Không Thể Động Lòng - Ngoại truyện 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
820


Không Thể Động Lòng


Ngoại truyện 8


Nội tâm nhân vật Đặng Khải Thành

Năm tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng có lần tôi sẽ thắc mắc tại sao tên của mình lại là Khải Thành. Khi ấy, bố sẽ mỉm cười nói với tôi:

“Khải là trở về. Thành là trọn vẹn. Ba mẹ đặt tên con là Khải Thành nghĩa là hy vọng sau này con sẽ rời khỏi thôn Trường An, có một ngày công thành danh toại, trọn vẹn trở về”.

Tôi lại hỏi bố “Rời khỏi thôn Trường An tôi có thể làm gì?”, bố tôi nói nếu có thể thì hãy bảo vệ tổ quốc, làm nhiều điều tốt đẹp cho quê hương.

Bởi vậy cho nên ước mơ của tôi từ những ngày tấm bé chính là làm một người cảnh sát, chính trực vinh quang, làm nhiều điều tốt đẹp để sau này có thể vẻ vang trở về quê hương như lời bố tôi nói.

Thế nhưng nhà tôi nghèo, cha lại bị di chứng của chiến tranh nên sức khoẻ rất yếu, một đứa trẻ mười mấy tuổi khi đó muốn được đi học thì phải dậy từ rất sớm để lên rừng chặt củi, sau đó gùi bốn, năm bó củi to xuống chợ cho mẹ bán. Những lúc ấy mẹ sẽ để dành mấy chiếc bánh cooc mò thật nóng cho tôi, sau đó vừa nhìn tôi ăn vừa xoa đầu tôi nói:

“Mẹ không cần Thành giỏi giang hoặc làm cảnh sát gì đó, sau này chỉ cần con vui vẻ khoẻ mạnh là được”.

Tôi ưỡn ngực lên cao đáp: “Có học giỏi mới đi ra được khỏi thôn Trường An chứ. Mẹ, sau này con kiếm được nhiều tiền rồi, con sẽ đón bố mẹ xuống thành phố, dắt mẹ đi ăn gà rán, mua quần áo đẹp cho mẹ mặc. Con sẽ bảo vệ hai người”.

Mẹ tôi cười bảo: “Lúc đó còn răng đâu để ăn gà chứ?”.

“Có mà”. Tôi đáp một cách chắc nịch: “Ngày đó sẽ đến nhanh lên, mẹ chờ con nhé”.

Mẹ tôi gật đầu, nói “Được”, bà nói sẽ chờ tôi thành công rồi về thôn Trường An đón hai người, chờ tôi dắt đi ăn gà rán.

Thế nhưng theo thời gian, cha tôi càng ngày càng già yếu, tôi thì mỗi lúc một lớn lên, những bó củi to không thể nuôi được cả gia đình và nuôi được ước mơ của tôi, cho nên năm 16 tuổi tôi mới theo đám thanh niên trong thôn vào mỏ quặng đi vác chì.

Lúc biết chuyện, mẹ tôi cứ khóc mãi, bà nói không có ai làm phu vác chì mà sống qua được 40 tuổi cả, thanh niên trong thôn cứ lớn lên rồi c.hế.t dần c.hế.t mòn hết, kim loại nặng từ quặng chì sẽ nhiễm qua đường thở rồi sẽ làm hỏng hết phổi, nhưng tôi cứ khăng khăng không tin.

Tôi nghĩ chỉ vác chì một vài năm thì sẽ không sao, thế nên vẫn kiên quyết vào trong núi. Ở đó, một ngày tôi vác chì từ sáng đến tối, có nhiều lúc bị quản lý đánh đập, cũng có những lúc không có nổi cơm ăn, lưng trĩu xuống vì vác đến 70kg, chân bị đè đến mức không bước tiếp được. Thế nhưng, thanh niên trẻ năm ấy chỉ có một lòng cố chấp, lại nuôi một hoài bão lớn lao có thể rời khỏi thôn Trường An nên khổ mấy vẫn cắn răng chịu đựng.

Tôi ở trong núi vác chì 2 năm, tới năm 18 tuổi thì cũng đủ tiền thi đại học. Cả thôn Trường An năm ấy chỉ có duy nhất mình tôi đỗ trường cảnh sát, lúc biết chuyện cha tôi vui mừng đến mức mổ cả con lợn duy nhất nhà tôi nuôi, một nửa đem bán lấy tiền cho tôi xuống thành phố, nửa còn lại mời khắp hàng xóm ở Hồ Cảnh Vân liên hoan, nói là dù nghèo đến mấy thì trước khi đi học cũng phải cho tôi ăn một bữa cơm tử tế.

Tôi biết, bữa cơm tử tế ấy chính là hy vọng cha mẹ đặt lên vai tôi, bọn họ luôn kỳ vọng tôi sẽ công thành danh toại, làm được nhiều điều tốt đẹp. Còn mơ ước của tôi thì giản đơn hơn, tôi chỉ mong sau này có thể làm cho cha mẹ một điều gì đó, phụng dưỡng họ, đón họ rời khỏi thôn làng nghèo khổ này.

Thế nhưng ước mơ viển vông là một chuyện, có bản lĩnh thực hiện được không lại là một chuyện rất khó nói.

Sau khi tôi nhập học trường cảnh sát không lâu thì tổng cục phòng chống m.a t.úy mở một lớp tuyển chọn đặc biệt. Tôi đăng ký tham và và đạt được thành tích tốt nhất, sau đó thì được đặc cách chuyển đến một khu huấn luyện khác. Ở đây tôi đã được rèn luyện những thứ mà người bình thường khó có thể làm được, được tôi luyện một tinh thần còn vững vàng cứng hơn sắt thép. Trong vòng hai năm, tôi trở thành gương mặt trẻ đầy triển vọng của trường, giành được rất nhiều học bổng, còn được xét tốt nghiệp sớm hơn dự kiến. Cuối cùng, tổng cục nhận thấy tôi có tư chất và bản lĩnh tốt nên mới quyết định đưa tôi đến một thành phố khác, làm cảnh sát ngầm cài vào một bang phái xã hội đen lớn có dính líu đến m.a t.úy.

Và cũng ở nơi này tôi đã gặp được một người con gái, cũng là tia nắng ấm áp chiếu soi trong quãng thời gian tăm tối nhất của tôi.

Những ngày đầu tôi mới đến Hồng Hưng, ba em vì không tin tưởng tôi nên mới sai đàn em thay phiên nhau đánh đập tôi, từ ngày này qua ngày khác tôi bị trói vào một cây cột sắt, người đứng bên cạnh vung roi gai mây liên tiếp vụt xuống, đánh tới mức cả người tôi không có chỗ nào là không bị thương.

Sau khi tôi ngất đi, bọn chúng lại hắt một xô nước lạnh vào mặt ép tôi tỉnh lại rồi tiếp tục tra tấn. Mỗi lần roi vụt xuống đều kèm theo một câu: “Ai sai mày đến đây? Nói. Ai sai mày đến đây”.

Một nghìn lần tôi cũng vẫn trả lời duy nhất một câu: “Không ai sai đến cả. Tao muốn gia nhập Hồng Hưng”.

“Thằng c.hó này. Ngoan cố phải không?”

Tôi không thể nhớ được mình đã bị ngược đãi bao nhiêu lần, nhưng trong đầu tôi vẫn rõ như in mỗi lần tra tấn xong, sau khi bị ném lên một tấm bê tông lạnh buốt thì thỉnh thoảng sẽ có một cô bé tết tóc hai bên lén lút chạy vào hầm giam. Em ngồi ngoài khung sắt, cầm cọng rơm chọc chọc vào người tôi:

“Anh ơi… anh đau lắm à?”.
“…”
“Chảy nhiều má.u như thế chắc anh đau lắm nhỉ?”.
“…”
“Vì sao anh lại bị đánh thế?”.

Tôi ngước đôi mắt đục ngầu lên nhìn em, muốn bảo hãy tránh xa tôi ra một chút, nhưng còn chưa kịp há miệng thì cô bé ấy lại chạy đi, lát sau lóng ngóng cầm một cốc nước và một ít bông băng quay lại, bàn tay nhỏ bé luồn qua nan sắt rồi đặt đến trước mặt tôi:

“Anh uống nước đi, uống nước xong sẽ không đau nữa”.

Tôi cảm thấy lý lẽ này rất vớ vẩn, cũng không có sức để đôi co nên chỉ lặng lẽ quay đầu đi nơi khác, không để ý đến nữa. Thế nhưng cô bé vẫn ngồi yên tại chỗ chớp chớp đôi mắt nhìn tôi, nhìn rất lâu, sau đó lại rón rén đưa cọng rơm lên mũi tôi dò hơi thở, thấy tôi vẫn còn sống, cô bé mới đứng dậy bỏ đi.

Nhưng ngày hôm sau vẫn lại đến!

Lần này, cô bé không nói gì nữa, chỉ lẳng lặng thay một cốc nước khác rồi lại cầm cọng rơm đặt lên mũi tôi. Lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm cũng đều làm một hành động ngốc nghếch y như vậy. Đến lần thứ sáu thì tôi mất sạch kiên nhẫn, lần đầu tiên mở miệng nói:

“Tôi vẫn còn sống, không cần đưa cọng rơm dò hơi thở của tôi”.

“Ồ”. Em ngây ra một lúc rồi nhoẻn miệng cười, hai chiếc răng cửa bị sún trông rất ngốc: “Sao anh không uống nước?”.

“Không muốn uống”.
“Chảy m.áu thì sao? Sao không lấy bông băng lại? Mọi người ở đây mỗi lần chảy m.áu đều lấy bông băng lại vết thương đó”.

Tôi lười trả lời rằng mấy cục bông đó của em không phải là sợi nhỏ mà là sợi to, vừa thô vừa cứng, tôi mà dùng nó để thấm m.áu chỉ sợ sẽ làm toạc thêm vết thương. Rút cuộc, tôi chỉ hỏi vu vơ:

“Em tên gì?”.

Cô bé chớp đôi mắt to tròn nhìn tôi, mấy giây sau mới đáp: “Chân Ý”.

“…”
“Anh tên là gì?”

Tôi chỉ nói một chữ: “Thành”.

“Cái gì Thành?”.

Vết thương trên bụng tôi đột nhiên đau nhói, tôi khó chịu đến mức không thể hé miệng trả lời, cũng không muốn trả lời. Nhưng em vẫn kiên trì ngồi bên tôi, vừa nghịch cọng rơm vừa lẩm bẩm: “Ba em nói Chân trong chân thành, Ý trong mong muốn. Chân Ý nghĩa là….”. Em khe khẽ cau mày: “Là gì nhỉ?”.

Lúc đó tôi cũng không rõ Chân Ý có nghĩa là gì. Mãi sau này khi tìm đọc một cuốn sách mới biết Chân Ý chính là một tấm lòng chân thành. Cũng giống như một chữ “Thành” trong tên của tôi.

Còn tại sao tôi lại luôn tìm hiểu về tên của em ư? Là vì trong suốt thời gian đầu tôi mới đến Hồng Hưng chỉ có một mình em đối xử với tôi như một con người, chỉ có một mình em thường xuyên mang nước đến cho tôi, hỏi tôi chảy m.áu nhiều như thế có đau không, hỏi tôi có mệt không?

Một cô bé vốn là công chúa của Hồng Hưng mà luôn chạy xuống nơi hầm giam bẩn thỉu để nói chuyện với tôi, dù tôi không đáp thì em vẫn kiên trì ngồi đó, kiên trì dùng cọng rơm đặt lên mũi tôi, bảo tôi đừng c.hế.t. Làm sao tôi có thể không động lòng được đây ?

Sau khi kiểm tra thân phận kết thúc, tôi được rời khỏi hầm giam và gia nhập vào Hồng Hưng. Hàng ngày, tôi sẽ cõng em từ trường tiểu học về nhà, mua bánh bao cho em ăn, thỉnh thoảng có tiền tôi sẽ ghé qua cửa hàng sách cũ để mua cho em mấy cuốn sách. Đổi lại, em sẽ nằm trên lưng tôi kể mấy câu chuyện vụn vặt, thỉnh thoảng ngửi thấy mùi m.áu trên người tôi lại lén lút nhét vào tay tôi một ít bông. Tôi hỏi thứ này em lấy ở đâu, khi đó em sẽ chun mũi cười bảo: “Em lấy từ trong ruột gấu bông đó”.

Tôi bật cười, nghĩ cô bé này thật ngốc. Bông này vốn không thấm được vết thương, nhưng tôi còn ngốc hơn em, bởi vì lần nào bị thương cũng chỉ thích dùng mỗi loại bông ấy.

Quãng đường từ trường tiểu học về nhà không xa lắm, cũng không nhớ được tôi đã cõng em đi một nghìn hay một vạn lần, chỉ biết khi chỗ đứng trong Hồng Hưng của tôi càng ngày càng vững chắc thì cô bé trên lưng tôi cũng càng ngày càng nặng hơn. Em vẫn lẽo đẽo theo tôi khi tôi vác những thùng hàng to lên sân thượng, vẫn cười toét miệng kể chuyện cho tôi nghe, còn ngồi ở sân giếng chờ tôi về, đòi giặt áo sơ mi cho tôi.

Mỗi lần thấy áo tôi dính m.áu, em đều nhăn mặt nói: “Anh lại bị thương rồi. Sao mà anh bị thương mãi thế”.

Tôi ngượng ngùng đáp: “Mai sẽ lại khỏe thôi mà”.

Em nói nếu tôi bị thương thì gấu bông trong nhà sẽ bị moi hết ruột mất, nhưng chừng ấy năm tôi ở Hồng Hưng vẫn luôn thấy trong nhà có gấu bông mới, không ai biết vì sao công chúa Chân Ý ngang ngạnh là thế mà lại thích gấu bông, chỉ có một mình tôi hiểu.

Thời gian dần trôi đi, con đường từ cấp hai, rồi từ cấp ba về nhà vẫn có tôi cõng em. Chúng tôi người thì trưởng thành, người thì lớn lên, thoắt cái gần 10 năm tôi đã leo lên vị trí thứ hai ở Hồng Hưng, có được sự tin tưởng của ba em, còn em cũng trở thành một cô thiếu nữ, xinh đẹp, thanh thuần và sạch sẽ.

Ban đầu tôi chỉ nghĩ mình sẽ coi em như một người em gái, nhưng sau này khi trông thấy mấy cậu thanh niên trẻ cùng trường tán tỉnh em, tôi bắt đầu khó chịu. Mấy anh em trong Hồng Hưng khen em càng lớn càng đẹp đẽ, tôi cũng thấy khó chịu.

Tôi nhận ra tình cảm của mình càng lúc càng lạc đường, trước khi đến Hồng Hưng tôi chỉ có một lòng trung thành với tổ quốc, tôi nhẫn nhịn ở đây bao nhiêu năm chỉ mong có thể chờ đến ngày triệt phá được ổ nhóm buôn m.a t.úy và trở về quê hương đón cha mẹ tôi.

Thế nhưng khi em say rượu nói với tôi: “Anh Thành, sau này em lớn em lấy anh được không?”… Lòng tôi đã d.ao động!

Tự nhiên tôi nghĩ nếu cứ thế này cũng tốt, tôi sẽ ở lại Hồng Hưng, tôi sẽ chờ em lớn rồi lấy em làm vợ, cứ thế cùng em già đi, sống bên nhau đến răng long đầu bạc. Thế nhưng sau đó tôi lại bất giác giật mình, cảm thấy mình đúng là đ.iên rồi. Bao nhiêu anh em trong đội hình sự đang chờ tin tức của tôi, cha mẹ tôi cũng đang ở thôn Trường An đợi tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Nỗ lực nhiều năm như vậy cũng chỉ để triệt phá được Hồng Hưng, vậy mà khi sắp hoàn thành thì tôi lại muốn buông bỏ vì một người con gái.

Không, tôi không thể làm như vậy được!

Cho nên khi ấy tôi đã trả lời em rằng: “Chân Ý, chúng ta không phải người chung một đường”.

Tôi là cảnh sát hình sự, còn em là con gái của tội phạm, sớm muộn gì tôi cũng sẽ đưa những tội lỗi của Hồng Hưng ra ngoài ánh sáng, tôi không thể phản bội tổ quốc, chỉ có thể phản bội lại lòng tin của em. Cho nên chúng tôi định sẵn là thất vọng và đau thương, không thể nào bước chung đường được.

Cũng bởi vì như thế nên những ngày sau đó, để giữ mình tiếp tục vững tâm với công việc nên tôi bắt đầu tìm lý do để tránh xa em. Hàng ngày tôi sẽ ở ngoài đến tối muộn, thỉnh thoảng có về sớm cũng vùi đầu trong khu tập luyện để khỏi phải gặp mặt em.

Chẳng biết là may hay rủi mà tình cờ trong thời gian này tôi cũng gặp được một người con gái…

Cô ấy không phải người tôi thích, nhưng lại là người rất thích hợp để có thể che mắt em. Hàng ngày cứ đúng 5h sáng Như Ngọc sẽ đẩy một xe bánh bao lên dốc, sau đó 10 giờ trưa lại oằn mình đẩy xe về. Cô ấy hiền lành, lương thiện, cũng rất dễ gần dễ mến. Còn tôi thì nghĩ một cô gái hai mươi mấy tuổi, một mình bán bánh mưu sinh chắc cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì, cho nên nếu không bận việc gì thì tôi sẽ giúp cô ấy đẩy xe bánh lên dốc, thỉnh thoảng phụ Như Ngọc nhặt rác do người ta vứt ra, mua giúp bánh bao không bán được cho cô ấy.

Tôi biết, những lúc ấy em sẽ ngồi ở trên sân thượng im lặng nhìn tôi, thỉnh thoảng sẽ lẽo đẽo theo tôi và Như Ngọc đến cuối con phố, thậm chí còn lén lút mang vỏ chai từ trong nhà ra, đặt ở nơi Như Ngọc có thể nhìn thấy được.

Em là công chúa của Hồng Hưng, sống ở một nơi đầy rẫy tội ác trần trụi và phạm pháp, vậy mà vẫn giữ được một trái tim thiện lương. Em thương xót cuộc đời của người khác giống như nhiều năm trước đã từng thương xót tôi. Một cô gái như thế, làm sao tôi có thể không yêu cho được?

Tôi rất muốn ở bên em, nhưng rào cản trong tình cảm này quá lớn, không thể lựa chọn nắm tay, chỉ có thể chọn cách xa rời. Tôi không thể dung thứ cho tội ác nên lòng đã quyết đứng về phía tổ quốc, kể cả trong đêm mưa kia, em có bắt tôi quỳ xuống thì tôi vẫn một lòng như thế.

Tôi hiểu em muốn tôi quỳ chỉ vì muốn biết tôi yêu Như Ngọc đến bao nhiêu, còn tôi, vì muốn chặt đứt đoạn tình cảm vĩnh viễn không có kết quả này mà rút cuộc vẫn cắn răng chấp nhận quỳ xuống.

Khi đầu gối tôi chạm đất, tôi đã nhìn thấy nước mắt trên gương mặt em, nhìn được cả sự đau lòng và thất vọng đến tột cùng của bản thân em. Lúc đó, tôi cứ ngỡ làm như vậy thì em đã hết hy vọng rồi, nhưng sau này mới phát hiện ra, người cứ mãi hy vọng lại là bản thân tôi.

Suốt chừng ấy năm, trải qua rất nhiều chuyện, từng vô số lần cõng em từ trường học về nhà, trái tim tôi đã in sâu đậm bóng hình của một người con gái. Dù không có kết quả, nhưng từ tận sâu trong đáy lòng tôi vẫn âm thầm nuôi một chút hy vọng rất nhỏ nhoi, tôi mong sau này khi mọi chuyện tan vỡ em sẽ không hận tôi, cho nên những tháng ngày cuối cùng trước khi triệt phá Hồng Hưng tôi đã ra sức khuyên ba em ngừng tay lại.

Kể cả lúc ông ta phát hiện ra tôi là cảnh sát hình sự, tôi vẫn muốn Hồng Hưng còn một đường để quay đầu, thậm chí còn chấp nhận đứng ra làm chứng để bọn họ được giảm nhẹ tội. Nhưng đổi lại, ba em không những không nghe tôi mà còn sai người đến thôn Trường An ngay trong đêm để g.iế.t cả nhà tôi.

Khi tôi biết chuyện và chạy về đến nơi thì ngôi nhà trên đỉnh Hồ Cảnh Vân chỉ còn một đống hoàn tàn. Cha tôi nằm trong vũng m.áu c.hế.t không nhắm mắt, mẹ tôi thoi thóp bò lết dưới nền nhà, dù đau thương như vậy nhưng bà vẫn cố dồn chút sức tàn cuối cùng để bảo tôi chạy đi, người ta đã tưới xăng quanh nhà tôi rồi, chỉ cần tôi bước vào là sẽ châm lửa.

Lúc ấy tôi nào quan tâm được nhiều đến thế, tôi đau lòng tưởng c.hế.t, chỉ nghĩ bằng mọi giá phải xông vào đó để cứu cha mẹ tôi. Có điều, khi chân tôi vừa chạm đến bậc thềm thì một người anh em trong đội hình sự đã kéo tôi lại, dù tôi có giằng ra thế nào thì anh ấy vẫn ôm chặt lấy:

“Thành, bây giờ vào đó em sẽ c.hế.t, bọn nó chỉ chờ em vào rồi châm lửa thôi, em vào là kiểu gì cũng không thoát được”.
“Có c.hế.t em cũng phải cứu bố mẹ em. Anh bỏ ra, bỏ ra”.
“Thành… bình tĩnh lại”.

Người anh kia kiên quyết kéo tôi đi, cùng lúc này, có một que diêm cũng từ đâu bắn xuống vũng xăng dưới nền nhà, chỉ trong hai giây lửa đã lập tức bùng lên, cả căn nhà nhanh chóng biến thành một biển lửa rực cháy.

Tôi vĩnh viễn sẽ không thể nào quên được tiếng mẹ gào khóc vì c.hế.t cháy như cào xé gan ruột tôi, tiếng cột nhà gãy đổ như từng mũi thương bén nhọn chọc vào lòng tôi. Tôi khóc như một kẻ đ.iên, cứ liên tục vùng vẫy để xông vào cứu mẹ nhưng không được, người đồng nghiệp kia lôi tôi ra sườn núi, bảo tôi dù thế nào cũng phải mạnh mẽ tiếp tục sống, phải sống để bắt lũ tội phạm chịu sự trừng trị của pháp luật. Sau đó khi anh em trong Hồng Hưng đuổi đến, anh ấy còn trúng một phát đ.ạn vì tôi.

Trước khi c.hế.t, anh ấy vẫn cố dùng chút sức tàn của mình để xô tôi ngã xuống một tán cây dày bên dưới, miệng lẩm bẩm: “Thành, cậu phải sống… Phải sống để… triệt phá…Hồng Hưng. Cậu là mắt xích quan trọng nhất để bắt được băng nhóm buôn bán m.a t.úy đó, cậu phải sống để bắt bọn chúng phải đền tội… trả thù cho cha mẹ cậu”.

“Anh Tuấn… đừng…”.

Tôi ngã xuống từ vách núi, lưng đập vào từng tán cây lớn, đau đến mức lục phủ ngũ tạng như muốn bắn ra ngoài. Nhưng lúc này, nỗi đau da thịt không thể so sánh với nỗi đau trong lòng tôi, cùng một lúc tận mắt chứng kiến cha mẹ c.hế.t một cách khổ sở và bi thương, cùng một lúc người anh em thân thiết bỏ mạng vì tôi, tôi tuyệt vọng đến mức tưởng như có thể c.hế.t được.

Nhưng rút cuộc tôi lại không c.hế.t!

Tôi rơi xuống một bãi đất đầy cỏ dại bên dưới, khắp người đầy thương tích, gãy một chân. Khi đó không bò không lết được, tôi đã thực sự muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến người thân của tôi, nghĩ đến người đồng đội mới vì tôi mà c.hế.t, tôi buộc phải gồng mình gắng gượng tìm cách sống!

Những ngày tháng phải chạy trốn ở dưới vực đó, tôi không nhớ rõ được đã bao lần vết thương mưng mủ đến mức sốt rét, bao nhiêu lần đói khát phải ăn rau dại để sống. Mỗi lần như vậy, lòng quyết tâm trả thù của tôi càng như được chất đầy thêm, tôi muốn sống để triệt phá Hồng Hưng, sống để quay về bắt những kẻ đã giế.t hại người thân của tôi phải đền tội, sống để bảo vệ nhân dân, sau này vẻ vang trở về như hy vọng của những người sinh ra tôi.

Nhưng cho đến tận mấy chục năm sau này tôi lại phát hiện ra một chuyện. Động lực để tôi sống khi ấy không chỉ có hai chữ “Trả thù” mà còn có một người con gái.

Lúc đau đớn dưới vách núi đó, tôi rất nhớ đến một cô bé luôn thích cầm cọng rơm đặt lên mũi tôi, dò hơi thở xem tôi còn sống hay đã c.hế.t, tôi cũng nhớ một cô bé Chân Ý luôn mang đến cho tôi một cốc nước, hỏi tôi bị chảy m.áu nhiều như thế có đau không? Cằn nhằn mỗi khi trên người tôi lại có thêm một vết thương. Nhưng sau đó sẽ lại lén lút moi ruột gấu bông để đem bông đến cho tôi, bảo tôi sau này đừng bị thương nữa.

Tôi rất muốn quay về để được nhìn thấy em, nhưng đến khi trở về thì việc tôi làm đầu tiên lại là phá hủy Hồng Hưng, còng tay ba em, bắt những kẻ đã gây ra tội ác phải đền tội trước pháp luật.

Mẹ em vốn không liên quan đến những việc phạm pháp của Hồng Hưng nên tôi chưa bao giờ có ý định đụng đến, nhưng khi nhìn thấy Hồng Hưng sụp đổ, bà ấy như hóa điê.n, đột nhiên chạy lên sân thượng đòi sống đòi c.hế.t, tôi sợ xảy ra chuyện nên mới chạy theo. Không ngờ sau đó mẹ em lại bất cẩn rơi xuống, ngay thời khắc ấy, người con gái trong lòng tôi đứng ngay bên dưới. Ánh mắt em vừa kinh ngạc, vừa hoảng hốt, lại vừa đau đớn cùng không tin được nhìn tôi.

Tôi muốn giải thích nhưng tình hình lúc ấy quá hỗn loạn, vả lại, nỗi hận vì cái c.hế.t của cha mẹ tôi vẫn còn quá lớn. Tôi quyết định không gặp lại em, sau khi triệt phá được Hồng Hưng, tôi đã viết đơn tình nguyện đến vùng tam giác Đông Dương. Ở đó ngày ngày đấu tranh với đủ loại tội phạm, ngày ngày gặm nhấm nỗi đau mất cha mất mẹ, ngày ngày giày vò vì nhớ thương một người con gái mà tôi không nên nhớ.

Mỗi lần bị thương tôi đều ngửa mặt lên trời nhìn ánh trăng sáng, lòng muốn nói: “Chân Ý, anh bị thương rất đau. Chảy m.áu cũng rất đau. Ngày nào cũng vác hàng trang 60kg trên vai anh rất mệt. Nhưng vì không có em ở cạnh nên chẳng có ai hỏi anh có đau không nữa, chẳng ai dặn anh đừng để bị thương. Chân Ý, anh biết rõ chúng ta không chung một đường, nhưng nhiều năm như thế anh vẫn không quên được. Ở nơi hẻo lánh giáp biên này anh rất nhớ em, mở mắt ra sẽ nghĩ đến em, nhắm mắt lại cũng nghĩ tới em”.

Cô bé đáng yêu của tôi, em có khỏe không? Năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi? Ở nơi em sống ánh trăng có giống như ánh trăng tôi đang ngắm không? Có bao giờ em nhớ đến tôi không?

Tôi nghĩ đến rất nhiều, rất nhiều, sau đó ngủ một giấc, lại mơ đến có một ngày nào đó tôi quay lại Hà Nội và gặp em. Khi đó Chân Ý của tôi đã trưởng thành rồi, em đã trở thành một cô thiếu nữ, da trắng mắt đen, xinh xắn dịu dàng, tôi đến hỏi em làm vợ tôi…

Nhưng khi tỉnh dậy, tôi vẫn là cảnh sát hình sự, còn em thì lại là con của người đã g.iế.t chế.t ba mẹ tôi.

Tôi không thể yêu em, chỉ có thể hận!

Nhưng thật kỳ lạ, tôi vĩnh viễn không hận em được!

Thậm chí những lúc khó khăn, những khi phải giành giật giữa sự sống và cái c.hế.t, những khi phải cắn răng chịu đựng khâu sống, đấu tranh với những nỗi đau quá lớn của xác thịt… tôi đã coi em là động lực để tôi tiếp tục sống. Cha mẹ tôi đã c.hế.t, người thân thích cũng chẳng còn ai, Như Ngọc năm xưa cũng đã c.hế.t rồi, người duy nhất mà tôi thương chỉ còn lại một mình em thôi…

Sóng gió đau khổ dài đằng đẵng 10 năm, cuối cùng đến một ngày tôi cũng được gọi về tổng cục, cấp trên xét thành tích và nỗ lực của tôi suốt 20 năm, rút cuộc giao cho tôi trọng trách làm cục trưởng cục phòng chống m.a t.úy.

Tôi coi như đã hoàn thành được một phần ước nguyện của cha tôi, trở thành một người tốt, sống một cuộc đời vẻ vang, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc. Nhưng dù vinh quang đến đâu thì lòng tôi vẫn không thể thanh thản nổi.

Về lại thành phố cũ, đã rất nhiều lần đi trên đường tôi vẫn vô thức nhìn xung quanh để tìm một người con gái, nhưng dù tôi có tìm kiếm thế nào cũng không gặp được một Chân Ý đã in đậm dấu chân trong lòng tôi.

Tôi rất sợ mình không kìm lòng được, vẫn yêu say đắm một người mà tôi nên hận, cho nên trong suốt 10 năm xa cách chưa từng tìm hiểu về em. Nhưng sau này có một lần tình cờ biết được công chúa của Hồng Hưng năm nào giờ đã sống ở Hồng Kông, sau khi gia đình gặp biến cố, em không những không suy sụp mà còn nỗ lực trở thành một tiến sĩ kinh tế, làm cố vấn cấp cao cho một tập đoàn lớn.

Em trưởng thành như vậy tôi rất vui, sau khi biết em vẫn chưa kết hôn, tôi còn lén lút vui mừng hơn nữa.

Nhưng bởi vì tôi vẫn không đủ can đảm để bước qua ranh giới chuyện cũ và gặp lại em nên chỉ mãi ở Việt Nam chờ đợi mà thôi. Dù không thể có kết quả, nhưng tôi vẫn chờ đợi một ngày nào đó, biết đâu ở trên đường lại tình cờ đụng mặt nhau. Nhưng tôi lại không thể ngờ tới có một ngày sau 10 năm, em lại chủ động tìm gặp tôi, việc đầu tiên làm sau chừng ấy thời gian xa cách không phải là nói với nhau một câu chào hỏi mà là em quỳ xuống trước mặt tôi.

Em nói ba em bị u.ng thư, sớm muộn gì rồi cũng sẽ c.hế.t, nhưng nếu không được điều trị thì sẽ chẳng sống thêm được mấy thời gian. Em nói chỉ cần tôi đồng ý cho ông ta ra ngoài điều trị thì tôi muốn trả thù thế nào cũng được, bảo em nhảy cầu t.ự vẫn, bảo em tự bắn một viên đ.ạn vào đầu hay tự đ.âm vào ngực một d.ao, em đều sẽ làm cả. Chỉ cần tôi chừa cho ba em một con đường sống.

Kỳ thực, kể từ sau khi Hồng Hưng sụp đổ, tôi dù rất muốn ba em phải trả một cái giá xứng đáng đối với cái c.hế.t của cha mẹ tôi, nhưng trên còn có pháp luật, dưới còn có nhân dân, tôi không thể vì việc riêng quản việc công nên đã không nhúng tay vào nữa. Tôi không hiểu em lấy tin tức từ đâu mà nghĩ người đứng sau không cho ba em ra ngoài điều trị là tôi, ban đầu tôi cũng định từ chối, nhưng nhìn thấy em sau 10 năm, tình cảm tưởng đã chôn chặt trong lòng bỗng dưng lại bùng cháy mảnh liệt trở lại. Nghĩ đến khó khăn lắm mới có thể gặp lại lần nữa, biết là không nên lợi dụng hoàn cảnh để đạt được mục đích cá nhân, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định ích kỷ một lần.

Tôi đồng ý sẽ giúp ba em ra ngoài điều trị, đổi lại, chỉ cần em đi theo tôi.

Em hỏi tôi muốn em đi theo để hành hạ em ư? Tôi miệng thì đáp “Phải”, nhưng trong lòng lại biết rất rõ không phải vậy. Nhiều năm nay chịu đựng cô độc và nhớ thương nơi biên giới, trong đầu tôi đã hình thành một chấp niệm, đó là nếu lần nữa có cơ hội thì nhất định phải giữ em bên mình. Thời gian dài đằng đẵng giày vò như vậy là đủ rồi, mặc kệ hận thù gì đó, tôi chỉ muốn có em một lần trong đời mà thôi.

Chân Ý, em có biết không? Chẳng biết từ khi nào em đã là chấp niệm của tôi rồi, đau thương như vậy, khổ sở như vậy, biết rõ nên hận thù như vậy cũng không buông bỏ được.

Tôi dắt em về khu tập thể nơi tôi ở, nơi đó chỉ là một căn hộ cũ kỹ được xây dựng từ những năm 95, 96, tường trát bên ngoài đã bong tróc hết, rêu phong phủ đầy khắp nơi. Tôi nghĩ nơi tồi tàn như vậy thì em sẽ chê bai, nhưng ngược lại, khi em nghi hoặc hỏi “Anh ở đây à?”, tôi đã bắt được trong mắt em rất nhiều tia thương xót.

Có lẽ em vẫn không thay đổi so với nhiều năm trước, vẫn đau lòng vì cuộc đời của người khác, vẫn thương xót khi thấy tôi có cuộc sống không tốt như em tưởng. Chân Ý vẫn là một Chân Ý có tấm lòng thiện lương như trước đây.

Đêm đầu tiên ở chung nhà sau 10 năm xa cách, em ngủ trên giường của tôi, còn tôi ở ngoài phòng khách lặng lẽ thắp một cây nến thơm, tự tưởng tượng chúng tôi đang trải qua những ngày tháng của nhiều năm trước.

Chân Ý, có lẽ em sẽ không bao giờ biết được suốt hơn ba nghìn sáu trăm ngày qua tôi chưa từng cảm nhận được niềm vui như thế, lâu lắm rồi cũng chưa từng cảm thấy ấm áp đến vậy. Một căn nhà nhỏ đơn sơ có em và có tôi, chỉ như vậy thôi là tôi đã đủ thỏa mãn rồi.

Tôi thích mỗi khi làm việc trở về nhà sẽ thấy em loay hoay trong bếp, dù em cố ý nấu mấy món tẻ nhạt cho tôi ăn thì tôi cũng thấy vui. Tôi thích nhìn thấy em đứng ngoài sân thượng hít gió trời, thỉnh thoảng sẽ chau mày nói sao mùa đông năm nay đến sớm thế, cây cối ngoài sân thượng vừa khô héo vừa rụng rất nhiều lá, mất công ngày nào cũng phải xách bình nước tưới cây.

Tôi không thể không thừa nhận rằng tôi thích cuộc sống như thế này, tư tưởng của tôi hơi cổ lỗ sĩ, chỉ thích đi làm về nhà thấy vợ hiền cơm ngon, nhưng sau này tôi lại phát hiện ra tôi như vậy là ích kỷ.

Tôi sợ trong thành phố vẫn còn nhiều tội phạm liên quan đến Hồng Hưng nên mới không để em ra ngoài. Thế nhưng Chân Ý của tôi trước giờ đâu có nghe lời như thế, em vẫn lén lút trèo tường trốn đi đây đó, tôi dù không hài lòng những lại không nỡ ép em, thế nên đành phải bảo cấp dưới nếu có thời gian thì để mắt đến em một chút.

Nhưng cảnh sát hình sự chúng tôi không thể lúc nào cũng rảnh để bảo vệ em mãi được, cho nên sau đó mới có một lần em bị đám Tư một mí ép dùng m.a t.úy nước. Dù đã cố gắng đến đó để cứu em nhanh nhất nhưng tôi vẫn chậm một bước, lại vì lý do thân phận nên không thể vào bên trong, chỉ có thể ngồi bên ngoài chờ đợi Dương Quang mang em ra.

Em bị uống tận 25cc, vừa sốc m.a t.úy vừa mê sảng, lúc còn lý trí, em cứ liên tục muốn móc họng để nôn m.a t.úy ra, còn nói nôn được thì sẽ không ngh.iện. Nhưng tôi biết loại m.a t.úy nước này một khi đã uống vào thì dù có làm cách nào cũng không thể đào thải ra hết được. Tôi sợ em tự làm mình bị thương nên mới giữ chặt tay em, lúc thần kinh bắt đầu bị m.a t.úy ăn mòn, em liên tục khóc, nói sẽ g.iế.t tôi để trả thù lại cho cha mẹ em, nói tôi phản bội như thế chắc chắn sẽ phải trả giá.

Tôi rất đau lòng, thực sự không muốn em hận tôi như vậy, nhưng một bên là tổ quốc, một bên là tình cảm. Chân Ý, em bảo tôi phải làm sao? Tôi đã cố gắng để thay đổi kết cục rồi, nhưng cha mẹ tôi vẫn vì liên lụy đến tôi mà phải c.hế.t, anh em của tôi cũng vì tôi mà bỏ mạng, Chân Ý, em bảo tôi phải làm sao?

Những ngày sau đó, bởi vì tác dụng của loại m.a t.úy mới nhập từ Kyrgyzstan này rất mạnh nên em uống một lần đã nghiện. Tôi động viên em tự cai thuốc, cũng ở bên em suốt mỗi lần em vật lộn với cơn thèm thuốc, những lúc như thế em không náo không loạn, chỉ run rẩy cắn mạnh tay tôi, đến khi tỉnh táo hơn, em lại lựa chọn tự cắn tay mình để khỏi làm tổn thương người khác.

Mỗi lần như vậy, tôi đều ôm em vào lòng, nói với em: “Chân Ý, không sao rồi, ổn rồi”.

Em sẽ thở hổn hển rúc vào lòng tôi, hỏi: “Đặng Khải Thành, tôi ổn rồi thật chứ?”.

Kỳ thực, tôi cũng không biết bao giờ em sẽ ổn, bởi vì tôi là người rõ nhất loại m.a t.úy đó có sức tàn phá vô cùng lớn đối với hệ thần kinh của con người. Thế nhưng Chân Ý của tôi kiên cường hơn tôi nghĩ, em có một lòng dạ lại vô cùng gan sắt, mạnh mẽ chống chọi với cám dỗ của bản thân, dần dần sau 7 ngày cũng khống chế được cơn nghiện.

Tôi rất hài lòng, lại cũng sợ hết kỳ nghỉ phép phải đi làm lại, để em ở nhà một mình sẽ buồn nên mới nhặt từ ngoài đường về một con mèo hoang. Không xinh đẹp lắm, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy con mèo đó em đã rất thích, còn đặt cho nó một cái tên “rất Chân Ý”, Lợn Con.

Nhờ có Lợn Con mà sau đó mối quan hệ của chúng tôi dần dần cũng cải thiện hơn, ví dụ như nếu tôi ở nhà, em sẽ hỏi tôi nên cho Lợn Con ăn thứ gì, phải nuôi nó làm sao cho tốt, đôi khi còn thắc mắc tại sao em ở nhà với Lợn Con cả ngày mà cứ mỗi lần tôi về thì nó lại chỉ quấn chân tôi.

Khi ấy tôi sẽ cười bảo: “Vì tôi nhặt nó về đấy”.

Em chun mũi, không cam lòng đáp: “Nhưng tôi mới là người nuôi nó. Chắc chắn nó là một con mèo cái, chỉ có mèo cái mới mê trai như thế”.

Tôi thật hết nói nổi, chỉ có thể ôm Lợn Con cười em thôi!

Sau đó, bởi vì chuyên án m.a t.úy nước có tiến triển nên tôi phải quay lại thôn Trường An một chuyến. Ban đầu cũng không muốn đưa em đi cùng, sợ em sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng em cứ nhất định đòi đi theo, còn nói chỉ có em biết mặt Long chín cựa, muốn đi cùng tôi phá chuyên án, coi như chuộc lại một phần nào đó lỗi lầm của gia đình em. Tôi lại xiêu lòng, vừa không nỡ xa em vừa sợ để em một mình trong thành phố sẽ nguy hiểm nên lại để em đi cùng.

Quay về thôn Trường An, tôi lại theo thói quen cũ đến viếng mộ cha mẹ. Lần đầu tiên sau 10 năm tôi có nhắc đến một người con gái, tôi nói với cha mẹ rằng: dù biết rõ em là con gái của kẻ thù của gia đình chúng tôi, là người mà tôi vĩnh viễn không nên động lòng, nhưng tôi đã động lòng mất rồi.

10 năm, hận đến mức tưởng như có thể quên được, nhưng đến khi gặp lại mới phát hiện ra, hóa ra ba nghìn sáu trăm năm mươi ngày qua tôi chưa từng quên.

Tôi từng tuyệt vọng vùng vẫy giữa yêu và hận, tôi từng mâu thuẫn giữa tiếp tục và dừng lại, tôi từng giày vò đau khổ giữa nên và không nên. Nhưng cuối cùng, đến giờ phút này vẫn không thể dứt khoát cắt đứt tình cảm đã cắm rễ vào tận sâu trong lòng đó, chỉ có thể xin cha mẹ tha thứ cho đứa con bất hiếu là tôi.

Tôi yêu con gái của kẻ thù là tôi có tội, nhưng 10 năm qua tôi đã đau đớn đủ rồi, tôi không muốn rời xa em nữa…

Em là người quan trọng duy nhất còn lại trong cuộc đời này của tôi, tôi không muốn quãng đời về sau cứ thế ân hận mãi rồi không được sống yên, cho nên dù phải đánh đổi, dù đứng bên bờ vực sống và chế.t, tôi vẫn lựa chọn ở bên em.

Khi nhìn thấy người em bị quấn đầy bo.m, đồng hồ hẹn giờ cũng không thể ngắt được. Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Bằng giá nào cũng phải cứu được em sống, nếu như không làm được thì tôi cũng sẽ không để em phải c.hế.t một mình.

Bởi vì người cuối cùng mà tôi yêu thương c.hế.t rồi thì tôi còn sống làm gì chứ? Cuộc đời này dù vẻ vang đến đâu mà chỉ cô độc một mình, thì sống có gì ý nghĩa gì nữa đâu…

Sau đó, rất may là tôi đã tháo được dây đai quấn b.om trước khi b.om nổ, một mình tôi chấp nhận chịu thương tổn, chỉ mong em có thể bình yên mà sống. Nhưng đấu tranh với tội phạm vốn là một chặng đường đầy rẫy hiểm nguy và gian khổ, chông gai này chưa qua đi, thử thách khác lại đến. Khi tìm được Long chín cựa cũng là lúc cả tôi và em rơi xuống vách núi.

Em vì xả thân cứu đồng đội của tôi, còn tôi lại vì em…

Cheo leo trên bờ vực, tôi biết cành cây nhỏ như vậy sẽ không trụ được nhưng vẫn bảo em chỉ cần cố gắng một chút thì chúng tôi sẽ sống. Đáp lại tôi, em vừa khóc vừa nói Tôi hãy buông tay. Tôi biết đến tận lúc này em vẫn là một Chân Ý trước đây, có một trái tim trong sạch như nước, sẵn sàng đau vì nỗi đau của kẻ khác, sẵn sàng hy sinh mạng mình vì tôi.

Nhưng tôi lại không làm được như vậy, tôi sợ nếu như cả hai chúng tôi c.hế.t rồi thì em sẽ không nghe được lời tôi nói nữa, cho nên phút cuối vẫn thú nhận một câu thật lòng: Chân Ý, hai mươi năm nay người cứ mãi hy vọng là bản thân tôi. Tôi ôm đau khổ chừng ấy thời gian cũng vẫn hy vọng chúng tôi có thể xoay chuyển được bánh xe vận mệnh, có thể bỏ qua được thù hận, bước chung một đường cùng nhau.

Chân Ý, không phải tôi yêu Như Ngọc, mà người tôi yêu suốt chừng ấy năm chỉ là em thôi. Tình cảm năm xưa đã không còn là thương mến, không còn là có thiện cảm, mà là yêu.

Yêu đến không nỡ xa rời, yêu đến biết giữa chúng tôi còn luẩn quẩn một mối hận thù nhưng vẫn yêu. Chân Ý của tôi, tôi chờ đủ 20 năm, cuối cùng cũng nhận ra là tôi yêu em rồi…

Sau khi em rơi xuống, tôi cũng buông tay khỏi vách đá đó, chấp nhận kết thúc cuộc đời đầy vinh quang nhưng cũng nhiều đau khổ này. Thế nhưng có lẽ ông trời vẫn thương tôi cho nên mới không để tôi và em phải c.hết. Chúng tôi cùng rơi xuống một hồ nước, tôi bị lực ép đến nội tạng như muốn nổ tung. Nhưng khi ấy trong đầu vẫn luôn đau đáu một chấp niệm: Phải cứu Chân Ý, phải cứu Chân Ý!

Sau đó tôi thực sự cứu được em, nhưng chân em bị thương rất nặng, tôi muốn đưa em lên trên, đi bệnh viện trạm xá gì đó, nhưng vực này rất sâu, đất đá lại lở vì chấn rung, trước mắt bọn Dương Quang chắc chưa thể xuống ngay được, cho nên tôi chỉ có thể cõng em vào sâu trong rừng, hy vọng tìm thấy thôn làng gì đó.

Thực sự, rơi xuống như vậy tôi cũng bị thương, toàn thân đau đến không muốn bước nữa, nhưng so với nỗi đau ở thân thể, tôi còn sợ em bị mất m.áu và nhiễm trùng hơn nên vẫn gắng gượng cõng em đi.

Đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu nổi tại khi đó tôi lại có động lực phi thường như thế. Năm xưa một mình rơi xuống vách núi vẫn lê lết cố gắng tìm cách sống, bây giờ là cõng em, cứ thế đi suốt 5, 6 tiếng trong rừng, cuối cùng cũng đến được một thôn làng nghèo khổ dưới hẻm núi.

Ở nơi này, chúng tôi được một đôi vợ chồng thầy lang già cứu chữa, nhưng nơi này lạc hậu, không có thiết bị y tế nên em chỉ có cắn răng tự chịu đựng khâu sống. Nhìn ánh mắt kiên cường của em, tôi cảm thấy Chân Ý của tôi thực sự rất giống như tôi trước đây, lúc đến vùng tam giác Đông Dương chịu đựng gian khổ, phải khâu sống tôi cũng từng có được ánh mắt kiên cường như vậy.

Tôi không muốn nói nhiều về mình nhưng ông cụ thầy lang vừa nhìn đã biết trước đây tôi từng khâu sống, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần. Lúc đó, tôi nghĩ em sẽ sợ tôi, sẽ coi tôi là đồ quái vật, bị giày vò như vậy mà vẫn như con gián đập mãi không c.hế.t, nhưng rút cuộc em lại nói với tôi một chữ Thương.

Chân Ý, em không biết đâu, chữ Thương này với tôi nặng tựa ngàn cân, tôi có cảm giác em vẫn luôn là một cô bé lương thiện ấm áp như hồi tôi mới đến Hồng Hưng, chưa bao giờ em vô cảm trước nỗi đau của tôi, cũng chưa bao giờ khinh thường tôi.

Cho nên, dù tất cả mọi người ở Hồng Hưng ngược đãi tôi, chỉ có một mình em coi tôi như một con người. Chỉ có một mình em thương tôi. Đến bây giờ vẫn thương tôi. Cho nên tôi mới nói, chữ Thương này với tôi nặng lắm, nặng đến mức cả đời tôi đánh đổi nhiều như vậy, cũng chỉ cần một chữ này từ miệng em mà thôi.

Sau đó, những tháng ngày ở trong hẻm núi ấy chúng tôi đã sống rất vui vẻ, ngày nào tôi cũng bổ củi, gánh nước, em đứng ở sân nhìn tôi, cười với tôi. Cảm giác như mọi khổ đau hận thù trong cuộc đời này đã có thể buông bỏ rồi, ở dưới hẻm núi này không còn nhớ đến nữa, cũng không cần khắc ghi ai đã từng làm tổn thương ai nữa. Tôi chỉ muốn đặt xuống hết tất thảy để sống những tháng ngày vui vẻ cùng em mà thôi.

Sinh nhật em, tôi đưa em lên đồi cỏ đom đóm, nhờ bà cụ làm bánh bột mì cho em, còn lấy rượu của ông cụ để chúc em sinh nhật vui vẻ. Em nói với tôi: Những năm sau nhất định em sẽ nhớ sinh nhật tôi, còn ước tôi sẽ mãi mãi được hạnh phúc.

Thực lòng, tôi không cần em nhớ ngày tôi sinh ra, cũng không cần tôi phải hạnh phúc, điều tôi hy vọng chỉ là Chân Ý của tôi mỗi ngày đều vui vẻ, làm gì em muốn, sống thế nào em thích, mãi mãi là cô gái thiện lương mà tôi yêu.

Trời hôm ấy có mưa từ hướng bắc, tôi muốn về nhà sớm, nhưng ở bên em nhiều thế nào cũng cảm thấy ít. Tôi tiếc nuối cảnh đẹp, tiếc nuối thời gian, cứ thế lần nữa mãi cho đến khi những hạt mưa nặng trĩu bắt đầu đổ xuống đồng cỏ.

Đom đóm sợ hãi bay đi trốn hết, tôi cũng vội vàng đỡ em vào lều cỏ trú mưa. Cứ nghĩ ở đây đến khi trời tạnh rồi sẽ về, nhưng 20 năm chờ đợi thực sự là quá dài, người có tình ở bên nhau nhưng phải nhẫn nhịn kìm nén thực sự rất đau khổ. Ban đầu, tôi vốn định kiềm chế, nhưng em say rượu kéo tôi xuống, ép tôi phải hôn em, tôi giống như một con diều bị đứt dây, lý trí không thể chống chọi được với con tim nữa, không nhẫn nhịn được nữa, rượu hôm ấy uống ít nhưng có lẽ tôi cũng say rồi.

Say người phụ nữ của tôi, say người con gái mà tôi đã chờ đợi đủ 20 năm, đến lúc chân chính có được em, tôi mới có cảm giác rút cuộc trải qua thời gian dài như thế mình đã chờ được rồi, hy sinh nhiều như vậy cũng đã đợi được rồi.

Không phải tôi không có nhu cầu sinh lý, mà là từ 20 năm trước trong lòng tôi đã có một chấp niệm, một chấp niệm mà dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm gió mưa thì tôi vẫn một lòng như vậy.

Tôi luôn giữ trong tim một người con gái, chính là em đó, cô bé có trái tim trong sạch như nước của tôi, người cho tôi dũng khí để tiếp tục sống, người luôn vỗ về những vết thương trên da thịt và cả trong lòng tôi, người mà tôi khi ngủ mơ cũng luôn muốn có được. Vào ngày sinh nhật tuổi 30 của em năm đó thì tôi đã chờ được rồi!

Sau đêm ở đồng cỏ đom đóm đó, mối quan hệ của chúng tôi đã tiến một bước rất dài, hàng ngày tôi ôm em ngủ, cõng em ra giếng nước rửa mặt, hái lê cho em ăn. Em nói muốn mãi mãi ở lại nơi này, tôi cũng muốn vậy, cứ ở trong hẻm núi đó thì không ai có thể trả thù nữa, cứ yên bình mà sống, chẳng ai hận thù ai nữa.

Nhưng tôi biết rằng cuộc sống này vốn không thể cứ mãi tẻ nhạt như vậy, tôi và em nên trở lại chúng tôi nên thuộc về, sống một cuộc đời mà chúng tôi nên sống. Em cũng hiểu nên không ép tôi ở lại, chỉ bắt tôi hứa sau này nhất định sẽ quay lại đây thăm ông bà cụ, gánh nước bổ củi, mua một chiếc đài FM mới. Ai không làm được phải đền 1000 con đom đóm.

Tôi vốn nghĩ chuyện quay lại thôn làng đó rất đơn giản, sau khi về Hà Nội, tôi lập tức bỏ tiền để mở đường vào thôn đó. Trong thời gian này, tôi cũng phải sang nước ngoài dự một hội thảo rất quan trọng giữa các nước nên phải rời khỏi thành phố một thời gian. Để em ở nhà một mình tôi không yên tâm, lại sợ em buồn nên mới bảo em đi đây đi đó.

Trong lúc dự hội thảo, tôi có gặp lại một người phụ nữ. Trước đây khi vào miền nam công tác tôi có gặp cô ta một lần, Như Quỳnh là con gái nuôi của tổng cục trưởng, lại có gương mặt giống Như Ngọc đến 7, 8 phần nên tôi đã ngoái đầu nhìn cô ta hai lần.

Cô ta thấy vậy mới tới bắt chuyện làm quen, sau đó tôi cũng thành thật nói: “Trông cô rất giống một người mà tôi từng biết”.

Như Quỳnh hỏi người đó là ai, tôi chỉ đáp: “Một người bạn cũ”.

Không ngờ sau đó cô ta lại luôn kiếm cớ muốn tìm lại người thân rồi nhờ tôi giúp đỡ, ba tháng ở miền nam cô ta cứ bám riết lấy tôi, khi tôi đi quay về Hà Nội thì ngày nào cô ta cũng nhắn tin hỏi thăm, còn lợi dụng thân phận của ba mình để đến thường xuyên đến gặp tôi.

Kiểu phụ nữ này tôi thấy rất nhiều rồi, tôi không có hứng thú với cô ta, lại chỉ có một lòng với Chân Ý nên thường kiếm cớ từ chối. Nhưng không rõ từ đâu mà lúc gặp lại ở Pháp, Như Quỳnh lại biết đến Như Ngọc rồi đến hỏi tôi:

“Anh Thành, em đã tìm hiểu rồi. Trước đây em có một người chị gái tên là Như Ngọc, chị ấy rất giống em”.

Tôi chỉ “Ừ” một tiếng, cô ta lại nói: “Lúc đó anh và chị em yêu nhau sao?”.

Tôi đáp: “Chưa từng”.

“Vậy tại sao anh lại thờ phụng chị ấy? Trong lòng anh có chị ấy nên suốt mười năm nay mới không yêu và kết hôn ai, đúng chứ?”.

Tôi dừng bước, xoay người lại, bình thản đáp một câu: “Tôi thờ phụng chị cô bởi vì cô ấy không có nơi nào để nương tựa, ông nội cô cũng không tin chị cô đã c.hế.t nên không thờ phụng Như Ngọc. Còn cô, nếu đã biết cô là em gái của Như Ngọc thì về sau hãy đảm nhận việc thờ cúng chị gái cô đi, đừng để chị gái cô cứ mãi không có nhà để về”.

“Em sẽ…”. Cô ta nhìn tôi đáp: “Em sẽ thờ phụng chị ấy, cũng có thể… thay chị ấy ở bên anh. Thành, ngay từ lần gặp đầu tiên, em đã thích anh rồi. Nếu như anh không quên được chị Như Ngọc, em sẽ thay chị ấy ở bên anh, bù đắp lại hình bóng chị ấy trong lòng anh”.

Tôi cười: “Tôi không thích Như Ngọc, cũng không thích cô. Thời gian vừa rồi cô luôn tìm cách đến gần tôi, tôi cảm thấy rất phiền, nhưng vì nể mặt ba cô nên mới không nói đến. Như Quỳnh, cô đừng phí công vô ích nữa”.

“Em không phí công vô ích. Em cảm thấy đáng. Nếu anh không thích chị Như Ngọc, không cần em thay thế cũng không sao. Em sẽ theo đuổi anh. Chỉ cần anh chưa có người trong lòng thì em sẽ theo đuổi anh”.
“Tôi có người trong lòng rồi”.
“Là ai cơ?”
“Tại sao tôi phải nói cho cô biết?”.
“Em muốn biết để thôi hy vọng. Nếu không biết được, em sẽ cứ mãi trông đợi được ở bên anh”.
“Tôi khuyên cô một câu chân thành, dù biết hay không thì cũng đừng hy vọng nữa. Tôi không thích người như cô, cũng không bao giờ thay lòng. Trong tim tôi chỉ có một người, 20 năm nay chưa từng thay đổi”.
“Anh…”

Tôi cảm thấy cứ dông dài ở đây mãi với cô ta rất phí phạm thời gian nên không đợi nghe hết câu đã xoay lưng đi thẳng. Cứ nghĩ làm như vậy Như Quỳnh đã hết hy vọng rồi, nhưng không ngờ cô ta lại tìm tới nhà tôi và gặp em.

Lúc ấy việc ký hiệp ước về phòng chống m.a t.úy giữa các nước đang đến giai đoạn thảo luận để quyết định nên tôi rất bận, tôi định sau khi trở về sẽ giao lại cho Như Quỳnh chuyện thờ phụng Như Ngọc, đồng thời cũng cắt đứt hoàn toàn với cô ta. Tôi không muốn người phụ nữ tôi yêu phải suy nghĩ về một cô gái khác, nhưng không ngờ nỗ lực làm việc để về sớm với em là vậy, mà ngày trở về chẳng những chưa được ôm em lần nào để thỏa nỗi nhung nhớ suốt nửa tháng xa cách, lại biết tin em đã tìm được ra kho m.a t.úy nước và bị Đăng Nguyên khống chế.

Lúc họng s.ú.ng trên tay hắn hướng về phía em, tôi đã không suy nghĩ được nhiều như bình thường vẫn hay nghĩ. Dù có thể tìm cách ẩn nấp trước và bắ.n hắn, nhưng trong khoảnh khắc phải lựa chọn đó, tôi vẫn quyết định mạo hiểm để cứu em.

Viê.n đạn từ nòng s.ú.ng của tôi bay đi, và ngực tôi cũng đồng thời nhói lên một cái. Cảm giác bị đạ.n bắn tôi đã trải qua rất nhiều rồi nhưng chưa có lần nào tôi cảm thấy phổi mình đau đến như vậy, có thứ gì đó giống như theo đạ.n tràn ra trong lồng ngực tôi. Không phải m.áu, mà là một thứ gì đó rất nặng, khiến tôi có cảm giác không thể thở nổi.

Nhưng lúc ấy tôi không quan tâm đến việc mình bị b.ắn, tôi chỉ quan tâm đến việc em có bình an hay không. Rất may là thời khắc quyết định, Đăng Nguyên đã bắn tôi chứ không phải b.ắn em, em không bị thương, cũng không sao cả.

Nhìn thấy tôi bị thương lần nữa em lại khóc, run đến mức chạy lên bậc thang mà không bước được. Lúc ấy, tôi chỉ muốn đưa tay lên lau nước mắt cho em, nói với em rằng tôi không sao, Chân Ý đừng khóc, nhưng người tôi giống như mất hết cả sức lực, cuối cùng chìm vào bóng tối rồi ngất đi.

Trong những giấc mơ mệt nhoài ở phòng phẫu thuật, tôi đã mơ thấy mình đến một cây cầu trắng xóa, ở đầu cầu bên đó có Như Ngọc đợi tôi. Nhưng tôi nói trong lòng tôi từ trước đến nay chỉ có một mình Chân Ý, xin lỗi cô ấy rồi quay đầu đi về hướng khác.

Tôi tỉnh dậy trong phòng hồi sức, ở bên cạnh không có em, chỉ có Như Ngọc chăm sóc tôi. Tôi đuổi cô ta không dưới 100 lần thì cũng đến 99 lần, nhưng cô ta vẫn kiên quyết không đi, còn khóc lóc nói lo lắng cho tôi gì đó.

Tôi cảm thấy rất phiền phức, chỉ muốn nhanh khỏe mạnh để quay về gặp Chân Ý của tôi, nhưng đời không như mơ, tôi chưa kịp gặp lại em thì bác sĩ lại nói cho tôi biết một chuyện: cơ thể tôi bị nhiễm độc kim loại rất nặng, nội tạng gần như hỏng hết, mấy năm qua vì chịu bao nhiêu tổn thương da t.hịt, lại vừa trúng một phát đạ.n vào phổi nên bây giờ bệnh mới thực sự phát tác. Bác sĩ nói với tôi, mạng tôi không thể cứu được nữa, chỉ có thể chờ c.hế.t thôi.

Tôi không tin, đi hết ba bốn cái bệnh viện, sau đó còn định ra nước ngoài khám lại, nhưng dù gửi kết quả sang bệnh viện ở Đức thì người ta cũng kết luận trong m.áu tôi có rất nhiều hạt ái kiềm, nhiễm độc chì đã từ từ ăn mòn vào nội tạng từ cách đây mười mấy năm mà tôi không biết để điều trị, bây giờ phát hiện ra đã quá muộn, không còn cách nào giải quyết được nữa, bảo tôi hãy chuẩn bị tinh thần để ra đi.

Lúc ấy, tôi mới chợt nhớ đến những người phu đã vác chì cùng tôi hồi còn ở thôn Trường An, hồi đó không có đồ bảo hộ, cả một đoàn phu lên đó giờ không còn ai sống sót. Tôi cứ nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe thì sẽ không sao, nhưng khi bệnh tật ập đến, mới mấy ngày mà đã yếu như một ông già 60 vậy.

Tôi đi không vững, phải nằm một chỗ truyền dịch suốt, thỉnh thoảng còn đột nhiên ngất đi. Tôi không dám nói với em, sợ em lo lắng, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, tôi sẽ giấu em được bao lâu, rồi một ngày tôi c.hế.t đi thì em phải làm sao? Rồi Như Quỳnh, cả tổng cục trưởng, bọn họ có để em yên không?

Tôi không biết, nhưng lúc ấy tôi không còn nghĩ đến hận thù nữa, tôi cảm thấy dù trong những ngày cuối đời này tôi có dốc hết sức mình để trả thù gia đình em, thì cha mẹ tôi cũng không thể sống lại, sinh mệnh của tôi cũng không thể tiếp tục kéo dài.

Vậy thì tôi còn trả thù làm gì? Trả thù được rồi nhưng người phụ nữ tôi yêu đau khổ thì tôi phải làm sao?

Bởi vậy mới nói, hận thù một người là một việc rất mệt mỏi, đằng này, tôi hận gia đình em nhưng lại yêu em, không trả thù cũng không được, mà trả thù cũng không được.

Mấy ngày ở viện, những lúc tỉnh táo tôi sẽ suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ Chân Ý của tôi hay khóc như thế, khi biết tôi bị bệnh chắc chắn em sẽ khóc, khi tôi thật sự c.hế.t đi, em sẽ rất đau lòng, lúc ấy sẽ dựng cho tôi một tấm bia thật lớn, ngày nào cũng lên mộ tôi vừa khóc vừa mắng tôi đồ kh.ốn.

Tôi rất sợ nước mắt em nên mong em chỉ mắng tôi đồ kh.ốn thôi, còn nước mắt em thì đừng phí phạm cho người như tôi. Tôi c.hế.t rồi không bảo vệ em được nữa, tôi không làm được gì cho em thì em khóc vì tôi làm gì?

Cho nên sau đó tôi đã đã thương lượng với Như Quỳnh, bảo cô ta diễn cùng tôi một vở kịch, chỉ cần làm cho em hận tôi là đủ, thậm chí còn ra điều kiện với cô ta, bảo chỉ cần cô ta không làm hại đến em, tôi sẽ không công khai những việc xấu mà tổng cục trưởng từng làm. Như Quỳnh nhìn tôi khóc:

“Anh yêu cô ta đến đ.iên rồi sao? Sẵn sàng đánh đổi tất cả vì cô ta sao?”.

Tôi ngoảnh đầu đi nơi khác, lạnh nhạt đáp: “Tôi sắp c.hế.t rồi, yêu hay không chẳng quan trọng gì nữa. Tôi chỉ không muốn ai liên lụy đến tôi”.

Cuối cùng, cô ta đồng ý với điều kiện của tôi, nhưng yêu cầu tôi phải diễn cho tốt, hàng ngày ở bên cô ta, nói chuyện với cô ta, để cô ta chăm sóc. Tôi cho rằng mình sẽ c.hế.t, diễn hay không cũng chẳng quan trọng nữa, chỉ cần em quên tôi là được.

Tôi biết, con người của Như Quỳnh không đơn giản, cô ta có thể nói ra được chuyện sẽ thay thế chị gái, vậy thì cô ta có để yên cho em hay không cũng không thể nói trước được. Hơn nữa, ở thành phố này, chỉ cần là người của Hồng Hưng năm xưa thì sống cũng không dễ dàng gì, tôi muốn nửa đời về sau em có thể sống yên ổn nên mới ép gia đình em phải rời đi nơi khác, đi đến nơi mà không có ai tìm được. Tôi còn nói mấy lời làm tổn thương em, nói tôi chỉ muốn trả thù em thôi, nói em mới bị đ.iên, đi yêu tôi làm gì.

Nhưng tôi lại không thể ngờ rằng lúc đó em đã có thai, em đau lòng nhìn tôi, nói mạng của em và con đền cho tôi, vừa vặn đủ hai mạng người. Khi đó tôi đã rất sợ hãi, không phải tôi sợ vướng bận con cái, mà là sợ sau khi tôi c.hế.t rồi, em và con phải làm sao đây? Em đang mang thai như vậy mà phải chịu bao nhiêu tổn thương vì tôi, hai mẹ con em phải làm sao đây? Rồi bé con của chúng tôi nữa, tôi rất muốn đứa trẻ ấy chào đời, nhưng tôi c.hế.t rồi thì nhìn con làm sao đây?

Cho nên tôi rất sợ!

Tôi còn sợ hơn khi em nói “Nếu như anh vẫn tiếp tục trả thù, thế thì một ngày nào đó con tôi lớn, nó sẽ tiếp tục trả thù lại anh. Đặng Khải Thành, anh có muốn nếm thử cảm giác con của mình hận thù mình không?”. Lúc ấy tôi rất muốn trả lời rằng tôi không muốn, xin em đừng để con hận tôi.

Tôi thừa nhận tôi rất ích kỷ, em còn một tương lai dài ở phía trước mà tôi lại không khuyên em phá th.ai để tìm một người đàn ông khác, nhưng ngược lại, tôi cũng không dám để con tôi lớn lên sẽ hận tôi. Nhưng tôi không có cách nào khác cả, sau cùng tôi vẫn lựa chọn ích kỷ, tôi muốn em giữ lại m.áu mủ của tôi, nói cho em một số tiền rồi đi đi.

Chân Ý, em có biết không? Khi em rời đi, tôi đã lững thững đi bộ sau em ra tận đầu con ngõ, gọi taxi đưa em đi. Biết em tới bệnh viện chỗ mẹ em an toàn rồi tôi mới khóc. Tôi ngồi ở ghế mây, đưa tay lên mắt rồi khóc như một đứa trẻ.

Đó là lần thứ hai trong đời tôi khóc nhiều đến vậy. Không phải khóc vì xót thương cho cha mẹ tôi như lúc xưa, mà là khóc vì đau đớn, khóc vì không nỡ xa em, không nỡ rời xa cõi đời này khi chưa nhìn thấy mặt con chúng tôi.

Tại sao ông trời lại tàn nhẫn với tôi như vậy? Suốt hơn chục năm qua không hề cho tôi biết đến hai chữ ‘người thân’, bây giờ đến khi tôi sắp có một ‘người thân’ thật sự thì lại bắt tôi đi mất. Tại sao vậy?

Trong suốt những ngày sau đó, bệnh tôi trở nên rất nặng, tôi nhập viện, không ăn không ngủ được, có lần còn nôn ra toàn m.áu đen. Dương Quang đứng bên cạnh tôi rơi nước mắt, sợ tôi c.hế.t nên cậu ta luôn miệng nói: “Anh hãy nói thật với Chân Ý đi, để cô ấy đến chăm sóc anh”, nhưng tôi thà c.hế.t trong cô độc một mình còn hơn để em đến rồi chứng kiến tôi đau đớn.

Hàng ngày, người của tôi vẫn thông báo về tình hình tin tức của em, tôi biết em vẫn không chịu đi, ngày nào cũng chạy đôn chạy đáo đến hết viện này tới viện khác thăm cha mẹ, sợ cứ như vậy thì cả hai mẹ con sẽ vất vả nên tôi bảo Dương Quang hãy sắp xếp cho ba em một trại giam tử tế, tốt nhất là gần quê ngoại em. Nhưng em chưa kịp đi thì Như Quỳnh lại tìm đến.

Không hiểu vì lý do gì mà cô ta biết em có bầu, còn muốn hại con chúng tôi. Tôi rất giận, khi đó nằm bẹp một chỗ vẫn quyết tâm công khai một phần tội lỗi của tổng cục trưởng với cảnh sát, Như Quỳnh biết chuyện cũng đến bệnh viện, quỳ xuống xin lỗi tôi.

Tôi nói: “Tại sao cô lại biết vợ tôi đang có thai?”.

Cô ta nói luôn cho người theo dõi em, sau đó khi biết em đi khám thai, cô ta đoán đứa bé trong bụng là con tôi, hơn nữa mới được 6 tuần, giai đoạn này sẽ dễ sảy nhất, đẩy ngã một cái là được.

Tôi cười, cười rất nhạt: “Loại người như các người cũng nên sống à? Độc ác đến mức muốn g.iế.t cả một đứa trẻ chưa thành hình, các người có lẽ cũng nên c.hế.t đi thôi”.

Sau đó thì tôi giao cho Dương Quang xử lý, cũng không rõ cậu ta đã làm như thế nào, chỉ biết sau này thứ trưởng có đến thăm thì mới nói lại: Như Quỳnh đã lấy chồng nhưng chồng cô ta thường xuyên ngược đãi vợ, đánh cô ta đến mức phải giám định thương tích, trước đây cô ta cũng từng bị cưỡ.ng bứ.c tập thể, chấn thương nhiều đến mức không thể mang thai.

Còn về chúng tôi ư? Trải qua mấy lần sinh tử, trải qua cận kề cái c.hế.t, tôi lượn một vòng quanh quỷ môn quan trở về đã thấy mình sống lại ở thôn làng trong hẻm núi ấy. Vợ tôi ở bên cạnh tôi, Dương Quang ở bên cạnh tôi, ông bà cụ thầy lang trở thành cha mẹ nuôi của tôi, quan trọng hơn tôi còn được chứng kiến Muối Nhỏ từ khi em mang thai cho đến khi chào đời, nhìn thấy gương mặt đáng yêu của con tôi dưới bầu trời tươi sáng.

Tôi vì em và con mà không trả thù nữa, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những gì gia đình em đã làm đối với gia đình tôi. Có thể tôi vẫn cho con đến chơi với ông bà ngoại, nhưng tôi sẽ không gọi họ bằng cha, mẹ, cũng sẽ không gần gũi với họ. Tất cả những gì tôi hy sinh chỉ vì em và con, vĩnh viễn trái tim không chứa đựng thêm người nào khác.

Chân Ý, suốt mấy chục năm qua dù tôi luôn sống trong đau đớn, khổ sở và hận thù, nhưng trong lòng tôi xin thề với trời rằng, tôi chưa từng hận em. Sau này, khi càng trưởng thành, tôi mới càng nhận ra tình cảm từ thuở thiếu thời ấy không chỉ là thương, là chấp niệm, là cảm mến, mà còn là yêu, yêu sâu sắc, từ từ thấm vào tim gan, từ từ khắc sâu vào xương cốt.

Lúc ở trong hang em đã hỏi tôi em có phải gánh nặng của tôi không ư?

Không, Chân Ý, em không phải là gánh nặng, em là dũng khí. Là dũng khí để tôi tiếp tục nỗ lực mà sống, là dũng khí để tiếp kiên cường tiến lên, cũng là dũng khí để tôi dù 9 phần c.hế.t rồi vẫn gắng gượng từ một phần sống trở về vì em, vì con.

Tên tôi là Đặng Khải Thành, Khải là trở về, thành là trọn vẹn.

Tên của tôi nghĩa là trọn vẹn trở về, có một tấm chân tình và một lòng thành ý.

Chân Ý, em là người mà tôi không thể động lòng, nhưng rút cuộc tôi lại động lòng vì em từ cách đây 20 năm. Về sau ngày rộng tháng dài, đừng bàn tới đúng hay sai, chúng ta chỉ yêu thôi và hạnh phúc thôi, được không?

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (19 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN