Diệp Yến Truyện - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
46


Diệp Yến Truyện


Phần 2


Cậu Ba Phong tới nhà Diệp Yến để bàn với cha Diệp Yến về chuyện rót tiền mở lại gánh hát. Nghe cha nói thì cậu Ba Phong sẽ hùng một nửa vốn, cậu cũng sẽ lấy uy danh của cậu mà quảng bá cho gánh hát Viễn Phương của cha cô.
Lúc này, trong phòng khách chỉ còn lại hai cha con ông chủ Phương, người ở với mẹ Diệp Yến đi chợ từ sớm vẫn chưa về. Ngó thấy con gái cứ cầm cái trống nhỏ đồ chơi, ông chủ Phương thấy lạ, liền hỏi.
– Yến à, con mua cái trống này làm chi vậy? Mua cho con của Hà Hương sao?
Nghe cha hỏi, Diệp Yến cũng liền trả lời.
– Dạ không phải đâu cha, con mua cái trống này cho thằng nhỏ bị người ta bỏ lại ở trước cổng nhà con. Bây chừ con đang giữ thằng nhỏ, đợi kiếm nhà tử tế thì gửi thằng nhỏ sang đó. Bữa nay con đi chợ mua cho thằng nhỏ ít đồ đạc, coi như làm phước.
Ông chủ Phương có vẻ hơi ngạc nhiên, ông nhíu mày, hỏi.
– Có người bỏ con ở trước cổng nhà con sao? Lại có chuyện bất nhơn như vậy?
Diệp Yến gật đầu, cô cũng thành thật mà trả lời.
– Dạ cha, chắc người ta túng quẫn quá, sanh ra hông thể nuôi dạy được nên mới mần ra chuyện như vậy. Thằng nhỏ chắc cũng được mấy tháng tuổi rồi, bụ bẫm dễ cưng lắm cha!
– Chồng con hông nói gì sao?
– Cậu Hai đồng ý, cũng cậu ấy là người kêu con giữ thằng nhỏ ở lại. Nếu cha chồng con không ngăn cản thì chắc cậu Hai đã để con nhận nuôi thằng nhỏ. Nhưng mà con thấy vẫn không nên nhận nuôi thằng nhỏ này, về sau sợ sẽ rắc rối. Với lại…
Thấy Diệp Yến nói tới đây thì ngập ngừng, ông chủ Phương như ngờ ngợ ra chuyện chi đó, ông ngờ vực, hỏi con gái.
– Với lại sao hả con? Con có chuyện chi đang giấu cha phải hông con?
Diệp Yến đã nghĩ tới chuyện sẽ nói với cha má cô về chuyện cô sẽ ly dị với cậu Hai Lâm, cô biết là cha cô cũng đã biết tới chuyện này, có điều là cha cô không biết thời gian cụ thể mà thôi. Phận làm con cái, cô thực sự không muốn cha má cô mất hết mặt mũi vì cô, nhưng mà cô đã chịu hết nổi rồi, cũng đã không còn tình cảm gì với chồng nữa, ở lại cũng chẳng vui vẻ gì, chỉ toàn thêm phiền muộn. Cô biết rồi người đời sẽ bêu rếu cô, sẽ bêu rếu cha má cô, nhưng mà cô thực là hết cách rồi, nếu cứ bắt cô sống như thế này hoài, cô chịu chẳng đặng…
Do dự một hồi, Diệp Yến cuối cùng cũng lấy được dũng khí, cô nhìn cha mình, chân thành mà nói.
– Cha… con định là vài bữa nữa sẽ thưa với cha má chuyện này, nhưng sẵn bữa nay cha hỏi con, con cũng xin thưa chuyện với cha. Thú thực là con… con đã hông còn tình cảm chi với chồng nữa… con đã định sẽ rời khỏi nhà chồng… theo cha phụ mở gánh hát…
Ông chủ Phương có phần bất ngờ vì lời nói này của con gái, mặc dầu ông đã đoán được một hai, nhưng khi nghe con gái nói sự thật, ông vẫn là chưa thể chấp nhận được.
– Ăn nói bậy bạ! Cái chi mà bỏ chồng? Con đang sống tốt, còn là mợ Hai của nhà bá hộ… được chồng bao bọc chở che như vậy chưa đủ với con hay sao? Cái tư tưởng một vợ một chồng của con cha thấy kỳ cục quá, con bị làm sao vậy hả con gái? Sao con cứ ôm hoài cái tư tưởng này mà mần khổ mình vậy?
Biết là cha sẽ có phản ứng, Diệp Yến cũng chuẩn bị trước hết thảy, đối diện với cảm xúc này của cha, cô vẫn rất cứng rắn mà đối đáp.
– Cha… con biết cha sợ người đời dè bỉu chê bai con… nhưng mà những chuyện đó con có sợ đâu cha… con thực tình hông hề sợ một chút nào. Đâu phải cha hông biết tánh con, sống như con đang sống chẳng hề có một chút vui vẻ hạnh phúc nào hết. Nếu con cứ sống như vậy hoài, chi bằng con chết đi thì hơn. Cha cũng biết cái thời hạn 5 năm mà, con cố gắng tới bây chừ cũng coi là tận tình tận nghĩa… con hông thể cố được nữa đâu cha ơi!
Ông chủ Phương có phần tức giận, ông dằn chén trà xuống bàn, gằng giọng, quát khẽ.
– Cố hông được cũng phải cố, con gái gả đi rồi thì như bát nước đổ đi, sống là người nhà chồng, chết cũng là ma nhà chồng, mần sao mà có cái kiểu đòi… bỏ chồng như con được! Cha cấm nghe, cha má già rồi, hông chịu nổi người đời dị nghị mắng mỏ… con đừng làm khổ cha má… cha má vẫn luôn hãnh diện vì con được gả vào nhà bá hộ Kha… con coi mần sao được thì mần!
Ông chủ Phương chỉ có duy nhất một mình Diệp Yến là con, từ nhỏ đã yêu thương con gái vô bờ bến, cũng hiếm khi nào la rầy con gái. Nhưng mà chuyện này là chuyện lớn, ông không thể không la rầy, bởi ông biết tánh con gái ông cương quyết mạnh mẽ như đờn ông, ông mà xuôi theo thì con gái ông chắc chắn sẽ bỏ chồng trong nay mai. Thực ra ông cũng biết nỗi khổ của con gái, nhưng mà biết mần sao được, ông mần sao nỡ nhìn con gái bị người đời chê bai mắng mỏ, rồi con gái ông sẽ sống mần sao đây, ông rầu lo lắm chớ! Trước giờ chưa từng nghe tới chuyện đờn bà đòi bỏ chồng, chỉ có con gái ông là suy nghĩ kỳ lạ…
Diệp Yến nhìn cha mình, cô hiểu tánh cha, cũng biết cha là người trọng lễ nghĩa, cha chắc chắn sẽ không đồng ý cho cô bỏ chồng. Nhưng ý cô đã quyết, cô chỉ về thưa chuyện, nếu cha cô không đồng ý thì cô sẽ bỏ xứ mà đi, không để cha má cô mất mặt khổ sở vì cô.
Nhìn cha mình, Diệp Yến vừa đau lòng nhưng cũng không thể từ bỏ ý định, trước khi để cha cô mắng thêm, cô cũng xin nói hết.
– Con biết cha má thương con, nhưng con hết cách rồi, nếu trước kia con biết cậu Hai là người không giữ chữ tín như vậy thì con dầu có chết cũng không gả cho cậu ấy. Cha… số con cũng khó mà có con lại được… mà con từ lâu cũng đã không còn tình cảm với chồng… sống thế này… thiệt khổ cho con. Nếu cha không muốn chứa con ở nhà thì con sẽ âm thầm rời đi… thi thoảng con sẽ về thăm cha má… cũng sẽ không để ai nhận ra con…
Dừng chút, cảm xúc dâng trào, Diệp Yến đau lòng mà thưa.
– Con gái bất hiếu không thể trả hiếu được cho cha má, nếu chuyện con bỏ chồng làm cha má mất mặt xấu hổ với bà con lối xóm thì con xin đi xa, rồi một thời gian sau, khi mà sự tình lắng xuống, con sẽ tìm cách về đền tội với cha má. Cha nuôi con từ thuở lọt lòng, tánh nết con ra sao, cha hiểu rõ nhứt mà. Cha thường hay nói chơi với má là con giống cha, tánh cương trực ngang bướng, dám nghĩ dám làm, là con gái nhưng tánh khí không khác chi con trai. Con sống như bây chừ là khổ trăm bề, đau đớn tủi nhục lắm… cha hông hiểu hết đâu. Đời con chỉ ước được như vở tuồng “Một kiếp phu thê” mà cha đã dựng, chỉ muốn một đôi một kiếp, nào chịu được cảnh chồng chung với thiên hạ…
Biết con gái có tư tưởng khác lạ, cũng biết con gái từ thuở bé đã luôn ước sau này lớn lên chỉ gả cho người đàn ông thủy chung. Nhưng khổ nỗi từ đời xưa tới chừ đã có tục trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, chứ còn cái chuyện gái đòi bỏ chồng, ông hiếm khi nghe nói tới. Không kể tới chuyện vợ chồng ông xấu hổ với bàn dân thiên hạ, chỉ kể tới chuyện tương lai mai sau này của con gái cũng đã đủ khiến ông không thể chấp nhận được. Gái bỏ chồng… thanh danh như bị dìm xuống bùn sâu… xấu xí tới ai cũng chê trách!
Không nỡ mắng con nhưng ông chủ Phương buộc lòng phải cứng rắn, ông đứng dậy đập bàn, giận dữ thị uy.
– Cha hông cần biết con muốn cái chi, nhưng nếu con dám bỏ chồng, vậy thì đừng trách cha nhẫn tâm “từ” con. Cha thà không có đứa con gái quái lạ như con còn hơn là để con bôi tro trát trấu lên tổ tiên dòng họ. Thuở đời này đờn bà mà bỏ chồng thì coi như là thứ ti tiện nhất của xã hội, nếu con còn ngang bướng, vậy thì cứ coi như con không có người cha người mẹ này đi!
Nói rồi, ông chủ Phương quay người đi thẳng vào bên trong, để mặc cho con gái khóc nghẹn vì đau lòng.
Thiệt tình, lòng ông cũng đau đớn lắm chớ, bởi ông chỉ có một mình Diệp Yến là con, thương con còn không hết, nỡ nào muốn mắng mỏ dồn ép con vào đường cùng. Nhưng chuyện này thực tình quá sức với ông, ông mà không răn đe con gái thì kẻ sau này phải hối hận chính là ông. Bây chừ cứ như vậy, rồi để coi con gái có chịu suy nghĩ lại hay không, nếu có thì ông mừng, còn không thì ông sẽ tính cách tiếp. Cũng trách ông nuôi dưỡng con gái quá mạnh mẽ, nuông chiều con để rồi con gái cứ có những suy nghĩ khác người theo phương Tây… khổ tâm ông quá mà!
*
Diệp Yến trở về nhà, cô cũng quên mất đi chuyện đã gặp gỡ cậu Ba Phong ở nhà mẹ đẻ mình vừa nãy. Đối với cô hiện giờ chỉ có duy nhất một ý nghĩ muốn rời đi, còn lại những chuyện chi khác, cô không muốn phiền lòng suy nghĩ tới. Tránh một người đờn ông đã mệt, cô cũng không muốn phiền phức dây vào một người đờn ông khác, sẽ rất đau đầu.
Thị nhìn thấy mợ Hai trở về nhà, nó mừng rỡ như bắt được hủ vàng, vội vội vàng vàng chạy tới báo cáo, nói chuyện như muốn nuốt luôn cái lưỡi.
– Trời đất mợ Hai về rồi, em trông mợ từ sớm chừ!
Diệp Yến nhìn Thị, cô hiểu tánh con bé, vậy nên cũng liền hỏi.
– Có chuyện chi à? Thằng nhỏ đâu?
Thị rối rít vội vàng kêu lên.
– Mợ mau tới coi thằng nhỏ đi mợ, nó khóc suốt từ nãy tới chừ, độ chừng một buổi rồi. Trong nhà lýnh quýnh hết chơn, bị dỗ hoài mà thằng nhỏ không nín…
Diệp Yến sốt ruột, cô giao giỏ đồ lại cho Thị, vừa đi nhanh, cô vừa hỏi.
– Sao lại như vậy được, lúc mợ đi thằng nhỏ ngủ ngon lắm mà, hồi hôm qua tới sáng nay cũng đâu có khóc mấy đâu?
Thị chạy theo sau mợ Hai, nó cũng nóng ruột không kém.
– Dạ, em cũng hông hiểu sao nữa mợ. Lúc mợ đi thằng nhỏ vẫn ngủ ngon, mừ lúc nó dậy, nó bú xong thì bắt đầu khóc. Ban đầu nghĩ chắc nò đòi bồng đi chơi nên khóc, ai có dè nó khóc hoài khóc hoài không nín, em với bà vú không biết phải mần sao. Thằng nhỏ không nóng không sốt, vậy mà hổng hiểu sao dỗ nó hông nín.
– Kỳ lạ vậy! Em đi mời thầy lang tới đây đi, nhanh đi em!
Có lệnh của Diệp Yến, Thị liền đi mời thầy lang. Rất nhanh sau đó, cả Thị và thầy lang Minh đều gấp gáp chạy tới. Chỉ là lúc cả hai người trở về, thằng nhỏ vậy mà nín khóc, lúc này đang nằm ngoan trong vòng tay của Diệp Yến, mắt còn ngân ngắn nước, thi thoảng hức lên vài tiếng, trông cưng vô cùng!
Mà cũng không phải Thị thấy lạ, tới cả Diệp Yến cũng không hiểu lý do vì sao cô bồng thì thằng nhỏ này lại nín khóc. Ngó thấy thầy lang Minh đã tới, cô liền ra lệnh cho thầy lang.
– Thầy Minh tới rồi, thầy mau lại coi coi thằng nhỏ này có bệnh chi trong người không mà nó cứ khóc suốt!
Thầy lang Minh đã nghe Thị nói sơ qua, lúc này có lệnh của mợ Hai, thầy liền đi tới xem mạch xem bệnh cho thằng nhỏ. Sau một hồi khám xét, ngó thấy thằng nhỏ không có vấn đề chi, thầy lang mới báo cáo qua với Diệp Yến.
– Dạ thưa mợ Hai, thằng nhỏ này rất khỏe, không có dấu hiệu chi là có bệnh. Chắc có thể con nít quen hơi người mẹ, bây chừ thiếu hơi nên gây sự, một thời gian chắc là quen hơi mợ rồi tự hết khóc thôi.
Diệp Yến vẫn còn chút lo lắng, cô nhìn thầy Minh, lại hỏi lẫn nữa.
– Thiệt không? Sao tôi vẫn có cảm giác thằng nhỏ này có vấn đề vậy thầy Minh? Rõ ràng vừa nãy nó khóc dữ lắm mà, vậy mà khi tôi bồng tới thì nó dụi dụi vô người tôi rồi nín dứt ngay… cái này có phải là biểu hiện chi lạ không hả thầy?
Thầy lang Minh cười, thầy bẩm trình.
– Mợ Hai nghĩ nhiều rồi, thằng nhỏ này là đang bện hơi mợ, nó chắc lầm tưởng mùi của mợ là mùi của má nó nên mới như vậy chớ hông phải bệnh chi, mợ đừng lo. Trẻ con mà, ai thương nó, nó sẽ bện hơi người đó, cũng là tìm được cảm giác an toàn của sự che chở. Tâm mợ Hai tốt, đối với thằng nhỏ này cũng là thương yêu thực lòng nên thằng nhỏ mới quý mợ mà quấn quýt với mợ… theo suy đoán của tôi thì là như vậy!
Bà vú ở cạnh bên Diệp Yến từ nãy tới giờ, tay bà cầm chén sữa, bà gật gù tiếp lời.
– Cha, chắc là như vậy rồi đó mợ, biểu sao thằng nhỏ này vừa thấy mợ là nín dứt ngay, giống hôm bữa vậy đó. Rõ ràng từ đầu thằng nhỏ này với mợ đã có duyên rồi, chắc nó tưởng mợ là má nó, nó quấn, nó bện hơi. Cái thằng nhỏ xíu vậy mà khôn quá chừng, biết kiếm chỗ tốt mà dựa hơi!
Thầy Minh với bà vú đều nói như vậy, Diệp Yến cũng buông xuống lo lắng. Cô cũng cảm thấy thằng nhỏ này có duyên với cô, nhưng không nghĩ là nó bện hơi cô tới như vậy…
Thị đi tới gần Diệp Yến, nó nhìn đứa nhỏ trong lòng Diệp Yến đang thổi bong bóng nước miếng mà nó cười, mừng rỡ kêu lên.
– Chà, cái điệu này chắc thằng nhỏ khó rời vòng tay mợ Hai được rồi, mới có mấy bữa đã bện hơi mợ, cái thằng khôn ghê!
Thị vừa dứt lời, từ ngoài cửa đã nhìn thấy bóng dáng của cậu Hai Lâm bước vào. Chắc cậu đã nghe được hết câu chuyện từ nãy tới giờ, vậy nên khi bước vào, cậu liền nhìn vợ mình mà cười, nói.
– Nếu đã có duyên như vậy, chi bằng em giữ lại thằng nhỏ này nuôi đi, chớ để cho người ta, nó khóc riết cũng thấy tội nghiệp. Anh thấy mình cũng thương thằng nhỏ này, sau này nhận nó làm con nuôi hay cháu nuôi chi cũng được.
Nghe cậu Hai Lâm nói như vậy, Diệp Yến liền cúi xuống nhìn đứa nhỏ trong vòng tay mình, trong lòng cô bắt đầu sinh ra cảm giác mến tay mến chân, cũng len lỏi lại ý nghĩ sẽ giữ thằng nhỏ bên cạnh. Có điều, lý trí của cô vẫn mạnh mẽ lắm, thương đứa nhỏ là thật, nhưng thương bản thân mình cũng là thật…
Không nhìn cậu Hai, Diệp Yến nhìn đứa nhỏ, mi mắt rũ xuống, cô nói khẽ.
– Em chưa từng làm mẹ, cũng không có kinh nghiệm chi, chắc là không dám giữ thằng nhỏ này lại nuôi. Bây chừ chưa tìm được nhà để gửi gắm thì em cứ nuôi như vậy, tìm được rồi thì gửi đi, chớ để lớn chút nữa thì khó, lúc đó mến tay mến chân lại phiền.
Cậu Hai Lâm đi tới véo yêu vào má thằng nhỏ, cậu một lòng muốn khuyên nhủ vợ mình.
– Phiền hà chi, anh thấy em nuôi thằng nhỏ cũng được mà, có chi mà ngại. Chỗ cha để anh nói chuyện, em không cần lo. Em và thằng nhỏ đã có duyên như vậy, đừng để bỏ lỡ duyên lành. Để anh sắp xếp tìm thêm một bà vú nữa, hai bà coi sóc chăm bẵm thằng nhỏ, em rảnh rỗi thì tới ngó nó một chút, vậy là được mà.
Diệp Yến im lặng, cô quả thực có do dự rồi, bởi cô cứ nhìn thằng nhỏ là nhớ tới đứa nhỏ tội nghiệp của cô, tấm lòng người mẹ thiệt khó giải bày. Phải chi… à mà không được… cô tốt nhứt không nên nhận nuôi thằng nhỏ… chỉ khổ cho cô và thằng nhỏ này mà thôi..
Nhất quyết không muốn nhận nuôi đứa nhỏ, Diệp Yến lúc này mới nhìn cậu Hai, cô cười nhạt, giọng thật ngọt ngào nhưng ý tứ lại cực kỳ cương quyết.
– Thôi mà cậu, cậu biết là em không thể giữ thằng nhỏ lại mà. Hiện chừ em chỉ muốn tìm được nhà tốt để gửi thằng nhỏ sang, như vậy là em thấy an lòng rồi…
Dừng chút, như sợ cậu Hai sẽ thuyết phục thêm, Diệp Yến liền nói tiếp, cô là muốn nói rõ cho cậu Hai nghe.
– Được rồi mà, duyên tới thì cũng chỉ có thể tới đây thôi, mần sao mà kéo dài thêm được nữa, thực tình là hông thể được mà. Cậu biết tánh em, một một hai hai, không nói suôn hai lời. Thương thì thương cũng tới đây thôi, như này là tròn lắm rồi.
Cậu Hai Lâm một lần nữa bị nghẹn ứ, cậu có biết bao nhiêu điều muốn nói, cuối cùng lại không biết phải nói cái chi. Rõ ràng cậu thấy Diệp Yến thương đứa nhỏ này lắm mà, sao cứ một hai không muốn nuôi, làm cho lòng cậu thấy bức rức vô cùng. Chỉ còn mấy tháng nữa là tới ngày hẹn, cậu thực sự không nỡ để Diệp Yến rời đi…
Diệp Yến sau khi nói rõ với cậu Hai, cô liền tìm công chuyện để làm, cũng không để cho cậu Hai có cơ hội được khuyên nhủ cô. Giữa cô và cậu Hai từ mấy năm về trước đã không còn thân mật, hai người sống với nhau ngoài tình nghĩa thì cũng chẳng còn cái chi. Cô luôn tránh né sự thân mật gần gũi với cậu Hai, mà nếu cậu Hai có đòi hỏi, cô cũng thà cắn lưỡi ch-ết chứ không chịu khuất phục. Lòng cô đã nguội lạnh thật rồi, cũng giống như đóm tro tàn, đã tàn rồi thì còn chi mà hy vọng nữa!
*
Trời đêm đầy sao, đèn trong một căn phòng nào đó được thắp sáng, ánh lửa như hình quả ớt, cháy sáng khắp cả căn phòng.
Một thân hình mảnh mai nằm dài trên ghế, bên cạnh có người ở phe phẩy cái quạt tay, tiếng nói thấp nhỏ của người ở khẽ vang lên.
– Theo em thấy thì cậu Hai ngó bộ muốn để thằng nhỏ đó cho mợ Hai nuôi dưỡng. Mà nếu như vậy thì coi bộ là rắc rối, bởi nếu để mợ Hai nhận thằng nhỏ mần con nuôi thì khác nào thằng nhỏ là con của cậu Hai?
Người nằm trên ghế khẽ nhếch môi, chậm rãi cất giọng.
– Thì có làm sao đâu chớ? Bộ mày nghĩ thằng nhỏ đó có thể được thừa hưởng tài sản của nhà bá hộ Kha hay sao? Mợ Hai mày là cái loại ngông cuồng tự cao tự đại, với lại nó cũng đâu có biết đẻ, con nó đẻ ra còn không được thì tranh sao lại được với tao mà tranh?
– Em biết là như vậy, nhưng tương lai sau này lại chuyện khó mà nói trước được. Bây chừ còn ông chủ thì cậu Hai còn ái ngại, chớ nếu lỡ sau này ông chủ mất, cậu Hai lớn quyền, lúc đó mọi chuyện ngó chừng sẽ khác à. Mợ cũng ngó thấy rồi đó, cậu Hai thương mợ Hai, chuyện này đâu phải là mợ hông biết. Em thấy mình nên tính trước, để hông sau này khó bề…
Thân ảnh mảnh mai chống tay ngồi dậy, bóng dáng thon gầy in trên bức tường, khoé môi khẽ động.
– Ý của mày là…
– Dạ, ý em là như vậy, mình phải mưu tính trước mới đặng mợ ơi!
– Chuyện này…
Thân ảnh mảnh mai khẽ lắc đầu, mí mắt rũ xuống, vừa là bực dọc, cũng vừa là quyết tâm.
– Thôi, ông bây đã dặn là nên ẩn nhẫn, tao phải ráng. Cho là mợ Hai mày có nhận nuôi thằng nhỏ đó thì cũng không có ảnh hưởng chi tới tao đâu. Tao đã chờ đợi mấy năm, bây chừ mà nôn nóng là hư bột hư đường hết. Trước mắt cứ để đó, để tao báo lại với ông mày, sau đó sẽ tính tiếp. Cái mệnh của tao phải là chính thê, ông mày đã phán thì cấm có sai… quyết định vậy đi!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN