Lam Y Nữ Hiệp - Chương 22: Nhập chốn thâm cung, si mê Hoàng hậu Mưu đoạt ngôi trời, nạp tướng đồn binh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
137


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 22: Nhập chốn thâm cung, si mê Hoàng hậu Mưu đoạt ngôi trời, nạp tướng đồn binh



Thuận Vương tục danh là Chu Vĩnh Thái, vốn là em họ đương kim Minh triều Hoàng đế Vĩnh Lạc.

Khi trước Tĩnh Vương Chu Trường Đức thân sinh của Thuận Vương vốn là một người đa tình, thấy Mai Hương hoàng thái hậu nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn nên phải lòng thường ước ao được cùng người ngọc chung vui một đêm, hôm sau dù có chết cũng hả lòng.

Lợi dụng tình thân mật gia đình và quyền cao chức trọng, Tĩnh Vương luôn luôn ra vào nơi cung cấm, tìm cách gặp mặt người yêu kỳ được mới nghe.

Mai Hương hoàng hậu (lúc đó là Hoàng hậu) tánh tình đoan trang thùy mị nhận thấy Tĩnh Vương là kẻ si tình không đúng đắn, lợi dụng đức tánh thẳng thắn của Hoàng đế trong những buổi yến tiệc gia đình nơi thâm cung, đã một đôi lần thử lời ong bướm. Lần nào Tĩnh Vương cũng bị Mai Hương hoàng hậu nghiêm nghị cự tuyệt, và nhắc cho y khỏi quên bổn phận quân thần.

Hoàng hậu cũng không dám mách thẳng với Hoàng đế việc đó, e xảy ra sự xích mích giữa hai anh em có phương hại cho Hoàng gia và triều chánh. Dù sao, Chu Trường Đức cũng là Thân Vương, bề ngoài cần phải giữ uy tín với bách quan. Nhưng ái tình chẳng thuốc mà say, càng bị Mai Hương hoàng hậu lãnh đạm cự tuyệt bao nhiêu, Tĩnh Vương càng mê luyến si ngây bấy nhiêu, nhất quyết tìm cách gặp mặt người ngọc để tỏ tình một lần chót. Nếu nàng vẫn khăng khăng cự tuyệt, Tĩnh Vương quyết bạo hành thỏa mãn lửa tình bồng cháy khó bề dập tắt.

Hoàng đế vốn giàu tinh thần thượng võ, hơn nữa là một tay thiện xạ thường cùng bách quan tổ chức các cuộc săn bắn ngoài khu vực Yên Kinh. Chuyến săn nào cũng có Tĩnh Vương Chu Trường Đức túc trực bên nhà vua.

Một hôm biết trước dự định cuộc săn bắn của Hoàng đế, Chu Trường Đức cáo lỗi không dự viện lẽ bất an. Nhà vua cũng không ép và truyền ngự y đến Vương phủ chẩn mạch hốt thuốc. Khi ngự y tới, Tĩnh Vương nói rằng trong người mệt mỏi xoàng, không cần phải dùng thuốc uống mấy chỉ nhân sâm sẽ mạnh ngay. Vô tình ngự y ra về, Tĩnh Vương vội vàng vào Hoàng cung quyết thi hành ý định. Không qua chánh môn, Tĩnh Vương đeo đoản kiếm nhập thâm cung theo cửa riêng. Quen với lối đi lại thân mật của vị thần vương ấy, ngự lâm quân và bọn thái giám chỉ hỏi qua loa và để cho Tĩnh Vương vào nội cung, nơi Hoàng hậu Mai Hương ngự.

Thấy Tĩnh Vương một mình nhập cung, trưởng đoàn cung nữ lạy chào xong, hỏi :

– Chẳng hay có việc chi cấp bách mà Vương gia vào nội cung không báo trước cho Hoàng hậu hay? Chắc Ngài sẽ không bằng lòng.

Tĩnh Vương xua tay :

– Chà! Nếu việc không cơ mật thì ta vội vã vào đây làm chi cho mất công? Hoàng hậu đâu?

Trưởng đoàn cung nữ tên là Phượng Bình Nhi vốn là một người túc trí đa mưu. Xưa nay, nàng đã nhiều phen để ý đến thái độ ngạo mạn của Tĩnh Vương, nhưng nàng cũng thấy Hoàng hậu, người đoan trang đáng kính, nên tự hiểu ngấm ngầm theo dõi Tĩnh Vương mỗi khi y vào cung, viện lẽ nọ điều kia để được Hoàng hậu tiếp đón.

Chuyến này, Hoàng đế đi săn vắng, Tĩnh Vương túc trực bên vua trong cuộc ngự xa, nay bỗng nhiên thấy y đột ngột vào cung tìm gặp Hoàng hậu thì lẽ cố nhiên Phượng Bình Nhi phải dự đoán và nghi ngờ ngay. Nàng hỏi :

– Tiện thiếp tưởng Vương gia theo Thánh hoàng ngự xạ hôm nay?…

Đã vội vàng lại bị Phượng Bình Nhi cản hỏi lôi thôi, Tĩnh Vương giận lắm, nhưng cố nén tâm cười :

– Chuyến này có khác những lần trước đâu mà người lấy làm lạ! Ta thân thể bất an. Đang nằm nghỉ, chợt nhận được mật báo, nên ta muốn trình bày với Hoàng hậu trước khi quyết định. Ngươi vào ngay báo với Người rằng ta xin triều kiến. Gấp lắm nhé!

Nhìn cặp mắt Tĩnh Vương, Phượng Bình Nhi lượng đoán ngay vì Vương gia này không nói thiệt.

– Xưa nay, Hoàng hậu ít khi tự tham dự việc triều trung mà không có Thánh thượng ở bên, khá xin Vương gia, hoặc đình vụ này lại chờ Thánh thượng trở về, hoặc xin Ngài sang bên Tể tướng phủ hiệu triệu chư quan thường trực quyết định, như vậy danh chánh ngôn thuận hơn. Tiện thiếp có trách nhiệm tra cứu sự xuất nhập trong cung Hoàng hậu, vậy cũng xin Ngài lượng tính hiểu cho.

Đã gấp gặp mặt người đẹp cho thỏa tình mong ước thi hành loạn kế, lại bỗng dưng bị một tên Trưởng đoàn cung nữ vô danh tiểu tì cản trở làm mất bao nhiêu thì giờ vàng ngọc. Tĩnh Vương nổi giận đùng đùng, tay mân mê chuôi kiếm. Tuy vậy, y thấy cặp mắt phượng lanh lanh cương quyết của Phượng Bình Nhi thì cũng chột dạ vì Phương nữ có quyền nơi cung cấm của Hoàng hậu, dù quyền cao chức trọng biết mấy mà không có sắc lệnh của Hoàng đế hay Hoàng hậu thì cũng chẳng qua nơi cấm phòng này.

Tĩnh Vương dịu giọng :

– Phượng Bình Nhi! Ngang bướng làm trì trễ công việc người có biết là đắc tội không. Ta mệt mỏi cần xong việc rồi mau mau về phủ nghỉ. Khá vào báo cho Hoàng hậu nghe.

Phượng Bình Nhi nghĩ thầm:

“Y muốn gặp Hoàng hậu cũng được, ta sẽ đứng đó, dù y bạo dạn biết mấy cũng chẳng dám càn dở. Nếu nhất quyết ngăn cản như vầy, lỡ ta đoán sai, làm trì trễ quốc sự, e mang tội tầy đình”.

– Xin tuân lệnh. Vương gia hãy nán chờ tiện thiếp vào báo ngay, xem Hoàng hậu định đoạt thế nào.

Nói đoạn, nàng bảo mấy cung nữ ở lại đó mặc nàng tự kỷ vào hậu cung báo.

Xưa nay, Mai Hương hoàng hậu vẫn quý mến Phượng Bình Nhi vì tánh tình cương trực trung thành của nàng, được coi như một người em, Phượng Bình Nhi càng ra sức phụng sự, công việc trong hậu cung răm rắp đâu vào đấy, trên được Hoàng đế và Hoàng hậu sùng ái, dưới được bọn cung nữ và thái giám kính nể.

Hôm ấy, Mai Hương hoàng hậu đang ngồi tựa kỷ đọc cuốn Xuân Thu Chiến Quốc, thì Phượng Bình Nhi vào quỳ tâu :

– Muôn tâu mẫu hậu, có Tĩnh Vương xin vào hầu.

Mai Hương hoàng hậu dịu dàng :

– Phương Bình Nhi! Đã bao lần ta cho phép em được tự nhiên, đừng có ra quỳ vào lạy. Chị em ta thường ngày trông thấy nhau, thủ lễ như vậy mất cả tự nhiên. Vậy từ nay, em bằng nghe lời ta. Trừ phi có Thánh thượng nhập cung, nghe chưa?

Phán xong, chợt nghĩ đến Tĩnh Vương xin yết kiến, Mai Hương hoàng hậu hơi căn đôi mày liễu :

– Thân Vương có nói chi thêm không? Người xin yết kiến với tư cách gì?

– Bẩm thưa Hoàng hậu, Tĩnh Vương nói có việc cơ mật quốc sự cần trình qua với Hoàng hậu vì Thánh thượng ngự xa chốn kinh thành.

Ngẫm nghĩ giây lát, Mai Hương hoàng hậu truyền :

– Mời Thân Vương vào phòng ngự, chúng em cũng nên quanh quẩn kín đáo gần đó, không được đi xa nghe?

– Dạ xin tuân lệnh.

Mai Hương uể oải đứng lên ra trước gương, sửa lại mái tóc mây đen huyền làm nổi hẳn khuôn mặt trái xoan xinh đẹp với nước da trắng như ngà của nàng.

Hai cung nữ lấy chiếc lam bào thêu long đem đến. Mai Hương xỏ tay áo chờ cung nữ cài khuy xong, nàng nghiêm chỉnh bước ra ngự phòng, hai cung nữ theo sau.

Một cung nữ khác đã chạy ra báo trước cho khách biết có Hoàng hậu tới. Ngự phòng trang hoàng theo thể thức điện Ngự triều của đức Vua.

Cung nữ hô lớn :

– Hoàng hậu đã tới.

Rèm gấm hồng đều vén lên, Hoàng hậu đủng đỉnh bước ra vừa lộng lẫy uy nghi với chiếc lam bào xanh biếc.

Trông thấy người ngọc, Tĩnh Vương sung sướng hồi hộp, tim đập như trống trận.

Tĩnh Vương vái dài (Các thân vương khi ra vào nơi cung cấm được miễn lạy) đưa mắt nhìn Mai Hương :

– Kẻ hạ thần vào đây làm rộn chốn thâm cung trong lúc Hoàng hậu đang nghỉ ngơi, thiệt đáng tội muôn vàn. Chẳng hay Ngài có được khang an không?

Khẽ gật đầu chào lại, Mai Hương hoàng hậu khẽ cười để lộ hàm răng trắng ngà, cất tiếng nhẹ nhàng uyển chuyển.

– Nhờ ơn Thánh thượng, quốc gia thái bình, tôi cũng được hưởng lây sự bình an khang hảo. Vương gia có việc chi cần dạy bảo? Xin mời an tọa.

Dứt lời, Mai Hương hoàng hậu uyển chuyển tiến ngự trên long ỷ.

Tĩnh Vương ngồi xuống chiếc ghế ở bệ dưới :

– Muôn tâu Hoàng tỉ, việc mà kẻ hạ thần trình bày đây tối ư cơ mật, thiết tưởng…

Tĩnh Vương ngừng nói, đưa mắt nhìn mấy tên cung nữ đang đứng hầu.

Hiểu ý, Mai Hương hoàng hậu mỉm cười, bảo cung nữ :

– Cho các ngươi lui bước. Chừng nào cần, ta sẽ gọi :

– Bọn cung nữ vội vàng kín đáo đi lùi, biến vào sau các rèm cửa nặng nề bằng gấm thêu hoa.

Chờ cho bọn cung nữ đi khỏi, Tĩnh Vương nói :

– Hôm nay đáng lẽ phải theo Hoàng Huynh săn bắn, nhưng thần bất an, cáo bệnh ở nhà.

Dùng lối xưng hô thân mật như vậy. Tĩnh Vương dụng ý để Mai Hương cũng phải gọi mình với danh từ thân hơn. Nhưng nàng rất bình tĩnh, nghiêm nghị :

– Vương gia đang lúc không được khang kiện, nhập cung, tất có điều hay dạy bảo, vậy xin cứ tùy tiện kẻo phí thì giờ quý báu.

Trước nét mặt đẹp nhưng cương nghị của Mai Hương hoàng hậu, Tĩnh Vương thấy ngài ngại, nhưng tên đã đặt lên dây rồi, không bắn cũng chẳng được, nên đánh bạo :

– Bữa nay kẻ hạ thần vào đây không với tư cách của Tĩnh Vương xin ra mắt Minh triều Hoàng hậu, mà với tư cách của Chu Trường Đức sau bao đêm tương tư hồn mộng, lửa tình nung nấu can trường, thương nhớ một Mai Hương khắc khoải sầu lạnh lẽo chốn thâm cung.

Nghe giọng nói si tình đốn mạt của Chu Trường Đức Mai Hương đỏ mặt nghiêm nghị dằn giọng :

– Ta yêu cầu Vương gia ra khỏi nơi này ngay và khuyên Ngài đừng mơ tưởng hảo huyền kẻo sau này hối không kịp đó.

Trước thái độ cứng rắn nghiêm nghị đoan trang của Mai Hương, Chu Trường Đức nhận thấy đang đứng trước một tình thế tiến thối lưỡng nan, không bạo động không được.

Nghĩ vậy, Chu Trường Đức đứng lên tiến tới bực điện bày long ỷ, nơi Mai Hương hoàng hậu đang ngồi. Nhưng khi vừa đặt chân lên bực thứ nhất thì có tiếng lanh lảnh vang lên ở phía sau.

– Muôn tâu Hoàng hậu có lệnh chỉ truyền dạy?

Giật mình, Chu Trường Đức quay lại thì không phải ai xa lạ, người vừa nói đó là Phượng Bình Nhi gọn gàng trong bộ võ phục, đeo bảo kiếm bên sườn. Sau Phượng Bình Nhi có mười cung nữ đồng phục, kiếm tuốt trần sáng loáng.

Tuy có học qua năm, ba thế võ, nhưng vốn người trác táng, tự lượng không địch nổi đoàn cung nữ phòng vệ của Mai Hương hoàng hậu, Chu Trường Đức không ngờ con người tuyệt sắc như Mai Hương kia mà lại quyết liệt, thờ ơ, lãnh đạm trước mối tình say đắm của mình như vậy. Biết tính sao bây giờ!

Liều thân, bạo hành với Mai Hương không nổi vì sẽ vấp phải bức trường thành cung nữ phòng vệ kia, mà ra về thì chắc chắn hậu quả sẽ không hay. Mai Hương sẽ tường trình với Hoàng đế vụ này, tránh sao khỏi đổ vỡ?

Tĩnh Vương đang băn khoăn khó nghĩ, thì Mai Hương hoàng hậu đã mỉm cười, bảo phượng Bình Nhi :

– Vương gia bàn việc cơ mật đã xong, các ngươi khá tiễn Người ra khỏi Hoàng cung để mau về nghỉ kẻo nhọc thể bất an.

Trước sự đuổi khéo và kín đáo của Mai Hương hoàng hậu, Tĩnh Vương không biết làm thế nào hơn là xá dài, bái từ Hoàng hậu ra về.

Phượng Bình Nhi đưa Tĩnh Vương ra Hoàng cung, trở về phục lệnh.

– Em thừa biết cái dã tâm của Tĩnh Vương nhưng cũng nên kín đáo, nếu để Hoàng thượng biết việc này thì hậu quả không hay cho y. Gây một mối thù giữa người trong Hoàng tộc là một việc chẳng nên làm. Em hiểu chưa?

Phượng Bình Nhi nhất nhất vâng tiếp.

Từ đó Tĩnh Vương bẽ mặt thường cáo lỗi không dự các bữa yến thân mật trong Hoàng cung, hơn nữa còn đem lòng thù oán cho rằng chính nhà Vua là bức tường phân cách mình với Mai Hương. Nếu không có nhà Vua, vị tất Mai Hương kia đã hững hờ với mối tình si mê của mình.

Về phần Mai Hương cũng rất tâm lý, nàng lo sợ Tĩnh Vương đem tâm hãm hại Hoàng đế, nên nàng bịa lời khuyên Vua bổ nhiệm Tĩnh Vương xuống một trọng trấn miền Nam, Như vậy, Tĩnh Vương có một phận sự trước triều đình, và với thời gian cùng với sự cách trở quan san vạn dặm, lửa lòng y sẽ tắt và tắt hơn cả mối thù bất chánh.

Không hề nghi ngờ, Hoàng đế khen phải hạ chiếu chỉ bổ Tĩnh Vương xuống đất Giang Nam. Tĩnh Vương ra đi, căm tức, hậm hực, cho rằng nhà Vua đày mình xuống miền Nam để báo thù vụ mạo thượng trong cung bữa nọ. Vị Vương gia đó thề chỉ trở về Yên Kinh với tư cách một vị tân Hoàng đế chớ không chịu kém nữa. Mối thâm thù mà Tĩnh Vương tự tạo ra đối với nhà Vua ngày một sâu rộng và cũng là đầu mối vu hoán ngôi tạo phản sau này.

Lúc đó vào giữa thời toàn thịnh của Minh triều. Tĩnh Vương có mưu phản cũng không phải dễ dàng. Trước hết, cân được lòng dân và các quan lại trong triều, sau nữa phải đầy đủ binh hùng tướng mạnh. Tạo được một lực lượng đầy đủ như thế giữa lúc quốc gia đang vững chắc, muôn dân đang hưởng đời sống an bình, quả là điều vạn nan. Bởi vậy, hết năm nọ sang năm kia, Tĩnh Vương cũng chẳng mưu đồ nổi đại sự, cho đến khi tuổi đã cao thì dự tính kia hoàn toàn vô vọng. Tĩnh Vương có ba người con trai là Chu Vĩnh Thái, Vĩnh Bình, và Vĩnh An, cùng ở cả với cha tại Kim Lăng.

Chu Vĩnh Thái khá nhất được Tĩnh Vương tin cậy hơn cả. Tĩnh Vương bịa ra một chuyện thâm thù với dòng trên họ Chu tức là nhà Vua dạy lại cho các con mưu đồ hoán ngôi sau này báo huyết hận. Hoàng đế băng hà truyền ngôi cho Thái tử Trường Chinh lấy hiệu là Vĩnh Lạc hoàng đế. Ít lâu sau, Tĩnh Vương cũng quy tiên, Chu Vĩnh Thái được tập ấm thay cha lãnh tước Thuận Vương. Chu Vĩnh Binh được bổ nhậm phủ Trường Sa, còn Chu Vĩnh An thì bổ nhậm Hàng Châu.

Sở dĩ Thuận Vương vận động cho hai em đi hai nơi đó là có mục đích gây thanh thế tiện việc chiêu binh tướng cần dụng cho sự mưu phản sau này. Không được thượng võ, cương quyết như Tiên Đế, Vĩnh Lạc hoàng đế hiền đức quá đến nỗi thành nhu nhược. Nhất là từ khi Mai Hương hoàng hậu quy tiên, các bầy tôi trung thành cứ về già, kẻ mất, người cáo lão điền viên, triều chánh thay đổi rất nhiều.

Gian thần chuyên quyền, thành thử con các bầy tôi trung thần trước kia được tập ấm phò Vua đâm ra chán nản. Kẻ bực tức từ quan, người bị quyền gian hãm hại. Quan Thái Sư Trần Chí Hòa cậy thế con gái sung quý phi được Thiên tử sủng ái, lộng hành chuyên quyền, yểm nhẹm nhiều việc mà Vĩnh Lạc không hay biết chi hết. Các quan trong triều và ở các nơi, ai chịu luồn lọt Trần thái sư thì giữ vững được tước vị. Trái lại, kẻ trung can thì hoặc bị đuổi đi những nơi xa xôi nguy hiểm hoặc bị cất chức đuổi về.

Dân chúng bị sách nhiễu lầm than cùng cực, trong nước giặc cướp nổi lên như rươi, xưng hùng, xưng bá, chiếm cứ nhiều khu thiên hiểm anh hùng giang sơn nhất khoảnh.

Nhân cơ hội ấy, Thuận Vương Chu Vĩnh Thái một mặt thâm giao với Trần thái sư và bọn quyền thần trong triều, một mặt liên kết với các quan hàng tỉnh, bè lúc của gian thần, và ngấm ngầm chiêu nạp bọn lục lâm tặc đạo để lấy chỗ đồn binh, nạp tướng. Thế lực Thuận Vương ngày càng lớn mà trong triều Vĩnh Lạc hoàng đế vẫn u mê không hay biết gì hết, tưởng muôn dân được hưởng Thái bình với lòng hiền đức của nhà Vua. Tuy vậy, cũng còn một số trung thành nhờ có sẵn binh quyền trong tay hành động gần như tự trị, và cũng nhờ có lực lượng ấy nên bọn gian thần không dám ư thao túng. Đó là quan Bình Bắc đại nguyên soái Mã Thành Long đóng đại binh theo hình tam giác ở miền Bắc tại Đồng Quan, Cư Dung quan và Nhạn Môn quan.

Mã Thành Long vốn dòng dõi tướng môn cháu của Mã Địch Quốc một trong những vị khai quốc công hầu khi xưa đã từng theo Minh Thái Tổ đánh đuổi quân Nguyên đem lại nền tự do độc lập cho Hán tộc. Người thứ hai là quan Trấn thủ Tứ Xuyên Hà Thiên Hùng, nội điệt của tướng tiên phong hồi lập quốc Hà Thiên Hùng. Người thứ ba tức Thủy sư Đề đốc Đàm Bá Phục đóng thủy trại tại Trấn giang thành, dòng dõi của vị công thần thủy lực Đàm Bá Thành khi xưa.

Từ ngày Thái Minh Tổ lập quốc đến nay, ba họ Mã, Hà, Đàm đời nào cũng dày công hãn mã, triều đình sủng ái nhất mực. Nguyên soái Mã Thành Long có hai con trai là Mã Thành Hổ, Mã Thành Báo va một con gái là Mã Kim Loan.

Cả ba anh em họ Mã cùng đang thời niên thiếu, dòng dõi tướng môn, người nào cũng võ nghệ cao cường, sức khỏe trấn áp tam quân.

Mã Thành Hổ hai mươi bảy tuổi, thiện dụng ngọn giáo sắt, mặt đẹp như ngọc, da trắng, môi đỏ tựa thoa son, nên trong quân ai cũng gọi là Ngọc Diệp Hổ. Tuy lớn tuổi rồi, Mã Thành Hổ chưa lập gia đình, chỉ suốt ngày luyện tập võ nghệ cùng hai em và chư tướng, hoặc săn bắn trong rừng rậm, núi sâu. Trái lại với anh, Mã Thành Báo da ngăm đen, râu quai nón mọc tua tủa như rễ tre, mắt to mày xếch, tánh tình nóng nảy, vóc ngươi lực lượng, hai cánh tay mạnh tới bẩy, tám trăm cân. Mã Thành Báo thiện dụng cây đại phủ nặng nề, trên chiến trường xông xáo giữa đám địch quân trăm vạn như vào chỗ không người. Không bao giờ chịu vận đai giáp. Mã Thành Báo chỉ ưa vận chiếc áo bào đỏ tím hoa đeo lớn như chiếc bát. Bởi vậy, ba quân mới tặng chàng tước hiệu Hoa Ban Báo. Hoa Ban Báo năm ấy hai mươi bốn tuổi mà cũng như Ngọc Diện Hổ, chưa có bạn sửa túi nâng khăn. Mã Kim Loan là con út mười bảy tuổi, mặt hoa da phấn, xinh đẹp bội phần, nhưng vì con nhà tướng nên từ cử chỉ đến cách đi đứng y hệt con trai. Năm mười ba tuổi, Mã Kim Loan được cha cho phép theo một ni cô đạo hiệu Chiêu Vân, trụ trì tại Ngũ Phật tự ở Lai Bình Loan, bên kia cửa ải Cư Dung, vào núi học tập kiếm pháp và phi hành thuật. Ba năm sau, nghệ thuật đã tinh vi, ni cô Chiêu Vân ban cho đồ đệ cặp song kiếm và dẫn nàng về tận nơi doanh trại trả lại cho vợ chồng Mã nguyên soái.

Một hôm, Mã Thành Hổ và Mã Thành Báo cùng theo cha ra võ trang xem chư tướng luyện tập võ nghệ. Như thường lệ, Mã Kim Loan cũng được Nguyên soái cho theo xem.

Thấy con gái từ ngày ơ Ngũ Phật tự trở về ít nói hơn trước và cũng chỉ luyện tập như thường chớ không trổ tài nghệ chi đặc sắc cả, Mã nguyên soái bèn nhân dịp ấy, bảo Mã Kim Loan :

– Bữa nay, nhân trước mặt tam quân, con đã học được võ thuật gì đặc sắc thiết tưởng cũng nên trổ tài một phen trước là cho cha anh xem, sau là để chư tướng cùng tam quân biết tài lực chớ? Con chẳng lạ gì thông lệ trong quân: nếu tướng bất tài thì khó điều khiển chúng!… Ta trông cậy ở con để gây thêm uy tín dòng họ Mã đó.

Nghe cha nói, Ngọc Diện Hổ và Hoa Ban Báo nhìn Mã Kim Loan, mỉm cười :

– Từ ngày theo sư phụ Chiêu Vân luyện tập lối công phu nhà nghề của bực kiếm khách, Mã Kim Loan đã luyện luôn được cả đức trầm tĩnh, kín đáo.

Nhưng hiện tại nàng vẫn theo cha hàng ngày ra vào nơi hổ tướng, biết đâu một ngày kia nàng sẽ chẳng theo cha anh xông xáo chốn sa trường? Chi bằng cũng nên tiện dịp này trổ tài nghệ thuật riêng cho mọi người hiểu nàng chẳng phải là kẻ hữu danh vô tài!

Nghĩ đoạn, Mã Kim Loan thưa :

– Cha đã dạy, con đâu dám trái lời. Vậy xin cha cho mấy đại đội xạ quân ra ngay trước võ đài để con sử dụng.

Mã nguyên soái mừng rỡ, ra lệnh cho phát âm viên truyền gọi ba đại đội cung thủ và báo cho ba quân biết Mã tiểu thư biểu diễn võ nghệ.

Phát âm viên vâng lệnh cầm loa hô lớn :

– Bớ tam quân! Mã tiểu thư được lệnh Mã nguyên soái biểu diễn võ nghệ. Cần ba đại đội cung thủ chỉnh tề hợp ngay dưới khán đài.

Ba quân nghe lệnh, vui mừng, vỗ tay hoan hô, cổ võ vang động cả võ trường. Chỉ trong khoảnh khắc, ba đại đội cung thủ đã đứng thành hàng trước khán đài.

Mã Kim Loan gài song kiếm chéo trên lưng, ra trước hổ trường vòng tay vái Mã nguyên soái, rồi chuyển đi ra trước khán đài, nhảy phóng xuống trước đoàn quân cung thủ. Mọi người mục kích nàng liệng mình xuống võ trường, lẹ làng như chiếc lá rụng. Tràng pháo tay lại vang động. Ai nấy đều chăm chú xem viên nữ tướng tương lai ấy lại hành động thế nào. Mã Kim Loan dàn đám quân cung thủ thành hình tròn, loạt quỳ, loạt đứng.

Khi trên đài ra lệnh, các người cứ nhằm ta mà bắn. Bắn chừng nào hết cả ống tên thì ngừng tay, nghe?

Ba đại đội dạ rân.

Mã Kim Loan đứng ra giữa, tuốt song kiếm đứng thẳng, mặt hướng lên khán đài nơi Mã nguyên soái ngồi cùng các vị tướng quân và mấy vị văn quan. Hai lưỡi kiếm phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh. Mã Kim Loan nhìn Ngọc Diện Hổ gật đầu. Biết ý, Mã Thành Hổ bảo phát âm viên ra lệnh bắn.

Đoàn cung thủ nhằm đúng người Mã Kim Loan bắn như mưa rào, nhưng nàng đã hoa kiếm múa vùn vụt, làn kiếm sáng loáng bao bọc lấy nàng như tuyết tỏa, sương ta, như muôn ngàn cánh hoa lê rụng tơi bờị. Giây lát, đoàn cung thủ đã bắn hết tên đều tản cả hai bên. Mọi người đang chú ý nhìn, Mã Kim Loan đã ngừng tay kiếm. Quanh chỗ nàng đứng, tên bị gạt xuống chất thành một đống tròn như vẽ. Tiếng hoan hô lẫn pháo tay nổi dậy khắp tứ phía. Trên đài, Mã nguyên soái hân hoan nghe những lời ca tụng của chư tướng.

Gài kiếm vào vỏ, Mã Kim Loan cất mình chạy vùn vụt ra tới chân cột cờ, nhún mình phi thân đứng hẳn lên ngọn, chân co chân duỗi, hai tay xòe ra như con đại bằng, quay khắp bốn phía rồi mới liệng mình xuống đất lướt như chiếc én buổi đầu xuân. Đoạn nàng phi hành như bay lên khán đài, nghiêm chỉnh đứng trước mặt Mã nguyên soái, hơi thở nhẹ, mặt không biến sắc.

Mã nguyên soái sung sướng vui mừng nói :

– Cho con về chỗ.

Sau cuộc biểu diễn ấy, trên thì chư tướng dưới có tam quân, ai nấy đều khâm phục tài nghệ của Mã Kim Loan, và cũng từ đó suốt trong quân, cô gái họ Mã có tước hiệu Phi Vân Yến. Thời gian này cùng chặp với cuộc Nam du của Lam Y nữ hiệp và Đơn Đao Chu Đức Kiệt.

Từ ngày phải thuyên chuyển xuống Kim Lăng, Tĩnh Vương hoàn toàn không hành động được theo ý muốn, vì hồi ấy Minh triều toàn thạnh.

Theo lời trăng trối của cha lúc lâm chung, Thuận Vương Chu Vĩnh Thái mới dùng của cải súc tích, lợi dụng tình thế đã vững chắc của mình giao dịch rộng, và nhất là dân tình oán hận đám quan tham, lại nhũng để bành trướng thế lực nạp tướng chiêu binh.

Chánh sách dùng người của Thuận Vương là chỉ cần người có dũng lực, võ nghệ cao cường, gác bỏ ra ngoài vấn đề đức độ. Cho nên, những tay lục lâm thảo khấu cũng được dong nạp. Thuận Vương thường hứa với chúng chừng nào chiếm được thiên hạ, lên ngôi cửu ngũ, sẽ phong cho chúng quyền cao tước hậu. Trái lại, bọn cường khấu, anh hùng đại đạo dựa vào thế lực lớn của Thuận Vương, hành động công khai, cướp của giết người mà vẫn được quan lại làm ngơ.

Vị Vương gia khôn ngoan ấy lập cả một chương trình hành động rất lớn lao.

Lập lôi đài hoặc ở Kim Lăng hoặc ở nơi nào có bè cánh để thâu nạp người tài, hay tìm cách hạ sát những anh hùng ra mặt đối lập với mình. Luôn luôn mở các hội vui có tính cách đua tài về võ thuật để câu anh hùng tứ xứ. Phái bộ hạ thân tín đi các nơi lập chùa chiền miếu mạo, giả tu hành để lấy chỗ đồn tướng tụ binh. Chiêu nạp bọn cường khấu sơn lâm, hay phát bộ hạ đi lập trại đồn quân dưới hình thức tặc đạo.

Trong mấy chục năm trời, vây cánh của Thuận Vương mỗi ngày một lớn, tích thảo đồn lương ngày một nhiều. Một số lớn quan lại miền Giang Nam đều quy thuận Thuận Vương, chờ ngày khởi binh chống lại triều đình đoạt ngôi cửu ngũ.

Thấy thanh thế đã mạnh, Thuận Vương ngang nhiên cho xây dựng lại Vương phủ theo thể thức cung nhà vua tại Yên Kinh, đi kiệu Cử Long, tán vàng, long bạc, dùng nghi vệ của một bực Hoàng đế.

Thuận Vương còn cho may sẵn cả bào long cổn, mão cửu thiên, chỉ chờ dịp khởi binh thâu phục thiên hạ là chánh thức lên ngôi Hoàng đế.

Các quan tùy tòng và tướng tá tay chân cũng được phong trước sẵn. Tuy chưa ra mặt, nhưng họ được ưu đãi ngang hàng với các quan tại triều.

Phần văn quan không phải ai xa lạ, chính là mấy viên quan vẫn ăn lương cao lộc hậu của Yên Kinh được bổ nhậm Kim Lăng, nay mưu phản ngầm theo Thuận Vương hòng sau này chiếm phần ngôi cao cả với tân vương: Thủ phủ quan, Bành Giang Hiếu, Thống đốc Kim Lăng, và hai phụ quan Ôn Hành Nhân, Võ Phong Thuần.

Bên võ tướng mới là phần tử đáng kể.

Thuận Vương rất tự hào đã thâu dụng được nhiều nhân tài, nên thường nói trong khi tửu hứng :

– Với những con người sắt ấy ở quanh Cô gia thì triều đình Yên Kinh đứng vững sao nổi! Bộ Ngũ Hổ Tướng của ta có thể gọi là vô địch. Ngay đến Ngũ hổ của Ba Thục hay Tống triều thuở trước cũng chẳng bằng!

Thuận Vương nói câu này có ý khinh thường cả Ngũ Hổ Tướng Ba Thục là Quan, Trương, Triệu, Mã, Hoàng đã từng phò Lưu Huyền Đức định lập lại triều Hán, và Ngũ hổ đời Tống Nhân Tôn: Địch, Thạch, Trương, Lý, Lưu, đã từng đánh bại quân Tây Hạ, chinh phục Tây Liêu lấy Chân Châu Kỳ về cho vua Tống, phá tan Nam quân Nùng Chí Cao đem lại an cư lạc nghiệp cho miền Hoa Nam. Mà thiệt vậy, Ngũ Hổ Tướng của Thuận Vương toàn là những tay hảo hớn giang hồ hắc đạo có công phu luyện tập rất đáng kể bản lãnh liệt vào hạng siêu việt khuấy nước, chọc trời, coi binh tướng trong triều Yên Kinh chẳng vào đâu. Đó là :

– Phi Thiên Hổ Hoàng Bách Thắng, đứng đầu Ngũ hổ lãnh ấn Bình Bắc đại nguyên soái.

– Quá Sơn Hổ Triệu Đại Bằng.

– Cẩm Mao Hổ Dư Đông Bích.

– Thanh Diện Hổ Tống Võ Cường.

– Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Bảo.

Hoàng Bách Thắng năm ấy ba mươi sáu tuổi, vóc người to lớn đầu gấu lưng hùm, hai cánh tay có sức khỏe ngàn cân, thiện dụng cây trượng bát xà mâu mã, chiến cũng như bộ chiến đều hay. Y là đệ nhất đồ đệ của Thiên Không hòa thượng trên La Phù sơn cõi Lãnh Nam.

Quá Sơn Hổ Triệu Đại Bằng thiện dụng cây đại đao ba mũi, và Cẩm Mao Hổ Dư Đông Bích thiện dụng đinh ba là hai đồ đệ siêu đẳng của Thiết Cước đạo nhân trong Động Đình hồ.

Hai người này cùng ba mươi hai tuổi nổi danh trong giới hắc đạo miền Nam, đi tới đâu gieo rắc khủng khiếp đau thương đến đó khiến dân chúng cứ nghe tên không thôi cũng khiếp sợ như tử thần đã tới sau lưng.

Thanh Diện Hổ Tống Võ Cường ba mươi tuổi, mặt mũi sần sùi nổi những lằn gân xanh lè, cao lênh khênh, gầy đét, nhưng toàn thân cứng như thép, thiện dụng cây Ngô Công côn bằng sắt rất nặng nề. Ít nói, tánh nóng như lửa, giết người không biết ghê tay. Không ai hiểu lai lịch của họ Tống, chỉ biết y gốc tích người Trung Quốc, nhưng lúc bé lưu lạc sang Tây Tạng. Mãi đến sau này mới trở về đất nước xứ sở chuyên bảo vệ cho các đoàn khách thương mang hàng hóa từ miền Tây Trung Quốc vào đất Tây Tạng bán.

Về sau, Tống Võ Cường theo lời Tôn Hoàn là quân sư của Thuận Vương về Kim Lăng đầu bôn và được trọng dụng ngay.

Khi mới về Kim Lăng ra mắt Thuận Vương, các bộ hạ khác thấy tướng mạo y xấu xí gầy ốm nên có vẻ khinh thường.

Họ Tống biết vậy nhân thể muốn trổ tài cho Thuận Vương coi và làm khiếp đởm các người khác, y bèn nhằm chiếc khánh bằng đá lớn như mặt bàn nhảy lên đấm một trái Thôi sơn…

Chiếc khánh đá dày dặn bị bể tan ra từng mảnh khiến mọi người đều khen Tống Võ Cường thần lực. Thuận Vương cũng mừng rỡ biệt đãi y ngay.

Đệ ngũ hổ là Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Bảo năm ấy hai mươi lăm tuổi, vốn là con trai cả của tay thảo khấu anh hùng Hầu Văn Lượng, tước hiệu Thác Tháp Thiên Vương, chiếm cứ cả một vùng Thập Vạn Đại Sơn ở ranh giới Lưỡng Quãng.

Hầu Văn Bảo thiện dụng cặp song phủ nặng mười hai mươi cân, xông vào giữa muôn quân như vào nơi không người. Sắc mặt đen sì, râu quai nón dìm ra như rễ tre, cổ to, ngực lớn, hai cánh tay bắp thịt nổi lên như thừng chão. Hầu Văn Bảo ra quân không chịu mặc giáp, chỉ vận chiếc áo đen hở ngực, ngắn tay, chân quấn xà cạp, dận hải xảo.

Bạt Sơn Hổ còn có tài phong búa bách phát bách trúng. Cây búa nặng nề ấy do cánh tay sắt của Hầu Văn Bảo phát ra bổ trúng người, thì địch thủ dầu có anh hùng sức khỏe biết mấy cũng phải táng mạng ngay tức thì…

Thuận Vương từ ngày thâu nạp được Hoàng Bách Thắng, Triệu Đại Bằng, Dư Đông Bích, Tống Võ Cường thì có ý lập Ngũ Hổ tướng đã lâu, song còn thiếu một người đệ ngũ, bèn bàn với Thần Cơ quân sư Tôn Hoàn.

Lúc đó Phi Không cũng đã đầu bôn Thuận Vương rồi, hàng ngày đi lại thân thiết với quân sư.

Tôn Hoàn đem chuyện Thuận Vương muốn thành lập Ngũ Hổ tướng. Phi Không nói :

– Tôi có quen một người võ nghệ siêu quần sức lực có thể liệt vào hạng vô địch, trong giới cường khấu ai cũng biết tiếng, nếu được người ấy phò tá thì hay lắm.

– Y năm nay bao nhiêu tuổi? Ở đâu?

– Y năm nay ngót năm mươi rồi, hùng cứ ngọn Thập Vạn Đại Sơn ở giáp Lưỡng Quãng.

– Nếu thế thì khi nào y chịu về đây ở? Ta nên tìm cách liên lạc và chiêu nạp để y đòn binh nơi đó còn hay hơn.

Phi Không cười lớn :

– Nếu y ưng thuận đầu bôn Kim Lăng thì ta sẽ thành công cả hai việc: tìm được Đệ ngũ hổ và gây được một vây cánh nữa ở Thập Vạn Đại Sơn…

Tôn Hoàn nheo mắt lại không hiểu, Phi Không mỉm cười nói tiếp :

– … Như quân sư đã biết, Thập Vạn Đại Sơn là một nơi thiên hiểm hiện do Thác Tháp Thiên Vương Hầu Văn Lượng hùng cứ, danh tiếng lẫy lừng. Hầu Văn Lượng võ nghệ xuất chúng, lực năng cử đỉnh thế khả bạt sơn, trong giang hồ ai cũng biết tiếng. Y có người con trai lớn là Hầu Văn Bảo tài nghệ chẳng kém gì cha, thiện dụng cặp song phủ lợi hại vô cùng. Vì lẽ ấy, tôi muốn chiêu nạp Hầu Văn Lượng gây thêm thanh thế cho Vương gia và dụ Hầu Văn Bảo về Kim Lăng nhập bộ Ngũ Hổ tướng thì không còn gì xứng đáng bằng.

Thần Cơ quân sư Tôn Hoàn nghe nói cả mừng, vỗ vai Phi Không gia sẽ trọng thưởng… gái đẹp rượu ngon, muốn chi cũng được.

Phi Không cười híp mắt :

– Xin vâng. Từ ngày về đầu bôn, tôi cũng chưa có công lao chi cả để đền ơn tri ngộ. Chuyến này tôi sẽ cố, may ra thì thành công.

Hòa thượng sửa soạn lên đường ngay cho kẻo chúa công trông đợi.

Hầu Văn Lượng vẫn coi Phi Không như sư huynh, hai bên giao dịch thân mật. Phi Không chắc chắn thế nào cũng thành công, nên mới nhận đi để gây thêm uy tín với Thuận Vương. Kể ra Thuận Vương rất trọng đãi Phi Không vì lẽ y là một tay giang hồ thần võ. Và là sư thúc của Vô Địch tướng quân Hoàng Bách Thắng. Với Phi Không, Thuận Vương còn hi vọng thâu nạp được nhiêu đầu đà về làm bộ hạ cần dùng cho việc chinh phục thiên hạ sau này. Quả nhiên, như Phi Không dự tính, Thác Tháp Thuận Vương Hầu Văn Lượng nhận lời liên lạc với Kim Lăng. Họ Hầu cùng đi với Phi Không về Kim Lăng hội kiến với Thuận Vương. Hai bên đều thỏa thuận mọi điều kiện. Thuận Vương sắc phong cho Hầu Vãn Lượng chức Thập Vạn Hầu, chờ sau này bình xong thiên hạ, dời đô lên Yên Kinh, sẽ thăng thưởng sau. Hầu Văn Lượng lãnh sắc phong trở về sơn trại cho Hầu Văn Bảo xuống Kim Lăng gia nhập Ngũ Hổ.

Thế là thành lập xong Ngũ Hổ tướng. Thuận Vương luôn luôn thân chinh ngự khán các cuộc diễn binh tập luyện ba quân tại võ trường.

Phi Thiên Hổ Hoàng Bách Thắng tỏ ra có tài thao lược song toàn đáng mặt đại tướng. Còn bốn tướng kia, mỗi người một vẻ oai hùng sát khí đằng đằng.

Thần Cơ quân sư Tôn Hoàn hoạt bát, mưu mẹo, binh thư đồ trận làu thông, ngoài ra còn rất thạo về môn nhâm độn, tà thuật Bạch Liên giáo.

Bạch Liên giáo là một giáo đạo chuyên về bàng môn tả đạo (tức tà thuật khởi xuất ở Trung Quốc từ Nguyên triều, tại đất Loan Thành, sanh quán của Bạch Liên giáo tổ Hàn Sơn Đồng).

Hàn Sơn Đồng là con của Hàn Thế, tự nhận là dòng dõi vua Huy Tôn nhà Tống.

Lập nên giáo giới Bạch Liên, Hàn Sơn Đồng có ý gây thế lực và phong trào bài Nguyên (quân Mông Cổ chiếm cứ Trung Quốc lập thành Nguyên triều) hưng Hán.

Các giảng đường trước hết dùng để truyền giáo thuật và truyền bá tinh thần cách mạng lật đổ Nguyên triều.

Như nước ngấm lần lần, Bạch Liên giáo được phổ thông khắp cõi Trung Nguyên, nhưng tinh thần dân chúng thấp kém, dị đoan, nên mục đích cách mạng của giáo phái bị phổ biến sai lạc. Bởi vậy, về sau giáo thuật lấn áp hẳn mục đích cách mạng, và cũng vì lẽ ấy, khi Hàn Sơn Đồng tạ thế, Bạch Liên giáo bước hẳn sang con đường tà thuật lợi dụng tính dị đoan của dân chúng làm nhiều điều hỗn loạn dâm bôn, khiến bọn Giang Hồ Hiệp Khách nhiều phen phải ra tay trừ khử.

Khi Chu Nguyên Chương dấy quân diệt Nguyên triều, cùng các tướng Mã Địch Quốc, Thường Ngộ Xuân, Đám Bá Thành, Hà Thiên Hùng và Từ Đạt vây trận cuối cùng đoạt Yên Kinh (tức Bắc kinh ngày nay) giải phóng cho dòng dõi Hán tộc khỏi ách quân Nguyên đô hộ, họ Chu lên ngôi Thái Tổ lập triều Minh, thì con của Hàn Sơn Đồng là Hàn Lâm Nhi thay cha lên ngôi Giáo chủ Bạch Liên.

Trong thời gian Chu Nguyên Chương và chư tướng thâu đoạt lại giang san, Hàn Sơn Đồng có đem bộ đội theo giúp họ Chu lập nên công trạng đáng kể, nhưng đất đai nước nhà vừa thâu hồi được thì Hàn Sơn Đồng lâm bệnh từ trần, Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế thì Hàn Lâm Nhi, con Hàn Sơn Đồn, cũng thay cha giữ chức Giáo chủ cầm đầu toàn thể bộ đội Bạch Liên giáo. Có lẽ cũng tưởng mình là Vua có công lớn trong việc hưng Hán diệt Nguyên, nên Hàn Lâm Nhi yêu cầu Minh Thái Tổ cắt đất chia đôi để cùng trị vì thiên hạ.

Giang san vừa thâu hồi được, còn nhiều việc cải cách phải thi hành để củng cố đất nước sau một trăm sáu mươi hai năm bị giặc Mông Cổ đô hộ, mà bị một Giáo chủ ngông cuồng đòi cắt đất xưng Vương thì quả là một việc quá sức tưởng tượng. Minh Thái Tổ bác lời yêu cầu của Hàn Lâm Nhi, một mặt phái Đại nguyên soái Mã Định Quốc cất quân diệt tan bộ đội Bạch Liên giáo, bắt Hàn Lâm Nhi xử trảm, thống nhất san hà.

Từ đó, trong dân gian, tuy dư đảng Bạch Liên hãy còn nhưng hoạt động trong vòng tà giáo mê hoặc mọi người lấy tiền chớ không mon men vào địa phận chính trị nữa. Đến đời minh Vĩnh Lạc, Giáo chủ Bạch Liên Cố Duy Thanh có dạy được nhiều đồ đệ vừa về võ thuật vừa về tà giáo. Bọn đồ đệ ấy tản mác đi các nơi truyền giáo gây lai thanh thế cho giáo phủ. Trong đó có Tôn Hoàn là người thư nhì đầu bôn cho Thuận Vương. Tôn Hoàn còn liên kết với sư muội của y là Đường Trại Nhi hoạt động ở Nam Xương phủ, tỉnh Giang Tây. Đường Trại Nhi còn ít tuổi, mặt hoa da phấn xinh đẹp bội phần, võ nghệ khá và tà thuật giỏi nhưng rất dâm dâm dật… Đó là chuyện sau.

Ngoài Ngũ Hổ tướng đóng ngay tại Kim Lăng, Thuận Vương còn có viên tướng tiên phong dũng mãnh dị thường họ Điêu tên Thiêu Phượng, hỗn danh Trại Nguyên Khánh vì chàng sử dụng cặp bát giác đồng chùy mạnh như cuồng phong bão táp.

Điêu Thiên Phượng đầu bô Thuận Vương từ năm hai mươi bốn tuổi ngay sau khi thành lập Ngũ hổ tướng, được Thuận Vương rất trọng đãi sắc phong cho ấn tiên phong.

Họ Điêu tâu :

– Vương gia cho lãnh trọng chức thiệt hân hạnh cho kẻ hạ thần về đầu bôn. Nhưng hạ thần e ba quân không phục, nên yêu cầu Vương gia cho triệu tập đủ các hàng binh tướng tại võ trường thử sức cùng hạ thần, nếu đủ tư cách chừng đó mới dám nhận. Như vậy danh chánh ngôn thuận hơn.

Thuận Vương nghe Điêu Thiên Phượng nói phải, vả lại cũng muốn thưởng thức xem thực lực của y thế nào, nên ra lệnh cho các hàng binh tương biết ngày thao diễn để chọn lựa tướng tiên phong, nhân tiện khai mạc giáo trường mới luôn thể.

Võ trường cũ chật hẹp không tiện cho các cuộc thao diễn binh tướng mỗi ngày một đông của Thuận Vương, Thần Cơ quân sư Tôn Hoàn dâng ý kiến xây dựng giáo trường mới ở ngoài thành Kim Lăng, theo bản đồ chính tay quân sư lập thành. Thuận Vương chấp nhận đề nghị ấy trao toàn quyền cho Tôn Hoàn cáng đáng việc canh tân đó. Tôn Hoàn đôn đốc thợ thuyền xây dựng suốt trong bốn tháng trời mới hoàn thành một đấu trường rộng lớn tân kỳ, lấy tên là Kim Lăng đại giáo trường. Tân giáo trường vừa xây dựng xong thì Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng cũng vừa tới đầu bôn. Vì lẽ đó, Thuận Vương mới có ý khai mạc giáo trường bằng cuộc tranh ấn tiên phong.

Hôm đó cờ xí rợp trời cắm khắp chung quanh giáo trường. Trên khán đài treo đèn kết hoa rực rỡ muôn phần. Quân lính nhung trang gọn ghẽ, gươm đao tuốt trần sáng loáng giữ trật tự khắp trong và ngoài giáo đường, tránh cho dân chúng được phép vào xem khỏi hỗn độn, chen lấn. Từ cổng chính giáo trường đến cửa Bắc thành Kim Lăng, hai hàng binh sĩ nghiêm chỉnh chống giáo đứng chờ Thuận Vương và các quan tùy tùng.

Đúng giờ ấn định, cờ mở trống rung, lính phát ngôn bắc loa báo Vương gia sắp tới. Mở đầu bằng viên tướng chỉ huy ba đại đội Ngự lâm quân cỡi ngựa đi đầu, đoàn quân đi hàng sáu rất đều và tề chỉnh, tay tả đeo khiên, tay hữu cầm đao tuốt trần. Kế đến Thuận Vương, y phục nửa văn nửa võ, tay giáp tay bào đội mũ đầu mâu, cỡi ngựa trắng đi giữa, Bên tả là Thần Cơ quân sư Tôn Hoàn, bên hữu, Vô Địch tướng quân Bình Bắc đại nguyên soái Hoàng Bách Thắng lực lưỡng, vận giáp sắt, bào gấm đen hoa bạc, đầu đội mão đầu mâu ngù đỏ, chân dận ủng đen đầu hổ, lưng đeo trường kiếm oai phong lẫm liệt, cỡi ô mã to lớn. Đi sát ngay sau là hai thế từ Chu Trấn Quốc và Chu Bảo Quốc theo học võ trên La Phù sơn theo lời giới thiệu của Nguyên soái Hoàng Bách Thắng, mới hạ sơn về Kim Lăng.

Chu Trấn Quốc đeo giáp vàng, bào vàng cỡi ngựa hoàng thổ, ba quân quen gọi là Kim thế tử.

Chu Bảo Quốc đeo giáp bạc bào trắng cỡi ngựa trắng nên có mỹ danh Ngân thế tử. Hai anh em cùng đẹp tướng oai dũng.

Đi tiếp sau hai Chu thế tử là bốn vị hổ tướng: Quá Sơn Hổ Triệu Đại Bằng, Cẩm Mao Hổ Dư Đông Bích, Thanh Diện Hổ Tống Võ Cường và Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Bảo. Bốn vị tướng quân này đai nịt giáp sắt bào đen, lưng đeo trường kiếm y hệt Nguyên soái Hoàng Bách Thắng. Bởi vậy Ngũ hổ tướng mới có tên Ngũ hắc hổ. Người nào cũng oai phong hùng dũng sát khí hiện ra mặt, cỡi toàn ngựa đen con nào cũng là giống chiến mã to lớn dị thường. Hàng văn quan đi sau bốn hổ tướng.

Sau cùng, đi sắp hàng năm, có trên sáu mươi viên tướng tá tùy tòng, người nào cũng bào giáp gọn ghẽ, cỡi chiến mã lẫm liệt. Đoàn người ngựa rất đỗi oai phong hùng mạnh kéo vào giáo trường giữa tiếng hoan hô rầm rầm của dân chúng. Đến trước khán đài, tướng nào quân ấy đã chờ ở đó đỡ dây cương dắt ngựa ra phía sau. Quan khách vừa an vị đâu đấy, thì một hồi trống vang động báo hiệu các tướng tranh ấn tiên phong đến.

Một đoàn mãnh tướng giáp mã gọn gàng dóng ngựa đi hàng hùng dũng tiến vào giáo trường. Người ta đếm được mười sáu tướng mỗi người một màu bào khác nhau.

Đoàn nhân mã oai hùng ấy tiến đến trước khán đài đứng hằng giơ tay chào.

Xướng ngôn viên trên đài bắc loa giới thiệu :

– Đây là mười sáu vị tướng quân của bản thành và các nơi về dự tranh ấn tiên phong.

Một hồi trống, chiêng rung động chào lại chư tướng. Tiếp theo là tràng pháo tay của các từng lớp khán giả khen ngợi hoan hô.

Xướng ngôn viên nói :

– Mời chư tướng về trại bên đông.

Các tướng buông tay xuống, chỉnh đốn phóng ngựa về một dãy lều vải ở phía đông giáo trường. Trên nóc lều cắm cờ hiệu theo màu sắc riêng, thêu tước vị và tên họ của từng tướng một. Mỗi lều có mươi tên quân thuộc giữ ngựa hầu hạ mỗi khi cần đến. Từ cung mã đến võ khí, thứ nào cũng có đôi, phòng hờ khi cần đến thì có ngay.

Một hồi trống nữa vại vang động ở cổng giáo trường. Mọi người chăm chú nhìn ra, thấy một viên mãnh tướng phi ngựa vùn vụt nhập trường.

Viên tướng đó vóc người vạm vỡ, đầu quấn khăn võ già tréo một chiếc lông chim đại bàng, mặc bào trần màu đỏ thẫm thêu bông đen, quần và ủng đen thêu bông đỏ. Tay áo săn ngược để lộ hai cánh tay chắc nịch, lông lá xồm xàm. Ngực áo cũng phanh ra hở bộ ngực nở nang, lông dai mượt như lông gấu. Mới nhìn qua, ai cũng nhận thấy viên mãnh tướng ấy có sức mạnh tiềm tàng kinh khủng. Hợp với chủ, con ngựa mình trắng loang đen, bờm và đuôi trắng toát như cước, ức dồ, đầu cất cao, yên cương đen tuyền dát bạc lóng lánh, hai bên ức gài cặp bát giác đồng chùy đúng tầm tay. Pháo tay vang dậy khắp võ trường chào đón viên hổ tướng oai hùng ấy. Đó là Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng.

Họ Điêu phóng ngựa như bay tới trước khán đài ghìm mạnh. Con tuất mã bị ghìm bất thình lình, cất cao hai vó trước đứng dựng ngược hí vang lừng, quay đi mấy vòng mới chịu đứng yên. Nghiêm chỉnh dữ dội như pho tượng đồng, Điêu Thiên Phượng giơ thẳng tay chào Thuận Vương và quan khách trước khán đài.

Xướng ngôn viên loan :

– Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng, người treo ấn tiên phong thách thức cuộc tranh hùng hôm nay!

Hồi chiêng trống vang lừng chào lại.

Xin mời Điêu tướng quân về trại bên Tây sửa soạn.

Điêu Thiên Phượng rẽ phắt ngựa sang hướng Tây, phi vùn vụt như bay về lều riêng giữa muôn vạn tiếng hoan hô vang dậy cả góc trời.

Trên khán đài, Thuận Vương cười đắc ý liếc nhìn mọi người.

– Quân sư thấy người ấy thế nào?

Tôn Hoàn hân hoan :

– Tâu Vương gia, nhờ hồng phúc của Ngài, Trời mới sai viên thần tướng đó xuống hạ giới giúp Ngài bình thiên hạ thâu phục san hà lên ngôi cửu ngũ đó.

Thuận Vương vuốt râu ghé sang bên Vô Địch tướng quân Đại nguyên soái hỏi :

– Theo mắt nhà nghề, Nguyên soái thấy Trại Nguyên Khánh thế nào?

Nghiêm nghị, Hoàng Bách Thắng buông mấy tiếng :

– Dám bẩm Vương gia, người này dùng được!

Thuận Vương mỉm cười phất tay áo ra phía xướng ngôn viên.

Người này như đã thuộc lòng chương trình bắc loa loan :

– Xin chư vị tướng quân sẵn sàng cung tiễn. Bắt buộc phải ngự mã bắn tên. Ai bắn trúng hồng tâm luôn ba phát sẽ được chấm nhất.

Đang ồn ào bàn tán trong giáo trường bỗng yên lặng như tờ, ai nấy đều hồi hộp theo dõi cuộc tranh đấu.

Bầu trời xanh ngắt, gió thổi nhẹ nhưng cũng đủ bay muôn vạn lá cờ gài quanh giáo trường. Mười bảy chiếc hồng tâm dựng sẵn theo bàng chứ nhất cách mặt khán đài hai trăm bước.

Trên đài loan :

– Cuộc xạ tiễn bắt đầu. Mời số Một, Nam Xương Lý Tấn Thành ra đấu trường!

Từ lều số Một bên đông, một tướng giáp bào màu nâu phóng ngựa ra như bay, lượn qua khán đài.

Tùng! Tùng! Tùng! Ba tiếng trống hiệu vang lên. Lý Tấn Thành rẽ ngựa chạy theo dọc vạch vôi trắng cách đích số một một trăm năm mươi bước, phát luôn ba mũi tên.

Xướng ngôn viên có trách nhiệm ghi điểm ở khu đặt hồng tâm, loan to :

– Hai mũi trúng đích, một mũi hơi lệch sang bên tả.

Tràng pháo tay vang dậy.

Lý Tấn Thành ngả cung vòng qua khán đài về lều riêng.

Trên đài lại loan :

– Thỉnh đệ Nhị, Hàng Châu Khương Quỳnh ra đấu trường.

Một tướng bào thiên thanh từ lều số Hai phi ngựa ra trước khán đài, và cũng như đệ Nhất chạy theo vạch vôi bắn ba mũi tên.

Xướng ngôn viên coi hồng tâm loan :

– Trúng đích cả ba phát, nhưng chệch, không đều.

Tùng! Một tiếng trống ghi hảo điểm. Tiếng hoan hô vang dậy khắp giáo trường.

Khương Quỳnh hớn hở vòng ngựa qua khán đài về lều cá nhân. Và cứ lần lượt như vậy cho đến tướng đệ Thập Lục.

Người chệch cả ba mũi tên, kẻ chệch hai hay một. Cũng có người trúng cả, được ghi hảo hai điểm bằng một tiếng trống, nhưng vẫn lệch lạ không được đều theo điều kiện “ưu điểm”. Nhưng dù sao, với tài xạ tiễn ấy, khi ra trận cũng thừa sức bắn trúng đối phương rồi.

Loa trên khán đài vang lên :

– Lần chót, thỉnh Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng ra đấu trường.

Tiếng vó ngựa đập trên mặt đất như trống rền, họ Điêu tay cầm thiết cung phi ngựa sát khán đài.

Thuận Vương lo lắng ra mặt, nói với Quân sư và Nguyên Soái :

– Mười sáu tướng vừa rồi mà chưa ai được lãnh ưu điểm! Họ Điêu có tài cũng chỉ đến ghi một tiếng trống thôi!

Thần Cơ quân sư nghiêm trọng im lặng. Còn Vô Địch tướng quân Hoàng Bách Thắng chỉ khẽ gật đầu mỉm cười :

– Điêu Thiên Phượng lướt luôn hai vòng ngựa dưới khán đài rồi bắn luôn ba phát tên vào cỡ cách hồng tâm hai trăm bước.

Ba mũi trúng cả hồng tâm hàng ngang!

Tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy lẫn với ba tiếng trống đổ ưu điểm.

Thuận Vương mừng quá, khen :

– Cô gia biết mà! Điêu tướng quân quả là nhân tài!

Hoàng Bách Thắng chỉ tay :

– Kia! Vương gia coi…

Thuận Vương vội nhìn xuống đài thấy Điêu Thiên Phượng đang phi ngựa chạy vòng, lúc gần tới khán đài, y đứng hẳn người lên hai bàn đạp luôn ba mũi tên nữa, chờ ngựa chạy qua hẳn mặt khán đài mới ngồi xuống yên.

Xướng ngôn viên phía hồng tâm loan to :

– Trúng theo hàng dọc cả ba mũi. Mũi tên cũ ở giữa bị chẻ đôi!.

Tùng! Tùng!Tùng! Ba tiếng trống nữa ghi ưu điểm ưu điểm giữa tiếng hoan hô của khán giả. Điêu Thiên Phượng rẽ ngựa vào gần khán đài cúi đầu chào, rồi phi thẳng về lều cá nhân bên hướng Tây. Thuận Vương vỗ tay tỏ ý ban khen riêng cho họ Điêu.

Về tới lều, Điêu Thiên Phượng nhảy xuống ngựa. Một tên quân đỡ dây cương, trong khi tên khác dâng chiếc khăn bông vò nước nóng. Thiên Phượng đỡ lấy lau mặt, lau tay. Một tên khác dâng ly rượu đầy giải lao. Thiên Phượng uống một hơi hết. Trong khi đó ở các lều bên Đông, mười sáu tưởng cũng xôn xao về tài xạ tiễn của Trại Nguyên Khánh.

Khương Quỳnh nói với mấy người :

– Phải nhận là y bắn khá hơn ta thiệt. Nhưng còn phần võ nghệ chưa biết thế nào! Sẽ xem!…

Lý Tấn Thành hằn hộc :

– Không lẽ chúng ta thua y cả sao? Nếu một chọi một không được thì ta họp lại quần cho y mộc trận thất điên bát đảo! Anh em chịu không?

Tướng Trần Gia Đồ cũng ở Hàng Châu nói :

– Không được! Theo luật lệ, một chọi một thôi. Trừ phi y thách thức cả bọn ta thì lại là lẽ khác!… Dù sao cũng đánh cho y biết tay chờ sợ chi? Một được, hai thua mà!

Khương Quỳnh lắc đầu :

– Được đã đành, nếu thua cả thì sẽ mất thể diện với đủ mọi người đó!.

Mười sáu tướng đang bàn tán thì từ khán đài kêu loa vang :

– Chư tướng tranh ấn tiên phong, hãy sửa soạn đấu với Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng.

Ai nấy đều tản ra trở về lều lên ngựa. Quân dâng lên Lý Tấn Thành cặp roi sắt.

Phí lều bên Tây, Điêu Thiên Phượng cũng lẹ làng lên ngựa. bốn quân bê hai ngọn chùy bát giác bưng lên, Điêu Thiên Phượng đỡ lấy cầm chập vào một tay, còn tay kia thì quấn cương ngựa quanh trụ yên một vòng.

Xin mời Điêu tướng quân và Lý tướng quân bên lều đệ Nhất nhập trận!

Hai viên mãnh tướng cùng thúc ngựa phi tới vòng vôi tròn trước khán đài. Tám vó ngựa đạp xuống đất rắn bật thành ầm ầm như sấm vang. Hai ngựa vừa giao nhau, Lý Tấn Thành hoa roi vụt luôn một ngọn ngang đầu họ Điêu. Thái Thiên Phượng cúi xuống tránh ngọn roi đó. Cả hai ngựa cùng chạy quá trớn ra ngoài vòng vôi… Nhưng quay lại ngay nhập trận, Lý Tấn Thành đánh hụt đòn đầu nổi giận hạ độc thủ, tay tả nhầm đầu quật tréo tay hữu nhằm co lưng đối phương quật ngang. Hai đòn đồng thời được tung ra mạnh mẽ, nguy hiểm theo thế Chung Cổ Bình Tiên.

“Rầm!”.

Một tiếng chát chúa vang lên. Khán giả hồi hộp nhìn kỹ. Điêu Thiên Phương chuyến này không né, vung cặp bát giác đồng chùy gạt trúng cặp roi sắt văng cao lên trên không rớt ra xa đến năm sáu trượng… Lý Tấn Thành toạc hổ khẩu vai, hai cánh tay tê buốt, nhăn nhó, vội thúc ngựa chạy về lều. Quân tùy thuộc đỡ xuống ngựa. Y sĩ phụ trách vội chạy tới săn sóc. Một tên thuộc hạ chạy ra vòng đấu lượm lặt cặp roi về. Mọi người nhận thấy hai cây roi cũng bị cong veo.

Toàn thể giáo trường như muốn vỡ vì những đợt hoan hô liên miên vang dậy. Trên đài, các quan đều run rẩy trước hiệp đấu rùng rợn.

Nét mặt nghiêm trọng, Thuận Vương hỏi ý kiến Vô Địch tướng quân :

– Nguyên soái coi có nên cho tiếp tục trận đấu hay thôi? Cô gia xảy ra cuộc vong mạng thì thiệt mất một người bộ hạ.

Hoàng Bách Thắng lắc đầu :

– Đó là mặt trái của nghề võ tướng tránh sao được? Xin Vương gia cứ cho tiếp tục. Kẻ nào nhát gan đừng lên ngựa.

Giữa lúc ấy, bỗng nổi lên một hồi trống vang báo có khách tới cổng giáo trường.

Một vị nữ tướng trạc mười bảy tuổi, mặt hoa da phấn như tiên nga, đôi mày liễu xếch ngược vận bạch giáp lam bào, tay cầm ngọn thiên phương hạo kích, cưỡi con Bạch Mã tiến vào giáo trường. Theo sau là một toán người nữ binh phóng ngựa thành hàng đôi. Trên khán đài và quần chúng đều nghiêng đầu nhìn.

Quân sư Tôn Hoàn ghé đầu, nói nhỏ với Thuận Vương.

– Lan Anh quận chúa tới.

Thuận Vương kinh ngạc, ghé hỏi hai Thế tử ngồi phía sau.

– Ủa! Ta đã tưởng Lan Anh không đến dự cuộc tranh ấn tiên phong. Đến trễ thế này chắc có chuyện chi chăng.

Phải viên nữ tướng trẻ tuổi vừa tới là Quận chúa Chu Lan Anh Điêu Thiên Phượng ngạc nhiên dừng ngựa nhìn, khen thầm vẻ cân quắc anh hùng của người mới tới.

– Chao ôi! Đẹp! Tuyệt đẹp! Ước chi ta cùng nàng giao đấu một trận mới thỏa tình! Con cái nhà ai thế này.

Chợt nhìn lá cờ hiệu do một nữ binh cầm, Điêu Thiên Phượng đọc “Chu Lan Anh quận chúa”. Chàng giật mình thúc ngựa về lều thì gặp ngay cặp thứ ba của thiếu niên nữ tướng đó nhìn.

Về phần Quận chúa tới trễ, vừa ra khỏi cổng thành tiếng reo hò đã vang từ giáo trường tới tai nàng. Nóng ruột phóng ngựa phi thật lẹ nhập võ trường. Liếc nhìn thấy toàn thể giáo trường, mọi người đang chăm chú nhìn mình, và trước khán đài, một viên dũng tướng bào đỏ, tay cầm bát giác đồng chùy… Nàng khen thầm viên tướng ấy oai hùng thật, nhưng khi thấy diện mạo hung dữ như Thiên lôi của y thì nàng vội đảo mắt nhìn thẳng lên khán đài. Bởi vậy, Điêu Thiên Phượng mới vô tình được hưởng khóe phượng thứ ba của nàng Quận chúa anh thư bạch giáp lam bào đó.

Tới trước khán đài, Chu Lan Anh liệng họa kích cho nữ binh, gọn gàng nhảy xuống ngựa, uyển chuyển theo bực thang thượng đài. Quỳ một gối trước mặt Thuận Vương, nàng thỏ thẻ giọng oanh vàng.

– Thân mang giáp trụ không hành đại lễ được, kính mong Phụ vương lượng thứ.

Thuận Vương đỡ nàng dậy.

– Cho phép con tự nhiên. Ta đã ngờ là con không đến dự lễ?

Chu Lan Anh đứng dậy :

– Bẩm Phụ vương, con bất chợt dở chút việc tổng cung nên đến trễ, thiệt đáng tội muôn vàn.

Thuận Vương mỉm cười :

– Cho con an tọa bên các anh con.

Chu quận chúa nghiêng đầu thi lễ cùng Quân sư, Hoàng nguyên soái và các hàng văn võ quan tướng tá. Mọi người đều cung kính đứng lên đáp lễ.

Chu Lan Anh gọn gàng thẳng thắn, vòng ra hàng ghế sau ngồi bên Thái tử Chu Bảo Quốc. các tướng tá và văn võ bá quan ai cũng có lần biết mặt Quận chúa, riêng đệ Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Bảo tuy đầu bôn được trên một năm nay, mà chưa có dịp nào được hân hạnh gặp nàng.

Nghe tiếng đồn về nhan sắc hãn hữu và tài võ nghệ siêu quần của Chu quận chúa, Hầu Văn Bảo vẫn ao ước được gặp xem có danh bất hư truyền không?

Bỗng dưng bữa nay thấy mặt, vị đệ ngũ hổ thiếu niên tướng quân hồn xiêu phách lạc, tự nghĩ.

– Trời ơi, đẹp thiệt! Cái đẹp quí phái anh thư cũng đáng để tôn thờ… Hừ! Thế mà vừa rồi tên mãng phu họ Điệu dám dừng ngựa lại trâng tráo nhìn nàng! Thắng mấy viên tiểu tướng quèn kia, y đã tưởng mình là thiên tướng nhà trời, mục hạ vô nhân! Nếu không vướng chân Ngũ hổ này ta sẽ cho y một bài học song phủ xem ấn tiên phong về tay ai!…

Càng nghĩ, mặt họ Hầu càng đỏ gay gắt, bất giác nghiến răng kèn kẹt, khiến Thanh Diện Hổ Tống Võ Cường ngồi bên cạnh ngạc nhiên hỏi nhỏ.

– Hầu hiền đệ trúng phong hay sao mà run rẩy nghiến răng vậy.

Như tỉnh cơn mê, Hầu Văn Bảo trấn tĩnh.

– Ngu đệ cảm thấy như tự mình đánh trận vừa rồi, hào hùng quá nên vô tình để lộ ý tưởng, Tống đại ca chớ cười nhé.

Tống Võ Cường lắc đầu mỉm cười, yên lặng, vì tiếng loa đã vang dậy.

– Thỉnh Điêu tướng quân và Khương tướng quân sửa soạn nhập đấu.

Chu Lan Anh hỏi Thế tử Trấn Quốc.

– Điêu Thiên Phượng là viên mãnh tướng cầm bát giác đồng chùy đó, phải không hiền huynh?

Chu Trấn Quốc gật đầu :

– Chính y đó. Phụ vương thâu nạp được y là một việc rất đáng kể.

Chu Lan Anh đưa mắt nhìn hai bên lều, thấy hai tướng cùng lên ngựa sẵn sàng chờ lệnh. Tùng! Tiếng trống hiệu vừa phát ra, tám vó ngựa chồm lên phi thẳng ra phía trước. Khương Quỳnh buông cương ngựa cặp chặt cây giáo sắt vào nách, phóng ngựa như bay nhằm ngực đối phương thọc tới. Điềm tĩnh nhưng dữ dội, Điêu Thiên Phượng cũng phi ngựa nhắm thẳng mũi giáo đó phi tới như thách thức… Khán giả hồi hộp, trống ngực đập mạnh hơn trống trận đang thúc giục vang dậy ở bên khán đài…

– Choang! Ngọn giáo sắt cong gập hẳn lại dưới sức gạt nặng nền của đồng chùy. Khương Quỳnh toạc hổ khẩu văng mình lăn xuống đất.

Con ngựa mất chủ hoảng hốt chồm lên hí vang, nhưng đã bị con Lôi Phong của Điêu Thiên Phượng chồm tới bổ luôn hai vó trước trúng ức ngã lộn sang bên, thiếu chút nữa đè phải Khương Quỳnh. Họ Khương nhăn nhó ôm sườn không dậy được. Bọn bộ hạ thuộc ở lều Nhi vội chạy ùa đến khiêng Khương Quỳnh về lều, trong lúc mấy tên khác dắt ngựa và lượm cây giáo bị cong. Thì ra, họ Khương cặp cây giáo chặt quá, cố tình xã một mũi trúng ngực đối phương, dè đâu Điêu Thiên Phượng sức mạnh như thần gạt mạnh đến nỗi bị gãy mấy lóng xương sườn.

Khán giả thấy Điêu Thiên Phượng hạ hai tướng đối thủ dễ dàng như vậy, đều lắc đầu thè lưỡi khen họ Điêu có sức mạnh vô địch, quả xứng đáng hỗn danh Trại Nguyên Khánh.

Thuận Vương bảo nhỏ Tôn Hoàn :

– Khi xưa Bùi Nguyên Khánh cũng chỉ mạnh đến thế là cùng.

Hạ xong Khương Quỳnh, Điêu Thiên Phượng liếc nhìn lên khán đài có ý tìm Lan Anh quận chúa rồi mới quay ngựa trở về lều.

Trên khán đài, Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Báo chú ý thấy vậy nên bực mình ngồi không yên chỗ. Nhất là chàng nhận thấy Quận chúa thích chí, vỗ tay hoan hô kẻ chiến thắng.

Sau mấy đợt hoan hô vang dậy, giáo trường bỗng trở nên nghiêm trang vì ai cũng nhận thấy cuộc tranh tài mỗi lúc một thêm hào hứng, nhưng quả rất nguy hiểm, có thể hại tới sanh mạng người được…

“Tùng!…”

Tiếng trống gọi đấu lại vang lên. Trần Gia Đồ nhận ra họ Điêu có sức mạnh vô địch nên không dám xem thường như Lý Tấn Thành và Khương Quỳnh.

Chàng cũng cặp cây đinh hai vào sườn, phóng ngựa tới vòng đấu.

Ai cũng đoán Trần Gia Đồ sẽ bị đòn theo họ Khương.

Nhưng không! Ngựa hai bên vừa tới vòng đấu thì Trần Gia Đồ sẽ phất ngựa sang bên tả nhường ngựa họ Điêu quá trớn mấy bước.

Thừa thế, Trần Gia Đồ đâm luôn mũi chĩa đôi vào hông đối thủ.

Đòn đánh tuy lẹ, nhưng họ Điêu đoán được ý định của Trần Gia Đồ nên gạt nhẹ khí giới địch sang bên.

Trần Gia Đồ bị gạt rung cả hai cánh tay, khen thầm quả đối phương dũng lực vô song, nên cố tránh không động chạm tới cặp chùy của họ Điêu mà chỉ dùng đòn lẹ.

Nhưng Điêu Thiên Phượng không những mạnh mà còn lanh lẹ vô cùng. Trong khi Trần Gia Đồ còn đang chơi vơi vì hai cánh tay bị tê buốt, chàng áp ngựa tới sát địch thủ quất tréo một chùy.

Đòn đánh gần vừa lẹ vừa mạnh, không dám đỡ cũng chẳng dám gạt, Trần Gia Đồ vội nhào xuống ngựa thoát thân, để con ngựa chịu đòn thế.

Trúng một trùy nặng như núi Thái Sơn đúng giữa lưng, con ngựa khuỵu bốn vó lăn ra đất hí lên mấy tiếng, nhưng cũng vùng đứng lên được chạy vùng ra xa.

Sở dĩ con vật không chết là nhờ ở bộ yên dày độn trên lưng, trái lại xương sống sẽ bị nát vụn.

Còn đứng trong vòng chiến, Trần Gia Đồ nhảy tới xiên một mũi vào đùi Điêu Thiên Phượng.

Ngọn chùy vụt xuống như chớp, Trần Gia Đồ chỉ kịp buông tay chạy ra khỏi chỗ vạch vôi tỏ ý chịu thua. Cây đinh hai bị chùy vụt trúng cong, gập lại văng tới chân khán đài.

Tiếng trống điểm dứt cuộc đấu thứ ba.

Trái với thường lệ, họ Điêu đứng giữa vòng chiến hướng sang bên Đông hô lớn.

– Hỡi chư vị Tướng quân! Nếu còn muốn dành ấn tiên phong xin mời cả ra đây cùng Điêu mỗ đấu một lượt cho đỡ mất thì giờ.

Các tướng Đông thấy họ Điêu quá ư dũng mãnh, tự liệu một đấu một tất không chịu nổi, chi bằng nhân dịp y thách thức, hợp nhau lại đấu một trận xem sao.

Thế là tất cả cùng lên ngựa cầm khí giới kéo rốc tới trước khán đài vây tròn Điêu Thiên Phượng vào giữa.

Các võ khí va vào nhau chí chát lắm khi tóe lửa ghê người.

Điêu Thiên Phượng hoa cặp bát giác đồng chùy như bay dương đông kích tây, xông xáo như mãnh hổ giữa bầy hổ, đi đến đâu đối phương dạt ra đến đấy.

Tuy hung hăng, họ Điêu cũng không muốn mất cảm tình với mọi người, gây mối thù oán vô ích lợi, nên chàng ra sức đánh, nhè khí với của đối phương, trúng cái nào, cái ấy bị văng liền ra xa.

Trận hỗn đấu tiếp diễn kịch liệt.

Các tướng bị loại lần đầu chỉ còn bốn người cố đánh, Điêu Thiên Phượng ra sức đàn áp khiến họ phóng ngựa chạy cả ra ngoài vòng chiến.

Một hồi chuông trống vang lừng chấm dứt cuộc chiến.

Các bại tướng lần lần đều kéo về bên Đông. Riêng mình Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng đứng lại giữa đấu trường như một vị thần tướng.

Tiếng xướng ngôn viên gọi lớn.

– Vương gia truyền lệnh còn tướng nào bất phục muốn tranh ấn tiên phong, xin thỉnh vào cùng Điêu tướng quân.

Giây lát, xướng ngôn viên lại nói :

– Thỉnh Điêu tướng quân thượng đài lãnh ấn.

Điêu Thiên Phượng gài cặp chùy vào hai bên hông ngựa, ném dây cương cho mấy tên bộ hạ đã tá túc gần đó, từ tốn lên đài, quỳ trên đệm da hổ trước mặt Thuận Vương.

Quân sư Tôn Hoàn dâng hộp ấn và lá cờ. Thuận Vương tiếp lấy đứng dậy.

Mọi người trên đài cũng nghiêm chỉnh đứng theo.

Tiến lên mấy bước, Thuận Vương tuyên bố.

– Kể từ bữa nay, thất nguyệt đệ nhị thập tứ nhất, Giáp Dần niên, Cô gia Thuận Vương, Kim Lăng Trấn thủ quan, sắc phong Tướng quân Điêu Thiên Phượng chức Tiên phong trong bộ đội Chu gia Vĩnh Thái.

Kính cẩn, Điêu Thiên Phượng cúi đầu lãnh ấn, cờ.

– Mạt tướng, Điêu mỗ, nguyền cùng Thiên Địa, phụng sự Chúa công cho đến cuối cùng dù thịt nát xương tan cũng cam lòng.

Thuận Vương lùi về ghế ngồi.

Điêu Thiên Phượng đứng dậy bái Quân sư Tôn Hoàn và Đại nguyên soái Hoàng Bách Thắng.

Trước khi xuống đài, chàng không quên đưa mắt nhìn Quận chúa Lan Anh khiến Bạt Sơn Hổ Hồ Văn Báo nổi giận, sắc mặt đỏ gay.

Tiếng loa loan lớn cho mọi người biết.

– Điêu tướng quân đã chánh thức nhận lễ tiên phong.

Ba hồi chiêng trống chấm dứt lễ khai mạc tân giáo trường và cuộc tranh ấn tiên phong.

Sau khi Thuận Vương và đoàn tùy tùng ra khỏi giáo trường, dân chúng mới kéo nhau về lũ lượt như nước vỡ bờ. Ai nấy đều bàn tán khen ngợi thần lực của Điêu tướng quân.

Đầu bôn dưới trướng Thuận Vương còn có hai tay giang hồ hắc đạo cự phách nữa là Ân Định và Bao Chí Cường.

Ân Định võ nghệ cao cường có tài đánh cửu tiết nhuyễn tiên (thứ roi sắt có chín khúc nhập lại) và tài kỵ mã.

Bởi vậy họ Ân mới có tước hiệu Phi Phong Ngô Công. Trong khi ngựa đang phi nước đại, Ân Định có thể luồn qua bụng ngựa từ bên nọ sang bên kia, phóng cửu tiết nhuyễn tiên bất người đánh trúng địch thủ rồi thu roi cầm gọn trong tay như thường.

Thấy Ân Định có tài đặc biệt, Thuận Vương giao phó cho y nhiệm vụ tập luyện đoàn kỵ mã quân tại Kim Lăng.

Còn Bao Chí Cường có tài đánh quyền giang hồ lão luyện theo Hầu phái ở Quý Châu được Thuận Vương cho nhậm chức Tổng Võ Sư Đoàn dạy toàn thể hai vạn cấm quân ở Kim Lăng và trông coi tổ chức các lôi đài để thâu nạp anh hùng tứ xứ về đầu bôn.

Vì Bao Chí Cường giỏi quyền cước nên giới giang hồ tặng cho y tước hiệu Thần Quyền Vô địch.

Về phía tăng ni, ngoài bọn Kim Cương tự ra, còn có nhiều đầu đà về đầu bôn Kim Lăng. Bọn này lãnh nhiệm vụ tuyên truyền gây thanh thế cho Thuận Vương và dụ dỗ người đồng giới, đồng đạo về quy thuận.

Ngoài các vị tướng tá, Thuận Vương còn có ba người con đáng liệt vào giới anh hùng thượng mã.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN