Huyết Y Kỳ Thư - Chương 8: Trong phòng riêng, tứ lão truyền công
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
149


Huyết Y Kỳ Thư


Chương 8: Trong phòng riêng, tứ lão truyền công


U Linh phu nhân cất tiếng gọi:

– Vân Hương!

Một thiếu nữ đứng đầu mé tả lập tức khom lưng đáp:

– Có đệ tử đây!

U Linh phu nhân ra lịnh:

– Ngươi đưa công tử đi tắm gội thay áo rồi nghỉ ngơi.

– Xin tuân lời chỉ dụ.

Ngô Cương chân tay luống cuống. Chàng cảm thấy cuộc tao ngộ rất ly kỳ, khiến chàng phải hoài nghi vụ chân hay giả?

Thiếu nữ cung trang tên gọi Vân Hương khép nép tiến lại nhìn Ngô Cương chúc câu vạn phúc rồi nói:

– Mời công tử đi theo tiểu nữ.

Ngô Cương ồ lên một tiếng rồi lẳng lặng quay vào phía khám che màn kính cẩn thi lễ. Đoạn chàng theo Vân Hương dời khỏi đại điện, trong dạ vẫn chưa
hết băn khoăn.

Chàng được đưa vào một phòng ngủ, cách bài trí cực kỳ trang nhã. Tại đây đã có một thiếu nữ áo xanh chờ đợi sẵn.

Vân Hương trỏ vào thiếu nữ nói:

– Tên cô em này là Tiểu Mai. Y phụ trách việc hầu hạ công tử trong mọi trường hợp ăn, ngủ, đi lại.

Ngô Cương sau mười năm phiêu bạt, chàng quên hết cuộc sinh hoạt chủ nhân có kẻ hầu người hạ. Chàng ngượng ngùng đáp:

– Xin cô nương dâng lời tạ ơn với phu nhân cho.

Vân Hương mỉm cười đáp:

– Công tử bất tất phải thắc mắc. Tiểu nữ xin cáo từ.

Dứt lời thị vái chào rồi bỏ đi.

Tiểu Mai niềm nở nói:

– Thưa công tử! Mời công tử đi tắm gội thay áo.

Bây giờ Ngô Cương mới để ý nhìn Tiểu Mai thì thấy ả còn nhỏ tuổi lắm mới
khoảng mười ba, mười bốn, mà đã cực kỳ khả ái, nhất là cặp mắt đen láy
và đôi môi mỏng dính tươi thắm. Hiển nhiên ả là một cô bé thông tuệ và
linh lợi khác thường.

Trong phòng tắm đã chuẩn bị đầy đủ cho Ngô Cương đủ khăn áo, giày dép. Lòng chàng đối với U Linh phu nhân xiết bao cảm kích.

Ngô Cương tắm xong thay áo rồi trở về phòng.

Tiểu Mai vừa thấy chàng không khỏi sửng sốt. Cô nói bằng một giọng rất ngây thơ:

– Công tử ơi! Công tử biến thành người khác rồi.

Ngô Cương ngượng ngùng hỏi lại:

– Ta biến thành người khác ư?

Tiểu Mai trầm trồ:

– Trời ơi! Công tử đẹp làm sao! Hẳn công chúa phải thích…!

Ngô Cương ấp úng hỏi lại:

– Sao? Công chúa…

Tiểu Mai tự biết mình ăn nói bép xép. Cô biến sắc đảo mắt nhìn bốn phía, thè lưỡi ra khẽ dặn:

– Công tử! Công tử cứ coi như tiểu nữ không nói câu vừa rồi là hơn.

Ngô Cương cũng không hỏi nữa. Nhưng lòng chàng xiết đỗi băn khoăn, tự hỏi:

– Công chúa mà Tiểu Mai nói đây dĩ nhiên là con gái U Linh phu nhân. Ả vừa bảo công chúa thích mình là nghĩa làm sao?

Tiểu Mai trỏ vào tấm gương lớn đầu giường nói:

– Công tử hãy soi gương mà coi.

Ngô Cương thấy cô bé rất ngây thơ bất giác phải phì cười, nhưng chàng cũng
ló đầu nhìn vào tấm gương rồi đứng thộn mặt ra. Trong gương phản chiếu
bóng một chàng thư sinh tuấn mỹ.

Trước nay chàng chưa từng chú ý đến tướng mạo mình bao giờ.

Khi chưa vào địa cung chàng phải xin ăn để sống. Đừng nói quần áo cả mặt mũi chàng cũng không rửa qua lần nào.

Ngô Cương kinh ngạc đây không phải vì dung mạo tuấn mỹ mà vì sau trăm ngày
phải chịu cực hình hành hạ chàng yên trí mình không còn ra hồn người
nữa. Ngờ đâu kết quả phải khác hẳn. Vẻ mặt trở nên trong sáng vui tươi.
Tấm thân ốm nhóc biến thành cường tráng.

Tiểu Mai lại la lên:

– Công tử ơi! Công tử còn giữ mớ quần áo đó làm chi?

Ngô Cương không hiểu hỏi lại:

– Cái gì?

Tiểu Mai đáp:

– Từ nay trở đi công tử không phải mặc đến thứ đó nữa để tỳ nữ đốt quách đi cho rồi.

Ngô Cương xua tay nói:

– Không được! Ta cần phải giữ lại.

Tiểu Mai ngơ ngác hỏi:

– Công tử giữ mớ quần áo rách đó để làm chi? Trong cung thiếu gì gấm đoạn lụa là? Công tử còn sợ thiếu áo mặc chăng?

Ngô Cương ngắt lời:

– Không phải thế đâu. Mớ quần áo này đối với người khác thì chẳng đáng gì nhưng ta giữ lại để làm kỷ niệm.

– Kỷ niệm?

– Cô không hiểu được. Hãy ra ngoài đi, để ta nghỉ một lúc.

– Công tử không dùng cơm ư?

– Hiện giờ ta chưa thấy đói.

– Vậy khi nào công tử cần điều chi cứ gõ vào cái khánh trên bàn này là tỳ nữ vào ngay.

– Được rồi!

Tiểu Mai bước ra xoay tay khép cửa phòng lại.

Ngô Cương nằm duỗi dài trên trường kỷ trước giường nằm. Chàng cần được yên
tĩnh để suy nghĩ. Những cuộc tao ngộ ly kỳ khiến đầu óc chàng căng
thẳng, tưởng chừng như mình đang lạc vào cõi mộng. Chàng tự nghĩ:

– Mình đã chịu ơn huệ của đối phương, bây giờ có muốn cự tuyệt cũng
không thể được. Nhưng rồi sau này sẽ ra sao? Ở lại trong cung cũng dở,
mình biết đi về đâu? Dụng ý của U Linh phu nhân là thành toàn võ công
cho mình. Như vậy từ đây mình qui đầu U Linh môn, hay là…

Chàng chợt nhớ tới tấm huyết y kỳ thư thần bí kia, liền lấm lét nhìn quanh rồi mở huyết y ra coi.

Phía trước vạt đàng trước tấm huyết y mở đầu bằng một câu:

“Muốn luyện công phu này cần phải có tấm thân thuần dương”

Tấm thân thuần dương dĩ nhiên nói về người chưa kề cận nữ sắc mà còn là đồng thể.

Tiếp theo đến bốn chữ lớn: “Thiếu Dương Thần Công”

Kế đó những hàng chữ chi chít toàn là khẩu quyết về luyện công. Phía dưới khẩu quyết còn có phần chú thích sơ sài.

Ngô Cương tuy là người thông tuệ dị thường, chàng học chữ ở nơi Thái quản
gia, song khẩu quyết về võ công không giống như văn chương trong sách
vở. Chàng xem lần đầu chẳng hiểu ra sao, chỉ đọc sơ qua một lượt rồi mở
đến vạt áo sau lưng thì phía trên có bốn chữ đại tự: “Tham Hóa kiếm
pháp”.

Chàng lẩm bẩm:

– Tham Hóa kiếm pháp là gì? Cái tên mới quái lạ chứ!

Phía dưới chua bằng chữ nhỏ:

“Sau khi bị nạn ta nhớ lại những điều sở học mà tĩnh tâm tham ngộ, bỏ chỗ
rườm rà mà giữ chỗ tinh vi. Ta nghiên cứu kỹ càng để sáng chế ra một
chiêu kiếm pháp này. Thật là một chiêu đoạt quyền tạo hóa, một kiếm
thuật vi diệu khôn lường! Vì thế mới đặt tên là Tham Hóa kiếm pháp.

Muốn luyện kiếm pháp này phải tập thành thuộc môn Thiếu Dương thần công đã
rồi sau mới nghiên cứu đến kiếm pháp được. Kẻ nào có nội công thâm hậu
thì trong vòng ba năm đã lượm được thành quả bé nhỏ, phải năm năm mới
nên công lớn. Nếu không có nội công cơ bản thì mười năm chưa chắc đã ăn
thua gì.”

Ngô Cương thở phào một cái, tự nghĩ:

– Người
thường muốn học một chiêu kiếm thuật phải mất mười năm công phu mới
thành tài. Theo lời U Linh phu nhân hiện giờ ta đã có công lực trăm năm, cũng phải năm năm mới thành. Quãng thời gian năm năm há phải là ngắn
ngủi?

Hai tay chàng run lên, miệng lẩm bẩm:

– Lý Thanh Sơn tiền bối nói đây là “duyên pháp” quả nhiên đúng thiệt.

Ngô Cương tiếp tục coi xuống dưới thì là những yếu quyết về một chiêu kiếm pháp, phía dưới có chua mấy hàng chữ nhỏ:

“Kiếm thuật này không nên truyền thụ một cách bừa bãi mà cũng đừng để thất
truyền. Kẻ nào lấy được kiếm phổ nên học thuộc lòng rồi huỷ đi. Ngoài ra cần nhớ lời chỉ thị của người trao kiếm phổ mà làm. Nếu trái lời hoành
thiên cũng căm phẫn đó.”

Cuối cùng không thụ danh ai cả. Ngô
Cương chắc mẩm cứ xem tâm huyết y là biết rõ bí mật của nó, nhưng đã
thất vọng vì nơi đây không ghi gì hết. Câu sau cùng chỉ nói là theo lời
chỉ thị của người trao kiếm phổ mà làm. Người đó dĩ nhiên là Phi Thiên
Ngô Công Lý Thanh Sơn không còn nghi ngờ gì nữa, song lão lại bảo chịu
lời uỷ thác của người khác. Người giao huyết y cho Lý Thanh Sơn đã nói
gì? Ai đã viết tấm huyết y này? Tại sao lại đem võ công chép vào áo? Bấy nhiêu điều bí mật e rằng vĩnh viễn không bao giờ phanh phui ra được vì
Lý Thanh Sơn đã chết mất rồi.

Tấm huyết y đã dùng máu để viết vào lần trong tỏ ra nó ẩn giấu một thiên cố sự kinh người. Và trong kiếm
quyết có phụ chú một câu: “Sau khi ta bị nạn…”, bị nạn đây dĩ nhiên là
gặp phải cảnh thảm khốc. Hai chữ “bị nạn” có thể đại biểu cho cuộc tao
ngộ khốn nạn hoặc biểu lộ sự chết chóc. Vậy trong chuyện này còn lắm
chuyện nhiêu khê.

Bỗng ngoài cửa phòng Tiểu Mai lên tiếng gọi:

– Công tử!

Ngô Cương vội gấp huyết y lại nhét xuống dưới gối rồi mới hỏi vọng ra:

– Có việc chi vậy?

Tiểu Mai đáp:

– Tỳ nữ đem cơm rượu vào.

– Cô cứ vào đi!

Tiểu Mai đẩy cửa bước vào. Tay có bưng một cái mâm gỗ lớn đặt xuống bàn. Cô rót rượu vào chung rồi cười hì hì nói:

– Mời công tử dùng đi!

Ngô Cương thấy đói bụng liền ngồi vào bàn. Trên bàn có cả thảy tám món ăn
rất tinh khiết. Bát, đĩa, đũa, chén toàn là đồ trân quí hiếm có. Rượu
màu hổ phách mùi thơm ngào ngạt. Chàng không hiểu là rượu gì bèn hỏi:

– Tiểu Mai! Thứ rượu này kêu bằng gì?

Tiểu Mai đáp:

– Đây là Ngọc Lộ Hương chế bằng những kỳ hoa dị thảo. Nó vừa bổ khí vừa tráng kiện tinh thần.

Ngô Cương nói:

– Thế ư? Bây giờ cô có thể ra ngoài để mặc ta ăn uống.

Tiểu Mai nói:

– Hiện tỳ nữ không có việc gì, xin ở lại đây để rót rượu hầu công tử.

Ngô Cương không sao được đành ậm ừ. Chàng nâng chén lên khẽ nhấp một chút.
Quả nhiên là thứ rượu khác thường vừa ngon ngọt vừa ấm áp, uống vào rất
dễ chịu.

Chàng gợi chuyện hỏi Tiểu Mai:

– Tiểu Mai! Cô đến ở cung này đã bao lâu rồi?

Tiểu Mai ngập ngừng đáp:

– Tiểu tỳ… ở đây từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn.

– Cô ở đây đã lâu rồi nhỉ?

– Dạ! Tiểu tỳ theo gia mẫu đến đây.

– Thế lệnh tôn đâu?

Tiểu Mai buồn rầu đáp:

– Tiểu tỳ nghe nói từ lúc sơ sinh người đã bỏ đi rồi.

Ngô Cương thấy cô bé lộ vẻ đăm chiêu, liền hỏi sang chuyện khác:

– Cô có ra ngoài bao giờ không?

Tiểu Mai đáp:

– Có, nhưng chỉ độ vài lần.

Ngô Cương lại hỏi:

– Trong cung có nhiều người không?

Tiểu Mai ngập ngừng đáp:

– Công tử! Xin tha thứ cho tỳ nữ không thể bép xép được.

Ngô Cương lẳng lặng, chàng biết không thể hỏi dò những chuyện bí mật trong
địa cung được. Đồng thời chàng nghĩ tới U Linh phu nhân đối đãi với mình đã có ơn sâu không bề báo đáp mà mình dò dẫm chuyện bí mật của bà là
điều vô lễ. Giả tỷ không có quái nhân mặc bào đen hăm doạ cho Kim kiếm
thủ bỏ chạy thì chàng đã mất mạng rồi.

Ngô Cương ăn uống xong.
Tiểu Mai thu dọn rồi lui ra ngoài. Lát sau, ả lại đưa đến một bình trà
thơm. Ngô Cương có tâm sự riêng liền bảo cô bé ra ngoài. Chàng đóng cửa
phòng quay vào trước giường, lấy huyết y kỳ thư ra để cả tâm thần đọc
khẩu quyết võ công, hết lượt này sang lượt khác. Chàng không vội tìm
hiểu mà chỉ cần học thuộc lòng.

Ngô Cương thuộc làu rồi liền xé vụn huyết y gói cả vào trong mớ quần áo cũ, vứt xuống gầm giường.

Đồng hồ nhỏ giọt mỗi ngày mười hai giờ. Đến ngày thứ ba, vào lúc giờ mão, ở
bên ngoài lúc này mặt trời mọc lên soi sáng dưới thế gian. Nhưng ở trong địa cung thì lúc nào cũng vậy chẳng có gì thay đổi. Vân Hương vào phòng dẫn Ngô Cương đến một căn thạch thất tương tự như Hồi chuyển phòng.

Trong căn thạch thất này có bốn bà già đầu tóc bạc phơ đã ngồi đấy từ trước.
Chính giữa kê một cái sập gụ. Trên sập có bốn cái vòng sắt.

Bốn bà già nhắm mắt ngồi yên tựa hồ không biết có người tới.

Ngô Cương đã nghe U Linh phu nhân nói là sau ba ngày chàng còn phải chịu
một phen đau khổ. Chàng yên chí như vậy nên đứng trước một cảnh tượng kỳ bí chàng vẫn trấn tĩnh như thường.

Vân Hương trỏ vào sập gỗ nói:

– Công tử! Công tử hãy nằm lên sập kia xỏ vòng vào chân tay.

Ngô Cương đánh bạo nằm lên sập, luồn chân tay vào bốn vòng sắt. Vân Hương xiết vòng chặt lại rồi tủm tỉm cười nói:

– Công tử! Đây là ân huệ đặc biệt của phu nhân, cả bọn tiểu nữ là đệ tử người cũng rất kính ngưỡng công tử.

Ngô Cương chỉ ậm ừ cho xuôi chuyện.

Vân Hương quay lại nói với bốn bà già tóc bạc:

– Xin bốn vị trưởng lão thi triển công phu đi!

Bốn bà già giương mắt lên, tám luồng nhỡn quan chiếu ra như điện. Ngô Cương liếc mắt nhìn không khỏi sợ run.

Một bà già cất giọng lạnh lùng nói:

– Vân Hương! Ngươi hãy truyền thuật vận công của bản môn cho y trước đã.

Vân Hương vâng lời. Thị vừa trỏ vừa vạch, đồng thời giải thích cho Ngô Cương về phép hô hấp, tiến dẫn và vận hành nội công.

Ngô Cương xuất thân từ một nhà gia thế trong võ lâm. Tuy chưa luyện võ
công, nhưng theo Thái quản gia một thời gian khá lâu, hơn nữa chàng có
tư chất đặc biệt, mới nghe chỉ điểm một lần đã hiểu ngay. Công việc học
tập phép vận công mất chừng nửa giờ chàng đã thuộc hết.

Một mụ trong bốn bà già lấy một bình thuốc hoàn đưa cho Vân Hương nói:

– Ngươi cho y uống đi!

Vân Hương đón lấy bình thuốc ngần ngừ hỏi:

– Cho uống hết cả hay sao?

Bà già đáp:

– Phải rồi.

Vân Hương ngần ngại:

– Thưa trưởng lão! Y chưa có nội công căn bản, e rằng…

Bà già ngắt lời:

– Vân Hương! Chẳng lẽ bản toà lại không hiểu bằng người hay sao?

Vân Hương sợ hãi xin lỗi:

– Đệ tử không dám. Xin trưởng lão tha thứ cho đệ tử lỡ lời.

Ả nói xong mở nút bình thuốc. Ngô Cương tự động mở miệng dốc hết bình
thuốc vào. Thuốc hoàn bị nước miếng tan ra rồi trôi xuống cổ họng.

Ngô Cương để mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Chàng không nói nửa lời hay thực ra chàng cũng chẳng biết nói gì lúc này.

Một bà già lại nói:

– Vân Hương! Ngươi hãy tạm lui ra.

Vân Hương vâng lời ra khỏi nhà thạch thất.

Ngô Cương thấy một luồng nhiệt khí từ huyện đan điền bốc lên. Luồng nhiệt
khí này mỗi lúc một thêm mãnh liệt. Nỗi đau khổ của chàng cũng tăng gia
kịch liệt. Chàng tưởng chừng như luồng nhiệt khí đang hì hục trong người muốn kiếm đường tHóat ra. Nhiệt khí bành trướng khiến chàng đau đớn
phải phát rên. Mồ hôi trán nhỏ giọt.

Tiếng rên la mỗi lúc một
kịch liệt tưởng chừng như người bị chặt chân tay. Da thịt toàn thần
chàng co rúm lại rồi cả người chàng cũng co quắp. Thần trí chàng đâm ra
hồ đồ. Nỗi đau khổ vẫn gia tăng không ngớt. Về sau chàng muốn rên cũng
không thành tiếng được nữa.

Bốn bà già đồng thời đứng dậy chia ra đứng hai bên sập gỗ. Cả bốn bà cùng đặt tay vào hai huyệt mạch căn,
huyệt thiên đột và huyệt khí hải.

Bốn luồng nhiệt lưu từ ngoài trút vào trong người Ngô Cương.

Ngô Cương tưởng chừng như bị đặt trong lò than hồng và tựa hồ linh hồn bị
kéo ra khỏi thân xác. Vụ này so với hồi bị đánh bằng roi da còn đau khổ
gấp mấy.

Một lão phụ lớn tiếng quát:

– Hóp bụng dưới lại! Đẩy nhiệt khí vào huyệt khí hải…

Ngô Cương tuy mê man nhưng chưa mất hết linh trí. Chàng làm theo lời bà già.

Kế đó luồng nhiệt khí xông qua hết một cửa quan này rồi lại đến cửa quan
khác. Mỗi lần đả thông một cửa quan, Ngô Cương lại cảm thấy thân mình
khoan kHóai một chút. Luồng nhiệt khí sau khi xuyên qua ba mươi sáu đại
huyệt, hai luồng nhiệt lưu bên trong và bên ngoài hội họp biến thành một luồng nhiệt lưu mãnh liệt vô cùng xông vào sanh tử huyền quan hết lần
này sang lần khác.

Ngô Cương cảm thấy toàn thân chấn động, tứ chi rã rời, rồi chàng hôn mê không biết gì nữa.

Không hiểu Ngô Cương mê đi đã bao lâu, lúc chàng hồi tỉnh thì nghe có tiếng quát như sấm bên tai:

– Xung phá địa phủ.

– Quay về tứ trụ.

– Tụ khí vào kinh.

– Đẩy lên thiên đỉnh…

Ngô Cương nhất nhất làm theo. Chẳng bao lâu chàng cảm thấy một luồng nội
lực kì dị vận chuyển theo như ý muốn hết lần này đến lượt khác. Rồi
chàng ngủ thiếp đi.

Lúc Ngô Cương tỉnh lại thì trong nhà không
còn một ai. Chân tay cũng được cởi ra từ lúc nào. Chàng trằn mình nhảy
lên. Người chàng như một trái banh căng thẳng nhảy lên không. Chân tay
chàng luống cuống…

Huỵch một tiếng! Người chàng rớt xuống. Chàng kinh hãi đứng thộn mặt ra.

Giữa lúc ấy, cánh cửa mở, Vân Hương nhẹ bước đi vào chúc câu vạn phúc rồi nói:

– Thưa công tử! Kính mừng công tử thành công viên mãn.

Ngô Cương ngơ ngác vái chào đáp lễ rồi không biết nói gì nữa.

Vân Hương đứng sang một bên, vẻ mặt nghiêm trang nói:

– Phu nhân tuyên triệu công tử đó.

Ngô Cương đáp:

– Xin cô đi trước dẫn đường.

– Mời công tử đi theo tiểu nữ.

Chỉ trong chớp mắt ả đưa chàng vào điện đường rồi quay về vị trí đứng ở đầu mé hữu.

Trước khám đặt bốn chiếc ghế trên ngồi bốn bà già được kêu bằng trưởng lão.

Ngô Cương nhìn vào tầm rèm xanh, kính cẩn thi lễ nói:

– Kính tạ phu nhân đã thành toàn cho.

U Linh phu nhân ngồi sau bức rèm nói vọng ra:

– Công tử bất tất phải đa lễ. Mời công tử ngồi xuống ghế.

Ngô Cương tạ ơn ngồi xuống rồi hỏi:

– Phu nhân tuyên triệu vãn bối có điều chi huấn thị?

U Linh phu nhân nói:

– Hiện giờ công tử có trăm năm công lực rồi đó…

Ngô Cương ngắt lời:

– Ơn đức này vãn bối suốt đời không quên.

U Linh phu nhân gạt đi:

– Bất tất phải thế. Lão thân đã nói đây chẳng qua là báo đáp ân tình của lệnh tiên tôn ngày trước mà thôi.

– Dù sao vãn bối cũng xin ghi lòng tạc dạ.

U Linh phu nhân lại nói:

– Đáng tiếc là theo qui củ bản môn không được truyền công cho đàn ông mà cũng không thu phái nam vào môn hạ. Vì thế mà ngoài việc tặng trăm năm
công lực, lão thân không có cách nào truyền thụ võ công cho công tử
được…

Ngô Cương thành khẩn nói:

– Được thế này vãn bối cũng vô cùng thoả mãn rồi.

U Linh phu nhân ngập ngừng:

– Nhưng có điều ra ngoài thể lệ.

Ngô Cương trầm ngâm một lúc rồi hỏi lại:

– Xin phu nhân cho biết điều chi ra ngoài thể lệ?

U Linh phu nhân ra chiều suy nghĩ hồi lâu mới đáp:

– Trừ phi công tử trở nên một phần tử trong U Linh địa cung.

Ngô Cương hỏi lại:

– Dường như phu nhân đã nói là U Linh địa cung không thâu nạp nam đệ tử kia mà?

U Linh phu nhân đáp:

– Đúng thế! Lão thân không thu nạp công tử làm đệ tử được, song muốn biết công tử có thể trở nên gia nhân của U Linh môn chăng?

Ngô Cương hỏi ngay:

– Muốn thành gia nhân U Linh môn thì làm thế nào?

U Linh phu nhân quay lại hỏi bốn bà già:

– Bốn vị trưởng lão liệu coi đề nghị của bản toà có được không?

Bốn bà già đồng thanh đáp:

– Nhất thiết xin tuân theo chưởng môn định đoạt.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN