Không Thể Động Lòng
Phần 25
Chưa đầy nửa phát sau có tiếng dép loẹt quẹt từ trong ngôi nhà tranh vang lên, một ông cụ có mái tóc bạc trắng bước ra, vừa đi vừa nói: “Có việc gì mà gọi toáng lên thế? Tôi đã bảo bà rồi, không gánh được nước thì cứ để đó tôi làm, người đã yếu rồi còn khăng khăng muốn gánh nước làm gì?”.
“Không phải gánh nước”. Bà cụ xua tay: “Có người bị thương, ông đến xem xem”.
“Ai cơ?”.
“Người rơi từ trên núi xuống, bị thương. Cả hai đều bị thương”.
Lúc này, ông cụ mới nhìn thấy Đặng Khải Thành đang cõng tôi, ngẩn ra mấy giây mới bảo chúng tôi mau vào nhà. Thôn làng này chưa có điện, ngôi nhà tranh chỉ thắp một cây đèn dầu cỡ lớn, ánh sáng không tốt lắm, nhưng bà cụ thắp thêm cây nến nữa thì vừa đủ soi rõ vết thương trên cổ chân của tôi.
Khi tháo tấm vải mà Đặng Khải Thành buộc mới thấy m.áu ở chân tôi đã đông đặc cả lại, từng mảng da bị va đập bầm tím, còn có mấy con măn mắt rừng ngửi thấy mùi tanh lên thi nhau bâu vào, trông vừa bẩn thỉu vừa ghiếc.
Trong lúc ông cụ đi tìm kính lão, bà cụ trông thấy vết thương của tôi nên nói: “Hai người gặp may đấy, ông nhà tôi là thầy lang”.
Tôi “Ồ” một tiếng: “Ông là thầy lang trong thôn này ạ?”.
“Đúng, cả thôn này chỉ có ông ấy là thầy lang thôi. Chữa bệnh giỏi lắm, người trong làng có bệnh gì đều đến đây để ông ấy chữa hết”.
Vừa nói đến đây thì ông cụ quay lại, sau khi nhìn rõ chân tôi mới lắc đầu: “Vết thương nặng như thế, sợ ảnh hưởng đến xương đấy”.
Đặng Khải Thành nói: “Lúc trước cô ấy có bị gãy xương cổ chân một lần, bác sĩ nói nếu gãy ở vị trí đó lần nữa thì sẽ để lại tật. Ông xem giúp cháu với ạ”.
“Xử lý vết thương ngoài da trước đã, cầm m.áu xong, tôi sẽ thử nắn xem xương có gãy không”.
Trước đây tôi có từng vài lần nghe đến thầy lang trong núi, bọn họ không được học hành bài bản như bác sĩ, cũng không có dụng cụ y tế tiên tiến, nhưng ở một số lĩnh vực rất giỏi, có thể chữa được cả những bệnh mà tây y bó tay.
Giờ nghe ông cụ nói chỉ cần nắn xương là biết chân tôi có gãy không, tôi nửa ngạc nhiên, nhưng nửa lại cảm thấy tin tưởng: “Có thể dùng tay để nắn xương bị gãy ạ?”.
“Tất nhiên rồi. Xương ở vị trí khó như xương khớp háng, xương chỏm đùi thì khó mà sờ được chỗ gãy, những xương còn lại thì dễ hơn nhiều. Chỉ cần nắm rõ được cấu trúc xương là có thể biết được xương có gãy hay không”.
Ông cụ vừa nói, vừa mở hộp dụng cụ bằng gỗ đen bóng loáng ra, tôi liếc thấy trong đó có mấy chai nước thuốc gì đó và panh y tế, còn có một xâu kim rất to: “Cô cậu đi thế nào lại rơi xuống đây?”.
Đặng Khải Thành đáp: “Bọn cháu đi leo núi, trượt chân rơi xuống đây”.
“Vách núi dựng đứng thế này mà cô cậu cũng dám leo là giỏi đấy”. Ông cụ lấy ra một chiếc khăn trắng, tuy hơi cũ kỹ nhưng có vẻ sạch sẽ, để gọn gàng bên cạnh chân tôi: “Thôn này mấy chục năm qua không có người vào rồi, may mà cô cậu còn tìm được đường đến đây”.
Bà cụ đặt thau nước lên, lấy chai nước thuốc nhỏ vào đó mấy giọt rồi bảo: “Đúng đấy, ban nãy thấy họ mà tôi giật cả mình, còn tưởng gặp ma nữa”.
“Bà chỉ được cái thần hồn nát thần tính. Hai cô cậu ấy người thì đẹp trai, người thì xinh xắn như thế, ma nào đẹp được giống thế?”.
“Ừ nhỉ? Đúng là khéo thật. Hai người này đẹp cả đôi”
Tôi thấy hai người này cũng có vẻ thật thà chất phác, lại tốt bụng giúp chúng tôi nên cũng dần giảm bớt đề phòng. Tôi hỏi: “Chỗ này lâu nay không có người vào ạ?”.
“Ừ. Ngày trước có con đường, nhưng hơn bốn mươi năm trước lở núi nên bít mất đường rồi, không đi ra ngoài được nữa. Mà bọn tôi ở tít trong này, chính phủ không biết đến nên sau đó cũng có ai đến mở đường để đi đâu, cứ sống thế suốt mấy chục năm nay thôi”.
“Không còn đường nào khác để ra khỏi thôn sao ạ?”.
“Có chứ”. Bà cụ nói nửa đùa nửa thật: “Đường cô cậu vừa mới xuống đó”.
Thôn này không có đường ra, bốn bề được bao bọc bởi vách núi dựng đứng, chỉ cần nghĩ đến thế lòng tôi đã đủ hoảng hốt. Nhưng quay lại nhìn Đặng Khải Thành thấy sắc mặt anh ta vẫn bình tĩnh tựa như núi, tự nhiên tôi lại nghĩ cục trưởng vang danh một cõi như anh ta còn không sợ không về được, thì một kẻ tép riu như mình còn sợ làm gì? Huống hồ, Dương Quang ở trên kia chắc chắn sẽ tìm cách cứu được chúng tôi.
Lúc này, ông cụ thầy lang đã rửa tay xong, đi đến cầm chân tôi lên: “Tôi nghĩ mấy ngày tới cô cậu cũng chưa thể ra khỏi đây được, nên tôi sẽ khâu mấy vết thương ngoài da cho cô ấy trước, sau đó mới nắn xương. Nếu xương gãy thì nẹp lại chừng nửa tháng sẽ hồi phục được, không gãy mà chỉ rạn thì vài ba ngày là khỏi. Cô cậu thấy thế nào?”
Đặng Khải Thành nhìn tôi, ý hỏi tôi quyết định như thế nào, mà thật sự đã đến nước này có người chữa cho mình là tốt lắm rồi. Tôi không dám đòi hỏi gì hơn nên gật đầu: “Vâng ạ”.
“Nhưng phải nói trước, ở đây không có thuốc tê đâu, sẽ rất đau đấy”.
“Không sao, cháu chịu được ạ”
Ông cụ nhìn tôi vài giây, thấy vẻ kiên định trong mắt tôi, rút cuộc cũng gật đầu, sau đó mới bắt đầu lấy dụng cụ xử lý vết thương ở chân tôi.
Ban đầu, ông cụ đổ thứ nước gì đó màu xanh vào những vết rách trên da thịt tôi, khi chất lỏng vừa nhỏ xuống, tôi có cảm giác xót đến mức gai ốc khắp người dựng đứng, sống lưng cũng bần bật run lên.
Đặng Khải Thành nhìn tôi, muốn nói gì đó, nhưng vừa định mở miệng thì ông cụ lại lên tiếng trước: “Nước này là nước giã từ một loại rễ cây trong rừng, có tác dụng sát khuẩn. Mấy chục năm nay ở đây không giao thương được với bên ngoài, không có cồn nên phải dùng rễ cây này. Nhưng tác dụng của nó không thua kém cồn sát khuẩn đâu, thậm chí còn lành tính hơn”.
Tôi nuốt một ngụm nước bọt, đáp: “Vâng ạ. Người dân trong thôn thường dùng loại này hả ông?”.
“Ừ, cần sát trùng toàn dùng nó đấy”.
Ông cụ sát khuẩn xong mới bắt đầu lôi chiếc kim to tướng ra chuẩn bị khâu, tôi nhìn thấy mũi kim lớn như vậy cũng thấy rùng mình. Nhưng vì sợ phiền đến mọi người nên chỉ lẳng lặng hít vào một hơi để lấy tinh thần, Đặng Khải Thành ở bên, lại nói với tôi:
“Chân Ý, khâu sống chỉ đau vào lúc đầu, em không để ý đến nó nữa, tự khắc sẽ quên được cảm giác đau”.
Ông cụ nghe xong mới liếc mắt nhìn Đặng Khải Thành. Tôi cũng nhìn anh ta, gật đầu thật mạnh: “Tôi biết rồi”.
Nói là nói vậy, nhưng khi ông cụ đ.âm mũi kim đầu tiên xuyên qua da tôi, tôi suýt nữa thì đã buột miệng hét lên một tiếng.
Cảm giác có thứ gì đó sắc nhọn luồn vào trong thịt rồi thít chặt lại khiến tôi đau đến mức dây thần kinh trên người như bị kéo căng lên, gai ốc khắp người đều dựng đứng. Đau quá nên tôi không thở được, mồ hôi lạnh túa ra đầm đìa, đúng lúc này bỗng dưng có một bàn tay ấm áp siết chặt lấy bàn tay tôi.
Tay Đặng Khải Thành rất to, có vết chai, rất cứng rắn và vững chãi, lúc cầm tay tôi có cảm giác như bàn tay tôi lọt thỏm giữa lòng bàn tay anh ta, vừa đủ ấm áp để mọi nỗi đau trong lòng tôi dịu xuống, vừa đủ dịu dàng để tôi có thể yên tâm.
Tôi cắn chặt răng đến mức khóe môi bật m.áu, nước mắt giàn giụa nhìn Đặng Khải Thành, lại nghe giọng anh ta trầm trầm bảo tôi: “Không sao rồi”
Ông cụ tiếp tục đ.âm mũi kim thứ hai, rồi thứ ba, sau đó lại thêm dày đặc những mũi kim khác. Mỗi lần da thịt bị mũi kim xuyên qua tôi đều có cảm giác muốn sống muốn c.hế.t, nhưng bởi vì có Đặng Khải Thành luôn nắm tay tôi, có anh ta nói “Không sao rồi” nên tôi không hét nữa, đau đớn thế nào cũng gắng gượng chịu đựng.
Một lát sau cuối cùng cũng thấy ông cụ thở phào: “Xong rồi. May mà rách không quá sâu, khâu mười hai mũi là ổn. Bây giờ tôi sẽ thử xem xương của cô có bị gãy hay không”.
Đặng Khải Thành nhìn những mảng thịt rách tươm ban nãy đã trở về hình dạng cũ, lại nhìn vẻ mặt xanh mét vì đau đớn của tôi, lát sau mới nói: “Nắn xương có đau lắm không ạ?”.
“Không đau lắm đâu. Không bằng khâu sống được”. Ông cụ vừa nói vừa lần sờ xương chân tôi: “Cậu thanh niên này lúc trước cũng từng khâu sống phải không?”.
“Vâng ạ”.
“Nhiều lần chứ không phải một lần?”
Đặng Khải Thành đang dùng vải thấm m.áu cho tôi, nghe xong lập tức khựng lại, anh ta ngẩng liếc tôi: “Vâng. Cũng không nhớ rõ là khoảng bao nhiêu lần”.
“Vì sao phải khâu sống nhiều như thế?”.
“Cháu đi làm nhiệm vụ ở biên giới, chỗ đó xa khu dân cư, lại hẻo lánh nên không có thuốc men kịp thời, khi bị thương chỉ có thể khâu sống”.
“Bảo vệ tổ quốc sao?”
Đặng Khải Thành suy nghĩ một lát rồi gật đầu: “Vâng”.
“Ở vùng nào?”.
“Ở khu vực tam giác Đông Dương”.
“Vùng đó mấy chục năm trước nổi tiếng có nhiều tội phạm, còn trẻ như cậu mà dám đến đó làm nhiệm vụ và sống sót trở về là quá giỏi”. Ông cụ dời tay khỏi cổ chân tôi: “Ngày xưa tôi đi chiến trường, đồng đội vẫn thường xuyên khâu sống. Nhưng vài chục năm trôi qua, đất nước hòa bình rồi, thanh niên trẻ thời nay không trải qua chiến tranh mà vẫn chịu đựng được khâu sống nhiều lần như cậu, cũng là không tầm thường đâu”.
Đặng Khải Thành cười: “Ông từng đi chiến trường ạ?”.
“Ừ, đi chiến trường B3 ở Tây Nguyên”.
“Ba cháu cũng từng đi chiến trường B3, Tây Nguyên, Tây Trường Sơn ấy ạ”.
Ông cụ sửng sốt nhìn anh ta: “Ba cậu cũng đi B3 à? Tên là gì thế?”.
Đặng Khải Thành nói ra một cái tên, ông cụ nghe xong còn kinh ngạc hơn nữa, cứ liên tục nói có quen biết ba của Đặng Khải Thành, còn nói hồi ấy ba của anh ta rất nổi tiếng ở chiến trường B3, một mình ông có thể lọt vào địa bàn của địch rồi diệt sạch cả một tiểu đội, kỹ năng trinh sát và bắn s.ú.ng cũng cực kỳ giỏi, vừa tốt bụng lại vừa thông minh cứng cỏi. Ông cụ nhớ sau khi hòa bình lập lại, ba của Đặng Khải Thành đã được phong vượt cấp quân hàm, hơn ông cụ có một tuổi mà đã là trung tá rồi”.
Nói tới đây, ông cụ cứ nắm chặt tay anh ta: “Ba cậu có khỏe không? Hòa bình xong sống ở đâu? Chắc giờ cũng lên được đến cấp tướng rồi phải không?”.
“Ba cháu đã mất cách đây 10 năm rồi”. Giọng của Đặng Khải bình thản tựa như gió: “Lúc trước gia đình cháu sống ở trên đỉnh Trường An, đỉnh ngọn núi ở phía nam ấy ạ. Ba cháu xuất ngũ xong thì về quê cưới vợ, sau đó chỉ ở nhà làm việc của nhà nông thôi”.
“Ông ấy mất rồi ư?”. Vẻ mặt ông cụ đầy tiếc nuối, lại như hoài niệm nhìn về nơi xa xăm: “Tiếc thật, ba của cậu giỏi như vậy mà lại mất sớm. Tôi cứ nghĩ hòa bình lập lại, ông ấy vẫn tham gia quân ngũ, giờ cũng phải lên cấp tướng rồi”.
Nói tới đây, lại quay đầu quan sát Đặng Khải Thành một lượt: “Nhưng con trai ông ấy cũng không tầm thường đâu. Mấy chục năm rồi tôi không ra ngoài, nhưng mắt nhìn người vẫn tốt lắm đấy. Cậu cũng không thua kém ba cậu đâu, có khi sau này còn vẻ vang hơn”.
Đặng Khải Thành vẫn luôn khiêm tốn, anh ta không nhận phần tốt đẹp về mình, chỉ đáp: “Cháu chỉ là một người bình thường thôi ạ”.
Ông cụ mỉm cười: “Trên người cậu cũng bị thương nhiều thế, sao từ lúc vào đây đến giờ chỉ nói đến mình cô ấy thế? Không định băng bó lại vết thương à?”.
Anh ta hơi ngẩn ra, gương mặt thoáng qua vẻ ngại ngùng: “Mấy vết thương ngoài da thôi ạ”.
“Vợ cậu ổn rồi, lát nữa tôi cho cậu thuốc bôi để bôi cho cô ấy. Còn giờ cậu cởi áo ra đi, tôi xem vết thương cho cậu”.
Tôi nghe vậy mới nói: “Đúng đấy ạ. Ông ơi, cách đây mấy ngày anh ấy bị thương, hôm nay chắc vết thương cũ lại rách ra rồi, có cả vết thương mới. Ông xem cho anh ấy giúp cháu với ạ”.
Ông cụ gật đầu, lại lạch cạch lôi hộp dụng cụ ra. Đặng Khải Thành không có cách nào, đành phải xoay lưng ngược lại với hướng tôi, sau đó cởi áo ra để ông cụ xem vết thương.
Bà cụ đứng đằng sau vừa nhìn thấy lưng anh ta liền xuýt xoa: “Sao bị thương nhiều thế này? Các vết khâu cũ rách hết ra cả rồi”.
Đặng Khải Thành đáp: “Có thể khâu lại được không ạ?”.
“Mép vết thương nham nhở thế này khâu khó đấy, sẽ đau hơn vết thương bình thường”. Ông cụ nói xong, lại đứng dậy bảo: “Có thuốc phi.ện sẽ làm giảm cảm giác đau, cậu có muốn dùng không?”
Người đàn ông kia hơi liếc tôi, tôi thì không muốn Đặng Khải Thành chịu đau đớn nữa, nhưng rút cuộc, Đặng Khải Thành vẫn lắc đầu.
Anh ta nói có thể chịu đựng được, không cần dùng thuốc ph.iện. Ông cụ có lẽ không bất ngờ vì câu trả lời này, sắc mặt càng lúc càng lộ ra vẻ hài lòng: “Tôi sẽ khâu nhanh thôi, cậu thanh niên, chịu đựng một chút nhé”.
“Vâng ạ”.
“Mà cậu tên gì nhỉ?”.
Đặng Khải Thành nói ra tên mình, ông cụ lại gật gù: “Ba cậu đặt tên đẹp lắm. Khải Thành. Tên rất có ý nghĩa”.
Anh ta không trả lời, chỉ cười thôi. Ông cụ cũng không nói nữa, bắt đầu lục đục khâu vá cho anh ta.
Quá trình khâu của Đặng Khải Thành giống hệt tôi, chỉ khác là từ đầu đến cuối anh ta không hề kêu tiếng nào, đến đầu mày cũng không nhíu lại dù chỉ là một chút, nhưng da thịt con người vốn không phải làm bằng sắt thép, bị đau như vậy, mồ hôi trên người Đặng Khải Thành cũng lấm tấm túa ra.
Tôi không dám nhìn ông cụ xâu từng mũi kim qua thịt của Đặng Khải Thành, chỉ ngồi phía trước nhìn chằm chằm anh ta, Đặng Khải Thành cũng yên lặng nhìn tôi. Lát sau, khi tôi định vươn tay đến thì anh ta cũng nắm lấy tay tôi, không nói gì cả, chỉ mím môi nắm thật chặt tay tôi thôi.
Tôi đau lòng đến suýt rơi nước mắt, cũng học theo Đặng Khải Thành nói: “Sắp xong rồi, ổn rồi”.
Người đàn ông kia mỉm cười, không đáp, sống lưng thẳng tắp dưới ánh đèn dầu. Một lát sau, cuối cùng ông cụ thầy lang cũng cất kim khâu, cười cười bảo: “Xong rồi. Hai mươi tư mũi, gấp đôi mũi khâu của vợ cậu”.
Đặng Khải Thành không phản bác cách xưng hô của ông cụ, chỉ mặc áo sơ mi vào rồi đáp: “Cảm ơn ông nhiều ạ”.
Lúc này, bà cụ cũng từ dưới bếp chạy lên, thấy chúng tôi đã khâu xong mới nói: “Cơm nấu xong rồi, tối nay hai cô cậu ở lại ăn cơm nhé? Mà bị thương thế này còn đi đâu được. Ở lại ăn cơm cùng vợ chồng tôi rồi mai còn đắp thuốc để nhanh lành vết thương”.
Tất nhiên là tôi cũng chỉ mong có thế, nhưng nhờ người ta chữa chân giúp, còn ăn nhờ ở đậu không nên tôi rất ngại: “Vâng ạ. Để cháu dọn cơm với bà”.
“Ôi chân thế thì dọn gì, cứ ngồi ở đó đi, tôi còn nấu thêm nồi canh nữa, xong xuôi lên là được ngay thôi”.
Đặng Khải Thành cũng định đứng dậy: “Cháu đi bưng mâm giúp bà cụ”.
“Mới khâu xong, vẫn còn đau, không cần đâu”.
Ông cụ gọi anh ta lại, nhưng Đặng Khải Thành đã đi xuống nhà dưới, một lát sau bưng một mâm cơm lên, trên đó chỉ có mấy món rau dưa, còn có một tô canh lõng bõng nước.
Bà cụ hơi xấu hổ nói: “Ở chỗ hai người không ăn thế này phải không? Ở chỗ này không ra ngoài được, bình thường chỉ ăn mấy món rau dưa, hôm nào có nhà làm thịt lợn thì mới có thịt ăn”. Nói đến đây, hình như bà cụ nghĩ ra chuyện gì đó nên lại ngẩng đầu hỏi ông cụ: “Hình như ngày mai đến phiên nhà cái Mơ làm thịt lợn rồi nhỉ?”.
“Không phải, là nhà ông Phúc”
“À à, nhà ông Phúc. Ngày mai tôi phải mang bì khoai đi đổi mấy cân thịt lợn mới được”.
Bữa cơm hôm ấy đạm bạc, nhưng có lẽ vì đói nên tôi ăn rất ngon, Đặng Khải Thành cũng không tỏ vẻ chê bai, chỉ mấy món rau dưa cũng ăn hết được hai bát cơm đầy.
Bà cụ cứ giục anh ta ăn thêm mãi, ông cụ cũng bảo Đặng Khải Thành uống thêm một chút canh, cuối cùng anh ta nể mặt mới múc thêm một tô canh nhỏ, cười bảo: “Lâu rồi cháu mới được ăn ngon như thế”.
“Thật à?”. Ánh mắt bà cụ sáng rực lên: “Mấy món này mà cậu cũng thấy ngon à?”.
“Ngon chứ, rất giống vị canh mẹ cháu nấu”.
“Mẹ cậu bao nhiêu tuổi?”.
Đặng Khải Thành uống một ngụm canh, đáp: “Mẹ cháu cũng mất cách đây 10 năm”.
Bà cụ “À”, một tiếng, nói xin lỗi xong lại bảo: “Con trai của tôi nếu còn sống thì có lẽ cũng bằng tuổi cậu bây giờ. Năm nó mất mới chỉ 18 tuổi thôi. Cao ráo đẹp trai, y như cậu vậy”.
Ông cụ ở bên gõ đũa vào bát: “Cái bà này, lại nói linh tinh rồi”.
Bà cụ chấm nước mắt: “Tôi thấy cậu này giống con trai mình nên tự nhiên nhớ nó thôi”.
Đặng Khải Thành lấy khăn xô đưa cho bà cụ, còn gắp cho bà cụ một miếng rau ngon nhất, giọng nói hết mực ôn hòa: “Bác ăn đi”.
“Ừ, phải rồi, ăn thôi. Tự nhiên làm không khí mất vui”. Bà cụ cầm khăn trên tay anh ta, xua chúng tôi: “Mau mau, mấy đứa mau ăn đi”.
Ăn uống xong, vợ chồng thầy lang già trong núi sắp xếp cho chúng tôi ở căn buồng bên dưới. Bà cụ phủi sạch ga giường bằng vải hoa của những năm 80, cười bảo: “May quá, hôm qua tôi thấy trời nắng nên mang mấy đồ này ra giặt, hôm nay vừa đúng lúc cần dùng”. Nếp nhăn trên mặt bà xô lại, nhưng từng đường nét vẫn vô cùng phúc hậu: “Giường hơi nhỏ, hai người chịu khó ngủ tạm nhé, cần thêm chăn thì bảo tôi”.
Tôi vội vã xua tay: “Thế này là quá tốt rồi ạ, không cần thêm chăn đâu. Cháu cảm ơn bà ạ”.
“Đừng khách sáo. Ba của cậu thanh niên này ngày xưa từng cứu ông nhà tôi mà, khó khăn lắm mới gặp được cậu ấy, không có điều kiện để báo đáp tử tế thì ít ra cũng phải tiếp đón đàng hoàng chứ”. Bà cụ cười: ““Ban nãy tôi có gánh nước về rồi, ở phía sau nhà có chỗ để tắm đấy. Cần tắm rửa thì cứ ra đó nhé”.
“Vâng, cháu biết rồi ạ”.
Bà cụ vẫn không yên tâm nên dặn dò chúng tôi thêm một lượt nữa mới để lại cây đèn dầu rồi lên nhà đi ngủ. Ở trong núi, người dân đi ngủ từ rất sớm, bà cụ vừa đóng cửa đã thấy ánh nến trên nhà vụt tắt, chúng tôi cũng không dám phí phạm dầu, nhanh chóng vặn nhỏ đèn lại.
Trong căn phòng đơn sơ chẳng mấy chốc chỉ còn một chút ánh sáng hiu hắt, Đặng Khải Thành phủi lại chăn đệm một lượt nữa rồi bảo tôi: “Tôi cõng em ra sau nhà đi tắm”.
Tôi đỏ mặt một hồi, cuối cùng lí nhí đáp: “Tôi không có quần áo”.
Vẻ mặt anh ta cũng có chút lúng túng, tuy nhiên ngay sau đó Đặng Khải Thành lại bảo tôi ngồi đợi một chút, anh ta ra ngoài bê thùng nước của bà cụ vào phòng, tiếp theo kiếm một cây sào nhỏ, vắt chiếc chăn lên, làm thành một phòng tắm nhỏ cho tôi.
Đặng Khải Thành nói: “Tắm tạm ở đây, rồi quấn chăn vào, tôi đi tìm thêm cái chăn khác”.
“Còn anh thì sao?”.
Anh ta không nói, chỉ bế tôi đặt lên chiếc ghế gỗ trong phòng tắm đó rồi mở cửa đi ra ngoài. Ở trong núi lạnh, không có máy nước nóng cũng như bình siêu tốc, tôi vội vàng tắm rửa rồi giặt sạch quần áo cũ, định mặc lại, còn chiếc chăn kia thì nhường cho Đặng Khải Thành, nhưng vừa định dậy lại nghe tiếng cửa mở.
Giọng anh ta vọng vào: “Em xong chưa?”.
Tôi nói: “Đợi một chút, gần xong rồi”.
“Đừng mặc lại quần áo ướt, tôi hỏi mượn bà cụ được hai bộ quần áo rồi”.
Chẳng biết do anh ta luôn hiểu được những gì tôi đang nghĩ, hay là Đặng Khải Thành quá thông minh để biết tôi muốn làm gì, mà bao giờ cũng cho tôi thứ tôi cần đúng lúc, khiến tôi không thể không cảm kích.
Tôi nhoẻn miệng cười, bảo anh ta: “Tôi biết rồi, anh đưa giúp tôi”.
“Có tự mặc được không?”
“Được mà”.
Một cánh tay đưa qua chiếc chăn trên sào, tôi nhận lấy quần áo, mặc vào người mới thấy rộng ơi là rộng, phải dùng tay để giữ lại chun quần. Nhưng được cái quần áo của bà cụ có mùi nắng rất dễ ngửi, giống như hương cỏ cây trong thung lũng.
Đặng Khải Thành bế tôi lại giường, đặt tôi nằm xuống rồi đắp chăn mới lên cho tôi, xong xuôi mới tự mình đi tắm. Anh ta cũng tắm sau tấm chăn đó, mặc quần áo của ông cụ, lại dọn dẹp cẩn thận mọi thứ rồi mới quay lại giường.
Tôi vẫn chưa ngủ, nằm gọn vào một góc nhìn anh ta. Lúc đầu cứ nghĩ Đặng Khải Thành mặc quần áo của người già chắc sẽ buồn cười lắm, nhưng anh ta quả thực là kiểu người điển hình cho mặc gì cũng đẹp. Chiếc áo sơ mi sọc cũ kỹ từ mấy chục năm trước khoác lên người anh ta lại giống như chuẩn bị trở thành model của năm nay, ngay cả quần dài bằng chất vải rẻ tiền khi ôm lấy đôi chân dài kia cũng phẳng đét, chẳng khác gì người mẫu.
Đặng Khải Thành thấy tôi cứ nhìn mãi mới hỏi: “Trông buồn cười lắm à?”.
“Không”. Tôi thành thật đáp: “Như mốt mới của năm nay vậy”.
“Lúc còn trẻ chắc ông cụ cũng là thanh niên chịu chơi lắm”. Anh ta nói đùa: “Ban nãy tôi hỏi mượn quần áo, ông cụ lục ra được từ đáy thùng bộ này cho tôi. Còn bảo đây là bộ ông từng mặc đi tán bà mấy chục năm trước”.
“Thật à?”. Tôi phì cười.
“Nhưng bà bảo quần áo bà mặc lúc ông đến tán thì hỏng từ lâu rồi. Chỉ còn bộ quần áo này cho em thôi”.
“Tôi mặc hơi rộng, ngày mai phải kiếm một cái dây chuối buộc lại mới được”.
“Tốt nhất là buộc cho chắc vào”.
“Không chắc thì anh nhìn chắc?”.
Đặng Khải Thành cười: “Thanh niên trong làng nhìn”.
Tôi không nói nữa, anh ta cũng tắt đèn rồi đi ngủ. Lẽ ra sau một ngày dài trải qua đủ chuyện, chúng tôi sẽ mệt đến c.hế.t đi, đặt lưng lên giường là phải ngủ ngay, nhưng có lẽ vì lạ nhà nên mãi mà tôi vẫn không thể chợp mắt được.
Một lát sau, tôi mới hỏi Đặng Khải Thành: “Anh nói trước đây từng đến biên giới, là lúc nào?”.
“Năm 30 tuổi”.
Năm ba mươi tuổi, là thời điểm sau khi ba mẹ anh ta mất, Hồng Hưng cũng sụp đổ. Hóa ra năm đó tôi đến Hồng Kông, Đặng Khải Thành cũng đi bảo vệ biên giới.
“Truy quét tội phạm ở biên giới sao?”.
“Ừ. Mấy năm đó m.a t.úy tuồn vào trong nước rất nhiều ở khu vực biên giới tam giác Đông Dương. Tôi theo mấy anh em trong đội hình sự lên đó làm chuyên án m.a t.úy”.
“Bắt được nhiều không?”.
“Khoảng vài trăm tấn gì đó. Tiêu hủy quá nhiều, không thể nhớ hết được”.
Tôi gật đầu, lại hỏi: “Trên đó không có thuốc men y tế à?”.
“Không. Bọn tôi đóng chốt ở sâu trong rừng, phải ở đó nhiều ngày nên trên người hầu như chỉ mang được s.ú.ng, đồ ăn khô, thuốc men không mang được nhiều”. Đặng Khải Thành nói: “Phần lớn nhường cho những anh em còn ít tuổi. Những người ít kinh nghiệm thì thường xuyên bị thương hơn”.
“Ở đó mấy năm?”
“5 năm”
Năm năm, chịu đựng ở biên giới gian khổ như vậy, tự khâu sống vết thương rất nhiều lần, tất cả những đau đớn đó người bình thường chắc chắn không gánh đỡ nổi. Vậy mà Đặng Khải Thành lại có thể ở đó suốt năm năm.
Nghĩ đến những vết sẹo ngang dọc trên khắp người anh ta, tôi rất đau lòng, cổ họng cũng như bị xương chẹn ngang, rất lâu sau đó mới nói: “Khâu sống nhiều lần như thế đau lắm phải không?”.
“Lần đầu thì đau, sau này biết cách chịu đựng rồi nên không đau nữa”.
“Vậy khoét đạn thì sao?” Tôi hỏi: “Mấy vết sẹo ở bụng anh là do dùng mũi d.ao khoét đạn phải không?”
Người đàn ông kia đột nhiên quay đầu nhìn tôi, trong đêm tối, tôi không nhìn rõ được sắc mặt anh ta, nhưng có thể cảm nhận được ánh mắt của Đặng Khải Thành nhìn tôi đăm đăm, sâu thẳm và thâm thuý đến mức tôi không thể đọc hiểu.
Tôi biết anh ta sẽ không trả lời nên chỉ cười bảo:
“Lúc trước ở Hồng Hưng, tôi từng nhìn thấy người ta dùng mũi d.ao khoét đầu đạn rồi. Vết thương giống hệt như vết thương trên bụng anh, dù có lành sẹo nhưng thịt không hết đỏ được”. Tôi hít vào một hơi thật dài, nhìn thẳng vào mắt anh ta: “Cho nên da thịt ai cũng là da thịt mà thôi. Làm sao có chuyện biết cách chịu đựng rồi nên không đau nữa. Chẳng qua là trải qua quá nhiều đau đớn nên tinh thần cũng được rèn luyện, sau này sức chịu đựng sẽ tốt hơn thôi”.
“…”
“Đặng Khải Thành, con người anh trở nên như ngày hôm nay cũng vì như vậy phải không?”
***
Lời tác giả: Đây là một vài tình tiết cũ, tớ thấy hợp lý nên thêm vào. Mọi người đừng bất ngờ, cứ chuẩn bị tinh thần đi ngắm đom đóm nhé?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!