Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 9: Liên
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 9: Liên


Giấy mà cô bé để lại có viết “Ơn cứu mạng nhất định báo đáp. Không thể làm phiền thêm nữa”. Liên bảo còn nhỏ mà viết được chữ hẳn là con nhà thư hương. Tôi không quan tâm lắm, chỉ bật cười, vì cái giọng điệu già trước tuổi đó. Tôi cũng chỉ xem đó là lời thể hiện tấm lòng của một đứa trẻ, không ngờ rằng sẽ có ngày tôi phải nhờ vào sự báo đáp của đứa trẻ đó.
Ngay chiều hôm sau thôi, tôi được xe ngựa chở đến một cái lầu, không biết là quán ăn hay nơi ngắm cảnh, vì trên bàn bày đủ thứ bánh ngon lành, từ chỗ ngồi có thể nhìn ra một khoảng hồ xanh, vài cái lá sen xanh nõn đã nằm là là mặt nước. Tôi không phải thắc mắc lâu.
Người bước tới ngồi trước mặt tôi mang dáng vẻ cao sang xa cách, khiến tôi nhất thời không biết hỏi chuyện thế nào.
– Tôi là mẹ của Vân Nhạn. Nghe con gái tôi bảo rằng hôm qua cô đã cứu nó.
– Cô bé thế nào rồi? – Tôi lập tức nhổm lên.
– Vẫn ổn. Sáng nay đã lên đường đi Thủy Linh, nên hôm nay không gặp cô được- Khóe môi người đối diện hơi giãn tỏ ý cười.
– Thấy cô bé bảo đi tìm mẹ. Gặp được rồi sao còn phải đi Thủy Linh ?
– Người mẹ mà Vân Nhạn nói tới là bà vú, từ nhỏ đã chăm sóc con bé. Bà ấy đã già, muốn về quê. Con bé không muốn, đuổi theo mà không biết lượng sức mình. May mà có cô.
– Ra là vậy.
Người đối diện đang nói với ngữ điệu bình thản, đôi mắt với ánh nhìn trong suốt không để lộ chút cảm xúc nào. Tôi thật không biết nói thế nào cho hợp, chỉ biết gật đầu nói tỏ ý đã hiểu chuyện. Cô bé đã an toàn, đủ khiến tôi yên tâm rồi.
– Con gái tôi rất biết ơn cô. Ơn cứu mạng cả đời không trả hết, nhưng hiện tại cô có khăn gì hay thiếu thốn gì, tôi có thể giúp.
– Không cần đâu ạ. Chỉ là tôi giúp đỡ cô bé một chút, không to tát tới mức là ơn cứu mạng. Tôi cũng không có khó khăn gì, nên cũng không phiền tới phu nhân.
– Tôi hiểu rồi. Thế này đi. Cô hãy cầm lấy miếng ngọc này. Con người ai cũng sẽ có lúc gặp chuyện. Lúc nào có khó khăn, hãy cầm cái này tới nhà họ Lý. Nếu được, tôi sẽ cố gắng hết sức giúp cô.
Lời vị phu nhân này nhẹ nhàng mà như ra lệnh, tôi chỉ biết đưa tay ra cầm miếng ngọc trắng tinh. Vị phu nhân sau đó đứng lên, khẽ cúi đầu chào rồi đi luôn. Bàn bánh còn nguyên, tôi gói lại một ít rồi theo người ra xe ngựa trở về. Mân mê miếng ngọc, tôi nghĩ bụng, thôi thì để làm kỉ niệm cũng được, ít thấy miếng ngọc nào đẹp thế này, bên trong còn có đúc nổi chữ gì đó. Tôi lại nghĩ về vị phu nhân lúc nãy. Tôi không phải chưa gặp qua các phu nhân nhà giàu. Nhưng chẳng hiểu sao với cuộc nói chuyện ngắn ngủi, người ta lại đang cảm ơn tôi, thế mà tôi cảm thấy áp lực.
***
Sáng nay Liên lại có một vết thương trên trán, đã được băng lại nhưng vẫn thấy vệt máu tươi loang ra lần vải trắng. Liên lại bảo giày bị hở, cô trật chân ngã dập đầu vào cạnh bàn.
– Bình thường chị cẩn thận lắm mà. Sao mỗi khi về nhà lại bất cẩn như thế?
– Tại hôm qua về chị hơi mệt.
– Sao hôm nay chị không ở nhà nghỉ ? Bà chủ cũng có thể gọi Đậu đến làm thay chị vài buổi mà.
– Tại chị muốn đến thôi. Xa mọi người không chịu được.
Liên cười nhợt nhạt. Tôi nhìn cô ấy mà xót xa. Chị ấy vốn tham công tiếc việc, chắc về nhà mệt lại còn làm việc nên mới mệt tới thế. Bà chủ không cho Liên động tay vào việc, dìu ngay Liên vào phòng trong. Quyên bảo tôi bên ngoài có người tới thuê vẽ, rồi cũng đi ngay vào với hai người. Còn nghe loáng thoáng tiếng Quyên nói gì đó. Liên có nhiều người chăm sóc như thế, chắc tôi không phải lo nữa.
Ra khỏi quán thì tôi gặp tên bán bánh, chẳng hiểu sao tôi lại cố quay mặt đi để hắn khỏi nhìn thấy mình. Ra tới sạp vẽ tôi thở dài. Thực ra gặp tôi chưa chắc hắn đã nhận ra, tôi giờ mặc tươm tất hơn đợt đó.
Mấy hôm sau tới quán ăn sớm, tính ra sau giúp Liên dọn dẹp và nói chuyện cùng mà không thấy Liên, chỉ thấy cô bé Đậu.
– Chị Liên chưa tới.
Tôi gật nhẹ đầu, tới giúp Đậu nhặt rau, nghĩ bụng chưa bao giờ tôi tới quán mà Liên chua có mặt. Giữa trưa tôi vào ăn cơm, thấy bà chủ và Quyên vẻ mặt lo âu đứng ở quầy tính tiền. Hai người cứ nhấp nhổm ngóng ra cửa suốt. Khi Thành đưa cơm ra, tôi ngẩng lên hỏi :
– Quán có chuyện gì hay sao vậy Thành ?
– Chị Liên nghỉ chị ạ.
– Chị ấy ốm thì nghỉ ngơi vài hôm có sao đâu. Có gì chị vào giúp quán cũng được.
– Không phải. Tại…chị ấy chưa bao giờ nghỉ cả, dù ốm thế nào. Chỉ sợ…
Có tiếng khách gọi, Thành lại tất bật chạy vào trong bưng đồ ăn ra. Câu nói dang dở của Thành cũng mang sự âu lo, làm tôi dù nghĩ trong đầu là mọi người làm quá lên nhưng cũng bất giác nhìn ra cửa. Quán đóng cửa lúc hơn mười hai giờ, lúc đó tôi đã cảm nhận được đôi chút sự nghiêm trọng của sự việc. Thấy bà chủ cùng mọi người đi qua, tôi tính bỏ dở bức vẽ để đi theo thì bà chủ ngăn lại :
– Chỉ là đi thăm người ốm thôi. Có gì thì chiều về mọi người báo cho cháu. Yên tâm đi.
Buổi chiều trời nóng lạ thường, mồ hôi ướt rịn áo, nhá nhem tối trời cũng không mát hơn là bao. Khánh cùng chờ với tôi tới sáu rưỡi mà chưa thấy mọi người về, thế là hai đứa chúng tôi về.
– Không sao đâu. Đợt trước tớ chỉ bị ốm sơ sơ thôi mà lê thân đi còn không được.
– Ừ. Mong là thế.
Cả đêm nằm trằn trọc mãi mới ngủ được, sáng ra tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Tới nơi thì quán chưa mở. Một nỗi sợ mơ hồ bóp nghẹt trái tim tôi.
Tôi ngồi trước cửa quán chờ mọi người, sốt ruột thì đi qua đi lại. Mãi một lúc lâu mới nhận ra cửa quán không khóa, mà gài trong. Vậy tức là phía trong có người.
– Bà chủ ơi, cháu Lan đây, mở cửa cho cháu.
– …
– Quyên ơi…
Người mở cửa là Thành, mắt cậu đỏ hằn tia máu. Tôi bước ngay vào trong quán, rồi đi về phía phòng bà chủ. Nhận ra ngay Quyên và bà chủ, hai người đang ngồi trên giường. Dù phòng tối om, nhưng không khó nhận ra Quyên đang khóc vì cứ vài giây lại có tiếng nấc nghẹn từ phía cô ấy. Khi hơi quen với bóng tối, tôi nhận ra bà chủ cũng đang khóc, nước mắt hai dòng lặng lẽ chảy xuống gò má.
– Sao vậy mọi người ?
Không ai trả lời. Tôi quay sang Thành, nhìn cầu khẩn. Làm ơn đi, hãy cho tôi biết chuyện gì, đừng để tôi sợ thế này. Làm ơn.
– Chị ấy…chết rồi.
Thành nói nhỏ bốn tiếng mà tưởng sét đánh ngang tai, tôi loạng choạng bám lấy cái ghế gần đó. Muốn suy nghĩ một chút mà đầu tôi cứ đơ đi, mắt tôi nhìn quanh tìm kiếm một đáp án khác. Bác phụ bếp đi vào, thấy tôi thì không nói gì, chỉ lặng lẽ chấm nước mắt. Là thật rồi. Không phải đùa rồi. Liên chết rồi. Đầu tôi bắt đầu quay cuồng trong mớ hỗn độn, muốn hỏi mà không biết bắt đầu từ đâu. Thấy có giọt nước nóng hổi từ mắt, chảy dần xuống môi mặn chát.
– Bị đánh phải không ạ ? Liên chết do bị đánh phải không?
– Con bé bị bệnh không chữa được, thầy lang đã bảo rồi, nên…
– Nói cho cháu sự thật đi ạ.- Tôi ngắt lời bà chủ- Cháu cũng có quyền được biết. Tại sao lại giấu cháu ?
– Lan…
Nỗi đau bỗng nhiên làm đầu tôi minh mẫn tới không ngờ. Tôi dường như thấy lại bao lần Liên cười gượng bảo ngã chỗ này, ngã chỗ kia. Những vết thương khi thì bần tím hằn vào da, Liên bảo va thành giường, khi vết thương sâu lại bảo vấp vào góc nào đó. Tôi đã từng nghĩ dường như bao sự cẩn thận, tỉ mỉ của Liên khi ở quán về nhà đề bay biến hết. Tôi từng có ý thắc mắc, nhưng nghĩ lại, những người trong quán cho rằng việc đó là bình thường thì tôi đâu có lý do gì để hỏi. Giờ nhận ra, những vết thương đó rõ ràng do bị đánh, còn không biết có bao nhiêu vết thương không lộ ra ngoài nữa. Có lúc tôi vỗ nhẹ vai cô ấy đã không kìm được mà kêu lên một tiếng. Sao giờ tôi mới nhận ra ? Sao tôi không nhận ra sớm hơn ?
– Liên chết rồi, giờ có nói cũng đâu được gì. Không ít người chết vì không chữa được bệnh. Cháu cứ nghĩ con bé chết vì thế đi.
– Vậy ra cháu đoán đúng à ? Mọi người đều biết. Vậy sao để tới mức này ? Sao không ngăn lại ? CÔ ẤY BỊ HÀNH HẠ TỚI CHẾT, SAO MỌI NGƯỜI KHÔNG LÀM GÌ ?
– IM NGAY ĐI. CHỊ BIẾT GÌ MÀ NÓI ?
Quyên hét lên, nhìn tôi với đôi mắt đỏ giận dữ. Tôi gần như chết sững, lặng đi một lúc rồi bước về phía cửa, tay run run cầm chặt quai túi. Có bàn tay níu vai tôi lại. Là bà chủ. Tôi lao vào lòng bà chủ rồi khóc òa lên như một đứa trẻ. Đau quá mẹ ơi ! Đau như ngày ông ngoại mất, con đã hỏi mình là có phải do con không, có phải lỗi tại con không ? Là con hôm đó không đến, nên ông mới đi giao tranh cho người ta, mới bị tai nạn như thế ? Cũng như nếu nhận ra sớm hơn, có phải Liên sẽ không chết, phải không mẹ ? Bà chủ ôm lấy vai tôi rồi nghẹn ngào :
– Là lỗi của ta. Biết tất cả mà không làm gì, là ta đã giết con bé. Ta xin lỗi.
Trong phòng tiếng khóc như trào lên, xen vào cả những tiếng nói rời rạc ngắt quãng. Mãi lâu sau, khi tất cả bình tĩnh lại, tôi ngồi bó gối trên giường để mặc cho mái đầu của Quyên tựa vào vai, nghe bà chủ kể về Liên.
Bố Liên vốn là thầy dạy học, gia đình cũng khá giả. Chồng của Liên trước đó vốn là học trò của ông, thấy anh ta hiền lành thật thà, cũng sáng dạ nên đồng ý lời dạm hỏi của gia đình bên kia, chờ hai người đủ tuổi sẽ cưới, dù gia đình bên kia không giàu có gì. Nhưng sự đời có nhiều chuyện không ai ngờ, tai họa một lúc đổ ập xuống gia đình Liên. Vì chạy chữa cho mẹ mà gia đình Liên tan gia bại sản, cuối cùng hết tiền mạng người cũng không giữ được. Bố Liên vay người ta không ít tiền, không trả được thì bị đánh gần chết, về sau cũng không qua khỏi.
Liên mới mười bốn tuổi, nhưng còn trọng trách trên vai. Đứa em trai sau Liên một tuổi cần phải được ăn học, sau này thi cử để làm rạng danh tổ tông. Thế là Liên làm việc, tìm các cách kiếm tiền mong đủ cho em đủ tiền theo thầy học. Nhưng với một cô gái nhỏ thì đâu dễ. Em Liên cũng hiểu chuyện, vừa theo học vừa làm người ở cho nhà thầy học, nên hai chị em đủ sống qua ngày. Nhà bên kia thì ngày càng khá giả hơn nhờ có mối buôn bán. Mười sáu tuổi Liên tìm đủ mọi cách để nhà bên kia không hủy hôn ước, với mong muốn làm vợ chính thất sẽ được quản lý tiền bạc, mặt khác cô có thể làm thay công việc sổ sách chứ không phải thuê người nữa, tiền đó cô sẽ chu cấp cho em trai.
Nhưng cô đã tính nhầm. Mẹ chồng thà tin người ngoài chứ không tin con dâu, quản lý hết tiền bạc, bắt cô làm việc lao động trong nhà như người ở, cô ngỏ ý muốn xin tiền cho em thì bị gạt phăng đi, bà ta bảo cô về nhà này thì không còn liên quan gì tới em trai nữa. Cô ấy lại vất vả hơn, vừa lo việc nhà, vừa phải nhận việc thêm kiếm tiền. Em Liên không biết vì cô ấy giấu. Chồng Liên là một kẻ nhu nhược, cái gì cũng nghe lời mẹ. Anh ta vẫn còn đang đi học để theo đuổi con đường làm quan. Lấy nhau một thời gian anh ta rời kinh thành theo một thầy dạy nổi tiếng ở Hạ Linh. Mọi khổ sở của Liên bắt đầu. Bố chồng bắt đầu lộ ra là một kẻ không ra gì, lộ liễu làm trò mèo với cô, bị cô cự tuyệt thì thẳng tay đánh. Mẹ chồng vốn sẵn máu ghen, thấy vậy không thèm ngăn cản. Chồng Liên thỉnh thoảng về, nghe mẹ nói cũng tỏ ra khinh thường cô. Về sau me chồng bảo cô ra ngoài tìm việc làm, không biết là bà ta vì thương cô bị đánh nhiều hay vì ghen nữa.
– Thế là một năm trước con bé vào đây. Việc gì nó cũng làm, chăm chỉ cẩn thận hết mức. Ban đầu còn giấu những vết đánh, nhưng về sau ta phát hiện ra khi máu trên cánh tay thấm ướt qua áo. Biết chuyện, ta cũng khuyên nó hay là rời cái nhà ấy đi, nhưng nó không đồng ý. Em con bé hình như đã được nhà quan nào đó để ý, nó không muốn làm một vết nhơ trong của em trai, làm ảnh hưởng tiền đồ của em nó. Đến bây giờ em của con bé cũng chưa biết được sự thật tại sao chị nó chết, con bé cũng không bao giờ muốn em trai nó biết. Cũng như không bao giờ muốn cháu biết, Lan ạ.
Quyên đưa tay gạt nước mắt cho tôi, rồi cũng thở dài.
– Mong muốn cuối cùng của chị ấy không thực hiện được rồi, giờ chị cũng đã biết.
– Bọn họ thì sao ? Chẳng nhẽ không có sự trừng phạt nào cho cái gia đình ấy ? Là một mạng người cơ mà- Tôi không chủ ý nắm chặt hai bàn tay.
– Chị Liên không muốn em trai biết chuyện này. Thầy lang cũng đã bảo chị ấy có bệnh trong đầu, mọi người có muốn làm lớn chyện cũng không được. Nhưng ông trời có mắt, những kẻ làm ác thì sẽ nhận được kết cục không tốt đâu.
Chờ ông trời sao ? Nếu có ông trời, sao người tốt như Liên lại phải chết ? Thay vì trừng phạt kẻ ác, sao ông ta không để người tốt được sống ?
***
Nhận ra ngay mộ của Liên, nó là nấm mộ mới nằm giữa những nấm mộ cỏ xanh um, phía trước là một bia mộ bằng đá. Quyên đưa hai đĩa đồ ăn cùng một bình nước trong khay ra để trước bia mộ, rồi bảo tôi nói chuyện với Liên. Tôi chỉ chào Liên, rồi chạm nhẹ bia mộ, vì sợ rằng khi nói ra nước mắt tôi lại rơi mất, mà tôi không muốn Liên thấy tôi khóc.
– Nhà đó thậm chí còn không làm cho Liên một bia mộ cho đoàng hoàng. Mọi người phải thuê thợ làm, rồi mang ra đây. Còn một chuyện nữa. Cây trâm chị tặng đã được chôn theo chị ấy. Chị ấy rất quý nó, gửi ở quán chứ không mang về, buổi sáng tới quán mới cài. Thế mà hôm cuối về lại mang theo. Chắc lúc đó đã thấy không ổn…
Đang nói thì giọng Quyên nghẹn lại, cô ấy lập tức ngoảnh sang chỗ khác. Sắp chiều, cảnh nghĩa địa đìu hiu. Trước khi về, tôi nán lại bên mộ, vuốt nhẹ và thì thầm :
– Chị ơi, hãy yên nghỉ nhé ! Chị của em.
Không kìm được, giọt lệ rơi đánh tách trên bia mộ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN