Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ] - Phần Kết
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
761


Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ]


Phần Kết


Chớp mắt đã đến cuối năm.

Chừng tháng Mười năm ngoái, tôi được một tổ chức giáo dục mời về, bắt đầu công việc bận rộn. Ít thời gian rảnh rỗi ít, chưa nói nghỉ phép, mà ngay Tuần lễ vàng vẫn phải vùi đầu soạn giáo án. Dù vậy cũng coi như có công việc đàng hoàng, tốt hơn cuộc sống mờ mịt trước đây nhiều. Cứ nghĩ mức sống dư dả sẽ giúp tôi quên đi vài chuyện không thoải mái, nhưng sự thật đã chứng minh tôi nghĩ sai.

Trong vòng hai tháng kể từ khi rời khỏi dinh thự Vỏ Chai, hầu như đêm nào tôi cũng gặp ác mộng, trông thấy những người đã chết đi đi lại lại trước mặt, hễ nhắm mắt là thấy họ hiện ra. Thậm chí tôi còn phải tới khám bác sĩ tâm lý. Nghe xong những câu kể lể dong dài của tôi, bác sĩ trầm tư giây lát rồi nói, “Tôi đề nghị cậu viết lại tất cả những chuyện này, sẽ có ích cho việc khôi phục tinh thần của cậu.”

“Ghi lại ư?” Tôi trợn tròn mắt, “Tôi không thể đối diện với chúng, vậy mà bác sĩ còn bảo tôi hồi tưởng nữa à?”

“Điều tôi muốn chính là cậu phải đối diện với chúng đấy. Chỉ có đối diện với sợ hãi, cậu mới có thể chiến thắng nó.” Bác sĩ quả quyết, “Tôi từng gặp nhiều trường hợp giống cậu rồi, cứ làm theo lời tôi đi, nhất định không sao đâu.”

Đã vậy, tôi đành làm theo. Những điều các vị vừa kiên nhẫn đọc trên đây, đều là kí ức của tôi về vụ án ở dinh thự Vò Chai, nhưng sau khi đọc qua ghi chép của tôi, Trần Tước cho rằng có nhiều chỗ không giống với những gì cậu ấy nhớ được. Cuối cùng tôi vẫn quyết định mặc kệ, tuân theo kí ức của mình. Tôi thường ôn lại những cảnh tượng khủng khiếp ấy trong lúc viết, khiến chất lượng giấc ngủ càng thêm tuột dốc. Mất ngủ hằng đêm khiến tinh thần tôi suy nhược, tình trạng này kéo dài khá lâu, mãi đến khi bản ghi chép hoàn thành.

Viết xong dòng cuối cùng, quả nhiên đến đêm tôi ngủ say sưa.

Đến giờ, rốt cuộc tôi cũng xua tan được đám mây đen lởn vởn trong tâm trí, vụ giết người ở dinh thự Vỏ Chai cũng hạ màn.

Để cho đầy đủ, tôi vẫn muốn kể thêm một chút về những chuyện sau này ở dinh thự Vỏ Chai. Ai không hứng thú với những nhân vật khác trong bản ghi chép có thể bỏ qua khỏi đọc.

Sau khi Trần Tước vạch trần thân phận hung thủ, sáng hôm sau, ô tô giao thực phẩm cũng đến dinh thự. Nhân viên giao hàng nghe chúng tôi kể lại thì hết sức kinh hãi, lập tức báo cảnh sát. Cảnh sát ập đến phong tỏa hiện trường, rồi cho các trinh sát lục tìm chứng cứ. Chú Sài cũng chẳng biện hộ gì, thản nhiên thừa nhận tội trạng với cảnh sát. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là, chú Sài còn thành khẩn kể lại cho cảnh sát toàn cảnh vụ giết người hàng loạt hai mươi năm trước. Đối chiếu với suy luận của Trần Tước cũng không có nhiều khác biệt, chỉ chênh lệch vài tình tiết nhỏ mà thôi.
Sau khi nhận tội, chú Sài quỳ xuống dập đầu trước cảnh sát cầu xin, “Tất cả bọn họ đều do tôi giết, xin các ông tuyên tôi án tử hình đi, tôi chỉ muốn chết mà thôi.” Một cảnh sát trẻ đứng trước mặt chú Sài lộ vẻ khó xử, vội đỡ ông ta dậy, “Có tuyên án tử hình hay không là do tòa, chúng tôi không thể quyết được.”

Còn một vài thắc mắc, tôi cũng xin trả lời thống nhất.

Thạch Kính Chu xem xong ghi chép của tôi thì nói, “Trong vụ án hai mươi năm trước, hung thủ đập vỡ tất cả lọ nước hoa tại hiện trường rồi vẩy nước hoa vào phòng người khác, theo suy luận thì nạn nhân trong vụ này là người chết thứ tư. Tao cảm thấy hung thủ không cần làm vậy, vì bấy giờ trong dinh thự chỉ còn ba người, hắn giết quách người thứ năm thật nhanh là xong. Hành động kia cũng chẳng giấu giếm được thân phận, vì người còn lại trong dinh thự có thể đoán ra hung thủ là người không am hiểu về nhãn hiệu nước hoa hoặc bị ngạt mũi. Bấy giờ tao nhớ Tề Lợi cũng bị ngạt mũi, nhưng người chết thứ hai lại là cô ta. Hung thủ chẳng khác nào giấu đầu lòi đuôi.”

Tôi trả lời, “Chú Sài bấy giờ bị ngạt mũi, người lại đầy mùi nước hoa, ông ta sợ mùi nước hoa khiến người ta nghi ngờ nên mới muốn vẩy nước hoa lên những người khác. Nhưng nếu chỉ vẩy lên những người còn lại, há chẳng phải thừa nhận nước hoa có liên quan đến vụ giết người ư? Giống như nói toạc ra là vẩy nước hoa để che giấu hành vi phạm tội vậy. Nếu ông ta vẩy nước hoa tung tóe khắp dinh thự Vỏ Chai thì hiệu quả đánh lạc hướng cao hơn hẳn, không ai hiểu tại sao hung thủ lại làm thế. Có khi hành động này chẳng liên quan đến vụ giết người cũng nên.”

Thạch Kính Chu có vẻ chưa vừa ý với câu trả lời của tôi, lại gặng, “Hai mươi năm trước ông ta cũng là quản gia ư? Sao không đi thay bộ đồ khác?” Tôi lại giải thích, “Có thay, nhưng ông ta không rõ nước hoa sẽ bám mùi bao lâu. Có những loại nước hoa bám mùi dai, tắm một lần cũng chưa chắc hết mùi, nên để cho đảm bảo, hung thủ sẽ vẩy nước hoa khắp nơi, ấy mới là kế vẹn toàn.”

“Nếu mỗi khi giết một người, chú Sài lại lấy đi một món đồ từ hiện trường thì sẽ nảy sinh vấn đề: Thùng sơn bị bỏ ra khỏi tủ từ khi nào? Có phải khi bỏ món đồ đầu tiên vào, nó đã bị lấy ra không?”

“Quá đơn giản, khi chưa ra tay giết chóc, hung thủ đã lấy thùng sơn quét đầy lên tường phòng Cổ Vĩnh Huy rồi. Mày nghĩ xem, hung thủ làm thế quả là một công đôi việc. Có thể hù dọa mọi người, khiến tất cả khách khứa sợ mất vía, luống cuống chân tay, tiện thể cũng dọn trống ngăn tủ để cất đồ.”

Thạch Kính Chu gật đầu, lại hỏi tiếp, “Còn nữa, hung thủ đã ở trong dinh thự, không thể liên lạc với bên ngoài, vậy hai mươi năm trước, ai đã báo cảnh sát?”

“Có nhiều cách mà, dù sao hung thủ đã lên kế hoạch cho vụ giết người này ngay từ đầu rồi. Tao tạm lấy một ví dụ thế này, ông ta hoàn toàn có thể thuê ai đó, căn dặn vào giờ này ngày này gọi điện báo cảnh sát.”

Thạch Kính Chu lắc đầu, “Cổ Dương bị dao đâm xuyên cổ họng không nói được thì tao hiểu, nhưng tại sao không phát hiện vết máu bắn ra? Tuy tường phòng đều sơn màu đỏ, nhưng khe cửa và phía sau cửa chẳng lẽ cũng bị sơn đỏ nốt ư?”
Tôi nói ngay, “Đương nhiên, hung thủ đã đóng cửa phòng rồi sơn thành màu đỏ hết. Bốn bề đều màu đỏ, như vậy mới có thể giấu lá trong rừng chứ.”

Giải đáp bấy nhiêu câu mà Thạch Kính Chu vẫn chưa chịu buông tha, “À phải, còn nữa, về việc hung thủ biến mất hai mươi năm trước ấy, tại sao phải mất công lấy đồ của người khác mà không chuẩn bị sẵn một vật kê chân có độ cao phù hợp cho mình? Ông ta cũng không dám chắc những thứ mình lấy đi có đủ đạt đến độ cao đó không mà?”

Tôi bực bội sầm mặt, “Có lẽ ông ta đã chọn chúng theo nhu cầu thực tế. Dùng được thì tốt, nếu không được thì tìm thêm, không ngờ lại gặp may, chồng lên đạt đúng đến độ cao cần thiết. Nếu ngang nhiên bê một cái ghế kê chân, nhất định sẽ bị nghi ngờ, bắt buộc phải dùng nhiều thứ linh tinh chồng lên nhau mới che giấu được ý định thực sự. Đương nhiên đây đều do tao đoán cả, nếu mày muốn đáp án chính xác thì đi mà hỏi ông ấy.”

“Ông ta sắp bị xử bắn rồi còn hỏi quái gì nữa?” Thạch Kính Chu bĩu môi.

“Đúng vậy, nhiều chuyện chỉ có ông trời và chú Sài biết, mày hỏi làm quái gì?” Tôi chế giễu.

Thạch Kính Chu câm nín.

Ngoài ra, còn một chuyện nữa tôi phải viết nốt vào đây. Sau khi dinh thự Vỏ Chai bị cảnh sát niêm phong, chú Sài đã trốn vào một phòng khác, nhưng làm sao để lẻn ra? Theo ông ta khai thì bấy giờ tuy đông cảnh sát, nhưng một số người không am hiểu thiết kế ở đây, ông ta có thể lợi dụng điều này. Chú Sài đã nấp trong phòng bên cạnh một lúc, chừng mười phút sau, cảnh sát bắt được Cổ Vĩnh Huy ở cách đó 5 km thì đại đa số cảnh sát trong dinh thự cũng ào ào kéo đi, bấy giờ ông ta mới lẻn ra khỏi dinh thự rồi chuồn thẳng. Vậy nếu lúc đó cảnh sát phá cửa xông vào ngay thì sao? Chú Sài không nói, có lẽ ông ta có phương án hai, có lẽ…

Mà, trên đời cũng chẳng có nhiều có lẽ đến vậy đâu.

Rất lâu về sau tôi mới biết, tên thật của chú Sài là Ngô Hán Dân. Tuy chẳng còn ý nghĩa gì nhưng tôi vẫn muốn ghi lại vào đây, đó mới là tên thật của ông ấy. Phiên xử cuối cùng, tôi và Trần Tước đều không tới, nghe nói khi quan tòa tuyên án tử hình, yêu cầu chấp hành ngay lập tức, Ngô Hán Dân đã thở phào nhẹ nhõm. Tôi đoán, phút cuối cuộc đời, người ông muốn giết nhất chính là bản thân mình.

Vụ án kết thúc, Chúc Lệ Hân sang Anh du học. Chu Kiến Bình đi Mỹ, tiếp tục sự nghiệp ảo thuật gia, thỉnh thoảng chúng tôi còn thấy ông ta biểu diễn trên ti vi. Mỗi lần như vậy, Trần Tước đều phá lên cười. Trịnh Học Hồng từng đến đường Tư Nam gặp chúng tôi một lần, vừa vào cửa đã kéo Trần Tước vào phòng sách, thảo luận những kiến thức cả đời tôi cũng không sao hiểu nổi. Về phần Vương Phương, sau này chúng tôi không gặp lại, nhưng chị có gọi điện thoại cho chúng tôi mấy lần. Theo chị kể thì Triệu Thủ Nhân đã nghỉ hưu, chuẩn bị viết một cuốn tự truyện kể về cuộc đời làm cảnh sát của mình. Vương Phương giục giã ông ta liên tục, còn chủ động đề nghị sẽ giúp liên hệ với nhà xuất bản nữa. Tôi nghĩ, nếu tương lai cuốn tự truyện đó ra mắt, chắc vụ án ở dinh thự Vỏ Chai sẽ chiếm rất nhiều trang. Chẳng biết trong sách ông ta nhận xét về Trần Tước ra sao. Chúng tôi đành rửa mắt chờ đợi vậy.
Sau vụ việc ở dinh thự Vỏ Chai, Trần Tước lại khôi phục nhịp sống trước đây, vô lo vô nghĩ suốt cả ngày. Trịnh Học Hồng từng giúp cậu ta liên hệ với vài trường đại học, hi vọng Trần Tước có thể quay trở lại bục giảng, tiếp tục những nghiên cứu khoa học dang dở ngày trước. Song dường như cậu ta chẳng mấy mặn mà với việc gây dựng lại sự nghiệp, cứ lần lữa nói để bàn sau. Đúng là một kẻ lập dị. Nói thật lòng, dù đã thuê chung nhà với cậu bạn học cùng tiểu học này hơn nửa năm, tôi vẫn không hiểu được suy nghĩ của cậu ta. Có lúc cậu ta nghiêm túc đáng tin cậy, lúc lại quái dị kì quặc, tính khí thất thường, vui giận khó lường.

Vụ án kể ra đã gây ảnh hưởng lớn đến Trần Tước. Tuy đã gặp vô số án mạng tày trời nhưng lần này, nạn nhân lại là bạn thân của cậu ta. Thường ngày, Trần Tước không nhắc nhỏm gì về vụ án với tôi, cũng làm bộ như không để tâm. Chỉ có một lần, tôi cảm giác được cậu ta đang buồn.

Hôm đó là một ngày tháng Mười hai, tôi tan làm sớm, về nhà thì thấy Trần Tước nhắm nghiền mắt nằm co ro trên sofa phòng khách. Cậu ta không đọc sách, không tiếp khách, cũng không ra ngoài. Tôi bước vào, cậu ta cũng chẳng buồn ngẩng lên. Tôi biết cậu ta không ngủ, xưa nay cậu ta không bao giờ ngủ trên sofa, dù có mệt đến đâu cũng phải tắm táp sạch sẽ, mặc đồ ngủ rồi nằm lên giường. Tôi thừa nhận về mặt này mình lôi thôi, khác xa tác phong chỉn chu của cậu ta.

Tôi lại gần, vừa định lên tiếng thì nhác thấy một tờ báo trên bàn. Tờ báo để mở, tôi có thể đọc thấy nhan đề rành rành trên trang đầu: Lời nguyền ứng nghiệm. Bà Phương Tuệ, vợ góa của Cổ Vĩnh Huy chết vì tai nạn xe cộ.

“Xe của bà ta đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc, chết ngay tại chỗ.” Trần Tước nói bằng giọng trầm trầm.

“Sao… Sao có thể thế được?”

“Không biết.”

Lẽ nào dinh thự Vỏ Chai có lời nguyền thực ư?

Trần Tước chậm rãi mở mắt, mơ màng hỏi, “Hàn Tấn, anh là nhà văn đúng không?”

“Đâu có, tôi đâu phải nhà văn.”

“Tolstoy ạ, cứ đến tối là tôi bắt gặp anh lén lút viết sách đấy.” Vẻ xảo quyệt lóe lên trong mắt cậu ta.

Tôi cứ ngỡ cậu ta đang buồn vì Cổ Dương, nào ngờ lại chế giễu tôi rồi, đang định độp lại thì Trần Tước đột ngột rút từ sau lưng ra một cuốn sổ tay cũ kĩ, đưa cho tôi.

Chính là cuốn sổ có câu chuyện cổ tích Cổ Vĩnh Huy viết trước lúc lâm chung, Bạch Tuyết trong phòng giam bí mật.

“Tôi không thích đoạn kết câu chuyện này.” Giọng Trần Tước như nài nỉ, “Anh sửa lại đi.”

END.

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (5 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN