Đất Rừng Phương Nam - Chương 3: Ông lão bán rắn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
118


Đất Rừng Phương Nam


Chương 3: Ông lão bán rắn


Hai đêm sau đó, trời mưa liên tiếp. Phần vì trời
mưa, không mấy người đi chợ, phần vì có lệnh của thôn bộ Việt Minh cấm họp chợ
đêm, đề phòng bọn Việt gian trà trộn vào xã không kiểm tra được, nên xóm chợ
Ngã Ba kênh vào lúc vừa quá đỏ đèn đã trở nên buồn thỉu buồn thiu.

Chỉ
còn quán cà phê dưới tàn cây bã đậu, mấy tiệm hủ tiếu của người Hoa Kiều ở chỗ
dãy phố ngói nằm bên trong chợ ngó ra kênh và quán dì Tư Béo là có ánh đèn, lác
dác bóng người lui tới.

Chợ
chỉ đông ban ngày, nhưng người cũng chỉ nhóm họp lưa thưa. Nhiều gia đình đã
rục rịch tản cư xuống Thới Bình. Mấy hôm trước, những lúc trời im gió, dừng ở
bờ kênh có thể nghe tiếng trầm trầm của súng đại bác bắn từ xa. Sáng nay, nhiều
người còn nghe cả tiếng súng đại liên của tàu giặc ở hướng Ngã Năm. Dì Tư Béo
đóng cửa quán, nghỉ một ngày để thu vén công nợ, đi đòi các món tiền rượu chịu
của người quanh xóm.

Buổi
trưa rảnh rỗi, tôi cũng mò vào chợ chơi, nghe ngóng tình hình. Phòng thông tin
trước kia là nơi tụ họp đông người nhất. Vậy mà hôm nay cũng chẳng có mấy người
vào xem tin tức, bởi vì toàn những in tức cũ. Một đôi dòng tin mới, viết tay
dán vội lên đó thì cũng chẳng hơn gì sự hiểu biết của mọi người, chẳng đáng lưu
ý và hấp dẫn bằng những tin đồn nhảm vô căn cứ, thậm chí nhiều khi còn vô lý
nữa kia. Lực lượng phòng thủ của ta thế nào? Ngày mai rồi sẽ ra sao? Phần đông
người ta đến đó để tự đặt ra những câu hỏi và tự nghĩ ra những câu trả lời. Bọn
con gái bưng cả những rổ quả mãng cầu xiêm, vác cả những bó mía vào đựng trong
phòng thông tin để ngồi bán. Chúng nó chơi đánh chuyền chuyền hoặc róc mía xả
bừa bãi, la hét, cãi nhau om tỏi mà cũng chẳng ai rầy la gì. Tôi ngán ngẩm quá,
bỏ phòng thông tin lững thững đi dọc ra bờ kênh. chợt thấy lão Ba Ngù đứng dưới
gốc cây bã đậu to nhất Ở gần mé nước, tôi bèn men đến.

– Bác
về từ bao giờ đó? – tôi hỏi cho có hỏi, chứ đã nghe dì Tư Béo nói đêm qua với
con mụ vợ Tư mắm rằng lão về từ chiều.


Về từ lúc về ấy! lão cười khà khà đáp giọng đã có chén. – Còn mày, bà chủ của
mày bữa nay đi đâu mày sút xiềng (xiềng = dây xích, ý nói thoát khỏi ) dạo chơi
đó.

– Bà đi đòi nợ. Đâu như tối mới về…

– Vô nhà lão đi ăn thịt rắn một bữa chơi đi!


Rắn đâu mà ăn? Bác bắt được rắn à? – tôi hỏi vậy, chứ nghe nói thịt rắn là tôi
đã lạnh xương sống rồi.


Rắn kia chứ đâu, mậy. – Lão vỗ một cái vào lưng tôi, trỏ ra kênh: – Ghe chở rắn
dưới U Minh vừa lên đấy?

Tôi trông theo ngón tay lão chỉ. Một chiếc
thuyền nhỏ, mui lá, đang đè sóng rẽ vào bờ. Trước mũi thuyền, một thằng bé trạc
mười bốn mười lăm tuổi, mặc quần đùi, cởi trần đứng dún hai chân, hai tay cầm
cây sào dài chống xuống nước. Bên chân thằng bé có con chó săn, sắc lông màu
tro, đang chồm lên chồm xuống, đuôi ngoắt qua ngoắt lại, hóng mõm lên bờ. Đằng
sau lái, một ông cụ già cao to, vạm vỡ, chít khăn đầu rìu màu đỏ, áo bà ba đen
thả cúc, vạt áo bay phần phật, đang nghiêng người quạt mái chèo đưa thuyền cập
bến.

– Rắn ăn được sao? – tôi hỏi lão Ba Ngù.

– Trời ơi, thằng này ná quá (khờ quá)! Chưa ăn bao giờ à? Thịt rắn ngon và bổ số
một đấy. Con nít ở đây đều nếm mùi thịt rắn từ hồi còn trong bụng mẹ.


Cháu chưa ăn lần nào?


Ngon tuyệt Ngon tuyệt! Rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh nước cốt dừa thì biết nhá?
Già bảy mươi tuổi ăn món ấy thấy trẻ tráng ra như con trai mười bảy. Sơ sài thì
rắn nhóc rắn bông súng uớp xì dầu, cặp gắp nguyên cả con mà nướng, bẻ từng khúc
cầm tay xé ra chấm muối ớt nhậu. Thịt ngọt không gì bằng. Cầu kỳ thì rắn hổ
đất, mèo mun chưng thuốc bắc, gọi là “long hổ hội”. Thường thường thì
hoặc băm xào sả ớt, hoặc nấu ca- ri nước dừa… Khối cách ăn. Nhưng gì thì gì,
cũng không bằng nấu cháo. Món phổ thông nhất mà. Vừa bổ lại vừa mát.

– Nướng thì còn thơm, chứ nấu cháo không tanh sao,
bác?


Ăn rồi mới biết, thịt rắn thơm như thịt gà, lại giòn dai, không bở như thịt gà.
Có phải nấu suông đâu mà tanh? Này nhé, làm lông (lột da) xong, chặt khúc thả
vào nồi cháo luộc lấy nước ngọt. Rồi mình gắp ra chứ. rồi mình xé nhỏ ra, băm
nhỏ ướp hành tỏi, hạt tiêu, nước mắm. Rồi mình bắc chảo mỡ cho sôi. lên, thả
tỏi vào. ấy, bấy giờ mình mới xào hắn ta! Xong, mình mới múc cháo ra bát, rồi
mình xúc hắn ra, mình cho vào cháo khoắng khoắng mấy cái… Rồi mình rắc lên
một ít hạt tiêu… E hèm! E hèm… Thôi, mày sẽ khắc biết thôi. Ghe đã cập bờ
rồi kia!.

– Ra xem rắn, chúng mày ơi? – một giọng trẻ con
bỗng hô hoán lên…

Tôi
nghe tiếng quen quen, quay lại đã thấy thằng bé lùn lùn béo ục ịch đang dắt một
đám trẻ con chạy băng qua sân chợ, lao xuống bến.

– Chào ông bạn già? Có con rắn hổ nào không? – Lão
Ba Ngù vẫy tay hỏi.

Ông
cụ già chít khăn đầu rìu màu đỏ đã đứng trước mũi thuyền. Nghe hỏi, ông liền
đáp, giọng sang sảng:

– Kỳ
này không có. Toàn rắn rằn ri cóc, rằn ri cá không thôi. Nhưng được cái rắn béo
lắm? – đáp xong, ông bảo thằng bé cầm sào ban nãy: – Cò ơi! Lấy cái giỏ bự ra
cho tía (cha, ba, bố ) đi con.

Thằng
bé chui vô mui, đẩy hai cái giỏ tre ra khoang trước ông già dặng hắng một
tiếng, xắn tay áo, hé sạp thuyền bỏ tay trần vào khoắng. Bọn trẻ nhỏ tức thời
kêu lên: “Eo ôi?” và xô nhau lùi lại, vừa lùi vừa tranh nhau ngỏng cổ
nhòm tới.

Ông
cụ già thong thả lôi từ trong khoang ra từng con rắn một, bỏ vào giỏ. Con nào
con nấy to cỡ bắp tay ông. Có một con rắn gì to như bắp chân người lớn nó cứ
rúc vào khoang, khiến ông phải khom lưng thò tay vào, nắm cổ nó trì một lúc mới
kéo ra được.


Ông già có bùa, tụi bay ơi.


Ối có con rắn quấn cánh tay ổng kia kìa!


Khéo nó cắn, ông ơi?.

– Rắn người ta khâu miệng cả rồi. Cắn quái gì!

Bọn
trẻ nhỏ chồm lên chồm xuống theo từng động tác cánh tay lôi của ông cụ già. Có
đứa bì bõm lội xuống nước ngập ngang đầu gối, đứng ngó vào trong. Có đứa mặt
tái xanh tái xám vì sợ, nhưng vẫn thích xem, cứ nhấp nha nhấp nhổm giẫm bùn
sùng sục ở chỗ mé nước.

Khi
ông già bậm môi nâng cái giỏ nặng trịch vác lên vai thì con chó săn lập tức
phóng một cái, nhảy lên bờ.

Bọn
trẻ con chạy dạt ra hai bên, làm nước bắn tung tóe. ông già lần lượt vác cả hai
cái giỏ to tướng lên bến, đặt xuống gốc một cây bã đậu.

Những
người mua đã trực sẵn chung quanh. Ai trỏ con rắn nào, ông già thò tay vào giỏ
bắt ra con rắn ấy. Nói bao nhiêu tiền, họ trả bấy nhiêu, không kì kèo ngã giá như
kiểu người ở các chợ tỉnh. Mỗi con rắn bán xong được siết chặt cổ bằng một sợi
lạt và trao cho người mua xách về.

Lão
Ba Ngù chọn mãi mới mua được một con ưng ý. Chao ôi, nom con rắn mà kinh? Bụng
dẹt to cỡ bắp vế, không dài lắm, non mét ruỡi thôi, mà cái đầu thì bé như một
quả bàng khô. Lão hất con rắn nằm vắt ra sau gáy, một tay bóp ngang cổ, một tay
nắm gần chót đuôi đưa tới trước. Con rắn gồng mình nổi vảy lên chơm chớm như
gai mít, sống lưng uốn qua uốn lại trên vai lão Ba Ngù, khiến tôi phát khiếp…

– Đi? Theo lão về nhà làm bữa cháo cho biết! – lão
nhướng mắt bảo tôi.

– Để lúc khác bác ạ? Bữa nay cháu bận trông quán
cho dì Tư… tôi kiếm cớ thoái thác.


Hê Hê! Mày trông cái chợ thì có, chứ trông gì quán!

– Thôi,
không thích ăn thì thôi. Không ai ép mày? – lão bước đi mấy bước còn quay lại
nhìn tôi, cười khà khà: – Chỉ lo chừng mày quen mùi rồi, không đợi mời, mày
cũng xách bát xách đũa chạy tới thôi!

Tôi
trở về quán nuốt vội ba hột cơm nguội, xem chừng cốc bát đĩa có suy suyển món
nào không, rồi quơ cái áo vét tông khoác vào người, đóng cửa quay ra chợ.

Tròi
đã xế. Mặt trời đã xuống ngang ngọn cây tràm bên kia bờ kênh. Ông cụ già bán
rắn vẫn còn ngồi dưới gốc cây bã đậu, tán lá xanh um ngả bóng đen trên mặt đất
Bọn con nít ban sáng bây giờ cũng không thiếu mặt đứa nào, đâu như còn có thêm
mấy thằng mới tới. Chúng chen nhau ngồi trước hai giỏ rắn, mặt mày nhem nhuốc, đỏ
lơ đỏ lửng vì bêu nắng, vì mồ hôi và bụi bặm. Đứa thì khoanh tay lên gối, dán
mắt vào những con vật bò sát kinh tởm đang ló đầu ra mắt giỏ, đứa thì cãi nhau,
tiếng nói tiếng cười chí chóe.

Ông
cụ già vẫn ngồi đó, tay chậm rãi nhồi thuốc lá vào nỏ tẩu: cán tẩu vừa dài vừa
quăn queo trông rất lạ.

Gương
mặt ông khoáng đạt, rất dễ mến. Làn da rám nắng hun hun màu đất thó vẫn còn
căng ra như da mặt người trẻ, chỉ đôi khóe mắt và trên vầng trán cao là có xếp
mấy đường nhăn. Râu ông không dày lắm, nhưng chắc như rễ tre và đen nhánh. Đôi
mắt to, sáng quắc, núp dưới cặp chân mày rậm đen. Khi ông cắn tẩu thuốc vào
mồm, môi dưới hơi trễ ra, méo xệch một bên vì khối nặng của cái tẩu hình thù kỳ
dị và hơi to quá cỡ, thì trông ông như có vẻ dữ tợn.

Tôi
ngồi sát vào gốc cây, bên ông cụ già lực lượng ấy. Bộ quần áo bà ba đen đã bạc
thếch vì dãi dầu nắng mưa sương gió của ông còn mang nguyên mùi hăng hăng của lá
cỏ cây rừng tận những vùng đất hoang sơ, và mùi khói nồng lửa bếp trong chiếc
thuyền con lưu động.

Thấy
tôi mới tới, thằng bé lùn lùn béo ục ịch hất hàm nháy mắt tôi, rồi ngó vào giỏ
rắn:


Sợ không?

Tôi cười, không đáp. Nói sợ thì nó chê mình nhát,
mà nói không thì không đúng.


Ê, nó sợ rồi tụi bay ơi! – một đứa lập tức kêu lên.

Hình
như ông cụ già không biết có đám trẻ nhỏ ngồi chung quanh. Đôi mắt to, đen
nhánh đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Không biết ông đang nghĩ gì.

Bọn
trẻ nhỏ thấy ông dễ dãi, không rầy la gì, và nhân có tôi mới tới, chúng muốn tỏ
ra bạo dạn hơn nên càng nghịch tợn. Chúng nheo mắt, thè lưỡi, có đứa con giả vờ
toan thò tay vào giỏ lôi rắn ra để ném vào tôi. Mỗi lần có đứa trẻ nào nhích
lại gần giờ rắn thì con chó săn nằm bên chân chủ lại nhổm dậy, vươn cổ ra nhe
răng gừ gừ. mấy tiếng. Rắn quấn nhau trong giỏ nằm im nhưng nghe tiếng chó gừ,
những con rắn đang ló đầu ra mắt giỏ vội giật mình rụt vào, uốn éo cựa quậy làm
cho rắn lớn, rắn bé trong giỏ chuyển lung tung. Mấy đứa lì lợm nhất, cởi trần
truồng ngồi chầu hẫu gần bên giỏ rắn, liền co chân bật ngửa ra sau. Chúng nó
cười hí hí một cách khoái trá. Nhưng cũng có đứa ngồi ở xa hơn lại mếu máo muốn
khóc. Thằng bé lùn lùn béo ục ịch cầm cái que nhổm tới nhổm lui, quơ quơ ra bộ
sắp chọc vào giỏ. Con chó săn lại vươn cổ ra gừ…gừ… mấy tiếng.

Lác
đác có vài chiếc xuồng cập bến, họp buổi chợ chiều. Năm ba người đàn ông cởi
trần, áo vắt vai từ trong dãy tiệm đi men ra, dừng lại dưới bóng cây bóng mát.

Trời
oi quá! Chiều rồi mà nắng vẫn chói chang. Không một làn gió động. Những chiếc
lá bã đậu như dán chặt lên nền trời, tôi ngửa cổ nhìn lên đến mờ mắt vẫn không
tìm ra một chót lá nào nhúc nhích.


Tàu bay bà con ơi – một người đàn ông bỗng hốt hoảng kêu lên, nhón nhắc ngóng
chung quanh.

– Im? Để nghe coi nào! Im nghe chứ.

Mọi người nín lặng. ông cụ già bán rắn nhấc
cái tẩu thuốc ra khỏi miệng, ngó xuống chân, cười mủm mỉm.

Tiếng vu vu của một con ong bầu đít vàng bay
trong vòm nhánh lá rậm rịt, nghe hệt tiếng máy bay.

– Mồ tổ con ong. Làm người ta giật mình –
người đàn ông kêu lên ban nãy nhăn nhó nói một câu chữa thẹn.

Từ hướng biển Đông dậy lên những tiếng ầm…
ầm… nối nhau, nghe rung rinh cả chân trời.

– Chắc là tàu giặc, bà con ơi!

– In như máy bay ném bom
chứ!

– Mình nghe giống tiếng
sấm…

– Để nghe mà… Làm gì mà oà lên như giặc tới
vậy?

Mấy người đàn ông cãi nhau một chốc rồi kẻ
ngồi xuống gốc cây cầm áo quạt phe phẩy, người đi tới đi lui trong bóng râm
hừng hực hơi bóng từ mặt đất xông lên, lặng lẽ không nói gì nữa. Thằng bé lùn
béo ục ịch bỗng nhổm dậy.

– Tàu giặc, các chú ơi?
Nghe ì… ì… đấy.

– Thằng con nít, đừng có nói bậy. Bộ mày ở
ngoải vô sao mà nói đó là tàu? – người đàn ông tóc chơm chởm như gai trừng mắt
quát.

Raà… ầ ầm? Rầm…? Rầm.:: Rầm… ầ… ầm!
Bốn tiếng nổ bất thần nghe điếc tai. Những tiếng nổ chát óc, rền rền như tiếng
súng đại bác, gần làm. Đám con nít thét lên, cắm cổ chạy túa đi. Mấy người đàn
ông kia, có người cũng quýnh quáng toan chạy, nhưng cũng có người vẫn đứng yên
nghe ngóng. Tôi quen tiếng súng tiếng bom từ mấy tháng nay, nên chỉ co người
thụp xuống; khi dứt tiếng nổ, tôi liền đứng lên quan sát chung quanh. Nếu đó là
súng giặc bắn vào thì cũng phải trầm tĩnh xem chúng tới từ hướng nào rồi hẵng
chạy tránh chứ.

Dưới kênh, thuyền xuồng tranh nhau tách bến,
giầm chèo va khua lộp cộp. Một vài chiếc tam bản nhẹ hai chèo đã rời đi xa lắc.

Ông cụ già bán rắn vẫn ngồi đó, phì phèo tẩu
thuốc lá mặt bình thản như không. ông đưa mắt nhìn lên nền trời rồi hỏi tôi:

– Cháu không về nhà à?


Cháu ở gần đây thôi. Đấy, chỗ cái quán đấy!

Tôi
đáp, giọng vui vui,bụng có hơi rạo rực một chút vì thấy ông già chú ý tới mình.
ông cụ già thong thả đứng dậy, búng tay bóc… boóc mấy cái. Con chó săn ve vẩy
đuôi, chồm hai chân trước lên sủa oang oang, vụt lao đi như một mũi tên. Một
lúc sau, con chó quay về dắt theo thằng bé cầm sào chống trước mũi thuyền ban
sáng.


Tìm được chú Võ Tòng không? – Ông già hỏi.

– Người
ra bảo chú đi rồi. Đêm qua trời mưa, có con beo vào bắt gà dưới xóm Sậy, chú Võ
Tòng rình bắn được. Đâu như chú chở con beo ra bán ngoài Ngã Bảy.

Tôi
đã toan về, nhưng nghe thằng bé nói vậy bèn dừng nán lại, nghe hai cha con trò
chuyện.


Cò à, khiêng giỏ xuống ghe đi con.


Không bán nữa sao, tía?


Thôi. Khiêng đi…

– Tây tới gần rồi sao, tía?


Tây đâu mà Tây. Dông sắp tới rồi. Dông lớn lắm đây con!


Lúc này có tiếng sét nổ trên không, kinh quá hở tía.


Ừ, thôi nhanh nhanh lên, con.

Lúc bấy giờ, gió bắt đầu thổi rao rao nghe mát
mát.

Con
chó săn đã phóng xuống thuyền, đứng sau lái ngóc mõm lên nhìn trời. Cha con ông
cụ bán rắn vừa kịp khiêng hai chiếc giỏ xuống thuyền thì cơn giông ùn ùn thốc
tới. Mây ở đây từ dưới rừng xa, lúc nãy còn không trông thấy, giờ đã đùn lên
đen sì như núi, bao trùm gần kín khắp bầu trời. Từng cuộn mây khói đen là là hạ
thấp xuống mặt kênh làm tối sầm những ngọn sóng đang bắt đầu gào thét, chồm
chồm tung bọt trắng xóa. Từng đàn cò bay vùn vụt theo mây, ngửa mặt trông theo
gần như không trông kịp. Xóm chợ Ngã Ba Kênh dường như bé lại thu mình cúi rạp
xuống mặt đất. Mấy chiếc xuồng ba lá, mấy chiếc tam bản của ngườl trên phố buộc
dưới chân cầu nước trồi lên hụp xuống theo lượn sóng nhào, dựng mũi ngóc lên
như ngựa muốn bứt dây cương.

Chiếc
thuyền chở rắn của cha con ông già đã chèo giạt sang bên kia bờ, xuôi xuống một
quãng xa, lắc lư chui vào một con kênh nhỏ, hai bên bờ mọc chen chúc những cây
tràm vỏ trắng, cành lá rậm rạp.

Tôi
toan chạy đi thì chợt thấy dưới gốc cây bã đậu có một chiếc túi da beo. Thôi,
đúng là của ông già bỏ quên đây rồi. Tôi chộp lấy, cắm cổ phóng theo bờ kênh,
vừa hú vừa ngoắt sang bên bờ bên kia. Không ai nghe tiếng tôi hú gọi cả. Gió
thổi ầm ầm ù ù như có hàng nghìn chiếc cối xay lúa khổng lồ đang quay thẳng
cánh trên trời. Bờ kênh chỗ tôi đứng trống huếch trống hoác không một lùm cây
bụi cỏ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác như gió sắp nhấc bổng tôi lên, thổi tung đi.
Dãy phố ngó ra mặt kênh chuyển mình nghe răng rắc, cột gỗ hàng hiên lay lay như
đưa theo một chiếc võng vô hình. Ngói bị cuốn tung lên, bay khua lảng cảng trên
nóc nhà nhiều nghe đến phát sợ.

Không
về đến quán kịp nữa rồi. Tôi vừa thở vừa khom người chạy vào cái miếu cô hồn
nằm xê xế phía dưới chợ, chỗ cây đa cổ thụ cành lá rậm xùm xòa đang quằn lên
vật xuống như sóng. Trời đất mỗi lúc một tối sầm lại. Vũ trụ quay cuồng trong
cơn gió mãnh hệt. Những tia chớp xé rạch bầu trời đen kịt phát ra những tiếng
nổ kinh thiên động địa chung quanh ngôi miếu. Tôi thu người lại như một con
trút, ngồi sát vào chân bệ thờ. Tường miếu xây bằng đá tổ ong, mái lợp ngói
trát vữa rất chắc nhưng tôi bắt đầu cảm thấy không an toàn chút nào. Chà, giữa
lúc trời sét mà lại dại dột tìm chỗ trú ẩn ngay dưới một gốc cây to Tôi vốn
ghét những chuyện hoang đường quái đản, không bao giờ tin rằng có ma qủy, nhưng
không hiểu sao trong giờ phút này bỗng thấy trong người rờn rợn. Pho tượng
“ông Tiêu” (Thần quản lý ma quỷ) mặt vằn vện, đầu mọc ba cái sừng,
chiếc lưỡi thè dài quá rốn, đứng ngay trên đầu tôi. Mỗi lần trời chớp, tôi đều
ngửa mặt nhìn lên pho tượng với một nỗi lo sợ và tò mò không cưỡng được.

Tôi
dặng hắng một tiếng rõ to, phủi đít đứng dậy bước ra ngồi ngay ở cửa miếu. Một
vài hạt mưa bay chéo hắt vào mặt tôi lạnh buốt như nước đá. Bầy kiến đất bò ra
bò vào cạnh chân tôi chúng quơ râu trò chuyện với nhau một cách bình thản, lại
còn rủ nhau lũ lượt bò ra ngoài thềm miếu nữa chứ không cuống cuồng chạy rúc
vào tôi như những khi trời sắp mưa to.

Cái
túi da beo đựng vật gì hơi nặng thì phải. Hình như một con dao, bởi cái sừng ló
ra ngoài cồm cộm thúc vào hông tôi. “Thử mở ra coi cái gì trong này?”
Tôi vừa nghĩ thế, bỗng nghe từ trong lòng mình văng vẳng có tiếng bảo:
“Đừng động chạm đến của cải của người ta. Tò mò vậy không tốt đâu!”
Tôi ngồi im một lúc, bàn tay ngứa ngáy không chịu yên lại nắn nắn cái túi. Bây
giờ tôi lại nghe tiếng văng vẳng ban nãy cùng phụ họa theo ý nghĩ của tôi:
“Xem chút thôi mà! Vả chăng, mình có ý định lấy gì trong túi này
đâu!” Thế là cái túi da beo mà tôi đã nhét nửa trong nửa ngoài vào túi áo
vét-tông, tự nãy giờ còn nằm yên đã bị bàn tay tôi lôi phăng ra tức khắc.

A! Cái dao găm!

Tôi
chợt kêu khe khẽ và từ từ rút lưỡi dao ra khỏi chiếc da bao láng bóng vì đẫm mồ
hôi người lâu năm ánh thép xanh xanh của lưỡi dao sắc như nước lóa lên mỗi lần
trời chớp. Cán dao bằng sừng, nạm khâu đồng dỏ có chạm hoa văn rất đẹp. Cán
bằng sừng gì như sừng nai. “Còn những gì khác nữa trong cái túi bí ẩn này?
đằng nào mình cũng đã mở ra rồi. Xem một chút thì có làm sao!”

Sự
tò mò náo nức càng thôi thúc tôi hăm hở lật ra. Đây là một gói lưỡi câu đủ cỡ,
mươi hai chiếc cả thảy, gói trong một mảnh giấy đầu cỡ bàn tay. Một cục đá và
một miếng thép dèn dẹt to và dài, hơn mặt bao diêm. Đây nữa là một gói thuốc.
Thuốc gì mà dẻo quánh, xin xỉn vàng, mùi hăng hắc, đưa lên mũi ngửi thấy buồn
nôn. Tôi bỏ lại vào túi da beo tất cả các thứ linh tinh ấy, chỉ trừ cái dao
găm, rồi thắt miệng túi thật chặt bằng sợi dây gân khô quắt và trơn tuột.

Cầm
chặt cán dao trong tay, tôi bỗng thấy người mình như cao lớn hắn lên; dường như
sức khỏe tăng lên vạn bội, tôi nghe mạch máu chạy râm ran trong những đầu ngón
tay. Trời chớp nhoáng nhoáng. Tôi thong thả đứng dậy rồi bất thần quảy phắt
lại, trừng trừng nhìn vào ngôi miếu. Pho tượng kinh khủng vẫn lặng lẽ đứng trên
bệ thờ, lè chiếc lưỡi dài màu máu xuống rốn, bốn chiếc răng nanh trắng lòa nhe
ra như cười.

Một
lúc sau, gió dụi dần, rồi tắt hẳn. Trên ngọn đa tối sầm mà cơn gió cuồng vừa
gào rú ghê người ban nãy, mấy con chim chào mào xôn xao chuyền cành nhảy nhót, hót
líu lo. Nắng vàng màu da chanh phủ lên cây cỏ một thứ ánh sáng dịu mắt, trong
suốt và lung linh dương như có thể sờ được.

Tôi
trở ra bờ kênh, đi dọc dài theo bến một lúc, hy vọng sẽ gặp lại chiếc thuyền
con của ông cụ giá bán rắn. Nhưng ngóng hoài mà vẫn không thấy tăm dạng chiếc
thuyền và cha con ông già đâu cả. Nhìn về nơi tít tắp, chỉ thấy ánh phản quang
của ráng chiều sắp tắt từ mặt nước dòng kênh hắt lên những lùm bụi ven bờ. Sực
nhớ rằng dì Tư Béo sắp về, tôi bèn gấp buộc trở lại quán dể lo bữa cơm chiều.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN