kịp ngăn lại. Và được cứu thoát bởi tín hiệu chuông vừa vang lên. Cửa mở toang, Roxane xuất hiện, lộng lẫy và trau chuốt trong chiếc váy lụa dài màu xanh.

Cô nàng hét toáng lên để mời chúng tôi vào nhà cứ như thể đôi bên đã bặt tin nhau từ mười năm nay:

– Aaaaaaaaaah! Déborah, Henri, các bạn tôiiiiii! Cặp đôi tình tứ nhất mà tôi từng biết! Vào đây, vào đây đi nào các tình yêu!

Với tốc độ ánh sáng, những thớ cơ siêu căng trên mặt tôi nhăn tít lại để trưng ra một nụ cười rạng rỡ hợp tình huống. Tôi cũng thốt lên một tiếng “aaaaaaah!” đầy vui sướng rồi gieo mình vào vòng tay của cô bạn, ôm thật chặt như thể mình vừa từ chiến trường trở về. Tôi nhận ra Henri đang ngước mắt nhìn lên trần, trong khi Roxane và tôi tỏ điệu bộ ôm hôn nhau, má chúng tôi chỉ lướt nhẹ qua nhau để không ảnh hưởng đến lớp phấn hồng. Rồi cô nàng chào Henri bằng một tiếng “aaaaaaah!” chói tai khác, anh bắt tay Roxane rồi bắt cô nàng xoay một vòng trước mặt anh để tặng cho cô nàng vô số lời khen.

Nụ cười của tôi co rúm lại theo cách khó nhận thấy. Có vẻ như Henri đã quyết định buộc tôi phải trả giá cho màn ghen tuông ban nãy. Thậm chí chẳng thèm sợ gì. Roxane là cô nàng có thân hình bốc lửa, cô ấy đã quen với việc được xưng tụng rồi, nghe thêm hàng tràng nữa cũng chẳng hề hấn gì. Vốn là cựu người mẫu, hiện tại là người vợ chẳng thiếu thứ gì của một doanh nhân giàu sụ (nhưng hơi già), giờ cô nàng chỉ biết tập trung thời gian vào việc nuôi dạy đàn con đông đúc của mình.

Vả lại cô nàng thì ngược lại, không giống cái ả Milla Vôduyênvích kia: tôi biết Roxane sẽ không bao giờ hớt tay trên bạn trai của tôi.

Bữa tối hôm nay được tổ chức để ăn mừng một bản hợp đồng béo bở vừa được ký, các khách mời có mặt hầu hết đều là doanh nhân đi cùng vợ. Những nhân vật quan trọng, mà tôi không nhớ kỹ được chức vụ khi nghe họ giới thiệu, nhưng chuyện đó không quan trọng: nếu tôi tỏ ra chú tâm khi họ thảo luận với Henri thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Thực ra, tôi chắc mẩm rằng Roxane mời chúng tôi đến dự là để khỏi phải buồn chán với các đồng nghiệp của Nicolas, chồng cô nàng. Nhưng ngay lúc này đây, cô nàng chuyên bỏ rơi bạn bè ấy đang ở rịt trong bếp để chỉ dẫn cho cô giúp việc.

Khi đi qua bàn, tôi nhận ra cô giúp việc này đã được huấn luyện với một sự tinh tế lên đến đỉnh điểm.

Tôi đang thấy sờ sờ ra đây. Số lượng các món ăn cầu kỳ mà chúng tôi được phục vụ tối nay sẽ tỷ lệ nghịch với con số khó tin những bộ đồ ăn bày quanh mỗi đĩa.

Tôi thầm ước bọn trẻ ở nhà vẫn còn để dành một ít pizza cho mẹ chúng.

Ngồi sâu vào một góc tràng kỷ, miệng nhấm nháp đào lộn hột, tôi nhìn lướt qua các khách mời đang vừa đứng uống cocktail vừa cười vang.

– Không phải chứ? Ý anh là tháng Bảy vừa rồi anh ở Saint-Barth hả? aaaaaaaaah! Trùng hợp thế nhỉ! Tôi cũng ở đó đấy, có lẽ chúng ta đã chạm mặt nhau rồi cũng nên, ahahahahaha… (Tôi không thấy có gì đáng cười trong chuyện này hết.)

– Nghe này anh bạn, nói riêng với anh thôi nhé, anh đang sai lầm nghiêm trọng đó. Tin tôi đi, nếu muốn đầu tư anh nên mua cổ phiếu của blablabla (suỵt, đoạn này tôi không nghe thấy gì đâu đấy)…

Phòng khách rộng mênh mông theo phong cách nhà khách chính phủ, với những bức tường màu lông gà con trang trí tranh của các danh họa, rộ lên hàng chục cuộc chuyện trò lôi cuốn như thế.

Những giọng người trò chuyện không hề tự nhiên nghe mới buồn cười làm sao. Vắt vẻo trên cao, chúng mượn những cách chuyển giọng vừa học đòi làm sang vừa ngạo nghễ. Tôi tự hỏi liệu họ có dùng đến cái giọng làm ra vẻ trịnh trọng như thế khi nói với bậc sinh thành ra họ hay không: “Vì các thánh thần, mẹ ơi, con van mẹ với chút nghị lực cuối cùng, hãy nhận lời trải qua một khoảnh khắc cùng với hậu duệ đang kêu đòi mẹ thống thiết… (Rồi, giọng bình thường:) Đi mà mẹ. Nào, xin mẹ đấy, đồng ý đi, tối nay mẹ qua trông lũ trẻ giúp con nhé?…”

Henri, anh chàng kỹ sư tin học của tôi với chất giọng đẹp và ấm, đang liếc xéo tôi như muốn nói: “Chính em đã muốn tới đây đấy nhé, vậy nên chớ có than vãn”, trước khi quay sang người đang đứng bên phải để tiếp tục tán gẫu. Người đối thoại với anh, một gã hói mặt đỏ như vang chừng năm mươi tuổi, có vẻ lắng nghe như nuốt lấy từng lời của anh. Lẽ thường tình, phần đông mọi người không hiểu gì về các công nghệ mới, vậy nên dĩ nhiên là thứ đó thôi miên họ.

Tôi nhớ có lần, trong bữa tối, đối diện với một gã biết chút ít về tin học và hay hí hoáy sửa chữa đang chém gió không ngừng, Henri bèn bịa ra những cụm từ nghe như thuật ngữ chuyên ngành để nói với gã. Và gã vô học kia, để không mất mặt, liền vờ như biết những cụm từ ấy rất rõ! Vậy là chúng ta có một cuộc trò chuyện kiểu này:

– Nghe này, về mặt web xít ca ấy mà…

– … Về?

– Web xít ca ấy. Hệ thống web mới dưới nước hoạt động xuyên các biển trên thế giới ấy…

– À vâng, xin thứ lỗi! Web xít ca! Không, tôi lại nghe thành từ gì khác cơ, chính vì thế nên mới không hiểu, ừ đấy…

– Vậy, tôi đang nói rằng xét từ quan điểm công nghệ, việc các octet chín bit lên ngôi đã hoàn toàn thay đổi cục diện…

– Vâng, rõ rành là thế.

– Nhất là các xã hội châu Á đang biến nó thành một ứng dụng dành cho bệnh nhân! Khoan đã, đối với toàn bộ những gì là đổi mới công nghệ, cần phải nhận ra điều hiển nhiên: tương lai đến từ uzbekistan…

– Ơ vâng, và từ Nhật Bản…

– Anh đùa chắc? Theo anh thì ai đã phát minh ra ngôn ngữ lập trình “C+ tốt hơn”? Người nhật chăng?

– Vâng… Anh đã nhắc chuyện đó thì…

– Ai đã phát minh ra máy in chạy nước ép trái cây có giá thành hạ hơn nhiều so với máy in dùng ống mực?

– Ừm, được, theo cách nào đó thì chuyện này còn ngăn…

– Ai đã phát triển loại chuột dùng điều khiển từ xa khiến cả thế giới tranh giành nhau vào lúc này? Mà anh cũng tậu được một con để trang bị cho máy tính cá nhân rồi chứ? Bởi vì hình như đâu đâu cũng thấy hết hàng rồi thì phải…

– Anh đùa sao. (Húng hắng ho.) Dĩ nhiên là tôi đã kịp tậu rồi. Thậm chí còn màu tím nữa cơ.

Trên quãng đường về, khỏi nói là chúng tôi đã cười lăn cười bò thế nào…

Nhưng tốt thôi. Tối nay, dường như Henri đã quyết định trò chuyện với ông hói kia mà không đùa cợt gì hết. Viễn cảnh tương lai quả là đáng chán.

Đang ngoắc vào cẳng tay ông năm mươi tuổi đó là một sinh vật có phần lòe loẹt, ngụy trang bằng đồ trang sức, theo cách khiến ông ta cảm thấy khó khăn kinh lên được khi muốn đưa ly whisky lên miệng (cô gái kém ông ta dễ đến hai mươi lăm tuổi, đó hẳn phải là một gã giàu có).

Ôi trời, người đàn ông đó vừa mở miệng và tôi nhận thấy hàng răng giả. (Rốt cuộc, đó hẳn là một gã cực kỳ giàu có.)

Sau khi đã chớp mi khoảng hai trăm lần, mắt trợn tròn đến phát sợ còn miệng thì há hốc nghe Henri nói (như thể cô ta hiểu được điều anh đang nói), cô gái quay sang tôi đầy duyên dáng rồi hỏi tôi làm trong lĩnh vực nào. Tôi mỉm cười, đáp rằng tôi từng làm trợ lý cho một doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nghỉ việc, lúc này tôi đang tìm một công việc mới. Thậm chí cô ta còn không cố gắng nghe tôi nói cho hết câu, cô ta bỏ dở ở từ “trợ lý” rồi để tôi nói nốt câu trong một tiếng thở dài. Cô gái quay trở lại với cuộc trò chuyện giữa Henri và chồng cô ta, cô ta nhìn ông chăm chú, như bị chinh phục, rồi quay sang hết người này đến người kia, như thể đang theo dõi một trận tennis.

Tôi nhúp thêm một nắm đào lộn hột.

Bỗng nhiên, tôi ngẩng mặt nhìn lên và nhận ra cô nàng đó.

Một cơn rùng mình kinh hãi chạy dọc xương sống tôi.

Cô nàng cao lớn, xinh đẹp, tóc vàng cắt ngắn, đôi chân tuyệt đẹp lộ ra dưới lần váy ôm khít, càng được tôn bật nhờ loại xăng đan cao gót mà tôi không bao giờ có thể đi nổi (vì hay bị chóng mặt).

… Và nhất là, cô nàng đang mặc một chiếc áo chui đầu giống hệt cái tôi đang mặc!!

Ôi không. Nhưng tại sao lại có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần mặc cái áo giống hệt như tôi cơ chứ? Trên người tôi thì cái áo trông chẳng khác nào hàng hạ giá.

Tôi đứng dậy để đi vào bếp với Roxane, và có lẽ mượn luôn cô bạn một cái tạp dề.

Nhưng cô nàng tóc vàng xỉn đã nhìn thấy tôi. Chúng tôi nhìn nhau vẻ dò xét từ trên xuống dưới.

Tôi không khỏi bụng bảo dạ: “Cô nàng này mặc chiếc áo giống mình thật đẹp, hoàn hảo luôn. Vòng một mình to nên các chi tiết đính vảy cứ bó sát vào trông thật tầm thường… lẽ ra mình nên mặc thứ gì đó khác mới phải.”

Dầu gì cũng vẫn bĩu môi kiêu hãnh, tôi rảo bước đi ra xa.

Nhếch mép cười khinh bỉ khi nhìn thấy tôi đi qua, cô nàng búp bê Barbie quay sang rỉ tai chồng: “anh có nhìn thấy chiếc áo chui đầu giống của em mà cô kia đang mặc không, trông sexy nhỉ? Trông em sẽ như thế nào với cái áo này ôm sát bộ ngực lép kẹp của em? Lẽ ra em nên mặc một cái áo khác mới phải…”

Khi chúng tôi ngồi vào bàn, tôi quay sang ghé tai Henri nói rằng tôi bị mệt nên không muốn chúng tôi nấn ná lâu. Anh nhún vai. Anh cũng đâu có muốn đến, anh đi cùng để tôi vui đấy chứ (và cũng bởi tôi đã dụ dỗ anh nữa).

Sinh vật nhân bản vô tính của tôi (nhưng mang nhiều đặc tính trội hơn), ngồi ngay đối diện tôi, tay đang máy móc che xương đòn vì sợ lộ ngực. Khi bốn mắt giao nhau, tôi nhận ra chính tôi cũng đang ở trong tư thế hệt như cô ta. Chúng tôi liền ngoảnh đi ngay, ngượng ngùng, hạ tay xuống.

Cuối cùng Roxane cũng tới ngồi cạnh tôi, và không phải là quá sớm vì suýt nữa thì tôi phải đợi. Đó là thời điểm Jean-Paul, một vị giám đốc tài chính khoảng bốn mươi tuổi dao động giữa tầm thường-xấu và xấu-tầm thường, chọn để khởi xướng cuộc trò chuyện với chồng nàng người mẫu áo chui đầu, có vẻ như là một nhà văn tên tuổi. Xúc động vì được trao đổi với vị này vài lời, Jean-Paul nhiệt tình tán tụng anh ta. Trước thái độ hoàn toàn dửng dưng của nhà văn, tôi cực kỳ muốn hỏi xem vị tác giả kia viết gì nhưng giác quan thứ sáu mách bảo tôi rằng anh ta sẽ không thích thú gì chuyện đó. Dẫu sao chăng nữa, gã này có vẻ đã mất hết khả năng nhận thức về bản thân rồi.

Gã có vẻ thuộc típ người yêu cầu tài xế riêng ngồi ký vào thủ bút thay mình.

Sự nổi tiếng là một thứ luôn khiến tôi băn khoăn. Giá mà người ta giải thích cho tôi hiểu vì sao mọi người lại ngây ngất ngưỡng mộ những gã được trả hàng đống tiền để làm những công việc ngon ăn nhất trần đời: lầm rầm hát nhép đĩa thu sẵn, viết những câu chuyện về lũ trẻ đi học (những tên phù thủy), diễn trò hề trước máy quay… Thật vậy chứ còn gì nữa. Tại sao người ta không bao giờ xin một tấm ảnh với lời đề tặng của vị bác sĩ đã phẫu thuật viêm ruột thừa cấp cho con cái họ, cũng có nghĩa là đã cứu mạng đứa trẻ đó?

Hoặc tại sao người ta chỉ muốn ve vãn lính cứu hỏa thay vì dán poster của họ trong phòng ngủ, họ chính là các siêu anh hùng trong cuộc sống thường ngày chứ đâu?

Và cả đống người hâm mộ rú lên cuồng nhiệt trước những nữ ca sĩ có tài năng gây ngạc nhiên đến mức buộc phải tạo dáng không khác gì các diễn viên chuyên đóng phim khiêu dâm để bán được nhiều đĩa hơn… Như vậy chẳng phải các dây thanh quản bị phá hỏng không vì cái gì hết sao?

Thực chất, nếu tôi hiểu rõ quan niệm phổ biến trong thế giới của các ngôi sao thì đó chính là lao động cực nhọc để được nổi tiếng, và một khi đã nổi danh rồi thì lại phải núp đằng sau những cặp kính râm để không ai nhận ra.

Nhất trí. Vậy ai là người đã tạo ra quan niệm đó? Một nữ minh tinh tóc vàng hoe chăng?

Những người nổi tiếng được đối xử như các vị thần, không hơn không kém.

Để ý mà xem, chuyện hết sức thường tình: mỗi lời họ nói (dù có nhạt nhẽo vô vị đến đâu) cũng sẽ thu hút được hàng nghìn người, thông qua trung gian là các tạp chí, truyền hình hoặc các DVD tặng kèm. Hãy hình dung những lời bình luận của chủ tiệm bánh nơi bạn hay mua về nghề nghiệp hoặc cuộc sống tình cảm của chính bà ta được đăng thường xuyên trên tờ Gala. “Lucette Dubouchon thổ lộ: ‘Bánh mì dùng nóng bao giờ cũng ngon hơn!’” Và một bức ảnh chụp người phụ nữ tử tế ấy đang cầm một chiếc bánh mì dài, ngón cái giơ lên. “Lucette Dubouchon tiết lộ: ‘Với René, chuyện ấy diễn ra nhiều hơn trước kể từ khi ông phẫu thuật tiền liệt tuyến…’” Tiêu đề được lấy làm lời bình cho bức ảnh chụp nghệ nhân làm bánh đang nằm dài trong phòng sau cửa tiệm, môi chúm lại, một vạt áo liền quần thò ra như trêu ngươi khỏi áo blouse khoác trong lúc làm việc. (Dừng lại đi, tôi không chịu nổi nữa rồi, khêu gợi quá mức.)

Dù sao sau đó, vẫn có những kẻ thích khổ dâm xin chữ ký của Lucette Dubouchon lên túi đựng bánh sừng bò!

Đồng ý. Đôi khi (đôi khi thôi nhé), nhiều năm sau một dòng thủ bút vẫn là quá đẳng cấp.

Hãy hình dung một người bạn học, khi bạn mười hai tuổi, vẽ ngoáy một bức tranh vào vở chép bài của bạn, rồi ghi chú bên dưới: “Dành tặng người ấy, bạn cố tri, cảm ơn vì đã ném phao cho mình trong giờ anh ngữ! Bébert đã ký.” nếu như, vài năm sau, Bébert ấy phát minh ra thuyết tương đối thu hẹp rồi thè lưỡi tạo dáng chụp ảnh không công, OK, ta có thể xem xét việc nổ tới bến trước lũ con cháu trong mọi bữa tối giáng sinh (hoặc lễ Hanukkah[7]) suốt phần đời còn lại. (“aaaah, albert, cái tay kẻ cướp ấy. Ta đã dạy cho hắn mọi điều. Ý ta là bằng anh ngữ ấy mà.”) nhưng trường hợp khác thì thế nào đây? Phải thực tế đi thôi. Một thủ bút của Ève angeli[8] hay của Gérard Miller[9], thậm chí là sau năm mươi năm, cũng vẫn vô giá trị.

Thật điên khi hình dung ra cảnh trên hành tinh này có những kẻ tin rằng xét về mặt sinh lý thì trên mũi Catherine Deneuve không thể xuất hiện, tại một thời điểm nào đó trong ngày, một cục gỉ mũi mà bà không hề hay biết. Ý tôi là, trong phòng tắm nhà mình, Benjamin Castaldi cũng tự mình ngắm nghía cái thứ anh vừa dùng tăm bông ngoáy ra từ tai, dù anh ta có Benjamin Castaldi[10] cỡ nào chăng nữa!

Tôi nghĩ đã tới thời điểm nhân loại bước vào kỷ nguyên tiết lộ: màu cam chói lọi ấy, kỳ diệu thay, không còn mọc trên đầu Mylène Farmer nữa kể từ khi nữ ca sĩ này lọt vào bảng xếp hạng Top 50. Cô nàng nhuộm tóc! Chứ còn gì nữa! (nghĩa là mỗi tháng một lần, cô ấy trông cũng kỳ quặc chẳng khác gì bạn và tôi trong tiệm làm đầu với mớ tóc cuộn trong lớp giấy nhôm. Nhất là, hãy tỏ ra tử tế chứ đừng có lăn ra ngất xỉu hàng loạt đấy nhé.)

Ấy thế mà, những người nổi tiếng lại còn hay hẹn hò với nhau nữa chứ. Người này bị tiếng tăm của người kia làm cho lóa mắt. Thật kinh khủng khi sau đó, phải dõi theo những cuộc tình lầm lạc của người cũ trên tờ Voici. Bạn lên mặt ta đây với đám bạn gái vì đã khiến trái tim của chàng ca sĩ hát chính trong nhóm affaire Louis Trio tan vỡ ư? Vậy thì đây nhé: nhờ chính cuốn tạp chí ưa thích của bạn, cả nước Pháp sẽ biết chuyện chàng ta đang giải khuây trong vòng tay một cô nàng có nhan sắc mỹ miều hơn bạn. Cơ may duy nhất để bạn gỡ lại danh dự ư? Hãy để mọi người bắt gặp bạn đang tán tỉnh một chàng diễn viên người Mỹ điển trai khiến người cũ ghen đến hộc máu mũi, vân vân. Tóm lại, ta không thể nào thoát ra được. Bài học rút ra: tôi vô cùng hài lòng khi thủ bút duy nhất người ta đòi hỏi ở bạn trai tôi là trên sổ điểm của con gái anh ấy.

Cuộc sống với Patrick Bruel[11] hẳn sẽ khiến tôi ngán đến tận cổ.

Tôi nhìn thấy ngồi đối diện với mình là một ông chuyên viết sách đang tỏ thái độ hết sức tự mãn, thế nên tôi quyết định kiêu hãnh lờ tịt ông ta đi.

Chuyện này sẽ khiến ông ta thấy lạ, hẳn ông ta không quen bị mọi người lờ đi.

Mà này, có khi nào làm vậy lại khiến ông ta chú ý tới tôi không nhỉ? Bằng cách tự hỏi người thiếu phụ bí hiểm tóc nâu, đôi mắt tràn ngập vẻ thờ ơ nhuốm sắc sầu muộn khôn lường và đang cẩn trọng lẩn tránh ánh mắt của ông ta kia là ai?

Mà có lẽ ông ta đã chú ý tới tôi nãy giờ rồi, vì tôi mặc chiếc áo pull giống hệt vợ ông ta còn gì.

Cô vợ khêu gợi của ông ta quả đã để ý Henri của tôi nên hau háu đánh mắt sang anh, trong khi tôi thì vừa quan sát chồng cô ta vừa tự hỏi không biết mình đã gặp người này ở đâu. Henri còn chưa nhận ra ánh mắt đang dán chặt vào mình. Anh đang tán gẫu lịch sự với người phụ nữ ngồi kế bên phải.

Bữa tối càng trôi đi và những cái dạ dày càng đầy bao nhiêu (vả lại cũng không nhiều nhặn gì, ơn trời, nhờ có nghệ thuật ẩm thực kiểu mới) thì bầu không khí lại càng sôi nổi bấy nhiêu. Những cuộc chuyện trò bắt đầu râm ran.

Về phần mình, tôi được lựa chọn giữa chuyện phiếm với Henri ngồi bên phải tôi (chẳng có gì thú vị, lúc nào mà tôi chẳng làm thế kia chứ), đang nói chuyện với cô nàng mặc áo nhái ngồi đối diện (chẳng thà tôi nói chuyện với Henri còn hơn), hoặc với Roxane ngồi bên trái tôi.

Roxane cười rinh rích với người đàn ông ngồi cạnh cô nàng, tôi cúi gằm nhìn miếng bánh mì trong đĩa của mình, vừa nhai vừa tỏ vẻ đang mê mải nghiên cứu kết cấu vỏ bánh.

Tôi ngẩng đầu lên khi cô bạn thân thúc nhẹ khuỷu tay rồi thì thào:

– Cậu vào bếp với tớ không? Để xem cô giúp việc có đang chén sạch bách đống bánh ngọt tráng miệng không ấy mà.

Cái câu mã hóa đó thực ra có nghĩa là: “Mau vào đây, tớ cần kể cậu nghe một chuyện!”

Chẳng đợi nhắc đến lần thứ hai: tôi đã đứng phắt dậy trong khi Roxane còn đang nhìn những người ngồi xung quanh với ánh mắt hối lỗi, đẩy ghế lùi lại rồi thanh lịch vươn thân hình dong dỏng đang bó khít trong lớp lụa màu xanh da trời.

Vào đến bếp, chúng tôi chờ đến khi cô giúp việc đi phục vụ các món ăn khác rồi mới bắt đầu buôn dưa.

Roxane (tì hai tay lên mặt bàn bếp). – Thế nào, ổn cả chứ? Buổi tối nay cậu thấy thoải mái không?

Tôi (lịch sự). – Tuyệt vời! Thế còn cậu, cậu vui chứ?

Roxane (sướng mê tơi). – Ôiiiiii… tớ thì… phải rồi, tớ vui lắm, có thể nói là vậy. (Cô nàng vén tóc ra sau.) Tớ khoái chuyện trò với Mathias. Nghe này, đến chết vì cười với anh chàng ấy đấy! anh ấy nhộộộn lắm! Mà nhìn cũng ngon giai nữa, phải không?

Tôi (hơi thích hàm răng của anh ta nhưng không quá ưa kiểu tóc). – Ừm, thì đó… Thực ra gã đó là ai vậy?

Roxane (chun mũi). – Dào ôi, anh chàng làm việc cùng Nicolas. Nhưng Nicolas không ưa anh ấy lắm.

Tôi (suy luận logic). – Vậy thì gã đó làm gì ở đây? Roxane lấy những chiếc bánh ngọt cỡ nhỏ từ hộp các tông lớn do hãng tổ chức tiệc mang tới rồi bày chúng lên một cái khay đã lót sẵn khăn giấy.

– Đó là một trong những người hùn vốn với Nicolas. Trong công việc Mathias cừ lắm. Chỉ có điều Nicolas thấy anh ấy… hơi tự mãn và hiếu thắng. Tớ nghĩ Nicolas hơi dè chừng anh ấy. Nicolas sắp năm xập rồi, chồng tớ cảm thấy mình già cỗi… cậu biết thế nào rồi đấy.

Tôi (nhón lấy một cái bánh ngọt – trông khá hấp dẫn). – Đợi đã, cậu đã sinh cho anh ấy năm nhóc tì, chẳng phải một người đàn ông sẽ cảm thấy trẻ ra khi sống giữa những đứa trẻ hay sao?

Roxane (mặt mũi sa sầm). – Đúng thế mà, có điều lão ấy chỉ sống vì công việc thôi. Đến khi trở về nhà lão ấy cũng chẳng mấy quan tâm đến lũ trẻ. Lão ấy không kiên nhẫn…

Tôi (đóng vai người an ủi, một bàn tay đặt lên vai Roxane, tay kia lơ lửng một cách nguy hiểm cách khay bánh có vài xăng ti mét, sẵn sàng sà xuống đó). – Đúng vậy, nhưng khi cưới Nicolas cậu đã biết lão ấy vốn là người tham công tiếc việc còn gì. Mà chưa kể lão ấy cho cậu một cuộc sống đầy đủ như vua chúa vậy, cậu không phải lo toan bất cứ việc gì, Nicolas là người chồng tốt đấy chứ…

Roxane (nhìn thẳng vào mắt tôi). – Có lẽ vậy, nhưng ở với lão ấy tớ thấy buồn muốn chết.

Tôi (“thế á?”). – Ơ… thế á?

Roxane (cũng nhón lấy một cái bánh để nhấm nháp – đúng cái tôi đang định lấy). – Chuyện nghiêm trọng đó Déborah.

Tôi (liếc về phía khay bánh, đúng hơn là về phía những cái còn lại, vì Roxane đã xoáy của tôi những chiếc ngon lành nhất). – Phải rồi, đúng là đôi khi chuyện đó vẫn xảy ra cho một cặp đôi, ngưỡng bảy năm, thế cả thôi…

Roxane. – … bọn tớ kết hôn đã gần chục năm nay. Tôi. – Thì đấy, ngưỡng mười năm, cũng thế cả thôi. Roxane (tay khoanh lại, cằm tì lên nắm tay). – Thực ra tớ đang dự kiến ba phương án: hoặc là bỏ chồng, hoặc là vẫn chung sống nhưng giải khuây bằng cách mua thật nhiều áo váy đắt tiền, hoặc là ngủ với Mathias. Tớ không biết nữa, tớ đang băn khoăn.

Tôi (với một nụ cười nghèn nghẹt). – Đi thôi, đi thôi, chúng ta cùng đi chọn váy áo cho cậu nào. Lúc này Zara đang có chương trình đại hạ giá đấy…

Roxane (liếm ngón tay bị dây chút kem). – Tớ nói nghiêm túc đấy Déborah. Vả lại…

Chúng tôi im bặt.

Cô giúp việc vừa quay trở lại bếp, đặt cái khay lên bàn, trút đĩa bẩn từ trong khay ra rồi thay vào đó một chồng đĩa sạch.

Tôi (thái độ tự nhiên). – Thế nếu không thì bọn trẻ sẽ ra sao?

Roxane (thái độ còn tự nhiên hơn). – Ừ, ổn cả. Chẳng bao lâu nữa hai đứa sinh đôi sẽ lại đi mẫu giáo, chúng cứ nài nỉ được học chung một lớp. Tớ không biết liệu đó có phải ý hay không nữa, cậu nghĩ sao?

Tôi (sỗ sàng kiểu tự nhiên). – Phải đấy, đừng tách chúng ra…

Cô giúp việc rời khỏi bếp, lại bê ra một khay đầy. Roxane (quay sang tôi). – nói gì thì nói, ngay lúc này thì chưa xảy ra chuyện gì liên quan tới tớ cả. Trái lại, nếu có thể cho cậu một lời khuyên thì ở vào địa vị của cậu, tớ sẽ đề cao cảnh giác hơn một chút…

Tôi (ngạc nhiên). – Cảnh giác á? Sao lại phải cảnh giác?

Roxane nghiêng người về phía hình phản chiếu trên cánh tủ lạnh inox rồi dùng ngón tay chỉnh lại chút son lem nơi khóe môi.

Roxane. – Tối nay Henri có vẻ như được đánh giá cao, nhất là trong mắt cô ả kia, đó đó, cô ả không chịu buông anh ấy ra đâu. Cậu phải coi chừng nhé…

Cô nàng rời khỏi bếp, mắt vẫn đảo về phía tôi.

Tôi (một mình trong bếp và nổi trận lôi đình). – CÁI-GÌ-CƠ?

Trong cơn tức giận tôi vớ lấy một chiếc bánh định đút tọt vào miệng, rồi lại đặt xuống ngay tức khắc khi nhìn thấy cô giúp việc đang đứng chống nạnh nơi ngưỡng cửa, mắt nhìn tôi chòng chọc.

Quay trở về bàn tiệc.

Henri đang cười đùa, và anh không phải người duy nhất. Hiển nhiên là nhà văn, người đã dễ dàng xuống nước, vừa nói một câu gì đó buồn cười mà tôi không nghe thấy. Cô ả tóc vàng không rời mắt khỏi bạn trai tôi, và cô ả có lý khi tận dụng thứ ấy, đôi mắt của cô ta, bởi chẳng bao lâu nữa tôi sẽ dùng nĩa moi mắt cô ta ra.

Ngồi tựa lưng vào ghế, một cơn giận dữ lặng thầm xâm chiếm tôi, len lỏi trong các huyết quản và khiến thái độ của tôi có phần cứng nhắc hơn so với mong muốn. Tôi phải chường ra một vẻ mặt mà thậm chí tôi chưa bao giờ dám hình dung, nhưng tôi không còn kiểm soát nổi mình nữa. Lúc này mà yêu cầu tôi nở một nụ cười thì khó chẳng khác nào yêu cầu một nhà du hành vũ trụ thực hiện một màn biểu diễn nhảy claket trong trạng thái không trọng lực.

Nhận ra điều này, Henri liền thì thầm hỏi tôi xem mọi chuyện có ổn không. Miệng tôi méo xệch thành một nụ cười nhếch mép ghê tởm muốn làm đối phương an tâm, nhưng thực chất lại càng khiến anh thêm lo lắng.

– Có chuyện gì thế em yêu?

– Không, không có gì hết, em sẽ kể với anh sau… Anh không nài thêm.

Vậy mà tôi những mong anh sẽ làm thế đấy.

Tôi đưa lên miệng từng miếng nhỏ đồ ăn, nhai thật lâu, trong khi cuộc chuyện trò đang chuyển biến theo hướng thô thiển. Tôi muốn đứng dậy bỏ đi, nhưng chuyện đó không dễ gì xảy ra. Dù sao chăng nữa. Mà nếu tôi lăng xê cái mốt bữa tối-cấp tốc thì sao nhỉ?

Tay nhà văn đang lôi cuốn cử tọa bằng cách thuật lại một khoảnh khắc đặc biệt đáng hổ thẹn từng gặp trong quá khứ. Khi diễn tả phần cuối câu chuyện, gã bắt chước chất giọng the thé của phụ nữ bị cưỡng dâm, một tràng cười rộ lên xung quanh gã.

Tưởng gì chứ những giai thoại nhục nhã thì tôi cũng có khối! nhưng lạ thay, tôi lại không muốn kể ra lắm. Tôi thích quan sát Henri bằng ánh mắt lờ đờ đen nhánh lửa giận, trong khi anh thì không cần ai khiến đã nhảy dựng lên vì những câu nói của cây hài trong bữa tiệc. Vừa chấm khăn ăn lên miệng, Henri vừa bắt đầu kể cái lần anh có hẹn gặp đối tác bàn công chuyện và đi cùng thang máy với một người đàn ông uể oải đứng tựa vào vách thang máy. Người này bỗng hỏi anh: “anh khỏe không?” Henri ngạc nhiên vì vốn không quen biết ông ta, nhưng vẫn đáp lại: “Cảm ơn, tôi khỏe…” người đàn ông hỏi tiếp: “Mà hôm nay anh gặp ai nhỉ?” Henri đáp: “Tôi phải gặp giám đốc tài chính bên…” Đột nhiên người đàn ông bỗng quay phắt sang anh rồi càu nhàu: “anh cho phép chứ?! Tôi đang nói chuyện điện thoại!”

Thực chất từ đầu chí cuối ông ta toàn nói chuyện điện thoại.

Được thôi, câu chuyện này tôi đã nghe kể rồi, nhưng những người khác thì chưa, vậy nên họ cười bò ra. Bản thân tôi cũng có một kỷ niệm đáng xấu hổ khi đi thang máy. Lần đó, lúc đến nhà trẻ đón bé thứ hai, tôi có bước vào một buồng thang máy không người. Cửa thang máy vừa khép lại thì tôi nhận ra nỗi ghê rợn của nơi mình đang đứng. Người dùng thang máy trước tôi đã thả một quả rắm ghê tởm nhất mà lòng ruột con người có thể lưu giữ. (Thậm chí có lẽ tại chính nơi này vừa diễn ra một cuộc thi thả bom thối, mùi tởm đến mức này thì chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra.) Trong khi tôi nín thở để nghi nghi hoặc hoặc xem người ta có thể ăn gì để có được mức độ thối inh ỏi này thì cửa thang máy mở ra và lần này có thêm ba người nữa bước vào. Bị thứ mùi hấp hơi kia bủa vây ngay lập tức, họ liền chun mũi và nhìn xoáy vào tôi bằng ánh mắt độc địa. Làm thế nào để tôi có thể chứng minh rằng mình vô tội? Làm gì có chuyện người ta đem rắm ra phân tích ADN, vậy nên tôi buộc phải cúi gằm mặt và thầm hối thúc thang máy lên đến nơi thật nhanh để được giải thoát.

Không, tôi nghĩ câu chuyện này không được đẳng cấp cho lắm. Vả lại đây không phải là lúc tự giảm giá trị bản thân trước cô ả lăng loàn kia. Cái cô ả mà vẻ mặt cả đời chưa từng thả bom sinh học quả nào ấy. Hoặc giả chỉ một chút khí cô đặc, mỗi tháng một lần, hết sức chóng vánh, trong một buồng thang máy chẳng hạn. Kiểu không ai thấy cũng chẳng ai hay. Tôi hơi cúi xuống để giấu nụ cười khẩy nham hiểm.

Tôi bỗng bị thu hút vào điệu vũ quay tròn của đôi cánh tay gã nhà văn. Đến đoạn này thì gã không còn mô tả những chuyện mình đang kể nữa, mà nhại lại. Tôi cố tập trung vào cái món rất khó xác định đang lềnh phềnh trong đĩa của tôi, bao quanh là những búi rau cỏ gì đó trông rất kỳ cục, nhưng tôi không thể ngăn mình lắng nghe. gã kia đang kể về bữa tối tại nhà hàng nơi gã lần đầu ra mắt bố mẹ cô vợ đầu tiên. V ì hồi ấy gã còn trẻ tráng, lại đang hết sức si tình, túi thì rỗng tuếch mà ông bà nhạc tương lai lại chẳng ủng hộ mối quan hệ đó chút nào nên ý nghĩ phải gây cho họ ấn tượng thật tốt đẹp cứ ám ảnh tâm trí gã. Buổi tối hôm ấy, họ dùng rượu khai vị, chuyện trò lịch thiệp, và tay văn sĩ bắt đầu cảm thấy hơi thư giãn. Họ vừa chuyển sang gọi món chính thì bà nhạc tương lai của gã đứng dậy để đi vệ sinh. Vài phút sau, người đàn ông của chúng ta cũng cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải hành động giống mẹ vợ. Vậy nên gã đứng dậy cáo lỗi rồi vừa nhằm thẳng hướng toa lét vừa thầm khích lệ bản thân: “Được rồi, được rồi, thôi nào, mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp thôi…”

Tập trung vào việc tiếp thêm can đảm cho mình như thế, gã mở cánh cửa buồng vệ sinh đầu tiên nhìn thấy, và thấy mình đứng ngay trước mặt bà mẹ của vị hôn thê, bà này đang ngồi trên bệ, quần lót tụt ngang gối, vẻ mặt sửng sốt…

Những người ngồi ở đầu bàn liếc nhìn chúng tôi, tò mò trước vẻ hân hoan sung sướng của chúng tôi, rồi lại quay về với cuộc trò chuyện dang dở liên quan đến các công ty đang giải thể.

Ngay cả tôi cũng bắt đầu mỉm cười. Tay này ngộ thật. Rốt cuộc, có lẽ tôi sẽ tìm đọc một trong số các tiểu thuyết của gã (nếu ít ra tôi được biết về những gì gã từng viết…).

Bữa tiệc tối đến hồi rôm rả. Jean-Paul, người có sức thuyết phục ngang ngửa một cái đầu gối, dốc cạn một hơi ly rượu vang rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt:

– Ngày 24 tháng năm 1995 là ngày nhục nhã nhất đời tôi. Tôi đứng dậy phát biểu trước toàn thể hội đồng quản trị để cảnh cáo tổng giám đốc. Tôi trình bày các luận chứng cho thấy sự mất tín nhiệm của ông ta, nhưng tôi càng nói, ông ta càng cười tợn. Đến khi bắt gặp một vài người nữa cười khẩy thì tôi mới nhận ra rằng mình quên chưa kéo khóa quần…

Nghe đến đây, cô ả tóc vàng liền ngật đầu ra sau, miệng há hốc, răng chìa hết cả ra ngoài, và chỉ phát ra một tiếng cười bé xíu. Tôi cho là cô ả nghĩ như vậy mới gợi cảm.

Dường như càng về sau Henri càng tự nhiên thoải mái. Anh nhấm nháp tách cà phê, đặt xuống bàn rồi bắt đầu kể lại một kỷ niệm đáng nhớ thời niên thiếu.

Ruột gan tôi như có lửa đốt. Cô ả mặc nhái áo pull kia dường như đang nuốt lấy từng lời phát ra từ miệng bạn trai tôi, vậy nên tôi phải khoác ngay tay anh, mắt nhìn ả ta không rời. Henri, hơi ngạc nhiên, nhìn tôi chăm chú trong tích tắc, trước khi bắt đầu kể câu chuyện xảy ra với giáo viên Pháp văn dạy anh Ở trường trung học. Anh rất quý người giáo viên đó, bà Ferry, nhưng anh cũng muốn bằng mọi giá hẹn hò với cô gái ấy, người mà lúc này anh đã quên mất tên (càng tốt, đó đúng là một việc đáng làm). Một hôm khi họ cùng trò chuyện trong hành lang, cô bạn kia bắt đầu than phiền về điểm số môn Pháp văn và chỉ trích phương pháp sư phạm của bà giáo. Henri, lúc bấy giờ mới mười ba tuổi, cố gắng gây ấn tượng với cô bạn bằng cách xác nhận quan điểm kia. Anh nhanh chóng nhận ra rằng mình càng phê phán cô giáo thì cô bạn kia càng vui vẻ và nụ cười của cô nàng càng rạng rỡ. Henri hết sức hài lòng và để mặc trí tưởng tượng tha hồ bay bổng, tuôn một tràng không ngớt những câu xỏ xiên chua ngoa theo kiểu ném đá giấu tay. Chỉ tới khi đang nói dở câu: “… Chờ đã, nhưng mụ Ferry ấy à, mụ vô học lắm nhé, đến nỗi mà có kiểm tra nước tiểu thì mụ cũng khó lòng qua được… hinhinhiin”, anh mới nhận thấy mặt cô bạn xanh như tàu lá chuối. Cuối cùng cũng hiểu ra nguyên do, anh chầm chậm quay ra sau – cô bạn kia đã tranh thủ lúc đó để kín đáo lủi đi – và thấy mình đang mặt đối mặt với bà giáo, dĩ nhiên. Cứ nhìn vẻ mặt thì khắc biết cô giáo Pháp văn đã mải miết nghe anh nói được một lúc lâu rồi. Bản án: ba tháng phạt ở lại lớp sau giờ học. Còn cô bạn mà anh đang tán tỉnh kia, vì muốn không liên quan dính líu gì tới anh trước mặt cô giáo, bắt đầu tỏ ra tận tụy hết lòng với cô giáo và không bao giờ nói chuyện với anh nữa.

Cô nàng tóc nâu ngồi bên phải Henri cười phá lên đến nỗi đột ngột mất thăng bằng và trong lúc chới với đã làm sánh vài giọt rượu vang từ ly của mình lên áo sơ mi của Henri. Cô ta thẹn thùng chộp lấy cái khăn ăn để thấm vết rượu, nhưng Henri không để cô ta làm vậy, anh lịch sự ngăn lại và trấn an cô ta: dù sao chăng nữa chúng tôi cũng đang nghĩ đến chuyện về nhà. Cô ta liền mở túi, xé một tờ trong sổ tay rồi ghi nhanh số điện thoại của mình cùng một ánh mắt nhấn nhá đầy ẩn ý.

– Đừng quên gửi lại cho tôi hóa đơn nhuộm tẩy nhé…

Rồi cô ta nhét mẩu giấy đó vào túi áo vest của Henri, mắt vẫn nhìn anh đắm đuối (tôi thì cô ả coi chẳng hơn gì cỏ rác trên cõi đời này) và kết luận:

– Gọi cho tôi nhé…

Roxane nắm khuỷu tay tôi kéo lại gần, thì thầm rỉ tai tôi:

– Tớ đã nhắc cậu canh chừng cô ta rồi đấy thôi. Tớ biết cô ả này, một ả có tiếng hám giai, lại còn tham ăn tục uống nữa chứ…

Vậy là tôi hiểu ra sai lầm của bản thân.

Cô ả tóc vàng chẳng hề mảy may quan tâm đến người tôi yêu. Vả lại cô nàng đang vừa nói chuyện với anh chồng văn sĩ vừa dịu dàng cọ chóp mũi vào tai anh ta. Cô nàng có vẻ hết sức si mê chồng. Tôi mới ngốc nghếch làm sao.

Dạ dày tôi quặn thắt vì ghê tởm.

Khi Adam, người đàn ông đầu tiên, trở về nhà lúc tối muộn, Eva liền đếm xương sườn của chàng, phòng trường hợp chàng lại sử dụng thêm chiếc nữa…

(Ngạn ngữ Do Thái.)

Hắn đang tiến về phía tôi. Đã lâu lắm rồi chuyện này không xảy ra…

Hắn quá đẹp, tôi cảm thấy mình sắp bủn rủn cả người.

Tuy thế tôi vẫn mở cửa cho hắn, ngây thơ, thuần khiết, và gạt bỏ mọi ý nghĩ lầm lạc.

Hoàn toàn chắc chắn rằng giữa chúng tôi sẽ không bao giờ xảy ra bất cứ chuyện gì nữa.

Vừa ngắm nhìn hắn, tôi vừa não nề nghĩ: “Hắn không hề thay đổi…”

Thầm lặng, đôi mắt hắn dường như đang hỏi tôi: “Đã bao lâu rồi ta không gặp nhau nhỉ?”

– (Tôi thở dài)… Đã rất lâu rồi, quá lâu rồi… (Tôi bồn chồn lùa tay vào tóc và ngón tay xoắn lấy xoắn để một lọn tóc.)

Trong tích tắc, đầu óc tôi quay cuồng còn bụng thắt lại vì ham muốn khẩn thiết cần phải thỏa mãn.

Phải rồi, nhưng còn Henri. Tôi không thể làm thế, tôi đã hứa với anh…

Bỗng nhiên tôi thấy nóng bừng bừng. Tôi buộc phải đứng dậy đi lại.

Đúng rồi, chính thế, đi lại. Nhất là không ngồi quá gần hắn. Tránh xa hắn ra. Nghĩ tới chuyện khác. Tôi cảm thấy nếu không vã nước lạnh lên mặt thì tôi sẽ lao vào hắn như một con điên. Nhưng tôi đang lảm nhảm gì thế này? Tôi ĐIÊN mất rồi.

Tôi nhìn hắn. Hắn cũng nhìn tôi. Hắn nhìn tôi đăm đắm, thậm chí cái vẻ hơi ngạo nghễ ấy dường như muốn nói: “Tôi biết cô đang thèm khát tôi – tất cả bọn họ đều thèm khát tôi – đừng cố kháng cự… Nào, lại đây.”

Hắn bảo tôi “lại đây” ư? Tôi chết mất.

Thiền. Thả lỏng bản thân. Nhìn đi chỗ khác. Tôi nên ra ngoài để không khí mát lành thốc vào mặt giúp tôi quay lại với thực tại.

Phải rồi, nhưng tôi chúa lười nên không muốn nhúc nhích.

Tôi muốn ở lại đây, cùng hắn. Tôi muốn hắn.

(Thở dài)… Khó quá đi mất. Henri, em van anh, hãy thứ lỗi cho em…

Tôi ngồi xuống tràng kỷ, xích lại gần hắn bằng vài cú nhích mông kín đáo.

Hắn không nhúc nhích, tiếp tục nhìn tôi với vẻ ranh mãnh và thấu hiểu.

Đồ đểu, thôi đi.

Tôi khép chặt đùi và bắt tréo chân, mắt nhìn hắn không rời.

Đầu hơi ngả ra sau, tôi dùng ngón trỏ mơn man chóp mũi, vơ vẩn xuống môi, lướt trên cằm, rồi vẽ nên những đường lượn chậm rãi trên cổ và thử, trong một giây minh mẫn cuối cùng, kìm nén những xung năng dữ dội của mình.

Bàn tay phải, như đã tách rời khỏi cơ thể tôi, chậm rãi buông dọc theo cổ họng, tiếp tục vòng qua hông, và vừa cố giữ cho mình bất động và thẳng thớm, hơi cứng nhắc, tôi vừa tiến về phía hắn, trên chiếc gối dựa màu đỏ của ghế sofa.

Hắn đợi tôi, mỉm cười mãn nguyện. Hắn biết đã thắng được tôi.

Bên dưới tay mình, tôi cảm thấy hắn hơi cứng, chuyện này chỉ càng khiến tôi khao khát hắn hơn.

Đột nhiên tôi buông thả, tôi không còn kiểm soát được mình nữa.

Tôi nhảy bổ vào hắn!

Vĩnh biệt nhé, lương tâm, ta từng yêu ngươi nhiều lắm.

Đó là bi kịch của tôi, tôi không bao giờ có thể cưỡng lại lời mời gọi.

Chính xác hơn là lời mời gọi của đồ ăn thức uống. Bàn tay tôi, nôn nóng, chộp lấy hắn rồi xé nhanh gọn chiếc hộp các tông được đóng dấu tiền định “Pim’s vị cam” (loại thượng hạng ). Tôi thốt lên một tiếng làu nhàu trầm đục vì khoái cảm. Các ngón tay tôi lướt trên nắp hộp màu trắng, rồi thọc sâu vào bên trong để giải thoát kho báu tuyệt diệu khỏi phần vỏ hộp đã trở nên vô dụng.

Tôi sẽ lỗ mãng và manh động dùng răng mà xé toạc lớp màng màu ánh sữa, hay sẽ dùng móng tay và cố bình tĩnh tìm cho đúng góc mở mà không phải gồng mình như một con nghiện lên cơn vật thuốc?

Tôi chọn cách dùng miệng (giữ vẻ thanh lịch nào), roẹt, hấp, miếng Pim’s đầu tự dâng hiến cho tôi, lả lơi, nằm bơ vơ trên cùng, phàm tục, khoái lạc.

Mùi hương đánh thức mọi giác quan (nhỡ ra một trong số chúng vẫn còn thiêm thiếp ngủ) khiến tôi lâng lâng ngây ngất. Thậm chí không để ý nghĩ thoáng qua là mình sẽ chẳng bao giờ gầy đi được kịp hình thành trong đầu, hấp, tôi đã hau háu nuốt chửng miếng bánh.

Mùi thơm của sô cô la trộn lẫn với mùi cam tan nhanh trong miệng rồi lan khắp vòm họng. Các nơ ron thần kinh nhấp nháy như bột phát phê ma túy, bị dìm ngập đến tận nơ ron cuối cùng bởi một liều endorphine ra trò.

Ưmmmm… tôi nhắm mắt. Tuuuuuuyệt thật…

Tôi dùng đầu lưỡi cù nhẹ lớp vỏ sô cô la của miếng tiếp theo khiến nó tan chảy dưới hơi nóng trước khi nhay miếng bánh giê noa mềm mại như trong một trò chơi thú vị (tôi không nên làm thế, làm thế thật vô lý, sau tất cả những gì tôi đã chịu đựng, sau tất cả những nỗ lực này, tôi… ). Tôi bỗng nhiên nuốt chửng miếng bánh. Được rồi, không gì có thể ngăn cản tôi nữa.

Phòng khách hệt như một bãi chiến trường.

Áo khoác, giày, khăn quàng và chùm chìa khóa bị tôi quẳng lung tung, vất vưởng quanh tràng kỷ, lẫn với những chiếc túi đựng đồ ăn sẵn bị quăng quật và nằm vương vãi, kể cả chiếc túi đựng bánh thuyền rắc vụn bánh mì bỏ lò hiệu Dauphine đông lạnh đang sắp rã đông đến nơi nếu tôi không làm gì để cứu nó, nhưng thây kệ.

Trong mắt tôi chỉ có hắn. Tôi không ăn nữa, mà ngốn, ngấu, nghiến, nhồm nhoàm, tọng, mắt trợn ngược, tóc xõa xượi, áo xộc xệch, váy tốc lên, hai chân thu dưới bàn tọa, xương sống còng gập trên kho báu đang khỏa lấp cái bụng hạnh phúc của tôi. Sự khoái trá đã đạt đến đỉnh điểm, tôi… tay tôi kiếm tìm mà chỉ tìm thấy khoảng không trống rỗng. Không còn gì nữa.

Đã hết rồi sao??!

Tiu nghỉu, tôi lục kỹ trong bao bì nhăn nheo và vô dụng, từ đó rơi ra vài mẩu vụn bánh nho nhỏ khốn khổ sắp làm bẩn tràng kỷ nhà tôi.

Trạng thái ngây ngất chấm dứt, chào mừng trở về với thế giới thực tại.

Khỉ thật. Vụ ăn kiêng của tôi.

Cuống cuồng, tôi quờ tay trên sàn nhà để tìm lại vỏ hộp các tông và khẳng định điều mình vốn đã nghi ngờ: nhìn lượng calori chứa trong một trăm gam bánh, tôi chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương án: hoặc chịu đựng nỗi hổ thẹn và ô nhục thầm lặng, hoặc đền tội bằng cách thực hành hai trăm bảy mươi sáu giờ đạp xe trong nhà, thiết bị đã được mua cách đây hàng tháng trời sau khi xem một mẩu quảng cáo trên truyền hình, mà tôi vẫn chưa có thời gian sờ đến lần đầu tiên (tôi đang sống cuộc sống của người điên).

Tôi nghiêng về phương án thứ hai. Thề trên đầu Richard Virenque[1], ngay ngày mai tôi sẽ tiến hành tập luyện. Trong lúc chờ đợi, tôi cần phải tẩu tán các bằng chứng không thể chối cãi về hành động điên rồ vừa rồi.

Đống vỏ vo viên nằm dưới đáy thùng rác và bị vô số rác rưởi phủ lên: xong.

Hút bụi một lượt khắp hiện trường phạm tội: xong.

Kiểm tra môi kỹ càng để phát hiện vết sô cô la cuối cùng: xong…

Không được để xảy ra điều gì bất trắc.

Nếu bị bắt quả tang thì cũng cóc cần, tôi sẽ chối đến cùng.

Tôi thấy Henri rất rõ, anh đang chế nhạo ra mặt cái tật thiếu ý chí kinh niên của tôi, miệng nói rằng phụ nữ mới yếu đuối và đồng bóng làm sao trong khi nam giới lại luôn kiên định với những gì đã quyết định.

Tuy nhiên, nếu tôi tự đan cho mình một chiếc quần bó màu cam từ khi chúng tôi hẹn hò cùng nhau, đó không phải vì tôi “đồng bóng”. Không đâu thưa ngài.

Henri đã ngừng hút thuốc từ khi gặp tôi (một bước tiến nhỏ đối với anh, một bước tiến lớn đối với hơi thở của anh). Tôi, người chưa bao giờ cầm một điếu thuốc hôi hám trên tay, đã ngây thơ nghĩ rằng vậy thì tôi sẽ trở thành chất gây nghiện duy nhất đối với anh, đối tượng ham thích và trụy lạc duy nhất của anh.

Vậy mà không hề. Người đàn ông đang trong thời kỳ cai thuốc phải bù đắp sự thiếu hụt chất nicotin thân thương bằng đồ ăn.

“Em yêu! Ta ra ngoài ăn tối đi!” (nhiều lần mỗi tuần.)

Rồi những điều ngạc nhiên tìm đến tận nhà: “Em yêêêêu! xem anh mang gì về này!”

“À vâng. Bánh ngọt. Lại thế rồi. Có chứ, có chứ, dĩ nhiên là em thích. Chỉ là (tôi thích hoa hơn) em đang phải giảm ít cân, và… Không! Không! Em không muốn làm anh phật ý đâu! NHƯNG CÓ CHỨ, EM THÍCH BÁNH MÀ! Ôi không, em chưa bao giờ nói là tại anh mà em mập lên! này, anh nhìn xem anh yêu, em ăn đây…” Chưa kể sự biến mất của các đĩa xúp, được nuốt vội bên một góc bàn trong bữa tối của bọn trẻ, ngày nhà chỉ có ba mẹ con sống cùng nhau.

Ngày nay, tôi phải nấu nướng những bữa ăn gia đình chính hiệu cho chúng tôi. Nấu nướng. Từ này đối với tôi chẳng khác nào hành vi giới tính đối với một thái giám. Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng mình có thể xoay xở tạm ổn (nấu chín mì cũng không đến nỗi quá phức tạp) nhưng thực ra, nếu không có Picard[2], cả lũ chúng tôi sẽ chết đói từ đời nào rồi.

Thật may, Henri vẫn thường chứng minh tình yêu dành cho tôi bằng những lời bày tỏ nhiệt thành về những đường cong nở nang của tôi (một từ hay ho để tránh nói “nung núc mỡ”).

Nhưng tôi khó mà tin lời anh. Cứ hình dung một gã quen giao du với các cô nàng vóc dáng như que tăm (khốn kiếp) mà xem. Làm sao người đàn ông này lại có thể rung động trước cơ thể của một phụ nữ mà cô con gái đầu lòng vẫn thường nói mê mệt “cặp ti bự” của mẹ, vừa nói vừa âu yếm vục mặt vào trong đó, và cô con gái thứ hai khuyên chị nó đừng có lấy làm khó chịu, bởi so với cái ông trên ti vi kia kìa (Guy Carlier[3]) thì dù sao vẫn cứ nhỏ hơn.

Tôi không rõ nhờ phép màu nào anh có thể mê mẩn thân hình tôi. (Một phép màu để hành hương tới thánh địa Lourdes.)

Ngay cả việc vẻ bề ngoài của Henri có nét giống với Bud Spencer[4] hơn là Terence Hill[5] cũng không thể ngăn tôi khỏi nghĩ ngợi. Và vì thế, tôi luôn trông chừng xung quanh bằng con mắt không biết xót thương.

Người ta không thể đi đến chỗ nói rằng tôi ghen được, ghen thì không. Cái từ này nói thẳng ra là quá đáng nếu để miêu tả khách quan các triệu chứng gắn bó của tôi với người đàn ông này.

Tôi chỉ là một phụ nữ không thích người khác chõ mũi vào việc riêng của mình, và vì thế phải lo trước để không một bàn tay thích dạo chơi nào đến xoáy mất thứ của cải mà mình phải tốn bao nhiêu công sức mới tìm được.

Nói cho cùng, chính tôi, từ sau khi ly dị, đã phải chịu đựng nhiều cuộc hẹn với những gã tính cách hoặc là thống thiết hoặc là thảm hại.

Chính tôi phải chịu đựng những cái ve vuốt từ đôi bàn tay xâm xấp mồ hôi của họ, những ánh nhìn ngờ nghệch nực cười của họ, và tất cả những câu đùa chỉ khiến bản thân họ cười, còn người khác thì rụng rời tay chân.

Và bây giờ khi đã hoàn thành toàn bộ công việc casting ấy, lẽ nào tôi lại để một con rệp cái đến cuỗm mất chàng diễn viên chính trong bộ phim của tôi chứ?

Thôi đi. Chẳng thà hôn vào kẽ chân của thằng em trai tôi còn hơn.

Cuộc cách mạng giải phóng tình dục ngu xuẩn cho phép phụ nữ chọn người đàn ông của đời mình thay vì để đối phương chọn họ, như trước kia, khi họ không được tự quyết và người ta chỉ định cho họ một đức ông chồng (già khằn và xấu xí) rồi bảo họ rằng: “Đây, và cô hãy tự xoay xở với thứ này đi” là gì kia chứ?

Ngày nay, nếu phụ nữ gặp được một người đàn ông hấp dẫn, họ chỉ việc tiếp cận thôi!… NGAY CẢ KHI ĐÓ LÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA TÔI!!

I am dreaming[6].

Và chớ có bảo rằng tôi quá lời đấy nhé, hừm. Tôi biết mình đang nói gì.

Tôi đã từng chứng kiến – lặng đi vì sửng sốt – những cảnh tượng liên quan đến thói trơ trẽn tồi tệ ấy.

Này nhé, cách đây mới chỉ vài tháng, một nữ tài xế xe buýt đã nói với Henri khi anh bấm lỗ vé: “Xin lỗi anh, nhưng… sao trông anh đẹp trai thế nhỉ…”

Các bạn hình dung ra chứ?? Tại sao ngành giao thông công chính lại có thể vô trách nhiệm đến mức tuyển dụng những con mụ đàn bà cuồng dâm thiếu thốn tự cho phép mình – mà không hề bị trừng phạt – quấy rối những khách hàng đáng thương phải bước lên xe buýt chỉ vì ô tô của họ bị hỏng?

Nhưng những người soát vé làm gì chứ?!

Khi Henri kể lại cho tôi nghe giai thoại này với nụ cười tự mãn, tôi đã ngay lập tức chĩa bóng đèn để đầu giường vào mặt anh rồi tuôn ra hàng tràng câu hỏi: miêu tả? mắt? màu tóc? dáng người? dấu hiệu nhận dạng?

Để không tấn công bằng chiêu dùng túi xách đập túi bụi vào một nữ tài xế vô tội khi tôi đi xe buýt lần tới.

Lại còn hôm qua, lúc cả hai chúng tôi đang dạo trong siêu thị và yên ổn tranh luận về nhãn hiệu món nghiền trộn kem đánh dậy uy tín nhất thì, một phụ nữ tuổi tầm sáu mươi đẩy xe hàng đi ngang qua gần chúng tôi đã buột miệng sau khi dòm Henri từ đầu đến chân: “Chà! Đúng là một anh chàng tốt mã, cao lớn và vạm vỡ làm sao!”

Henri, hơi ngạc nhiên, đã mỉm cười với bà, trong khi tôi đốp chát lại bằng một giọng tôi hy vọng là dứt khoát và pha chút mỉa mai: “Phải đấy, được như thế vì đó là chồng TÔI mà…” (Thực tế thì tôi đã ấp úng rít qua kẽ răng và không ai nghe thấy gì, kể cả tôi.)

Sau đó, khi chúng tôi tiến lại quầy bán sản phẩm chăm sóc răng miệng, hứa với nhau sẽ không quên mua nước giặt thì lại gặp bà cụ, bà cụ lại thốt lên: “Đúng thật, một anh chàng tốt mã… ” (năm! năăăm!)

Tôi vờ như không nghe thấy gì.

Chính Henri đã nói rõ: “… đi cùng một phụ nữ vô cùng xinh đẹp…”, vừa nói vừa đặt tay lên vai tôi, trước khi cười bò ra và chọn kem Colgate trắng răng.

Tôi tự nhủ được rồi, căn cứ vào tuổi của bà ta thì có lẽ không có gì nghiêm trọng, cần phải thôi ngay cái thói nhìn đâu cũng thấy mặt dở mặt tồi. Thôi nào, chẳng tội gì phải quan trọng hóa lời nhận xét của một cụ già lém lỉnh. Nghĩ thông suốt, tôi bèn nở một nụ cười với bà cụ, kiểu “đừng lo, bà chị mãn kinh, tôi thừa hiểu mục đích của bà chị là trong sáng mà”. Ngay lập tức, tôi nhận lại ánh mắt nham hiểm nhất và đố kỵ nhất mà đôi mắt con người có thể biểu lộ. Tôi nhầm chăng? Phải chăng bà già vô hại này thực ra lại là một mụ đàn bà cuồng điên khỏa thân và mang vớ sexy bên dưới áo khoác đi mưa? Tôi cố hết sức kìm chế mới không mời bà ta mua lấy một trong những dụng cụ thuôn dài để mát xa mặt, như ta vẫn thấy trong các catalogue giới thiệu đồ trang điểm cá nhân.

Toàn bộ trò xiếc này là vì Henri của tôi cao một mét chín mốt, tóc màu nâu sậm, hết sức đẫy đà, và chỉ cần cổ áo sơ mi hơi phanh ra là để lộ ngay một đám lông lá ken dày. Vậy mà, vì một lý do tôi không tài nào hiểu nổi, dường như hình ảnh này lại khiến đám phụ nữ (trừ tôi) ngây ngất như lên đồng. Liệu đó có phải kiểu phản xạ có thể so sánh với phản xạ ở nam giới khi nhìn thấy một bộ ngực đầy lấp ló sau cổ áo khoét sâu? Tôi tự hỏi mình thế.

Nhưng tôi cứ nói mãi nói hoài mà quên hẳn cái khoản tự giới thiệu.

Tên tôi là Déborah assouline, năm nay ba mươi ba tuổi (chưa đến tuổi phải nói dối chuyện tuổi tác). Để giới thiệu ngắn gọn về bản thân, tôi cao một mét sáu bảy, nặng năm mươi ba cân (không phải vào thời điểm này, đồng ý, nhưng cân nặng của tôi đã từng có lúc như thế). Tóc tôi màu nâu, tôi đã ly hôn với một gã tên là Jean- Louis de Montmarchay, cách đây tám năm tôi đã sinh ra một cô bé tên là Héloïse (bằng phương pháp gây tê màng cứng), cách đây sáu năm tôi lại sinh thêm một cô bé nữa tên là Margot (không dùng phương pháp gây tê màng cứng ), và từ hơn hai năm nay tôi sống với một người đàn ông tên là Henri ba mươi tư tuổi, bản thân anh là cha của một cô bé tên là Diane, mười ba tuổi (có được mà không cần gây tê màng cứng màng mềm gì hết và không hề đau đớn, như mọi đàn ông trên đời này).

Tối nay, chúng tôi được mời đến ăn tối tại nhà Roxane, cô bạn cực thân của tôi.

Và riêng lần này, RIÊNG LẦN NÀY, một niềm vui sướng vô hạn bóp nghẹt tim tôi vì tôi có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn rằng tôi có thứ gì đó để diện.

Đó là một chiếc áo len mỏng ôm sát, màu đỏ có đính trang kim kín đáo, cổ áo khoét rộng sang hai vai, điểm xuyết một bông hoa nhỏ thêu bằng chỉ vàng. Đơn giản là một kỳ quan vừa được khám phá ngày hôm kia trong một cửa hàng Trung Hoa nhỏ xinh mà chỉ mình tôi biết.

Phía dưới tôi chọn một chiếc quần âu rộng rãi màu đen, che rất khéo những vết loạn dưỡng mô…. loạn dưỡng mỡ… loạn dưỡng mô mỡ phụ nữa… ờ thì… loạn dưỡng mô mỡ phụ nữ… rốt cuộc là những vết mỡ sần của tôi, chứ sao nữa.

Tôi đang mặc áo lót thì Margot đẩy cánh cửa phòng tắm, quan sát tôi vài giây rồi bảo:

– Mẹ ơi… có phải tất cả phụ nữ đều mặc một thứ như mẹ đang mặc, kia kìa, trên ngực mẹ ấy?

Tôi (chỉnh lại dây áo). – Gì cơ, áo lót à?

Margot. – Vâng, đúng đấy ạ.

Tôi. – À không, cái đó còn tùy. Mẹ cho là có những phụ nữ không mặc đến, khi họ không có nhiều ngực lắm…

Margot (vừa đi khỏi vừa nhún vai). – Mẹ ơi, mẹ đúng là toàn nói những điều vô nghĩa lý, dĩ nhiên là họ không có nhiều ngực rồi. Họ chỉ có hai bên ngực, như tất cả mọi người thôi chứ!

Từ đó trở đi phần ngực ở trong tình trạng không trọng lực, đến lượt con gái cả bước tới lẳng lặng nhìn tôi chăm chú khi tôi đang kẻ cho mình một đường viền sát mi mắt, mũi tì vào tấm gương gắn phía trên bồn rửa.

Liếc nhìn con bé trong gương, tôi thấy nó đang nhại điệu bộ của tôi.

A ha, con muốn chơi trò đó hả con yêu? Tuýt: bắt đầu nhé một cuộc đua các kiểu nhăn nhó.

Những cú lé mắt dữ dội, lưỡi thè lè dài tận yết hầu, cười nhe nhởn kiểu “đói khát cùng cực” (vô cùng khó, cần hai bàn tay hỗ trợ thêm), ai nấy đều kiên quyết không từ bỏ bất cứ nỗ lực nhăn nhó nào để chiến thắng.

Héloïse sắp giành phần thắng nhờ một vẻ mặt đặc biệt: vén môi trên, sao cho chỉ mình môi trên gí sát vào cánh mũi phải (vẻ mặt có tên “Héloïse khéo léo”). Thế nhưng chính tôi mới là người thắng cuộc bằng một cái bĩu môi ngắn ngủi, nhờ một kỹ thuật cá nhân khó tả có tên “miệng của cá bơn kinh ngạc”, hiệu ứng kỹ thuật cộng thêm đôi môi màu tôm hùm đã đem về cho tôi chiến thắng.

Cô búp bê của tôi đi khỏi trong tâm trạng vui sướng.

Còn tôi phải lo sửa sang lại lớp trang điểm của mình.

Cuối cùng cũng đã sẵn sàng.

Tôi đã đeo mắt (nghĩa là đeo kính áp tròng ), tóc mái đã sạch bong, và đôi hoa tai của tôi lấp lánh một cách quý phái (mua ở H&M với giá mười euro, nhưng tôi khiến chúng trông như đồ Cartier vậy).

Hai nhóc tì của tôi đang ở trong phòng ăn và cùng Jonathan biến những chiếc pizza tôi đặt mua thành một bữa tiệc, nó đến trông lũ nhóc để đổi lấy quyền độc chiếm vô hạn định đối với chiếc điều khiển ti vi.

Các bạn biết Jonathan chưa nhỉ? Thằng em hai mươi chín tuổi của tôi, cố hết sức bám lấy căn hộ gia đình mà nó không muốn xa rời, vì niềm hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ chúng tôi (không, tôi huyên thuyên đấy). Thằng em tôi khoảng chừng bảy tuổi khi lần đầu tiên mẹ tôi yêu cầu nó đi xếp dọn phòng riêng của nó và nó liền suy ra rằng đó sẽ là phòng riêng của nó trong suốt phần đời còn lại. Ôiii, thằng em đáng ghét. Nên nhớ là, dù thế nào tôi cũng vẫn yêu thương nó. Nhất là khi nó cứu nguy cho tôi bằng cách trông hộ tôi lũ trẻ. Tôi cũng tín nhiệm nó nhất trong nhiệm vụ này, vì khi đã liên quan đến vấn đề phòng thủ lãnh thổ của nó, ta sẽ không bao giờ tìm đâu ra người tốt hơn.

Henri bước vào phòng tắm đúng lúc tôi làm tóc xong, anh quan sát tôi vài giây rồi mỉm cười.

– Em đẹp lắm, anh bảo. Em toàn làm đẹp thế này vì người khác thôi, chẳng bao giờ vì anh cả…

Luận chiến cũng để làm gì đâu? Dĩ nhiên câu đó sai lè lè. Thường ngày đi làm tôi cũng trang điểm đấy chứ. Và bao giờ anh chẳng có mười phút tận hưởng vẻ đẹp đó trước khi tôi ra khỏi nhà.

Anh không thấy được khía cạnh tốt đẹp của sự việc: mối quan hệ giữa chúng tôi lâu bền đến mức đây là người đàn ông duy nhất tôi cho phép ngắm tôi trong toàn bộ ánh sáng chói lòa của sự trần trụi da thịt. Nghĩa là không phấn nền, là răng chưa chải, và gợi cảm ngang với một cây xương rồng. Lẽ ra anh nên hãnh diện mới phải chứ.

Đến lượt tôi săm soi anh: chà chà, cũng tạm.

nói gì thì nói, vì nét độc đáo duy nhất trong trang phục của anh là ở chỗ đổi màu cà vạt nên người ta chẳng thể nhận rõ được sự khác biệt.

Dĩ nhiên, anh không quên xịt cả lít nước hoa như mọi ngày. Việc này đã trở thành nỗi ám ảnh trong anh: anh xịt nhiều đến độ bầu không khí sau mỗi bước chân anh trở nên dễ bắt lửa đến là nguy hiểm.

Tôi chạy vào phòng ngủ, lục trong túi xách để xác nhận là tôi đã không quên vỉ thuốc (loại bổ sung vi chất dùng hàng ngày vào giờ cố định; có trình bày cụ thể thì cũng vô ích, trong chuyện này, tôi không còn đúng giờ như cái đồng hồ biết nói nữa).

Điện thoại di động của tôi đổ chuông: là cô nàng

Daph né bạn tôi.

Sau khi giơ tay ra hiệu cho chàng tóc xoăn cao lớn đang sốt ruột chờ đợi, tôi nhận cuộc gọi, rồi chúng tôi cười rúc rích với nhau vài phút về buổi siêu âm mà cô nàng vừa trải qua hồi chiều (…à phải rồi, bởi vì cô nàng đang có bầu mà!)

Daphné có một nỗi ám ảnh là sinh vật nhỏ bé đang lớn lên trong bụng cô nàng có đôi bàn tay hộ pháp giống hệt mẹ chồng cô nàng. Ám ảnh ấy lớn đến nỗi cô nàng còn hình dung đứa trẻ có những ngón tay khổng lồ hình khúc dồi. Bác sĩ thở dài, giải thích giai đoạn này phôi thai mới chỉ dài bốn milimét, nếu nó có tay thì thật là kỳ khôi, nhưng vô ích, Daphné chẳng muốn nghe gì hết. Cô nàng cứ nhất quyết gạn hỏi bác sĩ cho ra nhẽ, đến mức khi bị hắt hơi, cô nàng bất thần són một phần trong số nửa lít rưỡi nước đã uống trước khi vào siêu âm, ngay trên giường khám…

Henri không thích chờ đợi một khi anh đã xong xuôi đâu vào đấy, và anh càng không thích khi tôi cười đùa với ai đó không phải là anh. Thế nên anh đứng lừng lững sau lưng tôi rồi nói: “Đừng cử động, có một con nhện trên người em, đây này.” Dĩ nhiên là tôi không tin (tôi đâu phải một cô nàng tóc nâu giả hiệu cơ chứ), rồi tôi tiếp tục cười vui vẻ qua điện thoại. Nụ cười của tôi chợt biến thành tiếng thét chói tai khi anh bắt lấy rồi đưa cho tôi xem con nhện ban nãy quả thật đã bò trên lưng tôi… và thực ra đó là một mụn vải màu đen đã xù lông.

Tôi liền ngắt máy để rảnh tay đánh anh tới tấp.

Ngồi lên xe rồi, như thường lệ, Henri càu nhàu rằng vì tôi mà chúng tôi sẽ rơi vào cảnh tắc đường. Xin lỗi nhé anh yêu, lần sau em hứa sẽ đề nghị Roxane tổ chức bữa tối tại nhà lúc ba giờ chiều, khi ấy mọi chuyện sẽ ổn cả.

Ngồi trên ghế trước, lấp ló sau một bó lay ơn lùm xùm mua tặng nữ chủ nhà, tôi âu yếm ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của người yêu.

Cái mũi của anh, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ quen được.

Trái lại, tôi rất thích cái miệng nhỏ xinh tươi tắn

với hai hàm răng trắng muốt thẳng tắp, chỉ đúng hai chiếc răng cửa là hơi dài hơn một chút. Chúng đem lại cho anh vẻ trẻ trung (của loài thỏ) mỗi khi anh cười. Đôi tai anh đặc biệt nổi bật. Kỳ lạ thật, bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy. Tôi sẽ nhay chúng thật kỹ, chính thế.

Cặp lông mày của anh, dào ôi, chả theo kiểu nào hết. Nói cho cùng, toàn bộ lợi ích của chúng nằm trong việc anh có thể khiến mỗi bên cựa quậy độc lập với nhau. giống như hai cánh mũi, ngoài ra (cái này phải tận mắt nhìn mới tin được) còn giống cả hai tai nữa. Gã này dư sức đóng thế Jim Carey trong những pha diễn biểu cảm bằng nét mặt.

Henri sở hữu một cung lông mày hơi thấp (đúng là anh chàng “nhanh lên không thì chúng ta sẽ rơi vào đám tắc đường mất” của riêng tôi), cùng mái tóc nâu, xoăn và đã thoáng có sợi bạc, mà tôi chỉ chịu đựng nổi khi được cắt ngắn.

Nhưng điều khiến tôi ngưỡng mộ ở anh chính là ánh mắt sát nhân. Lạnh lùng và ấn tượng. Có đến hàng nghìn biến thể tinh vi khác nhau để diễn tả tâm trạng của anh, mà tôi vẫn thường khoe khoang mình là người duy nhất biết cách giải mã trong thời điểm hiện tại. Tôi thích khi ánh mắt đó hướng về tôi, rồi khi gặp mắt tôi, mắt anh như rạng lên một nỗi âu yếm vô bờ bến, tựa lời tỏ tình thầm lặng.

Dịu lòng với ý nghĩ này, tôi nghiêng người để cùng nhìn thứ đã khiến anh chăm chú từ lúc dừng xe trước đèn đỏ.

Đó là Milla Jovovitch.

Hầu như trần truồng (chỉ mặc chiếc váy ngắn cũn), nụ cười sắc lẻm, cô nàng tạo dáng vô cùng sexy trên một tấm áp phích quảng cáo cho sản phẩm gì tôi không rõ (và nên vậy thì hơn, vì tôi sẽ không đời nào mua sản phẩm đó).

Khi ra khỏi thang máy, cơn thịnh nộ của tôi vẫn chưa nguôi. Chúng tôi đang thấp giọng cãi nhau trước cửa nhà Roxane.

Tôi (run lên vì cơn giận cố kiềm chế). – KHÔNG! Em mặc kệ, vì anh chiếu tướng cô ả đó đến lồi cả mắt ra cơ mà! Đây chỉ là vấn đề nguyên tắc thôi! anh không thấy phiền khi sỉ nhục em bằng cách đó ngay trước mặt em à? Anh cóc cần biết cảm xúc của em ra sao phải không?!

Henri (quan sát tôi như thể tôi đang lên cơn cuồng loạn). – Nhưng đó chỉ là một BỨC ẢNH thôi mà! Em sẽ không làm mình làm mẩy với anh chỉ vì một bức ảnh chứ?

Tôi (“ai mà thèm quan tâm”). – VÂng, vậy mà từ khi quen em, anh CHƯA BAO GIỜ nhìn em như thế cả!!

Henri (giễu cợt). – Em muốn anh nói sao đây? anh luôn thấy cô gái này đại diện cho ngoại hình hoàn hảo tuyệt đối mà…

Tôi (hét lên trong lúc vẫn nhỏ giọng ). – NHƯNG TẠI SAO ANH CHẲNG BAO GIỜ THẤY NHỮNG CÔ GÁI GIỐNG NHƯ EM LÀ ĐẸP HẢ?!?!

Anh ấn chuông cửa trước khi tôi kịp ngăn lại. Và được cứu thoát bởi tín hiệu chuông vừa vang lên. Cửa mở toang, Roxane xuất hiện, lộng lẫy và trau chuốt trong chiếc váy lụa dài màu xanh.

Cô nàng hét toáng lên để mời chúng tôi vào nhà cứ như thể đôi bên đã bặt tin nhau từ mười năm nay:

– Aaaaaaaaaah! Déborah, Henri, các bạn tôiiiiii! Cặp đôi tình tứ nhất mà tôi từng biết! Vào đây, vào đây đi nào các tình yêu!

Với tốc độ ánh sáng, những thớ cơ siêu căng trên mặt tôi nhăn tít lại để trưng ra một nụ cười rạng rỡ hợp tình huống. Tôi cũng thốt lên một tiếng “aaaaaaah!” đầy vui sướng rồi gieo mình vào vòng tay của cô bạn, ôm thật chặt như thể mình vừa từ chiến trường trở về. Tôi nhận ra Henri đang ngước mắt nhìn lên trần, trong khi Roxane và tôi tỏ điệu bộ ôm hôn nhau, má chúng tôi chỉ lướt nhẹ qua nhau để không ảnh hưởng đến lớp phấn hồng. Rồi cô nàng chào Henri bằng một tiếng “aaaaaaah!” chói tai khác, anh bắt tay Roxane rồi bắt cô nàng xoay một vòng trước mặt anh để tặng cho cô nàng vô số lời khen.

Nụ cười của tôi co rúm lại theo cách khó nhận thấy. Có vẻ như Henri đã quyết định buộc tôi phải trả giá cho màn ghen tuông ban nãy. Thậm chí chẳng thèm sợ gì. Roxane là cô nàng có thân hình bốc lửa, cô ấy đã quen với việc được xưng tụng rồi, nghe thêm hàng tràng nữa cũng chẳng hề hấn gì. Vốn là cựu người mẫu, hiện tại là người vợ chẳng thiếu thứ gì của một doanh nhân giàu sụ (nhưng hơi già), giờ cô nàng chỉ biết tập trung thời gian vào việc nuôi dạy đàn con đông đúc của mình.

Vả lại cô nàng thì ngược lại, không giống cái ả Milla Vôduyênvích kia: tôi biết Roxane sẽ không bao giờ hớt tay trên bạn trai của tôi.

Bữa tối hôm nay được tổ chức để ăn mừng một bản hợp đồng béo bở vừa được ký, các khách mời có mặt hầu hết đều là doanh nhân đi cùng vợ. Những nhân vật quan trọng, mà tôi không nhớ kỹ được chức vụ khi nghe họ giới thiệu, nhưng chuyện đó không quan trọng: nếu tôi tỏ ra chú tâm khi họ thảo luận với Henri thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Thực ra, tôi chắc mẩm rằng Roxane mời chúng tôi đến dự là để khỏi phải buồn chán với các đồng nghiệp của Nicolas, chồng cô nàng. Nhưng ngay lúc này đây, cô nàng chuyên bỏ rơi bạn bè ấy đang ở rịt trong bếp để chỉ dẫn cho cô giúp việc.

Khi đi qua bàn, tôi nhận ra cô giúp việc này đã được huấn luyện với một sự tinh tế lên đến đỉnh điểm.

Tôi đang thấy sờ sờ ra đây. Số lượng các món ăn cầu kỳ mà chúng tôi được phục vụ tối nay sẽ tỷ lệ nghịch với con số khó tin những bộ đồ ăn bày quanh mỗi đĩa.

Tôi thầm ước bọn trẻ ở nhà vẫn còn để dành một ít pizza cho mẹ chúng.

Ngồi sâu vào một góc tràng kỷ, miệng nhấm nháp đào lộn hột, tôi nhìn lướt qua các khách mời đang vừa đứng uống cocktail vừa cười vang.

– Không phải chứ? Ý anh là tháng Bảy vừa rồi anh ở Saint-Barth hả? aaaaaaaaah! Trùng hợp thế nhỉ! Tôi cũng ở đó đấy, có lẽ chúng ta đã chạm mặt nhau rồi cũng nên, ahahahahaha… (Tôi không thấy có gì đáng cười trong chuyện này hết.)

– Nghe này anh bạn, nói riêng với anh thôi nhé, anh đang sai lầm nghiêm trọng đó. Tin tôi đi, nếu muốn đầu tư anh nên mua cổ phiếu của blablabla (suỵt, đoạn này tôi không nghe thấy gì đâu đấy)…

Phòng khách rộng mênh mông theo phong cách nhà khách chính phủ, với những bức tường màu lông gà con trang trí tranh của các danh họa, rộ lên hàng chục cuộc chuyện trò lôi cuốn như thế.

Những giọng người trò chuyện không hề tự nhiên nghe mới buồn cười làm sao. Vắt vẻo trên cao, chúng mượn những cách chuyển giọng vừa học đòi làm sang vừa ngạo nghễ. Tôi tự hỏi liệu họ có dùng đến cái giọng làm ra vẻ trịnh trọng như thế khi nói với bậc sinh thành ra họ hay không: “Vì các thánh thần, mẹ ơi, con van mẹ với chút nghị lực cuối cùng, hãy nhận lời trải qua một khoảnh khắc cùng với hậu duệ đang kêu đòi mẹ thống thiết… (Rồi, giọng bình thường:) Đi mà mẹ. Nào, xin mẹ đấy, đồng ý đi, tối nay mẹ qua trông lũ trẻ giúp con nhé?…”

Henri, anh chàng kỹ sư tin học của tôi với chất giọng đẹp và ấm, đang liếc xéo tôi như muốn nói: “Chính em đã muốn tới đây đấy nhé, vậy nên chớ có than vãn”, trước khi quay sang người đang đứng bên phải để tiếp tục tán gẫu. Người đối thoại với anh, một gã hói mặt đỏ như vang chừng năm mươi tuổi, có vẻ lắng nghe như nuốt lấy từng lời của anh. Lẽ thường tình, phần đông mọi người không hiểu gì về các công nghệ mới, vậy nên dĩ nhiên là thứ đó thôi miên họ.

Tôi nhớ có lần, trong bữa tối, đối diện với một gã biết chút ít về tin học và hay hí hoáy sửa chữa đang chém gió không ngừng, Henri bèn bịa ra những cụm từ nghe như thuật ngữ chuyên ngành để nói với gã. Và gã vô học kia, để không mất mặt, liền vờ như biết những cụm từ ấy rất rõ! Vậy là chúng ta có một cuộc trò chuyện kiểu này:

– Nghe này, về mặt web xít ca ấy mà…

– … Về?

– Web xít ca ấy. Hệ thống web mới dưới nước hoạt động xuyên các biển trên thế giới ấy…

– À vâng, xin thứ lỗi! Web xít ca! Không, tôi lại nghe thành từ gì khác cơ, chính vì thế nên mới không hiểu, ừ đấy…

– Vậy, tôi đang nói rằng xét từ quan điểm công nghệ, việc các octet chín bit lên ngôi đã hoàn toàn thay đổi cục diện…

– Vâng, rõ rành là thế.

– Nhất là các xã hội châu Á đang biến nó thành một ứng dụng dành cho bệnh nhân! Khoan đã, đối với toàn bộ những gì là đổi mới công nghệ, cần phải nhận ra điều hiển nhiên: tương lai đến từ uzbekistan…

– Ơ vâng, và từ Nhật Bản…

– Anh đùa chắc? Theo anh thì ai đã phát minh ra ngôn ngữ lập trình “C+ tốt hơn”? Người nhật chăng?

– Vâng… Anh đã nhắc chuyện đó thì…

– Ai đã phát minh ra máy in chạy nước ép trái cây có giá thành hạ hơn nhiều so với máy in dùng ống mực?

– Ừm, được, theo cách nào đó thì chuyện này còn ngăn…

– Ai đã phát triển loại chuột dùng điều khiển từ xa khiến cả thế giới tranh giành nhau vào lúc này? Mà anh cũng tậu được một con để trang bị cho máy tính cá nhân rồi chứ? Bởi vì hình như đâu đâu cũng thấy hết hàng rồi thì phải…

– Anh đùa sao. (Húng hắng ho.) Dĩ nhiên là tôi đã kịp tậu rồi. Thậm chí còn màu tím nữa cơ.

Trên quãng đường về, khỏi nói là chúng tôi đã cười lăn cười bò thế nào…

Nhưng tốt thôi. Tối nay, dường như Henri đã quyết định trò chuyện với ông hói kia mà không đùa cợt gì hết. Viễn cảnh tương lai quả là đáng chán.

Đang ngoắc vào cẳng tay ông năm mươi tuổi đó là một sinh vật có phần lòe loẹt, ngụy trang bằng đồ trang sức, theo cách khiến ông ta cảm thấy khó khăn kinh lên được khi muốn đưa ly whisky lên miệng (cô gái kém ông ta dễ đến hai mươi lăm tuổi, đó hẳn phải là một gã giàu có).

Ôi trời, người đàn ông đó vừa mở miệng và tôi nhận thấy hàng răng giả. (Rốt cuộc, đó hẳn là một gã cực kỳ giàu có.)

Sau khi đã chớp mi khoảng hai trăm lần, mắt trợn tròn đến phát sợ còn miệng thì há hốc nghe Henri nói (như thể cô ta hiểu được điều anh đang nói), cô gái quay sang tôi đầy duyên dáng rồi hỏi tôi làm trong lĩnh vực nào. Tôi mỉm cười, đáp rằng tôi từng làm trợ lý cho một doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nghỉ việc, lúc này tôi đang tìm một công việc mới. Thậm chí cô ta còn không cố gắng nghe tôi nói cho hết câu, cô ta bỏ dở ở từ “trợ lý” rồi để tôi nói nốt câu trong một tiếng thở dài. Cô gái quay trở lại với cuộc trò chuyện giữa Henri và chồng cô ta, cô ta nhìn ông chăm chú, như bị chinh phục, rồi quay sang hết người này đến người kia, như thể đang theo dõi một trận tennis.

Tôi nhúp thêm một nắm đào lộn hột.

Bỗng nhiên, tôi ngẩng mặt nhìn lên và nhận ra cô nàng đó.

Một cơn rùng mình kinh hãi chạy dọc xương sống tôi.

Cô nàng cao lớn, xinh đẹp, tóc vàng cắt ngắn, đôi chân tuyệt đẹp lộ ra dưới lần váy ôm khít, càng được tôn bật nhờ loại xăng đan cao gót mà tôi không bao giờ có thể đi nổi (vì hay bị chóng mặt).

… Và nhất là, cô nàng đang mặc một chiếc áo chui đầu giống hệt cái tôi đang mặc!!

Ôi không. Nhưng tại sao lại có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần mặc cái áo giống hệt như tôi cơ chứ? Trên người tôi thì cái áo trông chẳng khác nào hàng hạ giá.

Tôi đứng dậy để đi vào bếp với Roxane, và có lẽ mượn luôn cô bạn một cái tạp dề.

Nhưng cô nàng tóc vàng xỉn đã nhìn thấy tôi. Chúng tôi nhìn nhau vẻ dò xét từ trên xuống dưới.

Tôi không khỏi bụng bảo dạ: “Cô nàng này mặc chiếc áo giống mình thật đẹp, hoàn hảo luôn. Vòng một mình to nên các chi tiết đính vảy cứ bó sát vào trông thật tầm thường… lẽ ra mình nên mặc thứ gì đó khác mới phải.”

Dầu gì cũng vẫn bĩu môi kiêu hãnh, tôi rảo bước đi ra xa.

Nhếch mép cười khinh bỉ khi nhìn thấy tôi đi qua, cô nàng búp bê Barbie quay sang rỉ tai chồng: “anh có nhìn thấy chiếc áo chui đầu giống của em mà cô kia đang mặc không, trông sexy nhỉ? Trông em sẽ như thế nào với cái áo này ôm sát bộ ngực lép kẹp của em? Lẽ ra em nên mặc một cái áo khác mới phải…”

Khi chúng tôi ngồi vào bàn, tôi quay sang ghé tai Henri nói rằng tôi bị mệt nên không muốn chúng tôi nấn ná lâu. Anh nhún vai. Anh cũng đâu có muốn đến, anh đi cùng để tôi vui đấy chứ (và cũng bởi tôi đã dụ dỗ anh nữa).

Sinh vật nhân bản vô tính của tôi (nhưng mang nhiều đặc tính trội hơn), ngồi ngay đối diện tôi, tay đang máy móc che xương đòn vì sợ lộ ngực. Khi bốn mắt giao nhau, tôi nhận ra chính tôi cũng đang ở trong tư thế hệt như cô ta. Chúng tôi liền ngoảnh đi ngay, ngượng ngùng, hạ tay xuống.

Cuối cùng Roxane cũng tới ngồi cạnh tôi, và không phải là quá sớm vì suýt nữa thì tôi phải đợi. Đó là thời điểm Jean-Paul, một vị giám đốc tài chính khoảng bốn mươi tuổi dao động giữa tầm thường-xấu và xấu-tầm thường, chọn để khởi xướng cuộc trò chuyện với chồng nàng người mẫu áo chui đầu, có vẻ như là một nhà văn tên tuổi. Xúc động vì được trao đổi với vị này vài lời, Jean-Paul nhiệt tình tán tụng anh ta. Trước thái độ hoàn toàn dửng dưng của nhà văn, tôi cực kỳ muốn hỏi xem vị tác giả kia viết gì nhưng giác quan thứ sáu mách bảo tôi rằng anh ta sẽ không thích thú gì chuyện đó. Dẫu sao chăng nữa, gã này có vẻ đã mất hết khả năng nhận thức về bản thân rồi.

Gã có vẻ thuộc típ người yêu cầu tài xế riêng ngồi ký vào thủ bút thay mình.

Sự nổi tiếng là một thứ luôn khiến tôi băn khoăn. Giá mà người ta giải thích cho tôi hiểu vì sao mọi người lại ngây ngất ngưỡng mộ những gã được trả hàng đống tiền để làm những công việc ngon ăn nhất trần đời: lầm rầm hát nhép đĩa thu sẵn, viết những câu chuyện về lũ trẻ đi học (những tên phù thủy), diễn trò hề trước máy quay… Thật vậy chứ còn gì nữa. Tại sao người ta không bao giờ xin một tấm ảnh với lời đề tặng của vị bác sĩ đã phẫu thuật viêm ruột thừa cấp cho con cái họ, cũng có nghĩa là đã cứu mạng đứa trẻ đó?

Hoặc tại sao người ta chỉ muốn ve vãn lính cứu hỏa thay vì dán poster của họ trong phòng ngủ, họ chính là các siêu anh hùng trong cuộc sống thường ngày chứ đâu?

Và cả đống người hâm mộ rú lên cuồng nhiệt trước những nữ ca sĩ có tài năng gây ngạc nhiên đến mức buộc phải tạo dáng không khác gì các diễn viên chuyên đóng phim khiêu dâm để bán được nhiều đĩa hơn… Như vậy chẳng phải các dây thanh quản bị phá hỏng không vì cái gì hết sao?

Thực chất, nếu tôi hiểu rõ quan niệm phổ biến trong thế giới của các ngôi sao thì đó chính là lao động cực nhọc để được nổi tiếng, và một khi đã nổi danh rồi thì lại phải núp đằng sau những cặp kính râm để không ai nhận ra.

Nhất trí. Vậy ai là người đã tạo ra quan niệm đó? Một nữ minh tinh tóc vàng hoe chăng?

Những người nổi tiếng được đối xử như các vị thần, không hơn không kém.

Để ý mà xem, chuyện hết sức thường tình: mỗi lời họ nói (dù có nhạt nhẽo vô vị đến đâu) cũng sẽ thu hút được hàng nghìn người, thông qua trung gian là các tạp chí, truyền hình hoặc các DVD tặng kèm. Hãy hình dung những lời bình luận của chủ tiệm bánh nơi bạn hay mua về nghề nghiệp hoặc cuộc sống tình cảm của chính bà ta được đăng thường xuyên trên tờ Gala. “Lucette Dubouchon thổ lộ: ‘Bánh mì dùng nóng bao giờ cũng ngon hơn!’” Và một bức ảnh chụp người phụ nữ tử tế ấy đang cầm một chiếc bánh mì dài, ngón cái giơ lên. “Lucette Dubouchon tiết lộ: ‘Với René, chuyện ấy diễn ra nhiều hơn trước kể từ khi ông phẫu thuật tiền liệt tuyến…’” Tiêu đề được lấy làm lời bình cho bức ảnh chụp nghệ nhân làm bánh đang nằm dài trong phòng sau cửa tiệm, môi chúm lại, một vạt áo liền quần thò ra như trêu ngươi khỏi áo blouse khoác trong lúc làm việc. (Dừng lại đi, tôi không chịu nổi nữa rồi, khêu gợi quá mức.)

Dù sao sau đó, vẫn có những kẻ thích khổ dâm xin chữ ký của Lucette Dubouchon lên túi đựng bánh sừng bò!

Đồng ý. Đôi khi (đôi khi thôi nhé), nhiều năm sau một dòng thủ bút vẫn là quá đẳng cấp.

Hãy hình dung một người bạn học, khi bạn mười hai tuổi, vẽ ngoáy một bức tranh vào vở chép bài của bạn, rồi ghi chú bên dưới: “Dành tặng người ấy, bạn cố tri, cảm ơn vì đã ném phao cho mình trong giờ anh ngữ! Bébert đã ký.” nếu như, vài năm sau, Bébert ấy phát minh ra thuyết tương đối thu hẹp rồi thè lưỡi tạo dáng chụp ảnh không công, OK, ta có thể xem xét việc nổ tới bến trước lũ con cháu trong mọi bữa tối giáng sinh (hoặc lễ Hanukkah[7]) suốt phần đời còn lại. (“aaaah, albert, cái tay kẻ cướp ấy. Ta đã dạy cho hắn mọi điều. Ý ta là bằng anh ngữ ấy mà.”) nhưng trường hợp khác thì thế nào đây? Phải thực tế đi thôi. Một thủ bút của Ève angeli[8] hay của Gérard Miller[9], thậm chí là sau năm mươi năm, cũng vẫn vô giá trị.

Thật điên khi hình dung ra cảnh trên hành tinh này có những kẻ tin rằng xét về mặt sinh lý thì trên mũi Catherine Deneuve không thể xuất hiện, tại một thời điểm nào đó trong ngày, một cục gỉ mũi mà bà không hề hay biết. Ý tôi là, trong phòng tắm nhà mình, Benjamin Castaldi cũng tự mình ngắm nghía cái thứ anh vừa dùng tăm bông ngoáy ra từ tai, dù anh ta có Benjamin Castaldi[10] cỡ nào chăng nữa!

Tôi nghĩ đã tới thời điểm nhân loại bước vào kỷ nguyên tiết lộ: màu cam chói lọi ấy, kỳ diệu thay, không còn mọc trên đầu Mylène Farmer nữa kể từ khi nữ ca sĩ này lọt vào bảng xếp hạng Top 50. Cô nàng nhuộm tóc! Chứ còn gì nữa! (nghĩa là mỗi tháng một lần, cô ấy trông cũng kỳ quặc chẳng khác gì bạn và tôi trong tiệm làm đầu với mớ tóc cuộn trong lớp giấy nhôm. Nhất là, hãy tỏ ra tử tế chứ đừng có lăn ra ngất xỉu hàng loạt đấy nhé.)

Ấy thế mà, những người nổi tiếng lại còn hay hẹn hò với nhau nữa chứ. Người này bị tiếng tăm của người kia làm cho lóa mắt. Thật kinh khủng khi sau đó, phải dõi theo những cuộc tình lầm lạc của người cũ trên tờ Voici. Bạn lên mặt ta đây với đám bạn gái vì đã khiến trái tim của chàng ca sĩ hát chính trong nhóm affaire Louis Trio tan vỡ ư? Vậy thì đây nhé: nhờ chính cuốn tạp chí ưa thích của bạn, cả nước Pháp sẽ biết chuyện chàng ta đang giải khuây trong vòng tay một cô nàng có nhan sắc mỹ miều hơn bạn. Cơ may duy nhất để bạn gỡ lại danh dự ư? Hãy để mọi người bắt gặp bạn đang tán tỉnh một chàng diễn viên người Mỹ điển trai khiến người cũ ghen đến hộc máu mũi, vân vân. Tóm lại, ta không thể nào thoát ra được. Bài học rút ra: tôi vô cùng hài lòng khi thủ bút duy nhất người ta đòi hỏi ở bạn trai tôi là trên sổ điểm của con gái anh ấy.

Cuộc sống với Patrick Bruel[11] hẳn sẽ khiến tôi ngán đến tận cổ.

Tôi nhìn thấy ngồi đối diện với mình là một ông chuyên viết sách đang tỏ thái độ hết sức tự mãn, thế nên tôi quyết định kiêu hãnh lờ tịt ông ta đi.

Chuyện này sẽ khiến ông ta thấy lạ, hẳn ông ta không quen bị mọi người lờ đi.

Mà này, có khi nào làm vậy lại khiến ông ta chú ý tới tôi không nhỉ? Bằng cách tự hỏi người thiếu phụ bí hiểm tóc nâu, đôi mắt tràn ngập vẻ thờ ơ nhuốm sắc sầu muộn khôn lường và đang cẩn trọng lẩn tránh ánh mắt của ông ta kia là ai?

Mà có lẽ ông ta đã chú ý tới tôi nãy giờ rồi, vì tôi mặc chiếc áo pull giống hệt vợ ông ta còn gì.

Cô vợ khêu gợi của ông ta quả đã để ý Henri của tôi nên hau háu đánh mắt sang anh, trong khi tôi thì vừa quan sát chồng cô ta vừa tự hỏi không biết mình đã gặp người này ở đâu. Henri còn chưa nhận ra ánh mắt đang dán chặt vào mình. Anh đang tán gẫu lịch sự với người phụ nữ ngồi kế bên phải.

Bữa tối càng trôi đi và những cái dạ dày càng đầy bao nhiêu (vả lại cũng không nhiều nhặn gì, ơn trời, nhờ có nghệ thuật ẩm thực kiểu mới) thì bầu không khí lại càng sôi nổi bấy nhiêu. Những cuộc chuyện trò bắt đầu râm ran.

Về phần mình, tôi được lựa chọn giữa chuyện phiếm với Henri ngồi bên phải tôi (chẳng có gì thú vị, lúc nào mà tôi chẳng làm thế kia chứ), đang nói chuyện với cô nàng mặc áo nhái ngồi đối diện (chẳng thà tôi nói chuyện với Henri còn hơn), hoặc với Roxane ngồi bên trái tôi.

Roxane cười rinh rích với người đàn ông ngồi cạnh cô nàng, tôi cúi gằm nhìn miếng bánh mì trong đĩa của mình, vừa nhai vừa tỏ vẻ đang mê mải nghiên cứu kết cấu vỏ bánh.

Tôi ngẩng đầu lên khi cô bạn thân thúc nhẹ khuỷu tay rồi thì thào:

– Cậu vào bếp với tớ không? Để xem cô giúp việc có đang chén sạch bách đống bánh ngọt tráng miệng không ấy mà.

Cái câu mã hóa đó thực ra có nghĩa là: “Mau vào đây, tớ cần kể cậu nghe một chuyện!”

Chẳng đợi nhắc đến lần thứ hai: tôi đã đứng phắt dậy trong khi Roxane còn đang nhìn những người ngồi xung quanh với ánh mắt hối lỗi, đẩy ghế lùi lại rồi thanh lịch vươn thân hình dong dỏng đang bó khít trong lớp lụa màu xanh da trời.

Vào đến bếp, chúng tôi chờ đến khi cô giúp việc đi phục vụ các món ăn khác rồi mới bắt đầu buôn dưa.

Roxane (tì hai tay lên mặt bàn bếp). – Thế nào, ổn cả chứ? Buổi tối nay cậu thấy thoải mái không?

Tôi (lịch sự). – Tuyệt vời! Thế còn cậu, cậu vui chứ?

Roxane (sướng mê tơi). – Ôiiiiii… tớ thì… phải rồi, tớ vui lắm, có thể nói là vậy. (Cô nàng vén tóc ra sau.) Tớ khoái chuyện trò với Mathias. Nghe này, đến chết vì cười với anh chàng ấy đấy! anh ấy nhộộộn lắm! Mà nhìn cũng ngon giai nữa, phải không?

Tôi (hơi thích hàm răng của anh ta nhưng không quá ưa kiểu tóc). – Ừm, thì đó… Thực ra gã đó là ai vậy?

Roxane (chun mũi). – Dào ôi, anh chàng làm việc cùng Nicolas. Nhưng Nicolas không ưa anh ấy lắm.

Tôi (suy luận logic). – Vậy thì gã đó làm gì ở đây? Roxane lấy những chiếc bánh ngọt cỡ nhỏ từ hộp các tông lớn do hãng tổ chức tiệc mang tới rồi bày chúng lên một cái khay đã lót sẵn khăn giấy.

– Đó là một trong những người hùn vốn với Nicolas. Trong công việc Mathias cừ lắm. Chỉ có điều Nicolas thấy anh ấy… hơi tự mãn và hiếu thắng. Tớ nghĩ Nicolas hơi dè chừng anh ấy. Nicolas sắp năm xập rồi, chồng tớ cảm thấy mình già cỗi… cậu biết thế nào rồi đấy.

Tôi (nhón lấy một cái bánh ngọt – trông khá hấp dẫn). – Đợi đã, cậu đã sinh cho anh ấy năm nhóc tì, chẳng phải một người đàn ông sẽ cảm thấy trẻ ra khi sống giữa những đứa trẻ hay sao?

Roxane (mặt mũi sa sầm). – Đúng thế mà, có điều lão ấy chỉ sống vì công việc thôi. Đến khi trở về nhà lão ấy cũng chẳng mấy quan tâm đến lũ trẻ. Lão ấy không kiên nhẫn…

Tôi (đóng vai người an ủi, một bàn tay đặt lên vai Roxane, tay kia lơ lửng một cách nguy hiểm cách khay bánh có vài xăng ti mét, sẵn sàng sà xuống đó). – Đúng vậy, nhưng khi cưới Nicolas cậu đã biết lão ấy vốn là người tham công tiếc việc còn gì. Mà chưa kể lão ấy cho cậu một cuộc sống đầy đủ như vua chúa vậy, cậu không phải lo toan bất cứ việc gì, Nicolas là người chồng tốt đấy chứ…

Roxane (nhìn thẳng vào mắt tôi). – Có lẽ vậy, nhưng ở với lão ấy tớ thấy buồn muốn chết.

Tôi (“thế á?”). – Ơ… thế á?

Roxane (cũng nhón lấy một cái bánh để nhấm nháp – đúng cái tôi đang định lấy). – Chuyện nghiêm trọng đó Déborah.

Tôi (liếc về phía khay bánh, đúng hơn là về phía những cái còn lại, vì Roxane đã xoáy của tôi những chiếc ngon lành nhất). – Phải rồi, đúng là đôi khi chuyện đó vẫn xảy ra cho một cặp đôi, ngưỡng bảy năm, thế cả thôi…

Roxane. – … bọn tớ kết hôn đã gần chục năm nay. Tôi. – Thì đấy, ngưỡng mười năm, cũng thế cả thôi. Roxane (tay khoanh lại, cằm tì lên nắm tay). – Thực ra tớ đang dự kiến ba phương án: hoặc là bỏ chồng, hoặc là vẫn chung sống nhưng giải khuây bằng cách mua thật nhiều áo váy đắt tiền, hoặc là ngủ với Mathias. Tớ không biết nữa, tớ đang băn khoăn.

Tôi (với một nụ cười nghèn nghẹt). – Đi thôi, đi thôi, chúng ta cùng đi chọn váy áo cho cậu nào. Lúc này Zara đang có chương trình đại hạ giá đấy…

Roxane (liếm ngón tay bị dây chút kem). – Tớ nói nghiêm túc đấy Déborah. Vả lại…

Chúng tôi im bặt.

Cô giúp việc vừa quay trở lại bếp, đặt cái khay lên bàn, trút đĩa bẩn từ trong khay ra rồi thay vào đó một chồng đĩa sạch.

Tôi (thái độ tự nhiên). – Thế nếu không thì bọn trẻ sẽ ra sao?

Roxane (thái độ còn tự nhiên hơn). – Ừ, ổn cả. Chẳng bao lâu nữa hai đứa sinh đôi sẽ lại đi mẫu giáo, chúng cứ nài nỉ được học chung một lớp. Tớ không biết liệu đó có phải ý hay không nữa, cậu nghĩ sao?

Tôi (sỗ sàng kiểu tự nhiên). – Phải đấy, đừng tách chúng ra…

Cô giúp việc rời khỏi bếp, lại bê ra một khay đầy. Roxane (quay sang tôi). – nói gì thì nói, ngay lúc này thì chưa xảy ra chuyện gì liên quan tới tớ cả. Trái lại, nếu có thể cho cậu một lời khuyên thì ở vào địa vị của cậu, tớ sẽ đề cao cảnh giác hơn một chút…

Tôi (ngạc nhiên). – Cảnh giác á? Sao lại phải cảnh giác?

Roxane nghiêng người về phía hình phản chiếu trên cánh tủ lạnh inox rồi dùng ngón tay chỉnh lại chút son lem nơi khóe môi.

Roxane. – Tối nay Henri có vẻ như được đánh giá cao, nhất là trong mắt cô ả kia, đó đó, cô ả không chịu buông anh ấy ra đâu. Cậu phải coi chừng nhé…

Cô nàng rời khỏi bếp, mắt vẫn đảo về phía tôi.

Tôi (một mình trong bếp và nổi trận lôi đình). – CÁI-GÌ-CƠ?

Trong cơn tức giận tôi vớ lấy một chiếc bánh định đút tọt vào miệng, rồi lại đặt xuống ngay tức khắc khi nhìn thấy cô giúp việc đang đứng chống nạnh nơi ngưỡng cửa, mắt nhìn tôi chòng chọc.

Quay trở về bàn tiệc.

Henri đang cười đùa, và anh không phải người duy nhất. Hiển nhiên là nhà văn, người đã dễ dàng xuống nước, vừa nói một câu gì đó buồn cười mà tôi không nghe thấy. Cô ả tóc vàng không rời mắt khỏi bạn trai tôi, và cô ả có lý khi tận dụng thứ ấy, đôi mắt của cô ta, bởi chẳng bao lâu nữa tôi sẽ dùng nĩa moi mắt cô ta ra.

Ngồi tựa lưng vào ghế, một cơn giận dữ lặng thầm xâm chiếm tôi, len lỏi trong các huyết quản và khiến thái độ của tôi có phần cứng nhắc hơn so với mong muốn. Tôi phải chường ra một vẻ mặt mà thậm chí tôi chưa bao giờ dám hình dung, nhưng tôi không còn kiểm soát nổi mình nữa. Lúc này mà yêu cầu tôi nở một nụ cười thì khó chẳng khác nào yêu cầu một nhà du hành vũ trụ thực hiện một màn biểu diễn nhảy claket trong trạng thái không trọng lực.

Nhận ra điều này, Henri liền thì thầm hỏi tôi xem mọi chuyện có ổn không. Miệng tôi méo xệch thành một nụ cười nhếch mép ghê tởm muốn làm đối phương an tâm, nhưng thực chất lại càng khiến anh thêm lo lắng.

– Có chuyện gì thế em yêu?

– Không, không có gì hết, em sẽ kể với anh sau… Anh không nài thêm.

Vậy mà tôi những mong anh sẽ làm thế đấy.

Tôi đưa lên miệng từng miếng nhỏ đồ ăn, nhai thật lâu, trong khi cuộc chuyện trò đang chuyển biến theo hướng thô thiển. Tôi muốn đứng dậy bỏ đi, nhưng chuyện đó không dễ gì xảy ra. Dù sao chăng nữa. Mà nếu tôi lăng xê cái mốt bữa tối-cấp tốc thì sao nhỉ?

Tay nhà văn đang lôi cuốn cử tọa bằng cách thuật lại một khoảnh khắc đặc biệt đáng hổ thẹn từng gặp trong quá khứ. Khi diễn tả phần cuối câu chuyện, gã bắt chước chất giọng the thé của phụ nữ bị cưỡng dâm, một tràng cười rộ lên xung quanh gã.

Tưởng gì chứ những giai thoại nhục nhã thì tôi cũng có khối! nhưng lạ thay, tôi lại không muốn kể ra lắm. Tôi thích quan sát Henri bằng ánh mắt lờ đờ đen nhánh lửa giận, trong khi anh thì không cần ai khiến đã nhảy dựng lên vì những câu nói của cây hài trong bữa tiệc. Vừa chấm khăn ăn lên miệng, Henri vừa bắt đầu kể cái lần anh có hẹn gặp đối tác bàn công chuyện và đi cùng thang máy với một người đàn ông uể oải đứng tựa vào vách thang máy. Người này bỗng hỏi anh: “anh khỏe không?” Henri ngạc nhiên vì vốn không quen biết ông ta, nhưng vẫn đáp lại: “Cảm ơn, tôi khỏe…” người đàn ông hỏi tiếp: “Mà hôm nay anh gặp ai nhỉ?” Henri đáp: “Tôi phải gặp giám đốc tài chính bên…” Đột nhiên người đàn ông bỗng quay phắt sang anh rồi càu nhàu: “anh cho phép chứ?! Tôi đang nói chuyện điện thoại!”

Thực chất từ đầu chí cuối ông ta toàn nói chuyện điện thoại.

Được thôi, câu chuyện này tôi đã nghe kể rồi, nhưng những người khác thì chưa, vậy nên họ cười bò ra. Bản thân tôi cũng có một kỷ niệm đáng xấu hổ khi đi thang máy. Lần đó, lúc đến nhà trẻ đón bé thứ hai, tôi có bước vào một buồng thang máy không người. Cửa thang máy vừa khép lại thì tôi nhận ra nỗi ghê rợn của nơi mình đang đứng. Người dùng thang máy trước tôi đã thả một quả rắm ghê tởm nhất mà lòng ruột con người có thể lưu giữ. (Thậm chí có lẽ tại chính nơi này vừa diễn ra một cuộc thi thả bom thối, mùi tởm đến mức này thì chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra.) Trong khi tôi nín thở để nghi nghi hoặc hoặc xem người ta có thể ăn gì để có được mức độ thối inh ỏi này thì cửa thang máy mở ra và lần này có thêm ba người nữa bước vào. Bị thứ mùi hấp hơi kia bủa vây ngay lập tức, họ liền chun mũi và nhìn xoáy vào tôi bằng ánh mắt độc địa. Làm thế nào để tôi có thể chứng minh rằng mình vô tội? Làm gì có chuyện người ta đem rắm ra phân tích ADN, vậy nên tôi buộc phải cúi gằm mặt và thầm hối thúc thang máy lên đến nơi thật nhanh để được giải thoát.

Không, tôi nghĩ câu chuyện này không được đẳng cấp cho lắm. Vả lại đây không phải là lúc tự giảm giá trị bản thân trước cô ả lăng loàn kia. Cái cô ả mà vẻ mặt cả đời chưa từng thả bom sinh học quả nào ấy. Hoặc giả chỉ một chút khí cô đặc, mỗi tháng một lần, hết sức chóng vánh, trong một buồng thang máy chẳng hạn. Kiểu không ai thấy cũng chẳng ai hay. Tôi hơi cúi xuống để giấu nụ cười khẩy nham hiểm.

Tôi bỗng bị thu hút vào điệu vũ quay tròn của đôi cánh tay gã nhà văn. Đến đoạn này thì gã không còn mô tả những chuyện mình đang kể nữa, mà nhại lại. Tôi cố tập trung vào cái món rất khó xác định đang lềnh phềnh trong đĩa của tôi, bao quanh là những búi rau cỏ gì đó trông rất kỳ cục, nhưng tôi không thể ngăn mình lắng nghe. gã kia đang kể về bữa tối tại nhà hàng nơi gã lần đầu ra mắt bố mẹ cô vợ đầu tiên. V ì hồi ấy gã còn trẻ tráng, lại đang hết sức si tình, túi thì rỗng tuếch mà ông bà nhạc tương lai lại chẳng ủng hộ mối quan hệ đó chút nào nên ý nghĩ phải gây cho họ ấn tượng thật tốt đẹp cứ ám ảnh tâm trí gã. Buổi tối hôm ấy, họ dùng rượu khai vị, chuyện trò lịch thiệp, và tay văn sĩ bắt đầu cảm thấy hơi thư giãn. Họ vừa chuyển sang gọi món chính thì bà nhạc tương lai của gã đứng dậy để đi vệ sinh. Vài phút sau, người đàn ông của chúng ta cũng cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải hành động giống mẹ vợ. Vậy nên gã đứng dậy cáo lỗi rồi vừa nhằm thẳng hướng toa lét vừa thầm khích lệ bản thân: “Được rồi, được rồi, thôi nào, mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp thôi…”

Tập trung vào việc tiếp thêm can đảm cho mình như thế, gã mở cánh cửa buồng vệ sinh đầu tiên nhìn thấy, và thấy mình đứng ngay trước mặt bà mẹ của vị hôn thê, bà này đang ngồi trên bệ, quần lót tụt ngang gối, vẻ mặt sửng sốt…

Những người ngồi ở đầu bàn liếc nhìn chúng tôi, tò mò trước vẻ hân hoan sung sướng của chúng tôi, rồi lại quay về với cuộc trò chuyện dang dở liên quan đến các công ty đang giải thể.

Ngay cả tôi cũng bắt đầu mỉm cười. Tay này ngộ thật. Rốt cuộc, có lẽ tôi sẽ tìm đọc một trong số các tiểu thuyết của gã (nếu ít ra tôi được biết về những gì gã từng viết…).

Bữa tiệc tối đến hồi rôm rả. Jean-Paul, người có sức thuyết phục ngang ngửa một cái đầu gối, dốc cạn một hơi ly rượu vang rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt:

– Ngày 24 tháng năm 1995 là ngày nhục nhã nhất đời tôi. Tôi đứng dậy phát biểu trước toàn thể hội đồng quản trị để cảnh cáo tổng giám đốc. Tôi trình bày các luận chứng cho thấy sự mất tín nhiệm của ông ta, nhưng tôi càng nói, ông ta càng cười tợn. Đến khi bắt gặp một vài người nữa cười khẩy thì tôi mới nhận ra rằng mình quên chưa kéo khóa quần…

Nghe đến đây, cô ả tóc vàng liền ngật đầu ra sau, miệng há hốc, răng chìa hết cả ra ngoài, và chỉ phát ra một tiếng cười bé xíu. Tôi cho là cô ả nghĩ như vậy mới gợi cảm.

Dường như càng về sau Henri càng tự nhiên thoải mái. Anh nhấm nháp tách cà phê, đặt xuống bàn rồi bắt đầu kể lại một kỷ niệm đáng nhớ thời niên thiếu.

Ruột gan tôi như có lửa đốt. Cô ả mặc nhái áo pull kia dường như đang nuốt lấy từng lời phát ra từ miệng bạn trai tôi, vậy nên tôi phải khoác ngay tay anh, mắt nhìn ả ta không rời. Henri, hơi ngạc nhiên, nhìn tôi chăm chú trong tích tắc, trước khi bắt đầu kể câu chuyện xảy ra với giáo viên Pháp văn dạy anh Ở trường trung học. Anh rất quý người giáo viên đó, bà Ferry, nhưng anh cũng muốn bằng mọi giá hẹn hò với cô gái ấy, người mà lúc này anh đã quên mất tên (càng tốt, đó đúng là một việc đáng làm). Một hôm khi họ cùng trò chuyện trong hành lang, cô bạn kia bắt đầu than phiền về điểm số môn Pháp văn và chỉ trích phương pháp sư phạm của bà giáo. Henri, lúc bấy giờ mới mười ba tuổi, cố gắng gây ấn tượng với cô bạn bằng cách xác nhận quan điểm kia. Anh nhanh chóng nhận ra rằng mình càng phê phán cô giáo thì cô bạn kia càng vui vẻ và nụ cười của cô nàng càng rạng rỡ. Henri hết sức hài lòng và để mặc trí tưởng tượng tha hồ bay bổng, tuôn một tràng không ngớt những câu xỏ xiên chua ngoa theo kiểu ném đá giấu tay. Chỉ tới khi đang nói dở câu: “… Chờ đã, nhưng mụ Ferry ấy à, mụ vô học lắm nhé, đến nỗi mà có kiểm tra nước tiểu thì mụ cũng khó lòng qua được… hinhinhiin”, anh mới nhận thấy mặt cô bạn xanh như tàu lá chuối. Cuối cùng cũng hiểu ra nguyên do, anh chầm chậm quay ra sau – cô bạn kia đã tranh thủ lúc đó để kín đáo lủi đi – và thấy mình đang mặt đối mặt với bà giáo, dĩ nhiên. Cứ nhìn vẻ mặt thì khắc biết cô giáo Pháp văn đã mải miết nghe anh nói được một lúc lâu rồi. Bản án: ba tháng phạt ở lại lớp sau giờ học. Còn cô bạn mà anh đang tán tỉnh kia, vì muốn không liên quan dính líu gì tới anh trước mặt cô giáo, bắt đầu tỏ ra tận tụy hết lòng với cô giáo và không bao giờ nói chuyện với anh nữa.

Cô nàng tóc nâu ngồi bên phải Henri cười phá lên đến nỗi đột ngột mất thăng bằng và trong lúc chới với đã làm sánh vài giọt rượu vang từ ly của mình lên áo sơ mi của Henri. Cô ta thẹn thùng chộp lấy cái khăn ăn để thấm vết rượu, nhưng Henri không để cô ta làm vậy, anh lịch sự ngăn lại và trấn an cô ta: dù sao chăng nữa chúng tôi cũng đang nghĩ đến chuyện về nhà. Cô ta liền mở túi, xé một tờ trong sổ tay rồi ghi nhanh số điện thoại của mình cùng một ánh mắt nhấn nhá đầy ẩn ý.

– Đừng quên gửi lại cho tôi hóa đơn nhuộm tẩy nhé…

Rồi cô ta nhét mẩu giấy đó vào túi áo vest của Henri, mắt vẫn nhìn anh đắm đuối (tôi thì cô ả coi chẳng hơn gì cỏ rác trên cõi đời này) và kết luận:

– Gọi cho tôi nhé…

Roxane nắm khuỷu tay tôi kéo lại gần, thì thầm rỉ tai tôi:

– Tớ đã nhắc cậu canh chừng cô ta rồi đấy thôi. Tớ biết cô ả này, một ả có tiếng hám giai, lại còn tham ăn tục uống nữa chứ…

Vậy là tôi hiểu ra sai lầm của bản thân.

Cô ả tóc vàng chẳng hề mảy may quan tâm đến người tôi yêu. Vả lại cô nàng đang vừa nói chuyện với anh chồng văn sĩ vừa dịu dàng cọ chóp mũi vào tai anh ta. Cô nàng có vẻ hết sức si mê chồng. Tôi mới ngốc nghếch làm sao.

Dạ dày tôi quặn thắt vì ghê tởm.

Khi Adam, người đàn ông đầu tiên, trở về nhà lúc tối muộn, Eva liền đếm xương sườn của chàng, phòng trường hợp chàng lại sử dụng thêm chiếc nữa…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN