Huyết Y Kỳ Thư - Chương 25: Bị cướp tiêu nghi ngờ Đại hiệp
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Huyết Y Kỳ Thư


Chương 25: Bị cướp tiêu nghi ngờ Đại hiệp


Ngô Cương hỏi lại:

– Ta hỏi ngươi tại sao lại hạ độc thủ giết bạn ta ?

Tiểu thần long Hàn Vỹ hỏi lại:

– Huynh đài không phải Khúc Cửu Phong ư?

Ngô Cương ngơ ngẩn:

– Khúc Cửu Phong nào?

Tiểu thần long căm hận đến cực điểm đáp:

– Vạn Tà thư sinh!

Ngô Cương lơ mơ chẳng hiểu Vạn Tà thư sinh là ai. Chàng coi chừng giữa Tiểu thần long và Vạn Tà thư sinh dường như có mỗi thâm thù đại hận, nhưng
không hiểu vụ nầy sao lại dính líu đến người bái huynh của chàng là Tống Duy Bình.

Nghĩ vậy chàng hỏi ngay:

– Bất luận thư sinh gì gì đó ta không cần biết, ta chỉ hỏi ngươi tại sao lại sát hại tên tiểu hóa tử đó ?

Tiểu thần long cũng hoang mang chẳng hiểu chi hết, hỏi lại:

– Tiểu hóa tử là ai ?

– Người trong gốc cây này.

Tiểu thần long ngơ ngác:

– Người trong gốc cây ? Trong gốc cây có tiểu hóa tử nào đâu ?

Ngô Cương xẵng giọng hỏi:

– Ngươi không dám thừa nhận ?

Tiểu thần long nói:

– Huynh đài có thể nói rõ hơn không ?

Ngô Cương rất đỗi nghi ngờ. Chàng xem chừng Tiểu thần long không phải là
hạng tàn ác đồng thời vẻ mặt gã không có chi giả dối, chàng tự hỏi:

– Vụ này là thế nào đây ?

Rồi hỏi lại Tiểu thần long:

– Ngươi thừa nhận đã sát hại người trong gốc cây này chứ ?

Tiểu thần long đáp:

– Về điểm này thì đúng rồi.

– Thế thì còn cãi gì nữa ?

– Nhưng huynh đài bảo là tiểu hóa tử.

Ngô Cương hỏi ngay:

– Vậy chớ ngươi giết ai?

– Người mà tại hạ hạ sát không phải tiểu hóa tử.

– Ngươi hạ sát ai?

– Một cô gái vô liêm sỉ.

Ngô Cương vẫn chí kiếm vào cổ họng đối phương chưa thu về nhưng giọng đã hòa hoãn hơn, chàng hỏi:

– Một cô gái ư ?

Tiểu thần long hỏi lại:

– Huynh đài chưa nhìn rõ hay sao ?

Ngô Cương thu kiếm về vọt lại miệng huyệt định thần nhìn kỹ thì quả nhiên
vừa rồi chàng chưa thấy rõ, giờ mới nhận biết điều ngoắt ngoéo là mái
tóc dài hãy còn đó, thoa trâm vẫn y nguyên. Những mảnh áo rách rõ ràng
là quần áo đàn bà. Xương cổ tay kẻ bị nạn còn đeo chiếc xuyến ngọc. Sự
thực đã chứng minh Tiểu thần long nói thiệt, chàng tự hỏi:

– Rõ ràng bái huynh mình bị Yêu Vương giam trong hốc cây. Hay y đã bỏ đi từ trước

Tiểu thần long tới sau lưng chàng cất tiếng hỏi:

– Huynh đài chắc đây là một vụ hiểu lầm.

Ngô Cương quay lại đổi giọng đáp:

– Vụ này tại hạ hiểu lầm thiệt.

Tiểu thần long cũng nhăn nhó cười nói:

– Tiểu đệ cam đắc tội với huynh đài.

Ngô Cương dàn hòa:

– Chúng ta đều có chỗ sơ sót chẳng riêng gì các hạ.

Tiểu thần long lại hỏi:

– Tiểu hóa tử mà huynh nói là ai vậy ?

Ngô Cương đáp

– Y là bái huynh của tại hạ tên là Tống Duy Bình

Tiểu thần long ngập ngừng hỏi

– Y… Trú ẩn trong hốc cây này sao ?

Ngô Cương đáp:

– Phải rồi y ở trong hốc cây cách đây gần 1 năm.

Tiểu thần long la lên:

– Ủa tiểu đệ mới tới đây nửa năm trước, không thấy người huynh đài nói đâu cả.

Ngô Cương xoay chuyển ý nghĩ. Chàng tính thời gian thì sau trăm ngày tự
cầm, bái huynh nhất định đã rời khỏi nơi đây. Còn vụ Tiểu thần long vì
lẽ gì đã hạ sát một cô gái thì chàng không sao đoán được. Động tính hiếu kỳ chàng buột miệng hỏi:

– Cô gái mà huynh đài hạ sát đó là ai ?

Tiểu thần long trở lại vẻ mặt căm phẫn nghiến răng đáp:

– Y là người yêu của tiểu đệ.

Ngô Cương sửng sốt hỏi

– Người yêu của huynh đài ư ?

– Phải rồi…

– Các hạ giết y rồi ư ?

– Đúng thế!

– Tại sao vậy ?

– Vì y đáng chết.

Đó là việc riêng của người khác đáng lẽ Ngô Cương không muốn hỏi tới,
nhưng vì Tiểu hóa tử Tống Duy Bình đã trú ngụ trong gốc cây này. Không
chừng cái chết của cô gái kia có mối liên quan đến bái huynh.

Nghĩ vậy chàng liền hỏi lại

– Tại hạ muốn nghe chuyện của các hạ có được không?

Tiểu thần long ngửa mặt lên trời hít mạnh một hơi dài rồi từ từ cất tiếng hỏi:

– Cách xưng hô huynh đài thế nào đây?

Ngô Cương sững sờ đáp

– Tại hạ họ Ngô.

Chàng nói họ mà không nói tên rõ ràng là có mối uẩn khúc. Tiểu thần long biết vậy nên không hỏi nữa gật đầu đáp:

– Ngô huynh, tại hạ đã tới chốn này nửa năm nay…

Ngô Cương hỏi:

– Nửa năm rồi ư?

Tiểu thần long đáp

– Đúng thế! Tại hạ muốn chờ Vạn Tà thư sinh Khúc Cửu Phong.

Ngô Cương hỏi:

– Chờ hắn để làm gì ?

Tiểu thần long thở dài

– Hỡi ôi! Câu chuyện khá dài xin rút ngắn lại. Tiểu đệ có người bạn gái. Hai bên đã đính ước ở với nhau cho đến lúc bạc đầu. Nửa năm trước nàng
đột nhiên thay lòng đổi dạ. Sau đó dò la tiểu đệ mới biết rằng nàng bị
Khúc Cửu Phong quyến rũ…

Gã nói bằng một giọng rất oán hận.

Ngô Cương lộ vẻ đồng tình liền hỏi lại

– Các hạ nghi biểu phi thường, chẳng lẽ gã Khúc Cửu Phong kia…

Tiểu thần long gạt đi:

– Thôi đừng nhắc tới nữa. Khúc Cửu Phong là một tên nham hiểm tàn ác,
nàng bị gã lừa gạt rồi hoàn toàn biến đổi lòng dạ không còn gì giống
trước. Tiểu đệ khuyên nàng hết lời lại bị nàng mai mỉa giễu cợt…

Ngô Cương hỏi xen vào

– Thế rồi các hạ nổi giận giết y phải không?

Tiểu thần long đáp

– Không! Tiểu đệ nào phải con người vô hạnh đến thế

Ngô Cương vội vàng xin lỗi

– Ủa! Tại hạ lỡ lời xin các hạ miễn trách. Rồi sao nữa?

Tiểu thần long ra chiều đau khổ, thanh âm biến thành phẫn khích:

– Tiểu đệ ở gần nhà nàng. Mẫu thân nàng là Tam Tương nữ hiệp nổi tiếng
giang hồ. Mấy năm trước bà bị hỏng mắt. Hai mẹ con nương tựa nhau mà
sống. Từ ngày nàng bị hắn dẫn dụ bỏ nhà ra đi không nhìn gì đến bà mẹ
đui mù. Tam Tương nữ hiệp tuy một lòng tha thiết nhớ con song cặp mắt hư rồi không làm thế nào được…

Ngô Cương bật tiếng la:

– Úi cha!

Tiểu thần long kể tiếp:

– Sau bà biết con gái yêu độc nhất bị Vạn Tà thư sinh cám dỗ thì lòng
vừa nóng nảy vừa phẫn nộ, uất ức thành bệnh liệt giường không dậy được.

– Trời ơi!

– Tiểu đệ nghĩ đến mối tình xưa tự mình chiếu cố cho bà. Một hôm nàng
trở về thì mẫu thân đã lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh. Lúc lâm
chung bà yêu cầu nàng đoạn tuyệt sự đi lại với Vạn Tà thư sinh rồi sa lệ mà thác.

Ngô Cương nghiến răng đáp:

– Thật đáng tội nghiệp!

Tiểu thần long hằn học kể tiếp:

– Tiểu đệ vẫn hi vọng nàng biết quay đầu lại coi lời di mệnh của mẫu
thân làm trọng. Ngờ đâu đắm đuối đã sâu, nàng chẳng động tâm chút nào.
Mẫu thân nàng chết chưa lạnh thịt, người chưa nhập liệm nàng đã … Đã

Ngô Cương ngắt lời:

– Y làm sao?

Tiểu thần long nghẹn ngào:

– Y cùng Khúc Cửu Phong làm trò đồi bại trước linh sàng.

Ngô Cương buột miệng la lên:

– Phải giết đi!

Tiểu thần long nghiến răng ken két, giọng run run kể tiếp:

– Hành động đại nghịch vô đạo của chúng bị tiểu đệ khám phá ra. Tiểu đệ
đã muốn hạ sát ngay lúc đấy. Đáng tiếc mình không phải là đối thủ của
bọn chúng nên trọng thương bỏ về. Vết thương khỏi rồi đệ thề giết đôi
cầu nam nữ đó. May thay đệ vô tình được một nhà săn bắn cho hay thị ẩn
thân ở hốc cây nầy.

– Ủa?

– Tiểu đệ tìm đến song thị không có ý hối hận, lại còn thốt lên những lời hỗn xược. Tiểu đệ giận quá vung kiếm giết thị…

Tiểu thần long ngừng một chút, vẻ mặt gã đột nhiên biến thành đau khổ gã kể tiếp:

– Trước khi tắt hơi nàng nói rõ sự thực là hối hận vô cùng nhưng đã chậm mất rồi. Nàng cố ý buông lời mai mỉa để tiểu đệ tức giận giết nàng.
Nàng chấp nhận lấy cái chết để chuộc tội…

Ngô Cương ngắt lời:

– Thị tự mình chuốc lấy nghiệp chướng thì còn sống làm sao được ?

Tiểu thần long nói:

– Tuy theo lý lẽ là vậy nhưng nàng đã mang thai, lại bị Khúc Cửu Phong
ruồng bỏ. Nang đành lánh đời sống trộm. Nàng chết rồi. Cuộc đời kết thúc trong hối hận. Tiểu đệ đã tuyên thệ quyết giết chết Khúc Cửu Phong
nhưng gã hành tung vô định. Tiểu đệ đành ôm cây đợi thỏ. Nàng đã mang
cốt nhục của gã trong bụng nên đệ tin rằng có một ngày kia gã sẽ trở lại chốn này.

Gã nói tới đây đột nhiên sắc mặt biến đổi rú lên một tiếng.

Ngô Cương kinh hãi hỏi:

– Có chuyện gì vây ?

Người Tiểu thần long lảo đảo hai cái rồi ngã huỵch xuống đất.

Trên không vang lên một tiếng cười lạt.

Ngô Cương chấn động tâm thần. Chàng biết Tiểu thần long đã bị ám toán, liền vọt người nhằm phía phát ra tiếng cười nhảy tới.

Chỗ này là một khu rừng rậm trong chốn thâm sơn, Ngô Cương không nhìn thấy
gì liền quay trở lại thì thấy Tiểu thần long đang thở hồng hộc. Gã máy
môi luôn mấy cái, chàng phải cúi xuống mới nghe rõ miệng gã nói lẩm bẩm

– Vạn …Tà…Thư…Sinh…Khúc…

Rồi ngoẹo đầu chết, hai mắt vẫn mở trừng trừng.

Ngô Cương lông tóc dựng đứng cả lên, chàng phẫn khích vì công nghĩa liền khảng khái nói:

– Hàn huynh! Hàn huynh cùng tiểu đệ không hẹn mà gặp nhau trong tình
trạng có cùng một mối nhân duyên. Tiểu đệ quyết báo thù cho Hàn huynh.

Dứt lời Ngô Cương vuốt mắt cho Tiểu thần long nhắm lại.

Vụ này rất tầm thường trong chốn giang hồ song lòng người đương sự thì thật là thê thảm.

Ngô Cương buông tiếng thở dài bỏ thi thể Tiểu thần long cùng thanh kiếm của gã xuống huyệt rồi lấp đất lại.

Đôi tình nhân này hồi sinh tiền đã phải chịu bao nhiêu khổ đau hành hạ, lúc chết đi lại ngủ chung một huyệt. Thật là tạo vật đa đoan bày ra tấn
kịch thê thảm cho người đời.

Ngô Cương lẳng lặng nhìn vào hốc cây một hồi lâu, chàng nhớ tới mục đích tới đây là kiếm bái huynh Tống Duy
Bình, chàng cũng biết đó chỉ là ý niệm nhó chỗ chia tay ngày trước chứ
thời gian đã gần cách một năm trời thì chắc chắn tiểu hóa tử đã bỏ đi từ lâu rồi. Vì thế chàng cũng chẳng lấy chi làm thất vọng có điều lòng
chàng hơi bâng khuâng về cái chết của Tiểu thần Long.

Ngô Cương nghĩ thầm:

– Chỉ cần sao tìm được người của Cái Bang thì việc kiếm Tống duy Bình chẳng lấy chi làm khó

Nghĩ vậy, Ngô Cương liền ra khỏi khu rừng nhằm nẻo đường Ngọa Long Cốc mà tiến đến.

Ngọa Long Cốc ở núi Long Trung, bao nhiêu nhân vật võ lâm đa màu sắc rải rác trên đường đi vào hang.

Cửa hang trước Công Nghĩa đài, bóng người lố nhố chen chúc nhau đông đến
nỗi tưởng chừng nước cũng không chảy qua được. Ngờ đâu lúc này trên đài
cao ngất lại yên lặng như tờ, chẳng có một bóng người nào.

Hai
bên tả hữu đài chánh hơn chừng năm thước đều dựng một đài phụ. Những đài phụ này dùng làm nơi chuyên để giải quyết những mối tranh chấp giữa hai bên đối thủ.

Hiện giờ hai tòa đài phụ đã có mấy chục người ngồi, đài mé hữu chừng mười vị ăn mặt theo kiểu đạo sỹ.

Làn sóng người vẫn từ ngoài rầm rộ kéo tới không ngớt. Trông xuống khu bình dương trong hang núi thấy đầu đen lúc nhúc.

Vừa chính Ngọ, ba tiếng chuông đồng lớn vang lên, một khu không trường rộng lớn lại trở nên yên tĩnh.

Bốn tên Kim kiếm thủ từ phía sau đài nối đuôi nhau đi ra, hai gã chia nhau đứng ở hai góc chính đài. Đó là những tên giám đài.

Tiếp theo là một lão râu dài mặt đỏ từ từ tiến thẳng đến trước đài.

Dưới đài nhốn nháo một chút. Lão già mặt đỏ râu dài đưa mục quang nhìn quần
hùng một lượt để thi lễ rồi cất tiếng dõng dạc tuyên bố.:

– Lão phu là chưởng lệnh Võ lâm minh tên là Hồ Đại Du vâng lệnh minh chủ giữ gìn trật tự cuộc họp bữa nay…

Lão ngừng một chút rồi nói tiếp:

– Bây giờ xin mời tổng tiêu đầu của Dư Đông tiêu cục tên là Thần thương Khâu Vân và Mang sơn khách là Trần Đại Dụng lên đài

Lời tuyên bố vừa dứt thì một lão già áo đen và một người đứng tuổi ăn mặc kiểu nhà buôn theo hai bên tả hữu lên đài.

Hai người song song nhìn chưởng lệnh Hồ Đại Du thi lễ rồi quay ra chắp tay xá một vòng đoạn tự báo danh hiệu.

Lão già áo đen sau lưng gài hai cây đoản thương chéo lên nhau. Chẳng nói
cũng biết lão là Thần thương Khâu Vân. Còn người đứng tưởi ăn mặc theo
kiểu nhà buôn là Mang sơn khách Trần Đại Dụng.

Chưởng lệnh Hồ Đại Dụ nhìn hai người nói nhỏ một hồi rồi lên tiếng giới thiệu:

– Khâu tổng tiêu đầu và Trần đại hiệp có thỉnh cầu bản đài giải quyết
những vụ xích mích ngày trước. Cả hai bên đồng ý theo điều thứ ba mở
cuộc quyết đấu công khai kỳ cho đến chết mới thôi

Dưới đài bầu không khí yên tĩnh lạ thường tưởng chừng tiếng kim rớt cũng nghe rõ.

Chưởng lệnh Hồ Đại Du quay lại hỏi hai người:

– Hai vị đồng ý điều khoản đó chứ?

Cả hai đồng thanh đáp:

– Đồng ý.

Chưởng lệnh Hồ Đại Du lại hỏi:

– Về phương diện binh khí có hạn chế gì không?

Hai người đáp:

– Tùy tiện hết sức mà làm.

Chưởng lệnh Hồ Đại Du nói:

– Hay lắm! Bây giờ bản chưởng lệnh tuyên bố sự thực. Năm trước Dư Đông
tiêu cục bảo tiêu một món hàng hóa tiến kinh qua núi Mang sơn bị cướp,
các tiêu sư cùng người chạy cờ hiệu đều bị giết. Chỉ còn một người sống
sót nhưng cũng trọng thương trở về. Người này về đến tiêu cục cũng tắt
hơi chết nốt. Vết thương trí mạng là Hồng sa thủ. Các vị đồng đạo hẳn
cũng rõ Hồng sa thủ là tuyệt nghệ của độc đáo của Trần đại hiệp. Sự kiện ấy lại xảy ra ở chân núi Mang sơn nên Trần đại hiệp khó lòng tránh khỏi mối hiềm nghi. Nhưng Trần đại hiệp thanh minh lúc vụ án này xảy ra đang ở ngoài xa chưa về. Hai bên đều giữ vững lý lẽ của mình. Sau cùng chỉ
có một đường cùng quyết đấu một phen.

Dưới đài nhao nhao nổi lên những tiếng nghị luận:

– Phương thức giải quyết này có thể gọi là công nghĩa được chăng ? Đã
không phân biệt hắc bạch lại chẳng biết phải quấy mà xảy ra lưu huyết
cho hai bên thì công nghĩa ở chỗ nào? Ai là hung thủ cướp tiêu giết
người? Nếu đúng Mang sơn khách cướp tiêu giết người rồi hắn lại thủ
thắng thì còn gì là công nghĩa.

Tuy nhiều người lấy làm bất mãn nhưng chẳng ai phản đối, đại đa số người đến đây là để xem cuộc chiến đấu.

Võ đạo cần có nhiều kẻ sĩ chính nghĩa tài trí để bảo vệ công đạo. Nếu
không thì cái gì cũng nhân thời thế chuyển biến mà mai một. Lịch sử võ
lâm chẳng thấy gì những tiền lệ đã bày ra.

Chưởng lệnh Hồ Đại Du giơ một tay lên. Lần này hắn dõng dạc tuyên bố:

– Xin liệt vị bình tĩnh, giờ quyết đấu bắt đầu khai diễn…

Hắn nói xong lùi lại phía sau đài.

Thần thương Khâu Vân và Mang sơn khách Trần Đại Dụng đứng song song nhìn
quần hào phía dưới chắp tay thi lễ rồi lui vào khu trung ương. Hai người quay mặt vào nhau đứng chắp tay thi lễ.

Thần thương Khâu Vân rút song thương ở sau lưng ra đặt chéo trước ngực. Ánh mặt trời chiếu vào,
lưỡi thương lóe lên hàn quang chói mắt.

Mang sơn khách Trần Đại Dụng lạnh lùng nói:

– Khâu lão ca! Tại hạ xin lão ca nghĩ kỹ lại.

Thần thương Khâu Vân đập đôi thương vào nhau đánh choang một tiếng vang lên, hằn học nói:

– Trần Đại Dụng! Bữa nay trong hai người chúng ta chỉ có một sống sót trên công nghĩa đài này thôi!

Mang sơn khách Trần Đại Dụng hỏi lại:

– Chẳng lẽ không còn đường lối nào sao.

Thần thương Khâu Vân đáp

– Chưởng lệnh đã công bố với đồng đạo thiên hạ rồi

Mang sơn khách Trần Đại Dụng nói:

– Tại hạ vẫn thanh minh là vụ án đó không phải tại hạ gây ra.

Thần thương Khâu Vân nói:

– Bây giờ có xảo ngôn cũng bằng thừa, chỉ bàn tay mới là sự thực.

Mang sơn khách Trần Đại Dụng hững hờ nói:

– Tại hạ nhận thấy vụ này không đáng…

Thần thương Khâu Vân quát lên:

– Đừng nói nhiều lời! Lấy binh khí ra !

Mang sơn khách Trần Đại Dụng vẫn lạnh lùng nói:

– Tại hạ xin lấy tay để bồi tiếp!

– Tiếp chiêu đây!

Song thương Khâu Vân chưa dứt lời đã vung cặp thương như đôi giao long ra
khởi động nhằm chụp xuống Mang sơn khách Trần Đại Dụng.

Mang sơn khách Trần Đại Dụng vừa né tránh vừa nói:

– Tại hạ xin theo lễ nhường lão huynh một chiêu.

Song thương Khâu Vân lại thét:

– Quân thối tha kia! Nạp mạng đi !

Cặp thương lại vụt tới. Mang sơn khách vung chưởng lên đón. Thế là một trường ác đấu bắt đầu khởi diễn.

Cặp thương của Khâu Vân linh diệu phi thường. Đánh, chém, phóng điểm món
nào cũng ghê gớm khiến người coi phải hoa mắt, trong lòng hồi hộp.

Mang sơn khách Trần Đại Dụng thân thủ cũng vào hạng phi thường. Cặp tay vo
của hắn đã đến độ xuất thần nhập hóa. Thân pháp hắn cũng cực kỳ huyền
diệu, khác nào con cá lượn trong vùng thương ảnh.

Mười chiêu ! Hai mươi chiêu…!

Mang sơn khách Trần Đại Dụng còn có ý nghĩ gì mà không hiểu gặp nhiều cơ hội có thể đánh ngã đối phương mà đã bỏ qua.

Thần thương Khâu Vân vẫn một mực tấn công mãnh liệt chẳng chút e dè tỏ ra nỗi oán độc của lão rất sâu cay.

Năm mươi chiêu !…

Bỗng một tiếng rú vang lên.

Mang sơn khách loạng choạng lùi ra. Bả vai tuôn máu như suối. Hắn cất tiếng hỏi:

– Khâu lão ca! Chúng ta ước hẹn một ngày khác sẽ tái đấu có được không?

Thần thương Khâu Vân đáp:

– Trần Đại Dụng! Ngươi muốn nghỉ hay sao?

Mang sơn khách Trần Đại Dụng lạnh lùng đáp:

– Tại hạ nghĩ tới nhiều người trong quý tiêu cục bị chết một cách oan uổng nên không nỡ hạ thủ.

Thần thương Khâu Vân ngắt lời:

– Hãy coi thương của ta đây ! Đừng có giở giọng kẻ cả nữa.

Mang sơn khách Trần Đại Dụng lạng người né tránh rồi lớn tiếng:

– Khúc lão ca đừng bắt tại hạ phải hạ thủ giết lão ca.

Thần thương Khâu Vân cười gằn:

– Trần Đại Dụng! Phải chăng người sợ chết ! Bọn thủ hạ của lão phu không thể chết uổng được! Người nộp mạng đi thôi.

Mũi thương đâm loạn lên. Ánh thương thành một bức màn sáng loáng khiến người xem phải kinh tâm động phách..

Bỗng một tiếng quát vang lên:

– Dừng tay!

Không hiểu Mang sơn khách dùng thủ pháp gì mà hai tay nắm chặt được mũi thương của đối phương rồi giựt lấy.

Thần thương Khâu Vân còn hai tay không. Hổ khẩu bị toạc ra máu chảy đỏ hồng.

Mang sơn khách cất giọng lạnh như băng nói:

– Tại hạ không muốn giết lão ca. Mong rằng lão ca về báo với tiêu cục điều tra rõ thực hư

Hắn nói xong liệng cặp thương xuống đài.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN