Hàm Cá Mập
Chương 9
Sáng thứ năm, qua điện thoại người ta gọi Brody đến chỗ Vaughan dự cuộc họp của hội đồng thị chính. Anh đoán ra vì lẽ gì mà các quan phụ mẫu của thị trấn tụ họp nhau lại: ngày kia là ngày bốn tháng bảy, Ngày Độc lập nên người ta muốn gắn việc mở cửa bãi tắm vào ngày lễ này. Trước khi rời trạm cảnh sát để sang bên tòa thị chính, Brody đã suy tính kỹ, cân nhắc tất cả những “thuận” và “chống”.
Anh hiểu rằng sự phản đối của anh bị điều khiển bởi linh giác, tính cẩn thận và cảm giác có lỗi không lúc nào để anh yên. Nhưng anh tin rằng mình đúng. Việc mở cửa các bãi tắm không thể nào giải quyết được các vấn đề của Amity. Hóa ra, mọi người như bị lôi cuốn vào một canh bạc nào đó mà cả dân địa phương lẫn bản thân Brody không thể trông mong gì vào thắng cuộc. Không một ai biết đích xác là cá mập đã đi chưa. Những kẻ tham gia trò chơi nguy hiểm này chỉ hy vọng gỡ hòa. Nhưng chẳng chóng thì chầy, Brody tin như vậy, họ sẽ thất bại.
Tòa thị chính ở ngã tư phố Main và Water. Nó như cái đòn gánh lồng vào chữ “T” do hai phố tạo nên. Đó là một dinh cơ bề thế với hai hàng cột ở lối vào, xây theo phong cách đặc trưng của cuối thế kỷ XVIII, bằng gạch đỏ viền trắng. Trên bãi cỏ trước tòa nhà có khẩu lựu pháo của thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, – đài kỷ niệm cho những người dân địa phương đã tham gia chiến tranh.
Tòa nhà do ông chủ nhà băng đầu tư tặng thị trấn vào cuối những năm hai mươi. Không hiểu sao ông ta đinh ninh rằng sẽ có ngày Amity trở nên một trung tâm thương mại của miền đông đảo Long Island. Ông ta cho rằng các quan phụ mẫu của thành phố phải hội họp trong chốn nhà cao cửa rộng, chứ không phải trong những chỗ chui rúc, ngột ngạt ở tầng trên của tiệm ăn “Cối xay”, nơi trước kia là chỗ định đoạt số phận của thị trấn Amity. (Tháng hai năm 1930 ông chủ nhà băng dở dở ương ương này, kẻ đã không biết đoán trước không chỉ tương lai của Amity, mà cả tương lai của bản thân, đã toan lấy lại ngôi nhà từ tay chính quyền thị trấn bằng cách khẳng định rằng dường như ông ta chỉ mượn để sử dụng tạm thời thôi, nhưng chẳng ăn thua gì).
Các phòng làm việc của tòa thị sảnh cũng lộng lẫy không tưởng tượng nổi, như chính bản thân ngôi nhà. Những phòng thênh thang, trần cao, đèn chùm phức tạp, chẳng phòng nào giống phòng nào. Không muốn sửa đổi lại bên trong ngôi nhà, dựng các vách ngăn khắp mọi chỗ, nên các bậc cha mẹ của dân thị trấn đã cứ thế mà nhét thêm vào các buồng ngày càng nhiều nhân viên. Chỉ có mỗi mình ông thị trưởng là thực thi những trách nhiệm hóc búa của mình trong cảnh cô đơn bề thế.
Phòng làm việc của Vaughan nằm trên tầng hai trong góc tòa thị sảnh, cửa sổ trông ra hướng đông nam, từ đó mở ra cảnh đẹp tuyệt vời của thị trấn và Đại Tây Dương, nổi lên ở phía xa xa.
Cô thư ký của ông thị trưởng, Janet Summer, một cô gái xinh đẹp đang độ xuân sắc, ngồi sau bàn bên lối vào phòng làm việc. Brody ít có dịp gặp cô nhưng anh có cảm tình của bậc cha chú đối với cô và không thể hiểu tại sao cô ấy đã hai mươi sáu xuân xanh rồi mà vẫn chưa lấy chồng. Trước khi vào gặp Vaughan, Brody bao giờ cũng thăm hỏi về chuyện yêu đương của cô thư ký. Nhưng hôm nay anh chỉ hỏi:
– Mọi người đã tập hợp đủ bộ rồi chứ?
– Đủ tất cả những ai được mời đấy ạ.
Brody đang tiến vào phía phòng làm việc của Vaughan thì Janet đã gọi dừng lại:
– Thậm chí chú chẳng muốn hỏi dạo này cháu hẹn hò gặp gỡ với ai nữa?
– Tất nhiên là chú muốn chứ, – Brody đáp sau khi đã dừng lại, đoạn mỉm cười. – Xin lỗi nhé. Hôm nay mọi cái trong đầu chú cứ lung tung cả lên. Vậy thì anh ấy là ai?
– Chẳng là ai cả. Cháu đang nghỉ giải lao. Nhưng cháu xin thú thực với chú điều này. – Cô hạ giọng và dấn người về phía trước. – Cháu thấy thích bắt bồ với anh Hooper.
– Anh ấy ở trong này à?
Janet gật đầu.
– Hay nhỉ, người ta bầu anh ta vào tòa thị chính bao giờ thế?
– Cháu không biết, – cô thư ký đáp. – Nhưng quả thực anh ấy có duyên ra phết…
– Tiếc là anh ta lại có nơi có chốn rồi, Jan ạ.
– Ai thế?
– Daisy Wicker.
Janet phá lên cười.
– Có gì buồn cười đâu nhỉ? Chú tưởng lòng cháu tan nát mới phải chứ.
– Thế ra chú không biết gì về Daisy à?
– Có lẽ là không.
Janet lại hạ giọng:
– Cô ta dở hơi lắm. Chỉ thích tụ tập với đám các bà thôi.
– Ra thế, – Brody nói. – Xem ra công việc của cháu cũng lý thú đấy chứ, Jan nhỉ?
Vừa bước vào phòng làm việc của thị trưởng, Brody vừa băn khoăn tự hỏi: “Thế cũng tốt, nhưng hôm qua Hooper ở đâu được nhỉ, mẹ kiếp?”
Bước qua ngưỡng cửa, Brody hiểu ngay rằng anh sẽ phải chiến đấu trong cảnh đơn độc. Tất cả các ủy viên tòa thị chính đều là bạn bè lâu năm và là đồng minh của Vaughan. Tony Catsoulis, cai thầu, nom giống vòi cứu hỏa; Ned Thatcher, một lão già khô héo – đã ba thế hệ này họ nhà Thatcher cai quản khách sạn “Biểu trưng của Abelard”; Paul Conover, chủ cửa hàng bán rượu ở Amity, và Rare Lopez (họ của bản thân anh ta phát âm là “Lâupx”, một anh chàng gốc Bồ Đào Nha da ngăm đen, có máu hùng biện, được người da đen bầu vào hội đồng bảo vệ cho các quyền lợi của họ.
Bốn ủy viên tòa thị chính ngồi sau cái bàn để tạp chí ở một đầu của căn phòng lớn. Vaughan ngồi đối diện sau bàn giấy. Hooper đang đứng bên cửa sổ trông ra hướng nam và đang nhìn đại dương.
– Albert Morris đâu? – Brody hỏi Vaughan, sau khi đã chào chiếu lệ những người khác.
– Anh ấy không thể đến được, – Vaughan đáp. – Hình như bị ốm thì phải.
– Thế còn Fred Potter?
– Cũng thế. Chắc là trong người có loại virút nào đó đang hoành hành, – Vaughan đứng dậy. – Nào, bây giờ mọi người đã đủ rồi. Cậu hãy lấy cái ghế ra đặt vào cạnh bàn để tạp chí ấy.
“Trời ơi, nom ông ta khủng khiếp quá!”, Brody vừa quan sát Vaughan vừa nghĩ. Vaughan đang tiến lại anh từ đầu kia căn phòng và mang chiếc ghế có thành tựa thẳng, mắt ông ta sâu xuống và tối sầm lại. Da đã nhuốm màu vàng vàng của nước dầm lòng đỏ trứng. Hoặc là ông ta vừa mới ở chỗ túy lúy về, hoặc là thiếu ngủ cả tháng trời, Brody nghĩ bụng.
Khi mọi người đã ngồi yên chỗ, Vaughan mới vào đề:
– Tất cả các vị đã biết vì sao chúng ta họp lại ở đây. Tôi nghĩ rằng chỉ có một người trong chúng ta còn nghi ngờ việc chúng ta phải làm.
– Ông muốn ám chỉ tôi phải không? – Brody hỏi.
Vaughan gật đầu.
– Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này theo quan điểm chung của chúng ta, Martin ạ. Thị trấn sẽ chết. Đầy những người thất nghiệp. Các cửa hàng đã dự định mở cửa, sẽ không mở cửa được. Sẽ không có ai thuê nhà ở, chứ chưa nói đến chuyện mua. Các bãi tắm sẽ vắng tanh, mỗi ngày chúng ta lại đóng thêm một cái đinh vào cỗ quan tài của bản thân. Chúng ta tự bóp chết mình khi tuyên bố rằng hiểm họa đang đe dọa thị trấn, chúng ta cứ nói rằng hãy tránh cho xa thị trấn. Và người ta nghe theo những lời nói ấy.
– Larry này, giả sử ông cứ mở các bãi tắm vào ngày lễ, – Brody lên tiếng, – và nhỡ ra có ai đó bị chết nữa?
– Đó là một sự mạo hiểm chính đáng, nên tôi cho rằng, tất cả chúng ta đều như vậy, – chúng ta nên đánh liều.
– Nhưng tại sao mới được chứ?
– Ông Hooper? – Vaughan quay về phía nhà ngư học.
– Có một vài lý do, – Hooper nói: – trước hết là cả tuần nay không ai nhìn thấy cá mập đâu cả.
– Thì có ai đi tắm đâu.
– Đúng, nhưng tôi đã đi canô để tìm cá mập hàng ngày, chỉ trừ có một hôm.
– Chính tôi cũng đang muốn hỏi. Hôm qua anh ở đâu?
– Hôm qua trời mưa, – Hooper đáp. – Anh có nhớ không?
– Ừ, thế nhưng anh làm gì?
– Tôi chẳng qua… – Hooper nói chậm lại, sau đó tiếp tục: – Tôi nghiên cứu các mẫu cá. Đọc sách nữa.
– Ở đâu? Trong phòng khách sạn à?
– Cũng có lúc ở đấy. Thú thực, anh muốn gì ở tôi nào?
– Tôi đã gọi điện đến khách sạn anh ở. Người ta bảo rằng anh vắng mặt cả buổi chiều hôm qua.
– Vậy là tôi đã ra khỏi khách sạn – Hooper bực bội nói. – Tôi đâu có nhất thiết cứ năm phút phải báo cáo trình diện với anh, có phải thế không?
– Không nhất thiết. Nhưng anh đến đây để làm việc, chứ không phải để chơi rông ở các câu lạc bộ ngoại ô mà đã có thời anh vẫn lai vãng.
– Thưa ông, ông nghe này, tôi không nhận được đồng xu nào của ông. Và tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi thấy hứng!
– Thôi đi, – Vaughan xen vào, – thế là đủ lắm rồi.
– Dù thế nào chăng nữa, – Hooper tiếp tục. – thì tôi cũng không nhận thấy những vết tích nào của cá mập. Không một dấu hiệu nào. Mà nước thì đang ấm lên từng ngày. Nhiệt độ đã sắp lên tới bảy mươi độ[31] rồi. Tuy bao giờ chả có ngoại lệ, nhưng thông thường thì loài cá mập trắng lớn ưa nước lạnh hơn.
– Thế cho nên anh nghĩ rằng vị khách của chúng ta đã bỏ đi về phía bắc rồi chứ gì?
– Hoặc là xuống dưới sâu, ở đó lạnh hơn. Nó cũng có thể đi về phía nam. Khó mà tiên liệu trước được loài thú vật ấy xử sự ra sao?
– Ấy đấy, – Brody nhận xét. – Khó mà tiên liệu được. Nghĩa là mọi điều anh nói chỉ là giả định.
– Martin, việc này làm sao có thể khẳng định chắc chắn được? – Vaughan đỡ lời.
– Ông hãy nói câu đó với Christine Watkins, hoặc với người mẹ của cậu bé đã chết ấy.
– Tôi biết, tôi biết, – Vaughan sốt ruột ngắt lời. – Nhưng chúng ta phải có biện pháp gì đó chứ. Chúng ta không thể ngồi khoanh tay đợi ông trời được. Trời không viết cho chúng ta biết rằng “Cá mập đã đi rồi”. Phải cân nhắc các dữ kiện và phải quyết.
Brody gật đầu.
– Tôi hiểu. Nào, nhà thông thái của chúng ta còn nói gì nữa nào?
– Anh làm sao thế? – Hooper ngạc nhiên. – Chẳng qua người ta yêu cầu tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình.
– Phải, phải. – Brody đáp. – Dĩ nhiên rồi. Sao nữa nào?
– Chẳng có gì mới cả. Không có căn cứ nào để cho rằng cá mập vẫn còn ở đây. Tôi không trông thấy nó. Lực lượng phòng vệ bờ biển cũng thế. Dưới đáy đại dương tất cả vẫn như trước. Rác thải người ta không đổ từ các xà lan xuống biển nữa. Những con cá vẫn sinh sống như bình thường. Ở đây khó có cái gì hấp dẫn vị khách của chúng ta.
– Nhưng trước kia ở đây có bao giờ có cá mập đâu phải không? Thế mà đã xuất hiện một con.
– Đúng. Tôi không thể giải thích được điều này. Và tôi cũng không tin rằng có ai giải thích nổi.
– Anh muốn nói đó là ý trời?
– Có thể như thế.
– Và chúng ta bất lực trước ý trời, đúng không, Larry?
– Tôi không hiểu cậu định ngụ ý gì, Martin ạ, – Vaughan nói. – Chúng ta phải quyết. Theo cách nhìn của tôi thì chỉ có một cách.
– Vậy là đã quyết, – Brody lên tiếng.
– Có thể coi là như vậy.
– Thế nhỡ lại có nạn nhân? Lần này ai sẽ gánh lấy trách nhiệm? Ai sẽ đứng ra tiếp chuyện với chồng, với mẹ, với vợ những người bị cá mập xé xác; ai sẽ nói với họ rằng: đấy là chẳng qua chúng tôi chơi trò được ăn cả, ngã về không và đã bị thua?
– Đừng có bi quan như thế Martin. Khi nào đến lúc – nếu như nó đến, mà tôi bảo đảm rằng sẽ chẳng xảy ra chuyện gì, – khi ấy ta sẽ quyết định.
– Nhưng ông biết không, tôi đã ớn bỏ mẹ lên việc người ta trát bùn lên mặt tôi vì lỗi của ông.
– Gượm đã, Martin.
– Câu nói nghiêm túc đấy. Nếu ông muốn mở các bãi tắm, thì hãy đứng ra hứng trách nhiệm đi.
– Anh nói chuyện gì thế?
– Tôi nói chuyện rằng chừng nào ở đây tôi còn làm cảnh sát trưởng và chịu trách nhiệm về sự an toàn của mọi người, thì các bãi tắm sẽ không mở cửa.
– Tôi bảo anh cái này này, Martin ạ, – Vaughan lên giọng. – Nếu vào ngày lễ các bãi tắm vẫn không người thì anh sẽ làm sếp cảnh sát không lâu đâu. Đây không phải là tôi đe dọa anh. Chẳng qua tôi báo trước cho anh thế thôi. Vào mùa hè này chúng ta còn có thể có cách xoay sở. Nhưng cần phải tuyên bố với mọi người rằng ở đây an toàn. Còn nếu anh cứ cấm mở cửa các bãi tắm, thì chỉ hai mươi phút sau khi ngoài thị trấn người ta hay tin, người ta sẽ phỉ nhổ anh, người ta sẽ đổ hắc ín vào mặt anh. Rồi tống khỏi nơi đây. Các vị có đồng ý với tôi không nào?
– Dĩ nhiên rồi, – Catsoulis nói. – Ngay tôi đây cũng góp một tay quẳng anh ta đi.
– Các cử tri của tôi sẽ ngồi không chẳng có việc làm – Lopez nói. – Nếu họ không có công ăn việc làm thì họ sẽ tống khứ anh ra khỏi cơ quan chính quyền.
– Các ông có thể loại bỏ tôi lúc nào tùy các ông, – Brody nói giọng cương quyết.
Trên bàn Vaughan chuông điện thoại nội bộ reo. Ông ta đứng dậy, điệu bộ cau có đi về phía đầu kia căn phòng và nhấc điện thoại lên.
– Tôi đã yêu cầu không được quấy rầy chúng tôi cơ mà, – viên thị trưởng sẵng giọng. Một phút im lặng tiếp theo. – Đây là gọi cho anh đây, – Vaughan quay về phía Brody. – Janet nói là gấp. Có thể nói chuyện ở đây hoặc ở phòng ngoài.
– Tôi sẽ ra phòng ngoài, – Brody đáp. Anh băn khoăn không hiểu đã có biến cố gì mà người ta phải lôi anh ra khỏi cuộc họp của hội đồng thị chính. Lại cá mập chăng? Anh bước ra khỏi phòng họp và đóng cửa lại sau lưng. Janet chìa cho anh ống thoại, nhưng trước khi cô kịp ấn nút sáng đèn, Brody đã hỏi:
– Cô nói tôi hay, Larry đã gọi điện cho Albert Morris và Fred Potter sáng nay chưa?
Janet đưa mắt lảng đi.
– Cháu được lệnh không nói cho ai biết cả.
– Hãy trả lời chú đi, Janet. Chú cần phải biết.
– Thế thì chú phải ngỏ lời hộ cháu với cái anh đẹp trai bây giờ đang họp trong phòng ấy cơ.
– Xong ngay.
– Không gọi, chú ạ. Cả thảy cháu chỉ gọi điện cho bốn người giờ đang ngồi với Vaughan thôi.
– Cô ấn nút đi.
Janet ấn nút và Brody lên tiếng:
– Brody đây.
Vaughan đang ở trong phòng họp thấy đèn hiệu đã tắt, bèn cẩn thận bỏ ngón tay khỏi cần và lấy lòng bàn tay che che ống nghe. Ông ta đưa mắt khắp những người có mặt xem có ai lên án hành động của mình không. Nhưng mọi người đều ngoảnh mặt đi, ngay cả Hooper cũng cho rằng anh càng ít can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương của Amity thì càng tốt.
– Harry đây, Martin ạ. – Trong điện thoại vang lên giọng của Meadows. -Tôi biết ông đang ở chỗ hội đồng và chẳng có thì giờ. Cho nên hãy nghe tôi nói đây, ngắn thôi. Larry Vaughan đang nợ nần ngập đến tai.
– Không đời nào!
– Tôi đã bảo là ông hãy nghe tôi mà lại! Việc ông ta nợ còn chưa có nghĩa gì cả. Quan trọng là việc ông trả nợ ai kia. Đã lâu rồi, có lẽ quãng hăm lăm năm trước, trước khi Larry rủng rỉnh có tiền, vợ ông ta ốm. Tôi quên không nhớ bà ấy đoạn trường ra sao, chỉ biết bà ấy ốm nặng. Mà chữa bệnh lại tốn tiền. Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như Larry khi đó có nói rằng một người bạn đã giúp ông ta, đã cho vay tiền, thế là Vaughan thoát nạn. Chắc là vài nghìn đôla gì đó. Larry đã nói tên người cho vay cho tôi biết. Đáng lẽ tôi cũng bỏ ngoài tai chuyện ông ta nói, nhưng Larry lại bảo rằng con người ấy sẵn lòng giúp đỡ nhiều người trong hoạn nạn. Hồi ấy tôi còn trẻ và cũng túng thiếu. Vì thế tôi mới ghi tên người bạn của Larry lại và nhét tờ giấy vào ngăn kéo bàn. Tôi chẳng bao giờ nảy ra cái ý nghĩ nhòm lại tờ giấy một cái, cho mãi đến khi ông hỏi tôi. Bạn của Larry tên là Tino Russo.
– Nói thẳng vào đề đi, Harry.
– Được rồi, được rồi. Giờ ta đi vào đề. Hai tháng trước, tức là còn trước khi có chuyện cá mập ấy, đã ra đời một hãng có tên là “Caskata Estates”. Lúc đầu hãng chưa có bất động sản. Việc kinh doanh đầu tiên của nó là mua một ruộng khoai tây rộng ở phía bắc đường Scotch một chút. Mùa hè thị trấn gặp vận đen, thế là “Caskata” nhân lên số tài sản tậu được. Mọi cái được làm hoàn toàn công khai. Hãng này rõ ràng đã dựa vào vốn tiền mặt của kẻ nào đó và lợi dụng tình hình đình đốn hiện nay, đã mua rẻ các bất động sản gần như được không. Khi trên báo chí chỉ vừa mới xuất hiện những tin đầu tiên về cá mập thì “Caskata” đã triển khai hết sức lực. Giá cả càng hạ thì nó càng tậu hăng. Cứ lẳng lặng như thế. Giá cả bây giờ cũng chỉ như hồi chiến tranh, nên “Caskata” vẫn đang tiếp tục mua thêm. Nhưng nó không thích trả tiền mặt. Thường nó xuất ra các phiếu cam kết nợ ngắn hạn do Larry Vaughan ký. Ông ta được coi là chủ tịch hãng. Còn phó chủ tịch đồng thời là người chủ thực sự lại là Tino Russo, người mà tờ “Times” đã nhiều năm coi là nhân vật thứ hai của một trong năm bè đảng maphia New York.
Brody nói rít qua kẽ răng:
– Thế mà đồ chó đẻ ấy rên lên rằng công việc không chạy gì cả. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao người ta bắt lão ấy thúc chúng ta mở các bãi tắm.
– Chính xác thì tôi chưa biết. Hơn nữa, tôi ngờ rằng bọn cùng hãng đang ép Larry như trước kia. Có lẽ ông ta đã nói như thế trong một cơn thất vọng. Tôi nghĩ rằng Larry đang lâm vào thế bí. Ông ta không đủ sức mua gì nữa, dù là với giá rẻ. Điều duy nhất có thể cứu ông ta khỏi bị phá sản là làm sao cho giá cả thị trường tăng vọt lên. Lúc ấy ông ta mới có thể bán số bất động sản tậu được theo cách có lợi. Cũng có thể Russo sẽ thu phần lợi nhuận chủ yếu – cái đó còn tùy thuộc ở sự thỏa thuận giữa bọn họ với nhau. Nếu giá nhà vẫn tiếp tục hạ, nói cách khác, nếu các bãi tắm vẫn đóng cửa thì Vaughan sẽ phải lấy tiền riêng ra trả cho các phiếu nợ. Mà tiền thì ông ta xoay đâu ra. Theo tôi, ông ta hiện nay phải trả những khoản nợ đã đến kỳ, chắc phải trên nửa triệu. Ông ta sẽ thua thiệt nhiều vô kể, còn các bất động sản thì hoặc là lại về tay các chủ cũ, hoặc là về tay Russo, nếu hắn ta kiếm được tiền mặt. Nhưng chắc gì Russo đã dám liều. Giá bất động sản mà còn hạ nữa thì có ngày trùm maphia cũng chìm xuống đáy cùng với Vaughan. Tôi cho rằng Russo còn hy vọng thu được món lãi to, nhưng chỉ thu được với điều kiện Vaughan xoay sở để mở được các bãi tắm. Trong trường hợp này, nếu không có gì bất trắc và nếu không có những nạn nhân mới thì bất động sản sẽ mau chóng lên giá và Vaughan sẽ bán được thành công tất cả những gì đã mua. Russo sẽ nhận được phần của hắn – một nửa hay bao nhiêu thì tôi không biết, – và “Caskata” sẽ ngừng tồn tại. Vaughan sẽ có đủ tiền để ứng phó với những khó khăn về tài chính và sẽ không bị phá sản. Còn nếu như có ai đó chết vì cá mập nữa, thì chỉ có Vaughan bị liểng xiểng. Theo trí xét đoán của tôi thì đến đồng năm xu Russo cũng không bỏ vào công ty này đâu. Tất cả số này…
– Anh là đồ dối trá vô lương tâm, Meadows ạ – bỗng nhiên vang lên trong máy giọng nói chói tai của Vaughan. – Hễ anh mà cho in lấy một lời trong câu chuyện nhảm nhí này thì tôi sẽ lôi anh ra tòa cho đến chết mới thôi! – Có tiếng ngắt máy, Vaughan đã hạ ống điện thoại xuống.
– Sự đứng đắn của các vị đại diện chính quyền mà chúng ta bầu lên là như thế đấy, – Meadows nhận xét.
– Ông sẽ làm gì, hả Harry? Ông muốn đưa lên báo chuyện gì không?
– Không, ít, ra thì chưa phải lúc này. Tôi không có cứ liệu nào hết. Ông cũng biết rõ như tôi là bọn maphia ngày càng nhúng sâu hơn vào các công việc ở Long Island, – vào ngành xây dựng, vào các tiệm ăn, cái gì cũng có. Nhưng đố chỉ được tay day được trán bọn chúng đấy. Theo tôi, Vaughan chưa chắc đã làm điều gì phạm pháp theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Vài ngày nữa, tìm kiếm lục lọi thêm thì tôi có thể thu thập được những cứ liệu khẳng định rằng ông ta có liên hệ với maphia. Tôi muốn nói đến những cứ liệu không thể bác bỏ được ấy nếu quả thực Vaughan muốn lôi nhau ra tòa.
– Theo tôi, ông đã có đủ chứng cứ.
– Tôi biết nhiều thứ nhưng chưa có minh chứng. Không có tài liệu, dù chỉ là những bản sao. Tôi chỉ mới trông thấy những tài liệu ấy.
– Ông có nghĩ rằng có kẻ nào đó trong hội đồng thị chính cũng liên can đến chuyện này không? Tại phiên họp, Larry đã hướng mọi người chống lại tôi.
– Không. Ông muốn nói đến Catsoulis và Conover chứ gì? Bọn họ chỉ là bạn cũ của Larry thôi, cả hai đều mang ơn ông ta. Thatcher thì quá già và nhát gan chẳng dám ho he chống lại thị trưởng. Lopez thì nằm ngoài sự nghi ngờ. Ông ta chỉ chăm lo sao cho cử tri của ông ta có việc làm.
– Hooper có biết gì không? Anh ta cũng cứ nằng nặc đòi tôi mở các bãi tắm.
– Không, tôi hầu như chắc chắn rằng anh ta không biết gì cả. Chính tôi cũng mới dò ra việc này mấy phút trước đây, tuy nhiều cái còn chưa rõ ràng.
– Theo ông thì tôi nên làm gì? Có thể từ chức cũng được. Tôi đã nói đến chuyện ấy với họ trước khi bàn với ông.
– Ấy chết, đừng làm vậy. Trước hết chúng tôi cần ông. Nếu ông đi, Russo sẽ thông đồng với Vaughan để đặt người của họ vào. Có thể ông tưởng rằng cấp dưới của ông là những người không mua chuộc được, nhưng tôi xin cuộc là Russo sẽ tìm được một cảnh sát đánh đổi trách nhiệm phục vụ lấy vài đồng đôla hay chỉ cốt lên làm cảnh sát trưởng.
– Thế thì tôi phải làm gì?
– Ở địa vị ông thì tôi sẽ đồng ý với Vaughan.
– Trời ơi, Harry, chính bọn họ đang mong được như vậy. Khi ấy tôi có thể ung dung ngồi lại trên cương vị của mình.
– Ông đã nói rằng địch thủ của ông có những cơ sở xác đáng để mở cửa các bãi tắm. Tôi nghĩ là Hooper đúng. Sớm hay muộn thì rồi ông cũng phải chịu nhún lão thị trưởng, ngay cả trong trường hợp chúng ta không bao giờ tìm ra cá mập. Cho nên chẳng thà xuống lệnh ngay bây giờ.
– Thế là cho phép bọn bợm ấy hốt tiền rồi tẩu à?
– Thế ông làm gì được bây giờ nào? Nếu ông cứ khăng khăng để các bãi tắm đóng cửa, Vaughan sẽ tìm được cách qua mặt ông để mở các bãi tắm. Lúc ấy thì ông nói chung chẳng đem lại tích sự gì cho ai cả. Không cho một người nào. Ít ra, nếu ông phục tùng lão thị trưởng và nếu không xảy ra chuyện gì, thì dân thị trấn mới có cơ khấm khá lên được. Sau đó, để một lúc nào đó ta mới xỉa Vaughan một cú. Tôi chưa rõ xỉa như thế nào, nhưng chắc chắn là xỉa được.
– Rõ khỉ, – Brody nói. – Thôi được, tôi phải nghĩ đã, Harry ạ. Dù sao chuyện bãi tắm ấy tôi sẽ xử xự theo cách của mình. Cám ơn ông. – Anh treo máy rồi quay về phòng Vaughan.
Vaughan đang đứng cạnh cửa sổ trông ra hướng nam và quay lưng ra cửa ra vào.
– Cuộc họp đã kết thúc, – Vaughan nói khi Brody bước vào phòng.
– Kết thúc là thế nào? – Catsoulis phản đối, – chúng ta còn chưa quyết tí nào cả.
– Chấm hết, Tony ạ! – Vaughan quay lại phía ông này và nói. – Đừng quấy rầy tôi. Mọi việc sẽ như chúng ta đã thỏa thuận. Để tôi bàn soạn với Brody. Được chứ? Bây giờ mọi người ra về thôi.
Hooper và bốn ủy viên hội đồng thị chính rời phòng làm việc của Vaughan. Brody quan sát Vaughan tiễn chân họ ra. Anh sếp ngành cảnh sát vừa thương vừa khinh thị trưởng, Vaughan đóng cửa, tiến lại đivăng và nặng nề đặt mình xuống. Ông ta chống khuỷu tay lên đầu gối và bắt đầu lấy các đầu ngón tay xoa xoa thái dương.
– Chúng ta đã là bạn của nhau, Martin ạ, – Vaughan cất tiếng. – Hy vọng là chúng ta vẫn sẽ là bạn.
– Meadows nói thế có thật không?
– Tôi sẽ không nói điều gì. Tôi không thể nói được. Chẳng qua có một người đã từng giúp tôi nên bây giờ muốn tôi đền đáp lại.
– Nói cách khác tức là Meadows nói đúng.
Vaughan nhìn Brody, mắt ông ta đỏ và ươn ướt.
– Xin thề với cậu, Martin ạ, là giá tôi biết mọi sự đi quá xa thế này thì tôi đã không bao giờ dấn mình vào.
– Ông nợ hắn ta bao nhiêu?
– Đầu tiên tôi vay mười nghìn. Đã hai lần tôi toan trả, từ lâu rồi kia, nhưng Tino và bạn bè ông ta chẳng muốn lấy tí nào. Họ cứ nhắc đi nhắc lại rằng họ biếu tôi, đừng để tâm đến chuyện vặt ấy làm gì. Thế nhưng cho đến giờ họ vẫn chưa trả lại cho tôi cuốn sổ ghi nợ. Mấy tháng trước họ có đến gặp tôi, tôi xin đưa cho họ một trăm ngàn. Họ tuyên bố rằng thế hãy còn ít. Tiền thì họ không cần. Họ yêu cầu tôi đầu tư số tiền ấy vào một phi vụ. Tất cả chúng ta đều sẽ được phần, họ bảo thế.
– Thế ông đã vung ra bao nhiêu?
– Có trời mà biết được. Tôi vung ra đến đồng xu cuối cùng. Còn hơn thế nữa. Hình như quãng một triệu đôla. – Vaughan thở dài. – Cậu sẽ cứu giúp tôi chứ, Martin?
– Tôi chỉ có ràng buộc với ông công tố hạt. Nếu ông khai ra, thì có thể làm lũ bạn của ông vào tù về tội cho vay ăn lãi được.
– Bọn nó giết tôi trước khi tôi từ chỗ ông công tố về đến nhà mất. Eleanor phải đi ăn mày mất. Tôi không mong đợi ở cậu một sự giúp đỡ như thế, Martin ơi.
– Tôi biết. – Brody ngạo nghễ nhìn Vaughan, con thú bị thương và bị dồn đến nước cùng, và bỗng cảm thấy thương hại viên thị trưởng. Anh đã nghi ngờ không biết mình hành động có đúng không, khi cứ nhất quyết không muốn mở các bãi tắm. Cái gì tác động đến anh – cảm giác về lỗi lầm của mình hay nỗi sợ cuộc tấn công mới của cá mập? Có thực anh chăm lo đến những người dân thị trấn không hay chẳng qua chỉ muốn yên thân, từ chối sự mạo hiểm?
– Tôi sẽ nói với ông như thế này, Larry ạ. Tôi sẽ mở các bãi tắm. Nhưng không phải để giúp ông, bởi vì nếu tôi cứ không chịu thì đằng nào ông cũng phế tôi và hành động theo ý mình. Cứ để cho mọi người ra tắm, có thể trước kia tôi đã nhầm.
– Cám ơn Martin. Tôi đánh giá cao sự chân thành của cậu.
– Còn chưa phải đã hết đâu. Tôi nói là sẽ mở cửa các bãi tắm. Nhưng tôi sẽ chăng người của tôi ra, Hooper sẽ đi tuần trên canô. Và bất cứ ai đi ra biển cũng được biết đến những mối nguy hiểm.
– Cậu đừng có làm bừa! – Vaughan thốt lên. – Chẳng thà không cho ai ra còn hơn.
– Tôi dám làm, ông Larry ạ, tôi sẽ làm đúng như vậy.
– Thôi được Martin ạ, – Vaughan đứng dậy. – Cậu không cho tôi nhiều quyền lựa chọn cho lắm. Nếu tôi phế cậu thì chắc ở địa vị thường dân cậu sẽ chạy ra bãi tắm, ngang dọc khắp các chỗ mà kêu lên: “Cá mập!” Thôi đành thế. Nhưng cậu nên biết điều một tí, Martin ạ, nếu không vì tôi thì hãy vì thị trấn.
Brody ra khỏi phòng làm việc của Vaughan. Vừa xuống cầu thang, anh vừa xem đồng hồ. Đã quá một giờ rồi, anh thấy thèm ăn. Anh đi dọc phố Water đến quán điểm tâm duy nhất ở Amity. Quán này thuộc về Paul Loeffler, bạn đồng học với Brody hồi ở trường trung học.
Brody mở cánh cửa ra vào bằng kính và nghe thấy tiếng Loeffler: “… tựa như đồ độc tài đáng nguyền rủa ấy, nếu muốn nghe tôi nói thẳng. Chẳng hiểu hắn cần gì”. Trông thấy Brody, Loeffler đỏ mặt. Đã có thời anh ta là một cậu thiếu niên gầy gò nhưng từ sau khi cai quản công việc của bố để lại, anh ta không trụ vững được trước con quỷ lòng là sự tham ăn tục uống – lúc nào trước mặt anh ta cũng lủng lẳng đủ thứ bánh kẹo – nên bây giờ nom anh ta như quả lê.
Brody mỉm cười.
– Cậu nói tớ đấy à? Paulie?
– Sao cậu lại nghĩ thế? – Loeffler đáp mà mặt càng đỏ lựng lên.
– Chẳng sao cả. Chỉ nói vui thế thôi. Nếu cậu cho tớ một bánh xanđuých – bánh mì đen với một miếng giăm bông và pho mát Thụy Sĩ, thêm ít mù tạt nữa, – thì tớ sẽ báo cho cậu cái tin dễ chịu.
– Hay nhỉ, có thể có tin gì được? – Loeffler sửa soạn bánh xanđuých.
– Tớ sắp mở các bãi tắm vào ngày lễ.
– Thế thì tớ mừng.
– Bán không chạy à?
– Ế ẩm cả.
– Cậu thì bao giờ chả ế.
– Có đâu như bây giờ. Nếu sắp tới tình hình không thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thì vì tớ mà sẽ bùng ra những hỗn loạn chủng tộc.
– Cậu nói cái gì tớ không hiểu.
– Tôi phải lấy hai cậu bé làm chân loong toong trong mùa hè. Đã cam kết. Nhưng tớ không đủ tiền thuê cả hai. Chưa nói đến chuyện thuê cả hai thì bây giờ chẳng có việc gì để làm. Vì thế tạm thời tớ chỉ dám nhận một. Một đứa người da trắng, đứa kia da đen.
– Thế cậu sẽ thuê đứa nào?
– Đứa da đen. Nó cần hơn. Lạy trời cho đứa thứ hai không phải là dân Do Thái.
*
Brody về đến nhà vào lúc quá năm giờ. Khi xe hơi của anh đi vào phố nhà thì cửa mở ra và Ellen chạy ra đón anh. Chị giàn giụa nước mắt và đang bị kích động vì chuyện gì đó.
– Có chuyện gì thế? – Brody hỏi.
– Lạy Chúa, anh đã về. Em gọi điện cho anh đến chỗ làm nhưng anh đã về rồi. Lại đây. Mau lên.
Chị nắm lấy tay chồng kéo ngang qua cửa đến chỗ để những thùng rác.
– Nó đây, – chị vừa chỉ vào một thùng rác vừa kêu lên. – Xem đi…
Brody mở nắp thùng rác. Phía trên một bọc rác lổn nhổn là con mèo của thằng Sean, – một con mèo đực khỏe mạnh, mũm mĩm tên gọi là Frisky[32]. Đầu con mèo ngoẹo đi, cặp mắt vàng khè nhìn về phía sau.
– Mẹ kiếp, sao lại thế này? – Brody hỏi. – Ô tô chẹt à?
– Không, người giết đấy. – Ellen nức nở. – một thằng du côn nào đó đã giết con mèo. Thằng Sean đứng ngay đấy lúc xảy ra chuyện. Bất thình lình từ một chiếc ôtô cạnh lề đường có một gã đàn ông chui ra. Thằng ấy tóm lấy con mèo và ra sức vặn đầu mèo cho đến khi gãy cổ. Thằng Sean nói là nó kêu răng rắc. Sau đó thằng du côn ấy quẳng con mèo xuống rãnh, rồi ngồi lên ôtô tếch thẳng.
– Thằng ấy nó có nói gì không?
– Không biết. Thằng Sean ở nhà. Nó phát rồ phát dại lên, em hiểu lắm. Vậy là có chuyện gì xảy ra thế, anh Martin?
Brody đóng nắp thùng rác đánh sầm một tiếng.
– Đồ chó đẻ! – anh chửi. Cổ họng anh nghẹn lại. Anh nghiến răng đến nỗi gò má nổi cứng lên. – Ta đi về nhà thôi.
Năm phút sau từ lối cửa thông ra sân đã thấy Brody cả quyết bước ra. Anh lật tung nắp thùng rác, ném nắp vào một xó. Rồi cúi xuống lôi xác con mèo lên. Cầm lại chỗ chiếc xe hơi, anh quẳng qua cửa sổ xe để ngỏ và ngồi vào sau tay lái. Anh phóng xe ra đường và chiếc xe, sau tiếng phanh rít ken két, chồm về phía trước. Bon được khoảng trăm yát, Brody giận dữ bóp còi.
Mấy phút sau anh đã đến nhà Vaughan – một dinh thự lớn bằng đá theo kiểu Tudor[33] trông ra đường Sprain, gần đường Scotch. Anh ra khỏi xe, tay cầm chân sau của con mèo chết, leo lên cầu thang bấm chuông. Brody thầm mong là anh sẽ không gặp Eleanor.
Cửa mở, Vaughan lên tiếng:
– A, chào Martin. Tôi…
Brody cầm con mèo dúi vào tận mặt viên thị trưởng.
– Ông thử nói xem nào. Đồ xỏ lá.
Vaughan tròn xoe mắt.
– Chuyện gì vậy? Tôi không hiểu cậu nói cái gì?
– Một kẻ trong đám bạn bè của ông thực hiện đấy. Ngay cạnh nhà tôi, trước mặt con trai tôi. Chúng nó đã giết con mèo của tôi. Ông xúi chúng nó hả?
– Bình tĩnh đã nào, Martin. – Có vẻ như Vaughan thực sự sửng sốt. – Có bao giờ tôi lại đi hành động như thế. Không bao giờ!
Brody hạ con mèo xuống và hỏi:
– Ông đã gọi điện cho đám bạn bè của ông sau khi tôi ra về?
– Ừ… có. Nhưng chỉ để bảo rằng ngày mai các bãi tắm sẽ mở.
– Chỉ có thế thôi?
– Phải. Thế sao?
– Ông nói dối một cách vô liêm sỉ! – Brody ném con mèo vào ngực Vaughan, con mèo rơi xuống đất. – Ông có biết cái thằng đê tiện đã vặn cổ con mèo nói gì không? Ông có biết nó quát cái gì với thằng bé tám tuổi nhà tôi không?
– Không. Tất nhiên là không biết rồi. Làm thế nào tôi biết được?
– Nó cũng nói hệt như ông. Nó nói: “Hãy bảo với bố mày là nên biết điều một tí”.
Brody quay người đi xuống thang gác, bỏ lại Vaughan đứng cạnh đống xương và lông không ra hình thù gì.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!