Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1576


Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân


Phần 14


Huy nhíu mày nhìn tôi một lúc, dường như đang đánh giá xem tôi đang có toan tính gì. Nhưng tôi chẳng có toan tính gì cả, vả lại ban công phòng tôi và ban công phòng anh ta cách nhau hơn 60cm, dù sao tôi cũng chẳng ăn thịt anh ta được.
Tôi rót ra hai ly rượu rồi đưa tay ra, chia một ly cho Huy:
– Máy chiếu mini của anh đã bắt đầu bán ra thị trường chưa?
– Khoảng hơn một tuần nữa.
Anh ta chần chừ vài giây rồi cũng vươn tay nhận lấy ly rượu của tôi, chậm rãi đáp:
– Chiến lược marketing của cô không tệ. Hôm nay nghe phòng kinh doanh báo cáo lại, từ hôm ra mắt sản phẩm đến giờ có hơn hai nghìn đơn đặt hàng.
– Chúc mừng anh.
Tôi đang định đưa ly về phía anh ta để chúc mừng, nhưng Huy lại chủ động cụng ly của mình vào ly của tôi trước. Động tác của anh ta rất thành thục và dứt khoát, khác hẳn bộ dạng cầm ly rượu cũng lúng túng của tôi:
– Có một phần công của cô. Cạn ly.
– Cạn ly.
Anh ta ngửa cổ uống cạn ly rượu, tôi thì không biết uống loại rượu xịn xịn này nhưng trót mời người ta rồi nên cũng đành phải nhắm mắt nhắm mũi uống hết.
Vị rượu vừa cay vừa chát khiến cổ họng tôi hơi khó chịu, nhưng nuốt vào xong thì lại có cảm giác rất đằm và rất ngọt. Tôi uống xong, lại rót ra thêm hai ly nữa:
– Tôi chỉ góp công nhỏ tý thôi, phần lớn là do sản phẩm công nghệ anh nghiên cứu mà. Theo như lời MC nói hôm đó là “công nghệ phát triển vượt bậc khiến ai cũng phải ngạc nhiên ấy”.
– Nói quá thôi. Màn hình oled trong suốt trên thế giới đã sản xuất được rồi.
– À… thế còn việc màn hình oled lỗi hôm ở quảng trường, anh đã tìm ra nguyên nhân chưa?
– Chưa, tạm thời không có thông tin gì cả.
Nói đến đây, Huy lại nghiêng đầu nhìn về phía bàn tay đang rót rượu của tôi, nhàn nhạt hỏi:
– Tay thế nào rồi?
– Thịt sắp lành hẳn rồi, nhưng mấy hôm trước dính nước ở bể cá Koi, hôm ấy mới bỏ thuốc trị nấm cho cá thì phải. Chỗ vết thương dị ứng với thuốc đó nên hơi ngứa một tý thôi, chắc mai kia gì đó sẽ khỏi. Anh thì sao? Tay lành chưa?
– Không bị dính nước ở bể cá nên khỏi hẳn rồi.
Thấy anh ta nói một câu nửa đùa nửa thật như vậy, tôi lại bật cười. So với nửa năm trước đây, có lẽ bây giờ là lúc tôi cảm nhận rõ rệt nhất khoảng cách của tôi và người đàn ông này được thu hẹp hơn một chút. Không còn quá lạnh lùng xa cách nữa, anh ta bây giờ đã có thể nói với tôi nhiều hơn ba câu.
– Tôi nghe nói cá Koi đắt tiền lắm, lúc đến đây, nhìn thấy bể cá này mới thấy đúng là cá Koi đắt thật. Đắt vì nó đẹp ấy. Bể đẹp hợp với cá đẹp. Hơi tiếc vì bây giờ không được nhìn thấy nữa.
Tôi ngoảnh đầu nhìn xuống bể cá Koi đã bị phá nham nhở, nói với anh ta:
– Vì chuyện của Bí Ngô và Jin Jin à?
– Không hẳn. Nếu có thể gây nguy hiểm cho người khác thì đập bỏ.
Huy cầm ly rượu thứ hai lên uống, tôi liếc thấy nét mặt anh ta hơi trầm xuống, cũng chẳng biết an ủi thế nào. Bởi vì có những chuyện là kỷ niệm ở trong tim, người ngoài chưa từng trải qua thì không thể nào thấu hiểu được. Tôi nói:
– Có thể chọn cách khác mà, xây rào chắn lại chẳng hạn. Bao nhiêu lâu nay không có rào cũng có vấn đề gì đâu, chuyện của Bí Ngô với Jin Jin chỉ là không may thôi. Không cần chọn cách tiêu cực như thế.
– Tôi không thích phiền phức.
Nói đến đây, anh ta quay lại mới thấy tôi đang một tay cầm chai rượu, tay còn lại cầm ly uống hết ly này đến ly khác. Huy bất chợt cau mày:
– Rượu vang không uống như thế. Uống từ từ thôi.
– Tôi thấy ngọt mà.
– Rượu càng ngọt thì càng dễ say, cô không biết à?
– Không. Tôi có biết đâu. Từ nhỏ đến lớn tôi mới chỉ uống rượu vài lần thôi. Lần say đầu tiên cũng là lần có Bí Ngô đấy.
Nhắc đến chuyện tại sao lại có Bí Ngô, trong lòng tôi vẫn ít nhiều cảm thấy chua xót, nhưng chẳng thể nói ra nên chỉ cười:
– Đến bây giờ chẳng biết là may hay là rủi nữa. Nhưng có nó cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều. Nó giống như một phần không thể thiếu được trong cuộc đời của tôi ấy, cứ nghĩ phải xa nó là đã không chịu nổi.
Anh ta uống hết ly rượu trên tay mình rồi mới nói với tôi:
– Trẻ con rồi cũng phải lớn, phải học cách tự lập. Không thể lúc nào cũng ở sát bên mẹ được.
– Ừ. Trước kia thì cứ nghĩ sẽ ở bên cạnh Bí Ngô đến khi tôi già c.h.ế.t thì thôi. Nhưng từ lúc anh đưa nó đến đây thì tôi nghĩ lại rồi, nói chung có những việc bản thân mình không muốn nhưng vì hoàn cảnh nên vẫn buộc phải chấp nhận. Với tôi bây giờ chuyện con bé khỏe mạnh, vui vẻ là quan trọng nhất. Xếp thứ hai mới là việc được ở bên cạnh con.
– Biết thế thì tốt.
Tôi cười cười, rót thêm một ly rượu nữa rồi giơ về phía anh ta, lúc ấy đưa tay lên thực sự đã ngấm rượu nên chếnh choáng lắm rồi, không thể cầm vững được cốc nữa mà rượu cứ sóng sánh trước mắt tôi:
– Người làm mẹ nào cũng như thế mà. Bình an và tương lai của con cái luôn là số 1. Tôi nghĩ có một người con giỏi như anh, chắc là mẹ anh cũng rất tự hào về anh đấy.
Khi nghe tôi nói xong câu này, ánh mắt Huy nhìn tôi bất chợt thay đổi. Tôi không thể hiểu được anh ta đang nghĩ gì, nhưng trong đôi mắt lạnh lùng kia dường như phảng phất thêm cả một sự trầm tư và phức tạp.
Qua một lát sau đó, Huy mới trả lời tôi:
– Tôi không giỏi.
– Có. Không bàn đến chuyện kinh doanh nhé, tính mỗi việc anh nghiên cứu rồi phát minh ra màn hình Oled là đủ làm mấy đứa bọn tôi ngưỡng mộ rồi đấy. Anh không biết đâu, mấy thằng nhóc cùng nhóm trên lớp tôi hâm mộ anh lắm, hôm nào ngồi ở căntin mà xem tivi có bản tin về anh là bàn tán rầm rộ, còn ước ao sau này được thực tập ở Lạc Thành nữa.
– Thế à?
– Ừ. Chúng nó bảo anh học Harvard, mà con trai học Harvard thì ai cũng giỏi.
Thấy tôi nói vậy, rút cuộc Huy mới chịu cong môi cười, anh ta cạn ly mình vào ly tôi:
– Cảm ơn. Tôi cũng bình thường thôi.
Tôi cười cười:
– “Bình thường” như anh thì chắc là ai cũng muốn đấy.
– Cạn ly.
– Cạn ly.
Tối hôm đó, tôi và anh ta ngồi ở ban công uống hết chai rượu vang đó, cũng nói rất nhiều chuyện, tôi say bí tỉ nên cũng chẳng nhớ nổi mấy giờ sáng mình mới vào ngủ. Ngày hôm sau xách xe máy điện đi làm mà mặt mũi vẫn còn bơ phờ, chị Thanh thấy thế còn trêu tôi:
– Ơ cái con bé này, sao hôm nay nhìn mày chả có tý sức sống nào thế? Sao thế? Ốm à?
– Đâu, tại hôm qua em mất ngủ ấy mà. Em không sao đâu, tý nữa tranh thủ buổi trưa xuống kho hàng chợp mắt tý là ổn.
– Xuống ngủ đi, chị trông cho. Mà Bí Ngô ốm hay sao mà phải thức đêm?
– À… vâng. Nó khó chịu nên quấy chị ạ.
– Chịu khó thế chứ biết sao giờ. Thôi xuống ngủ đi, kiếm cái chăn mà đắp không lạnh đấy. Lót mấy bìa carton nằm dưới sàn vẫn lạnh bỏ mẹ.
– Em không sao đâu bác ơi, em trông được mà. Hay là em oder mấy ly café, chị em mình uống cho tỉnh táo nhé?
– Ừ, thế cũng được.
Gọi xong mấy ly café về, còn chưa kịp uống đã thấy Long thất tha thất thểu vào siêu thị. Nó mặc một bộ quần áo thể thao, đi dép loẹt quoẹt, đầu bù tóc rối như tổ quạ, nhìn chẳng có tý nghiêm chỉnh nào. Khi vào đến quầy thu ngân cũng chẳng chào ai mà chìa tay ra bảo tôi:
– Chị, cho em xin mấy trăm.
– Tiền đâu mà mấy trăm. Mày vào đây nhìn thấy các chị mà không biết chào ai à?
– Ôi giời, chào các chị nhớ. Được chưa? Cho em xin mấy trăm đóng tiền quỹ lớp nào.
– Lâu nay mày có đi học gì đâu mà quỹ với chả lớp. Chị không có. Đi về đi cho chị bán hàng.
– Ơ hay nhỉ? Sao lại không đi học, cho em mấy trăm đi.
Cái thằng em này của tôi rất phiền, mà toàn chọn đến xin tiền ở những chỗ khiến tôi khó xử. Cho thì không được mà không cho cũng không được, chủ yếu là làm phiền những người xung quanh tôi.
Chị Thanh thấy tôi định rút ví ra đưa nó thì lập tức giằng tay tôi lại rồi quát:
– Chị mày đi làm ở đây ngày được 6, 70 nghìn bạc, tiền nào mà cho mày lắm thế? Mày to xác rồi, đàn ông sức dài vai rộng sao không tự đi làm thêm mà kiếm tiền ăn học, lớn bằng chừng ấy rồi còn đi xin tiền chị mày. Cái Chi nó còn nuôi Bí Ngô, không có tiền cho mày đâu.
– Ơ chị Thanh chả biết gì cả, bây giờ chị em có giống ngày xưa đâu. Chị em giờ chẳng qua đi làm ở siêu thị này cho vui thôi, bà ấy cần gì phải lo nuôi con Bí Ngô nữa. Giờ chị em làm dâu nhà giàu rồi, ở biệt thự trăm tỉ đấy.
Nghe nó nói thế, chị Thanh mới cau mày quay sang liếc tôi, khi đó tôi ngượng quá, không biết giải thích thế nào cả. Thêm nữa việc tôi là ai, tại sao lại ở chung với những người trong nhà Lạc Thành thì đều là việc bí mật, để lộ ra ngoài chắc chắn gia đình họ sẽ giết tôi.
Cuối cùng tôi đành phải rút tiền ra dúi vào tay nó:
– Mày đừng có nói linh tinh, tiền đây. Đi về đi. Về ngay cho tao còn làm việc.
– Đấy, chị đưa sớm có phải đỡ tốn thời gian không. Thôi, về nhé. Chào chị Thanh nhé.
Nó cầm tiền thì mặt mày tươi tỉnh hẳn, nhơn nhơn vẫy tay chào hai đứa tôi rồi mới quay người đi ra khỏi cửa. Lúc Long đi rồi, chị Thanh mới tròn xoe mắt quay sang hỏi tôi:
– Thế là thế nào hả Chi? Dạo này em ở đâu? Sao thằng Long lại nói thế?
– À…
Tôi định chối, nhưng nghĩ lại hơn 4 năm nay chị Thanh luôn tốt với mình, tốt với cả con tôi nữa. Mình giấu chị ấy cũng không đành, vả lại bao nhiêu chuyện ấm ức đang phải chịu, nếu có người chia sẻ thì cũng tốt. Thế nên tôi chần chừ một lát rồi mới nói:
– Dạo này em đang ở nhà bố của Bí Ngô chị ạ. Nhưng chị đừng nói với ai giúp em nhé, nhà họ cũng có danh tiếng ấy chị ạ.
– Thế sao lâu nay mày không nói với chị?
– Tại vì nhiều thứ phức tạp lắm. Chủ yếu là do gia đình nhà người ta kín tiếng nên em không dám nói.
– Ừ.
Chị Thanh thở dài bảo tôi:
– Thế làm sao? Mày với bố của con Bí Ngô quay lại rồi à?
– Không chị, chuyện dài lắm. Giờ bố con bé đang nằm viện, bị tai nạn nên hôn mê chưa tỉnh. Bí Ngô là con duy nhất nên em phải mang con bé về đó.
Tôi kể sơ lược cho chị Thanh nghe về việc tại sao tôi phải đến đó ở, rồi hiện tại đang ở cùng khu biệt thự với bác cả của con bé, nói sơ sơ về việc gia đình Tuấn rất giàu có và tiếng tăm nên mong chị Thanh giữ bí mật giúp tôi.
Chị Thanh không phải người thích tò mò quá sâu, thế nên cũng không hỏi gia đình Tuấn là những ai, chỉ bảo:
– Thế giờ thằng Long nó cứ vin vào cớ đó rồi xin tiền mày mãi thì sao? Mày giờ chỉ ở nhà họ thôi chứ có ai cho mày xu nào đâu mà mày có tiền cho nó mãi?
– Em cũng chẳng biết sao với nó nữa. Để nó đến làm phiền nhà bố của Bí Ngô thì ngại lắm chị ạ. Mà em đã nói rồi đấy, nhà họ không muốn ai biết mấy chuyện riêng tư thế này, để họ thấy Long nó đến quậy phá thì lại coi thường em với cả Bí Ngô.
– Mày cứ rắn vào cho chị, không phải nể. Từ giờ nó mà mò đến đây xin tiền thì chị đuổi thẳng cổ cho. Mày nữa, đừng có cho không nó quen thân đi.
– Vâng, em biết rồi ạ.
Tôi cũng quyết tâm không cho Long tiền nữa, nhưng cứ dăm ba bữa lại lảng vảng đến xin tôi. Đến siêu thị bị tôi đuổi đi thì nó lại tìm đến nhà Huy, tôi phải nhờ chị Oanh ra đuổi mấy lần thì nó mới chịu về.
Cứ nghĩ thế là yên chuyện, ai ngờ vẫn có người biết được việc này. Có một hôm Phương sang biệt thự của Huy để cắt mấy cành hoa hồng, thấy tôi đang còng lưng xới chỗ đất đã lấp bể cá Koi lên để trồng rau, cô ta mới mỉa mai nói:
– Chà, bể cá đẹp đẽ của người ta vì mấy đứa lạc loài mà phải phá rồi. Tiếc thật đấy.
Tôi không thèm chấp, kể cả một cái tát của cô ta tát tôi hôm Jin Jin bị ngã xuống hồ, tôi cũng không tính toán, chỉ im lặng cuốc đất. Phương thấy tôi không để ý đến mình thì càng hậm hực, bảo tôi:
– Chắc là đang tiếc lắm hả? Tiếc vì Jin Jin không bị sao ấy. Nó mà bị sao thì con bé lạc loài nhà mày lại có thêm cổ phần rồi nhỉ?
Cứ động đến con tôi là tôi khó chịu, dừng động tác nhìn cô ta:
– Đừng có gọi Trường An như thế. Người lớn mà đi sân si với một đứa trẻ con không thấy xấu hổ à?
– Không biết xấu hổ phải là mày mới đúng. Kéo cả mẹ cả con đến đây, giờ còn định lôi cả nhà mày đến đây để ăn bám nhà tao đúng không? Nghe nói thằng em trai mày mấy hôm nay lảng vảng gần đây mà, sao? Thấy nhà tao giàu nên định ăn trộm đồ rồi đưa em mày mang về phải không? Mày ăn trộm được những gì rồi?
– Này, cô ăn nói cho cẩn thận nhé. Cô có bằng chứng bảo tôi ăn trộm không? Có thì lôi ra đây, còn không có thì đừng có vu oan cho người khác.
– Nếu không ăn trộm sao hôm nào thằng em mày cũng đến đây? Nói xem nào, nó đến đây làm gì?
– Nó đến làm gì cô không cần biết, tóm lại tôi không mang bất cứ đồ gì cho em tôi, mà nó cũng không vào nhà hay làm phiền ai cả.
Cô ta không có bằng chứng tôi ăn trộm đồ đưa cho Long nên không đôi co nhiều chuyện này, nhưng Phương vẫn cứ muốn gây khó dễ cho tôi nên bảo:
– Cứ cho là chị em chúng mày không ăn trộm đi, thế quy định nhà này mày không nhớ à? Việc mày đi ra đi vào đã dễ bị phóng viên bắt gặp rồi, lỡ họ mà đăng báo lên ảnh hưởng đến danh tiếng nhà tao mày chịu được không? Giờ mày còn lôi em mày đến làm phiền gia đình tao nữa. Hay là mày đang âm ưu muốn phá hoại gia đình tao đấy?
– Cô yên tâm, tôi sẽ bảo em tôi không đến đây nữa. Không ảnh hưởng đến danh tiếng của cô đâu mà lo.
– Tốt nhất là đừng có làm bẩn mắt tao. Cả mày, cả con bé lạc loài kia nữa, biến được bao xa thì biến cho khuất mắt.
Nói xong, cô ta ngúng ngoảy quay lại bên biệt thự chính, nhưng lúc ngang qua tôi còn cố tình để gai hoa hồng chìa ra để cào vào da thịt tôi. Cũng may lúc đó tôi nhìn thấy sớm nên vội vàng nghiêng người tránh, Phương không làm gì được nên hừ lạnh một cái rồi mới xoay lưng đi về.
Tối hôm đó, tôi gọi điện thoại cho mẹ một cuộc, bảo bà nói với Long từ giờ đừng đến tìm tôi nữa, thế nhưng mẹ tôi lại nói:
– Tao chịu với cái thằng này thôi. Không thể dạy dỗ được nó nữa. Hôm nào cũng về ăn qua loa bát cơm rồi lại đi, hỏi thì cứ bảo đi học. Mà hôm qua trường nó vừa gửi giấy về, bảo nó nợ môn nhiều quá nên đuổi học rồi. Thà nó nghiện còn báo công an đưa nó đi cai, chứ nó chơi bài chơi bạc thế này thì chết thôi.
– Mẹ xem nó đánh bài chỗ nào, báo công an đến bắt bọn nó đi. Thằng này phải lên đồn ngồi một lần mới sợ. Chứ giờ nói mồm nó có nghe đâu.
– Nó đi nhanh lắm, tao chạy theo sao được. Thấy nó lên xe máy là phóng vèo đi luôn, đi nhanh không khác gì thằng ăn cướp cả. Kể mà bố mày còn thì đỡ, giờ bố mày không còn cũng chẳng có ai dạy dỗ, có thằng con trai thế này khổ quá thôi.
Tôi nghĩ nó ra thế này cũng là phần lớn do mẹ tôi nuông chiều cả, mẹ tôi xưa giờ luôn nghĩ bố tôi mất từ khi Long còn nhỏ nên nó thiệt thòi, muốn yêu thương nó để bù đắp lại. Ai ngờ nó ra như ngày hôm nay.
Tôi thở dài bảo:
– Thôi để hôm nào con xem xem thế nào. Mẹ cứ khuyên nó đi. Giờ nó cứ quen xin tiền con, không cho thì nó đến tận đây. Mà đây là nhà người ta chứ có phải nhà mình đâu, họ thấy thì phiền lắm.
– Ừ rồi, tao biết rồi. Để tao nói nó.
Chẳng biết mẹ tôi nói kiểu gì mà một tuần sau lại thấy nó đến tìm tôi. Hôm đó, tôi vừa hết ca làm việc ở siêu thị, thấy quá giờ trưa nên vội vàng chạy ra cửa hàng bánh mì ở gần đấy mua tạm một ổ bánh mì ba tê ăn cho kịp giờ đi học, nhưng lúc vừa cầm túi bánh đi ra, còn chưa kịp cắn miếng nào đã thấy Long đứng chờ ngay bên ngoài vỉa hè.
Tôi biết nó đi theo mình làm gì nên tỏ ra không quan tâm rồi đi thẳng qua, nhưng nó cứ dùng dằng túm tôi lại, hứa hẹn cho nó nốt lần cuối, 20 triệu thôi, thề thốt về sau không bao giờ đến đây xin tiền tôi nữa.
Tất nhiên là tôi không tin, tức quá nên mới mắng:
– Mày đi đâu được thì đi, đừng có đến làm phiền người khác. Tao đã nói rồi, tao không có tiền. Mày đừng có tìm tao nữa. Để yên cho tao với Bí Ngô sống với.
– Thì có ai không cho chị sống đâu, chị cho em vay đi, mấy bữa nữa em đi Bắc Giang làm rồi em trả cho.
– Tao không có thì lấy đâu ra cho mày vay. Đi về đi.
– Chị, cho em vay đi mà.
Tôi kiên quyết nói “Không” rồi định đi thẳng, nhưng Long thì dai như đỉa, cứ bám lấy tôi không buông:
– Cho em vay nốt lần này thôi, chị không cho vay là em ăn vạ ở đây đấy. Cho em vay đi.
– Tao đã nói tao không có tiền, tao ở đây cũng là ăn nhờ ở đậu nhà người ta chứ có tiền đâu mà mày nghĩ tao có lắm tiền thế cho mày vay. Mày không nghĩ đến tao cũng được, nhưng mày phải nghĩ đến Bí Ngô chứ. Mày định để nhà họ coi thường cháu mày à?
– Ôi giào, coi thường quái gì, chị đẻ nó cho nhà họ, họ trả cho chị mấy tỉ còn chưa bõ ấy chứ. Đưa tiền cho em đi.
Tôi giằng tay ra nhưng nó giữ chặt quá, vằng thế nào cũng không được. Mà ở đây ngay ngoài đường, lôi lôi kéo kéo thế này chẳng hay ho gì nên tôi điên tiết quát lên:
– Mày có bỏ ra không? Buông ra.
– Thế bà có cho không?
– Không cho. Tao không có tiền. Mà có tiền cũng không cho mày.
Nó nghe tôi nói thế cũng đột nhiên khùng lên, không đánh được tôi nên hậm hực đấm vào chiếc xe ô tô đang đỗ ngay bên dưới đường:
– Mẹ, bà giàu rồi bà coi thường người nhà đúng không? Vớ được thằng giàu rồi nên vứt luôn người thân đúng không?
Khi đó, tôi cứ nghĩ chủ chiếc xe kia chỉ đỗ xe ở đây chứ không có mặt trên xe. Ai ngờ, khi Long vừa nói xong thì kính xe chầm chậm hạ xuống, một gương mặt quen thuộc xuất hiện trước mắt tôi.
Anh ta nói:
– Có chuyện gì thế?

Yêu thích: 4.8 / 5 từ (6 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN