Hải Âu Phi Xứ - Chương 2: Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
210


Hải Âu Phi Xứ


Chương 2: Chương 2


Du Mộ Hòa cũng nhận thấy tính hay xúc động chính là khuyết điểm to nhất của mình. Thời còn ở đại học, Giáo sư hướng dẫn môn săn tin thường bảo: Nghề ký giả kỵ nhất là hai điểm: dễ xúc động và chủ quan. Ra trường đến nay đã hơn tám năm, từ một ký giả tập sự chàng đã leo lên bực thang của những ký giả lớn. Mộ Hòa đã săn được không biết là bao nhiêu tin giật gân. Tin tức thu nhặt của chàng bao giờ cũng sốt dẻo nhất, đến độ đám bạn đồng nghiệp phải đặt cho chàng một biệt danh là “Cái mũi thính”. Thế mà chàng vẫn không gạt tình cảm qua một bên được. Ngọn bút bao giờ cũng pha lẫn tình cảm cá nhân. Để lấp đi khuyết điểm đó, chàng đã cố gắng, cố gắng mấy năm trời, gần thành công rồi. Bây giờ Mộ Hòa có thể tự hào về mình “thấy chuyện lạ vẫn không ngạc nhiên, không bị xúc động trước bất cứ hoàn cảnh nào’’. Chàng có thể bình thản tới độ cô em gái chàng nhiều lúc phải dọa:

– Anh mà tập chai lì mãi thì đừng hòng mà cưới được vợ.

Mộ Hòa không sợ bị ế vợ, vì chàng từng chủ trương càng chậm đeo gông càng tốt, lấy vợ chỉ tổ thêm phiền. Công việc chàng lúc nào cũng bận rộn, làm gì có thời giờ để nói chuyện vợ con. Vả lại chàng cũng không muốn đề cập chi đến chuyện ấy. Chuyện vợ chồng là chuyện thường tình nên Mộ Hòa thường bông đùa:

– Các bạn có biết tại sao con người dễ phạm tội không? Vì ông trời đã sinh ra đàn ông còn bày vẽ sinh ra đàn bà để xúi quẩy nữa đấy.

Còn trẻ, bản tính lạnh lùng, chịu xông xáo hoạt động, đó là những yếu tố đưa Mộ Hòa lên đến địa vị hiện tại. Có điều, Mộ Hòa không hiểu tại sao một con người lạnh lùng và chịu khó như chàng lại có thể vấp phải lầm lẫn lớn thế này, ngay tại đất nhà mới cay cú chứ. Chàng cố tự phân tích:

Thứ nhất, đúng ra chàng không nên đến bắt chuyện với cô ta. Cô ta dầm mưa, cô ta lạnh, mặc cô ta, có liên can gì đến chàng đâu?

Thứ hai, giả sử như có bắt chuyện đi nữa, thì tại sao chàng lại ngu đần nghe nàng tâm sự láo. Tại sao ngay từ lúc đầu chàng không hỏi tên và địa chỉ của cô ta? Tại sao không kiểm chứng lại mọi sự kiện xem có thể là thật không? Thế mà cũng học đòi làm ký giả.

Thứ ba, điều sơ sót nặng nề nhất không thể tha thứ được, đó là chàng lại để nàng bỏ trốn đi và trong tay chỉ có một manh mối không đáng tin, vũ trường Ba Lê và một nhân vật tưởng tượng Mai Phương.

Tất cả câu chuyện đều là bịa đặt cả ư? Sau khi chuyện đã xảy ra, Mộ Hòa thường mua đủ tất cả báo để xem có án mạng nào mà nạn nhân bị giết bằng chai hay lọ gì không, nhưng chàng đã hoài công. Mộ Hòa cũng có đến vũ trường Ba Lê, nhưng ở đây cũng không có cô vũ nào tên Mai Phương cả. Cũng không có một vũ nữ nào có người yêu là nhạc sĩ chơi kèn cả. Chàng bắt đầu nghi ngờ là mình bị lừa. Nhưng với một thiếu nữ hiền lành đáng thương như vậy, làm gì có chuyện bịa?

Mộ Hòa nhớ mãi đôi mắt ngây thơ, khuôn mặt hiền lành và nỗi buồn tê điếng của thiếu nữ. Chuyện thật hay bịa?

Dù sao, Mộ Hòa cũng thấy bối rối, chuyện trên chiếc phà quả thật khó quên. Nhưng nó đã qua rồi, vả lại Mộ Hòa cũng không có thời giờ đâu mà tìm hiểu, vì chỉ bốn hôm nữa là chàng phải đi Thái Lan rồi.

Thật ra Mộ Hòa đi theo một phái đoàn báo chí làm một cuộc du lịch Đông Nam Á. Thái Lan là trạm đầu tiên. Thời gian đành cho những sinh hoạt như thế thường bề bộn, đó là chưa kể mỗi lần đến một nơi xa lạ, bao nhiêu cái lạ mắt đều thu hút và óc ham hiểu biết của chàng cố ngốn hết những sắc thái địa phương. Mộ Hòa hầu như đã quên chuyện đêm trước.

Thời tiết Thái Lan nóng như mùa hạ ở xứ chàng trong những rừng dừa rậm mát, dưới những tháp chuông sơn vàng óng ánh, giữa những sông rạch chằng chịt ghe thuyền, bên những rừng già âm u. Mộ Hòa đã sống một đời sống đa diện. Đời sống bận rộn một cách thích thú. Có bao nhiêu cảnh đẹp để chàng ngắm, bao nhiêu vật hay thú lạ đợi chàng thưởng thức. Chiếc máy ảnh không bao giờ được nghỉ ngơi, chàng lăng xăng như một chú ong và các bạn đồng nghiệp phải lắc đầu:

– Nghĩ cũng hay, bộ thằng Hòa không biết mệt sao chứ?

Mộ Hòa tham dự những trò chơi đầy sắc thái địa phương, đấu võ Thái Lan, đá gà, vũ, mua bán trên chợ nổi. Đời sống trên mặt nước là đề tài cho chàng mặc sức bấm máy hình.

Sự yêu thích của Mộ Hòa rộng rãi, chớ không thu hẹp trong một phạm vi nào. Một lần dừng chân trước quán rượu, Vương Kiên Chương, đồng nghiệp của chàng nói:

– Tao biết thằng Hòa không thích rượu đâu.

– Đừng giả vờ, tao biết đúng tim đen của tụi bây mà. Tụi bây vào đấy đâu phải vì rượu, vì những đóa hoa nổi tiếng thế giới thì có.

Mọi người cười xòa, Vương Kiên Chương vỗ vai Hòa hỏi:

– Ê Mộ Hòa, tại sao mày phản đối đàn bà?

Hòa hỏi ngược lại:

– Tao phản đối bao giờ?

– Nhưng đứa nào cũng bảo mày như thế.

Mộ Hòa nhún vai cười. Và đó là những khác biệt giữa chàng với các bạn. Nhiều đứa bảo chàng là một anh chàng trên ba mươi tuổi, không một cô bạn gái, không thích chơi bời thì nhất định phải có một cái gì trục trặc. Sự thật thì tại họ không nhìn ra, chứ chàng là người tình cảm, chính vì tình cảm mà Mộ Hòa không muốn coi đàn bà như một thứ trò chơi.

Đó là một cách xem trọng tình cảm của mình. Chàng không hiểu tại sao con người lại có thể vung vãi tình cảm mình ra một cách dễ dàng như vậy? Đi đến đâu cũng có thể để giống lại. Con người quả tình phức tạp thật. Cũng có thể là tại chàng tự tạo cho mình một trái tim gỗ đá. Thật ra, nhiều lúc chàng không thể phân tích bản tính người khác, không phải người khác không, mà ngay cả chính chàng, chàng cũng không hiểu nỗi mình nữa. Gần đây, càng lúc chàng càng thấy mình khó hiểu, câu hỏi luôn luôn ám ảnh đầu óc chàng: ta là một người có tình cảm yếu mềm hay trái tim ta hóa đá?

Hóa đá? Không, dù thế nào đi nữa, Mộ Hòa cũng cảm thấy từ bên trong sâu thẳm của quả tim đang âm ỉ sôi sục. Vả lại nếu trái tim đã hóa đá thì làm gì còn cảm thấy buồn. Còn chàng? Chàng hay có cảm giác cô đơn. Bên ngoài lúc nào người ta cũng thấy chàng húc bừa vào công việc một cách nhiệt thành, nhưng sau những lúc đó (có khi ngay trong lúc làm việc) chàng lại bị cảm giác cô đơn xâm chiếm. Nhiều lúc Mộ Hòa tự hỏi, sự xông xáo, sự bận rộn suốt ngày đó có phải là một thứ hình thức trốn lánh không? Nhưng trốn lánh gì mới được chứ? Có thể đó không phải là trốn lánh mà là tìm kiếm, vì tìm kiếm không thấy nên mới cố quên bằng cách làm việc. Đó cũng là một cách làm cho tình cảm thăng hoa, cũng có thể là một cách trốn lánh. Nhưng ta tìm kiếm cái gì mới được chứ?

Sống trong một thứ tình cảm lạc lõng như thế, Mộ Hòa coi đó như một thứ bệnh tật, bệnh mới phát đến một cách chậm rãi, nhưng lúc gần đây, cơn bệnh trở nặng. Trong tình thế nguy hiểm này, Mộ Hòa vẫn không tìm ra phương thuốc hay nào để chữa lành chứng bệnh phiền nhiễu. Có một cách mà Hòa xem như là cách giải thoát duy nhất đấy là vùi đầu vào công việc. Trong lúc làm việc, công việc đã cuốn hút chàng đi, để chàng không có khoảng trống vắng nào mà nghĩ ngợi, mà phân tích nữa. Mộ Hòa thường tự hào mình là một con người không thể nào để mình rên xiết vì cơn bệnh được.

Trong một khung cảnh thuần túy đông phương như Thái Lan, màu sắc Phật Giáo và tình tự đơn giản của dân tộc đã mang đến cho chàng một chút thích thú. Chàng thấy yêu cái bản tính hiền hòa nhưng đầy mâu thuẫn của dân địa phương. Mâu thuẫn? Chàng đã nhìn thấy rất nhiều cảnh mâu thuẫn ở đây. Quân chủ và dân chủ là một sự sống chung chính trị. Văn minh hiện đại và văn minh cổ xưa pha lẫn trên các kiến trúc. Những vũ điệu dịu dàng với môn võ thô bạo. Một dân tộc giản dị nhưng lại sẵn sàng thách đấu.

Mộ Hòa mở to mắt ra quan sát, ghi nhận và thỏa mãn. Chàng thấy vui, thật vui và gần như quên cả chứng bệnh khó trị của mình.

Và như thế, hai tuần lễ rồi cũng trôi qua thật nhanh. Phái đoàn rời xứ Thái đến Mã Lai, ở mấy hôm rồi lại bay ngay sang Tân Gia Ba.

Tân Gia Ba là một quốc gia mới độc lập, thành phố thật mới, các công viên rợp bóng, thật đúng với cái danh Thành phố của công viên và Hòa lại có dịp bị những điều mới lạ lôi cuốn.

Thành phố Tân Gia Ba là một hải cảng điển hình, không đa diện như xứ Thái. Phố xá sạch sẽ. Chỉ có mấy hôm là Mộ Hòa đã xem hết tất cả những cái cần xem. Khi đã thỏa mãn thì cơn bệnh lại tái phát làm chàng khó chịu bực dọc, tinh thần xuống thật thấp. Vì vậy tối hôm ấy, khi Vương Kiên Chương đề nghị:

– Ê Hòa, tối nay mình đi phòng trà đi!

Mộ Hòa hoan nghênh hết mình:

– Nhất rồi, nhưng tiếc là không có bạn gái đi chung cho vui.

– Khó có dịp may như ngày hôm nay. Mày biết không, thằng Triệu hắn quen ông giám đốc nhà hàng ca nhạc. Đặc biệt là ở đây có một ban vũ Đài Loan vừa mới sang, chúng ta phải đến đấy để cổ võ cho họ chứ.

– Tôi chẳng thích ca kịch tí nào cả.

– Nhưng ở nước ngoài mà gặp được vũ đoàn nước nhà thì vẫn thích chứ?

Điều đó thì đúng! Và tối hôm ấy, một bọn tám người kéo nhau đến nhà hàng ca nhạc.

Cách bài trí ở đây thật sang trọng, một căn phòng thật rộng, ánh sáng thật dịu từ những ngọn đèn pha lê phản chiếu vào tường làm mát mắt.

Món ăn thật thích khẩu, không kém Hương Cảng tí nào cả. Ông Giám Đốc họ Văn, một cái họ hiếm người có, người lùn lùn, mập mập, khoảng trên bốn mươi, thật điệu nghệ, thật nhà nghề, thấy nhóm của Mộ Hòa đến đã đích thân ra cửa đón. Ông tìm một cái bàn thật tốt nhìn thẳng ra sân khấu, và bảo nhà bếp chọn những thức ăn đặc biệt nhất rồi ngồi vào tiếp khách.

Triệu hỏi ông giám đốc Văn:

– Lúc này buôn bán khá chứ hả? Ban vũ Đài Loan chúng tôi sang đây chắc cũng không đến đỗi tệ lắm?

– Vâng, khá lắm, khá lắm, họ vũ hay thật. Nhà hàng chúng tôi dạo này đông khách hơn tháng trước nhiều.

Chương trình văn nghệ bắt đầu, gồm đủ tiết mục: ca, vũ, kịch ngắn tất cả đều có thể nói là trên trung bình. Các cô ca sĩ cô nào cũng duyên dáng. Mộ Hòa lấy làm ngạc nhiên vì sự tiến triển của ngành này. Ở Đài Bắc chàng ít có dịp đến phòng trà, vì mấy phòng trà nổi tiếng toàn mời ca sĩ ngoại quốc, do đó Mộ Hòa không ngờ nghệ sĩ nước nhà lại khá như vậy. Có lẽ vì Bụt nhà không thiêng, chỉ có hòa thượng nước người mới tụng kinh giỏi mà thôi. Đó quả là một vấn đề tâm lý. Đài Loan chạy đi mời ca sĩ Tân Gia Ba, còn Tân Gia Ba chạy kéo ca sĩ Đài Loan về. Một trao đổi tầm thường nhưng đầy quyến rũ.

Sau màn vũ, Mộ Hòa vỗ tay thật to. Chàng thấy khán thính giả phản ứng tốt cho đoàn vũ mà lấy làm hãnh diện lây. Trong lúc màn nhung buông xuống để thay cảnh, một cô ca sĩ khác bước ra hát hai bản không có gì xuất sắc lắm. Rồi một nữ ca sĩ khác, Mộ Hòa thờ ơ nhìn lên, đột nhiên chàng nhảy thót lên như bị điện giật. Nàng mặc chiếc áo dài dạ hội màu xanh nhạt, những hạt trân châu kết trên áo lấp lánh. Cô ca sĩ này gương mặt khá quen thuộc. Phải rồi! Đúng rồi! Chính là người thiếu nữ định nhảy xuống biển tự tử trên chuyến phà ở Hương Cảng hôm nọ.

Mộ Hòa mở to mắt nhìn lên sân khấu, quên cả bạn bè.

– Cô ca sĩ này là ai thế?

Anh chàng Vương Kiên Chương hỏi:

– Ai là ai? Mày quen cô ta à?

Mắt vẫn không rời cô ca sĩ, Mộ Hòa lắp bắp:

– Vâng, vâng, cô ta khá quen, cô ấy tên gì vậy?

Câu chuyện xảy ra ở trên chuyến phà chàng chưa kể cho ai biết hết vì nghĩ rằng kể ra cũng chả có gì làm thú mà có khi còn bị cười nữa nên thôi. Ông Văn suy nghĩ một lúc nói:

– Hình như cô ta họ Diệp thì phải, Diệp gì nhỉ? Đúng rồi, Diệp Khanh.

Diệp là lá, Khanh là mùi hương.

Mộ Hòa không dấu được sự sung sướng:

– Cô ấy cũng ở trong đoàn ca vũ Đài Loan à?

– Không, cô ấy là ca sĩ thường trực ở đây, không nổi tiếng lắm. Cô ấy hát giữa hai tiết mục ấy mà.

Mộ Hòa hỏi tiếp:

– Thế cô ấy từ đâu đến vậy, có phải từ Hương Cảng sang không?

Ông giám đốc họ Văn ngạc nhiên:

– Hương Cảng? Tôi không biết chuyện đó, chỉ biết cô ta được một ca sĩ làm ở đây giới thiệu vào.

– Thế cô ấy…

Mộ Hòa vừa định hỏi thêm thì cô ca sĩ kia đã bắt đầu lên tiếng hát, bản Mùa Xuân Trên Hồ Tây.

Chàng thắc mắc:

– Cô ấy hát ở đây lâu chưa?

– Mới mười mấy hôm thôi. Anh có muốn mời cô ấy ngồi đây chơi không?

– Dạ. Dạ.

Mộ Hòa lúng túng, chàng quan sát thật kỹ cô ca sĩ. Mái tóc, cách phục sức có thay đổi, không thể xác định đấy là cô thiếu nữ hôm nọ.

Nhưng không lẽ trên đời này lại có hai người giống nhau đến như vậy sao?

– Thế mời cô ấy xuống đây ngồi có được không?

– Sao lại không?

Ông Giám đốc cười hì hì, rồi ông gọi bồi đến dặn dò mấy câu. Mộ Hòa hiểu ông ta đã hiểu lầm ý mình nhưng chàng cũng không buồn giải thích, mắt đăm đăm nhìn Diệp Khanh.

Sau khi hát xong bản “Mùa Xuân Trên Hồ Tây”, Diệp Khanh hát tiếp một bản nhạc thời trang “Chuyện Cũ Chỉ Còn Để Nhớ”. Đây là bản nhạc khá thịnh hành tại Đài Loan, nhưng có lẽ không bằng ở các xứ khác ở Đông Nam Á. Mộ Hòa yên lặng lắng nghe, giọng hát ấm, rõ, điều này khiến chàng nhớ lại lúc nàng hát “Đêm trải dài, hải âu bay, bay về đâu, về đâu?” Đúng rồi! Đúng là nàng, ta không lầm tí nào cả. Con người có thể thay đổi vóc dáng bên ngoài bằng cách phục sức, nhưng khó có thể thay đổi thái độ, tư cách và giọng nói.

Mộ Hòa bắt đầu sốt ruột, chàng nghĩ đến chuyện kỳ ngộ trên phà và đêm nay. Có rất nhiều điều Mộ Hòa cần gặp nàng để giải thích.

Diệp Khanh! Thì ra tên nàng là Diệp Khanh. Lần này Mộ Hòa sẽ không để nàng trốn mất nữa, phải hỏi cho ra sự thật. Chồng cô ta bây giờ ra sao? Tại sao nàng bỏ sang Tân Gia Ba? Trốn chăng? Nàng bảo nàng đi làm để nuôi chồng, thì ra nàng hành nghề ca sĩ. Tối hôm ấy, sao chàng không nghĩ đến điều ấy.

Diệp Khanh hát xong bước vào trong. Mộ Hòa toát mồ hôi, chàng lo nàng sẽ biến mất. Sự bồn chồn nôn nóng của chàng lộ ra mặt làm cả bàn nhìn ra vẻ bất thường này. Trên sân khấu một đoàn vũ lớn ra trình diện, Mộ Hòa không buồn nhìn

– Ê Hòa, mày chịu con bé đó rồi hở?

– Đừng nói nhảm, tao thấy cô ấy giống bạn tao quá.

Vương Kiên Chương cười trêu cợt:

– Bạn gì mà làm mày sốt ruột thế? Đừng có giả vờ nữa bạn ạ, tụi mình là những kẻ mới đến mà. Muốn tụi này giúp không?

– Đừng nói nhảm!

Mộ Hòa nói nhưng mắt vẫn đảo quanh. Đột nhiên, tim chàng đập mạnh, chàng đã nhìn thấy Diệp Khanh rồi. Nàng đang rẽ đám đông bước về phía bàn chàng. Nàng chưa thay áo, vẫn chiếc áo trình diễn ban nãy.

Diệp Khanh dừng lại trước bàn, ông Giám đốc họ Văn và mọi người cùng đứng dậy. Ông Văn giới thiệu:

– Đây là cô Khanh, còn đây là các bạn ký giả từ Đài Loan sang, họ muốn được quen với cô.

Tiếp theo đó, ông giới thiệu tên từng người một. Diệp Khanh duyên dáng gật đầu chào. Đến phiên Mộ Hòa, chàng cố yên lặng xem phản ứng nàng ra sao. Nhưng khi nhìn thấy chàng, nàng vẫn với nụ cười nghề nghiệp, không có một cái gì khác lạ. Không lẽ nàng không nhìn ra ta ư? Không thể như vậy được.

Bồi đã mang đến thêm một chiếc ghế, đặt giữa Kiên Chương và Mộ Hoà. Diệp Khanh ngồi xuống, tất cả mọi người lại ngồi xuống, chén đũa được mang thêm ra. Chương rót rượu cho Diệp Khanh, rồi chỉ Mộ Hòa:

– Cô Khanh, ông bạn tôi đây rất ái mộ giọng hát của cô.

– Thế à?

Diệp Khanh quay sang nhìn Mộ Hòa:

– Tôi hát dở lắm, anh không cười chứ?

Mộ Hòa thất vọng ngay, chàng đã nghĩ là nhờ giọng nói có thể nhìn ra kẻ quen thuộc. Vậy thì Diệp Khanh chắc chắn không phải là thiếu nữ giết chồng kia. Vì khi nàng hát, tiếng hát thật quen thuộc, nhưng đến lúc nói chuyện, nàng lại nói cứng hơn và khó nghe như của dân miền Nam tỉnh Phước Kiến, hoàn toàn khác biệt với giọng bắc trong đêm hôm nọ.

Do dự một chút Mộ Hòa lên tiếng:

– Cô Khanh. Cô là người ở đây à?

Chàng chăm chú nhìn thiếu nữ. Thiếu nữ đã hóa trang thật kỹ, lông mi giả, mày và mắt kẻ sậm, má và môi tô hồng. Đây chính là nàng, càng nhìn chàng càng thấy chắc chắn.

– Ký giả nhà báo có khác, tôi mới từ Phi Luật Tân sang đây.

– Phi Luật Tân à?

Đúng là chàng đã nhầm. Nhưng tại sao lại có chuyện hai người giống hệt nhau thế này?

– Thế cô có đến Hương Cảng bao giờ chưa?

– Hương Cảng à?

Diệp Khanh châm đầy ly rượu cho Mộ Hòa:

– Ông định giới thiệu tôi sang đấy hát? Mấy ông nhà báo quyền lực to lắm, tôi biết.

Nàng chồm về phía chàng, mùi nước hoa nồng nặc mũi Hòa.

– Tôi muốn sang đấy hát lắm nhưng chẳng có cơ hội. Để tôi mời anh ly rượu gọi là cảm ơn trước nhé?

Diệp Khanh nâng ly lên, những móng tay tô đỏ thẫm. Mộ Hòa giả vờ như chẳng thấy, chàng cũng nâng ly lên:

– Không, cô lầm rồi, tôi chẳng có quen lớn gì với giới nghệ sĩ bên ấy cả.

Diệp Khanh ra vẻ nũng nịu, giọng miền nam của nàng càng nặng hơn:

– Anh cứ khách sáo mãi, ai lại không biết chuyện nhà báo các anh giao thiệp rộng bao giờ.

Bất đắc dĩ Mộ Hòa phải hớp một hớp rượu. Diệp Khanh nhướng cao đôi mày cười lẳng lơ, bàn tay nàng không hiểu vô tình hay cố ý đặt lên tay chàng. Mộ Hòa định ngả người ra sau để tránh nhưng không còn chỗ nào để lùi.

– Báo chí có phải của tôi đâu, tôi chỉ là kẻ chạy rong nhặt tin thôi.

Diệp Khanh vẫn không tha, nàng nghiêng đầu qua:

– Anh cứ khách sáo mãi. Anh ở đây được bao lâu?

– Chỉ có mấy hôm thôi.

Đôi mi dài ngoằn ngoèo của Diệp Khanh chớp nhanh:

– Không có chị cùng đi à?

Kiến Chương ngồi bên nhanh mồm trả lời thay:

– Ông Hòa nhà tôi chưa lập gia đình. Cô Khanh, cô có thể làm mai hộ chứ?

Diệp Khanh không tin:

– Thôi đừng phịa ông ơi. Anh Hòa trẻ tuổi lại tài cao thế này mà làm gì lại chưa có vợ được.

Kiên Chương cười hì hì:

– Người ta nhìn cao mà. Gặp người nào đẹp cỡ cô Khanh người ta mới ghé mắt, chớ bằng không dễ gì.

Diệp Khanh nguýt yêu:

– Thôi mà anh Chương, làm gì anh cứ mang tôi ra làm trò cười mãi thế? Anh nói nhảm, phải phạt anh một ly rượu mới được.

Diệp Khanh rót đầy ly của Chương, ép anh chàng phải uống. Kiên Chương nốc cạn ly, và nương theo hơn men, hắn ỡm ờ:

– Tôi uống cạn rồi, bây giờ cho cô biết, anh Hòa chúng tôi định mời cô đi phố nhưng anh ấy sợ nói ra bị từ chối, nên nhờ tôi nói hộ.

Chán thật! Đột nhiên Mộ Hòa thấy bực mình. Người thiếu nữ bên cạnh là một ca sĩ, một thứ phụ nữ bụi đời, điển hình cho sự trụy lạc thế mà ta lại có thể lầm cho được. Càng lúc Mộ Hòa càng thấy rõ cái lầm của mình. Diệp Khanh chẳng thể là thiếu nữ hôm đó được. Mộ Hòa không muốn có một dính dấp gì đến cô ca sĩ này, nhưng Diệp Khanh đã quay đầu sang hỏi nhỏ:

– Có thật thế không anh Hòa?

Kiên Chương dành đáp thay:

– Thật chớ sao lại không, Hòa mày nói đi, mày mời cô Khanh đi phố chứ?

Thế này thì làm sao phủ nhận được, Mộ Hòa chỉ còn cách ậm ừ cho qua. Và như thế cũng đủ cho Diệp Khanh nũng nịu:

– Thế thì trưa mai anh đưa em đi ăn cơm Quảng Đông ở Hương Các Lý Lạp nhé?

Cái trò này lại tái diễn nữa rồi, nhưng biết làm sao bây giờ? Mộ Hòa bực mình, từ ngộ nhận này đưa đến ngộ nhận khác tai hại hơn. Thật không có gì xui bằng. Không đợi Mộ Hòa trả lời, Diệp Khanh lên tiếng:

– Mười một giờ sáng mai anh tới đón em nhé, em sẽ đợi anh dưới phòng khách của lữ quán Minh Các.

Mộ Hòa miễn cưỡng cười, và trả lời qua loa cho xong. Khi ngước lên chàng bắt gặp ánh mắt tinh nghịch của Kiên Chương như bảo: Mi cảm ơn ta đi chứ! Chàng muốn mắng một câu cho hả giận: Ai bảo cậu chen vào chuyện riêng của tôi? Cậu chỉ là một thằng ngốc tự hào mình khôn thôi.

Màn vũ trên sân khấu đã kết thúc, mọi người vỗ tay tán thưởng. Diệp Khanh vỗ tay theo, rồi nàng đứng dậy, nâng ly nói:

– Mời cả bàn ly này để tôi rút lui, vì một tí nữa tôi còn phải hát mấy bản nữa!

Mộ Hòa giật mình, tiếng “một tí nữa” của Diệp Khanh thật dễ thương, đúng là giọng nói của người phương Bắc! Không một người Nam nào xử dụng ba tiếng đó một cách dễ thương như vậy, nhất là tiếng “tí”.

Chàng quay sang nhìn Diệp Khanh, nàng đã cạn ly, mọi người đứng lên tiễn, Mộ Hòa hấp tấp nói:

– Cô Khanh!

Diệp Khanh đứng lại, đưa mắt chờ, Mộ Hòa nói:

– Một tí nữa đến phiên cô, cô làm ơn hát cho tôi nghe một bản nhạc nói về loài chim Hải Âu, được không?

Diệp Khanh yên lặng suy nghĩ rồi phì cười:

– Nhưng tôi hát không hay, anh cũng đừng cười nhé?

Quay lưng lại, nàng đi thật nhanh. Mộ Hòa ngồi yên ngắm theo, vóc dáng của nàng trông cũng thích mắt. Kiên Chương ngồi cạnh thúc nhẹ chàng:

– Ê Hòa, cảm ơn ông mai đi chứ!

Mộ Hòa trừng mắt nhìn bạn hậm hực. Kiên Chương khoái trí cười, cả bàn tiệc cũng cười theo. Mộ Hòa bực mình nâng ly lên, hớp một hớp rượu.

Chàng không hiểu mọi người đang cười cái gì, và bắt đầu thấy ngượng nghịu.

Khoảng thời gian kế tiếp, Hòa ngồi không yên. Chàng không còn tâm trí đâu để xem nữa, cũng như chàng không thiết ăn thêm món gì nữa.

Mộ Hòa nôn nóng chờ đợi Diệp Khanh tái xuất hiện.

Diệp Khanh, nếu quả thật nàng là thiếu nữ đó, nếu thật nàng đã trốn sang Tân Gia Ba và cố tình che dấu bộ mặt thật của mình thì chàng sẽ tính sao? Có thể lắm, biết đâu nàng chẳng cố tình làm ra vẻ lả lơi, thay đổi giọng nói. Mộ Hòa yên lặng nhìn lên sân khấu. Chàng xua đuổi ngay những ý nghĩ vừa gieo vào đầu. Không, không thể như vậy được, hành nghề ký giả lâu năm biết đâu chàng chẳng bị méo mó nghề nghiệp. Nếu quả thật nàng đóng kịch hay đến thế thì đúng nàng là một thiên tài kịch nghệ.

Màn thay đổi không khí đến, Diệp Khanh tái xuất hiện, đám bạn của Hòa vỗ tay thật to, không phải để tán dương Diệp Khanh mà là để giữ thể diện cho Hòa, cho người chàng đã để mắt xanh đến. Mộ Hòa ngồi tựa lưng vào ghế, yên lặng nhìn lên sân khấu. Diệp Khanh đã thay áo mới, chiếc áo thật ngắn màu hồng nhạt có lẫn kim tuyến, cổ áo mở rộng để lộ cả phần cổ trắng, một phần ngực rộng, tóc vẫn chải cao. Nàng cúi đầu chào khán thính giả, mắt liếc về phía bàn Hòa.

Cầm chiếc micro trên tay, Diệp Khanh nói:

– Bây giờ tôi xin gửi đến quý vị một bản nhạc, bản Hải Âu.

Khi nói đến hai tiếng Hải Âu, Diệp Khanh cố ý ngừng lại một chút, mắt liếc về phía Mộ Hòa cười. Kiên Chương lại được dịp thúc nhẹ vào người Mộ Hòa nói:

– Con bé này si mày rồi đấy!

Hòa gạt ngang:

– Đừng nhảm, nghe kìa!

Chương nhún vai không nói lời nào nữa. Diệp Khanh bắt đầu hát và như ban nãy, giọng nàng ấm và thật dễ nghe. Hòa lắng tai nghe như muốn nuốt từng chữ một:

Hải Âu chim chẳng có nhà

Phương đông hết ở lại qua phương đoài

Tung trời góc bể chân mây

Bao giờ cánh mỏi tìm nơi ghe thuyền

Cột buồm là chốn nghỉ chân

Rồi trong giây lát chim buồn lại bay

Tung mây khắp bốn phương trời

Hải Âu đành lấy trời mây làm nhà

Biển là giường ấm bao la

Sáng chiều, đêm tối bão mưa chẳng rời

Vẫn bay giữa chốn biển khơi

Vượt bao sóng gió núi đồi quản chi

Hải Âu tìm một hướng đi

Mong ngày mai gió xuân về hội vui

Bài hát đã dứt, Mộ Hòa tay nâng cằm ngồi bất động. Chàng không làm sao phân tách được lòng mình lúc bấy giờ. Đây không phải là bản nhạc chàng đã nghe. Ngẩng đầu lên, chàng nhíu mày nhìn Diệp Khanh, đấy có phải là một chú chim Hải Âu không? Lòng chàng ngập đầy rối rắm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN