Hai vạn dặm dưới biển - Chương 09 - 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Hai vạn dặm dưới biển


Chương 09 - 10



Chương 9

Nét Len Nổi Khùng

Không biết chúng tôi ngủ có lâu không, chắc là lâu vì tôi thấy người rất dễ chịu. Tôi dậy trước nhất. Hai chàng kia còn say sưa trong góc phòng. Đầu óc tôi tỉnh táo sáng suốt. Tôi lại bắt đầu nghiên cứu cái phòng giam chúng tôi. Chẳng có gì thay đổi cả. Phòng giam vẫn là phòng giam, tù vẫn là tù! Chỉ có mấy bộ đồ ăn là đã dọn đi. Chẳng có gì báo trước số phận chúng tôi sắp thay đổi. Tôi lo lắng tự hỏi: chẳng lẽ chúng tôi phải sống trong cái cũi này vô thời hạn. Cái tương lai đáng buồn càng bi đát hơn vì tôi bắt đầu thấy thiếu không khí. Tôi thấy tức ngực, mặc dù những cơn ác mộng đêm qua không diễn lại nữa. Thở ngày càng khó. Tôi sắp bị ngạt. Tuy phòng khá rộng nhưng chắc chúng tôi đã hít mất phần lớn ôxy trong không khí. Ta biết rằng mỗi người trong một giờ tiêu thụ một lượng ôxy có trong một trăm lít không khí. Vì vậy, nếu không khí chứa đựng một lượng thán khí như thế do con người thải ra thì không thể dùng được nữa. Tóm lại, cần thay đổi không khí trong phòng chúng tôi và tất nhiên trong cả chiếc tàu ngầm này. Nhưng tôi bỗng nảy ra một câu hỏi.

Trong trường hợp này, ông ta có thể chế được ôxi bằng phương pháp hóa học không? Dự trữ các hóa chất bị hết thì ông ta phải mua, và do đó, phải duy trì quan hệ với đất liền không? Cũng có thể ông ta dùng không khí nén đựng trong những bình đặc biệt. Mọi khả năng ấy đều có lý. Hay là ông ta giải quyết vấn đề đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và thực tế hơn bằng cách cho tàu nổi lên mặt biển để thở như cá voi? Nhưng dù ông ta theo phương pháp nào thì, theo tôi, cũng đã tới lúc áp dụng ngay không chậm trễ! Tôi cố thở gấp hơn và hít vào phổi chút ôxy còn lại trong căn phòng ngột ngạt. Bỗng một luồng không khí trong lành đượm mùi biển ùa vào phòng, một thứ không khí làm khỏe người, không khí của biển khơi! Tôi há to miệng và hít lấy hít để cái không khí thần kỳ ấy! Đúng lúc đó, tôi cảm thấy tàu bị xô nhẹ và tròng trành. Chiếc tàu – con quái vật bằng thép ấy- đang nổi lên mặt nước để thở theo kiểu cá voi! Thế là cách thông gió của nó đã được xác định. Khi đã thở hít thoải mái, tôi bắt đầu tìm lỗ thông hơi và một lát sau thì thấy nó ở phía trên cánh cửa ra vào. Không khí mát vừa tràn vào phòng thì Nét và Công- xây tỉnh giấc. Hệt như theo một khẩu lệnh, hai người giụi mắt, vươn vai rồi nhỏm dậy.

– Giáo sư ngủ có ngon giấc không ạ?

– Công- xây lễ phép hỏi.

– Rất ngon, anh bạn ạ. Còn ông thế nào, ông Nét? Tôi ngủ say như chết, giáo sư ạ. Nếu tôi không lầm thì hình như có gió biển thì phải. Anh thủy thủ Nét quả không lầm. Tôi kể cho anh ta nghe những chuyện đã xảy ra khi hai người ngủ.

– Có thế chứ!

– Nét nói.

– Bây giờ đã rõ tiếng rít chúng ta nghe thấy khi còn ở trên tàu Lin- côn là tiếng gì rồi!

– Rất đúng, ông Nét ạ. Chính là tiếng thở của nó.

– Thưa giáo sư, ngài làm ơn cho biết đã mấy giờ rồi? Tôi không hiểu đã đến giờ ăn trưa chưa?

– Giờ ăn trưa ấy ư, ông bạn kính mến? Chắc ông muốn nói là đã đến giờ ăn sáng? Chúng ta đã ngủ suốt ngày hôm qua tới tận sáng nay!

– Thế ra chúng ta đã ngủ li bì suốt một ngày một đêm! Công- xây kêu lên.

– Tôi cũng cảm thấy như vậy, – tôi trả lời.

– Tôi sẽ không tranh luận với ngài đâu, giáo sư ạ, – Nét Len nói.

– Đối với tôi thì ăn trưa hay ăn sáng cũng vậy thôi! Chỉ cần người phục vụ bưng đến cho ta cả hai bữa một lúc.

– Cả hai bữa một lúc?

– Công- xây nhắc lại.

– Đúng!

– Nét nói.

– Chúng ta có quyền đòi hỏi cả hai bữa.

– Thế thì phải kiên nhẫn một chút, ông Nét ạ. Những người chủ nhà không quen biết này chắc không có ý định để chúng ta chết đói đâu. Nếu không, họ chẳng cho chúng ta ăn bữa hôm qua làm gì.

– Nhỡ họ cho chúng ta ăn no để giết thịt thì sao?

– Nét hỏi.

– Đâu có thế!

– Tôi trả lời

– Không phải chúng ta rơi vào tay bọn ăn thịt người đâu!

– †n thử một lần cũng chẳng sao, – Nét nghiêm nghị nói.

– Có thể là họ đã lâu không được ăn thịt tươi. Ba người khỏe mạnh như giáo sư, người giúp việc của ngài và tôi…

– Ông Nét ơi, xin ông hãy vứt những ý nghĩ nhảm nhí ấy ra khỏi đầu óc đi. Và chủ yếu là ông chớ nói chuyện kiểu ấy với chủ nhà của chúng ta. Nếu nói kiểu ấy thì tình hình của chúng ta chỉ xấu đi mà thôi.

– Thôi xin ngài! Tôi đang đói gần chết đây. Thôi thì bữa sáng hay bữa trưa cũng được, nhưng người ta có cho ăn gì đâu!

– Ông Nét ạ, đi trên tàu thì phải tuân theo nội quy. Tôi ngờ rằng dạ dày chúng ta đã báo hiệu sớm hơn tiếng chuông của đầu bếp đấy.

– Thế thì ta vặn lại kim đồng hồ thôi.

– Công- xây điềm tĩnh nói. Nét Len sốt ruột la lên:

– Xin lỗi ông, ông bạn Công- xây ạ! Ông cứ bình chân như vại. Ông sợ hỏng thần kinh à? Không được ăn ông vẫn cảm ơn được như thường! Ông thà chịu chết đói còn hơn là kêu ca phàn nàn!

– Kêu ca phàn nàn thì có lợi gì?

– Công- xây hỏi.

– Lợi gì à? Kêu lên được nó cũng nhẹ người đi chứ! Nếu bọn phỉ này…

– Tôi gọi chúng là “phỉ” vì nể ngài giáo sư, ngài cấm tôi gọi chúng là bọn ăn thịt người

– nếu bọn phỉ này tưởng rằng chúng giam giữ tôi trong cũi làm tôi chết ngạt mà tôi không dám chửi thì chúng lầm to! Thưa giáo sư, xin ngài cứ thẳng thắn cho biết chúng còn hành hạ ta trong cái hòm sắt này đến bao giờ?

– Ông bạn ạ, thú thật là tôi cũng chẳng biết gì hơn ông!

– Nhưng ngài phỏng đoán thế nào?

– Tôi nghĩ rằng sự ngẫu nhiên đã cho phép chúng ta hé mở một điều bí mật quan trọng. Nếu những người trên chiếc tàu ngầm này quan tâm đến việc giữ gìn bí mật đó, và nếu đối với họ, điều bí mật đó còn quí hơn sinh mạng của ba chúng ta, thì tôi cho rằng chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không thì con quái vật đã nuốt chửng chúng ta sẽ trả chúng ta về xã hội loài người rất nhanh chóng.

– Hay sẽ bắt chúng ta làm thủy thủ trên tàu, – Công- xây nói, – và sẽ giữ…

– … cho tới khi có một chiếc tàu chiến nào đó chạy nhanh hơn, hay may mắn hơn tàu Lin- côn tóm được cái ổ cướp này và treo cổ cả bọn chúng, cả chúng ta lên cột buồm, – Nét nói tiếp.

– Ông nói rất có lý, ông Nét ạ, – tôi nhận xét, – Nhưng theo tôi biết, thì chưa ai đề nghị chúng ta điều gì cả. Vì vậy, xây dựng kế hoạch cho tương lai là điều vô ích. Tôi xin nhắc lại là phải đợi thời cơ, phải tùy hoàn cảnh cụ thể mà hành động, và hiện nay không được làm gì, vì cũng chưa có việc gì để làm!

– Thưa giáo sư, ngược lại, chúng ta phải hành động, – Nét không chịu đầu hàng.

– Cụ thể phải làm gì, ông Nét?

– Chạy trốn!

– Chạy trốn khỏi nhà tù trên mặt đất đã là một việc gay go, còn tính chuyện vượt khỏi cái ngục ngầm dưới biển này, theo tôi, là một điều viển vông.

– Thế nào, ông Nét, – Công- xây hỏi, – ông nghĩ thế nào về nhận xét của giáo sư? Nét Len rõ ràng là lúng túng nên im lặng. Chạy trốn trong những điều kiện hiện tại là chuyện hoàn toàn không tưởng. Sau một phút suy nghĩ, Nét trả lời:

– Thưa giáo sư, ngài không đoán ra rằng nếu một người không vượt được ngục thì anh ta phải làm gì à?

– Tôi chịu không đoán được, ông bạn ạ!

– Rất đơn giản! Anh ta sẽ giành quyền làm chủ ở đó.

– Tất nhiên, – Công- xây nói.

– ở lại trong cái nhà tù này còn hơn là ra ngoài!

– Nhưng trước hết phải tống cổ tất cả bọn cai ngục này đi, – Nét nói thêm.

– Thôi xin ông! Ông định chiếm chiếc tàu này thật đấy à?

– Tôi hỏi.

– Chiếm thật chứ!

– Nét trả lời.

– Không được đâu.

– Vì sao không được, thưa ngài? Chẳng lẽ không có cơ hội nào thuận tiện ư? Nếu có thì sao ta không lợi dụng? Nếu thủy thủ trên tàu này không quá hai mươi tên thì lẽ nào chúng có thể bắt hai người Pháp và một người Ca- na- đa phải lùi bước! Tốt hơn hết là lờ cái chuyện viển vông của anh chàng Nét đi và không tranh luận với anh ta. Vì vậy tôi nói khéo:

– Ông Nét ạ, nếu có dịp, chúng ta sẽ trở lại câu chuyện này. Nhưng xin ông hãy kiên nhẫn. Bây giờ phải hành động thận trọng. Tính nóng nảy của ông chỉ làm hỏng việc thôi! Ông hãy hứa với tôi là sẽ nghĩ đến hoàn cảnh chung của chúng ta mà không nổi nóng.

– Xin hứa với giáo sư, – Nét Len trả lời hơi miễn cưỡng.

– Chiều ý ngài, tôi sẽ ngậm tăm, sẽ không gây ra chuyện gì, dù chúng không cho tôi ăn.

– Ông đã hứa rồi nhé!

– Tôi bảo Nét. Câu chuyện tới đây chấm dứt. Mỗi người chúng tôi lại chìm trong những ý nghĩ riêng tư của mình. Thú thật rằng, mặc dù Nét có nhiều hy vọng lạc quan, nhưng tôi chẳng nuôi một ảo tưởng gì. Tôi không tin sẽ có một lối thoát may mắn, như Nét hy vọng. Căn cứ vào cách điều khiển con tàu, có thể đoán rằng thủy thủ trên tàu này rất vững. Như vậy, nếu đấu với nhau, chúng tôi sẽ chạm trán với một đối thủ mạnh. Vả lại, muốn hành động thì phải được tự do, mà chúng tôi lại đang bị nhốt chặt! Tôi chưa hình dung được là sẽ trốn khỏi cái cũi sắt đóng kín mít này như thế nào. Và nếu viên thuyền trưởng giữ bí mật con tàu – điều đó rất có thể xảy ra – thì ông ta sẽ không cho phép chúng tôi đi lại trên tàu. Ông ta sẽ đối xử với chúng tôi như thế nào? Sẽ giết hại hay sẽ cho chúng tôi lên một hòn đảo hoang nào đó? Chúng tôi đang nằm trong tay ông ta. Tất cả những giả thiết của tôi đều gần chân lý như nhau, và phải là người như Nét Len mới có thể hy vọng giành lại được tự do.

Tuy vậy, biết tính Nét Len hay bị những ý đồ riêng ám ảnh, tôi hiểu rằng càng để anh ta nghĩ ngợi thì anh ta càng liều lĩnh. Tôi cảm thấy những lời nguyền rủa đang nghẹn lại trong cổ Nét, và những cử chỉ của Nét biểu lộ một sự giận dữ khó kìm hãm nổi. Nét lồng lộn như một con thú trong chuồng đá chân đấm tay vào tường. Thời gian trôi qua, chúng tôi đói meo mà người phục vụ mãi chẳng thấy. Nếu chủ nhà của chúng tôi có ý định tốt, chắc không phớt lờ những kẻ bị nạn lâu như vậy! Nét Len đói quá, dạ dày co thắt lại, nên càng ngày càng tức giận. Tôi sợ anh ta nổi nóng khi có người nào đó trên tàu xuất hiện, mặc dù Nét đã hứa hẹn là không nổi nóng. Hai tiếng đồng hồ nữa đã qua. Nét kêu la ầm ỹ nhưng vô hiệu.

Những bức tường sắt vẫn câm lặng. Chẳng thấy một tiếng động nhỏ nào trên tàu, dường như mọi người đều đã chết. Chẳng thấy thân tàu rung nhẹ khi chân vịt quay. Chiếc tàu đang đứng im một chỗ. Khi đã lặn xuống đáy biển, nó không thuộc về trái đất nữa. Sự im lặng, thật là ghê sợ. Chúng tôi đã bị bỏ rơi và nhốt chặt trong căn hầm này. Tôi hốt hoảng khi nghĩ đến cảnh tù đày có thể kéo dài. Tia hy vọng lóe lên khi gặp thuyền trưởng cứ tắt dần. Cái nhìn hiền từ, nét mặt khoan dung, phong thái cao thượng của ông ta đã phai mờ trong trí nhớ của tôi. Đúng là ông ta đã đặt mình lên trên lòng nhân đạo, chẳng biết thế nào là thương người, đã tự biến mình thành kẻ thù không đội trời chung với đồng loại, những người ông ta đã thề căm ghét suốt đời! Nhưng chẳng lẽ ông ta lại để chúng tôi chết trong bốn bức tường của cái phòng giam chật chội này, lại để chúng tôi đói khát, cực khổ vô chừng thế này? ý nghĩ khủng khiếp xâm chiếm lòng tôi óc tưởng tượng càng làm cho tâm trạng nặng nề hơn. Tôi tuyệt vọng. Công- xây vẫn bình thản. Còn Nét Len thì tức giận điên cuồng. Bỗng phía ngoài có tiếng động. Đó là những tiếng chân bước. Then cửa kêu lạch cạch. Cửa mở, người phục vụ bước vào. Tôi chưa kịp giữ Nét lại thì anh ta đã xô tới quật ngã và bóp cổ người này. Nạn nhân bị ngạt thở trong hai bàn tay hộ pháp của Nét. Công- xây định cứu người phục vụ ra khỏi tay Nét. Tôi cũng đã sẵn sàng giúp Công- xây, thì bỗng sững người khi nghe thấy những lời nói bằng tiếng Pháp:

– Ông Len, ông hãy bình tĩnh, cả giáo sư nữa! Xin các ông hãy nghe tôi!

 

Chương 10

Người Chủ Của Biển Cả

Đó là thuyền trưởng. Nét Len chồm dậy ngay. Người phục vụ suýt bị chết ngạt, theo hiệu của chỉ huy lảo đảo bước nhanh ra khỏi phòng. Uy quyền của thuyền trưởng lớn đến mức anh này không có một thái độ, cử chỉ nào biểu lộ sự tức giận của mình đối với Nét. Ngay cả Công-xây cũng phải ngây người ra và bất ngờ. Cả ba chúng tôi im lặng chờ đợi đoạn kết của cảnh này. Thuyền trưởng đứng tựa vào bàn, tay khoanh trước ngực, chăm chú nhìn chúng tôi. Ông ta phân vân trong việc tiếp xúc với chúng tôi chăng? Ông ta hối hận là đã nói mấy câu tiếng Pháp chăng? Rất có thể như vậy. Sự im lặng kéo dài mấy giây và chẳng ai muốn lên tiếng trước cả. Cuối cùng, thuyền trưởng nói bằng một giọng điềm đạm, thuyết phục:

-Thưa các ngài, tôi thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng La-tinh. Tôi có thể nói chuyện ngay với các ngài nhưng tôi muốn trước hết quan sát các ngài rồi mới quyết định nên đối xử với các ngài như thế nào. Tất cả những điều các ngài đã kể cho tôi nghe, kể chung và kể riêng từng người, hoàn toàn khớp với nhau. Vì vậy, tôi tin rằng các ngài chính là những người như các ngài đã tự giới thiệu. Tôi biết rằng sự tình cờ đã khiến tôi gặp ngài A-rô-nắc, giáo sư môn lịch sử tự nhiên ở Viện bảo tàng Pa-ri, được phái ra nước ngoài làm công tác nghiên cứu khoa học. Tôi biết rằng những người cùng đi với giáo sư là ông Công-xây, giúp việc giáo sư, và ông Nét Len, người Ca-na-đa, thợ săn cá voi đi trên tàu Lin-côn thuộc hạm đội Mỹ. Tôi nghiêng mình tỏ vẻ đồng ý. Thuyền trưởng không hỏi tôi, do đó cũng chẳng cần trả lời. Ông ta nói tiếng Pháp rất thạo, phát âm chuẩn mực, dùng từ chính xác, cách diễn đạt rất có duyên. Thuyền trưởng nói tiếp:

-Chắc ngài cho rằng cuộc gặp mặt lần thứ hai của chúng ta có thể diễn ra sớm hơn. Nhưng khi được biết ngài là ai thì tôi lại lúng túng khó xử! Mãi tôi không quyết định được là nên thế nào. Hoàn cảnh đáng buồn đưa giáo sư đến với một người đã cắt đứt quan hệ với loài người. Giáo sư đã phá vỡ sự yên tĩnh của tôi…

-Một cách miễn cưỡng thôi,-tôi nói.

-Một cách miễn cưỡng?

-Thuyền trưởng hơi cao giọng.

-Chẳng lẽ tàu Lin-côn đã miễn cưỡng săn đuổi tôi trên khắp mặt biển? Chẳng lẽ ngài đã miễn cưỡng phải xuống chiếc tàu đó? Chẳng lẽ những viên đạn của các ngài lại miễn cưỡng rơi vào thân tàu của tôi? Chẳng lẽ ông Nét Len lại miễn cưỡng lao tên nhọn vào tôi? Trong lời nói của ông ta tôi cảm thấy có một vẻ giận dữ đã được nén xuống. Nhưng để đáp lại tất cả những lời trách móc của ông ta, tôi chỉ có một câu trả lời hoàn toàn tự nhiên.

-Thưa ngài, tất nhiên là ngài không được nghe những lời đồn đại đang lan truyền ở châu Mỹ và châu Œu về chiếc tàu của ngài. Ngài không được biết là dư luận ở hai lục địa đã phản ứng thế nào trước những tai nạn rủi ro xảy ra khi các tàu lỡ đâm phải con tàu ngầm của ngài! Tôi không muốn ngài bị mệt vì phải nghe bảng thống kê những giả thiết mà người ta đã dùng để giải thích điều bí mật của ngài. Nhưng ngài nên biết rằng khi tìm kiếm ngài tận vùng biển xa xôi nhất của Thái Bình Dương, tàu Lin-côn vẫn đinh ninh rằng mình đang săn đuổi một con quái vật nào đó mà họ có nhiệm vụ phải tiêu diệt kỳ được! Một nụ cười thoáng trên môi thuyền trưởng.

-Ngài A-rô-nắc

-Ông ta nói, giọng bình tĩnh hơn, -ngài có đủ can đảm để khẳng định rằng tàu Lin-côn sẽ không dượt theo và bắn phá chiếc tàu ngầm một cách quyết liệt như khi dượt theo quái vật không? Câu hỏi của thuyền trưởng làm tôi lúng túng. Tôi biết thuyền trưởng tàu Lin-côn sẽ chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Ông ta sẽ ình có nhiệm vụ diệt chiếc tàu ngầm cũng như diệt quái vật mà thôi.

-Thế là ngài phải đồng ý rằng tôi có quyền đối xử với ngài như kẻ thù? Tôi vẫn im lặng chẳng trả lời, cũng vì lý do đã nói trên.

-Tôi đã phân vân nhiều,-thuyền trưởng nói tiếp.

-Chẳng có điều gì buộc tôi phải ân cần, niềm nở với các ngài. Nếu tôi định thanh toán các ngài, thì tôi đến gặp các ngài làm gì. Tôi có thể đưa các ngài lên boong, rồi cho tàu lặn xuống biển sâu và quên hẳn các ngài đi! Chẳng lẽ tôi không có quyền cư xử như vậy sao?

-Một người man rợ mới có quyền xử sự như vậy, chứ người văn minh thì không!

-Tôi trả lời.

-Thưa giáo sư, -thuyền trưởng phản đối, -tôi hoàn toàn không thuộc loại người mà ngài gọi là văn minh! Tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với xã hội vì những lý do xác đáng. Xác đáng đến mức nào, chỉ riêng tôi biết. Tôi không phục tùng những luật lệ của cái xã hội đó, và xin ngài chớ bao giờ dựa vào nó. Ông ta đã nói hết. Cái nhìn của ông ta đầy căm giận và khinh bỉ. Tôi thoáng có ý nghĩ rằng quá khứ của con người này ẩn giấu một điều bí ẩn khủng khiếp. Chẳng phải vô cớ mà ông ta tự đặt mình ra ngoài những luật lệ xã hội, thoát khỏi vòng kiểm tỏa, giành độc lập và tự do theo ý nghĩa đầy đủ nhất của hai từ đó. Ai có gan rượt theo ông ta dưới biển sâu, nếu ông ta đã chặn đứng được mọi mưu toan gây chiến trên mặt biển? Tàu nào có thể chống chọi lại chiếc tàu ngầm này? Vỏ thép nào có thể chịu đựng được mũi nhọn của nó? Tất cả những ý nghĩ đó thoáng qua trong óc tôi khi con người khó hiểu đó đang suy tư trầm lặng. Tôi nhìn ông ta một cách khiếp sợ và tò mò. Cuối cùng, ông ta phá vỡ sự im lặng đó:

-Tôi đã phân vân nhiều. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi thấy rằng những quyền lợi của tôi vẫn có thể kết hợp được với lòng nhân từ mà bất kỳ sinh vật nào cũng có quyền hưởng. Các ngài sẽ ở lại cái tàu này, một khi số phận đã đẩy các ngài tới đây. Tôi sẽ cho các ngài tự do, nhưng rất tương đối. Ngược lại các ngài phải làm đúng một điều kiện. Đối với tôi, chỉ cần một lời hứa của các ngài là đủ.

-Thưa ngài, tôi xin nghe, -tôi trả lời.

-Tôi nghĩ rằng người tử tế sẽ không khó khăn gì lắm khi chấp nhận điều kiện của ngài!

-Tất nhiên! Thế này nhé, có thể là trong hoàn cảnh bất thường nào đó tôi buộc phải giữ các ngài trong phòng mấy tiếng đồng hồ hoặc mấy ngày. Vì không muốn dùng bạo lực tôi muốn các ngài cam đoan rằng sẽ tuyệt đối phục tùng tôi trong những trường hợp như vậy. Các ngài sẽ không phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì có thể xảy ra. Các ngài sẽ không được chứng kiến những sự kiện mà các ngài không tham dự. Thế nào, các ngài có chấp nhận điều kiện của tôi không? Nghĩa là trên chiếc tàu ngầm này đang diễn ra những việc mà những người chưa đặt mình ra khỏi vòng pháp luật không nên biết!

Trong tất cả những sự bất ngờ đang quyết định tương lai của tôi, cái bất ngờ này chẳng phải là nhỏ.

-Chúng tôi xin nhận, -tôi trả lời, -Nhưng xin ngài cho tôi được hỏi.

-Xin ngài cứ hỏi.

-Ngài nói rằng chúng tôi sẽ được hưởng tự do trên tàu của ngài, phải không ạ?

-Tự do hoàn toàn.

-Tôi muốn biết ý kiến của ngài về cái tự do đó.

-Các ngài có thể đi lại tự do trong phạm vi tàu, xem xét tàu, quan sát sinh hoạt trên tàu, trừ vài trường hợp hãn hữu. Tóm lại, các ngài được tự do như tôi và các bạn tôi. Rõ ràng là chúng tôi chưa hiểu nhau.

-Xin lỗi ngài, nhưng đó là cái tự do của tù nhân trong xà lim! Chúng tôi không thể bằng lòng với cái tự do đó được.

-Cũng phải bằng lòng thôi!

-Sao? Chúng tôi phải từ bỏ mọi hy vọng nhìn thấy Tổ quốc, bạn bè, gia đình ư?

-Vâng, và nhân thể trút bỏ cả cái ách nặng nề mà người ta vẫn gọi là tự do đi!

-Còn về phần tôi, -Nét Len la lên, -tôi không bao giờ hứa là sẽ từ bỏ ý định trốn khỏi nơi đây đâu!

-Tôi cũng chẳng bắt ông phải hứa hẹn gì, ông Nét ạ, -thuyền trưởng lạnh lùng trả lời.

-Thưa ngài, -tôi cũng kêu lên vì không tự chủ được, -ngài đã lạm dụng quyền hành của mình. Thật là vô nhân đạo!

-Ngược lại, rất nhân đạo! Các ngài bị bắt làm tù binh tại trận địa! Chỉ cần tôi nói một lời là các ngài bị quẳng ngay xuống đáy biển! Thế mà tôi đã để các ngài sống. Các ngài đã tấn công tôi. Các ngài đã biết được điều bí mật mà không một người nào trên thế giới này được xâm phạm vào. Đó là bí mật về cá nhân tôi! Các ngài tưởng rằng tôi sẽ cho phép các ngài trở về cái mặt đất mà tôi đã vĩnh viễn từ bỏ ư? Không bao giờ! Tôi sẽ giữ các ngài trên tàu để bảo đảm an toàn cho tôi! Rõ ràng là thuyền trưởng đã có quyết định, và mọi lý lẽ chống lại đều bất lực.

-Thế là ngài cho chúng tôi được lựa chọn giữa cái sống và cái chết, phải không ạ?

-Đúng vậy.

-Các bạn, -tôi bảo Công-xây và Nét, -tình hình thế này tranh luận cũng vô ích. Nhưng chúng ta sẽ không có hứa hẹn gì ràng buộc ta với chủ chiếc tàu này.

-Chẳng cần hứa gì cả, -thuyền trưởng nói. Rồi ông ta dịu giọng nói thêm:

-Cho phép tôi kết thúc cuộc nói chuyện của chúng ta. Thưa ngài A-rô-nắc, tôi biết ngài. Nếu như không có hai người cùng đi thì có lẽ ngài cũng chẳng than phiền gì về sự ngẫu nhiên đã gắn số phận chúng ta với nhau. Trong số những cuốn sách tôi ưa thích, ngài sẽ thấy cả công trình nghiên cứu của ngài về đáy biển. Tôi thường đọc đi đọc lại cuốn sách đó. Ngài đã đẩy khoa hải dương học tiến lên một bước rất dài. Thưa giáo sư, cho phép tôi được đoan chắc với ngài rằng ngài sẽ không hối tiếc gì về thời gian ngài sống trên tàu của tôi. Ngài sẽ được đi du lịch vào một xứ sở diệu kỳ! Sự thay đổi ấn tượng sẽ làm óc tưởng tượng của ngài rung động. Ngài sẽ thường xuyên thấy hứng thú. Ngài sẽ không bao giờ hết ngạc nhiên về những cái được nhìn thấy. Cuộc sống của thế giới ngầm dưới nước sẽ không ngừng trải ra trước mắt ngài! Tôi đang chuẩn bị một chuyến đi dưới biển vòng quanh thế giới -biết đâu không phải là chuyến đi cuối cùng? Tôi muốn nhìn lại một lần nữa tất cả những gì tôi đã nhiều lần nghiên cứu dưới đáy biển!

Ngài sẽ là người cùng tham dự công việc nghiên cứu khoa học này của tôi. Từ hôm nay, ngài sẽ bước vào môi trường mới, ngài sẽ thấy những điều mà người khác không bao giờ được thấy. Hành tinh của chúng ta sẽ mở ra trước mắt ngài những bí mật sâu kín nhất! Tôi không giấu rằng những lời nói trên của thuyền trưởng đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Ông ta đã gãi đúng chỗ ngứa của tôi, và trong giây phút tôi quên mất rằng dù có được ngắm nhìn những kỳ quan dưới đáy biển cũng chẳng bù lại được cái tự do đã mất. Nhưng tôi tự an ủi rằng giải quyết một vấn đề quan trọng thế này phải có thời gian. Vì vậy, tôi chỉ nói rất ngắn:

-Thưa ngài, dù ngài đã đoạn tuyệt với loài người, tôi vẫn hy vọng rằng ngài không xa lạ với những tình cảm con người. Chúng tôi gặp nạn, ngài đã rộng lòng tiếp nhận chúng tôi lên tàu của ngài. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn đó. Về phần tôi, tôi xin thú thực rằng nếu khả năng phục vụ khoa học có thể làm tôi bớt nghĩ tới tự do, thì cuộc gặp mặt với ngài có thể đền bù quá đầy đủ cho sự thiệt thòi đó. Tôi tưởng thuyền trưởng sẽ bắt tay tôi để giao ước, nhưng ông ta chẳng đưa tay ra.

-Còn vấn đề cuối cùng, -tôi nói vì thấy con người khó hiểu đó sắp bỏ đi.

-Ngài cứ nói.

-Xin ngài cho biết quý danh.

-Thưa ngài, đối với ngài, tôi là thuyền trưởng Nê-mô còn đối với tôi thì các ngài chỉ là hành khách của tàu Nau-ti-lúx. Thuyền trưởng Nê-mô gọi người hầu và ra lệnh cho anh ta vẫn bằng thứ tiếng khó hiểu ấy. Rồi ông ta bảo Công-xây và Nét Len:

-Bữa sáng đang chờ các ngài ở phòng riêng. Các ngài chịu khó đi theo anh này.

-Tôi sẵn sàng!

-Nét trả lời. Thế là cuối cùng họ đã ra khỏi phòng giam, nơi họ đã bị nhốt hơn ba mươi tiếng đồng hồ.

-Ngài A-rô-nắc, bây giờ chúng ta cùng đi ăn sáng. Ngài có vui lòng theo tôi không?

-Thưa thuyền trưởng, tôi xin tuân lệnh ngài. Tôi đi theo Nê-mô. Qua ngưỡng cửa, tôi bước vào một hành lang hẹp có điện sáng. Đi được khoảng mười mét chúng tôi vào một căn phòng lớn. Đó là phòng ăn được bài trí rất trang nhã. Mấy cái tủ thấp bằng gỗ sồi kê ở hai đầu trong có nhiều bát, đĩa, cốc, tách bằng sứ và pha lê quý giá. Những đồ dùng bằng bạc phản chiếu ánh sáng dọi từ trên xuống. Những bức vẽ tinh vi trên trần làm ánh điện dịu đi. Giữa phòng kê một cái bàn trên bày những bộ đồ ăn đắt tiền. Thuyền trưởng Nê-mô nói:

-Mời ngài ngồi xuống ăn! Chắc ngài đã đói mềm. Bữa sáng gồm nhiều món ăn làm hoàn toàn bằng những sản vật của biển. Tuy vậy, có mấy món khiến tôi thắc mắc. Dù được nấu rất ngon, tôi vẫn cảm thấy có một mùi vị là lạ, nhưng chỉ một lát sau tôi đã quên đi ngay. Tôi thấy tất cả những món ăn đó đều có nhiều lân nên khẳng định rằng nó đều là hải sản. Thuyền trưởng Nê-mô đưa mắt nhìn tôi. Tôi chẳng hỏi gì, nhưng tự ông ta trả lời những câu hỏi đang quay cuồng trong đầu tôi.

-Phần lớn những món này xa lạ đối với ngài, nhưng ngài cứ ăn đi, đừng sợ. Nó vừa lành vừa bổ. Từ lâu tôi không ăn thịt, nhưng ngài thấy đó, tôi vẫn khỏe mạnh như thường. Anh em thủy thủ của tôi ai cũng vạm vỡ sung sức, và chúng tôi ăn uống như nhau.

-Vậy là những món ăn này đều từ hải sản chế biến ra?

-Thưa giáo sư vâng! Biển thỏa mãn mọi nhu cầu của tôi. Tôi cứ bủa lưới là kéo được rất nhiều tôm cá. Tôi lặn xuống biển sâu nơi con người hình như không tới được, tôi săn bắt các loại cá trong những cánh rừng ngầm. Những đàn cá của tôi, tựa như đàn cá của vua thủy tề, nhởn nhơ kiếm ăn trên những đồng cỏ ngầm dưới đại dương. Đất đai của tôi bao la và bàn tay tạo hóa cũng không đến nỗi nghèo sáng tạo. Tôi ngạc nhiên nhìn Nê-mô và nói:

-Thưa ngài, tôi hiểu rõ rằng nhờ dùng lưới mà ngài đã có cá rất ngon. Tôi hiểu, tuy chưa rõ lắm, là ngài còn săn bắt cả ở những cánh rừng ngầm dưới biển. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu vì sao trong thực đơn lại có cả món thịt, dù rất ít?

-Thưa ngài, tôi không ăn thịt những thú vật trên cạn.

-Thế thì cái gì đây?

-Tôi chỉ vào cái đĩa đựng mấy miếng thịt bò.

-Thưa giáo sư, cái mà ngài tưởng là thịt bò chỉ là thịt thăn của rùa biển. Còn đây là gan cá heo rán. Ngài rất dễ lầm món này là ra-gu lợn! Đầu bếp của tôi bảo quản thực phẩm rất tài. Ngài nên nếm mỗi thứ một ít. Đây là kem làm bằng váng sữa cá voi. Đây là đường làm bằng cây phu-cút khổng lồ ở Địa Trung Hải. Và cuối cùng, xin mời ngài ăn mứt làm bằng a-nê-môn, mà mùi vị chẳng kém gì các thứ quả chín thơm nhất trên mặt đất. Tôi nếm mỗi thứ một chút không phải vì tham ăn mà vì tò mò. Trong khi đó, thuyền trưởng Nê-mô làm tôi mê đi bằng những chuyện thần kỳ của ông ta.

-Thưa ngài A-rô-rắc, biển đã nuôi tôi. Biển hào hiệp vô cùng. Biển chẳng những cho tôi ăn, còn cho tôi quần áo mặc. Vải may quần áo ngài đang mặc được dệt bằng túc ti của mấy loại nhuyễn thể hai vỏ. Nước hoa để trên bàn rửa mặt ở phòng ngài được cất từ những thực vật biển. Đệm ngài nằm cũng làm bằng thứ cỏ mềm dưới biển. Ngòi bút ngài dùng chính là một sợi râu cá voi còn mực thì do một động vật biển tiết ra. Tôi sống bằng những tặng phẩm của biển và tới lúc nào đó biển cũng sẽ lấy lại những quà tặng của mình!

-Ngài có yêu biển không, thưa thuyền trưởng?

-Tôi rất yêu biển! Biển là tất cả! Nó chiếm bảy phần mười bề mặt trái đất. Hơi thở trong lành của nó cho ta thêm sức mạnh. Trong cảnh mênh mông bát ngát của biển, con người không cô độc vì anh ta cảm thấy có nhịp đập của cuộc sống quanh mình. Trong biển cả có nhiều sinh vật kỳ diệu lạ thường. Biển là sự vận động vĩnh cửu và tình yêu, là cuộc sống vô tận như một nhà thơ của các ngài đã viết. Và, thưa giáo sư, môi trường nước thật là điều kiện ưu việt đặc biệt cho sự sống phát triển. Dưới nước có cả ba vương quốc của tự nhiên: khoáng vật, thực vật, động vật. Giới động vật có vô số giống, loài. Biển tĩnh mịch vô cùng! Biển không chịu khuất phục những tên bạo chúa. Trên mặt biển, bọn chúng còn có thể làm những điều ngang trái, gây ra chiến tranh, giết hại con người. Nhưng dưới độ sâu mười mét thì chúng bất lực, uy quyền của chúng cũng hết! Thưa ngài, ngài hãy ở lại đây, hãy sống giữa biển cả mênh mông này. ở đây, chỉ có ở đây mới có độc lập thực sự! ở đây không có bạo chúa! ở đây tôi được tự do! Thuyền trưởng Nê-mô bỗng im bặt. Ông ta đã vi phạm sự dè dặt thường ngày của mình chăng? Ông ta ân hận là đã nói quá nhiều chăng? Nê-mô bồi hồi đi đi lại lại mấy phút trong phòng. Thần kinh ông ta dần dần ổn định, vẻ mặt lại lạnh lùng như cũ. Cuối cùng, Nê-mô đến gần tôi và nói:

-Thưa giáo sư, nếu ngài muốn đi xem tàu Nau-ti-lúx tôi xin hướng dẫn ngài.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN