Điều Em Cần Chỉ Là Một Vòng Tay Ôm
Chương 3: Hẹn ước
Tôn Yến Tư
“Trời tối đen”
Khởi điểm ta quen nhau.
TÀO CHÍNH NGẠN
“Tiểu Ngạn, câu này cô chỉ nói một lần thôi, vì thế cháu phải nghe, phải nhớ cho kỹ, rồi lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân mình.” Trên chuyến tàu rời khỏi Cao Hùng, cô út nói rất nghiêm túc, “Kể từ ngày hôm nay, bắt đầu từ ngôi nhà mới này, cháu là con của cô, không phải là độc đinh của một gia tộc, cháu không được giống ông nội, cũng không được giống bố cháu, gây chuyện, đánh nhau, thậm chí là…” Nghĩ một lát, cô út quyết định rút lại lời định nói, “Cháu phải ngoan, hiểu không?”
“Tại sao ạ?”
“Nếu không thì cô sẽ không cần cháu nữa, cháu sẽ không tìm được mẹ, cũng không thể về Cao Hùng, cháu sẽ trở thành trẻ mồ côi, như vậy đấy.”
Như vậy đấy.
Trong vòng bốn năm, sau tuổi lên mười.
Bất kể về vóc dáng hay tính cách, tôi đều già dặn hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác, tôi nghĩ cái trước là do di truyền, còn cái sau là nhờ cách dạy bảo của cô út, trong mấy năm tôi từ mười đến mười bốn tuổi.
Lúc cùng cô chuyển đến vùng nông thôn nhỏ bé này vào năm mười tuổi, chiều cao của tôi đã là 1m68, và tôi rất hứng thú với món quà sinh nhật cô út tặng.
Haruki Murakami. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời.
“Đây là cái gì ạ?”
“Sách, sách hay đấy.”
“Ồ.”
Trợn mắt nhìn quyển sách có cái tên kỳ quặc này.
“Viết về cái gì đấy ạ?”
Vì không muốn làm cô út buồn, tôi đành phải vờ hứng thú hỏi.
“Con một, và nỗi cô đơn.”
Con một và nỗi cô đơn. Cô út nói, sau đó đến bản thân tôi cũng không ngờ, tôi lại mở nó ra đọc.
Đọc, và mê mẩn.
Tôi cảm giác trong quyển sách như có gì đó nắm lấy tôi.
Khi các bạn cùng lớp gọi bạn gọi bè lao ra sân vận động chơi trò chơi sau giờ tan học, thì tôi lại một mình chạy đến phòng đọc để đọc Haruki Murakimi, đọc một mạch từ đầu đến cuối, tôi không hiểu sao một phòng đọc nhỏ bé ở vùng quê hẻo lánh này lại có thể bày nguyên cả bộ Haruki Murakimi? Tôi ngờ rằng chỗ sách ấy đều do cô út, người đang dạy cấp một ở đây quyên góp, có điều dù sao cũng chẳng liên quan gì tới tôi.
Tôi đọc Haruki Murakimi, bắt đầu từ năm mười tuổi, và đúng như lời cô út, trong sách có rất nhiều điều tôi không thể cắt nghĩa, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng thành vấn đề, vì đọc sách khiến tôi cảm thấy an toàn, cũng khiến tôi nhìn thấy một thế giới khác: Nhật Bản.
“Đừng gọi cho mẹ cháu nữa, Tiểu Ngạn. Mẹ không nhận được đâu.”
Một hôm, thấy tôi vẫn cứ cố chấp đòi gọi điện cho mẹ, cô út đã không dừng được nói như vậy, đó là một trong rất ít lần cô chịu nói với tôi về mẹ, có lẽ là ông nội đã hạ lệnh giữ kín mồm miệng, tôi nghĩ vậy.
“Sao cô lại biết ạ?”
“Vì cô giúp đưa mẹ cháu lên máy bay, đừng nói cho ông nội biết nhé.”
“Tại sao ạ?”
“Vì ông nội đã đủ ghét cô rồi, nếu để ông biết chuyện này nữa, chắc chắn ông sẽ đánh gãy chân cô.” Đánh gãy chân cô, cô út nói, khi nói câu này, vẻ mặt cô kinh hoàng như thể vừa lỡ mồm, cô đổi chủ đề một cách hoàn hảo: “Nhân vật nữ chính trong quyển sách ấy cũng là cô gái bị tật ở chân.”
“Cũng ý ạ?”
“Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời.”
Cô út trả lời chẳng liên quan đến câu hỏi, rồi từ nụ cười của cô, tôi hiểu rằng chủ đề này đã được đặt dấu chấm hết.
Cũng.
Mẹ.
Đặt dấu chấm hết.
Haruki Murakimi.
Mẹ đi Nhật.
Ông nội ra lệnh giữ kín mồm miệng.
Cô gái có tật ở chân.
Hình như vào năm lớp 7, môn Ngữ văn có đề bài tập làm văn là “Chí hướng của tôi”, lúc đó tôi chẳng buồn suy nghĩ, viết luôn chí hướng của mình trong tương lai là làm nhà văn, hơn nữa còn là nhà văn giỏi như Haruki Murakimi, với cả, đi Nhật tìm mẹ.
Kết quả sau khi bài văn được sửa và trả lại, lời nhận xét của thầy không phải giỏi quá hay cố lên, mà lại là giữ tôi lại lớp sau giờ tan học để nói chuyện riêng.
“Tìm mẹ? Mẹ em chẳng phải đang dạy Lịch sử ở đây hay sao?”
Đó là cô út chứ không phải mẹ em, tôi thầm nghĩ.
“Hay là cô Tào sau này sẽ đi Nhật?”
Trông thầy có vẻ rất lo lắng, tôi ngờ thầy yêu thầm cô út.
“Không phải ạ, em có hai người mẹ, một người ở Nhật.”
Nghe câu này, thầy ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu khó hiểu. Thiếu niên cô đơn cổ quái, tôi đoán đây có lẽ là ý nghĩ của thầy lúc đó.
“Em cao thế này không chơi bóng rổ thì đáng tiếc quá, có hứng thú tham gia vào đội bóng rổ của trường do thầy dẫn dắt không?”
Tôi lắc đầu.
Năm đó chiều cao của tôi là 1m75.
Có lẽ vì lý do chiều cao, từ trước đến nay, tôi liên tục bị các cô gái hỏi thông tin cá nhân, mỗi lần gặp phải tình huống như vậy, tôi luôn thân thiện đồng ý, viết ra thông tin cá nhân của mình, lại còn rất lịch sự hỏi lại thông tin cá nhân của cô ấy để bày tỏ thiện ý cũng như giúp cô ấy bớt căng thẳng, về điểm này tôi không bốc đồng gây rối như các cậu con trai khác, tôi nghĩ mình như vậy rất phù hợp với kỳ vọng của cô út.
“Tiểu Ngạn phải ga lăng nhé.”
Cô út nói, lần này hiếm hoi tôi không cần hỏi tại sao, cô đã chủ động giải thích:
“Không được làm con gái khóc, phải làm con gái cười, bởi vì trách nhiệm của con trai là bảo vệ con gái.”
Khi con gái cười là đáng yêu nhất. Cô út nói, tôi đồng ý, bởi vì cô út lúc nào cũng nở nụ cười trên môi, sau khi rời bỏ gia tộc, cô trở nên vui tươi hơn rất nhiều. Tôi đồng ý, thế nhưng tôi không nói với cô út là, tôi thầm yêu một cô gái từ rất lâu rồi, cô ấy không hay cười, cô ấy tên là Trương Tĩnh.
Trương Tĩnh là bạn học lớp bên cạnh lớp tôi hồi tiểu học lẫn cấp hai, Trương Tĩnh không hay cười, hơn nữa cô ấy rất cao, mỗi lần nhìn cô ấy từ xa, tôi hay tưởng tượng sau này cô ấy lớn lên chắc sẽ cao gầy vào hấp dẫn như mẹ!
Hấp dẫn, đúng vậy, hấp dẫn.
Nói đúng ra thì Trương Tĩnh không phải kiểu người đẹp điển hình, thậm chí nếu có hỏi: “Bạn thấy ai là cô gái xinh nhất trường?” Có lẽ trong mười người sẽ chỉ một mình tôi trả lời là Trương Tĩnh, không, thậm chí đến tôi cũng không cho rằng Trương Tĩnh là cô gái xinh nhất trường. Thế nhưng không hiểu sao, con người Trương Tĩnh lại mang một sức hấp dẫn đặc biệt của riêng cô ấy, cái này không liên quan đến vẻ đẹp bên ngoài, mà là sức hấp dẫn cá nhân, không phải đẹp nhất, nhưng lại đặc biệt nhất.
Một Trương Tĩnh như vậy, đương nhiên có cả đám bạn trai theo đuổi, thế nhưng chưa bao giờ nghe nói ai thành công, mà ngược lại những câu đồn đại ác ý như “Trương Tĩnh là les” thì ai ai cũng nghe không ít lần.
Không ai cưa được Trương Tĩnh, đến tận kỳ nghỉ hè năm lớp 8.
Tôi nhớ rất rõ, về kỳ nghỉ hè năm đó, và cả mùa hè năm đó nữa.
Nói một cách chính xác thì chuyện xảy ra ngay hôm trước kỳ nghỉ hè, hôm đó vừa hết giờ học, tôi theo thói quen lấy quyển truyện Haruki Murakami trong ngăn bàn ra đọc, tôi còn nhớ rất rõ mình đọc đúng quyển Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, không nhớ là lần thứ mấy đọc lại, nhưng tôi vẫn ấn tượng đang đọc đến đoạn nhân vật nam chính Hajime kể lại chuyện mình cùng nhân vật nữ chính ngồi trong phòng khách nghe nhạc, thì thằng con trai đầu gấu nhất lớp bỗng tiến về phía tôi, yêu cầu tôi ra căng tin mua nước ngọt cho nó.
Không rõ có phải do đọc sách say sưa quá hay không mà lúc đó tôi không biết lấy đâu ra dũng khí, trả lời nó: “Không.”
“Mày nói cái gì?”
“Tao nói không.”
Sau đó nó tức giận hất tung chiếc bàn của tôi, chỉ thẳng mặt tôi gầm lên:
“Mày đi đường cẩn thận đấy! Tao sẽ gọi hội tẩn chết mày!”
Và cả:
“Đừng tưởng mẹ mày là giáo viên mà tao không dám đánh nhé! Tao đánh cả mẹ mày luôn!”
Chính vào lúc này, trong người tôi có gì đó bị đánh thứ , tôi nhớ lại vụ đánh nhau năm mười tuổi, những giọt máu, những mảnh kính vỡ, còn cả khuôn mặt kinh hoàng đó nữa.
Tôi tự nhủ không được quay lại làm con người ngày xưa.
Tôi, sợ hãi.
Sợ nó thực sự gọi hội đến tẩn tôi, sợ hơn nữa là, mình lại quay về làm mình ngày xưa, quay về làm đứa cháu độc đinh của gia tộc xã hội đen.
Tôi sợ dòng máu xã hội đen chảy trong cơ thể mình.
Sợ hãi.
Bản mặt thằng ấy cùng lời cảnh cáo của nó ngày ngày đều hiện ra trước mắt tôi, ăn cơm tôi cũng nhớ đến nó, đi ngủ tôi cũng mơ thấy nó, đến cả đi tiểu tôi cũng sợ nó đột ngột xông vào đánh tôi, đánh chúng tôi. Suốt kỳ nghỉ hè tôi không dám ra khỏi cửa một bước, vì sợ gặp nó trên đường, tôi thậm chí sợ ngày nào đó nó thực sự gọi hội đến đánh cô cháu tôi, tôi sợ mình lại trở thành con người ngày xưa.
Tôi thậm chí sợ vẻ mặt thất vọng của cô út, tôi sợ cô út không cần tôi nữa, như vậy tôi sẽ trở thành trẻ mồ côi, tôi thậm chí không có cách nào để đi tìm mẹ, vì cô út là người duy nhất biết mẹ đang ở đâu, tôi…
Từ tận đáy lòng tôi thấy sợ hãi.
Cho đến tận ngày 31 tháng 7 ấy.
Tôi nhớ rất rõ, hôm đó là sinh nhật tôi, cô út hào hứng muốn dẫn tôi đi núi Kiếm Hồ chơi để chúc mừng, lúc đầu tôi từ chối, từ chối ra khỏi nhà, vì tôi sợ ra ngoài sẽ bị thằng đó chặng đường, tôi thậm chí sợ nó cũng có mặt ở núi Kiếm Hồ, tôi sợ vô cùng.
Đến tận khi vẻ mặt ngơ ngác không hiểu chuyện gì của cô út xuất hiện trước mắt tôi.
Trong ánh mắt của cô út, tôi bỗng hiểu ra.
Đột nhiên hiểu ra.
Bởi vì trách nhiệm của con trai là bảo vệ con gái mà.
Tôi phải trở nên mạnh mẽ, tôi phải dũng cảm hơn, tôi phải bảo vệ con gái, không đúng sao?
Và thế là hôm đó chúng tôi vẫn ra khỏi nhà đến núi Kiếm Hồ chơi, chơi rất xõa, hơn nữa không hề gặp thằng đó, để mà bị đánh cho một trận gãy chân. Sau đó, đến tôi cũng thấy làm lạ, tối hôm về đi ngủ, cảm giác của tôi không phải thở phào nhẹ nhõm mà là rất xấu hổ.
Tôi thấy xấu hổ vì sự nhu nhược của mình.
Hôm sau tỉnh dậy, tôi lập tức cất ngay Haruki Murakami vào ngăn kéo khóa lại, tiếp theo tôi cầm lấy quả bóng rổ, đi ra ngoài, ra ngoài chơi bóng rổ, tập như điên, luyện như dại, bởi vì, tôi phải trở nên mạnh mẽ. Hôm đó tôi phá được mấy quả bóng của các bạn, họ bị tôi phá bóng không dễ chịu chút nào, nhưng vì thế mà tôi phát hiện: Hóa ra trở nên mạnh mẽ là chuyện an toàn nhất trên đời.
Sau khi về nhà, tôi cố tình ăn nhiều hơn, thậm chí còn mua tạ rồi trốn trong phòng âm thầm tập luyện, cả một mùa hè qua đi, chiều cao của tôi nhích lên 1m77, cơ bắp cũng trở nên săn chắc mạnh mẽ, còn nữa, tôi bắt đầu kiếm người đánh nhau. Bắt đầu đánh từ thằng gầy gò nhỏ bé nhất, không có lí do, không cần nguyên nhân, chỉ dựa vào một câu: “Nhìn cái gì mà nhìn!”
Tôi đánh nhau, để chứng minh sức mạnh của mình, và rằng: tôi mới là đại ca.
Tôi không muốn sợ hãi nữa.
Vào ngày cuối cùng của học kỳ một năm lớp 8, tôi hẹn thằng ngày xưa kêu tôi đi mua nước ngọt thách đấu, chuyện này làm cả trường xôn xao, không phải vì tôi dám cả gan thách đấu nó, mà là vì tôi đánh thắng nó, mà trong tay thằng đó có khóa chữ U, còn tôi chỉ tay không bắt giặc.
“Sau này đừng có tùy tiện sai người khác đi mua nước ngọt.”
Quăng lại câu này, tôi khệnh khạng bỏ đi.
Sau kỳ nghỉ đông đi học lại, tôi đã là nhân vật tiếng tăm trong trường, hoặc nên nói là : đại ca cứng nhất.
Tôi là Vua.
Còn nữa, tôi thành công cưa đổ được Trương Tĩnh, cô gái khó tán nhất trường, Trương Tĩnh. Tôi thực sự cảm thấy không có gì là mình không làm được, thực sự không có gì là không thể, tôi tìm được cách sống đúng là mình, cách mình đáng ra nên sống.
Tôi vốn là vậy, cháu độc đinh của gia tộc xã hội đen.
Còn cô út, rất thất vọng. Rất thất vọng, nhưng không nói gì, tôi nghĩ có lẽ chỉ là vì cô út hiểu rằng: Cuối cùng tôi cũng không thể che đậy được dòng máu chảy trong cơ thể mình.
“Định mệnh.”
Cô út không hề ruồng bỏ tôi như lời cảnh cáo trên chuyến tàu hỏa rời khỏi nhà năm tôi mười tuổi, cô chỉ thở dài, rồi nói hai chữ định mệnh, chỉ vậy thôi.
Định mệnh.
Tôi nghĩ có lẽ vì tôi cũng là mối liên hệ duy nhất giữa cô và gia tộc! Mặc dù hai người chúng tôi không ai còn liên lạc với gia tộc.
Dù vậy.
Đó là một hôm trời mưa, tôi nhớ rất rõ.
Hồi đó tôi đã bắt đầu đi xe máy đi học, có một lần bị thầy giám thị bắt, tôi thầm nghĩ trò này vui quá, rồi vặn hết ga, phóng xe cho thầy đuổi, cứ như đua xe với thầy, chúng tôi đuổi nhau vào tận trong trường gây xôn xao toàn trường, chúng tôi phóng lên tận góc báo ngày hôm sau trong mục xã hội.
Vào đúng hôm lên báo, một mặt tôi muốn nể mặt chủ nhiệm phụ trách kỷ luật, nhưng mặt khác vẫn không tự giác cứ đi xe máy đến trường, hôm đó trời mưa rất to, to như trút nước. Trong cơn mưa to đó, tôi nghe thấy một tiếng [bad word], dừng xe lại, tôi tò mò nhìn về phía phát ra âm thanh ấy, thì trông thấy một thằng rất phỉ đứng bên cạnh cột điện, vẻ mặt tan nát, tôi nhận ra nó là Tiêu Khải Hiên ở lớp 16, vì nó thực sự rất phỉ, nên thật lòng không muốn tẩn nó cũng khó, mà quả thật có lần nó đi ngang qua lớp tôi, ngay lập tức chúng tôi cầm ghế ném về phía nó, rồi xông vào đánh nhau.
Lần đó, nó bị chúng tôi đánh gẫy ba chiếc xương sườn.
“Mày làm cái gì thế?”
“Mẹ kiếp! Bố mày hôm nay không có tâm trạng đánh nhau với mày.”
“Làm sao?”
“Thuốc lá của tao ướt rồi.”
Tiếp đó tôi được biết, thằng này tuy cũng thuộc thành phần bất hảo trong trường, nhưng ở nhà lại chấp nhận làm con trai ngoan, là loại con trai ngoan mà mẹ có thể kiểm tra cặp, là loại con trai ngoan mà nếu mẹ biết nó hút thuốc sẽ khóc hết nước mắt, vì thế hôm nào sau khi tan học nó cũng giấu thuốc ở cây cột điện số 7 trên đường đi, sau đó về nhà làm con ngoan, hôm sau khi đi học, lại mang thuốc đến trường hút cho đã, mà nếu hôm đó trời mưa thì thuốc của nó sẽ bị ướt hết, cả ngày hôm đó tâm trạng của nó sẽ tồi tệ đến mức chỉ muốn gục xuống bàn ngủ vùi.
“Tại sao lại là cây cột điện số 7?”
“Lucky 7 mà.”
“Vớ vẩn.”
“Mày có không?”
“Thuốc á?”
“Chả thuốc thì gì? Không lẽ cơm hộp à?”
“Ở đây á? Mưa to lắm đấy.”
“Cũng đúng.” Vẻ rất buồn rầu, nó nghĩ một lát, rồi sau khoảng bảy giây, nhe ra nụ cười rất phỉ mà người khác nhìn thấy chỉ muốn đấm cho mấy phát.
“Mày đánh bi a không?”
“Đánh chứ.”
“Thế này đi, tao mời mày đánh bi a, mày mời tao hút thuốc, thế nào?”
“Không tồi.”
Thế là tôi để nó ngồi lên yên sau, quay đầu xe, chúng tôi không đi học mà đi đánh bi a, đó là khởi điểm tình bạn của chúng tôi, hôm đó, Tiêu Khải Hiên thắng liền mấy ván.
Nó đánh nhau thua tôi, nhưng đánh bi a thắng tôi.
Lần nào cũng vậy.
“Ê! Trương Tĩnh là gấu của mày đó à?”
Sau khi chúng tôi nhanh chóng trở thành anh em tốt, có hôm tan học ngồi bên sân vận động hút thuốc, Tiêu Khải Hiên bỗng hỏi tôi câu này.
“Đúng rồi.”
“Sao mà cưa được vậy?”
“Làm gì?”
“Tham khảo.”
“Mày muốn cưa ai?”
“Cưa đổ rồi sẽ nói với mày.”
“Tại sao?”
“Nếu không thì mất mặt lắm.”
“Ờ.”
Nghĩ một lát, tôi quyết định nói thật cho Tiêu Khải Hiên:
“Đến lớp cô ấy, tự giới thiệu bản thân, còn nữa, tôi hy vọng cậu làm bạn gái tôi.”
“Một mình á? Hay là rủ mấy anh em đi cho đỡ run?”
“Một mình, vì tao sợ làm cô ấy sợ.”
Mặc dù trên thực tế mình tôi đi cũng đủ làm Trương Tĩnh sợ rồi, thần kinh cô ấy khá yếu lại dễ bị căng thẳng, đó là chuyện sau này tôi mới phát hiện ra, hoặc nên nói là chuyện mà tất cả mọi người lúc đó đều không phát hiện ra.
“Chỉ thế thôi?”
Tiêu Khải Hiên trông có vẻ rất kinh ngạc.
“Còn nữa chứ, sau hôm đó tao mua bữa sáng cho nàng bảy ngày liền tù tì.”
“Ờ há… mua bữa sáng.”
Cuối cùng, Tiêu Khải Hiên lẩm nhẩm như vậy.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!