Kể Chuyện.......Đêm Khuya - Chương 3: Lại nói về "Những thứ dưới nước" (T)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
172


Kể Chuyện.......Đêm Khuya


Chương 3: Lại nói về "Những thứ dưới nước" (T)


Một số lượng không nhỏ những người tìm đến cái chết là những kẻ nghèo đói và những người sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Trong sách cổ thường có một số lượng lớn ghi chép về nỗi tuyệt vọng của những người buộc phải lựa chọn cho mình con đường chết. Đó là những người dân chạy loạn do chiến tranh hoặc những người dân lầm than cơ cực vì khổ sai lao dịch. Trên con đường đầy bất hạnh ấy, cứ cách mười bước chân lại có người đói khát treo mình trên cành cây. Thảm cảnh này thực sự là quá sức tưởng tượng. (Đương nhiên, nếu như có một vương triều không cho người dân cái quyền tự do giải thoát mình khỏi cái đói, cái khổ của cuộc sống bằng cách tự vẫn thì cũng chỉ là hình thức lấp liếm qua quýt để phô ra cái vẻ tốt đẹp bề ngoài mà thôi.) Nói đến thời kỳ loạn lạc, có thể dẫn ra đây một đoạn ghi chép từ cuốn bảy, Quang Châu binh mã trùng trong Di kiên chi chí quý tập:

Quang Châu (tức Hoàng Xuyên, Hà Nam ngày nay) trải qua thời kỳ chiến loạn bi thảm, tàn khốc trong lịch sử. Binh đao khói lửa vô tình khiến bao người dân vô tội chết thảm. Trong hoàn cảnh đó, nhiều anh hùng nhân kiệt như Thuần Hi Sơ, Trương Nhiễu Trịnh đã tìm mọi cách trấn thủ địa phận quận huyện mình cai quản. Thậm chí họ còn cho xây dựng hành lang trấn thủ kiên cố, vững chắc ở phía tây thành. Hỏi sai dịch của quan lại thì nhận được câu trả lời: “Những kho kiên cố đó đến nay chưa mở cửa một lần.” Trong suy nghĩ Trịnh Tố Tham ắt có tư tưởng phục quốc. Đạp đổ xiềng xích, gông cùm, gươm đao… đó đều là những tư tưởng lệch lạc làm tổn thất đến lợi ích quốc gia nên không thể tin dùng. Hệ lụy xảy đến là hàng vạn người treo mình trên xà nhà tự vẫn. Có người ghi lại: “Thời buổi loạn lạc, người dân chạy loạn kín đường, họ tự tìm cách giải thoát cho mình bằng sợi vải tơ thắt cổ tự vẫn.”

Hàng vạn người treo cổ tự vẫn trên xà nhà, con số này quả thực có sức mạnh tố cáo ghê gớm. Điều này đã trở thành một “hiện tượng” vô cùng kỳ lạ. Lần lượt hàng vạn người treo mình tự tử tạo nên một tình cảnh thảm thương, bi đát, xót xa đến cùng cực trong lịch sử Trung Hoa thời đó.

Mặc dù phần lớn những người tự vẫn đều thuộc tầng lớp dân đen con đỏ, những người rơi vào vào cảnh sống lầm than cơ cực, không lối thoát, nhưng đứng trên phương diện lịch sử mà nói thì đây quả thực là một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước. Một bộ phận không nhỏ những người tìm đến cái chết thời kỳ này là những trung thần hết mình vì đất nước, những liệt nữ kiên trinh tìm đến cái chết để bảo vệ phẩm giá cao quý của mình. Hành động ấy của họ tiêu biểu cho những con người trung nghĩa, chính trực trong vương triều, đối lập với những cái chết đê hèn của kẻ thất phu tiểu nữ chỉ bôi nhọ thêm cho nền thống trị vốn dĩ là linh thiêng thần thánh theo kiểu “tự kinh ư câu độc nhi mạc chi tri dã[16]”.

[16] Theo Luận ngữ.

Đặc biệt thời kỳ Tống, Nguyên sau này, khi cái lý học dần dần thấm nhuần trong tư tưởng của quần chúng nhân dân thì vấn đề tự sát được biểu hiện dưới những hình thức, thậm chí là những thủ đoạn đơn giản mà tinh vi hơn rất nhiều nhằm bảo vệ cái gọi là trung nghĩa, tiết liệt của người quân tử. Và dường như người ta cũng ưa lựa chọn cái “long xà” làm nơi thực hiện hành động treo thân mình tự sát để bảo vệ danh phẩm của mình. (Tất nhiên đây là việc làm của những người có thân phận cao quý trong xã hội.) Họ tìm đến hình thức tự sát này chẳng những để bảo vệ danh giá của gia tộc mà còn vì Tổ quốc. Mặc dù họ đã chết nhưng vẫn còn thế hệ con cháu sau này cung kính mà tưởng nhớ. Những hành động lập cờ biểu, lập bàn thờ, lưu danh sử sách đều là những thủ đoạn của những người đương quyền trong hiện tại hay quá khứ nhằm đề cao, tán dương những thứ được gọi là đạo đức hoàn thiện theo kiểu “dị dạng” đó. Thành thử hình thức này đã trở thành hành động “diễn trò” tồn tại trong suốt mấy triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Khi Sùng Trinh lên ngôi hoàng đế đã đưa ra lệnh chỉ những người thân cận, gần gũi nhất với mình mới được phép diện kiến, song hành cùng với nhà vua, còn những kẻ khác không có cơ hội này. Tin tức truyền đến, một số trung thần lũ lượt tìm cách treo mình lên xà nhà quyên sinh nhằm phản đối. Với hành động ấy, lẽ đương nhiên những người này sẽ được ghi danh trong sử sách. Một trường hợp khác, người mẹ khi biết con rể chết, người con gái đang còn xuân trẻ của mình buộc phải thủ tiết thờ chồng sẽ vô cùng khốn khổ. Bà đắn đo suy tính, hoặc là khuyên con nên bỏ đi cái chữ tam tòng, mặc kệ việc đánh mất danh tiết mà đi bước nữa, hoặc là giữ lấy hai chữ tiết trinh mà khuyên con mình treo cổ tự vẫn để trở thành tấm gương liệt nữ và được người đời sau truyền tụng, ngợi ca, lưu danh sử sách. Trong lịch sử những trường hợp như trên thường thấy rất nhiều.

Cho nên, dù không có số liệu thống kê một cách tuyệt đối nhưng nhìn một cách khái quát có thể quả quyết rằng treo cổ là phương thức tự vẫn được con người lựa chọn nhiều nhất trong lịch sử từ cổ chí kim. Mặc dù vậy nhưng ở thời cổ đại, một khoảng thời gian rất dài không có hồn ma treo cổ nào được quan tâm một cách đặc biệt. Chính vì vậy, có thể thấy loại hồn ma treo cổ xuất hiện tương đối muộn. Sau này, những người treo cổ tự vẫn đi vào các câu chuyện ma quỷ một cách rất tự nhiên, như ác ma đội lốt thái tử trong Tả truyện hay người con gái họ Cung trong câu chuyện Hồng diệp truyền thi trích từ Bắc mộng tỏa ngôn xuất hiện thời kỳ Ngũ Đại. Nhưng tất cả những linh hồn chết do thắt cổ tự vẫn này thường đều trở thành những linh hồn kỳ dị. Do những quy định nghiệt ngã của gia tộc đã chia cắt mối tình trong sáng giữa người con gái họ Cung xinh đẹp và chàng thư sinh Lý Nhân thông minh, tuấn tú. Tuyệt vọng, đau khổ vì tình yêu tan vỡ, nàng tìm đến cái chết. Nhưng:

Sau khi chết, linh hồn người con gái họ Cung vẫn vấn vương, không rời chàng thư sinh họ Lý. Vài năm sau, Lý Nhân đột nhiên lâm bệnh nặng. Gia đình thuốc men tìm người chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi. Một hôm, có vị đạo sĩ già đi qua, người nhà bèn mời vào xem bệnh. Đạo sĩ phán “Người này có âm tà đeo bám” nên sắp cho mấy lá bùa hòng xua đuổi tà ma. Từ khi có những lá bùa yểm bên người Lý Nhân, linh hồn người con gái họ Cung không còn chỗ đeo bám đành phải cáo từ ra đi.

Xem ra linh hồn treo cổ tự vẫn ấy không những đa tình mà còn vô cùng lương thiện. Nhưng xét về diện mạo bên ngoài hay tính cách bên trong của người con gái họ Cung kia so với những hồn ma khác cũng không có gì khác biệt. Ngay cả việc dùng âm khí thâm nhập vào người ở dương thế cũng là chuyện rất đỗi tự nhiên như những hồn mà khác vẫn thường làm. Tất nhiên, trong những câu chuyện viết về đề tài ma quỷ không thể thiếu những chi tiết được người viết cường điệu hóa một cách đặc biệt. Đó là những yếu tố kỳ ảo làm nên nét độc đáo, cuốn hút cho từng câu chuyện. Và truyện về người con gái họ Cung dẫn ra trên đây cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Nhưng để hình ảnh hồn ma treo cổ tự vẫn trở thành đề tài được định danh trong lịch sử các câu chuyện cổ thì ít nhất chúng ta cũng phải vượt qua được nỗi sợ hãi đơn thuần trước những câu chuyện ma quỷ đó. Đứng từ phương diện văn hóa mà nhìn nhận thì có lẽ bắt đầu từ thời Nam Tống, trong Di kiến chí, yếu tố ma quỷ đã chính thức xâm nhập vào trong các câu chuyện cổ. Tôi cho rằng hiện tượng này ít nhiều có liên quan đến những hạn chế nhất định trong khả năng trị quốc của triều đình đương thời, do đó có thể lý giải phần nào nguyên nhân khiến cho số lượng các vụ treo cổ tự vẫn ngày một gia tăng trong xã hội thời kỳ đó. Tuy nhiên, điều này chúng ta sẽ từ từ bàn đến sau.

Hình ảnh những hồn ma treo cổ tự vẫn trong Di kiên chí đương nhiên vẫn giữ được vẻ bề ngoài xinh đẹp có sức cuốn hút, hấp dẫn như những hồn ma thời Đường. Chắc hẳn nếu không có được dung mạo mê hoặc như thế thì làm sao có thể dụ dỗ những kẻ si tình say đắm đến điên đảo. Tất nhiên, trong số đó hi hữu cũng có những hồn ma treo cổ mà không có được vẻ bề ngoài hấp dẫn. Có những đôi lứa đang yêu nhau nồng thắm, nhưng khi một người bị vạch trần thân phận thực là một hồn ma treo cổ thì họ thành ra xa lạ, trở mặt thành thù, rồi xuất hiện những tình cảm oán hờn lẫn nhau. Có thể thấy, từ thời Nam Tống trở đi, mặt “Ác” trong những hồn ma treo cổ đã dần dần bộc lộ. Trong Di kiên ất chí, quyển hai mươi Đồng ngân tượng, có đoạn miêu tả lại cảnh đối đầu giữa hồn ma treo cổ và người tình sau khi trở mặt nhau: “Từ trên xà nơi chính giữa gian nhà, hai hồn ma cùng thè ra hai cái lưỡi dài hơn hai thước để tiêu diệt lẫn nhau.” Hình ảnh hai cái lưỡi dài dữ tợn lao vào tương tàn, sát hại lẫn nhau quả thực từ trước đến nay chưa bao giờ có trong lịch sử văn học.

Với tư cách là loại hồn ma hung dữ, hình ảnh “lệ quỷ” trở nên rất đáng thương nhưng cũng vô cùng đáng sợ. Đương nhiên, hình ảnh này có sự liên hệ mật thiết với dung mạo người chết khi treo cổ tự vẫn: lưỡi thè ra, mắt nhìn trừng trừng vẻ hung dữ, cổ ngoẹo sang một bên, tóc thả rũ rượi… Từ những hình ảnh trong thực tế đó, khi bước vào các câu chuyện ma quỷ bao giờ cũng có sự khuếch trương, phóng đại đến mức nào, thì bao giờ người viết cũng dụng công miêu tả chi tiết cái lưỡi như một điểm nhấn không thể thiếu khiến hình ảnh người chết hiện lên thêm phần rùng rợn, kinh hãi.

Cũng bắt đầu từ thời Nam Tống, xuất hiện một số câu chuyện về những hồn ma treo cổ không thể đầu thai chuyển kiếp. Những hồn ma ấy mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, giữa chốn u minh tăm tối, tĩnh mịch, lạnh giá. Di kiên chi chí canh tập, cuốn sáu với tên gọi Xứ Châu khách điện, Tam chí dân tập, cuốn chín mang tên Tiêu dân kiến hồ nhất ti, hay trong Tam chí dã tập, cuốn bốn có tên Phó cửu Lâm tiểu nữ… đều ghi chép lại những chuyện có liên quan đến vấn đề nêu trên. Linh hồn những người treo cổ tự vẫn một khi đã không thể đầu thai thì họ chỉ có thể lưu lạc giữa chốn trần gian mà gây chuyện, quấy phá làm hại dân lành. Những linh hồn ấy phải đợi đến khi có người trần làm công đức thờ cúng, làm lễ giải hồn thì mới có cơ hội chuyển thế đầu thai kiếp khác. Nhưng điều làm chúng ta băn khoăn là tại sao có những người nguyện treo cổ tự vẫn để giữ gìn phẩm giá sáng trong, để giữ vững cái đạo trung, hiếu, tiết nghĩa của người quân tử, hay cả những kẻ đáng thương vì không may rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, phải đi tới bước đường cùng tự tìm đến cái chết, họ khi còn sống hoặc là những kẻ đáng thương, hoặc là những người đáng kính, vậy tại sao khi chết, những vong hồn ấy đều khiến người dân sợ hãi, thậm chí là ghét bỏ đến như vậy?

Không những thế, một thời gian rất lâu sau, đến triều đại nhà Minh lại xuất hiện hồn ma treo cổ tự vẫn bắt buộc phải có “Cầu đại[17]” mới có thể đầu thai chuyển thể được. Thẩm Đức Phù trong Vạn lễ dã hoạch biên có đoạn viết: “Theo truyền thuyết, hễ có một người treo cổ tự vẫn ắt phải tìm một người khác thế mạng cho mình thì mới có thể đầu thai sang kiếp khác.” (Điều này cũng được nói đến trong một cuốn sách khác có tên là Liễu phàm tứ huấn) Có lẽ chính nguyên nhân này đã khiến cho những hồn ma treo cổ càng trở nên đáng sợ hơn với con người nơi dương thế. Và tất nhiên, để có thể đầu thai chuyển kiếp được, những hồn ma này đã không tiếc dùng những thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ thậm chí là cưỡng ép người khác tự tìm đến cái chết trên xà nhà hiu quạnh. Cho dù khi còn sống những hồn ma này là những người trung nghĩa, lương thiện, nhưng khi chết tất cả những phẩm chất ấy đã thay đổi hoàn toàn, họ trở thành con người ích kỷ đến độ vô liêm sỉ. Viên Mai trong Tử bất ngữ, cuốn mười sáu Liễu như thị vi lệ[18] đã ghi chép lại những điều mờ ám trong nhân gian: những hồn ma treo cổ không chỉ dụ dỗ con người ta đi đến quyết định tự tìm cái chết trên xà nhà, mà còn xui khiến rất nhiều người dân treo cổ hàng loạt. Những hồn ma khi còn sống có nhân phẩm, tướng mạo trong sáng, tuấn tú còn như vậy, huống hồ những bọn chuyên làm hại người khi sống, chuyện khi chết có lẽ cũng chẳng cần bàn luận thêm.

[17] Tức là người dương thế cầu khẩn cúng tế.

[18] Liễu rủ như nhỏ lệ.

Dưới ngòi bút tinh tế, sắc sảo của Viên Mai, những câu chuyện ma quỷ được kể bao giờ cũng ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Theo nhà văn, những hồn ma treo cổ tự vẫn mà linh hồn chưa siêu thoát vẫn thường lang thang khắp chốn dương gian để tìm người thế thân phù hợp với mình, phần lớn đều là những kẻ thất phu, tiểu nữ, nhân cách rất đỗi bình thường. Ngay cả cái chết của họ thực chất cũng chẳng khác gì cái chết theo kiểu “Tự kinh câu hách giả[19]”. Cho nên, nếu như Thượng Đế khai ân cho những kẻ chết đuối, cho họ hưởng đặc ân sau khi chết được luân hồi chuyển thể mà không nhất thiết phải thờ cúng, hương khói, cầu nguyện, thì những hồn ma treo cổ tự vẫn kia cũng cần được đối đãi như vậy. Thậm chí một số trường hợp đặc biệt cũng được phong là minh thần hoặc thần thổ địa. Như vậy, suy nghĩ của Viên Mai đã hình thành một giấc mộng đẹp về sự bình đẳng trong việc phân chia những đặc quyền đặc lợi giữa các linh hồn chưa siêu thoát. Tuy nhiên, theo kiến giải của chúng tôi, nhà thơ Viên Mai nên đưa ra quy định rõ ràng, đối với những dân nữ bình thường cũng phải hương khói chu toàn mới có thể được siêu thoát, nếu không “giấc mộng đẹp” kia sẽ rất khó được tán thành.

[19] Chẳng may rơi xuống nước mà chết đuối.

Từ thời Nam Tống đến nay, những hồn ma treo cổ tự vẫn được liệt vào các loại hồn ma “lách sách”. Vốn khi còn sống họ tìm đến cái chết thê lương, đau đớn là thế, vậy mà khi chết họ lại trở thành hồn ma chuyên đi làm những việc mờ ám, ác độc, sau này bị phạt không được đầu thai chuyển kiếp. Tất cả những điều này nên lý giải ra sao?

Người treo cổ tự vẫn trước đây phần lớn đều vì đói rét cơ hàn mà phải đi đến bước đường cùng là tự tìm đến cái chết. Nhưng từ thời Nam Tống trở lại đây, đa số những hồn ma treo cổ lại là các anh hùng, liệt nữ. Có người treo cổ trong hoàn cảnh binh đao loạn lạc, có người treo cổ vì chồng chết nên thủ tiết theo chồng, có người tìm đến cái chết để giữ trọn tấm lòng thủy chung son sắt với vị hôn phu chẳng may qua đời, có người vì bị cưỡng hiếp, uất ức mà treo cổ tự vẫn, có người vì miệng lưỡi thế gian hiểm ác buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình… Muôn hình vạn trạng những lý do khác nhau đã đưa đẩy con người ta đến với cái xà nhà lạnh ngắt để tự kết liễu đời mình. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng lớn đến việc hình thành quan niệm “tiết liệt dị dạng” ngày càng lan tràn trong đời sống xã hội, khiến cho hình thức treo cổ tự vẫn trở thành phương thức được lựa chọn nhanh nhất của những người vốn coi rẻ mạng sống của mình. Đối với triều đình thời đó, treo cổ tự vẫn đã góp phần tô điểm cho cái xã hội giả dối, bất lương. Với những người treo cổ khi còn sống họ bị ghẻ lạnh, coi thường, đến khi chết đi họ lại được triều đình liệt vào hàng trung thần liệt nữ, lập gian thờ thắp hương, thờ cúng trang trọng. Còn đối với gia đình, người thân và cả xã hội thì đó lại là một tổn hại ghê gớm đánh vào tâm thức của mỗi con người. Tự đáy lòng mỗi người dân, những con người coi rẻ mạng sống tự tìm đến cái chết vẫn được họ xem là một tai nạn đáng thương tâm không may xảy đến với mỗi gia đình. Trong Hữu đài tiên quán bút ký, cuốn một có đoạn viết:

Huyện Quảng Đông Hoa có một ngôi làng nhỏ. Người dân ở ngôi làng đó sống vui vẻ, quây quần bên nhau. Từ ngôi làng đi về phía thành phố khoảng hơn mười dặm, có một con sông nhỏ, nước chảy xiết, xanh biếc vắt ngang qua. Nối hai bờ sông là cây cầu sắt. Bên bờ có một tảng đá dáng vẻ rất giống một ông lão không biết đứng đó tự bao giờ. Mọi người trong thôn đều gọi đó là “Kiều đầu thổ địa thần[20]”, hương hỏa rất cẩn thận. Sau này, trong làng có sáu người con gái đều ở vậy không lấy chồng, một hôm, họ cùng hẹn nhau đứng trên cây cầu mà nhảy sông tự vẫn. Từ đó, người dân nơi đây truyền tai nhau câu chuyện bi thương về sáu người con gái đang độ xuân thì ấy. Mặc dù có thần thổ công đứng bên cầu mà vẫn không thể bảo vệ họ thoát khỏi cái chết chìm bi đát. Thấy vậy, người dân nơi đây dần dần phá bỏ tục lệ thờ cúng tảng đá bên sông.

[20] Thần thổ công đứng ở đầu cầu.

Cả sáu người con gái cùng “thủ chí” đồng lòng tìm đến cái chết khi còn xuân trẻ, xét từ phương diện đạo đức thì điều đó tất yếu gây nên một tiếng vang lớn, một dư âm khó quên trong tâm thức người dân làng. Từ đó, nhân dân ngày đêm hương khói, cầu nguyện cho linh hồn họ sớm siêu thoát đầu thai kiếp khác, và mãi truyền tai nhau câu chuyện thương tâm này. Nhưng cũng phải thấy một điều trong trường hợp này, cho dù là thần thổ công cũng không có cách nào ngăn cản hành động tự sát bất ngờ và có chủ ý của họ, nên việc không còn tin tưởng và thờ cúng thần thổ công như trước của dân làng cũng cần phải xem xét. Mọi người đối với việc tự sát cũng tương tự như vậy, ngay cả trường hợp là những người trung nghĩa, liệt nữ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, còn lại là những người thân thiết của họ cũng không thể ngồi im mà nhìn con cháu mình tìm đến cái chết mà không ngăn cản hay ít ra là cầu nguyện cho họ, huống chi là một vị thần. Trong Hữu đài thần quán bút ký, cuốn tám có một đoạn tán dương câu chuyện ca ngợi thần thổ công cứu người tự sát. Để cứu những quả phụ mất lòng tin vào cuộc sống mà tìm đến xà nhà treo cổ tự vẫn, thần thổ công đã dùng cánh tay của mình đỡ lấy chân họ cho đến khi có người kịp đến cứu mới buông ra.

Từ rất sớm, vào khoảng cuối triều Minh, đã có người phản đối hành động treo cổ tự vẫn của những “người con gái chưa chồng”. Người con gái họ Tào buồn rầu, đau khổ vì vị hôn phu qua đời, nàng than khóc, giam mình trong khuê phòng tuyệt thực rồi treo cổ lên xà nhà mà chết. Có lẽ chính cái chết thảm thương của người con gái họ Tào đã cảm động đến Triệu Thời Xuân. Để biểu thị quan điểm phản đối của mình, ông đã viết Trinh nữ tiết phụ giải và cho rằng dân nữ họ Tào kia không nên vì vị hôn phu đã chết mà cũng tìm đến cái chết thảm thương như thế.

Sự phản đối của Triệu Thời Xuân trước hành động treo cổ tự vẫn của người con gái đang còn xuân thì đã tạo nên một hiệu ứng thông tin mạnh mẽ. Những người phản đối (trong đó có tác giả của Quốc xác) và ngay cả chúng ta cũng không có cách nào ngoài việc chỉ có thể dùng những câu chuyện ma quỷ để phản ánh hậu quả nghiêm trọng của việc treo cổ tự vẫn. Và tất nhiên, trong những câu chuyện ma quỷ đó sẽ không tránh khỏi việc miêu tả những tình tiết thê lương, bi thảm, thậm chí gây cảm giác sợ hãi cho người đọc. Chính những yếu tố này đã có tác dụng cảnh báo sâu sắc tới những người đang có ý định treo cổ tự vẫn. Họ, với tư cách là những người đang nhận được hương hoa mà nhân gian thờ cúng, thật khó tránh khỏi kiếp trầm luân trong cõi u minh tăm tối, và sự sa đọa trong đạo đức, thật đáng giận, đáng ghét! Chúng ta hãy hy vọng qua các câu chuyện ma quái có thể loại trừ một phần nào đó quan điểm về sự tiết liệt ác ý đầy tính dị dạng này.

Những câu chuyện được ghi lại trên đây tất nhiên sẽ có sự lĩnh hội nhất định. Ông đã viết tất cả hai câu chuyện ma, trong đó đưa ra nhiều dẫn chứng, phân tích, kiến giải một cách sâu sắc. Thứ nhất, qua các câu chuyện, ông muốn mượn lời ma quỷ để phản đối, răn đe những con người coi thường mạng sống của mình:

Thượng Đế nhân từ biết bao! Người không bao giờ mong muốn con người tự ý ruồng bỏ sinh mạng quý giá của mình. Những trung thần tận trung với nước, những người phụ nữ tiết hạnh cao quý, họ đều chết một cách bất ngờ và đầy uẩn khúc. Còn những người không may mắn sống một cuộc sống nghèo túng, bế tắc, không tìm được con đường mưu sinh thích hợp, họ buộc phải đưa số phận của mình đến bước đường cùng trong đớn đau tuyệt vọng, treo thân mình lên xà nhà lạnh ngắt… Tất cả đều là những câu chuyện vô cùng thương tâm, cũng là những vòng quay luân hồi vô định của bánh xe cuộc đời. Có lẽ, chẳng thể định trước được số phận của mình, duy chỉ có điều “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” là quy luật tất yếu của cuộc đời. Nếu như chỉ vì một chút giận dỗi, một ít thất vọng, một vài đau khổ, khó khăn, cùng cực, giận mình, trách người mà khinh xuất treo mình trên cái dây thòng lọng thì quả thực đã phụ lòng yêu thương, hy vọng của biết bao người thân thương, của biết bao sinh linh vạn vật trong cuộc đời. Chính vì vậy, những linh hồn ấy sau khi chết sẽ bị đầy xuống địa phủ, giam cầm trong cõi tối tăm, lạnh lẽo, trăm năm không được siêu thoát.

Ông cũng đưa ra những lời bình luận thêm:

Chắc hẳn ở chốn u minh tăm tối ấy, những linh hồn lạnh lẽo kia cũng sẽ tìm cách để được cứu thế, cầu siêu. Nhưng không biết với những luật lệ nghiệt ngã chốn âm ti, liệu có chấp nhận cho những người xấu số kia được đầu thai chuyển kiếp hay không? Tất nhiên, những người vốn coi thường mạng sống của mình cũng bị trừng phạt chẳng khác chi những kẻ hiểm ác, chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhanh chóng được đầu thai. Từ những điều này, người viết muốn nhắn gửi một thông điệp tới những người đang sống trên trần gian: trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, dù cho khó khăn, khắc nghiệt đến mức nào cũng phải biết giữ gìn và quý trọng mạng sống của chính mình!

Hai là, tác giả đã xuất phát từ chính những nỗi thống khổ của người treo cổ tự sát mà đưa ra lời khuyên:

Phàm là những người tiết tháo, kiên trung khi treo cổ tự vẫn, linh hồn thăng thiên từ trên đỉnh, cho nên cái chết thường đến với họ nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Còn những người chết vì phẫn uất, đố kỵ, ghen ghét, linh hồn thường từ trong tim giáng xuống, cho nên cái chết thường đến một cách dai dẳng, đau đớn. Trong khoảnh khắc đoạn tuyệt với cuộc đời, hàng trăm tĩnh mạch bỗng nhiên ngừng đập, da thịt bỗng chốc tan vỡ, tê tái như có hàng trăm nhát dao cắt rời từng khúc, từng khúc môt, ruột gan cũng cồn cào, quặn thắt tựa như xuất hiện ngọn lửa đang bốc cháy mãnh liệt trong lồng ngực, ra sức thiêu đốt đến bỏng rát, tái tê, không thể chịu đựng được… Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, hình ảnh sự sống ngày càng mờ xa.

Như vậy, một cách tinh tế và sâu sắc, Thảo Đường đã đưa ra những kiến giải độc đáo phân biệt rõ ràng hai loại người treo cổ tự vẫn: một loại treo cổ để giữ trọn tấm lòng trung nghĩa, loại khác treo cổ chỉ vì những ganh ghét, đố kỵ nhỏ nhoi. Rõ ràng những kiến giải này khác hoàn toàn với những lý giải mà Tùy Viên đã nêu ra trước đó. Từ những nghiên cứu tưởng chừng vô căn cứ ấy, Thảo Đường đã khéo léo mượn những câu chuyện ma quỷ để phản đối, cảnh tỉnh những ai đang có ý định treo cổ tự vẫn hãy biết trân trọng mạng sống quý giá của mình. Lời cảnh tỉnh ấy đến sau này vẫn còn giá trị sâu sắc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN