Đất Rừng Phương Nam
Chương 18: Rừng đước Cà Mau
Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước
mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này
chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu
xanh rêu, màu xanh chai lọ… lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói
sóng ban mai. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui tấp nập.
Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển
thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên
cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi
chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập
dềnh trên sóng… Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một trấn “anh chị
rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những
lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam;
những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng-sông chiếu rực trên mặt nước như
những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang
gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp
kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây
kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sẵn hay một
món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền.
Những người con gái Hoa kiều bán hàng lởi xởi, những người Chà Châu
Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc
đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.
– Ở lại đây thôi, ông ạ!
Má nuôi tôi vừa đưa mắt nhìn lên bờ vừa bảo tía nuôi tôi. Tía nuôi
tôi ngồi trước mũi thuyền thong thả nhồi thuốc vào nõ tẩu, nheo mắt cười với tôi và thằng Cò:
– Hai đứa bay muốn ở đây hay đi nữa?
Giọng đùa vui hiền lành dễ dãi của tía nuôi, nhất là nét cười bên hai khóe mắt của ông cứ mở ra, khiến tôi và thằng Cò cũng cười theo mà
không đứa nào trả lời.
– Không nên ở đây!
Tía nuôi tôi buông lửng một câu ngắn cộc bất ngờ, rồi dặng hắng ngước lên nhìn má nuôi tôi dò hỏi.
-ông tính ra ngoài biển ở hay sao?
Dường như không chú ý tới sự phản ứng của má nuôi tôi, và cũng không
buồn nhìn bốn con mắt thô lố đầy ngạc nhiên của hai thằng nhỏ con mà ông thừa biết rằng qua bao nhiêu chặng đường dài mệt mỏi, đều đang chờ đợi
phút dừng chèo, cắm thuyền là nhảy lên mảnh đất định cư hằng mong ngóng, tía nuôi tôi cứ thong thả bật lửa lên đốt thuốc, bập bập hít mấy hơi
dài.
– Ở lại đây, nhưng không ở tại đây!
– Ở chợ vui hơn chứ, tía?
Thằng Cò hong hóng ngó lên bờ, buột miệng kêu lên.
– Người ta đông như thế này mà… mình còn đi đâu nữa, hở tía?
Tía nuôi tôi như cười mà như không cười, sẽ sàng nói:
– Mình có phải là dân buôn bán đâu mà cần ở chợ!
– Ông có cần mua sắm gì không? -Má nuôi tôi hỏi.
– Chưa vội. Để lo tìm chỗ cất nhà trước đã. Bà có muốn cho hai đứa nhỏ lên chợ chơi thì ghé lại một chốc cũng được.
– Thôi, để lúc khác!
Bao giờ đang lúc cãi nhau vì sự bất đồng ý kiến trên một vấn đề nào
đó với tía nuôi tôi, mà má nuôi tôi bỗng dưng quay ra nói một câu chuyện gì khác, thì tôi hiểu ngay rằng bà đã chịu cái lý lẽ của tía nuôi tôi
là đúng. Thuyền chúng tôi không đỗ lại chợ.
Chúng tôi còn đi non một buổi nữa mới cập bến. Đây là một xóm nghèo,
nhà cất lưa thưa trên bờ một con rạch nhỏ dựa lưng vào rừng. Những người thợ đốt than đã tiếp tay đốn cây, chặt lá dựng cho chúng tôi một ngôi
lều nhỏ. Ngày ngày tía nuôi tôi vác rìu theo thợ rừng đốn củi mướn cho
các lò hầm than. Má nuôi tôi thì xách giỏ đi bắt ba khía về làm mắm.
Thằng Cò và tôi bữa nào cũng rủ bọn trẻ trong xóm dắt con Luốc sục sạo
vào rừng săn chồn, săn kỳ đà. Cũng có khi chúng tôi mò ra tận sông cái
lội xuống bãi bắt cua, bắt vọp. Chúng tôi thường men theo con đường mòn
của thợ đốn củi dắt nhau ra chơi dọc bờ sông. Nơi nào cũng vậy, bọn trẻ
nhỏ chúng tôi bao giờ cũng tìm ra được nhiều trò chơi trên các bờ sông,
cho đến lúc chán thì nhảy ngay xuống nước tha hồ bơi tắm. ở đấy khi nước triều xuống, còn có những con cá biển đủ các loại màu sắc và hình thù
khác nhau, mắc cạn nằm trong những vũng nước trong veo. Con nào bé thì
sau khi đã nghịch chán, chúng tôi bụm nó trong tay mang ra thả xuống mé
nước. Con nào kha khá, ăn được thì chúng tôi xâu mang xách về. ở vùng
rừng ngập nước của xứ Cà Mau này, sông ngòi kênh rạch là đường giao
thông chính. Hầu như ngày nào tôi cũng mò ra đứng trên bờ sông hưởng cái thú xem đủ các kiểu thuyền sông thuyền biển dong buồm cánh én chạy
phăng phăng rẽ nước trắng xóa như tàu thủy -từ chiếc xuồng vỏ gòn nhỏ,
như con cá thòi lòi nhảy sóng rất tinh, cho đến chiếc ghe chài đồ sộ như một quả đồi ì ạch, nặng nề, chỉ có thể nhờ tàu kéo dắt đi. Nơi bờ sông, người ta chờ gọi thuyền mua thuyền bán, và lúc nào cũng có thể nghe
được tin tức chiến sự nhiều nơi của khách tứ phương trên những con
thuyền từ khắp chốn đi qua.
Và ở bờ sông, không những đôi lúc tình cờ có thể vớ được con rùa con
rắn một cách dễ dàng, tôi còn tìm gặp nhiều cây cỏ lạ không thấy có ở
mọi vùng chung quanh. Có nhiều thứ cây mỗi cái lá đẹp như một cái hoa,
do dòng nước mang hạt giống từ những vùng đất xa xôi nào đưa về tận đây
nhờ bọt sóng đánh giạt lên bờ. Một buổi sáng sớm, tôi và thằng Cò xách
chai ra bờ sông chờ thuyền trà vải đón mua dầu lửa. Bỗng nghe đằng xa có tiếng bọn trẻ con gọi nhau í ơi. Trong ánh nắng nhẹ chưa xua tan hết
lớp mù kéo lê trên đầu ngọn cỏ ướt đẫm sương, bóng những người đàn ông
xách xà beng, cầm chĩa, xách phảng chạy hộc tốc về hướng đồng mả. Bao
giờ có một điều bất thường, một biến cố gì vừa xảy ra thì tức khắc bọn
trẻ con kéo đến đó ngay. Tôi lôi thằng Cò ba chân bốn cẳng chạy theo bọn nhỏ. Đám người cởi trần, lăm lăm dao mác trong tay, đang quây thành một vòng tròn chung quanh một ngôi mả trên gò đất cao hiện ra trước mắt
chúng tôi.
– Bọn con nít lui ra! Nó chưa chết đâu. Coi chừng cái đuôi… Cái đuôi nó còn cựa quậy đấy!
Tiếng một người nào đó hét oang oang. Vòng người giãn ra rồi lại thít lại như cũ. Bọn nhỏ vừa chạy giạt ra xa đã thoăn thoắt quay lại. Tôi
chắc mẻm rằng người ta vừa hạ một con beo con cọp gì đây, nhưng chưa kịp hỏi ai thì nghe có tiếng một người nào đó trong đám đông kêu lên:
– Đúng là con kỳ đà rồi!
“Con kỳ đà thì một mình mình cũng đập chết được, làm gì mà xôn xao dữ vậy? ” Tôi vừa thầm nghĩ như thế, vừa chen lách đám người đang thở hổn
hển, nét mặt đầy kinh dị đứng ngáng trước mặt tôi, kiếm một chỗ trống
ghé nhìn. Vừa nhìn vào, tự nhiên người tôi bỗng bật lùi ra sau. Trời ơi, một con kỳ đà kinh khủng, tôi chưa từng thấy và chưa từng nghe tía má
nuôi tôi nói đến bao giờ! Con vật bò sát to lớn vừa bị đâm chết, những
vết thương toang hoác trên lưng, bên bụng, giữa đầu tóe máu, máu còn
chảy ròng ròng. Ngôi mả ai mới chôn, nấm đất đắp chưa khô đã không may
bị nó moi vào lưng gò ngang chân mộ. Và từ cái hang rộng đào bằng hai
chân trước ấy, con vật đã chui vào, cạy bật nắp áo quan lên, thò đầu vào ăn thịt cái thây ma. Vết đất bị móng chân con vật cào sâu lúc giẫy
chết, bới tung lên, cùng những lùm cây bụi cỏ gãy rạp, nhàu nát, nhốm
đầy máu chung quanh, chứng tỏ rằng một cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra
nơi đây giữa con vật kinh khủng với đám người chiến thắng cởi trần, mồ
hôi mồ kê nhễ nhại còn đang cầm xà-beng, cầm chĩa đứng vây quanh. Một
ông cụ già nghiêng đầu ngắm nghía con vật đã bị đâm chết, thở phào ra:
– Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa gặp con nào lạ lùng khủng khiếp như con này. Không phải cá sấu, mà cũng không phải là kỳ đà. Kỳ đà thì
mõm nhọn chứ! Cái mõm con này lại bằng, không ra hình đầu kỳ nhông mà
cũng không ra hình đầu rắn mối. Chắc nó là một con lai… gì đó!
– Nom như một con rồng. Nhất là khi nó cất đầu lên, cái lưỡi dài đỏ
hỏn le ra thụt vào nhanh như chớp, chẳng khác gì một con rồng đang phun
lửa. May mà tôi né kịp, không thì tôi đã chầu Diêm Vương rồi!
– Ờ… Khi nó táp hụt thằng này, hai hàm răng chơm chởm của nó bập vào nhau nghe một tiếng “cảng” rợn người.
Một người đàn ông bạo dạn thò tay vào nắn nắn những mụn gai trên lớp
da lưng rất dày đóng đầy bùn khô mốc của con vật lâu lâu còn giật giật
co co mấy cái, cũng lắc đầu bảo:
– Hồi nhỏ tôi có nghe ông nội tôi nói, nhưng tôi không tin, nghĩ có
lẽ là các ông già xưa hay vẽ ra bằng tưởng tượng… Không biết có chắc
là giống này chăng?
Con vật kinh khủng nằm đấy, không động cựa gì nữa. Mình nó dài và to
cỡ một chiếc xuồng ba lá, chỗ vòng bụng thòi ruột còn đỏ vì máu chảy ri
rỉ kia, phải đến hai vòng tay người to lớn ôm mới giáp.
– Chạy đi mời thầy giáo đi. Chắc ổng biết đấy!
Trong đám đông, sáng kiến của một người nào đó vừa gợi lên, lập tức
được hưởng ứng ngay: “Phải rồi! Phải rồi! Chạy đi tìm thầy giáo Bảy mau
lên”. Ở vùng rừng xa xôi này, thầy giáo Bảy là người trí thức duy nhất
của xã, am tường mọi việc. Lại nghe nói thầy là người có cảm tình với
cộng sản, bị bọn thực dân luôn luôn làm khó dễ, và chúng “đày thầy về
tận cái xứ khỉ ho cò gáy này cho muỗi đốt”, nên thầy càng được phụ huynh học sinh nể trọng. Giỗ chạp, cưới gả gì người ta cũng mời thầy giáo
Bảy. Thậm chí những việc kiện tụng, tranh chấp nhau mà làng xã không
phân xử nổi, một ý kiến của thầy đưa ra có thể giảng hòa được đôi bên.
Cho nên trong trường hợp đứng trước con vật quái lạ không ai rõ tông
tích nó là con gì này, người ta chỉ còn đợi chờ ở sự hiểu biết có tính
cách quyết định của thầy giáo Bảy thôi.
– Ai lại để cái mùi người chết xông ra mà đứng quanh hít thở mãi như
vầy được! Thời bây giờ chứ có phải ngày xưa đâu mà để vậy chờ tề tổng
tới làm biên bản!
– Nào, bà con ta mỗi người một tay… nhanh lên!
– Chao ui! Kinh khủng quá!
Trong lúc thầy giáo Bảy chưa đến, người ta gấp rút đóng lại nắp áo
quan, lấp cái hang ăn thông vào huyệt mả, và không ngớt xôn xao bàn tán
về sự xuất hiện bất thường của con vật quái lạ này…
– Thầy Bảy tới rồi!
Tiếng bọn trẻ reo lên trước tiên. Mọi người tránh giạt ra, nhường lối vào cho một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi, mặc áo sơ-mi cộc
tay, quần bà ba đen xắn cao ngang ống chân, vừa từ dưới một chiếc tam
bản cập bờ, gấp bước đi lên.
– Thầy coi giùm nó là con gì, thầy Bảy?
Ông cụ già ban nãy đã ước đoán nó là “con lai”, bước tới gật đầu chào thầy giáo, vừa hỏi vừa nhìn vào mặt thầy rồi lại đưa mắt nhìn con vật.
Mọi người chung quanh ồn lên một thoáng rồi bắt đầu im phăng phắc. Thầy
giáo Bảy lần túi lấy mục kỉnh ra lau vào vạt áo, đoạn thong thả đeo lên
mắt, đầu khẽ nghiêng qua nghiêng lại ngắm nghía con vật. Những nếp nhăn
trên trán thầy cứ giãn ra co vào, càng làm tăng thêm vẻ quan trọng trên
gương mặt xương xương mà ai nấy đều kính nể, và càng làm cho mọi người
thêm háo hức đợi chờ lời phán của “con người thông tường mọi lẽ, nhất xứ làng quê” này.
– Nó là một con kỳ đà thôi! Đúng như vậy, một con kỳ đà.
Thầy giáo Bảy chép miệng nói, đầu gật gù như khẳng định thêm cho câu
mình vừa thốt ra. Tiếng xôn xao lại bắt đầu dậy lên. Một người nào đó
trong đám đông cười hô hố: “Hồi nãy, tôi đã bảo nó là con kỳ đà mà không ai chịu nghe!” Có tiếng người cãi lại: “Hứ! Kỳ đà thì to hơn bắp vế là
cùng, chứ kỳ đà gì mà to bằng con cá sấu vậy?” Không biết đó là lời phản đối lại người vừa cất tiếng cười, hay lời phản đối lại ý kiến của thầy
giáo Bảy. Thầy giáo Bảy mỉm cười. Nụ cười độ lượng không tỏ ra có chút
gì khó chịu, mà còn làm tăng thêm vẻ đôn hậu trên gương mặt hiền lành.
Thầy ngắm nghía con vật một lúc nữa, rồi thong thả nói:
– Con kỳ đà này to thật! Hồi năm 1942, lúc tôi còn dạy học ở xã Đốc
Vàng thuộc Đồng Tháp Mười, bà con cũng có đâm chết một con, đo dài ba
mét sáu. Con này là con thứ hai mà tôi được thấy tận mắt đấy…
– Ăn thịt được chứ, thầy Bảy?
Một người đứng phía sau hỏi với vào.
– Ăn thịt được. Giống kỳ đà thôi!
Thầy giáo Bảy lại gật gù, nhấc mục kỉnh lên.
– Con này là con thứ hai mà tôi được thấy đấy. Như vậy là hiếm lắm.
Có thể nó sinh sống ở một vùng nào khác, nhờ một điều kiện ngẫu nhiên
nào đó, bị bão tố giạt đi, bám trên một khúc gỗ trôi qua biển chẳng hạn, mà nó lạc tới đây.
– Im để nghe thầy Bảy nói, làm gì mà ồn ào vậy?
– Nói tiếp đi, thầy Bảy!
Chờ cho mọi người lắng xuống, thầy giáo Bảy mới nghiêm sắc mặt, bảo:
– Thời tiền sử, có những con vật to lớn khủng khiếp, có loại có sức
nặng đến bốn năm mươi tấn, nhưng ngày nay đều đã bị hủy diệt cả. Trong
điều kiện thích nghi nào đó thì chúng mới có thể sống được. Sự thay đổi
khí hậu trên vỏ quả đất nguội dần đã làm biến mất nhiều loại sinh vật và thực vật mà ngày nay người ta chỉ còn tìm ra được những bộ xương hay
dấu vết đã hóa thạch đào được dưới nhiều tầng đất sâu…
Nhiều tiếng xì xào bắt đầu nghe lâm râm chung quanh. Dường như những
danh từ xa lạ từ miệng thầy giáo Bảy nói ra, những chuyện vỏ quả đất,
xương hóa thạch xa xôi mà sự hiểu biết của họ còn lâu lắm mới có thể với tới, khiến họ không còn tập trung chú ý nghe thầy nói nữa. Nhưng chắc
chắn là mọi người đều thán phục thầy giáo Bảy, và nhiều người bắt đầu
chêm vào đôi ba câu gì đó, tỏ ra mình cũng có ít nhiều chỗ lĩnh hội được ý nghĩa của lời thầy giáo nói, gây nên một sự mất trật tự rất thỏa
thuê, không người nào phản đối người nào cả. Khi mọi người sắp sửa xả
thịt con kỳ đà khổng lồ, thầy giáo Bảy tháo mục kỉnh ra, mặt đăm chiêu
hồi lâu, nói với những người còn ngong ngóng đứng chung quanh:
– Bất cứ chúng nó từ đâu tới, hung hăng đến thế nào, nếu bà con ta
đều đồng tâm nhất trí thì chúng ta có thể diệt trừ được chúng cả. Sá gì
con quái vật này!
Tôi biết thầy giáo Bảy muốn ám chỉ đế quốc xâm lược. Hình như thầy
còn toan nói điều gì nữa thì phải. Nhưng mấy tiếng kêu bất thình lình từ chỗ bờ sông vọng tới khiến thầy quay mặt trông ra và thôi không nói
nữa. “Tiếng ai mà the thé như tiếng dì Tư Béo?” Tôi vội ngóng cổ lên
nhìn. Quả đúng là dì Tư Béo thật!
– Một trăm đồng cái mật con kỳ đà, tôi mua đây. Hai trăm đồng cái mật, tôi mua đây. Để cái mật cho tôi!
Dì Tư Béo vẫn béo tròn béo trục như trước, tay trái cầm tờ giấy bạc
con voi đỏ giơ cao lên, miệng vừa gào, chân vừa lạch bà lạch bạch chạy
về phía chúng tôi, tay phải vừa lần túi mở kim băng rút ra một tờ giấy
bạc nữa, hai tay xòe cao hai tờ giấy bạc phẩy lia phẩy lịa như sợ ai mua cướp cái mật trước. Tôi vội chạy ra, kêu lên:
– Dì Tư mới tới đó hả? Dì ở đâu tới đây?
Dì Tư Béo “ơ” một tiếng, toét mồm cười, bàn tay cầm tờ giấy bạc bóng
mỡ đập vào vai tôi một cái khiến tôi suýt ngã. Bà ta gật đầu lia lịa,
như ra ý bảo: “Chờ đấy, chốc sau hẵng nói chuyện”, rồi vội vã chen lách
mọi người bước vào trong. Thằng Cò nãy giờ vẫn theo dõi tôi, nó kéo tay
tôi hỏi:
– Dì mày đó hả?
– Ờ… Nhưng mà không phải dì. Bà chủ quán rượu ở chợ Ngã Ba Kênh, mày không nhớ à? Hồi trước tao làm hầu bàn ở đấy mà!
Thằng Cò ngó chằm chằm vào mặt tôi, buông thõng một câu:
– Thôi, về. Có ghe vải đậu đằng kia. Mình đi lại đó mua dầu lửa rồi về. Má trông lắm đấy.
Tôi ngần ngừ:
– Mày không ở coi xả thịt con kỳ đà à?
– Coi làm quái gì! Về ăn cơm, trưa này còn đi rừng cho kịp.
Dì Tư Béo quay ra tìm tôi, mặt tiu nghỉu:
– An, cháu có quen ai trong này không?
– Làm chi vậy, dì?
– Hỏi mua giùm tao cái mật đi. Tao nói mãi mà họ không chịu bán!
– Như vậy là họ không bán đâu!
Bà chủ quán rượu thở ra một hơi dài nặng nề, chậc lưỡi tiếc mãi. Thảo nào ngày trước có lần lão Ba Ngù bảo tôi: “Bà phệ của mày lưng mật đấy. Lúc nào cũng tìm mật tọng vào bụng. Bả là bà chúa nhát sợ tàu bay mà!”. Tôi hỏi thăm dì có khỏe không, lâu nay dì ở đâu… Nhưng bà ta chỉ ừ ào đáp qua loa. Thất vọng vì không mua được cái mật con kỳ đà hiếm có này
đã làm rơi rụng hết mọi tươi vui của bà ta khi gặp lại tôi ban nãy.
– Bây giờ mày ở đây à? Có khá không?
Giọng xởi lởi của bà ta bỗng trở lại nhanh chóng, và trên gương mặt phì phị buồn thiu hé mở một nét cười.
– Thôi, đi với dì đi, An ạ! ở với dì, cháu sẽ chẳng đến nỗi nào đâu…
– Cháu có ba má ở đây rồi! -Tôi cười cười, đáp.
– Ủa, mày gặp ba má mày rồi sao?
– Gặp rồi!
Thằng Cò cũng cười theo tôi. Tôi chợt hiểu ngay vì sao lúc nãy nó cứ
giục tôi đi về gấp. Dì Tư Béo phàn nàn cuộc sống khó khăn, giặc giã đánh lung tung làm cho bà ta không ở yên nơi yên chỗ làm ăn buôn bán. Bà ta
còn nấn ná đứng lại một lúc nữa, đến khi đã biết chắc rằng không thể mua được cái mật con kỳ đà, bà ta mới chịu xuống thuyền chèo đi. Lần gặp gỡ đầu tiên và buổi chia tay cuối cùng của tôi với dì Tư Béo đều bắt đầu
và kết thúc bằng câu “ngã giá” của bà ta. Nhưng dẫu sao cũng có lúc tôi
đã chịu hàm ân bà ta trong những ngày đầu lưu lạc, nên lòng không khỏi
có đôi chút ngậm ngùi. Chúng tôi mua dầu lửa xong, lo muộn, bèn lội tắt
qua rừng mà không về theo lối cũ. Hai đứa xắn quần lên đến bẹn, vừa đi
vừa khảo chuyện về con kỳ đà khủng khiếp. Bỗng dưng thằng Cò tặc lưỡi,
kêu lên:
– Phải chi hồi sáng mình dắt con Luốc theo, An nhỉ!
– Ờ!
– Mày liệu con Luốc có chống cự nổi với con kỳ đà ấy không?
– Biết đâu được!
– Sao lại biết đâu được? Cọp nó còn không sợ mà!
– Ờ!
– Tao chắc chỉ còn lại mỗi con này và nó đã bị đâm chết, chứ ở đây không còn con nào nữa đâu!
– Con gì cũng sống có đôi. Biết đâu lại không còn một con đang chờ mình trong này…
– Đừng có nói bậy!
Thằng Cò bỗng quát tôi, rồi nó vênh vênh bộ mặt làm ra vẻ cứng cỏi,
vung vẩy chai dầu lửa trong tay, lội bươn tới trước đi một mình. Rừng
đước mênh mông. Cây đước mọc dài tăm tắp, cây nào cây nấy thẳng như cây
nến khổng lồ. Rễ cao từ ba bốn thước tua tủa giương ra chung quanh như
những cánh tay từ trong thân cây thò ra bám đất. Mặt đất lầy nhẵn thín,
không một cọng cỏ mọc. Chỉ có vài chiếc lá rụng mà nước triều chưa lên
kịp để cuốn đi, và bóng nắng chiếu xuyên qua những tầng lá dày xanh
biếc, soi lỗ chỗ trên lượt bùn mượt mà vàng song li ti vết chân của
những con dã tràng bé tẹo. Những buổi triều lên, nước chỉ ngập quá gối
thôi, chúng tôi năm bảy đứa rủ nhau đi bắt vọp, bắt cua, trên đường về
thường đuổi nhau chui qua những “cánh tay đước”, móc bùn ném nhau, té
nước và reo đùa ầm ĩ, những lúc đang vui vẻ chung quanh có đông bạn bè
ấy thì tôi có cảm giác như rừng đước đang xôn xao từ dưới biển mọc lên.
Nhưng hôm nào đi một mình, chung quanh vắng lặng, nhìn làn nước đục ngầu xô nhau tràn qua cội đước xù xì, thì tôi lại thấy như khu rừng cứ lặng
lẽ chìm dần xuống biển, và một nỗi lo sợ không đâu, bất thần ập tới,
khiến đôi lúc tôi phải hét to lên để tự trấn tĩnh và ba chân bốn cẳng
hộc tốc chạy về hướng một ngôi lều nào đó, mà tôi biết là gần nhất.
Thằng Cò vẫn mải miết ộp oạp lội bùn đi trước tôi. Giữa vắng lặng
xanh nhờ của rừng đước âm u, từng bước di động của chúng tôi mồn một
vọng vào tĩnh mịch. Tự nhiên, tôi ngoái nhìn ra phía sau lưng và dặng
hắng một tiếng, gấp bước đuổi theo thằng Cò, nghĩ lan man rằng nguy hiểm xảy ra trong rừng hầu như bao giờ cũng đến với kẻ do dự, nhút nhát đi
sau.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!