Khóc Giữa Sài Gòn - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
209


Khóc Giữa Sài Gòn


Chương 4


Mễ chỉnh lại cái khăn choàng quanh cổ. Ngày cuối năm, Sài Gòn lạnh không báo trước, thấy người ta chở mùa đông về phố, cửa hàng lấp lánh mấy thứ trang trí trắng đỏ xanh, lòng cũng chợt gợn chút hờn ghen. Phòng tư vấn tâm lý của Mễ nằm lọt thỏm giữa con đường ngắn, nối giữa hai con đường dài. Mùa đông bỏ quên nơi này, nắng vẫn gay gắt chiếu, phủ tàn mớ rêu bám trên mấy mảng tường bong tróc. Mễ mở cửa văn phòng, thấy Thương, cô tiếp tân đã ngồi sẵn, nở nụ cười như lập trình.

– Chị mới tới, ăn sáng chưa?

– Nãy chị ăn ở nhà rồi, chín giờ có hẹn phải không em?

– Dạ, sáng em có gọi để nhắc, khách nói sẽ đến đúng giờ, chắc cũng đang trên đường đi.

Mễ gật đầu, mở cửa phòng làm việc bước vào, để giỏ xách xuống bàn, cởi bỏ chiếc khăn choàng quanh cổ, treo lên cây để đồ rồi tới trước gương, nhìn hình ảnh phản chiếu của mình một lượt rồi bỏ gói trà vào ly, rót nước nóng. Đồng hồ chỉ tám giờ bốn mươi lăm phút, tính ra cũng kịp giờ. Đồng hồ đổ nhịp dài, phòng làm việc Mễ dùng loại đồng hồ chạy điện dáng cổ, có một quả lắc đung đưa chỉ để trang trí. Nhưng quy trình lặp lại của quả lắc cuốn hút Mễ theo một kiểu rất đặc biệt. Có lúc không làm gì, Mễ dùng cả tiếng đồng hồ chỉ ngồi yên, nhìn con lắc đung đưa, thấy đời mình cũng đang tròng chành như vậy, không biết khi nào mới được dừng lại thoáng bình yên.

Phòng làm việc của Mễ không quá rộng, được thiết kế theo kiểu một phòng khách gia đình ấm cúng với ghế nệm lớn đặt giữa phòng. Sàn lót thảm dày, loại màu tối sẫm, tiệp màu với rèm cửa sổ luôn buông thõng. Mễ không thích ánh nắng, nên dù ban ngày, căn phòng vẫn được gói trọn trong ánh đèn vàng dìu dịu tỏa ra từ mấy góc phòng.

Chín giờ năm phút, phòng Mễ có tiếng gõ cửa, giọng Thương cười, “Chị vào đi, chị Mễ đang đợi.” Cửa phòng mở, người đàn bà rụt rè bước vào, cúi chào Mễ.

– Chào bác sĩ.

– Chị là Khuê phải không? Tôi tên Mễ, mình cũng ngang tuổi nhau, xưng tên cho thân mật, với lại Mễ không phải bác sĩ, Khuê cũng không phải là bệnh nhân, đây chỉ là buổi nói chuyện thoải mái với nhau thôi.

– Vâng, vâng bác sĩ… À không, Mễ, tôi biết rồi. – Khuê gật đầu, thở hắt ra nhẹ nhõm, vẻ rụt rè đã vơi đi ít nhiều.

– Khuê lại đây ngồi đi cho thoải mái, uống trà mật ong nhé, tôi pha luôn.

Không chờ Khuê đồng ý, Mễ đi lại bên bàn nước trong phòng, mở gói trà rồi mở mật ong, thoáng chốc mùi thơm đã ngập phòng. Mễ đưa ly trà, Khuê đỡ lấy bằng hai tay, lí nhí câu cảm ơn trong miệng khi đã yên vị trên chiếc ghế sofa lớn giữa phòng.

– Khuê ngồi thoải mái không, nếu cần có thể hạ ghế xuống một chút.

– Được rồi Mễ, tôi thấy dễ chịu lắm… không cần điều chỉnh gì đâu.

– Nếu dễ chịu, Khuê đã ngồi thả lỏng cả cơ thể và hơi dựa người vào đằng sau, chứ không phải cong người trong tư thế phòng thủ như vậy. Tôi ở đây để làm bạn và nghe Khuê kể chuyện, tôi không biết Khuê là ai, nên Khuê có thể yên tâm rằng tôi không ảnh hưởng gì đến cuộc đời Khuê được đâu…

Khuê hít một hơi dài, gật đầu thêm lần nữa rồi mới ngả người ra sau thành ghế sofa, tâm trạng đã thoải mái lên thấy rõ. Mễ nhìn vội về phía ngón tay áp út thuôn dài bên phải của Khuê, thấy trên đó lấp lánh ánh nhẫn vàng, bèn mở đầu câu chuyện.

– Khuê lập gia đình đã bao lâu rồi?

– Ba năm rồi Mễ.

– Cuộc sống gia đình Khuê tốt chứ? Đã có con chưa?

– Cũng… cũng tốt, tôi và chồng chưa dự định có em bé, dù cũng muốn lắm.

– Đàn bà hạnh phúc nhất là được làm vợ, làm mẹ Khuê nhỉ, tôi thì chưa may mắn được hai thứ đó.

– Sao vậy? Mễ đẹp và giỏi như vậy mà.

– Đẹp và giỏi đâu có nghĩa là sẽ có chồng đâu Khuê. – Mễ mỉm cười. – Với lại, đàn ông không thích đàn bà giỏi, vì họ sợ giỏi hơn họ, chắc vậy mà giờ Mễ còn ế.

Khuê nghe xong cũng bật cười theo, đưa tay hớp thêm một ngụm trà ngòn ngọt vị mật ong rồi trầm ngâm, trở lại câu chuyện:

– Nhưng có khi như Mễ mà hay. Như tôi, lấy chồng rồi, lại phát hiện ra nhiều chuyện không như mình nghĩ.

– Hôn nhân mà Khuê, với lại, đâu phải lúc nào cuộc đời cũng như mình muốn…

– Không phải… không phải đâu Mễ, chuyện là… từ phía tôi. Chứ chồng Khuê, ảnh tốt lắm.

Khuê nói vội, rồi lại hít một hơi sâu, thở dài, vẻ mệt mỏi pha chút căng thẳng lại ùa về.

– Tôi… từ ngày cưới nhau đến nay, trong quan hệ gối chăn với chồng… tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thật sự có cảm giác hưng phấn hay thỏa mãn. Tôi chỉ nằm đó, cố gắng căng người ra để chiều ảnh.

Khuê nói rồi vội cúi mặt, cầm ly trà ấm xoay đều trong tay, ái ngại lảng tránh ánh mắt Mễ. Mễ vẫn chăm chú nhìn Khuê, mặt thoáng chút bối rối, nhưng rồi vội vàng lấy lại vẻ trầm tĩnh cố hữu khi gặp bất kỳ bệnh nhân nào.

***

Phan đứng giữa “Thiên đường”, nhìn xuống dòng người len chặt cùng xe cộ bên dưới. Thói quen thích nhìn ngắm mọi thứ từ trên cao, có lẽ Phan nhiễm từ Nam. Tách café trên tay Phan đã nguội lạnh nãy giờ, Sài Gòn dưới kia cũng héo màu nắng úa. Phan chợt cảm thấy sự mệt mỏi len vào cơ thể, chút men rượu tối qua vẫn còn sót lại. Và càng mệt mỏi hơn khi Phan nhận ra thứ đang đến gần mình là gánh nặng về tuổi tác và sức khỏe.

Vài năm trước, khi còn chưa qua cái tuổi ba mươi lưng chừng dốc, những cuộc vui thâu đêm, tận ba bốn giờ sáng đối với Phan chỉ là chuyện nhỏ. Sáng hôm sau Phan vẫn có thể dậy lúc tám giờ, đến trường làm báo cáo cuối kỳ một cách tỉnh táo vô cùng. Vậy mà giờ… Phan tự mỉm cười cay đắng, đúng là tuổi già, chẳng thằng nào thoát được.

Phan hay nghe người ta than trời trách đất rằng cuộc sống không công bằng. Phan thấy buồn cười, vì thường những người không nhìn đời từ đủ góc độ mới có nhận định như thế. Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, chỉ có con người vì nhiều mục đích nên mới hành động bất công với nhau.

Điển hình đơn giản nhất, chính là thời gian. Mỗi người sinh ra và cho đến lúc chết đi, dù là vĩ nhân hay kẻ ăn mày, đều có đúng hai mươi bốn tiếng một ngày, không hơn không kém và ai ai cũng phải trải qua bốn giai đoạn sinh lão bệnh tử trong đời. Người thành công là người biết tận dụng hai mươi bốn giờ của mình một cách khéo léo và thông minh để sinh ra lợi ích cho bản thân. Kẻ thất bại là kẻ lãng phí thời gian đó để oán thán sao đời bất công. Phan thành công, vì biết dùng mỗi giây phút cuộc đời mình để suy nghĩ, tư duy và phát triển. Như trong cái lúc đứng nhìn phố, cầm ly café, Phan vẫn đang suy nghĩ về cuộc gặp tiếp theo của mình cùng đồng nghiệp. Có tiếng gõ cửa phòng, Phan hít một hơi dài, chỉnh lại cravat rồi nói vọng ra:

– Vào đi, tôi đang đợi.

Tú đi vào, kịp thấy Phan bỏ ly café xuống rồi ngồi vào chiếc ghế lớn sau bàn làm việc.

– Tú ngồi đi, tôi cũng chờ Tú nãy giờ. Có việc gì không mà cần gặp tôi gấp vậy?

– Hôm qua em mới nhận được lương tháng này, thấy có chút vấn đề nên muốn hỏi anh. – Tú trả lời sau khi đã ngồi đối diện Phan.

– Có vấn đề gì?

– Ngoài lương ra, em còn nhận được một khoản khá lớn.

– Có khi nào là kế toán chuyển nhầm không, sao Tú không qua đó hỏi?

– Em nghĩ họ không nhầm đâu… còn anh là người hiểu về vụ này nhất.

Phan mỉm cười, nhìn sự bối rối pha chút căng thẳng trên gương mặt Tú, chợt nhớ về lần đầu tiên cậu trai trẻ này ngồi đối diện mình khi phỏng vấn xin việc làm.

– Tú còn nhớ lần đầu tiên phỏng vấn, tôi hỏi Tú câu gì không?

– “Vì sao cậu muốn đi làm”, em chưa bao giờ quên.

– Và câu trả lời của Tú?

– Vì tiền.

– Đúng, và đó là lý do tôi gật đầu đồng ý tuyển Tú vào làm việc ngay mà không hỏi thêm bất cứ thứ gì khác.

Phan chống tay xuống bàn, hai bàn tay đan xen vào nhau, che nửa gương mặt đang mỉm cười. Tú ngồi bất động, cảm giác áp lực y chang lần phỏng vấn xin việc đầu tiên. Con người ngồi đối diện Tú hình như sinh ra để lãnh đạo và trấn áp tinh thần người khác, từ ánh mắt, giọng nói cho đến nụ cười mỉm quen thuộc.

– Số tiền ngoài lương Tú nhận được là do tôi đề nghị lên trên. Nó xứng đáng với những gì Tú đã làm được cùng loạt bài năm con chuột chết trong xe hủ tiếu gõ. Còn ngạc nhiên chứ?

– Em… em không nghĩ lương tâm của mình lại được trả nhiều như vậy.

Phan bỏ tay, ngồi dựa ra thành ghế, rồi bật cười thành tiếng:

– Trời ạ! Đến giờ mà Tú vẫn còn lăn tăn suy nghĩ về cái gọi là lương tâm đó à. Tôi cứ nghĩ sau những gì tôi chứng minh cho Tú thấy, Tú đã dừng những suy nghĩ kiểu trẻ con đó chứ.

Ba tuần lễ trước, cũng trong căn phòng này, Tú đã ngồi cùng Phan, chấp nhận thử thách đầu tiên khi bước vào công ty mà Phan dành cho mình.

– Tú có hai lựa chọn, hoặc là tạo ra cho tôi một chuyên mục thu hút tất cả mọi người quan tâm, hoặc là dừng công việc này lại. Tú chọn đi.

Tú cần tiền, nên dĩ nhiên không thể bỏ việc.

– Thứ tôi muốn Tú tạo ra là một làn sóng thông tin ngầm, khiến cho tất cả mọi người đều hoang mang, bắt nguồn từ những thứ thân quen nhất mà họ gặp hàng ngày. Nhiệm vụ của Tú là phải đảo lộn chúng, khoác lên cho chúng sự nguy hiểm rình rập, làm cho con người bắt đầu hoài nghi lẫn nhau.

Bài báo về hủ tiếu gõ ra đời, đúng những gì Phan yêu cầu, làm mọi người hoang mang, nhưng đồng thời cũng dấy lên nguy kịch cho những người lao động nghèo mưu sinh bằng xe hủ tiếu. Bài viết càng thành công, độ lan tỏa, bàn tán về nó càng rộng, Tú lại càng thấy hoảng sợ, đây là lần đầu tiên Tú phải đối mặt với lương tâm, giữa công việc và đạo đức.

– Đạo đức thực ra chỉ là thứ thuận theo sự đồng tình của số đông. Ví dụ như khi Tú ăn một con chó, nhiều người sẽ lên án, sẽ coi rằng đó là vô đạo đức, nhưng nếu Tú ăn một con gà, sự việc lại bình thường hơn rất nhiều. Cốt lõi của vấn đề cũng chỉ là việc một động vật bậc cao ăn thịt động vật bậc thấp hơn mình, nhưng con chó trong cuộc sống nó gắn liền với con người hơn, được yêu thương và tin tưởng hơn. Nếu Tú cần đạo đức, tôi sẽ trả đạo đức lại cho Tú, để Tú có thể nhẹ lòng với cái lương tâm của mình. Nhưng tôi muốn Tú nhớ, đạo đức không bào ra ăn được khi đói đâu.

Bài báo sau, Tú dùng bút danh khác, gởi trực tiếp đến tờ Thanh Niên Trẻ, minh oan cho câu chuyện về xe hủ tiếu gõ, và từ đó, bút danh đó cũng được người ta trọng vọng, ngưỡng mộ đến kinh hồn. Thật ra, cũng chỉ là cùng một người dựng nên tất cả. Và người đó giờ đây đang ngồi trong văn phòng, tìm hiểu vì sao mình lại có thêm một khoản tiền trong tháng này.

– Nói Tú đừng buồn, lương tâm của Tú trong mắt tôi không có giá trị. Tiền mà Tú nhận là khả năng của Tú đáng nhận. Đừng suy nghĩ nhiều nữa, tập trung tinh thần để cho tôi một cột mốc mới trong sự nghiệp đi. Nếu tin tức sắp tới tốt hơn, phần của Tú sẽ còn cao hơn nữa.

Tú nhìn sâu vào mắt Phan, thoáng chút hoang mang, rồi khẽ gật đầu.

***

Mễ ra khỏi phòng làm việc, thấy đồng hồ đã bốn giờ chiều, Thương đang ngồi chơi game chém trái cây trên điện thoại, mặt căng thẳng pha chút bực mình vì mới lỡ tay chém trúng trái bom màu đen. Thấy Mễ đi ra, Thương vội vàng tắt máy, ngước lên tươi cười.

– Hôm nay hết lịch hẹn rồi chị.

– Chị biết mà. Nếu không còn gì làm, em về sớm đi.

– Dạ, vậy em tắt máy rồi về nhé, mai gặp lại chị. – Nói rồi Thương vội đứng dậy, bỏ đồ vô túi xách, mỉm cười bước nhanh ra khỏi văn phòng như thể sợ Mễ bất thình lình đổi ý.

Cánh cửa kính của văn phòng nhẹ khép sau khi Thương đi khỏi, bỏ lại Mễ trong không gian kín bên trong, im lặng đến rợn người, chỉ còn tiếng điều hòa rè rè chạy, phả thứ hơi lạnh giả tạo xuống da thịt. Mễ quay trở lại phòng mình, lấy giỏ xách, khăn choàng, tìm chìa khóa, khóa cửa rồi ra về.

Sau khi trở về từ khóa học ở nước ngoài, Mễ mở văn phòng tư vấn tâm lý như một cách để khai thác những góc sâu nhất trong mỗi con người. Tiền kiếm không nhiều, nhưng cũng không thành vấn đề, những khoản đầu tư vào tài chính khác đủ đảm bảo cho Mễ an nhàn ngồi nghe bệnh nhân than vãn về đủ thứ chuyện trên đời. Có khi là ghen tuông, hờn giận, trách móc người yêu, có khi là chia tay, chán nản muốn tìm đến cái chết, cũng có khi là mấy bậc phụ huynh đến nhờ Mễ chữa “căn bệnh đồng tính” của con họ. Có lần một ông bố đến nhờ Mễ “Làm sao để con gái tôi yêu con trai như bình thường?”

Mễ lắc đầu từ chối, vì bản thân không muốn vướng vào những người thiếu kiến thức. Mễ cũng không phải người có thể cung cấp đủ kiến thức cho họ hiểu bản chất xu hướng tính dục của con họ là gì. Nhưng đến khi nghe được câu nói, “Nếu cần, tao cho người cưỡng hiếp mày để mày hết bệnh” Mễ đã không ngăn được mình, giáng cho người đàn ông kia một bạt tai, “Tôi nghĩ người cần đi khám tâm lý là ông chứ không phải con ông.” Sự việc sau đó ra sao Mễ cũng không quan tâm, chỉ cần biết mình đã làm hết những gì bản thân có thể.

Nguyên tắc của một người làm tư vấn tâm lý, Mễ nhớ rất rõ. Chủ yếu là tạo cho người cần tư vấn một không gian thoải mái, để họ có thể kể câu chuyện của mình, chia sẻ với một người xa lạ trong mấy lần gặp mặt đầu tiên. Người tư vấn chỉ nên cho lời khuyên trong lúc cần thiết, hoặc sau khi đã chắc rằng mình hiểu được hoàn cảnh và tâm lý của người cần tư vấn. Nhưng đó là bước đi của những lần gặp mặt sau này, còn ở những lần đầu tiên, đơn giản chỉ là ngồi nghe câu chuyện của họ.

Nhu cầu được chia sẻ luôn luôn là nhu cầu cấp thiết của con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, với áp lực của việc kiếm tiền và cuộc sống, người ta thường lãng quên sự cần thiết của việc chia sẻ cảm xúc. Đến khi thật sự mỏi mệt, con người lại loay hoay không biết trút nỗi lòng cùng ai. Vì nhiều lý do, họ không thể tâm sự với người thân, nhất là cha mẹ hay anh chị em trong gia đình. Một cô gái không thể tâm sự, xin ý kiến của mẹ mình rằng vì sao sau khi trao cái ngàn vàng cho cậu bạn trai xong, cậu ta lại lạnh nhạt, không nồng ấm với mình như xưa. Một cậu con trai cũng không thể nói chuyện với ba mình rằng con thấy nhớ anh lớp trưởng, đặc biệt là nụ cười của anh ấy. Cũng có khi, con người không thể tâm sự, chia sẻ với bạn bè thân vì sĩ diện. Chia tay người yêu, người ta vẫn thích ngồi một mình và khóc hơn là bù lu bù loa trước mặt bạn bè, vì không muốn sau này bạn bè nhìn ra được lúc yếu lòng mình đã xấu xí đến thế nào. Chính vì vậy, mỗi khi cần tâm sự, con người ta lại hay đi kiếm một kẻ xa lạ.

Thời gian còn học bên nước ngoài, trang cá nhân của Mễ cũng khá đông bạn bè. Có nhiều người bạn Mễ chưa từng gặp bên ngoài, nhưng mỗi khi có chuyện, họ lại vào tìm Mễ tâm sự. Chính xác hơn là tìm Mễ nghe họ nói, vì Mễ thường chỉ im lặng. Khi được hỏi vì sao chọn Mễ, một người xa lạ để kể chuyện, họ chỉ trả lời, “Vì cảm thấy an toàn.”

Cũng đúng, với người lạ, người ta cần đề phòng một, thì với người thân, lại cần đề phòng gấp mười. Và vì biết người ta cần một người lạ để tâm sự, Mễ quyết định mở phòng tư vấn tâm lý này, tự biến bản thân thành cái thùng rác cảm xúc của người khác.

Thường sau mỗi lần tư vấn, Mễ sẽ ghi lại trong hồ sơ bệnh nhân rồi để đó, không nhớ nhiều, nhưng cuộc trò chuyện với Khuê sáng nay tới giờ vẫn còn đọng lại trong tâm trí Mễ. Cũng đúng, cái cảm giác khó chịu nhất chính là phải đi giải quyết rắc rối của người khác, trong khi chính bản thân mình cũng đang trong tình trạng tương tự và loay hoay không biết làm sao để thoát ra.

Từ ngày bỏ đứa con, từ ngày cơn đau phủ kín mọi giác quan… Mễ cũng chẳng còn đạt được khoái cảm trong chuyện ân ái cùng đàn ông.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN