Lương Duyên Làng Vải - Phần 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
325


Lương Duyên Làng Vải


Phần 1


Mấy năm trở lại đây Làng Vải quê tôi bị thiên tai hoành hành, cơn bão lũ vừa đi qua thì hạn hán đầu mùa tiếp tục xuất hiện kéo dài, khiến đời sống của người dân nơi đây trở nên khó khăn, đói khổ triền miên, và theo lẽ dĩ nhiên, nhà tôi cũng vậy, thậm chí còn thê thảm hơn rất nhiều lần.

Ngồi trong căn nhà sập xệ được anh hai xây dựng tạm bợ bằng vài tấm gỗ mục, dưới cái nóng hừng hực hanh khô đầu hè, cả người tôi túa đầy mồ hôi và trong lòng dâng lên đôi chút cảm giác bứt rứt khó chịu.

– Con Út chuẩn bị đồ đạc ra đồng phụ chị ba đi kìa, ngồi đó thở dài biết chừng nào mới có cơm ăn.

Thanh âm lanh lảnh của má tôi vang lên như muốn dặm thêm chút nặng nề vào cõi lòng tôi vậy.

Tôi quay người lại nhìn má, khẽ gật đầu :

– Con biết rồi, con chuẩn bị đi đây.

Sau khi với vội chiếc nón lá cũ mèm, cầm theo cuốc xẻng và 1 ấm nước lọc được tôi đun từ sáng sớm nay, tôi tất tả ra đồng.

Đi đâu được chừng vài bước chân, tôi nghe tiếng má tôi vọng theo dặn dò :

– Chiều về nhớ ghé bên bà Sáu lấy ít thuốc cho ba nhé, khất với bà ấy cuối tháng má đem tiền qua trả sau.

– Vâng.

Ra tới đồng. Vừa đặt ấm nước dưới bóng mát của cây cồn kè, chị Ba từ đâu xuất hiện hù dọa khiến tôi giật mình :

– Á à, cô nương làm gì trong nhà giờ mới chịu mò mặt ra đây hử ? Có biết rằng chị đây đã đợi cô em gần 20 phút rồi hay không ?

Tôi nhìn chị Ba, rồi lại liếc mắt nhìn quanh, thấy dụng cụ làm nông của chị vẫn đặt yên tại phía bên kia bầu đất, cạnh đó còn có 1 tấm bìa cạc tông trải dài chưa kịp gấp, đoán chừng chị mới tỉnh giấc sau 1 hồi ngả lưng, tôi bật cười, giương mắt trêu lại :

– Chị đợi Út là thật, hay chỉ là cái cớ để chị say giấc trưa hè mà thôi?

Chị Ba nghe vậy thì cười khì khì, đưa bàn tay thô ráp của mình ấn mạnh lên đầu tôi rồi bảo :

– Chỉ được cái láu miệng. Út nhìn xem, trời nắng nóng dã man, ở nhà hầm hập khí nóng chị chịu không nổi, thêm cái sự lèm bèm của má nữa khiến chị tụt canxi, vậy nên ra ngoài đây tìm bóng mát loanh quanh làm 1 giấc là thượng sách.

Tôi gật gù tỏ ý đồng tình với chi Ba rồi nhanh nhảu cúi người rót cho chị 1 cốc nước đầy, động viên :

– Thôi chị uống ngụm nước lấy thảo, để có sức mà làm.

– Được rồi, cảm ơn Út.

Nói đôi chút về hoàn cảnh gia đình tôi cho mọi người nắm.

Có lẽ, ở cái làng Vải này không ai là không biết về gia đình tôi cả, phần vì cả cái làng này bé xíu, đi đâu cũng gặp người quen, phần vì gia đình tôi cũng lắm thứ chuyện để nói, đặc biệt là quân số thành viên trong gia đình, nhiều đến mức, bằng hai ba hộ gia đình trong làng gộp lại.

Thỉnh thoảng tôi hay đi hàng chợ, mấy cô mấy bác trong chợ vẫn luôn trêu tôi, bảo rằng ôi chao ôi sao má tôi lại có thể mắn đẻ đến vậy, sinh liền tù tì cả 7 đứa con..

Những lúc như thế tôi chỉ biết cười trừ cho qua chuyện..

Nếu tính cả ba má cộng lại, gia đình tôi tổng cộng có 9 người, trong đó có 4 người con gái và 3 người con trai. Người ta thường bảo rằng nhà đông con thì sẽ khá giả lắm, vì mỗi đứa khi lớn lên sẽ góp sức 1 ít, không giàu thì cũng buộc phải giàu, ấy vậy mà, gia đình tôi thì hoàn toàn ngược lại.

Càng đông con, càng nghèo thê nghèo thảm.
Càng đông con, càng xảy ra vô số kể vấn đề.
Và quan trọng hơn, đông con như vậy, nhưng anh chị em trong nhà lại chẳng thể gắn kết với nhau, mỗi người 1 hướng, mỗi người 1 phương, đến khi ba má tuổi già đau ốm bệnh tật, thì cũng quanh quẩn một vài người chịu trách nhiệm hỗ trợ, những người còn lại hầu như chẳng hề quan tâm, thậm chí đôi lời thăm hỏi cũng trở nên khan hiếm vô cùng. Mỗi lần nghĩ về điều đó, tôi buồn dữ lắm, nỗi buồn ấy giống như 1 cái dằm trong tim, chỉ cần 1 tác động nhỏ của cảm xúc, cũng khiến nó găm thật sâu hơn, xót hơn, mệt hơn rất nhiều…

Tôi hiểu, tôi buồn 1, có lẽ ba má tôi buồn 10. Họ buồn, vì họ không thể nào dạy những đứa con vô tâm ấy trưởng thành, sống bằng thái độ lẽ phép, bằng tình yêu thương gia đình và biết đặt chữ “ Hiếu” lên làm trọng.

Sống với ba má hiện tại chỉ có mỗi tôi và chị Ba. Cách đó tầm 10 km cũng ở trong làng có gia đình anh Hai nữa, còn lại chị Tư, chị Năm, anh Sáu, anh Bảy thì sống ở nơi khác, thỉnh thoảng ghé về thăm nhà, mua cho ba má tôi ít bánh kẹo rồi lại rời đi nhanh chóng. Có người, thậm chí mấy năm cũng chưa hề 1 lần trở lại.

Họ đi đâu ? Họ sống ở đâu ? Họ làm gì ? Họ có còn nhớ tới người đã sinh thành và dưỡng dục cho họ hay không ?

Có rất nhiều người hàng xóm đã từng đặt cho ba má tôi câu hỏi đó nhưng thú thật, ba má tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào cho phải, bởi lẽ, ba má tôi cũng không biết được những đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra hiện tại đang sinh sống ở phương trời nao. Kể từ khi 16 tuổi, các anh chị đã lần lượt ra đời làm lụng. Anh hai tôi bây giờ cũng đã gần 33, chị Ba cũng ngoài 30, các anh chị khác giao động từ 21 -28 tuổi, riêng tôi bé út, chỉ mới ngót nghét tròn 18, như vậy có nghĩa là : Ba má tôi đến hồi 35 tuổi vẫn ngoài kế hoạch để tôi ra đời.

Đôi khi, chị Ba hay trêu ba má tôi rằng, tuổi của chị cũng sinh ra được tôi ấy chứ. Ai đời, ông bà bây giờ đã quá 50 mà vẫn có đứa con gái chập chững tuổi 18 . Mỗi lúc như thế, tôi lại để ý thấy má tôi có vẻ không hài lòng, bà luôn cau mày bặm môi quát lại chị Ba :

– Cha bố tiên sư nhà mày, bà mày đập chết mày bây giờ, suốt ngày kiếm chuyện trêu tức má không thôi. Đấy, mày đẻ được sao mày không lấy chồng rồi sinh con đẻ cái luôn đi, mày ở lì cái mặt trong nhà này bao nhiêu năm trời mà mày không thấy ngán à.

Má lại đụng đến sự khó chịu trong lòng chị Ba, chị nghe xong, mặt mày đỏ ửng, cũng không vừa mà gân cổ bảo lại :

– Má tưởng con không muốn lấy chồng sao ? Má tưởng con muốn trở thành bà cô già cho thiên hạ chê cười đấy à ? Con mà không vì cái nhà này, vì mấy đứa em của con thì con có khi đã đẻ cả lứa như má rồi. Má đừng có suốt ngày lôi chuyện này ra dè bỉu con.

Thấy chị ba hậm hực, rồi trông thần sắc của má cũng bất ổn, tôi rốt cuộc phải lên tiếng trấn an xoa dịu hai người :

– Thôi nào má ơi, thôi nào chị Ba, hai người cho con xin đi. Bây giờ nhà mình chỉ có vài người thế này mà suốt ngày chửi nhau, cãi nhau, đâm ra hàng xóm người ta cũng chán ngán theo đấy. Cứ mỗi lần con đi hàng chợ, là y như rằng mấy bà trong xóm lại tụm năm tụm ba có chuyện để kể về nhà mình. Hôm thì bảo rằng má chửi kinh quá, hôm thì nói rằng chị vô phép…con nghe mãi mà nhàm tai luôn.

Tôi nói tới đây, khẽ thở dài, má và chị Ba thấy vậy liền im lặng, chẳng ai nói với ai câu nào, quay người rời đi mỗi người 1 hướng.

Đấy, mọi người có thể thấy và cảm nhận đôi chút về gia đình tôi, 1 gia đình ban đầu đã có vô vàn điểm khuyết, nay lại càng nhiều và nặng nề hơn…

Ba má tôi vốn dĩ ngay từ đầu đã chẳng có bất cứ bệ đỡ nào, thậm chí khi đến với nhau, lấy nhau rồi cũng chỉ bày biện được hai mâm cơm be bé cúng tổ tiên, tôi nghe kể gia đình nội ngoại hai bên khó khăn lắm, nên ba má tôi thời đó được tổ chức cái tiệc nhỏ cũng đã là lớn lắm rồi. Thời gian sau trở đi, hai ông bà tiếp tục đầu tắt mặt tối đi cày thuê cuốc mướn, đặng kiếm bữa ăn qua ngày cho gia đình.

Cái nghèo, cái khổ, nó chua lắm mọi người ạ. Nó kéo theo, vần vã cuộc đời ba má tôi từ đó tới giờ, thậm chí còn bám riết lấy cả cuộc đời của các anh chị tôi nữa. Nói không phải kể lể gì cho cam, chứ thú thật với mọi người, từ bé tới giờ, số lần tôi được ăn cơm với thịt đếm trên đầu ngón tay, đối với những gia đình khác, có lẽ điều đó rất là bình thường, còn đối với gia đình tôi, bữa cơm có ít thịt thôi cũng đã là điều đáng mơ ước.

Gia đình đã nghèo, con lại đông, khiến cho gánh nặng kinh tế trở thành nỗi lo mỗi ngày của gia đình tôi, rồi cho tới năm khi tôi được sinh ra đời, thì chẳng may ba tôi gặp phải tai nạn khi đang trèo lên sửa điện cho công xưởng gần nhà, chính tai nạn này đã khiến ba tôi bị liệt cả hai chân và kể từ đó đến nay, suốt 18 năm trôi qua, ba sống gần như phụ thuộc vào sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là má và chị Ba.

Những anh chị còn lại, có lẽ vì quá ngán ngẩm trước sự u ám, nặng nề và nghèo đói của gia đình, nên đã bước chân đi nơi khác lập nghiệp từ rất sớm. Thỉnh thoảng, họ trở về thăm nhà, hỏi chuyện dăm ba câu, biếu ít quà bánh rồi lại lặn mất tăm, nhìn vào họ, nhìn vào gương mặt họ, tôi hiểu, họ cũng chẳng khá khẩm gì, chỉ là họ không còn sự lựa chọn nào khác, họ buộc phải ra ngoài, tự bươn chải cho chính cuộc đời họ mà thôi.

Và người mà tôi cảm thấy đáng thương, yêu quý nhất trong nhà tôi hiện tại, chính là chị Ba – 1 người phụ nữ lam lũ, chịu thương chịu khó, hy sinh nỗ lực cho gia đình tôi rất nhiều, nhưng bị 1 cái có phần nghịch lý, đó chính là khắc khẩu với má tôi. Ở tuổi chị Ba hiện giờ, trong làng tôi nhiều người đã có 2-3 đứa con, còn chị, vẫn đơn chiếc 1 mình. Chị từng tâm sự với tôi rằng, chị không nỡ đi lấy chồng, chị không nỡ để ba má ở lại không ai chăm sóc, chưa kể, tôi còn quá nhỏ, còn cần chị dạy bảo dìu dắt để lớn khôn hơn. Anh Hai thì đã có gia đình riêng, anh cần phải chăm lo cho gia đình anh và con của anh nữa, chị Tư chị Năm và 2 anh còn lại thì có sự lựa chọn riêng của họ, nếu kinh tế họ tốt, họ chắc chắn sẽ trở lại và phụ giúp gia đình. Riêng tôi, đứa bé nhỏ nhất nhà và cũng đáng yêu nhất nhà, chị tin rằng chính sự hy sinh của chị sẽ là bệ đỡ tinh thần vững chãi giúp tôi vươn lên tốt hơn, và sau tất cả những nghĩ suy tháng ngày, chị lựa chọn chính mình sẽ là người ở lại cuối cùng với ba má. Chị lựa chọn là người đứng phía sau để dõi theo sự trưởng thành của các em.

Mỗi lúc như thế, tôi chỉ biết chui vào lòng chị mà nức nở, cất lên âm giọng đầy nghẹn ngào : Chị Ba ơi..!

Ps : Truyện mới mọi người like và cho em xin cảm nhận với nha ❤️

Yêu thích: 4 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN