Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 7: Lễ hội
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
114


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 7: Lễ hội


Lễ hội diễn ra đúng ba ngày. Ngày đầu tiên là ngày truyền nước và lửa. Ngày thứ hai là ngày nghỉ ngơi, đi chơi của hầu hết người dân trong thành. Ngày thứ ba là ngày tặng quà, người lớn tuổi hơn sẽ tặng quà cho người nhỏ tuổi để lấy lộc. Hôm nay là ngày quan trọng nhất trong ba ngày lễ hội, vì chiều nay có lễ rước thần.
Nếu tôi không nhầm thì hôm nay quán cơm của bà chủ sẽ chuẩn bị sẵn những suất cơm từ tối qua và tờ mờ sáng nay để bán cho khách trẩy hội. Theo lời khuyên của bà chủ thì tôi nên kê một cái bàn vẽ bên ngoài quán, vì ngày hội người ta không thu thuế.
Sáng nay Khánh mặc bộ đồ màu nâu ít rách hơn, còn tôi được cô ấy nhường bộ đồ màu trắng, cô ấy bảo trông tinh tươm hơn sẽ có nhiều người tới vẽ. Ra tới con đường dẫn từ bến thuyền vào thành, hai đứa thấy người vào thành còn nhiều hơn hôm qua, trên vai nhiều người còn mang tay nải. Khánh nhanh chóng xin được một xe ngựa cho cả hai đứa đi nhờ, nên vào thành sớm hơn. Chúng tôi chia tay nhau tại quán ăn, sau đó Khánh lẫn vào dòng người. Khánh bảo đi kiếm tiền. Những ngày lễ hội quả thật là những ngày dễ kiếm tiền nhất, cũng là những ngày người ta tiêu tiền ghê nhất.
Quán ăn đông nghịt người, trong có thêm một cô bé chạy bàn bà chủ thuê cho hôm nay. Người trong quán cũng là người tứ xứ đổ về, bàn luận xôn xao về lễ hội năm nay.
– Năm nay tiểu thư Ngọc Điệp sẽ là người đại diện chủ trì buổi lễ.
– Lạ thế. Mọi năm thường là người của hoàng gia hoặc đại quý tộc. Là một người xuất thân tầm thường làm sao xứng.
– Ăn nói cẩn thận- Một người khác lên tiếng.
– Đúng đấy. Hôm qua tôi mới đến, chỉ mới xem tranh vẽ cô ấy thôi mà cũng đã thấy lời đồn không ngoa. Cô ấy dường như không phải người phàm. Thủy hỏa thần năm nay đứng với cô ấy chỉ như chim sẻ so phượng hoàng thôi.
– Lần đi sứ vứa rồi cô ấy đánh cờ thắng cả trạng nguyên bên đó. Thật khiến Lương Yên nở mày nở mặt. Nghe đâu cô ấy sắp được sắc phong quận chúa, lần này làm chủ trì chỉ là một cách thông cáo cho mọi người biết thôi.
– Ra thế.
– Mà phía nam lâu rồi không mưa nhỉ…
Tôi đang loay hoay ở cửa hóng chuyện thì thấy Quyên tất tả đi qua. Nhác nhìn thấy tôi, cô ấy đi vội tới bàn đặt đồ ăn, xong kéo tuốt tôi vào phía trong gần gian bếp. Mọi người đều ở đây, trời không nóng mà ai nấy mướt mồ hôi, nhưng trông đều vui vẻ cả. Quyên hỏi dồn:
– Này, bức tranh vẽ Ngọc Điệp tiểu thư là do chị vẽ đấy hả? Ở bảng thông báo ấy.
– Tôi chưa nhìn. Nó trông thế nào?
– Cô ấy mặc váy áo màu xanh bên cửa sổ ấy. Đúng không? Chị Liên bảo không thấy tên nhưng có một bông hoàng lan. Chắc là chị hả?
– Ừ. Đúng rồi.
– Trời. Chị tuyệt thật. Có thể mở một tiệm riêng được rồi đấy.
Tôi ngẩn người mất một lúc. Ngọc Điệp đã dùng bức tranh tôi vẽ, trong khi cô ấy hay bất cứ ai khác đều có thể vẽ đẹp hơn. “Một cách trả ơn Khánh chăng?”
– Chị khiêng bàn ra cổng ngay đi. Sáng nay có mấy khách hỏi chị rồi đấy. Đông khách mà quán vẫn chừa hẳn cho chị một cái bàn đấy. Nào, vào đây. Tôi giúp chị khiểng ra.
– Ừ. Cảm ơn cô.
Cái bàn nhỏ thôi nhưng cũng khó khăn lắm mới khiêng được ra. Khi tôi bày bút với bộ màu và giấy mực mới mua, Quyên vốn định quay vào lại đứng lại:
– Này. Khi nào chị dùng hết màu, chị có thể cho tôi một cái hộp được không?
– Để làm gì?
– À…Ngoài hộp có khảm rất đẹp. Tôi muốn dùng để đựng trang sức.
– Được thôi. Lúc nào dùng hết tôi cho cô cả bảy hộp. Tôi cũng đâu dùng làm gì.
– Thật à? – Quyên gần như nhảy lên- Chị nói rồi đấy nhé. Mà…bộ hộp này có giá trị lắm. Chị bán cũng được nhiều tiền lắm đó.
– Không sao. Cô cần thì cho cô cũng được mà. Tôi cũng đâu phải bỏ tiền ra mua bộ màu này.
– Cảm ơn chị nhiều.
Nhìn cô ấy cười rạng rỡ mà tôi vui lây. Hôm nay sẽ là một ngày vui đây. Gần chỗ tôi cũng có mấy gian hàng bày ra, bán khăn tay, đèn, bánh bao các loại, tiếng người bán người mua rôm rả. Đèn hoa khắp nơi, quán nào cũng trang hoàng đẹp đẽ. Tôi chậm rãi vẽ Quyên làm tranh giới thiệu treo ở bàn. Vẽ bằng mực đen thôi, tôi không dám vẽ màu. Ngọc Điệp yêu cầu tranh vẽ cô ấy phải đặc biệt, tôi không thể cứ dùng màu mà vẽ người khác được. Nhưng bộ màu không vô dụng. Tôi sẽ nhận vẽ màu các đồ vật, hoặc vẽ nước và lửa cầu may như mấy bức tranh tôi thường thấy các nhà treo tường. Khá nhiều người xúm lại mỗi khi tôi vẽ cho vị khách nào đó, rồi họ lại bàn tán mỗi khi có bức mới hoàn thành. Có người khen, có người chê. Nhưng nói chung tôi không có mấy lúc nghỉ tay.
Thoáng chốc đã gần trưa. Lúc tôi đang đứng sắp lại mấy tờ giấy vương mực, chuẩn bị đi mua xấp giấy mới thì Khánh không biết từ đâu ra xuất hiện trước mặt tôi, kéo tôi đi. Tôi chỉ kịp đẩy cái bàn vào trong quán nhờ mọi người trông hộ rồi tất tả chạy theo Khánh.
– Cậu kiếm được bao nhiêu tiền rồi?
– Năm đồng tám xu.
– Đây, tớ có hai đồng. Cược cho tớ nhé. Khi nào tớ lắc đầu thì cược cho bên kia.
– Tớ chưa hiểu.
– Cậu sẽ hiểu ngay thôi.
Cả hai đứa chen vào đám đông, nơi có tiếng reo hò ồn ào. Khánh đi trước rẽ đám đông cho tôi đi theo. Chủ yếu là đàn ông, cũng có mấy người phụ nữ, ai nấy mặt đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Giữa là một cái bàn đá, có hai người đang vật tay. Hai cánh tay cứ nhúc nhích lên xuống, có vẻ bất phân thắng bại. Một lúc lâu sau, người có vẻ to béo hơn thắng cuộc. Xung quan có tiếng reo mừng, cũng có tiếng thở dài ngao ngán, người xúm vào lấy tiền, người thì cay cú dậm chân. Đây là nơi đấu tay, cũng là nơi đánh cược của dân mê đỏ đen, tôi tạm thời biết thế. Còn dụng ý của Khánh thì tôi vẫn còn mơ hồ. Người ở bàn đặt cược lên tiếng:
– Còn ai dám vào đấu nữa không?
– Tôi!
Là giọng Khánh. Tôi ngạc nhiên nhìn sang, mọi người cũng xì xào.
– Cô chắc không?
– Tất nhiên.
– Được. Bỏ năm xu vào khay, tiền lượt đấu.
Từng xu một được Khánh thả xuống, cô ấy vén áo lên ngồi vào bàn, cười đáp lại nụ cười khẩy của người đối diện. Cứ tưởng không ai đặt cho Khánh thắng, hóa ra cũng có khá nhiều người, tuy không bắng đặt cho bên kia.
– Bắt đầu!
Tiếng hô vang lên dứt khoát. Và gần như ngay khi tiếng hô kết thúc, tiếng bắp tay đập xuống bàn một tiếng ‘bộp’ rất rõ. Khánh cười, còn khuôn mặt đối thủ vẫn chưa hết ngơ ngác. Lặng một lúc, tiếng ồn ào lại kéo đến phủ lấy tai tôi, phần lớn là ồ lên ngạc nhiên, đa phần người ta chưa chuẩn bị tinh thần cho việc nhìn thấy cái kết của cuộc đấu. Người người rướn tới, tôi suýt nữa ngã vào trong vùng quây lưới. Lại thở dài, lại la hét, lại lấy tiền. Khánh chậm rãi nhận lấy một đồng, còn năm xu để lại tiếp tục cho lượt đấu kế. Thêm ba trận như trận lúc đầu, kết thúc chỉ trong chớp mắt, người ta băt đầu gọi Khánh là kẻ bất bại. Người ta e dè hơn khi quyết định bỏ tiền để vào đấu với Khánh. Khánh vẫn thế, ngồi gác chân với nụ cười nửa miệng từ đầu trận đấu đến giờ, vẫn cái cách nhặt từng xu một vào túi của mình. Số tiền của chúng tôi nhờ lao vào vòng cược mà đã tăng lên theo cấp số nhân. Đợi khá lâu mới có thêm một người nữa vào. Cậu ta còn trẻ, nước da bánh mật và gương mặt cương nghị. Cậu ta bỏ năm xu vào khay rồi ngồi xuống ghế đá. Khánh lắc đầu tỏ vẻ khinh thường đổi thủ.
Tôi hiểu đó là ám hiệu Khánh dành cho tôi. Không ít người đặt theo tôi, và cũng sung sướng tột cùng khi thấy Khánh thua. Tôi nhét cục tiền lớn vào áo rồi chen ra khỏi đám đông, vừa mừng vừa run. Có người kéo tay tôi lại. Tưởng là Khánh, hóa ra không phải. Một người đàn ông không quen biết, trông khá to khỏe.
– Đưa tiền đây rồi đi đâu thì đi.
– Tiền nào? – Tôi điềm nhiên.
– Vờ vịt gì. Tiền cô em vừa thắng cược ấy. Đưa đi rồi đại gia cho đi. Đừng kêu làm gì, không ai muốn dây vào rắc rối đâu.
– Được rồi.
Tôi nhìn quanh, không thấy Khánh đâu cả. Tôi thò tay vào cái túi tiền nơi ngực áo, tay hắn đang nắm tay còn lại của tôi tôi. Hắn tưởng tôi đã ngoan ngoãn giao tiền nên hơi lơ là một chút, thừa lúc đó tôi kéo tay hắn xuống, vặn ngược ra sau, miệng hét lớn:
– Khánh ơi, cứu tớ với!
Tôi hét nhiều lần, người qua đường thấy cũng nhìn lại nhưng chẳng ai hỏi han gì, chỉ xúm lại một chút. Đúng như tôi nghĩ, tên đó chỉ bị bất ngờ một lúc, hắn lập tức thoát ra được, thuận tay nắm lấy tóc tôi, giơ tay còn lại định bạt tai tôi. Tôi cố với tay nắm tay hắn lại, tóc bị hắn kéo đau điếng.
– Con đĩ này, mày chán sống rồi…Hả? Ối…
Toàn thân hắn tiếp đất, Khánh phủi phủi tay rồi kéo tôi đi.
– Người đông quá nên tớ không thấy cậu. Sợ không?
– Không. Tớ biết cậu ở gần đây mà. Vả lại cùng lắm là mất tiền thôi.
Tiếng xủng xẻng của tiền làm Khánh cười khúc khích.
– Gì? Thấy tiền bất chính hả? Tiền của dân mê đỏ đen không vào tay người này cũng vào tay người khác.
– Ừ. Biết rồi. Tớ có vẽ gãy tay cũng đâu kiếm được bằng này tiền. Cậu khỏe thật đấy, cứ đấu một phát ăn ngay như thế.
– Chậc. Tự hào một chút cũng thích. Nhưng tớ nói thật cho cậu biết. Tớ cũng có khỏe, nhưng có thể không khỏe bằng mấy người bọn họ. Chẳng qua tớ biết cách dùng lực hơn thôi. Mà cái kiểu một phát ăn luôn mất sức kinh khủng. Tay tớ sắp rời ra rồi. Chân lại hơi đau. Thôi ta đi ăn đi. Tớ đói rồi.
Hai đứa vào quán, đã thấy cái bàn vẽ của tôi được dùng tạm làm bàn đặt một chồng những cái khay đan từ nứa, trong đựng cơm nắm muối vừng, đã có người bắt đầu mua.
– Đồ của chị đặt trong phòng rồi. Nhiều khách quá, dùng tạm bàn này. Chị vẽ nữa không để tôi chuyển cơm đi?
– Không đâu. Cô cho tôi hai bát cơm trứng đi.
– Được. Chờ chút. Chị Liên, chị mang ra bàn hai cơm trứng nhé.
Khi tôi và Khánh ăn xong thì quán cũng vãn khách dần, còn cơm nắm có vẻ làm không kịp bán. Đã hơn mười hai giờ, kẻng canh cũng đánh sáu tiếng được một lúc. Có nghĩa là lễ rước thần đã bắt đầu. Thủy thần được rước qua khu vực này, đám đông ở đây cũng sẽ theo đuôi đoàn rước kéo vào trung tâm kinh thành chứng kiến buổi lễ. Tôi còn chưa tưởng tượng ra nơi nào đủ rộng để chứa đám đông này, chắc sẽ chen nhau khủng khiếp lắm.
Đã nghe tiếng kèn trống ở xa, đám đông trở nên nhốn nháo hơn. Mấy người trong quán dọn dẹp vội, Quyên và Thành đã chạy ra ngoài. Bà chủ cũng quấn lại chiếc khăn trên đầu rồi rời khỏi quán. Liên đưa tôi và Khánh mỗi người một cái khay được bọc vải cẩn thận, cười dịu dàng:
– Hai người cầm đi mà ăn. Nếu đi xem hội thì nửa đêm chưa chắc đã chen chân ra được.
– Chị Liên không đi sao? – Khánh lấy hai tay đỡ lấy cả hai cái bọc, tò mò hỏi.
– Không. Hôm nay chị ở lại trông quán. Chị cũng đi nhiêu lần rồi.
Liên gật nhẹ đầu với tôi, xua tay ý bảo chúng tôi đi nhanh. Khánh nắm lấy tay tôi kéo nhanh vào dòng người.
***
Quá thật quá đông, nhưng không ùn tắc. Dòng người chuyển động với tốc độ của đoàn khiêng kiệu. Có lúc tôi bị đoàn người đẩy tới gần kiệu, thấy rõ ràng Hương trong trang phục thủy thần. Bộ đồ và cách trang điểm làm gương mặt cô ấy trông dịu dàng mấy phần. Tiếng kèn trống rộn ràng, và xung quanh ai cũng hát cùng một bài hát giai điệu tươi vui ca ngợi thần nước. Mọi người hát đi hát lại, đến nỗi tôi và Khánh cũng bất giác thuộc, lẩm nhẩm hát theo. Tôi nhác trông thấy bà chủ một lần trong đoàn người. Bà ấy cũng hát, ánh mắt lấp lánh nhìn con gái bà được mọi người khen ngợi, tung hô. Đoàn rước đi qua nhiều con đường mà cả tôi và Khánh chưa từng đến, càng vào sâu trung tâm kinh thành đường càng mở rộng hơn, xuất hiện càng nhiều ngôi nhà lớn, tường rào cao, bên trong cây cối um tùm. Khánh đoán đó là nhà các quan lại, hoặc những người cực kỳ giàu có, vì đất ở chốn này vốn tấc đất tấc vàng, một mảnh đất bé xíu cũng phải chen chúc vài ba cửa tiệm. Những người có nhà và vườn rộng như thế hẳn không tầm thường.
Trời nhá nhem tối mà đoàn người chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi bắt đầu mệt và đói. Xung quanh có mấy người mang cơm ra ăn, tôi cũng mở một cái bọc ra, đưa cho Khánh một nắm cơm, tôi cũng cầm lấy một nắm rồi ăn. Khánh cũng ăn vội rồi lấy thêm một nắm nữa, lần này ăn chậm hơn. Mồ hôi trên trán cô ấy chảy xuống đôi chân mày thanh mảnh, tóc trước trán cũng đã bết lại, thế mà vẫn hỏi tôi ‘nóng không, cần quạt không?’. Ăn xong thì khát. Tôi cũng quên điều này nên không mang nước. May mà có cô bé đi bên cạnh cho chúng tôi mỗi đứa một ngụm, bù lại tôi chia cho cô bé ấy một nắm cơm. Trong kiệu đã được thắp đèn. Tôi để ý thấy một điều là Hương không ăn, cũng không uống, cô ấy cứ ngồi thế rồi cười vẻ hiền từ.
– Cả hai vị thần cùng những người tham gia nghi lễ- trừ những người khiêng kiệu- đều phải nhịn ăn từ sáng để đảm bảo sự thanh sạch- Cô bé bên cạnh nói.
– Thế à?
Tôi nhìn lại Hương, tự nhiên thấy tội nghiệp. Cả những người đi bên cạnh nữa, có cả một hai cụ già râu tóc bạc phơ. Nhưng rồi nghĩ lại, dù sao cũng là nghi lễ linh thiêng, có yêu cầu nhất định cũng là chuyện thường tình.
Trời đã tối om không thấy mặt người, tôi tự hỏi sao người ta không thắp đèn lên cho sáng, dù trên đường thấy người ta chăng đèn dày đặc. Càng đi người càng đông, chúng tôi lại càng phải chen nhau mệt lử. Người tự động rẽ ra trên đường kiệu đi, gạt lại bọn tôi cách nơi làm lễ một đoạn xa lắc. Thế là hi vọng nhìn thấy Ngọc Điệp trong bộ lễ phục tắt ngấm trong lòng cả hai đứa. Tôi và Khánh đứng với những người xa lạ, nhễ nhại mồ hôi. Chợt dòng người dừng chuyển động.
– Bắt đầu rồi!
Khánh nói thế. Và quả thật là thế. Tiếng hát vang từ xa lại, rồi dần kéo đến chỗ chúng tôi như một đợt sóng trào, rồi kéo ra xa nữa. Người đứng sau hát câu mà người phía trước hát, cả bài hát được hát theo cách đó, âm điệu trầm hùng vang vọng. Lồng ngực tôi dường như cũng âm vang, tôi nắm tay Khánh chặt hơn, không hiểu từ lúc nào tôi đã hòa cùng những người quanh mình. Sự linh thiêng của lễ hội xất phát từ sự gắn kết này đây. Khúc hát dừng lại, còn nghe tiếng vọng từ rất xa. Tiếp theo hình như là bài văn tế, những câu nói đậm tín ngưỡng lại được truyền đi khắp nơi làm không gian mang sắc thái quỷ dị. Rồi những lời ca tụng, cầu nguyện được đọc lên, hồ hởi tươi sáng hơn.
Khi nghi lễ gần kết thúc, thêm một thứ được truyền đi theo cách của những lời hát. Đó là lửa. Từ vùng trung tâm, đèn được thắp lên rồi chuyền qua tay nhau, những chiếc đèn trên đường cũng được tiếp lửa, từng hàng đèn rọi sáng trưng bao khuôn mặt hớn hở. Những chiếc đèn lồng cũng qua tay tôi, qua tay Khánh, rồi qua tay những người phía sau. Đã thấy nơi nơi tràn ngập ánh sáng. Những chiếc đèn lồng mang lửa thiêng, lửa từ lò rèn hoàng gia đã được hỏa thần ban lễ, lữa này sẽ theo tay ngươi đi khắp các vùng trên đất nước này. Còn nước thiêng đã được đổ xuống dòng sông và chảy khắp nơi.
Việc trao đèn kết thúc, tay tôi và Khánh đều đang cầm đèn. Cảm giác chộn rộn khó tả. Nãy giờ im lặng, lúc này Khánh lên tiếng:
– Có cảm xúc hơn cả giao thừa.
– Tớ lại thấy khác.
– Ừm. Tết vừa rồi tớ không về nhà. Ở lại ngắm pháo hoa thủ đô, thấy cũng bình thường.
– Sao cậu bảo là về ?
– Lừa cậu thôi. Qua mười hai giờ rồi. Cứ xem hôm nay là giao thừa đi. Tớ được đón năm mới cùng cậu.
– Ừ. Chúc mừng năm mới nhé.
– Vạn sự như ý, phát tài phát lộc.
Rồi cả hai đứa cười, nắm tay nhau chặt hơn. Một cách rất tự nhiên, Khánh chia sẻ cảm xúc với tôi. Cũng rất tự nhiên, tôi đón nhận. Không e dè. Không khách sáo. Cảm giác trong không gian linh thiêng này, hai sợi dây tâm linh từ chúng tôi từ từ bén rễ, gắn chặt với nhau không thể tách rời.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN