Không Thể Động Lòng
Ngoại truyện 5
Nửa tháng sau, tôi sinh sớm hơn dự kiến!
Ban đầu Đặng Khải Thành nói đến thời điểm 9 tháng thì chúng tôi sẽ quay về Hà Nội, ở đó điều kiện y tế tốt hơn, sinh con cũng an toàn hơn. Nhưng đúng hôm anh vừa thắp hương tổ tiên và nhận ông bà cụ trong núi làm cha mẹ xong thì tôi đau bụng, ban đầu cứ nghĩ là chỉ đau bình thường thôi, nhưng bà cụ thấy tôi ướt quần mới hốt hoảng nói: “Vỡ ối rồi…”.
“Dạ?”. Tôi tròn xoe mắt.
“Vỡ ối rồi, sắp sinh rồi. Mau, mau chuẩn bị đi trạm xá”.
“Cháu mới bầu hơn 8 tháng rưỡi, chưa đến ngày sinh mà”. Tôi nghĩ rằng mình chỉ đi vệ sinh không kiểm soát thôi, em bé đang còn rất nhỏ, chưa đủ 9 tháng 10 ngày nên chưa thể sinh được, nhưng vừa nói xong thì một cơn gò từ bụng dưới ngay lập tức dội đến. Tôi không kịp chống đỡ, liền ôm bụng kêu “Á” một tiếng.
Bà cụ càng hoảng hơn, hét to: “Không kịp rồi. Ông ơi, đi gọi người đỡ đẻ. Mau lên”.
Mọi người lập tức chạy ra sân, đèn điện bật sáng trưng. Đặng Khải Thành vẫn chưa chạy nhanh được nhưng anh lại là người đến chỗ tôi nhanh nhất, nhìn thấy tôi ôm bụng nhăn nhó, anh lo tới mức mặt mày tái xanh: “Chân Ý?”.
“Đau quá…”. Tôi hét lên: “Đau quá. Thành, em đau quá”.
Anh cũng chưa có kinh nghiệm làm cha nên luống ca luống cuống, bà cụ phải bảo anh và Dương Quang đỡ tôi vào trong nhà, sau đó chạy đi gọi bà đỡ, ông cụ thì vội vàng xuống bếp nấu nước, hàng xóm bên cạnh cũng sang, chỉ một loáng là sân nhà ông bà cụ đã chật kín người.
Tôi ở trong buồng, đau nhưng cơn gò theo từng cơn, lúc Muối Nhỏ chưa chổng mông lên đòi ra thì có thể nghe thấy loáng thoáng tiếng mấy người hàng xóm hò hét nhau, nói lấy thêm vải xô để lót cho tôi, có người thì chạy về nhà lấy tã, người thì bảo phải đi lấy bình sữa. Một lát sau, có một thau nước ấm được mang lên.
Bà mụ đỡ đẻ xua Đặng Khải Thành và Dương Quang ra ngoài, chỉ để lại bà cụ phụ đỡ sinh cho tôi. Đặng Khải Thành sợ tôi có chuyện gì nên không muốn đi, lại bị bà mụ đỡ đẻ quát:
“Cái cậu này, đàn ông đàn ang nhìn vợ đẻ làm gì, mau ra ngoài uống nước chè với người ta đi”.
“Vợ cháu…”. Giọng anh có chút run, tôi biết Đặng Khải Thành không hoàn toàn tin tưởng vào việc đỡ đẻ ở đây, nhưng thôn nhỏ trong núi này quá xa trạm xá, đến được đó thì chắc tôi cũng đẻ rơi ở giữa đường rồi. Anh không còn cách nào, cứ ngập ngừng mãi: “Vợ cháu đau thế này liệu có sao không ạ?”.
“Đẻ phải đau chứ? Không đau sao gọi là đau đẻ? Thôi cậu đi nhanh đi để tôi còn đỡ đẻ. Cả mấy bà hóng chuyện kia nữa, ra nấu thêm nước đi”.
Cuối cùng, Đặng Khải Thành phải miễn cưỡng đi ra, nhưng cứ nhìn tôi mãi, ánh mắt như chất chứa rất nhiều điều muốn nói, ví dụ như bảo tôi hãy cố lên, còn có anh bên tôi, ví dụ như thấy tôi đau thì anh cũng đau lòng.
Tôi rất hiểu cảm giác ấy, cũng muốn bảo anh yên tâm nhưng không nói được. Nghe được tiếng bước chân anh, tôi biết Đặng Khải Thành không đi, anh cứ quanh quẩn mãi ở cửa phòng mà tôi nằm, mỗi lần nghe tiếng tôi hét lên thì bước chân lại khựng lại.
Bà mụ đỡ đẻ tuy hay có vẻ khó tính và đanh đá, nhưng từng động tác đỡ cho tôi lại rất nhẹ nhàng và cẩn thận. Dù nơi này không có thiết bị y tế hiện đại gì đó, nhưng khi bà ấy luồn tay vào giữa hai chân tôi vẫn vui mừng kêu lên: “Cái đầu đây rồi. Nào, rặn đi, tôi sờ được em bé rồi. Hít sâu thở đều rồi rặn đi nào”.
Bà cụ vợ ông thầy lang cũng nắm tay tôi bảo: “Cố lên, em bé sắp ra rồi. Chỉ còn một chút nữa thôi. Chân Ý, rặn đi”.
Tôi cảm nhận được có thứ gì cứ thúc liên tục vào bên dưới của tôi, nhưng không ra được nên tôi rất khó chịu. Cả người tôi nóng bừng bừng, đau đến mức muốn ngất đi, ấm ức đến nỗi cứ oằn mình lên, hét to: “AAAAAAAAAA”.
“Sắp ra rồi… Sắp ra rồi. Hét to vào. Đúng rồi, hét to vào”. Bà mụ đỡ đẻ còn hét to hơn tôi, một tay cứ ấn hông tôi xuống. Tay còn lại cứ luồn vào bên trong xoay xoay gì đó, sau đó đột nhiên lôi tuột một thứ ra khỏi cơ thể tôi.
Vào giây phút đó, tôi cũng đồng thời nghe được mấy tiếng “Oe oe” rất to, bà mụ đỡ đẻ thở phào một tiếng: “Được rồi, ra rồi”.
Bà cụ cũng sung sướng nhìn đứa bé rồi kêu toáng lên: “Ra rồi, lạy trời lạy phật, tạ ơn tổ tiên, cháu nội của chúng tôi chào đời rồi”.
Lúc này tôi đã gần như bị rút cạn cả sức lực, nhưng vẫn cố nhổm dậy nhìn con tôi. Bà mụ đỡ đẻ vừa cắt rốn xong thì bà cụ đã bế Muối Nhỏ đến trước mặt tôi: “Này, con nhìn này, trộm vía cháu tôi, xinh quá thôi. Da trắng mắt to, yêu quá thôi. Con gái nhé. Yêu quá thôi”.
Tôi nhìn con bé, đúng là thấy da trắng mắt to, cả người bé xíu như một con mèo con, da cũng nhăn nheo, nhưng trộm vía môi rất đỏ, miệng khóc oe oe xong lại lúng liếng đôi mắt nhìn khắp phòng, trông yêu ơi là yêu.
Đây là đứa con mà tôi chỉ siêu âm đúng một lần từ lúc mang bầu đến giờ, cũng là đứa bé đã từng bị mẹ tôi ép phải phá, sau đó trải qua rất nhiều chông gai nữa mới đến được với chúng tôi. Dù hơi còi, dù sinh thiếu tháng nhưng trộm vía tỉ lần là con bé thở tốt, bà mụ bảo tuy nhỏ nhưng khóc to như vậy là nở phổi, không cần lo.
Tôi rơi nước mắt, dang tay ôm bé con vào lòng, thơm lên mái tóc vẫn còn ướt rượt của con, vừa khóc vừa nói: “Muối Nhỏ, Muối Nhỏ của mẹ đây rồi”.
Bà mụ để tôi bế chưa đầy nửa phút đã quay đầu ra ngoài hét lên: “Mang nước ấm vào đây nào, nhanh lên. Tã nữa, bà nào ban nãy bảo về lấy tã thì mau mang lại đây”.
Cửa vừa mở ra, nườm nượp người từ bên ngoài vội vàng đi vào. Tôi nhìn thấy Đặng Khải Thành cũng đứng ở cửa nhìn về phía mẹ con tôi, thấy Muối Nhỏ đang nằm úp trên ngực tôi, mắt anh phút chốc đỏ hoe, sau đó cũng không nhìn tiếp nữa mà đột ngột quay đi.
Tôi biết, Đặng Khải Thành lúc này đang hạnh phúc, Đặng Khải Thành lúc này cũng đang đau lòng, cảm giác của anh có lẽ cũng y như tôi vậy. Trải qua rất rất nhiều chuyện, trải qua mười mấy năm mồ côi, cuối cùng thì anh cũng đón được người thân của mình chào đời rồi.
Là Muối Nhỏ của chúng tôi!
Những người hàng xóm ở quê rất nhiều tình, mọi người phụ cùng bà mụ lau rửa cho tôi, tắm cho Muối Nhỏ, chị gái nhà bên cạnh mới sinh con cách đây bốn tháng, sẵn đang có sữa nên cho con tôi ti luôn.
Đến khi con bé bú no rồi thì tôi cũng được lau rửa xong, dù vẫn còn rất đau, không ngồi dậy được nhưng bà cụ vẫn đưa Muối Nhỏ cho tôi, nói: “Ti no lại lăn ra ngủ rồi. Thương quá thôi. Con ôm Muối Nhỏ ngủ một lúc đi, mẹ đi nấu ít cháo cho con ăn”.
“Vâng ạ”.
Mọi người nhanh chóng giải tán, nhà dưới vừa rồi còn đông nghịt người, bây giờ ai cũng về đi ngủ, chỉ còn lại mấy người nhà chúng tôi.
Dương Quang với ông cụ ngồi uống nước chè ngoài sân, bà cụ đi nấu cháo, Đặng Khải Thành lúc này mới bước vào buồng chúng tôi nằm. Tôi nhìn thấy anh mới cười bảo: “Anh mau đến xem Muối Nhỏ này”.
Vẻ mặt của anh rất ấm áp, nhưng vẫn phảng phất sự đau lòng và xúc động đến vô cùng. Anh rảo bước đi lại gần tôi, không nói gì cả, chỉ nắm chặt tay tôi rồi nhìn Muối Nhỏ đang cuộn tròn nằm trong lòng tôi. Rất lâu, rất lâu sau đó Đặng Khải Thành mới nói: “Chân Ý, em vất vả rồi”.
Sống mũi tôi cũng bất giác cay xè, mấy chữ em vất vả rồi tuy rất bình thường với người khác, nhưng tôi biết ý Đặng Khải Thành muốn nói thời gian qua tôi đã phải chịu đựng rất nhiều thứ, gánh vác rất nhiều thứ, ngay cả sinh con cũng phải ở nơi nghèo khổ hẻo lánh này, cho nên anh mới nói tôi vất vả rồi. Vất vả vì anh và con nhiều rồi.
Nhưng tôi chỉ đáp: “Có gì vất vả đâu. Muối Nhỏ ngoan lắm. Anh xem. Từ lúc em bầu đến giờ không nghén ngày nào, chạy khắp nơi như thế mà nó vẫn lớn, vẫn phát triển bình thường. Bây giờ là con háo hức muốn ra gặp chúng ta sớm nên mới đòi ra trước thôi”.
Đặng Khải Thành ôm lấy tôi, ôm cả Muối Nhỏ vào lòng, anh hôn lên trán tôi, giọng nói mang theo vẻ run rẩy: “Chân Ý, cảm ơn em. Cảm ơn em…”.
Tôi cười, vừa cười vừa khóc: “Đồ ngốc, cảm ơn gì chứ?”.
“Cảm ơn em”.
Cảm ơn em vì đã đến trong cuộc đời anh không chỉ một lần, mà là hai lần, tôi nghĩ ý anh chính là như vậy. Mà tôi cũng có cảm giác y như anh, cảm ơn Đặng Khải Thành đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, một lần vào hai mươi mốt năm trước, một lần vào lúc tôi từ Hồng Kông quay về Việt Nam, lần còn lại là khi anh tỉnh dậy ở thôn làng trong núi này, cùng chứng kiến tôi mang thai và sinh ra Muối Nhỏ.
Cảm ơn anh vì đã đến, cũng cảm ơn anh vì đã mang con bé đến cho tôi. Tôi thật sự yêu cả hai người, vĩnh viễn yêu, không oán trách, không hối hận!
***
Sáng ngày hôm sau mới năm giờ đã thấy ngoài cổng có tiếng xe dừng lại, sau đó mấy tiếng bước chân dồn dập vội vã chạy vào. Tôi nghe loáng thoáng giọng mẹ tôi: “Chào bà, cho hỏi con gái tôi…”.
Dương Quang đi đón mẹ tôi, anh ta mải xách đồ nên đi phía sau, nghe thấy vậy mới nói: “Chân Ý đang ở nhà dưới đấy ạ. Nhưng giờ này em ấy vẫn chưa ngủ dậy. Bác cứ vào đi đã”.
Đặng Khải Thành lúc này cũng đã thức rồi, nhưng giữa anh và gia đình tôi là một mối quan hệ rất khó nói. Dù anh có hận gia đình tôi, nhưng tôi sinh con ra cũng là cháu ngoại của bố mẹ tôi, mẹ tôi không chạy lên đây lo cho tôi cũng không được.
Tôi sợ anh hỏi “Sao em lại nói cho mẹ biết?” nên mới quay sang nói: “Mẹ em…”.
“Để anh ra ngoài”. Anh ngồi dậy, quay sang hôn Muối Nhỏ rồi lại hôn tôi: “Hai mẹ con cứ ngủ đi”.
“Nhưng mà mẹ em…”.
Đặng Khải Thành ngắt lời tôi: “Đừng lo, anh biết phải làm thế nào mà”.
“Vâng”. Tôi ngập ngừng một lát mới nói: “Mẹ rất lo cho em, lúc trước gọi điện thoại cứ hỏi bao giờ em sinh. Em nghĩ dù sao Muối Nhỏ cũng là cháu ngoại của mẹ, nên tối qua sinh xong mới chụp ảnh con gửi cho mẹ em. Em cũng không nghĩ là mẹ sẽ tìm lên được tận đây”.
Anh im lặng một lúc, lại vuốt tóc tôi, vẻ mặt rất dịu dàng: “Con gái sinh con thì mẹ nên đến. Chân Ý, em còn cha mẹ, không cần chịu thiệt thòi, biết không?”.
Tôi nhìn Đặng Khải Thành, đột nhiên có cảm giác gánh nặng trong lòng vơi đi quá nửa, thật sự muốn nói cảm ơn anh, cảm ơn anh vì đã hiểu cho tôi. Cảm ơn anh vì dù gia đình tôi gây ra nhiều lầm lỗi như thế, anh cũng vẫn nghĩ cho tôi, sợ tôi tủi thân, sợ tôi phải chịu thiệt thòi nên mới để mẹ tôi đến.
Phải rồi, nếu anh không đồng ý thì làm sao Dương Quang dám dẫn đường cho bố mẹ tôi đến đây được chứ?
Nghĩ đến đây, tôi xúc động rơi nước mắt, nghẹn ngào nói ra ba từ: “Cảm ơn anh”.
“Đừng khóc. Mới sinh xong mà khóc là sẽ hỏng mắt đấy. Ngoan, em cứ nằm ở đây, anh ra ngoài một chút”.
“Vâng”.
Sau khi Đặng Khải Thành mở cửa ra ngoài rồi, tôi nhìn theo mới thấy ngoài sân mẹ tôi một tay cầm mấy túi bóng to đựng đồ, tay còn lại xách một va ly du lịch. Đặng Khải Thành không lạnh không nhạt nói:
“Cô ấy đang ở trong phòng”.
Vẻ mặt của mẹ tôi hơi xấu hổ, cúi thấp đầu coi như chào anh rồi vội vàng xách theo một đống đồ vào với tôi. Lúc bước vào phòng, thấy tôi đang ôm Muối Nhỏ thì òa lên khóc. Bà cứ lẩm bẩm nói: “Ôi con gái tôi, cháu tôi”.
Tôi cười cười: “Mẹ nhìn thấy Muối Nhỏ phải vui mới đúng chứ, sao lại khóc? Đây này, mẹ nhìn nó xem. Yêu chưa này”.
Con bé bị giật mình, cánh tay bé xíu giơ lên trời rồi quơ quơ mấy cái, mẹ tôi thương cháu, vội vàng bế Muối Nhỏ lên rồi ru ‘à ơi’: “À ơi cháu gái của tôi ơi, ngủ ngoan nào. Bà thương Muối Nhỏ, bà thương em. Yêu quá thôi, bà thương em, thương em”.
Muối Nhỏ rất ngoan, chỉ cần được bế một chút là đã lăn ra ngủ tiếp, mẹ tôi thì cứ ngắm nó mãi, sau đó lại khen Muối Nhỏ tuy bé một tý nhưng trộm vía cứng cáp, da không bị nhăn nhiều, còn bảo nó chỉ có mỗi cái mũi giống tôi, còn đâu là giống Đặng Khải Thành hết.
Tôi cười: “Thì là con của bố nó mà. Mong là lúc lớn phá nét sẽ có thêm mấy nét giống con. Giống bố nó sau có khi lại thành hot girl, con trai xếp hàng chạy theo, mệt lắm”.
“Tiên sư bố cô”. Mẹ tôi mắng yêu, lại quay sang hỏi tôi có mệt không, có đau không, đã có sữa chưa, từ tối qua đến giờ Muối Nhỏ bú mấy lần rồi.
Kỳ thực tôi vẫn chưa có sữa, lần đầu thì hàng xóm cho bú được, lần thứ hai thì bà cụ mang bình sữa sang nhà chị hàng xóm, xin chị ấy vắt ra một bình đầy rồi mang về cho tôi, còn nấu một nồi nước ấm để ngâm sữa.
Mẹ tôi bảo: “Mẹ có mang móng giò đây, cả chân dê nữa. Ở đây chắc có đu đủ chứ?”.
“Vâng, sau vườn có đấy ạ. Ở đây nhiều đu đủ lắm”.
“Thế để mẹ bế Muối Nhỏ thêm một lúc nữa rồi đi nấu. Con mệt rồi, ngủ đi cho có sức, tý nữa dậy ăn”.
“Vâng”.
Cả đêm con bé ọ ẹ, lại lần đầu tiên làm mẹ nên tôi không dám ngủ, giờ có mẹ lên mới yên tâm nhắm mắt, ngủ say một giấc tỉnh dậy thì trời cũng đã gần trưa rồi.
Mẹ tôi lạch cạch nấu cháo với bà cụ, ông cụ thì phơi cỏ để tôi uống sau sinh, Dương Quang đang bổ củi, Đặng Khải Thành thì vừa bế Muối Nhỏ vừa chốc chốc lại ngó vào buồng của tôi, thấy tôi dậy, anh liền nở nụ cười:
“Muối Nhỏ, mẹ dậy rồi kìa”. Nói rồi lại bế con vào cho tôi. Mới qua một ngày mà da thịt con bé đã bắt đầu căng hết, mắt cũng to hơn, nhìn yêu ơi là yêu.
Tôi đưa tay muốn ẵm con, nhưng anh lại đặt con bé xuống giường, nói là tôi còn đau chưa nên ngồi dậy, cứ nằm đó ôm Muối Nhỏ là được. Tôi vừa ôm con thì lại nghe tiếng người xe nườm nượp đi vào, tiếp theo có mấy bóng bác sĩ y tá, còn kéo cả mấy máy móc thiết bị y tế vào kiểm tra cho tôi.
Tôi mắt tròn mắt dẹt hỏi: “Cái gì thế anh?”.
“Anh không yên tâm nên nhờ các bác sĩ xuống kiểm tra. Em cứ nằm yên đi, họ kiểm tra xong, lát nữa sẽ có y tá tắm cho Muối Nhỏ, massa cho em và con bé nữa”.
“Anh kiếm đâu ra dịch vụ này thế?”.
Đặng Khải Thành mỉm cười: “Từ Hà Nội đấy”.
Chẳng trách đến tận giờ mới tới!
Sau đó, không chỉ có bác sĩ y tá mà còn có cả một đoàn xe chở đồ đến đây, từ nôi em bé, đồ chơi cho em bé, quần áo tã bỉm, sữa, còn cả một chiếc giường và mấy bộ chăn đệm mới toanh. Tôi nghĩ Đặng Khải Thành định dọn cả siêu thị đến đây luôn rồi.
Tôi không cản được anh, cuối cùng đành để mặc những người thợ kia lắp lắp ghép ghép, mẹ tôi thì bưng bát cháo móng giò đến ép tôi ăn, bà cụ với ông cụ thì thay nhau bế em bé, đúng đến 12h lại lên nhà trên thắp hương, nói là báo cáo tổ tiên thì hôm nay gia đình đã có thêm thành viên mới, cháu nội Muối Nhỏ.
Đặng Khải Thành hỏi ý kiến tôi về chuyện đặt tên cho con, nhưng tôi bảo sao cũng được, cuối cùng là ông cụ thầy lang đặt tên cho con tôi. Ông cụ suy nghĩ suốt ba ngày trời, rút cuộc cũng nghĩ ra được một cái tên rất đẹp. Đặng Yên Chi.
Ông cụ nói Yên là bình yên, Chi là cỏ cây, Yên Chi nghĩa là một cây cỏ bình yên, dễ nuôi dễ lớn.
Đặng Khải Thành lại nắm tay tôi nói: “Có một lòng thành ý, cây cỏ mới rực rỡ sinh sôi”.
Tôi hỏi: “Lòng thành ý gì cơ?”.
Anh cười đáp: “Không nói cho em biết”.
“Đặng Khải Thành, tên của anh nghĩa là ‘Không nói cho em biết’ phải không?”.
Anh nhìn tôi, nghiêm túc lắc đầu: “Tên của anh là Khải Thành. Khải là trở về, Thành trong chân thành”.
Còn tên của tôi là Chân Ý, Chân cũng trong chân thành, Ý nghĩa là mong muốn. Thành Ý là hai chữ cuối ghép lại từ tên chúng tôi, cũng có nghĩa là một tấm chân tình. Muối Nhỏ của chúng tôi chính là cây cỏ rực rỡ sinh sôi trong tấm chân tình đó.
Có một lòng thành ý, hai trái tim yêu đến mức vượt lên cả hận thù, kết quả là một mầm xanh, cỏ cây sinh sôi đem lại hy vọng mới và một ngày mai tươi sáng cho chúng tôi. Ý Đặng Khải Thành chính là như vậy.
Tôi ôm lấy anh, khẽ nói: “Em yêu anh”.
***
Mấy ngày sau khi tôi sinh, mẹ vẫn ở đây với tôi. Nhà trên rộng rãi, Dương Quang nằm ở phản, mẹ tôi thì nằm trên một chiếc giường mới, cách đây mấy hôm là Đặng Khải Thành gọi người đến lắp giường cho tôi, cũng tiện lắp thêm ở nhà trên một chiếc.
Tôi biết mặc dù anh không nói, nhưng thực ra chiếc giường ấy là dành cho mẹ tôi, dù sao cũng là mẹ tôi đến, anh không thể để bà nằm dưới đất được!
Tôi rất biết ơn anh, mà mẹ tôi cũng vậy. Có lẽ sau rất nhiều chuyện, bà cũng đã hiểu được phần nào đó trong con người của Đặng Khải Thành, bà không gọi anh là đồ khố.n nữa, cũng không mắng anh nữa, thậm chí có lúc bà cụ bận, mẹ tôi còn tự tay sắc thuốc cho anh, nhưng lại không dám đưa cho Đặng Khải Thành mà chỉ mang vào phòng rồi để ở chỗ mà anh dễ nhìn thấy nhất.
Còn có một lần Dương Quang với ông cụ lên rừng hái thuốc, còn tìm được mấy củ sâm ngọc linh rất quý hiếm, tôi mới sinh không ăn được loại này, cho nên mẹ tôi lại tự tay sắc lên để Đặng Khải Thành uống.
Bệnh tình của anh vẫn chưa khỏi hẳn, cơ thể đã có da có thịt trở lại, nhưng làm việc nặng thì vẫn chưa được, ông cụ thầy lang nói ít nhất phải nửa năm nữa, mẹ tôi cũng muốn bồi bổ cho anh nhanh khỏe nên ngồi dưới bếp củi cặm cụi hầm sâm suốt nửa ngày. Đặng Khải Thành đã mua mấy cái bếp ga lẫn bếp từ, nhưng sắc sâm thì phải hâm bằng bếp củi, và phải đun nhỏ lửa trong thời gian rất lâu, mẹ tôi không biết nấu loại bếp này nên ho sặc sụa mãi. Đến khi nấu xong thì mặt mày bà đã dính đầy muội than, nước mắt giàn dụa.
Vất vả hầm sâm cho Đặng Khải Thành ăn là vậy, thế mà vừa mới ra đến sân mẹ tôi đã vấp phải một thanh củi, bát nước canh sâm hầm rơi xuống vỡ toang. Mẹ tôi tiếc của đứng ngẩn ra, mấy giây sau lại vội vàng cúi xuống nhặt.
Anh thấy vậy mới đi lại gần, cầm mấy mảnh sứ dưới đất lên giúp mẹ tôi. Sau một tuần mẹ tôi lên đây, lần thứ hai anh mở miệng nói chuyện với mẹ: “Ở trong bếp có còn canh không ạ?”.
Mẹ tôi giật mình: “Gì cơ?”.
Đặng Khải Thành chỉ nhìn mẹ tôi, không đáp, mà lúc này bà dường như cũng hiểu ra nên vội vàng nói: “À… vẫn còn, nhưng chỉ còn một ít thôi. Phần bổ dưỡng nhất… tôi làm vỡ rồi”.
“Không sao”. Anh đứng dậy, cầm mấy mảnh sứ ném vào thùng rác.
Mẹ tôi cũng lật đật chạy đi: “Để tôi múc cho cậu”.
Lát sau, bà lại bê nửa bát canh đi ra, vẻ mặt hơi ngượng ngập: “Chỉ còn chừng ấy này thôi”.
Đặng Khải Thành nhận lấy, trả lời một cách rất bình thản: “Cảm ơn”. Sau đó, đưa lên miệng uống hết.
Mẹ tôi thấy thế thì đột nhiên mắt đỏ hoe, bà cứ nhìn anh mãi, nhìn mãi, có lẽ không nghĩ một người từng là kẻ không được đối đãi tử tế ở Hồng Hưng, từng bị rất nhiều anh em đánh đập, ngược đãi, đến bây giờ không những sống cuộc đời vẻ vang như vậy, còn là bố của con tôi. Hơn nữa, dù trong lòng có ôm bao nhiêu đau đớn vì bị nhà tôi hại mất đi cha mẹ, anh vẫn bình thản uống hết được một bát canh bà tự tay làm.
Mẹ tôi biết Đặng Khải Thành là vì tôi nên mới làm những điều ấy, nhưng vẫn run rẩy nói: “Tôi xin lỗi, là nhà tôi có tội với cậu. Tôi thay mặt ông ấy xin lỗi cậu”.
“…”
“Nếu năm đó chồng tôi chịu nghe lời cậu, chịu ngừng tay, thì cha mẹ cậu đã không phải c.hế.t, cậu cũng không phải chịu nỗi đau đớn như thế. Thành, là nhà tôi tàn nhẫn với cậu, là chồng tôi không biết phải trái, lúc trước sai anh em trong Hồng Hưng ngược đãi cậu, ép cậu dùng m.a t.úy, sau này còn hại c.hế.t cha mẹ cậu. Tất cả tội lỗi ấy chúng tôi biết sẽ không bao giờ trả hết được, nhưng tôi vẫn muốn nói xin lỗi cậu, xin cậu tha thứ cho chúng tôi”
Anh lạnh lùng quay đầu nhìn mẹ tôi, im lặng một lúc rồi kiên quyết nói ra bốn chữ: “Tôi không tha thứ”.
Mẹ tôi hơi ngẩn ra, sau đó khóc nức nở, bà định quỳ xuống van xin Đặng Khải Thành, nhưng anh lại quay đi, lúc đến giữa sân, Đặng Khải Thành mới dừng bước, ngửa mặt lên trời thật lâu rồi thở dài một hơi.
Anh nói: “Nhưng trả thù các người thì cô ấy sẽ rất đau khổ, tôi không muốn cô ấy cứ mãi luẩn quẩn trong một mối quan hệ chịu co kéo nhiều như vậy, thế nên từ giờ về sau chúng ta coi như nước sông không phạm nước giếng”.
Gió ở sau núi thổi tới, làm khẽ lay động mái tóc ngắn của Đặng Khải Thành. Dưới ánh nắng ban trưa, sống lưng anh thẳng tắp. Giọng nói cũng như sống lưng anh, vững vàng, kiên định và bản lĩnh: “Tôi sẽ đối xử tốt với cô ấy, hai người không cần lo”.
Mẹ tôi khóc òa lên, quỳ sụp xuống, liên tục nói: “Cảm ơn cậu, cậu cảm ơn”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!