Giá Như Đừng Gặp Gỡ - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1123


Giá Như Đừng Gặp Gỡ


Phần 8


Nghe thấy Hưng nói vậy, trái tim tôi bỗng dưng lại có cảm giác nặng trĩu, tựa như vừa mới phải đeo thêm một tảng đá thật to vậy.
Mặc dù không rõ tại sao Khánh lại nghỉ làm, nhưng anh ta nghỉ ngay sau khi đỡ cả đống thanh gỗ kia cho tôi, khiến tôi không khỏi cảm thấy hoài nghi, cũng thấy rất khó chịu.
Ngay cả Hưng cũng nói:
– Ừ. Anh cũng không rõ sao anh Khánh lại nghỉ nữa, sáng nay có ít việc cần anh ấy ký, anh gọi điện mới biết anh Khánh nghỉ.
– À… vâng. Em biết rồi. Cảm ơn anh.
– Ừ, cần gì thì cứ bảo anh nhé. Anh nói lại với anh Khánh cho.
– Vâng ạ.
Trong bản mail Hưng gửi đến là toàn bộ bản vẽ chi tiết các phòng của khu C, tôi mở ra xem nhưng loạn mắt quá, với cả tâm trạng cũng không tốt nên ngồi suốt mấy tiếng cũng chỉ phác họa được đúng một bức tranh cho một phòng.
Trung đi lấy nước qua thấy tôi cứ ôm máy tính bảng ngẩn ngơ mãi mới hỏi:
– Sao thế em? Vẫn chưa tìm được ý tưởng à?
– Vâng, phòng này hướng đông, cửa sổ hướng nam, em đang nghĩ không biết vẽ phong cảnh gì được.
– Anh thấy các họa sĩ hay đi khắp nơi để tìm cảm hứng đấy, hay em thử ra ngoài xem. Ra ngoài hít thở không khí cho thoáng, rồi thăm thú vài nơi, biết đâu lại tìm được cảm hứng sáng tác.
– Em có phải là họa sĩ gì đâu.
Tôi cười cười, đặt máy tính bảng gọn sang một bên rồi nói:
– Em định vẽ một đàn chim nhạn bay về phương nam, nhưng chắc vài ngày mới xong được. Anh làm việc xong rồi à?
– Ừ, vừa vẽ xong một phần, định ra xem em thế nào mà sáng giờ không nghe thấy động tĩnh gì. Em đói chưa?
– Để em đi nấu cơm. Tiện làm thêm mấy món mặn mặn, mai mang vào trong viện ăn, vào đó chỉ cần mua cơm thôi, đỡ tốn tiền mua thức ăn.
– Ừ, để anh nấu cùng.
Ngày hôm sau, đến lịch chạy thận của Trung nên hai đứa bọn tôi lại rồng rồng rắn rắn đến bệnh viện. Lần này, không phải anh ham công việc nữa mà là tôi, trong lúc chờ anh chạy thận, tôi mới tranh thủ ôm Samsung Tab ngồi vẽ tranh.
Đúng là ra ngoài có cảm hứng hơn thì phải, cửa sổ phòng bệnh của Trung vừa hay hướng ra phía nam, thời gian này bắt đầu trở lạnh nên những đàn chim đang bay đi tránh rét. Tôi ngồi ở bệ cửa sổ cắn bút ngắm nhìn mây trời một lúc, dần dần lại thấy lòng dạt dào cảm hứng nên bắt đầu vẽ từng nét xuống màn hình máy tính bảng.
Chẳng biết đã vẽ qua bao lâu, chỉ biết đến khi tôi bắt đầu mỏi tay, đang định vặn mình mấy cái thì bỗng nhiên lại trông thấy một bóng lưng quen thuộc xuất hiện bên ngoài sân.
Khánh mặc một bộ đồ bệnh nhân rộng thùng thình, vẻ mặt có vẻ rất cau có khó chịu, bên cạnh anh ta là một phụ nữ lớn tuổi, trông rất đoan trang quý phái. Sân bệnh viện hơi ồn ào, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng bà ấy cằn nhằn:
– Đã bảo phải nằm viện thêm hai ngày nữa mà con cứ đòi ra viện cái gì?
– Đau dạ dày thôi, có c.hế.t được đâu mà phải nằm viện. Mẹ, con to xác thế này rồi chứ có phải trẻ con đâu mà hơi tý là mẹ bắt nằm viện.
– Có c.hế.t được đâu á? Mấy năm trước mày suýt c.hế.t đấy thôi. To xác hay trẻ con gì thì ốm cũng vẫn phải nằm viện điều trị. Mà còn mấy cái vết thâm trên người mày nữa, tự nhiên mày làm gì mà cả người tím đen thế hả con?
Anh ta lơ đãng không trả lời, chỉ ậm ừ vài câu rồi ngồi xuống ghế đá cách đó không xa. Mẹ anh ta vẫn không buông tha, tiếp tục truy hỏi:
– Sao hỏi không trả lời? Người bị sao mà tím thế hả? Có nói không hay để mẹ bảo người đi điều tra?
– Con đánh nhau.
– Gì?
Mẹ anh ta tức đến trợn mắt, Khánh thì mặt mày tỉnh bơ như không. Anh ta kéo mẹ xuống ghế đá bên cạnh mình, cười hì hì:
– Đánh nhau hoạt động gân cốt tý cũng có sao đâu? Mẹ xem, con trai mẹ cao to khỏe mạnh thế này, đứa nào đánh thắng nổi con trai mẹ?
– Con không nhìn xem bây giờ con là ai hả? Có tổng giám đốc nào như con không? Suốt ngày phất pha phất lơ, chỉ giỏi gây chuyện. Sao con không học thằng Phong ấy hả?
– Hay là mẹ đón cậu ấy về nuôi đi.
Nghe đến đây, vẻ mặt người phụ nữ kia thoáng chốc trở nên cứng ngắc. Bà ấy kinh ngạc nhìn Khánh một lúc, sau đó thái độ cũng trở nên dịu đi.
– Ý mẹ không phải thế. Mẹ chỉ… lo cho con nên mới nói thế thôi.
Anh ta hình như cũng biết mình hơi quá lời nên nhanh chóng nhượng bộ, ôm lấy vai mẹ dỗ dành:
– Được rồi, được rồi. Con không sao đâu, từ giờ về sau cũng không đánh nhau nữa, mẹ đừng giận.
– Con đấy, cứ cậy mình thanh niên rồi làm mấy trò vớ vẩn. Nhỡ chúng nó có d.a.o kiếm gì thì sao, con mà bị làm sao thì mẹ biết sống sao bây giờ.
– Con biết rồi, biết rồi mà. Con sẽ ở bệnh viện đến khi bác sĩ cho xuất viện thì thôi, con không đòi về nữa, được chưa?
– Phải uống thuốc đầy đủ đến khi khỏi đấy. Tý nữa mẹ sẽ mời người đến xoa bóp mấy vết bầm tím trên người con. Có ông bác sĩ đông y kia giỏi lắm, xoa bóp mấy lần là tan hết vết bầm ngay.
– Vâng. Hay là mẫu hậu cho con đến phòng khám của ông bác sĩ đông y kia luôn đi.
– Bệnh viện này tốt, ở bệnh viện vẫn yên tâm hơn chứ. Cái thằng này, chỉ nói vớ vẩn.
– Thế thì lần sau chọn bệnh viện khác cho con được không? Con đảm bảo chỉ cần là bệnh viện khác, con sẽ nằm cả nửa tháng cho mẫu hậu vui lòng.
– Phỉ phui cái mồm, còn có lần sau à?
– À không, không có lần sau, mẫu hậu yên tâm.
Nghe hai người bọn họ vừa nói đến đó thì có tiếng người mở cửa phòng, tôi như một kẻ trộm đang lén lút làm việc xấu, vội vàng kéo rèm lại rồi đứng dậy chạy ra chỗ Trung.
Anh mới chạy thận xong nên được các bác sĩ đẩy về phòng, hình như Trung vẫn còn mệt nên cứ mê man. Bác sĩ chỉnh lại máy đo dấu hiệu sinh tồn cho anh xong mới quay qua dặn dò tôi mấy câu, sau đó đi ra ngoài.
Thấy Trung ngủ nên tôi không đánh thức nữa, chỉ chèn chăn cẩn thận xong, nhìn anh một lúc rồi lại đi ra cửa sổ. Có điều, lần này khi kéo rèm ra thì chiếc ghế đá kia đã không còn ai nữa, trời cũng đã sẩm tối, có lẽ Khánh và mẹ anh ta đã rời đi rất lâu rồi.
Tôi thở dài một tiếng, cũng chẳng nỡ rời mắt đi mà cứ nhìn mãi, nhìn mãi, trong đầu cứ quanh quẩn câu nói ban nãy của mẹ anh ta: “tự nhiên mày làm gì mà người tím đen hết thế hả con?”.
Người anh ta tím đen… không phải do đánh nhau, cũng chẳng phải vì anh ta gây chuyện với ai cả. Mà có lẽ là vì đỡ những mảnh gỗ kia cho tôi…
Anh ta tự làm tự chịu, nhưng sao lòng tôi lại có cảm giác bức bách khó chịu như thế này…
Trung ngủ hơn hai tiếng mới tỉnh lại, anh vẫn yếu không được gì nhiều nên hầu như chỉ có tôi vừa nhai cơm vừa nói chuyện với anh. Đúng như bác sĩ nói, bệnh chuẩn bị chuyển sang giai đoạn cuối nên Trung không thể trả lời tôi nhiều như mỗi lần chạy thận khác nữa. Môi anh tái nhợt, mặt mày trắng bệch như tờ giấy, mỗi lần tôi nói gì anh cũng phải cố gắng lắm mới có thể nói mấy từ đơn giản như: “Ừ”, “thế à?”.
Tôi cũng không muốn anh mất thêm sức nên không lảm nhảm nhiều, ăn xong lại dỗ Trung đi ngủ, còn mình thì lại đến bên cửa sổ ngồi chuyên chú vẽ tranh. Tay tôi cũng đang dần dần quen với việc vẽ trên máy tính bảng nên mỗi nét cũng không tốn nhiều thời gian như trước nữa, ngồi đến gần 12 giờ đêm thì cũng phác họa xong 1/3 bức tranh đầu tiên.
Cả người mỏi nhừ, sợ đi lại trong phòng thì sẽ đánh thức Trung nên tôi mới ra ngoài hành lang vươn vai, hít thở ít không khí bên ngoài cho dễ chịu.
Tháng 11 trời rất lạnh, giờ ấy cũng chẳng còn ai đứng hóng gió nữa, cả một đoạn hành lang nối từ tòa A sang tòa B trống trơn không một bóng người. Tôi dang tay vặn mình mấy cái, thở ra mấy hơi dài đầy khói trắng, đang quay ngang quay dọc cho đỡ mỏi lưng thì bỗng dưng lại trông thấy một đốm lửa nhỏ lập lòe trong một góc tối.
Tôi giật thót mình, cứ nghĩ bị ma trêu, nhưng nhìn kỹ mới thấy đốm lửa kia nâng lên hạ xuống theo một hình vòng cung, còn phả ra một làn khói trắng mỏng như tơ, hình như có người nào đó đang hút thuốc chứ không phải con ma nào nhảy ra trêu tôi cả.
Nửa đêm đứng hút thuốc ở đây, chắc là có tâm sự. Tôi không muốn làm phiền người ta nên định đi vào. Không ngờ, vừa mới xoay lưng đi thì lại nghe tiếng người nói:
– Không ngủ được à?
Bước chân tôi bất chợt khựng lại, trái tim không thể khống chế đập loạn lên trong ngực. Tôi nhận ra giọng nói ấy là ai, lòng thoáng run lên một nhịp. Thế nhưng, ngoài mặt vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh đáp:
– Đang chuẩn bị về đi ngủ. Anh cũng ở đây à?
– Vào thăm bạn gái thôi.
– Ừ.
Tôi biết anh ta nói dối nên không để bụng, nhưng cũng chẳng nỡ đi tiếp. Dù sao tôi cũng nên có trách nhiệm với mấy vết thương trên người Khánh, với cả cũng muốn làm lành, cho nên sau một hồi im lặng, tôi mới chủ động nói tiếp:
– Anh đã quyết định phong cách tranh ở sảnh khu C chưa?
– Nghe nói cô đề xuất vẽ tranh phong cảnh à?
– Ừ.
– Ý tưởng thế nào?
– Một ngôi nhà nhỏ ở ven bờ sông, xung quanh cỏ mềm xanh tốt, cách ngôi nhà không xa có một đứa bé đang thả diều.
Khánh dập tắt điếu thuốc, bước ra khỏi chỗ tối rồi tựa người vào lan can, nhếch môi nở một nụ cười đầy giễu cợt:
– Nhàm chán.
– Thế anh thích nội dung gì? Anh cứ cho tôi ý tưởng, tôi sẽ vẽ theo yêu cầu của anh.
– Cho ý tưởng không phải việc của tôi. Tôi chỉ là người đánh giá tranh của cô đạt yêu cầu hay không. Những việc còn lại, chẳng liên quan gì đến tôi.
Tôi thấy hình như anh ta đang cố ý chọc tức tôi thì phải, đưa ý tưởng thì nói không thích, hỏi muốn thế nào thì lại bảo “chẳng liên quan”. Nếu không liên quan gì anh ta can dự vào chuyện tôi chọn ý tưởng nào làm gì, tôi đưa ra phương án nào thì anh ta gật đầu luôn, chẳng phải nhanh hơn à?
Lòng tôi bắt đầu có cảm giác khó chịu, nhưng vẫn cố nín nhịn nói năng lịch sự:
– Tôi nghĩ nếu đôi bên cùng thống nhất được ý tưởng vẽ tranh thì sẽ nhanh hơn. Thay vì việc tôi đưa ra 1000 ý tưởng để anh nhận xét, anh cứ khoanh vùng cho tôi nội dung, tôi sẽ chọn lọc rồi vẽ cho phù hợp với yêu cầu của anh.
– Thử nêu ý tưởng thứ 2 của cô cho tôi xem.
– Vẽ đồng ruộng, một ngôi nhà sau bờ đê, mấy đứa nhỏ đang chăn trâu, thả sáo diều.
– Nhàm chán.
– Một đôi vợ chồng nắm tay nhau đi trên triền đê, sau lũy tre, mặt trời đang dần dần lặn xuống.
– Không có gì sáng tạo hơn tý được à?
– Một chiếc lều nhỏ ngay giữa hồ sen.
– Ồ, một túp lều tranh hai trái tim vàng đấy hả?
Tất nhiên là tôi nghe ra được giọng điệu châm chọc của anh ta, tôi biết cái tên này hỏi câu đó chẳng liên quan gì đến nghệ thuật mà chủ yếu là móc mỉa tôi.
– Hình như anh đang đùa tôi thì phải. Anh Khánh, làm khó người khác là sở thích của anh à?
– Không phù hợp là không phù hợp, chẳng có chỗ nào làm khó. Sao không tự hỏi cô đi, toàn nghĩ ra mấy ý tưởng tồi tàn.
– Anh nói gì?
– Tôi nói cô toàn nghĩ ra mấy ý tưởng tồi tàn.
Rút cuộc, sự nhẫn nhịn trong tôi cũng đạt đến giới hạn, có lòng nghĩ ra rất nhiều ý tưởng rồi bị mắng là tồi tàn, chẳng khác nào bị tạt thẳng một gáo nước lạnh cả. Tôi gần như mất sạch kiên nhẫn, lúc ấy cũng định hét lên rằng: “Nếu thấy ý tưởng của tôi tồi tàn thì chấm dứt hợp đồng đi, đừng hợp tác nữa”.
Nhưng còn chưa kịp thốt ra khỏi miệng thì bỗng dưng lại nghe thấy tiếng gọi rất khẽ ở sau lưng:
– Linh.
Tôi sửng sốt quay đầu lại thì thấy Trung đang chống gậy đứng đằng sau, anh yếu nên đứng không vững, bàn tay cầm gậy cũng run lên từng hồi.
Nhìn thấy anh, mọi tức giận trong tôi lập tức bị nén hết xuống dưới đáy lòng, tôi bỏ qua việc cãi cọ với Khánh, vội vàng chạy lại đỡ anh:
– Sao anh lại ra đây?
– Anh tỉnh dậy không thấy em đâu, sợ em có chuyện gì nên anh đi tìm.
– Em lớn rồi mà, có phải trẻ con đâu mà có chuyện gì. Anh đang mệt, đừng đi lại nhiều chứ. Vào ngủ đi anh.
– Ai kia hả em?
Nửa đêm đứng nói chuyện với một người đàn ông ở đây, tất nhiên là tôi không thể chối không quen được, thế nhưng tôi cũng chẳng thể nói thật, cuối cùng chỉ trả lời:
– Giám đốc khách sạn em làm.
Trung nghe thấy vậy thì hơi ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn Khánh, sau đó rất lịch sự đi về phía anh ta:
– Chào anh. Nghe Linh nhắc đến anh đã lâu, mãi đến bây giờ mới có dịp gặp anh.
Một cơn gió lạnh thổi qua, mang theo hơi nước ẩm ướt, tựa như có thể thấm vào da thịt, chạm đến cả cốt tủy của tôi. Tôi theo phản xạ co người nép lại gần Trung, cùng lúc này lại có cảm giác ánh mắt thâm thúy của ai đó đang nhìn chòng chọc tôi.
Nửa gương mặt của Khánh chìm trong bóng tối nên tôi không nhìn rõ được biểu cảm của anh ta, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ cảm thấy không khí xung quanh mình càng lúc càng kỳ lạ.
Tôi nghĩ kiểu con nhà giàu như anh ta sẽ chẳng bao giờ thèm bận tâm đến những người nghèo như chúng tôi, thế nhưng, anh ta không hề có vẻ giễu cợt mà chỉ bình thản chìa tay ra, bắt tay Trung:
– Chào anh.
***
Lời tác giả: Dạo này tương tác chán quá, nhìn tương tác thế này viết nản lắm chị em ạ. Tôi biết các chị em đang chờ để ra nhiều đoạn mới đọc, nhưng tương tác kém thì không có tinh thần để viết hay đâu. Huhu.

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (16 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN