Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 8: Những người quan trọng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
119


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 8: Những người quan trọng


Dù dặn nhau phải đi sát không rời, nhưng sự chen lấn khiến tay hai đứa tách ra, lúc đầu chỉ là trong tầm mắt, lúc sau không thấy bóng áo nâu của Khánh đâu nữa. Tôi bắt đầu hoang mang khi nhận ra mình bị lạc, chẳng nhớ con đường mình đã đi qua như thế nào nữa. Rồi cũng hỏi những người trên đường hướng về lầu Bích Nguyệt, người ta chỉ, tôi cũng chỉ biết theo đó mà đi về. Sau những cảm xúc của buổi lễ, bây giờ tôi chỉ thấy buồn ngủ, đói và mệt. Không biết Khánh thế nào, hẳn đang lo lắng cho tôi. Tôi lầm lũi đi sau một đoàn người, trên tay họ đang cầm những bình sành đựng nước, họ nói chuyện rôm rả về vụ mùa năm nay. Chắc họ là nông dân. Những câu trao đổi quen thuộc và thân thương quá, mới dịp tết thôi tôi vẫn còn nghe mẹ và cô nói với nhau khi mọi người ngồi bên nồi bánh. Nghĩ lại, hình ảnh ấm áp ấy đối với tôi như đã phủ hai màu đen trắng, mới mấy tháng thôi sao nó xưa cũ và xa xôi thế?
Tôi khẽ buông tiếng thở dài. Nhóm người đó đã rẽ hướng khác. Đèn của tôi đã cháy hết nến từ lâu, nhưng những người phía trước đèn ai cũng còn sáng. Có vẽ như họ thay nến. Tôi lại đi theo sau họ. Khánh bảo không được đi một mình. Cứ như thế, khi trời hửng sáng tôi đã thấy xa xa nóc lầu Bích Nguyệt. Từ lầu Bích Nguyệt có thể biết được đường về quán.
Chợt tôi thấy Khánh ở phía trước, rất xa nhưng dáng điệu đó tôi nhận ra được. Cô ấy thỉnh thoảng nhìn quanh. Thế là dù đang đờ đẫn cả người, tôi vẫn cố chạy thật nhanh trước khi cái dáng đó lẫn vào đám đông. Chạy…và ngã.
Không phải tôi ngã do vấp, mà bị giật mình bởi tiếng hí của ngựa, cả cái bóng của con ngựa to lớn đang chuẩn bị ập vào người tôi. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào, bình thường tôi vốn chậm chạp, ngay lúc đó lại nhanh như cắt lăn ra khỏi tầm vó ngựa và thoát chết trong gang tấc. Khi hồn vía trở lại thì tôi mới nhận ra đang nằm ở ngã tư đường. Hai người trên ngựa mặc áo giáp, có vẻ như là tướng trong quân đội. Người đi sau quát lớn:
– Nhóc đi đứng cho cẩn thận chứ. Mất mạng thì không ai đền cho nhà ngươi đâu.
Người đi trước thúc ngựa đi, người đi sau nhìn lại một cái rồi cũng phi ngựa theo, còn ngoảnh lại vứt lại hai đồng bạc. Tôi lồm cồm bò dậy, thuận tay nhặt hai đồng rồi ngồi vào lề đường, trống ngực vẫn đánh liên hồi. Tôi sơ suất quá, may mà chưa bỏ mạng. Thấy có cậu bé ăn mày ngồi cạnh, tôi bỏ hai đồng vào cái bát mẻ rồi phủi mông đứng dậy. Sờ lên đầu thì thấy cái búi vải buộc tóc của tôi rơi từ lúc nào. Mặc kệ đầu tóc bù xù, giờ tôi đang nghĩ đến chuyện khác. Hai người trên ngựa rất đáng chú ý. Người phía sau chắc tầm tuổi Thành, làn da trắng như sứ, môi đỏ, nếu không có giọng nói có phần trầm và gương mặt anh tuấn thì hẳn người ta sẽ nghĩ là con gái. Nhưng khiến tôi ấn tượng lại là người đi trước. Nhìn qua một lần cũng đủ ấn tượng cả đời. Cô ta thực sự rất đẹp, đẹp kiểu ai cũng có thể say mê, dù là phụ nữ đi nữa. Gương mặt mang những đường nét hoàn hảo của hội họa, vừa góc cạnh vừa mềm mại. Sống mũi cao thanh tú. Và điểm nhấn là đôi mắt, nó đậm nét và sắc như được vẽ và chuốt bằng chì, đuôi mắt hơi chếch lên phía trên, ánh nhìn lạnh lùng át người. Nếu Ngọc Điệp được ví là đẹp như tiên, thì cô gái vừa rồi hẳn vẻ đẹp của thần. Vị nữ thần uy nghi trong bộ áo giáp, vẻ đẹp khiến người ta ngưỡng mộ và kính sợ.
***
– Suýt nữa chết mà vẫn còn tâm trạng ngắm người khác.
– Nếu là đẹp hơn cả Ngọc Điệp thì có hợp lý không?
Mắt Khánh rời khỏi đường thêu trên túi lụa, nhìn sang tôi. Tôi cười cười, với lấy cái túi cô ấy đang cầm lên ngắm nghía, lòng thấy thú vị.
– Tớ bắt đầu thấy quan ngại về cái gọi là đẹp của cậu rồi đấy. Đến tớ mà cậu còn so sánh được với Ngọc Điệp thì cũng hiểu – Khánh khẽ nhún đôi vai, lại chú mục vào những cái túi khác trên giá.
– Lần này khác. Tớ không so về thần thái nữa. Tớ hoàn nói về vẻ bên ngoài. Mỗi người một ý kiến. Bản thân tớ thích vẻ đẹp của cô gái mới gặp hơn. Tớ chỉ thấy lạ khi cô gái ấy không được nhắc đến bên cạnh cái tên Ngọc Điệp.
– Ngọc Điệp vốn hơn người không phải ở vẻ bề ngoài. Cô ấy có tài năng ít ai theo kịp. Ở đây người ta ngưỡng mộ những tài nữ, không phải bình hoa rỗng tuếch.
– Có thể lắm. Nhưng cô gái này hình như là một tướng quân. Cô ấy mặc áo giáp bạc. Mà bận đồ với kiểu tóc của nam giới. Có khi nào là nữ cải trang nam? Không đúng. Nếu vậy thì mấy binh lính hẳn là mù hết mới không nhận ra.
Ngoảnh sang thì Khánh đã đi sang gian hàng bên cạnh. Tôi thả túi xuống rồi chạy nhanh theo. Trong lòng vẫn thắc mắc nhiều thứ.
***
Về tới nhà cũng gần mười giờ, hai đứa vứt đống đồ mua được ra phản rồi ngủ li bì tới tận chiều. Ngủ dậy, tôi vơ lấy giấy bút vẽ lại theo trí nhớ cô gái lúc sáng. Tôi đã quên ít nhiều, chỉ mường tượng vẽ lại được những nét chính.
– Đẹp đấy. Nhưng chưa đến mức như cậu nói. Cậu có nghĩ vai hơi rộng không? Mắt đẹp nhưng lông mày cũng không được mảnh.
– Cô ấy đẹp kiểu mạnh mẽ. Thực ra tớ vẽ chưa được đẹp. Vả lại tớ mới nhìn lướt qua. Giá mà tớ có thể gặp lại cô ấy một lần nữa.
Tôi gấp giấy bút lại để vào một góc trên bàn, hơi tiếc nuối.
Buổi chiều hai đứa quyết định đi câu. Vẫn ở chỗ cũ, gió từ sông thổi vào cảm giác thật dễ chịu. Cũng tại gió làm động nước, không thấy cá ăn mồi. Nắm ngả dưới bóng cây, Khánh hỏi tôi:
– Này. Cậu kể chuyện gì đó đi.
– Chuyện gì được?
Cắm cần câu vào nền đất, tôi dùng tay rứt đám cỏ may rồi tung nhẹ xuống nước. Đám hoa trôi theo lạch nước, rồi vướng ở một gốc lục bình. Khánh cười mơ màng, đôi mi cong khép hờ lại, rồi mở ra nhìn tôi.
– Bạn thân. Kể về bạn thân của cậu đi.
– Về cậu á?
– Không. Ngoài tớ ra từ bé tới giờ chắc cậu phải có người bạn thân nào đó chứ?
– Hình như có một người, không biết có được tính là bạn hay không nữa.
– Ai?
– Ông ngoại tớ.
Tôi là đứa cháu đầu tiên của ông. Từ khi mới biết nghĩ tôi đã đi theo ông đi khắp đồng, cùng nướng khoai, chăn trâu, móc cua, câu cá, soi đêm. Ông gọi những chuyến đi như thế là những chuyến du lịch nhỏ, lúc về hai ông cháu chia sẻ cho nhau những thứ thu hoạch được. Sau này nhập vào nhóm còn có Linh- đứa em gái kém tôi hai tuổi. Khác với tôi và ông ngoại, con bé mới nhỏ xíu đã nghĩ về thành quả thu được theo phương diện vật chất nhiều hơn, nó phải xem nước, xem trời, xem mùa vụ thế nào mới quyết định nhập cuộc. Con bé cũng không có hứng thú gì với hội họa hay tìm hiểu thiên nhiên, nên đa số thời gian vẫn là hai ông cháu đi cùng nhau, nhập bọn với trẻ trong làng hoặc lúi húi trong phòng vẽ của ông. Ông từng học trường mĩ thuật, khi ở chiến trường Campuchia về thì bà qua đời, ông phải bươn chải kiếm sống, không vẽ nữa. Mẹ và các cậu yên bề gia thất, ông lại mở một phòng tranh, vẽ những bức mà người ta đặt, cùng với sáng tác cho thỏa đam mê.
Nghĩ lại thì cách tôi và ông nói chuyện giống bạn bè nhiều hơn. Ông không bao giờ sai bảo tôi cái gì, có chăng là nhờ tôi làm việc này việc nọ. Nhiều lúc ông hỏi ý kiến tôi về bức tranh mới vẽ, tôi khen thì ông cười tủm tỉm cả buổi. Cái răng đau của ông hay vết xước trên tay tôi cũng đủ làm nên câu chuyện chiều của hai ông cháu. Tôi đối với ông là vừa thân thiết, vừa ngưỡng mộ. Không ai biết nhiều hơn ông.
– Ông mất tớ cũng ít nói chuyện hơn. Rôi khi lên cấp ba, vào trường chuyên, ai cũng xa lạ, học tập bận rộn, thành ra tớ có bạn nhưng không mấy thân.
– Tớ thật sự muốn gặp ông ngoại của cậu một lần. Thật tiếc- Khánh thở dài.
– Ông tớ nhất định cũng sẽ thích cậu.
Tôi cũng đã ngả đầu vào tay, nhìn những đám mây nhuộm ráng chiều. Những chuyến du lịch, sự ngưỡng mộ, cảm giác được che chở…Tôi hiểu tại sao ba năm cấp ba tôi không có lấy một người bạn gọi là thân, mà mới chỉ gần nửa năm tôi đã cảm thấy thân thiết với Khánh đến thế.
***
Cả hai chỉ câu được hai con cá nhỏ và mấy con tôm. Về tới cửa đã thấy chồng chị Mục- hàng xóm của chúng tôi- đứng đấy.
– Đi câu hả? Được nhiều không?
– Không anh ạ. Chỉ được hai con nhỏ. Có việc gì không anh?
– À. Anh nhắc hai đứa một chút. Định bảo khi trưa thấy hai đứa đang ngủ, chiều thì không thấy đâu. Tối qua có người vào nhà hai đứa, có mang cây đàn ra rồi, vừa kịp lúc anh bắt được. Lấy lại được đàn, nhưng không biết có mất gì nữa không, tên đó cũng chạy rồi. Ngày lễ nhiều kẻ lợi dụng kiếm chác. Nghe đâu quanh đây nhiều nhà mất, hai đứa phải cẩn thận. Đàn đang ở bên nhà anh, sang mà lấy.
Nghe anh kể mà tôi run cả người, lúc trưa hai đứa không để ý nhiều, cũng không xem cây đàn có ở dưới gầm phản không. Tôi và Khánh chỉ biết cảm ơn anh rối rít, rồi sang nhà hai anh chị. Chị Mục trao đàn lại cho Khánh, cứ xua tay bảo không phải cảm ơn.
Về tới nhà, hai đứa xem lại. Có vẻ như tên đó thấy cái đàn giá trị thì ôm đi luôn, không lục lọi gì. Trong nhà cũng chẳng có tiền hay thứ đồ giá trị gì khác. Nếu không có hai người hàng xóm thì chúng tôi không biết làm thế nào.
Đêm đó Khánh đem đàn ra gảy thử. Lúc đầu âm còn lộn xộn, nghe khá khó chịu. Gần một tiếng sau thì tôi đã nghe ra một giai điệu quen tai, cứ thế tiếng đàn mượt dần, dường như Khánh đã quen với đàn. Cũng đã hơi khuya, Khánh không chơi đàn nữa, hai đưa thổi nến rồi lên phản nằm. Tấm phản gỗ lại phát tiếng cọt kẹt, tôi nhẹ nhàng đặt mình xuống, cứ sợ nó sẽ sụp mất.
– Tớ biết mấy bản đàn cho đàn tam thập lục, nhưng không thật sự nhớ rõ nữa. Còn nhạc ở đây tớ lại không biết bài nào. Cũng không thể đàn nhạc trẻ. Không biết có được người ta thuê không nữa. Nếu không thì cậu uổng tiền mua đàn rồi.
– Được mà. Cố lên!
***
Hôm nay là ngày tặng quà. Khánh sẽ ra bến thuyền tặng cho mấy người trẻ tuổi. Còn tôi thì vào thành.
Lại thêm một ngày nghỉ của quán. Bà chủ sẽ chọn ngày đẹp để mở cửa sau. Còn hôm nay, tất cả người làm trong quán tụ tập lại quanh một chiếc bàn, gương mặt ai cũng có vẻ vui. Bác phụ bếp và bà chủ liên tục bê ra những món tủ của bà chủ, mùi hương thơm phức. Có cả món thịt gà, thịt lợn. Đối với nơi đây thì quả là đai tiệc của đại tiệc.
Đầu tiên là Quyên và Liên tặng quà cho Thành. Hai người cùng đưa cho Thành bao lì xì màu đỏ, Thành không mở mà bỏ ngay vào ngực áo. Tới lượt tôi, tôi tặng Thành một cái túi đựng tiền bằng lụa, bên ngoài thêu quả cầu lửa, Thành đưa hai tay nhận lấy rồi mân mê hồi lâu. Còn Quyên, khi thấy bộ bảy cái hộp khảm xà cừ, gương mặt cô ấy sáng bừng.
– Cô mở chiếc hộp hoa nhài đi. Trong đó mới là quà. Còn mấy chiếc hộp chỉ lần trước đã hứa là cho nên không tính.
Quyên có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc vòng tay bạc, cô ấy nhìn tôi chằm chằm không nói lời nào. Đồ trang sức ở đây được chế tác rất tinh xảo, vòng tay này có gắn hai chiếc chuông bạc nhỏ xinh, tôi nhìn thấy đã nghĩ ngay tới cổ tay tròn xinh của Quyên. Còn Liên, tôi mua một cái trâm bạc đơn giản, trên đính hai hạt đá. Mái tóc của Liên dài và đẹp, nhưng cô ấy luôn chỉ vấn bằng một cái trâm gỗ nhỏ, thật tiếc. Nhận lấy chiếc trâm, Liên mỉm cười nói với tôi :
– Mua toàn thứ đắt tiền thế này, chắc tiền hôm trước đã tiêu hết sạch.
– Nhờ Khánh nên hôm trước kiếm được không ít. Vẫn còn đủ dùng.
Tiếp theo chúng tôi nhận được quà từ bà chủ và bác phụ bếp. Đều là phong bao đỏ, tôi cũng cầm cả hai phong bao cho vào ngực áo. Khi chuẩn bị ăn cơm, Thành bối rối đưa tôi một thứ bằng lụa. Nhìn kỹ lại thì là một cái vẫn tóc có thêu hình hoa mẫu đơn.
– Ơ ?
– Chị cứ nhận đi. Nó mua lâu rồi, không tặng cũng chẳng biết để làm gì – Quyên lên tiếng.
– Vậy cảm ơn nhé.
Tôi lấy cái vừa mới được tặng thay luôn cái cũ trên đầu. Thành cười bẽn lẽn. Chúng tôi cùng ăn cơm và vui vẻ nói chuyện. Lúc chuẩn bị rửa bát, Liên đưa tôi một chiếc khăn tay mỏng, trên có hình thêu mấy bông hoa hoàng lan. Nét thêu của Liên đẹp hơn cả vẽ. Tôi cứ ngắm mãi, xem Liên làm cách nào mà hai mặt thêu đều như mặt chính, không hề có vết gút chỉ. Thấy tôi thích Liên rất vui, còn nói nếu muốn cô ấy sẽ dạy tôi thêu.
Lúc mọi người đang ngồi uống nước nói chuyện ở bàn, tôi lên tiếng :
– Mọi người ơi, cháu nhờ chút. Bà chủ và bác ngồi đây. Ba người còn lại đứng phía sau. Cười lên. Rồi !
Sắp xếp xong, tôi đưa điện thoại của mình ra, bật nguồn lên và chụp liền mấy tấm. Có một tấm tôi đặc biệt ưng ý. Thần thái của mọi người thể hiện rất rõ. Liên đằm thắm, Quyên có bờ môi cong lên đanh đá nhưng ánh mắt rất hiền lành, Thành cười hơi trẻ con, bác phụ bếp có phần khắc khổ, bà chủ cười hiền từ. Hình ảnh này khi trở về tôi nhất định sẽ rất nhớ.
***
Nghỉ một ngày nữa là ngày đẹp, quán ăn sẽ tiếp tục mở cửa. Tôi ngồi xem Khánh chơi đàn, ngón tay cô ấy lướt trên dây đàn trông như múa, nhìn vô cùng đẹp mắt.
Kết thúc bốn ngày nghỉ, chúng tôi lại bắt đầu những ngày thức dậy lúc bốn rưỡi sáng, chuẩn bị mọi thứ rồi đi làm. Khánh bắt đầu mang đàn đi tìm việc ở những trà quán nhỏ trong thành. Ở đây người ta có vẻ trọng những cô gái xinh đẹp có tài nghệ, các trà quán cũng không xô bồ như quán ăn, về Khánh có thể yên tâm. Tôi lại tiếp tục vẽ. Từ lúc này, hai đứa sẽ cố gắng kiếm và tích cóp tiền chuẩn bị cho ngày về. Đây là thời kỳ có lợi của tôi, vì tôi bắt đầu có chút danh tiếng, kiếm tiền sẽ dễ hơn, lâu dần e rằng người ta sẽ chán phong cách vẽ của tôi.
Tôi tặng cho bà chủ bức tranh lụa vẽ năm người trong quán, bà chủ lặng đi một lúc lâu rồi nhìn tôi trìu mến, đến cả Quyên cũng không nhanh nhảu như mọi hôm nữa mà cũng chăm chú nhìn tranh trong khi khẽ lắc nhẹ tay tôi.
– Chỉ tiếc là không có nơi đủ sang trọng để treo một bức tranh như thế này. Sợ rằng treo trong quán nó sẽ ám mùi thức ăn hay bị khách làm bẩn mất- Bà chủ ngần ngại.
– Cứ treo đi cô ạ. Treo cao một chút. Tranh đẹp phải có người ngắm chứ – Quyên lên tiếng.
– Quyên nói đúng đấy. Tranh cũng có sẵn khung cuộn, chỉ cần làm một cái mấu lim loại là treo lên được. Lúc nào không muốn nữa cũng có thể cuộn lại cất mà – Liên cũng khẽ nói.
– Được rồi. Nghe các cháu vậy.
Thế là tranh được treo ở vị trí dễ ngắm nhất, ở quầy tính tiền bất giác nhìn lên cũng có thể nhìn thấy được. Hôm nay Liên cài tóc bằng trâm bạc, cổ tay của Quyên có tiếng chuông vui tai, và nơi đai lưng của Thành có túi tiền mới. Lòng tôi dậy lên niềm vui khó tả, vừa tự hào vừa hạnh phúc.
Ngay trước cống quán, bà chủ đã cho người đóng một cái sạp nhỏ, phía trên có mái che. Đây sẽ là nơi vẽ mới của tôi, nó thuận tiện và thoải mái hơn phòng bà chủ, khách cũng dễ dàng vào hơn. Thuế tháng chỉ ba đồng.
Mọi việc thật thuận lợi. Nhiều người tới vẽ. Chủ yếu tôi vẫn vẽ với giá rẻ, khách nhiều hơn trước vì cả khách qua đường hay khách trong quán ăn tiện đường vẫn ghé vào. Một kẻ tay mơ như tôi nếu cứ như mấy họa sĩ có tay nghề chỉ vẽ với giá mười đống bạc trở lên thì chắc chẳng có khách. Cũng có một vài cô tiểu thư có vẻ giàu có nghe nói tôi vẽ cho Ngọc Điệp cũng thuê tôi tới tận nơi để vẽ, và tất nhiên tiền từ những lần đó cũng không ít.
Khi vắng khách tôi hay nghĩ ngợi linh tinh. Cái thời mới tới, tôi rửa bát dọn dẹp cũng vì một ngày hai bữa ăn đạm bạc, Khánh khuân vác nhức vai cũng chỉ được hơn kém một đồng. Một đồng lúc đó thật lớn. Giờ với tôi cũng không còn giá trị như trước nữa. Chắc khi kiếm tiền dễ quá người ta sẽ ít biết quý hơn. Cũng có thể cách vung tiền dễ dàng của người giàu có ảnh hưởng tới tôi: với họ, một đồng chỉ là một xu lẻ, không hơn không kém.
***
Khánh được đánh đàn trong một quán trà cách quán ăn tới hơn ba mươi phút đi bộ, quán đó đã có người đàn và cả hát rồi, Khánh chỉ chơi lúc người đàn chính muốn nghỉ. Tạm thời Khánh nhận được mỗi ngày một đồng, nhưng công việc nhẹ nhàng hơn bốc vác nhiều, chiều về hai đứa lại có thể đi cùng nhau. Khánh hào hứng kể về việc khách có hứng thú với những khúc nhạc của cô ấy.
Những đồng tiền đầu tiên Khánh nhận được, cô ấy mua một cái áo tặng tôi. Cái áo nhuộm màu xanh lá, vẫn còn mùi vải mới. Tôi mặc vào, lòng dấy lên cảm giác như tết đến được mẹ mua cho cái áo mới, ấm áp vô cùng.
Khánh được chơi đàn ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc cô ấy kiếm được nhiều tiền hơn . Đổi lại, đêm về cô ấy lại phải nhúng mười ngón tay sưng tấy vào nước muối ấm.
– Không sao đâu. Tại lâu rồi không chơi nhiều như thế, đến lúc thành chai sẽ không còn đau nữa.
Cô ấy bảo thế khi nhìn thấy ánh mắt lo lắng của tôi. Khó chịu mà, tôi biết. Khi đam mê trở thành công cụ kiếm tiền, nó không còn vui nữa. Nhưng sẽ chỉ một thời gian nữa thôi, chúng tôi sẽ cùng cố gắng cho tới khi đủ tiền dể rời khỏi đây.
***
Trời đã hết lạnh. Những cơn mưa rào bất chợt báo hiệu mùa hè đã bắt đầu. Những bộ áo thô dày trở nên khó chịu và nhớp nháp mồ hôi.
Trưa nay trời nắng chưa gắt lắm đâu nhưng đủ khiến đường vắng tanh, không còn thấy có người đi dạo như đợt trước. Người đi đường ai cũng cố đi nép vào những bóng nhà, bóng cây để nắng không chạm tới mái đầu. Tôi thì thoải mái hơn. Những lúc thế này mới thấy cái ô đúng là bảo vật, nắng mưa đều không sợ. Tôi kẹp cuộn giấy vẽ bên nách, thích chí xoay ô một vòng, thong dong bước đi. Hôm nay khá vui, có một đoàn người từ vùng khác tới, họ hình như mang đặc sản tới kinh thành để bán. Gặp sạp vẽ của tôi, ai cũng vào thuê vẽ một bức, chỉ một buổi sáng mà xấp giấy vẽ đã hết.
Tôi sẽ cứ chậm rãi như thế tận hưởng những phút rảnh rỗi nếu không nhìn thấy một hình dáng nhỏ bé nằm trên lề đường. Nếu như mọi ngày thì tôi không mấy quan tâm, đó có thể là chú bé ăn xin nằm nghỉ trưa. Nhưng trường hợp này khác: đứa bé này nằm phơi giữa nắng mà không có gì che cả. Mà bé như thế, ngồi dưới nắng này một chốc thôi cũng đủ choáng váng rồi, huống gì nằm phơi như thế. Thế là tồi đi vội đến, cúi xuống lật người đứa bé đó ngửa ra. Là một cô bé xinh xắn, tầm bảy tám tuổi. Cô bé đã lịm đi, người nóng bừng. Tôi đoán không sai. Quả nhiên bị say nắng. Tôi hạ nhanh ô xuống, cởi lần áo chàm dày trên người cô bé ra, chỉ để lại lớp áo lụa mỏng bên trong, sau đó lấy ô che tạm rồi chạy đi xin nước.
– Cô gái này, bớt lo chuyện bao đồng đi, mùa này mấy đứa ăn mày hay đổ bệnh. Lỡ đứa trẻ đó chết, quan ngườ ta truy hỏi cô, may mắn thì không sao, lỡ mắc tù tội thì khổ.
Bà chủ quán bán vải ở cách đó không xa vừa đưa bầu nước và chút muối cho tôi, vừa nói với vẻ chân tình. Tôi cũng chỉ biết cảm ơn vội rồi chạy đi.
Chườm khăn ướt lên cổ và người một lúc, em cũng mở hờ mắt, câu đầu tiên thì thào được là ‘khát’. Tôi mừng rỡ, pha muối vào bầu nước rồi cho em uống từng chút một. Thấy gương mặt bé dãn ra, tiếng thở đều hơn, mắt tiếp tục nhắm lại, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi trả bầu nước, rồi quay ra xốc nhẹ em lên lưng, một tay kẹp lấy giấy và ô, một tay đỡ lấy em, tôi đi nhanh về sạp vẽ nhỏ.
Liên quạt nhẹ cho cô bé, lại nhìn tôi dọn chỗ nằm cho em, nhẹ nhàng lên tiếng:
– Không biết con nhà ai mà cho đi ra giữa trưa nắng như thế. Xem đồ mặc thì cũng không phải ăn mày.
– Có thể đi lạc chị ạ. Khi bé tỉnh dậy em sẽ hỏi.
– Có thể cô bé chưa ăn gì. Lát nữa chị mang bánh ra, khi nào tỉnh thì em đưa cho bé ăn nhé.
– Vâng.
Em vẫn ngủ li bì, gương mặt trắng hồng thỉnh thoảng khẽ nhăn nhó, rồi lại nhanh chóng dãn ra. Tôi tiếp tục vẽ, lúc nghỉ lại phe phẩy chiếc quạt giấy về phía em nằm.
Tới ba giờ chiều, khi vừa vẽ xong cho một cô gái, tay với chiếc quạt định quạt thì thấy em tỉnh dậy từ lúc nào, đôi mắt to trong veo nhìn tôi chằm chằm. Tôi mừng rỡ, lấy đĩa bánh bao đưa về phía đó:
– Em đói chưa. Cầm lấy mà ăn.
Cô gái nhỏ có vẻ hơi ngại ngần, một lúc sau nghĩ sao lại cầm lấy một cái, rồi nhoẻn cười với tôi. Thật đáng yêu.
– Cảm ơn chị. Em tưởng mình chết rồi.
– Không có gì đâu- Tôi xua xua tay, hơi giật mình vì giọng điệu cô bé có vẻ chín chắn lạ- Mà sao em đi một mình vậy?
– Em đi tìm…mẹ.
– Thế à? Nhà em ở đâu? Chị có thể giúp.
– Ở đây có gần cổng thành phía nam không ạ? Em muốn đi thuyền về Thủy Linh.
– Một mình sao? Cổng thành phía nam ngay gần đây thôi. Chị biết bến thuyền. Hay để lúc nữa chị đóng cửa, em ra đó cùng chị? Đi một mình không an toàn. Em cũng đang mệt…
– Không sao đâu ạ. Em không thể làm phiền chị thêm nữa. Em cũng muốn đi nhanh để kịp trước trời tối.
Cô bé nhanh chóng đứng dậy, vấn lại mái tóc dài. Chiếc bánh bao còn nguyên, được để lại trên đĩa. Tôi cũng chẳng biết làm thế nào, cũng chẳng có quyền ngăn lại. Đứa trẻ bé xíu như thế, gương mặt trông non nớt, thế mà đi xa không có người giám hộ, thật khiến người ta lo lắng.
– Hay là thế này. Để chị đóng quán rồi đưa em đi. Em chờ đây một chút, đừng đi đâu nhé.
Tôi chạy vào quán ăn, tính dặn người nói lại với Khánh để cô ấy khỏi lo lắng. Ngó quanh không thấy Quyên hay Liên, tôi ra phía sau. Thấy bóng người, tôi định chạy vào, nhưng may là kịp dừng lại. Quyên đang đứng nói chuyện với một người đàn ông, họ còn nắm tay nhau rất tình tứ. Chắc hẳn là người mà Quyên mới đi xem mắt gần đây. Tôi không có ý định phá đám, tính quay ra dặn Thành. Gương mặt người đàn ông đó lướt nhanh qua mắt tôi, ánh mắt đó làm tôi hơi điếng người. Là tên bán bánh, cái tên khinh người cướp trắng trợn một đồng của tôi. Hình như Quyên nhận ra có người đứng ngoài, hai người buông tay ra, tôi nhanh chóng lỉnh đi luôn.
May mà vừa ra đã thấy Liên. Tôi dặn Liên xong, liền chạy ra quán. Không thấy cô bé đâu nữa, chỉ thấy tờ giấy với mấy dòng chữ để lại. Tôi chạy ra phía cổng thành một đoạn, không thấy cô bé đó đâu đành quay trở về. Người ta chắc cũng không muốn làm phiền mình, chỉ là gặp nhau thoáng qua, đến tên còn chưa biết. Tôi thở dài. Sao lòng tôi cứ vướng bận mấy chuyện không đâu. Ngoài việc cô bé, tôi còn lo chuyện của Quyên. Người Quyên có thể kết hôn là một kẻ tráo trở, hắn không xứng đáng với Quyên. Tính tình của Quyên hào sảng, thẳng thắn, vậy mà…
Chiều tôi nhận vẽ một bức khá lớn, người thuê là ông chủ quán bánh bao đối diện chỗ tôi. Hôm nay ông ta mặc bộ đồ sang trọng, khác hẳn chiếc tạp đề thường trực trước ngực, suýt chút nữa tôi không nhận ra. Ồng ta đã mua một tấm lụa trắng, có cả khung cuộn bằng gỗ có hoa văn khá đẹp. Ông ấy có vẻ hồ hởi, bảo muốn treo một bức trong quán giống như quán ăn của bà chủ chỗ tôi. Ông ta vừa ngồi, vừa kể chuyện. Là chuyện đứa con trai của ông được thầy khen sáng dạ, rồi vợ ông mới may cho chiếc áo mới, cả chuyện mới có vị quan nào đó khen bánh của ông ngon…Ông kể về chuyện bình dị hàng ngày với gương mặt rạng ngời, với giọng điệu hỉ hả nhất có thể, khiến buổi chiều của tôi vui lên một chút. Thân thương quá. Cái cách ông ấy nói chuyện sao giống bố tôi kinh khủng. Bệnh tình của một con bò mà bố tiêm thuyên giảm cũng đủ khiến nụ cười bố tươi cả bữa ăn tối.
Vẽ bức tranh đó cũng hết buổi chiều, ông chủ quán bánh bao mỉm cười hài lòng, cẩn thận cuộn bức tranh lại, trước khi đi còn hứa nhất định sẽ giới thiệu mọi người tới vẽ chỗ tôi. Tôi mỉm cười cảm ơn, chờ ông ấy đi rồi lặng lẽ lấy tấm gỗ chắn lại sạp vẽ, bước ra dựa người vào cửa ngắm người qua lại. Hôm nay Khánh ra hơi muộn.
Sáu giờ hơn mới thấy Khánh đi tới. Nhận ra Khánh ngay từ xa, bóng áo trắng với túi đàn cũng màu trắng mang sau lưng. Tới gần mới thấy Khánh có vẻ không vui.
– Tớ gặp rồi – Khánh hậm hực.
– Ai?
– Cái người mà cậu khen hơn cả Ngoc Điệp ấy. Tớ mới gặp xong.
– Sao? Có chuyện gì xảy ra à ? Cô ấy làm gì cậu ?
– Không làm gì cả. Mà đó là hắn ta, không phải cô ấy. Cậu nghĩ sao mà đi so sánh hắn ta với Ngọc Điệp. Một trời một vực. Cả cái tên vắt mũi chưa sạch đi theo sau nữa. Đúng là khiến người ta bực mình.
– Sao vậy ? Ý cậu là sao ? Sao lại hắn ta ? Chẳng nhẽ…
– Chẳng nhẽ gì nữa. Tên đó là đàn ông. Tớ còn nghe giọng rồi, khỏi nói tớ nhầm. Mắt cậu nhìn kiểu gì không biết nữa.
Nói rồi Khánh sải bước đi trước. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì, đành cắm cổ chạy theo. Ra tới cổng thành, Khánh có vẻ hạ hỏa, từ từ kể lại chuyện đã xảy ra.
Hóa ra khi gần về đến nơi, Khánh nhận ra hai người đó, vì cũng nhìn qua bức vẽ cùng mô tả của tôi. Thấy tôi có ý tiếc nuối vì nhìn người chưa kỹ, Khánh mời vị ‘tiểu thư’ đó tới chỗ tôi để vẽ miễn phí.
– Tớ bị tên đi sau mắng không ra gì, giống như tớ là loại con gái vô liêm sỉ đi đeo bám người giàu. Thì tớ cũng biết thân phận, lên phía trước phân bua một chút, vì vị cao quý phía trước ngay từ lúc đầu cũng không nói lời nào chắc không có ý xua đuổi. Tớ nói chưa xong một câu thì hắn ta mở miệng nói hai từ. Ngắn gọn thôi, đó là ‘ biến đi’.
– Thế…sau thì sao ?
– Nghe giọng thì hơi giật mình. Mà nếu không phải nhiễm ý nghĩ của cậu thì tớ cũng biết ngay là đàn ông rồi đấy. Vai rộng, ngực không có. Mà thôi. Lúc đó tớ cũng tránh sang một bên, định biến rồi, cũng đi qua hai tên đó rồi. Ai ngờ hai đồng tớ được khách cho cuối buổi để trong áo văng ra ngoài, tớ tới nhặt, lại ngay dưới ống quấn của tên đi sau…
Nói đến đây thì Khánh dừng nói, môi hơi mím lại, mày cũng khẽ nhíu.
– Sau đó đã xảy ra chuyện gì khiến cậu bực mình như vậy ?
– Chậc, nhắc lại chỉ tổ không vui. Nói chung là chỉ chiến tranh với tên mặt búng ra sữa thôi, tên đi trước thì tỏ vẻ, không thèm mở miệng thêm lần nào. Tớ thấy một tên đàn ông rõ ẻo lả, không thấy nữ thần uy nghi của cậu đâu cả. Thôi, quên đi.
– Cảm ơn- Tôi nhìn vẻ mặt đang cáu của Khánh không khỏi bật cười.
– Gì ? Tự nhiên lại cảm ơn.
– Thì ý muốn bâng quơ của tớ cũng được cậu để trong lòng, không đáng cảm ơn à ?
– Trời, nổi da gà- Khánh giả vờ rùng mình, nhưng miệng không kìm nổi nụ cười.
Gió chiều thổi mát rượi.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN