Gặp Người Đúng Lúc - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4617


Gặp Người Đúng Lúc


Phần 3


Thấy Yến cứ tỏ vẻ bí hiểm, còn cứ ngắc ngắc ngứ ngứ, tôi cáu quá nên quát nó:

– Ơ kìa cái con này, nói thì nói đi.
– Anh Quân ấy là con trai giám đốc bệnh viện mình nhá. Thảo nào tự nhiên chú Tân trưởng khoa lại quan tâm thế, đúng là con của giám đốc có khác.
– Giám đốc viện mình á? Chú Lâm á?
– Vâng.

Bệnh viện chỗ tôi làm là bệnh viện lớn nhất nhì cả nước, toàn các chuyên gia đầu ngành, mà giám đốc của bệnh viện tôi thì cực kỳ giỏi, gọi nôm na là bậc thầy kỳ cựu trong ngành y rồi. Chú Lâm đến bây giờ thì tiền không thiếu, thành tựu với danh tiếng cũng không thiếu. Sao tự nhiên lại đẻ ra con trai như ông Quân này được?

Yến thấy tôi không đáp lại cầm tay tôi lắc lắc:

– Sốc không? Dã man không? Đúng là nước chảy chỗ trũng chị nhỉ? Đã con nhà giàu, bố làm to, mà lại đẹp trai ngời ngời như thế nữa. Em nào hốt được anh Quân đúng là phải tu mấy kiếp đấy nhờ?
– Gì mà mày tả ghê thế? Mà thông tin có chính xác không đấy, chị cứ thấy nghi nghi thế nào ấy. Vào từ chiều mà có thấy ai đến thăm đâu, lúc làm phẫu thuật chú Lâm cũng không xuống.
– Đấy, giờ em mới thấy may cho chị đấy. May mà chị phẫu thuật cho con sếp thành công nhé. Làm hỏng chân của con sếp thì chị xác định luôn.
– Hỏng thì hỏng chân trái chứ có hỏng chân giữa đâu mà sợ. Nhưng sao mày biết lão ấy là con sếp.
– Thì tối qua chị chẳng bảo em trông anh Quân là gì? Bảy giờ tối mới thấy chú Lâm xuống, rồi lúc sau cả mẹ anh Quân đến nữa. Ôi giời ơi, ông này đúng là nhặt được hết cả nét đẹp của bố với mẹ nhé, sếp bà nhìn đẹp mà sang cực, mắt như mắt búp bê ấy.
– Bỏ mẹ, thế là thật à?
– Thật chứ em nói dối chị làm gì? Quả này chị chăm sóc ông ấy cho cẩn thận vào, biết đâu đợt biên chế sau, ông ấy nói giúp với bố mấy câu rồi chú Lâm lại sắp xếp cho chị vào biên chế hẳn thì sao?
– Thôi chị xin mày.

Nói là nói thế chứ tôi cũng bắt đầu thấy chột dạ rồi. Dù không thích kiểu nịnh nọt sếp để thăng tiến nhưng ít ra cũng không nên hiểu lầm con trai của sếp là trai bao chứ? Đằng này tôi không những hiểu lầm Quân là trai bao, còn làm hỏng áo xong quỵt tiền, rồi cả ném chìa khóa xong cãi tay đôi với anh ta nữa… Nếu anh ta nói xấu tôi vài câu với trưởng khoa, chắc tôi bị đì chết mất nhỉ?

Trời ơi làm sao mà mặc áo hàng hiệu, đi xe ô tô lại phải đi khách kiếm mười lăm triệu được? Tôi đúng là bị ngu rồi…

Tôi xấu hổ quá nên đấu tranh gần nửa buổi mà không dám vào phòng 302 xem anh ta thế nào, mãi sau đến giờ các bác sĩ khám xong, tôi mới rón rén đi lại phòng anh ta, vừa mở cửa ra đã thấy Quân đang ngồi tựa lưng vào thành giường, chăm chú xem tin tức trên tivi.

Tôi đi lại gần, cố kiếm chuyện để nói cho đỡ ngượng:

– Sáng nay anh ăn gì chưa? Chân hết thuốc tê có đau lắm không?

Quân không trả lời mà chỉ giơ đồng hồ đeo tay ra trước mặt tôi, ý nói “giờ hơn mười giờ sáng rồi còn ăn sáng gì”.

Tôi thì ghét cái kiểu kiệm lời của anh ta nhưng không dám chửi, chỉ có thể nhăn răng ra cười:

– Đồng hồ đẹp nhỉ? Đây là Rolex hay Hublot thế?
– Mười giờ sáng cô mới đến, giờ đến để chăm bệnh nhân hay kể chuyện tiếu lâm?
– Tôi có biết kể chuyện tiếu lâm đâu, tôi đến chăm anh mà.
– Chờ cô chăm chắc tôi chết đói rồi.
– Chết làm sao được mà chết, tại sáng nay tôi còn phải đi khám cho các bệnh nhân khác nữa, đang theo dõi, không bỏ được. Anh ngồi yên đi tôi xem vết thương nào.

Tôi vừa nói vừa kéo tủ inox đựng dụng cụ đến bên hông giường, sau đó bóc lớp băng gạc trên chân anh ta ra rồi định sát trùng để thay bông băng mới. Những việc này lẽ ra là điều dưỡng làm, nhưng Quân là con sếp nên tôi phải đích thân làm.

Kiểm tra vết thương thấy mà chỗ khâu hôm qua giờ đã sưng vác lên, xung quanh miệng vết thương đỏ với cả chảy dịch, đụng vào chắc đau lòi mắt, thế mà vẻ mặt anh ta vẫn dửng dựng như không có gì. Tôi thấy thế mới hỏi:

– Đau không?
– Không, cứ làm đi.
– Chịu khó nằm cố định trên giường mới nhanh lành được, nếu bình thường thì chỉ khoảng một tuần là được về thôi.
– Ừ.
– Sáng có người đến truyền kháng sinh cho anh chưa?

Quân chưa kịp trả lời thì tự nhiên có tiếng người đẩy cửa đi vào, Huyền bình thường không ưa gì tôi, thế mà vừa bước vào cái đã cười tươi rói:

– Linh đang thay băng à?
– Ơ… à… vâng.
– Để đấy chị làm cho. Mới có ca tai nạn mới vào đấy, em lên khâu đi nhé. Mọi người trong khoa đang bận hết rồi.
– Tai nạn hả chị? Chuyển bệnh nhân lên chưa ạ?
– Chắc giờ lên rồi đấy, em đi xem xem.

Bà Huyền này hơn tôi có hai tuổi, còn trẻ với cả chưa chồng nhưng đã được làm đến phó khoa tôi rồi. Thật ra ai cũng biết bà này chẳng phải giỏi giang xuất sắc gì lắm, chỉ là nhà có cơ cấu to nên thăng tiến nhanh thôi, thế mà đối xử với mọi người trong khoa tôi kiểu khinh thường kinh khủng. Nhất là với đứa nhà chẳng có tý ô dù nào như tôi, bà ấy càng không ưa ra mặt.

Tôi quay sang liếc Quân xem ý anh ta thế nào, thấy anh ta có vẻ không vui nhưng cũng không nói gì, thế là tôi bảo:

– Vâng, thế em lên phòng tiểu phẫu đây. Chị thay băng nốt giúp em nhé.
– Ừ, đi đi em.

Lúc ra đến cửa, tôi còn chưa kịp đóng lại hết thì giọng bà Huyền ngọt sớt vọng ra, chắc bà này quen Quân từ trước nên nói:

– Sao hôm qua anh vào mà không nói với em? Anh lái xe kiểu gì mà tai nạn thành thế này thế? Bị thương cũng chẳng gọi em khâu.
– Ai khâu chẳng được.
– Em khác chứ, giao cho người ngoài sao yên tâm bằng giao cho người quen được? Cái con bé Linh ấy mới vào làm, tay nghề còn non, lỡ nó làm hỏng chân anh thì sao?

Tay nghề còn non? Tôi học bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội ra, bằng giỏi, học thêm gần hai năm chuyên khoa nữa, nếu khách quan mà nói thì tay nghề của tôi vững hơn cái bà học hành nửa chừng nửa vời đó nhiều. Thế mà dám chê tôi tay nghề non.

Tôi không định nghe trộm nhưng ấm ức, chưa muốn đi ngay, bên trong không có tiếng Quân trả lời mà lại vang lên tiếng Huyền nói:

– Anh có đau không? Em thổi cho anh nhé.
– Không cần, em đi làm việc đi.
– Em ở đây chăm anh, đằng nào sáng nay em cũng chẳng có việc. Em với anh có phải người lạ đâu mà anh cứ ngại nhỉ? Ngồi yên đây, em lấy cam vắt nước cho anh nhé.

Càng nghe tôi càng thấy giọng bà này cứ ngọt hắc như đường hóa học ấy, làm tôi rùng cả mình. Không chịu được cái kiểu đò đưa gạ gẫm thế này nên tôi quay người đi thẳng lên phòng tiểu phẫu, xử lý ca tai nạn đó xong, vừa bước ra ngoài thì thấy Huyền đã đứng đợi tôi sẵn ở cửa.

– Ơ, chị ạ.
– Xong chưa, ra đây bảo tý.
– Có việc gì thế hả chị?
– Thì cứ đi ra đây, sao phải hỏi nhiều thế nhờ?

Ở trước mặt Quân bà ấy tử tế bao nhiêu, giờ chỉ có mình hai người thì bà ấy lập tức hiện nguyên hình.

Tôi tháo găng tay vứt vào sọt rác rồi đi theo sau Huyền ra ngoài hành lang, lúc vừa dừng lại cái thì bà ấy nói:

– Mày có quen anh Quân không?
– Em á?
– Không mày thì là ai vào đây nữa, chẳng lẽ tao à?
– Không, em có quen anh ấy đâu. Bệnh nhân mà. Người nhà của chị ạ?
– Người nhà cái gì, người yêu tao.
– À, thế ạ. Em không biết. Em mà biết thì hôm qua đã gọi chị rồi.
– Mày không biết sao anh ấy lại chỉ định mày làm bác sĩ chăm sóc chính, còn xếp phòng cho mày?
– Em có biết đâu, chắc anh ấy thấy em khâu nên tiện mồm chỉ định luôn đấy chứ.
– Mày đừng nói là mày không biết anh ấy là ai nhé.
– Mãi sáng nay em mới nghe Yến nói anh ấy là con chú Lâm thôi, hôm qua thì em không biết.
– Thật không?
– Thật.
– Mày liệu liệu đấy, người yêu tao không phải ai cũng đụng được đâu.
– Em cũng không có ý định đụng đâu, chị không phải lo.
– Tao làm sao mà biết được mày.
– Hết chuyện chưa chị? Còn việc gì nữa không, em đang phải làm ít việc nữa.
– Tý nữa mày bảo chú Tân trưởng khoa, xin đổi phòng chăm sóc bệnh nhân đi. Để tao chăm sóc phòng anh Quân.
– Để em thử bảo xem sao.

Nói xong, tôi không đợi chị ta trả lời đã xoay người đi thẳng. Vừa vào đến phòng thì con bé Yến lại kéo tôi ra một góc, nhanh nhảu hỏi:

– Bà Huyền bảo gì chị thế? Chết, em mới hóng được thông tin lúc nãy, chưa kịp nói với chị thì đã thấy bà ấy gọi chị ra hành lang dằn mặt rồi.
– Sao mày biết dằn mặt?
– Bà đấy thì cả thế giới này ai mà không biết nữa. Nghe nói thích anh Quân đấy, mà chị lại được xếp chăm sóc riêng anh Quân nên bà ấy gọi chị ra dằn mặt chứ còn gì?
– Đúng chỉ có mày là hiểu bà ấy thôi. Haha.
– Thế làm sao? Bà ấy có đe dọa chị không?
– Có, nhưng tao bảo tao chả quen biết gì cả. Bà ấy như bà điên, ghen tuông vớ vẩn. Mà yêu đương kiểu gì với ông Quân mà ông ấy nhập viện cũng chẳng nói với bà ấy thế nhờ?
– Hóng phong phanh được thế thôi chứ không biết sự thật thế nào. Nhưng em đảm bảo bà này mê ông Quân như điếu đổ, nhìn mặt là biết.
– Thôi mày đừng ở đó đoán già đoán non nữa. Làm việc đi không lại bị chửi cho bây giờ.

Cuối giờ chiều hôm đó, tôi xin chú Tân cho mình đổi với Huyền, để bà ấy chăm sóc Quân cho tiện. Chú Tân mới đầu nghe xong cứ động viên tôi làm ở phòng 302 tiếp đi, mãi sau tôi nói “Huyền là người yêu của anh Quân”, chú ấy mới tròn mắt hỏi:

– Ai cơ? Huyền á?
– Vâng, cháu nghe thế chú ạ. Mà sáng giờ chị Huyền cũng thay băng cho anh Quân hộ cháu nữa, chú cứ để chị ấy làm cho thoải mái. Cháu mà làm thì lại thành kỳ đà cản mũi.
– Lạ nhỉ? Chú chưa nghe bao giờ. Cứ nghĩ người yêu con bé Huyền đang ở nước ngoài kia chứ.
– Vâng.
– Ừ được rồi, nếu đúng thế thì cháu cứ đổi đi. Quay lại làm việc như bình thường, để Huyền phụ trách phòng 302 nhé.
– Vâng ạ, cháu cảm ơn chú.

Thoát được sao quả tạ, tôi thấy nhẹ nhõm cực kỳ, lúc thông báo với Yến việc tôi không phải chăm sóc Quân nữa, nó cứ bảo tôi đúng là số không được hưởng, có trai đẹp trước mắt mà không xơ múi gì được.

Tôi thì nghĩ thà ế còn hơn thích cái ông đấy, người gì mà lúc nào cũng lạnh lùng, đến cả lời nói còn tiết kiệm nữa thì chắc chuyện yêu đương cũng khô như ngói. Mà đấy là chưa tính có bà yêu quái Huyền ngày đêm canh gác nữa, tôi có mê hết đàn ông trên thế giới cũng quyết không xơ múi anh ta.

Nhưng mà tôi cũng chẳng sung sướng được bao lâu thì lại thêm một chuyện nữa xảy đến.

Tối hôm đó tôi về nhà thấy bố mẹ đã ngồi sẵn ở phòng khách đợi, lâu lắm rồi hai người họ chưa từng ngồi cạnh nhau chứ đừng nói là cùng ở nhà chờ tôi về ăn cơm. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì đó quan trọng lắm thì bố mẹ mới vậy, ai ngờ trong bữa ăn, bố tôi nói:

– Thế chuyện với nhà kia sao rồi Linh?
– Không sao cả ạ. Hủy cưới thì hủy cưới thôi, con không liên lạc nữa.
– Thế giữa ba đứa làm sao mà tự nhiên xảy ra chuyện như thế?
– Con cũng không biết, chẳng biết anh Nhật với Bích qua lại với nhau từ lúc nào. Công việc của con cũng bận nên ít thời gian để ý, tóm lại mãi đến hôm cưới con cũng mới biết.
– Đấy, qua lần này con cũng phải rút ra bài học cho mình. Công việc của con bận nhưng con cũng gần ba mươi tuổi rồi, phải lập gia đình nữa. Con gái để quá lứa lỡ thì ra thì khổ lắm, mà đằng này bị hủy cưới một lần, tai tiếng nữa.
– Con cũng không có ý định lấy chồng nữa.

Anh trai tôi mất rồi, mẹ tôi chỉ còn mỗi đứa con là tôi thôi. Mẹ nghe thế thì bực lắm, đập đũa “rầm” một cái xuống bàn rồi quát:

– Mày nói thế là sao hả con? Mẹ bảo mày phải kiếm lấy thằng chồng hơn thằng Nhật cho nhà nó sáng mắt ra cơ mà. Mày định để nhà nó hả hê vì hủy hôn xong mình không lấy được ai à? Mày có thua kém gì ai đâu mà vì cái thằng như thế mà không muốn lấy chồng nữa.
– Con ở thế với mẹ, giờ nhà chỉ còn con với mẹ, con đi lấy chồng rồi thì mẹ ở một mình à?

Tôi nửa đùa nửa thật, thực ra là cố tình nói thế để bố tôi nghe thấy. Bố tôi có lẽ cũng áy náy vì lâu nay thường không về nhà mà ở bên nhà bà kia, tôi thấy đầu mày ông nhăn lại rất lâu. Mãi sau mới nói:

– Linh, con lớn rồi. Chuyện của bố mẹ thì để bố mẹ lo, con không cần lo việc mẹ ở một mình. Bố mẹ nào cũng mong con cái yên bề gia thất, lấy chồng đẻ con.
– Vâng.
– Giờ chuyện đã ra thế rồi, con cũng nhiều tuổi rồi, tìm lấy người nào hợp rồi cưới thôi chứ đừng kén cá chọn canh nữa. Ở công ty bố có một anh cũng được, hôm nào bố sắp xếp rồi hai đứa gặp mặt xem.
– Không, con có phải gái ế đâu mà bố phải sắp xếp xem mắt. Bố đừng lo, có duyên thì tự đến thôi.
– Không, bố không yên tâm được. Công việc của con bận thế, thời gian nào mà yêu đương. Nhìn thấy không, chuyện thằng Nhật con Bích là bài học cho con đấy. Lỗi cũng một phần là do con, suốt ngày ở bệnh viện, không có thời gian cho nó nên mới thế.
– Công việc con thế, con không bỏ được. Nếu thật sự yêu con thì phải hiểu được việc đấy. Người khác không hiểu được thì cưới làm gì hả bố?
– Thế bố mới muốn con đi xem mắt. Thằng Tuấn công ty bố cũng được, nó hiền lành chịu khó, nhà cũng cơ bản, con cứ gặp thử xem.

Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, mẹ tôi cũng tán thành ý bố:

– Ừ đấy, mẹ gặp thằng Tuấn mấy lần rồi. Nhìn đẹp trai mà tử tế hơn thằng Nhật nhiều.
– Không, con có biết anh ấy là ai đâu mà gặp. Thời đại nào rồi còn gặp với gỡ.

Bố tôi nói:

– Bố hẹn nó mai đến nhà ăn cơm rồi, mai chủ nhật con được nghỉ còn gì. Mai ở nhà ăn bữa cơm xem như nào.
– Mai con phải đi trực.
– Mẹ bảo tuần này con trực hôm thứ ba rồi, không có lịch trực chủ nhật. Đừng có trốn. Mai làm gì thì làm cũng phải ở nhà.
– Nhưng mà…
– Ăn cơm đi, không nói nhiều nữa.

Bố tôi cương quyết như thế, tôi cũng không dám cãi mà đành ôm một bụng bất mãn cúi đầu ăn cơm.

Bình thường bố tôi có làm sai gì đi chăng nữa thì lời nói của ông đối với tôi và mẹ cũng vẫn rất có uy, vì thế cho nên tôi lớn thế này rồi mà cũng vẫn sợ bố như ngày còn nhỏ.

Trước giờ, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc hết vào bố, bố tôi làm chủ thầu xây dựng nên xây cho mẹ con tôi một ngôi nhà to thật to, đồ đạc trong nhà cũng không thiếu, tiền cũng không thiếu, chỉ thiếu mỗi tình cảm gia đình thôi.

Hôm nay, rất lâu rồi ba người nhà tôi mới ăn chung một bữa cơm, tôi không muốn đánh mất hòa khí nên cũng đành nghe lời, ngày hôm sau không trốn đi mà vẫn ở nhà để gặp mặt cái anh tên Tuấn kia.

Anh ấy đến mang theo một lẵng hoa quả to đùng, cẩn thận chào hỏi phụ thân khắp lượt rồi chào hỏi tôi.

Nói chung, ông Tuấn này nhìn cũng không đến nỗi xấu lắm, tạm được, nhưng mỗi tội thuộc tuýp người hướng nội, thích nói chuyện với người lớn tuổi, còn tôi với anh ta thì tôi không hào hứng lắm, anh ta hỏi gì tôi đáp nấy, còn không thì thôi.

Ăn cơm xong, Tuấn xin số điện thoại của tôi lịch sự hẹn hôm khác mời tôi đến nhà ăn cơm, chưa gì đã mời đến nhà ăn cơm, tôi định từ chối luôn nhưng bố tôi lườm một cái, tôi lại đành cười:

– À vâng ạ. Hôm nào rỗi thì em đến ạ.
– Ừ, thế anh về nhé. Tý nữa về anh nhắn tin cho em.

Vất vả lắm ông ấy mới về, còn chưa thở được tý nào thì mẹ tôi đã xông lại bảo:

– Đấy, thằng Tuấn được đấy. Mẹ thấy hơn thằng Nhật nhiều.
– Mẹ thôi đi, mới gặp một hôm đã được cái gì, biết gì đâu mà được.
– Nó làm cùng với bố, chẳng lẽ bố không biết nó à. Xem xem tý nó nhắn tin thì trả lời tử tế vào. Mẹ thấy mày lạnh nhạt với nó lắm đấy nhé.
– Rồi rồi, con biết rồi.

Tôi ậm ừ vài câu rồi lên phòng, tắm rửa leo lên giường cái thì đã thấy ông Tuấn kia nhắn tin đến, đại loại là báo cáo đã về được đến nhà. Tôi cũng đáp qua loa mấy tin rồi tắt máy đi ngủ.

Trải qua một ngày chủ nhật dài như cả thế kỷ, ngày hôm sau lên đến bệnh viện cái, tôi như kiểu thoát được khỏi gông xiềng, sung sướng chui vào phòng thay đồ ăn sáng rồi tiện thể buôn chuyện với hội con bé Yến.

Đang phấn khởi thì tự nhiên thấy sao quả tạ nhắn tin đến:

“Đến thay băng cho tôi”

Tôi nhớ số anh ta là vì theo như Yến nói, đó là số đẹp, còn tại sao anh ta có số tôi thì tôi không biết.

Tôi vừa nhồm nhoàm ăn bánh mì vừa nhắn tin lại:

“Sao anh có số của tôi?”
“Đến nhanh”
“Xin lỗi nhé, tôi không phụ trách phòng anh nữa, anh gọi bác sĩ phụ trách phòng anh đi. Tôi không rảnh”

Tưởng nói thế thì Quân cũng thôi. Ai ngờ vài giây sau, anh ta lại nói:

“Hai triệu”
“Ok, tới ngay”

Gì chứ cứ có tiền là tôi đến, tôi là bác sĩ trong sạch, không nhận hối lộ nhưng với người đã vứt cái túi hàng hiệu của tôi, tôi cũng phải gỡ gạc lại mới được.

Tôi tức tốc chạy sang phòng 302, thấy Huyền đang ở trong đó nói chuyện với Quân, bên cạnh là khay inox đựng đồ dùng thay băng.

Chị ta thấy tôi thì trợn tròn mắt, tôi thì mặt lạnh tanh giả vờ như không biết gì. Cũng may, đúng lúc đó Quân nói:

– À đây rồi, thay băng nhanh lên. Chờ em mãi.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN