Diệp Yến Truyện - Phần 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
62


Diệp Yến Truyện


Phần 1


Nhà bá hộ Kha vừa cho mời thầy lang tới xem mạch cho mợ Tư, tin tức truyền ra, mợ Tư vừa cấn thai được hơn một tháng. Hay tin vợ bé có thai, cậu Hai Lâm vội vàng bỏ hết công chuyện từ bên ngoài chạy về nhà. Ai cũng nghĩ là cậu Hai sẽ tới thăm mợ Tư, vậy mà ai có dè, cậu Hai thế mà lại nôn nóng đi tìm mợ Hai trước…

Ngồi đối diện với sắc mặt trầm tĩnh như băng của mợ Hai, cậu Hai Lâm cứ ấp a ấp úng, phải một lát sau, cậu mới ngập ngừng nói rõ được một câu, thái độ có chút dè chừng trông thấy.

– Mình… Ngọc Quyên có bầu… chuyện này… anh…

Mợ Hai biết cậu Hai muốn nói gì, ánh mắt mợ nhìn cậu lãnh đạm, trong lòng rõ mồn một ý tứ của cậu Hai. Có điều là mợ cũng không muốn làm khó cậu, nhìn chồng mình, mợ chậm rãi, nói.

– Em biết cậu Hai muốn nói cái chi, em hiểu hết, vậy cho nên cậu Hai cũng đừng thấy khó xử với em. Kể từ lúc Hà Hương sanh bé Châu cho tới bây chừ, nhà mình cũng chưa có tin vui, bữa nay Ngọc Quyên mang thai, nhà mình phải vui mừng cho em ấy mới phải. Đáng lý lúc này cậu Hai phải tới chỗ Ngọc Quyên… cậu tới chỗ em như vầy… coi bộ người ta sẽ dị nghị…

Dừng chút, như thấy cậu Hai sẽ giải thích, mợ Hai liền tiếp lời, thẳng thắn mà nói.

– Chuyện của em với cậu đã đành như vậy rồi, cũng đâu thể quay lại như xưa, cậu chớ lo lắng mà hao tổn sức khỏe. Thiệt, em nghe tin Ngọc Quyên có thai, em cũng mừng cho cậu, cũng hy vọng Ngọc Quyên sanh được cho cậu một quý tử thì tốt biết bao nhiêu, cái này là em nói thiệt…

Cậu Hai Lâm nhìn vợ mình, tay cậu siết lại sau lớp vải áo, trong lòng bức bối khổ sở không biết phân trần làm sao. Mợ Hai càng lạnh nhạt càng thông cảm thì cậu càng thấy nhoi nhói trong lòng, thà là mợ giận dỗi thì cậu còn thấy dễ chịu hơn. Bởi càng giận, càng ghen tuông thì chứng tỏ mợ Hai còn thương cậu. Còn đằng này, một chút khó chịu mà mợ cũng không có, rõ ràng là mợ có còn để cậu ở trong lòng nữa đâu?

Mà nói ra thì cũng tại cậu hết, là cậu làm sai với mợ trước, là cậu không giữ được lời thề hẹn, là cậu làm cho mợ buồn, vậy cho nên mợ mới lạnh nhạt với cậu như vậy. Nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh bắt buộc cậu phải nạp thêm vợ bé chứ cậu nào có muốn làm cho mợ buồn đâu? Bây chừ nhìn mợ dửng dưng với cậu như vậy, cậu thấy khó chịu quá, cũng thấy có chút tức tối trong lòng. Nói chi thì nói, mợ cũng là vợ của cậu, mặc dù cậu làm sai với mợ nhưng cậu và mợ cũng là vợ chồng, mợ không thể cứ lạnh nhạt với cậu như vậy hoài được!

Cậu Hai nhìn mợ Hai, môi cậu mím lại, ngũ quan tuấn tú có chút nhăn lại không được tự nhiên. Cậu là cảm thấy hơi thẹn một chút, nhưng cậu vẫn muốn nhắc nhở mợ.

– Anh biết là anh làm cho mình buồn, cũng đã gần năm năm rồi mà mình cũng chưa bỏ qua cho anh. Mình à, bộ mình không nhìn ra được tấm lòng của anh sao? Chẳng lẽ mình cứ giận anh suốt đời như vậy hoài hả mình?

Nghe cậu hỏi, mợ Hai trước là nhíu khẽ chân mày, sau mới thấy mợ cười rất nhẹ, nụ cười bàng bạc như hoa như ngọc, cũng là nụ cười như có như không.

– Cậu Hai nói vậy là tội nghiệp cho em, em có dám giận gì cậu, chuyện đã tới nước này, em với cậu cũng đã thống nhất với nhau rồi mà, có chi mà cậu phiền lòng. Trước cậu đã hứa với em những chi thì sau này em và cậu cứ mần theo y chang như vậy là được. Cũng còn mấy tháng nữa là tới hẹn, em với cậu chắc chỉ có thể tới đây thôi.

Cậu Hai càng nghe vợ nói cậu càng sốt ruột, cậu như ngồi không yên, vội vội vàng vàng mà nói gấp.

– Mình à, chuyện đâu còn có đó, bây chừ mình rời đi, người ta sẽ dị nghị mình tới cỡ nào, mần sao mình sống nổi? Anh thì không sao rồi đó, nhưng mình là thân đàn bà, xưa giờ có đàn bà nào rời bỏ chồng mà được sống yên thân đâu hả mình? Lúc đó anh hứa với mình là tại vì lo cho sức khỏe của mình chớ anh nào muốn mình bỏ anh… Trong suốt mấy năm qua anh chưa từng có ý nghĩ sẽ để mình rời bỏ anh, mình suy nghĩ lại đi mình… anh vẫn luôn thương mình mà!

Mợ Hai mím môi im lặng, mợ nhìn chồng mình, trong bụng có biết bao uất ức không cách nào giải bày được. Từ hồi cậu Hai rước Hà Hương về làm vợ bé, rồi chuyện không may kia xảy ra, tình yêu của mợ dành cho chồng như vơi đi một nửa. Sau này cậu Hai lại rước thêm Ngọc Quyên về làm thiếp trong nhà, tâm mợ chết đi hoàn toàn. Bây chừ mợ không còn muốn gì ở chồng nữa, mợ chỉ chờ ngày được giải thoát khỏi nơi này mà thôi. Mợ đã từng nói, mợ không thể sống cảnh chung chồng với đàn bà khác, là do cậu Hai làm trái với lời thề hẹn, cậu không có quyền ngăn cản mợ rời đi. Dẫu cho mợ bị người đời bêu rếu thì mợ cũng cam chịu, nhứt định không oán than!

Tâm ý đã quyết, cậu Hai có nói gì thì ý mợ Hai vẫn không lay chuyển. Mợ cứ nhìn cậu rồi cười bàng bạc như vậy, trông xa cách vạn phần.

– Thôi mà cậu, em cũng đâu có trách cậu, chẳng qua là do em lòng dạ hẹp hòi, không cam chịu cảnh chung chồng với người đàn bà khác mà thôi. Trước em còn thấy không an lòng, bây chừ thấy cậu sắp có thêm con, em cũng coi như an tâm. Cậu an chí, em có rời đi thì em vẫn sống được, em cũng chẩn bị cho mình hết rồi, cậu không phải lo cho em đâu. Em Quyên mới có thai, cậu tới thăm em ấy một chút, kẻo em ấy tủi thân mà ảnh hưởng tới đứa nhỏ trong bụng. Cha mình trông cháu đích tôn đã lâu, cậu cứ ở đây hoài, cha rầy em tội nghiệp!

– Nhưng mà mình à, anh không muốn…

Mợ Hai cắt ngang lời chồng mình, từ ánh mắt cho tới nụ cười vẫn đều xinh đẹp mỹ miều như vậy, chỉ là lời nói của mợ lại lạnh lùng như dao cứa.

– Hưu thư thì cậu không cần phải viết, để em viết ra rồi đưa qua cho cậu kí tên, như vậy là ổn thỏa. Cậu đã làm quấy với em một lần, em hy vọng cậu không làm quấy với em thêm lần nào nữa. Em cũng biết cậu luôn thấy có lỗi với em, nhưng mà em tha lỗi cho cậu đó, cậu để em đi là được rồi. Ngày ước hẹn là ngày 26 của bốn tháng sau, đúng ngày em sẽ đi, cậu cũng đừng buồn. Thôi duyên mình tới đây thôi, em một lòng cầu chúc cho cậu hạnh phúc. Chắc mai mốt em Quyên sanh em không có ở đây, vậy nên em chúc mừng cậu trước, chúc cậu sớm ngày có quý tử!

Từ ngày xảy ra chuyện đau thương năm đó, mợ Hai luôn lạnh lùng dứt khoát với cậu Hai như vậy, chưa từng có lần nào cậu Hai khuyên nhủ mợ ở lại mà mợ đồng ý. Lần này cũng là như vậy, cậu đã nói với mợ hết nước hết cái nhưng mợ vẫn một lòng muốn rời đi, còn tính tới cả chuyện viết hưu thư. Cậu thiệt lòng khổ tâm trăm bề, cậu nào muốn mợ đi, bởi cậu thương mợ thiệt lòng, là thương nhiều lắm…

Đứng chẳng được, mà ngồi cũng chẳng xong, cậu Hai cứ nhìn vợ mình như vậy, nhìn tới mức muốn ghi nhớ từng sợi tóc của vợ vào trong đầu. Nhưng đối lại với ánh mắt nóng rực của cậu, mợ Hai cứ luôn lạnh nhạt xa cách, ánh mắt mợ nhìn cậu cũng đã khác xưa rất nhiều, không còn nóng bỏng thương mến như xưa. Có quá nhiều lời muốn nói nhưng cậu chỉ có thể trơ mắt ngồi nhìn mợ như vậy, nhìn một hồi lâu sinh hổ thẹn, cuối cùng là đứng dậy rời đi, là rời đi trong sự không nỡ…

Bước ra khỏi phòng của mợ Hai, thằng hầu đã đợi sẵn ngoài cửa, vừa thấy cậu bước ra, nó liền thấp đầu, hỏi.

– Cậu Hai… bây chừ mình tới chỗ mợ Tư luôn chớ hả cậu?

Cậu Hai phiền muộn không thèm nhìn nó, cậu nói gỏn lọn.

– Ờ, chớ chẳng lẽ còn đi đâu được nữa!

Thằng hầu có chút do dự, nhưng nghĩ không thể không báo, nó liền hỏi, lần này đầu còn cúi thấp hơn vừa nãy một gang tay.

– Dạ có chuyện này… mợ Ba bên đó mới tới báo… mợ nói cô chủ nhỏ đột nhiên bị bệnh… cô chủ nhỏ cứ khóc kiếm cậu… hông biết là…

Cậu Hai đã phiền muộn còn gặp chuyện bức xúc, cậu nhìn thằng hầu, tức giận quát lên.

– Mày sang nói lại với mợ Ba, cô bệnh thì mời thầy lang tới, hông ấy thì kêu xe đưa cô đi nhà thương, chớ có cái chi mà kêu réo tao hoài! Một tháng con bệnh mấy lần, mày hỏi mợ mày còn biết nuôi con không, nếu không để tao kêu vú tới nuôi. Mày cứ mở miệng là mợ Ba mợ Ba, mày coi chừng tao đuổi cổ mày, đồ ăn hại!

Cậu Hai chửi như xối nước, thằng hầu quỳ rạp xuống đất mà nhận tội. Tính ra cũng khổ cho thằng hầu, cái vụ này là do mợ Ba chủ trương, mà mợ Ba khó tánh khó ở, nó mà không báo cho cậu Hai thì kiểu gì mợ Ba cũng bỏ đói nó. Mặc dầu nói là người hầu thân cận của cậu Hai nhưng đâu phải chuyện chi nó cũng tâu lại được với cậu Hai. Mà ở cái nhà này, quyền hành của mợ Ba lớn quá, nó không dám cãi, lại sợ bị ăn đòn. Khổ sở cho thân phận hèn mọn của nó vô cùng, tâu cũng bị chửi mà không tâu cũng bị chửi, hông biết làm sao cho đặng nữa đây!

Cậu Hai nhìn thấy thằng hầu quỳ xuống đất, cậu muốn đạp cho nó một cái nhưng may là cậu nhịn được, vậy nên chỉ đá nó một cái nhẹ, sau đó dứt áo đi tới chỗ của mợ Tư Ngọc Quyên. Mà thằng hầu sau khi thấy cậu Hai không đánh nó, nó liền ngẩng đầu nhìn lên, sau đó vội vàng chạy theo cậu Hai, sợ cậu muốn sai chuyện mà không thấy nó thì nó lại mang tội. Ở cái nhà này, nó là đứa bị chửi nhiều nhất, hễ sơ hở là bị mợ Ba chửi, bị cậu Hai mắng oan. Phải chi ai cũng tốt tánh như mợ Hai thì tốt quá, ít ra là nếu nó không làm sai thì sẽ không bị chửi oan mạng. Mang danh là thằng hầu kề cận cậu Hai chớ nó cũng khổ trăm bề, làm người hầu kẻ hạ có bao chừ mà sung sướng!
*

Cậu Hai rời đi rồi, trong phòng ngủ của mợ Hai lúc này chỉ còn lại mợ và đứa hầu gái.

Thị là tên đứa hầu gái thân cận với mợ, thấy mợ ngồi thẩn thờ như vậy, nó cũng thấy buồn theo, liền khuyên nhủ mợ.

– Mợ Hai… nếu mợ buồn như vậy… chi bằng mợ ở lại với cậu đi mợ. Chớ mợ đi mà tâm mợ còn nhớ thương cậu thì đi sao mà đành hả mợ?

Nghe Thị hỏi, mợ lúc này mới ngước mắt lên, ánh mắt trong suốt tĩnh lặng, nét mặt trầm tĩnh như băng tuyết ngàn năm. Da dẻ mợ trắng hồng, môi đỏ mọng, giọng nói cũng đặc biệt ngọt ngào. Mợ nhìn Thị, bàng bạc mà trả lời.

– Mợ có buồn chi đâu, chẳng qua hay tin mợ Tư có bầu, mợ đột nhiên nhớ lại chuyện trước kia của mợ Ba đó mà. Em ở với mợ lâu, tâm ý mợ sao, chẳng lẽ em không rành. Mợ có còn luyến tiếc chi cậu Hai nữa, có chăng là thấy buồn cho cái số của mợ thôi. Trước kia đã không tiếc, bây chừ lại càng không tiếc…

Bé Thị đi theo mợ Hai từ lúc mợ mới về nhà này làm dâu, buồn tủi gì của mợ, nó cũng là đứa biết rành hết thảy. Mặc dù mợ Hai cương quyết, nhưng nó vẫn thấy mợ Hai buồn buồn, nó cứ sợ mợ sẽ hối hận, vậy nên nó cũng ráng nhiều chuyện mà thử khuyên nhủ mợ thêm lần nữa. Có điều bây chừ nhìn thấy biểu hiện của mợ như vậy, nó liền thông ra, sau này chắc cũng không khuyên bảo mợ nó thêm lần nào nữa…

Thấy Thị cũng trầm lắng theo mợ, mợ Hai lúc này mới thôi hoài niệm lại chuyện xưa. Mà mợ cũng không ưa nhớ lại chuyện cũ, bởi mỗi lần nhớ là mỗi lần làm cho tâm can mợ thêm dày vò phẫn hận. Dẫu chuyện đã xảy ra lâu nhưng mỗi lần nhớ tới thì lại khiến vết thương trong lòng mợ như rỉ máu, đau đớn khôn cùng. Thở nhẹ một hơi, mợ Hai lắc đầu cố quên chuyện cũ, mợ dặn dò Thị.

– Còn vài tháng nữa là mợ đi, thời gian này, em mần chuyện chi cũng phải cẩn thận, đừng để sai xót nha Thị. Mợ đi rồi, mợ sẽ nói với chú Cam cho em theo chú học làm quản gia, mai sau em đỡ cực. Chớ đi theo mợ thì em phải xa nhà, mợ cũng không đành đâu. Với lại, đi theo mợ cũng không sung sướng gì, không bì được với ở đây làm công. Tương lai em còn phải lấy chồng sanh con, gần cha gần mẹ dễ bề hơn, đừng nên đi theo mợ. Đợi cha mợ mở lại gánh hát, mợ theo cha rày đây mai đó, cũng không có chỗ ở cố định, em theo mợ thiệt cho cái thân con gái như em. Mợ sẽ cho em một số tiền, coi như của hồi môn mợ cho em trước, em phải sống cho tốt nghen hông!

Mợ Hai dặn dò, Thị rươm rướm nước mắt, nó nhìn mợ Hai, chẳng nỡ nói.

– Mợ Hai… em thiệt lòng không muốn mợ đi đâu mợ…

Mợ Hai thấy Thị khóc, mợ bỗng thấy thương, bây chừ đổi ngược lại là mợ phải khuyên nhủ Thị.

– Thôi nín, có chi buồn đau mà khóc! Mợ đi mợ thấy vui lắm, vậy cho nên em đừng có buồn rầu. Sau này có rảnh mợ sẽ tới thăm em, em ở đây mạnh giỏi là mợ vui rồi. Ở đây có chuyện chi thì em tới kiếm vú Lan, hai cô cháu giúp đỡ nhau, vậy nghen Thị!

Dặn dò khuyên nhủ Thị xong, đợi Thị đi làm công chuyện, Diệp Yến mới đi tới bàn trang điểm, cô nhìn mình trong gương, vẫn sắc vóc này, vẫn gương mặt này, nhưng ánh mắt đã không còn hồn nhiên trong trẻo được như ngày xưa nữa. Tính tới nay đã gần năm năm kể từ khi cô đi lấy chồng, cũng là năm năm buồn tủi không được như ý. Có đôi khi cô nghĩ, nếu cô chấp nhận cảnh sống chung chồng thì sẽ ra sao, liệu cuộc đời của cô có thể thuận buồm xuôi gió?

Khẽ lắc đầu, Diệp Yến cười khổ, cô nghĩ tới lời thề hẹn của cậu Hai năm xưa mà sao cô thấy chua chát trong lòng quá đỗi. Năm đó cậu đã từng hứa sẽ chỉ có mình cô, hứa sẽ chỉ thương mình cô, cũng hứa chỉ cưới một mình cô về làm vợ. Lời thề thì vẫn còn đó mà người đã vội quên, cũng thiệt là đáng tiếc…

Cô nghĩ, đàn bà sao cứ phải chịu cảnh chung chồng với thiên hạ? Cứ một vợ một chồng chẳng lẽ không được hay sao? Cậu Hai đã như vậy, cô thiệt sự cũng không còn tiếc nuối, lúc này chỉ muốn rời đi, sống cuộc sống tự do tự tại. Có phải chịu sự dè bỉu, sự dị nghị của thiên hạ thì cô cũng cam lòng, không cảm thấy hối tiếc. Nếu bắt cô sống cảnh chung chồng đến hết kiếp này, cô thà ch-ết đi còn hơn, sống làm chi cho bức rức từng ngày…

Sờ lên má mình, má hồng vẫn còn đó, hương sắc vẫn còn xuân, không cớ gì phải để tuổi xuân trôi qua trong nuối tiếc như vậy. Yêu thương được thì buông xuôi được, mặc dầu tư tưởng của cô khác người nhưng cô hài lòng với tư tưởng này, cũng không muốn bản thân phải chịu thiệt thòi không đáng. Nếu không phải sợ mẹ cha buồn rầu thì cô đã dứt áo ra đi từ ngay cái hôm cậu Hai rước Hà Hương về làm bé, đợi chờ chi đâu tới bữa nay. Kiếp này có bao nhiêu lần tuổi xuân như vậy, nếu cứ chôn vùi tuổi xuân vào một người đờn ông không trung tín, lại còn không chung thủy thì thiệt là hối tiếc một kiếp làm người!

*
Diệp Yến là con gái của chủ gánh hát Viễn Phương, nhà cô trước kia cũng thuộc hàng giàu có, sau này vì một trận hoả hoạn mà lụi tàn, gánh hát cũng tan rã, cuộc sống bây giờ chỉ thuộc tầm trung, không tính là giàu có. Diệp Yến gả cho cậu Hai Lâm quả thực có chút không môn đăng hộ đối, nhưng với hương sắc của Diệp Yến thì vẫn có thể đường hoàng mà gả vào nhà giàu, chuyện này là điều hiển nhiên. Là con gái của một đào hát xinh đẹp nứt tiếng xứ Nam Kỳ, Diệp Yến được thừa hưởng đầy đủ nhan sắc sắc nước hương trời của mẹ, cô trước kia cũng là cô tiểu thơ được rất nhiều cậu chủ để ý tới. Năm xưa nếu không phải cậu Hai Lâm thề hứa chỉ cưới một mình cô vào cửa thì biết đâu bây chừ cô đã là vợ của cậu Ba Phong…

Cậu Ba Phong và Diệp Yến… nói cho đường hoàng thì chuyện của hai người cũng có thể được coi là một giai thoại. Mà cậu Ba Phong so với cậu Hai Lâm thì chỉ có hơn chớ không có kém!
*

Như thường lệ, cứ đầu mỗi tuần quản gia Cam sẽ mang sổ sách trình lên mợ Hai Yến coi qua. Từ dạo mợ Tư có bầu, chi tiêu trong nhà bá hộ Kha cũng có phần tăng lên, sổ sách đưa tới đều có ghi rõ là chi tiêu vào những chuyện gì. Mặc dầu trong sổ sách có ghi rõ nhưng mấy khoản chi tiêu cho người này người kia đều là những khoản không kiểm kê được, vậy nên Diệp Yến cũng không biết phải hỏi làm sao. Mà ngó bộ thì mợ Ba Hà Hương làm việc cũng rõ ràng, chi tiêu quán xuyến trong nhà cũng hạp lý, cũng không có điểm nào chê trách được.

Diệp Yến đóng sổ sách ghi chép chi tiêu lại, cô nhìn quản gia Cam, cô dịu dàng, nói.

– Sổ sách ghi chép rõ ràng lắm, chắc trước khi đem tới đây đưa con, chú Cam cũng đã coi qua kỹ càng rồi phải không? Nếu chú Cam đã coi qua thì mơi này không cần đưa tới cho con nữa đâu. Mợ Ba mần chuyện rõ ràng cẩn trọng như vậy, trình qua trình lại chỉ thêm mắc công, cũng phiền hà cho chú.

Chú Cam dáng người nhỏ nhắn, chú là quản gia của nhà bá hộ Kha, trước giờ làm việc luôn cẩn trọng, được cậu Hai Lâm vô cùng tin tưởng. Nghe Diệp Yến nói như vậy, chú Cam cười, vui vẻ nói.

– Đâu có được đâu mợ, tôi mà không trình sổ sách qua cho mợ coi là cậu Hai rầy tôi chế-t! Chuyện chi trong nhà từ lớn tới nhỏ đều phải tới hỏi trình qua mợ, đây là luật cậu Hai đặt ra mà, tôi không dám làm quấy. Tôi mần công ăn lương phải làm theo ý chủ, với lại tôi thấy cũng không phiền hà gì, đều là chuyện nên mần thưa mợ Hai.

Chú Cam đã nói như vậy, Diệp Yến cũng không nói gì, dầu sao thì cũng chỉ còn vài tháng cô ở lại đây, cũng không muốn làm phiền người ăn kẻ ở. Cậu Hai Lâm trước giờ luôn muốn cho cô địa vị, mặc dầu quyền quản lý quán xuyến nằm trong tay mợ Ba Hương nhưng chuyện lớn chuyện nhỏ chi trong nhà đều phải trình báo qua cô như vậy. Có điều từ lâu cô đã không còn tham luyến gì ở nhà chồng nữa, vậy nên cô cũng dễ tánh, chỉ khi thấy quá đáng lắm mới lên tiếng hỏi vài câu. Mà mợ Ba mợ Tư đối với cô cũng dè chừng, một phần là sợ cơn thịnh nộ của cậu Hai Lâm, vậy nên mặc dầu không tranh sủng nhưng địa vị của cô trong nhà bá hộ Kha vẫn luôn vững chắc.

Biết chuyện trình báo sổ sách các thứ vẫn phải trình qua mình, Diệp Yến cũng không có ý kiến gì. Có điều về chuyện mợ Tư Quyên có thai, cô vẫn là nên dặn dò chú Cam quản gia một tiếng.

– Mợ Tư có thai, chú Cam để ý nhiều tới chỗ của em ấy. Hễ mợ Tư cần cái chi thì chú xem xét mà đáp ứng trước, sau đó báo lại với mợ Ba cũng không có muộn. Phải ưu tiên đàn bà có mang, từ ăn uống cho tới tiêu xài đều phải thiệt cẩn trọng. Lâu lắm nhà mình mới có tin vui như vậy, phiền chú để ý tới nhiều hơn.

Chú Cam gật đầu, nhanh nhẹn đáp.

– Dạ tôi hiểu rồi thưa mợ Hai.

– Con cũng chỉ có nhiêu đó muốn nhắc, chừ xong chuyện rồi, chú mần gì thì mần đi chú Cam.

– Dạ mợ Hai, tôi đi trước!

Chú Cam vừa rời đi chưa được bao lâu thì lại có người tới phòng của Diệp Yến. Nhìn người hầu cận của cậu Hai Lâm ở trước mặt, Diệp Yến hỏi.

– Có chuyện chi đó Khế? Chuyện chi mà trông cậu nôn nóng vậy?

Khế đi chân đất, biểu cảm có phần gấp gáp.

– Dạ thưa mợ Hai, cậu Hai biểu con lên gọi mợ ra nhà trước có chuyện quan trọng ạ.

Diệp Yến nhìn Khế, cô nhíu khẽ chân mày, hỏi.

– Nhưng là chuyện chi, chuyện chi mà quan trọng?

– Dạ thưa mợ, mợ đi theo con ra nhà trước đi rồi con vừa đi vừa bẩm lại với mợ. Chớ con ở đây thưa chuyện một hồi là cậu đánh con cái tật rề rà. Đi mợ, đi nhanh mợ, nhanh đi mợ!

Thấy Khế hấp tấp như vậy, Diệp Yến cũng tò mò, cô đứng dậy, đi theo Khế ra nhà trước coi là có chuyện quan trọng gì. Vừa đi vừa nghe Khế bẩm lại sự tình, vậy nên Diệp Yến cũng hiểu được phần nào.

Lúc Diệp Yến xuất hiện, nhà trước đã có cậu Hai Lâm, ông bá hộ Kha, mợ Ba Hương và vài người làm hầu cận. Nghe thấy tiếng khóc trẻ con vang lên, Diệp Yến không nhịn được mà tìm kiếm, vừa vặn cô nhìn thấy được người làm đang bồng một đứa nhỏ khóc không ngừng…

Diệp Yến đi tới gần chỗ đứa nhỏ, ngó thấy một đứa bé chắc độ vài tháng tuổi, hai má phúng phính, mắt tròn xoe, trông bụ bẫm dễ cưng vô cùng. Nhịn không được, Diệp Yến sờ vào má đứa nhỏ, đứa nhỏ như giật mình, liền nín khóc mà tròn xoe mắt dáo dác nhìn quanh. Được chừng vài giây, đứa nhỏ lại khóc, lần này khóc còn to hơn vừa rồi, người hầu không cách nào dỗ được.

Bá hộ Kha nghe đứa nhỏ khóc tới chán chường, ông ngồi trên ghế, mắng mỏ người hầu.

– Tụi bây còn đứng sớ rớ đó làm chi, mau lại dỗ thằng nhỏ đi chớ! Tụi bây không điếc tai nhưng tao điếc tai, nó khóc suốt từ nãy tới chừ, ai mà chịu cho nổi!

Người ăn kẻ ở trong nhà nghe bá hộ Kha mắng liền vội vàng tụm năm tụm ba mà đi dỗ đứa nhỏ. Bồng đứa nhỏ ra trước cửa để dỗ dành, trong phòng khách lúc này mới yên tĩnh được đôi chút. Lúc này, bá hộ Kha mới nhìn tới con trai, mặt mày ông có nét không vui, ông liền hỏi.

– Cái thằng nhỏ này con tính sao đây hả Hai Lâm? Hổng lẽ con định nuôi nó hay sao? Cha thấy con cứ để tụi người ở nó bồng đi giáp làng coi ai cần con thì nhận nuôi, chớ để ở đây nuôi sao đặng?

Hai Lâm dáng dấp phong độ, nét mặt tuấn tú, phong thái nho nhã. Nghe cha nói như vậy, cậu cũng không gấp, chậm rãi mà trả lời.

– Người ta đã cố tình bỏ lại đây, dụng ý chắc là muốn mình nuôi. Chớ nếu muốn người khác nuôi thì đã bỏ ở cổng chùa hoặc là ở cây đa đầu làng rồi. Mà ngó bộ thằng nhỏ cũng dễ cưng, nhà mình để lại nuôi cũng được, coi như có duyên.

Bá hộ Kha còn chưa kịp phản ứng thì mợ Ba Hương đã vội lên tiếng phản đối. Đôi môi đỏ thắm, gương mặt sắc sảo mặn mà, mợ nói.

– Mình à, em thấy cha nói đúng đó mình, mình cứ để tụi nó bồng đi giáp làng coi ai nhận nuôi thì nhận, rồi cho người ta chút đỉnh, coi như cho tiền sữa, chớ để đây mình nuôi thì cũng kỳ, sợ người ta dị nghị. Với lại ai đảm nhận việc nuôi thằng nhỏ đây, em là em không có nhận rồi đó, bởi nuôi một đứa nhỏ đâu phải là chuyện giỡn chơi đâu mình!

Cậu Hai vẫn giữ nguyên biểu cảm bình tĩnh như vậy, cậu như không để ý tới lời của mợ Ba nói, cậu lúc này chỉ nhìn mợ Hai, còn đánh tiếng hỏi.

– Diệp Yến, em thấy sao? Bây chừ em muốn để đứa nhỏ lại nuôi hay là để cho người ta? Anh thấy thằng nhỏ dễ cưng quá, vừa nãy em rờ nó, nó im re… đâu em bồng nó thử coi.

Diệp Yến tròn xoe mắt nhìn cậu Hai, cô có chút do dự không biết là có nên đồng ý bồng thằng nhỏ hay là không. Mà lúc này, người ở ở ngoài đột nhiên bồng đứa nhỏ tới trước mặt cô, đứa nhỏ khóc lớn, người ở khẩn khoản mà cầu cứu.

– Thằng nhỏ này khóc hoài từ nãy tới giờ, mợ, mợ bồng thử coi nó nín hông, hồi nãy em thấy mợ rờ má nó, nó nín đó mợ. Chớ để nó khóc kiểu này chắc nó chịu hông nổi quá, từ nãy chừ tụi em hông có dỗ nó nín dứt được.

Người ở đưa đứa nhỏ tới, Diệp Yến không thể không bồng đứa nhỏ. Ôm đứa nhỏ vào trong lòng, cô loay hoay một hồi mới có thể ôm trọn được đứa nhỏ một cách thoải mái nhất. Cô cũng không biết phải dỗ đứa nhỏ bằng cách nào, cô bắt chước theo người lớn, tay vỗ nhè nhẹ lắc lư, miệng ê a mấy câu hò, là dỗ trẻ con theo bản năng của đàn bà.

Vậy mà có dè, đứa nhỏ vừa rồi còn khóc rống trong tay người ở thì lúc này lại im thin thít trong vòng tay của Diệp Yến. Thằng nhỏ cọ quậy trong vòng tay cô, mắt chớp chớp ngân ngấn nước, miệng chóp chép cực kỳ dễ cưng. Diệp Yến cũng không ngờ là cô có thể dỗ thằng nhỏ nín khóc, mừng rỡ, cô vội kêu lên.

– Cậu Hai… thằng nhỏ nín rồi nè!

Nghe thấy giọng nói vui mừng của Diệp Yến, cậu Hai thoáng còn mừng hơn cô, cậu vội đi tới chỗ cô, tay sờ lên mặt thằng nhỏ, cậu vui mừng, nói.

– Chà, ngó bộ thằng nhỏ này nó quý em đó Yến. Hay là… em nhận nuôi thằng nhỏ luôn đi… để cho người ta thì tội nghiệp… thằng nhỏ cũng thấy cưng quá trời!

Diệp Yến tròn mắt nhìn cậu Hai, cô ngẩn người, hỏi lại.

– Em nuôi… em nhận nuôi thằng nhỏ này hả cậu? Mần sao có thể… mần sao được?

Cậu Hai cười trấn an cô, cậu khuyên nhủ.

– Được chớ sao hông, em muốn nuôi mười đứa cũng được, một đứa đã hề hấn gì. Người ta bỏ con trước cổng nhà mình, bây chừ mình đem cho thì thấy tội quá. Nếu thằng nhỏ đã có duyên với em như vậy, chi bằng em nuôi thằng nhỏ, anh biết em cũng khoái con nít lắm mà mình…

Diệp Yến quả thực không lường trước được chuyện kỳ lạ này, cô hết nhìn cậu Hai rồi tới nhìn thằng nhỏ cô đang bồng trong lòng. Đột nhiên ký ức xưa ùa về, lòng cô bắt đầu len lói lên một chút suy nghĩ muốn nhận nuôi thằng nhỏ…

Cô nhớ, cô đã từng sắp có một đứa nhỏ… và cô cũng nhớ… thân thể cô thực sự là rất khó để có thể có thai thêm lần nữa…

Nhưng nếu… cô nhận nuôi đứa nhỏ này thì cô sẽ không thể rời đi được nữa, cô và đứa nhỏ sẽ bị trói buộc ở đây, trói chặt chân ở nơi đầy rẫy đau buồn này mãi mãi…

Nhưng mà nếu cô không nhận nuôi đứa nhỏ thì lòng cô cũng sẽ cảm thấy không yên và chắc chắn về sau này, cô sẽ cảm thấy hối tiếc. Bởi đứa nhỏ có duyên với cô tới như vậy mà, cô vừa bồng thì đứa nhỏ đã nín khóc…

Cô… cô phải mần sao đây? Giữ đứa nhỏ lại thì không được mà bỏ đứa nhỏ thì cũng không đành? Sao ngay lúc quan trọng thế này thì cô lại gặp được đứa nhỏ đáng thương này cơ chứ? Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là cô sẽ ra đi, đứa nhỏ xuất hiện lúc này… quả thực là không đúng lúc mà…

Đứa nhỏ trong vòng tay cô đang cọ quậy không ngừng, thằng bé giống như khát sữa, miệng chu chu chóp chép quá thấy cưng, lòng Diệp Yến như mềm ra, cứ tròn mắt nhìn thẳng nhỏ lơm lơm như vậy…

Thằng nhỏ này… cô biết phải mần sao cho phải đây… thiệt là khó xử mà!!!

*
Bá hộ Kha nhìn con trai và con dâu lớn muốn nhận đứa bé làm con nuôi, lại nhìn thấy ánh mắt không vừa lòng của con dâu thứ, ông liền cật lực phản đối.

– Cha chả, mần sao có thể dễ bề nhận con rơi con rớt ở ngoài về làm con nuôi, nhà này đâu có thiếu cháu! Con Yến không được mềm lòng, đã chồng bây như vậy thì bây phải biết can chồng, đâu thể mần ra cái chuyện kỳ cục như vậy được. Biết thằng nhỏ này danh tính thế nào mà nhận, với lại nhà này chưa có tuyệt tử tuyệt tôn mà, tao là tao không đồng ý rồi đó nghe!

Nghe cha chồng nói như vậy, Diệp Yến cũng thấy khó xử, ý định muốn nhận nuôi thằng bé liền bị kéo xuống, bây chừ là nửa muốn nửa không. Lúc này lại nghe vợ bé của chồng lên tiếng phản đối, còn kể ra bao nhiêu thứ khó khăn, cô nhìn thằng nhỏ trong lòng, vừa thương cũng vừa bất lực. Thú thực, trong hoàn cảnh này cô không nên nhận nuôi thằng nhỏ, là vừa khó cho cô mà cũng tội cho thằng bé…

Diệp Yến tuy là có mềm lòng nhưng quyết định lại rất nhanh, trong khi cậu Hai còn chưa kịp nói gì thì cô đã lên tiếng, lời nói cũng rất dứt khoát.

– Thằng nhỏ này đã tới nhà mình thì coi như là duyên đi, con tạm thời sẽ giữ thằng nhỏ lại trong nhà mình một ít hôm, sau đó sẽ nhờ vú Lan tìm một nhà hiếm con, gia cảnh khá giả một chút mà gửi thằng nhỏ này sang đó, làm như vậy coi như là ổn thoả. Cha nói đúng, nhà mình đã có bé Châu, tương lai Ngọc Quyên sẽ sanh em bé, cũng không thiếu cháu tới mức độ đi nhận con nuôi. Nhưng mà thằng nhỏ này trông cũng thấy thương, thôi để nhà mình chăm nôm ít bữa rồi tính tiếp.

Mợ Ba Hương đi tới nhìn thằng nhỏ trong tay mợ Hai, như cảm thấy không vừa lòng, mợ nhíu mày phản ứng.

– Em thấy chị cứ để cho tụi người ở nó bồng đi giáp làng, mắc công chi phải chăm nom ẵm bồng, khéo là mến tay mến chân rồi lúc đó cho nó sao đặng? Chuyện đơn giản quá chừng, cứ giao thằng nhỏ lại cho tụi người ở, tụi nó muốn mần chi thì mần, mình khỏe!

Diệp Yến không đồng ý, mắt đối mắt với mợ Ba, cô nghiêm túc, nói thẳng.

– Tôi giữ thằng nhỏ ở lại đây thì tôi có cách giải quyết, hơn nữa tôi nói được làm được, mợ cũng đừng lo sợ chi cho mắc công. Ý tôi quyết như vậy, ai nói chi mặc kệ!

Mợ Ba giật mình trước thái độ quyết tâm này của Diệp Yến, nhứt thời mợ ấy như bị chặn ngang họng, không biết phải nói cái chi tiếp theo. Bình thường Diệp Yến dễ tánh lắm, chỉ thi thoảng mới cương quyết, mà một khi cương quyết thì cứng như sắt đá, khó lòng mà lây chuyển được. Mợ Ba mặc dầu không ưa gì mợ Hai nhưng vai vế thứ tự vẫn là thứ ràng buộc mợ Ba, làm cho mợ Ba phải nghi kị mợ Hai Yến. Mà nếu mợ Hai Yến đã xù lông nhím thì mợ Ba cũng đành im, đánh trận là đánh lâu dài, đâu phải đánh ngày một ngày hai. Với lại, chỉ còn vài tháng nữa là mợ Hai rời đi, nghĩ như vậy nên mợ Ba cũng không muốn làm khó dễ mợ Hai nữa.

Môi chề ra, mợ Ba nhún vai, thinh thỉnh, nói.

– Ờ, nếu chị Hai đã quyết định vậy thì cứ như vậy đi, miễn sao chị Hai sắp xếp chuyện thằng nhỏ này cho ổn thỏa là được, em không có ý kiến nữa.

Cậu Hai Lâm nhìn lướt qua mợ Ba, đáy mắt cậu có sự không hài lòng nhưng cậu không nói thẳng. Trước mặt cha và vợ, cậu Hai nghiêm túc lên tiếng.

– Diệp Yến muốn thế nào thì con nghe theo thế đó, giữ thằng nhỏ này lại cũng được, mà cho thằng nhỏ cũng được. Nhà mình nuôi bao nhiêu đó người ăn kẻ ở mà có hao tổn miếng nào, nuôi thêm một thằng nhỏ thì có là chi. Cứu một mạng người bằng xây bảy tháp chùa, là chuyện tốt, không phải sợ.

Ông bá hộ vẫn thấy khó chịu, mặc dầu ông biết sẽ không thể nói được con trai nhưng ông vẫn muốn tỏ thái độ để cho con dâu lớn phải nể sợ. Đứng dậy, ông gõ cây gậy gỗ xuống nền nhà, sắc mặt giận dữ, ông tức giận, quát lớn.

– Đó thì tùy ý tụi bây, tụi bây bây chừ coi tao là rơm là rạ rồi, tao cũng không muốn đôi co với tụi bây nữa. Nhưng để tao nói cho tụi bây rõ, tao mà có ch-ết cũng không bao chừ đồng ý để thằng nhỏ này làm con cháu họ Nguyễn tao đâu. Tụi bây mần chi đó thì mần, liệu hồn cho tao! Hừ!

Quát mắng thị uy xong, bá hộ Kha liền rời đi, mợ Ba Hương cũng tìm cớ rời đi sau đó, trong phòng khách lúc này cũng chỉ còn lại Diệp Yến và cậu Hai Lâm.

Bồng đứa nhỏ vào trong lòng, Diệp Yến thương xót mà thở dài, mặc dầu đứa nhỏ dễ cưng lắm nhưng cô cũng chỉ có thể nuôi dưỡng được vài ngày. Cuộc đời của cô sau này còn chưa biết có trôi qua êm ả hay không, cô không dám mang đứa nhỏ theo, sợ sẽ làm khổ thằng nhỏ thêm. Thôi, có duyên đi với nhau một khúc đường nhỏ cũng được, cũng không dám hứa hẹn tương lai…

Mà cậu Hai Lâm nhìn vợ ôm thằng bé, đáy mắt cậu toát lên ý cười ẩn sâu. Thằng bé này xuất hiện thiệt là vừa vặn, rất hợp ý cậu mà!

*
Diệp Yến nhận nuôi dưỡng đứa nhỏ vài ngày, vậy cho nên bữa nay cô ra chợ mua ít đồ đạc cho thằng nhỏ, với lại hôm nay cô cũng về thăm nhà cha má cô. Cha cô dạo rày đang chẩn bị mở lại gánh hát, cô muốn về thăm cha, hỏi coi cha có cần chi thì cô phụ giúp một tay. Dầu gì vài tháng nữa cô cũng sẽ theo cha phụ coi sóc gánh hát, chỉ là cô không biết sẽ mở lời với cha cô làm sao mà thôi.

Cổng nhà không khóa, Diệp Yến vừa bước vào cửa trước, còn chưa kịp kêu cha má thì cô đã phải khựng bước lại, giỏ đồ vừa mua cho thằng nhỏ cũng rơi ra, để vương vãi cái trống nhỏ dành cho con nít.

Tiếng rơi đồ làm cho cô bừng tỉnh, vội vội vàng vàng cô cúi người nhặt đồ vừa rơi cho lại vào trong giỏ. Lúc đứng dậy, trước mặt cô bỗng dưng có thêm người, cũng vẫn là gương mặt này, nhưng đã lâu không gặp…

Mi mắt run run, Diệp Yến ngại ngùng, giọng của cô cũng thấp đi vài phần.

– Cậu… cậu Ba…

Người đàn ông được gọi là cậu Ba vẫn đứng sững như vậy, mắt anh nhìn chăm chú vào cái trống nhỏ đồ chơi trên tay Diệp Yến. Thoắt cái dời tầm mắt lên gương mặt xinh đẹp của Diệp Yến, khóe môi anh hơi cong, ánh mắt khó dò, anh trầm giọng, hỏi.

– Cái trống đồ chơi này… mợ mua cho ai vậy?

Nghe cậu Ba hỏi, Diệp Yến có chút sững sốt, ngón tay thon dài siết lấy cái trống nhỏ, giọng cô thoáng nghe hơi run.

– À thì… cái này…

Diệp Yến còn chưa trả lời hết câu thì cậu Ba lại hỏi tiếp, vẫn là phong thái lãnh bạc như vậy.

– Tôi nghe nói mợ chưa có con… bộ tôi bỏ xót thông tin chi sao hả mợ? Mợ có con với Kha Lâm?

Diệp Yến không nghĩ là cậu Ba lại hỏi cô những câu như vậy, tâm tình cô quả thực có hơi phức tạp. Chẳng qua là rất nhanh sau cô đã khôi phục được sự bình tĩnh, cô đối mắt với cậu Ba Phong, chỉ là giọng vẫn hơi ngập ngừng.

– Cậu Ba… hình như cậu hỏi tôi như vậy có phần quá phận thì phải? Tôi là thân đàn bà đã có chồng, chuyện tôi có con với chồng cũng là chuyện thường tình… có chi mà cậu phải hỏi như vậy…

Cậu Ba Phong nhìn Diệp Yến, ánh nhìn cậu sắt lại, thần khí càng lúc càng lạnh dần đi, chỉ có gương mặt là vẫn anh tuấn như vậy. Cậu Ba Phong đẹp nhứt cái xứ này, là trước đây hay bây chừ, cậu vẫn luôn là người làm rung động biết bao nhiêu trái tim của thiếu nữ, kể cả là Diệp Yến đã từng…

– Nói như vậy… tôi hỏi mợ là sai quấy à? Ý mợ có phải là vậy không?

Diệp Yến bị sự lạnh lùng của cậu Ba làm cho tâm tình cô bắt đầu trở nên khó chịu. Tánh khí mạnh mẽ khác xa với vẻ đẹp thanh tao trên gương mặt, mắt đối mắt, mặt đối mặt, Diệp Yến không hề chịu thua cậu Ba Phong một chút nào.

– Phải, tôi thấy cậu hỏi tôi như vậy là hông phải. Tôi có chồng, cậu cũng đã từng có vợ… hai người chúng ta đáng lý không nên gặp mặt nhau như thế này. Cậu Ba, mặc dầu cậu và vợ cậu đã ly dị nhau, nhưng sự thật vẫn là sự thật… cậu đã từng có vợ!

– Thế thì sao? Tôi đã ly dị vợ, mợ cũng sắp…

– Cậu Ba!!!

Nhìn thấy vẻ bất bình trên gương mặt thanh thuần của Diệp Yến, cậu Ba Phong đột nhiên bật cười, cũng không biết cậu cười vì lý do chi, chỉ thấy nụ cười này của cậu thực sự quá mức xuất chúng. Ánh nhìn càng lúc càng thu lại, gói gọn chỉ dung được gương mặt của Diệp Yến, cậu Ba trầm giọng, nói thật khẽ bên tai cô. Mà những gì cậu vừa nói ra cũng khiến cho thân thể Diệp Yến cứng đờ vì khản thốt…

– Diệp Yến… mợ biết là tôi chỉ thương mợ mà… phải hông?!

_____________________
🔥 TRUYỆN MỚI, EM DU XIN CHỊ EM 1 LIKE 1 SHARE 1CMT NHA CHỊ EM ƠI. ĐỌC XONG CHƯƠNG NÀY ĐỂ LẠI NHẬN XÉT NHA MỌI NGƯỜIIIII

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN