Kẻ Nhắc Tuồng
Chương 22
– Hệ thống điện của chúng tôi đã bị quá tải. – Chỉ huy đội bảo vệ cho biết khi Sarah Rosa yêu cầu giải thích về ba tiếng đồng hồ ngừng hoạt động của các camera an ninh diễn ra trước đó một tuần, đúng vào thời điểm Albert được cho là đã đem xác bé gái tới biệt thự của gia đình Kobashi.
– Chuyện đó không đặt các ông vào tình trạng báo động sao?
– Không, thưa cô…
– Tôi hiểu rồi.
Rosa không nói gì thêm mà chỉ đưa mắt nhìn quân hàm đại úy mà anh ta đang gắn trên bộ đồng phục. Một cấp bậc cũng ảo như chức năng của anh ta. Đội bảo vệ là để bảo đảm an ninh cho dân cư, nhưng trên thực tế họ chỉ là những gã cơ bắp mặc đồng phục. Sự huấn luyện của họ chỉ gói gọn trong một đợt đào tạo trả phí kéo dài ba tháng, thực hiện bởi mấy tay cảnh sát về vườn, tại trụ sở của công ty đã tuyển dụng họ. Họ được trang bị tai nghe nối với bộ đàm và một bình xịt hơi cay. Như vậy Albert chẳng gặp khó khăn gì trong việc qua mặt đám bảo vệ. Ngoài ra người ta đã phát hiện một lỗ hổng khoảng một mét rưỡi ở tường rào, ẩn sau hàng giậu vốn được dùng để che chắn cho bức tường. Ý đồ thẩm mỹ rốt cuộc lại vô hiệu hóa phương tiện bảo vệ thực sự duy nhất của Capo Alto.
Giờ vấn đề là cần phải tìm hiểu vì sao Albert chọn địa điểm và gia đình này.
Nỗi sợ hãi phải đối mặt với một Alexander Bermann khác đã khiến Roche cho phép sử dụng mọi phương thức điều tra đối với ngài Kobashi và bà vợ, kể cả những thứ có tính xâm phạm nhất.
Boris được phân công khai thác ông nha sĩ.
Kobashi có lẽ không biết gì về đặc sủng được dành cho mình trong những giờ sắp tới. Bị thấm vấn bởi một chuyên gia không giống chút nào với những gì thường diễn ra tại các đồn cảnh sát, nơi mọi thứ đều dựa trên sự kiệt quệ của đối tượng sau hàng giờ chịu dồn ép tâm lý và không được ngủ, đồng thời phải trả lời đi trả lời lại những câu hỏi giống nhau.
Boris gần như không bao giờ tìm cách gài bẫy đối tượng, vì anh biết sự căng thẳng thường gây ra tác dụng tiêu cực đối với việc cung khai, và do đó lời khai thu được sẽ trở thành điểm dễ bị tấn công bởi một luật sư giỏi tại tòa. Anh cũng không hứng thú với những lời thú tội nửa vời và các nỗ lực thương lượng mà kẻ tình nghi vẫn sử dụng khi cảm thấy bị dồn đến chân tường.
Không. Đặc vụ Klaus Boris chỉ nhắm đến một lời thú nhận hoàn chỉnh.
Trong nhà bếp của studio, Mila nhìn thấy anh chàng chuẩn bị ra sàn diễn. Bởi lẽ xét cho cùng công việc của anh chính là như thế: một vở diễn mà các vai thường bị đảo ngược. Bằng những lời nói dối, Boris sẽ bẻ gãy hàng rào phòng vệ của Kobashi.
Anh xắn tay áo lên và đi tới đi lui trong nhà bếp với một chai nước trong tay để luyện chân. Quả vậy, khác với Kobashi, Boris sẽ không ngồi mà phải đứng để dùng vóc người to lớn của mình trấn áp ông nha sĩ.
Trong lúc đó, Stern cập nhật cho Boris những gì anh đã phát hiện được về đối tượng tình nghi cho đến lúc này.
– Tay nha sĩ có trốn một phần thuế. Ông ta có một tài khoản ở hải ngoại và gửi vào đó các khoản thu chưa khai báo thuế của phòng mạch, cùng với các món tiền thưởng lĩnh từ những giải golf mà ông ta thi đấu gần như mọi dịp cuối tuần như một vận động viên bán chuyên nghiệp… Còn về Kobashi phu nhân, bà ta có một thú tiêu khiển thời gian khác: cứ chiều thứ Tư hàng tuần, bà ta lại đến gặp một tay luật sư có tiếng tại một khách sạn ở khu trung tâm. Không cần phải nói thêm rằng, cũng chính tay luật sư đó vẫn chơi golf cùng ông chồng bà ta vào cuối tuần…
Các thông tin này sẽ là khung sườn của buổi thẩm vấn. Boris sẽ cân nhắc và sử dụng chúng vào những thời điểm vàng để hạ gục ông nha sĩ.
Phòng thẩm vấn cạnh phòng ngủ tập thể của studio đã được cải tạo từ lâu. Nó khá hẹp, ngột ngạt và không có cửa sổ. Cửa vào duy nhất sẽ được Boris khóa lại ngay khi anh cùng đối tượng vào trong phòng. Tiếp đến, anh đút chìa khóa vào trong túi như thường lệ: cử chỉ này cho thấy rõ ràng anh đang ở vị trí của kẻ mạnh.
Ánh sáng đèn nêông không quá mạnh, nó lại phát ra một tiếng ro ro rất bức bối: âm thanh này cũng là một trong số những phương tiện tạo áp lực của Boris. Về phần mình, anh giảm bớt tác động của nó bằng hai nút bông gòn trong lỗ tai.
Một chiếc gương giả ngăn cách căn phòng và phòng kế bên, vốn có một cửa vào riêng, để cho các thành viên của đội điều tra có thể chứng kiến buổi thẩm vấn. Một điều tối quan trọng là đối tượng không được ngồi đối diện gương. Phải để cho hắn cảm nhận được rằng hắn bị quan sát mặc dù không thể đáp lại tia nhìn vô hình ấy.
Bàn và các vách tường đều được sơn màu trắng: màu sắc đơn nhất không tạo ra bất cứ điểm nhìn nào cho đối tượng khi hắn muốn tập trung suy nghĩ. Ghế ngồi cũng có một chân ngắn hơn bình thường để gây khó chịu cho nghi phạm.
Mila bước vào căn phòng liền kề khi Sarah Rosa đang chuẩn bị máy phân tích giọng nói, thiết bị cho phép đo mức độ căng thẳng dựa trên độ rung của giọng nói. Những rung động nhỏ gắn với sự co thắt của bắp thịt được đo bằng số dao động trong một phút, với tần số từ 10 đến 12 hertz. Khi đối tượng nói dối, lượng máu trong các dây thanh quản sẽ giảm xuống vì căng thẳng, và do đó làm giảm độ rung của giọng nói. Một máy tính phân tích các biến đổi rất nhỏ trong giọng nói của Kobashi và chỉ ra những lần ông ta nói dối.
Nhưng kỹ thuật quan trọng nhất mà đặc vụ Klaus Boris sử dụng – cái mà anh đặc biệt thuần thục – chính là sự quan sát thái độ của đối tượng.
Kobashi được đưa vào trong phòng thẩm vấn sau khi đã được mời đến một cách nhã nhặn – mà không hề báo trước – để cung cấp các chi tiết của vụ việc cho đội điều tra. Các cảnh sát hộ tống ông ta từ khách sạn, nơi cả nhà ông ta đang lưu lại, đồng thời bắt ông ta ngồi trên băng ghế phía sau của xe hơi và đi theo một lộ trình dài hơn bình thường để đến studio, nhằm làm tăng thêm tình trạng hoài nghi và không chắc chắn của ông ta.
Do đây là một buổi thẩm tra không chính thức, Kobashi đã không đòi sự hiện diện của luật sư. Ông ta sợ yêu cầu đó chỉ càng làm tăng mối nghi ngờ đổ lên đầu mình. Đó chính là điều Boris đã chờ đợi.
Trong phòng thẩm vấn, nha sĩ Kobashi có vẻ khổ sở. Mila quan sát ông ta. Kobashi mặc một chiếc quần mùa hè màu vàng, có lẽ thuộc về một trong những bộ trang phục chơi golf mà ông ta đã mang theo khi đi nghỉ, những thứ duy nhất ông ta có trong thời điểm hiện tại. Ông ta mặc một cái áo len chui đầu bằng casơmia màu đỏ tía, để lộ chiếc áo thun trắng có cổ bên trong.
Họ đã nói với ông ta rằng một điều tra viên sẽ đến để đặt vài câu hỏi. Kobashi gật đầu, hai tay đặt trên đầu gối, trong tư thế phòng thủ.
Trong lúc đó, ở phía bên kia của tấm gương, Boris đang quan sát ông nha sĩ. Anh bắt ông ta ngồi đợi để nghiên cứu kỹ hơn.
Kobashi thấy trên bàn có một tập hồ sơ đề tên ông. Boris là người đã để nó ở đó. Ông nha sĩ không đụng đến nó, cũng không hề nhìn về phía cái gương, vì biết thừa rằng mình đang bị quan sát.
Thật ra tập hồ sơ chẳng có gì bên trong.
– Xem có giống phòng đợi chữa răng không kìa? – Sarah Rosa châm chọc, mắt nhìn chằm chằm người đàn ông ở bên kia tấm kính.
Boris tuyên bố:
– Nào, ta bắt đầu thôi.
Sau đó, anh bước qua ngưỡng cửa phòng thẩm vấn. Anh chào Kobashi, khóa cửa lại và xin lỗi ông ta vì mình đã đến muộn. Một lần nữa anh nhắc lại với ông nha sĩ rằng những câu hỏi anh sắp đưa ra chỉ là để làm sáng tỏ một số việc, trước khi cầm lấy tập hồ sơ trên bàn và mở ra, vờ như đang đọc gì đó.
– Ông Kobashi này, ông năm nay bốn mươi tuổi, phải không ạ?
– Đúng vậy.
– Ông làm nha sĩ từ khi nào?
– Tôi là bác sĩ phẫu thuật chỉnh nha. – Kobashi chỉnh lại. – Tôi đã hành nghề được mười lăm năm.
Boris giành mấy giây để xem tập hồ sơ trống.
– Tôi có thể biết tổng thu nhập năm vừa qua của ông là bao nhiêu được không?
Ông nha sĩ hơi nhổm người. Boris đã ghi điểm đầu tiên: khơi chuyện thu nhập để ngầm bóng gió đến vụ nộp thuế. Như dự kiến, Kobashi nói dối như cuội về tình hình tài chính của mình, khiến Mila không thể không nghĩ ông ta là một người khá ngây thơ khi làm như vậy. Đây là một buổi thẩm vấn liên quan đến án mạng, những thông tin về thuế má nếu xuất hiện cũng chẳng có nghĩa lý gì, và cũng không thể chuyển cho bên thuế vụ được.
Kobashi nói dối trên một số chi tiết khác, tin rằng mình có thể dễ dàng lèo lái các câu trả lời. Boris để cho ông ta hươu vượn như thế thêm một lúc nữa.
Mila hiểu anh chàng điều tra viên đang chơi trò gì. Cô đã chứng kiến những cảnh sát viên được đào tạo theo trường phái cổ điển dùng mánh này mặc dù Boris thực hiện nó ở một đẳng cấp cao hơn.
Khi một người nói dối, anh ta phải tập trung tâm lý cao độ để đối phó với hàng loạt căng thẳng. Nhằm làm cho câu trả lời của mình đáng tin hơn, anh ta buộc phải lược bớt các thông tin chân thực đã nằm trong trí nhớ và nhờ cậy đến việc lập luận lôgíc để trộn chúng với thông tin dối trá mà anh ta đưa ra. Điều này đòi hỏi một nỗ lực lớn và một sức tưởng tượng nhất định.
Mỗi khi đưa ra một câu nói dối, người ta phải ghi nhớ tất cả những chi tiết giúp nó đứng vững. Khi nói dối nhiều lần, việc đó trở nên phức tạp. Nó gần giống như diễn viên xiếc diễn trò xoay đĩa trên những cái que. Mỗi lần thêm một chiếc, màn biểu diễn lại trở nên khó hơn, và anh ta phải chạy liên tục không ngừng nghỉ từ cái que này sang cái que khác.
Chính lúc đó người nói dối bị yếu đi và dễ để lộ mình.
Nếu Kobashi vận dụng trí tưởng tượng của mình là Boris biết ngay. Sự lo lắng gây ra những cử chỉ nhỏ khác thường, chẳng hạn như khòm lưng, chà xát hai tay vào nhau, day thái dương hoặc xoa cổ tay. Thường thì những cử chỉ này đi kèm với các biến đổi sinh lý, chẳng hạn như tăng tiết mồ hôi, cất cao giọng, hoặc các chuyển động không kiểm soát của nhãn cầu.
Nhưng một chuyên viên được đào tạo kỹ lưỡng như Boris cũng biết đó chỉ là những gợi ý cho việc nói dối của đối tượng, và chúng chỉ được xem xét ở mức độ đó. Để chứng tỏ là đối tượng đang nói dối, cần phải dồn hắn đến chỗ thú nhận điều đó.
Khi cảm thấy Kobashi đã đủ tự tin, Boris liền phản công bằng cách đưa vào các câu hỏi những thành tố có liên quan đến Albert và vụ mất tích của sáu bé gái.
Hai giờ sau đó, Kobashi đã kiệt sức vì một loạt câu hỏi khó khăn, càng lúc càng riêng tư và mạnh bạo hơn. Boris đã siết chặt chiếc thòng lọng bao quanh ông nha sĩ, thu hẹp khoảng an toàn của ông ta. Lúc này Kobashi chẳng còn hồn vía nào nghĩ đến việc gọi cho luật sư nữa, mà chỉ muốn ra khỏi phòng thẩm vấn càng sớm càng tốt. Với tình trạng suy sụp tinh thần như thế, ông ta có thể nói bất cứ điều gì để được yên thân. Có khi ông ta còn thú nhận mình là Albert là đằng khác.
Trừ phi đó không phải là sự thật.
Khi Boris nhận ra điều đó, anh rời phòng với cớ là đi lấy cho Kobashi cốc nước, rồi vào gặp Goran và những người khác trong phòng bên cạnh.
– Ông ta không dính dáng gì với vụ của chúng ta. – Anh nói. – Và không hay biết gì hết.
Goran gật đầu.
Sarah Rosa vừa quay lại với kết quả phân tích các máy tính và điện thoại di động của gia đình Kobashi. Chúng không cho thấy bằng chứng nào, và cũng không cung cấp thông tin gì hữu ích về các bạn bè hay người quen của họ.
– Như vậy chỉ có thể là ngôi nhà. – Nhà tội phạm học kết luận.
Phải chăng nơi ở của gia đình Kobashi là sân khấu cho một tấn thảm kịch nào đó chưa được hé lộ, giống như trường hợp của cô nhi viện?
Nhưng giả thiết này xem ra khá yếu.
– Biệt thự đó được xây dựng sau cùng, trên lô đất duy nhất còn trống của cả khu. Nó vừa mới hoàn thành được gần ba tháng, và gia đình Kobashi là những người chủ đầu tiên. – Stern cho biết.
Nhưng Goran có vẻ không nhượng bộ.
– Ngôi nhà đó che giấu một bí mật.
Stern hiểu ra ngay. Anh hỏi:
– Ta bắt đầu từ đâu?
Goran suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Bắt đầu bằng việc đào khu vườn.
Đầu tiên họ đưa chó nghiệp vụ đến để đánh hơi dò tìm thi thể và cả những cái được chôn sâu dưới đất. Sau đó đến lượt các máy dò đặc biệt để thăm dò lòng đất, nhưng không phát hiện được gì.
Mila quan sát những nỗ lực dò tìm của mọi người. Cô vẫn đang chờ bác sĩ Chang cung cấp danh tính của cô bé được tìm thấy trong nhà sau khi đã đối chiếu mẫu ADN của các bậc phụ huynh.
Họ bắt đầu đào vào tầm ba giờ chiều. Các máy xúc nhỏ xới tung lớp đất trong vườn, phá hủy công trình trang trí ngoại thất đã làm tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Đất đá được vội vã đổ đống và được các xe ben đem đi.
Tiếng ồn của các động cơ diesel khuấy đảo không gian yên tĩnh của Capo Alto. Như thể vẫn chưa đủ, chấn động từ các cỗ máy xúc đất liên tục kích hoạt hệ thống báo động trên chiếc xe Maserati của Kobashi.
Sau khu vườn, nhóm tìm kiếm chuyển vào trong biệt thự. Một công ty chuyên biệt đã được vời đến để nhấc các phiến đá hoa lát sàn phòng khách. Những chỗ hổng trong các bức tường nhà được dò tìm rồi mở ra bằng cuốc. Ngay cả các món đồ nội thất cũng không thoát được số phận bất hạnh: sau khi đã bị tháo tung và cắt rời, chúng trở thành đồ bỏ. Việc lục soát cũng diẽn ra ở hầm rượu và móng nhà.
Roche đã phê chuẩn sự phá hủy này. Ban chuyên án không thể để mình thất bại một lần nữa, dù phải đánh đổi nguy cơ đền bù hàng triệu cho những thiệt hại. Nhưng gia đình Kobashi cũng không hề muốn quay lại sống ở ngôi nhà này nữa. Tất cả những thứ thuộc về nó đã bị nhuốm màu kinh hoàng không gột rửa được. Họ sẽ bán nó với giá thấp hơn khoản tiền đã bỏ ra, vì cuộc sống thượng lưu của họ sẽ không bao giờ còn được như xưa khi bị ám ảnh bởi những điều đã xảy ra.
Khoảng sáu giờ tối, vẻ căng thẳng đã hiện rõ hơn trên khuôn mặt những người điều tra hiện trường.
– Có ai tắt cái báo động của nợ kia được không? – Roche vừa hét toáng lên vừa chỉ tay vào chiếc Maserati.
– Chúng tôi không tìm được điều khiển từ xa của nó. – Boris đáp.
– Gọi cho lão nha sĩ! Chẳng lẽ chuyện gì tôi cũng phải nhắc sao?
Họ đang tốn công vô ích. Thay vì đoàn kết mọi người lại, sự căng thẳng đang chia rẽ họ. Tất cả đều bực tức vì không thể giải được mật mã bí ẩn mà Albert đã bày ra.
– Tại sao gã lại cho cô bé ăn mặc như con búp bê?
Câu hỏi này làm cho Goran điên đầu. Mila chưa bao giờ thấy ông như thế. Có điều gì đó rất cá nhân trong thử thách này. Một điều mà bản thân nhà tội phạm học có lẽ cũng không nhận ra. Nó ngăn cản ông suy luận một cách sáng suốt.
Mila cố tình giữ một khoảng cách với những người khác. Sự chờ đợi khiến cô căng thẳng. Hành vi của Albert mang ý nghĩa gì chứ?
Trong thời gian ngắn ngủi cô được tiếp xúc với nhóm điều tra và phương pháp của giáo sư Gavila, Mila đã học được nhiều thứ. Chẳng hạn như, bọn sát nhân hàng loạt ra tay với những khoảng cách thời gian thay đổi từ vài giờ cho đến vài tháng, thậm chí vài năm, do một sức mạnh nào đó thôi thúc mà chúng không thể dập tắt được. Vì nguyên nhân này, sự tức giận hay báo thù không thuộc về thế giới của chúng. Kẻ giết người hàng loạt ra tay để lặp lại một động cơ nào đó, có thể chỉ là nhu cầu hoặc ham muốn được giết chóc.
Nhưng Albert đã khiến cho toàn bộ khái niệm trên lung lay.
Gã đã bắt cóc các bé gái sau đó giết hại, lần lượt từng em, nhưng giữ lại một. Tại sao? Gã không làm vụ này vì khoái cảm giết chóc, mà chỉ sử dụng nó để làm dấy lên sự chú ý, không phải vào gã, mà vào những kẻ khác. Alexander Bermann, một tên ấu dâm. Ronald Dermis, một kẻ đang trên đường trở thành sát thủ hàng loạt như gã.
Nhờ có Albert, cả hai tên đã bị ngăn chặn. Xét cho cùng, gã đã làm điều có ích cho xã hội. Nghịch lý nằm ở chỗ cái xấu xa của gã là nhằm mục đích tốt.
Nhưng Albert thật ra là ai?
Một người bình thường – bởi gã là như thế, không phải một con quỷ hay một bóng ma – vào lúc này đang sống một cách bình thường như không có gì xảy ra. Gã mua sắm, đi dạo trên đường, gặp gỡ người khác: các bà bán hàng, khách bộ hành, hàng xóm láng giềng, những người tuyệt nhiên không thể tưởng tượng ra được con người thật của gã.
Gã bước đi giữa họ không có gì nổi trội.
Phía sau lớp vỏ bọc đó là sự thật. Sự thật đó được xây nên từ bạo lực. Thứ bạo lực cho phép những kẻ sát nhân hàng loạt trải qua cảm giác có quyền lực, giúp hắn xóa bỏ mặc cảm thua kém, dù chỉ là tạm thời. Hành động bạo lực mà hắn gây ra mang lại cho hắn một lúc hai hiệu quả: đạt khoái thú và cảm thấy mạnh mẽ. Hành vi này không cần đến mối quan hệ với người khác nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt nhất, với mức lo ngại giao tiếp nhỏ nhất.
Như thể chúng chỉ tồn tại trên cái chết của những người khác, Mila thầm nghĩ.
Đúng nửa đêm, tiếng còi báo động từ xe hơi của Kobashi vẫn còn điểm nhịp thời gian trôi qua, như lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng mọi nỗ lực của nhóm điều tra đến giờ chỉ là công cốc.
Họ không tìm thấy gì ở dưới hầm. Cả ngôi biệt thự đã bị phanh bụng, nhưng các bức tường của nó không tiết lộ bất cứ bí mật nào.
Mila đang ngồi trên vỉa hè trước nhà thì Boris đi đến, tay cầm điện thoại di động.
– Tôi đang cố gọi nhưng không có sóng…
Mila nhìn điện thoại của mình.
– Chắc tại thế nên Chang không hề gọi cho tôi để thông báo kết quả giám định ADN.
Boris nhìn quanh.
– Ít ra thì ta cũng đỡ chạnh lòng khi biết người giàu cũng không phải có tất cả, nhỉ?
Anh chàng mỉm cười, nhét điện thoại vào túi rồi ngồi xuống bên cạnh cô. Mila vẫn chưa cảm ơn anh về chiếc áo khoác, nên đã tranh thủ dịp này để bày tỏ sự cảm kích.
– Có gì đâu mà. – Boris đáp.
Đúng lúc đó, hai người trông thấy các nhân viên bảo vệ của khu dân cư bắt đầu dàn hàng ngang quanh ngôi biệt thự, tạo thành một hàng rào cô lập.
– Có chuyện gì vậy?
– Đám nhà báo sắp đến. – Boris thông báo với cô. – Roche đã quyết định cho phép lấy hình ảnh ngôi biệt thự: một vài phút trên bản tin truyền hình để cho thấy chúng ta đang làm hết sức.
Mila nhìn các tay bảo vệ đang vào vị trí. Trông họ rất tức cười trong bộ đồng phục hai màu cam và xanh lam bó sát, phô trương thân hình cơ bắp. Nét mặt dữ dằn và bộ đàm đeo tai tạo cho họ một hình ảnh khá chuyên nghiệp.
Albert đã xỏ mũi cả đám các người chỉ bằng cách gây chập mạch camera an ninh và khoan một cái lỗ trên tường rào. Mila nghĩ bụng.
– Sau tất cả những chuyện này mà vẫn chưa tìm được câu trả lời, chắc Roche đang nổi cơn tam bành…
– Ông ta luôn tìm được cách giải quyết, cô đừng lo.
Boris im lặng lấy giấy ra quấn một điếu thuốc. Mila có cảm giác anh chàng đang muốn hỏi cô chuyện gì đó, nhưng không hỏi thẳng. Nếu cô im lặng thì lại càng không giúp được gì.
Cô quyết định quăng cho Boris cái phao cứu trợ:
– Anh đã làm gì trong hai mươi bốn giờ xả trại?
Boris thoái thác:
– Tôi chỉ ngủ và suy nghĩ về vụ án. Lâu lâu làm trống đầu óc cũng tốt… Tôi biết cô đã đi chơi với Gavila tối qua.
Rốt cuộc cũng đến chuyện này! Nhưng Mila đã nhầm khi nghĩ Boris đang ghen. Ý định của anh chàng hoàn toàn khác. Cô hiểu ra điều đó khi anh nói tiếp:
– Tôi tin là ông ấy đã phải chịu đựng nhiều.
Boris đang nhắc đến vợ của Goran. Giọng điệu của anh nghe buồn bã đến nỗi Mila cảm thấy dù chuyện gì đã xảy ra với hai người họ thì cũng đã ảnh hưởng đến cả nhóm.
– Tôi không biết chuyện đó. – Mila nói. – Ông ấy không kể với tôi. Chỉ có hơi bóng gió một chút vào cuối buổi tối.
– Vậy có lẽ bây giờ cô nên biết…
Trước khi nói tiếp Boris châm thuốc, rít một hơi thật sâu rồi phả khói ra. Anh đang tìm từ ngữ.
– Vợ của giáo sư Gavila là một phụ nữ tuyệt vời, không chỉ đẹp mà còn rất tốt tính. Tôi không thể đếm được chúng tôi đã ăn tối ở nhà họ bao nhiêu lần nữa. Bà ấy nhập bọn với chúng tôi như thể là một thành viên trong nhóm. Khi chúng tôi gặp một vụ án hóc búa, những bữa ăn tối là dịp xả hơi duy nhất sau cả ngày vật lộn với máu me và xác chết. Một sự hòa giải với cuộc sống, cô hiểu không…
– Sau đó chuyện gì đã xảy ra?
– Chuyện đó cách đây đã một năm rưỡi. Không một lời báo trước, không một dấu hiệu, bà ấy đột ngột bỏ đi.
– Bỏ ông ấy á?
– Không chỉ giáo sư Gavila, mà cả Tommy, cậu con trai duy nhất của họ. Đó là một đứa trẻ rất dễ thương. Bây giờ nó ở với bố.
Mila đã cảm thấy nỗi buồn chia cắt nơi nhà tội phạm học, nhưng cô không thể tưởng tượng được chuyện này. Cô tự hỏi làm thế nào một người mẹ có thể bỏ rơi đứa con do chính mình đẻ ra.
– Tại sao bà ấy bỏ đi?
– Không ai hiểu được. Có lẽ bà ấy có người khác, cũng có thể bà ấy đã chán ngấy cuộc sống như vậy… ai mà biết được. Bà ấy không nhắn lại một lời nào. Chỉ dọn hành lý rồi bỏ đi. Chấm hết.
– Phải tôi thì tôi sẽ làm cho ra nhẽ.
– Lạ nhất là ông ấy chưa bao giờ nhờ chúng tôi tìm xem bà ấy đang ở nơi nào. – Boris nói, rồi đưa mắt nhìn xung quanh để chắc ăn Goran không xuất hiện, trước khi tiếp lời. – Có một điều mà giáo sư Gavila không biết, không được biết…
Mila gật đầu cho Boris thấy anh có thể tin tưởng ở cô.
– Thì… vài tháng sau đó, Stern và tôi đã tìm thấy dấu vết của bà ấy. Bà sống ở bờ biển. Chúng tôi không trực tiếp đến gặp, mà chỉ xuất hiện trên đường đi, với hy vọng bà ấy mở lời.
– Và bà ấy…
– Bà ấy bị bất ngờ khi gặp chúng tôi, nhưng vẫn gật đầu chào rồi cụp mắt và đi tiếp.
Mila không biết phải hiểu thế nào về sự im lặng diễn ra sau đó. Boris vứt mẩu thuốc đi, mặc kệ một người trong đám bảo vệ quắc mắt giận dữ rồi đi nhặt nó trong vườn.
– Sao anh kể cho tôi nghe chuyện này vậy?
– Vì giáo sư Gavila là một người bạn của tôi. Và cô cũng thế, mặc dù tôi biết cô chưa lâu.
Chắc hẳn Boris đã hiểu ra một điều gì đó mà cả Mila lẫn Goran đều chưa hiểu. Một điều liên quan đến hai người. Anh đang tìm cách bảo vệ họ.
– Sau khi vợ bỏ đi, giáo sư Gavila vẫn ngẩng cao đầu. Ông không có lựa chọn nào khác, nhất là vì cậu con trai. Do đó không có gì thay đổi đối với chúng tôi. Ông ấy vẫn như ngày trước: chính xác, đúng hẹn, hiệu quả. Chỉ hơi xuề xòa trong việc ăn mặc. Điều đó không quan trọng, không có gì đáng lo. Nhưng rồi xảy ra vụ Wilson Pickett…
– Giống tên của ca sĩ nhỉ?
– Phải, ông ấy gọi hắn như thế. – Boris hối tiếc ra mặt vì đã lỡ lời. – Vụ án đó diễn ra không suôn sẻ. Chúng tôi đã phạm sai lầm, người ta đã đe dọa sẽ giải tán đội điều tra và tống khứ giáo sư Gavila. Chính Roche là người đã bảo vệ chúng tôi và kiên quyết giữ chúng tôi ở lại làm việc.
Mila sắp sửa hỏi tiếp điều gì đã xảy ra và chắc chắn Boris sẽ kể hết, thì còi báo động của chiếc xe Maserati lại rú lên.
– Chó chết, cái thứ đinh tai nhức óc kia!
Lúc đó, Mila ngoái nhìn ngôi nhà và ghi lại một loạt hình ảnh khiến cô chú ý: đám nhân viên bảo vệ đang có cùng một gương mặt khó chịu và nhất loạt đưa tay lên máy bộ đàm đeo tai, như thể nó bị nhiễu sóng.
Mila lại nhìn chiếc xe Maserati. Rồi cô lấy điện thoại di động ra khỏi túi: vẫn không có sóng. Đột nhiên cô nảy ra một ý.
– Có một chỗ chúng ta chưa tìm kiếm… – Cô nói với Boris.
– Chỗ nào vậy?
Cô chỉ tay lên trời.
– Trên kia.
Non một nửa giờ đồng hồ sau, các chuyên viên điện tử đã bắt tay vào dò tìm trong bóng đêm giá lạnh. Tất cả đều đeo tai nghe và cầm một thiết bị nom như cái parabol nhỏ hướng lên trời. Họ bước đi thật chậm rãi và im lặng như những bóng ma, cố gắng bắt sóng vô tuyến điện hoặc những tần số đáng ngờ, trong trường hợp bầu trời đang che giấu một thông điệp nào đó.
Và quả có thế thật.
Chính nó đã tương tác với hệ thống báo động của chiếc xe Maserati và làm nhiễu sóng di động, đồng thời len lỏi vào bộ đàm của các nhân viên bảo vệ và gây ra tiếng rít chói tai.
Khi các kỹ thuật viên điện tử đã bắt được tín hiệu, họ cho biết nó khá yếu.
Ngay sau đó, tín hiệu được chuyển đến một máy thu.
Tất cả mọi người tụ tập xung quanh chiếc máy để nghe xem bóng tối đang nói gì với họ.
Nhưng không có từ ngữ nào, chỉ có âm thanh.
Thỉnh thoảng chúng lẫn vào trong một loạt những tiếng rẹt rẹt, rồi lại rõ rệt trở lại. Nhưng trong trình tự âm thanh đó có một sự hài hòa nhất định. Ngắn, rồi dài.
– Ba chấm, ba gạch, rồi ba chấm. – Goran giải nghĩa cho những người khác. Trong hệ thống mã vô tuyến phổ biến nhất thế giới, những âm thanh cơ bản đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất.
SOS.
– Nó phát ra từ đâu vậy? – Nhà tội phạm học hỏi.
Kỹ thuật viên quan sát dải tín hiệu đang phân tán rồi tập trung trở lại trên màn hình một lúc. Sau đó anh ngước mắt nhìn qua đường và chỉ rõ:
– Từ ngôi nhà đối diện.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!