Gặp Người Đúng Lúc - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4836


Gặp Người Đúng Lúc


Phần 2


Mẹ tôi nghe thế, bực lắm nên cũng to tiếng bảo:

– Bà tưởng mình nhà bà tốn tiền à, tiền cỗ nhà tôi thì ai đền. Nhà các người lúc đòi cưới thì đến xin cưới bằng được, giờ trở mặt còn hơn lật bàn tay. Danh tiếng con tôi nhà các người có đền được không mà giờ còn vác mặt đến đây đòi tiền, bà không có tự trọng à?
– Con nhà bà mới không có tự trọng, nó bám theo thằng Nhật nhà tôi dai như đỉa nên tôi mới phải nhắm mắt cho lấy. Nếu không bà tưởng tôi thèm đến nhà bà chắc? Đấy, giờ thằng Nhật nó có cả vợ cả con kia kìa, cháu trai đích tôn luôn nhé. Nhìn xem con nhà bà thế nào mà đòi với được con tôi? Bị nó hủy hôn là đúng.
– Ít nhất con nhà này cũng làm bác sĩ ở bệnh viện to, vừa đẹp gái vừa có công ăn việc làm đàng hoàng, nhìn lại mình xem con cái có nên hồn không rồi hãy nói người khác không với được con mình nhé. Con nhà bà bám con nhà tôi hay con nhà tôi bám con nhà bà thì tự biết.
– Làm bác sĩ mà to á? Thằng Nhật nhà này làm công ty nước ngoài, lương tháng mấy chục triệu, con dâu nhà này chỉ ở nhà chơi không nhưng một tháng tiền cổ phần của nó cũng cả trăm triệu nhé. Lương bác sĩ của con bà to lắm đấy, một tháng có được nổi hai chục triệu không?
– Lương bao nhiêu chả quan trọng, quan trọng nó có đạo đức, còn hơn cái gia đình từ trên xuống dưới không có nổi tý đạo làm người.
– Bà chửi nhà ai không có nổi đạo làm người đấy…

Tôi thấy mẹ chồng hụt của mình hùng hùng hổ hổ định xông vào cào cấu mẹ tôi thì vội vàng chạy xuống, hét lên:

– Hai người thôi đi. Hủy cưới thì hủy cưới rồi, cãi nhau làm gì nữa. Mẹ, mang tiền lễ trả cho nhà người ta đi.

Mẹ Nhật thấy mặt tôi cái thì bù lu bù loa lên:

– Đấy, con Linh mày nói với mẹ mày đi. Trả lại tiền cho nhà tao. Nhà tao không cưới nữa, nhà mày định nuốt không tiền sính lễ đấy à?

Mẹ tôi cũng hung lên, quát lại:

– Chỉ có cái thứ vô văn hóa mới ăn nói, cư xử thế thôi. Đã hủy hôn làm hỏng danh tiếng nhà người khác còn dám vác mặt đến đòi tiền. May mà tổ tiên tám đời phù hộ con tôi chưa lấy con nhà bà, nếu không thì không khác gì bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.
– Nhà chúng mày là bãi cứt trâu thì có, thế nên nhà tao mới hủy cưới cho ê chề cái mặt. Để xem con mày còn lấy được ai không nhé. Con gái mà đúng hôm cưới bị hủy hôn thì vênh váo lắm đấy, xem có thằng nào chịu rước của nợ đó không?

Tính tôi từ nhỏ đến lớn không phải kiểu cam chịu, nhưng yêu Nhật ba năm, vì không muốn phải chia tay nên khi gia đình anh ta phản đối chuyện của chúng tôi, tôi vẫn im lặng coi như không biết gì.

Mà thực ra lý do phản đối ấy cũng không có gì to tát, chỉ vì nhà anh ta cũng không có điều kiện bằng nhà tôi nhưng mẹ anh ta đúng kiểu lòng tham vô đáy, thấy nhà bạn thân tôi có công ty riêng, nhiều tiền hơn nên không thích tôi bằng Bích. Giờ thì đúng ý bà ta luôn rồi, có con dâu giàu, có cả cháu đích tôn.

Tôi cười:

– Vâng, chuyện ai rước cháu là việc của gia đình cháu bác ạ. Còn tiền sính lễ thì cháu thấy thế này. Tiền đó là tiền nhà bác bỏ ra, cả mâm quả nữa, giờ không cưới nữa thì nhà cháu trả cho bác là đúng rồi.
– Chứ còn gì nữa, định nuốt không mấy chục triệu á, nghẹn đấy con ạ. Không nuốt nổi đâu.
– Vâng. Nhà cháu cũng không có ý định lấy của nhà bác, thiếu gì thì thiếu chứ mấy chục triệu và liêm sỉ chắc nhà cháu không thiếu ạ.
– A con ranh này, mày… mày nói ai thiếu liêm sỉ đấy?
– Không, cháu có nói bác đâu.
– Tao thèm vào mà giành giật mấy đồng bạc lẻ với nhà mày mà mày bảo tao không có liêm sỉ nhé. Nhưng tiền của tao thà đem đốt còn hơn cho không cái loại nhà mày.
– Vâng, thế nên giờ bác tính tổng xem bao nhiêu, mẹ cháu trả lại cho bác.
– Tiền lễ đen năm mươi triệu, tiền mâm quả ba mươi triệu. Tổng tám mươi triệu đưa đây.
– Vâng, để mẹ cháu đưa cho bác. Tiện thể bác bảo anh Nhật gửi giường tủ cháu mua lại cho cháu nhé. Không cưới nữa thì cho cháu xin lại về để đốt ạ.
– Mày… tao… nhà tao thèm vào lấy của mày.
– Vâng.

Tôi giật giật áo mẹ, ý bảo bà đi lấy tiền trả lại cho người ta. Ban đầu, mẹ tôi vẫn tức nên hậm hực không đi, mãi sau thấy tôi kiên quyết thế cũng đành vào nhà lấy tiền đưa cho tôi.

Nếu cư xử giống trong phim thì có lẽ nên cầm cả xấp tiền ném vào mặt bà ta mới đúng, nhưng mà tôi không làm thế. Bởi vì dù sao người ta cũng là người lớn tuổi, họ cư xử đã không có học rồi, mình được ăn học đàng hoàng thì phải cư xử khác họ.

Tôi cầm tiền đưa cho mẹ của Nhật, tôi bảo:

– Đây, tiền của nhà bác đây ạ. Bác cầm về rồi mong bác từ giờ đừng đến làm phiền gia đình cháu nữa ạ. Nhà cháu trước nay chưa cãi nhau kiểu chợ búa với ai bao giờ, bác đến làm ầm ỹ thế này, hàng xóm họ nhìn vào thì không hay đâu ạ.
– Không phải nhà mày nuốt tiền thì tao cũng thèm vào mà bước chân đến cái nhà mày. Nhà mày sống tốt đẹp quá cơ, xem mẹ con mày sống thế nào mà bố mày lại cặp bồ bên ngoài nhé. Đúng là nhà dột từ nóc. Nếu tử tế thì con tao đã chả hủy cưới.
– Cháu nghĩ câu này nên đổi lại, nếu nhà bác tử tế thì đã chẳng làm những cái trò như thế. Mà thôi, đến giờ cháu phải cảm ơn bác vì bác hủy cưới đấy ạ. Mời bác về cho.

Bà ta định cãi nữa nhưng xong thấy mặt tôi lạnh như tiền, còn mẹ tôi thì điên lắm rồi, đành hậm hực lẩm bẩm chửi thêm mấy câu rồi đi về.

Lúc bóng bà ta vừa ra khỏi cổng, mẹ tôi đã quát ầm lên:

– Mày sướng chưa con, đẹp mặt chưa? Tao đã bảo cái thằng đó nhìn mặt không đáng tin rồi, mày cứ đòi lấy bằng được, giờ sáng mắt chưa?
– Con sáng mắt rồi.
– Sáng mắt rồi thì kiếm lấy một thằng gấp năm, gấp mười lần nó rồi dẫn về đây. Mày phải lấy thằng hơn thằng Nhật cho nhà đó biết đứa nào là bãi cứt trâu. Cái loại thông gia như thế, có cho tiền thêm tao cũng chẳng thèm.

Tôi không muốn tranh cãi với mẹ thêm về chuyện này nữa nên nói qua loa vài câu rồi bỏ lên phòng, đến giờ cơm cũng chẳng muốn xuống ăn.

Thật ra, gia đình tôi trước đây đã từng hạnh phúc, khi đó cuộc sống còn khốn khó nhưng bữa cơm nào cũng quây quần đủ bốn người. Cho đến sau này, cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn thì tỉ lệ thuận với đó là bữa cơm dần thưa dần người, thưa mãi tới lúc chỉ còn mỗi hai mẹ con tôi.

Anh trai tôi bị tai nạn giao thông mất năm hai mươi tuổi, hai năm sau bố tôi công khai chuyện ngoại tình và nuôi thêm vợ bé bên ngoài. Đến giờ, họ còn có cả một đứa con trai riêng. Thế nên gia đình Nhật phản đối chuyện của chúng tôi, ngoài chuyện nhà tôi không giàu bằng nhà Bích ra thì còn một phần lý do vì bố tôi không đứng đắn nữa.

Tôi nằm ì trên giường ngẫm nghĩ những chuyện đã qua, xong lại thở dài, không oán trách số phận mình mà chỉ trách tôi đúng là có mắt mà như mù, phí hoài gần mười năm để chơi với một người bạn chẳng ra gì, phí hoài ba năm thanh xuân để yêu một thằng cặn bã.

Mà nhắc đến tào tháo là thấy tào tháo ngay, tôi vừa cầm điện thoại lên đã thấy Nhật nhắn tin đến:

– Em đang làm gì đấy? Mẹ anh mới đến nhà em à?

Tôi không thèm trả lời, lát sau lại thấy anh ta nhắn tiếp:

– Để anh thu xếp trả lại em số tiền đó nhé, anh xin lỗi, mẹ anh tính thế thôi chứ không phải xấu xa gì đâu, em đừng chấp mẹ nhé. Còn giường tủ thì từ từ rồi anh mua cái mới trả lại cho em, chứ giường nằm rồi trả lại anh hơi ngại.
– Bạn của người yêu còn dùng được, giường nằm rồi trả lại có là gì?
– Anh xin lỗi, anh biết anh với Bích có lỗi với em. Anh không dám mong em tha thứ, chỉ mong em tìm được người khác tốt hơn anh thôi. Anh xin lỗi.

Giờ ngẫm lại mới thấy những thằng dẻo mỏ là những thằng rất văn vở, ba năm yêu nhau anh ta luôn đối xử tốt với tôi, chưa từng chia tay lần nào, cũng ít khi cãi cọ. Thế mà đúng lúc tôi tưởng chuyện tình ấy sẽ kết thúc bằng một đám cưới màu hồng thì anh ta lại cắm cho tôi cái sừng to thật, mà cay nhất còn cắm cùng với đứa bạn thân tôi.

Tôi bực mình không nhắn lại, tiện tay tắt luôn nguồn điện thoại rồi đánh một giấc ngon lành đến tận buổi sáng hôm sau.

Đến bệnh viện đi làm, mọi người vẫn nhìn mình kiểu thương hại vì bị hủy hôn, nhưng mà tôi cứ động viên mình rằng: dù sao gặp gỡ bệnh nhân, đeo găng tay mổ xẻ cứu người cũng làm mình cảm thấy tinh thần thoải mái hơn nhiều. Chỉ có điều, tâm trạng của tôi còn chưa hồi phục được bao nhiêu thì lại gặp đúng sao quả tạ.

Chiều hôm đó, tôi vừa mới mổ xong một ca thì điều dưỡng báo phải chuẩn bị phẫu thuật một ca tai nạn mới vào. Tôi quen rồi nên không quan tâm lắm, chỉ dặn điều dưỡng chuẩn bị dụng cụ, lúc sau bước vào phòng tiểu phẫu thì bỗng dưng nhìn thấy trên bàn phẫu thuật là khuôn mặt “hơi hơi quen”.

Khuôn mặt này dù mới gặp đúng một lần nhưng tôi vẫn nhớ như in, thứ nhất vì anh ta quá ngon trai, thứ hai là vì tôi đang còn nợ anh ta mười lăm triệu, sau đó không những quỵt tiền mà còn ném chìa khóa xe của anh ta, bỏ anh ta lại khách sạn để chuồn mất.

Vì làm việc xấu nên tôi bỗng chột dạ, vội vàng kéo khẩu trang lên để che kín mặt, mà cái bạn đẹp trai ấy thấy tôi đi vào cũng mở mắt ra nhìn, xong hình như cũng không nhận ra tôi nên anh ta chỉ nhìn chưa đầy một giây rồi hờ hững quay đi.

Thấy thế tôi mới tôi nhanh chóng khôi phục lại tinh thần, giả vờ quay sang hỏi một bạn bên cạnh:

– Tai nạn gì đây hả Yến?
– Tai nạn ô tô chị ạ. Kết quả chụp Xquang thấy không gãy xương nhưng bị lột hết một mảng thịt bên ngoài ạ, cơ với dây thần kinh bị đứt hơi nhiều đấy.
– Đưa phim chụp chị xem.

Sau khi xem phim chụp, tôi thấy xương chân anh ta may vẫn lành lặn bình thường, lớp da, tổ chức dưới da và cơ chân tổn thương nhiều. Vậy mà anh ta không hề giống như những bệnh nhân bị tai nạn khác khi đưa vào phòng phẫu thuật, không kêu không la, thậm chí rên nhẹ một tiếng cũng không có. Kiểu thái độ không biết đau này làm cho cả đống bác sĩ lẫn y tá trong phòng phải trầm trồ, nhất là các em trẻ.

Sức chịu đựng đúng là dã man thật.

Tôi là bác sĩ chính nên không thèm quan tâm đến những việc đó, chỉ tập trung làm phẫu thuật cho anh ta. Vật lộn hơn bốn tiếng, cuối cùng đến gần năm giờ chiều tôi cũng chỉnh được xương và khâu cho anh ta xong xuôi. Bệnh nhân gây mê từ đầu nên lúc làm phẫu thuật tôi không có cảm giác gì, mãi đến khi xong, con bé Yến mới kéo áo tôi bảo:

– Chị Linh ơi, đẹp trai nhờ.
– Chị thấy mày phụ mổ mà không chú tâm gì cả, chỉ nhìn mặt bệnh nhân. Mặt lão ấy phải khâu à mà mày nhìn.
– Nhưng mà đẹp trai, đẹp thế này ai kìm lòng được.
– Đẹp trai thì mày hốt nhanh đi, đằng nào cũng phải nằm viện cả tháng nữa mới đi được cơ mà. Tranh thủ đi em.
– Lúc nãy em xem chứng minh thư với số điện thoại rồi nhá. Tên đã đẹp, người cũng đẹp, mà số điện thoại cũng đẹp luôn nữa. Mà thôi, chỉ tính riêng cái thần thái ông này trên bàn phẫu thuật là bọn em chết mê chết mệt rồi. À mà lần này chị ăn chay rồi à?
– Ừ, hôm nay rằm nên chị ăn chay.
– Trước giờ có thấy bà kiêng ngày nào đâu, cứ thấy trai là sáng mắt lên cơ mà.
– Giờ tâm hồn đang đau khổ, tạm thời kiêng thịt.
– Xùy. Không biết ông này có người nhà chăm không nhỉ? Nãy giờ chẳng thấy ai đi cùng cả. Thấy bảo taxi đưa vào đây đấy.
– Mày quan tâm đến cả những việc đấy làm gì thế em?
– Để em xem có kiêm được luôn cả việc tắm cho anh ấy nữa chứ còn làm gì nữa, bà này hôm nay ngây thơ thế.

Tôi phì cười. Trên đời này, tôi mê trai số một thì Yến mê trai số hai, mà cũng vì cái bệnh mê trai đó mà con bé vào làm ở khoa chưa bao lâu đã bắt đầu thân thiết với tôi rồi.

Nhưng mà cái anh có lông mi đẹp hơn cả con gái đấy thì tôi không có hứng lắm, tôi không thích kiểu đàn ông sức dài vai rộng mà không chịu làm ăn chân chính, cứ muốn dựa vào vốn tự có để kiếm tiền. Mà giờ nhu cầu các quý bà sồn sồn thì chỉ thiếu tình chứ có thiếu tiền đâu, vung tay rộng rãi cho anh ta mặc quần áo hàng hiệu, mua xe ô tô đẹp, mua sim điện thoại đẹp, anh ta đánh mất bản thân trước cám dỗ cũng đúng thôi.

Nghĩ thế nên tôi giao hết việc theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật cho Yến rồi tranh thủ ký nốt đống bệnh án để còn ra về. Nhưng mà còn chưa kịp cởi áo blouse ra thì bỗng nhiên chú trưởng khoa lại gọi riêng tôi vào phòng làm việc.

Tôi ngơ ngác chẳng biết mình phạm tội gì, cứ tưởng lỡ tay để quên băng gạc trong bụng bệnh nhân nên giờ bị gọi vào phòng để mắng cho trận, ai ngờ vừa thấy tôi bước vào, chú ấy đã niềm nở nói:

– Ngồi đi cháu, ngồi đi.
– Vâng ạ. Chú gọi cháu có việc gì không hả chú?
– Nãy cháu mới vừa khâu ca rách cơ chân của bệnh nhân tên Quân có đúng không?
– Quân ạ, Quân nào… à, cháu nhớ rồi ạ. Lúc chiều cháu vừa làm ca đó, sao thế hả chú? Cháu làm sai hay hỏng chỗ nào ạ?
– Không, chú mới kiểm tra rồi, không sai chỗ nào cả. Phẫu thuật tốt mà.
– À vâng ạ. Thế có chuyện gì hả chú?
– Giờ bệnh nhân đó tỉnh, yêu cầu cháu là bác sĩ chăm sóc chính. Cháu xem có làm được không? Việc ở khoa chú sẽ sắp xếp cho các bác sĩ khác làm giúp cháu, cháu chỉ việc phụ trách mỗi phòng bệnh của Quân thôi.
– Cháu ấy ạ?
– Ừ, cháu quen Quân à?
– Không ạ, cháu không quen bạn ấy ạ.
– Thế lạ nhỉ? Chắc là lúc nãy cháu làm phẫu thuật, Quân thấy ưng nên mới yêu cầu thế đấy.
– Vâng. Với cả trước nay khoa mình chưa có tiền lệ chỉ định riêng bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân nên cháu cũng thấy lạ ạ.
– Ừ, chú biết. Nhưng mà…

Trưởng khoa tôi nổi tiếng khó tính, nhưng mà hôm nay xuống nước nói chuyện với tôi thế này, tôi cũng ít nhiều đoán được chắc là chú ấy có lý do gì đó nên mới phải làm vậy.

Kẻ thông minh là kẻ biết thức thời, thế nên tôi không cãi nữa mà đành nhe răng ra cười:

– Vâng ạ, thôi chú cứ để cháu chăm sóc bệnh nhân đó cũng được ạ.
– Ừ, thế thì tốt quá, cháu chịu khó chăm sóc Quân giúp chú nhé. Vết thương thế chắc cũng chỉ phải nằm ở khoa một tuần thôi mà, cố gắng cháu nhé.
– Vâng, cháu biết rồi ạ, chú cứ yên tâm.
– Giờ cháu về luôn à?
– Vâng, cháu đang định về ạ.
– Thế qua ngó xem Quân tý xem sao rồi hãy về nhé, chú xếp riêng phòng 302 rồi. Cháu chạy qua đó xem đã hết dịch chưa.
– Vâng, giờ cháu qua đây ạ.

Ra khỏi phòng trưởng khoa, tôi thầm rủa cái lão kia đúng là sao quả tạ, đã tránh như tránh tà rồi thế mà còn phải làm phẫu thuật, xong còn yêu cầu riêng tôi chăm sóc anh ta,

Tôi bực bội bịt lại khẩu trang rồi lếch thếch đến phòng 302, vừa mở cửa ra thấy Quân đang cố chống tay để ngồi dậy, động vào vết thương đau nên đầu mày anh ta hơi nhíu lại.

Trải qua phẫu thuật dài với đau như thế mà anh ta vẫn còn sức để tự ngồi dậy, tôi phục anh ta thật. Xong vẫn giả vờ quát:

– Mới phẫu thuật xong, chưa tỉnh mê hết, anh nằm xuống giường đi.

Quân ngẩng lên nhìn tôi, sắc mặt hờ hững như kiểu không thèm điếm xỉa gì đến mấy lời tôi nói. Anh ta cố ngồi dậy cho bằng được, lát sau mới chịu mở miệng nói chuyện với tôi:

– Bịt khẩu trang thì tôi vẫn nhận ra bình thường.

Bị phát hiện, tôi ngượng chín hết cả mặt nhưng vẫn cố chống chế:

– Anh chưa thoát mê hoàn toàn à? Tự nhiên nói lung tung gì thế. Nằm xuống đi, tôi thay dịch truyền.

Anh ta không đáp mà chỉ khẽ liếc tấm biển trên ngực áo tôi, sau đó chậm rãi đọc từng chữ:

– Bác sĩ khoa ngoại Đặng Thùy Linh.
– Vâng.
– Cô hình như có sở thích lừa đảo với quỵt tiền nhỉ?

Đang ở bệnh viện nên tôi quyết định giả ngu, ngơ ngơ ngác ngác bảo:

– Anh nói gì cơ, tôi chẳng hiểu gì cả.
– Thế à?
– Vâng, tôi chẳng hiểu gì cả. Chắc anh nhận nhầm người ấy chứ.
– Ừ, chắc là tôi nhầm. Tại vì trong túi xách của cô để trên xe tôi, có một cái thẻ cũng ghi tên Bác sĩ khoa ngoại Đặng Thùy Linh.

Lúc này, bộ não của tôi mới lục đục vận hành, nhớ lại trong túi xách của mình ngoài băng vệ sinh, dầu gió, son và chuốt mi các kiểu ra, còn có mấy cái thẻ đi làm của tôi nữa. Chẳng trách bịt khẩu trang thế này rồi mà anh ta vẫn nhận ra như thường.

Mà đã thế thì tôi không thèm giả ngu nữa, giật khẩu trang ra lườm anh ta:

– Sao anh dám lục túi xách của tôi?
– Tự cô say làm đổ hết đồ trong túi ra xe tôi.
– Ơ… thế… thế à? Thế túi của tôi đâu rồi?
– Vứt rồi.
– Anh bị sao đấy? Túi hàng hiệu của tôi đấy, tôi dành dụm một năm mới mua được cái túi đó, sao anh dám vứt của tôi, anh đền lại đây cho tôi.
– Sao tôi phải đền cho cô?
– Anh vứt đồ của người khác thì anh phải đền. Anh đền ngay cho tôi.
– Đồ cô gán nợ, tôi thích vứt thì vứt.
– Anh…

Nói dành dụm tận một năm mới mua được cái túi đó thì hơi quá, nhưng nó cũng là hàng hiệu thật. Không nhắc đến thì thôi, nhắc đến cái là xót đứt cả ruột. Tôi phải lẩm bẩm câu thần chú “không được đánh bệnh nhân, không được đánh bệnh nhân” gần mười lần mới bình tĩnh được, nghiến răng bảo:

– Hết nợ nhé. Tôi làm hỏng áo của anh, anh vứt túi của tôi. Hòa, không ai nợ ai nữa.
– Cô vứt chìa khóa xe tôi.
– Lỡ tay thôi chứ không cố ý. Mà anh đừng nhỏ mọn thế chứ, có mỗi việc cỏn con đó mà nhờ cả trưởng khoa tôi, ép tôi phải làm bác sĩ riêng của anh, định lấy việc công trả thù tư đấy à?
– Ừ.

Nói cả một tràng dài thế mà anh ta chỉ trả lời đúng một chữ, tôi tức quá nhưng không làm được gì, cuối cùng đành nói:

– Anh đối xử với khách nào cũng thế à? Tôi đã nói hôm đó tôi say không tự chủ được nên mới lôi anh đi khách sạn. Cả đêm tôi có làm gì anh đâu, anh cứ phải đòi tiền tôi bằng được làm gì? Anh đẹp trai thế, nay mai khỏi chân rồi lại đi khách kiếm được tiền như thường, tính toán làm gì mấy đồng bạc ấy.

Lần này, Quân tặng tôi một ánh mắt sắc như dao, làm da gà da vịt tôi tự nhiên dựng hết cả lên. May sao đúng lúc đó thì điện thoại tôi có người gọi đến, thấy mẹ gọi về ăn cơm tôi như kiểu bắt được vàng, vội vàng giả vờ chạy ra bên ngoài nghe máy rồi chuồn thẳng.

Về gần đến nhà, tôi mới gọi điện bảo con bé Yến thay dịch truyền phòng 302 cho mình, con bé được giao cho chăm sóc trai đẹp thì cười tít cả mắt, xong cứ bảo tôi “yên tâm, yên tâm, đêm nay nó lo được”.

Mà đúng thật là đêm đó nó lo được, đến sáng mai nhìn thấy tôi vừa đến cái, Yến đã lôi tôi vào phòng thay đồ, vừa thở hổn hển vừa nói:

– Ôi chị Linh ơi, chị… chị… có biết…
– Gì mà mày thở như ma đuổi thế? Sao? Tối qua tranh thủ làm được gì chưa?
– Làm cái con khỉ mốc ấy. Chị có biết anh Quân đấy là ai không?
– Hả? Là ai?

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN