Lam Y Nữ Hiệp - Chương 21: Tìm dấu ngựa rừng trong Xuyên Lâm ổ Hàng phục Hồng mã, Kim Đao Tướng trổ tài
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
133


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 21: Tìm dấu ngựa rừng trong Xuyên Lâm ổ Hàng phục Hồng mã, Kim Đao Tướng trổ tài



Tuy trong trang có cả tầu ngựa tốt, nhưng Quan Long không ưng ý về màu sắc của một con nào cả. Chàng muốn có một tuấn mã màu đỏ thẫm như chu sa, nghĩa là đúng màu sắc của Xích Thố thuở xưa.

Kể từ trước tới nay đã trải bao đời rồi, nhưng chỉ có Đại đao Quan Thắng đời Tống và nay đến Kim đao Quan Long là giống y hệt nội tổ Quan Võ. Cũng vì lẽ ấy, Quan Long cầu kỳ chọn một con ngựa giống Xích Thố để dùng.

Trong mỗi năm các lái buôn ngựa cũng có đi qua Quan gia bảo vài chuyến. Họ buôn đủ các giống ngựa hay như ngựa Châu Tượng, Kỳ ký, Hoa Lưu, Lý Cân… Quan Long thường dặn họ kiếm cho một tân Xích Thố, đắt bao nhiêu tiền cũng mua.

Đã vài lần, bọn lái đem ngựa tới. Quan Long không ưng ý con nào cả. Hoặc lợt quá, sẫm quá, có con được màu thì bờm và lông đuôi lại không dài và đen, hoặc có điểm một vài đốm khác nhau. Kiếm sao được con ngựa đầu cất cao, cổ dồ, ức nở, mình ngắn, vó thon, mao trường và đen tuyền bây giờ!

Mỗi khi tập luyện, Quan Long cảm thấy y hệ nội tổ với cây Thanh Long Yển Nguyệt đao mà cỡi ngựa màu sắc khác nên mất hẳn hứng thú hào hùng. Bởi vậy chàng có ý buồn.

Một hôm có người lái ngựa quen thân từ đất Thục chăn đoàn ngựa ra khu vực duyên hải bán. Người ấy nán lại Quan gia bảo, vào yết kiến Quan Long.

Họ Quan mừng rỡ chào hỏi :

– Sao hơn một năm nay mới thấy qua đây hả Thái tiên sinh?

Người lái ngựa họ Thái tên Đình Hoàng nói :

– Cũng vì Trang chủ nên lâu nay tôi mới đi được một chuyến này đó! Tiếc quá! Tiếc quá!

Quan Long ngẩn người ra, không hiểu :

– Tại sao lại tại tôi? Mà tiếc chi mới được chứ?

Thái Đình Hoàng vỗ đùi đét một cái và tặc lưỡi :

– Tại con Xích Thố của Trang chủ, vậy không phải là tại Trang chủ thì là gì nữa, hả trời.

Quan Long vẫn ngơ ngác :

– Kỳ thật! Tôi đã làm chi có Xích Thố mà nói tại tôi, oan uổng quá!

– Tại con Xích Thố ở trong thung lũng vùng Xuyên Lâm kia… Tôi muốn bắt nó cho Trang chủ nên mới mất nhiều thì giờ thế này đó. Ngót một năm trời cũng không bắt nổi.

– Nó là giống ngựa rừng?

– Dạ, bọn lái ngựa chúng tôi thì vừa gây giống ngựa nuôi lớn để bán, nhưng cũng phải bắt ngựa rừng nữa để khỏi phải tốn công nuôi. Giống này sống có đoàn hàng mấy trăm con, tùy theo đoàn nhiều, đoàn ít, bắt được thì có lời nhiều hơn giống ngựa nuôi…

– Vùng Xuyên Lâm thuộc về đâu?

– Cách Trùng Khánh phủ độ ba trăm dặm thung lũng hoang vu ấy ở dưới chân Phi Long lãnh. Tháng sáu năm ngoái, có người mách cho tôi là trong Phi Long lãnh có bày ngựa rừng lớn, chúng tôi bèn kéo nhau tới đó định bẫy, nhưng đoàn này khôn lắm, mất nhiều thì giờ chưa có kết quả chi cả.

Quan Long ngẫm nghĩ giây lát hỏi :

– Như vậy thì can chi tới tôi?

– Sao lại không? Con mãnh mã đầu toàn màu đỏ tía, bờm và đuôi đen tuyền, rất xứng danh là Xích Thố. Bởi vậy tôi cốt ý bắt nó cho Trang chủ dùng.

Nghe Thái Đình Hoàng nói tới đâu, cặp mắt Quan Long sáng long lanh lên đến đấy, mừng rỡ ra mặt chàng hỏi :

– Đúng như vậy chứ? Chắc chắn không?

Thái Đinh Hoàng tặc lưỡi :

– Đó là nghề của tôi mà Trang chủ còn nghi ngờ đến như vậy! Từ trước tới nay tôi đã bán cho Trang chủ con ngựa nào hư hay phản chưa?

Quan Long cả cười, vỗ vai họ Thái :

– Hỏi vậy cho chắc chắn, tính tôi cẩn thận. Đừng giận nhé, Thái tiên sinh?

Họ Thai cũng mỉm cười :

– Tôi đâu dám giận Trang chủ, nhưng chỉ tiếc không bắt nổi con mãnh mã hung hãn ấy thôi.

– Đoàn ngựa rừng ấy có đông không?

– Độ trên một trăm con đủ các màu sắc, coi sướng mắt lắm.

– Con mãnh mã ấy hung hăng như thế nào?

– Tôi cho quây lưới bắt mà hai lần nó bỏ hai vó trước phá rách toang lưới chạy mất. Lần thứ ba, đặt lưới thép. Trang chủ có đoán được nó làm thế nào thoát thân không?

Mắt sáng ngời, Quan Long đáp liền :

– Nó phóng qua đầu lưới!…

Thái Đinh Hoàng gật đầu :

– Chính thế! Nó lùi lại mấy bước phóng qua đầu lưới như tên bắn, rồi tìm chúng tôi cắn đá. Bữa đó hai tên công nhân của tôi bị táng mạng về cặp vó của con mãnh mã ấy bổ trúng đầu bể nát như hột gà óp. Mọi người sợ hãi, mạnh ai nấy chạy. Con ác mã ấy quay lại nhào bừa cho đỗ lưới đánh tháo cho đồng bọn đi mất… Tiếc quá!

Dồn chúng lại vào khu có lưới rất khó khăn. Bắt đã chẳng được, hiện giờ cả đoàn “dông” đi đâu mất rồi. Tôi tính đi chuyến này, trở về sẽ tìm bắt kỳ cho được mới nghe.

Quan Long chậm rãi nói :

– Tôi bàn thế này. Tiên sinh bán xong bầy ngựa trở về đây. Tôi cũng vào Tây Thục và cùng đi đến Phi Long lãnh tìm bầy ngựa rừng đó với tiên sanh. Bao nhiêu tổn phí tôi chịu cả. Được không?

– Vấn đề phí tổn không cần nói tới vì Trang chủ chỉ cần có con Xích Thố. Nếu bắt được Xích Thố, thế cả đoàn ngựa kia thuộc về tôi cả, phải không?

Qua Long gật đầu :

– Chính vậy. Tùy ý tiên sinh muốn sao cũng được, tôi chỉ cần có Xích Thố thôi.

– Đã vậy, tôi sẽ trở về đón Trang chủ đi Tây Xuyên một phen.

Quan Long mời Thái Đinh Hoàng ở lại uống rượu, hôm sau mới kéo bầy ngựa ra vùng duyên hải bán.

Hơn hai tháng sau, Thái Đình Hoàng trở lại. Quan Long đã sửa soạn sẵn, từ biệt vợ con lên ngựa cùng bọn lái ngựa đi đường bộ qua Hán Dương vào đất Ba Thục, thẳng đường đi Trùng Khánh phủ. Nghỉ lại thị thành đó mấy ngày xem phong cảnh. Thái Đình Hoàng cho đồng bọn về trước sửa soạn cuộc săn ngựa, rồi sẽ về sau cùng Quan Long. Họ Thái cư ngụ tại Phù Linh huyện đã lâu và hành nghề lái ngựa gia truyền.

Ở Phù Linh huyện cũng có mấy tay lái nữa nhưng họ Thái lành nghề hơn cả nên hầu như là giữ độc quyền buôn sỉ, bán lẻ đủ cả các ngành. Đến đời Thái Đình Hoàng, công việc sanh nhai còn phấn chấn hơn cha ông khi xưa, nên Đình Hoàng còn lập thêm một cơ sở dạy ngựa thiệt thuần thục để bán ngựa dạy săn cho các khách hàng không thạo về môn giáo mã và kỵ mã. Bởi vậy khu nhà của họ Thái nếp nọ, nếp kia rất rộng rãi, sân trước sân sau, tầu ngựa hàng dãy chia ra nhiều loại. Loại mới bắt hay mới mua. Loại đang luyện tập, loại đã thuần thục, loại đem bán ra phần nhiều đã được luyện qua loa. Những con nào có tướng phản chủ đều được chọn lọc rất kỹ lưỡng và loại ngay. Khi nào tải hàng một trăm con đi xa bán theo lời yêu cầu của khách hàng thì Thái Đình Hoàng mới thân chinh đi. Còn thì phần nhiều các lái nhỏ tìm đến mua sỉ tại chỗ chở đi nơi khác bán ăn tiếp.

Trong khu trang trại của Thái Đình Hoàng trừ gia đình họ Thái ra, còn có những tay chuyên môn phụ tá với Đình Hoàng. Người nào cũng khỏe mạnh, sành sỏi và đều biết dăm ba miếng côn quyền. Những lúc đi xa, giao dịch buôn bán với người ngoài, họ thường dùng tiếng lóng riêng của lái ngựa để nói với nhau. Thái Đình Hoàng dọn một căn phòng thật chu đáo cho Quan Long ở, tiếp đãi vào bực thượng khách. Trừ một vài người theo Thái Đình Hoàng đã có dịp qua Quan gia bảo biết mặt Quan Long không kể, còn những người khác khi thấy họ Quan giống hệt Hán Thọ Đình Hầu, thì đều chăm chú nhìn ngạc nhiên hiện ra mặt. Họ ngạc nhiên là phải, vì người xứ Ba Thục nhà nào cũng lập bàn thờ vị danh tướng nhà Thục ấy.

Thái Đình Hoàng mời Quan Long đi xem các sở do y lập ra. Họ Quan khen ngợi vô cùng và rất cảm phục Thái Đình Hoàng đã có sáng kiến canh tân hóa cách thức nuôi ngựa trong trang trại.

Trong khi nghỉ ngơi mấy hôm, Thái Đình Hoàng sai người vào Phi Long lãnh kiếm dấu vết bầy ngựa do Xích Thố dẫn đầu.

Người đi không lại về rồi chẳng thấy chi hết, về báo cho họ Thái hay.

Quan Long hỏi họ Thái :

– Phi Long lãnh gần hay xa?

– Cách Phù Linh huyện này độ năm mươi dặm đường.

– Nếu vậy ta phải đem lương thực cho đầy đủ, đóng trại ngay tại thung lũng Xuyên Lâm, hoặc đi sâu vào các hóc hiểm Phi Long lãnh may ra kiếm được vết tích đoàn ngựa chăng? Mất dịp bắt Xích Thố thì uổng công và đáng tiếc quá! Sớm mai ta lên đường.

Thái Đình Hoàng đồng ý, truyền lệnh cho các người phụ tá sửa soạn lưới dây và lương thực cho thiệt đầy đủ.

Quan Long nói :

– Muốn mang lưới theo thì tùy ý, nhưng riêng tôi chẳng cần dùng tới. Tôi có bửu bối lợi hại hơn nhiều.

TháiĐình Hoàng ngạc nhiên :

– Ủa! Bảo bối chi vậy?

Quan Long mỉm cười, lẳng lặng về phòng lấy ra một cuộn dây thừng tết rất kỹ, vừa mềm vừa chắc, lớn bằng ngón tay út, một đầu thắt nút lại, còn đầu kia thì buộc chiếc móc sắt đầu tròn.

– Sự ích lợi của sợi dây này như thế nào?

– Tiên sinh cứ cho một con ngựa không yên cương ra sân, tôi thử cho mà coi.

Thái Đình Hoàng bảo người nhà ra tàu lấy ngựa. Lát sau, tên gia nhân dắt ngựa vào sân. Con ngựa này còn dở dang nên chưa được thuần lắm. Quan Long khoác cuộn dây vào tay trái còn tay mặt thì cầm đầu dây có móc sắt.

Thấy người đến gần, con ngựa đứng không yên, bắt đầu cất vó xoay đi, xoay lại, hí lên mấy tiếng.

Quan Long lựa chiều đi vòng quanh, rồi bắt thần, cầm đầu dây có móc sắt hoa lên mấy vòng. Con ngựa hoảng quá, vùng chạy hai vó sau luôn luôn đá hậu. Quan Long, tay vẫn vung tròn đầu dây, lấy đà liệng mạnh. Cuộn giây tung ra ra như một vệt chớp dài, đầu giây quấn tròn lấy cổ con ngựa, chiếc móc sắt móc chặt lấy sợi dây thành ra buộc nút lấy cổ ngựa. Quan Long lựa tay rút dây khiến đầu nút siết chặt lại. Sợi dây do tay họ Quan đến cổ ngựa căng thẳng. Mới đầu, con ngựa còn vùng vẫy giật mấy cái, nhưng càng giật nút dây càng thắt chặt, nên nó đành đứng im. Quan Long lần đầu dây tiến đến sát con ngựa một tay vỗ vào cổ nó, một tay tháo chiếc móc sắt. Con ngựa được thả lỏng vùng ra chạy xuống phía cuối sân. Thái Đình Hoàng và mấy người đứng trong sân xem hoan hô lối bắt ngựa tài tình của họ Quan.

Quan Long cuộn dây lại theo một phương pháp riêng :

– Tôi chỉ lo đoàn ngựa rừng ấy bị động kéo đi miền khác thôi. Nếu chúng còn ở vùng này thế nào tôi cũng bắt kỳ được con mãnh mã đáng giá đó.

Hôm sau, Quan Long theo bọn Thái Đình Hoàng vào Phi Long lãnh. Mãi trưa, đoàn người ngựa mới tới thung lũng Xuyên Lâm. Thung lũng này khá rộng lớn, cây cao bóng mát, cỏ xanh mướt cao không quá bắt chân. Một bên là Phi Long lãnh, núi đá gồ ghề cao ngất, một bên là dãy đồi thấp thoai thoải, rừng cây lan tràn khắp mặt đồi làm biến vòng vèo như một đoàn trâu khổng lồ nằm úp xếp theo hàng chữ nhất. Gió thổi nhè nhẹ, mùi hoa rừng cỏ nội bốc thơm ngào ngạt.

Thái Đình Hoàng chỉ chân ngọn Phi Long lãnh :

– Có một làn suối lớn phát xuất từ dãy núi Phi Long băng qua đầu bên kia thung lũng, chảy theo dãy đồi bên tả, thành thử quanh năm khu nội cỏ này đều có nước, vì vậy nơi đây cỏ xanh mướt như tấm thảm nhung.

Quan Long cho ngựa đi ngang với Thái Đình Hoàng, chăm chú nhận xét xem có vết tích gì trên mặt cỏ không :

– Thái tiên sinh gặp đoàn ngựa rừng ở khu nào? Lâu rồi, dấu tích chắc bị cỏ lấp hết.

– Lần đầu ở gần ngọn đồi thứ ba bên kia, chuyến sau thì ngay gần chân núi chỗ rẽ sang bên hữu có gốc cây cao lớn kia kìa. Tại đây, dù đoàn ngựa lớn đi đến đâu dầy xéo đến đó, nhưng chỉ trong vòng mươi ngày là cỏ mọc lấp ngay.

Lát sau, đoàn người đi tới gốc cây cao lớn, bóng lá um tùm. Quan Long nói :

– Tiên sinh cho đóng trại ở đây vừa có bóng mát, vừa ở bên suối tiện dụng hơn cả.

Thái Đình Hoàng đồng ý, ghìm ngựa lại bảo mọi người :

– Hạ trại đi và sửa soạn cơm nước. Ta đi cùng Quan trang chủ, lát nữa quay về.

Quan, Thái hai người cho ngựa kiệu nhỏ đến chỗ thấy đoàn ngựa năm trước. Nơi đó, cỏ mọc xanh rì, không một chút dấu vết nào cả.

Hai người lại phi ngựa chạy vòng khắp thung lũng Xuyên Lâm, chú ý tìm kiếm, nhưng phí công, nơi nào cũng cỏ rậm cây xanh, như từ ngày xưa chưa có một kẻ phàm trần nào bước tới.

Thái Đình Hoàng lắc đầu nói :

– Tôi e bầy ngựa này đi nơi khác mất rồi.

Hai người ghì ngựa lại đi trước một. Quan Long nghĩ ngợi giây lát :

– Vừa rồi chúng ta vừa chạy vòng cả hai bên đồi núi, Thái tiên sinh có để ý tới sự gì lạ không?

Thái Đình Hoàng ngẩn mặt, nhìn họ Quan có ý hỏi sự lạ đó là gì.

Quan Long giải thích :

– Trong khi đi đường, tôi nhận thấy núi non hiểm trở, rừng cây bát ngát rậm rạp, ắt hẳn không phải là nơi trú ẩn của bầy ngựa hoang ấy, vậy chúng không do lối đi độc nhất đó vào nơi thung lũng có nội cỏ ngon lành này.

– Ngoài ra, ba bề thung lũng đều bị núi đồi bao bọc, vậy bầy ngựa đã đến và biến mất bởi lối nào?

Thái Đình Hoàng nghe Quan Long phân tích rõ ràng, đành im lặng không tìm được câu trả tiếp :

– Quan Long nói tiếp :

– Phi Long lãnh đây là cả một dãy núi trùng trùng, điệp điệp bắt đầu từ Xuyên Lâm ổ này. Hồi nãy, tôi nhận thấy nơi đầu trong thung lũng chỗ đồi và núi giáp với nhau, hình như có một con đường mòn, tuy chênh vênh, nhưng khả dĩ đi được, vậy tiên sinh đã thử vượt qua lối đó bao giờ chưa?

Chưa! Vì tôi không hề nghĩ rằng ngã đó có lối đi. Ngay lúc đầu tôi vẫn nói phía trong thung lũng bị núi rừng vít chặt.

Quan Long nói :

– Bây giờ, ta về trại, cơm nước xong xuôi, nếu tiên sinh không mệt nhọc, ta sẽ cho mấy người đi theo thám hiểm lối đi đó xem thế nào.

Thái Đình Hoàng cười :

– Như Trang chủ đã biết, tôi đi luôn đường trường phong sương dầu dải đã quen rồi, mới đi thế này đã mệt sao được!

Dưới bóng cây lớn, mấy căn lều vải được dựng lên rất gọn gàng. Đoàn người lăng xăng làm những việc cần thiết. Bầy ngựa tháo yên cương tung tăng ăn cỏ non bên bờ suối. Có con đứng hẳn xuống lòng suối uống một hơi dài, rồi cất đầu lên hí vang lừng.

Cơm nước xong, trời đã xế chiều. Quan Long nhìn trời mây rồi nói với Thái Đình Hoàng :

– Xét lại thấy trễ rồi. Để tôi vào thăm qua loa xem thế nào, sớm mai sẽ hay. Tuy đêm nay có trăng, lỡ phải ngủ trong núi cũng chẳng ích lợi chi.

Thái Đình Hoàng đứng dậy, thắt lại đãi lưng :

– Tôi cũng đi với Trang chủ.

Hai người lên ngựa phi một mạch tới chỗ giáp giới Phi Long và dãy đồi rừng cây rậm rạp.

Đá lởm chởm, lối đi hẹp. Những cành gai dóng sậy vươn ra ngáng cả khúc đầu đường. Móng ngựa sắt đạp trên đá lộp cộp vọng vang cả khu hoang vắng. Quan Long đi trước tuốt kiếm phạt đứt các cành cây, mở đường. Vất vả mất vài trăm bước đầu, nhưng đường mòn dốc lần lần, bụi rậm ven rừng không vươn tới nữa, lau sậy mỗi lúc một thưa, nhường chỗ cho vách đá nhấp nhô…

Thái Đình Hoàng nói :

– Đường mòn này ven theo sườn núi lên cao, bầy ngựa rừng có lẽ không qua đây!…

Quan Long suy nghĩ, chưa biết nói thế nào thì chợt trông thấy vật gì, ghìm ngựa lại quan sát kỹ.

Thái Đình Hoàng toan hỏi, thì Quan Long đã nói :

– Tiên sinh nhìn thử xem có phải dấu móng ngựa in trên đám cỏ này không?

Dứt lời, họ Quang xuống ngựa tiến đến chỗ có rêu phía trước nhận xét. Thái Đình Hoàng cũng bỏ ngựa đến xem.

Trên đám rêu lớn quả nhiên có nhiều vết chân ngựa tuy đã mờ đi nhiều.

– Đúng dấu móng ngựa đây, nhưng mờ quá. Kỳ thật, không ngờ bầy ngựa qua đây!

Quan Long cười lớn :

– Thế mà chúng đã qua đây thiệt. Tất thế nào cũng có dấu khác rõ rệt hơn.

Hai người lại lên ngựa đi rất chậm. Đường mòn mỗi lúc một rộng thêm và dốc thêm.

Tới một quãng có nhiều cát sỏi, Quan Long reo to :

– Kìa! Lại vết móng ngựa! Rõ rệt lắm không còn nghi ngờ chi nữa!

Quan Long và Thái Đình Hoàng cùng châu đầu nhận xét. Thái Đình Hoàng nói :

– Có vết ngược lẫn vết xuôi. Các vết ngược phủ hẳn lên vết xuôi ta có thể kết luận rằng bầy ngựa đã qua lối này xuống Xuyên Lâm ổ, và chúng cũng ra khỏi thung lũng ấy do đường này, phải không Trang chủ?

– Lập luật như vậy đúng, tôi đồng ý. Bây giờ chỉ còn có việc trở về trại vì sắp tối rồi. Sáng mai, ta cứ theo đường này đi sâu vào xem sao.

Hai người vui mừng trở về trại.

Thái Đình Hoàng nói :

– Nếu không nhờ sáng ý của Trang chủ thì có lẽ không bao giờ tôi vào tới đây kiếm bầy ngựa quý kia.

– Chưa đáng mừng đâu, tôi còn e chúng đã dò đường đó đi nơi khác mất tích.

– Dù sao tôi cũng quyết theo dấu vết tìm cho kỳ thấy cả bầy mới nghe!

Đêm hôm ấy trăng sao vằng vặc, trong vòm trời lam huyền vẫn nhẹ, mấy đợt mây trắng lơ lửng bay về phương xa. Ngọn Phi Long lãnh ngạo nghễ vươn mình trong trời khuya. Nhờ ánh trăng vàng độn phía sau núi, ngọn núi ấy quả giống hệt đầu con rồng đang vươn mình trong không trung. Đoàn người tùy tòng kẻ ngồi, người nằm quanh đống lửa trại chập chờn…

Như đã quen với cuộc đời du mục, một người đem theo cả cây đờn tỳ bà, dựa lưng vào đống yên ngựa, gãy lên những điệu nhạc mê ly. Một người nữa gõ ống bương thay trống bậy bùng, man dã nhịp theo điệu đờn lãng tử lả lướt êm ru.

Hai anh em du mục tốt giọng đồng ca. Tiếng ca tuy nhè nhẹ nhưng cũng đủ vang vội cả khu Phi Long hoang vắng:

“Lạc vào Xuyên Lâm ổ,

Hồn bay theo tiếng gió,

Chênh vênh vành trăng bạc,

Cỏ thơm độn gối nằm…

Mái lều hoa đương lợp,

Bầy tinh tú chơi vơi.

Gío reo trên mặt suối,

Chim đêm hót xa vời,

Anh hùng tay kiếm chống,

Vó ngựa đập vang vang…

Bốn phương hồn lặng về đâu tá?

Lặng lẽ non sâu, vắng bóng người!”

Sáng hôm sau, để lại hai người coi trại, còn thì tất cả theo Quan Long, Thái Đình Hoàng vào thám hiểm con đường mòn mới tìm ra. Đoàn người ngựa đi tới chỗ tìm thấy dấu chân ngựa hôm qua và tiến sâu vào trong núi. Đường đá vẫn gồ ghề, vách núi chênh vênh, chỉ khẽ trượt chân là lao xuống vực. Được cái là con ngựa nào cũng khỏe mạnh, leo đường núi rất vững chắc.

Khởi hành từ đầu giờ Mão sang đến giữa giờ Thìn, đường không dốc nữa và mỗi lúc một rộng lớn hơn khúc đầu. Nơi nào có rêu hay cát sỏi nhiều thì cũng có in dấu chân ngựa như đã thấy. Đường đi bằng phẳng được khúc dài rồi lại bắt đầu lên dốc. Quan Long dừng ngựa nhận xét kỹ ngay ở khúc này có một lối xuống dốc khả dĩ đi được, bèn nói với Thái Đình Hoàng.

– Không lẽ leo dốc mãi! Đây có lối xuống, chắc bầy ngựa theo ngã này.

Thái Đình Hoàng nói :

– Trong bọn bộ hạ theo đây, có người sành leo núi và kiếm dấu vết lắm. Để tôi cho y đi tiên phong, chúng ta có thì giờ nhìn phong cảnh hơn.

Nói đoạn, họ Thái gọi :

– Lý Thôi! Bỏ ngựa cho người đoạn hậu dắt theo. Ngươi theo lối nhỏ này đi tiên phong, cố tìm các dấu chân ngựa nhé!

Lý Thôi vâng lệnh lanh lẹ tiến lên trước.

Đoàn người ngựa lại bắt đầu chuyển động theo sự hướng dẫn của Lý Thôi.

Đi được một quãng đường dài, Lý Thôi nói lớn vọng về phía sau :

– Có nhiều vết chân ngựa trên cát.

Quan Long và Thái Đình Hoàng mừng rỡ nhìn nhau.

– Hay lắm! Cứ tiến đi.

Đường đi lại bắt đầu vướng bởi lau sậy và các bụi cây nhỏ. Lý Thôi đi trước dùng đao phát mở đường. Thái Đình Hoàng cho thêm một mục tử nữa lên trước giúp họ Lý. Đường xuống dốc dần dần, sang đầu giờ Tỵ thì mọi người xuống tới chân núi, và bắt đầu nhập một thung lũng cây cỏ tươi tốt y hệt bên Xuyên Lâm ổ.

Quan Long đắc ý nói :

– Có thế chứ! Cuộc đi này chẳng uổng công!

Bỗng đoàn ngựa, con nào cũng cất đầu, cất vó cao, thở mạnh như cảm thấy sự chi lạ.

Thái Đình Hoàng nói :

– Ngựa đánh hơi thấy lạ.

Mọi người ai nấy đều chăm chú nhìn khu đất mới tới hãy còn che khuất bởi sườn Phi Long lãnh. Bỗng nhiên có tiếng chuyển động, ầm ầm nhu muôn vạn tiếng sấm nổ tuy nền trời vẫn xanh lơ quang đãng.

Thái Đình Hoàng vội nói lớn :

– Nép cả vào sườn núi. Có bầy ngựa chạy.

Mọi người vội vàng rẽ ngựa núp cả vào các hốc đá và bụi cây um tùm. Tiếng ầm ầm mỗi lúc một lớn khiến mấy con ngựa phải xôn xao, đứng không yên chỗ.

Thế rồi, từ góc núi bên kia, một bầy ngựa độ năm mươi con phi như gió, cỏ rạp cả xuống đất, bụi cát bay mù, tiến ra theo địa thế vòng vèo của thung lũng. Dẫn đầu là một con Bạch Mã cao lớn bờm và đuôi đen mướt.

Quan Long nói :

– Kìa! Sao lại Bạch Mã dẫn đầu?

Thái Đình Hoàng cũng ngạc nhiên :

– Chắc là con mãnh mã màu đỏ làm sao rồi. Ta tiến theo bầy ngựa này xem sao.

Mọi người vừa thúc ngựa ló ra thì tiếng ngựa đạp đất ầm ầm lại từ xa vang tới thành thử ai nấy phải vội vàng núp vào chỗ cũ xem sự thể thế nào. Một bầy ngựa nữa tiếng ra, đông hơn bầy trước, hồng mã bờm đen dài sượt dẫn đầu. Xích Thố cao lớn phóng như bay, hùng dũng bốn vó như chỉ chạm nhẹ xuống mặt đất lại cất lên liền. Bầy ngựa chạy theo cũng không kém, con nào cũng khỏi mạnh dị thường.

Xích Thố chạy theo lối của đoàn Bạch Mã hồi nãy.

Mọi người mãi nhìn, chờ bầy ngựa hoang chạy khuất mới nhô ra.

Thái Đình Hoàng nói :

– Bầy Xích Thố đấy. Thì ra, bây giờ lại có hai bầy khác nhau! Con Bạch Mã cũng đẹp lắm.

– Nhưng hỏng vì bộ bờm và đuôi đen. Tôi ưa bạch tuyền. Nào! Bây giờ phải mạo hiểm mới được. Ta theo xem chúng chạy đi đâu chứ?

Không chờ trả lời, Quan Long thúc ngựa chạy trước theo ven sườn núi, phòng khi cần cấp sẽ có thể núp ngay vào sau các phiến đá lớn. Ta khỏi góc núi, thung lũng rộng lớn không kém chi bên Xuyên Lâm ổ, và một cảnh lạ kỳ đang diễu ra ngay trước mắt mọi người. Bầy Bạch Mã choán phía bên kia thung lũng, còn phía bên này là bầy Xích Thố. Cả hai bầy, con nào cũng quay đi nhảy lại lăng xăng, cất vó trước, đá vó sau, hí vang rầm như những kiện tướng ra trận dương oai, diệu võ lúc sắp giao đấu. Xích Thố và Bạch Mã đứng tách hẳn đoàn ra như hai viên chủ tướng, rung bờm, vắt đuôi, bốn vó thon cao xoay đi xoay lại thật kiêu hùng.

Bọn Quan Long, Thái Đình Hoàng vẫn theo sườn núi đi lần ra khúc giữa quan sát hai bầy ngựa. Thái Đình Hoàng nói :

– “Các bầy ngựa rừng kỳ cục lắm. Mỗi bầy theo sự hướng dẫn của một con đầu đoàn. Con đầu đoàn phải luôn luôn tỏ ra mình có sức mạnh. Nếu con đực nào trong đoàn quật cường thì con đầu đoàn phải đàn áp bằng cách cắn, đá cho tới lúc con kia phải chạy chịu thua hay bị táng mạng mới thôi. Những con cái của con ngựa bị chết sẽ thuộc về phần con chiến thắng.

Trong một bầy ngựa có nhiều con đực. Mỗi ngựa đực có tới bốn, hay năm hay sáu con cái, thuộc quyền sở hữu của nó. Nếu “gia đình” nào không phục con đầu đoàn thì cứ việc tách khỏi đoàn sống biệt lập. Nhưng sống biệt lập là cả một sự phiêu lưu nguy hiểm mỗi khi gặp loài hổ báo mà con đực không chông trả nổi. Bởi vậy, ít “gia đình” dám lìa đoàn.

Khi con đầu đoàn già yếu, thường bị các “tay em” đang thời, đang sức cưỡng lại và thách thức. Trong trường hợp này, con đầu đoàn dù biết sức mình kém yếu cũng vẫn can đảm nhận đấu và đấu cho đến lúc kiệt sức không đứng nổi nữa nằm dài xuống đất đưa đầu ra cho đối thủ cất cao hai vó trước bổ mạnh xuống bể sọ, chết tại chiến trường một cách can đảm anh hùng.

Sau khi đã hạ sát xong con đầu đoàn, con chiến thắng vẫn đứng giữa chiến trường lộng hí, nhào, nhảy, quẫy đuôi, tung bờm, như có ý thách thức kẻ nào dám ra tranh đấu “chức” đầu đoàn với nó nữa không.

Nếu không còn con đực nào nhận đấu nữa, tự khắc chức đầu đoàn về con chiến thắng, và no vừa phi vừa hí quanh bầy ngựa mấy vòng, và từ đó lãnh đạo dẫn đầu như con đầu đàn cũ vừa táng mạng.

Khi một đoàn ngựa rừng đang chiếm cứ khu đồng cỏ nào mà có đoàn khác đến tranh giành thì thế nào cũng phải có cuộc tương tranh giữa hai con đầu đoàn.

Cuộc tương tranh phải một mất một còn. Con đầu đoàn nào bị chết thì đoàn ấy tự ý sát nhập vào đoàn chiến thắng và chịu theo trưởng đoàn mới như không có sự gì xảy ra cả.

Đó, có lẽ là trường hợp của Xích Thố đang sắp sửa tranh đấu với Bạch Mã bây giờ!”

Quan Long nghe Thái Đình Hoàng dẫn giải một hồi về tư chất của ngựa rừng, rất phục họ Thái hiểu rộng biết nhiều về môn này.

– “Thái tiên sinh, trong hai con Xích Thố, Bạch Mã đồng lực đồng tài, tôi e cho Xích Thố quá.

Trang chủ nhận xét kỹ lại, Xích Thố nhỏ con hơn nhưng ức lớn, bốn vó tròn thon rất mạnh và lẹ hơn. Còn Bạch Mã, mới thoạt trông, ai cũng tưởng lớn hơn Xích Thố, kỳ thật chỉ có lớn eo, bốn vó lại to, tất thế nào cũng chậm chạp hơn Xích Thố. Theo tướng ngựa, điểm này bất lợi lắm. Dù sao, con Bạch Mã cũng là đẹp lắm.

Chúng ta nên nép cả vào đây chờ xem kết quả trận đấu ra sao đã. Bây giờ nhất định không thể hành động thế nào hơn là đóng vai khán giả tạm thời…”

Giữa thung lũng, hai đoàn ngựa càng hí vang động như cổ võ chủ soái ra quân.

Bạch Mã quay cuồng chồm lên mấy cái rồi nhắm hướng Xích Thố phi thẳng đến mạnh mẽ vô cùng.

Bên này, trái lại, Xích Thố không vùng vẫy, nhưng oai dũng đứng chờ, cất mũi cao thở mạnh.

Khi nhận thấy Bạch Mã cất vó phi thì Xích Thố cũng bật lên vùn vụt như tên bắn nhắm thẳng Bạch Mã phóng tới… Ai cũng tưởng hai con mãnh mã ấy sẽ va mạnh vào nhau và cũng té bật ngửa ra phía sau. Nhưng không! Chúng chồm đứng hai chân sau, bổ hai vó trước vào ức vào cổ, ghé đầu đẩy mạnh cho đến lúc Bạch Mã mất thăng bằng phải đứng hai vó xuống đất. Nhè lúc ấy, Xích Thố nhắm đầu Bạch Mã bỏ cả hai vó trước thiệt mạnh. Bạch Mã né sang bên tránh kịp. Trượt đòn Xích Thố phải động hai chân trước xuống đất.

Thừa thế, Bạch Mã cất vó hậu đá vô bụng Xích Thố. Lanh lẹ, Xích Thố nhảy tránh sang bên và chồm luôn hai vó trước lên cao bổ xuống sống lưng Bạch Mã, Bạch Mã né kịp. Cả hai con cùng chạy xa nhau ra mấy bước rồi quay ngoắt lại chồm lên nhau như lúc ban đầu. Trận đấu rất ác liệt, bụi bay mịt mù. Tiếng chân dậm thình thịch xuống đất, vó đập trúng nhau cồm cộp, hơi thở phì phò. Chờ Bạch Mã nhào xuống trước, Xích Thố quất luôn đuôi vào mắt địch thủ, đồng thời phóng luôn hai vó sau trúng cổ Bạch Mã. Trúng đòn cổ Bạch Mã bị toạc ra máu bắt đầu chảy. Rống lên, Bạch Mã quay cuồng chống trả mãnh liệt, nhưng Xích Thố lanh lẹ vô cùng tránh hết đòn. Hụt nhiều đòn, Bạch Mã đâm ra mệt nhọc chậm chạp hơn, tuy cũng hãy còn đủ sức khỏe trả đòn.

Ngọn đuôi của Xích Thố rất lợi hại, luôn luôn quất trúng mắt địch thủ khiến Bạch Mã tối mắt lại, bị trúng luôn hai vó hậu vào bụng té lăn ra mặt đất. Chưa kịp đứng hẳn dậy thì bị luôn hai vó trước của Xích Thố chồm cao lên dộng mạnh xuống như hai cái chày… bốp. Trúng đòn nặng vào giữa gáy, Bạch Mã rống lên đau đớn… Xích Thố hí lên mấy tiếng đắc thắng, chồm cao lên thực mạnh hai vó trước xuống nhằm đầu đối thủ. Không còn sức lánh nữa, Bạch Mã nằm êm chịu đòn, đầu bể nát, máu phọt ra như suối giãy chết. Đắc thắng, Xích Thố chạy quanh xác Bạch Mã, hí vang, nhào lên, nhào xuống mấy cái như muốn thách bày ngựa bên kia, nhưng kỳ thay, bày ngựa đối phương đã đứng im chứ không xôn xao như trước nữa…

Thái Đình Hoàng nói :

– Bầy Bạch Mã chịu hàng thuận rồi, Xích Thố sắp dồn hai bầy vào với nhau cho mà coi.

Quả vậy! Xích Thố phi như bay chạy quanh bầy ngựa mới chinh phục được mấy vòng.

Đoàn Bạch Mã chuyển động chạy sang tự sát nhập vào đoàn Xích Thố, Xích Thố phi vòng quanh thung lũng cho bày ngựa trên một trăm con chạy theo. Lát sau chúng ngừng lại, ăn cỏ như không có việc gì vừa xảy ra cả.

Quan Long nói :

– Đến lượt tôi làm quen với Xích Thố đây. Con này có miếng quất đuôi hay thật.

Dứt lời, chàng phóng ngựa ra giữa thung lũng, tay tả cầm sẵn cuộn thừng, tay hữu cầm đầu dây có móc sắt, điều khiển ngựa bằng vế đùi. Quan Long cho ngựa chạy nước kiệu trước mạnh, sau nhỏ quanh Xích Thố, cách tới chín mười trượng. Bầy ngựa cùng cất đầu lên đánh hơi, nhưng giây lát lại cúi xuống ăn cỏ như thường, trừ có Xích Thố vẫn cất đầu cao, hí nhẹ, bờm và đuôi bay theo chiều gió, trông như bực thần mã.

Quan Long mỗi lúc một gần tới Xích Thố. Trước còn đứng yên nhìn, tới lúc thấy cặp người ngựa lạ đến gần, Xích Thố bèn vùng lên phi thiệt lẹ.

Quan Long cũng thúc ngựa rượt theo. Con tuấn mã của họ Quan cũng hay lắm phi như tên bắn không nhường bước Xích Thố chút nào cả. Chạy vòng khắp thung lũng, lúc quặt tả, khi quặt hữu, có lúc đứng dừng hẳn lại, Xích Thố cố điều khiển cuộc chạy như có ý tinh khôn muốn làm cho ngựa lạ lỡ bước để bỏ xa.

Quan Long cũng tinh ý dự đoán được lối chạy của Xích Thố nên chàng điều khiển ngựa không bỏ lỡ bước nào hết. Tuy vậy, chàng vẫn để phòng phi ngựa cách Xích Thố độ hai trượng để phòng bị miếng đòn đuôi lợi hại. Rượt như vậy một hồi khá lâu, Quan Long nhắm hai vó sau của Xích Thố, tung dây quấn chặt. Đang phi mạnh, bị dây chằng vướng vó sau, Xích Thố mắt đà, té lộ đi mấy vòng.

Quan Long giật mạnh cho móc sắt tuột ra, thâu dây lại và thừa dịp ấy tiến lên, chờ Xích Thố đứng dậy, chàng phóng dây quấn chặt cổ con mãnh mã và đồng thời từ ngựa mình nhảy vụt sang lưng Xích Thố siết chặt dây lại. Xích Thố vùng lên hí vang, dữ tợn, cất hai vó trước thiệt cao cố ý hất Quan Long xuống đất.

Nhưng, cầm chặt mối dây, hai đùi như hai gọng kềm cặp chặt lấy bụng ngựa, nên không bị té. Dộng hai vó trước xuống đấy, Xích Thố vùng ra phi nước đại như muốn làm Quan Long mất thăng bằng. Nắm chắc mối dây và bờm ngựa, Quan Long cúi xuống cổ ngựa mặc cho nó chạy. Bỗng Xích Thố dừng hẳn lại, cúi đầu xuống đất, hất hai vó sau lên cao nhiều lần muốn quật Quan Long ra phía trước, nhưng vô ích, họ Quan dính liền trên lưng Xích Thố, hai đùi cặp chặt như chiếc đai vào bụng ngựa, tay siết chặt mối giây. Hồi lâu người và vật thử sức nhau, Xích Thố không thể nào hất Quan Long té nên đành chạy thẳng. Phần bị Quan Long không nới tay, Xích Thố khó thở, chạy yếu dần, không quật cường hung hãn như lúc ban đầu.

Mặc cho mãnh mã chạy, Quan Long nới dần mối dây tay kia vỗ nhẹ vào cổ ngựa, miệng thét mấy tiếng :

– Xích Thố! Xích Thố! Không được hung hãn!

Tuy vẫn từ từ nới mối dây, Quan Long thúc nhẹ chân vào hông ngựa, Xích Thố phi lẹ hơn, kiệu rất êm như một con ngựa được luyện tập thuần phục rồi. Quan Long nới hẳn mối dây hai đùi điều khiển đường chạy, Xích Thố theo đúng như ý muốn. Quan Long mừng rỡ không ngờ hàng phục được Xích Thố theo đúng như ý muốn, mau lẹ như vậy. Chàng điều khiển ngựa chạy từ từ quanh bầy ngựa rừng mấy vòng rồi rẽ Xích Thố ra chỗ bọn Thái Đình Hoàng, Xích Thố đi bước một như ngựa đã thuần, không hề tìm cách bạo động. Chưa tin hẳn, Quan Long cho ngựa đi thong thả, quanh nơi co người mấy vòng rồi mới nhảy xuống đất.

Bọn mục tử thạo nghề đã tháo yên cương con ngựa cũ của Quan Long cầm ra đóng cho Xích Thố, trong khi Quan Long vẫn giữ mối dây nới lỏng trên cổ nó, Xích Thố xoay đi, xoay lại muốn cưỡng. Quan Long vỗ vào cổ, nói mấy câu, nó đứng yên ngay như họ Quan là chủ nó đã từ lâu rồi. Thái Đình Hoàng đứng ngoài cũng phải lấy làm lạ nghĩ thầm có lẽ Quan Long và Xích Thố là hiện thân của Quan Vân Trường và con bảo mã thời Tam Quốc, chớ không khi nào một con ngựa rừng đã thuần tánh mau lẹ như vậy. Yên cương đã đón xong Quan Long nhảy lên ngồi buông lỏng cương cho Xích Thố chạy kiệu nhỏ, kiệu lớn nhiều vòng rồi mới trở về chỗ mọi người đứng.

– Thái tiên sinh ạ, trời gần tối rồi, đêm nay đốt lửa ngủ lai đây sáng mai hãy trở ra Xuyên Lâm ổ sớm.

– Tôi cũng nghĩ như vậy, chúng ta ngủ ở dưới hốc đá kia kìa.

Dứt lời, Thái Đình Hoàng bảo bộ hạ tìm suối lấy nước cho ngựa uống. Đoàn mục tử, kẻ việc nọ, kẻ việc kia, lanh lẹ vô cùng, không bao lâu, chúng đã gây được đóng lửa, nấu ăn với các vật dụng đem theo. Để nguyên cả yên cương, Quan Long buộc Xích Thố vào cây nhỏ và nằm liền ngay gần đó.

Sáng hôm sau Quan Long cưỡi Xích Thố len lỏi vào giữa đám ngựa rừng sau đó chàng rẽ ngựa vào đường núi. Quả nhiên bầy ngựa chạy theo Xích Thố và khi tới đường hẹp trong núi chúng nối đuôi đi hàng một. Bọn Thái Đình Hoàng đi áp hậu. Trưa hôm ấy về tới Xuyên Lâm ổ.

Thái Đình Hoàng ra lệnh nhổ trại, cùng Quan Long đi trước, dẫn bầy ngựa rừng về Thái gia trại ở Phù Linh huyện. Thái Đình Hoàng gọi thợ chuyên môn trong trang trại sửa lại bờm, đuôi và lông hai vó sau cho Xích Thố.

Thấy người lạ Xích Thố không chịu, cắn đá, thợ không dám lại gần. Quan Long phải đứng bên giữ, vất vả lắm người thợ mới làm xong phận sự. Sửa sang xong, Xích Thố đẹp và kiêu hùng hơn trước nhiều, lông bóng mượt, sắc đỏ thẫm như chu sa, ức to, cổ rộng, người trong trại cũng trầm trồ khen ngợi.

Thái Đình Hoàng nói với Quan Long :

– Chúc mừng Trang chủ thâu phục được con thần mã trúng ý. Tôi có một bộ yên cương mới đồng màu với sắc Xích Thố và có lẽ rất vừa xin kính tặng Trang chủ.

Nói đoạn, họ Thái sai gia nhân vào nhà trong lấy bộ yên đỏ ra đóng thử cho Xích Thố thì vừa vặn như in.

Quan Long rất lấy làm đắc ý, nói mấy lời cảm ơn.

Thái Đình Hoàng cười :

– Sá chi món quà nhỏ mọn ấy! Trang chủ vừa cho tôi cả bầy ngựa rừng trên một trăm con đó sao?

Tối hôm ấy, Thái Đình Hoàng bày tiệc ăn mừng cuộc thâu phục Xích Thố và cũng là mừng một chuyến buôn lời nhiều mà không mất vốn.

Nghe lai lịch và chuyện thâu phục Xích Thố, anh em họ Chu rất lấy làm thích thú, Ba người uống rượu ở Mã Thạch Quán đến trưa mới về nhà. Trong bữa tiệc tối hôm ấy, anh em Chu gia yêu cầu Quan Long vâng lời, xắn áo, truyền hai tên gia nhân vào vác cây đao thờ ra trước bàn tiệc, Quan Long xách đao bái tổ, thoái bộ lại ba bước, đem tận lực bình sanh ra biểu diễn bài Long Đao lịch sử ấy. Lưỡi đao lượn khắp bốn phương, tám hướng, làn đao quay trong vùn vụt như chớp giật mưa gào dương đông kích tây, dữ trên đánh đuổi, Quan Long xông xáo chẳng khác chi mãnh hổ, người và đao quyện lấy nhau, trông vừa ngoạn mục vừa dữ dội vô cùng, quả không hổ danh con nhà tướng.

Anh em Chu gia khen ngợi không ngớt miệng.

Biểu diễn xong bài đao, Quan Long trở lại bàn tiệc, mặt không biến sắc, hơi thở vẫn đều hòa nhẹ nhàng như thường.

– Chu đại ca thực thà thấy bài đại đao họ Quan thế nào?

Chu Đức Kiệt cả cười :

– Hiền đệ còn khách khí hỏi ngu huynh như vậy sao? Quả rất xứng đáng danh tướng môn, tài đánh đao của hiền đệ liệu trên đời này có được mấy người? Chẳng trách khi xưa lệnh nội tổ lấy đầu Nhan Lương, Văn Xú không đầy nháy mắt.

– Ấy cũng nhờ ở tay đao lẹ hơn chớp giật và hộ vó Xích Thố lướt như bay đó sao? Chừng nào quốc gia hữu sự, Quan hiền đệ ắt phải tay phò Vua, giúp nước, với tay đao bách chiến bách thắng ấy, hiền đệ thế nào chẳng thừa sức ghi nhiều chiến công hiển hách chốn sa trường?.. Ngu huynh xin mừng hiền đệ làm ly rượu bái phục này.

Dứt lời, Chu Đức Kiệt cung kính hai nâng ly rượu lớn đưa mời Quan Long.

– Đại ca cho thì uống, võ nghệ của ngu đệ chẳng qua chỉ là việc múa rìu qua mắt thợ trước lòng bao dong của đại ca thôi!

Quan Long đỡ lấy ly rượu uống cạn.

Chu Đức Kiệt nghiêm nét mặt nói :

– Ngu huynh thiệt tình ca ngợi đó! Nói tới hai chữ võ nghệ thì quá rộng nghĩa với sự bành trướng tiến triển về khí giới trường đoản, và quyền cước cùng các môn nội ngoại công phu của thời đại này. Nhưng trên chiến trường tung hoành trong đám quân trăm vạn, hổ tướng ngàn viên, thì hiền đệ tất là một viên mãnh tướng khiến địch quân phải kinh hồn táng đởm. Ngu huynh không dám nói sai.

Lam Y nghe hai người đàm luận thì có vẻ suy nghĩ.

Quan Long thấy vậy hỏi :

– Chu muội nghĩ chi vậy? Ý kiến của hiền muội thế nào?

Nàng mỉm cười đáp :

– Bất tất phải bàn cãi về tài dũng tướng của Quan đại ca nữa. Ý kiến của gia huynh đã đầy đủ. Vừa rồi, ngu muội nghĩ về hai thứ khí giới trường và đoản thôi.

– Nhị vị hành hiệp, thường dùng đoản khí, vậy có sở trường về khí giới trường không?

– Có chứ. Như gia huynh ưa dùng đại đao và rất phục Hán Thọ Đình Hầu. Còn ngu muội thích đánh bát xà mâu như Trương Dực Đức hay Lâm Xung thuở trước.

– Nhà có đủ khí giới, chắc cây mâu không vừa tay hiền muội. Chi bằng sẵn cây Yển Nguyệt Long Đao tốt đây, mời Chu đại ca biểu diễn thử cho ngu đệ được học hỏi thêm về môn đao pháp.

Mỉm cười, Chu Đức Kiệt đứng lên :

– Xin vâng, nhưng chớ cười tài hèn múa rìu qua mắt thợ nhé!

Hai gia nhân hãy còn dựng cây đao chờ đó. Chu Đức Kiệt đón lấy, nhảy ra trước bàn thờ Quan Võ biểu diễn bài Yển Nguyệt Long Đao của họ Quan. Làn đao loang loáng như tuyết tỏa, sương tan, bật thành tiếng gió rít như lụa xé. Múa một bài đao gia truyền của họ khác mà đạt tới mực ấy thì quả thế gian này ngoại trừ Quan Long, chỉ có một mình chàng.

Quan Long giật mình ngơ ngác không hiểu tại sao bài đao gia truyền của họ Quan lại được Chu Đức Kiệt biết biểu diễn một cách bảo công phu không sai mảy may nào cả. Hay là họ Chu có trí nhớ, thâu nhận được hết bài đao tuyệt kỹ ấy trong lúc chàng phô diễn đao pháp hồi nãy?

“Không!”.

Dù sáng trí đến mấy cũng không thể nhìn một lần mà theo nổi một bài đao như vậy được. Tất có nguyên do gì. Liếc nhìn thấy Quan Long vẻ mặt nghĩ ngợi. Lam Y hiểu ý chỉ mỉm cười rất tự nhiên. Biểu diễn xong bài đao, Chu Đức Kiệt bái tổ trước bàn thờ, cắm đao vào giá, rồi mới trở lại bàn tiệc.

Quan Long vội hỏi :

– Đại ca có thể cho tiểu đệ biết nguyên do việc học đao pháp nhà họ Quan ra sao không?

– Trước khi trả lời, ngu huynh muốn biết ý kiến của hiền đệ về lối biểu diễn vừa rồi ra sao đã.

– Nếu có một danh sư nào trông thấy đao pháp của chúng ta khi sử dụng bài Yển Nguyệt Long Đao, chắc phải lầm đại ca là con trưởng nhà họ Quân này rồi.

Chu Đức Kiệt nhìn thẳng vào mặt Quan Long giây lát rồi nói :

– Chính gia thúc phụ và cũng là sư phụ của ngu huynh đã truyền lại bài Long đao này. Người có cho ngu huynh biết đó là đao pháp của Quan Võ thuở trước, chớ không nói vì lẽ gì. Người sử dụng nổi bài đao ấy, ngờ đâu bữa nay lại gặp Quan hiền đệ là chân chủ lối đao pháp huyền diệu ấy, Hay là…

Chu Đức Kiệt chợt im lặng, sự nghĩ ngợi hiện trên nét mặt.

Lam Y mắt sáng long lanh chăm chú nhìn anh.

Quan Long nóng ruột hỏi :

– Hay là… sao hả đại ca?

Chu Đức Kiệt trầm ngâm :

– Hay là mấy đời về trước chúng ta đã có họ xa với nhau? Trong cuốn gia phả nhà họ Chu có ghi nhủ danh bà nội tổ của ngu huynh họ Quan tên Thái Cẩm, nhưng không ghi sanh quán ở nơi nào! Gia phụ và gia thúc có nói rằng nội tổ là một trang cân quắc võ nghệ tuyệt luân. Biết đâu hồi xưa Người không phải là một nhân vật có liên hệ với họ Quan của hiền đệ?

Quan Long vui mừng ra mặt, đứng lên vái Chu Đức Kiệt :

– Thế ra biểu huynh và biểu muội đây mà ngu đệ không biết! Chúng ta có họ với nhau chắc chắn rồi.

Dứt lời, Quan Long đến bàn thờ lấy xuống một chiếc hộp bằng gỗ trầm chạm trổ rất công phu đem lại đặt trên chiếc kỷ, mở ra lấy một cuốn sổ mở ra đưa cho anh em họ Chu coi.

– Biểu huynh và biểu muội xem kỹ, Quan Thái Cẩm là chị ruột của tứ đại nội tổ. Bà xuất giá năm mười tám tuổi, kết duyên cùng người họ Chu tên Đức Điền người Bắc Trực Lệ. Không ghi rõ hơn nữa.

Anh em Chu gia cũng mừng rỡ vô cùng.

Chu Đức Kiệt nói :

– Tên và thế hệ trùng nhau là chắc chắn đúng rồi. Cũng vì anh em ta có mối tình liên lạc nên Hán Thọ Đình Hầu linh thiêng báo mộng xui giục cho ta gặp nhau đó.

Lam Y cười ròn rã :

– Ngu muội kết luận thế này: Tứ đại nội mẫu là người họ Quan, xuất giá năm mười tám tuổi mà là vị cân quắc anh thư, tất hẳn phải biết bài Yển Nguyệt Long Đao gia truyền của dòng họ mình. Sau đó, bà mới truyền lại cho con và từ con đến cháu là thế. Như vậy họ Chu sở trường cả hai môn Đao pháp gia truyền trường và đơn, phải không nhị vị hiền huynh?

Chu, Quan hai người cùng gật đầu khen phải. Quan Long cất cuốn gia phả vào hộp rồi sai nữ tì vào mời phu nhân ra. Lát sau Tôn thị dắt Quan Hổ đi ra. Quan Long đem chuyện vừa rồi nói cho vợ nghe. Tôn Thị vốn người hiền thục, nghe chồng nói cũng vui mừng, cùng anh em Chu gia giao bái nhận họ.

Lam Y nói :

– Bây giờ đã là người họ rồi. Chắc Quan tẩu tẩu chẳng hiềm chúng tôi là võ biền, cùng ngồi đàm đạo cho vui…

Quan Long bảo Quan Hổ quỳ lạy anh em Chu gia kêu là bá phụ và cô mẫu. Tuy mới lên sáu tuổi, nhưng Quan Hổ đã rất đĩnh đạc, khỏe mạnh không hổ dòng dõi tướng môn.

Chu Đức Kiệt hỏi Quan Long :

– Vài bữa nữa biểu đệ nên cùng ngu huynh đi Kim Lăng chơi, xem đấu mã luôn thể.

Tôn thị cũng nói :

– Anh em mới gặp nhau, phu quân nên đi chơi một phen. Xong hội lại mời biểu huynh biểu muội về Quan gia chơi vài tháng sẽ hay.

Lam Y nói :

– Vì đã trót hẹn với mấy người bằng hữu nên phải đi, tuy vậy thế nào gia huynh và ngu muội cũng sẽ có dịp trở qua Mã Thạch cương và khi đó ở nhiều ngày, chị em ta sẽ có nhiều thì giờ đàm đạo…

Trước kia, Quan Long không muốn đi Kim Lăng xem hội một mình, nay có thêm anh em họ Chu nên chàng đổi ý muốn đi một chuyến xem sao. Hơn nữa, chàng sẽ kết giao với các anh hùng bằng hữu của họ Chu luôn thể. Chàng bảo Tôn thị :

– Được! Tôi đi cùng biểu huynh, biểu muội đi Kim Lăng ít ngày, việc nhà hoàn toàn trông cậy ở sự điều khiển của hiền thê. Nhất là chớ chiều thằng Hổ dong túng nó vào trong thôn đánh nhau với trẻ khác nhé!

Quan Long hỏi với anh em Chu gia :

– Sáng ngày một, chúng ta lên đường mới kịp. Biểu huynh hẹn tụ hội với các vị anh hùng ở khu nào tại Kim Lăng?

Chu Đức Kiệt nói :

– Nơi chỉ định cho cuộc tụ họp là Hoa Vương Lầu. Hiền đệ có thuộc Kim Lăng không?

– Tửu lầu đó gần phủ Thuận Vương, rộng lớn, sang trọng lắm. Theo ý ngu đệ, ta chẳng nên tụ hội tại nơi quá ư lộ liễu ấy.

– Ủa! Tại sao vậy?

– Nghe nói Thuận Vương tổ chức một hệ thống do thám khá lớn láo để dò xét những nơi trà thất, tửu lầu. Chi bằng đến ngụ tại nhà một người bạn của tiểu đệ, kín đáo hơn.

Lam Y nói :

– Hôm ở Dương Châu mọi người cũng đồng ý họp nhau ở Hoa Vương lầu cho dễ tìm. Sau đó sẽ kiếm tửu quán nào vắng vẻ để trọ. Số bạn bè có tới mươi người, liệu đến nơi tư gia có tiện không? Chưa kể ngựa nữa đó.

Quan Long cười vang :

– Biểu muội đừng lo. Nơi mà chúng ta sẽ tới đây là một trang trại có thể chứa được nhiều thực khách. Chủ trang là Cao Thiệu Đàm tự Lăng Quân năm nay ngoại tứ tuần, vốn nhà nho nhã, tánh tình hào sảng rất ưu thích kết giao với anh hùng, quân tử trong thiên hạ. Giàu có từ bao đời rồi, ruộng nương thẳng cánh cò bay, Cao Thiệu Đàm ưa làm việc nghĩa cho nên được lòng rất nhiều người, ai ai cũng kính nể. Chúng ta ở đó yên trí lắm. Năm ngoái, họ Cao đi Dương Châu có nán lại đây ít ngày, mà lần nào đi Kim Lăng, ngu huynh cũng ở nhà y.

Chu Đức Kiệt nói :

– Được rồi, tới Kim Lăng sẽ hay. Trong bọn anh hùng, chuyến này có Trại Mạnh Thường Âu Dương Tòng Thiện là một tay lão bối anh hùng, quảng giao, danh vang thiên hạ, chưa hiểu người ấy định ở đâu.

Quan Long vội hỏi :

– Có phải vị tiền bối anh hùng đó người Tô Châu không?

Chu Đức Kiệt gật đầu :

– Chính người ấy đó.

Nếu vậy chắc chắn lão anh hùng sẽ đến Cao gia trang rồi. Tiểu đệ chưa được gặp mặt nhân vật ấy chuyến nào, nhưng Lãng Quân nói tới người ấy nhiều lần. Lần nào Âu Dương Tòng Thiện lên Kim Lăng cũng ngụ lại nhà họ Cao.

– A há! Thế thì còn chi bằng!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN