Không Thể Động Lòng - Ngoại truyện 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
607


Không Thể Động Lòng


Ngoại truyện 3


Ngón tay tôi để trên mũi anh không cảm nhận được hơi thở, gọi tên anh cũng không nghe được tiếng trả lời. Tôi nghĩ Đặng Khải Thành đã rời xa tôi nên òa lên khóc, Dương Quang ở phía trước cũng lập tức mở cửa xe chạy xuống, hét toáng lên gọi anh.

“Sếp ơi… anh Thành ơi…”. Anh ta đứng bên dưới khóc như mưa, miệng liên tục gọi anh Thành ơi. Tôi thì không nói được, cứ thế ôm lấy anh rồi gào lên như một đứa trẻ.

Lúc này, tôi thật sự muốn mở miệng van xin anh đừng rời xa tôi, xin anh đừng bỏ mẹ con tôi lại, xin anh đừng để tôi một mình trên cõi đời này. Nhưng ngay cả tiếng khóc của tôi Đặng Khải Thành cũng không nghe được, nếu biết tôi khóc, chắn chắn anh sẽ dỗ tôi. Nhưng bây giờ anh không dỗ tôi được nữa rồi, anh không mắng tôi là đồ mau nước mắt được nữa rồi.

Đặng Khải Thành của tôi đã rời xa tôi thật rồi!

Nghĩ đến việc anh đã rời xa tôi, tim tôi như bị bóp nghẹt lại, nỗi đau bị đè nén lúc này như sắp vỡ tung ra, cõi lòng tôi tan nát ôm lấy anh, nước mắt như mưa ào ào rơi xuống. Tôi nghe thấy Dương Quang lẩm bẩm nói gì đó, nhưng tai ù đặc không thể nghe được, mãi sau có người lôi tôi ra khỏi Đặng Khải Thành, tôi mới giật mình gầm lên:

“Bỏ ra, bỏ tôi ra”.
“Chân Ý… bình tĩnh, bình tĩnh đã”.

Nghe giọng bà cụ, tôi mới ngước lên, qua màn nước mắt trong suốt thấy một dáng người già nua quen thuộc đang đứng bên cạnh mình. Khi ấy, tôi giống như một đứa trẻ lạc mẹ, tủi thân bật khóc nức nở: “Bà ơi, anh ấy… anh ấy…”.

Hai chữ “đi rồi…” tôi nghẹn ngào không nói được, bà cụ thì cứ ôm chặt lấy tôi. Ông cụ vào xe từ cửa lên kia, nắm chặt nắm chặt cổ tay của Đặng Khải Thành, vội vàng bảo: “Nói vớ vẩn gì thế? Vẫn còn mạch. Yếu lắm nhưng vẫn còn mạch. Mau đưa cậu ấy vào trong nhà”.

“Gì cơ?”. Tôi hoảng hốt quay sang nhìn ông cụ rồi lại nhìn anh, không tin được hỏi: “Anh ấy vẫn còn… mạch ạ?”.

“Còn, nhưng yếu lắm rồi, lúc có lúc không?”. Ông cụ quay sang nhìn Dương Quang hét: “Đưa cậu ấy vào, mau lên”.

“Vâng”. Dương Quang không kịp lau nước mắt đã vội vàng bế Đặng Khải Thành chạy băng băng vào trong nhà. Bình thường anh ta không cao lớn bằng anh, nhưng từ khi anh bị bệnh thì cả người chỉ còn lại một nhúm da thịt gầy yếu, anh ta bế lọt thỏm, trông thương đến đứt gan đứt ruột.

Dương Quang vừa đặt Đặng Khải Thành xuống phản gỗ giữa nhà thì ông bà cụ cũng chạy vào đến nơi. Ông cụ hét lên bảo bà cụ đi lấy mấy đồ đạc gì đó, bà cụ vội đến mức không kịp nhìn Đặng Khải Thành, lật đật chạy đi.

Lúc ấy tôi vẫn còn hoảng nên chỉ ngồi ở trên phản nắm tay anh, vừa khóc vừa lẩm bẩm nói anh không được c.hế.t. Ông cụ thì vẫn bắt mạch tay kia, sau đó cầm lấy kim chỉ bà cụ vừa mang tới, nhúng qua một dung dịch gì đó rồi đ.âm vào hết 10 đầu ngón tay của Đặng Khải Thành.

M.áu của anh bị nhiễm độc vô cùng nặng, lúc này đã không còn màu đỏ tươi nữa mà đã chuyển qua m.àu đen thẫm, trông rất đáng sợ. Ông cụ nặn ra bảy giọt thật lớn, nhỏ toàn bộ m.áu rồi một chiếc bát rồi lẩm nhẩm đọc gì đó bằng thứ tiếng rất lạ, chúng tôi không nghe được, chỉ biết chưa đầy nửa phút sau, anh đột nhiên bật ra một tiếng ho. Dường như ông cụ chỉ chờ có thế, lập tức nhào đến ép ngực của Đặng Khải Thành.

Ban đầu, tôi cứ nghĩ ông cụ đang tiến hành ép tim cho anh, nhưng lát sau bỗng dưng lại thấy miệng anh trào ra một ngụm m.áu đen, tôi mới giật mình chồm dậy:

“Ông ơi, ông làm gì thế? Anh ấy đau lắm, ông ép như thế anh ấy chịu không nổi đâu”. Tôi khóc huhu: “Anh ấy chịu không nổi đâu ông ơi”.

“Ép độc tạm thời”. Ông cụ vừa ấn vừa mắng: “Không ép thì cậu ấy cũng c.hế.t, ép còn có hy vọng. Mau, thấm máu ở miệng cậu ấy đi”.

Nghe thế, tôi liền ngẩn ra, nhưng một giây sau lại vội vã chồm dậy, cuống cuồng vớ lấy chiếc khăn thấm m.áu ở miệng anh. Đặng Khải Thành lúc này hình như đã không còn tri giác nên không biết đau, ông cụ ấn mạnh như thế mà anh vẫn không động tĩnh, ngay cả đầu mày cũng không chút nhíu lại, chỉ có da mặt càng ngày càng tái, trắng bợt ra giống như người đã c.hế.t rồi vậy.

Lúc cận kề sinh tử thế này, tôi có cảm giác rất chân thực rằng anh đang từ từ rời xa chúng tôi. Nhưng hai chữ “Hy vọng” của ông cụ giống như một cây gậy đỡ lấy bầu trời đang sụp xuống của tôi vậy, khi không biết bấu víu niềm tin vào đâu thì tôi chỉ có thể trông đợi vào một phép màu kỳ diệu nào đó, tôi mong sẽ giống như trong phim, ép hết độc ra thì Đặng Khải Thành của tôi sẽ tỉnh dậy và khỏe mạnh trở lại, nhưng hết chiếc khăn này rồi lại đến chiếc khăn khác, m.áu từ miệng anh chảy thành vũng ở dưới phản gỗ mà ông cụ vẫn chưa dừng tay.

Ông cụ hét to: “Bà ơi, đã xong chưa?”.

Bà cụ ở dưới bếp ló đầu lên: “Sắp xong rồi, đợi một chút. Nửa phút nữa thôi”.

“Nhanh lên”.

Đúng nửa phút sau bà cụ lật đật chạy lên, cầm một miếng khăn bị nhúng thành màu tím, đang bốc khói nghi ngút đưa lên. Ông cụ ngay lập tức ngừng tay, nhận lấy khăn rồi đặt vào cổ Đặng Khải Thành.

M.áu tràn từ khóe miệng anh từ từ chảy chậm lại, sau đó dần dần không chảy nữa. Tôi không dám hỏi ông cụ rằng “Anh còn sống hay đã c.hế.t?”, sợ làm phiền ông nên chỉ lần mò nắm tay anh.

Ông cụ liếc thấy tôi cứ run rẩy muốn học theo ông bắt mạch đập, mới bảo: “Chưa c.hế.t đâu”.

Trái tim đang căng cứng của tôi rút cuộc cũng được buông thõng xuống, nhưng vẫn chưa thể hết lo lắng, tôi hỏi ông cụ: “Anh ấy thế nào rồi hả ông? Ép m.áu ra nhiều thế… có… có khỏe lại được không ông?”.

“Cái này thì không biết chắc được, cậu ấy yếu quá rồi”. Ông cụ lấy một chiếc khăn màu tím khác, bắt đầu lau khắp mặt anh và cổ anh, tôi muốn làm giúp, nhưng ông cụ lắc đầu, nói khăn nhúng nước tím này là thuốc, phải vừa lau vừa ấn huyệt mới được.

“Lúc trước tôi đã bảo người cậu ấy có bệnh, bị nhiễm độc gì đó rồi, trước khi hai người rời khỏi đây cũng có đưa cho cậu ấy một túi thuốc. Nhưng chắc thằng nhóc này không uống”. Ông cụ thở dài: “Đúng là coi thường sức khỏe mà”.

Nghe ông cụ nói vậy tôi mới nhớ lại hôm đó, lúc rời đi, bà cụ đưa cho tôi túi đồ ăn và nước uống, ông cụ gọi Đặng Khải Thành ra một góc, đưa cho anh túi gì đó nhưng tôi quên hỏi. Nếu lúc đó tôi hỏi tường tận, có lẽ cũng đã ép anh uống rồi, đâu phải đến nỗi thê thảm như ngày hôm nay.

Tôi run run đáp: “Anh ấy bị nhiễm độc chì ông ạ. Năm anh ấy mười mấy tuổi có đi làm phu vác chì. Nghe nói bị nhiễm độc từ lúc đó nhưng không biết để điều trị, độc kim loại cứ từ từ ăn mòn nội tạng của anh ấy, hai mươi mấy năm nay anh ấy cũng bị thương nhiều, lần gần nhất còn bị đ.ạn x.uyên qua phổi, lúc đưa đến bệnh viện thì bác sĩ nói không thể cứu được nữa”.

“Vác chì ở trên thôn Trường An à?”.
“Vâng”.
“Cậu ấy cũng gan đấy. Mới mười mấy tuổi đã dám đi vác chì, vùng đó hơn 40 năm trước có mỏ quặng, nhưng độc chì rất nặng nên không có mấy người dám vào đi vác”.

“Vâng”. Tôi lau nước mắt nói: “Bây giờ anh ấy thế này rồi, còn cách nào để cứu anh ấy nữa không hả ông?”.

“Trước mắt cứ thế này đã, rồi từ từ chờ xem cậu ấy hồi phục thế nào”. Ông cụ vừa nói vừa bắt mạch ở cổ anh, hai hàng mày nhíu chặt: “Nhiễm độc như cậu ấy, lúc phát lên thì chỉ chịu được tối đa mười ngày. Cậu ấy đã chịu được nửa tháng rồi phải không?”.

Dương Quang ngay lập tức đáp: “Vâng ạ. Lúc mới phát thì các bác sĩ lọc m.áu, nhưng bác sĩ bảo trong m.áu có quá nhiều hạt ái kiềm, không lọc được, nội tạng cũng suy rồi, không đủ sức để lọc nữa nên anh ấy không tiếp nhận điều trị nữa. Nhưng không điều trị thì còn nặng hơn, anh ấy nôn ra m.áu. Tính từ lúc nôn ra m.áu đến giờ hơn nửa tháng rồi ạ”.

“Sức chiến đấu phi thường đấy”. Ông cụ nhìn anh nói: “Thành, cố lên, vợ con cậu vẫn đang chờ cậu. Qua được ải này thì về sau sẽ cao số lắm đấy”.

Tôi khẽ giật mình, không nghĩ rằng ông cụ thầy lang nãy giờ bận cấp cứu cho anh như vậy mà vẫn nhìn ra tôi đang bầu. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, lại cảm thấy những người thầy lang trong núi này có lẽ cũng như ‘Cao tăng đắc đạo’ vậy, có nhiều thứ mà thế giới hiện đại phải dùng máy móc mới kiểm tra được, nhưng bọn họ chỉ cần một đôi mắt cũng biết vấn đề ở đâu, nhiều thứ mà y học tây y cũng không có phương pháp triệt để, nhưng đông y nam y gì đó lại có cách chữa được.

Tôi cũng hy vọng bệnh tình của Đặng Khải Thành cũng sẽ chữa được như vậy, dù là hy vọng mong manh thôi, nhưng có còn hơn không!

Ông cụ lau người xong cho anh mới bảo Dương Quang bế anh xuống gian buồng dưới. Lúc trước chúng tôi từng ở đó thế nào, chăn gối bây giờ vẫn y nguyên như vậy, dưới giường lót một tấm chăn dày màu xanh, gối thêu bằng chỉ hồng hình hoa sen mà bà cụ đã tự tay làm cho tôi và Đặng Khải Thành.

Thấy tôi cứ nhìn mãi chiếc gối ấy, bà cụ mới bảo:

“Hôm trước ông bảo cất đi, giờ dưới này không có ai ở nữa, để lâu sẽ mốc mất. Nhưng bà tiếc nên không dọn”. Giọng bà vẫn hiền hòa như trước, trong ánh mắt có rất nhiều sự đau lòng nhìn Đặng Khải Thành: “Chăn gối để y nguyên đó mới có cảm giác như hai đứa sẽ quay về vậy. Đến hôm nay đúng là hai đứa về rồi. Nhưng mà…”.

Viền mắt tôi nong nóng, đáp: “Vâng ạ, bọn cháu về rồi”.

“Cháu ở đây với Thành đi, bà đi làm ít đồ. Phải làm nhanh để ông chữa cho nó mới được”.
“Vâng ạ”.

Sau đó, ông bà cụ cùng Dương Quang ra sân đốt củi, lấy than củi bỏ vào chậu nhôm rồi để khắp gầm giường mà anh nằm. Trong phòng có cửa sổ rất thông thoáng, bà tìm mấy tấm vải cũ rồi quây quanh giường lại, tạo thành một phòng xông nhỏ cho Đặng Khải Thành. Anh nằm bên trong chưa đầy 30 phút thì mồ hôi đã bắt đầu túa ra.

Lúc này, sắc mặt của anh đã bắt đầu hồng hào hơn ban nãy, tôi rất vui mừng, cứ ngồi bên trong nắm tay anh, chậm rãi cảm nhận từng nhịp đập trên cổ tay Đặng Khải Thành.

Với tôi bây giờ những nhịp đập ấy còn quý giá hơn cả viên kim cương vậy, quý đến nỗi tôi cứ muốn ôm mãi, ôm mãi, không nỡ rời xa anh.

Có điều, ông cụ không để tôi ngồi quá lâu, khi thấy mồ hôi trên trán tôi cũng vã ra đầm đìa, ông cụ mới nói: “Được rồi, cháu đứng dậy ra ngoài đi”.

“Ông ơi, cháu muốn ngồi cạnh anh ấy”. Tôi rất sợ Đặng Khải Thành lại đột ngột bỏ tôi đi mất nên dù nóng cũng không muốn đi: “Cháu ở đây được không ạ?”.

“Cháu đang có bầu, không nên xông quá nóng. Với cả khi khí độc thoát ra từ lỗ chân lông của cậu ấy, cháu ngồi bên cạnh sẽ dễ bị nhiễm ngược lại. Không tốt cho người có thai. Mau đi ra đây, ông bắt mạch cho cháu”.

“Dạ?”. Tôi tròn xoe mắt hỏi lại.

Ông cụ chắp tay sau lưng, cười cười: “Ra đây xem em bé thế nào rồi nào”.

Cuối cùng, tôi dù không nỡ nhưng cũng đành phải rời khỏi chiếc giường Đặng Khải Thành đang nằm, kéo rèm lại cẩn thận rồi mới đi ra ngoài. Lúc này Dương Quang vẫn còn đang ngồi đốt củi ở giữa sân, bà cụ thì lúi húi nấu gì đó trong bếp, trời đã tối om, nhưng trong nhà không thắp đèn dầu như trước nữa mà đã có điện. Ngoài sân còn có bật một chiếc bóng tròn led sáng trưng.

Ông cụ bảo tôi: “Sau khi hai đứa về, nhà nước cũng mở đường ở chỗ này, điện kéo vào tận thôn luôn đấy. Có mấy chú thợ điện mang cả các loại bóng điện vào, bảo chỉ cần đổi ngô lấy bóng thôi. Ông đổi hai cân ngô đã có cái bóng điện to tướng ngoài sân đấy. Đúng là có điện cái sáng hẳn, hàng đêm không phải tiếc dầu đèn nữa”.

“Vâng ạ”. Tôi đáp: “Lần này cháu đến cũng thấy khác, lúc đầu còn không tin, tưởng là đi nhầm đường”.

Ông cụ cầm tay tôi lên, vừa bắt mạch vừa nói: “Cảm ơn hai đứa nhé”.

“Ơ. Bọn cháu có làm được gì đâu ạ?”.
“Hai đứa đến làm bao nhiêu việc cho mọi người, vừa đi xong thì chỗ này có đường vào. Mấy chục năm qua làm gì có đường, có người nào quan tâm đến chỗ này đâu, chỉ có hai đứa báo chính quyền mở đường thôi”.

Tôi gật đầu, càng nhìn ông cụ thầy lang càng cảm thấy ông ấy là người tinh thông, giống đạo sĩ ẩn trong núi. Da trắng tóc bạc, vẻ mặt rất trí tuệ và ôn hòa.

Tôi bảo: “Thật ra không có công của cháu đâu ạ. Tất cả đều là anh ấy làm. Cháu về bận quá, bảo báo chính quyền nhưng quên béng đi”.

“Thằng nhóc ấy là người tốt”. Ông cụ gật gù, lại nói: “Con nó sau cũng sẽ tốt bụng như nó cho mà xem. Nhưng mà là con gái nhé”.

“Dạ?”. Tôi tròn xoe mắt: “Con gái ấy ạ?”.

“Ừ, con gái. Đến tầm này chắc là ba tháng rồi phải không?”.

Thực ra thời gian này gặp quá nhiều biến cố, công trình phải bán đi, mẹ bắt bỏ thai, chuyển nhà, sau đó lại là Đặng Khải Thành bị ốm nên tôi không có thời gian đi siêu âm. Từ lúc bầu bé con đến giờ cũng chỉ siêu âm đúng một lần lúc 6 tuần, cũng không biết em bé có khỏe mạnh không, là con gái hay con trai.

Giờ ông cụ nói đó là con gái thì tôi rất vui mừng, kỳ thực tôi rất cố chấp, từ trước đến nay đều muốn sinh một đứa con gái cho Đặng Khải Thành.

Tôi cười hạnh phúc nhìn ông: “Con gái thật hả ông? Cháu chưa siêu âm nên chưa biết là con trai hay con gái”.

“Con gái đấy, khỏe mạnh, rất tốt. Nhưng cháu gầy lắm, phải ăn nhiều vào. Lúc Thành nó xông trong buồng thì không nên xuống, ít nhất phải đợi đến khi tàn hết than hãy xuống, nhớ không?”.

“Vâng ạ”. Tôi vô thức đưa tay sờ lên bụng, đặt lên vị trí có con tôi: “Anh ấy vẫn chưa tỉnh lại. Khoảng bao lâu thì sẽ tỉnh hả ông?”.

“Chưa tỉnh ngay được đâu”. Ông cụ thở dài, trầm ngâm một lát rồi mới nói: “Bệnh như cậu ấy không thiếu, nhưng người phát hiện sớm thì điều trị theo tây y, phát hiện muộn thì sẽ c.hế.t, hiếm ai tìm đến thầy lang như chúng tôi, nên kinh nghiệm chữa trị không nhiều. Nhưng mấy chục năm trước thầy tôi còn sống có dạy tôi cách thải độc ra khỏi cơ thể, cách đây hơn 40 năm gì đó cũng có mấy người phu vác chì ở Tùng Bá đến, 5 người thì sống được 2 người. Sau đó đường vào bị bít nên không có ai đến nữa”.

Nói tới đây, ông cụ lại quay sang nhìn tôi: “Giờ Thành có sống được hay không còn tùy vào phúc đức của cậu ấy. Cũng tùy cả vào cháu nữa, bây giờ không chỉ có một mình cháu, phải mạnh mẽ lên động viên cậu ấy, bảo cậu ấy cũng cố lên. Biết chưa?”.

“Vâng, cháu biết rồi ạ”.
“Được rồi, ông đi xuống xem than củi sắp tàn chưa”.
“Vâng”.

Tôi không được xuống đó nên chỉ có thể đứng ngoài sân nhìn vào, thấy ông cụ rồi bước lên giường làm gì đó, lúc rèm được kéo ra, tôi nhìn thấy thân thể Đặng Khải Thành ướt sũng mồ hôi, ướt đến quần áo đang mặc trên người như bị dội nước vào vậy.

Lúc sau, rèm kéo lại rồi thì tôi không thấy gì nữa, đành đi sang chỗ Dương Quang đang bổ củi. Anh ấy đã bổ được gần cả hiên củi, mặt mũi cũng đẫm mồ hôi, nhưng động tác bổ củi vẫn phăm phăm.

Dương Quang hỏi tôi: “Anh Thành thế nào rồi hả em?”.

“Em cũng không biết nữa, nhưng ông cụ đang xông cho anh ấy”.

“Hay đó là phương pháp thải độc qua lỗ chân lông nhỉ?”. Dương Quang nghĩ nghĩ chuyện gì đó, lại lắc đầu: “Nhưng nội tạng của anh ấy suy hết rồi, lọc máu cũng không tác dụng, thải độc theo kiểu truyền thống thế này có ăn thua không?”.

“Em cũng không rõ, nhưng lúc trước em với anh ấy rơi xuống đây là ông cụ thầy lang chữa cho em đấy. Bà cụ nấu cơm cho bọn em ăn, còn làm bánh bột bì cho bọn em nữa”.
“Anh cũng nghe anh Thành nói rồi. Ở đây đúng là thích thật. Yên bình thảnh thơi, anh Thành mà khỏe lại thì tốt biết mấy”.

Tôi cười, nói một câu mà tôi cũng không chắc chắn: “Anh ấy sẽ khỏe lại thôi”.

“Ừ”.

Dứt lời, tôi định đi qua Dương Quang vào trong bếp, nhưng bỗng dưng nhớ đến một việc nên tôi hỏi: “Phải rồi, anh ấy bị bệnh như thế, con gái của tổng cục trưởng có biết không?”.

“Có”. Động tác bổ củi của anh ta dừng lại, Dương Quang đặt búa bổ củi xuống, nhìn tôi: “Lúc ở bệnh viện, anh có nói không như em nghĩ đâu mà”.

“Lúc đầu em cũng phân vân không tin, nhưng sau đó cô ta có đến tìm em, bảo anh Thành nhờ cô ta tới đưa tiền cho em, bảo em bỏ thai đi. Mà chuyện em có bầu thì chỉ có em và anh ấy biết, không có người thứ ba biết”.

Dương Quang kinh ngạc hỏi: “Làm gì có? Anh Thành thương em còn không hết. Lúc anh ấy nằm trong bệnh viện, ngày nào cũng bảo anh phải để ý đến em, thỉnh thoảng còn hỏi anh là: Cậu đoán xem sau này con tôi sinh ra, nó sẽ giống ai? Sẽ giống tôi hay là giống Chân Ý? Anh còn chưa kịp trả lời thì anh ấy đã bảo anh ấy hy vọng sẽ giống em. Vì Chân Ý vừa mạnh mẽ lại vừa nhát gan, còn hay khóc, chỉ cần nhìn thôi đã thương rồi”.

Sống mũi tôi lại cay xè, nhưng sợ khóc thì Dương Quang sẽ cười tôi, nên chỉ quay đi nơi khác, lặng lẽ hít vào một hơi dài: “Còn chưa sinh mà, ai biết được nó sẽ giống anh ấy hay giống em chứ?”.

“Chân Ý, anh Thành rất thương em, cũng mong con của hai người có thể chào đời nên mới bảo em đi khỏi thành phố. Anh ấy sợ người khác làm tổn thương em và con anh ấy, làm sao có chuyện anh ấy đưa tiền bảo em phá t.hai được. Chắc là Như Quỳnh tự ý đến tìm em thôi”.
“Vâng. Em biết rồi. Giờ anh ấy thế này, tổng cục trưởng có nói gì không anh?”.

“Lúc đầu tổng cục trưởng cũng muốn Như Quỳnh lấy anh Thành, nhưng giờ biết anh ấy bệnh nặng như thế thì thôi rồi. Lúc anh Thành nộp đơn xin nghỉ việc, tổng cục trưởng đồng ý ký xác nhận ngay mà. Nhưng giờ vẫn đang làm thủ tục thôi, phải qua mấy lần cấp trên duyệt nữa mới có thể ra khỏi ngành”.
“Vâng”.

Nghĩ ngợi một lát, tôi lại hỏi: “À đúng rồi, sao lúc phát hiện ra kho m.a t.úy ở dưới hầm của Hồng Ý, anh Thành lại có mặt vậy? Lúc đó anh ấy đang ở nước ngoài cơ mà?”.

“Lẽ ra ký hiệp ước xong thì phải ở lại xã giao với các nước, nhưng anh Thành sốt ruột nên mua vé máy bay về trước, định cho em bất ngờ, ai ngờ em lại cho anh ấy bất ngờ hơn”. Dương Quang gãi đầu nói: “Anh đến sân bay đón anh ấy, đang trên đường về thì nhận được tin nhắn của em nên bọn anh mới đến ngay, còn không kịp mặc áo chống đ.ạn. Chân Ý, không phải anh ấy lợi dụng em đâu, mà là cái lão Nguyên ấy như cáo già vậy, bọn anh đi theo mãi nhưng không thu thập được tin tức gì. Tổng cục trưởng mới nhậm chức thì sốt ruột muốn phá án, nên lúc anh Thành sang nước ngoài, tổng cục trưởng đã trực tiếp chỉ đạo bọn anh làm như vậy”.

Nói tới đây, vẻ mặt anh ấy đầy áy náy nhìn tôi: “Xin lỗi em nhé Chân Ý, người lừa em là bọn anh, anh Thành không liên quan gì cả. Em có trách thì trách anh đi, em đừng trách anh Thành mà tội anh ấy”.

Tôi nghĩ dù sao người trực tiếp chỉ đạo vẫn là tổng cục trưởng, tôi có bị lừa cũng là do ông ấy lừa, Dương Quang và các anh em bên dưới chỉ thực hiện theo chỉ thị của cấp trên thôi. Vả lại dù sao tôi cũng an toàn, kho m.a t.úy cũng đã được triệt phá rồi, không cần phải để trong lòng chuyện này nữa.

Chỉ tội Đặng Khải Thành, vốn không liên quan lại bị tôi hiểu lầm, còn bị trúng một viên đ.ạn rồi ra thế này mà thôi.

Tôi thở dài một tiếng: “Vâng, không sao đâu. Qua rồi thì đừng nhắc đến nữa. Bây giờ em chỉ nghĩ đến việc anh ấy khỏe mạnh trở lại thôi”.

Dương Quang nhắc lại lời tôi nói vừa nãy: “Anh ấy sẽ khỏe mạnh lại thôi mà”.

Tôi bật cười: “Vâng, đúng nhỉ?”.

Nói chuyện với Dương Quang một lúc, tôi lại lững thững đi vào bếp với bà cụ.

Ở trong bếp đã có điện nhưng bà cụ vẫn còn nấu bếp củi, chiều tối, mùi khói bếp bay lên, yên bình mộc mạc, giống như những ngày trước.

Thấy tôi đi vào, bà cụ mới vội vàng đẩy ghế cho tôi: “Đừng ngồi xổm”.

“Sao thế hả bà?”.
“Có bầu kiêng ngồi xổm đấy, ngồi cao lên”.

Tôi “À” một tiếng, không hiểu được những thứ kiêng cữ của người xưa nhưng vẫn nghe lời bà cụ, ngồi trên ghế. Lâu rồi không gặp, bà cụ cứ nắm tay tôi, nói tôi có bầu mà gầy thế, tôi cười nói: “Anh Thành còn gầy hơn bà ạ”.

Bà cụ thở dài: “Cái thằng… rõ là ngoan ngoãn hiền lành, thế mà…”. Nói tới đây, bà lại lấy tay áo lau nước mắt: “Biết nó bị bệnh như thế, bà không bảo nó gánh nước bổ củi nữa. Nó đang ốm còn bắt nó làm bao nhiêu là việc”.

“Không ai biết anh ấy ốm mà. Bà đừng lo, rồi anh ấy sẽ khỏe mạnh lại thôi”.
“Ừ, mong nó sẽ khỏe mạnh lại, nó còn hứa sẽ năm sau sẽ lợp mái nhà cho bà nữa mà”.
“À phải rồi. Anh ấy mua cho bà một cái đài FM đấy. Để cháu chạy ra lấy”.
“Đài FM hả?”.
“Vâng, bà đợi cháu một chút”.

Tôi chạy ra sân, bảo Dương Quang mở khóa xe cho tôi lấy đài FM mang cho bà cụ. Nhưng lúc anh ta khuân đồ đạc vào mới thấy không chỉ có đài FM, còn có cả tivi màn hình phẳng thật lớn, nồi cơm điện, ấm siêu tốc.

Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, anh ta mới bảo: “Chưa hết đâu, ngày mai còn có người mang bình nước nóng, tủ lạnh, rồi cả một cái xe đạp cho bà đi nữa”.

“Anh ấy bảo anh mua hết à?”.
“Ừ, anh ấy bảo đi mua, nhưng nhắc đi nhắc lại phải có đài FM”.

Tôi cười, nhưng nước mắt cứ chầm chậm chảy xuống, một người biết mình sắp c.hế.t không lo mai này sẽ ra sao, mà chỉ nghĩ đến việc sẽ thất hứa với tôi, bệnh nặng như vậy mà vẫn nhớ tôi bắt anh mua đài FM cho ông bà cụ.

Bà cụ thấy Dương Quang khuân khuân vác vác như thế mới tất tưởi chạy ra: “Sao mang nhiều đồ thế?”.

“Mấy cái này hay lắm đấy bà ạ. Để tý cháu đấu điện đã. Tivi để ở chỗ nào đây bà”.
“Để ở trên phản. Nhưng nhà tôi chưa có nhiều ổ điện đâu”
“Không sao, cháu cũng mang cả đống ổ điện đây”.

Mỗi người làm một việc, quay đi quay lại, đến khi xong xuôi đã gần 9h tối. Bà cụ bưng mâm cơm lên, gọi chúng tôi ăn cơm. Tôi thấy ông cụ đi ra khỏi phòng Đặng Khải Thành nên muốn xuống thăm, nhưng ông lại nói:

“Ăn cơm trước đã, than tàn rồi, nhưng mồ hôi còn chưa ra hết, đợi bay hết rồi xuống”.

“Vâng ạ”. Ngừng một lát, tôi lại hỏi: “Anh ấy vẫn … tốt chứ ông?”.

Ông cụ thầy lang bật cười: “Không còn sống thì giờ này ông nuốt được cơm hả? Cứ ăn đi, lát nữa xuống thăm”.

“Dạ”.

Ăn cơm xong, bà cụ lại giục tôi đi tắm, đợi tôi lên mới đưa cho tôi một thau nước màu tím, bảo tôi lau người cho Đặng Khải Thành.

Tôi vừa định nhận lấy thì Dương Quang vội vã chạy lại đỡ: “Bà ơi, để cháu bê cho ạ”.

Bà cụ lườm anh ta: “Cái thau này có bốn cân thôi”.

Dương Quang cười hì hì: “Nhưng bà bầu không nên bê nặng mà, để cháu”. Nói rồi nhanh chân bê cả thau nước xuống nhà dưới, tôi cầm khăn lững thững đi sau.

Lúc kéo rèm ra, Đặng Khải Thành vẫn còn chưa tỉnh lại. Áo trên người anh đã được cởi ra, bên dưới đắp chăn, cơ ngực cường tráng lúc trước không còn nữa, chỉ trông thấy rất nhiều xương sườn gầy yếu.

Tôi xót đ.iên lên, vội vàng trèo lên giường nắm tay anh.

Lúc này, lòng bàn tay của anh đã ấm hơn một chút, nhưng nói chung tôi vẫn cảm nhận được ở đó vẫn chẳng có chút sức lực nào. Tôi bảo Dương Quang đặt chậu nước màu tím xuống, kéo rèm lại, sau đó mới chậm rãi nhúng khăn vào nước rồi lau khắp người anh. Lau đến đâu da thịt đen lại đến đấy, nhưng qua vài phút lại từ từ biến mất, tôi cũng chẳng biết loại nước tím tím này là gì, nhưng tôi đặt niềm tin vào hy vọng vào ông cụ, cho nên mặc kệ nó có tác dụng hay không, cứ thế lặng lẽ lau.

Lau xong, tôi mới thay một chiếc chăn khác rồi nằm xuống ôm anh, tay lần đến cổ tay anh, lẩm bẩm nói chuyện: “Anh bảo em là dũng khí, thế thì bây giờ dũng khí ngày nào cũng luôn ở bên anh. Anh phải cố gắng lên nhé, phải nhanh khỏe lại rồi tỉnh dậy với mẹ con em nhé?”.

“Em nói cho anh biết một bí mật, ông cụ nói con chúng ta là con gái đấy. Ngày trước anh nói thích một đứa con gái phải không?”. Tôi cười cười, áp mặt vào ngực anh: “Con gái nhỏ của chúng ta sẽ tên gì được nhỉ? Em chờ anh dậy rồi đặt tên nhé? Tên là Hạt Đỗ được không?”.

Nói tới đây, mặt tôi tự nhiên nóng bừng lên: “A… sao mà em nghĩ ra cái tên xấu thế nhỉ?”.

“Hay là Hạt Muối? Đậu Xanh?”.
“Mà thôi, tên em đặt kinh dị quá, thôi cứ đợi anh dậy đặt thì hơn”.

Tôi cố nở một nụ cười thật tươi, hôn lên má anh: “Em phải ngủ cho bé con ngủ đây. Sếp Thành, ngủ ngon nhé”. Ngừng một lát, tôi lại nói: “Anh đừng có lén em, bỏ em đi mất đấy”.

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN