Chúng Ta Chia Tay Đi
Phần 3
Ngày hôm sau xuất viện, vẫn chỉ có một mình tôi lủi thủi bắt Taxi về nhà. Hôm ấy là cuối tuần, vả lại cũng đã hẹn bố mẹ tôi về ăn cơm rồi nên chồng tôi không đi làm. Thấy tôi về, anh ta chỉ liếc một cái chứ không hỏi han gì. Tôi cũng chẳng hy vọng anh ta tốt với mình nên không thấy buồn, chỉ bảo:
– Nói chuyện lúc đi.
– Muốn nói chuyện gì? Qua mới đưa tiền rồi, giờ định đòi tiền nữa à?
– Chẳng liên quan gì đến tiền. Tôi muốn nói đến chuyện của tôi với anh.
– Chuyện gì?
– Chuyện ly hôn. Tạm thời tôi nghe theo anh, không ly hôn nữa.
Thái đang uống dở cốc café, tự nhiên thấy tôi nghe lời đột xuất như thế thì hơi dừng lại, anh ta nheo mắt nghi ngờ nhìn tôi:
– Cô đang âm mưu gì đấy?
– Chẳng âm mưu gì cả. Nếu anh không muốn ly hôn vì sợ phải chia tài sản thì được thôi. Một bên sợ mất tiền, một bên sợ ảnh hưởng đến bố mẹ. Tạm thời chưa ly hôn được thì tôi cũng không nhất quyết đòi ly hôn nữa, nhưng tiếp tục sống với nhau thì tôi cũng muốn yêu cầu một chuyện.
– Cô phải biết cô đang là ai, gia đình của cô đang đứng ở đâu. Nghĩ xem mình có đủ tư cách yêu cầu với tôi không rồi hãy nói nhé.
Tôi cười cười, lấy điện thoại mở đoạn ghi âm hôm qua đặt lên bàn, tôi bảo:
– Mấy vết thương trên đầu tôi chụp lại hết rồi. Cả mấy câu anh nhận là đánh tôi hôm qua nữa. Giờ anh muốn tôi với anh ngồi xuống thương lượng tử tế hay là muốn tôi báo công an? Nghe bảo đánh người mà thương tích trên 12% là đủ truy tố trách nhiệm hình sự hay sao ấy? Đầu tôi khâu mấy mũi thế này, lại thêm chấn động não nữa, chắc là trên 12% thương tật nhỉ?
– Cô…
– Tôi lưu hết vào mail rồi nên anh đừng đập điện thoại làm gì. Phí tiền mua cái mới mà chẳng giải quyết được gì cả. Anh cứ suy nghĩ xem với mấy cái này thì tôi đủ tư cách yêu cầu anh không rồi nói nhé.
Mấy năm qua tôi chỉ biết chống cự như một kẻ tâm thần chứ chưa bao giờ dùng đầu óc đối phó với anh ta. Bây giờ sau mấy đêm nằm trong viện, tôi đã suy nghĩ đủ rồi. Tôi nhận ra rằng muốn đòi lại được tất cả những thứ thuộc về mình và gia đình thì buộc phải dùng mưu, mà trước hết tôi phải được đi làm cái đã.
Chồng tôi tất nhiên không thể nghĩ được chỉ sau vài ngày tôi đã thay đổi nhanh như vậy, ban đầu có hơi ngạc nhiên, nhưng rất nhanh sau đó giảo hoạt lại như cũ:
– Cô đừng tưởng thế là dọa được tôi. Ai mà biết cô bị thương tích bao nhiêu phần trăm? Tự ngã rồi ra thế, đừng đổ tội cho người khác.
– Nếu anh muốn biết bao nhiêu phần trăm thì tôi với anh thử lên đồn báo công an rồi đi giám định nhé? Đi không?
Tôi hiểu con người anh ta, tôi biết anh ta kiểu gì cũng sẽ không đi và sẽ thỏa hiệp với tôi, bởi vì con người giả tạo như anh ta rất sợ bị người khác lột trần bộ mặt mình.
Quả nhiên qua một lúc suy nghĩ, chồng tôi quyết định nhượng bộ thật. Anh ta nghiến răng nghiến lợi bảo tôi:
– Cô giỏi. Giờ cô muốn thương lượng gì, nói luôn đi. Yêu cầu tử tế thì tôi còn xem xét, còn không biết điều thì đừng trách.
– Yêu cầu của tôi cũng bình thường thôi. Tôi muốn đi làm.
– Làm gì?
– Phó giám đốc công ty.
– Cô điên à?
– Không, tôi đang tỉnh táo bình thường. Mà vì tỉnh táo nên tôi nhớ rõ là cổ phần của tôi bị anh lừa cướp mất, 10% đấy cũng đủ làm chức vụ gì nho nhỏ ở công ty rồi nhỉ?
– Cô nghĩ một con tâm thần như cô đủ sức làm phó giám đốc à? Cô không sợ người khác cười nhưng tôi sợ người ta cười, hiểu không? Cô đi làm không những làm mất mặt tôi mà còn bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ cô nữa đấy.
– Thế thì anh giao cho tôi các việc lặt vặt thôi. Tuyển nhân sự hoặc quản lý các hoạt động thể thao công đoàn đi. Việc gì mà không phải vận động đầu óc ấy.
Chồng tôi nhìn chằm chằm thái độ của tôi một lượt, giống như đang âm thầm dò xét xem tôi đang có âm mưu gì. Qua mấy phút sau, anh ta mới bảo tôi:
– Sao tự nhiên cô lại đòi đi làm?
– Ở nhà mãi ngu người. Muốn đi làm cho biết đây biết đó.
– Thật à?
– Đằng nào cũng chưa ly hôn được, thế thì đi làm để tìm kiếm niềm vui. Thế thôi.
Anh ta nhếch môi cười nhạt, im lặng một lúc rồi quyết định gật đầu:
– Thích đi làm thì tùy thôi. Nhưng tôi nhắc cho cô nhớ, đừng có giở trò với tôi.
– Yên tâm, công ty của gia đình tôi, tôi chẳng ngu gì mà giở trò. Với cả con tâm thần như tôi không giở trò nổi với anh đâu.
– Biết thế thì tốt.
Thương lượng xong, tôi đứng dậy đi lên phòng tắm rửa trang điểm. Chỗ tóc của tôi chưa mọc lại, tôi sợ bố mẹ nhìn thấy nên đành đội tóc giả để che đi, soi gương thấy sau mấy ngày mặt mũi đầy vẻ mệt mỏi tiều tụy, lại phải dặm thêm một lớp phấn rất dày mới thấy tạm ổn ổn, sau đó mới cùng chồng sang nhà bố mẹ mình.
Tôi nghĩ chuyện đáng buồn nhất trên đời này chính là phải đóng một vở kịch trước mặt cha mẹ mình. Rất lâu rồi, lần nào cũng thế, chúng tôi bình thường thì ghét nhau đến nỗi không muốn nhìn mặt nhưng khi đến nhà tôi thì cả hai ai cũng đều phải tỏ ra niềm nở vui vẻ.
Trong bữa ăn, anh ta còn chủ động gắp mấy miếng ngon cho tôi, dặn tôi chịu khó ăn nhiều vào. Bố tôi thấy thế thì cứ nghĩ con gái mình hạnh phúc lắm, cứ gật gù bảo:
– Con đừng chiều nó quá. Nó lớn rồi thích ăn gì thì ăn, nó tự gắp được mà.
– Chiều vợ mình chứ có phải chiều người ngoài đâu hả bố. Dạo này bố thấy thế nào rồi ạ? Châm cứu có tác dụng không bố?
– Cũng tàm tạm con ạ. Ít ra mạch máu ở chân cũng được lưu thông. Sợ lâu ngày không vận động, chân lại teo đi.
– Vâng. Hôm trước con nghe nói ở Singapore có các bác sĩ giỏi lắm. Hay con đưa bố qua đó khám thử xem nhé?
– Thôi, giờ bố chấp nhận rồi. Ngồi xe lăn cả đời thôi. Không có cách nào chữa được đâu con. Giờ chỉ mong hai đứa nhanh nhanh có cháu để bố bế thôi.
Nghe bố nói vậy, tôi thương lắm, vừa thương lại vừa thấy day dứt. Bởi vì cả cuộc đời này bố mẹ đã lo lắng cho tôi nhiều rồi, ông bà cũng chẳng mong gì nhiều mà cũng chỉ mong tôi khỏe mạnh hạnh phúc thôi. Nhưng cuối cùng tôi lại phụ sự kỳ vọng của bố mẹ rồi.
Liệu khi bố tôi biết tất cả, ông sẽ thế nào đây?
Tôi nhìn bố, cố gắng cười thật tươi:
– Từ từ rồi sẽ có mà bố. Với cả con nghĩ con ở nhà lâu nay nên tâm trạng bí bách, giờ có khi ra ngoài đi làm sẽ khác đấy bố ạ. Tâm trạng thoải mái hơn chắc sẽ nhanh có em bé thôi.
– Con muốn đi làm gì?
– Con mới bàn với anh Thái, sang tuần con đến công ty đi làm bố ạ. Con đi làm cho biết đây biết đó, với cả phụ anh Thái nữa.
– Có làm được không con? Việc kinh doanh không dễ đâu.
Mẹ tôi nghe thế cũng gật đầu bảo:
– Ừ, bố nói đúng đấy. Đi làm bận rộn rồi đến lúc có con, lấy thời gian đâu mà chăm con.
– Khi nào có bầu thì con nghỉ. Với cả còn có anh Thái nữa mà, con có gì không biết thì anh ấy dạy. Bố mẹ đừng lo.
Bố tôi ngẩng đầu nhìn chồng tôi, anh ta có lẽ cũng biết ý nên đành phải nói:
– Vâng. Thôi cứ để Trà đi làm cho vui bố ạ. Có gì thì con sẽ chỉ bảo từ từ.
– Ừ. Nếu hai vợ chồng quyết thế thì cứ để Trà nó đi làm cho vui cũng được. Nhưng phụ nữ thì vẫn nên dành thời gian cho con cái, gia đình.
– Vâng, con biết rồi.
Sau khi từ nhà bố mẹ tôi về, chồng tôi chỉ chở tôi về đến nhà rồi lại lái xe đi mất. Anh ta thường thế, sau khi ngả bài với nhau thì chẳng cần phải diễn kịch với tôi nữa, ngày nghỉ cũng chẳng bao giờ ở nhà mà toàn đi bồ bịch ở bên ngoài.
Trước đây tôi sẽ lặng lẽ thở dài rồi vào trong bếp, mày mò tìm cách nấu các món ăn lạ lạ để tìm kiếm niềm vui. Nhưng giờ tôi suy nghĩ khác rồi, hoặc cũng có thể do tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn sau rất nhiều thăng trầm và biến cố, cho nên không muốn yên phận nữa. Tôi muốn tung bay.
Tôi lấy điện thoại ra, tìm đến số Thu rồi gấm nút gọi:
– Alo.
– Đi mua sắm quần áo không?
– Hả? Hôm nay trời mưa à?
– Mưa cái con khỉ. Trời đang nắng đẹp, 32 độ, không thích hợp đi bar nhảy nhót nhưng đi mua sắm quần áo thì hợp lý đấy. Mày có đi không? Sang đón tao.
– Tiên sư. Hóa ra không có xe đi nên mới nhớ đến tao. Đợi đấy. Tao sang giờ.
– Ừ, sang nhà bên Hồ Tây ấy. Sang đi nhé.
– Ok. Bay sang ngay đây.
Vì chuẩn bị phải đi làm nên tôi muốn mua mấy bộ quần áo công sở, tiện sắm thêm mấy bộ váy áo mới cho mình, xong xuôi Thu còn kéo tôi đi uống café.
Rất lâu rồi tôi không có cảm giác tự do thoải mái thế này, đi mua những đồ mình thích, ngồi nghe con bạn lảm nhảm đủ chuyện trên trời dưới biển, lại nghe nó phân tích anh này đẹp trai, anh kia cao mét tám. Cảm giác giống như những ngày mình chưa qua tuổi 18, vẫn còn trẻ và còn cả một tương lai dài ở phía trước.
Đáng tiếc, tương lai của tôi đã khép lại ở năm tôi mười tám tuổi mất rồi…
Đang mải mê khuấy cốc café thì tự nhiên nghe Thu bảo:
– Ê mày, anh kia có phải anh bác sĩ điều trị cho mày không?
– Đâu?
Tôi ngẩng lên nhìn theo tầm mắt nó, phát hiện ra anh bác sĩ tên Thành đang ngồi ở một bàn trong góc tiệm café, chỉ lặng lẽ ngồi một mình nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Dù không thấy mặt mà chỉ thấy mỗi bóng lưng thôi nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác bóng lưng ấy phảng phất chút cô đơn, lại có một chút nặng lòng.
Thu thấy tôi cứ ngẩn ra nhìn thì vỗ vai tôi bảo:
– Đúng không? Sao mày đần mặt ra thế?
– À, tao không biết. Nhìn mỗi lưng thế sao mà biết được. Mày giỏi nhận ra thế?
– Đâu, tại nãy tao thấy anh ấy tự nhiên quay lại đây nên tao mới nhận ra đấy chứ. Tao với mày sang chào anh ấy đi.
– Dở hơi à? Ai biết mình là ai mà chào.
– Đi, sang chào anh ấy đi. Cho tao tranh thủ làm quen luôn. Tự nhiên tao đổi gu rồi, tao thích anh này, tao phải hốt anh này.
– Gì thế?
– Trai đẹp thế mà không làm quen được thì có lỗi với đời quá. Đi, đi sang giả vờ bắt chuyện cho tao làm quen. Đi.
Tôi không muốn đi nhưng Thu cứ lôi lôi kéo kéo, sợ hai đứa cứ như thế lại làm trò cười cho mọi người nên cuối cùng đành phải méo mặt đi sang bàn bên kia cùng nó. Đến nơi chưa kịp nói gì, con bạn tôi đã nhanh mồm nhanh miệng chào:
– Em chào anh ạ. Anh là bác sĩ ở bệnh viện X đúng không?
Anh bác sĩ ngẩng đầu lên, ánh mắt dừng ở phía tôi vài giây rồi quay sang nhìn Thu, khẽ gật đầu:
– Ừ, đúng rồi.
– Thế đúng rồi, hôm bữa em đến thăm bạn em gặp anh đi khám bệnh mà. Bạn em bị khâu mấy mũi ở đầu ấy, đây này, anh nhớ nó không?
Tôi ngượng chín cả mặt, nhưng lúc đó mà không chủ động chào thì còn ngượng hơn, thế là đành gượng gạo nở ra một nụ cười:
– Em chào anh.
– Bạn này mới xuất viện sáng nay phải không?
– Vâng, đúng rồi ạ.
Sau đó tôi và anh ấy cũng chẳng biết phải nói gì tiếp theo, chỉ có Thu là nhanh chóng kéo ghế rồi ấn tôi ngồi xuống:
– Vừa mới xuất viện sáng nay mà giờ lại gặp đúng anh bác sĩ ở đây, em thấy tình cờ quá nên dẫn bạn em sang đây cảm ơn anh đây. Sao anh lại ngồi đây một mình thế?
– À, không có gì. Tự nhiên thèm uống café nên vào đây.
Nói đến đây, anh ấy nhìn tôi hỏi:
– Đầu bạn sao rồi? Sáng nay đã thay băng chưa?
– Sáng sớm nay có y tá đến thay băng xong rồi em mới về. Tạm thời chưa thấy vấn đề gì cả.
– Đội tóc giả rất bí, làm đổ mồ hôi, dễ nhiễm trùng hơn đấy. Nếu không có việc gì thì nên tháo ra.
– Vâng. Cảm ơn anh.
Thu nghe đến đây mới bảo:
– Anh ơi, bọn em chắc ít tuổi hơn anh đấy. Hai đứa em năm nay mới hai ba thôi, anh bao tuổi rồi ạ?
– À, thế tôi hơn hai bạn 7 tuổi.
– Thế thì anh gọi bọn em là em thôi. Nếu anh học Đại học Y Hà Nội khóa xxx thì hình như học cùng khóa với anh trai em thì phải? Anh học khoa nào?
– Tôi học y đa khoa.
– Ơ thế anh trai em cũng học y đa khoa.
– Anh trai bạn tên gì?
– Tên Chung. Trước làm bí thư đoàn thanh niên lớp xxx ấy ạ.
– Thế Chung học cùng lớp tôi.
– A em nhớ rồi, có phải anh là lớp trưởng lớp anh trai em không? Nhà em có cái ảnh tốt nghiệp, hình như có cả ảnh anh thì phải. Đúng rồi. Anh Thành, lớp trưởng.
– Ừ, đúng rồi.
Con bạn tôi có thể nói chuyện cả ngày cũng được, mà tình cờ thế nào anh trai nó lại học cùng với lớp với anh bác sĩ kia luôn nên càng có chuyện để nói.
Suốt cả buổi hầu như chỉ là Thu hỏi, anh Thành trả lời, mãi đến giờ trưa rồi nó mới chịu buông tha cho người ta về. Trước khi tạm biệt còn nói:
– Hôm nào anh rỗi đến nhà em chơi nhé. Nhà em ngay cách nhà anh có một đoạn thôi.
– Ừ.
– Anh về cẩn thận nhé. Tạm biệt anh.
Đợi đến khi anh Thành đi rồi, Thu lập tức quay sang huých vai tôi:
– Mày thấy chưa? Xin được số điện thoại rồi nhé. Nghe nói ông này ngày xưa học giỏi lắm. Lúc bảo học cùng lớp với anh tao, tao mới nhớ ra. Hotboy của trường Y đấy.
– Ừ. Nhưng không hợp với mày đâu.
– Không hợp cái con khỉ? Tao đẹp gái nhé, có công việc ổn định nhé, dáng người lại ngon nghẻ thế này. Tao mà ra tay thì kiểu gì chả say như điếu đổ.
– Không hợp ở chỗ tao sợ mày làm vấy bẩn người ta đấy bà cô. Người ta đang trong sạch, đừng có bôi đen người ta.
– Xùy, đàn ông kiểu trong sạch thế tao lại càng muốn vấy bẩn. Haha.
– Thôi đi về, đói bụng rồi. Về nhà tao, tao nấu cơm cho ăn.
– Ok.
Ngày hôm sau tôi bắt đầu đến công ty đi làm. Chồng tôi không muốn mang tiếng bỏ rơi vợ nên đành phải chở tôi đi cùng xe, nhưng khi gần đến công ty thì anh ta bảo:
– Tôi chỉ chở cô đi cùng đúng hôm nay. Từ sau cô tự đi xe lấy. Mỗi người một việc, chả ai rỗi hơi mà đưa đi đón về được.
– Cũng được. Nhà còn cái xe trong gara, để chiều tôi gọi thợ đến sửa.
– Đến công ty thì tự biết giữ mồm giữ miệng, giữ thể diện cho tôi, cho cả bố mẹ cô nữa. Cô làm sai việc gì thì tôi thẳng tay đuổi việc đấy, đừng tưởng là con của bố cô thì làm sai tôi không dám đuổi.
– Tôi biết rồi.
Đến công ty, chồng tôi bảo trưởng phòng nhân sự sắp xếp cho tôi một phòng làm việc, tiện giao cho tôi mấy việc lặt vặt. Mọi người ai cũng biết tôi là vợ sếp, đồng thời cũng là con gái của chủ tịch hội đồng quản trị nên không ai dám thắc mắc tại sao tôi vừa vào cái đã được làm luôn chức phó giám đốc. Có điều, tôi thấy ánh mắt của mọi người nhìn mình cứ có chút gì đó kỳ lạ, giống như vừa nể sợ, lại vừa tò mò và mỉa mai.
Nể sợ và tò mò thì tôi còn hiểu được, nhưng mỉa mai thì tôi nghĩ mãi cũng không biết bọn họ coi thường tôi ở chỗ nào. Cho đến mấy hôm sau, có một lần có văn kiện cần có chữ ký của giám đốc, tôi lên phòng chồng để đưa anh ta ký thì phát hiện ra một chuyện.
Tôi đứng ngoài gõ cửa ba bốn tiếng, thấy bên trong vang lên âm thanh lục đục của đồ đạc bị xê dịch. Mấy phút sau, giọng Thái nói vọng ra:
– Có việc gì không?
– Có văn kiện giấy tờ cần ký. Tôi mang vào nhé?
– Đợi tý.
Lát sau anh ta mới bảo tôi “Vào đi”. Đẩy cửa vào bên trong mới biết ở trong phòng ngoài chồng tôi ra còn có một người nữa, cô ta là thư ký của chồng tôi, váy áo đầu tóc mặc dù đã được chỉnh trang rồi nhưng nhìn kiểu gì cũng vẫn thấy còn xộc xệch. Hơn nữa, son môi còn bị lem ra. Ở hoàn cảnh này thì chỉ cần đánh giá bằng mắt thường thôi là đã đủ biết bọn họ vừa mới làm gì trong này rồi.
Cô ta giả vờ ngượng ngùng, cúi đầu chào tôi:
– Em chào chị ạ.
– Ừ.
Tôi giả vờ liếc khóe miệng cô ta, Thủy lập tức tái mặt, lúng túng đưa tay lên lau lau vệt son trên môi. Nhìn thấy thế, tôi chỉ biết cười nhạt ở trong lòng, hóa ra chồng tôi tằng tịu với thư ký ngay ở công ty, chẳng trách ngay từ ngày đầu mọi người lại nhìn tôi như nhìn một kẻ đáng thương như vậy.
Chồng tôi nói:
– Thủy ra ngoài đi.
– Vâng. Để em mang nốt số giấy tờ này ra đi photo ạ. Em chào sếp, em chào chị ạ.
Sau khi cô ta ra ngoài rồi, chồng tôi chẳng có tý nào là hối lỗi hay tỏ ra sợ sệt, mặt mày vẫn câng câng bảo tôi:
– Tìm tôi có việc gì?
– Anh với cô ta làm gì trong này?
– Chả làm gì cả.
– Không làm gì sao bàn ghế lại bừa bộn thế kia?
Anh ta biết không chối được, mà cũng chẳng có ý định chối, lập tức đổi thái độ, hằm hằm quát tôi:
– Đó là việc của tôi, cô đừng có mà lo chuyện bao đồng. Tôi ghét nhất cái loại đàn bà thích xen vào việc của chồng như cô đấy. Làm việc thì lo mà làm việc đi, bớt rảnh rỗi soi mói việc người khác.
– Tôi không hơi đâu mà soi mói, tôi chỉ thấy nó đập vào mắt thôi. Đây là công ty, là phòng làm việc mà anh cũng làm những trò kia được. Anh không biết xấu hổ à?
– Sao? Ghen à? Ghen vì không được tôi đụng vào người à?
– Đừng tự đánh giá mình cao thế. Tôi chỉ không thích anh làm bẩn chỗ này thôi.
– Đây là văn phòng của tôi, tôi thích làm gì chả ảnh hưởng đến ai cả. Cô nhìn được thì nhìn, không nhìn được thì biến.
Thật ra lâu nay tôi vẫn biết anh ta nuôi tình nhân ở bên ngoài, nhưng không nghĩ là anh ta trơ trẽn quan hệ với thư ký ở ngay công ty thế này. Nhưng suy đi ngẫm lại, con người anh ta càng đê tiện thì tôi lại càng dễ hành động hơn, chỉ là cũng nên diễn một chút, tỏ ra ghen tuông một chút cho anh ta đỡ nghi ngờ mà thôi.
Tôi bảo:
– Anh đừng có được nước lấn tới, tôi vẫn là vợ anh đấy.
– Vợ? Nhìn cái mặt cô là tôi đã không cứng nổi rồi. Việc cô không làm được thì để người khác làm đi. Nhìn cô xem, mặt mũi người ngợm có chỗ nào bằng thư ký của tôi không? Cô không soi gương à?
– Ừ, tôi không soi gương. Tôi không bằng thư ký của anh, thế sao anh không bỏ tôi mà lấy thư ký của anh đi?
– Rồi cũng có ngày tôi bỏ cô thôi, cô khỏi lo.
– Ừ, tốt thôi. Văn kiện đây, ký đi.
Anh ta hậm hực ký xong thì ném toẹt một cái cho tôi:
– Tốt nhất từ giờ nếu không có việc gì thì đừng có vác mặt đến đây, làm mất hứng của người khác.
Tôi không đáp, chỉ nhặt giấy tờ rồi quay người đi thẳng. Không ngờ vừa ra khỏi phòng anh ta, đến chỗ ngã rẽ vào thang máy thì đột nhiên thấy có người đang đứng tựa tường chờ sẵn.
Thủy nhìn tôi, cười đầy khinh bỉ:
– Sao chị đi xuống nhanh thế? Không nói chuyện gì thêm với anh Thái nữa ạ?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!