Hà Thần - Thủy quái dưới cầu - Chương 30
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Hà Thần - Thủy quái dưới cầu


Chương 30



Một

Khi việc nạo vét sông cái phòng lụt năm 1958 tiến hành đến ngày rằm tháng bảy, tại miếu Tam Nghĩa và Vương Xuyến Tràng liên tiếp phát hiện hai cái xác khô quắt. Khí hậu vùng đất hai bên bở Hải Hà không quá khắc nghiệt, rất hiếm khi có xác khô. Ngoài đường đồn ầm lên là đã phát hiện ra Hạn Bạt, chẳng cần biết lời đồn là thật hay là giả, dù sao sau đó mưa to cũng đổ ập xuống, liên tục hai ngày hai đêm mới tạnh, nước sông dâng cao.

Trước khi trởi đất biến đổi, Quách sư phụ đã nhìn thấy một luồng khí đen xuất hiện ở đằng xa, nhờ vậy mới chợt nhận ra lời đồn ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương có chôn dấu bảo vật là không ngoa. Thứ đó sắp gây họa tới nơi, nếu không suy nghĩ ra biện pháp đối phó, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày nước tràn đê Hải Hà, nhấn chìm Thiên Tân vệ. Chợt nhớ tới một câu chuyện cũ đã từng được nghe, nhưng muốn nói rõ được toàn bộ tiền căn hậu quả của nó, chúng ta phải quay về thời gian trước nữa. Câu chuyện này xảy ra vào cuối thời nhà Thanh.

Lúc ấy, Đại Thanh thù trong giặc ngoài, quả thật là bốn bể rung chuyển, thiên hạ đại loạn. Vào thời đó, Thiên Tân vệ xuất hiện một vị kỳ nhân, tên là Thôi Đạo Thành chuyên bày quầy xem bói tại cửa Nam, được mọi người gọi là Thôi lão đạo, dựa vào xem bói kể chuyện thuyết thư kiếm sống. Mặc dù không thể coi là phán lúc nào cũng chuẩn, nhưng cũng đủ khả năng làm cho những người ở tỉnh ngoài đến tin sái cổ. Dân bản xứ thì ai cũng thừa biết, Thôi lão đạo xem bói “Mười quẻ chín không được”. Nhưng Thôi lão đạo lại biết điển tích cổ, có thể kể thao thao bất tuyệt cả bộ Nhạc Phi truyện theo đúng nguyên bản. Nhạc Phi chính là Kim Sí Đại Bằng Điểu bị Phật Tổ Như Lai thu vào vầng hào quang trên đỉnh đầu của mình. Chỉ vì lúc nghe Phật Tổ giảng kinh không may phọt rắm, Nữ Thổ Bức đã khiến cho Kim Sí Đại Bằng Minh Vương nổi giận, mổ chết tươi. Bởi vậy, Kim Sí Đại Bằng Minh Vương bị giáng xuống hạ giới, nửa đường lại mổ chết Thiết Bối Cầu Long, sau đó đầu thai gửi hồn vào con người trở thành Nhạc Phi kháng Kim bảo vệ Tống. Nữ Thổ Bức và Thiết Bối Cầu Long cũng đi đầu thai rồi đến tìm Nhạc Phi báo thù. Bởi có những tình tiết nhân quả báo ứng liên quan cả đến thần tiên ma quái Phật Đạo, cộng thêm tình tiết Nhạc Gia quân đánh quân Kim ra sao, bày trận và phá trận như thế nào,cho nên càng kể càng ly kỳ kích thích trí tò mò của con người. Khi ấy, mọi người đặc biệt thích nghe những câu chuyện như thế này. Thôi lão đạo không những chỉ biết kể chuyện, mà còn có thể tự biên tự diễn thêm, trên giang hồ tương đối được lòng người khác. Thời ấy, được lòng người khác cũng có nghĩa là có được cơm ăn. Dựa vào xem bói và kể chuyện thuyết thư, ông này tạm kiếm đủ miếng cơm.

Thấy Thôi lão đạo kiếm sống được không được khá giả lắm mọi người rất dễ lầm tưởng, nghe nói ông này thực sự có bản lĩnh, thủ đoạn không hề tầm thường, chỉ đáng tiếc là bị mệnh kìm hãm, có năng lực cũng không dám dùng, cho nên cuộc sống rất túng quẫn. Ông này cũng không phải là đạo sĩ thật sự, mà cũng có nhà có người thân, chuyên mặc một chiếc đạo bào rách rưới để làm chiêu bài bày bàn.

Có một năm, nhiều tỉnh đồng thời bị mất mùa, lúc đầu nước sông Hoàng Hà khô kiệt, sau nạn châu chấu lại hứng chịu nạn hạn hán, đồng ruộng không thể gieo trồng được, đất khô cằn cả ngàn dặm. Trong nội thành còn sống tạm được qua ngày, nhưng ở ngoại thành thì người chết đói khắp nơi, mọi người đói vàng cả mắt, có ai còn muốn xem bói nghe kể chuyện? Gia cảnh nhà Thôi lão đạo nghèo rớt mồng tơi, đành phải đi phục vụ tang lễ. Lúc bấy giờ, ông lão chủ nhà của một gia đình giàu có bị chết, thiếu người chấp sự. Chấp sự là người đứng trước linh đường, khi các tăng nhân siêu độ xong, người này có trách nhiệm đọc văn tế. Ngoài ra, nếu có người đến viếng, khi họ được người phụ việc dẫn vào chánh đường qua cửa chính, chấp sự phải lập tức hô lớn: “Nhất bái, nhị bái, tam bái, gia đình nhà hiếu hoàn lễ.” Những người đến phúng viếng và toàn bộ gia đình nhà hiếu đều phải làm theo lời hô của chấp sự, bảo quỳ xuống là phải quỳ xuống, bảo dập đầu là phải dập đầu, tương đương với người lãnh đạo có quyền lớn nhất trong linh đường, người ta thường gọi là “Đại Liễu” .

Ông lão chủ nhà giàu này qua đời, khi tổ chức việc tang lễ, vừa vặn thiếu mất một vị chấp sự, Thôi lão đạo lấp vào vị trí đó. Phục vụ tang lễ nhìn thì có vẻ dễ dàng, nhưng không phải ai cũng có thể làm. Xã hội xưa có rất nhiều điều kiêng kị mê tín, nhưng nếu nói đến người thông thạo những chuyện kỳ lạ hiếm có, hiểu biết chữ nghĩa thì không ai sánh bằng Thôi lão đạo. Ông này tuyên bố xanh rờn “Mưu thắng Trương Lương, trí vượt Gia Cát”, táo ông táo bà, Long Vương năm châu bốn biển, tiền hậu địa chủ tài thần, không vị nào là mình không biết. Ông này thầm tính toán “Việc này không tệ, chỉ cần khéo nói là xong chuyện, dù có nhắm cả hai mắt cũng không làm sai chuyện gì được. Bao ăn bao uống còn kèm theo phần thưởng, so với bày quầy ở cửa Nam uống gió thì tốt hơn rất nhiều. Từ lúc liệm cho đến lúc đưa tang, tổng cộng là bảy ngày. Trong vòng bảy ngày tới coi như không phải phát rầu vì phải tìm nơi kiếm miếng cơm rồi, sau này ra sao thì để tính sau”, nhưng không lường trước được ý nghĩ đó đã gây ra họa lớn.

Hai

Đêm ngày hôm đó, gia đình nhà hiếu thuê công nhân dựng rạp kín cả con phố để ngày hôm sau bắt đầu phúng viếng. Thôi lão đạo đồng ý làm một chân phục vụ tang lễ, lĩnh trước một phần tiền đặt cọc rồi về nhà chuẩn bị. Vừa mới sớm tinh mơ, ông này đã ăn mặc chỉnh tề ra khỏi nhà. Vài ngày trước không có gì ăn, ông ta đói đến mức da bụng dính vào sau lưng. Lúc ban đầu, ông này định ăn cơm do nhà hiếu cung cấp, nhưng theo như tiền lệ thì phải bắt tay ngay vào việc, đến buổi trưa mới được ăn cơm. Ông ta thầm nhủ: “Trong bụng không có cái gì thì lấy đâu ra sức mà lớn tiếng hô với hét, vừa mới ngày đầu tiên cũng đừng có làm hỏng chuyện nhà người ta chứ, cứ tìm chỗ nào ăn sáng rồi mới tới đó sau.” Vừa lúc ấy đi qua một cửa tiệm “Cơm cháy Đại Phúc Lai”, ông ta vừa vào tới cửa là đã gọi ngay hai cái bánh nướng một chén cơm cháy.

Cơm cháy là món ăn sáng chỉ riêng Thiên Tân vệ mới có, giá rất rẻ, chỉ hai đồng một chén. Thường ngày, Thôi lão đạo nghiện ăn món này, nhưng năm ấy mất mùa đói kém, nếu không phải nhận trước tiền đặt cọc phục vụ tang lễ, ông này cũng không dám ăn.

N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Khi tiểu nhị bưng món cơm cháy lên, Thôi lão đạo còn ngắm nghía xem có đúng là cơm cháy Đại Phúc Lai hay không. Gia vị phải đầy đủ, miếng cháy phải mỏng, như vậy mới đúng là món của nhà này.

Đại Phúc Lai là cửa tiệm lâu đời trên trăm năm, chủ tiệm họ Trương, theo tương truyền đã được hoàng thượng phong thưởng. Trước lúc ấy, dù tiệm này không có tiếng tăm gì, mọi người không biết tới, nhưng nhà này vẫn tuyệt tối nghiêm ngặt sử dụng đúng đủ nguyên liệu. Đậu xanh xay nhuyễn, tráng thành bánh, để nguội hẳn rồi cắt thành lát mỏng. Tương vừng trộn với nhiều loại gia vị chế thành nước chấm. Khi ăn, cho cơm cháy đã cắt sẵn thành miếng nhỏ vào chén đầy đến tận miệng, giội tương vừng, muối tiêu, đậu chao, tương ớt, cuối cùng rắc thêm một chút rau thơm lên trên, cách mấy con phố vẫn có thể ngửi thấy được mùi thơm mát đó, hình thức cũng rất ngon miệng. Có một ngày, một ông lão tôn quý dẫn theo mấy người tùy tùng tới, sau ăn xong món cơm cháy của nhà này đã khen ngợi không tiếc lời. Ngày hôm sau, một vị Ngự tiền thị vệ tìm đến cửa, bảo với chưởng quầy: “Chúc mừng chúc mừng, hồng phúc của ngươi đã đến.” Chưởng quầy không hiểu đầu đuôi ra sao: “Nhà tiểu nhân chỉ làm buôn bán nhỏ thì lấy đâu ra hồng phúc?” Ngự tiền thị vệ bèn giải thích cho chưởng quầy: “Ngày hôm qua, Hoàng Thượng đã cải trang vi hành đến tiệm của ngươi, sau khi ăn xong món cơm cháy ở đây cảm thấy rất ngon, muốn phong thưởng cho ngươi.” Từ đó về sau, món cơm cháy nhà này vang danh thiên hạ, thực khách nghe danh nối đuôi nhau không ngừng kéo đến. Nhà này mở thêm hơn mười chi nhánh, chưởng quầy đổi tên tiệm thành “Đại Phúc Lai”*.

*Hồng phúc đến

Lâu rồi Thôi lão đạo không có nổi vài đồng, hai ba tháng nay chưa từng được thưởng thức món này. Hôm ấy ngon miệng không cưỡng lại được, ông này liên tiếp ăn hết ba chén cơm cháy. Được nhà hiếu ứng trước tiền làm việc tang lễ, ông này cắm đầu vào ăn sạch ba chén cơm cháy rồi mới chịu tới chỗ đám tang. Bên đó người ta đã dựng xong rạp trước cổng chính, hai người phụ việc một phụ trách khu vực bên trong cửa chính, một phụ trách bên ngoài. Linh đường được đặt tại phòng khách, hòa thượng đạo sĩ đến siêu độ tụng kinh sắp đồ đầy cả gian phòng. Bởi ông cụ chủ nhà qua đời, con trai và con dâu phải mặc đồ tang đốt vàng mã, toàn bộ người thân họ hàng và thân bằng cố hữu gần xa thì chầu chực ở bên ngoài linh đường. Thôi lão đạo vừa đến nơi thì cũng là lúc bắt đầu tụng kinh niệm chú, ông ta vội vàng chỉnh trang lại quần áo rồi đứng vào vị trí trước linh đường. Đứng bên cạnh là một trợ thủ tên là Ngô Đại Bảo, là đồ đệ trên danh nghĩa của Thôi lão đạo, cũng coi như là một kẻ theo chân kiếm ăn. Anh chàng này dốt đặc cán mai, một chữ bẻ đôi cũng không biết, tay xách một ấm trà, chuyên châm trà rót nước cho đám hòa thượng và đạo sĩ tụng kinh nhấp giọng. Thôi lão đạo từng than thở, cái tên Ngô Đại Bảo này không hay, Ngô có nghĩa là không, Đại Bảo chính là nguyên bảo, gộp lại có nghĩa là ngay cả một đại bảo cũng không có, trong tay không có tiền, thế chẳng phải là khố rách áo ôm thì là cái gì?

Không phải tất cả hòa thượng đạo sĩ đang siêu độ vong hồn trong rạp đều là người xuất gia, có những người tu tại nhà nhưng vẫn biết niệm kinh, đó cũng là một loại khả năng. Bảy ngày đầu tiên là tuần đầu, kéo dài từ lúc người đó chết đến lúc đưa đi hạ táng mới chấm dứt. Trong bảy ngày đó, ngày nào cũng phải niệm kinh năm lần, buổi sáng hai lần buổi chiều hai lần, đến đêm là lần dài nhất. Trong thời gian đó, chấp sự có trách nhiệm đọc văn tế, nhắc nhở con cháu nhà hiếu và người đến phúng viếng lúc nào cần bái lạy, công việc của Thôi lão đạo chính là việc này. Sau khi nghe thấy tiếng tụng kinh tắt hẳn, có nghĩa là lần niệm thứ nhất đã xong rồi, ông ta bắt đầu đọc văn tế. Bởi quanh năm suốt tháng kể chuyện thuyết thư xem bói ở cửa Nam, ông này biết cách ăn nói, làm bộ làm tịch sao cho hợp với tình huống, giọng nói cũng đầy tình cảm. Nghe thấy bên dưới linh đường đồng loạt dậy lên tiếng than khóc, đọc xong văn tế rồi hô to dập đầu bái lạy, Thôi lão đạo chợt thấy chóng mặt, thầm hô: “Hỏng hết cả việc rồi!”

Ba

Thì ra mấy ngày hôm ấy, Thôi lão đạo không có gì để mà ăn, trong bụng không có lấy một hột cơm, buổi sáng ăn liền ba chén cơm cháy, đầy bụng không tiêu, lúc đọc văn tế chỉ trực xả xú uế ra, khẩn cấp phải đi nhà xí. Thế nhưng, lúc ấy còn hơn chục người đến phúng viếng đang xếp hàng ngoài linh đường, chỉ chờ chấp sự hô lên là sẽ bước lên dập đầu, không thể nào bỏ mặc nhiều người đứng chờ như vậy, giờ nên làm thế nào cho phải?

Chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, Thôi lão đạo lôi phắt vị đồ đệ trợ thủ Ngô Đại Bảo đang đứng bên cạnh lại, nhét vội bài văn tế vào tay y: “Vi sư phải chạy đi nhà xí một lúc, giờ con cứ bắt chước y chang theo mà hô, bình thường vi sư hô như thế nào con cũng sẽ hô như vậy, hiếu tử quỳ, dập đầu lần thứ nhất, tiếp tục dập đầu, dập đầu lần thứ ba, sau hiếu tử là đến con dâu, nhớ kỹ chưa?”

Ngô Đại Bảo không biết chữ, văn tế không biết đọc, nhưng hô dập đầu thì y nghe suốt đến thuộc làu, chẳng có gì là khó cả, bèn bảo với Thôi lão đạo: “Sư phụ yên tâm, việc này cứ giao cho con, người mau đi đi, đã có giấy chùi chưa?”

Thôi lão đạo chẳng buồn đáp lại ất thời gian, vơ vội một nắm giấy vàng mã dưới mặt đất, giống như bị lửa đốt đít, ôm bụng phóng thẳng tới nhà xí.

Ngô Đại Bảo buông ấm trà xuống, tay cầm văn tế, bắt đầu dẫn dắt việc phúng viếng, hô lên một câu ‘hiếu tử quỳ’. Con cháu trong xếp thành một hàng, ai trước ai sau phải tuân theo theo thứ tự nhất định, như vậy người chấp sự mới không gọi sai. Người con kia nghe thấy chấp sự gọi mình, lập tức bước lên trước linh đường quỳ rạp xuống đất, khóc ầm lên.

Tiếp theo, đáng lẽ ra Ngô Đại Bảo phải hô “Dập đầu”, nhưng y chỉ là kẻ “không có chó bắt mèo ăn cứt’, cố sức lắm mới giữ được bình tĩnh, đột ngột bị nhiều người trong linh đường cùng đổ dồn ánh mắt vào như vậy, không tránh khỏi có đôi phần luống cuống. Y khẩn trương líu cả lưỡi, trong đầu thì nghĩ đến “Dập đầu”, nhưng ra khỏi miệng lại thành “Lộn đầu” .

Người con kia là kẻ sinh ra trong nhà giàu có, không hiểu biết gì về đạo đối nhân xử thế, cũng chưa từng tham gia một buổi tang lễ nào, đây mới chỉ là lần đầu tiên. Lúc trước có người nhắc nhở anh ta, khi ở trên linh đường thì nhất nhất phải nghe theo chấp sự, chấp sự bảo anh làm cái gì thì anh phải làm cái đó, bảo dập đầu thì phải dập đầu, bảo khóc thì phải khóc hết nước mắt, nếu không người ta chắc chắn sẽ đánh giá anh là người bất hiếu. Bởi trong đầu lúc nào nghĩ đến lời nhắc này, cho nên khi nghe thấy chấp sự hô lên “Lộn đầu”, anh ta ngơ ngác không hiểu ra sao, “Lộn đầu” là nghĩa làm sao? Lộn nhào? Anh ta sợ không gánh nổi tội danh bất hiếu, nên cho dù không biết lộn nhào cũng phải lộn, thôi thì cứ cắn răng mà làm cho xong. Anh ta gồng người lên, hai tay ôm chặt lấy đầu, chổng mông lên lộn một vòng rồi té lăn chiêng linh đường. Mọi người đứng bên dưới nhìn lên hoa mắt choáng váng, thế này là thế nào?

Ngô Đại Bảo hô đủ ba lượt, bắt hiếu tử phải nghiêng ngả lộn nhào ba lần. Sau khi người con đó đã lộn đủ ba vòng thì đến lượt cô vợ của anh ta. Dù cô ta đang mang thai tháng thứ sáu thứ bảy, nhưng trong lòng biết chắc là không thể trốn tránh, ai có thể gánh nổi tội danh bất hiếu? Nhưng cô ta thật sự không thể lộn nhào được, bèn van xin: “Tôi nằm dài xuống đất rồi lăn tròn thầy thấy có được hay không?”

Đến nước này mọi người đến phúng viếng ở bên dưới không nhịn được nữa, nào đâu có cái trò bắt con cháu nhà hiếu phải lộn nhào trên linh đường? Chấp sự trên linh đường chẳng phải là Thôi lão đạo ư, sao lại thay bằng Ngô Đại Bảo rồi? Bèn quy kết là Ngô Đại Bảo đã nhận được lệnh của Thôi lão đạo, cố ý quấy rối linh đường, cái trò này còn đáng hận hơn cả đào mộ tổ tiên nhà người ta. Những người thâm giao với gia đình nhà hiếu đều là kẻ có quyền thế, những người này không có một ai là kẻ dễ trêu, nhổ bừa một sợi lông trên đùi cũng to hơn eo Ngô Đại Bảo và Thôi lão đạo. Lúc bấy giờ, họ bèn gọi một đám gia đinh hùng hổ như sói như hổ tới, đè nghiến Ngô Đại Bảo xuống, dùng côn đập loạn ột trận thừa sống thiếu chết, sau đó tiếp tục nổi giận đùng đùng đi tìm chủ nợ là Thôi lão đạo để tính toán.

Vừa mới bước ra khỏi nhà xí, Thôi lão đạo đã phong thanh nhận thấy có chuyện không hay, có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch tội, người khôn phải biết nặng nhẹ, lập tức vắt chân lên cổ chuồn ra ngoài thành, nhất thời không dám trở về. Nhưng trên người lại không có bao nhiêu tiền, ông này quyết định về nông thôn né tránh chờ mọi việc lắng xuống rồi tính sau, bèn lấy số tiền đặt cọc cho việc phục vụ tang lễ đi mua lương khô đủ cho vài ngày ăn, gói ghém qua loa rồi một đường thẳng tiến vượt qua vùng đất trũng phía nam. Sau khi ra khỏi thành, ông này lại chỉ thấy cảnh tượng hoa mầu mất mùa ở khắp nơi. Trên đường nghe được tin tức, ở Hà Nam có rất nhiều dân gặp nạn nổi loạn, triều đình cử quân đội đóng tại Trực Lệ tới trấn áp, thẳng tay tàn sát. Dọc đường ông ta chỉ gặp dân đói rách và quân nổi loạn chạy lên phía bắc, bỏ cả nhà cửa vườn tược lại đằng sau. Đi sâu xuống phía nam, ngay cả dân đói rách cũng không còn nhìn thấy nữa, mọi người đã chết đói cả rồi, khắp nơi la liệt xác chết, trong lòng ông này trở nên nặng trĩu, đau buồn thui thủi một mình cất bước. Khi đi ngang qua một khu nghĩa địa, ông này chợt thấy đầu một con chó đen ló ra sau một ngôi mộ. Cái đầu con chó đó chắc phải to hơn cả đầu con nghé, miệng ngậm một đứa bé, trợn trừng đôi mắt đỏ rực lên, nhe răng khẽ gầm gừ với Thôi lão đạo.

Bốn

Thôi lão đạo tay không tấc sắt, chắc mẩm lần này mình sẽ biến thành thức ăn trong miệng chó trong cái nghĩa địa này, nhưng mệnh chưa đến lúc tuyệt, đột nhiên một con chó dữ khác nhảy vọt ra, nhe răng há mõm muốn đoạt xác đứa bé trong miệng con chó đen. Nhân lúc hai con chó hoang tranh giành nhau, Thôi lão đạo tận dụng cơ hội chạy trối chết. Toàn bộ vùng đất trũng không có con đường mòn nào, ông ta lúc thì rẽ bên trái, khi thì ngoặt sang phải, rụng rời cả hai chân mà không biết đến khi nào mới thoát khỏi nơi này. Chạy được tầm hơn hai dặm, ông ta đột nhiên dừng phắt lại. Kể ra đôi mắt của ông ta cũng độc, đã phát hiện ra mặt đất bên đường có điểm không thích hợp. Cỏ dại trên mặt đất úa vàng héo rũ, nhưng màu sắc và tính chất của đất ở chỗ đó lại không có gì khác với khu vực xung quanh, vậy là đã chứng tỏ bên dưới mặt đất chắc chắn có mộ cổ. Dù không nhìn thấy tạo hình của ngôi mộ, cũng không thấy con thú cõng bia đá trước mộ, nhưng đại loại là một ngôi mộ cổ mà phần mặt ngoài được phủ một lớp cao lanh, bởi vậy cỏ trên mặt đất rất khó mọc được. Ông này bước qua bên đó nhổ một ngọn cỏ lên để quan sát rễ của nó, quả nhiên có ám âm khí của mộ cổ. Ngôi mộ bên trong lớp cao lanh này chí ít ra cũng phải là một của một vị Vương Hầu nào đó. Nếu là ngày trước, Thôi lão đạo chưa chắc đã có ý định đào trộm ngôi mộ này, nhưng khi chạy nạn đến nơi xa lạ, trên người không có tiền rất khó xoay sở, khắp nơi lại gặp thiên tai nhân họa liên tục, có ai còn tâm tư xem bói với đoán quẻ. Giờ giữa đường gặp một ngôi mộ cổ, chẳng phải là tiền tài do trời ban hay sao?

Thôi lão đạo nghĩ thầm không làm thì thôi, đã làm thì làm cho chót, nếu phải làm chuyện xấu thà rằng đi trộm mộ cổ còn hơn, lấy được vàng ngọc đồ quý là sẽ xa chạy cao bay. Dù đã thông tư tưởng, nhưng ông này lại không phải là kẻ chuyên sống bằng cái nghề thất đức này. Mặc dù biết xem phong thuỷ tìm âm trạch dương trạch, nhưng ông này lại không có tay nghề đào đất khoét tường khai quật động tiên, một thân một mình trộm mộ cướp đoạt bảo vật là việc nằm ngoài khả năng của bản thân. Cũng may nơi này là vùng đất hoang vu làng xóm tiêu điều, phạm vi hơn mười dặm quanh đó không thấy một bóng người, chỉ cần có nước có lương khô, tìm một gian phòng đủ che nắng mưa trong những thôn hoang vắng gần đây trú tạm mấy ngày cho đến lúc đào được bảo vật, như vậy coi như đã tốt lắm rồi. Ông này hạ quyết tâm, trước tiên cần chuẩn bị đầy đủ nước uống và lương thực, còn phải kiếm thêm hai dụng cụ đào bới phần mộ, nếu không thì chẳng có cách nào mà ra tay. Lúc bấy giờ, mặt trời đỏ ối đã lặn về tây, Thôi lão đạo đang lo sợ lại gặp phải chó hoang thì chợt nhìn thấy có một con đường cách ngôi mộ cổ không xa. Đó là một ngã tư, bên cạnh lại có một lối rẽ khuất nẻo, cỏ mọc tốt um cao quá đầu người, bụi gai rậm rịt, giống như rất nhiều năm rồi không có người qua lại.

Thôi lão đạo đã xông pha giang hồ nhiều năm, trong lòng tự hiểu con đường nhỏ đó không dễ đi, sài lang thổ phỉ thứ nào cũng nên tránh, bèn đi thẳng theo đường cái. Nhưng vừa đi được không bao xa, ông này đã bắt gặp một con lừa, có lẽ là do dân chạy nạn bỏ sót. Con lừa này cũng có thể coi là mạng lớn, không bị đám dân chạy nạn làm thịt. Thôi lão đạo mừng như điên, trong lòng hào hứng nghĩ: “Thật sự là ước cái gì được cái đó, con lừa này vừa khéo có thể giúp lão đạo ta chuyên chở đồ vật.” Ông này bước lại gần tóm lấy dây cương, trèo lên lưng lừa. Nhưng đến lúc bấy giờ, bởi không dưng kiếm được món hời, ông này lại không dám đi theo đường cái nữa, sợ chạm mặt với người đã bỏ quên con lừa, vội vàng rẽ vào con đường nhỏ. Có con lừa ít nhất không cần phải sợ chó hoang nữa, lừa mà nổi nóng lên là sẽ đá hậu. Cho dù hung tàn đến mấy, đám chó hoang cũng không dám trêu vào một loại gia súc lớn như lừa.

Ngoài ra còn có quan niệm mê tín, cho rằng cương thi sợ tiếng hí của lừa. Thôi lão đạo vớ bở được một con lừa, gan trộm mộ dường như đã lớn hơn trước nhiều. Ông này cỡi lừa đi xuôi theo con đường nhỏ. Con đường gập ghềnh, rất hoang vu. Bởi tính tình bướng bỉnh, con lừa cứ đi ba bước lại lùi hai bước. Đi được tầm hơn hai dặm, ông này chợt nhìn thấy một thôn làng hoang vắng nằm ven đường. Công việc đào trộm mộ cổ không thể nào chỉ trong vòng ngày một ngày hai là có thể hoàn thành, phải tìm một chỗ qua đêm. Ông này thầm tính toán, cái thôn này cách ngôi mộ cổ không xa, hay là cứ vào trong thôn tìm một ngôi nhà đủ che gió che mưa ở tạm, buổi tối ngủ, còn ban ngày đào mộ. Bởi vậy, ông này đánh lừa rẽ vào thôn. Giữa đám ruộng bỏ hoang có một cái cuốc, ông này tiện đường nhặt lên đặt ngang lưng lừa, chờ đến lúc đào mộ sẽ mang ra sử dụng. Khi đến cửa thôn, trong sương chiều bao la mù mịt, ông ta nhìn thấy trên tấm bia đá ở bên đường có khắc ba chữ “Thôn Huyền Đăng”.

Thôi lão đạo tự lẩm bẩm: “Tên thôn quái dị thật! Huyền mà chả là hắc, thôn Huyền Đăng thì có khác gì là thôn Hắc Đăng đâu? Chẳng lẽ vào buổi tối không nhà nào đốt đèn hay sao?”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN