Góp Nhặt Huyền Bí - Đám Cưới Buồn!
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
167


Góp Nhặt Huyền Bí


Đám Cưới Buồn!


Đám cưới buồn!

Con đầu lòng.
Cháu đích tôn.
Người con trai hiền lành, nét mặt khờ khờ.
==> Đó là ông anh họ của tôi.

Không riêng gì gia đình tôi mà cả nhà cậu tôi ai cũng bất ngờ khi anh T* cho biết mình sẽ lấy vợ.
“Ôi, tôi đang nằm mơ hay sao?” Tôi không thể tin nổi phải thốt lên.
Nhà cậu tôi có cả thảy bốn người con trai. Ai cũng đẹp trai hào nhoáng trừ một người trông có vẻ “nice guy” chính hiệu là ông anh T*. Ai cũng nghĩ anh T* lấy vợ sau cùng, hoặc không nữa thì “ê sắc ế” chỉ bởi một lý do: “Anh lúc nào cũng đù đù và không biết tán gái.” Một thực tế là từ trước đến giờ chưa lần nào thấy anh dắt một cô về nhà. Mợ tôi thường lắc đầu thở dài nói với tôi:
“Anh T* của con không có lấy một con bạn gái để làm thuốc.”
Tôi cười an ủi mợ:
“Từ từ mợ ơi! Chuyện vợ chồng phải chờ đủ duyên mới được.”

Đùng một cái như sấm nổ trời quang. Cậu, mợ báo tin lên Đà Lạt cho tôi biết:
“3 tháng nữa, anh T* con sẽ lấy vợ. Lo thu xếp công việc mà về dự đám cưới cho anh con vui.”
Tôi giật mình thốt lên: “Hả? Anh T* lấy vợ á! Trời ơi… có đúng thật vậy không mợ?”
Mợ tôi nói qua điện thoại: “Xem con kìa. Anh mình lấy được vợ mà cứ làm như trúng số độc đắc vậy.”

3 tháng sau,
Một “đám cưới nhà quê” được tổ chức tại tư gia.
Rạp cưới dựng trước khoảng sân vuông không quá ba chục mét.
Màu đất cát vẫn không thay lòng đổi dạ mặc cho quá trình “đô thị hóa nông thôn” đang diễn ra ồ ạt.
Người ta đổ đường nhựa, bê tông đến tận cùng những con hẻm nhỏ. Cái “văn minh” của thành thị giống như một tên khổng lồ đói khát đang ngấu nghiến “mẩu bánh làng quê” với lũy tre xanh rì rào bên bóng dừa hoang dại.

“Văn hóa thành thị” ùa về thôn xóm.
Tiếng nhạc dance nổi lên xập xình và thanh niên trai tráng “quê mùa” nơi đây đã học đòi từ bao giờ những động tác lắc lư giống như trong các quán bar, vũ trường lớn ở Sài Gòn. Thể loại âm nhạc đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam mang hơi hướng K-Pop (nhạc Hàn) chiếm lĩnh “đám cưới quê”.
“Giờ em đã là vợ người ta. Áo trắng cô dâu cầm hoa. Nhạc tung tóe thanh niên hòa ca…”
Màng nhĩ tôi muốn vỡ [tung tóe] theo ca từ của bài: “Giờ em đã là vợ người ta.”

Nhưng bận tâm làm gì đến khái niệm: “văn hóa lai căng”. Nói ra chỉ thêm buồn. Bởi đã nhắc đến âm nhạc là không thể không nhắc đến văn học, thơ ca, nghệ thuật… cái kiến trúc thượng tầng đó đang bị chà đạp theo một cách tàn nhẫn chưa từng có. Một sự thôn tính và xâm lấn về mặt văn hóa. Xã hội xuống cấp về đạo đức, bản chất đó biểu hiện qua những hiện tượng âm nhạc, văn thơ, nghệ thuật… Cúi mặt mà phớt lờ đi vậy. Không biết, không nghe, không thấy cho chắc.

Đám cưới của anh T* tôi phải vui lên mới phải. Tôi phải hòa mình với đám thanh niên nơi đây. Thế mà, lúc tôi cố vui thì anh T* tôi lại buồn. Từ đầu buổi đến cuối buổi anh không cười một tiếng. Chị dâu tôi cũng vậy, mặt cứ rười rượi làm sao ấy?

Bây giờ, tôi mới quan sát và thấy có điểm kỳ quặc. “Ồ, lạ thật! Sao đám cưới mà lại không thấy ai bên nhà gái? Người nhà của cô dâu đi đâu hết cả rồi? Nếu cô dâu không có ba mẹ thì phải có cô chú, dì dượng, anh em, bạn bè mới phải chứ!”

Thật vậy! Một đám cưới mà tôi chưa từng bắt gặp ở đâu. Nhất định phải có nguyên nhân gì đó. Lý do hai vợ chồng anh T* tôi buồn cũng từ đó mà ra. Tôi liền đứng lên rời khỏi bàn tiệc đi tìm mợ tôi để hỏi cho ra lẽ. Khi biết được nguyên nhân, tôi rụng rời tay chân.

Chuyện là vậy:
Anh tôi cưới phải vợ là người bên đạo. Khi bạn yêu và lấy một người không cùng niềm tin tôn giáo với bạn thì những khó khăn, trở ngại là điều không thể tránh khỏi. Anh T* tôi cũng vậy. Hai bên gia đình nội ngoại đã đồng ý cho hai người đi đến hôn nhân nhưng oái ăm thay lại vướng phải “cửa ải tôn giáo.” ‘Người đó’ muốn anh T* tôi phải đi học đạo trong ba tháng. Truyền bá đủ các loại tư tưởng này nọ. Gặp phải anh tôi là một người có lập trường vững vàng, có kiến thức và tính tình lại rất cương quyết, hay bày tỏ chánh kiến của mình.

Một cuộc đấu khẩu diễn ra giữa một bên là chức sắc tôn giáo cai quản giáo phận S.C* còn một bên là anh thanh niên coi trời bằng vung. Hai người tranh luận với nhau về vấn đề thượng đế và linh hồn. Cuối cùng chẳng ai chịu thua ai. Hậu quả ra sao chắc bạn đã biết. Anh tôi bỏ về, quyết định không theo học đạo nữa. Còn ‘người đó’ thì đưa ra một quyết định có một không hai trong lịch sử:

“Gia đình ông B*, nếu con các vị có đám cưới với nhà anh T*, thì xin nhớ cho. Hễ ai mà đặt chân đến nhà anh T* nửa bước, sẽ cấm các vị không được đến làm lễ tại thánh đường trong vòng ba năm.”

Thế là, một đám cưới lạ chưa từng thấy diễn ra tại một vùng quê hẻo lánh. Đám cưới gì mà chỉ có mỗi nhà trai và trơ trọi một mình cô dâu nhà gái. Những người bên nhà gái kể cả cha mẹ cô sợ vị chức sắc tôn giáo đó còn hơn sợ cọp. Coi luật của giáo hội còn hơn lương tâm của con người. Vì sao vậy? Tôi thấy rất vô lý. Vô lý đến mức khiến tôi mất bình tĩnh.

Nền tảng của tôn giáo là “tình yêu” – tình yêu theo nghĩa rộng nhất. Chúa, Phật hay thánh Allad đều muốn con người ta được hạnh phúc, an lạc; muốn con người yêu thương nhau và đỡ đần, cưu mang nhau. Đằng này lại muốn ngăn trở, cấm đoán và gây thêm phiền muộn đau khổ cho người khác. Để xã hội nhìn vào đó mà căm ghét cả giáo hội hà khắc. Như thế có đáng không? Đường nào cũng sai trái thế mà vẫn làm, vẫn cấm đoán. Ôi! Hai tiếng “yêu thương” của ‘các người’ đúng là rỗng tuếch còn thua cả miếng dẻ rách.

Đá Gà

Trước khoảng sân nhỏ bề mặt trải một lớp cát mịn.
Những thanh niên túm tụm.
Người đứng kẻ ngồi.
Tiếng nói, tiếng cười xôn xao.
Khán giả đứng xếp hàng quanh mép đường đúc bê tông.
Có lớp ngồi trên bậc tam cấp lát gạch men sáng bóng.

Tôi hình dung đến một đấu trường La Mã.
Những chiến binh mang giáp trụ.
Những thanh gươm loang loáng.
Tôi giật mình tỉnh trí khi tiếng gáy cất lên.

“Ò ó o o…” Con gà lông xám rất sung mãn. Tuy đang nằm trên tay chủ nhân nhưng nó chẳng chịu đứng yên, cứ chồm chồm về phía trước như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ của nó là một con gà lông tía đang nín lặng như có vẻ khiếp sợ.
Hai cặp cựa bén nhọn sáng nhoáng khiến tôi rùng mình ớn lạnh.
Chỉ ít phút nữa thôi, tại ‘đấu trường’ này sẽ diễn ra một cuộc chiến sinh – tử.

– Xong rồi. Bắt đi! – B.Đ* (một tay giang hồ khét tiếng ở T.B*) cất tiếng nói.
Những người bên ngoài ‘giao kèo’ đâu ra đó xong.
Gà cũng đã vào nước.
Vạch khởi chiến được gạch.
Trước khi cuộc chơi bắt đầu, có một sự cãi vả nho nhỏ diễn ra…
(…)

Tôi liếc nhìn sang anh B* đang ngồi chăm chú theo dõi từ đầu buổi đến giờ.
Cách sân chơi một nhà, một buổi tiệc cưới đang chuẩn bị tổ chức.
Chỉ hai tiếng nữa thôi là đến giờ anh B* làm chú rể rồi.
Vậy mà anh B* vẫn ‘ghiền’ đá gà chưa chịu về lo thu xếp cho đám cưới của mình.
Tôi thấy nét mặt anh B* mấy hôm nay buồn lắm!
Tôi từ Đà Lạt về dự đám cưới anh trong niềm hân hoan vô bờ.
Nhưng khi đến nơi, biết được ‘chuyện rắc rối’ trong việc cưới xin của anh thì ai cũng chạnh lòng…

“Phạch… phạch… phạch”

Ồ, trận chiến đã bắt đầu từ khi nào vậy?
Tôi nhìn về ‘đấu trường’ thấy hai ‘đấu sĩ’ lăm lăm trên tay hai thanh kiếm bén ngót.
Những đòn thế rất xứng đáng với danh hiệu ‘tuyệt đỉnh kungfu’. Tấn công, tránh né, rồi đỡ đòn, luồn lách…
Hai ‘đấu sĩ’ tập trung cao độ.
Và bất ngờ…

“Phạch”
Tôi thấy con gà xám vừa bay lên, tung một một đòn đá vào vùng ngực con gà tía.
Đòn đá hiểm hóc là vậy mà con gà tía cũng rụt người lại tránh được.
Nhanh như chớp tung cánh móc ngược một cựa vào lưng đối thủ.

“Bập… bập… bập…” Tôi sững sốt khi nhìn thấy cảnh con gà xám bị dính một cựa dẫn đến liệt cánh mất sức chiến đấu.
Tôi không muốn theo dõi tiếp trận đấu nữa.
Vì con gà xám rõ ràng đã thua rồi mà không ai chịu bắt nó ra.
Cứ để cho nó nằm dưới đất để con gà tía cứ nhắm vào đầu mà đá.
Cũng đáng thôi!
Vì con xám không chịu thua. Nó nằm một chỗ dãy dụa. Máu dính đầy đầu và mặt. Thế mà vẫn dùng mỏ sừng mổ lại đối thủ đã chiến thắng gần như tuyệt đối.
Theo luật. Nếu không con nào bỏ chạy thì phải chơi cho đến lúc chết.

Sau một hồi chống trả trong tuyệt vọng.
Rồi nó cũng trút hơi thở cuối cùng.
Tôi bỏ về vừa lúc nó nằm xuống vĩnh viễn.
Không ai hiểu được vì sao tôi buồn. Trong khi mọi người cười nói rôm rả khi cầm được tiền thắng cược.
Trận đá gà hôm đó có ba điều làm tôi phải suy nghĩ:

Điều thứ nhất:
Dấu hiệu để nhận biết chân thực tài.
Tôi thấy từ đầu buổi đến cuối buổi con gà tía không gáy một tiếng nào.
Động tác của nó cũng từ tốn chứ không đao to búa lớn như đối thủ của mình.
Thế mà khi vào cuộc chiến nó tỏ ra vượt trội hơn hẳn đối thủ.
Thế mới biết, ở đời phàm kẻ nào nói nhiều hay khoa trương khoác lác, hầu hết không phải là người có chân thực học. “Thùng rỗng thường hay kêu to” Đúng lắm thay!
Ngược lại người trầm mặc ít nói, không hay khoa trương, nhưng suy nghĩ lại vô cùng thấu đáo, bản lĩnh hơn người. Đó là một trong những dấu hiệu cơ bản để ta phân biệt đâu là nhân tài, đâu là kẻ hữu danh vô thực.
Như anh B* của tôi vậy.
Anh ấy nổi tiếng ở xóm là người hiền hiền ít nói. Ở nhà lễ phép, ra ngoài có anh có em, chơi rất tình nghĩa. Hồi giờ không hay sinh sự đánh nhau với người ngoài, em út trong nhà đứa nào cũng giang hồ xã hội đen. (B.Đ* là em thứ nhì của anh B*) Thế mà anh rất có uy, nói đứa nào cũng phải nghe.
Tôi còn nhớ cách đây ba năm, tôi nhận được tin anh bị bắt và phải bóc ‘ba cuốn lịch’ mới được thả.
Anh phải chịu đày ải trong tù vì tội gì?
Cũng lại hai tiếng “đánh nhau”. Nhưng lần này gan anh to bằng trời. Đánh giang hồ trùm sò ở đâu không đánh lại đánh công an giao thông và công an hình sự.
Cái tội hành hung, chống người thi hành công vụ là không nhẹ chút nào.
Những năm tháng cay đắng anh phải chịu đựng trong tù ghê gớm đến cỡ nào. Thế mà khi ra tù anh không một lời than thở. Vẫn nụ cười hiền hiền nhưng khiến cho ai cũng khiếp.

Điều thứ hai:
Nói gì thì nói, tôi thấy con gà xám vẫn có cái bản lĩnh của nó.
Nó không chịu thua. Đã chiến đấu là chiến đấu cho đến chết.
Đó là hình ảnh dũng mãnh của một samurai.
Khi kiếm đã rút ra khỏi bọc tức là có người phải nằm xuống. Không có sự lựa chọn.
Tinh thần thép đó không phải để ta dùng nó mà sát phạt nhau. Mà để dùng nó đối chọi với cuộc đời. Những biến cố thăng trầm, những sóng gió trong đời chưa bao giờ và không bao giờ đánh ngã được bạn. Bạn phải chiến đấu giống như một võ sĩ đạo chân chính. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước những vùi dập của số phận. Hãy mổ lại những vết chém cuộc cuộc đời, để một là bạn sống tiếp, hai là số phận phải ngã gục trước bạn. Không có sự lựa chọn nào ngoài hai từ: CHIẾN ĐẤU.
Tôi còn nhớ lúc tôi được năm tuổi rưỡi.
Anh B* của tôi một mình đánh lại năm người.
Những kẻ này là giang hồ vào nhà cậu tôi để đòi nợ thuê.
Chúng mang theo mã tấu, dao găm lạnh thấu xương.
Khi đó anh tôi chỉ có một chiếc đũa tre.
Một chàng thanh niên ốm o, gầy mòn, bẻ đũa làm kiếm chống lại kẻ thù.
Mợ tôi la hét ầm ĩ.
Mấy anh em tôi khi đó còn bé xíu không thể giúp anh B* được.
Một mình anh sao có thể đương đầu nổi một lũ năm tên linh cẩu.
Anh tôi bị chúng đánh, chém dã man.
Nụ cười hiền hiền của anh vẫn khắc sâu trong trí óc tôi. Tôi thấy anh cười khinh mạn trước cái chết. Anh nói thều thào: “Bọn bay đánh… đánh tao… thì thì đánh cho chết. Chứ tao… tao mà còn sống… thì tụi bay… tao sẽ đập dẹp từng thằng một…”
Vụ đó anh tôi nằm viện hơn ba tháng.
Vừa ra khỏi bệnh viện là anh thực hiện lời tuyên bố của mình ngay.
Một bó đũa không thể bẻ gãy nhưng từng chiếc thì sao?
Anh B* tìm đến từng đứa đã đánh anh. Chuyện sau đó thì cái xóm của tôi ai ai cũng biết. Mấy bọn giang hồ từ khi đó tôn anh lên làm đại ca.
Đến hôm nay là đám cưới anh. Mấy người còn nhắc lại chuyện cũ. Và không ít kẻ xem anh như thần tượng. Mấy người gọi anh là một tay hảo hán ở đời. Chúc mừng anh nên duyên với bóng hồng đẹp nhất TB* (tôi cũng bất ngờ khi thấy chị dâu mình xinh cứ như tiên nữ vậy)
Anh tôi không nói gì, không tán tỉnh, ở nhà ai cũng nghĩ anh sẽ ‘ế’ vậy mà…
Đúng thay câu nói: “Đừng chê ngựa gầy là ngựa dở. Đừng thấy kẻ sĩ nghèo mà coi khinh.”

Điều thứ ba:
Tôi thấy thanh niên ở đây cũng rảnh việc.
Hết trò chơi lành mạnh hay sao mà lại tìm đến với những trò chơi sát máu và nhẫn tâm đến vậy.
Hai con gà với bộ lông óng mượt.
Đôi mắt to tròn long lanh.
Tiếng gáy lanh lảnh.
Chừng đó chưa đủ hay sao?
Mà cứ phải chém chém giết giết.
Đầu tiên là đá gà. Sau đó là đánh lộn đâm chém.
Một thực tế rằng ở TB* không có mấy nhà mà con cái họ không bị đi tù về tội đánh nhau chết người. Tính trung bình mỗi gia đình phải có ít nhất một đứa đi bóc lịch. Riêng nhà cậu H* tôi có đã có hai người trong danh sách.
Tôi không biết do tính cách hung tợn sẵn trong máu bởi phong thủy, giáo dục nơi đây tạo ra con người như vậy, hay là do những trò chơi sát máu kia ảnh hưởng đến nhân cách con người? Hay là cả hai yếu tố tác động qua lại với nhau? Mà hễ mỗi tí là họ nói chuyện với nhau bằng dao búa.

Tôi và anh B* ngồi tâm sự suốt đêm thâu.
Buồn buồn tôi lại hỏi anh:
– Anh B* này, nếu bây giờ có ai khiêu khích đòi đánh anh thì anh tính sao đây? Anh nhớ bây giờ mình đã có vợ rồi đấy nhé! – Tôi nhắc nhở anh.
Anh cười hiền hậu, đáp lời tôi:
– Mình không chọc người ta thì thôi, ai lại đi chọc mình. Mà có đi nữa thì anh cũng nhịn nhục. Cái thời trẻ trâu qua rồi em à! Bây giờ anh mới hiểu sao ngày trước mình khờ khạo quá. Có những hy sinh không đáng đâu em.
– Anh hối hận ư?
– Không. Quá khứ đã giúp anh nhận ra nhiều thứ.
– Anh vẫn sẽ bảo vệ gia đình mình? Cậu, mợ, anh em, và còn gia đình nhỏ của anh nữa?
– Tất nhiên rồi. – Anh mỉm cười đưa tay vuốt tóc tôi.
– Còn với lũ bọn chúng thì sao? Những kẻ đang có dã tâm cướp nước ta. – tôi hơi cúi mặt che đi đôi mắt đã ươn ướt từ lúc nào.
Anh B* bỗng đứng phắt dậy. Chạy vào nhà vác ra cây rựa sáng loáng. Anh đứng trước mặt tôi như một vị tướng uy dũng. Giọng nói rất trầm rung lên:
– Anh đã mài sẵn thứ này rồi. Em hãy xem đi! Chỉ chờ ngày bọn chúng vác xác vào ‘nhà mình’ thôi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN