Không Thể Động Lòng - Phần 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
568


Không Thể Động Lòng


Phần 22


Đường lên thôn Trường An toàn đèo cua gấp tay áo, lại chỉ có một con đường độc đạo dẫn lên núi, chỉ cần có một chỗ bị lở đất thì giao thông sẽ tê liệt hoàn toàn. Để khắc phục thì ít nhất cũng phải hai, ba ngày mới xong được.
Đặng Khải Thành dường như cũng hiểu được điều này nên sắc mặt ngay lập tức trầm xuống, anh ta nhíu mày suy nghĩ một lát mới nói: “Lở ở đoạn nào?”.
“Hai, ba chỗ gì đó ạ. Đội anh Hùng báo về mới nắm tình hình sơ bộ được như thế thôi. Bây giờ tạm thời mọi người không lên được”
“Cậu liên lạc với những đội khác, hỏi thăm tình hình của mọi người xem thế nào”.
“Vâng”.
Dương Quang gọi điện một vòng, tất cả mọi người trong đội phòng chống ma t.úy đều nói vẫn an toàn ở chỗ trú mưa, những đoạn lở núi đều là cung đường phía trên. Nếu Đặng Khải Thành không bảo bọn họ dừng lại kịp lúc, có lẽ mấy đoàn xe chắc chắn sẽ đi lên đoạn núi lở đó, một là bị tắc lại khó quay đầu được, hai là sẽ bị đất đá vùi lấp.
Dù là kết quả thế nào thì bọn họ cũng sẽ gặp nguy hiểm, nhưng vì Đặng Khải Thành cẩn thận phán đoán tình huống, không những lường trước được mọi chuyện mà còn coi trọng tính mạng của anh em, cho nên tất cả mới an toàn đến bây giờ.
Dương Quang nói: “Cũng may là sếp bảo bọn họ dừng lại trú mưa, nếu không thì bây giờ cũng không biết thế nào. B.om đ.ạn còn tránh được, chứ núi tự nhiên lở xuống ngay đầu thì chịu, chạy không thoát được”.
Đặng Khải Thành liếc anh ta: “Bên chỗ Tú có thông tin gì mới chưa?”.
“Ba đứa kia nói không biết Long chín cựa ở đâu. Mỗi lần cần liên lạc thì hắn chỉ gọi điện, không ra gặp mặt. Đội anh Tú cũng gọi vào số đó nhưng giờ không liên lạc được, mà sim cũng là sim rác, không đăng ký mạng, không tra nổi ra vị trí ở đâu”.
“Tắt máy ngay sau khi đồng bọn bị bắt, chứng tỏ Long chín cựa vẫn lởn vởn quanh quán café đó thì mới có thông tin nhanh như thế”. Đặng Khải Thành chỉ vào bản đồ, ngón tay vạch một đường trên đó: “Lấy quán café là địa điểm trung tâm, thì hắn chỉ có thể di chuyển theo hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc, những hướng còn lại vướng vực và vách núi, hướng Nam lại là trục đường chính, chắc chắn hắn không đi được”.
“Vâng. Em có phát thông báo khẩn của anh cho các xã rồi, bây giờ công an các xã lân cận đang khẩn tưởng đi kiểm tra, biên phòng cũng đóng chốt ở biên giới, lệnh truy nã lại dán đầy thị trấn, hắn chỉ cần xuất hiện là sẽ có người nhận ra ngay”. Dương Quang thở dài đáp: “Nhưng đen cái là tự nhiên mưa thế này, những người khác không lên được, ta cũng không thể triển khai đi lùng sục được, đành phải đợi thôi”.
Đặng Khải Thành gật đầu, lại nhìn sang tôi. Nãy giờ tôi không nói gì, chỉ nghịch mấy dòng sáp nến chảy ra, tự nhiên thấy ánh mắt anh ta nhìn mình mới hỏi: “Sao thế?”.
“Em có muốn về nhà trọ không?”.
Tôi liếc qua vết thương trên người anh ta, biết Đặng Khải Thành bị thương nặng thế chắc chắn vẫn phải ở lại trạm xá, nhưng vẫn hỏi: “Anh ở lại đây à?”.
“Ừ. Ban nãy y tá nói phải ở lại truyền thêm kháng sinh”. Anh ta ngừng lại một lát rồi bảo: “Nếu em muốn về thì tôi bảo Quang đưa em về, buổi tối cậu ấy sẽ bảo vệ em”.
“Không cần đâu”. Tội vội vã xua tay: “Tôi ở đây được rồi, đi đi về về phiền phức lắm. Với cả anh bị thương như thế, anh Quang ở đây bảo vệ anh thì hợp lý hơn”.
“Có cần lấy đồ để thay không?”.
Quần áo trên người tôi đã bẩn cả, thân thể lại nhớp nháp đầy mồ hôi, cũng muốn tắm một cái: “Có. Để tôi về lấy đồ, tiện lấy cả quần áo cho anh luôn”.
Đặng Khải Thành gật đầu, sau đó bảo Dương Quang chở tôi quay về nhà trọ để lấy đồ. Trên đường đi, tôi cứ thấp tha thấp thỏm sợ Đặng Khải Thành gặp chuyện, Dương Quang thấy tôi cứ chốc chốc lại giục anh ta đi nhanh mới cười bảo: “Sếp không sao đâu, lúc trước bị thương nặng hơn mà 5 thằng cũng vẫn không đánh lại nổi anh ấy đấy chứ. Em đừng lo”.
Tôi ngước lên nhìn anh ta: “Anh ấy hay bị thương lắm à?”.
“Ừ. Bình thường cục trưởng khác chỉ cần ở nhà chỉ đạo thôi, còn anh ấy là trực tiếp đến tận nơi, có đôi khi còn trực tiếp tác chiến. Như lần này ấy, lẽ ra cục trưởng không phải đi đâu”.
“Trường An là quê hương anh ấy mà”. Tôi cười cười: “Nhưng mà cục trưởng của anh cũng ‘dân dã’ thật đấy. Về quê nhưng không áo gấm vinh hoa, không liên lạc với cảnh sát địa phương để họ tiếp đón. Ngay cả nơi ở cũng chỉ chọn một nhà nghỉ tồi tàn. Không giống với phong cách của một cục trưởng chút nào”.
“Anh ấy vẫn luôn thế mà. Anh đi theo anh ấy 8 năm rồi, từ hồi anh ấy vẫn còn là trưởng phòng của cụm phòng chống m.a t.úy phía Đông Nam cơ”. Dương Quang nói: “Mỗi lần về quê anh Thành cũng chỉ bảo anh ở lại nhà nghỉ, một mình anh ấy đến thắp hương mộ cha mẹ. Lúc đầu anh cứ nghĩ anh Thành sẽ xây lại một ngôi nhà để làm nhà thờ cho cha mẹ anh ấy, nhưng sau này có một lần đi theo anh ấy lên Hồ Cảnh Vân mới biết, ở đó 10 năm trước ra sao thì bây giờ vẫn thế. Anh ấy không làm gì cả, mỗi lần đến thắp hương cũng chỉ lấy khăn tay ra lau sạch bia mộ của ba mẹ, ngồi một mình ở đó rất lâu rồi lại đi”.
“…”
“Anh hỏi anh ấy tại sao không xây lại mộ cho đàng hoàng một chút, anh ấy bảo cha mẹ anh ấy trước giờ sống nghèo khổ quen rồi, họ thích bình yên giản dị, xây hai ngôi mộ bằng đá ở giữa bãi đất trống như thế vừa tự do thoáng đãng, vừa có thể nhìn ra được khắp thôn Trường An. Bây giờ sửa sang lại thêm nữa sẽ ảnh hưởng đến việc an nghỉ của cha mẹ anh ấy”.
“…”
“Sau đó, anh ấy còn nói với anh. Bây giờ cha mẹ cũng mất rồi, ở thôn Trường An cũng chẳng còn họ hàng nào thân thích, có xây lại nhà ở đây thì chỉ là một chỗ trú chân thôi, không phải là nhà”.
Trái tim tôi đột nhiên đau nhói, ngẩng đầu lên nhìn Dương Quang, lại thấy anh ta vẫn chuyên tâm nhìn con đường mưa trắng xoá phía trước, giọng nói đều đều kể chuyện cho tôi nghe:
“Anh ấy còn nói số tiền làm nhà đó để dành để làm việc khác ý nghĩa hơn. Lúc đầu anh không biết đó là việc gì, mãi sau mới biết anh ấy quyên góp tiền xây trường học cho trẻ em trong thôn, mua sách vở, bút màu cho bọn nhỏ. Phần lớn tiền lương của anh ấy cũng ủng hộ vào quỹ khuyến học, mấy năm vừa rồi còn tài trợ dự án ‘Nuôi em’, một mình anh ấy nhận nuôi 5, 7 đứa nhỏ cho đến khi học hết Đại học”.
“…”
“Trong đội bọn anh có một người hy sinh, để lại một người vợ đang mang bầu và một đứa con nhỏ mới 2 tuổi. Nhà nước có trợ cấp hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ, nhưng hoàn cảnh gia đình cậu ấy rất khó khăn, bố mẹ già thường xuyên ốm đau, vợ lại bụng to không làm gì được, tiền trợ cấp không đủ để chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà, thế nên tháng nào anh Thành cũng bảo anh mang tiền đến, nói là của cục cảnh sát hỗ trợ, nhưng thực ra đó là tiền túi của anh ấy bỏ ra”.
“…”
“Chân Ý, em nói đúng đấy, anh ấy sống giản dị lắm, không áo gấm vinh hoa, cũng chẳng giữ lại cho bản thân thứ gì, nhưng anh ấy là người tốt nhất mà anh từng biết, là anh cả của tất cả anh em trong đội, cũng là người mà bọn anh vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng”.
Đây là lần đầu tiên Dương Quang nói với tôi nhiều như thế, tôi có cảm giác tất cả những thứ anh ta vừa kể ra không phải xu nịnh, cũng chẳng phải để tôi vui lòng, mà đó là một sự kính trọng thực sự chân tình đối với Đặng Khải Thành.
Mà ngay cả kẻ thù như tôi cũng cảm thấy vậy!
Quen Đặng Khải Thành 20 năm, anh ta ở Hồng Hưng bị bắt nạt, bị ba tôi ngược đãi, vậy mà vẫn lặng lẽ dùng số tiền vất vả đi bốc vác thuê kiếm được để mua sách cho tôi, luôn kiên nhẫn chờ tôi sau trường học, lại cõng tôi đi một quãng đường xa về nhà. Thậm chí khi tôi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái c.hế.t, anh ta vẫn sẵn sàng đặt bản thân vào nguy hiểm để gỡ bo.m cho tôi, bằng lòng dùng cơ thể mình để bảo vệ tôi, một mình hứng chịu thương tổn.
Một người tốt như Đặng Khải Thành lẽ ra phải được sống một cuộc đời bình an tươi sáng mới đúng, nhưng anh ta ngoài một trái tim rộng lớn ra thì cũng chẳng còn gì cả.
Là ông trời bất công với anh ta, gia đình tôi cũng có tội với anh ta…
Tôi lặng lẽ nhắm mắt, ở bên ngoài mưa vẫn trắng xóa đập vào kính xe, từng hạt từng hạt dội vào lòng tôi. Rất lâu sau, tôi mới nói: “Anh Quang, tại sao anh lại kể những chuyện này cho em biết?”.
“Bởi vì anh muốn em hiểu hơn về anh ấy”. Dương Quang quay đầu nhìn tôi: “Chân Ý, ba mẹ anh ấy mất rồi, cũng chẳng còn người thân nào, không có ai thương anh ấy…”.
Tim phổi tôi quặn thắt, đau như tan nát cả cõi lòng. Tôi rất muốn nói “Không phải, còn có em thương anh ấy, còn có em thương cả nỗi đau của anh ấy”, nhưng không làm sao mà thốt ra thành lời được.
Tôi và Đặng Khải Thành vốn không thể chung một đường, cũng không thể có ai động lòng vì ai. Cuối cùng, tôi chỉ có thể nói: “Anh Quang, rồi một ngày nào đó người tốt như anh ấy sẽ gặp được một cô gái tốt yêu thương anh ấy thôi”.
Dương Quang quay đầu nhìn tôi, ánh mắt sâu xa phảng phất vẻ thương xót và đồng cảm. Anh ta nói: “Có lẽ vậy”.
Trời mưa đường trơn, từ trạm xá đến nhà trọ chỉ hơn 3km mà chúng tôi đi tận 20 phút mới tới. Vào bên trong lấy đồ đạc xong, tôi còn mua thêm 3 suất cơm của ông chủ nhà trọ rồi mới theo Dương Quang quay lại bệnh viện.
Buổi tối trạm xá chỉ có một người trực, điện đóm cũng chưa được nối lại nên đìu hiu tối om, ba chúng tôi thắp nến ngồi trên giường bệnh ăn cơm, sau đó Đặng Khải Thành và Dương Quang lại tranh thủ họp video qua điện thoại với các đội khác, tôi thì nằm xem ipad, mãi đến 10 giờ đêm mới giải tán đi ngủ.
Phòng bệnh chỉ có hai giường, tôi phụ trách ở lại chăm sóc Đặng Khải Thành, Dương Quang sang phòng bên cạnh, trước khi đi còn dặn đi dặn lại tôi nếu nghe thấy động tĩnh gì thì phải lập tức hét to, anh ta sẽ chạy sang ngay.
Tôi cười cười, cũng trêu lại: “Anh cũng thế nhé, nghe thấy gì thì hét to lên. Em sẽ phi sang ngay để cứu anh”.
Dương Quang bĩu môi: “Xùy, chưa biết ai cứu ai đâu đấy”.
Chị y tá đi phát thuốc giảm đau buổi tối, lại thấy chúng tôi mãi chưa chịu đi ngủ mới giục Dương Quang về phòng, lúc quay đi còn không quên liếc khuôn ngực trần của Đặng Khải Thành một cái, mắt sáng còn hơn đuốc.
Chẳng biết sao cứ thấy mấy người mắt la mày liếc Đặng Khải Thành là tôi sẽ có cảm giác bực mình, chỉ chờ chị y tá vừa đi khỏi là tôi chạy đến khoá cửa, còn lắc lắc mấy vòng để kiểm tra, sau đó mới quay lại giường chuẩn bị đi ngủ.
Hai giường bệnh của tôi và Đặng Khải Thành vẫn đặt sát nhau, bình thường ở nhà vẫn ngủ chung không sao, nhưng sau cái chạm môi lúc sáng nay, tự nhiên tôi lại cứ thấy ngượng ngùng sao sao ấy, cứ loanh quanh làm việc này việc kia mãi không chịu lên giường.
Đặng Khải Thành thấy tôi như vậy mới khẽ cau mày:
“Sao thế?”
“À… có cần tắt nến không? Sợ để thế này ngủ quên sẽ cháy nhà mất”.
“Em lên giường đi, để tôi tắt nến cho”.
“À… ừ”.
Tôi cẩn thận trèo lên giường, lại giả vờ phủi chân để câu thời gian, mãi sau không trốn được nữa mới lẳng lặng nằm ra sát mép giường rồi trùm chăn lên. Bóng Đặng Khải Thành được ánh nến phản chiếu in vào chăn, tôi có thể thấy anh ta ở giường bên kia nhìn mình một hồi, sau đó mới xoay người thổi tắt nến rồi nằm xuống.
Anh ta cũng lặng lẽ nằm ở mép giường bên kia…
Chúng tôi không ai lên tiếng nói chuyện, trong không gian tĩnh lặng ở trạm xá chỉ có tiếng mưa rơi, những âm thanh ấy đều đều tí tách tựa như một bản giao hưởng không lời, êm đềm khiến người ta bồn chồn khắc khoải.
Đặng Khải Thành tất nhiên không thể nghe được những âm thanh ấy, cũng không thể nhìn được khẩu hình của tôi, anh ta chỉ yên lặng nằm ở đó, cũng chẳng biết đã ngủ say hay chưa. Còn tôi, có lẽ vì ban ngày ngủ nhiều quá rồi nên tôi không ngủ được nữa, trong lòng lại trĩu nặng tâm sự.
Nhớ đến những chuyện Dương Quang nói, tim tôi lại nhói đau, cuối cùng sau rất lâu đắn đo, tôi mới quyết định nói chuyện một mình:
“Thành, anh buồn lắm phải không?”.
Người ở giường bên kia vẫn không động tĩnh. Tôi càng yên tâm anh ta không nghe được, lại nói:
“Tôi chưa mất đi cha mẹ nên không hiểu được cảm giác của anh, nhưng tôi biết, phải trải qua những chuyện như anh, chắc chắn sẽ rất rất đau khổ”
“Anh nói với tôi, tha thứ hay không thì con người ta vẫn phải bước tiếp, đau khổ hay không thì vẫn phải sống tiếp. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng bây giờ tôi hiểu rồi”.
“Cuộc sống bất công với anh, nhưng anh vẫn là một người tốt. Anh đối xử tốt với tất cả mọi người, thậm chí đối xử tốt với cả tôi”.
“Nhưng tôi cảm thấy không xứng…”.
Tôi thở dài một tiếng, xoay người nhìn sang bên kia. Bóng đêm dày đặc trong phòng khiến tôi chỉ có thể nhìn thấy một dáng người lờ mờ phía đó: “Đặng Khải Thành, chuyện buổi trưa nay chỉ là anh đang thổi bụi trong mắt tôi thôi, không phải hôn tôi phải không?”.
“…”
“Thành, không phải không có ai thương anh…”
Tiếng mưa vẫn rả rích bên ngoài cửa sổ, trong phòng bệnh chỉ có giọng của tôi khẽ khàng vang lên, nhỏ đến mức như lẫn cả vào cả tiếng mưa, nhẹ nhàng nức nở.
Một lát sau đó, bỗng nhiên người ở giường bên kia trở mình, sau đó có một bàn tay ấm áp vươn đến, chạm vào mắt tôi.
Tôi khẽ giật mình, theo phản xạ định ngoảnh đầu đi, nhưng hình như Đặng Khải Thành cảm nhận được dưới đầu ngón tay mình là cảm giác ươn ướt mới khẽ gọi một tiếng: “Chân Ý”.
Tôi bắt lấy tay anh ta, gật gật đầu. Đặng Khải Thành lại nói: “Không ngủ được à?”.
Tôi lại gật lần nữa, sau đó dùng đầu ngón tay viết vào lòng bàn tay của anh ta: “Lạ giường, ngủ không quen”.
Đặng Khải Thành chờ tôi viết xong mới hỏi: “Lạnh không?”.
Nhắc mới nhớ, ban đêm ở trên đỉnh núi Trường An nhiệt độ xuống rất thấp, trời lại có mưa, giường của trạm xá không có đệm, cũng chỉ có một chiếc chăn mỏng nên rất lạnh.
Nhưng tôi vẫn viết vào tay Đặng Khải Thành: “Không lạnh. Hết thuốc giảm đau rồi, anh có đau lắm không?”.
“Không đau, quen rồi”.
“Ban nãy chị y tá có nói nếu đau quá có thể uống thêm 1 viên giảm đau. Tôi để ở ngay đầu giường của anh, có cả nước nữa, đau quá thì anh uống một viên nhé”.
Người đàn ông kia không đáp, chỉ im lặng một lúc lâu rồi lại nói: “Em nằm sang giường bên này đi”.
Mặt tôi bất giác ngẩn ra, Đặng Khải Thành thấy tôi không đáp mới cười: “Tay tôi vẫn đang truyền, không sang bên đó được. Em sang bên này, nằm gần tôi cho đỡ lạnh”.
Tôi suy nghĩ một lúc, cũng cảm thấy chẳng tội gì phải tự đày đọa thân xác mình chịu lạnh, vả lại Đặng Khải Thành bị thương như thế, có tôi nằm cạnh thì anh ta cũng sẽ được ấm hơn. Thế nên một lát sau tôi mới lén lút thở hắt ra một tiếng rồi kéo gối đến, nằm sang bên phần giường của Đặng Khải Thành.
Hơi thở đàn ông lập tức bao trùm lấy chăn gối và cả cơ thể tôi, hai người chen chúc trên một giường bệnh chỉ rộng 1m2, vừa đủ ấm áp, lại vừa đủ bình yên. Những cảm xúc bồn chồn khắc khoải ban nãy cũng bất chợt tan đi, cuối cùng chỉ còn lại mỗi ngọt ngào và thổn thức.
Tôi hài lòng mỉm cười, cầm lấy tay Đặng Khải Thành rồi viết mấy chữ: “Có chật không? Động vào vết thương của anh không?”.
“Không sao. Dù sao thì tôi cũng không nằm ngửa được, nằm nghiêng không tốn nhiều diện tích”.
Tôi gật gật đầu, không nói nữa, định buông bàn tay của anh ta ra nhưng Đặng Khải Thành bỗng dưng lại lật tay tôi lại, nắm lấy ngón tay tôi. Anh ta nói: “Ngủ đi”.
Tôi khẽ “Ừm” một tiếng, nhắm mắt lại, lòng xốn xang như mặt hồ bị gió thổi lay động sóng nước. Tôi không rút tay về, chỉ lẩm bẩm nói: “Ngủ ngon”.
Đặng Khải Thành vốn không hề nghe được, nhưng nửa giây sau cũng đáp: “Ngủ ngon”.
***
Một đêm hôm ấy trời vẫn mưa không ngớt, nhưng tôi nằm trong lòng Đặng Khải Thành ngủ rất ngon, sáng hôm sau tỉnh dậy thì cơn mưa đã nhỏ dần, nhưng vẫn rả rích mãi.
Tôi lồm cồm bò xuống giường, rửa mặt xong đi ra ngoài mới thấy Dương Quang và Đặng Khải Thành đang ngồi ở bàn trà nói chuyện với y tá và bác sĩ.
Chị y tá hôm qua ngồi cạnh Đặng Khải Thành, chốc chốc lại rót nước vào chén trà của anh ta, mặt mày ngọt ngào nói: “Anh Thành, uống trà đi”.
“…”
“Trà này là trà cỏ mật em tự hái rồi phơi khô đấy. Uống mát gan lắm, cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe nữa. Anh uống xem vị thế nào. Nếu thích thì em tặng anh một gói”.
Đặng Khải Thành bưng cốc trà lên uống, còn nói: “Cảm ơn”.
Bác sĩ hỏi: “Các cậu từ thành phố lên đây à? Trông ai cũng khỏe mạnh cả nhỉ? Người bình thường bị thương nặng như vậy, ít nhất phải mấy ngày mới ra khỏi giường được, cậu chỉ nằm có mấy tiếng là đi lại được bình thường rồi. Chắc lúc trước cũng rèn luyện sức khỏe ác liệt lắm hả?”.
Dương Quang vừa cười vừa nói: “Ôi, anh ấy một mình vác được 2 người nặng 70kg đấy. Bác sĩ đừng tưởng anh ấy nhiều tuổi mà yếu nhé, bọn em còn không đánh lại được”.
“Nhìn cậu ấy như thế mà nhiều tuổi gì? Chắc 29, 30 hả?”.
Đặng Khải Thành lịch sự đáp: “Tôi gần 40 rồi”.
Bác sĩ không tin, còn hỏi đi hỏi lại chị y tá. Sau khi y tá xác nhận trong hồ sơ Đặng Khải Thành đã 39 rồi, bác sĩ mới mắt tròn mắt dẹt bảo: “39 tuổi mà trông trẻ thật đấy. Thế này mà bảo chưa vợ thì chắc ai cũng tin. Ra đường các chị em xinh đẹp vẫn xách dép chạy theo ấy chứ”.
Dương Quang lại chen miệng vào: “Anh ấy vẫn chưa vợ thật mà bác sĩ. Nhiều người theo anh ấy lắm, mấy đồng nghiệp nữ trong cơ quan tôi đều mê anh ấy hết, đến cả bà cô bỏ chồng làm ở bếp ăn cũng thích anh ấy, suất cơm của bọn tôi chỉ có 3 miếng thịt thôi, nhưng hôm nào suất cơm của anh ấy cũng đầy ắp thịt cá, bọn tôi hôm nào cũng được ăn ké đấy”.
Nói xong lại cười ha hả, Đặng Khải Thành quăng một ánh mắt sắc như d.ao đến, Dương Quang liền ngậm miệng ngay tức thì.
Đúng lúc này, bọn họ cũng phát hiện ra tôi ở ngay sau lưng, Dương Quang ngay lập tức chớp thời cơ, đứng dậy nói: “Chân Ý, dậy rồi à? Mau lại đây uống trà ăn sáng đi”.
Tôi gật đầu, chào một tiếng rồi đi lại gần, theo thói quen định ngồi cạnh Đặng Khải Thành, nhưng hôm nay có chị y tá dính sát bên người anh ta, phía tay trái lại là một bạn nữ khác cũng làm trong trạm xá, tôi không chen chân vào được nên lòng có hơi buồn bực.
Dương Quang dịch người vào một chút, chừa lại chỗ trên băng ghế dài cũ kỹ cho tôi: “Chân Ý, ngồi ở đây đi”.
“Vâng”. Tôi mỉm cười, hỏi một vòng: “Mọi người dậy lâu chưa? Sáng nay vẫn chưa có điện đúng không ạ?”.
“Chưa, nghe bảo mưa to quá, mấy cột điện dưới chân núi bị lở đất nên gãy rồi, bên điện lực chưa nối lại được. Sớm nhất chắc phải đến tối mai mới có điện”. Bác sĩ nói.
“Không có điện thì máy móc không hoạt động được, chắc việc chữa trị cũng bị ảnh hưởng bác sĩ nhỉ?”.
“Trong trạm xá có máy phát điện nhỏ đấy, nhưng tiết kiệm xăng nên khi nào có bệnh nhân cần dùng máy móc mới chạy thôi”. Nói rồi, lại quay sang nhìn Đặng Khải Thành: “Sáng nay tôi khám lại rồi, cơ bản vết thương cậu ấy không có gì đáng ngại, cứ truyền kháng sinh thêm mấy ngày là khỏi”.
“Vâng ạ”.
“Thôi, chắc mọi người đói rồi phải không? Ăn sáng đi không đồ ăn nguội mất”.
Trên bàn có rất nhiều bánh cooc mò, còn có cả bánh gì giò, bánh lá, có lẽ là do Dương Quang đi mua về. Mọi người ngồi vừa bóc bánh ăn vừa nói chuyện, hầu như chỉ là mấy câu chuyện phiếm về công việc, gia đình, rồi cả thời tiết mùa này trên thôn Trường An.
Tôi cũng loay hoay bóc bánh cooc mò nhưng không quen, thành ra cứ lóng ngóng mãi mới lôi ra được một lớp lá, mấy đầu ngón tay bị đồ nếp dây vào, dính ơi là dính. Đang phủi tay định bóc đến lớp lá thứ hai thì bỗng dưng có một chiếc bánh được bóc gọn gàng được đặt đến trước mặt tôi.
Giật mình ngẩng lên mới thấy Đặng Khải Thành cầm một chiếc thìa nhỏ, đưa cho tôi: “Em ăn cái này đi”.
***
Lời tác giả: Thật sự dạo này tớ rất bận, ngoài 8 tiếng ở cơ quan ra thì có nhiều hôm phải đi xã giao, liên hoan. Để có thể xong 1 đoạn truyện và kịp đăng trong ngày là cả một sự nỗ lực rất lớn của tớ, thật sự cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ muốn mọi người tương tác thôi.
Hôm nay là 20/10, ngày của chị em phụ nữ chúng ta, chúc chúng ta luôn mạnh khoẻ, xinh đẹp và hạnh phúc.
À nhân tiện đây thì mai là thứ 7 rồi, tớ xin phép nghỉ để phục hồi năng lượng nhé. Đa tạ!

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (20 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN