Không Thể Động Lòng
Ngoại truyện 1
Lúc trước tôi cứ nghĩ mình hận Đặng Khải Thành, hận đến mức đời này không muốn gặp lại nữa, nhưng giờ nghe Dương Quang nói vậy mới hiểu, từ sâu trong tim tôi vẫn còn rất yêu anh, tôi chưa từng hy vọng anh sẽ c.hế.t.
Tôi không tin được Đặng Khải Thành sắp rời xa chúng tôi, run rẩy một hồi mới có thể nói:
“Anh… đang đùa tôi phải không? Anh chỉ đang nói đùa thôi phải không?”.
Dương Quang không đáp, chỉ hỏi ngược lại tôi: “Em có nhớ lúc ở thôn Trường An, hai người đến muộn vì đi qua quặng chì không?”. Anh ta run run nói: “Lúc đó anh Thành đi vác chì ở mỏ quặng đó, một mình anh ấy vác nhiều nhất, cũng hít vào nhiều độc chì nhất. Bao nhiêu năm nay anh ấy làm nhiệm vụ cũng bị thương không ít lần, cộng thêm lần này bị đ.ạn xuyên qua phổi nữa nên bệnh mới phát ra. Chân Ý, anh ấy nhiễm độc chì nên sắp c.hế.t rồi”.
“Gì cơ?”.
“Anh ấy sắp c.hế.t rồi, em đến thăm anh ấy đi. Anh ấy không phải muốn chia tay em, mà là anh ấy biết anh ấy sắp c.hế.t, sợ em sẽ đau lòng nên mới đuổi em đi. Em đừng giận anh ấy nữa, đến gặp anh ấy đi”.
Toàn thân tôi cứng ngắc, trái tim cũng như bị một bàn tay vô hình thò vào, bóp chặt lấy, bóp đến cả cuống họng tôi, muốn nói nhưng lại chẳng thốt ra được lời nào.
Mãi sau tôi mới sực nhớ mình phải đến thăm Đặng Khải Thành, tôi phải nhanh chóng chạy đến van cầu anh đừng rời xa tôi, cho nên tôi cố hít thật sâu mấy hơi, luống cuống mở miệng hỏi:
“Anh ấy bây giờ đang ở đâu? Anh ấy nằm bệnh viện nào? Anh đọc địa chỉ đi, bây giờ tôi đến”
“Anh ấy nằm bệnh viện X, khoa điều trị tích cực. Em đến đi.
“Bây giờ tôi đến ngay. Anh bảo anh ấy chờ tôi đến. Bảo anh ấy nhất định phải chờ tôi đến”.
“Ừ, anh biết rồi”.
Cúp máy xong, tôi vội vàng quay sang nhìn tài xế, cũng không kịp nói với mẹ câu nào đã hét lên: “Chú ơi, cho cháu đến bệnh viện X, chú cho cháu đến bệnh viện X, nhanh lên chú”.
“Bệnh viện X gì cơ?”.
“Cho cháu đến bệnh viện X”.
Mẹ tôi ngồi bên cạnh thấy tôi cuống đến mức tay chân bủn rủn mới tóm chặt cổ tay tôi, hỏi: “Chân Ý, làm sao thế?”.
“Mẹ, con không về quê nữa. Con đến bệnh viện X. Anh ấy đang ở bệnh viện X, con…”. Nói đến đây, tôi nghẹn lại, không thể tiếp tục được nữa.
Mẹ tôi ngẩn người nhìn tôi, vài giây sau bỗng dưng đưa tay đến, lau nước mắt cho tôi. Gò má mình ươn ướt, tay mẹ cũng ươn ướt, lúc này tôi mới biết nãy giờ mình đang khóc, nước mắt không một tiếng động, cứ thế lặng lẽ rơi.
Mẹ tôi hỏi: “Đến bệnh viện X phải không?”.
Tôi gật đầu, bà lập tức quay sang nói với chú tài xế: “Chú cho chúng tôi đến bệnh viện X, chúng tôi không về quê nữa. Chú lái đi, tôi trả thêm tiền”.
Chú tài xế ngơ ngác nhìn chúng tôi, sau đó chắc thấy tôi khóc nên cũng không hỏi dài dòng nữa, lập tức dẫm chân ga chở cả xe tải đồ đến bệnh viện X. Tôi ngồi trên xe, cầm khăn giấy nhưng không khóc nữa, không phải sợ mọi người xung quanh cười tôi, mà là tôi sợ lát nữa đến bệnh viện, mắt sưng, Đặng Khải Thành sẽ đau lòng vì tôi.
Anh đau như thế, bị bệnh nặng như thế, cô độc chống chọi như thế mà không mở miệng than phiền dù chỉ là nửa lời, sao tôi có thể nước mắt giàn giụa đến gặp anh được chứ?
Trên đường đến bệnh viện, tôi đã nghĩ về rất nhiều thứ, nghĩ về lúc ở trên Thôn Trường An, tôi có hỏi Đặng Khải Thành một lần vác chì nặng nhất được bao nhiêu cân, khi đó vẻ mặt anh nhẹ tênh đáp: Nặng nhất là 70kg, một ngày vác từ sáng đến tối. Tôi còn nhớ đến lời ông cụ thầy lang ở trong núi nói: “Vùng tam giác Đông Dương chục năm trước nổi tiếng có nhiều tội phạm, còn trẻ như cậu mà dám đến đó làm nhiệm vụ và sống sót trở về được là quá giỏi”. Tôi cũng nghĩ Đặng Khải Thành rất giỏi, nhưng đến bây giờ ngẫm lại mới thấy dù anh có kiên cường đến mấy, nỗ lực đến mấy, bản lĩnh chống chọi với gió mưa cuộc đời này đến mấy, cuối cùng da thịt cũng vẫn là da thịt mà thôi. Làm sao đã nhiễm độc chì chừng ấy năm, lại phải chịu vô vàn vết thương mà có thể thoát khỏi cái c.hế.t được.
Anh đã biết mình sẽ không sống tiếp được nên mới trốn tránh tôi, miệng thì nói những lời làm tổn thương tôi, đuổi tôi đi, nói không cần tôi nữa. Nhưng một Đặng Khải Thành yêu tôi nhiều như thế, làm sao có thể không cần tôi nữa chứ?
Tại tôi ngu ngốc, không nhìn ra người đàn ông tôi yêu bị bệnh mà thôi!
Nghĩ đến đây, nước mắt tôi không nhịn được, lại ào ào như mưa rơi xuống. Dù đã quay ra ngoài cửa sổ rồi nhưng mẹ vẫn biết tôi khóc, bà nắm tay tôi: “Nó bị bệnh gì?”.
Sống lưng tôi khẽ run lên, mất một lúc rất lâu sau mới nói: “Hai mấy năm trước không có tiền… nên anh ấy phải làm phu vác chì… để kiếm tiền đi học trường cảnh sát… độc kim loại nhiễm vào m.áu… nghe nói… nghe nói…”.
Ba chữ “Sắp c.hế.t rồi” tôi không thể thốt ra khỏi miệng được, nhưng có lẽ mẹ tôi cũng hiểu. Bà vỗ vỗ vào mu bàn tay tôi, nói: “Sẽ ổn cả thôi”.
Tôi cũng hy vọng sẽ ổn, nhưng sự thật bao giờ cũng phũ phàng, không giống như trong giấc mơ, chỉ giật mình tỉnh dậy là mọi nỗi sợ hãi đều tan biến.
Lúc đến bệnh viện mới biết Đặng Khải Thành bị bệnh nặng còn hơn tôi nghĩ. Trong phòng bệnh trắng tinh chỉ có một mình anh nằm trên giường, cả người gầy yếu, cơ thể không còn chút sức sống. Làn da khỏe mạnh trước kia đã chuyển thành một màu tái xám, bờ môi cũng tím đen, tiều tụy đến mức suýt nữa thì tôi không nhận ra.
Lòng tôi đau đến tan nát, vội vàng chạy đến ôm anh: “Anh ơi, em đến rồi….Anh ơi, em đến rồi đây”.
Cánh tay Đặng Khải Thành lạnh ngắt, tôi cứ tưởng anh đã c.hế.t, cứ nắm chặt lấy lay lay: “Anh ơi anh tỉnh dậy nhìn em đi, mở mắt nhìn em đi. Em đến thăm anh rồi đây mà, anh mở mắt nhìn em đi”.
“Anh ơi…”.
Dương Quang đứng bên cạnh, thấy tôi cứ liên tục gọi Đặng Khải Thành mới kéo tôi đứng dậy: “Bác sĩ vừa tiêm thuốc an thần cho anh ấy, anh ấy ngủ rồi, em có gọi thì anh ấy cũng không nghe được. Đợi mấy tiếng nữa hết tác dụng của thuốc đã”.
“Ngày nào anh ấy cũng phải tiêm an thần ư?”.
Dương Quang thở dài một tiếng, lặng lẽ gật đầu: “Lúc thức thì anh ấy đau…Bác sĩ tiêm an thần để anh ấy ngủ, ngủ thì không còn thấy đau nữa”.
Xương cốt tôi lạnh buốt, rõ ràng lúc này tôi không gánh nỗi đau như anh, nhưng tôi lại có cảm giác mình cũng sắp c.hế.t như anh rồi, Đặng Khải Thành như vậy tôi không chịu đựng được.
Hai mắt tôi đỏ hoe nhìn Dương Quang, run rẩy níu kéo một chút hy vọng: “Vậy phải làm sao? Làm sao mới cứu được anh ấy? Anh đã thử tìm cách chưa? Làm sao thì anh ấy mới không đau nữa?”.
“Anh cũng đã đi hỏi hết rồi, nhưng tất cả các bác sĩ đều nói bệnh của anh ấy bây giờ không chữa được”.
“Sao lại không chữa được? Nhiều người nhiễm độc chì vẫn sống, sao anh ấy lại không chữa được?”.
“Anh ấy là nhiễm độc chì lâu ngày”. Tròng mắt anh ta cũng tràn đầy tơ m.áu, có lẽ lúc này cũng đang phải kìm nén để không rơi nước mắt trước mặt tôi: “Lúc trước anh ấy không biết nên không đi khám, cũng không điều trị. Mãi đến đợt vừa rồi vào bị đạn bắn x.uyên phổi, khi cấp cứu anh ấy ngưng thở mấy lần, bác sĩ mổ ra mới thấy các tế bào phổi của anh ấy đen gần hết. Họ nghi ngờ nên mới xét nghiệm lượng chất chì trong m.áu, đến khi có kết quả thì bác sĩ nói anh ấy nhiễm độc kim loại quá nặng rồi, nội tạng gần như hỏng h.ế.t, hàm lượng chì trong m.áu cũng quá cao. Không cứu được nữa”.
“Không”. Tôi cố chấp không tin, lắc đầu: “Sao có chuyện không cứu được nữa? Nội tạng hỏng thì ghép tạng, m.áu nhiễm chì thì lọc m.áu. Ở Việt Nam không chữa được thì đi nước ngoài. Anh ấy là cục trưởng cục cảnh sát cơ mà, không phải anh nói địa vị của anh ấy cao lắm sao? Sao người ta không cứu anh ấy? Mà dù người ta không cứu anh ấy thì chúng ta cứu. Tốn bao nhiêu tiền cũng được, miễn là anh ấy sống thôi. Làm sao cũng được, miễn là anh ấy sống thôi”.
“Anh cũng muốn anh ấy sống, nhưng bây giờ tất cả bác sĩ bó tay rồi. Nước ngoài cũng không cứu được. Em bảo anh phải làm sao đây?”. Nói tới đây, Dương Quang đưa tay lên mặt quệt nước mắt, anh ta không khóc tu tu như tôi, nhưng từng giọt từng giọt cứ tí tách thi nhau chảy xuống: “Anh không biết phải làm sao để cứu anh ấy nữa. Anh chỉ biết anh ấy nhớ em nên mới gọi em đến đây thôi. Anh ấy không cho anh gọi, nhưng anh nghĩ nếu anh ấy c.hế.t rồi mà không được gặp em lần cuối thì không yên lòng được, nên anh…”.
Tôi không dám nhìn Đặng Khải Thành, cũng không dám nghe hết câu Dương Quang nói, chỉ bảo: “Đừng nói linh tinh, gặp lần cuối cái gì, anh ấy còn lâu mới c.hế.t, tôi không cho phép thì anh ấy không được c.hế.t”.
Anh ta lau nước mắt, nghẹn ngào nói: “Ừ”.
“Bây giờ tôi đi hỏi bác sĩ. Anh ở đây trông anh ấy, tôi đi hỏi bác sĩ xem còn cách nào không”.
“Anh hỏi rồi, hỏi nhiều lần lắm rồi, nhưng lần nào họ cũng lắc đầu thôi. Không có tác dụng gì đâu”.
Tôi hiểu chứ, hiểu rất rõ nữa là đằng khác, nhưng dù ai cũng lắc đầu, dù không có tác dụng gì đâu thì tôi cũng vẫn đi, có phải quỳ trước bác sĩ để xin cứu lấy anh thì tôi cũng sẽ quỳ.
Tôi kiên quyết nói: “Mặc kệ, tôi vẫn phải hỏi, biết đâu hôm qua không có cách nhưng hôm nay lại có cách. Anh cứ ở đây, tôi đi hỏi bác sĩ xong sẽ quay lại ngay”.
Nói rồi, tôi lập tức chạy đi, túm được bóng áo trắng nào cũng hỏi ‘làm sao để bệnh nhân ở phòng 203 có thể tiếp tục sống’, bọn họ ai cũng nhìn tôi như một kẻ đ.iên, mãi sau mới có một vị bác sĩ trưởng khoa bảo tôi vào phòng.
Ông ấy nhìn tôi nói: “Chúng tôi đã giải thích cho người nhà rồi, bệnh nhân bị nhiễm độc chì rất nặng, thời gian nhiễm đã lâu nhưng không điều trị, lại kèm theo anh ấy từng bị thương rất nhiều lần, gần đây nhất lại bị đ.ạn bắ.n qua phổi. Bây giờ độc kim loại đã gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, viêm nhiều dây thần kinh, hồng cầu cũng có hạt ái kiềm, không thể nào cứu chữa được nữa. Cô có hỏi ai cũng sẽ trả lời như vậy”.
Tôi không từ bỏ, lại hỏi: “Ở trong nước không cứu chữa được, vậy ở nước ngoài thì sao hả bác sĩ? Ở nước ngoài có công nghệ tiên tiến hơn, có thể chữa được không bác sĩ?”.
“Nếu phát hiện ra nhiễm độc chì từ sớm còn có hy vọng chữa được, nhưng anh ấy phát hiện ra lúc đã quá muộn, đưa sang nước ngoài cũng vậy”.
Tôi không từ bỏ, lại hỏi: “Vậy kéo dài mạng sống cho anh ấy thì sao ạ? Không cứu được thì tìm cách kéo dài sự sống cho anh ấy được không bác sĩ?”.
Bác sĩ vẫn lắc đầu: “Nếu may mắn thì có thể kéo dài đến một tuần nữa, không may mắn thì có thể nhanh hơn. Cô phải hiểu là nội tạng gần như hỏng hoàn toàn rồi, nội tạng dừng hoạt động thì cơ thể cũng sẽ ngừng hoạt động, lý thuyết là như vậy”.
“Cháu mới có thai được 10 tuần thôi”. Trái tim tôi vô cùng đau đớn, cứ nghĩ đến con tôi chưa sinh đã mất bố, còn tôi thì mất anh, tôi có cảm giác không thể chấp nhận được: “Con của bọn cháu còn chưa ra đời, nó còn bé lắm, không thể không có bố được. Cháu xin bác sĩ cứu lấy anh ấy đi, làm cách nào cũng được, tốn bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần anh ấy có thể tiếp tục sống thôi. Bác sĩ, chú giúp cháu đi”.
Bác sĩ thở dài nhìn tôi, muốn khuyên nhưng lại chẳng biết phải khuyên thế nào mới phải. Cuối cùng, ông ấy thở dài, nặng nề đáp: “Thời gian này gia đình nên tranh thủ ở bên cạnh anh ấy đi, có thể nói gì thì nói nhiều vào. Lúc nhắm mắt xuôi tay có người thân ở bên cạnh thì ra đi mới thanh thản”.
Tôi hoàn toàn tuyệt vọng, ngồi trước mặt bác sĩ òa khóc như một đứa trẻ. Lúc ấy tôi rất muốn hỏi ngược lại bác sĩ rằng: Người thân ư? Anh ấy mồ côi từ năm hai mươi mấy tuổi, bây giờ ở trên thôn Trường An cũng chẳng có nhà để về, làm gì có người thân?
Đặng Khải Thành cùng một lúc mất đi cha mẹ cách đây 10 năm, một mình anh phải đến biên giới để làm nhiệm vụ, một mình tự chịu đựng rất nhiều vết thương, một mình tự khâu sống. Anh vì muốn trở thành cảnh sát hình sự cống hiến cho tổ quốc nên mới làm phu vác chì, sau đó ba mẹ anh cũng vì liên lụy nghề nghiệp đó mà phải c.hế.t. Nhiều năm qua Đặng Khải Thành đã hy sinh rất nhiều thứ, cống hiến cả m.áu thịt và mồ hôi cho đất nước, nhưng rút cuộc lại phải nhận lại kết cục bi thảm như ngày hôm nay.
Là gia đình tôi mười năm trước đã khiến anh trở thành mồ côi, là chính tôi lúc ở dưới hầm ngầm tự ý hành động nên anh mới bị Đăng Nguyên b.ắn. Ba người nhà tôi đã hại anh đến mức phải c.hế.t, nhưng đến tận khi sắp nhắm mắt, người thân duy nhất mà anh có lại là đứa con trong bụng tôi.
Mà tôi lại là con gái kẻ thù của anh!
Một mối thù luẩn quẩn như vậy, bảo anh phải thanh thản làm sao đây, ra đi làm sao đây? Đổi lại là tôi, tôi cũng không làm được điều ấy.
Nhưng mà Đặng Khải Thành thực sự sắp c.hế.t rồi!
Tôi đau lòng tưởng c.hế.t, liêu xiêu rời khỏi phòng của bác sĩ, không chất vấn được ai, lại ra hành lang ngửa đầu hỏi ông trời tại sao không công bằng với Đặng Khải Thành?
Anh tốt như thế, ấm áp như thế, chịu đựng đau khổ nhiều như thế, cũng nỗ lực và kiên cường nhiều như thế, tại sao vẫn không đổi lại được một lần nhìn xuống của trời cao? Tại sao người xấu như tôi không c.hế.t đi, mà lại bắt người tốt như anh phải c.hế.t? Tại sao người đã hại anh thì không phải gánh nghiệp báo, mà bao nhiêu đau khổ đều dồn hết vào Đặng Khải Thành?
Ông trời, người ta luôn nói ông có mắt, nhưng chúng tôi có thấy mắt của ông đâu? Rõ ràng ông không có mắt nên mới bắt người tốt Đặng Khải Thành đi. Ông thấu hiểu nhân gian nhiều như thế, sao ông không bắt tôi đây này?
Lồng ngực tôi bị đè nén như muốn vỡ tung, tôi cố ấn thật chặt để không đau nữa, nhưng càng ấn càng cảm thấy đau đớn không cách gì chịu đựng được.
Nước mắt tôi như mưa ào ào rơi xuống, người đi qua hành lang đều ái ngại quay đầu nhìn tôi, nhưng tôi không quan tâm, lúc này chỉ nghĩ đến làm cách nào để cứu Đặng Khải Thành của tôi thôi.
Nhưng tôi lại chẳng tìm được cách nào cả!
Bỗng dưng có một bàn tay vỗ vào lưng tôi, mẹ tôi đứng phía sau, hai mắt đỏ hoe gọi tôi: “Con à!”.
Tôi quay đầu lại, mếu máo nói: “Bác sĩ cũng nói anh ấy sắp c.hế.t rồi, không có cách nào chữa được, con phải làm sao đây?”.
Mẹ tôi mím chặt môi, bàn tay gầy run rẩy lần mò đến, nắm thật chặt cổ tay tôi. Bà muốn nói gì đó, nhưng lại không thốt ra khỏi miệng được, cuối cùng chỉ có mình tôi nức nở: “Mẹ nói anh ấy là người xấu, nhưng đối với con anh ấy là người tốt, tốt nhất trên đời. Anh ấy cũng thương con như ba mẹ thương con, bảo con đi theo anh ấy, nhưng chưa từng giày vò hành hạ con, bất kỳ đau đớn gì đều gánh đỡ cho con”.
“…”
“Lúc con tự ý trốn ra ngoài gặp Tư một mí, bị hắn ép uống m.a t.úy nước, anh ấy không những đến cứu con, còn xin nghỉ làm ở nhà để cùng con cai thuốc. Con lên cơn ngh.iện, đánh anh ấy, mắng anh ấy, cắn anh ấy, nhưng mỗi lần như thế anh ấy đều không tức giận, chỉ ôm con bảo “Chân Ý, ổn rồi, không sao rồi”. Mẹ, anh ấy hận gia đình mình như thế, sao không mong cho con ngh.iện đến c.hế.t đi, sao anh ấy còn giúp con cai thuốc, động viên con cố gắng để vượt qua cơn nghiện làm gì?”.
“…”
“Trong thành phố có nhiều tội phạm liên quan đến Hồng Hưng, anh ấy sợ con ra ngoài gặp nguy hiểm nên bảo con ở nhà. Còn lo con buồn nên mang một con mèo về cho con nuôi. Sau này lên quê nhà của anh ấy, con bị say độ cao, anh ấy ngồi bên con suốt cả một đêm. Lúc con bị tội phạm quấn b.om vào người, tất cả mọi người đều chạy đi hết, chỉ có một mình anh ấy bước về phía con. Biết b.om không phá được, nhưng đuổi thế nào anh ấy cũng không đi, còn tự tay cắt dây buộc b.om cho con. Lúc đó, nếu như anh ấy cắt lệch một dây thôi, có lẽ cả anh ấy và con đều c.hế.t rồi”.
“…”
“Lúc con bị rơi xuống núi, anh ấy cũng nhảy theo con. Vực sâu cả nghìn mét như thế mà anh ấy dám nhảy, lúc túm được tay con rồi thì cành cây anh ấy bám cũng sắp gãy. Con nói anh ấy buông tay, nhưng anh ấy vẫn dỗ con, nói chỉ cần con không đung đưa chân thì sẽ không rơi xuống, anh ấy chắc chắn sẽ giữ được con”.
“…”
“Mẹ… nhưng con biết con có không đung đưa chân thì cũng vẫn sẽ rơi xuống. Con không muốn kéo theo anh ấy c.hế.t cùng nên mới chọn buông tay anh ấy. Con nghĩ anh ấy phải sống để còn nuôi lũ trẻ trên thôn Trường An, anh ấy phải sống để hàng tháng còn gửi tiền phụ giúp vợ con đồng nghiệp đã hy sinh của anh ấy. Anh ấy còn phải bắt tội phạm, bảo vệ nhân dân. Anh ấy tốt như thế thì không thể c.hế.t theo con được”.
“…”
“Nhưng khi con rơi xuống thì anh ấy cũng buông tay theo con. Anh ấy rơi xuống núi cũng bị thương, lưng rách chằng chịt nhưng vẫn cõng con đi suốt mấy tiếng trong rừng, hỏi gì cũng bảo ‘Không mệt’. Chân con không đi lại được, anh ấy lên núi chặt cây làm nạng cho con, cõng con lên đồi cỏ ngắm đom đóm, nhờ bà cụ trong hẻm núi làm bánh bột mì thay bánh sinh nhật cho con”.
“…”
“Mẹ, còn rất nhiều, rất nhiều chuyện nữa, anh ấy làm rất nhiều con không thể kể hết được. Nhưng nhà mình hại anh ấy cùng một lúc mất đi cha mẹ như thế, anh em Hồng Hưng tàn nhẫn với anh ấy như thế, vậy mà anh ấy vẫn thương con, không những đối xử tốt, còn không tiếc mạng mình cứu mạng con. Mẹ, đời này con nợ anh ấy, con phải trả nợ làm sao đây?”.
Tôi bưng mặt khóc, hỏi mẹ: “Anh ấy sắp c.hế.t rồi, con phải trả nợ làm sao đây?”
Mẹ tôi cũng òa lên khóc, ôm chặt lấy lưng tôi: “Là nhà mình có tội với nó. Thằng Thành không làm sai gì cả, là nhà mình có tội với nó”.
“Anh ấy không có ai thương, ngay cả con cũng không thương anh ấy. Mẹ ơi, con muốn anh ấy tiếp tục sống, nhưng làm sao anh ấy mới tiếp tục sống được, phải làm sao hả mẹ?”.
“Chân Ý, mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi”.
“Mẹ đừng xin lỗi con, người mà cả nhà chúng ta nên xin lỗi là anh ấy”.
Mẹ tôi gật đầu, cứ khóc mãi, khóc mãi, bà luôn miệng nói gia đình tôi có tội với Đặng Khải Thành, nói muốn vào gặp để xin lỗi anh, nhưng tôi bảo chắc bây giờ anh mệt lắm, anh không còn sức để nói đến chuyện hận thù nữa, thế nên trước hết mẹ cứ về bệnh viện đi.
Mẹ tôi có lẽ cũng hiểu nên không miễn cưỡng tôi, chỉ nói: “Ừ, mẹ quay lại khoa phục hồi chức năng, đăng ký một phòng ở tạm, con cần gì thì cứ nói với mẹ”. Ngừng một lát, bà lại nói: “Nó muốn ăn gì, mẹ làm cho nó ăn”.
“Vâng”.
Lúc tôi quay về, thì anh đã tỉnh rồi, Dương Quang nói hình như anh lại đau nên mới tỉnh. Anh ta ra ngoài bảo tôi:
“Em cứ vào với anh ấy đi, anh đi mua ít cháo, lát nữa anh ấy ăn”.
“Anh thấy mắt tôi có sưng không?”. Tôi hỏi.
Dương Quang nhìn tôi một lượt, có lẽ vì tôi nhếch nhác thảm hại quá nên anh ta nói: “Hơi sưng, nhưng mắt anh ấy giờ kém lắm, chắc không nhìn ra đâu. Lát nữa em đừng để anh ấy nghe tiếng em khóc là được”.
“Ừ”. Tôi lấy tay quệt sạch nước mắt còn đọng lại trên mi: “Tôi biết rồi. Anh đi đi”.
Sau khi Dương Quang đi rồi, tôi đứng ngoài cửa chỉnh trang quần áo mãi, hít thật sâu mấy hơi, nở sẵn một nụ cười trên môi rồi mới bước vào.
Đặng Khải Thành đang ngồi trước cửa sổ, hình như anh đang nghiền ngẫm điều gì đó nên không bật điện. Khắp phòng chỉ có ánh nắng chiều tà le lói chiếu lên, mấy sợi nắng đỏ rực vương trên tóc anh, vẽ một viền yếu ớt bên bờ vai anh.
Bóng lưng anh đơn độc, gầy yếu, nhưng vẫn thẳng tắp giống hệt như đêm mưa quỳ dưới sân nhà tôi. Dù cuộc đời vùi dập thể nào vẫn không hề trũng xuống, kiên cường như gánh được cả đất trời.
Nhưng lúc này trong mắt tôi chỉ còn lại một Đặng Khải Thành với số kiếp đầy đau thương mà thôi!
Tai anh hình như cũng yếu, không nghe được tiếng bước chân tôi. Tôi đi thật nhẹ tiến lại gần, sau đó nhẹ nhàng vòng tay qua ôm lấy thắt lưng anh. Đặng Khải Thành khẽ giật mình, vừa định lên tiếng thì tôi đã gọi: “Anh ơi”…
Thân thể anh lập tức cứng lại, Đặng Khải Thành dường như không tin tôi sẽ đến nên kinh ngạc hỏi: “Chân Ý?”.
“Vâng”. Tôi áp mặt vào tấm lưng rộng lớn của anh, dõng dạc nói hai chữ: “Là em”.
“Sao em lại đến đây?”.
“Em đến ngắm mặt trời lặn, nhân tiện đến thăm anh”.
Một câu rất đỗi bình thường nhưng lại như rút cả tâm can tôi, tôi cố gắng nói chuyện theo một cách thản nhiên nhất, nhưng sống lưng Đặng Khải Thành vẫn khẽ run lên.
Anh im lặng một lát, rồi lại gỡ tay tôi: “Em không nên đến đây”.
“Nhưng em đã đến rồi. Anh đừng đuổi em đi nữa. Mà lần này anh có đuổi thì em cũng không đi đâu”.
“Chân Ý…”.
“Em nhớ anh lắm”. Viền mắt tôi cay cay, vẫn tự nhắc nhở mình không được khóc, khóc sẽ làm Đặng Khải Thành thêm đau lòng nhưng vẫn không nhịn được, giọng bắt đầu run run: “Em nhớ anh nên mới chạy đến gặp anh. Anh cũng nhớ em phải không?”.
Anh không đáp, cũng không gỡ được tay tôi, có lẽ vì sức khỏe của anh yếu, cũng có thể vì Đặng Khải Thành vẫn là một Đặng Khải Thành như thế, anh sợ tôi đau nên không dám mạnh tay.
Tôi được đà lại ôm chặt hơn, nhưng lúc hai cánh tay siết lại mới cảm nhận rõ được Đặng Khải Thành gầy đến thế. Trước kia tôi ôm anh không hết được một vòng tay, giờ anh gầy đến nỗi tay này của tôi đã nắm được tay kia, còn thừa ra cả một đoạn.
Anh yếu thế này, chẳng trách hôm gặp nhau ở nhà lại không dám bật đèn sáng, Đặng Khải Thành sợ tôi nhìn rõ sắc mặt anh nhợt nhạt nên mới cố né tránh tôi.
Tôi đau lòng nói: “Anh nhớ em nên mới gầy thế này có phải không?”.
Anh không đáp, chỉ lặng lẽ quay đầu lại nhìn tôi, ánh mắt vốn luôn ngời sáng của anh bây giờ chỉ còn lại một mảng u tối. Tôi không chờ được câu trả lời của anh, lại hỏi: “Anh nói đi, anh cũng nhớ em phải không?”.
Rút cuộc, Đặng Khải Thành đành phải nói: “Ừ, tại nhớ em nên mới gầy”.
Tôi suýt nữa thì rơi nước mắt, lại sợ anh thấy nên bật cười, rúc đầu vào ngực anh, hít hà mùi xà phòng thoang thoảng trên người anh: “Vậy em đến thăm anh thì anh có vui không?”.
“…”
“Có cả con nữa, con cũng đến thăm anh đây này”. Nói rồi, tôi cầm tay anh đặt vào bụng tôi: “Lúc trước anh muốn sờ nó đúng không? Hôm nay em mang con đến rồi, anh sờ đi”.
Bàn tay của anh bất giác run lên, rõ ràng đến mức tôi có thể cảm nhận được. Đặng Khải Thành cúi đầu thật thấp, thật thấp, thấp đến nỗi tôi không nhìn thấy gương mặt anh, nhưng giây phút ấy, tôi nhìn thấy một hạt nước lấp lánh rơi xuống từ cằm anh, qua ánh chiều tà đỏ thẫm, ngay lập tức thấm vào chăn gối.
Đặng Khải Thành im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng xoa bụng tôi, từng ngón tay có vết chai rất đỗi quen thuộc cọ vào áo tôi, làm tôi có cảm giác ngưa ngứa.
Tôi rất vui mừng, cũng cảm thấy vô cùng đau đớn, muốn há miệng hỏi anh có thích không, nhưng lúc này đột nhiên anh lại ngẩng lên, ôm lấy tôi.
Anh nói: “Anh rất vui, Chân Ý, em mang con đến thăm anh, anh rất vui”.
Nước mắt tôi rút cuộc vẫn là không nhịn được, một giọt tràn ra khỏi khóe mi rồi rơi xuống. Nhưng ngoài miệng, tôi vẫn cười thật tươi: “Anh vui là được rồi. Anh đừng đuổi em đi nữa. Ngày nào em và con cũng ở đây bên anh, chăm sóc anh, kể chuyện cho anh nghe, như thế có được không?”.
Đặng Khải Thành không đáp, nhưng một lát sau bỗng dưng lại hỏi tôi: “Chân Ý, em biết anh sợ nhất là điều gì không?”.
Tôi biết anh không sợ c.hế.t, chỉ là sợ vĩnh viễn phải xa tôi. Nhưng lời này tôi không thể nói được, chỉ bảo: “Em không biết”.
“Lúc trước anh nghĩ c.hế.t là hết, đau lòng một thời gian rồi cũng thôi. Nhưng khi anh nằm trong viện, nhìn số của em gọi đến mỗi ngày mà không nghe được, tự nhiên anh lại cảm thấy sợ”. Anh ôm lấy tôi, xương sườn cọ vào người tôi: “Anh nghĩ đến việc mỗi ngày em phải chứng kiến anh dần dần c.hế.t đi, nghĩ đến Chân Ý của anh mau nước mắt như thế, lúc trước còn ở Hồng Hưng, lần nào thấy anh bị đánh cũng khóc suốt một đêm, giờ thấy anh như vậy chắc sẽ khóc đến hỏng cả mắt mất”.
“…”
“Anh còn tưởng tượng đến cả khi em thấy anh đau, em sẽ lén lút trốn vào một góc nào đó để khóc, khóc xong rồi lại lau nước mắt đứng dậy, tỏ ra không có gì trước mặt anh. Sau đó đến một ngày anh thật sự c.hế.t đi, em sẽ dựng anh một tấm bia thật lớn, hàng ngày mang hoa lên mộ anh, vừa khóc vừa mắng anh đồ kh.ố.n, dám rời bỏ em mà đi”.
Tôi nhắm thật chặt mắt, lệ trên má chầm chậm lăn xuống vai áo Đặng Khải Thành. Những thứ anh nói đều đúng cả, cho đến giây phút này anh vẫn là một Đặng Khải Thành hiểu thấu được lòng tôi, hiểu tôi đến nỗi những lời nói kia chẳng có một chữ nào sai. Chỉ là…
Chỉ là tôi thà khóc hỏng mắt cũng không muốn phí phạm những ngày cuối bên anh mà thôi.
Tôi run rẩy hỏi Đặng Khải Thành: “Vì thế cho nên anh thà để em mắng anh đồ khốn, còn hơn là để em vừa khóc vừa mắng anh đồ khốn, phải không?”.
Anh hôn lên tóc tôi, có thứ gì đó cũng man mát chảy xuống da đầu: “Chân Ý, anh xin lỗi”.
“Anh đừng xin lỗi. Anh có làm sai gì đâu chứ?”. Cánh tay tôi cũng ôm chặt lấy anh, cổ họng khàn đặc nói từng chữ: “Anh là người tốt nhất trên đời, anh không làm gì sai cả, chỉ là ông trời không công bằng với anh mà thôi. Ông trời không có mắt nên không nhìn được đến anh mà thôi”.
“Anh không cần ông trời nhìn anh, chỉ cần một người nhìn đến anh là được rồi”.
“Có, có em nhìn đến anh. Em thương anh. Đặng Khải Thành, có em thương anh”. Tôi nhổm dậy, hôn lên cổ anh, hôn xuống cả vai anh: “Em và con đều thương anh, nên anh đừng đuổi mẹ con em đi nữa. Em hứa với anh, em sẽ không khóc đến hỏng mắt, em cũng không mắng anh là đồ khốn. Anh sống được 10 ngày thì em sẽ vui vẻ 10 ngày, anh sống được một ngày em cũng sẽ vui vẻ một ngày. Anh đừng đuổi em đi nữa được không?”.
Đặng Khải Thành siết chặt lấy tôi, im lặng rất lâu sau mới đáp: “Chân Ý, anh phát hiện ra một chuyện”.
“Chuyện gì cơ?”.
“Cho đến lúc này, em vẫn là dũng khí”.
Một cảm giác hạnh phúc xen lẫn bi thương dội thẳng vào lòng tôi, khiến tôi cảm thấy rất muốn cười, lại cũng muốn khóc. Lúc trước anh nói “Hai mươi mấy năm qua, em là động lực để anh tiếp tục sống”, tôi đã không thể hiểu hết được một người nỗ lực sống vì mình sẽ có cảm giác ra sao. Bây giờ thì tôi rõ rồi, tôi hiểu được tại sao Đặng Khải Thành bị mưa gió cuộc đời vùi dập đến tả tơi mà sống lưng vẫn thẳng tắp như vậy rồi.
Hóa ra, anh mạnh mẽ vì tôi, nỗ lực vì tôi, cho đến giờ phút này vẫn kiên cường chống chọi vì tôi.
Tôi cũng nên mạnh mẽ kiên gan như anh mới phải!
Tôi gạt nước mắt, gọi tên anh: “Thành”.
“Ừ”.
“Cảm ơn anh”. Tôi lặng lẽ hít thật sâu vài hơi, chầm chậm nói một câu: “Cảm ơn anh, vì đã đến. Không phải một lần, mà tận hai lần”.
Đặng Khải Thành mỉm cười: “Đi theo anh chịu thiệt thòi như thế mà vẫn cảm ơn anh à?”.
“Thì có sao? Đi theo anh, không những được anh yêu thương nhất, còn chiếm đoạt được lần đầu tiên của anh, không thiệt”.
Anh nhìn tôi thật lâu, thật lâu, sau đó đột nhiên kéo tôi lại, hôn lên tóc tôi: “Chân Ý, chúng ta đến một nơi đi”.
“Đi đâu vậy?”. Tôi muốn khuyên anh hãy ở lại bệnh viện, nhưng nghĩ thời gian của Đặng Khải Thành không còn dài, nếu cứ ch.ết dần c.hế.t mòn ở đây thì quá mệt mỏi, cho nên nếu anh muốn đi, tôi sẽ đi cùng anh.
“Đến thăm ông bà cụ dưới hẻm núi được không?”. Anh cười bảo: “Ở Hà Nội anh không tìm thấy 1000 con đom đóm, thất hứa thì không đền được cho em. Thế nên anh đưa em quay lại đó nhé?”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!