Lam Y Nữ Hiệp
Chương 31: Đả thiết ngưu, mỹ nam tử rời Tam Môn cốc Hạ Hoa mã, Dương Hoài Ngọc nhập Hàn gia trại
Họ Dương mỉm cười khẽ gật đầu :
– Chúc hiền muội mã đáo thành công!
Phượng Tiên đi thẳng xuống thềm, nhảy phắt lên con tuấn mã do Từ Trung giữ cương ở gần đó.
° ° °
Địch Lân và Lâm Diêm Bá phi ngựa đi trước, bọn bộ hạ theo sau, vó ngựa dồn dập như trống trận rền hồi, bụi cát bay mù.
Địch trại chủ cùng các bộ hạ đi khỏi rồi, trong trại chỉ còn có Từ Trung và đàn bà con trẻ.
Họ từ còn đứng dưới thềm đừ người ra khỏi đoàn kỵ sĩ vừa khuất khỏi cổng trại, Dương Hoài Ngọc tiến đến gần hỏi :
– Mã trại còn con ngựa nào không? Thắng cho tôi mượn một con.
Từ Trung ngạc nhiên :
– Thiếu gia cũng đi theo Trại chủ và Phượng Tiên cô nương.
Hoài Ngọc lắc đầu :
– Không, tôi không hiếu chiến và cũng không đủ sức để gây hấn, có lẽ Từ Trung ưa chuộng ôn hòa phải không.
– Dạ, thế mà mấy chục năm nay phải sống giữa một tình trạng luôn luôn báo động. Cũng quen đi.
Vỗ vai họ Từ, Hoài Ngọc nói :
– Nếu có trang trại, tôi mong có người lão bộc hiền lành như Từ Trung… Thế nào? Thắng ngựa cho tôi mượn?
– Dạ, còn con Lôi Điện và một con của tôi tuy không đẹp lắm nhưng mạnh và rất nhu.
Hoài Ngọc cười :
– Lẽ cố nhiên đóng cương tôi mượn con nhu!
Hai người cùng đi ra mã trại.
Từ Trung chải con ngựa của mình cho sạch sẽ và loay hoay đóng dây cương, thì chợt nghe thấy tiếng vó ngựa nhảy huỳnh huỵch ở trong sân dóng dỏng. Y ngạc nhiên vội chạy ra nhìn thì còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Hoài Ngọc đang cưỡi con Lôi Điện không yên, tay cầm chiếc dây cương độc nhất buộc cổ ngựa. Con Lôi Điện bốc lên quật xuống thiệt dữ tợn, vụt chạy, vụt đứng cố ý hất té chàng kỵ sĩ, nhưng hai vế Hoài Ngọc bắt chặt lấy mình nó như hai gọng kềm thép khiến con ác mã không thể nào bật nổi. Từ Trung đờ người ra nhìn không ngờ. Vì chính Lâm Diêm Bá là tay kỵ sĩ giỏi nhất trại ngồi yên trên cương đàng hoàng mà chưa lần nào giữ được lâu như vậy.
Thời giờ qua, con Lôi Điện sùi cả bọt mép, không chồm cao được như trước nữa, nhưng nó không thôi, vẫn nhảy. Hoài Ngọc lấy ngựa ra gần cửa dóng, Lôi Điện thừa dịp chạy phóng ra phi nước đại vùn vụt như tên bắn.
Từ Trung chạy nhìn theo, nhưng Lôi Điện đã chạy khuất sau mấy dãy nhà.
Hoài Ngọc mặc cho ác mã phi thiệt lẹ vòng quanh trại.
Từ Trung lo sợ nếu họ Dương bị tai nạn thì lát nữa Trại chủ và Phượng Tiên sẽ quở trách y không biết can ngăn.
Như hồi sáng sớm, chính Trại chủ cũng không muốn họ Dương cưỡi Lôi Điện đó ư.
Hồi lâu, không thấy Hoài Ngọc trở lại, Từ Trung nóng ruột lên ngựa định đi tìm thì bỗng tiếng gió ngựa đã từ xa vang tới. Có lẽ Lôi Điện đã hất té Hoài Ngọc đâu đó rồi trở về chuồng chăng.
Nhưng không! Họ Dương vẫn ngồi nguyên trên mình ngựa, mà kỳ thay, con Lôi Điện phi rất bình thường như một con ngựa đã thuộc chủ, mồ hôi nhễ nhại, miệng thở ra khói.
Về tới nơi, Hoài Ngọc kéo giựt cương lại. Lôi Điện chạy từ từ rồi ngoan ngoãn đi bước một.
Từ Trung vội xuống ngựa vỗ tay reo ầm :
– Thiệt không ngờ thiếu gia lại có tài trị ác mã đến như vậy. Chuyến này Lâm trại trưởng sẽ hết chấp thách mọi người.
Hoài Ngọc rẽ ngựa vào trong sân, nhảy xuống dắt Lôi Điện vào trong tầu, tự mình lấy cỏ non cho nó ăn. Ống quần chàng ướt đẫm mồ hôi ngựa :
– Thiếu chút nữa tôi bị nó hất té! Lôi Điện ác quá.
Từ Trung mừng rỡ :
– Cả trại sẽ không ai ngờ tới sự phi thường này.
Hoài Ngọc vội để ngón tay lên môi :
– Suỵt! Kín đáo nhé! Tôi không muốn một ai biết việc này, Từ Trung có hứa không để lộ chuyện không?
Tuy không hiểu vì lý lẽ gì, Hoài Ngọc lại yêu cầu mình kín chuyện nhưng sẵn có cảm tình, Từ Trung cũng gật đầu :
– Thiếu gia đã dạy, tôi lẽ nào không tuân lời.
Hoài Ngọc tủm tỉm cười :
– Được! Bây giờ cho tôi mượn con ngựa hiền lành này đi dạo. Chừng nào Trại chủ và Phượng Tiên cô nương trở về thì cứ nói là tôi đi dạo cảnh nhé.
Từ Trung cẩn thận :
– Thiếu gia nên tiểu tâm kẻo vào lầm Hàn gia trại nguy hiểm vô cùng.
– Tôi biết rồi, đời ai lại dại như vậy.
Nói đoạn, Hoài Ngọc lên ngựa của Từ Trung về nhà thay y phục sạch sẽ rồi theo nẻo đường bên tả thong dong đi thẳng.
Nói về Địch Lân dẫn bộ hạ đi báo thù việc Hàn Gia Tam Mã dám vuốt râu hùm làm nhục tế tử Dương Hoài Ngọc ngay từ buổi đầu, khi họ Dương mới đặt chân tới Tô Châu và Tam Môn cốc.
Làm nhục họ Dương tức là khinh thường họ Địch.
Thù đó phải trả mới hả lòng căm giận. Nhân dịp này hạ quách ba tặc thù đó đi cho xong! Và hạ luôn cả Thiết Đan Tử Hàn Kỳ, như vậy cuộc tranh chấp về mấy ngọn đồi cỏ sẽ chấm dứt. Địch Lân không ngờ Hoài Ngọc, con vị võ sư thân hữu, lại nhu nhược đến nước ấy! Bên ngoài, họ Hàn nhạo báng, bên trong Lâm Diêm Bá khinh thường. Địch Lân thừa biết Diêm Bá thầm mong được sánh duyên cùng Phượng Tiên, nhưng đã trót hứa hôn với ái nữ cho họ Dương rồi thì lẽ nào bội ước? Thiệt ra, Địch Lân thấy Diêm Bá đường đường một đấng anh hùng rất xứng đáng vai khách đông sàng của Phượng Tiên.
Lòng tự ái bị thương tổn đến cực điểm, Địch Lân quyết dạy, biến Hoài Ngọc thành một con người cương quyết, có nghị lực để sau này còn thay thế mình điều khiển mọi việc trong trang trại.
Dù sao, Địch Lân cũng thấy tiếc việc hứa hôn Phượng Tiên cho Hoài Ngọc. Nếu không có lời hứa ấy cản trở, họ Địch quyết thâu nhận Diêm Bá làm tế tử thì có phải hiện thời đã được an nhàn đi dưỡng tuổi già, phó mặc vợ chồng Phượng Tiên điều khiển gia trại, gọn gàng biết bao?
Thần Đan Tử Hàn kỳ cũng ghét Địch Lân về tính tình hẹp lượng hay chấp nhất thù hận dai dẳng.
Trong thâm tâm, họ Hàn không muốn hạ sát Địch Lân chỉ vì mấy ngọn đồi thuộc phần đất họ Âu Dương.
Việc đó điều đình cũng có thể xong mà không cần dùng tới võ lực. Nhưng Địch Lân không bao giờ tỏ ra thái độ ôn hòa để hai họ khả dĩ đi tới mức độ giao hảo được.
So về của cải, họ Địch giàu có hơn họ Hàn về mọi phương diện, ngay đến số bộ hạ cũng đông đảo hơn.
Nhưng nói tới dĩ vãng, dù Địch Lân võ nghệ cao cường, cũng không nổi danh thảo mảng anh hùng như Hàn Kỳ hồi thiếu thời, đã từng nhất cung nhất mã làm khiếp đảm giới giang hồ đắc đạo với tài bách phát bách trúng, chẳng thua chi Dưỡng Do Cơ thời Chiến Quốc.
Nay về già, trở lại trại xưa mai danh ẩn tích với mấy đứa con và tên bộ hạ trung thành. Hàn Kỳ muốn sống an nhàn yên vui tuổi lão thì lại gặp ngay sự tranh giành không đáng của Địch gia trại.
Ba anh em Hàn Thao, Hàn Báo và Hàn Lượng lớn lên tập dượt nghề kỵ mã đặc biệt của cha, tuy không được oanh liệt như Hàn Kỳ lúc thiếu thời, nhưng nói riêng về tài nghệ, ba người cũng đáng được liệt vào hạng kỳ tài, xứng danh tước hiệu Hàn Gia Tam Mã. Phải mỗi tật là cả ba cùng hay ra Tô Châu rượu chè, gây sự đánh lộn nên bị liệt vào hạng côn quan. Hàn Kỳ nhiều lần quở trách, ba người vẫn chứng nào tật ấy.
Sáng hôm đó, Địch Lân dẫn bộ hạ nhập phần đất Hàn gia quyết tâm một mất một còn với họ Hàn, chẳng ngờ cả bốn cha con Hàn Kỳ cùng vắng nhà.
Tức bực, Địch Lân dẫn đầu phóng ngựa như bay, Diêm Bá và Phượng Tiên song song đi hàng hai cùng bọn thủ hạ phi ngựa thiệt lẹ quanh khắp trại thị uy rồi mới quay đi.
Khi ra tới cổng trại, Địch Lân dừng ngựa lại dương cung lắp tên nhằm chữ Hàn trên tấm biển gỗ bắn một phát trúng giữa rồi mới đi thẳng.
Được một quãng Địch Lân bảo Phượng Tiên và Diêm Bá :
– Chẳng lẽ về không, hay là ta ra Tô Châu, nếu gặp chúng thì đón đánh trên đường về.
Hai người đồng ý thế là cả đoàn cùng nhằm hướng Tô Châu.
Gần tới nơi, Địch Lân bảo Diêm Bá.
Trại trưởng nên chia người ra thành từng tốp một vào các tửu quán, nơi gần cổng thành la cà uống rượu không được đi xa, lúc cần, tập trung cho dễ. Thế nào chúng cũng về qua đường này.
May thay, bốn cha con Hàn gia ra Tô Châu, ăn tiệc tại nhà người quen rồi ngủ luôn ở đó nên bên họ Địch chờ đến tối không thấy gì, đành kéo nhau ra về.
Khi về tới nhà thì trong trại đã lên đèn, Địch Lân và Phượng Tiên ném cương ngựa cho gia nhân vào thẳng trong nhà. Hai cha con cùng ngạc nhiên không thấy Dương Hoài Ngọc bèn hỏi tì nữ.
Dương thiếu gia đâu :
– Thưa, thiếu gia đã lên ngựa đi đâu từ cuối giờ Thìn mà bây giờ chưa thấy về.
Phượng Tiên nhìn phụ thân có ý muốn hỏi định đoạt thế nào.
Địch Lân cau mày :
– Không lẽ y cỡi con Lôi Điện? Mà đi đâu giờ này còn chưa về mới được chớ.
– Thưa phụ thân, có lẽ Dương huynh mượn ngựa của Từ Trung.
Địch Lân chưa kịp nói thì Từ Trung đã tới nơi.
Họ Địch vội hỏi :
– Ngươi cho Hoài Ngọc mượn ngựa phải không?
– Dạ, phải.
– Y có nói là đi đâu không?
– Thiếu gia chỉ nói đi dạo thôi.
Địch Lân giãy nảy :
– Chết, không khéo y khờ khạo vào lầm Hàn gia trại thì uổng mạng. Khổ quá đa.
Phượng Tiên cũng cuống cuồng hỏi Từ Trung :
– Thiếu gia có nói gì khác nữa không?
– Dạ, thiếu gia dặn rằng nếu về trễ thì Trại chủ và cô nương đừng lo.
Phượng Tiên dậm chân :
– Hừ! Đừng có lo! Nói dễ nghe quá! Để chúng giết chết à! Hay là gặp bọn Hàn gia rồi cũng không biết chừng. Bởi thế suốt ngày hôm ấy không thấy cha con họ Hàn đâu cả.
Địch Lân ngồi xuống kỷ chống tay lên suy nghĩ. Giữa lúc ấy, Lâm Diêm Bá đi vào, ngạc nhiên thấy thái độ lo âu của hai người, Phượng Tiên kể lại tự sự cho họ Lâm nghe.
Diêm Bá cười khẩy :
– Can đảm thiệt! Tôi vẫn tưởng Dương thiếu gia hiền lành mãi.
Phượng Tiên nói :
– Hay là đi tìm? Dù sao Dương huynh cũng là người mới tới, chẳng lẽ bỏ mặc sao?
Diêm Bá đủng đỉnh :
– Thiếu gia có lọt vào tay Hàn gia nữa thì chẳng qua đến bị lột áo là cùng chớ họ sát hại mỹ nam tử ấy làm chi? Cô nương bất tất phải lo.
Phượng Tiên thừa biết họ Lâm không ưa Dương Hoài Ngọc vì nhiều lẽ, như trong trường hợp này không thể nghĩ tới vấn đề tranh chấp vì bất cứ vấn đề gì, mà cần phải cấp tốc tìm ngay họ Dương.
Nàng bèn thưa với cha :
– Con tự ý đi kiếm Dương huynh vậy, xin phụ thân khá bình an.
Địch Lân vốn biết tình con gái nên chỉ buông xõng mấy câu :
– Cần bao nhiêu gia tướng cứ việc đem theo?
Phượng Tiên liền bảo Từ Trung thắng ngựa và kêu hai người đắc lực tới đại sảnh. Từ nãy, Diêm Bá vẫn đứng nguyên chỗ xem Phượng Tiên xử sự, liền bỏ đi sau khi Từ Trung rời khỏi khách sảnh.
Địch Lân âu yếm hỏi Phượng Tiên :
– Con định đi đâu bây giờ? Phải suy nghĩ và có chuẩn đích mới được.
Không do dự, nàng nói ngay :
– Thưa phụ thân, con đường trước cổng trại chỉ có hai lối. Phía tay hữu ta vẫn thường đi qua Hàn gia trại ra Tô Châu. Còn phía tả thì dẫn đến đồi cỏ qua Âu Dương trang và cũng tới Tô Châu. Con chắc Dương huynh ở nhà một mình buồn quá nên đi ra lối đó thăm phong cảnh. Chàng mải miết vui chân qua Âu Dương trang, thấy lạ tò mò rẽ vào. Trại Mạnh Thường là người hiếu khách… Dễ hiểu lắm.
Nghe ái nữ biện luận một hồi, Địch Lân mỉm cười gật đầu :
– Ta đồng ý. Nhưng bây giờ tối rồi làm sao tới được Âu Dương trang cách đây mấy chục dặm đường, và còn thì giờ trở về nữa? Con định đi suốt đêm nay sao.
– Phụ thân cho phép con tự liệu, thế nào cũng trở về sớm.
Giữa lúc ấy, Từ Trung và hai viên bộ hạ vào tới khách sảnh.
Phượng Tiên liền đeo khí giới vái biệt Địch Lân, vẫy tay ra hiệu bảo bộ hạ theo mình. Nàng phóng ngựa đi trước ra khỏi công trại rẽ sang tay tả. Vừa được một quãng đường thì bỗng có một kỵ sĩ lù lù chắn ngang lối đi.
Người ấy quát :
– Ai? Đêm hôm qua đây làm chi?
Phượng Tiên tuốt phắt thanh đơn đao ra nhưng đồng thời trong ánh đêm lờ mờ, nàng nhận ra ngay Trại Thiết Ngưu Lâm Diêm Bá, liền hỏi :
– Lâm trưởng trại ra đây làm chi.
– Tôi chờ đây đã lâu để mời cô nương hồi trang. Việc đi tìm Dương thiếu gia, tôi xin đảm nhiệm.
Nói đoạn, họ Lâm gọi hai bộ hạ theo chàng phi ngựa đi thẳng không chờ Phượng Tiên trả lời.
Nghĩ tới thái độ của Lâm Diêm Bá, Phượng Tiên mỉm cười lắc đầu thương hại, rẽ cương ngựa đủng đỉnh về trại. Nàng bâng khuâng nghĩ liên miên về hai chàng trai trẻ xung đột như Nhật, Nguyệt hiện ở cả hai bên nàng.
Mới gần nhau chưa được hai ngày trời, nàng nhận thấy vị hôn phu của nàng tánh trái nết quá đến nỗi mỗi khi bên chàng, nàng thấy bị nhục nhã muôn phần. Tương lai nàng sẽ ra sao chỉ sống với người chồng kỳ dị ấy? Suốt đêm qua, nàng đã khóc, cầu nguyện cho họ Dương đừng nhắc nhở tới cuộc hôn nhân với phụ thân nàng. Nghĩ vẩn vơ, bất giác nàng đi về tới cổng trại.
Trang đinh canh phòng trên vọng lầu vội xuống mở cổng Phượng Tiên đi thẳng tới trước thềm nhà ném cương cho tráng đinh. Trong thực tế phòng còn sáng choang, Địch Lân đang uống rượu độc ẩm.
Liếc nhìn trên thồi, Phượng Tiên thấy bày sẵn chén, đũa cho hai người dùng. Địch Lân tươi cười ngước mắt nhìn ranh mãnh.
Phượng Tiên hỏi :
– Ủa! Phụ thân chưa dùng cơm chiều sao?
– Chưa vì ta chờ con.
– Nhưng con đã xin phép đi tìm Hoài Ngọc.
– Ta biết con sẽ trở về vì Lâm Diêm Bá không khi nào chịu để con đi đêm hôm xông pha như vậy. Thôi lên thay áo đi. Lẹ tí chút, đói bụng lắm rồi.
Nói về Dương Hoài Ngọc hồi ban sáng ra khỏi Địch gia trại, liền rẽ sang bên tay tả theo đường đi mãi.
Chàng chú ý nhận xét, càng đi xa hơn Tam Môn cốc bao nhiêu thì phong cảnh càng xanh tươi hơn bấy nhiêu.
Mải miết nhìn ngắm, họ Dương buông lỏng cương bất giác đi tới khu đồi cỏ xanh mướt lác đác có vài mươi con trâu tha thẩn ăn cỏ, mỏ cây đeo ở cổ rung lốp bốp. Đoàn mười anh mục tử nằm ngả nghiêng dưới bóng cây lớn. Nghe tiếng vó ngựa họ vùng đứng dậy nhìn chằm chặp.
Hoài Ngọc thúc ngựa tiến tới. Có lẽ nhận ra con ngựa của Từ Trung, đoàn mục tử định hỏi thì Hoài Ngọc biết ý đã xưng danh.
Một người ra dáng chỉ huy vái chào :
– Nghe nói thiếu gia qua thăm trại, chúng tôi đi sớm nên không được diện kiến mong người thứ lỗi.
Hoài Ngọc xuống ngựa cùng mọi người chào hỏi thân mật :
– Gia súc bên Hàn gia trại chăn nơi nào?
– Thường thường họ ở khu đồi thứ ba bên hướng Tây, nhưng bữa nay họ không tới.
– Họ đi qua cổng trại nhà sao.
– Không, họ đi vòng lối sau. Thiếu gia qua đây có chuyện chi dạy bảo không?
– Tôi lãng du, nhân tiện rẽ thăm anh em. Con đường trước mặt kia dẫn tới đâu.
– Cứ đi thẳng mãi sẽ qua Âu Dương trang. Qua đại trang sẽ vào Tô Châu. Bây giờ Chính ngọ rồi, mà từ đây thuộc phần đất của Âu Dương, không có phạn điếm, thiếu gia định dùng bữa ở đâu?
Hoài Ngọc tươi cười :
– Lãng du nên không tính đến chuyện ăn.
Chỉ mấy súc thịt xâu vào xiên nướng trên đống lửa, mùi thơm bốc ngào ngạt, viên chỉ huy nói :
– Nếu thiếu gia không quản ngại, mời người dùng tạm bữa du tử xô bồ này với chúng tôi. Bánh khôn thịt nướng đều có dư.
– Thế thì còn chi bằng!
Nói đoạn, Hoài Ngọc buông dây cương thả ngựa quanh đó ăn cỏ rồi cùng đoàn mục tử sà vào ngồi quanh đống lửa nhỏ.
Viên chỉ huy rút trong bọc một chiếc dĩa nhỏ đưa cho họ Dương trong khi một mục tử khác phân phát bánh khô, thịt nướng cho cử tọa. Mấy chiếc bầu thiếc đựng rượu, hoặc nước cũng được bày ra giữa để mọi người chuyền tay nhau uống.
Bữa ăn tuy xô bồ, nhưng thiệt vui vẻ trung và ngon lành.
Hoài Ngọc hỏi viên chỉ huy :
– Khu này rộng lớn, bầy trâu lèo tèo vài mươi con đáng kể gì mà đến nỗi hai trại Địch, Hàn phải thù ghét nhau. Thiếu gia mới tới Tam Môn cốc nên không hiểu. Mới đây, Trại chủ đã bán đi mấy lứa nên số gia súc với đi gần hết. Chừng nào các lái từ Lữ Châu hay Vũ Hồ ra giao hàng, số súc vật sẽ tăng lên gấp bội. Nhưng sự tranh chấp của hai bên không do đó mà ra. Theo thiển ý thì có lẽ bên nào cũng ao ước choáng khu đất xanh tươi này làm của riêng mình nên mới thù ghét nhau.
– Choán làm sao được? Đất của Âu Dương trang mà.
– Dạ, chính vậy! Trại Mạnh Thường là một vị lão anh hùng giàu có thiên ức vạn tải có nhã ý mặc cho hai họ sử dụng khu đồi cỏ này nuôi gia súc, quyết không bao bán riêng cho một bên nào.
Bên Hàn gia khiêu khích chúng tôi quá đáng nên tức giận mà đánh nhau. Thiệt ra bên mình cũng khiêu khích lại không kém gì họ, thành thử thù ghét nhau lai rai mãi.
Chuyện vãn hồi lâu, Dương Hoài Ngọc từ giã đoàn mục tử, phi ngựa lên đỉnh đồi xem địa thế rồi mới xuống đường nhằm lối Âu Dương trang.
Trông cảnh thế đất đai phì nhiêu của họ Âu Dương, Hoài Ngọc lấy làm thích chí, buông cương mải miết tới xế chiều thấy một trang trại cực kỳ lớn.
Trên chiếc cổng tam cấp treo ngang tấm biển đã khắc ba đại tự “Âu Dương trang”. Dọc theo cột cổng cũng khắc sáu chữ, bên hữu “Trại Mạnh Thường”, bên tả “Cầu bằng hữu”.
Hoài Ngọc bèn rẽ ngựa vào, hỏi tráng đinh canh phòng :
– Lão anh hùng có nhà không? Tôi xin yết kiến.
Nhìn kỹ khách lạ, tráng đinh đáp :
– Thưa có. Xin ghi tên vào cuốn danh sách này rồi, mời người nhập trang.
Hoài Ngọc hành động theo thể lệ và được tráng đinh dẫn vào tới đại sảnh yết kiến Trang chủ.
Trông tướng mạo bệ vệ uy nghi của Âu Dương Tòng Thiện, Dương Hoài Ngọc rất đỗi thầm phục.
Phân ngôi chủ khách cùng ngồi, Trại Mạnh Thường hỏi :
– Thiền hữu từ đâu qua đây?
Hoài Ngọc kính cẩn thưa :
– Tiền điệt từ Nghĩa Hưng phủ qua Tam Môn cốc, nghe đại danh của bá phụ nên tới đây yết kiến :
– A! Tam Môn cốc! Nhưng thiếu hữu ở trại nào? Hàn hay Địch?
– Dạ, tiểu điệt ngụ tại Địch gia trại. Trại chủ Địch Lân là bạn đồng sư của gia phụ Dương Hoài Đĩnh.
– A, ra vậy đó! Trước kia lệnh phụ có qua bản trang chơi mấy ngày. Chẳng hay võ đường có đông khách không?
– Thưa bá phụ, gia phụ mất được mấy năm nay rồi. Hiện nay võ đường tạm đóng cửa vì tiểu điệt vắng nha.
– Té ra quen thuộc cả, thế mới biết thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng cũng chưa đủ đường đất cho khách anh hùng lê gót giang hồ! Bữa nay hiền điệt qua chơi hay có điều chi khác nữa không?
– Dạ, tiểu điệt nghe nói có sự tranh giành giữa hai họ Địch, Hàn trên khu đồi cỏ thuộc phần đất quý trang, chẳng hay bá phụ có ý kiến chi về vụ đó không.
Trại Mạnh Thường vuốt râu cười ha hả :
– Chao ôi! Nói tới hai vị lão già ấy, lão phu thấy bực mình! Đất cỏ dư chỗ cho gia súc hai trại dùng mà họ gây lộn hoài khiến lão phu cảm tưởng là vì mối cựu thù nào khác nên hai họ cố ý tương tranh. Đã có lần lão phu thỉnh giảng cả hai bên tới tệ trang giảng hòa, nhưng họ Tỵ hiềm không tới.
– Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ lão phu buộc lòng phải dùng đến biện pháp cương quyết hơn để chấm dứt những vụ lưu huyết vô lý ấy. Hoặc là hai vị lão già ấy muốn ăn thua thử tai cao thấp, lão phu sẽ tới làm cầm trịch. Mới đây từ Kim Lăng về, lão nghe nói bọn mục tử đánh nhau một trận khá lớn nên rất lấy làm phiền.
Hoài Ngọc hỏi :
– Bá phụ du hành phải chăng để xem kỵ mã do Thuận Vương tổ chức?
– Chính vậy. Mã hội thập phần hào hứng nhưng quá ư gay cấn.
Một già, một trẻ đang chuyện vãn thì Tòng Cát, Tòng Đức lên đại sảnh.
Trại Mạnh Thường giới thiệu và nhường cho hai con khoản đãi Dương Hoài Ngọc.
Họ Dương nói chuyện mãi lúc trời tối hẳn mới đứng lên cáo từ.
Tòng Cát giữ lại :
– Tối rồi, đường về Địch gia trại còn xa, chi bằng đại ca nghỉ lại tệ trang đêm nay, mai sẽ trở về cũng chẳng muộn.
– Lúc đi không báo trước, e Địch trại chủ thắc mắc cho người đi tìm, đêm nay có trăng, tiểu đệ đi được, không hề chi.
Lưu khách không được, anh em Tòng Cát đành tiễn Hoài Ngọc ra tận cổng trang hẹn ngày tái ngộ.
Họ Dương phi ngựa dưới ánh trăng xanh, về tới khu đồi cỏ thì vừa gặp Lâm Diêm Bá và hai bộ hạ đi tới.
Hoài Ngọc tươi cười :
– Kìa, Lâm trại trưởng đi đâu qua đây vậy?
Diêm Bá dừng ngựa, cười nửa miệng :
– Đại ca còn hỏi có đi đâu, nếu không phải là đi kiếm vị khác quý của Địch trại chủ! Ha… ha…
– Vậy à! Quý hóa quá! Nhưng tôi không cần nhũ mẫu từ năm lên ba, lẽ nào không biết đường đi mà phải mất công tìm kiếm.
Lâm Diêm Bá bị Hoài Ngọc trả đũa bất ngờ, cười gằn khiến kẻ yếu bóng vía phải ghê rợn :
– Dương đại ca anh hùng quá nhỉ? Trại chủ đâu có lo đại ca không biết lối đi.
Hoài Ngọc cười lớn.
Trại chủ lo cho tôi vì lẽ gì đến nỗi phiền trại trưởng mất công như vậy.
Diêm Bá gắt gao dằn giọng :
– Đây là Địch cô nương lo đại ca bị Hàn gia hổ vồ, tự đi kiếm. Tôi e thân gái dặm trường, nên đi thay đó.
– Hàn gia làm chi có hổ! Chúng chỉ có mã dù là tuấn mã! Khu Tam Môn cốc khô khan cằn cỗi này chỉ toàn có giống… ngưu do người chăn nuôi! Vậy có chi đáng sợ.
Diêm Bá quắc mắt cười gằn :
– A! Nếu hôm qua đại ca có thái độ này có phải là… đỡ phiền cho mọi người không.
Hoài Ngọc trừng mắt nhìn lại.
– Thái độ nào cũng vậy, phải dùng cho đúng chỗ và kín đáo mới gọi là hay! Như lúc này chẳng hạn. Trại trưởng muốn tôi giải thích thái độ riêng biệt ấy, thì tôi rất sẵn lòng, nhưng… cũng phải kín đáo mới được! Vì tôi biết nó chẳng hay ho gì cho thanh danh trại trưởng đâu!
Diêm Bá giận tái người, quay lại bảo hai bộ hạ :
– Hai ngươi hãy lùi bước ra xa chờ ta.
Chờ chúng đi khỏi, Hoài Ngọc mỉm cười bảo Diêm Bá :
– Bây giờ Dương mỗ xin mời Trại Thiết Ngưu cùng lên dinh bãi cỏ. Tuy kín đáo nhưng không cho người chứng kiến, ít nhất cũng phải để Hằng Nga soi tỏ, sau này còn có nàng tiên sinh ấy nhắc lại chuyện xưa mọi tuần trăng rằm một lần chớ.
Dứt lời, Hoài Ngọc phi ngựa lên đỉnh đồi.
Diêm Bá hầm hè tức giận theo sau.
Gió mát, trăng thanh, làn cỏ êm mướt như nhung. Hai thanh niên xuống ngựa.
Diêm Bá xắn tay áo lên để lộ bắp tay màu đồng chắc nịch lông lá xồm xoàm gớm khiếp. Chàng định bụng cho tên thư sinh ngông cuồng họ Dương phải khiếp đảm với đôi tay sức lực của mình.
Hoài Ngọc khoanh tay đứng nhìn tủm tỉm cười.
Diêm Bá hất hàm :
– Nào, xin mời.
– Khoan! Tôi còn điều kiện này.
Họ Lâm nóng ruột :
– Dằng dai mãi! Nếu sợ thì về cho mau lẹ. Nói đi. Sao?
Hoài Ngọc chậm rãi :
– Ta có mắt để nhìn, biết người biết ta. Tôi hiểu ý tình thầm kín của trại trưởng và lấy đó làm mừng. Cũng vì tôi mừng nên giấu kín vụ này cho… trại trưởng, chớ không phải cho tôi.
Nếu vậy trại trưởng thắng, lẽ cố nhiên tôi sẽ bỏ đi. Nhưng nếu trại trưởng bại, thì cũng vẫn phải… nhận lấy “cái sự nhường” hảo của tôi có chịu không?
– Được lắm! Thế nào tôi cũng nhận. Nào xin mời…
Miệng nói vậy, Diêm Bá đứng thẳng hai tay vào sườn khinh thường.
Hoài Ngọc lắc đầu cười :
– Đây là một trận thách đấu đàng hoàng xin trại trưởng nên giữ lễ độ con nhà võ để tránh tiếng võ phu. Có thế tôi mới giữ lời đấu.
Bực mình, nhưng Diêm Bá phải theo lý luận hợp cách của họ Dương.
Chàng dẻo dai, rắn chắc, dạo mấy đường quyền xuất đấu, gân xương chuyển răng rắc, chẳng khác chi mãnh hổ vờn mồi, rồi quay về bái tổ, hất hàm mời đối thủ.
Hoài Ngọc khen :
– Khá, coi được đấy.
Dứt lời, chàng đảo bộ nhịp nhàng, hai chân là trên mặt cỏ nhung êm dịu, hai tay hoa quyền lên xuống chập chờn huyền ảo, toàn thân dẻo dang như giao long vờn sóng, miệng nói :
– Coi chừng…
Rồi biến thế xô lẹ nhập nội tưởng chừng đánh như chớp khiến Diêm Bá hét lên một tiếng đảo cánh tay gạt mạnh… hụt! Nhưng lại rút lẹ ngay thành thử họ Lâm chần chờ chưa kịp đón sức tấn công của đối phương, thì đã bị luôn Hoài Ngọc xô tới lần thứ hai quất luôn hai trái Thôi sơn Song Thủ Đồng Giao vào mặt và vào mỏ ác.
Đòn đánh cực kỳ mãnh liệt, Diêm Bá biết ngay gặp hảo thủ, kinh ngạc thầm khen, dùng thế Mỹ Nhân Chiếu Kính, xòe hai bàn tay gạt quyền địch trên mặt, đồng thời đảo cùi chỏ đánh bật quyền dưới. Nhưng Hoài Ngọc đã lẹ làng thâu hai tay quyền về, chuyển bộ đạp luôn cạnh bàn chân vào ống chân địch theo thế Lão Hô Triệu Vân. Diêm Bá thấy kịp nhảy sang bên né khỏi, không chịu kém, xô luôn vào hoành tấn, dang tay thọc mạnh một trái nhằm sườn địch. Hoài Ngọc đưa tay gạt và luồn tay Diêm Bá kéo văng ra phía mặt, đồng thời đưa chân gạt ngược lại thiệt mạnh.
Trúng đòn, Diêm Bá theo đà ấy nhộn lào lăn trong đi hai vòng trên mặt đất như chiếc bánh xe và đứng ngay dậy được, hầm hè tức giận.
Hoài Ngọc khen :
– Khá lắm! Đánh nữa hay thôi.
– Ăn thua gì! Coi đây.
Dứt lời, Diêm Bá xông thẳng tới mạnh tựa trâu lăn, co cánh tay cửu thích cùi chỏ vào ngực Hoài Ngọc Biết là thế Phượng Dực Đả Loan Đài. Biết Diêm Bá dùng toàn lực mạnh lắm, Hoài Ngọc lanh lẹ nhảy né sang bên, thì bị đối phương quật trái lại một trái đấm tay tả theo thế Diệp Để Tán Hoa.
Dùng ngọn quyền này, Lâm Diêm Bá chắc ăn mười mươi vì thế đánh vừa gần vừa mạnh.
Không ngờ, Hoài Ngọc lẹ như thần hầu, tương kế tựu kế, hơi cúi thấp người xuống bắt trúng cổ tay địch, một lần nữa rút mạnh, đồng thời dùng mông đánh bật hẳn người Diêm Bá lên, độn vai quật nhào ra phía trước.
Sợ gãy tay, họ Lâm không dám cưỡng nên bị văng qua đầu Hoài Ngọc quật lưng xuống mặt cỏ huỵch một tiếng.
Mặt đất như bị chuyển dưới sức nặng của Diêm Bá.
Tuy bị đau, nhưng Diêm Bá cũng đứng dậy được ngay, hầm hè nhìn đối phương như muốn nuốt sống cho hả giận.
Hoài Ngọc hất hàm thách :
– Nhập nội nữa coi nào.
Không chịu, Diêm Bá nhảy tới hoa quyền đánh tới tấp, trí mạng.
Hoài Ngọc cũng trả đòn.
Không ai chịu nhường ai, bốn cánh tay lên xuống chập chờn, lúc đánh lúc gạt huyền ảo vô cùng. Bốn chân đạp rầm rập trên mặt đất, tiến thoái nhịp nhàng.
Dưới ánh trăng thanh, hai thanh niên quyết phân tài cao thấp nên trận đấu vô cùng hào hứng.
Tiếc rằng trận đấu quyền thuật tuyệt hảo này chỉ có vị khán giả độc là Hằng Nga tròn vạnh lơ lửng giữa không trung.
Quyết dùng lực để thắng, Diêm Bá ra đòn mạnh mẽ chí tử.
Hoài Ngọc thở hồng hộc lùi dần, đối phương theo sát.
Bỗng họ Dương loạng choạng như bị mất sức rồi té ngồi xuống mặt cỏ.
Diêm Bá mừng rỡ xông thẳng vào vòng hai tay cúi xuống nhằm mặt địch thủ tát hai mang tai, dữ dội.
Một tiếng rú lên vang động cả khu đồi vắng vẻ.
Một bóng người quật lộn xuống xoài trên mặt đất, quằn quại…
Hoài Ngọc lẹ làng quật chân lên đứng dậy.
Thì ra họ Dương giả đò yếu sức cho Diêm Bá ham đòn tấn công không dè dặt nữa.
Trong khi họ Lâm vòng tay đánh rập cả hai quyền vào mang tai đối phương thì Hoài Ngọc đã chắp hai tay lại thúc vào giữa chặn hai trái đấm cực kỳ mạnh mẽ của địch thủ, đồng thời ngả hẳn lưng xuống cỏ thúc ngựa song cước lên bụng, khiến Diêm Bá sa cơ hứng đòn bị hất bổng lộn ngược rồi quật lưng xuống đất đau đớn, quằn quại không dậy nổi nữa như hai chuyến trước…
Hoài Ngọc cúi xuống đỡ Diêm Bá dậy, thoa nắn một hồi, họ Lâm mới trệu trạo đứng hẳn lên được.
Diêm Bá cung xá :
– Tiểu đệ xin chịu đại ca ở ngọn Hầu Viên Đảo Quái này. Xưa kia, Địch trại chủ dạy mãi ngọn này nhưng tiểu đệ thiếu dẻo dai nên vụng về không xử nổi. Đại ca đáng mặt võ sư. Xin chịu thua.
Hoài Ngọc xá lại :
– Tiểu đệ chỉ yêu cầu Lâm đại ca giữ lời hứa hồi nãy thôi. Ta hãy quên hẳn vụ đấu quyền này. Giữa hai chúng ta vẫn có điểm không hợp nhau vì tiểu đệ… nhu nhược đến thành hèn nhát chịu nhục.
Diêm Bá vội nói :
– Không được, tiểu đệ không thể nào…
Hoài Ngọc ngắt lời :
– Anh hùng đã hứa phải như dao chém đá, mong đại ca chớ khinh thường nuốt lời. Thôi ra về trại kẻo mọi người lo sợ.
Nói đoạn, Hoài Ngọc lên ngựa.
Diêm Bá lầm lì lên ngựa theo, Hoài Ngọc nói thêm :
– Đại ca quên rằng Địch trại chủ chỉ trông cậy ở một mình đại ca để điều khiển toàn trại và đối chọi với bên trại Hàn gia.
Chờ Diêm Bá thúc ngựa xuống đồi. Hoài Ngọc mới xuống theo.
Địch Lân và Phượng Tiên còn chong đèn ngồi chờ.
Diêm Bá và hai bộ hạ đi thẳng về tư phòng ở căn nhà ngang, dắt theo luôn cả con ngựa của Từ Trung mà Hoài Ngọc vừa nhảy xuống.
Địch Lân trách nhẹ :
– Hiền điệt bất ngờ đi đâu khiến lão phu chẳng an tâm chút nào.
Hoài Ngọc vòng tay xá dài :
– Mượn ngựa của Từ Trung, tiểu điệt vui chân đi đến tận Âu Dương trang được lão anh hùng giữ lại uống rượu quá chén, tối mịt mới trở về thì gặp Lâm trại trưởng giữa đường. Thúc phụ và Địch hiền muội đại xá cho.
Phượng Tiên hối nữ tỳ dọn thồi ăn.
Hoài Ngọc sửng sốt :
– Thúc phụ và Địch muội muội chưa dùng cơm chiều sao.
Phượng Tiên đáp :
– Vì lo âu lúc nãy ăn ít nên nấu cháo chờ Dương huynh về ăn luôn thể.
– Nếu vậy sao không mời trại trưởng cùng ăn.
– Mặc y, có mời chắc cũng chẳng lên đâu.
Địch Lân hỏi Hoài Ngọc :
– Trại Mạnh Thường có nói gì với hiền điệt không?
– Lão anh hùng nhắc đến việc trước đây có lần mời thúc phụ qua bên Âu Dương trang mà thúc phụ không đi, có vậy thôi.
– Ta tới đó sao được! Nếu y mời ta biết đâu mà không mời cả Hàn Kỳ! Vì lẽ đó nên lão phu không tới.
Nhân tiện, Địch Lân đem việc không gặp cha con Hàn Kỳ ở nhà trong vụ đi báo thù hồi sáng cho Hoài Ngọc nghe :
– Tiểu điệt vẫn không tán thành vụ xuất chinh ấy. Nếu cứ viện lẽ nọ kia báo thù thì hết ngày nọ qua tháng kia tìm cách trả miếng nhau, còn thì giờ đâu tính chuyện doanh thương sao.
Phượng Tiên cười lạt :
– Suy luận như Dương huynh thì cứ mặc tình Hàn gia thao túng. Nếu vậy chỉ vài lần là chúng tràn qua ở luôn bên trại nhà.
– Đâu có phép như thế được! Bằng cớ là từ bao năm nay, bên họ Hàn chưa ra khỏi địa phận của họ.
– Như vậy là chúng sợ ta đánh chớ sao.
– Bởi lẽ đó ngu huynh thấy không cần chấp nhất những điều nhỏ mọn.
Phượng Tiên bực tức :
– Chúng biết đâu ra không chấp hay là cho rằng ra nhút nhát chịu hèn.
– Ai lại rỗi hơi chấp một kẻ không hiểu tình thế bao giờ.
Nghe hai trẻ tranh luận, Địch Lân cười bảo Phượng Tiên.
Con bất khá tranh luận với Dương hiền điệt là người mới đến Tam Môn cốc. Phải ở đây lâu mới biết tánh cách côn quang của cha con Hàn gia.
° ° °
Nói về Hàn Gia Tam Mã hôm trêu chọc Dương Hoài Ngọc xong rồi kéo về thẳng trại.
Hàn Kỳ đang chỉ bảo công nhân xây lại chiếc cổng trại, thấy ba con tới lều liền cau mặt bảo :
– Các ngươi vào cả trong nhà ta hỏi?
Tam Mã lấm lét nhìn nhau, xuống ngựa theo phụ thân vào đại sảnh.
Hàn Kỳ chỉ mấy chiếc kỷ :
– Cho phép bọn bất hiếu bất mục các ngươi ngồi xuống. Đời ai lại để cha già làm việc quần quật suốt ngày, còn các ngươi sức dài vai rộng thì bỏ trại ra Tô Châu rượu chè đàng điếm tối đến lại vác xác về ngủ, có biết thế là bất hiếu bất mục không?
Tam Mã lẳng lặng cúi mặt nhìn mũi hài.
Hàn Kỳ gắt :
– Bây nốc rượu nhiều quá nên đứa nào cũng cấm khẩu rồi phải không?
Nói đoạn, Hàn Kỳ nghiêm nghị nhìn chòng chọc ba con trai hồi lâu :
– Thao nhi! Ngươi năm nay ngót nghét tam thập rồi mà chính ngươi còn đầu trò lôi kéo cả hai thằng Bào, Lượng lông bông bất hiếu chi tử cho có bạn phải không? Bữa nay các ngươi đi đâu về trễ vậy?
Hàn Thao lắp bắp :
– Thưa phụ thân, chúng con ra Tô Châu.
Hàn Kỳ gắt :
– Bộ Tô Châu đối với các ngươi xa lạ lắm sao mà ngày nào cũng phải ra đó vãng cảnh.
Thao đưa mắt nhìn Bào, Lượng cầu cứu.
Hàn Lượng vội thưa :
– Chúng con về sớm nhưng trên đường về gặp một việc nên thành ra trễ.
– Hừ! Còn một việc chi nữa trên con đường vắng vẻ khô khan ấy! Ngươi định gạt cả cha già phải không.
Hàn Bào thưa :
– Tam đệ nói thiệt đó ạ!
– Nói ta nghe việc chi! Hay là gặp Trại Thiết Ngưu Lâm Diêm Bá nên các ngươi phải… tạm lánh vào khe đồi sỏi, bây giờ mới dám vác mặt về đây.
Hàn Thao ngửng mặt nói :
– Thưa phụ thân quả có việc thực sự. Chúng con không gặp Diêm Bá nhưng gặp một người khác có lẽ còn hơn Diêm Bá về địa vị. Vả chăng, có gặp Trại Thiết Ngưu nữa thì đường y, y đi, đường con con đi sợ chi nó mà phải trốn tránh.
Hàn Kỳ cười lạt :
– Các ngươi can đảm quá! Ta khen đấy.
Chạm lòng tự ái, Hàn Thao cãi :
– Quả thật như vậy, thưa phụ thân, và chúng con đã hành động thiệt khoái trá.
Hàn Kỳ mỉm cười, nghi ngờ :
– Nói thử ta nghe xem có được không nào.
Hàn Thao hất hàm bảo Hàn Lượng :
– Tam đệ nói giỏi hãy thuật lại cho phụ thân nghe, chia vui cùng chúng ta.
Hàn Lượng bèn đem việc gặp Dương Hoài Ngọc ở gần chợ Tô Châu và sau đó, trên đường về Tam Môn cốc kể rành mạch cho phụ thân nghe.
Nghi ngờ Hàn Kỳ hỏi :
– Sao các ngươi biết họ Dương là tế tử của Địch Lân? Nói sai đừng có trách ta khắc nghiệt nghe.
Hàn Lượng đáp :
– Vì huynh trưởng bảo vậy.
Hàn Kỳ chép miệng, lắc đầu :
– Các ngươi nghe lời Thao nhi thì thật là buồn cười.
Hàn Thao vội cãi :
– Thưa phụ thân, con nghe đồn Địch Phượng Tiên có hôn phu, nay thấy nó ngồi cùng xe với người lạ, tất phải là hôn phu nó mới dám ngồi chớ! Bởi vậy, con mới làm nhục họ Dương cho Địch Lân phải xấu hổ :
– Ta không hãnh diện về hành động đó của các ngươi chút nào. Hành động có tánh côn đồ ấy.
Tam Mã nghe thân phụ nói sửng sốt nhìn nhau.
Hàn Kỳ nói tiếp :
– … Nếu họ Dương vui vẻ tự nhiên cười nói tức y điềm đạm hòa bình không thèm chấp thái độ côn quang của bọn con trai họ Hàn. Thiệt ra y không sợ hay hèn nhát như các ngươi tưởng đâu!
Người hèn nhát mà ở trong trường hợp bị nạt nộ, liệu có cười nổi không? Các ngươi ngu ngốc không biết suy xét, tâm lý chút nào! Các ngươi có đại thắng nữa, cùng mang tiếng Hàn Gia Tam Mã uy hiếp một thiếu nữ và một thơ sanh, cậy đông hiếp yếu. Mà thua thì nhục đó vô bờ bến. Cho nên ta lấy làm cảm ơn họ Dương đã không nỡ hạ giá họ Hàn trước mặt người con gái họ Địch. Tưởng tượng xem, một người rành nghề võ và thù dai như Địch Lân liệu có chịu gả cô ái nữ độc nhất cho một thơ sanh trói gà chẳng nổi chăng? Các ngươi vừa thoát chết mà không hay đó! Thân nam nhi ngang tàng bảy thước như các ngươi mà không làm xiêu lòng nổi một cô gái võ dũng đẹp như hoa ở ngay kế bên, kể cũng khá hèn kém đó.
Bị thân phụ dồn cho một hồi, Tam Mã đờ người ra suy nghĩ tức giận.
Hàn Thao nói :
– Phụ thân tôn giá trị của đối phương lên nhiều quá. Biết vậy con bắt tên họ Dương ấy về đây xem họ Địch dám làm chi ta nổi.
– Thao nhi! Ta không tôn giá trị ai hết, nhưng chỉ biết mình biết người thế thôi.
– Nếu các ngươi bắt nổi Dương Hoài Ngọc về đây thì trại nhà sẽ bị Địch Lân cùng bộ hạ áp đảo tàn phá ngay.
– Ta sẽ phục kích cho chúng một trận chớ lo gì.
Hàn Kỳ lắc đầu :
– Cứ ở chết xó trong khu này mà ngày ngày phục kích mãi sao? Không làm ăn không đi đây đi đó vì công việc.
– Các ngươi coi Hàn gia là một nơi sơn trại chuyên về cướp bóc đánh nhau, chớ không phải là một nơi buôn bán gia súc nữa.
– Bất tuân lời ta thế nào cũng bị trận đòn nhừ tử mới thôi. Lúc đó rửa cũng không hết nhục.
Tam Mã cúi đầu im lặng.
Hàn Kỳ nói :
– Ngày mai, Lư viên ngoại lễ tứ tuần đại khánh mời ăn. Các ngươi khá ở nhà theo ta. Phải y phục chỉnh tề nghe.
Nói đoạn, Hàn Kỳ đứng lên vào nhà trong.
Hôm sau, mãi khuya, cha con Hàn gia ăn tiệc ở nhà Lư viên ngoại trở về, biết việc Địch Lân, Lâm Diêm Bá, Phượng Tiên kéo thủ hạ đột nhập trang trại, ba anh em Tam Mã nổi giận đùng đùng muốn kéo thủ hạ đi báo thù ngay, nhưng Hàn Kỳ ngăn lại nói rằng :
– Chúng kéo tới đây mà không phá phách chi cả là cốt ý tìm các ngươi đó. Từ nay khá thận trọng hơn trước kẻo chết không kịp ngáp. Chúng có phá trại đâu, báo thù cái nỗi gì? Ta lo cho các ngươi bị đòn lắm. Ráng nghe ta ở nhà ít ngày, quân tử phòng thân đừng coi thế làm nhục.
Tuy khó chịu, Hàn Gia Tam Mã không dám cưỡng lời cha, bỏ hẳn việc ra Tô Châu trong nhiều ngày.
Vì thế Địch Lân và Lâm Diêm Bá đã mấy lần ra Tô Châu mà không hề gặp ba anh em Hàn gia.
Câu chuyện báo thù làm nhục Dương Hoài Ngọc do đó nguội dần.
Bên Địch gia trại, Hoài Ngọc vẫn tự nhiên như thường nhưng với những sự đã xảy ra hôm chàng mới đến Tô Châu và Tam Môn cốc, sau đó những lý luận hòa bình của chàng đã khiến Phượng Tiên coi chàng như là quá nhu nhược, nhát gan.
Địch Lân cũng buồn về tánh tình của tế tử tương lai, nhưng mặc Phượng Tiên lựa chọn xử trí.
Phần Dương Hoài Ngọc sau nhiều ngày nhận xét kỹ lưỡng, chàng nhận thấy rõ ràng mối cảm tình của Phượng Tiên đối với Lâm Diêm Bá ngày một nồng nàn hơn, nhất là từ hôm Hàn Gia Tam Mã trêu chọc mà chàng không chịu ứng đối lại.
Ngày tám năm về trước, chàng đã biết không thể nào Phượng Tiên sẽ hợp với chàng cho nên chuyến đi thăm họ Địch này, chàng tự buộc phải đi vì tinh thần lời hứa của phụ thân chàng và Địch Lân.
Theo ý chàng, thà để ngang trái còn hơn là cứ gò bó câu nệ theo lời hứa hôn của hai ông già, xum họp với nhau để rồi suốt đời trái tánh trái nết, mất cả hòa thuận.
Chàng muốn lấy một người vợ dịu hiền như Phương Tú Kiều, chẳng hạn.
– Nghĩ vậy thôi, thiệt ra lấy sao được, vì Tú Kiều và Phượng Tiên là đôi bạn gái rất thân tình.
Một hôm vợ chồng Từ Trung ra Tô Châu, Phượng Tiên nhân tiện gởi mấy món bánh ngọt tự tay nàng làm ra biếu Phượng thái và Tú Kiều.
Xưa nay, Tú Kiều cũng rất mến gia đình Từ Trung nên hôm đó vợ chồng họ Từ tới nơi, Tú Kiều mừng rỡ rối rít hỏi thăm và giữ hai người đó ở lại dùng bữa trưa.
Ăn xong, nhân khi vắng vẻ nhàn rỗi, Tú Kiều hỏi họ Từ :
– Chừng nào làm lễ cưới, chắc Địch gia trại treo đèn kết hoa, vui vẻ lắm nhỉ, sửa soạn chưa?
Từ Trung nói :
– Thưa tiểu thư, chưa thấy đả động gì tới việc đó cả, Dương thiếu gia tánh tình hiền hậu lắm, nhưng hình như trái tánh trái nết của Địch cô nương.
Tú Kiều ngạc nhiên :
– Ủa sao vậy?
– Thưa tiểu thư, có gì đâu! Địch cô nương thì cương quyết có nghị lực, trái lại Dương thiếu gia hiền lành quá, không chịu tỏ ra cho hôn thê biết mình là một trang hảo hán võ dũng tuyệt luân, nên có phần nào phật ý cô nương.
– Hay là họ Dương nhu nhược thật.
– Thưa không! Thiếu gia giấu tài nghệ của mình…
– À! Từ đại ca nhận xét hay là đoán.
– Dạ, thấy hẳn hoi! Và đặc biệt lắm!
– Thế nào?
– Thiếu gia hàng phục nổi Lôi Điện mã.
– A!… a… a… Có bị té không?
– Không té lần nào cả mới hay chớ!… Nhưng thiếu gia bắt phải giấu mọi người trong trại! Bây giờ xin phép tiểu thư chúng tôi ra phố.
– Lát nữa Từ về thẳng trại hay còn trở lại đây.
– Về thẳng cho sáng sủa!
– Tôi gửi thăm Địch thơ thơ và mời bữa nào qua Tô Châu.
Vợ chồng Từ Trung kéo nhau ra phố mua sắm vui vẻ rồi về Tam Môn cốc.
Mấy hôm sau, hai cha con họ Địch đi Tô Châu có việc, hỏi Hoài Ngọc có đi cùng không. Họ Dương viện lẽ sang Âu Dương trang từ chối không đi. Chờ lúc mọi người đi khỏi rồi, Dương Hoài Ngọc mượn ngựa của Từ Trung. Người công nhân trung thành ấy nói :
– Thiếu gia có đi liệu về sớm kẻo Trại chủ và Phượng Tiên cô nương lo ngại.
Hoài Ngọc cười :
– Từ ca khỏi lo! Hôm mới đến đây còn không xảy ra chuyện gì nữa là bây giờ đã thông thuộc đủ mọi thứ.
Nói đoạn, Hoài Ngọc lên ngựa ra khỏi trại, theo đường bên hữu sang thẳng bên Hàn gia trang. Vào tới cổng thành, Hoài Ngọc thấy một gia đinh đang quét, liền hỏi :
– Trang chủ và Tam Mã có nhà không?
Nhìn qua khách lạ, gia đinh đáp :
– Trang chủ tôi đi vắng có lẽ sắp về. Tam Mã có nhà, xin quý khách cho biết đại danh để tôi về báo :
– Ngươi cứ về nói rằng có người bên Địch gia trại tới.
Tên gia đinh ngạc nhiên chạy vội vào trong trại. Lát sau, Tam Mã cầm khí giới đi ra thấy Hoài Ngọc cỡi ngựa ở giữa cổng thì cùng cười ầm cả lên.
Hoa mã Hàn Thao hất hàm nheo mắt hỏi :
– Mỹ nam tử tới đây có việc chi? Bị chê rồi phải không? Phải biết ở xứ này đẹp không đủ, còn phải anh hùng nữa.
Dứt lời, toàn bọn phá ra cười.
Hoài Ngọc điềm đạm :
– Hàn Thao! Ta tới đây là khách, ít nhất cũng phải dùng lễ mà tiếp cho khỏi mang tiếng họ Hàn là vô lễ nghĩa như mọi người đồn đại chớ.
Hàn Thao đang cười ha hả bỗng cau mặt :
– Tiếp đãi người bên họ Địch thì chỉ có thế thôi? Nếu muốn hơn, ta e ngươi sẽ bị nhừ đòn không lết về tới trại được đó! Mỹ nam tử tới đây có việc chi, nói mau là muốn xin một bài học như bữa nọ.
– Ngươi lầm! Ta tới đây không phải vì danh nghĩa họ Địch. Nếu bên Địch trại chủ muốn vào đây thì họ sẽ tới thành phần khác như hôm nọ chẳng hạn. Các ngươi có dám làm gì họ đâu. Còn riêng phần ta, nếu sợ các ngươi ta đã không chân tay không tới đây.
Hàn Thao tức giận quát :
– Dương Hoài Ngọc! Biết điều thì đi ngay! Kẻo hối không kịp.
Hoài Ngọc cười lạt :
– Ta đến đây cũng như ta đi khỏi, không ai có quyền bắt buộc ta nổi.
– Nhưng ta bắt mi đó.
– Mi chỉ là con ngựa tật thôi chớ gì mà phách lác, không e mọi người cười cho sao.
Hàn Thao cả giận nhảy tới định lôi Hàn Thao xuống ngựa, nhưng vừa gần tới nơi thì bị Hoài Ngọc thúc ngựa xông thẳng vào khiến y phải né sang bên.
Không tha, Hoài Ngọc thúc mạnh hai hót chân vào bụng ngựa khiến con vật bị đau chồm lên bổ thẳng vào đầu Hàn Thao.
Hàn Thao vội tháo lui. Hoài Ngọc lại cho phóng thẳng vào chỗ hai anh em Hàn Bào, Hàn Lượng khiến hai người cũng phải chạy dạt sang bên.
Bọn tráng đinh thấy động cũng cầm khí giới kéo ra đứng vòng tròn xa xa.
Hoài Ngọc thừa thế thúc ngựa xông bừa vào, và trong khi bất ngờ đoạt luôn được một ngọn giáo rồi quay ngựa ra khỏi cổng trại.
Hàn Thao hô đuổi.
Nhưng Hoài Ngọc đã nhảy xuống ngựa cầm ngang ngọn giáo tươi cười :
– Nào, hôm nay ba con ngựa tật này thử trổ tài võ nghệ bình sanh cho Dương mỗ coi! Hay chỉ giỏi côn quang về giáo dục thôi?
Bị mỉa mai gần như là chửi, Hàn Gia Tam Mã tức giận hò nhau xông tới một loạt.
Nhưng Hoài Ngọc đã vung tròn ngọn giáo đánh bật chúng trở lại và mắng :
– Các ngươi hèn ở chỗ hay cậy đông người.
Hàn Thao vội quát :
– Nhị đệ hãy lui ra nhường mỹ nam tử này cho ta.
Dứt lời, y hoa đơn đao nhảy bổ vào đánh họ Dương thế rất dữ dội.
Hoài Ngọc ung dung gạt đỡ, không cho Hàn Thao tới gần.
Hàn Thao vừa đánh vừa nhạo :
– Khá thật! Mới tới Địch gia trại có ít ngày mà đã biết cưỡi ngựa, múa giáo! Phượng Tiên dạy phải không?
– Không cần biết nhưng ta mới học được cả môn lấy thủ cấp nhà ngươi hôm nay.
Tưởng ồ ạt nuốt chửng ngay địch thủ, Hàn Thao không ngờ họ Dương trả đòn rất từ tốn lẹ làng và lợi hại.
Hai người ập lại đánh nhau một trận.
Bỗng, Hàn Thao lùi lại mấy bước rồi xông thẳng tới chém xả một dao vào ngang hông địch thủ thế đánh rất dữ dội.
Hoài Ngọc đưa dốc giáo gạt văng lưỡi đao sang bên, đồng thời thích luôn một mũi giáo vào cổ đối phương :
– Chết này!
Hàn Thao vội né sang bên, ngọn giáo đi trượt qua vai, nhưng chưa kịp trở tay, thì họ Dương đã thúc luôn mũi giáo nữa vào mặt linh động vô cùng.
Ngọn giáo nhẹ nhàng biến hiện xuất quỷ nhập thần, lúc bên tả, lúc bên hữu, khí trên khí dưới, khiến Hàn Thao mồ hôi toát ra như tắm, chỉ lo đỡ gạt cũng đủ mệt rồi.
Bỗng ngoài vòng chiến có tiếng vỗ tay, la lớn :
– Song phép tuyệt hay!
Hoài Ngọc vừa đánh vừa chú ý nhìn thấy một lão hán quắc thước vừa cưỡi ngựa tới đứng coi.
Chàng liền hoa giáo đánh liền liền, tận lực.
Hàn Thao thở hồng hộc gạt đỡ không kịp, bắt buộc phải lùi, lùi mãi tới ngay sát cạnh Hàn Thao mà không biết.
Lão Trại chủ quát :
– Thằng súc sanh này võ nghệ tầm thường còn cố đấu cái nỗi gì! Ngừng tay ngay.
Đoạn hướng vào Dương Hoài Ngọc, Hàn Kỳ nói :
– Xin nghĩa sĩ hãy vì lão phu tha cho tên bất hiếu này.
Hoài Ngọc thâu ngay giáo lại.
Hàn Bào, Hàn Lượng vác đao chạy tới định áp đánh họ Dương, nhưng Hàn Kỳ nạt ngay :
– Lại hai tên này nữa! Võ nghệ của hai ngươi có bằng Hàn Thao không mà muốn đấu? Ngu xuẩn đến như ba đứa bây là cùng. Biết điều kẻo đi nơi khác kẻo ta nổi nóng thì không ra gì ngay!
Bị cha quở mắng, bọn Tam Mã kéo nhau đi mất.
Mọi người trong trại nán lại xem Trại chủ cư xử thế nào.
Hoài Ngọc cắm cây giáo xuống đất, vái Hàn Kỳ :
– Tiểu tử Dương Hoài Ngọc kính chào Hàn trại chủ.
Hàn Kỳ đáp lễ :
– À! Ra đây là Dương nghĩa sĩ! Lão phu biết ngay là mấy thằng bất hiếu tử của lão không biết nhìn người. Xin mời nghĩa sĩ vào đại sảnh đàm đạo.
Hàn Kỳ cầm tay Hoài Ngọc cùng lên đại sảnh phân ngôi chủ khách cùng ngồi :
– Lão phu không biết vụ bọn Tam Mã dám phạm hổ oai hôm nghĩa sĩ mới tới Tam Môn cốc. Về sau chúng trình bày tự sự thì lão biết ngay chúng hữu nhân vô châu, và yên trí nghĩa sĩ không thèm chấp thái độ côn quang ấy.
Hoài Ngọc đáp :
– Lão tiên sinh dạy chí phải. Hôm nay tiểu tử tới đây yết kiến tiên sinh với mục đích cá nhân giao hảo, chẳng dè gặp Tam Mã gây chiến, chưa được bao lâu thì lão tiên sinh trở về.
– Nghĩa sĩ qua đây còn có mục đích khác nữa không?
– Về cá nhân, tiểu tử mong được giáo kiến tiên sinh trước khi rời khỏi Tam Môn cốc. Sau nhiều ngày bên Địch gia trại, tiểu tử suy xét thấy không có sự kiện nào đáng để hai trại Hàn, Địch phải luôn luôn coi nhau như kẻ thù. Tiểu tử mong tiên sinh dạy cho mấy lời và dám hỏi người có ý kiến gì về sự sống hòa thuận giữa đôi bên chăng?
– Hỏi lão phu những câu này, tất là nghĩa sĩ đã thừa hiểu thực trạng của hai bên. Bên Địch gia thì hay chấp nhất không cần tìm hiểu phải trái. Còn bên lão phu, có ba tên nghịch tử luôn luôn phá rối. Mối bất đồng ở chỗ đó. Như hôm nọ, nếu lão phu cũng kéo bộ hạ sang Địch gia trại hay là phục kích báo thù, chắc hai bên đã quyết liệt đi đến hồi gay go không đội trời chung rồi. Căn cứ vào sự kiện ấy mà suy luận các việc khác, tất nghĩa sĩ thừa hiểu rồi.
– Nghĩa là lão tiên sinh sẵn sàng sẽ chấp thuận cuộc sống chung nếu có một sứ giả hòa bình.
Hàn Kỳ gật đầu :
– Sứ giả hòa bình ấy như nghĩa sĩ chẳng hạn, và lẽ cố nhiên cuộc sống chung phải được xây dựng trên nguyên tắc công bằng. Phải không?
– Chính vậy. Tiểu tử sẽ cố gắng mong để lại Tam Môn cốc một kỷ niệm hòa bình trước khi ra đi.
– Việc ấy, lão phu thấy khó khăn chớ không dễ dàng đâu, nhưng nghĩa sĩ cố gắng được phần nào hay phần ấy.
– Để đánh dấu ưu điểm này, lão phu muốn lưu nghĩa sĩ lại dùng bữa trưa nay, được không?
Hoài Ngọc cười :
– Tiểu tử không hề bị ảnh hưởng nào chi phối, tại sao không được!
Hàn Kỳ khoan khoái, hối tranh đinh bày rượu.
Hoài Ngọc nói :
– Yêu cầu lão tiên sinh cho phép Tam Mã cùng uống rượu đàm luận cho vui.
– Nghĩa sĩ cho phép lão báo điều đó vì ba tên tặc tử đó nát lắm.
– Về kỵ mã thuật, tiểu tử nhận thấy ba vị đại ca ấy quả đáng mặt kỳ tài.
Hàn Kỳ gật đầu :
– Phải. Chúng chỉ đáng kể khi ngồi trên yên ngựa thôi.
– Đạt tới ưu điểm ấy không phải dễ dàng, lão bá chẳng nên bản tánh quá.
– Ấy là lão phu nghiêm khắc mà chúng còn thao túng như vậy đó.
Một già, một trẻ đàm luận kim cổ đến xế chiều, Hoài Ngọc mới từ tạ ra về.
Hàn Kỳ tiễn ra tới cổng trại ân cần :
– Lão mong sẽ có dịp được thừa tiếp nghĩa sĩ sau này.
Hoài Ngọc kính bái Hàn Trại chủ, rồi lên ngựa ra về tới nhà Địch Lân, Phượng Tiên và Lâm Diêm Bá cũng vừa từ Tô Châu về đến nơi.
Địch Lân hỏi :
– Hiền điệt đi đâu về đấy.
Hoài Ngọc điềm nhiên :
– Thưa thúc phụ, tiểu điệt từ bên Hàn gia trại về đây.
– À!…
Phượng Tiên và Diêm Bá lấy làm ngạc nhiên.
Họ Dương giấu biệt việc đánh bại Hoa Mã Hàn thao, nhưng kể lại các lời lẽ của Hàn Kỳ cho ba người nghe.
Địch Lân hỏi gặng :
– Hiền điệt có gặp Hàn Gia Tam Mã không?
– Thưa có. Cả ba người ấy cùng có nhà.
– Chúng có phản ứng gì không?
– Ngoài việc chúng xin lỗi tiểu đệ về vụ bỡn cợt hôm nọ, không có sự gì đáng tiếc xảy ra cả!
Nghe chuyện, Phượng Tiên và Diêm Bá cùng nghi ngờ, nhưng mỗi người nghi một khác vì Diêm Bá thừa hiểu Hoài Ngọc dư sức đánh bại Hàn Gia Tam Mã :
– Trong trường hợp Hàn Kỳ có thiện chí giảng hòa, phần thúc phụ nghĩ thế nào?
– Từ trước đến nay, trong mọi vụ tranh chấp, Hàn gia có tánh cách gây chiến nên ta phai dùng võ lực đối lại. Bây giờ nếu Hàn Kỳ muốn hòa bình ta sẽ trả lời theo hành động thiện chí của y. Trước khi hiền điệt tới đây, ta có biên thơ nhờ Trại Mạnh Thường cầm chịch chấm dứt vụ tranh chấp này bằng một trận đấu công khai giữa hai lực lượng, hay là giữa Hàn Kỳ và ta. Hiện chưa có trả lời.
Hoài Ngọc nghĩ thầm:
“Muốn giảng hòa, ít ra cả hai phe cùng dẹp lòng tự ái mới mong thành toại được, lẽ nào buộc người ta phải cầu mình trước”.
Hôm sau, Hoài Ngọc sửa soạn mấy thứ y phục cần thiết và bảo Từ Trung gióng ngựa.
Địch Lân hỏi :
– Hiền điệt đi đâu?
– Tiểu điệt có hẹn với Trại Mạnh Thường lão anh hùng, xin phép thúc phụ sang đó vài ngày.
– Liệu trở về kẻo ta mong nhé!
Trưa hôm ấy họ Dương tới Âu Dương trang, vừa dịp Tam hiệp là Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ mới hồi trang được mấy ngày.
Trại Mạnh Thường cùng các con đang uống rượu trên đại sảnh bèn giới thiệu Hoài Ngọc với mọi người.
Lão anh hùng nói :
– Ta đang kể chuyện Tam Môn cốc cho ba người mới về nghe, chắc hiền điệt tới đây cũng không ngoài vụ đó.
Hoài Ngọc đáp :
– Dạ, chính phải. Hôm qua tiểu điệt đã gặp Hàn Trại chủ.
Chàng kể lại một lượt việc Hàn Kỳ cho lão anh hùng nghe, và nói thêm :
– Theo ngu ý, thiết tưởng bá phụ nên tụ họp cả Hàn, Địch hai người tại đây. Ai từ chối không đến tức là kém thiện chí, lúc đó bá phụ sẽ thẳng tay giải quyết. Âu cũng là phước đức tránh cho hai bên khỏi lưu huyết vô ích sau này.
Trại Mạnh Thường gật đầu :
– Từ trước đến nay, đứng giảng hòa hai phe Địch, Hàn vẫn là mục đích của lão phu. Được lắm để thử chuyến nữa xem sao.
Lão anh hùng dạy lại bảo Tòng Cát :
– Lát nữa, con thay ta viết thư mời Địch Lân, Hàn Kỳ ấn định trưa ngày mốt sẽ hội họp cả ở đây xem họ định liệu thế nào.
Tòng Cát vâng lời đem việc hai đoàn mục tử phạt ở khu đồi cỏ ba hôm trước kể cho Hoài Ngọc nghe.
Cơm nước xong, Tòng Cát thảo hai bức thơ sau, sai tráng đinh tức tốc phi mã cầm vào Tam Môn cốc. Thơ rằng:
“Âu Dương Tòng Thiện gởi nhị vị chủ Tam Môn cốc nhã giám.
Tháng tám ngày bốn giờ Tỵ, thân thỉnh nhị vị bằng hữu vui lòng đến bổn trang, trước là xơi rượu cùng nhau nhàn đàm, sau là nói về khu đồi cỏ.
Mong rằng nhân dịp này nhị vị Trại chủ giúp tôi trung gian được hiệu nghiệm thơ, và mở đường cho ba người bạn già chúng ta được gần nhau hơn trước.
Kính thỉnh”.
Quả nhiên đúng ngày giờ chỉ định, Hàn Kỳ đem theo hai viên bộ hạ tới trước và thân tặng Trại Mạnh Thường một cặp sừng trâu cực kỳ lớn hiếm có.
Trại Mạnh Thường mừng rỡ giới thiệu mọi người với họ Hàn.
Thấy Chu gia song hiệp và ba anh em Âu Dương người nào cũng hùng dũng uy nghi, lại nghe tin hai họ kết thân, Hàn Kỳ tấm tắc khen phục vô cùng.
Hàn Kỳ hỏi riêng Dương Hoài Ngọc :
– Cuộc hội họp hôm nay phải chăng là do nghĩa sĩ tạo thành.
– Tiểu tử chỉ nhắc lại qua loa là Trại Mạnh Thường đứng chủ trương ngay. Đây là một vụ cũ rồi.
Hàn Kỳ hỏi riêng Dương Hoài Ngọc.
Mọi người đều họp mặt đông đủ trên đại sảnh dùng trà, Trại Mạnh Thường thân mật chuyện trò cùng Hàn Kỳ, hỏi về các vấn đề trong Tam Môn cốc.
Người lo âu nhất trong đám đông là Dương Hoài Ngọc.
Chàng nóng ruột tới nửa giờ Tỵ rồi, chưa thấy Địch Lân tới. Hay là cũng như chuyến trước kia họ Địch không mong muốn gặp Hàn Kỳ? Lẽ nào như vậy được! Ít nhất cũng phải viết thư từ chối mới là người có lễ độ chứ.
Không chịu được nữa, chàng ra ngoài hành lang nhìn thẳng ra cổng trang chờ thì vừa lúc Địch Lân đi cùng Lâm Diêm Bá và một bộ hạ cưỡi ngựa rẽ vào.
Hoài Ngọc cả mừng bước xuống thềm đón :
– Tiểu điệt đang lo thúc phụ trễ giờ.
Địch Lân mỉm cười :
– Lo gì trễ! Chắc hiền điệt ngờ lão phu không đến.
Trại Mạnh Thường và các con cùng xuống thềm đón tiếp.
Thi lễ xong, Địch Lân đưa tặng Trại Mạnh Thường cặp sừng bạch ngưu rất hiếm có.
Lão anh hùng sai gia nhân treo luôn hai cặp sừng của hai họ Địch, Hàn đối diện nhau trên thực phòng.
Địch Lân nói với Lam Y nữ hiệp và Đơn Đao Chu Đức Kiệt :
– Nghe danh không bằng gặp mặt. Hiệp công của nhị vị lừng danh khắp Tô Châu lão không ngờ Chu đại hiệp lại là tế tử của đại gia đình Âu Dương xứng đáng vô cùng.
Anh em Chu gia đáp mấy lời khiêm tốn. Trại Mạnh Thường mời mọi người vào cả trong thực phòng dự tiệc, tự mình ngồi giữa, Địch Lân và Hàn Kỳ ngồi kế hai bên, sau đến các người trong nhà và Dương Hoài Ngọc, Lâm Diêm Bá.
Trại Mạnh Thường dõng dạc nói lớn :
– Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trung gian giảng hòa những sự xích mích hiểu lầm từ trước đến nay giữa hai gia trại của nhị vị bằng hữu họ Địch và họ Hàn đây. Theo ý riêng tôi, đầu mối sự bất hòa này đều do các bộ hạ và đoàn mục tử quá khích đã gây ra, và phần nữa là do nhị vị Trại chủ không bao giờ gặp nhau để trao đổi ý kiến hoặc phân trần, tranh mọi sự bất hòa.
Khu đồi cỏ thuộc về tôi, nhưng từ trước, tôi vẫn ưng thuận để gia súc cả hai trại Địch, Hàn tới đó ăn cỏ. Muốn tránh sự lẫn lộn giữa hai bầy gia súc ấy, đầu mối cuộc bất hòa của các mục tử hai trại thiết tưởng không còn gì hơn là dùng sơn màu khác nhau, bôi lên sừng trâu. Việc này tuy có mất công chút đỉnh nhưng giữ được tình giao hảo đôi bên.
Từ hôm nay, tôi mong nhị vị bằng hữu Trại chủ đây quên các việc đã qua để bắt đầu một kỷ nguyên thân thiện hợp tác, đem lại sự an vui cho toàn thể nhân công hai trại. Vậy nhân dịp này, chúng ta cạn ly rượu mừng sự giao hảo giữa hai trại Địch Hàn… Nào, xin mời.
Trại Mạnh Thường nâng ly rượu đầy, đứng lên uống một hơi cạn. Cử tọa uống theo rồi vỗ tay hoan hô.
Hàn Kỳ và Địch Lân cảm động, đẩy kỷ đứng lên giao bái.
Họ Hàn nói :
– Giờ phút này, tôi mong chờ đã từ lâu nay mới toại nguyện. Mong lão huynh bỏ qua dĩ vãng không vui đi cho.
Địch Lân cũng nói :
– Địch mỗ cũng xin được Hàn lão huynh liệt vào hàng bằng hữu. Bây giờ đến lượt chúng ta nâng ly cảm ơn Âu Dương anh hùng đã nhận đứng trung gian trong vụ này.
Một tuần rượu mừng nữa được uống cạn.
Hàn Kỳ chỉ Dương Hoài Ngọc nói lớn :
– Chúng ta cũng không nên quên ơn đại công của Dương nghĩa sĩ, sứ giả hòa bình. Nhờ tánh tình điềm đạm của nghĩa sĩ, hai bạn già chúng ta mới có sự vui vẻ hôm nay. Vậy xin uống mừng nghĩa sĩ họ Dương.
Mọi người vỗ tay khen ngợi và uống rượu nữa.
Nhân dịp vui vẻ, Hàn Kỳ đem việc Dương Hoài Ngọc bị Tam Mã khinh thị đùa giỡn hôm mới tới, và cách đây mấy ngày, Hoài Ngọc đã đánh Hoa Mã Hàn Thao một trận tơi bời.
Hàn Kỳ nói tiếp :
– Khi mấy tên bất hiếu tử của tôi kể chuyện làm nhục Dương nghĩa sĩ, tôi biết ngay họ Dương là người điềm đạm đến hôm nghĩa sĩ đánh cho họ Mã một trận tơi bời khiến thằng Thao không còn lối cuống cuồng mất cả khăn, tôi buồn cười quá, phạt không cho y ngồi cùng thồi ăn từ mấy bữa nay… Sang phép của Dương nghĩa sĩ, thiệt là hay.
Cử tọa nghe nói chuyện Hàn Thao đều cười ồ lên, và nhìn về phía Hoài Ngọc tỏ ý khen ngợi.
Địch Lân ngẩn ngơ hồi lâu :
– Tối hôm ấy, sau khi nghe tiên nữ Phượng Tiên thuật lại vụ ấy, tôi tức điên ruột, tự vấn suốt đêm sao Hoài Ngọc lại có thể điềm đạm nhường nhịn tới mức độ ấy được! Nhường nhịn hay hèn nhát!
Khó hiểu quá, vì tôi biết bản lãnh của võ sư Dương Hoài Đĩnh, thân sanh của Hoài Ngọc, nhất là phép đánh giáo gia truyền của Dương gia từ đời Tống thì lại càng hoàn mỹ ghê gớm nữa.
Bây giờ tôi mới hiểu là y gan lì. Nếu hôm nay, Hàn lão huynh không kể chuyện y đánh Hoa Mã thì tôi cũng đành chịu không biết gì cả.
Trại Mạnh Thường cười ha hả :
– Dương hiền điệt có như vậy thì bữa nay nhị vị hiền hữu mới có nhiều chuyện vui kể chớ.
Mọi người cười theo. Bỗng một người nói :
– Tôi cũng muốn kể một chuyện.
Ai nấy đều nhìn lại thì ra đó là Lâm Diêm Bá.
Địch Lân vội giới thiệu :
– Lâm Diêm Bá là trại trưởng Địch gia trại, có sức khỏe vật nổi trâu mộng nên đoàn mục tử bướng bỉnh gọi là Trại Thiết Ngưu.
Mọi người thấy họ Lâm cổ to vai rộng vạm vỡ thì biết là người có dũng lực tự nhiên.
Trại Mạnh Thường hỏi :
– Có chuyện chi vậy, Lâm hiền điệt?
Dương Hoài Ngọc ngồi kế bên, bèn đá nhẹ vào chân họ Lâm, ra hiệu bảo đừng kể chuyện đấu quyền trên đồi cỏ.
Lâm Diêm Bá mỉm cười nhìn Hoài Ngọc rồi nói lớn :
– Thưa quí vị, Dương huynh vừa đá chân ra hiệu không muốn tôi kể một câu chuyện đấu quyền trên đồi cỏ xảy ra cách đây độ nửa tháng, mà người chiến thắng là Dương huynh và kẻ chiến bại là tôi. Hôm ấy, Dương huynh sang Âu Dương trang yết kiến lão anh hùng đây…
Trại Mạnh Thường ngắt lời :
– Phải, lần trước Dương hiền điệt qua đây đêm mười bốn có trăng vằng vặc. Trận đấu thế nào?
Lâm Diêm Bá nói :
– Thưa vâng, tiểu điệt xin kể.
Chàng đem chuyện hai người đấu quyền dưới bóng trăng kể rành mạch. Ai nấy đều lấy làm thích thú.
Diêm Bá nói tiếp :
– Dương huynh quật tôi hai lần khá nặng, nhưng đến lần thứ ba tôi đành chịu ngọn Hầu Viên Đảo Quái tuyệt kỹ, tưởng gãy xương sống.
Nghe nói, năm anh em Chu gia và Âu Dương nhìn nhau cười khúc khích.
Bây giờ, Địch Lân mới hiểu rằng tuy bề ngoài điềm đạm, thiệt ra Hoài Ngọc hoạt động ngầm.
Hàn Kỳ vuốt râu khoái chí cười tủm tỉm.
Lam Y nữ hiệp hỏi Tòng Cát :
– Đại huynh có gặp Hàn Gia Tam Mã bao giờ không.
Tòng Cát lắc đầu :
– Không, có lẽ vì Tam Mã thường đến những nơi mà ngu huynh không bao giờ bước chân tới. Tuy vậy có nghe danh ba người ấy có tài kỵ mã.
– Bữa nào chúng ta viếng Hàn gia trại, thế nào cũng yêu cầu họ biểu diễn kỵ mã thuật cho xem mới được! Nhớ hồi ở Dương Châu, Nhị ca Tòng Đức, Âu Dương tẩu tẩu và Tào Chí có biểu diễn cho xem kể cũng đã đặc sắc lắm.
Tòng Đức nói :
– Trong thời kỳ ở đây, Chu đệ và hiền muội nên dượt môn đó. Có bản lãnh như hai người, luyện kỵ mã thuật thành ngay.
– Nếu thế, từ mai xin làm lễ bái sư ngay, được không?
– Được lắm! Trưởng huynh Tòng Cát, tam muội và ngu huynh rất đều nhau, ai chỉ bảo cũng được.
Chu Đức Kiệt mỉm cười nói với mọi người :
– Lam Y tham lắm, môn nào cũng muốn biết. Như chuyến sau này ở Ngọc Nhi châu và Phù Dung viện, đóng vai công tử cốt ý bắt tặc đạo cho xong chuyện mà gia muội cứu nhất định náo hoa phòng khiến bọn đào nương mê tít tung thang, tưởng mình là tay thiếu gia công tử quen xóm trêu hoa thế có bực không.
Mọi người nghe chuyện đều khoái chí cười vang.
Tiệc rượu kéo dài đến xế chiều mới tan.
Địch, Hàn hai Trại chủ bái biệt Trại Mạnh Thường ra về.
Địch Lân hỏi Dương Hoài Ngọc :
– Hiền điệt về trại luôn thể chớ.
Hoài Ngọc đáp :
– Dạ, tiểu điệt cùng đi, nhiệm vụ hòa bình tới đây là hết.
Về tới trại, thì đêm đã khuya, Phượng Tiên chong đèn đọc sách chờ, Địch Lân âu yếm hỏi :
– Khuya rồi con chờ làm chi cho mất công.
– Con nóng ruột không biết kết quả cuộc hội họp ra sao. Thiếu chút nữa con đem gia tướng đến Âu Dương trang rước phụ thân về.
Địch Lân cười :
– Trong khi con ở trong tình trạng lo âu cho ta thì ở bên trang trại Âu Dương mọi người dụ tiệc vui vẻ. Kết quả hoàn hảo ngoài ý ta mong muốn. Ta tiếc không đem con đi theo vì bên đó cha đã gặp cả Chu gia song hiệp.
Phượng Tiên ngạc nhiên :
– Là ai vậy?
– Ủa! Con quên đã có lần ta thuật cho con nghe đại danh Lam Y nữ hiệp và Đơn Đao Chu Đức Kiệt miền Bắc sao?
– A! Con nhớ ra rồi. Chắc nhị vị đó qua thăm Trại Mạnh Thường.
– Hơn thế nữa, vì Đức Kiệt là tế tử của Trại Mạnh Thường.
– A! Nghĩa là Chu hiệp ấy duyên cùng Âu Dương Bích Nữ.
– Chính vậy! Thiệt là đẹp đôi về tài cũng như sắc. Thể nào ta cũng mời tiệc trả lễ họ Âu Dương, con sẽ có dịp biết mặt ba anh em nhà ấy và song hiệp Chu gia.
Hôm sau, như thường lệ, cha con họ Địch dậy sớm chờ Dương Hoài Ngọc điểm tâm. Nhân dịp họ Dương chưa xuống, Địch Lân đem việc hội họp hôm trước kể cho Phượng Tiên nghe và nói tiếp :
– Thiệt ta không ngờ Hoài Ngọc lại kín đáo và điềm tĩnh đến như vậy. Cho tới nay cha con ta và mọi người cùng hiểu lầm y rất đáng tiếc. Thiệt ra y là người quả cảm can trường.
Phượng Tiên im lặng nghĩ đến việc mình đã nhiều lần có thái độ khiếm nhã với họ Dương.
Nàng hối hận bụng lúc nào vắng người sẽ ngỏ lời xin lỗi.
Địch Lân nói :
– Không những là ta mà tất cả mọi người trong hai trại cũng biết ơn vì tánh tình điềm đạm hiếm có của Hoài Ngọc… Ủa! Sao bữa nay lại dậy trễ thế.
Phượng Tiên nói :
– Có lẽ mấy hôm lo công việc nên nhọc mệt. Thôi để cho Dương huynh nghỉ ngơi, lát nữa điểm tâm sau cũng không sao.
Địch Lân khen phải, cùng Phượng Tiên điểm tâm trước.
Vừa hay Lâm Diêm Bá đẩy cửa bước vào.
Phượng Tiên hỏi :
– Sao trại trưởng lên điểm tâm trễ vậy?
Diêm Bá nói :
– Vì tôi mắc giảng giả cho các mục tử biết việc xử hòa với bên trại Hàn Kỳ căn dặn chúng từ nay không được gây sự với bên Hàn gia nữa. Sau đó, tôi cho dùng sơn xanh đánh dấu lên sừng trâu nhà theo đúng lối của Trại Mạnh Thường.
Địch Lân hỏi :
– Đánh dấu xong chưa?
– Dạ, hiện sắp xong, tiểu điệt lên mời bá phụ và Địch cô nương xem!
Địch Lân và Phượng Tiên đẩy kỷ đứng lên đi ra cửa.
Diêm Bá ăn qua loa mấy miếng, hỏi nữ tì :
– Dương thiếu gia đâu?
– Dạ, thiếu gia ngủ trễ nên chưa xuống điểm tâm!
Họ Lâm cầm theo hai chiếc bánh bao, vừa đi vừa ăn, xuống trại gia súc. Tới nơi thì Địch Lân đang họp bàn mục tử giảng giải thêm.
– Từ nay trở đi, kẻ nào cố ý gây rối để ta mang tiếng với bên Âu Dương và Hàn gia trại sẽ bị nghiêm phạt.
Nếu bên Hàn gia có hành động đáng tiếc, các ngươi không được tự quyền xử trí tại chỗ, mà phải báo cáo cho ta hoặc trại trưởng hay.
Bọn mục tử dạ rân và bắt đầu lùa trâu ra đi.
Địch Lân hỏi Diêm Bá :
– Hiện còn bao nhiêu trâu nữa?
– Dạ, còn đúng hai trăm năm mươi con.
– Ba hôm nữa sẽ bán nốt bày này cho Kiều viên ngoại. Các lái ở Lữ Châu sang thượng tuần tháng sau sẽ lùa bầy khác tới. Chỉ còn vài ngày nữa. Bán xong nghỉ ngơi rồi lại bắt tay vào làm việc là vừa.
– Nếu vậy mai mốt ra Tô Châu cần mua thêm sơn màu xanh trong kho không còn đủ dùng cho bầy trâu sắp tới.
Nói đoạn Diêm Bá bỏ đi xem việc khác, còn cha con Địch Lân trở về nhà.
Lúc đó sang cuối giờ Thìn rồi mà Hoài Ngọc chưa xuống tới nhà dưới.
Địch Lân lấy làm lạ :
– Kỳ thay! Chưa chuyến nào Hoài Ngọc dậy trễ hơn ta, hay là y đau? Để ta lên phòng y xem sao?
Địch trại chủ bèn lên lầy gõ cửa phòng họ Dương.
Cánh cửa chỉ khép hờ, hé ra ngay.
Địch Lân ngó đầu vào nhìn thì ngạc nhiên đẩy tung cánh cửa ra vì trong phòng trống không.
– Phượng Tiên! Phượng Tiên!
Không hiểu có việc gì, nghe tiếng phụ thân gọi, nàng vội chạy lên thang lầu, hoài nghi thấy nét mặt khác thường của Trại chủ :
– Phụ thân gọi con có việc gì.
Địch Lân chỉ tay vào phòng Hoài Ngọc.
Phượng Tiên vội quay hỏi thị nữ :
– Trong khi Trại chủ và ta xuống trại gia súc, ngươi có thấy thiếu gia trở dậy rồi không?
– Thưa không, con tưởng thiếu gia còn say giấc.
Địch Lân vào phòng nhìn quanh, chợt thấy bức thư gấp để trên án thư đè dưới cuốn sách.
Địch Lân cầm lấy đọc. Ngoài bì đề ngày giờ và hàng chữ gởi cho họ Địch, chữ viết rất tốt.
“Kính gửi Địch thúc phụ nhã giám”.
Địch Lân vội mở thư ra đọc.
“Sau nhiều ngày sống êm đềm tại trại nhà, và nhất là sau cuộc giao hảo với bên Hàn gia trại, tiểu điệt thấy không còn lý do gì để kéo dài thời gian an nhàn ở nơi đây trong khi còn nhiều việc cần phải làm chờ đợi tại Nghĩa Hưng phủ.
Biết trước thế nào thúc phụ cũng giữ lại, nên tiểu điệt đành phải đường đột ra đi. Thiệt là đắc tội, dám xin thúc phụ thể tình, nhận lời chúc trường thọ khang an của tiểu điệt.
Dương Hoài Ngọc, kính bái”.
Đọc xong, Địch Lân đưa thư cho Phượng Tiên coi, rồi chắp tay ra sau lưng đi đi lại lại trong phòng, ra chiều suy nghĩ lung lắm.
Lát sau, Địch Lân hỏi Phượng Tiên :
– Con có sơ suất điều gì khả dĩ Hoài Ngọc phật lòng bỏ đi không?
– Thưa không. Ngoài việc mà trước đây mọi người cũng hiểu tánh tình Dương huynh, không có sự gì đáng tiếc cả.
Miệng nói vậy, nhưng nàng nghĩ thầm: Hay là Hoài Ngọc nhận thấy mối tình thầm kín của Lâm Diêm Bá đối với ta mà chàng có ý nhường chăng?
– Kỳ thay anh chàng họ Dương này! Không biết chinh phục hôn thê của chính mình mà lại nhường là thế nào! Lúc này ta bị chàng chinh phục rồi, thì chàng lại bỏ ra đi.
Đã thế, ta quyết ở vậy chờ, chừng nào chàng hồi tâm trở lại sẽ hối hận về việc đột ngột bỏ đi này.
Địch Lân liếc nhìn Phượng Tiên :
– Con nghĩ gì thế :
– Thưa phụ thân, con nghĩ chắc Dương huynh chưa đi xa vì chàng đi bộ.
Địch Lân lắc đầu :
– Y không đi bộ đâu, thế nào cũng mượn ngựa Từ Trung. Cho người đi kêu họ Từ ta coi nào.
Phượng Tiên hối gia nhân đi gọi Từ Trung.
Lát sau Từ Trung tới phòng khách, vì cha con họ Địch đã xuống cả dưới nhà. Địch Lân hỏi :
– Dương Hoài Ngọc có mượn ngựa của ngươi không?
Từ Trung ngơ ngác không hiểu trước nét mặt nghiêm trọng của chủ trại và Phượng Tiên :
– Thưa có. Lúc tờ mờ sáng, thiếu gia lấy ngựa nói là đi Tô Châu.
– Được rồi, ngươi xuống mã trại thắng xe và ngựa, và bảo trại trưởng sửa soạn đi Tô Châu ngay.
Từ Trung đi khỏi, Phượng Tiên nói với cha :
– Phụ thân định tìm Dương huynh? Con không đi đâu!
– Đuổi sao kịp một người đi ngựa tờ mờ sáng! Ta đi mua mấy thứ cần dùng và nhân tiện lấy lại con ngựa của Từ Trung. Chắc Hoài Ngọc để ngựa ở đó.
– Nếu vậy, thì con cùng đi!
Trưa hôm ấy ba người tới Tô Châu đi thẳng đến nhà Phương Tú Kiều.
Con ngựa của Từ Trung buộc ở gốc cây trong sân trước.
Địch Lân hỏi Phượng Tiên :
– Con thấy ta nói trúng không? Hoài Ngọc qua đây gởi ngựa rồi mới đi.
Như thường lệ, Địch Lân, Lâm Diêm Bá gởi ngựa ở nhà họ Phương rồi đánh xe ngựa đi mua hàng cho Phượng Tiên.
Chuyến này, nàng không đi mà ở luôn nhà Tú Kiều.
Phương nữ tay bắt mặt mừng hỏi bạn :
– Thơ thơ ra Tô Châu trễ vậy? Sao sáng nay không cùng đi với Dương đại huynh.
Phượng Tiên không dấu diếm :
– Thì chính vì việc Dương huynh bỏ đi nên cả nhà mới kéo ra đây, nếu không vài ngày nữa mới phải đi mua hàng tạp dụng.
Tú Kiều ngạc nhiên :
– Ủa! Thế ra sáng nay Dương đại huynh tự ý bỏ đi? Vào khoảng cuối giờ Mão, có người gọi cổng. Gia nhân ra mở thì Dương đại huynh gởi ngựa lại đây nói rằng đi xa có việc, người trong Địch gia trại tới lấy ngựa về. Tiếc quá! Nếu tiểu muội gặp thì có lẽ được biết rõ hơn.
Phượng Tiên chép miệng :
– Khó hiểu Dương huynh quá.
Phương Tú Kiều im lặng nghe.
Phượng Tiên kể các việc xảy ra từ hôm Dương Hoài Ngọc mới tới cho bạn nghe rồi thở dài.
Phương Tú Kiều nói :
– Thấy thơ thơ ít ra Tô Châu, tiểu muội yên trí là nhị vị đồng thanh tương ứng ca khúc phụng cầu, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt hoan hợp duyên ưa. Ngờ đâu lại có sự ngang trái như vậy! Nghe tin này, tiểu muội buồn quá.
Phượng Tiên chăm đăm nhìn qua cửa ra lối sau vườn :
– Việc chi mà buồn! Trái lại nên coi đó là may mắn, vì chúng ta được gần nhau mãi mãi, và riêng phần Phượng Tiên này cũng không phải rời Tam Môn cốc.
Tú Kiều mỉm cười :
– Thơ thơ định nối nghiệp bá phụ làm nữ chủ trại phải không.
Phượng Tiên cười theo :
– Thì từ nhỏ đến nay chỉ quen có mỗi thứ việc trang trại thôi mà!… À, hôm nay xin phép bá mẫu vào Tam Môn cốc chơi vài ngày đi!
– Dạ, nhưng giờ này chưa thấy bá phụ trở về đây, có lẽ đi trễ lắm.
Xẩm tối hôm ấy Địch Lân và Lâm Diêm Bá mới về đến nhà Tú Kiều, Phượng Tiên đem việc mời bạn về trại nói với thân phụ nghe.
Địch Lân nói :
– Nếu vậy, bây giờ trễ rồi, sáng mai ta sẽ đi. Con ngủ đây với Tú Kiều. Ta gởi xe hàng hóa ở đây, mai sẽ tới đón.
Tú Kiều nói :
– Bá phụ và trại trưởng nghỉ đêm ở tệ xá cũng được, nhà rộng lo gì.
– Thôi mặc lão phu tùy tiện. Mai sang giờ Thìn sẽ khởi hành.
Sáng hôm sau, Phượng Tiên và Tú Kiều ngồi xe đi trước. Địch Lân, Lâm Diêm Bá cỡi ngựa theo sau. Vừa ra khỏi địa trấn được quãng đường nhỏ, bỗng thấy một người trạc tuổi tam tuần trở lại chống gậy, chân bước khập khễnh như kẻ bị thọt đi trên đường…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!