Hải Âu Phi Xứ - Chương 4: Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
135


Hải Âu Phi Xứ


Chương 4: Chương 4


Nếu không có đêm cuối cùng ở Tân Gia Ba có lẽ Mộ Hòa đã quên Diệp Khanh. Nhưng vì có buổi tối hôm ấy, lại có thêm cả một buổi sáng bận bịu, Mộ Hòa mới thấy vương vấn nhơ nhớ Diệp Khanh, nhất là bóng dáng Khanh trong chiếc áo trắng, đứng vẫy tay, tóc bay bay theo gió.

Có lẽ nàng đã ra phi cảng vội vã nên không kịp trang điểm, nhưng chính cái nét đẹp thanh tú đó chàng mới thích, mới nhớ. Mộ Hòa nghĩ nếu Diệp Khanh đừng trưởng thành tại xứ Phi Luật Tân, gia đình đừng túng quẫn, nàng được giáo dục đến nơi đến chốn, có lẽ nàng sẽ là một viên ngọc quí!

Nhưng dù có tiếc thương, dù có nhớ mong thì tất cả những gì xảy ra ở Tân Gia Ba cũng như ở Hương Cảng đều đã đi vào quá khứ. Có điều là bây giờ tòa soạn lại đem mốt tình ở Tân Gia Ba ra làm một huyền thoại để trêu Hòa và chúng gọi đó là Một mùa hè ở Tân Gia Ba của Mộ Hoà. Rồi cả những người trong nhà chàng cũng biết, đến nỗi Du Mộ Phong, cô em gái của chàng cũng phải hét lên như vừa trông thấy mặt trời mọc ở phương tây:

– Chao ơi anh Hòa! Anh khéo kén khéo chọn, hết chê cô này lại chê cô kia, để rồi bây giờ lại đi mê đào hát! Già kén kẹn hom nhé!

Mộ Hòa bực mình:

– Đừng có nói nhảm, cái gì mà mê? Người ta chỉ là bạn với nhau thôi. Vả lại, cô cũng đừng coi thường người ta, hát xướng cũng là một nghề nghiệp chớ có khác thường gì đâu?

Mộ Phong nguýt anh:

– Anh bênh cô ấy à? Đậm lắm rồi hả?

Mộ Hòa cười:

– Làm gì mà đậm với nhạt. Anh mới quen cô ta có một tuần làm gì có rắc rối được, em chỉ tài nói nhảm.

Bà Du, mẹ của Mộ Hòa ngồi gần đó chen vào:

– Hòa, con cũng gần ba mươi rồi, cũng nên tìm bạn gái đi chứ! Còn con Phong, sao không kiếm trong đám bạn gái của mày xem có đứa nào hợp với thằng Hòa không?

Mộ Phong gân cổ cãi:

– Tại ông ấy chê chớ, con đưa chúng nó tới nhà cho ông ấy chọn mà ông ấy chẳng vừa lòng ai hết. Con Trần Lê Trúc thì ông ấy chê là người ngợm gì như cây sậy. Còn con Châu, con Yến Nga thì ông ấy bảo mập như bao gạo chỉ xanh. Hà Kỳ Văn thì lại bị chê là khúc gỗ biết đi. Mỹ Kỳ thì thường quá. Đó mẹ coi, mẹ đâu biết là con trai của mẹ quá kén chọn, ông ấy làm như thế gian này không có một đứa con gái nào xứng với ông ấy cả. Rồi bây giờ không biết cô ca sĩ kia có cái gì hấp dẫn mà ông ấy mê tít như thế?

Em không biết gì cả. Mộ Hòa nhủ thầm. Tất cả đều tại chuyến phà ở Hương Cảng. Sự kỳ ngộ đó đến nay đối với Hòa vẫn còn là một câu hỏi lớn. Mộ Hòa trấn an mẹ và em:

– Mẹ và em đừng lo, sớm muộn gì cũng phải đến ngày con cưới vợ chứ.

Mộ Phong nguýt:

– Hứ, những người mà anh giao du em thấy không một cô nào đứng đắn cả.

– A, không lẽ chỉ có bạn cô mới đứng đắn thôi sao?

– Khỏi phải nói, sinh viên mà không đứng đắn thì còn ai đứng đắn hơn?

– Cô đừng có coi mấy cô sinh viên của cô cao quá như vậy, thế tốt nghiệp Đại Học rồi đi hát không được sao?

– Trời ơi, anh mê tít cô ca sĩ đó thật rồi sao?

Mộ Hòa cười xòa:

– Cô cứ yên tâm, tôi không cưới cô ca sĩ đó, cũng như sẽ không cưới đám bạn của cô đâu.

– Anh đừng tự mãn như thế.

– Dám đánh cá không?

Bà Du ngồi cạnh trách yêu:

– Thôi thôi, không có ai như chúng mày hết. Anh em cách nhau hơn mười tuổi thế mà cứ cãi nhau suốt ngày.

Mộ Phong lớn tiếng:

– Điều đó chứng tỏ tụi con còn nhỏ mà mẹ.

Cô bé thích thú cười rồi chuồn mất.

– Nó điên rồi đấy!

Mộ Hòa mắng yêu em gái. Ngay từ nhỏ Phong đã không bao giờ sợ Hòa.

Cô bé thật nghịch ngợm, nhưng cũng thật dễ thương, khuôn mặt tròn trĩnh, đôi mắt to, má lúm đồng tiền, con người vừa ngọt vừa chua ngoa, khiến lắm lúc chàng vừa khó chịu mà lại vừa thấy thương cá tính đó của em. Hòa nói với mẹ:

– Để mẹ xem! Sau này thằng nào xui xẻo lắm mới cưới được nó!

– Thế mà bây giờ đã có cả hàng tá đứa sắp hàng chờ đút đơn đấy.

Mộ Hòa nhíu mày:

– Vậy thì thằng nào xui nhất là đúng thằng ý hợp tâm đầu của nó.

Bỗng nhiên giọng bà Du đổi sang nghiêm trang:

– Mộ Hòa, có thật con đã tìm được người bạn gái hợp ý ở Tân Gia Ba rồi phải không?

Bà Du thuộc loại người đàn bà quý phái, giàu có, không phải lo nghĩ gì cả. Hai đứa con thông minh lanh lợi, bà chưa biết khổ là gì, cũng như chưa bao giờ bà bị thiếu thốn một cái gì cả, nếu có lo chăng thì đó chỉ là chuyện hôn nhân của các con.

Ngoài năm mươi bà vẫn còn đẹp. Thuở nhỏ bà đã từng được chấm làm hoa khôi.

Mộ Hòa bực mình:

– Mẹ, có gì đâu mà mẹ làm ra quan trọng thế? Thôi đừng nhắc tới nữa, bây giờ con phải đi làm ngay, bằng không một lúc cha về lôi thôi nữa.

Mộ Hòa khoác áo bước ra cửa, nói vọng lại:

– Mẹ đừng chờ cơm con nhé!

Bà Du bước theo sau:

– Chạy xe cẩn thận nhé con!

Mộ Hòa nhảy lên xe gắn máy chạy mất. Bà Du đứng nơi cửa nhìn theo lắc đầu. Con trai bà tuy đã ba mươi tuổi, nhưng với bà nó vẫn là một đứa con nít, do đó bà lo cho Hòa từng ly từng tí một.

Mộ Hòa không muốn ai nhắc đến chuyện của Diệp Khanh, nhưng lòng chàng vẫn thấy nhơ nhớ nàng. Đến Đài Loan mới có ba ngày chàng đã viết thư cho nàng ngay. Nhưng mười mấy hôm sau, bức thư đã được trả lại ngay với lý do là người nhận thư đã di chuyển đi nơi khác. Tên giám đốc họ Văn bần tiện thật, hắn hứa với chàng vậy mà không tiếp tục thu dụng nàng. Mộ Hòa bực dọc và chàng thấy thương hại cho Khanh, có lẽ nàng đã trở về Phi Luật Tân. Thế là Hòa lại viết một bức thư khác gửi đến địa chỉ nhà nàng. Chàng nghĩ dù Diệp Khanh có ở phương nào đi nữa, chắc chắn khi nhận được thư, người nhà của nàng cũng sẽ đưa thư đến cho nàng. Nhưng nửa tháng sau, bức thư vẫn bị trả lại với lý do Không có địa chỉ, cũng không có người mang tên này.

Mộ Hòa ngẩn ngơ, tìm địa chỉ của Diệp Khanh ra xem lại. Đúng mà, đâu có sai chữ nào đâu? Không lẽ ta viết lộn? Làm gì có chuyện đó?

Mộ Hòa lấy bản đồ thành phố Manila ra dò tìm. Quả thật không có con đường nào tên đó cả. Hòa nghĩ thêm, có lẽ nàng sống trong những khu xóm lao động nghèo khổ Nhưng ít ra thì cũng phải có một cái tên chứ?

Và thế là Mộ Hòa đã đánh mất tung tích người con gái mang tên Diệp Khanh. Nhưng cũng hy vọng là nàng sẽ gửi thư cho chàng. Chàng có một khoảng thời gian dài đợi chờ, nhưng một tháng, hai tháng rồi ba tháng, tin tức về Diệp Khanh vẫn bặt tăm. Khoảng thời gian ngắn ngủi cho một mùa hè tại Tân Gia Ba với mối tình lãng mạn cũng tàn theo năm tháng.

Nhiều đêm yên tĩnh hay trong những buổi sáng nhàn hạ, đôi lúc Mộ Hòa cũng nghĩ đến Diệp Khanh, không phải chỉ nghĩ đến Diệp Khanh thôi, mà Hòa còn nhớ đến đêm Hương Cảng. Hàng trăm nghi vấn, thắc mắc trong đầu. Người con gái trên chuyến phà đột ngột biến mất. Còn Diệp Khanh đã cho chàng địa chỉ ma. Sự liên hệ của hai câu chuyện là hai người con gái giống nhau như tạc và đều đến với chàng một cách lạ lùng. Chuyện khó tin nhưng có thật. Chuyến vin du Đông NamÁkỳ này có nhiều chuyện thật lạ lùng. Thế giới quả thật bí hiểm lạ!

Mộ Hòa không còn cách nào để tìm ra tung tích người thiếu nữ trên phà, cũng như bó tay trước sự kiện mất tung tích của Diệp Khanh. Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày của một ký giả, chàng không còn một chút thì giờ nào để nghĩ về Diệp Khanh hay người thiếu nữ tên Hải Âu.

Thời gian trôi nhanh và những hình bóng cũ cũng nhạt nhòa.

Mộ Phong dạo này lại đem những người bạn gái đến giới thiệu cho ông anh. Nhưng Mộ Hòa vẫn bình thản, đôi khi còn làm ra vẻ bực mình. Mộ Phong không biết làm sao hơn, một hôm nàng nói với ông anh:

– Anh Hòa, anh thích ca sĩ, thì em cũng có con bạn hát hay lắm. Anh muốn gặp nó không? Có điều sợ anh giữ nó không nổi thôi, nó cũng gớm lắm, hàng tá bạn trai theo đuổi, nghe nói có người tự tử vì nó. Anh có đủ can đảm để gặp không?

A, con bé này cũng biết áp dụng chính sách nói khích mình. Mộ Hòa cười bảo:

– Vâng, vâng, có lẽ tôi không đủ can đảm đâu. Cô khỏi phải đưa nhân vật ấy đến, đến đây chắc tôi sẽ bị nhức đầu mất.

Mộ Phong dỗi:

– Người gì đâu chẳng biết phải quấy gì cả, sợ có ngày anh năn nỉ em nói giúp chứ

Mộ Hòa cười bỏ đi, chàng còn cả lô công việc phải làm. Vào phòng riêng chàng viết lại bài phỏng vấn.

Ông bố của Hòa bây giờ là Tổng Giám Đốc ngân hàng. Đời sống ông tuy lúc nào cũng bận rộn, nhưng tình trạng tài chính rất khả quan. Ông mới mua căn biệt thự nhỏ có vườn hoa này. Giữa một con đường toàn cao ốc chung cư thế này mà có được một vườn hoa nho nhỏ thì thích thật. Phòng của Du Mộ Hòa ở sát vườn hoa, cửa bằng kính nên trông suốt cả khu vườn. Hòa rất thích chiếc phòng đầy ánh sáng và thơ mộng này, vì như thế công việc của chàng mới đầy ánh sáng trong lành của buổi bình minh và đủ sức sống. Chiếc bàn làm việc đặt kề bên cửa sổ. Bà Du quan niệm rằng ánh nắng chói chang có hại cho mắt, thế nên Mộ Hòa vừa đi khỏi là bà kê bàn đi chỗ mát. Nhưng khi Mộ Hòa về tới chàng lại phải kéo bàn lại và luôn miệng càu nhàu:

– Mẹ, mẹ đừng đụng tới đồ đạc trong phòng con nữa.

Bà Du phải chịu thua thằng con cứng đầu của bà. Cái cứng đầu đã làm cho cha mẹ nhiều phen nhức óc. Ngay lúc Mộ Hòa còn ở trung học, có một hôm Hòa xin một số tiền lớn mà lý do không được chính đáng lắm làm ông Du Bộ Cao giận:

– Sinh con là sinh chủ nợ mà!

Không ngờ, trong lúc giận dữ, Mộ Hòa đã để lại mấy chữ “Chủ nợ đã đi rồi nhé” rồi bỏ đi mất.

Cả nhà ông Cao phải chạy đôn chạy đáo đi tìm. Mẹ Hòa khóc như mưa, bà trách cứ ông Cao không ngớt. Mãi đến khi tìm được Hòa đưa về nhà thì Hòa lại cứng cổ không thèm xài đến tiền của cha nữa. Chàng viết lách, đi kèm trẻ kiếm tiền. Ngay cả mùa nghỉ hè chàng cũng không chịu nghỉ ngày nào. Đến lúc lên Đại Học, ngay cả học phí, chàng cũng đóng chứ không xin tiền nhà.

Thấy con khổ cực, ông Cao không đành lòng, một hôm ông bảo chàng:

– Mộ Hòa, đâu có con ai giận cha hàng mấy năm như con đâu. Nhà đâu thiếu thốn gì, con cần gì phải khổ nhọc như vậy?

Mộ Hòa nhìn ông Cao cười nói:

– Lúc con còn nhỏ con không biết gì, con mới hỗn láo giận cha mẹ, bây giờ con lớn rồi con đâu còn giận hờn cha điều gì nữa đâu. Có điều con không xài tiền nhà là vì con thấy con phải học cách tự lập, như thế mới đáng là đàn ông con trai chứ?

Ông Du Bộ Cao còn biết nói sao hơn? Nhưng ông thấy sung sướng và hãnh diện về thằng con của mình. Tính ương ngạnh của con ông cũng thấy hài lòng và thường biện hộ cho con:

– Bà thấy không, di truyền mà! Lúc còn trẻ tôi còn bướng hơn nó nữa là khác.

Mộ Hòa bước chân ra đời đã kiếm được tiền thì cần gì phải xài tiền ở nhà nữa. Có điều giới báo chí là một giới khá phức tạp, quen biết nhiều thì hao tốn cũng nhiều. Dù lương bổng của Hòa trong tòa báo thuộc vào loại khá, nhưng lúc nào Hòa cũng bị thiếu hụt. Do đó Mộ Hòa phải viết bài thêm. Bất cứ lãnh vực nào chàng thấy hứng là viết. Số thu vào mỗi tháng có tăng, nhưng cuộc sống của Mộ Hòa cũng bận rộn không kém. Bà Du nhìn con mà đau lòng, bà thường lén dúi thêm ít tiền vào túi con. Mộ Hòa thấy có tiền là cứ yên trí xài. Nhiều lúc thấy tiền trong túi nhiều quá, chàng còn kiêu hãnh bảo mẹ:

– Mẹ xem, con cũng biết tiết kiệm vậy, tiền lương con tiêu đến bây giờ vẫn chưa hết.

Bà Du cười, còn ông Du khi vắng Hòa thì trách vợ:

– Thụy Hà, con nó đã ba mươi tuổi rồi mà bà cứ cưng chiều nó mãi, phải để nó tự ứng phó với hoàn cảnh cho nó biết mùi đời chứ!

Bà Du thở dài:

– Dù nó có năm mươi tuổi đi nữa, nó cũng vẫn là con em cơ mà. Nói giúp nó thì cũng không đúng, chẳng qua em muốn được yên tâm. Anh coi cực khổ như vậy làm sao còn dám nghĩ đến vợ con?

Ông Du cười to:

– Bà khéo lo không. Bây giờ nó chưa thích để ý đến bạn gái, nhưng con người ai cũng phải qua cầu một lần, lúc chuyện nó tới bà có cản cũng không được.

Bà Du cười theo chồng:

– Tôi đang đợi đây ông ạ.

Thoáng chốc đã đến tháng tư. Đây là tháng đẹp nhất của đảo Đài Loan. Những tháng mưa mù đã qua, mùa hè lại đến. Suốt ngày chỉ có nắng và gió, trời trong vắt. Tháng này cũng là tháng bận rộn nhất của Mộ Hòa, nhưng chàng vẫn vui với công việc mới. Một bài phỏng vấn của chàng thật đặc sắc khiến toàn thể báo chí trong nước phải lưu tâm đến. Nhờ bài báo này Mộ Hòa được cất nhắc lên chức phó chủ nhiệm đặc trách ban phỏng vấn. Nếu đem số tuổi ra so sánh thì có thể nói Mộ Hòa là một vị trưởng ban trẻ tuổi nhất. Đến đâu chàng cũng cười vui và huýt sáo luôn mồm.

Buổi chiều hôm ấy, sau khi chạy một vòng tòa án để làm phỏng vấn các vị thẩm phán và lục sự trong một vụ án hai người chết thiêu trong hầm lửa, trên đường về, đầu Mộ Hòa vẫn còn nghĩ ngợi đến những uẩn khúc của vụ án. Xe vừa ngừng trước cửa, chàng đã nghe tiếng cười dòn của Mộ Phong từ bên trong vọng ra. Con bé này lúc nào cũng bận rộn, suốt ngày chẳng thấy đâu cả. Theo lời mẹ đoán thì có lẽ nó đang bắt đầu yêu đấy. Nhưng những đứa bạn trai mà Mộ Phong đưa về nhà cứ thay đổi luôn, thành ra Mộ Hòa cũng không biết đâu mà mò.

Lấy chìa khóa mở cổng, chàng đẩy xe vào, vừa qua khỏi cửa là có một vật gì bay vụt về phía Hoà. Phản ứng tự nhiên chàng đưa tay ra bắt, thì ra đó là trái vũ cầu. Tiếp đó là tiếng reo của Mộ Phong:

– Anh Hòa, anh bắt cầu hay quá.

Mộ Hòa nhìn sang, Mộ Phong đang cầm vợt cười nói vui vẻ, bên cạnh Phong là một cô gái, mặc áo pull trắng với chiếc váy ngắn trắng toát, tay cũng cầm vợt. Có lẽ là bạn học của Phong. Cả hai đang đánh vũ cầu trong sân thì chàng về tới. Mộ Hòa ném trái banh về phía họ bảo:

– Chơi đi, tôi không dám làm phiền mấy cô đâu.

Thiếu nữ mặc áo trắng đón lấy quả cầu. Dáng dấp này sao quen thuộc quá. Mộ Hòa ngẩn người ra nhìn, chàng rùng mình và có cảm giác tê buốt của một kẻ vừa bị rơi vào lòng băng. Vịn xe đứng như chết, trong đầu chàng bây giờ chỉ còn một khoảng trống hư vô. Thiếu nữ áo trắng vẫn cười tươi. Nàng là Diệp Khanh? Hay là Hải Âu?

Mộ Phong bước tới, thúc nhẹ vào người chàng:

– Anh Hòa, anh làm gì đứng nhìn sững người ta thế? Em giới thiệu nhé?

Hòa đột nhiên nín thở nói:

– Không cần, Mộ Phong ạ, anh đã biết cô ấy.

– Anh quen nó rồi à?

Mộ Phong ngạc nhiên quay sang cô bạn:

– Ê Vũ Thường, mày quen ông anh tao hả?

Thiếu nữ bước tới gần, mái tóc cắt ngắn, một khuôn mặt trẻ trung hồn nhiên, không trang điểm, một vẻ đẹp đơn sơ thanh tú. Đôi mắt cô bé tên Vũ Thường mở to nhìn Hòa lắc đầu:

– Đâu có!

Mộ Hòa thấy đầu óc choáng váng, chàng nhắm mắt lại, lắc mạnh đầu cho tỉnh trí rồi lại mở mắt ra. Người con gái vẫn còn nhìn chàng, khuôn mặt thật quen thuộc. Đúng là chim Hải Âu trên chuyến phà ở Hương Cảng đây mà, mà nàng cũng giống hệt chim Hải Âu ở Tân Gia Ba.

Nhưng không lẽ trên đời này lại có những khuôn mặt giống nhau như vậy sao? Chuyện lạ thật, không thể có ba người giống nhau như đúc được.

Thiếu nữ trước mặt chàng đột nhiên quay sang Mộ Phong với vẻ hoảng hốt:

– Mộ Phong, anh mày hình như bị bệnh rồi đấy!

Giọng nói thật trong, trong như tiếng chim yến, nghe hay thật! Đây không phải là giọng nói của Diệp Khanh, cũng không phải giọng nói của người thiếu nữ định tự tử. Người thiếu nữ trên chuyến phà ở Hương Cảng? Nửa năm rồi biết đâu chàng chẳng quên giọng nói? Mộ Phong nhìn Hòa với một chút ngạc nhiên, nàng lắc mạnh vai anh:

– Anh Hòa, anh làm sao vậy? Sao mặt mày tái mét thế này? Anh Hòa!

Mộ Hòa đẩy Mộ Phong sang bên, mắt chàng nhìn thẳng vào mắt thiếu nữ:

– Tôi dám chắc cô phải mang họ Diệp.

Thiếu nữ ngạc nhiên:

– Họ Diệp? Tại sao tôi phải họ Diệp? Tôi họ Dương mà.

– Họ Dương à?

Mộ Hòa lẩm bẩm như đứa bé mới biết đọc, Mộ Phong đứng cạnh mở to mắt nhìn anh rồi chen vào:

– Cô này họ Dương tên là Vũ Thường. Vũ là lông vũ và Thường là áo đấy!

Mộ Hòa thắc mắc:

– Tôi nghĩ có lẽ cô cũng chưa hề đến Hương Cảng?

– Hương Cảng à? Hương Cảng thì tôi có ghé qua một lần, có chuyện chi vậy anh?

Mộ Hòa sung sướng:

– Cô sang đấy từ bao giờ?

– Hai năm trước, lần đó tôi đi với mẹ tôi.

Mộ Hòa lại thất vọng, chàng nghĩ có lẽ chàng loạn trí, nhưng cũng cố hỏi:

– Chắc cô có trông thấy tôi bao giờ chưa?

Vũ Thường yên lặng ngắm Hòa một lúc, lại lắc đầu:

– Xin lỗi, tôi cũng không nhớ, có thể có gặp nhưng tính tôi hay quên lắm.

– Thôi được rồi.

Mộ Hòa nghĩ, nếu nàng là Hải Âu hay Diệp Khanh thì có lẽ nàng không bao giờ quên chàng.

– Có lẽ tôi nhìn lầm người, xin lỗi nhé!

Vũ Thường để lộ cử chỉ lo lắng:

– Không sao cả, nhưng tôi thấy anh có vẻ mệt.

Mộ Hòa lắc đầu, đẩy xe vào nhà xe xong quay đầu lại ngắm kỹ Vũ Thường. Hai đứa con gái vẫn cầm vợt trên tay đang lo lắng nhìn chàng.

Chiếc váy thật ngắn, chiếc áo pull Mộ Hòa nghĩ đến hình ảnh Diệp Khanh đứng trên sân bay tiễn chàng cũng khuôn mặt chưa trang điểm này. Rồi chàng nghĩ đến cử chỉ của người con gái trên chuyến phà.

Mộ Hòa lắc đầu, quay lưng bước vào nhà.

Đột nhiên chàng dừng chân quay lại hỏi:

– Vũ Thường, cô biết bản hát Hải Âu không?

Vũ Thường mở mắt:

– Dạ chi? Hải Âu à? Anh định nói cái gì?

Mộ Hòa thở dài:

– Không, không có gì cả, tôi chỉ thắc mắc là tại sao hai con Hải Âu trước không biết bay về đâu biệt tăm, còn Hải Âu thứ ba lại không biết từ đâu bỗng xuất hiện nơi này.

Nói xong, Mộ Hòa bỏ mặc hai cô bé há hốc mồm đứng đấy, chàng đẩy cửa bước vào nhà, qua phòng khách, đi thẳng vào phòng.

Vào đến phòng là Hòa ngã nhào lên giường, chàng cảm thấy đầu nhức như búa bổ, lòng nóng như lửa, tay chân rã rời. Hòa định thần phân tích câu chuyên, nhưng nghĩ mãi mà vẫn không ra. Đầu chàng là một cuộn chỉ rối, chàng không nghĩ được gì cả.

Hai giọng hát của hai thiếu nữ cứ lảng vảng không rời:

Đêm trải dài

Hải Âu bay,

Bay về đâu, về đâu?

Và giọng hát thứ hai:

Hải Âu chim chẳng có nhà

Phương đông hết ở lại qua phương đoài

Tung trời góc bể chân mây

Bay về đâu? Chân trời hay góc bể?

Đột nhiên Mộ Hòa thấy mình bị rơi vào cơn mê hoặc của loài chim Hải Âu. Dù có đi đến đâu đi nữa, chàng vẫn bị nó như những loài ma quỷ ám ảnh, bám sát. Người Mộ Hòa nhũn ra.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN