Huyết Y Kỳ Thư
Chương 7: Hồi Chuyển phòng, Ngô Cương chịu thảm hình
Căn nhà này bằng những đá phiến xếp lên không một kẽ hở, Ngô Cương muốn
tìm chỗ giấu huyết y mà không được. Bây giờ chỉ còn cách xé nó đi.
Chàng nghĩ lui nghĩ tới, song chỉ thấy đi đến biện pháp là phó mặc thân mình
cho số mạng. Còn tấm huyết y sẽ xé thành mấy bức gói chung vào với những quần áo cũ, chàng tự nhủ:
– Nếu quả mình phải chết thì đối
phương thấy gói quần áo dơ bẩn này tất nhiên thiêu huỷ hoặc vứt bỏ. Vạn
nhất mà mình thoát nạn thì sau này vẫn còn dùng được.
Biện pháp
này thật ngây thơ, nhưng bản năng con người là lúc nào cũng cầu sống,
mặc dù trong lúc tuyệt vọng vẫn nghĩ đến một tia hy vọng mong mạnh hoang đường.
Chàng cho rằng: “Nếu mình đốt đi hoặc xé bỏ vẫn còn để lại dấu tích thì hai cách đó đều không ổn.” Đoạn chàng tự hỏi:
– Lão già Lý Thanh Sơn vì tấm huyết y kỳ thư này mà phải mất mạng, lúc
lâm chung lão tặng cho mình và bảo là “duyên pháp”. Bây giờ mình cũng
sắp chết đến nơi thì “duyên pháp” này sẽ về tay ai?
Ngô Cương nở
một nụ cười thê thảm để mỉa mai thân thế, chàng cởi hết quần áo xé tấm
huyết y thành bốn bức gói vào bên trong. Đoạn chàng mặc cái quần bằng da chùng xuống tới đầu gối mở cửa ngang nhiên đi ra để theo số phận.
Vẻ mặt Ngô Cương vẫn thản nhiên tựa hồ không biết đến sống chết là gì. Bất luận là ai trong trường hợp này cũng chẳng thể có vẻ mặt bình tĩnh như
chàng.
Trong nhà hai quái nhân áo đen không biết bỏ đi từ lúc nào chúng được thay thế bằng hai thiếu nữ tuyệt sắc mặc võ phục đứng đó.
Ngô Cương chợt liếc mắt nhìn lên trên bàn thấy có đặt hai chiếc trường bào
và hai cái đầu lâu xoã tóc. Chàng liền hiểu ra lúc ở ngoài mộ địa chàng
đã gặp quái nhân bay mất đầu rồi lại lắp đầu vào là chuyện này đây.
Đối phương nguyên là thiếu nữ giả trang quái nhân để chàng tự đi thay áo cho tiện, khỏi mối tị hiềm nam nữ.
Hai thiếu nữ đẹp như đào lý, trong như băng sương. Nét mặt nghiêm khắc khiến người nhìn thấy sinh lòng sợ sệt.
Hai cô ngó Ngô Cương rồi đưa mắt nhìn nhau. Một cô cất giọng cực kỳ lãnh lẽo:
– Ngô Cương! Bây giờ ngươi “hợp tác” với chúng ta.
Ngô Cương nghe hai chữ “hợp tác” mà cười dở khóc dở. Chàng không nói gì,
bao nhiêu mối uất hận dồn ra hai mắt. Chàng nhìn chằm chặp vào mắt thiếu nữ.
Mỗi thiếu nữ cầm một đầu dây. Các cô nắm tay Ngô Cương luồn
qua vòng xích sắt cột chặt lại rồi kéo dây lên. Chân Ngô Cương cách mặt
đất chừng một thước. Chàng bị treo tòn ten trên giá gỗ.
Hai thiếu nữ lại cầm lấy mỗi cô một chiếc roi da vung lên không veo véo.
Ngô Cương biết rõ đây là hình tiên đài. Lòng chàng se lại, da mặt co rúm.
Chát! Cây roi quất xuống người chàng trông như con rắn độc ngoe nguẩy quấn lấy người chàng.
Ngô Cương đau quá, bật tiếng rên la.
Cây roi cô này vừa thu về thì cây roi cô kia lại giáng xuống.
Tiếng roi và tiếng rên xiết rít lên thành một nhạc điệu chói tai.
Mỗi cây roi quật xuống, mình Ngô Cương lại nổi lên một vết lằn và chảy máu. Hai thiếu nữ đều là những cao thủ thượng thừa đánh đập một chàng thiếu
niên chưa luyện võ công thì cái đau đớn đến thế nào không cần nói ra ai
cũng biết. Máu rơi thịt đổ tơi bời. Hai thiếu nữ đẹp như hoa không ngờ
lại tàn ác đến thế! Đứng trước thảm cảnh này, hai cô tuyệt không thay
đổi sắc mặt. Nghe tiếng kêu gào, các cô coi như chẳng nghe thấy gì,
không một cái nhau mày nhăn mặt, tựa hồ các cô đánh vào khúc gỗ mà cũng
giống như đánh kẻ thù chẳng đội trời chung.
Ngô Cương kêu gào hồi lâu rồi kiệt lực, về sau chỉ còn lại tiếng rên ư ử. Từ trước ngực cho
tới sau lưng và khắp chân tay chỗ nào cũng máu thịt bầy nhầy, tưởng con
người đúc bằng sắt cũng không chịu nổi. Hồi lâu chàng hôn mê đi không
biết gì nữa. Hai thiếu nữ cũng dừng tay buông roi xuống nói:
– Công việc bữa nay thế là xong rồi.
Dứt lời cô lại tủ lấy bình thuốc tán thoa khắp mình Ngô Cương xong lại lấy bình thuốc quét lên người chàng.
Hai thiếu nữ làm xong việc cởi Ngô Cương xuống đặt chàng nằm lên giường rồi mỗi cô thu lấy áo trường bào và chiếc đầu lâu giả ra khỏi căn phòng.
Ngô Cương hồi tỉnh lại thấy trong nhà ánh minh châu vẫn sáng rực. Chàng
chẳng hiểu bây giờ là bao giờ và cũng không biết mình đã ngủ đi bao lâu. Câu hỏi đầu tiên của chàng là:
– Ta vẫn chưa chết sao?
Chàng vươn vai trở mình thì lạ thay! Chàng tuyệt không thấy đau đớn chút nào
hết. Chàng vừa sửng sốt vừa ngây người ra, miệng lẩm bẩm:
– Rõ
ràng mình bị đánh đập tàn nhẫn đến ngất đi mà sao bây giờ lại thế này?
Chiếc gỗ vẫn còn kia, tấm quần da vẫn bao quanh lưng mình tuyệt không có chút gì thay đổi.
Ngô Cương ngờ là mình nằm mơ, nhưng chàng cắn
vào môi vẫn thấy đau thì đúng là sự thực chứ đâu phải mộng ảo. Chàng
ngồi dậy bước xuống nhìn chiếc quần da thấy nó đã nhuộm thêm một lần máu tươi vừa khô.
Ngô Cương lại chăm chú nhìn vào ngực bụng, cánh
tay và khắp mình mẩy thì chỗ nào cũng chằng chịt những vết lằn, song đã
đóng vẩy sờ không thấy đau nữa. Chàng rất lấy làm kỳ mà cũng vô cùng sợ
hãi chẳng hiểu vụ này ra sao.
Ngô Cương chợt thấy bụng réo lên vì đói quá. Chàng ngoảnh đầu nhìn rồi thộn mặt ra. Trên bàn có một hồ
rượu, bốn đĩa thức ăn, một bát canh hơi nóng bốc lên nghi ngút và năm
cái bánh bao, không biết ai đặt vào đó từ lúc nào.
Tình trạng kì
bí này khiến cho chàng quên hết cảnh thảm khốc bị đánh đòn, quên luôn cả cừu hận. Đầu óc chàng chìm đắm vào luồng tư tưởng nghi ngờ. Chàng băn
khoăn tự hỏi:
– Vụ này là thế nào đây? Họ báo thù hay họ đòi nợ
mà sao không giết mình phứt đi cho rồi? Nếu họ cho cách đó chưa hài lòng thì bắt mình chịu thảm hình cho đến chết là xong. Sao họ lại trị thương cho khỏi và cho ăn bánh uống rượu?
Chàng đói quá, miệng thèm chảy nước miếng. Chàng quyết định:
– Dù ta có chết cũng ăn một bữa cho thành con quỷ no bụng. Nếu trong
rượu thịt có thuốc độc thì mình được kết quả tình mạng chóng vánh càng
hay.
Thế rồi chàng ngồi vào ăn như gió cuốn. Chàng không thích
rượu nhưng cũng dốc bầu uống một hơi cạn sạch. Bao nhiêu đồ ăn thức nhắm trên bàn chàng ăn nghiến ngấu cho kì hết mới thôi. Đoạn chàng chùi
miệng lên giường ngồi.
Cánh cửa kẹt mở, một thiếu nữ vào thu bát đĩa đồng thời đem đến cho chàng một bình trà.
Ngô Cương lại càng nghi hoặc tự hỏi:
– Đây là họ đối phó với kẻ thù hay là đối với tân khách.
Chàng không hiểu thời gian vẫn trôi qua hay ngừng lại. Chàng thấy nó lâu dài
quá đỗi. Chàng ngồi đã tê đít mà chàng chẳng thấy động tĩnh gì, tưởng
chừng như ở giữa một bầu không khí trầm tịch chết chóc. Ngoài tiếng hô
hấp, chàng không nghe một thanh âm nào khác. Cái trầm tịch lúc này cũng
giống như cái trầm tịch lúc chàng ở nơi mộ địa, nó khiến cho chàng phải
rùng rợn khủng khiếp.
Ngô Cương thử ra mở cửa phòng nhưng vô
hiệu. Vì tìm không thấy cơ quan chuyển động. Chỉ có cái cửa vào phòng
kín để thay áo là còn bỏ ngỏ. Chàng bâng khuâng đi vào thì trong này có
đủ nhà tắm, cầu tiêu. Bất giác chàng lắc đầu lẩm bẩm:
– Cách đối đãi như vậy thật là chu đáo hết chỗ nói.
Ngô Cương chẳng chần chờ gì nữa ngồi vào đi tiểu. Chàng chợt nhớ tới tấm huyết y kỳ thư liền tự nhủ:
– Sao mình không nhân lúc vắng người này coi kỹ lại xem bên trong có những bí mật gì?
Chàng toan cởi bọc áo ra thì bên ngoài có thanh âm của tên tứ hình đệ tử gọi vọng vào:
– Ngô Cương! Đến giờ rồi!
Ngô Cương vội chạy ra khỏi nhà bí thất thì thấy hai thiếu nữ đã đứng đó, vẻ mặt chúng vẫn trơ như đá lạnh như tiền. Chàng cất tiếng hỏi lại:
– Đến giờ làm gì?
Một thiếu nữ đáp:
– Giờ của ngươi đó.
Ngô Cương hỏi lại:
– Giờ của ta phải làm gì?
– Ngươi quên đây là Hồi chuyển phòng rồi sao?
– Ta chẳng hiểu chi hết.
– Vậy ngươi đã nghe ai nói tới thuyết luân hồi bao giờ chưa?
Ngô Cương giật nảy mình lên, hỏi lại:
– Luân hồi ư?
Thiếu nữ nở một nụ cười lạnh lùng đáp:
– Chết mà sống, sống mà chết. Thuyết luân hồi là như thế đó.
Hai thiếu nữ xăm xăm tiến lại bắt Ngô Cương treo lên giá. Chàng tan nát
ruột gan và hiểu đây là một thảm hình tàn nhẫn nhất thế gian. Họ đánh
chết đi cứu sống lại thoa thuốc cho khỏi, rồi cứ tiếp diễn như thế mãi.
Bất giác chàng khẽ la lên:
– Trời ơi! Hồi chuyển phòng, kiếp luân hồi là như thế này đây!
Chàng cố sức dẫy dụa, cựa cậy nhưng chẳng khác gì sức kiến đòi lay cột đá.
Chân tay chàng đã bị xiềng bằng xích sắt. Chàng la lên:
– Các ngươi giết chết ta đi cho rồi!
Một thiếu nữ đáp:
– Ngô Cương! Chúng ta chỉ biết tuân lệnh trên mà làm việc, chứ không có quyền hạ sát ngươi!
Ngô Cương trợn mắt lên rách cả mí, khoé mắt chàng rướm máu chàng gầm lên:
– Bọn ma quỉ kia! Các ngươi không phải là người nên chẳng còn chút nhân tính nào nữa.
Thiếu nữ đằng hắng một tiếng rồi đáp:
– Đây là U linh địa cung, vậy đúng là nơi quỉ thân của bọn U linh quỉ mị.
Hai thiếu nữ cầm lấy roi da…
Ngô Cương lửa giận công tâm. Chàng oẹ lên một cái rồi hộc máu tươi ra. Ý nghĩ tàn khốc khiến chàng hồi tỉnh.
Tiếng roi vụt xuống chát chát pha lẫn tiếng rên rỉ. Máu tươi thịt nát lại
diễn ra khủng khiếp. Cuộc thụ hình lần này cũng như lần trước.
Ngô Cương chết đi rồi sống lại. Chàng thấy mình nằm trên giường những nỗi
đau thương lại tiêu tan hết. Chàng cảm thấy đói lòng khát dạ thì trên
bàn rượu thịt đã bày sẵn đó. Tình trạng chẳng có chi thay đổi. Chàng
ngồi dậy, từ trên giường bước xuống co chân đá một cái. Bao nhiêu đĩa
bát vỡ tan tành. Rượu thịt tung toé đầy đất.
Ký ức tàn khốc khiến chàng phát điên, con người bằng xương bằng thịt bị thảm hình đày đoạ
đến thế là cùng! Bất giác chàng gầm lên như người nổi cơn khùng:
– U Linh phu nhân! Ta đã chết đi hai lần. Tiên phụ có nợ gì, ta trả như
vậy tưởng đã đủ rồi. Nếu là món nợ mạng người thì phu nhân giết ta đi,
ta quyết chẳng chau mày. Thủ đoạn này đã vượt qua phạm vi báo thù trả
oán!
Nhưng ngoài tiếng vang trong thạch thất, chàng không thấy thanh âm phản ứng nào khác.
Ngô Cương nghĩ lui nghĩ tới rồi quyết định tìm lối giải thoát để kết thúc
những nỗi đau khổ tùng xẻo thân hình. Cái chết đối với chàng lúc này
chẳng có chi đáng kể, nhưng biết chết cách nào đây?
Chàng tự nhủ:
– Thắt cổ mà chết đã sẵn có dây, nhưng làm như vậy là hành vi của đàn bà con gái. Mình đã là con Võ thánh không thể chết cách này được. Đập đầu
vào đá lỡ ra không chết, há chẳng thêm phần đau khổ? Cắt đứt mạch máu
cho huyết chảy ra hết mà chết là phương thức giải thoát hay hơn hết.
Ngô Cương nghĩ vậy liền lượm lấy một mảnh chén vỡ sắc bén. Chàng giơ cổ tay trái ra nghiến răng toan cứa đứt huyết quản thì một thanh âm lạnh lẽo
vang lên:
– Ngươi không thể chết được.
Thanh âm phát ra ở phía sau chàng vừa dứt, chàng cảm thấy cánh tay tê dại, mảnh sành rớt xuống đất.
Một thiếu nữ cung trang xuất hiện trước mắt. Ả chính là cô gái đến thu bát đĩa lần trước.
Ngô Cương nghiến răng hỏi:
– Chẳng nhẽ ta muốn chết cũng không được ư?
Thiếu nữ đáp bằng một giọng lạnh lùng nhưng rất cả quyết:
– Không được!
Ngô Cương cất giọng buồn buồn hỏi lại:
– Các vị dùng thủ đoạn không phải giống người này để đối phó với tại hạ để mua vui chăng?
Thiếu nữ hững hờ đáp:
– Tuỳ ngươi muốn nghĩ thế nào mặc ý. Có điều ngươi muốn chết thì không được đâu.
Ngô Cương dịu giọng:
– Tại hạ muốn gặp quý chủ nhân.
– Không được.
Ngô Cương ngập ngừng hỏi:
– Phu nhân… định làm gì tại hạ?
– Vấn đề này ta không trả lời được.
Ngô Cương trầm ngâm một chút rồi hỏi:
– Thảm hình này bao giờ mới kết thúc?
– Cái đó còn chờ mệnh lệnh của phu nhân.
Ngô Cương căm hận đến cực điểm. Giả tỷ chàng có bản lĩnh thì không cần suy
nghĩ gì, cứ xé nhỏ thiếu nữ trước mặt mình ngay tức khắc.
Thiếu nữ dựng bàn lên thu nhặt mảnh sành rồi quay lại bảo Ngô Cương:
– Ngươi không ăn uống đó là tự ngươi.
Ả nói xong mở cửa đi ra. Cánh cửa lại đóng chặt.
Ngô Cương ngồi thừ trên ghế muốn khóc mà không còn nước mắt. Sống không
sống được, chết chẳng chết cho! Dưới gầm trời tưởng không còn cực hình
nào thảm khốc hơn nữa.
Sau cuộc động hình tiếp tục diễn đi diễn
lại nhiều lần, về sau cái mà chàng cho là tàn nhẫn khủng khiếp không
phải là bản thân phải chịu cực hình mà lại là nỗi đau khổ trong thâm tâm lúc sống lại.
Ngô Cương nhiều phen tìm đường giải thoát vẫn
chẳng thành công vì nhất cử nhất động của chàng lúc nào cũng bị người
trong bóng tối giám thị.
Tiên hình độc đã tiếp diễn hết lần này
đến lần khác. Chàng đã định tuyệt thực cho chết, nhưng ý niệm này liền
bị kiềm chế, bất giác chàng trở lại ăn uống.
Ngô Cương không nhớ
rõ mình chết đi sống lại đã bao nhiêu lần. Chàng rất lấy làm kì là mình
bị hành hạ bằng hình phạt thảm khốc mà tinh thần càng ngày càng trở nên
tráng kiện. Người chàng bị tiên hình đánh nhiều quá rồi sau chàng không
biết đau nữa. Hai thiếu nữ đánh mỏi sức mệt tay chàng vẫn trơ như đã chứ không ngất đi nữa. Hai ả đành điểm huyệt chàng rồi cởi chàng xuống.
Ngô Cương hết ngủ lại tỉnh, vẫn chẳng thấy chi khác lạ, tự hỏi:
– Hành vi của U Linh phu nhân phải chăng là một lối báo thù điên khùng?
Nỗi thống khổ của Ngô Cương tựa hồ vô cùng tận. Lòng chàng đã chết rồi. Thân thể chàng cũng lâm vào trạng thái trơ như gỗ.
Một hôm sau khi Ngô Cương tỉnh lại, hai tư hình thiếu nữ mở cửa tiến vào sớm hơn mọi lần trước.
Ngô Cương đứng dậy tự động đi tới giá gỗ…
Một thiếu nữ nở nụ cười bí mật, xua tay nói:
– Hình kỳ của công tử đã mãn rồi.
Ngô Cương sửng sốt hỏi lại:
– Mãn rồi ư?
Thiếu nữ gật đầu. Ngô Cương lại hỏi:
– Phải chăng từ nay thay đổi phương thức khác?
Thiếu nữ hững hờ đáp:
– Ta cũng không biết. Bây giờ phu nhân có lệnh triệu công tử. Vậy công tử thay áo lẹ đi!
Ngô Cương nghĩ bụng:
– Giờ tối hậu đã điểm rồi đây. Ta chỉ mong được kết thúc cuộc đời một cách mau lẹ chứ đừng bị đày đoạ như tình trạng vừa qua.
Chàng tiến vào ám thất cởi chiếc quần da ra, mặc quần áo của mình vào. Tấm
huyết y kỳ thư đã xé thành bốn mảnh không mặc được nữa, chàng đành đặt
vào sau lưng.
Ngô Cương được đưa tới nhà đại điện huy hoàng lúc
ban đầu. Phong cảnh trong điện này không có gì thay đổi. Vẫn khám thờ
buông rủ màu xanh. Vẫn tám ả thiếu nữ cung trang thị lập trầm hương bốc
lên nghi ngút.
Một chiếc ghế bành để chênh chếch về mé hữu đối diện với khám thờ.
Hai thiếu nữ dẫn Ngô Cương vào trong điện rồi lặng lẽ rút lui.
– Mời ngươi ngồi xuống ghế.
Đó là tiếng U Linh phu nhân ở trong khám vọng ra. Thanh âm tuy lạnh lẽo nhưng hoà nhã khác trước nhiều.
Ngô Cương phẫn hận nét mặt xám xanh. Chàng hằn học nói:
– Phu nhân muốn giết muốn mổ xin hạ lệnh ngay đi, bất tất đày đoạ tại hạ làm chi nữa.
U linh phu nhân dịu giọng:
– Công tử hãy ngồi xuống đã!
Ngô Cương nghiến răng tiến lại ngồi xuống ghế. Chàng hỏi:
– Phu nhân còn nói gì nữa?
U linh phu nhân nói:
– Ngô Cương. Ba tháng vừa qua ta đã khuất nhục công tử khá nhiều…
Ngô Cương kinh ngạc giật nảy mình lên hỏi lại:
– Ba tháng rồi ư?
U linh phu nhân đáp:
– Quá ba tháng rồi. Vừa đúng một trăm ngày. Ta mừng công tử hồi chuyển công thành.
Ngô Cương sửng sốt:
– Phu nhân bảo sao?
U linh phu nhân nói tiếp:
– Lệnh tiên tôn ngày trước có ơn với tiểu nữ. Món ân tình đó nay trả lại cho công tử…
Ngô Cương đứng bật dậy như cái lò xo. Chàng hoang mang chẳng hiểu ra sao tự hỏi:
– Phải chăng đối phương điên rồi nên mới nói lộn xuôi lộn ngược. Bữa
trước mụ bảo đòi nợ, bây giờ lại nói đền ơn, đền ơn gì mà kỳ cục như
vậy?…
Chàng liền hỏi:
– Tại hạ hoàn toàn không hiểu ý tứ của phu nhân?
U linh phu nhân cười ha hả nói:
– Ta nói rõ là công tử sẽ vỡ lẽ ngay.
– Phu nhân chẳng đã nói là đòi nợ rồi ư?
– Cái đó chẳng qua là mượn lời để thi hành.
Ngô Cương hỏi móc:
– Hành động trăm ngày vừa qua phải chăng là phu nhân đã ban cho rất hậu?…
U linh phu nhân ngắt lời:
– Vì công tử chưa từng luyện võ. Ngoài cách đó không còn đường lối nào để nội lực công tử may chóng thành tựu.
Ngô Cương ngơ ngác hỏi:
– Sao? Cái đó là…
U linh phu nhân tiếp lời:
– Là thoát thai hoán cốt. Chẳng nhẽ công tử không cảm thấy trong người đã cải biến ư?
Nỗi oán hận trong lòng Ngô Cương được thay thế bằng sự kinh ngạc. Chàng
trợn mắt há miệng nói không nên lời. Thật là câu chuyện hoang đường
khiến người nghe khó mà tin được.
U Linh phu nhân lại nói tiếp:
– Nỗi đau khổ trong Hồi chuyển phòng của công tử không giống người
thường. Nhưng đệ tử bản cung nhiều lắm chỉ chịu đựng bảy lần chuyển
biến. Mỗi lần chuyển biến bảy ngày tức là 49 ngày đã thành công. Riêng
công tử phải một trăm ngày, nhưng sự thành tựu cũng cao hơn đệ tử bản
môn nhiều.
Ngô Cương kinh hãi đổi giọng hỏi:
– Nếu vậy thì ra phu nhân đã thành đạt cho tại hạ ư?
– Đây chỉ là mối tiền duyên.
Ngô Cương hỏi:
– Sao phu nhân không nói rõ từ trước.
U linh phu nhân đáp:
– Để công tử uất hận thì cuộc thành tựu mới tăng lên nhiều.
– Ủa!
– Ngô Cương! Công tử còn phải chịu khổ một phen nữa.
Ngô Cương lại giật mình. Chàng không khỏi thất sắc. Chàng nghĩ tới cái đau
khổ ở Hồi chuyển phòng. Theo lời phu nhân thì bảy ngày một lần chuyển,
mỗi lần bị đánh đòn thời gian ngất đi là sáu ngày. Thảo nào những vết
thương đã đóng vẩy.
Nghĩ vậy chàng buột miệng hỏi lại:
– Phải chịu một phen đau khổ nửa ư?
U linh phu nhân đáp:
– Công tử đừng sợ hãi. Lần đau khổ này chóng kết thúc và đem lại công lực bằng trăm năm.
Ngô Cương cơ hồ không tin ở tai mình. Chàng tự hỏi:
– Sao lại có chuyện kỳ thế? Chịu đau khổ có chi đáng kể mà nhất đáng trở nên bằng người có công lực trăm năm. Đây phải chăng là song thân linh
thiêng đã xui nên mình gặp được duyên phận này?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!