Hàm Cá Mập - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
151


Hàm Cá Mập


Chương 10


Ngày thứ sáu tiết trời u ám, mưa lất phất, nên chỉ có một cặp thanh niên ra tắm. Họ ngụp xuống nước từ sáng sớm – đúng vào lúc trên bãi tắm xuất hiện một cảnh sát viên của Brody, Hooper đã ở trên mặt nước sáu tiếng đồng hồ mà vẫn chưa phát hiện thấy gì. Chiều thứ sáu Brody gọi điện đến đội cảnh vệ bờ biến để hỏi về dự báo thời tiết. Chính anh cũng chẳng biết mình muốn gì nữa. Anh hiểu rằng trong ba ngày lễ, lẽ ra anh phải mong có ánh nắng rực rỡ và bầu trời trong xanh. Có thế thì mới có nhiều người đến nghỉ ở Amity và nếu không có chuyện gì xảy ra, nếu mọi sự đều yên ổn, thì sang thứ ba có lẽ anh sẽ tin rằng cá mập quả thực đã bỏ đi. Nếu như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng trong thâm tâm anh lại mong có gió bão và bãi tắm vắng người. Dù thế nào chăng nữa anh thầm khấn tất cả các thánh thần trên đời đừng để xảy ra tai họa.

Brody mong sao cho Hooper trở về Woods Hole. Không chỉ bởi anh chàng này kín đáo có mặt ở khắp mọi nơi và với tư cách là chuyên gia ngư học đã phủ nhận mọi lo sợ của ông sếp cảnh sát. Brody có cảm giác rằng bằng cách nào đó Hooper đang phá hoại sự yên ổn của gia đình anh. Brody có biết Ellen đã nói gì với anh chàng ấy sau buổi tối liên hoan: thằng Martin – con có lần nhắc đến chuyện chú Hooper đã hứa tổ chức picnic bên bờ biển và cùng lũ trẻ đi lượm vỏ ốc vỏ hến. Sau đó đến vụ Ellen khó ở hôm thứ tư. Ellen bảo rằng cô ấy mệt trong người, và quả thực nom có vẻ mệt lử khi Brody về đến nhà. Nhưng hôm thứ tư Hooper đi đâu? Tại sao anh ta lại lấp liếm đi khi Brody hỏi chuyện đó? Lần đầu tiên sau nhiều năm chung sống, ở Brody đã nảy ra những mối hồ nghi, chúng tạo nên cảm giác nước đôi khó chịu – sự bứt rứt lương tâm về chuyện căn vặn hạ phẩm cách Ellen, lại có cả nỗi lo rằng những nghi ngờ của anh đúng sự thực.

Theo dự báo thời tiết thì ngày mai sẽ sáng sủa, có nắng, gió tây nam với tốc độ năm đến mười hải lý một giờ. Biết đâu đấy, Brody nghĩ, có khi thế mà lại hay. Nếu mấy ngày lễ trôi qua tốt đẹp và không ai mắc nạn thì có lẽ mình sẽ thực tin rằng cá mập đã bỏ đi. Và chắc Hooper cũng sẽ đi khỏi nơi đây.

Brody đã hứa là sẽ gọi điện cho Hooper ngay sau khi nói chuyện với cảnh vệ bờ biển. Anh đứng trong bếp, cạnh máy điện thoại. Ellen rửa bát đĩa sau bữa ăn. Brody biết rằng Hooper đang ở khách sạn “Biểu trưng của Abelard”. Anh trông thấy cuốn danh bạ điện thoại trên giá bếp dưới đống biên lai, sổ sách truyện tranh. Đã toan lôi nó ra, nhưng anh lại đổi ý.

– Anh phải gọi điện cho Hooper, – anh nói với Ellen. – Em có nhớ cuốn danh bạ điện thoại đâu không?

– Sáu – năm – bốn – ba, – Ellen nói.

– Cái gì thế?

– “Biểu trưng của Abelard”. Số điện thoại: sáu – năm – bốn – ba.

– Sao em biết?

– Em vẫn có trí nhớ tốt về các số điện thoại mà. Anh cũng biết đấy.

Quả thực anh biết và tự rủa mình về cái mẹo ngốc nghếch kia. Brody quay số điện thoại.

”Biểu trưng của Abelard” đây. – Trong máy vang lên một giọng đàn ông còn trẻ. Người trực đêm trả lời.

– Xin cho gọi số của Matt Hooper.

– Xin lỗi, ông có biết số phòng của ông ấy không?

– Không. – Brody lấy tay che ống nói và hỏi Ellen: – Em có biết số phòng của anh ta không nhỉ?

Ellen chỉ nhìn sang chồng và lắc đầu.

– Tôi tìm thấy rồi, – người trực nói. – Bốn – không – năm.

Điện thoại réo hai hồi trước khi Hooper nhấc máy.

– Brody đây.

– À, xin chào.

Brody nhìn lên tường cố tưởng tượng xem phòng của Hooper nom ra thế nào. Anh thấy một gác áp mái chật chội tối om, một chiếc giường ngổn ngang và những tấm vải trải giường nhàu nát.

Bỗng Brody có cảm giác như anh đang mất trí.

– Theo tôi, chắc ngày mai ta lại phải làm việc đấy, – anh nói. – Dự báo thời tiết tốt lắm.

– Vâng, tôi biết.

– Thế thì ta sẽ gặp nhau ngoài cảng vậy.

– Vào lúc mấy giờ?

– Có lẽ quãng chín rưỡi. Chắc gì đã có ai xuống nước sớm hơn.

– Được. Quãng chín rưỡi.

– Hay lắm. À mà này, – Brody nói, – anh với Daisy Wicker đến đâu rồi?

– Cái gì?

Brody thấy hối là đã vội nói câu ấy.

– Ồ, không. Tôi tò mò một chút thôi. Tôi muốn hỏi là anh với cô ấy đã tiến triển hay chưa?

– Hừm… Sao anh lại quan tâm đến chuyện ấy? Chả lẽ anh nhất thiết phải theo dõi chuyện đời tư của những người quen của anh hay sao?

– Xin lỗi anh. Hãy quên sự vô ý không cố tình của tôi đi. – Brody gác máy. Đồ bịp bợm, anh nghĩ. Mẹ kiếp, có chuyện gì đây? Anh quay sang Ellen:

– Anh muốn hỏi em này, thằng Martin có nói đến chuyện picnic ở bờ biển. Khi nào sẽ tổ chức?

– Còn chưa định, – chị đáp. – Chỉ mới dạm như thế thôi.

– Thế à? – Anh nhìn sang chị, nhưng chị ngoảnh đi. – Em tới lúc đi ngủ được rồi.

– Tại sao?

– Em có vẻ không được khỏe. Đấy, em rửa mỗi một cái cốc đều hai lần rồi đấy. – Brody lấy lon bia trong tủ lạnh ra. Anh dùng sức kéo quai sắt, làm nó gẫy. – Khỉ gió thật! – Brody vặc rồi ném cái lon vào sọt rác và bước nhanh ra khỏi bếp.

*

Trưa thứ bảy Brody đứng trên ngọn cồn cát quan sát bãi tắm trải dài dọc đường Scotch, anh cảm thấy mình nửa như mật vụ, nửa như thằng ngốc. Trên người anh là chiếc sơ mi cộc tay và cái quần bơi – anh mua quần bơi cốt dùng vào việc trực trên bờ biển. Brody thấy bực với hình thể đôi chân mình – đôi chân trắng nhợt, hầu như không có lông. Anh muốn đi ra bãi tắm cùng với Ellen để khỏi có cái vẻ ngô nghê xa lạ, nhưng vợ anh không muốn đi, chị bảo rằng một khi ngày nghỉ anh cũng không ở nhà thì chị lo chuyện nhà cửa thì tốt hơn. Trong cái túi đi tắm, lúc này đang nằm trên cát bên cạnh Brody có chiếc ống nhòm, một điện đài cỡ nhỏ, hai lon bia và bánh mì kẹp nhân bọc giấy bóng. Chiếc “Flicka” từ từ di chuyển về hướng đông cách bờ khoảng một phần tư hoặc nửa dặm. Brody quan sát chiếc canô và nghĩ: “Ít ra thì hôm nay ta cũng biết Hooper đang ở đâu”.

Lực lượng cảnh vệ bờ biển nói đúng: ngày đẹp tuyệt vời – không mây, ấm áp, gió nhẹ thổi từ biển vào. Trên bãi tắm vắng vẻ. Khoảng một chục em nhỏ túm tụm thành những nhóm nhỏ, như thường lệ. Mấy cặp nam nữ đang thiu thiu ngủ, họ nằm bất động như chết, dường như chỉ một cử động nhẹ cũng cản trở cuộc tắm nắng. Một gia đình quây quần bên cái bếp than củi ngay trên cát, mùi thơm của chả băm nướng trên vỉ bay tận đến chỗ Brody đứng.

Chưa ai tắm cả. Hai bà mẹ cùng các ông bố dẫn lũ trẻ xuống nước, cho phép chúng vùng vẫy ven bờ, nhưng mấy phút sau – hoặc là đợi đã phát chán hoặc là sợ cá mập – đã bắt bọn trẻ con lên bờ.

Brody nghe thấy tiếng cỏ sột soạt ở phía sau và quay người lại. Một người đàn ông và một phụ nữ, cả hai đều béo tốt, tuổi đã ngoại tứ tuần, đang vất vả leo lên cồn cát, kéo theo hai cậu bé đang khóc ti tỉ. Người đàn ông mặc quần dài màu cỏ úa, chiếc áo sơ mi mỏng và đôi giày vải. Còn người phụ nữ mặc áo váy ngắn bằng vải hoa, để lộ bộ giò nhẽo. Tay chị ta xách đôi xăng đan. Phía sau họ nổi rõ hình chiếc ôtô hòm, đậu trên đường Scotch.

– Tôi có thể giúp gì ông bà được? – Brody hỏi khi cặp vợ chồng đã leo lên đến đỉnh cồn cát.

– Có phải chính là cái bãi tắm này không? – người đàn bà cất tiếng hỏi.

– Bà cần bãi tắm nào? Bãi tắm thị trấn nằm ở…

– Đúng cái này rồi, – người đàn ông vừa nói vừa lôi tấm bản đồ trong túi ra. Ông ta nói với thứ thổ âm để lộ ra rằng ông là dân Queensborough. – Ta đã ngoặt từ quốc lộ Hai mươi bảy và đi thẳng theo đường này. Đúng cái bãi tắm này rồi.

– Thế thì cá mập đâu? – một trong hai cậu con trai, cái cậu beo béo quãng mười ba tuổi, hỏi. – Bố đã bảo là ta đi xem cá mập cơ mà.

– Im đi, – ông bố kéo giật thằng con. Đoạn ông ta quay sang Brody: – Con cá mập nổi tiếng đâu rồi nhỉ?

– Con cá mập nào?

– Cái con ăn thịt ba nhân mạng ấy. Tôi đã thấy nó trên tivi – trên cả ba kênh. Có con cá mập giết người. Chính ở đây mà.

– Ở đây có con cá mập, – Brody đáp lại. – Nhưng nó không còn ở đây nữa rồi. Nếu chúng ta gặp may thì tức là nó sẽ không quay trở lại nữa.

Người đàn ông trong giây lát nhìn chăm chăm vào Brody, sau đó hầm hè nói:

– Chúng tôi đi cả quãng đường như thế này chỉ cốt để xem cá mập, mà anh lại muốn nói là nó đi rồi? Trên tivi người ta nói hoàn toàn khác.

– Tôi chẳng thể giúp gì cho ông được, – Brody trả lời. – Tôi không rõ ai đã cam đoan với ông là ông sẽ nhìn thấy cá mập. Cá mập đâu có nhoi lên bờ chỉ để mà bắt tay ông, ông hiểu chưa?

– Phỉnh phờ tôi như thế đủ rồi, anh bạn ạ.

Brody đứng thẳng người lên.

– Ông hãy nghe đây, – anh nói và lôi cái ví giắt ở thắt lưng quần bơi ra; anh mở rộng ví để người đàn ông có thể trông thấy tấm thẻ cảnh sát bằng kim loại. – Tôi là cảnh sát trưởng của thị trấn. Tôi không biết ông là ai hoặc ông tự coi mình là ai, nhưng ông không có quyền đến bãi tắm tư của Amity để giở thói du đãng ra. Bây giờ hãy nói xem ông cần gì, không thì xéo khỏi đây ngay.

Sự cao ngạo biến mất ở người đàn ông.

– Xin lỗi ông, – ông ta nói. – Tất cả chỉ tại những đoạn nghẽn đường khỉ gió cộng với lũ trẻ nheo nhéo bên tai. Tôi cứ tưởng được thấy cá mập không nhiều thì ít. Vì nó, chúng tôi mới kéo nhau đến đây đấy.

– Ông đi hai tiếng rưỡi đồng hồ để cốt nhìn thấy cá mập? Để làm gì?

– Thì cũng phải làm việc gì chứ. Những ngày nghỉ lần trước chúng tôi đi thăm rừng quốc gia “Jungle Habitat”. Còn lần nghỉ này thì muốn đến vùng biển Jersey. Nhưng sau đó lại nghe được chuyện cá mập. Bọn trẻ con chúng nó chưa được thấy bao giờ.

– Tôi mong là hôm nay các cháu cũng sẽ không thấy.

– Thật đúng là rủi ro, – người đàn ông thốt lên.

– Thế mà bố cứ nói là sẽ trông thấy cá mập, – một cậu bé lại ti tỉ.

– Nín ngay, Benny! – người đàn ông quay lại về phía Brody. – Chúng tôi ăn lót dạ ở đây có được không?

Brody biết rằng lẽ ra phải cho họ đến bãi tắm thị trấn, nhưng bãi đỗ xe hơi cạnh đấy chỉ để cho người Amity sử dụng. Thành thử đám du khách phải để xe của mình quá xa bờ. Vì thế anh nói:

– Có lẽ được. Nếu có ai phản đối thì ông hãy lái xe đi ngay, nhưng tôi nghĩ hôm nay sẽ chẳng có ai soi mói ông đâu. Cứ ăn cho thích. Chỉ có điều đừng có ném gì ra bờ cát này: kể cả giấy bọc kẹo cao su, kể cả diêm đã đánh rồi, không thì tôi phạt ông đấy.

– Được, – ông chủ gia đình đồng ý. – Em có mang theo cái phích không? – ông ta quay sang hỏi vợ.

– Em để quên trên xe rồi, – chị vợ đáp. – Em không nghĩ là ta nán lại đây.

– Có quỷ mà biết được cái gì. – Người đàn ông mệt mỏi lê bước xuống phía đường cái. Người đàn bà và hai đứa bé lùi sang một bên chừng hai ba chục yát rồi ngồi xuống cát.

Brody nhìn đồng hồ: đã mười hai giờ mười lăm. Anh thọc tay vào túi xách đi tắm lôi ra chiếc điện đài nhỏ. Tay ấn nút, miệng nói:

– Cậu có nghe rõ không, Leonard?

Sau đó anh thả nút ra[34].

Gần như ngay lập tức vang lên giọng nói gay gắt, méo mó của Hendricks.

– Tôi nghe đây, thưa thủ trưởng. Nhận.

Hendricks đã tự nguyện xung phong ra đứng lảng vảng ngoài bãi tắm của thị trấn (“Chẳng mấy phen nữa mà cậu dọn ra ở hẳn ngoài bờ biển”. – Brody đã bảo thế khi Hendricks cố yêu cầu được đi trực. Anh cảnh sát trẻ đã phì cười đáp lại: “Tất nhiên, thưa thủ trưởng. Đã sống ở thị trấn ta đây mà không biết chăm lo đến thân thể mình thì thật là một tội”).

– Đằng cậu có gì không? – Brody hỏi. – Mọi sự ổn cả chứ?

– Chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ có một điều khó hiểu. Không lúc nào ngớt người đến gặp tôi trình vé. Nhận.

– Vé gì?

– Vé vào bãi tắm ấy. Họ nói rằng mua trong thị trấn. Giá thủ trưởng trông thấy những tấm vé ngớ ngẩn ấy nhỉ. Trong tay tôi đang có một cái đây. Trên đó có ghi: “Bãi tắm cá mập. Suất một người. Hai đôla năm mươi”. Tôi nghĩ rằng có một kẻ bịp bợm nào đấy đang hốt tiền kha khá bằng cách bán những vé giả này cho bọn ngố. Nhận.

– Thế họ làm gì khi cậu trả lại vé?

– Thoạt đầu họ nổi khùng lên khi tôi thông báo rằng họ bị người ta bịp và vào bãi tắm không phải mất tiền. Sau đó họ tức lồng lên khi tôi cảnh cáo rằng không có giấy phép đặc biệt thì không được sử dụng bãi đỗ xe. Nhận.

– Cậu đã tìm ra kẻ nào bán vé chưa?

– Nghe nói có một thằng cha nào đấy đón đường những người tới phố Main và nói rằng chỉ có vé mới được ra bãi tắm. Nhận.

– Tôi muốn biết quân chết tiệt buôn bán vé. Leonard này, phải tóm cổ nó lại. Cậu hãy chạy ngay đến buồng điện thoại ở bãi đỗ, gọi về đồn và nói với bất kỳ cậu nào trong đó, bảo rằng tôi ra lệnh đi đến phố Main tóm cổ quân bịp bợm đó lại. Nếu nó là dân vãng lai thì tống đồ súc sinh ấy ra khỏi thị trấn. Nếu hắn là người ở đây thì gông vào tù.

– Quy tội gì ạ? Nhận.

– Cái đó không quan trọng lắm. Hãy nghĩ ra tội gì đó. Tội lừa đảo chẳng hạn. Cốt quét hắn khỏi mặt phố là được rồi.

– Sẽ hoàn thành, thưa thủ trưởng.

– Còn gì nữa không?

– Không ạ. Mấy anh chàng bên truyền hình đến nhưng không làm gì cả, chỉ hỏi han những người đi nghỉ thôi. Nhận.

– Hỏi chuyện gì?

– Những câu hỏi bình thường thôi. Chẳng hạn: ông có sợ tắm không? Ông nghĩ gì về cá mập? Đủ thứ linh tinh. Nhận.

– Mấy anh chàng ấy đến lâu chưa?

– Từ sáng sớm. Tôi không rõ họ còn quanh quẩn ở đây bao lâu nữa. Dù sao thì cũng không có ai tắm cả. Nhận.

– Cứ để bọn họ quanh quẩn, miễn là đừng có phá đám.

– Tất nhiên ạ. Nhận.

– Tốt. Này, cậu không nhất thiết lần nào cũng phải lặp lại từ “Nhận”. Tôi biết lúc nào thì cậu nói hết phần mình.

– Quy củ là vậy, thưa thủ trưởng. Không thể không rõ ràng cho được. Nhận – và xin hết ạ.

Brody đợi một phút, sau đó lại ấn nút và nói:

– Hooper này, Brody đây. Chỗ anh thế nào? – Không thấy câu trả lời. – Brody đây, Hooper ạ. Anh có nghe thấy tôi nói không?

Anh toan gọi nhà ngư học đến lần thứ ba, thì bỗng vang lên giọng nói của Hooper:

– Xin lỗi, tôi vừa ở mạn đuôi tàu. Tôi cảm thấy như có trông thấy cái gì đó.

– Anh trông thấy cái gì?

– Chẳng có gì cả. Tôi chắc là ở đằng ấy không có gì cả. Chỉ là ảo giác mà thôi.

– Thế nhưng anh có cảm thấy cái gì mới được chứ?

– Thú thực là khó mô tả quá. Một bóng đen, chắc là vậy. Chỉ có thế thôi. Ánh lóa của mặt trời có thể làm trò lừa như vậy.

– Anh không nhận thấy gì thêm nữa?

– Chẳng có gì sất cả. Suốt từ sáng đến giờ.

– Ta sẽ hành động vẫn trên tinh thần như cũ. Tôi sẽ liên lạc với anh sau.

– Được. Độ một hai phút nữa tôi sẽ cho tàu lại gần phía bãi tắm của thị trấn.

Brody cất máy bộ đàm vào túi xách và lôi bánh mì kẹp nhân ra. Bánh mì đã lạnh và cứng – nó đã nằm cạnh túi nilông chứa đầy đá mà Brody đã nhét lon bia vào.

Đến hai giờ rưỡi bãi tắm trở nên vắng vẻ. Mọi người đã tắm về – người thì đi chơi tennis, người thì dạo thuyền buồm, người thì đi làm kiểu đầu. Chỉ còn lại sáu người, đám thiếu niên và một gia đình ở Queens.

Brody bị những vệt cháy da vì nắng – những đốm hồng nhạt nổi lên trên đùi và mu bàn chân, anh bèn lấy khăn phủ lên. Anh lấy máy bộ đàm ra và gọi cho Hendricks:

– Công việc thế nào, hả Hendricks?

– Mọi sự vẫn như trước, thưa thủ trưởng. Nhận.

– Có ai tắm không?

– Không. Họ chỉ ngụp xuống một cái rồi lên ngay. Nhận.

– Ở đây cũng y hệt. Có nghe thêm chuyện gì về gã bán vé không?

– Không, cũng chẳng thấy ai giơ vé ra nữa. Tôi nghĩ có lẽ thằng cha ấy khiếp vía rồi. Nhận.

– Còn mấy anh chàng truyền hình thì thế nào?

– Họ đi rồi. Mới mấy phút thôi. Họ hỏi thủ trưởng ở đâu. Nhận.

– Họ cần gì?

– Tôi cũng chẳng rõ. Nhận.

– Cậu có nói với họ?

– Dĩ nhiên rồi. Tại sao lại không nhỉ. Nhận.

– Thôi. Lát nữa tôi sẽ liên lạc với cậu.

Brody quyết định đi một lượt. Anh búng tay vào một vết hồng hồng ở đùi. Nó trắng ngay ra, sau đó chuyển sang màu đỏ sẫm khi anh bỏ tay ra. Anh đứng dậy, quấn khăn tắm quanh thắt lưng cốt che đùi và chân khỏi ánh nắng, rồi tay cầm máy bộ đàm, anh bước xuống nước.

Nghe thấy tiếng động cơ, Brody quay lại và lại leo lên cồn cát. Một chiếc xe hòm trắng phanh lại bên lề đường. Bên thành có hàng chữ đen: “Phát thanh và truyền hình. Tin thời sự”.

Cửa cabin bên phía người lái mở ra, một người đàn ông chui ra và khó nhọc leo cát lên chỗ Brody. Anh chàng truyền hình tiến lại gần và Brody nghĩ rằng mình đã gặp anh thanh niên này ở đâu đó rồi. Anh ta có bộ tóc quăn dài và hàng ria vểnh như ghi đông xe đạp.

– Ông là cảnh sát trưởng? – anh ta hỏi lúc đã tiến lại gần Brody.

– Hoàn toàn đúng.

– Người ta bảo tôi là ông đang ở đây. Tôi là Bob Middleton bên chương trình thời sự, kênh bốn.

– Ông là phóng viên?

– Vâng. Cả đội ở trong xe hòm ấy.

– Hình như tôi đã nhìn thấy ông ở đâu rồi. Tôi có thể giúp gì ông?

– Tôi muốn phỏng vấn.

– Về cái gì?

– Về toàn bộ thiên truyện với cá mập ấy. Muốn biết xem tại sao ông lại quyết định cho mở các bãi tắm.

Brody nghĩ ngợi chút ít. “A, mặc xác anh ta, – anh thoáng có ý nghĩ trong đầu. – Chút ít quảng cáo cũng chẳng hại gì cho thị trấn, nhất là vào lúc này khó có chuyện gì xảy ra được, ít ra là trong ngày hôm nay.”

– Được, – Brody nói. – Thế ta sẽ trò chuyện ở đâu?

– Tại bãi tắm. Tôi sẽ gọi đội ra. Mấy phút nữa chúng tôi sắp đặt máy móc xong, còn hiện giờ ông cứ làm việc mình đi. Tôi sẽ gọi khi nào chúng tôi sẵn sàng.

Middleton thong thả đi về phía chiếc xe hòm. Brody cũng chẳng có việc gì đặc biệt. Anh muốn khởi động thân thể một ít, thế là anh bèn đi về phía mặt nước.

Đi ngang qua nhóm thiếu niên, anh nghe thấy một cậu đang thách:

– Gì nào? Ai có đủ can đảm? Mười đôla, mười đôla nhé.

– Thôi đủ rồi, Limbo, chấm dứt đi, – một cô trong hội lên tiếng.

Brody dừng lại cách đó mười lăm bước, anh làm ra vẻ đang xem xét đáy biển.

– Sao lại thôi? – cậu con trai không chịu lép. – Đáng cuộc quá đi chứ. Nào ai có đủ can đảm? Mới năm phút trước tất cả chúng mày còn quả quyết với tao rằng ở đây không có cá mập.

– Nếu mày can đảm như vậy thì sao không xuống đi? – một cậu khác đế vào.

– Tao đề xuất ra đầu tiên, – cậu tên là Limbo trả lời. – Chúng mày không dám mất mười đôla, nếu tao xuống. Nào, sao đây?

Trong giây lát cả bọn im lặng, sau đó một cậu hỏi lại:

– Mười đôla à? Tiền mặt chứ?

– Thì đây này. – Limbo vung vẩy tờ giấy bạc mười đôla.

– Tao có phải bơi ra xa không?

– Để nghĩ xem nào. Một trăm yát. Khoảng cách cũng khớ đấy. Xong không?

– Làm sao tao biết được là bơi ra được một trăm yát?

– Ước lượng bằng mắt thôi. Mày cứ việc bơi đi, thỉnh thoảng dừng lại. Khi nào bọn tao thấy mày đã cách bờ khoảng chừng một trăm yát thì tao vẫy tay, thế là mày quay vào bờ.

– Thỏa thuận nhé. – Cậu thiếu niên đứng dậy.

– Jimmy, mày điên rồi, – một cô bé nói. – Tại sao mày lại muốn xuống nước? Mày cần gì mười đôla.

– Thế mày nghĩ tao sợ à?

– Chẳng ai bảo là mày sợ cả, – cô bé đáp. – Cái trò ngu ngốc này chẳng để làm gì cả, chỉ có thế thôi.

– Mười đôla cũng được chứ, – cậu kia lên tiếng, – nhất là dạo này ông già không cho tao tiền tiêu vặt nữa về cái tội tao ghiền marijuana ở đám cưới bà dì.

Cậu ta quay người lại và chạy xuống nước.

Brody gọi to cậu ta:

– Ê!

Cậu thiếu niên dừng lại.

– Dạ?

Brody tiến lại cậu thiếu niên.

– Cháu định làm gì thế?

– Cháu xuống tắm. Có việc gì đến chú?

Brody rút ví ra và chìa cho cậu bé xem thẻ cảnh sát của mình.

– Cháu định tắm thỏa thích à? – Anh thấy cậu bé nhìn ngang qua anh về phía đám bạn bè cậu ta.

– Tất nhiên. Sao lại không nhỉ? Không cấm mà, có phải không ạ?

Brody gật đầu. Anh không muốn đám trẻ nghe tiếng, nên hạ thấp giọng:

– Cháu muốn chú cấm cháu xuống nước?

Cậu thiếu niên nhìn anh do dự, sau đó lắc đầu:

– Không, không cần. Mười đôla còn được việc cho cháu.

– Đừng có bơi xa đấy, – Brody dặn.

– Được rồi.

Cậu ta chạy xuống nước. Lao mình vào làn sóng đang xô tới và bơi. Brody nghe có tiếng bước chân gấp gáp phía sau. Bob Middleton rảo bước ngang qua chỗ anh.

– Ê! Quay lại. – Anh ta gọi cậu bé. Sau đó vẫy tay và lại gọi. Cậu thiếu niên ngừng bơi, và đứng xuống đáy.

– Chú cần gì thế?

– Chú muốn làm mấy cảnh lúc cháu đang xuống nước. Không phản đối chứ?

– Chú cứ việc, – cậu bé đáp, đoạn lội vào bờ.

Middleton quay sang phía Brody.

– Tôi mừng là đã tóm được cậu ta trước khi cậu ta kịp bơi ra quá xa, – phóng viên Middleton nói. – Ít ra thì hôm nay chúng tôi cũng chụp được một người đang tắm…

Hai nhân viên truyền hình nữa đi về phía Brody. Một người mang camêra loại mười sáu ly và chân máy tới. Trên người anh ta là đôi giày lính, quần lao động, sơ mi màu cỏ úa và áo gilê da. Người thứ hai thấp hơn, nhưng già hơn và béo hơn. Anh ta mặc áo vét màu xám nhàu nát và lôi theo cái thùng hình chữ nhật với cơ man nào là thang chia và các nút bấm. Trên cổ anh ta lủng lẳng tai nghe.

– Từ đây là đẹp lắm, Walter ạ, – Middleton nói. – Lúc nào cậu chuẩn bị xong thì cho tớ biết nhé. Anh ta lấy từ túi ra cuốn sổ ghi chép và bắt đầu ra các câu hỏi cho cậu thiếu niên.

Anh nhân viên truyền hình già hơn lại gần Middleton và đưa cho anh ta chiếc micrô. Sau đó lại lui về phía anh quay phim và tháo cuộn dây ra khỏi lõi đang giữ trong tay.

– Có thể bắt đầu được rồi, – người quay phim hô to.

– Tôi phải xoay về phía cậu thiếu niên đã, – anh chàng có đeo tai nghe buông lời.

– Hãy nói cái gì đấy đi, – Middleton, tay cầm micrô cách miệng cậu thiếu niên chừng vài insơ, đề nghị.

– Phải nói gì cơ ạ?

– Tuyệt lắm, – người đàn ông đeo tai nghe lên tiếng.

– Bắt đầu đi, – Middleton nói. – Đầu tiên là cận cảnh, Walter ạ, sau đó một pha trung cảnh, rõ chưa? Khi nào xong bảo tôi.

Anh quay phim nhìn vào kính ngắm, rồi giơ tay lên ra hiệu cho Middleton.

– Tôi quay đây, – anh ta báo.

Middleton chú mục vào con mắt tôi tối của camêra và bắt đầu nói:

– Chúng tôi đang ở Amity, trên bãi tắm, ngay từ sáng, và theo như chúng tôi được biết, chưa có ai dám xuống nước cả. Cá mập chưa thấy đâu, nhưng mối nguy hiểm vẫn còn tồn tại. Cạnh tôi là Jim Prescott, chàng trai này vừa mới quyết định xuống bơi một chút. Nào Jim, hãy nói xem, em có sợ là ở đây, ngay cạnh mình, có cá mập tung tăng không?

– Không, – cậu Jim đáp. – Em không nghĩ là nó còn ẩn ở dưới nước.

– Vậy là em không sợ?

– Không ạ.

– Em bơi tốt không?

– Em bơi cừ lắm.

Middleton chìa tay ra với cậu thiếu niên.

– Nào, thế thì chúc em may mắn, Jim ạ. Cám ơn em đã trả lời phỏng vấn.

Cậu thiếu niên bắt tay Middleton.

– Nào, – cậu ta hỏi, – giờ thì làm gì nữa?

– Stốp! – Middleton nói. – Bắt đầu lại từ đầu, Walter nhé. Gượm một giây đã. – Anh ta quay về phía cậu thiếu niên. – Jim này, cháu đừng có đặt thêm câu hỏi nữa đấy nhé, nhớ chưa? Sau khi chú nói câu “cám ơn” thì cháu cứ việc quay người đi xuống nước.

– Được rồi, – cậu Jim đáp. Cậu ta run run xoa tay.

– Bob ơi, – người quay phim nói. – Cậu ta phải hong khô người đi đã. Người cậu ta không thể ướt ngay từ đầu được. Vì đối với các khán giả truyền hình thì cậu ta còn chưa xuống tắm cơ mà.

– Ừ, cậu nói phải, – Middleton đồng ý. – Cháu có khăn lau không hả Jim?

– Có chứ. – Jim chạy đến chỗ đám bạn, lau người.

– Có chuyện gì thế? – bên cạnh Brody vang lên tiếng nói của ai đó. Đấy là người đàn ông ở Queens tới.

– Truyền hình đấy, – Brody đáp. – Họ đến đây quay cảnh những người tắm.

– Thế à? Phải vớ cái quần bơi mới được.

Cuộc phỏng vấn được lặp lại và sau khi Middleton cảm ơn cậu thiếu niên thì cậu ta chạy xuống nước bơi.

Middleton quay về phía nhân viên quay phim và nói:

– Cứ tiếp tục quay, Walter. Irv, cậu có thể cắt phần âm thanh đi. Có lẽ ta sử dụng cuộn này làm cuộn dự phòng.

– Phải quay bao nhiêu? – người quay phim vừa hỏi vừa lái camêra theo cậu thiếu niên đang bơi.

– Quãng một trăm bộ, – Middleton đáp. – Ta sẽ đứng đây cho tới khi nào cậu ta lên. Cứ chuẩn bị cho mọi trường hợp.

Brody đã quen với tiếng động cơ xa xôi, chỉ hơi nghe thấy của chiếc “Flicka” đến mức anh hầu như không nhận thấy nó nữa. Nó cũng trở nên quen thuộc như tiếng sóng. Bỗng tiếng động cơ ì ầm chuyển sang tiếng gào điên cuồng. Brody nhìn đại dương: chiếc canô trước đó còn thong thả và đều nhịp chuyển động trên sóng giờ đang quay nhanh và gấp. Brody đưa micrô lên miệng.

– Anh có phát hiện thấy gì không, Hooper? – Brody hỏi. Con tàu đi chậm lại rồi đứng hẳn.

Middleton nghe thấy câu hỏi của Brody.

– Cho âm lên đi, Irv, – anh ta nói. – Quay đi, Walter. – Đoạn tiến lại phía Brody.- Có chuyện gì thế, ông cảnh sát trưởng?

– Tôi cũng không rõ, – Brody đáp. – Chính tôi cũng muốn hỏi xem là có chuyện gì. – Brody lại gọi: – Hooper?

– Tôi đây, – giọng Hooper đáp lại, – tôi vẫn không tài nào hiểu đó là cái gì. Lại có bóng đen. Giờ tôi không nhìn thấy nó nữa rồi. Có lẽ tại mắt tôi đã mỏi.

– Cậu có kịp ghi lại câu gì không, hở Irv? – Middleton hỏi.

Người phụ trách âm thanh lắc đầu.

– Không.

– Một cậu thiếu niên đang tắm biển, – Brody tiếp tục.

– Ở đâu? – Hooper hỏi.

Middleton dúi micrô vào ngay trước mặt Brody. Brody gạt tay Middleton đi, nhưng anh chàng này lại đưa micrô lên thẳng ngay trước miệng viên cảnh sát trưởng.

– Cách bờ quãng ba chục, hoặc bốn chục yát. Có lẽ tôi nên gọi cho cậu ta quay vào thì hơn. – Brody bỏ máy bộ đàm vào chiếc khăn đang quấn quanh mình, đưa tay lên miệng làm loa và gọi to:

– Này, cái cậu trên mặt nước ơi! Vào đi!

– Ối giời! – nhân viên phụ trách âm thanh lên tiếng. – Tôi đến nước thủng màng nhĩ mất thôi.

Cậu bé không nghe thấy tiếng gọi. Cậu ta tiếp tục ra xa bờ.

Còn cậu chàng đã đầu têu cuộc mười đôla, vội vã chạy xuống nước khi nghe thấy tiếng kêu của Brody. Cậu ta hỏi:

– Có chuyện gì thế chú?

– Không có gì cả, – Brody đáp. – Tôi cho rằng cậu ấy nên quay vào bờ, có thế thôi.

– Thế chú là ai mới được chứ?

Middleton đứng giữa Brody và cậu thiếu niên, tay cầm micrô hết đưa sang phía người này rồi lại chuyển sang người kia.

– Tôi đứng đầu lực lượng cảnh sát, – Brody trả lời. – Thôi, xéo ra! – Brody quay sang Middleton. – Đừng có dúi cái micrô thổ tả ấy lên mũi tôi nữa, hiểu chưa?

– Đừng lo, Irv, – Middleton réo to. – Ta sẽ cắt đoạn này khi dựng phim.

– Anh Hooper, cậu bé kia không nghe thấy tiếng tôi, – Brody lại nói vào điện đài. – Anh hãy lại chỗ cậu ta và bảo cậu ta bơi vào bờ nhé.

– Được, – Hooper trả lời. – Một phút nữa tôi sẽ lại đó.

Con cá mập lúc này hạ mình xuống sâu hơn và chuyển động vô mục đích trên đáy cát từ phía dưới chiếc “Flicka” tám chục bộ. Đã mấy giờ liền nó bắt được một âm thanh lạ từ trên vọng xuống. Đã hai lần con cá mập nổi lên cách mặt nước độ một hai yát, – nó cố xác định xem cái sinh vật đang chuyển động ồn ào trên đầu là cái gì. Đã hai lần con cá mập lại hạ mình xuống đáy, không dám tấn công cũng chẳng muốn rẽ sang bên.

Brody trông thấy chiếc canô từ nãy đến giờ vẫn chạy theo hướng tây, đã quay gấp vào bờ, làm tung lên những bọt nước.

– Quay con tàu đi, Walter, – Middleton ra lệnh.

Con cá mập ở dưới sâu cảm thấy tiếng ồn đã thay đổi. Thoạt đầu to hơn, rồi sau cứ yếu dần đi theo mức độ rời xa của chiếc canô. Con cá mập nghiêng người như chiếc máy bay, ngoặt lại và bơi theo tiếng động xa dần.

Cậu thiếu niên ngừng bơi, quay đầu trên mặt nước nhìn vào bờ. Brody khua tay và kêu to:

– Lên đi!

Cậu thiếu niên vẫy tay đáp lại và bơi trở vào.

Cậu bơi tự do, mỗi khi hít vào lại quay đầu sang bên trái, nhịp nhàng cử động tay chân. Theo ước lượng của Brody, cậu ta ở cách bờ khoảng sáu mươi yát, chỉ chốc lát nữa cậu ta sẽ vào tới nơi.

– Cái gì thế, – một giọng đàn ông ngay cạnh Brody vang lên. Đó là ông khách du lịch từ Queens tới. Cả hai cậu con trai ông ta ở đằng sau hồi hộp mỉm cười.

– Không có gì cả, – Brody trả lời. – Tôi muốn cậu kia không bơi ra quá xa, có thế thôi.

– Cá mập à? – ông bố hỏi các cậu con trai.

– Thì rõ quá rồi, – một cậu con trai tán thành.

– Không có gì quan trọng, – Brody trả lời. – Thôi nào, các người đi khỏi đây cho.

– Làm gì căng thế, ông sếp, – người đàn ông nói. – Chúng tôi đã phải đi mất bao nhiêu đường đất để tới đây.

– Cút đi! – Brody gầm lên.

Chiếc canô của Hooper chạy với tốc độ mười lăm hải lý một giờ, sau ba mươi giây nó đã đi được hai trăm yát và đã tới gần cậu thiếu niên, Hooper phanh tàu lại cạnh cậu bé đang bơi, động cơ tiếp tục chạy không tải. Chiếc canô như lặng đi sau làn sóng cồn. Hooper không dám tiến vào gần bờ hơn.

Cậu thiếu niên đã nghe thấy tiếng động cơ và ngước đầu lên.

– Có chuyện gì thế? – cậu ta hỏi.

– Không có gì cả, – Hooper nói. – Cứ bơi đi.

Cậu ta cúi đầu xuống bơi. Sóng dồn vào cậu ta và đẩy về phía trước. Sau khi làm hai ba sải mạnh, chân cậu ta đã chạm đáy. Nước ngập đến vai, và cậu ta vất vả đi vào bờ.

– Lên đi! – Brody kêu to.

– Lên đây, – cậu thiếu niên đáp. – Chú cần gì?

Đứng sau Brody vài yát là Middleton với cái micrô.

– Cậu đang dừng máy ở đâu đấy, Walter? – anh ta hỏi.

– Ở thằng bé ấy, – người quay phim nói. – Và ông cảnh sát. Cả hai. Trung cảnh.

– Tốt. Cậu đã sẵn sàng chưa, Irv?

Người phụ trách âm thanh gật đầu.

Middleton nói vào micrô:

– Thưa quý vị, trên bãi tắm đang có chuyện xảy ra, tuy chúng tôi chưa rõ là chuyện gì. Chúng tôi chỉ biết chắc một điều: Jim Prescott đã bơi, sau đó một người nào đó trên canô bỗng phát hiện ra cái gì đó trong nước. Hiện giờ cảnh sát trưởng Brody đuổi mau Jim lên bờ. Không loại trừ khả năng là cá mập đã xuất hiện, nhưng chúng tôi chẳng biết mô tê gì cả.

Hooper cho chạy lùi để thoát cơn sóng cồn. Anh nhìn ra phía đuôi tàu và trông thấy một dải màu bạc trượt trong nước màu xanh lơ pha xám. Nó hòa vào sóng nhưng tự chuyển động. Mất một giây Hooper không thể hiểu đó là cái gì. Sau đó anh đoán ra, tuy chưa nhìn thấy rõ ràng cá mập. Anh thốt lên:

– Cẩn thận!

– Cái gì phía ấy? – Brody lo lắng hỏi to.

– Cá mập! Lôi cậu bé lên! Mau lên!

Cậu thiếu niên đã nghe thấy tiếng Hooper và cố chạy cho nhanh. Nhưng nước lên đến ngực, nên cậu ta di chuyển chậm và khá khó khăn.

Sóng đánh vào sườn cậu bé. Cậu loạng choạng, rồi thẳng người lại và rướn về phía trước.

Brody nhảy xuống nước và cố nhoài người đến Jim, nhưng sóng đập vào chân anh và xô anh về phía sau.

– Người trên canô vừa mới kêu gì đó về cá mập, – Middleton nói vào micrô.

– Đấy là cá mập à? – ông du khách từ Queens đang dừng lại cạnh Middleton, hỏi. -Tôi không trông thấy nó.

– Ông là ai? – Middleton hỏi ông ta.

– Lester Kraslow. Ông muốn phỏng vấn tôi phỏng?

– Mời ông bước khỏi đây.

Cậu thiếu niên giờ đã đi nhanh hơn, ngực cắt làn sóng, hai tay trợ lực.

Cậu không nhìn thấy đằng sau mình từ dưới nước đã hiện lên cái vây – một tấm bản nhọn đầu màu nâu nâu, xám xám.

– Nó đấy! – Kraslow kêu. – Thấy chưa, hả Benny? Davey? Kia kìa, nó kia kìa!

– Con chẳng nhìn thấy gì cả, – một cậu bé lại i ỉ khóc.

– Nó đấy, Walter! – Middleton nói. – Có thấy không?

– Tôi đang quay, người phụ trách camêra nói. – Có, sẵn sàng.

– Mau lên! – Brody kêu. Anh chìa tay cho cậu thiếu niên. Mắt cậu ta mở to vì sợ. Hai lỗ mũi phồng lên, từ đó tuôn ra nước mũi và nước biển. Brody tóm lấy tay cậu ta lôi về phía mình. Người cảnh sát ôm lấy hai vai cậu ta, rồi cả hai lảo đảo bước lên bờ.

Cái vây đã lẩn xuống dưới nước, và trườn theo sườn đáy đại dương, con cá bơi xuống dưới sâu.

Brody đứng trên cát, đỡ cậu thiếu niên. Anh hỏi:

– Thế nào, không việc gì chứ?

– Cháu muốn về nhà. – Jim run lên cầm cập.

– Còn phải nói. – Brody đưa cậu ta đến đám bạn bè, nhưng Middleton đã tóm lấy họ.

– Ông có thể nhắc lại cho tôi được không? – anh ta hỏi.

– Nhắc lại cái gì?

– Nhắc lại cái điều ông đã nói cho cậu này ấy. Có thể nhắc lại tất cả từ đầu được không?

– Cút đi! – Brody gào lên. Anh đưa Jim lại chỗ bạn bè và quay về phía cậu bé đã cuộc tiền: – Đưa nó về nhà. Giả nó cả mười đôla. – Cậu chàng gật đầu, mặt tái xanh vì hốt hoảng.

Brody nhìn thấy chiếc điện đài của mình đang nổi trên đám bọt sóng cạnh bờ. Anh lôi nó lên, lau khô, ấn nút “Gọi” và nói:

– Leonard, cậu có nghe rõ tôi nói không?

– Có nghe thấy, thưa thủ trưởng. Nhận.

– Ở đây đã xuất hiện cá mập. Hãy đuổi hết mọi người lên bờ ngay. Còn cậu thì hãy ở lại vị trí cho đến khi có người thay. Không ai được lại gần mép bờ biển cả. Bãi tắm chính thức đóng cửa.

– Rõ, thưa thủ trưởng. Có ai bị nạn không? Nhận.

– Nhờ trời, chưa có ai cả. Nhưng suýt nữa thì bị.

– Được lắm, thưa thủ trưởng. Nhận và xin hết.

Khi Brody đi đến chỗ đã để túi đi tắm thì Middleton gọi với anh lại:

– Ông sếp này, có thể phỏng vấn ông được không?

Brody đứng lại, trong lòng trỗi dậy ước muốn tống khứ anh chàng quỷ tha ma bắt này đi cho rảnh. Thế nhưng anh lại đáp:

– Ông muốn hỏi gì? Tất cả các ông đều nhìn rõ. Chẳng kém gì tôi.

– Chỉ vài câu hỏi thôi!

Brody thở dài, tiến lại Middleton và nhóm thu hình của anh ta.

– Được, – anh nói. – Tôi sẵn sàng.

– Cậu còn bao nhiêu phim nữa, hả Walter? – Middleton hỏi.

– Khoảng năm chục bộ. Ngăn ngắn thôi nhé.

– Được. Nào.

– Tôi quay đây.

– Vậy là, thưa sếp Brody, – Middleton nói, – ông đã gặp may, ông nghĩ thế nào?

– Tất nhiên là may. Cậu thiếu niên ấy có thể bị chết lắm chứ.

– Vẫn chính là con cá mập giết người ấy phải không?

– Tôi không rõ, – Brody đáp. – Tôi nghĩ rằng vẫn chính là con ấy.

– Thế bây giờ ông định làm gì?

– Các bãi tắm đã đóng cửa. Không thể làm gì hơn được nữa lúc này.

– Có lẽ ông sẽ buộc phải tuyên bố rằng tắm ở đây là nguy hiểm.

– Vâng, hoàn toàn đúng.

– Đối với Amity điều ấy có nghĩa gì?

– Là những gian nan, ông Middleton ạ. Những khó khăn to lớn.

– Qua biến cố vừa rồi, thưa ông cảnh sát trưởng, ông đánh giá như thế nào quyết định mở cửa các bãi tắm vào ngày hôm nay của mình?

– Tôi đánh giá thế nào ấy à? Sao lại có câu hỏi ngu ngốc thế? Tôi bực tức, phiền muộn, không biết giấu cặp mắt đi đâu. Mừng là không có ai bị nạn cả. Thế đã đủ chưa?

– Tuyệt lắm, thưa ông cảnh sát trưởng, – Middleton mỉm cười. – Xin cảm tạ sếp Brody. – Middleton im lặng sau đó nói thêm: – Được rồi, Walter, thế là đủ. Ta về nhà thôi, rồi sẽ lắp nên một bài phóng sự.

– Còn phần cuối cho gì vào đây? – người quay phim hỏi. – Tôi còn chỗ phim dài khoảng hai mươi lăm bộ nữa.

– Được – Middleton trả lời. – Gượm đã, tôi sẽ cố nghĩ ra cái gì đó có tính tư duy sâu sắc.

Brody vơ khăn tắm, túi xách rồi bước tới chiếc ô tô đỗ. Anh lách ra đường cái và nhìn thấy bố con ông khách du lịch từ Queens đang đứng cạnh chiếc xe hòm.

– Đấy chính là con cá mập ấy phải không? – ông chủ gia đình hỏi.

– Ai mà biết được? – Brody đáp. – Mà có gì khác nhau cơ chứ?

– Theo tôi nghĩ thì chẳng có gì đặc biệt cả, có mỗi cái vây. Lũ trẻ nhà tôi còn đâm ra bị chưng hửng.

– Cái đồ ngu muội nhà ông hãy nghe đây này. Cậu thiếu niên suýt nữa mất mạng. Ông còn lấy làm tiếc là đã không trông thấy cá mập ăn thịt cậu ta phỏng?

– Ông tưởng phỉnh được tôi đấy hẳn – người đàn ông cắm cảu đáp lại. – Con cá mập ấy có lại gần cậu thiếu niên tí nào đâu. Tôi cuộc với ông là mọi sự đã được sắp xếp cho đám truyền hình rồi.

– A, gớm, mời ông cuốn gói khỏi đây với cái kết luận của ông. Xéo ngay lập tức!

Brody đợi cho gia đình từ Queens tới sắp xếp lên hết xe hòm. Đi khỏi chiếc xe, anh còn nghe thấy ông Kraslow bảo với vợ: “Tôi đã nghĩ ngay cả lũ ở đây đều ăn hại cả. Thế mà đúng. Cả đám cảnh sát cũng vậy”.

*

Vào lúc sáu giờ chiều Brody đang ngồi trong phòng làm việc với Hooper và Meadows. Anh đã gọi điện cho Larry Vaughan – lão này say khướt, nước mắt ngắn nước mắt dài và lẩm bẩm về cuộc đời bị dồn vào thế cùng của mình. Chuông điện thoại trên bàn Brody reo lên và anh nhấc máy.

– Có thằng cha nào đó tự nhận là Bill Whitman muốn gặp thủ trưởng, – Bixby nói.- Hắn nói là ở báo “New York Times”.

– Ôi, lạy… Thôi được, kệ thây hắn. Cho vào đi.

Cửa mở toang và Whitman hiện ra. Anh ta hỏi:

– Tôi không làm phiền chứ?

– Không sao cả, – Brody đáp – Vào đi. Anh còn nhớ Harry Meadows không? Còn đây là Matt Hooper ở Woods Hole tới.

– Harry Meadows à? Sao lại không nhớ, – Whitman lên tiếng. – Vì ông ta mà ông chủ cứ cằn nhằn, cạo tôi suốt trên đường đi từ đầu đến cuối phố Bốn mươi ba.

– Vì cớ gì vậy? – Brody quan tâm hỏi.

– Ông Meadows vô tình quên không kể cho tôi biết cái chết của Christine Watkins. Thế nhưng ông ta lại không quên thông báo cho độc giả của ông ta biết chuyện.

– Chẳng qua tự nhiên trong đầu bẵng đi thôi, – Meadows nói.

– Tôi có thể giúp gì được nào? – Brody hỏi.

– Tôi muốn biết, – Whitman nói, – các ông có tin rằng bấy nhiêu người đều là nạn nhân của cùng một con cá mập không?

Brody nhìn sang Hooper có ý hỏi.

– Kể ra cũng khó nói, – nhà ngư học trả lời. – Tôi không trông thấy con cá mập đã giết ba người, và cũng không nhìn được kỹ con cá nổi lên hôm nay. Tôi chỉ nhận thấy sắc màu xám bạc. Không thể so sánh nó với cái gì được. Tôi chỉ đoán rằng đó vẫn chính là con cá mập cũ. Thật khó lòng mà tin được, ít nhất là trong lòng tôi, rằng ở bờ nam đảo Long Island này lại đồng thời có hai con cá mập giết người lảng vảng.

– Thế ông định làm gì đây, ông sếp cảnh sát? – người phóng viên hỏi Brody. – Tôi không nói chuyện các bãi tắm mà chắc chắn là đã đóng cửa rồi.

– Tôi không biết. Chúng tôi có thể thi hành phương kế gì bây giờ? Trời ạ, chẳng thà có cơn bão hay động đất cũng được. Ít ra thì những thứ ấy cũng mau chóng chấm dứt. Có thể kiểm điểm, đánh giá thiệt hại, rồi thì bắt tay vào việc. Đằng này chẳng biết đằng nào mà lần. Cứ như thể có một thằng điên đang sống ngoài vòng pháp luật và giết người lúc nào tùy hứng. Biết rằng có nó, nhưng không thể bắt, không thể ngăn chặn nó được. Lại còn tệ hơn nữa là không ai rõ người nào sẽ là nạn nhân mới.

– Hãy nhớ lời Minnie Eldridge, – Meadows nhắc.

– Ừ, – Brody nói. – Tôi đâm ra nghĩ rằng trong lời phán của bà ta cũng có phần đúng.

– Ai thế? – Whitman hỏi.

– Chẳng ai cả. Một thứ hâm dở ấy mà.

Im lặng kéo dài chừng một phút. Một sự im lặng nặng nề, chết chóc, dường như tất cả những gì có thể nói ra đã được nói cả rồi.

– Thế rồi sao? – Whitman lại bắt đầu.

– Cái gì thế rồi sao? – Brody hỏi.

– Phải tìm ra lối thoát. Có thể làm được cái gì đó.

– Cứ đề xuất đi, tôi sẽ rất mừng. Nhưng theo tôi thì chúng ta đã sa lầy to. Nếu thị trấn sau mùa hè này không ngắc ngoải là may lắm rồi.

– Ông không nhìn sự việc với nhiều màu đen quá đấy chứ?

– Tôi không nghĩ thế. Theo anh thì thế nào hả Harry?

– Có lẽ không, – Meadows nói. – Thị trấn này sống là nhờ vào dân đi nghỉ, ông Whitman ạ. Ông có thế gọi là ăn bám nếu ông muốn, nhưng đích thực là như vậy. Đám bò sữa mùa hè nào cũng đến đây cho chúng tôi vắt, Amity sống nhờ vào đấy, bằng cách gom góp từng giọt sữa một. Rồi những người đi nghỉ đi khỏi đây sau ngày Lao động. Xua đám bò này đi thì chúng tôi ở vào vị trí con chó chạy sổng. Chúng tôi sẽ chết đói. Trong mọi điều kiện thì mùa đông tới vẫn sẽ là mùa đông nặng nề nhất trong lịch sử Amity. Chúng tôi sẽ có khá nhiều người thất nghiệp, thị trấn sẽ na ná như Harlem. – Ông ta cười khẩy. – Một Harlem bên bờ đại dương.

– Tôi sẵn sàng hiến đi nhiều thứ, – Brody nói, – để cốt biết là tại sao điều này lại xảy ra với chính chúng ta. Tại sao lại là Amity? Tại sao lại không phải East Hampton hay Southampton?

– Điều ấy thì không bao giờ chúng ta có thể biết được, – Hooper nhận định.

– Tại sao? – Whitman hỏi.

– Tôi không muốn để các ông nghĩ rằng tôi biện hộ, bởi vì đã không biết đoán trước một cách chính xác cách xử sự của cá mập, – Hooper nói. – Nhưng ranh giới giữa cái tự nhiên và cái siêu tự nhiên rất mong manh. Cái hiện tượng tự nhiên thì thông thường có cơ sở lô gích. Tuy nhiên nhiều cái chưa thể lý giải một cách hoàn toàn khoa học được. Chẳng hạn hai cậu bé bơi cách nhau, cá mập xuất hiện phía sau, nó bỏ qua cậu sợ tụt lại mà lao bổ vào cậu đang vượt lên trước. Tại sao? Có thể các cậu ấy tỏa mùi khác nhau. Có thể cậu bơi đầu đập tay xuống nước ầm quá. Giả sử cậu thứ hai, cái cậu không bị cá mập tấn công ấy, lao đến cứu người bạn. Con cá có thể không động đến cậu ta, có khi còn bơi né sang một bên tuy vẫn không ngừng xé xác nạn nhân. Người ta coi là cá mập trắng ưa nước lạnh hơn. Nếu vậy thì tại sao một con cá mập hung hãn bị nghẹn thây người, người ta lại phát hiện thấy ở vùng biển Mêhicô? Theo một ý nghĩa nào đó thì cá mập tương tự như cơn gió xoáy đổ ập xuống một nơi nhất định. Nó cuốn đi một ngôi nhà, nhưng lại đột ngột đổi hướng và không động đến ngôi nhà bên cạnh. Chủ căn nhà bị phá ngạc nhiên: “Tại sao nó lại nhè đúng nhà tôi?” Người chủ may mắn thì lại cám ơn số phận: “Nhờ trời”.

– Được, – Whitman nói. – Nhưng dù sao tôi cũng vẫn không hiểu là tại sao lại không thể bắt được con cá mập này.

– Chắc là có thể, – Hooper đáp, – nhưng vị tất đã thành công. Ít ra là trong điều kiện trang bị của ta hiện nay. Chúng ta có thể lại thử nhử nó.

– Ra thế đấy, – Brody nói. – Ben Gardner có thể kể cho chúng ta mọi điều về mồi nhử.

– Ông đã nghe chuyện gì về Quint chưa? – Whitman hỏi.

– Có nghe, – Brody đáp. – Thế còn anh, Harry?

– Tôi có đọc đến, đâu như xuất hiện trên báo. Theo chỗ tôi biết thì ông ta không làm gì phạm pháp cả.

– Được, – Brody nói, – hay là cứ gọi điện cho ông ta biết?

– Anh cứ đùa, – Hooper nhận xét. – Quả thực anh muốn đi lại với con người ấy?

– Tôi xin nói cho anh biết: bây giờ tôi sẵn sàng giao dịch với cả quỷ sứ, cốt sao nó buộc con cá mập phải đi khỏi đây.

– Ừ, nhưng…

– Nghe này, anh Harry, – Brody ngắt lời Hooper. – Này, theo anh thì ông ta có tên trong danh bạ điện thoại không?

– Ông nói nghiêm túc đấy chứ? – Hooper hỏi.

– Hay là anh sẽ đề xuất ra cái gì đó hay hơn?

– Không, chẳng qua… Tôi tin chắc ông ta không phải là kẻ lừa đảo, kẻ nghiện rượu, không phải là một tay bịp thông thường.

– Chúng ta chưa thể nào phán xét về Quint được chừng nào chưa quen ông ta.

Brody rút từ ngăn kéo trên của chiếc bàn ra cuốn danh bạ điện thoại và mở ra vần chữ Q. Anh đưa tay từ trên xuống dưới, lướt đến cuối trang.

– Thấy rồi. Quint. Chỉ có họ thôi. Ở đây không có tên. Nhưng cũng chẳng có vẻ gì là có những Quint khác cả. Chắc đấy là ông ta.

Brody quay số dây nói.

– Quint, – giọng trong máy đáp.

– Ông Quint ơi, Martin Brody đang nói đây. Tôi là cảnh sát trưởng Amity. Chúng tôi có chuyện chẳng lành.

– Tôi đã có nghe.

– Hôm nay cá mập lại xuất hiện.

– Nó lại đớp ai đó?

– Chưa, suýt nữa thì nó chộp được một người.

– Con cá to tướng như thế thì lúc nào chả đói, – Quint nêu lên nhận xét.

– Ông đã nhìn thấy nó chưa?

– Chưa. Đã mấy lần tôi thử lùng kiếm, nhưng rồi lại quá ít thì giờ. Khách hàng của tôi không quẳng tiền suông đâu. Họ đòi có thêm giải trí nhiều hơn nữa.

– Sao ông biết là cá mập này rất to?

– Qua những lời kể. Tôi phỏng chừng ra kích thước trung bình của nó, rồi sau bỏ đi tám bộ.

– Tôi hiểu rồi. Ông có thể giúp chúng tôi được chứ?

– Tôi biết mà. Tôi đã đợi chuông điện thoại của ông.

– Vậy thì thế nào?

– Còn phải nghĩ đã.

– Ông cứ nghĩ đi.

– Tôi sẽ được bao nhiêu?

– Thường thường một ngày ông kiếm được bao nhiêu? Chúng tôi sẽ trả công hàng ngày cho đến khi nào ông giết được con cá hung dữ ấy.

– Không xong rồi, – Quint nói. – Một công việc như thế phải có thù lao đặc biệt.

– Nghĩa là thế nào?

– Lệ thường là tôi thu được hai trăm đôla một ngày. Nhưng đây lại là trường hợp hiếm thấy. Tôi đồng ý dồn sức vào con cá mập chỉ với điều kiện tiền công gấp đôi.

– Ấy, không được.

– Tạm biệt nhé.

– Đợi tí đã! Ông nghe đây này. Thế có họa là ăn cướp.

– Các ông không có lối thoát nào khác.

– Sẽ còn tìm được những dân chài khác.

Brody nghe rõ Quint phá lên cười nhạo báng, một giọng cười cộc lốc, như chó sủa.

– Tất nhiên là sẽ tìm ra, – Quint nói. – Một kẻ đã trổ tài. Hãy cử ra kẻ khác. Hãy cử ra lấy nửa tá nữa. Sau đó, khi nào ông lại sực nhớ đến tôi, có lẽ tôi sẽ đòi tiền công gấp ba đấy. Thời gian ủng hộ tôi.

– Đây không phải chỉ là chuyện tiền nong đơn thuần, – Brody nói. – Tôi biết là ông cần kiếm sống. Nhưng cá mập đang sát hại con người. Phải chấm dứt cảnh này, cứu lấy những sinh mạng. Ông có thể giúp chúng tôi được. Ông hãy lấy tiền công như bình thường thôi nhé?

– Ông đã làm tôi xúc động, – Quint đáp. – Ông cần giết cá mập, vậy thì tôi sẽ cố giết nó cho ông. Tôi không cam đoan trước điều gì, nhưng sẽ hết sức mình. Mà cái “hết sức mình” ấy trị giá bốn trăm đôla một ngày.

Brody thở dài ngao ngán:

– Tôi không chắc là tòa thị chính chịu chi bấy nhiêu tiền.

– Ông hãy kiếm ở đâu đó vậy.

– Khi nào ông bắt được cá mập?

– Sau một ngày, sau một tuần, mà cũng có thể sau một tháng. Ai biết được? Cũng có thể là không bao giờ. Nhỡ đâu nó bỏ đi rồi thì sao?

– Cầu trời được như thế, – Brody lên tiếng rồi im lặng trong chốc lát. – Thôi được, – cuối cùng anh nói. – Chúng ta không có lối thoát nào khác.

– Cái đó thì hẳn rồi.

– Ngày mai ông đã có thể ra khơi được chưa?

– Chưa. Không trước thứ hai được. Ngày mai tôi có khách.

– Khách với khứa. Sao, ông đặt tiệc mời khách phỏng?

Quint lại phá lên cười, vẫn bằng giọng cười đứt quãng như chó sủa.

– Khách khứa là những người thuê tàu, – ông ta đáp. – Rõ là ông không hay tìm hiểu nghề đánh cá cho lắm.

Brody đỏ mặt.

– Cái gì đúng là đúng. Thế ông không thể từ chối khách của mình được à? Dẫu sao chúng tôi cũng trả tiền nhiều hơn, chúng tôi phải được ưu tiên hơn những người khác chứ.

– Không. Đây là những khách hàng thường xuyên. Tôi không thể làm khác được, không thì bị mất khách. Còn ông chỉ là khách hàng ngẫu nhiên thôi.

– Giả sử ngay ngày mai ông đã gặp cá mập rồi. Ông có cố gắng bắt nó không?

– Cái ấy đỡ cho các ông một đống tiền, có phải không? Nhưng chúng tôi sẽ không gặp con cá của ông. Chúng tôi đi thẳng về hướng đông. Ở đó cá cắn câu lắm. Ông nên thử tìm cách khác.

– Ngoài tiền ra, ông không cần gì nữa chứ?

– À, còn cái này, – Quint nói. – Tôi cần người. Hiện giờ tôi thiếu một người giúp việc, không có anh ta thì khó mà lôi lên được một con cá khỏe nhường ấy.

– Thế người giúp việc của ông biến đi đằng nào rồi? Bị chết đuối à?

– Không, anh ta thôi rồi. Thần kinh không chịu nổi. Làm công việc của chúng tôi thì hầu như với ai cũng xảy ra chuyện đó, chẳng chóng thì chầy. Sau là đâm ra mụ mẫm, kém sáng suốt.

– Thế mà ông hiện giờ vẫn chịu đựng được.

– Tất nhiên. Tôi biết mình thông minh hơn con cá.

– Chỉ thế là đủ thôi à: cả thảy chỉ cần thông minh hơn?

– Cho đến bây giờ chỉ thế là được. Thì tôi vẫn đang sống sờ sờ đây mà. Nào, ông sẽ tìm người cho tôi chứ?

– Bản thân ông không thể kiếm được người giúp việc ư?

– Không thể nhanh chóng như vậy mà cũng không phải để làm một công việc như thế này.

– Thế ngày mai ông sẽ đi biển với ai?

– Với một cậu choai choai. Nhưng tôi sẽ không lấy nó đi bắt cá mập lớn đâu.

– Hiểu rồi, – Brody nói, anh đã tự hỏi lẽ ra anh có đáng gọi điện cho Quint không. – Tôi sẽ làm người giúp việc cho ông, – câu nói bất ngờ bật ra khỏi miệng Brody. Chính anh cũng ngạc nhiên với sự táo bạo của mình và đâm ra khiếp hãi vì đã tự trói buộc mình bằng lời hứa như vậy.

– Ông ấy à? Ha-ha-ha!

Tiếng cười nhạo của Quint làm Brody chạm nọc. Anh nói:

– Có thể trông cậy vào tôi được.

– Chắc thế. Tôi không biết ông. Nhưng ông không đương đầu với cá mập được đâu, nếu ông chẳng am hiểu gì nghề đánh cá cả. Ông có biết bơi không?

– Tất nhiên là có. Thế sao?

– Chẳng qua là nếu có ai đó ngã lộn ra ngoài thành tàu, thì cần có thời gian mới trở tay được để kéo kẻ đáng thương lên.

– Ông không phải lo cho tôi.

– Đấy là việc của ông. Nhưng dù sao tôi vẫn cần có một người am hiểu ít nhiều nghề đánh cá. Hay ít ra cũng biết điều khiển con tàu.

Brody nhìn qua bàn sang phía Hooper. Anh chẳng muốn dây vào chuyện cá mập cùng với tay ngư học trẻ măng này chút nào. Ở trên tàu, Hooper sẽ trội hơn anh về kiến thức. Brody có thể cử một mình Hooper đi đương đầu với cá mập, còn chính anh ở lại trên bờ. Nhưng anh cảm thấy quyết định như vậy có nghĩa là đầu hàng: chẳng khác nào anh thú nhận rằng mình sợ mặt đối mặt với con quái vật hung dữ và không có khả năng chiến thắng được một kẻ thù khác thường đang tuyên chiến với thị trấn của anh.

Vả lại cũng không loại trừ khả năng là trong suốt cả ngày săn bắt trên tàu Hooper sẽ nói hở ra, và Brody sẽ biết rằng vào cái hôm thứ tư mưa gió tuần trước nhà ngư học đã đi đâu. Brody quả thực như đến nước mất trí vì mong muốn được biết tỏ tường Hooper đã làm gì vào ngày hôm đó, và mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy là anh lại bị dằn vặt bởi mỗi một ý nghĩ nung nấu như thế. Brody muốn tin rằng Hooper đã đi xem chiếu bóng hay chơi tơritơrắc ở câu lạc bộ “Field”, hoặc hút cần sa với một gã hippi hoặc là ngủ với một con bé nào đó. Hooper có làm trò gì, đối với anh cũng chả thành vấn đề, miễn là không gặp gỡ với Ellen. Hoặc đã đi chơi bời cùng Ellen. Nếu quả như vậy thì sao?… Ý nghĩ ấy quả thực là không chịu nổi.

Brody lấy bàn tay che ống nói và quay lại phía Hooper:

– Hay là anh đi với chúng tôi? Quint cần một người giúp việc.

– Đến ông ta mà cũng không có người giúp việc cơ à? Thế mà cũng đòi mánh tiền!

– Cái ấy không quan trọng. Anh có đồng ý hay không?

– Ừ, – Hooper đáp. – Có lẽ cả đời tôi sẽ hối tiếc việc này, nhưng thôi, tôi sẽ đi với các ông. Muốn tận mắt nhìn thấy con cá mập này thì không còn cách nào khác.

– Tốt rồi, tôi đã tìm cho ông một người giúp việc, – Brody nói với Quint.

– Người đó có biết điều khiển tàu không?

– Biết.

– Chúng ta sẽ gặp nhau vào sáu giờ sáng thứ hai. Các ông hãy mang theo đồ ăn thức uống gì đó. Ông biết đường đến đây không?

– Xa lộ số hai mươi bảy. Sau đó rẽ sang đường Promised Land phải không?

– Phải. Theo đường quốc lộ Cranberry Hole. Đi đến tận thành phố. Cách dãy nhà cuối cùng quãng trăm yát thì hãy rẽ trái, vào một con đường đất.

– Có biển chỉ dẫn nào không?

– Không, nhưng đấy là con đường duy nhất đến chỗ tôi. Nó đâm thẳng ra bến tàu.

– Ở đấy chỉ có tàu của ông thôi à?

– À. Nó mang tên là “Orca”.

– Thôi. Hẹn thứ hai nhé.

– Ừ còn cái này nữa, – Quint nói. – ông sẽ trả hàng ngày bằng tiền mặt, trả trước nhé?

– Được nhưng tại sao phải trả trước?

– Tôi bao giờ cũng lấy tiền trước. Tôi không muốn ông mang theo tiền của tôi chìm xuống đáy biển, nếu ông có ngã nhào khỏi tàu.

– Được, – Brody đồng ý. – ông sẽ nhận được tiền. – Anh hạ máy xuống và bảo Hooper. – Thứ hai, sáu giờ sáng, được chứ?

– Được rồi.

– Tôi hiểu là ông cũng đi, có đúng không, hả Martin? – Meadows hỏi.

Brody gật đầu:

– Đó là công việc của tôi.

– Theo tôi thì có lẽ ông hoàn toàn không nhất thiết phải xăng xái trên tàu.

– Việc này đã quyết rồi.

– Tàu ông ta có tên là gì nhỉ? – Hooper hỏi.

– Tôi nhớ là “Orca”, – Brody trả lời.

Meadows, Hooper và Whitman chuẩn bị ra về.

– Chúc may mắn, – Whitman nói. – Tôi cũng phải ghen tỵ với các ông. Chắc sẽ là một cuộc tìm kiếm rất lý thú.

– Không có cái lý thú ấy còn hơn, – Brody đối lại. – Tôi chỉ cốt chấm dứt cho xong con vật chết tiệt ấy.

Hooper quay người lại trong khung cửa. Anh ta nói:

– Tôi mới sực nhớ ra điều này. Các ông có biết người Australia gọi cá mập trắng như thế nào không?

– Không, – Brody trả lời chẳng tỏ ra hứng thú chút nào. – Gọi thế nào?

– Gọi là cái chết trắng.

– Anh cố ý nói cho tôi biết điều đó phải không? – Brody vừa hỏi vừa đóng cửa lại phía sau.

Ở lối vào tòa nhà, người trực đêm gọi Brody lại:

– Thưa thủ trưởng, có điện thoại hỏi thủ trưởng xem lúc nào thủ trưởng về nhà. Tôi đã nghĩ là không nên quấy rầy thủ trưởng.

– Ai gọi thế?

– Bà Vaughan.

– Bà Vaughan!

Brody không nhớ đã có lần nào anh nói chuyện với Eleanor qua điện thoại chưa.

– Bà ấy đề nghị nhắn cho ông biết, cũng không có gì gấp lắm.

– Tôi sẽ gọi điện cho bà ấy ngay bây giờ. Bà ấy rất e dè, ngay đến nhà bà ấy có cháy đi nữa thì khi gọi cứu hỏa, bà ấy cũng xin lỗi là đã làm phiền rồi mới xin: Nếu có tiện ở gần đó thì họ rẽ vào chỗ bà ấy một chút.

Quay về phòng làm việc của mình, Brody nhớ ra có lần Vaughan đã nói về Eleanor: “Mỗi lần nhà tôi ghi phiếu hàng số chỉ đôla chẵn là bà ấy lại để trống phần ghi tổng số tiền xu sợ làm phật ý là mình không tin tưởng người cầm phiếu: nhỡ đâu người ta lại nghĩ rằng cứ làm như người ta chỉ chực điền thêm mấy xu không bằng”.

Brody quay số dây nói của Vaughan, đã thấy Eleanor nhấc ngay ống nghe lên.

“Bà ấy ngồi ngay bên máy”, – Brody nghĩ bụng.

– Eleanor đấy à. Martin Brody đây. Chị đã gọi điện cho tôi?

– Ồ, phải đấy. Quấy rầy anh thì bất tiện vô cùng, anh Martin ạ. Nếu như anh có…

– Không, tôi có thì giờ. Chị đang muốn nói chuyện gì?

– Đấy là tôi gọi điện cho anh là bởi vì theo tôi được biết, Larry có nói chuyện với anh hôm nay. Tôi đã nghĩ là, có thể, anh biết không… không rõ đã có chuyện gì xảy ra.

“Bà ta không hề biết ngọn ngành câu chuyện, – Brody nghĩ. – Nhưng mà nếu Eleanor Vaughan biết được điều gì thì mình thật đáng nguyền rủa”.

– Có chuyện gì xảy ra vậy?

– Tôi không biết, bắt đầu như thế nào, nhưng… mà chắc anh cũng biết, Larry ít uống rượu lắm. Rất hiếm khi. Ít ra là ở nhà thì như vậy.

– Thế à?

– Chiều hôm nay lúc về nhà, anh ấy chẳng nói lời nào. Chỉ đi vào phòng làm việc, rồi tôi thấy hình như anh ấy uống gần cả một chai uýt-xki. Bây giờ anh đang ngủ trên ghế đệm.

– Giá tôi thì tôi không lấy làm lo lắng đâu, chị Eleanor ạ. Chắc có điều gì đó quấy đảo tâm trí anh ấy. Tất cả chúng ta ai mà chẳng có lúc rơi vào thế bí.

– Tôi hiểu. Chỉ có điều… có điều gì đó chấn động trong lòng Larry. Tôi cảm thấy điều đó. Anh ấy không bình thường đã mấy ngày nay rồi. Tôi nghĩ, có lẽ… anh là bạn anh ấy. Chắc là có chuyện gì xảy đến với anh ấy?

“Bạn”, – Brody nghĩ thầm, Vaughan gần như cũng nói những lời hệt như thế, nhưng ông ta diễn đạt chính xác hơn: “Chúng ta đã từng là bạn bè”.

– Không, chị Eleanor ạ, tôi không biết, – Brody nói dối. – Tôi sẽ nói chuyện với anh ấy, nếu chị muốn.

– Thực thế à, anh Martin? Tôi sẽ rất biết ơn anh. Nhưng… xin anh… anh đừng có bảo là tôi đã gọi điện cho anh nhé. Anh ấy không thích người khác can thiệp vào việc của anh ấy.

– Chị đừng lo. Tôi sẽ không nói. Chị hãy cố chợp mắt đi một chút.

– Cứ để anh ấy trên ghế đệm không sao cả chứ?

– Tất nhiên. Chỉ nên tháo giầy cho anh ấy và đắp tấm chăn thôi. Mọi sự sẽ ổn cả.

*

Paul Loeffler đứng sau quầy quán của mình, mắt liếc nhìn đồng hồ.

– Chín giờ kém mười lăm, – ông ta bảo vợ là Rose, một phụ nữ mũm mĩm xinh xắn đang cho bơ vào tủ lạnh. – Ý kiến em thế nào, ta đóng cửa sớm mười lăm phút nhé?

– Sau một ngày phát tài như hôm nay thì em đồng ý, – Rose đáp. – Mười tám pao giò! Đã dạo nào ta bán được mười tám pao giò chưa nhỉ?

– Còn pho mát Thụy Sĩ nữa, – Loeffler bổ sung.

– Đã có khi nào đến mức không đủ pho mát Thụy Sĩ để bán không? Cứ vài ngày như thế này thì làm ăn cũng khấm khá. Thịt bò nướng, xúc xích gan đều bán chạy cả! Như thể những người đi nghỉ bảo nhau mua bánh mì nhân thịt chỉ ở quán nhà ta thôi.

– Thử nghĩ mà xem. Người ta từ Brooklyn, East Hampton đến đây. Một người đi nghỉ nói rằng anh ta từ bang Pennsylvania đến đây chỉ để xem cá mập.

– Chả lẽ ở Pennsylvania người ta không nuôi cá mập à?

– Ai mà biết được? – Loeffler nói. – Chỗ chúng ta đây chả khác nào đảo Coney[35]. Bãi tắm thị trấn chắc cũng thành bãi rác rồi.

– Thế cũng được. Ta đã làm ăn được một hai ngày ra trò.

– Em nghe nói các bãi tắm lại đóng cửa rồi.

– Ừ. Anh vẫn nói mà: họa vô đơn chí.

– Anh nói chuyện gì vậy?

– Cũng chẳng nói chuyện gì cả. Nào, cuốn tiệm lại thôi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN