Góp Nhặt Huyền Bí - Chương Thơ Bánh Bèo (1)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Góp Nhặt Huyền Bí


Chương Thơ Bánh Bèo (1)


Em quay lưng bước đi
oOo

Bên ngón tay ngại ngùng
Bên gót chân vội vã
Em quay lưng bước đi
Giữa cuộc vui từ tạ
Bên kia núi đang chờ
Bên này mưa đang gọi
Em quay lưng bước đi
Giữa đêm buồn vời vợi
Bên tôi tiếc thương người
Bên người nhớ thương ai?
Em quay lưng bước đi
Giữa thênh thang về đợi.

Mắt em mùa thu trong suốt
Môi em ngậm hạt sương bay
Vô ngần xao xuyến đêm nay
Suối nguồn đa cảm chưa đầy đâu em
Mắt em mi cong cỏ mượt
Môi em thắm vị từ tâm
Em về giữa phố lặng câm
Giọt mưa rơi ướt cung đàn bơ vơ

Bên ngón tay ngại ngùng
Bên gót chân vội vã
Em quay lưng bước đi
Giữa mùa đông tàn tạ
Bên kia núi gặp em
Bên này mưa lạnh lẽo
Em quay lưng bước đi
Giữa muôn trùng gió bể
Bên tôi lo lắng người
Bên người có bình an
Em quay lưng bước đi
Cõi ta bà ô trược.

Xin người nhớ cho
Em tôi còn thơ dại
Còn thơ dại…
Xin người nhớ cho…
Người nhớ cho…
Người nhớ cho…

Yêu và Yêu
oOo

Mười sáu tuổi tôi đem lòng thơ dại
Mến một người bé dại cũng như tôi
Cũng lần đầu nhìn chiếc lá thu rơi
Tôi mới hiểu tình kia là gai nhọn

Mười tám tuổi tôi đem lòng thấp thỏm
Đã từng đau, từng nếm trải… tương tư
Đã từng đau như thế cũng chưa vừa
Tôi lại “mến” người ta thêm lần nữa

Nghệ sĩ nghèo chỉ thế thôi
Những bài thơ đem chép nhạc
Nghệ sĩ nghèo đời phụ bạc
Yêu và yêu trong đơn côi

“Boy bánh bèo” thiếu tiền tiêu
Thân xác còm, như cây mục
“Boy bánh bèo” đời thực dụng
Yêu và yêu trong phai phôi

Hai mươi tuổi tôi đem lòng chững chạc
Chắc yêu em một lần nữa là xong
Nhưng hỡi ôi! Một lần nữa lòng vòng
Yêu rồi khóc trong vô cùng tuyệt vọng

Hai hai tuổi tuôi đem lòng hý lộng
Nướng tuổi xuân vào rạo rực đam mê
Tình mỏi gối trên bước đoạn đường về
Ngựa chồn chân giữa muôn trùng gió bụi

Nghệ sĩ nghèo vốn tự ti
Xem nghệ thuật nguồn vui sống
Nghệ sĩ nghèo đừng trông ngóng
Yêu và yêu quay lưng đi

“Boy bánh bèo” mê tiếng đàn
Những đêm buồn ngồi ca hát
“Boy bánh bèo” đời lãng mạn
Yêu và yêu trong mênh mang…

Yêu và yêu trong mênh mang…
Yêu và yêu không vội vàng…
Yêu và yêu cười phụ bạc…
Yêu và yêu trong hiên ngang.

Bên em một giấc mơ

oOo

Những cánh thư tình không đáp trả
Những dòng tin nhắn chẳng hồi âm
Những giọt sầu rơi… thu tàn tạ
Những vết thương sâu tận đáy lòng

Đôi mắt em trời trong lãng mạn
Đôi môi em thấm vị hồng hoa
Và dáng dấp yêu kiều thước tha
Ta chợt hiểu đó là: “nhan sắc”

Nhưng, bóng tối dày và rất sâu
Một ngọn nến không đủ thắp sáng
Niềm tin đã đánh mất từ lâu

“Đi bên em với một giấc mơ…”

Mặc cảm ấy không thể vượt qua
Bức tường thành kiên cố, lì lợm
Ta khao khát với lòng sợ hãi
“Đi bên em với một giấc mơ…”

Nghệ sĩ nghèo đã trót yêu em
Không hào nhoáng tựa bao hoàng tử
Không galant như những đại gia
Nghệ sĩ nghèo với một khúc ca:

“Đi bên em
Âm thầm, lặng lẽ

Đi bên em
Với một giấc mơ..”

Tóc đỏ
oOo

Em là cơn gió thoảng qua
Để hồn đa cảm thật thà yêu em

Tóc em suối đỏ thần tiên
Nguyệt rụng thuyền mây lá rơi bên thềm.

Một lần gặp gỡ khắc nghìn năm
Vạn kiếp tương tư… nhất đỉnh sầu
Ta uống men tình trong chén nhạc
Người về nơi ấy tiếc nơi đây.

Em đóa hồng hoa có chủ
Ta thi sĩ trót say mê
Tình đơn côi… bấy nhiêu là đủ
Gửi về em giấc mơ hẹn thề.

Giữa yêu và đến hai thái cực
Giữa đến và đi một bước chân

Thôi đành đưa tiễn một người sang sông.

Ham muốn nhiều bao nhiêu. Đau khổ càng bấy nhiêu.

——————————————————————-

Ai cũng có một tuổi thơ bé dại. Ai cũng từng ước ao một bộ siêu nhân, một con búp bê dễ thương xinh xắn… Mẹ nói với ta: “Con hãy chăm chỉ học hành, tổng kết học kỳ này nếu đạt danh hiệu học sinh giỏi mẹ sẽ thưởng cho.” Thế là, đứa bé trong ta hồi hộp ngóng đợi từng giây, từng phút, từng giờ… cho đến ngày ta cầm được tờ giấy khen đưa cho mẹ yêu rồi tự hào nói với mẹ rằng: “Con đã làm được mẹ ạ!” Ta vui sướng khi tưởng tượng: chỉ ít phút nữa thôi ta sẽ ở siêu thị, được lựa chọn món đồ chơi mà ta ưng ý nhất, ta sắp chạm tay vào giấc mơ của mình rồi, thích quá! Thế mà, người tính không bằng trời tính. Nhìn nét mặt buồn rầu của mẹ ta biết rằng tiền sinh hoạt trong tháng này của gia đình ta đã cạn. Cò mẹ lao động một ngày “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, dải nắng dầm mưa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” kiếm từng miếng ăn cho cò con, mua áo ấm cho cò con mặc đêm đông, rồi còn tiền học trường, học thêm học bớt, tiền thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời. Không nghĩ thì thôi, đã nghĩ đến những hình ảnh lam lũ của người mẹ tần tảo một đời hy sinh vì con; ta liền vỡ mộng. Thà không có phần thưởng còn hơn có nó mà lương tâm ta cắn rứt. Hãy thử đặt ta vào hoàn cảnh đó, và thành thật với bản thân mình xem: “Ta có buồn không? Có tiếc nuối không?” Nếu hiểu chuyện, nếu thương mẹ và xem niềm hạnh phúc của ta chính là niềm vui trong đôi mắt mẹ; ta sẽ mỉm cười sung sướng mà nói rằng: “Có. Ta tiếc nuối. Nhưng ta không buồn. Làm sao có thể buồn khi có thể giảm bớt phần nào những gánh nặng cho mẹ.”

Đó là phần vào đề cho bài tiểu luận bàn về cái gọi là: “ham muốn tỷ lệ thuận với nỗi đau.” Có một chút không ăn nhập ở đây nhưng một sự khởi đầu như thế riêng tôi cho là ổn. Để hiểu được “ham muốn” thì phải định nghĩa về “ham muốn”, giải thích xem “ham muốn” là gì? Và cần làm rõ mối quan hệ giữa “ham muốn” và “khổ đau”. Đó là, ta đang nói về trình tự và nguyên tắc khi triển khai một bài triết luận. Còn tôi lại thích một cái gì đó hơi quái đản (hơi thôi nhé! Không đi quá xa) Tôi muốn vượt rào, nhảy cóc và tưng tửng một chút trong phong cách làm việc. Đôi khi làm người khác khó chịu nhưng đối với tôi lại rất thoải mái. Hãy nhảy cóc một bước và nói về cụm từ “ham muốn tiền bạc” thử xem.

“Tiền” chỉ một từ thôi đã nói lên sự cám dỗ không của riêng ai. Cụ thể là thời bây giờ, tiền trở thành mục tiêu, lý tưởng sống của rất nhiều người. Tiền được ca ngợi tôn vinh khắp nơi, rêu rao câu cửa miệng: “có tiền mua tiên cũng được.” Hay nghêu ngao ca khúc: “đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ.” Đi đâu và làm gì miễn có bác đồng hành. Thế là được. Người người tranh nhau đồng tiền, nhà nhà đua chen đồng tiền. Từ đó tiền trở thành thướt đo giai cấp. Tiếng nói của người có tiền uy lực không thua kém tiếng nói của vua chúa ngày xưa. Bạn được quyền nhận xét, đánh giá. Ngày nay, bạn có càng nhiều tiền bao nhiêu thì “giá” của bạn càng cao bấy nhiêu. Bạn hãy tưởng tượng có một lăng kính gọi là “chủ nghĩa thực dụng” bạn là cô bé ngây thơ nhìn đời qua lăng kính đó, bạn thấy cảnh vật bị bóp méo và đâu đâu bạn cũng nhìn thấy những xúc tu của con bạch tuộc dáng đầy đồng đô la. Bởi vì, ai trong chúng ta cũng được phát cho cái lăng kính đó đeo vào mắt nên hiển nhiên, tiền đứng ở một vị trí cao nhất trong mô hình kim tự tháp. Nhưng, tiền thì có liên quan gì đến ham muốn và đau khổ? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên bạn hãy hình dung và trả lời những câu hỏi này của tôi. (Lưu ý: Phải thành thật với bản thân mình.)

Câu hỏi thứ nhất: “Bạn có muốn ở trong ngôi biệt thự sang trọng đầy đủ tiện nghi hay ở trong một căn nhà ổ chuột ọp ẹp, xiêu vẹo?”

Câu hỏi thứ hai: “Khi bạn bị bệnh phải nhập viện, bạn muốn nằm phòng yêu cầu rộng rãi có máy điều hòa, tủ lạnh, tivi bắt truyền hình cáp… hay là muốn nằm trên một cái giường bệnh quá tải chen chúc, chật chội?”

Câu hỏi thứ ba: “Bạn muốn người ta tôn trọng bạn, xem bạn với ánh mắt ngưỡng mộ, thầm ao ước được như bạn; hay muốn người ta bỉu môi, xua tay phớt lờ bạn?”

Cậu hỏi thứ tư: “Bạn muốn có một người vợ đẹp, một người chồng giàu có hay muốn lấy một người vợ xấu xí, một ông chồng dơ bẩn do bận làm ngày?”

Câu hỏi thứ năm: “Bạn thích ăn những món ngon đắc tiền đảm bảo vệ sinh, bạn muốn mua những chiếc túi xách hàng hiệu, áo quần thời trang đắc tiền vừa ý bạn… hay là bạn muốn một bữa ăn đạm bạc với rau muống chấm xì dầu, mặc áo quần và mang túi xách đồ nhái, đồ xôn…?”

Câu hỏi thứ sáu: “Bạn thích đi siêu xe hay đi một chiếc cúp cà tàng? Bạn thích có thời gian để đi đánh tennis hay là đầu tắt mặt tối với mớ ly tách, chén đọi… bạn là nhân viên rửa bát với mức lương bèo như dẻ rách. Bạn muốn chọn thân phận nào? Là bà chủ/ông chủ lắm tiền được nhiều người cung phụng hay là một anh/chị nông dân, công nhân khố rách áo ôm, phải chắt chiu từng đồng để nuôi sống gia đình?”

Tôi có hàng tá câu hỏi nữa, nhưng thôi; hỏi cho lắm để được gì? Bấy nhiêu đó cũng đủ cho tôi chứng minh luận điểm của mình rồi. Nếu tất cả những câu hỏi trên bạn đều chọn vế thứ nhất. Tức là, (thứ cho tôi nói thẳng nhé!) bạn cũng như tôi, là một công dân có rất nhiều “ham muốn”. Và để tôi cung cấp cho bạn một giải pháp nhằm thỏa mãn tất cả mọi ham muốn của bạn. Ồ! Tôi thấy có bạn đã hiểu ra vấn đề rồi. Tôi nghe có ai đó nói bên tai tôi “Tiền… tiền… tiền chính là giải pháp.” Tôi dơ ngón cái tán thành. Quá đúng đi chứ! Nếu có tiền thì bạn sẽ có tất cả những thứ đã nói đến ở trên.

Chúng ta hãy trở lại câu hỏi: “Tại sao đồng tiền lại có ma lực quyến rũ đến vậy?” Ấy là bởi vì chúng ta sinh ra và lớn lên trong môi trường thực dụng, chúng ta muốn hưởng thụ, chúng ta muốn những giác quan của chúng ta được “sướng”. Để bản năng được vuốt ve mơn trớn được thích thú mê ly thì chúng ta cần phải có “cây đũa thần”. Có đũa thần trong tay chúng ta muốn hô phong hoán vũ thế nào mà chẳng được. Lại nói về cái tôi, cái tôi bỗng nhiên được thỏa mãn khi giá trị bản thân được đề cao lên chín tầng trời. Thị dục huyễn ngã được maggsa trong cơn mê dại. Cuộc đời con người rất ngắn ngủi (xin nhớ cho câu “đời người như gió qua”) Ngắn như thế thì sao ta không tận hưởng, sao lại giam hãm thân căn mình trong ngục tù khổ hạnh? Những người theo “chủ nghĩa khoái lạc” xem việc hành xác là một căn bệnh ngu xuẩn, biến thái và mê muội. Họ thúc bách: “Hãy vui lên đi! Hãy chơi tẹt ga! Hãy hưởng lạc! Hãy ăn cho đã! Hãy uống cho say!… rồi CHẾT.” Nó dành cho những người đã có “nền tảng”, những người tiền đã quá nhiều không biết phải làm sao mà tiêu cho hết, tiêu làm sao mình hưởng thụ được trọn vẹn, không ai muốn chết đi rồi mà tiền của mình lại nằm ở một quỹ từ thiện nào đó. Chứng tỏ rằng trong xã hội thực dụng, “lớp người có tâm bồ đề” so với “lớp người có tâm khoái lạc” cán cân mới khập khiễng làm sao. “Khoái cảm” vẫn chiếm đa số so với “bồ đề tâm”. Nói cũng chỉ để nghe để biết chứ đừng mất công đi phê phán làm gì. Bởi có “phê” thì cũng không “phán” được thực tế: “ham muốn thuộc về bản năng; mà bản năng lại thường chi phối con tim, lý trí.” Chúng ta không khác gì một tên nô lệ bị chính “nhà tù ham muốn” gông cùm. Hãy thử phân tích xem có chuẩn xác không nhé!

Bạn muốn có một chiếc xe tay ga sang trọng để thể hiện với bạn bè, kèm với đó bạn muốn mua thêm chiếc điện thoại Iphone đời mới nhất của hãng Apple. Đó là ham muốn của bạn. Để thỏa được ham muốn bạn cần có tiền. (Không có tiền thì quên chuyện mua Iphone đi, hãy quay về với chiếc “Nokia đập đá”.) Nhưng tiền ở đâu ra? Nếu bạn là con nhà đại gia thì khỏi phải trả lời câu hỏi này. Hãy về nói với ba mẹ bạn một tiếng thì mọi chuyện được giải quyết cái rụp. Nhưng oái ăm thay bạn lại là: “boy bánh bèo” con nhà nghèo, loại trừ việc ăn cướp ăn trộm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra; muốn có tiền để thỏa ham muốn bạn phải lao động. Bạn đi xin việc, bạn thức khuya dậy sớm, bạn chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền… trong lúc làm việc không tránh khỏi những căng thẳng mệt mỏi, rồi cả những biến cố xảy đến trong công việc không như ý muốn mình khiến cho bạn bực bội. Về nhà thấy cảnh con cái nheo nhóc lại càng thêm chán, tiền sinh hoạt, tiền điện nước, tiền trả nợ… thôi thì đủ các kiểu khó khăn. Nhưng, cái ham muốn của bạn vẫn nằm đó; trong sâu thẳm bản năng khát muốn của bạn. Thế là bạn quyết định tăng ca làm đêm, bạn quần quật cày như một con trâu chỉ vì một giấc mơ hưởng thụ. Để bản năng được thỏa cơn thèm khát bạn phải chấp nhận thân phận nô lệ. Phải tự đeo gông xiềng vào cổ, phải bào mòn sức khỏe, tuổi thanh xuân của mình cho những ham muốn đó. Nhưng, biết làm sao được. Bạn đã ham muốn và không gì có thể mang lại hạnh phúc nhất thời cho bạn nếu không có một mục đích cho bạn theo đuổi. Bạn được xếp vào loại người xem lý tưởng sống là “tiêu thụ những sản phẩm dịch vụ được đánh đổi bằng xương máu.” Và tất nhiên bản giao kèo làm nô lệ của bạn có điều khoản: “chấp nhận đau khổ và ưu phiền.” Nếu bạn không muốn bị đau khổ dạng này thì chỉ có một cách thôi. Đó là đừng ham muốn xe xịn, điện thoại sang; và dẹp bỏ thói thể hiện ‘ta đây’.

Phải chăng những ham muốn chỉ dừng lại ở chỗ thỏa mãn các giác quan bằng các sản phẩm và dịch vụ mà đồng tiền mang lại cho bạn? Tôi thấy hình như không đơn giản vậy. Ham muốn đã mở rộng biên giới của nó đến những vùng đất màu mỡ. Nó nhắm vào bản năng muốn thống trị của con người (quyền lực), vào thói hư danh (nổi tiếng), lòng đố kỵ ganh ghét, tình dục và những khao khát được cho là “biến thái”. Tôi biết một anh chàng rất mê tán gái, anh ta xem lý tưởng sống của mình là chinh phục được tất cả những người phụ nữ mà anh ta “bồ kết”. Ham muốn của anh ta là phụ nữ. Để thỏa ham muốn đó thì anh ta phải chinh phục. Nhưng, chinh phục bằng cách nào? Nghệ thuật quyến rũ có thể chất đầy một nhà sách. Anh ta phải thay đổi diện mạo của mình, phải chau chuốc cho hình thể của mình bằng nhiều cách. Phải có siêu xe để đi, phải có tiền bạc rốp rẻng trong túi để hẹn hò, phải thường xuyên theo dõi những hành động và cử chỉ của mình sao cho giao tiếp không bị “sập hầm”, anh ta phải luôn biết cách ghi điểm trong mắt người đẹp. Thế là, ngoài phải lao động cật lực để kiếm tiền hẹn hò ra. Còn phải thường xuyên học tập kiến thức về nghệ thuật quyến rũ. Có lần đến nhà anh chơi. Tôi thấy anh không khác gì nhà bác học đang nghiên cứu một sinh thể kỳ lạ ngoài hành tinh. Trên tay anh là quyển sách nghệ thuật quyến rũ của Robert Greene. Gặp tôi anh còn khoe: “Đêm qua, mình thức suốt để đọc đấy.” Tôi mới hỏi lại anh: “Thế có thu nhập được gì không?” Anh cười đáp: “Cũng kha khá, chỉ còn ứng dụng thôi.” Một tuần sau, gặp lại tôi anh đã than vắng thở dài: “Mình mệt mỏi lắm rồi. Nghệ thuật áp dụng chẳng đâu vào đâu cả. Cô nàng chia tay và trước khi đi còn tặng cho mình một tát tai.” Hỏi ra mới biết. Anh lượm được một chiêu trong sách gọi là: “Gây đau khổ cho nạn nhân để khắc sâu hình bóng trong tâm khảm nàng.” Anh hẹn cô gái ra quán cà phê, đang yên đang lành lại đi gây sự, dùng đủ mọi từ ngữ sắt nhọn giống như những mũi kim chích vào mắt người khác. Bảo sao cô không tức giận. Lòng tự trọng của cô gái bị tổn thương quá nặng nề. Kết quả, cô bye bye anh luôn! Biến cố đó tưởng đâu anh đã tỉnh ngộ, nhưng tôi đã lầm. Ham muốn của anh vẫn chưa dừng lại. Anh khăng khăng với tôi rằng sách nói đúng nhưng chẳng qua là do anh hiểu sai nên mới gây ra hậu quả như lần trước. Anh tiếp tục chinh phục phụ nữ với đủ chiêu trò khiến tôi rất buồn cười. Anh là người hay nói nhưng lúc tiếp xúc với phụ nữ lại đóng mặt lạnh như băng làm tôi nhiều lúc tủm tỉm trong lòng. Tôi cá là cô gái đó cũng cảm nhận được con người thật của anh. Ai cũng thấy chỉ có anh là không thấy. Cho đến lúc anh gặp tôi với hai dòng nước mắt. Anh nói người phụ nữ anh thật sự yêu thương đã bỏ anh mà đi vì cái tội anh sống quá giả tạo. Đã thế cô nàng còn chọn người bạn trai lại chính là bạn thân của anh. Còn gì chua xót hơn nữa. Anh bạn đó không cần tán tỉnh cô gái cũng yêu, còn anh đi tán líu lưỡi thì kết quả lại là: “vĩnh biệt tình em.” Trường hợp của anh bạn tôi chắc cũng nhiều người mắc phải rồi. Tức là, ham muốn chinh phục, ham muốn quyến rũ người khác, được nuôi dưỡng bởi cái tôi và thị dục huyễn ngã muốn mình là trung tâm của vũ trụ, tham lam đến độ muốn tất cả những người khác giới đều thuộc về mình, và không chấp nhận việc mình bị thất bại trong cuộc chiến tình trường. Ham muốn đó khiến bản thân mình bị rơi vào đau khổ trầm uất khi không đạt được điều mình khao khát. Đó là một ví dụ nữa của ham muốn đẩy con người tới bể khổ.

Bạn thử tìm xem trong cuộc sống này còn những ham muốn nào nữa ngoài ham muốn vật chất và thị dục huyễn ngã. Riêng tôi tìm được cũng kha khá. Nói tóm lại, bất kỳ ham muốn nào xuất phát từ dục vọng cũng đưa đến dòng sông đau khổ. Ham muốn càng nhiều thì đau khổ càng nhiều. Ít ham muốn lại thì ít đau. Không có ham muốn thì không còn đau nữa. Cũng không còn làm nô lệ nữa. Bởi vì ham muốn đẩy con người ta đến chỗ tranh dành, hãm hại lẫn nhau, khiến con người ta trở nên nhỏ nhen ty tiện ích kỷ chiếm đoạt, ham muốn như sợi dây thừng xỏ mũi chúng ta. Và nó làm cho ta “tham sống sợ chết” khiến cho ta ám ảnh muôn niên. Ham muốn đẩy chúng ta đến vực thẳm. Chi phối cuộc sống của chúng ta từng giây, từng phút, từng giờ. Ham muốn nói cách khác đốt cháy linh hồn. Nhưng oái ăm thay, ham muốn là hố sâu muôn trượng mà những ai đã té xuống rồi thì khó mà leo lên được. Bạn hãy hình dung ham muốn là lưỡi cày và chúng ta là con trâu nhớp nhúa. Chỉ có một cách để giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Đó là: “Diệt tận gốc mọi ham muốn.” Được như vậy, một ngày không xa tôi và bạn sẽ gặp nhau ở chốn tây thiên cực lạc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN