Không Thể Động Lòng
Ngoại truyện 2
Lúc trước, khi anh cõng tôi rời khỏi thôn làng trong núi đó, tôi đã bắt anh hứa sau này nhất định sẽ quay lại thăm ông bà cụ, gánh nước tưới rau, mua một chiếc đài FM mới. Nếu ai không làm được sẽ phải đền 1000 con đom đóm. Bây giờ Đặng Khải Thành nói không tìm được đom đóm cho tôi, thế nên anh không thể thất hứa, thời khắc cuối đời này muốn cùng tôi quay về đó.
Tôi cũng muốn hoàn thành nguyện vọng này cùng anh, chỉ là thôn Trường An quá xa, tôi sợ sức khỏe của anh không chịu được nên nói:
“Thôn Trường An xa lắm, cái hang kia cũng phải đi bộ mười mấy kilomet, chúng ta có đi nổi được không?”.
Đặng Khải Thành mỉm cười, đáp bằng giọng điệu nhẹ tênh: “Cứ thử đi một chuyến xem, nếu không được thì chúng ta quay về”.
Tôi mím chặt môi, nhìn sắc mặt nhợt nhạt của anh hồi lâu rồi cũng hạ quyết tâm nói: “Được. Tối nay em sửa soạn đồ, ngày mai chúng ta đi nhé”.
“Không cần đâu, để anh bảo Quang làm”.
“Không được, có mấy đồ linh tinh của phụ nữ anh ta không mua được. Để em đi mua”.
Thực ra tôi chỉ nói dối anh vậy thôi, tôi không ra ngoài mua đồ linh tinh phụ nữ gì cả, chỉ là đến hỏi ý kiến bác sĩ. Sau khi nghe xong, bác sĩ có nói với tình trạng bệnh của Đặng Khải Thành bây giờ thì bệnh viện cũng sẽ không giữ lại, bác sĩ khuyên tôi hãy để những ngày cuối đời của Đặng Khải Thành thật thoải mái, làm gì anh muốn, đi đâu anh thích, miễn là anh có thể vui vẻ.
Tôi gật đầu, đáp: “Vậy có cần mang thêm thuốc để tiêm cho anh ấy không ạ? Anh ấy đau, cháu sợ không có thuốc thì hệ thần kinh sẽ bị tổn thương vì đau đớn”.
“Cô biết tiêm không?”. Bác sĩ cau mày hỏi: “Thực ra tiêm cũng khá đơn giản, cậu ấy tiêm bắp thì không khó như tiêm ven”.
“Cháu biết tiêm sơ sơ ạ”. Lúc trước ở Hồng Kông, tôi có tham gia một chương trình hỗ trợ y tế nên được học sơ qua kỹ năng này, cũng không nghĩ có một ngày phải tiêm moorphin cho Đặng Khải Thành.
Đầu mày bác sĩ nhanh chóng giãn ra: “Thế thì được rồi. Cô cứ xin bệnh viện cấp thêm moorphin, khi nào cậu ấy đau quá thì tiêm. Nhưng tôi thấy bạn của cô rất kiên cường đấy, mấy ngày anh ấy nằm ở đây, đau rất nhiều nhưng một ngày anh ấy chỉ tiêm đúng hai lần”.
Tôi cười, lòng đầy bi thương: “Vâng, anh ấy rất kiên cường, chỉ là số phận này quá nghiệt ngã với anh ấy thôi”.
“Cố gắng lên. Mỗi người một số mệnh, gia đình cũng đừng quá đau lòng”.
“Cháu cảm ơn bác sĩ”.
Khi tôi quay về phòng thì Dương Quang đang gọt hoa quả, Đặng Khải Thành ngồi tựa vào bức tường phía sau nói chuyện với cậu ấy, lưng anh được lót một lớp gối dày. Hình như tâm trạng của anh tốt lên nên sắc mặt cũng khá hơn ban nãy tôi vừa đến, lúc nghe thấy tiếng bước chân tôi anh mới lặng lẽ ngước lên, không nhìn rõ, nhưng vẫn nở nụ cười ấm áp.
Tôi cũng cười, chạy đến nắm tay anh: “Hai người nói gì thế?”.
Dương Quang đáp: “Anh Thành đang bảo ngày mai anh lái xe chở hai người lên Thôn Trường An. Anh đang tính vào đó kiếm cô thôn nữ nào xinh xinh để cưới người ta làm vợ đấy”.
“Con gái trong thôn thích anh Thành của anh hết rồi. Làm gì có ai thèm lấy anh nữa”.
“Á, em đừng tạt nước lạnh vào tâm trạng háo hức của anh thế chứ?”. Dương Quang cũng cố hùa theo câu chuyện của tôi, nói đùa để không khí trong phòng thoải mái hơn: “Sếp có em rồi mà, còn sắp có cả con nữa, trai tân nhưanh các cô ấy không thích, đi thích người có vợ làm gì chứ?”.
“Anh chẳng biết gì cả, ở làng đó đàn ông toàn 5, 7 vợ, riêng ông trưởng làng còn đến tận 10 vợ kia kìa. Sếp Thành của anh mới có một đứa con đã là gì, thôn nữ cả làng đó muốn làm vợ của anh ấy hết đấy. Ngày nào cũng mang trứng gà khoai tây sang biếu anh ấy nữa”.
“Thế mà em không ghen à?”.
“Tôi ghen làm gì?”. Tôi tựa đầu vào vai anh, cười tủm tỉm: “Sếp anh chạy theo tôi tận hai mươi mốt năm, tôi đuổi còn không kịp, cần gì phải ghen với mấy cô thiếu nữa đó. Với cả cứ để các cô ấy thích anh Thành, tôi còn có trứng gà, khoai tây ăn”.
Đặng Khải Thành mỉm cười, vươn tay vuốt tóc tôi: “Thì ra mấy quả trứng gà với khoai tây cũng mua chuộc được em”
“Em đã nói là em dễ nuôi lắm mà”. Nói tới đây, tôi mới nhìn thấy tô cháo để trên đầu giường vẫn còn nguyên, lại ngồi thẳng dậy cầm lấy: “Sếp Thành nãy chưa ăn cháo à?”.
Dương Quang liếc anh rồi lại liếc tôi, mấy giây sau mới ấp úng đáp: “À… anh đang để nguội cho anh Thành ăn đấy”.
“Nguội rồi, để em đút cho anh ăn nhé”. Tôi nhìn Đặng Khải Thành, lại học theo anh ngày trước, đảo đảo cháo trong tô cho nguội, thổi mấy hơi rồi mới đưa lên miệng anh: “Nào, sếp Thành há miệng, bạn gái trẻ trung xinh đẹp của anh đút cho anh ăn nào”.
Đặng Khải Thành ngẩn người nhìn tô cháo mấy giây, muốn tự ăn, nhưng bị tôi ép buộc nên đành phải ngoan ngoãn há miệng. Chỉ là anh đau nhiều, mất vị giác nên không ăn được, tôi mới chỉ đút được bốn, năm thìa thì sắc mặt anh đã xanh mét, gần như muốn nôn ra.
Có lẽ Dương Quang đã quen với cảnh này nên lập tức đứng dậy, bảo tôi: “Hôm nay tạm thời ăn thế này đã, lát nữa còn uống sữa nữa. Không cần ăn nhiều đâu Chân Ý”.
“À…”. Tôi cũng hiểu ra, không ép anh ăn nữa, chỉ lấy nước cho anh rồi đỡ anh nằm xuống giường. Cảnh tượng này cũng giống hệt như 9 tháng trước Đặng Khải Thành mua cháo cho tôi ăn, nhưng đổi lại, bây giờ người ốm lại là anh.
Anh mệt nên không nói được nhiều, sữa cũng chẳng được nửa ngụm, tôi có cảm giác thân thể Đặng Khải Thành đang dần dần bị rút cạn sức sống, nhưng đôi bàn tay của anh lại mạnh mẽ một cách rất kỳ lạ, từ đầu đến cuối vẫn nắm chặt tay tôi, chưa từng buông ra.
Tôi rất đau lòng, nhưng không dám khóc trước mặt anh, vẫn giả vờ cười cười nói nói: “Giường này nhỏ hơn giường ở nhà, chúng ta nằm lên thì có chật không nhỉ?”.
“Vừa”. Anh cười, khó nhọc đáp: “Anh nằm nghiêng là vừa”.
“Phải thử mới biết được”. Nói rồi, tôi cũng trèo lên nằm cạnh anh, vốn nghĩ giường bệnh một mét hai sẽ chật lắm, nhưng đến khi nằm lên mới biết rất vừa vặn. Đặng Khải Thành không còn cao lớn khỏe mạnh như trước nên chúng tôi chẳng ai phải nằm nghiêng cả.
Nhưng tôi vẫn quay sang, ôm chặt lấy anh: “Vừa này. Nhưng mà em thích nằm nghiêng hơn. Vì nằm nghiêng mới ôm được anh”.
Đặng Khải Thành lấy tay sờ sờ mặt tôi, mắt anh kém, sợ không thấy được nước mắt tôi nên đưa tay lên sờ. Thấy tôi không khóc, anh mới bảo: “Chân Ý, nằm nghiêng sẽ mỏi đấy”.
“Mặc kệ, khi nào mỏi em sẽ nằm thẳng. Bây giờ đi ngủ trước đã. Phải ngủ mới có sức để ngày mai lên thôn Trường An”. Dứt lời, tôi không đợi anh đáp đã rướn người lên, thơm chụt một cái vào má Đặng Khải Thành: “À phải rồi, sếp Thành, em quên hỏi anh một chuyện”.
“Chuyện gì vậy?”.
“Anh tự ý lên thôn Trường An như thế, cấp trên có kỷ luật anh không?”.
“Không. Anh đã xin nghỉ việc rồi”.
“Từ khi nào cơ?”.
“Từ lúc phát hiện ra bị ốm”.
Tôi vẫn nhớ tổng cục trưởng đã nói với tôi Đặng Khải Thành không chỉ là cục trưởng của cục cảnh sát phòng chống m.a t.úy, mà còn là một người rất có triển vọng, cũng là niềm hy vọng của cảnh sát hình sự. Tương lai anh ấy rất rộng mở, sau này sẽ còn lên cao hơn nữa.
Khi ấy tôi nghĩ cũng phải, Đặng Khải Thành có một tấm lòng sáng lạn như thế, anh sẽ phải sống một cuộc đời đầy vinh quang. Nhưng đến bây giờ anh lại bị ốm nặng như vậy, còn xin nghỉ việc rồi, mọi thứ thay đổi quá chóng vánh, tôi cảm thấy vừa bất ngờ, lại vừa có rất nhiều tiếc nuối.
Nhưng anh được thảnh thơi thoải mái, sống những tháng ngày vui vẻ cuối cùng, vậy là tốt rồi phải không?
Tôi gật gật, cố kìm nén để không khóc: “Vậy… Như Quỳnh thì sao?”.
“Chân Ý”. Lồng ngực anh phập phồng, mãi một lát sau mới nói: “Xin lỗi em”.
“Xin lỗi gì chứ?”. Tôi bĩu môi: “Em biết hết rồi. Em biết anh chỉ cố ý diễn kịch để em nhìn thấy, anh cố tình làm như thế để em từ bỏ anh. Nhưng em không bỏ anh đâu, em bám anh dai như đỉa, bám anh đến…”. Định nói hai chữ ‘hết đời’, nhưng lại sợ gở miệng, nên tôi bảo: “Mãi mãi”.
Đặng Khải Thành khẽ cười, vuốt tóc tôi: “Chân Ý của anh thông minh thật”.
“Còn phải khen hả?”. Tôi cũng cười: “Muộn rồi, ông xã ngủ đi thôi”.
“Vợ, ngủ ngon”.
Mọi lần anh chúc như vậy thì tôi sẽ ngủ say cả đêm, nhưng hôm ấy tôi lại ngủ rất chập chờn. Không phải vì tôi không mệt, mà là từ khi nghe tin anh bị bệnh, trong thâm tâm tôi luôn tồn tại một nỗi sợ hãi vô cùng lớn. Tôi sợ Đặng Khải Thành sẽ đột ngột bỏ tôi đi mất, cho nên không dám ngủ sâu, cứ chốc chốc lại thức dậy lắng nghe hơi thở của anh.
Anh thở rất khẽ, có những lúc khẽ đến mức tôi không nghe được tiếng của anh, lại phải lén lút đưa tay sờ lên ngực, thấy dưới lòng bàn tay vẫn còn sự ấm áp và tiếng tim đập, tôi mới yên tâm nhắm mắt. Nhưng ngủ chưa được bao lâu thì anh bỗng cựa mình, sau đó một tiếng rên thật thấp bật ra từ cổ họng anh, lọt vào tai tôi.
Tiếng rên ấy rất nhỏ, nhỏ đến mức nếu tôi đang ngủ say thì sẽ không nghe được, nhưng vì tôi thiếp đi chập chờn nên vẫn nghe được âm thanh đau đớn rất khẽ của Đặng Khải Thành.
Anh đau đến mức toàn thân run lên, cơ bắp trên người co rúm lại. Tôi biết, lúc này anh đang phải gánh một nỗi đau mà người bình thường không thể im lặng chống đỡ được, nhưng bởi vì anh là Đặng Khải Thành, anh là người đàn ông phi thường và kiên cường của tôi nên mới không kêu thêm một tiếng.
Nhìn anh như vậy tôi rất muốn khóc, tôi muốn nhào đến ôm lấy anh, bảo anh hãy cố gắng, còn có tôi ở bên anh. Nhưng vì lại sợ anh lo lắng cho mình nên tôi đành nhịn lại.
Tôi giả vờ như không biết, cứ thế im lặng gặm nhấm nỗi đau cùng anh. Qua một lúc rất lâu sau thì rút cuộc anh cũng không còn run nữa, nhưng mồ hôi lạnh khắp người bắt đầu túa ra. Đặng Khải Thành sợ tôi nhiễm lạnh nên cố nằm cách xa tôi, còn tôi thì lại làm như mê ngủ, giơ tay quờ quạng tìm anh rồi gọi: “Thành…”.
Đặng Khải Thành lập tức nắm bàn tay tôi, cổ họng khàn khàn nói: “Anh ở đây”.
“Ừm…”. Tôi lại rúc vào ngực anh, nhắm chặt mắt, tay lần mò sờ đến cổ anh, phát hiện ra ở trên đó có đeo một sợi dây chuyền bằng chỉ đỏ, mặt dây chuyền chính là lá bùa bình an của tôi.
Lần này, tôi lại thầm lặng ước nguyện. Tôi ước tôi có thể gánh đỡ mọi nỗi đau cho Đặng Khải Thành, tôi ước có một phép màu nào đó để anh tiếp tục ở bên tôi, để anh đừng rời xa tôi. Dù nghèo khó cũng được, khổ sở cũng được, thậm chí chia xa cũng được, nhưng đừng âm dương cách biệt là tốt rồi…
Đêm ấy chúng tôi ngủ rất chập chờn, thiếp đi thêm một lúc thì trời đã sáng. Mọi lần vẫn là Đặng Khải Thành dậy sớm hơn tôi, nhưng hôm nay tôi lại là người dậy trước, sau đó vì tiếc nuối thời gian nên không dám cựa, chỉ im lặng ngắm anh. Ngắm đến lúc Đặng Khải Thành mở mắt mới thôi.
Tôi chỉ chờ có thế, lập tức rướn người lên hôn lên trán anh, học theo bộ dạng của anh mỗi lần chờ tôi dậy mỗi buổi sáng: “Chào ngày mới, sếp Thành”.
Đặng Khải Thành chớp mắt mấy cái, lúc này đồng tử của anh đã rất đục, chắc sẽ chỉ thấy lờ mờ bóng tôi thôi. Nhưng anh vẫn cười rất tươi: “Chào buổi sáng, tiến sĩ Chân Ý”.
“Mau dậy ăn sáng thôi, hôm nay nghe nói sẽ có súp bí đỏ đấy. Để em chạy đi lấy một bát về cho anh. Ăn xong mình lên thôn Trường An nhé?”.
Anh gật đầu, lại lần mò sờ tay tôi: “Ừ, em đi đi”.
Buổi sáng, tinh thần tốt nên anh ăn được tận sáu thìa súp, tôi cũng tranh thủ chạy đi lấy moorphin và các dụng cụ hỗ trợ y tế cần thiết khác, sau đó cả ba người lên xe lên thôn Trường An.
Đường đèo ở nơi đây vẫn quanh co khúc khuỷu, nhưng tôi không say xe như lúc trước mà là Đặng Khải Thành. Anh mệt, nôn hết mấy thìa súp bí đỏ vừa mới ăn lúc sáng, yếu đến mức không ngồi thẳng được, chỉ gục vào vai tôi.
Viền mắt tôi đỏ hoe, nhưng miệng vẫn nặn ra một nụ cười méo xệch: “Anh thấy chưa? Lần này anh có đi xe bò đâu, thế mà vẫn say xe”.
“Ừ, tại anh nhìn xuống vực”.
“Anh phải nhìn sang ngang ấy”. Tôi nhắc lại lời của anh lúc dỗ tôi khi trước: “Đừng nhìn xuống vực, nhìn sang ngang sẽ không bị say xe nữa”.
Đặng Khải Thành mỏi mệt nhắm mắt, nói: “Ừ, anh biết rồi”.
Sau đó thì anh thiếp đi, tôi kinh hãi đưa tay sờ lên mũi anh thấy vẫn thở, không muốn khóc, nhưng nước mắt cứ không tiếng động rơi xuống, sợ rơi vào áo xanh nên tôi lại vội vàng lau đi.
Dương Quang nhỏ giọng hỏi tôi: “Anh ấy… ngủ rồi hả em?”.
“Vâng, ngủ rồi, chắc anh ấy mệt, lát nữa sẽ dậy thôi”.
“Sắp lên đến thôn Trường An rồi”. Giọng anh ta run rẩy, nhắc lại: “Sắp lên đến thôn Trường An rồi, chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi”.
“Vâng, không sao, anh cứ lái xe chậm thôi”.
“”.
Mọi lần đi đến đỉnh núi phải bảy, tám tiếng, nhưng lần này chỉ gần sáu tiếng đã sắp đến thị trấn nhỏ kia. Ban đầu, tôi định để Dương Quang cõng anh đi qua hang động đó, nhưng lúc gần tới nơi thì đột nhiên anh ta lại rẽ vào một con đường nhỏ.
Lúc trước tôi nhớ không có đường ở chỗ này, mà cổng vào dường như cũng vừa mới xây dựng xong, nền đường còn chưa kịp đổ bê tông, chỉ trải toàn đá dăm.
Tôi hỏi: “Sao lại đi vào đây?”.
Đặng Khải Thành không biết đã thức dậy từ lúc nào, anh mở mắt nhìn hai bên đường, sau đó mới khẽ nói với tôi: “Là do em viết đơn gửi lên chính quyền, nên họ mới biết ở trong đó có thôn rồi mở đường vào đấy”.
Tôi đưa mắt nhìn anh, trong lòng dư sức biết được anh nói dối. Lúc trước về bận rộn quá nhiều việc, tôi đã kịp viết đơn gửi lên chính quyền đâu? Làm gì có chính quyền nào biết được rồi mở đường vào đây nhanh đến thế? Chỉ có một Đặng Khải Thành đối xử tốt với tất cả mọi người nhưng ông trời lại không nhìn đến anh mà thôi…
Tôi nắm tay anh, không vạch trần, còn giả vờ hưởng ứng cho anh vui: “Nhanh thế à? Mới có gần hai tháng đã mở xong đường rồi”.
“Ừ, nhưng vẫn chưa kịp đổ bê tông”.
Tôi cười nói: “Từ từ rồi sẽ được đổ mà, bây giờ đang có phong trào xây dựng nông thôn mới, kiểu gì cũng sẽ được đổ bê tông. Còn kéo điện vào tít trong núi nữa”.
“Em đoán xem lát nữa chúng ta vào đó, ông bà cụ nhìn thấy thì có ngạc nhiên không?”.
“Chắc là có rồi. Ông bà cụ còn bảo muốn nấu cơm cho anh ăn suốt đời mà. Thấy anh quay về chắc sẽ vui lắm”.
Đặng Khải Thành mỉm cười, im lặng tựa vào vai tôi, tôi biết anh nói nhiều sẽ tốn nhiều sức nên cũng không mở miệng nữa, cứ thế thẳng lưng để làm chỗ dựa cho Đặng Khải Thành.
Hơn nửa tiếng sau, cuối cùng chúng tôi cũng đi qua hồ nước đã từng rơi xuống khi trước, tôi ngoái đầu nhìn anh, thấy Đặng Khải Thành cũng đang nhìn hồ nước đó, đôi mắt mờ đục vẫn ánh lên rất nhiều sự tiếc nuối, tựa như không nỡ rời xa.
Tôi biết anh không nhìn rõ được, nên miêu tả lại cho anh: “Lúc trước vội quá nên không nhìn kỹ, giờ mới thấy hồ nước này rộng thật, có khi đến cả hai hecta”.
“Em bảo đó là trời”.
“Tại rộng quá. Giờ mới thấy rộng mênh mông. Thế mà có một người không sợ c.hế.t, sâu như thế mà vẫn cố chấp bơi xuống kéo em lên”.
“Có người cũng không sợ c.hế.t, dám buông tay để một mình rơi xuống vực đó thôi”.
Tôi cười: “Ch.ết thôi, có gì đáng để sợ?”.
Đặng Khải Thành nhỏ giọng mắng tôi: “Nói vớ vẩn”.
Chúng tôi cứ vừa nói chuyện vừa nghỉ, đến khi trời chuyển về ban chiều mới đến được thôn làng đó. Đúng là có đường vào có khác, mới qua hai tháng mà nơi này đã thay đổi một cách chóng mặt. Ngay ở giếng làng đã có một cây cột điện thật to, bên cạnh còn có một chiếc loa bóng liếng, từ xa xa đã nghe loáng thoáng tiếng một cụ già đọc gì đó, nói gì mà “Xen canh trồng vụ lúa ngắn ngày, bón phân cho ngô”.
Tôi mở cửa sổ ra, nói với Đặng Khải Thành: “Anh có nghe không? Ở đây có điện rồi. Có người còn đọc loa giống loa phường nữa”.
Anh không đáp, tôi tưởng anh mệt nên lại kể cho anh nghe: “Con đường nhỏ trong thôn cũng đổ bê tông rồi, hai bên đường còn có điện chiếu sáng nữa. A, sân giếng làng có lắp máy bơm rồi kìa”. Tôi vui mừng reo lên: “Có máy bơm thì ông bà cụ không phải gánh nước nữa. Mấy nhà hàng xóm bên cạnh cũng không tốn công làm bàn chải để đổi lại hai bể nước đầy anh gánh nữa cho mà xem”.
“…”
“Sắp đến nhà ông bà cụ rồi, Thành, anh có nhớ đoạn đường này không? Sắp đến nhà…”. Nói đến đây tôi mới phát hiện ra nãy giờ Đặng Khải Thành không hề có động tĩnh, anh không trả lời tôi, cũng không hề mở mắt. Sống lưng tôi bất chợt lạnh toát, một nỗi kinh hãi ngay lập tức xuyên thẳng qua tim. Tôi mở to mắt gọi anh:
“Thành… anh có nghe em nói không?”.
Ở phía trước, Dương Quang cũng ngay lập tức phanh két lại, còn không kịp về số đã vội vã quay đầu lại nhìn Đặng Khải Thành, sắc mặt tái mét.
Lúc này, anh chỉ như đang ngủ say mà thôi, ánh chiều tà xuyên qua mấy rặng cây sau khu vườn nhà ông bà cụ, chiếu lên hàng mi anh, yên tĩnh đến mức người ta thấy sợ hãi.
Tay tôi run lẩy bẩy đưa lên mũi anh, nước mắt chầm chậm chảy xuống: “Anh ơi, đến nhà ông bà cụ rồi”.
“Anh ơi…”. Cổ họng tôi run rẩy nói không thành tiếng, chỉ muốn khóc òa lên: “Đến nơi rồi, chúng ta xuống xe đi”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!