Không Thể Động Lòng - Phần 26
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1072


Không Thể Động Lòng


Phần 26


Đêm tối, ở vùng núi sâu rất yên tĩnh, không gian im ắng đến nỗi có thể nghe được tiếng muỗi kêu, còn có tiếng côn trùng râm ran không biết vọng đến từ phương nào.
Rất lâu sau, anh ta mới đáp: “Con người tôi như thế nào?”.
“Mạnh mẽ, cứng cỏi, kiên gan, chịu đựng được những thứ mà người khác chưa chắc đã chịu đựng được”. Nói xong, tôi còn lén lút bổ sung trong lòng thêm một câu: Có một trái tim vì tổ quốc, cũng có một tấm lòng sáng lạn như gương.
Đặng Khải Thành không nhận thứ gì tốt đẹp về mình, chỉ đáp: “Chân Ý, đừng thương hại tôi”.
“Đó không phải thương hại”.
“Vậy thì là gì?”
Tôi xoay mặt vào tường, nghĩ nghĩ một hồi mới đáp: “Tôi cũng không rõ là gì, nhưng tôi chỉ thương hại những người yếu thế hơn mình. Anh bây giờ có cuộc sống tốt hơn tôi, cho nên chắc chắn không phải tôi thương hại anh”.
Hơi thở của người bên cạnh có chút sững lại, anh ta không lên tiếng, nhưng tôi có cảm giác sau gáy có một ánh mắt nóng rực nhìn tôi.
Đặng Khải Thành không nói nữa, tôi nghĩ rồi anh ta cũng ngủ thôi, nhưng đột nhiên một lát sau lại có một đôi tay vươn đến, tóm lấy vai tôi rồi mạnh mẽ xoay người tôi lại.
Tôi giật bắn mình, vừa định mở miệng đã thấy mặt mình vùi vào lồng ngực ấm nóng của một người. Ở đó có mùi ẩm mốc của quần áo lâu ngày không mặc, có mùi xà phòng hương nhài thoang thoang bay, còn có một trái tim đập từng nhịp vững vàng và kiên định, mạnh mẽ không thứ gì bì được.
Đặng Khải Thành nói: “Tôi biết cảm giác đó của em là gì. Lúc trước tôi cũng từng như vậy”.
“Như…”. Lúc mở miệng mới thấy ngay cả giọng mình cũng trở nên run rẩy: “Như vậy là sao?”.
“Là thương một người, người ấy có cuộc sống tốt hơn tôi. Không phải thương hại”.
Tôi há miệng định hỏi “Là Như Ngọc sao?”, nhưng lại cảm thấy sai sai ở chỗ nào đó, vả lại, tôi cũng không muốn nhắc đến cái tên này trước mặt Đặng Khải Thành nên rút cuộc chỉ nói: “Tình cảm giữa người với người, chỉ có bản thân mới hiểu”.
Người đàn ông kia mỉm cười: “Phải”.
Sau đó, chúng tôi không ai nói chuyện nữa, chỉ có hơi thở nhẹ nhàng phảng phất trong không khí, lại có mùi hương nam tính của Đặng Khải Thành lặng lẽ bao trùm lên chăn gối.
Mãi đến khi mí mắt tôi bắt đầu trĩu xuống, tôi mới nói một câu: “Làm cảnh sát hình sự vất vả như vậy, có bao giờ anh nghĩ sẽ từ bỏ công việc đó không?”.
Đặng Khải Thành trầm mặc một lúc, chừng vài phút sau mới trả lời tôi: “Có”.
“Vào năm bao nhiêu tuổi?”.
“Năm tôi lấy vợ, sinh con”.
Tôi mỉm cười, rõ ràng là lòng phải nhẹ tênh như gió, nhưng tôi nửa vui mừng, nửa lại thấy đau xót: “Vậy thì tốt”.
“Vì sao lại tốt?”
“Đến lúc yên bề gia thất, nghỉ làm cảnh sát hình sự, tự khắc sẽ không bị thương nữa. Bớt đổ m.áu là chuyện tốt”. Tôi nói: “20 năm qua, anh không những chỉ đổ mồ hôi, mà đổ m.áu cũng rất nhiều rồi mà”.
Bàn tay lớn Đặng Khải Thành đặt lên lưng tôi: “Chân Ý”.
“Ừ”.
“Em nói đúng”. Anh ta vuốt nhẹ sống lưng tôi: “Trải qua rèn luyện, sức chịu đựng sẽ trở nên tốt hơn. Tôi cũng thế, mà em cũng vậy”.
“Tôi bây giờ thế nào?”.
Đặng Khải Thành cười: “Lúc trước ngã một cái rách đầu gối đã khóc, bây giờ khâu sống tận 12 mũi cũng không kêu tiếng nào”.
Tôi không nghĩ nhiều năm rồi mà Đặng Khải Thành vẫn còn nhớ một chuyện vụn vặt như thế, lòng rối bời không biết đáp ra sao: “Ai cũng phải trưởng thành mà”. Tay tôi nắm chặt chiếc chăn mỏng trên người, nói: “Lớn rồi, nếu cứ đau một chút mà đòi mua kem thì mất mặt lắm”.
“Không sao”. Anh ta đáp: “Nếu ở đây có kem, tôi cũng sẽ mua cho em”.
“Vị gì cơ?”
“Vị quế”.
Tôi hài lòng gật đầu: “Phải rồi, là vị quế. Ở Hồng Kông không có vị kem đó, tôi đi tìm mua khắp nơi cũng không thể mua được”.
“Ở gần nhà ông nội có một cửa hàng bán kem vị quế, hương vị không giống hoàn toàn vị cũ, nhưng so với các nơi khác thì nó giống kem vị quế ngày xưa nhất. Nếu em muốn ăn, đợi ra khỏi đây tôi sẽ đưa em đi”.
“Anh từng ăn rồi à?”.
“Ừ. Từng ăn vài lần”
“Cảm giác thế nào?”.
Anh ta nhìn lên trần nhà, lồng ngực đều đều phập phồng theo nhịp thở: “Mỗi lần ăn đều nghĩ đến một cô nhóc, hễ cứ bị ngã đều ngồi ở bậc cửa chờ tôi về, đợi tôi thổi vết thương rồi cõng đi mua kem”.
Tim tôi đột nhiên nhói lên một cái, tôi sửng sốt nhìn anh ta, lại bắt gặp một ánh mắt sâu thẳm thâm tình của Đặng Khải Thành.
Trong phút chốc, tôi có cảm giác như mặt mình đỏ lựng lên, từng mạch máu đến thớ thịt đều kêu gào thổn thức, rung động không có cách gì chối bỏ được. Tôi lúng túng rất lâu mới hỏi lại anh ta: “Đặng Khải Thành, lúc đó anh ghét tôi lắm không?”.
“Không ghét”.
“Bây giờ thì sao?”.
“Cũng không hận”.
Tôi há miệng, muốn hỏi ‘Vậy bây giờ tình cảm của anh đối với tôi bây giờ là gì?’, nhưng cuối cùng vẫn là không đủ dũng khí!
Thực lòng tôi rất muốn biết kết quả, nhưng lại sợ nghe được câu trả lời của anh ta. Tôi sợ Đặng Khải Thành nói không phải như những gì tôi đang nghĩ, càng sợ hơn anh ta nói đúng như những gì tôi đang nghĩ.
Giữa kẻ thù với kẻ thù, tồn tại tình cảm cao hơn chữ Thương là một chuyện rất giày vò đau khổ, tôi không dám thừa nhận, cũng không có can đảm để thừa nhận loại tình cảm tuyệt vọng như vậy!
Tôi hít vào một hơi thật dài, đáp: “Không hận cũng không ghét là được rồi. Thù oán một người là chuyện rất mệt mỏi”.
“Có nhiều chuyện nặng lòng còn hơn hận”. Đặng Khải Thành cúi đầu, nhẹ nhàng hôn lên trán tôi: “Hôm nay mệt rồi, ngủ một giấc đi”.
“Thành”.
“Ừ”.
“Anh cũng rất mệt rồi”. Cánh tay tôi nhẹ nhàng vòng qua eo của anh ta, khẽ nói: “Ngủ một giấc thật ngon vào”.
Có lẽ vì nụ hôn ấy mà cả đêm tôi ngủ rất yên bình, nằm trên chiếc giường nhỏ được ghép lại bằng hai miếng gỗ cứng đơ mà vẫn có thể ngủ thật ngon đến sáng. Lúc tỉnh dậy, sờ sang bên cạnh thì không thấy Đặng Khải Thành đâu, chỉ thấy bên gối anh ta để một sợi dây nhiều màu được bện lại từ sợi len.
Tôi cầm lên ngắm nghía một lát mới nghĩ ra, thứ này có lẽ là để thay cho dây chuối buộc chun quần mà hôm qua tôi đã nói. Hình như sáng sớm Đặng Khải Thành đã dậy đi kiếm cho tôi.
Tôi cười cười, túm một góc quần của bà cụ rồi buộc lại bằng sợi dây len, thít thật chặt, không sợ bị tụt nữa mới nhảy lò cò đi ra ngoài.
Lúc này, ánh nắng buổi sáng sớm đã rọi xuống khắp sườn núi, ông cụ đang loay hoay ở sân phơi thuốc, bà cụ thì tưới rau, Đặng Khải Thành gánh nước. Nhìn chiếc đòn gánh có hai đầu được treo hai xô nước trĩu nặng trên vai anh ta, bỗng dưng tôi lại nhớ đến 20 năm trước, dưới bầu trời rộng lớn cũng có một chàng thiếu niên vác từng thùng hàng to, bước chân vẫn vững vàng như thế.
Khi đó tôi sẽ lẽo đẽo theo anh ta, lưng Đặng Khải Thành bị đè đến chảy m.áu, tôi lại chơi trò giả vờ làm bác sĩ, đòi xem vết thương của anh ta, sau đó lại moi bụng gấu bông giả làm bông băng, dùng nó làm bông băng thấm m.áu cho Đặng Khải Thành.
Động tác của tôi vô cùng lóng ngóng, bông từ ruột gấu lại vừa thô vừa cứng, chạm vào vết thương anh ta chắc chắn sẽ đau, vậy mà Đặng Khải Thành vẫn kiên nhẫn ngồi yên cho tôi nghịch ngợm.
Tôi cười hì hì nói: “Sau này lớn lên em sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho anh nhé? Anh bị thương em sẽ băng lại cho anh, khâu cho anh nữa”.
“Tại sao em lại thích làm bác sĩ?”.
“Vì bác sĩ cứu được người khác đó”.
Đặng Khải Thành ngẩng lên nhìn tôi, nhìn rất lâu, mãi sau mới đáp: “Vậy thì Chân Ý phải học thật giỏi vào nhé?”.
Tôi gật mạnh đầu: “Vâng ạ”. Ngừng một lát, tôi lại hỏi: “Anh có ước mơ gì không?”.
Đặng Khải Thành nói: “Có”.
“Anh ước gì cơ?”.
“Gần giống ước mơ của em”
Trải qua mấy mươi năm, tôi không thể làm bác sĩ, nhưng lại phát hiện ra Đặng Khải Thành suốt từ 20 năm trước đã thực hiện được ước mơ của mình rồi. Anh ta đã cứu được rất rất nhiều người, lại đã là một cục trưởng cục phòng chống m.a t.uý, trên vai là 4 ngôi sao đầy vinh quang.
Nhưng chẳng hiểu sao nhìn anh ta gánh nước dưới nắng như thế này, tôi vẫn có cảm giác Đặng Khải Thành bây giờ và Đặng Khải Thành lúc xưa chẳng có gì khác nhau, vẫn là cùng một người có đủ mạnh mẽ kiên gan, cũng lại bình dị đến thế!
Bà cụ thấy tôi bước ra mới nói: “Vợ cháu dậy rồi kìa”.
Anh ta liếc chiếc quần chun đã được buộc lại trên người tôi, khóe môi cong cong nở một nụ cười: “Vâng ạ”.
“Chà, buổi sáng mới nhìn rõ, xinh xắn thật đấy. Da trắng như trứng gà bóc vỏ vậy”. Bà cụ cười tươi, quay đầu vẫy tay gọi tôi: “Cháu gái ra giếng rửa mặt đi, chồng cháu gánh đầy sắp bể nước rồi đấy”.
“Bể nước to như thế mà sắp đầy được rồi ạ?”.
“Thế này đã là gì, cậu ấy còn gánh nước cho mấy nhà bên cạnh nữa kìa”.
“Thế ạ?”.
“Ông nhà tôi hai ngày chỉ gánh được bốn xô nước, dùng phải dè xẻn, hôm nay cậu ấy gánh đầy bể, có nhiều nước thì thoải mái dùng rồi”.
Tôi mỉm cười, vừa định lặc liễng ra sân giếng thì Đặng Khải Thành đã đặt gánh nước xuống, bảo tôi: “Đợi một lát, tôi vào bế em”.
“Chân tôi hôm nay đỡ đau rồi, tôi lặc được, anh cứ gánh nước đi”.
“Ở sân giếng trơn”.
“Nhảy được mà. Luyện võ còn được, nhảy lò cò là gì?”. Tôi cào cào lại mái tóc, vừa nói vừa vịn vào vách nhà, nhảy lò cò ra sân giếng: “Nhìn đây này, tôi tàn nhưng không phế đâu đấy”.
Bà cụ tấm tắc khen: “Cháu còn biết võ cơ à?”.
“Vâng ạ. Ngày trước cháu có tập võ cổ truyền, đi thi hội thao còn được tặng một hộp bánh Chocopie nữa đấy”.
“Bánh Chocopie? Là gì thế?”.
Tôi nghĩ những người dân ở đây đã sống trong núi bốn mươi mấy năm, không ra ngoài thì không biết đến bánh Chocopie được, thế nên tốt bụng giải thích:
“Là bánh có lớp ngoài là socola, ở giữa có một lớp nhân màu trắng, vừa dai vừa ngọt ạ”.
“Vị có giống quả na trên núi không?”.
Tôi nghĩ ngợi vài giây mới đáp: “Giống vị gạo nếp giã dẻo hơn ạ”.
“Ồ”.
Đặng Khải Thành vẫn gánh nước nhưng ánh mắt dán chặt lên từng bước chân tôi, anh ta cố ý đi chậm, chờ tôi cùng ra sân giếng, sau đó còn đổ nước vào chậu nhôm cho tôi rửa mặt.
Nước trong núi rất mát, rửa mặt vào buổi sớm rất khoan khoái. Đặng Khải Thành chẳng biết còn kiếm đâu ra được một chiếc bàn chải gỗ và một cái khăn mặt sạch đưa cho tôi.
Tôi nhìn chiếc bàn chải được làm thủ công trông có hơi thô kệch, tròn xoe mắt hỏi:
“Anh kiếm mấy thứ này từ đâu thế?”.
“Gánh nước cho hàng xóm đổi được”.
“Hả?”.
Ông cụ đang giũ giũ mấy miếng thuốc to bằng vỏ cây, đặt lên sào nứa, nghe vậy mới trả lời thay Đặng Khải Thành: “Sáng nay chồng cháu dậy sớm ra giếng gánh nước, mấy người hàng xóm thấy thế mới nhờ cậu ấy gánh nước hộ, cậu ấy gánh cho người ta mấy bể đầy rồi, người ta trả công chồng cháu bằng bàn chải và khăn mặt”.
Tôi “Ồ” một tiếng, tủm tỉm nhìn anh ta: “Cái này làm thủ công ạ?”.
“Ừ”. Bà cụ chỉ sang ngôi nhà cách đó mấy chục mét: “Cả xóm chỉ có một nhà đó làm được bàn chải thôi, lông bàn chải làm từ xơ của quả mướp già, khó làm lắm. Bình thường phải mang tận mấy ba cân lúa mới đổi được một cái bàn chải. Hôm nay cậu ấy gánh đầy bể nước cho nhà bà đó là đổi được bốn cái rồi. Ông nhà tôi một cái, tôi một cái, vợ chồng nhà cháu hai cái”.
Bà cụ cười hiền hòa, mấy chiếc răng đen bóng lộ ra, trông vừa đáng yêu vừa đáng mến. Tôi sờ sờ mấy sợi lông bàn chải bằng xơ mướp, trái tim như ấm lên: “Thế thì hôm nay cả nhà chúng ta đều có bàn chải mới dùng rồi”.
“Nhờ chồng cháu cả đấy”.
Hàng xóm bên cạnh cũng có một đôi vợ chồng già, trên giàn phơi trước nhà treo mấy quả mướp khô. Tôi nhìn một lát mới nói: “Bên đó cũng không có ai gánh nước ạ?”.
“Có thằng con trai nhưng lười thối thây, nghi.ện thuốc phiệ.n, chẳng được tích sự gì”. Ánh mắt bà cụ sáng rực nhìn Đặng Khải Thành: “Chẳng bằng một góc của chồng cháu, cậu ấy người thành phố mà khỏe mạnh thật, gánh mấy bể đầy cho hàng xóm rồi lại quay về đây gánh cho nhà chúng ta”.
Tôi cười: “Anh ấy giỏi lắm, một mình có thể vác được cả thùng hàng hơn 100 cân đó. Ở nhà bà có việc gì thì cứ bảo anh ấy làm nhé”.
“Sao thế được chứ, gánh đầy bể nước là chúng tôi cảm ơn cậu ấy lắm rồi”.
“Bà ơi, chúng cháu ăn không ở không ở đây, còn được chữa bệnh miễn phí nữa mà. Bà đừng ngại, bà cứ sai việc anh ấy đi”.
Đặng Khải Thành liếc tôi, khẽ nói: “Còn em thì sai việc gì?”.
“Tôi rửa bát quét nhà, phụ bà cụ nấu cơm”.
“Vậy tôi lên rừng chặt cây”.
Tôi nghĩ Đặng Khải Thành định lấy củi, nhưng ở trên hiên hè chất đầy củi đã khô, dùng đến mùa đông có khi còn chưa hết. Không biết anh ta định làm gì nên tôi mới hỏi: “Để làm gì?”.
Anh ta cầm hai xô nước quay đi, lúc sắp rời khỏi sân giếng mới đáp: “Để lỡ lát nữa em có phá hỏng bếp của bà cụ thì còn có gỗ mới để dựng lại”.
Tôi tức đến nghiến răng, sẵn chậu nước rửa mặt liền vảy nước lên người anh ta, vừa vảy vừa mắng: “Đặng Khải Thành, phỉ phui cái miệng anh, còn lâu tôi mới phá hỏng bếp”.
Chân anh ta dài nên bước rất nhanh, tôi vảy nước dài như vậy mà vẫn không dính nổi hạt nào vào gấu quần Đặng Khải Thành. Anh ta cười cười, không thèm chấp tôi, đi thẳng một mạch ra giếng làng xách hai xô nước khác. Bà cụ và ông cụ ngồi trong sân nhìn chúng tôi vảy nước như vậy thì cười vang.
Tôi nghe loáng thoáng tiếng ông cụ nói: “Chà, tự nhiên tôi lại thấy nhớ chúng ta ngày trước. Tôi đến tán bà, bà hất thẳng cho tôi một chậu nước rửa rau”.
“Ai bảo ông chọc tôi trước. Ngày đó ông ướt một bộ quần áo mà được bố tôi mời vào nhà còn gì”.
“Tôi vẫn giữ bộ quần áo đó đến bây giờ đấy”.
***
Cụ ông lên rừng hái thuốc cho tôi, đến buổi trưa quay về giã thuốc, rồi lại đắp vào chân tôi. Loại nước của lá cây này đắp lên còn xót gấp mấy lần nước xanh sát trùng ngày hôm qua, tôi đau đến mức mồ hôi lạnh túa ra đầm đìa. Ông cụ thấy vậy mới hỏi tôi có muốn dùng thử thuốc phi.ện để giảm đau không. Tôi bảo mình vẫn chịu được, Đặng Khải Thành thì im lặng ngồi một bên nắm tay tôi.
Đến buổi tối chúng tôi quay về phòng thì đã thấy ở cuối giường có một đôi nạng, hình như mới được làm nên gỗ còn rất mới, từng đường đẽo gọt rất tỉ mỉ mềm mại, không có sợi răm gỗ thừa, ở giữa chạc ba còn được quấn một lớp vải dày để giảm đau tay.
Tôi biết đây là đồ Đặng Khải Thành làm nhưng vẫn cố hỏi: “Hôm nay anh đi lên rừng chặt cây làm cái này à?”.
Anh ta cười: “Không phải dựng lại bếp nên làm một đôi nạng để em đi lại cho dễ”. Đặng Khải Thành đỡ tôi lại giường, đưa nạng cho tôi: “Thử xem có vừa không”.
Tôi gật đầu, thử kẹp nạng vào hai bên nách rồi đi lại mấy bước, chiều cao rất vừa vặn, tay cũng không bị đau. Có thứ này tôi không phải nhảy lò cò nữa, đi đâu cũng không cần có người đỡ đi, rất thoải mái.
Nghĩ đến cả ngày hôm nay Đặng Khải Thành ở trên rừng cặm cụi làm thứ này vì tôi, trái tim tôi lại bất giác mềm xuống, thứ thổn thức trong lòng cũng mỗi lúc một nhiều thêm. Tôi cụp mắt, nói với anh ta: “Cảm ơn anh. Tôi rất thích cái này”.
Đặng Khải Thành xoa đầu tôi: “Ở đây điều kiện sống không tốt, cố chịu đựng một chút, đợi chân em lành hẳn, chúng ta sẽ rời khỏi chỗ này”.
“Xin lỗi nhé. Tự nhiên lại kéo dài thời gian, làm lỡ việc của anh”.
“Kéo dài ở đây thêm một ngày thì tôi cũng được nghỉ ngơi thêm một ngày”. Anh ta nói một câu lời ít ý nhiều: “Về sớm cũng chưa chắc đã là chuyện tốt”.
Nhắc đến mới nhớ, bây giờ chuyện truy bắt Long chín cựa đã ra thế này, chắc chắn kế hoạch của Đặng Khải Thành cũng buộc phải thay đổi, mọi thứ hẳn là phức tạp hơn rất nhiều.
Tôi hỏi: “Lúc lựu đạn nổ, Long chín cựa chắc chắn cũng sẽ không sống được. Hắn c.hế.t rồi, anh có bị kỷ luật không?”
Đặng Khải Thành mỉm cười: “Em đang lo cho tôi đấy à?”.
“Không, tôi lo cấp trên của anh sẽ đổ tội lên đầu tôi, bắt tôi chịu trách nhiệm”. Tôi giả vờ nghiêm túc đáp: “Tôi xông pha vào nguy hiểm, không được khen thưởng thì thôi, còn phải chịu trách nhiệm nữa thì sẽ tức c.hế.t mất”.
“Đôi nạng này thay cho phần thưởng đấy thôi”.
“Hả?”. Tôi tròn xoe mắt, nếu không phải chân đau chắc chắn đã dậm bình bịch: “Phần thưởng gì mà bèo thế?”.
“Lúc trước khi đến gặp Long chín cựa, tôi có nói với em thế nào nhỉ?”.
Tôi biết thừa Đặng Khải Thành định dụ tôi vào bẫy nhưng vẫn phải nghiến răng đáp: “Không được tự ý hành động, không được xuống xe”.
“Tiến sĩ Chân Ý, em không những không chấp hành mệnh lệnh, còn mắng cục trưởng là đồ thần kinh. Tôi nể tình em bị thương nên không phạt em, còn tốn nửa ngày trong rừng làm nạng cho em đi, em còn chê ít hả? Có muốn bị phạt nhảy lò cò quanh sân không?”
Trong lòng tôi thầm mắng Đặng Khải Thành là đồ khốn!
***
Mấy ngày hôm sau, bởi vì chân tôi vẫn đau, mà tạm thời cũng chưa tìm được đường ra khỏi thôn làng này nên chúng tôi vẫn ở lại nhà ông bà cụ.
Đặng Khải Thành giống một người con trai trong nhà, hàng ngày cùng ông cụ lên rừng hái thuốc, làm những việc nặng, lợp lại mái nhà, thậm chí còn bổ củi gánh nước giúp mấy hộ hàng xóm kế bên.
Người dân ở đây rất quý anh ta, cứ chốc chốc lại í ới sang gọi: “Thành ơi, Thành đâu rồi”.
Bà cụ lật đật chạy ra: “Cậu ấy lên rừng hái thuốc với ông nhà tôi rồi. Có việc gì thế?”.
“Tôi mới may cho cậu ấy mấy bộ quần áo. Mang đến tặng cậu ấy”. Người hàng xóm xách giở túi ra, bên trong là mấy bộ quần áo được dệt vải thủ công, kiểu cách trông hơi cổ lỗ sĩ, nhưng có vẻ rất vừa vặn với Đặng Khải Thành.
Bà cụ vợ thầy lang nhận lấy: “Lát nữa cậu ấy về tôi đưa sau. À mà tiện nhờ bà may cho vợ cậu ấy một bộ nhé”. Bà cụ chỉ tôi đang ngồi chống cằm trên bậc cửa, nói: “Vợ cậu ấy mấy hôm nay toàn mặc đồ của tôi, rộng lắm, cứ phải buộc lại chun quần”.
“Ồ, kia là vợ của Thành à?”. Người hàng xóm ngây ra nhìn tôi, có lẽ mấy ngày này không thấy tôi bén mảng ra cổng nên tưởng chỉ có mình Đặng Khải Thành là người lạ tới đây: “Cậu ấy lấy vợ rồi à?”.
Tôi cười không đáp, bà cụ hàng xóm lại nói:
“Đứng lên tôi nhìn xem nào. Có số đo mới may được”.
“Không cần đâu ạ, cháu mặc quần áo của bà cụ nhà này cũng được. Không cần may mới đâu ạ”.
“Thế sao được. Chồng cháu mấy hôm trước giúp nhà cô làm lại mấy then chuồng trâu, bổ cả một đống củi to cho nhà cô nữa. Giữ cậu ấy ở lại ăn cơm nhưng cậu ấy nhất định không ở. Cô thấy cậu ấy mặc lại quần áo của ông cụ thầy lang mới may mấy bộ sang biếu đấy chứ”. Người kia cười bảo: “Để cô may thêm cho cháu một bộ”.
Tôi chưa kịp từ chối, cô hàng xóm đã vội vàng dúi túi quần áo vào tay bà cụ, sau đó tất tưởi chạy về, vừa đi vừa bảo phải may sớm quần áo cho kịp đưa tôi.
Người hàng xóm đó vừa về một lát, lại có một cô gái rất xinh mang rổ trứng gà sang. Bà cụ vừa nhìn thấy đã hỏi: “Mang sang biếu Thành hả?”.
Cô gái đó đỏ mặt, vô thức đưa tay sờ bím tóc trên vai: “Vâng ạ. Mẹ cháu bảo mang trứng gà sang biếu anh ấy. Hôm qua anh ấy gánh nước cho nhà cháu”.
“Cậu ấy không có nhà, lên rừng hái thuốc với ông nhà tôi rồi. Nếu muốn gửi lại thì gửi vợ cậu ấy đi”.
Lúc này, cô nhóc mới ngước lên nhìn tôi, thấy tôi lùng bùng trong bộ quần áo của bà cụ, nạng vứt bên cạnh, vẻ mặt liền ngây ra: “Anh ấy có vợ rồi ạ?”.
“Ừ. Vợ người ta đấy, xinh không?”.
“Dạ xinh ạ”.
“Muốn gửi trứng thì gửi đi”.
“Dạ”.
Cô gái bẽn lẽn bước về phía tôi, bộ dạng có hơi mất tự nhiên, thậm chí còn không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Dù sao cũng chỉ là một thiếu nữ 17, 18 tuổi, thích ai cảm mến ai đều không che giấu nổi trên gương mặt, tôi cũng quen rồi. Đợi cô ấy đưa giỏ trứng gà tôi mới hỏi:
“Cô bé, thích anh ấy à?”.
Giỏ trứng gà trong tay cô gái đó run lên, lúng túng đáp: “Không ạ. Không phải”.
“Không cần xấu hổ, tôi nói cho cô biết một bí mật”. Tôi liếc bà cụ đang quét sân, nhỏ giọng nói vào tai cô bé đó: “Tôi với anh ấy không phải là vợ chồng thật đâu, cô có thích thì cứ mạnh dạn đi”.
“Thật ạ?”.
“Thật chứ”.
“Ồ”.
Vừa nói đến đó thì Đặng Khải Thành cùng ông cụ từ trên núi về, vừa mới nghe tiếng ngoài sân thì mặt cô bé đó đã đỏ lựng lên, sau đó chui qua hàng rào chạy mất. Tôi nhìn theo bóng lưng nhanh như con thỏ của cô gái đó, lòng có chút buồn cười.
Từ lúc ngồi ở cửa đến giờ tôi đã đếm được 5 cô gái đi qua liếc vào đây như muốn tìm người nào đó, 3 cô sang đưa quà, thậm chí vừa rồi còn có một người phụ nữ to béo phốp pháp mới đặt chân vào sân đã oang oang gọi Đặng Khải Thành. Tôi nghĩ cả cái thôn này đều muốn làm vợ của anh ta hết rồi!
Nhưng cái tên đầu sỏ trăng hoa kia thì lại tỏ ra vô tội như không, vừa rửa mặt ở bể xong đã đi đến đưa cho tôi một quả lê rừng: “Tôi ngâm ở dưới bờ suối, vẫn còn mát, ăn đi”.
“Hôm nay ăn ngọt no rồi”. Tôi cáu giận vô cớ.
Đặng Khải Thành không hiểu ý tôi, bình thản lấy một con d.ao ra gọt vỏ lê, nói: “Ăn gì ngọt?”.
“Ăn mấy ánh mắt tình tứ, gọi anh Thành ơi ngọt như mía lùi”.
Anh ta nhìn tôi mấy giây rồi bật cười: “Thế thì liên quan gì đến tôi?”.
“Phiền c.hế.t đi được”. Tôi chỉ vào cả đống quà chất đầy trong góc nhà: “Ai đến cũng hỏi tôi có phải vợ anh không. Trả lời nhiều phiền c.hế.t”.
“Em nói sao?”. Đặng Khải Thành đưa cho tôi một miếng lê đã được bổ ra, thịt lê vừa trắng vừa nhiều nước, có cảm giác mát rượi.
Tôi nhận lấy miếng lê, chu môi đáp: “Nói tôi không phải là vợ anh. Bảo họ đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, anh năm nay gần 40 rồi, tuổi cao sức yếu, thân thể không khoẻ khoắn như vẻ bề ngoài đâu. Nếu chịu đựng được thì nộp hồ sơ đăng ký, có thời gian sẽ xét duyệt dần dần”.
Anh ta bật cười: “Ăn lê đi”.
Buổi tối, bốn người chúng tôi vẫn ngồi quây quần ăn cơm bên một ngọn đèn dầu hiu hắt, mâm cơm đã có thêm thịt, còn có trứng gà, bà cụ chia cho tôi và Đặng Khải Thành mỗi người hai quả, dặn ăn nhiều trứng gà sẽ nhanh sinh được con.
Tôi cười cười, chúng tôi chỉ là hai kẻ ở cùng nhà để giày vò nhau, cũng có ngủ chung mấy tháng mà đến hôn môi mới chỉ làm một lần, đụng chạm còn chưa từng, sinh con làm sao được chứ?
Ăn xong cơm, ông bà cụ lại tắt đèn đi ngủ sớm, bình thường tôi và Đặng Khải Thành cũng tiết kiệm dầu nên về buồng xong cũng đi nghỉ luôn. Nhưng hôm nay anh ta đột nhiên lại bảo tôi:
“Có muốn đến một nơi không?”.
Tôi nghiêng đầu hỏi: “Đến nơi nào cơ?”.
“Hôm kia tôi đi cùng ông cụ lên rừng thấy một chỗ hay lắm. Nếu em thích thì tôi đưa em đến”.
Mấy ngày rồi chỉ quanh quẩn ở nhà, tù chân tù tay, tôi rất muốn đi loanh quanh thôn này nhưng vẫn giả vờ nói: “Buổi tối đi trong núi có việc gì không?”.
Đặng Khải Thành chỉ lên trời, nói: “Có trăng soi đường, không việc gì cả”.
Tôi không tốn một giây suy nghĩ đã ngay lập tức gật đầu, anh ta bảo tôi trèo lên lưng, sau đó cõng tôi men theo con đường nhỏ trong thôn, lững thững ra sau núi.
Hinh như hôm nay là ngày mười sáu nên ánh trăng rất đẹp, mặt trăng tròn và sáng, soi rõ cả cánh rừng xanh tươi, ánh trăng lại như những sợi bạc phủ lên từng nhánh cây ngọn cỏ, đẹp đến dung dị, cũng tự tại đến thanh bình.
Tôi ôm lấy cổ Đặng Khải Thành, bỗng dưng lại có cảm giác nếu đường đời cứ bình yên như vậy thì thật tốt: “Ở đây không khí trong lành nhỉ? Đêm đêm nghe tiếng côn trùng kêu, sáng sớm nghe tiếng gà gáy”.
“Giống như đang sống ở năm 70, 80”.
“Anh có thích không?”.
Đặng Khải Thành nghĩ ngợi một lát rồi đáp: “Cũng không tệ”.
Tôi cười cười, vùi mặt vào tấm lưng rộng lớn của anh ta, nghe những tiếng bước chân dẫm trên lá mục của Đặng Khải Thành: “Chỗ kia còn xa nữa không?”.
“Sắp đến rồi”.
“Bao nhiêu bước nữa là đến?”.
Thân thể anh ta hơi cứng lại, Đặng Khải Thành ngẩng đầu, lại tiến về phía trước, kiên nhẫn trả lời câu hỏi trẻ con của tôi: “Ba trăm bước nữa sẽ đến. Em đếm đi”.
Giống như mười mấy năm trước, vào đêm mưa gió tôi sốt cao đó, Đặng Khải Thành vẫn luôn lẩm bẩm nói “Chân Ý, kiên nhẫn đợi một chút, sắp đến bệnh viện rồi”, tôi mê sảng nằm trên lưng anh ta, hỏi bao nhiêu bước nữa sẽ đến. Đặng Khải Thành cũng nói với tôi: Ba trăm bước nữa là đến!
Tôi lẳng lặng nhắm mắt, bắt đầu đếm: “Một”.
“Hai…”
“Ba…”.
Mùi lúa chín thơm thơm bay vào cánh mũi, hương hoa cỏ trong đêm theo gió phiêu tán trên tóc tôi, tôi ôm cổ Đặng Khải Thành, đếm một trăm bước, hai trăm bước, đến hai trăm chín mươi chín bước thì anh ta dừng lại.
Dù cõng tôi trên lưng nhưng Đặng Khải Thành vẫn biết tôi nhắm mắt, anh ta nói: “Em mở mắt ra đi”.
“Bước thêm một bước”.
Anh ta gật đầu, bước thêm một bước, tôi cũng mở mắt ra, khi nhìn thấy những thứ trước mặt thì lập tức sửng sốt, còn có cảm giác không tin được.
Ở đó là một vùng đất bằng phẳng với hàng nghìn con đom đóm rực sáng, bên dưới là một thảm cỏ dày tươi tốt, những khóm hoa dại đủ màu sắc theo gió đung đưa, lấp lánh xinh đẹp dưới ánh trăng như một dải lụa bạc.
Đẹp đến kinh diễm, đẹp đến mê say, đẹp đến tuyệt mỹ!
Đặng Khải Thành!
***
Lời tác giả: Có vài người cảm thấy đọc tình tiết cũ sẽ nhàm chán, nhưng thôi, đã trót rồi mà. Nếu ai không thích thì cứ lướt qua, vài đoạn nữa sẽ đến tình tiết mới nhé. Đa tạ!

Yêu thích: 4.8 / 5 từ (18 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN