Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ] - Chương 6: The Seven Black (Phần 2)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
469


Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ]


Chương 6: The Seven Black (Phần 2)


Trỏ vào gian phòng Tề Lợi ở, Trần Tước nghiêm trang giải thích, “Nơi Tề Lợi ở vốn là phòng sách. Giữa phòng bày hai dãy giá sách, nên muốn đi từ cửa đến cửa sổ, phải lách mình mà đi. Trong cổ tích, gian phòng Râu Xanh nhốt Công chúa Bạch Tuyết khá đặc biệt, có hình chữ H. Các vị so sánh một chút có thể nhận ra ngay đó chính là phòng sách tầng 1.”

“Theo ý cậu thì Khăn Đỏ, Nhím Hans, Lọ Lem, Mèo Đi Hia và Công chúa Bạch Tuyết chính là năm người bị giết tại dinh thự Vỏ Chai hai mươi năm trước ư?” Trịnh Học Hồng đẩy gọng kính trên sống mũi, hỏi dồn, “Vậy Cổ Vĩnh Huy ứng với ai? Râu Xanh? Hay Hoàng tử Ếch?”

“Chuyện đó lát nữa sẽ bàn sau.” Trần Tước đột ngột dừng lại, cúi đầu nhìn cuốn sổ.

“Chúng ta đã biết nạn nhân tương ứng ở dinh thự Vỏ Chai với mỗi nhân vật trong câu chuyện cổ tích, tiếp theo đây sẽ dựa vào những manh mối đã biết để chứng minh đáp án chưa biết. Phải bắt đầu từ đâu nhỉ? Thôi, cứ từ vụ của Chu Vĩ Thành đi.” Trần Tước nhìn quanh cử tọa, “Các vị đều biết, phòng của Chu Vĩ Thành và Lạc Tiểu Linh đều nằm ở nhà phụ. Muốn đến nhà phụ phải đi qua một hành lang ngoạn cảnh dài dằng dặc, đi bộ sẽ mất chừng ba phút, xin các vị nhớ kĩ thời gian cho. Được rồi, chúng ta quay lại xem xét vụ án. Sau khi giết Chu Vĩ Thành, vì một nguyên nhân nào đó, hung thủ đã lấy áo ngủ của ông ta. Vì sao lại nói là hung thủ lấy? Lúc nãy tôi đã trình bày rồi. Chu Vĩ Thành không thể tự cởi áo bởi không ai cởi trần giữa mùa đông, nếu ngủ nude thì sẽ không mặc quần luôn. Vậy là, chúng ta vấp phải một câu hỏi, tại sao hung thủ phải lấy áo ngủ của ông ta?”

“Có hai khả năng, một là hung thủ chỉ lấy nhưng không mặc, hai là hắn lấy để mặc. Chúng ta thử xét khả năng thứ nhất, tại sao hung thủ phải lấy một chiếc áo trong khi không hề mặc nó. Có lẽ chứng cứ vạch trần thân phận hung thủ đã dính trên áo, như máu chẳng hạn, nhưng theo ghi chép của cảnh sát, áo ngủ của Chu Vĩ Thành lại bị vứt dưới sảnh tầng 1. Hung thủ không giặt, cũng không tiêu hủy nó, đủ thấy không có khả năng nào là trên áo có chứng cứ. Vậy chỉ còn lại khả năng thứ hai, tức là hung thủ cần mặc nó. Mặc áo để làm gì? Trừ làm đẹp, chức năng nguyên thủy của quần áo là để chống rét. Không lý nào hung thủ lại thích kiểu áo của Chu Vĩ Thành, nên chắc chắn hắn đã bị lạnh, cần mặc thêm áo. Vì sao lại lạnh? Tại sao hắn không lạnh ngay từ ban đầu, khi đi đến nhà phụ? Cũng chỉ có một cách giải thích, lúc hung thủ bước vào phòng Chu Vĩ Thành thì không thấy lạnh, nhưng giết người xong, chuẩn bị đi khỏi thì nhiệt độ không khí đột nhiên giảm mạnh. Đáp án duy nhất cho việc này là hệ thống điều hòa tại dinh thự Vỏ Chai đột ngột xảy ra sự cố. Khi hung thủ ra tay, nhiệt độ trong phòng thình lình giảm xuống, dù sao bên ngoài cũng đang có bão tuyết, máy điều hòa trong dinh thự không cầm cự được lâu.

“Như vậy, hung thủ chỉ cần khoác áo ngủ của nạn nhân rời khỏi nhà phụ là được rồi. Nhưng tên hung thủ xui xẻo của chúng ta lại gặp phải rắc rối. Đến đây, xin mời mọi người cùng ôn lại một đoạn trong câu chuyện của Cổ Vĩnh Huy, đoạn về xứ sở của Lọ Lem, tức xứ Đêm. Để đến xứ Đêm, nhóm người Hoàng tử Ếch phải băng qua một con đường nhỏ. Bầu trời của xứ Đêm nhiều mây, mây dày đến nỗi ánh nắng không chiếu xuyên qua được, khiến họ chẳng thấy gì cả. Bấy giờ, họ bỗng ngửi thấy mùi táo thơm ngát…”

“Là khí gas.” Tôi sực nhớ ra đường ống mình và Trần Tước trông thấy ở nhà phụ.
“Khí gas không màu không mùi, nhưng thỉnh thoảng có thể ngửi thấy mùi như mùi táo, đó là do aromatic hidrocarbon và khí gas đồng thời tỏa ra. Tôi đã cùng Hàn Tấn kiểm tra hành lang ngoạn cảnh, quả nhiên dưới nền đất có dấu vết bị đập ra tu sửa; lại thêm trong truyện cổ tích có nói, lúc đi qua con đường nhỏ, trời tối đến mức xòe tay không thấy ngón… Có lẽ thiết bị chiếu sáng trong hành lang năm ấy cũng hỏng. Mọi người thử tưởng tượng xem, hệ thống điều hòa, thiết bị chiếu sáng đồng thời gặp trục trặc, khí gas rò ri đầy hành lang, nhất định là đường điện trong dinh thự có sự cố. Hai bên hành lang ngoạn cảnh tuy có cửa kính nhưng đều là loại thủy tinh hữu cơ gắn cố định vào tường, không thể thông khí, nên bấy giờ chắc chắn cả hành lang nồng nặc khí gas. Khi nồng độ khí gas đạt đến mức nhất định có thể khiến người ta chết vì thiếu dưỡng khí, tên hung thủ nọ đúng là đen đủi, hết điều hòa hỏng lại gặp phải khí gas rò rỉ. Hắn vẫn có thể nín thở chạy một mạch đến nhà chính, có điều, đèn hành lang lại hỏng. Phải đi giữa hành lang tối om dài hẹp quanh co này, hơn nữa lại là giữa đêm khuya, ánh trăng đã bị mây che hết, đúng là khó khăn vô cùng.”

Trần Tước nghiêm trang phân tích.

“Nếu hung thủ có thiết bị chiếu sáng thì vẫn có thể nín thở chạy qua, hít phải ít khí gas cũng không có gì nghiêm trọng, không thể trúng độc ngay được.” Trịnh Học Hồng lên tiếng.

“Thầy Trịnh nói phải, thế nên chúng ta lần lượt xét xem, những người nào không có thiết bị chiếu sáng. Trước hết loại trừ Tề Lợi và Lạc Tiểu Linh vì bên cạnh thi thể họ đều phát hiện đèn pin, tiếc rằng không hỏng thì cũng không có pin. Hà Nguyên cũng không thể, thiết bị chiếu sáng duy nhất trên người anh ta là một chiếc bật lửa, mà thắp lửa trong không gian nồng nặc khí gas rõ ràng là tự tìm đường chết. Dẫu Hà Nguyên có vắt chân lên cổ chạy, e rằng cũng không kịp bởi trong bóng tối mịt mùng, con người sẽ đánh mất cảm giác về phương hướng. Hơn nữa dù khỏe mạnh đến đâu, nếu liên tục hít phải khí gas nồng độ cao trong vòng ba phút, cơ thể sẽ hôn mê và bị sốc. Vậy còn nghi phạm hàng đầu Cổ Vĩnh Huy thì sao? Cũng không thể, vì ông ta đang bị dãn dây chằng đầu gối, e rằng chưa chạy hết nửa hành lang đã ngạt thở chết rồi. Gạt bỏ những nghi phạm trên đây, người còn lại cuối cùng chính là hung thủ.” Trần Tước vươn người ra trước, đôi mắt sáng lấp lánh.

“Trời ạ, vậy ra hung thủ giết Chu Vĩ Thành chính là bác sĩ Lưu Quốc Quyền?”

“Đừng vội kết luận chứ Hàn Tấn. Theo những gì tôi vừa nói thì hung thủ của chúng ta là người đem theo thiết bị chiếu sáng bên người. Đây là đáp án tôi rút ra được từ vụ Chu Vĩ Thành. Quay lại những vụ khác, chúng ta có thể loại bỏ Lưu Quốc Quyền không? Đương nhiên không thể, vì không xác định được trình tự và thời gian tử vong. Vụ án của chúng ta càng trở nên cực kì phức tạp bởi cũng có khả năng Chu Vĩ Thành giả chết, hoặc lúc đó hung thủ chưa giết ông ta, nhưng ông ta mới là hung thủ giết bốn người kia. Để tránh khả năng này, mỗi lần tôi suy luận một vụ đều sẽ lôi nghi phạm từ dưới mồ lên, nhìn nhận dưới đủ mọi góc độ để không mảy may lọt bất cứ sơ hở nào, không thể bỏ qua bất cứ ai. Được rồi, từ vụ Chu Vĩ Thành, chúng ta nắm được điều kiện đầu tiên là kẻ có thiết bị chiếu sáng, cũng tức là bác sĩ Lưu Quốc Quyền. Xin các vị nhớ kĩ điều này để chúng ta tiếp tục. Trong vụ đạo diễn trẻ Hà Nguyên bị giết, tôi đã chú ý đến vài điểm lạ tại hiện trường.” Trần Tước đi đi lại lại trong phòng, thao thao bất tuyệt.

“Căn phòng không có cửa sổ ư?” Vương Phương xen vào.
“Đó chỉ là một điểm mà thôi. Theo lời cảnh sát Triệu, chúng ta được biết xung quanh thi thể Hà Nguyên vương vãi kịch bản, cốc to và một điếu thuốc Camel vẫn còn ngậm trên miệng, chưa châm lửa. Thi thể cách bàn giấy một quãng. Các vị thử nghĩ xem, có lạ không?” Trần Tước rút trong túi ra một cây bút máy ngậm vào miệng, rồi tay phải cầm quyển sổ, tay trái cầm tách trà trên bàn lên. Các vị thấy sao? Nếu tôi muốn uống nước thì còn ngậm thuốc làm gì? Nếu tôi muốn châm thuốc, sao lại cầm cốc chứ không cầm bật lửa? Xin chú ý cho, thi thể cách bàn giấy một quãng, nên cốc, thuốc lá và kịch bản không thể rơi từ trên bàn xuống được. Hà Nguyên bấy giờ đang đứng như tôi thế này, ở ngay trước cửa, sau đó bị người ta đánh úp ư? Tại sao anh ta lại hành động như vậy?”

Nghe Trần Tước nói thế, tôi cũng thấy khó tin. Thông thường sau khi ngậm thuốc lá, động tác tiếp theo sẽ là dùng bật lửa châm thuốc; còn nếu muốn uống nước thì phải bỏ điếu thuốc ra. Tư thế này của Hà Nguyên quả là kì lạ, khiến người ta khó lòng lý giải.

Dường như nhận ra sự nghi hoặc của chúng tôi, Trần Tước mỉm cười nói tiếp, “Bởi vậy tôi cho rằng đây không phải ý của Hà Nguyên, mà là hung thủ cố tình bày ra.”

“Cố tình bày ra ư?”

Ánh mắt Trịnh Học Hồng đầy hứng thú.

“Phải. Kịch bản, điếu thuốc và cốc nước, trong đó có một thứ là do hung thủ đặt bên cạnh thi thể, để đánh lừa người khác. Nhưng rốt cuộc là thứ gì? Trước hết, tôi gạt bỏ kịch bản bởi nó không hề mâu thuẫn với hai thứ còn lại, trong lúc uống trà hay hút thuốc, các vị đều có thể đọc kịch bản. Vậy thì điếu thuốc và cốc to, vật nào mới là do hung thủ đặt cạnh thi thể?” Trần Tước đặt câu hỏi rồi lại đưa mắt nhìn quanh phòng.

“Xem ra không ai có câu trả lời, để tôi nói tiếp vậy. Nếu các vị đọc kĩ hồ sơ, sẽ nhận ra ngay hung thủ đặt thứ gì bên cạnh Hà Nguyên. Đội trưởng Triệu lúc mới tới đã kể, miệng anh đạo diễn cắn chặt đót thuốc, như vậy cái cốc mới là thứ hung thủ để lại. Rất lạ phải không? Sao hung thủ phải bỏ lại hiện trường một cái cốc? Thật ra đơn giản, mấu chốt không nằm ở cốc mà nằm ở cà phê từ trong cốc chảy ra. Cảnh sát Triệu miêu tả rằng cái cốc nằm lăn lóc, cà phê chảy dài theo khe cửa ra ngoài, vệt cà phê vẫn còn lờ mờ dưới sàn. Hung thủ làm đổ cốc nhất định là có dụng ý. Hắn muốn dùng hành động đó để che đậy điều gì? Một cốc cà phê thì che giấu được cái gì? Chúng ta thử động não suy đoán xem. Phải rồi, chính là một vết ố khác trên sàn. Hung thủ muốn dùng vết cà phê để che vết ố gì? Cà phê chảy ra đã che đậy được thứ gì trên mặt đất? Chính là máu.”

“Theo báo cáo pháp y, nguyên nhân Hà Nguyên tử vong là do tổn thương cơ học, thi thể có nhiều vết thương do vật sắc nhọn gây ra. Hà Nguyên đã bị hung thủ đâm mấy nhát, chảy nhiều máu, máu dây ra sàn nhà cũng là chuyện bình thường. Vậy tại sao hung thủ phải che giấu vết máu trên sàn? Có cần thiết không? Chúng ta thử nghĩ theo hướng khác xem sao. Phải chăng thứ hung thủ muốn che giấu không phải vũng máu cạnh thi thể mà là vết máu nhỏ dưới khe cửa? Tuy nhỏ, nhưng nếu bị phát hiện thì sẽ toi đời. Máu nạn nhân đã đông lại, không thể chảy tiếp ra đó nữa nên buộc phải dùng cà phê. Tại sao khe cửa lại có vết máu? Vì hung thủ đã giết người trong lúc cửa mở toang, có vậy máu mới bắn ra nền nhà chứ không phải bắn lên cửa. Không sai, tên hung thủ này gan to bằng trời, đã để cửa mở mà giết chết Hà Nguyên.”

Trong phòng vang lên tiếng sột soạt của cơ thể người cọ xát với lớp da bọc sofa.

“Sau khi gây án, hung thủ mới phát hiện ra mấy vết máu đó, nếu không xử lý ắt sẽ bị vạch trần thân phận. Cớ sao hắn phải mở cửa giết người chứ không đóng lại? Hắn không sợ bị phát hiện ư? Đương nhiên hắn sợ, bằng không sẽ chẳng hơi sức đâu đổ cà phê ra che giấu. Thật ra, hành vi kì quặc này của hung thủ có liên quan tới một chứng bệnh tâm lý. Chị Vương, bác sĩ Đào, hai vị đều am hiểu tâm lý học, hẳn chẳng lạ gì chứng sợ không gian khép kín đúng không?”

“Sợ không gian khép kín là trạng thái lo âu, sợ hãi khi ở trong một không gian kín, vì tâm lý e ngại khả năng không thể thoát ra nên sinh hoảng sợ. Nếu bị nặng còn cảm thấy ngạt thở, thậm chí ngất xỉu.” Vương Phương đáp.

“Cậu nói hung thủ có chứng sợ không gian khép kín, vậy làm sao cậu biết được ai trong những người ở Vỏ Chai năm xưa mắc phải chứng này?” Đào Chấn Khôn hỏi.

Như đã đoán trước tình huống, Trần Tước giơ cuốn sổ tay lên, “Câu trả lời vẫn nằm trong câu chuyện của Cổ Vĩnh Huy. Thế nên tôi mới nói, muốn phá vụ án lần này, phải gom những manh mối đã mất và manh mối vốn có lại. Ở xứ Nước, khi Hoàng tử Ếch gặp Khăn Đỏ lần đầu, Khăn Đỏ đã nói, ‘Trên đời này tôi căm ghét nhất hai thứ, một là cai ngục, hai là người sói. Cai ngục giam cầm người ta, không cho họ ra ngoài, tôi lại sợ nhất là mất tự do, nếu mất tự do, tôi sẽ run lên bần bật. Còn người sói ăn thịt người không nhả xương, làm hại dân lành xứ Nước, ác độc vô cùng..’ Xin lưu ý, ‘mất tự do’ mà Khăn Đỏ nhắc đến chính là bị giam cầm, tương ứng với nỗi sợ không thể thoát khỏi phòng kín của Lạc Tiểu Linh, tức Khăn Đỏ trong đời thực. Bởi vậy, hung thủ giết hại đạo diễn trẻ Hà Nguyên chính là nữ diễn viên Lạc Tiểu Linh mắc chứng sợ không gian khép kín.”

Qua suy luận, Trần Tước đã cho thấy hung thủ giết Chu Vĩ Thành là Lưu Quốc Quyền, hung thủ giết Hà Nguyên là Lạc Tiểu Linh. Tôi không rõ lời cậu ta nói có phải sự thực hay không, nhưng nếu quả đúng như thế thì quá kinh khủng.

“Còn một vụ nữa khiến tôi thấy lạ, là cái chết của nhà văn nữ Tề Lợi. Hiện trường nơi Tề Lợi bị hung thủ siết cổ chết trong phòng sách tầng 1 rất kì quái. Giữa phòng có hai giá sách, trong đó, tất cả sách trên một giá đều bị lấy xuống vứt bừa bãi dưới sàn, bước vào phòng cứ như bước vào một biển sách vậy. Trường hợp này có hai khả năng, một là Tề Lợi lấy sách xuống, hai là hung thủ lấy sách xuống. Khả năng thứ nhất có thể xảy ra không? Tề Lợi là khách, hành động như vậy là thất lễ với chủ nhà, huống hồ trong phòng sách của Cổ Vĩnh Huy có khá nhiều sách cổ, tùy tiện vứt lung tung không phải hành động của người yêu sách. Nếu muốn tìm sách có thể tìm từ từ, không cần làm vậy. Tôi cho rằng, hành vi đó do hung thủ gây ra. Hắn làm vậy vì mục đích gì? Chúng ta có thể nhìn ra đôi chút manh mối từ cách bố trí phòng sách.”

Nói đoạn, Trần Tước lại rút trong chồng hồ sơ dày cộp ra một bản sơ đồ phòng sách.

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN