Mắt Âm Dương I - Chương 10: Sương mù giữa rừng sâu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
184


Mắt Âm Dương I


Chương 10: Sương mù giữa rừng sâu


Khắp nơi trong rừng toàn là cây to, ba người từ trên hang ngầm rơi xuống
nhất thời hoa cả mắt, không biết phải đi theo hướng nào. Theo như lão Tôn nói
thì vương triều Lạp Cách Nhật nhất định tồn tại, có điều lão ta nham hiểm giảo
hoạt, lời nói cũng nửa thật nửa giả, nếu cứ cắm đầu tin theo, nhất định sẽ chết
mà không có chỗ chôn. Nhưng cái cao minh của lão là ở chỗ, nếu không đích thân
kiểm chứng lời lão nói thì sẽ không bao giờ biết được đấy là thật hay giả. Có
điều lão hao tâm tổn sức xui khiến Vương Uy tìm chiến thuyền cổ để phá giải Bối
long âm khư, như vậy cũng có thể chứng minh lão ta có chứng cứ về sự tồn tại
của Bối long âm khư. Hơn nữa, rất có thể lão Tôn đã theo họ xuống khu rừng ngầm
dưới đất này.

Vương Uy hỏi Nhị Rỗ:

-Ông nội anh có bảo trong cuốn sách của Trương Tử Thông có nhắc đến vương
triều Lạp Cách Nhật hay không?

Nhị Rỗ lắc đầu:

-Không nói gì cả. Những bí mật dưới lòng đất này có liên quan đến vương
triều Lạp Cách Nhật hay không, e rằng chỉ có người đã xem qua tấm bản đồ kia
mới trả lời được mà thôi, tiếc rằng những người ấy hoặc đã chết, hoặc mất tích,
không còn manh mối nào hết.

Ba người suy tính chán chê, cảm thấy vị trí họ đang đứng chính là nơi đội
đào trộm mộ của Mã Văn Ninh đã xây công sự phòng ngự, vậy thì phía trước bức
tường phải là hướng tấn công của kẻ địch, nhưng phía sau bức tường đá, nói một
cách tương đối, phải là địa bàn của đội đào trộm mộ, cũng tức là hướng Mã Văn
Ninh thâm nhập cánh rừng dưới mặt đất, đi theo hướng này có khả năng là đúng
đường.

Ba người bàn bạc một hồi rồi lập tức xuất phát. Vùng này vô cùng nguy hiểm,
trên không trung hay dưới mặt đất đều có những thứ có thể cướp đi sinh mệnh của
họ bất cứ lúc nào. Nhị Rỗ nghỉ ngơi nãy giờ đã có phần nào lại sức, có thể hoạt
động như thường, cũng may đám rễ đen chỉ quấn lấy bắp chân làm tắc mạch máu,
dẫn đến tình trạng nửa người dưới mất cảm giác, một khi phục hồi lại, coi như
không có vấn đề gì.

Băng qua khoảnh đất trống với lá rụng và dây rừng phía sau bức tường đá,
lại đến một khu rừng rất lớn, trong rừng cây mọc san sát, khoảng cách giữa cây
và cây khá hẹp nên ba người đi rất vất vả. Vương Uy đi trước, phạt gai góc và
dây rừng. Trong rừng có rất nhiều loài sâu bọ kỳ quái, muỗi to bằng ngón tay,
hễ chích được người một cái, thân hình liền phình lên thành một bọng máu to.
Nhị Rỗ không có trang bị tốt như Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nên bị muỗi đốt
cho mấy nhát, trên cổ sưng lên ba nốt to tướng, ngứa đến nỗi chửi loạn lên. Có
điều loại muỗi này không độc, đốt người chỉ ngứa ngáy khó chịu, chứ không gây
hại lớn.

Trong bóng tối, cánh rừng vô cùng yên tĩnh, ngoài tiếng chân dẫm trên lá
khô và tiếng rẽ dây rừng ra, không còn động tĩnh gì khác.

bỗng Vương Uy nói:

-Hai người bảo, thứ ở trên bức tường đã kia là gì?

Nhị Rỗ thoáng ngớ ra, hỏi lại:

-Cái gì? Anh bảo thứ đã đẩy tôi ngã xuống ấy à?

Vương Uy đi đằng trước gật gật đầu, dùng báng súng rẽ đám dây rừng gai góc,
khom người chui vào lỗ hổng vừa rẽ, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc vội vã chui theo.

Nhị Rỗ lắc đầu đáp:

-Tôi chỉ thấy lờ mờ hình như có thứ gì đó, chưa kịp chiếu đèn pin đến thì
sau lưng đã bị đẩy một cái rồi.

Dương Hoài Ngọc là người cuối cùng chui qua bụi rậm, cô cầm đuốc soi xung
quanh, thấy trên thân và cành cây bám đầy các loại sâu bọ côn trùng, chỗ nào
cũng thấy những con sâu to bằng cổ tay, bò lổm ngổm. Hơn nữa, loại sâu này có
lớp vỏ nguỵ trang trời sinh, nếu không nhìn kỹ sẽ không phân biệt nổi đó là con
sâu hay cành cây. Tuy Dương Hoài Ngọc tính tình nóng nảy, nhưng nói cho cùng
vẫn là phụ nữ, rất ghét sâu bọ, hễ trông thấy chúng, cô lại cau rúm mày lại.

Vương Uy bảo hai người:

-Lúc ấy tôi đứng gần thứ đó nhất, nó nấp trong bóng tối, chỗ ánh đuốc không
rọi tới được nhưng tôi cũng lờ mờ trông thấy mặt nó, trông giống y như mặt
tượng Phật.

Nhị Rỗ sờ trán Vương Uy, nói:

-Chỉ huy ơi, xưa nay chỉ huy vốn là con người nghiêm túc, chỉ huy đừng đùa
như thế có được không?

Vương Uy trừng mắtNhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc, những thớ thịt trên mặt giật
giật, nói:

-Tôi nói thật mà. Mặt thứ đó rất giống gương mặt tượng Phật, nhưng tôi chỉ
trông thấy mặt chứ không thấy toàn thân nó.

Nhị Rỗ trợn trừng mắt ngạc nhiên, gã vốn được chân truyền thuật phong thuỷ
địa nhãn, thông hiểu cả những điều có lẽ là huyền bí nhất trong cổ thuật truyền
kỳ cuả Trung Hoa, nhưng gã cũng không thể chấp nhận nổi những gì Vương Uy vừa
nói. Nghĩ ngợi một lúc, Nhị Rỗ hỏi:

-Nói vậy là vừa rồi chỉ huy chỉ thấy một gương mặt Phật lơ lửng giữa không
trung ư?

-Không thể nhầm được. – Vương Uy nói.

Dương Hoài Ngọc tiếp lời:

-Tôi đứng xa xa, chỉ thấy một khối lờ mờ, nếu chỉ là một khuôn mặt, tại sao
lúc nó lẩn trốn lại phát ra tiếng gió?

Nhị Rỗ đứng dựa thân cây, nghiêng đầu lẩm bẩm:

-Đúng là rất quái dị, chẳng hiểu thứ gì lại có bộ mặt của tượng Phật nhỉ?

Từ lúc thứ đó bỏ chạy, Vương Uy vẫn canh cánh trong lòng, cứ băn khoăn mãi.
Theo lý thì nó không thể có được bộ mặt như tượng Phật trong chùa miếu, nhưng
anh hồi tưởng thật kỹ từng chi tiết trên khuôn mặt đó, thấy đích xác là gượng
mặt của một pho tượng Phật, không chệch đi đâu được. Thứ đó đến rồi đi nhanh
như gió, không nhìn rõ được là vật gì, chỉ thoáng trông thấy hình dáng, hơn nữa
lại chỉ có một gương mặt, thật quá lạ lùng.

Dọc đường anh vẫn không ngừng suy đoán xem đó có thể là thứ gì, nhưng nghĩ
đi nghĩ lại mãi vẫn không tìm được một đáp án hợp lý. Theo lý mà nói, nó lẽ ra
là một sinh vật không thể nào tồn tại, nhưng rõ ràng nó đã xuất hiện.

Nhị Rỗ trầm tư hồi lâu, đưa tay gãi gãi gương mặt rỗ, nói:

– Này cô tây rởm, tôi hỏi thật nhé, lúc con thuyền rơi từ sông ngầm xuống
đây, cô và chỉ huy của tôi đôi co gì đó, cô có bảo mình trông thấy một khuôn
mặt Phật hả?

Dương Hoài Ngọc ghét nhất bị Nhị Rỗ gọi là tây rởm, nhưng gã Nhị Rỗ này có
tính trêu ngươi, Dương Hoài Ngọc càng ghét thì gã càng thích thú. Dương Hoài
Ngọc trợn mắt lườm Nhị Rỗ, đáp:

– Đúng vậy, là một khuôn mặt tượng Phật rất to, nhưng không liên quan gì
đến gương mặt trên bức tường đá cả.

Nhị Rỗ vuốt

-Không đúng… không đúng…

Bỗng Vương Uy chỉ vào thân cây to sau lưng Nhị Rỗ, kinh hoàng hét:

-Đừng tựa vào cái cây kia nữa, lùi ra.

Nhị Rỗ đang khép mắt như người nhập định, thình lình nghe Vương Uy gọi thất
thanh, gã hốt hoảng bắn vọt ra xa mấy mét rồi nghoảnh lại nhìn cái cây, vẫn
chưa định thần lại được. Thấy cái cây không có gì khác lạ, vẫn là cái cây không
có sâu bọ mà ban đầu gã đã chọn, Nhị Rỗ giậm chân:

-Thưa chỉ huy, thế này chẳng giống phong cách của chỉ huy tí nào cả, bây
giờ là lúc nào rồi mà còn trêu tôi…

Vương Uy chẳng buồn để ý đến Nhị Rỗ, anh tiến lại gần, thận trọng sờ vào thân
cây, thốt lên:

-Hoá ra là thế!

Nhị Rỗ cũng bắt trước Vương Uy, đưa tay sờ thân cây, vừa sờ vào, liền hiểu
ngay, vội nói:

-Mẹ kiếp, ai lại trồng cây bằng đất ở đây thế?

Nghe Nhị Rỗ nói vậy, Dương Hoài Ngọc cũng lại gần sờ thử, quả nhiên thấy
gốc cây này thô ráp, rõ là dùng đất đắp nên, ai mà ngờ được gốc cây đại thụ cao
lớn giữa rừng sâu này lại là giả.

Vương Uy lại sờ sang những thân cây gần đó, thấy tất cả đều là cổ thụ nghìn
năm tuổi trăm phần trăm, chỉ có cây này là giả mà thôi. Nhìn màu sắc, vân gỗ
của cái cây này không khác gì những cây khác, hơn nữa đã lâu ngày không có dấu
hiệu phai màu. Thoạt đầu Vương Uy đã thấy lạ, các cây khác đầy sâu bọ béo núc,
con nhỏ bằng cổ tay trẻ con, con to lớn bằng cả một người trưởng thanh, bò lổm
ngổm trên thân cây, cành cây, chỉ riêng cái cây này là không có sâu, khi ấy anh
không để ý lắm, nhưng về sau chợt phát hiện ra không chỉ thân mà cành lá cũng
không thấy một con sâu nào, quả là khác thường.

Vương Uy hết sức căng thẳng, từ lúc tiến vào vùng Tạng Xương Đô đến giờ,
những chuyện quái gở gặp phải quá nhiều, khiến anh càng phải cẩn thận hơn. Chỉ
cần sơ sểnh một chút thì ba người còn lại ở đây e rằng có đi mà không có về,
bởi thế anh mới hét lên, bảo Nhị Rỗ mau nhảy ra, tránh xa gốc cây kia.

Dương Hoài Ngọc lên tiếng:

-Đến cây cũng là già, vậy cành lá chắc không thể là thật được, rốt cuộc kẻ
nào lại tốn bất nhiêu sức người sức của làm một cái cây giả bằng đất cao lớn
thế này?

Vẻ mặt Vương Uy càng lúc càng căng thằng nói khẽ:

-Nơi này xem ra không đơn giản như chúng ta nghĩ, hay là leo lên cây xem
thế nào.

Cái cây bằng đất này rất to, phải to hơn gấp đôi những cây xung quanh đấy,
mười người lớn ôm chưa chắc đã kín một vòng. Lúc chui ra khỏi bụi rậm gai góc,
ba người bọn Vương Uy chẳng hể để ý được nhiều như vậy, loại cây lớn này trước
giờ trong khu rừng ngầm họ thấy đã nhiều, chỉ có điều, trong cánh rừng này,
loại cây ấy rất hiếm có.

Vương Uy bám vào những cành và mấu trên thân cây để leo lên, Nhị Rỗ và
Dương Hoài Ngọc không chịu ngồi không, cũng vận dụng hết cả tay chân, bám thân
cây leo lên theo. Dọc thân cây, phải hơn chục mét mới có một cành lớn, phía
dưới chỉ lác đác vài ba nhánh lá đan chéo nhau. Ba người leo lên mới để ý thấy
cành cây rất to, phải bằng mấy cơ thể người gộp lại, đây là cành cây to nhất mà
Vương Uy từng thấy trong đời.

Vương Uy vươn mình leo lên cành cây, quả nhiên cành lá trên cây đều dùng
đất nặn thành. Thấy tán lá trải qua bao năm mà vẫn rậm rì, chẳng suy suyển mảy
may, Nhị Rỗ định ngắt thử một lá nhưng không sao ngắt nổi.

-Đừng mất công, cái cây to thế này có thể đứng vững ắt hẳn bên trong có cốt
thép, bùn đất chỉ đắp ngoài thôi. – Vương Uy nói.

Nhị Rỗ nghĩ cũng có lý, bèn thôi không ngắt lá nữa. Ba người ôm lấy thân
cây, đu bám cành cây leo lên, chẳng mấy chốc đã leo được mấy chục mét, nhưng
trong phạm vi ngọn đuốc soi sáng được, vẫn không thấy đâu là ngọn cây. Họ nghỉ
lại trên cây một lát, ăn một chút lương khô cho lại sức rồi tiếp tục leo lên.

Lại leo thêm mấy chục mét nữa. Từ nhỏ Vương Uy đã tập võ, tay chân khoẻ
khoắn, thể lực dẻo dai nên còn gắng gượng được, nhưng Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc
thì không thể, leo lên được hơn một trăm mét, hai người đã thở hồng hộc như
trâu, đành ngồi nghỉ trên chạc cây.

Nhị Rỗ nằm dài lên chạc cây, thè lưỡi thật dài nhìn Vương Uy và Dương Hoài
Ngọc, nói:

-Mẹ kiếp cái cây này đến là kỳ lạ, sao leo mãi mà không thấy ngọn đâu cả?

Vương Uy trầm ngâm một hồi rồi đáp:

-Tôi có cảm giác chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi.

Nhị Rỗ suýt cắn đứt lưỡi, trợn mắt nhìn Vương Uy, nói:

-Chỉ huy ơi, dạo này chỉ huy ăn nói càng lúc càng lạ lùng đấy, không phải
chỉ huy sợ đến ngớ ngẩn vì rơi vào hoàn cảnh này đấy chứ.

Vương Uy nhìn Nhị Rỗ:

-Rất có thể là thế đấy, anh có để ý chúng ta từ dưới đất leo lên mà cái
thân cây này hình như mỗi lúc một to ra, trái ngược hẳn với những loại cây
thông thường không?

Nhị Rỗ tái mặt, gã cũng sực nghĩ đến vấn đề này, vừa rồi thân cây to chừng
mười người ôm, vậy mà bây giờ nhìn lại đã to đến mấy chục người ôm mới xuể.

-Mẹ kiếp, thật là ma quái! – Nhị Rỗ lẩm bẩm.

Dương Hoài Ngọc cũng không giấu nổi nỗi kinh hoàng trong lòng, cấu tạo cái
cây này thật sự rất khác thường, chứng tỏ thứ này tuy thoạt trông giống hệt một
cây đại thụ, nhưng rất có thể không phải là cây. Nếu không phải là cây thì là
gì? Nói thẳng ra là mục đích của người dựng nên cái cây này là gì?

Nhị Rỗ dần dần nản chí, thứ này lạ lùng như vậy, không biết trên kia còn
những của khỉ gì nữa, cứ tiếp tục leo lên chẳng biết lành dữ thế nào, toan
khuyên Vương Uy leo xuống.

Vương Uy từng cùng Nhị Rỗ xông pha chiến trường bấy nhiêu năm, chỉ thoáng
nhìn là hiểu ý ngay. Anh đưa mắt nhìn Nhị Rỗ, không đợi gã mở miệng đã cướp lời
nói trước:

-Đã đi đến nước này rồi, lẽ nào lại rút lui, hơn nữa rừng cây mênh mông như
vậy, cứ đi mà không có manh mối gì, sớm muộn cũng chết.

Nghe Vương Uy nói vậy, Nhị Rỗ đành im lặng.

Ba người nghỉ một lúc rồi tiếp tục leo lên, lần này họ leo hơn một trăm mét
nhưng vẫn thấy cành lá um tùm, thân cây mỗi lúc một lớn hơn. Nhị Rỗ tối sầm hai
mắt, chửi thầm: cứ leo thế này biết lúc nào mới đến ngọn? Bỗng Nhị Rỗ sực nghĩ
ra, khu rừng này nằm sâu dưới lòng đất mấy nghìn mét, hơn nữa lối vào đã bị
huỷ, nếu cái cây đất này thật sự có thể cao đến mấy nghìn mét, phải chằng nó
thông lên đến mặt đất trên kia? Nhị Rỗ cảm thấy suy luận này rất hợp lý, đả
thông được tư tưởng liền thấy khoẻ khoắn hơn, so ra thi leo cây thế này còn an
toàn hơn leo cột đá dưới hang ngầm nhiều. Chuyến này họ đã tổn thất rất nhiều
anh em, nhưng giờ biết được đường đi lối lại, sau này thoát khỏi đây sẽ tuyển
thêm người, mang đủ thiết bị xuống thì sẽ chẳng ngại gì thứ bên dưới kia nữa.

Ba người lại leo thêm một đoạn, Vương Uy leo dẫn đầu, chợt anh kinh ngạc
kêu lên:

-Tại sao trên kia có sương mù?

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc vội leo lên, quả nhiên thấy sương mù giăng dày
đặc giữa đám lá, kỳ lạ hơn là, nơi có sương mù và nơi không có sương mù phân
cách rõ ràng, phía trên có sương mù, phía dưới không có, thực khiến người ta
thấy lạ lùng.

Vương Uy sợ trong đám sương mù có vấn đề, bèn bảo Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc
chờ bên dưới rồi một mình leo lên. Leo lên được một lúc, xác định không có vấn
đề gì, anh mới gọi hai người lên theo.

Họ leo lên được một đoạn, bỗng Dương Hoài Ngọc bò đến bên cạnh Vương Uy,
ghé vào tai anh nói thật khẽ:

-Anh có chú ý không, tôi cứ cảm thấy quanh đây có thứ gì đó đang lén nhìn
chúng ta.

Vương Uy liếc Dương Hoài Ngọc vẻ nghi ngờ, nói thật lòng, anh cũng không
tin Dương Hoài Ngọc cho lắm vì thân phận cô tây rởm này quá ư phức tạp. Lão Tôn
chẳng biết đang ẩn nấp ở đâu, Dương Hoài Ngọc tuy tính tình nóng nảy nhưng tâm
địa không xấu, có điều việc gì cũng có hàng vạn khả năng, nhất là đối với một
phụ nữ phức tạp như Dương Hoài Ngọc.

-Sao lại nói thế? – Vương Uy hỏi.

Dương Hoài Ngọc nghiến răng đáp:

-Tôi cứ có cảm giác có gì đó đang ẩn nấp trong lớp sương mù trắng kia, nó
cứ theo sau chúng ta, nhưng hễ tôi nghoảnh lại giương đuốc soi thì không soi
được đến chỗ nó. – Ngập ngừng giây lát, thấy Vương Uy không có phản ứng gì,
Dương Hoài Ngọc lại nói tiếp:

-Tôi cảm thấy rất rõ mà, anh cứ tin tôi đi.

Vương Uy gật đầu, nói:

-Chúng ta rơi vào hoàn cảnh này, thứ gì cũng có thể gặp phải, tất nhiên là
tôi tin cô chứ. Mọi người hãy chuẩn bị, nếu có cái gì xông ra từ lớp sương mù
trắng kia, bất kể là gì, cứ nổ súng rồi nói sau.

Nhị Rỗ cũng bò lên hô một tiếng đồng ý rồi lên đạn khẩu súng máy đang đeo
trên người.

Vương Uy vẫn tiếp tục leo lên, đột nhiên anh cảm thấy vô cùng hồi hộp, bấy
nhiêu năm xông pha sa trường, anh đã trở nên rất mẫn cảm với hiểm nguy. Ngay
lúc này họ đang lần mò giữa bóng tối mênh mông và sương mù dày đặc, ai cũng
giương to mắt ra mà chẳng nhìn thấy gì, dưới áp lực của hiểm nguy cận kề, anh
bất giác vã mồ hôi lạnh, hơi thở mỗi lúc một nặng nhọc.

Tốc độ leo của Vương Uy dần chậm lại, anh biết có cái gì đó ẩn nấp trong
sương mù đang bám theo mình, dường như bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng xông ra.
Vương Uy không dám nói với hai người kia, sợ đánh cỏ động rắn, khiến thứ ẩn nấp
trong sương mù phát hiện ra. Vương Uy là người dẫn đầu, hễ anh đi chậm lại thì
Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cũng chậm theo.

Hằng ngày Nhị Rỗ vẫn nhăn nhở cợt nhả nhưng gặp lúc nguy cấp, gã lại trở
nên nhạy cảm không ngờ, cảm nhận rõ vẻ khác lạ ở Vương Uy, Nhị Rỗ bèn gỡ khẩu
súng đang đeo trên lưng xuống, nắm chắc trong tay.

Ba người đứng cụm lại một chỗ trên chạc cây, thận trọng quan sát xung
quanh, ai nấy đều lăm lăm khẩu súng, căng mắt nhìn vào đám sương mù dày đặc
cùng bóng đêm thăm thẳm.

Bỗng Dương Hoài Ngọc khẽ kêu lên:

-Nhìn kìa…

Vương Uy và Nhị Rỗ đều thấy, ở rìa phạm vi chiếu sáng của ánh đuốc, sương
mù đang cuộn lên, một dáng hình từ từ xuất hiện. Có điều hình dáng ấy rất lờ
mờ, chỉ có thể mơ hồ cảm thấy sương mù bỗng có lớp có lang gián đoạn nhau,
nhưng không trông thấy được sau lớp sương mù kia là thứ gì.

Ba người cố nín thở, bàn tay cầm súng ướt đẫm mồ hôi, họ chờ thứ ẩn trong
sương mù kia lộ diện thì mới hành động, nếu không, cứ bắn bừa vào bóng tối rất
có thể sẽ làm kinh động nó, càng khó giải quyết hơn.

Sương mù cuộn lên một lúc rồi lặng dần, dáng hình lờ mờ kia cũng lặng lẽ
biến mất, thứ đó đã lẳng lặng bỏ đi.

Bấy giờ ba người mới thở phào nhẹ nhõm, toàn thân đãm mồ hôi, hơi nóng túa
ra. Nhị Rỗ hỏi:

-Đấy có phải là thứ mà chỉ huy thấy lúc ở trên bức tường không?

Vương Uy đáp:

-Không trông rõ hình dạng nó thì không thể xác định được, có điều cách nó
xuất hiện cũng gần giống như thế đấy.

Nhị Rỗ đăm chiêu gật đầu. Thấy quái vật đó không xuất hiện nữa, ba người
lại tiếp tục leo lên.

Càng leo cao họ càng thấy lạ lùng, thân cây này mỗi lúc một to ra đã đành,
một bên còn chẽ thêm ra một phần bằng đất nữa, bên trên bộ phận này cũng rậm
rạp cành lá.

-Cái cây này lạ thật, sao lại chẽ thêm một thân ngang thế này? – Vương Uy
thắc mắc.

Nhị Rỗ cũng ngớ ra:

-Mẹ kiếp, chẳng ra thể thống gì hết, chỉ huy nhìn cái nhánh ngang xem, còn
lớn hơn cả thân cây này nữa, đâu lại có chuyện như thế?

Dương Hoài Ngọc quan sát kỹ thân cây kia một lúc rồi nhận xét:

-Chưa chắc đây đã là thân cây đâu, mà dù có là thật đi nữa thì làm sao nó
đỡ nổi một nhánh cây lớn hơn cả nó như vậy

Vương Uy cũng đã nghĩ đến điểm này, Nhị Rỗ vê vê chòm râu dê trầm tư một
hồi rồi nói:

-Lẽ nào phía đối diện với thân cây thẳng đứng này còn có một thân cây khác,
nhánh ngang này được hai thân cây thẳng đứng nâng đỡ?

Thấy Vương Uy và Dương Hoài Ngọc gật đầu tỏ vẻ đồng tình với mình, Nhị Rỗ
càng thêm hăng hái:

-Mẹ kiếp, cái cây đắp bằng đất này quả nhiên không phải là cây, xem ra nó
là một bức tượng.

Dương Hoài Ngọc ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại nói thế?

Nhị Rỗ nói:

-Cô có thấy cái cây này càng lên cao càng to ra không? Tại vì chúng ta đang
leo từ chân tượng lên đùi. Nhánh ngang này cũng không phải là cây, mà là nửa
thân trên của pho tương, nửa thân trên cộng với hai chân phải đến mấy trăm mét
ấy.

Vương Uy nghe nói liền hiểu ngay, hoá ra là thế. Lúc từ trên dòng sông ngầm
rơi xuống, chẳng phải Dương Hoài Ngọc nói rằng mình trông thấy một khuôn mặt
Phật đó sao? Nói vậy thì thứ mà họ rọi đèn pin trông thấy rất có thể là pho
tượng này. Chỉ khó hiểu là, Dương Hoài Ngọc trông thấy một gương mặt Phật, còn
anh lại thấy một cái mỏ chim là sao?

Ba người vừa leo vừa phân tích pho tượng, bỗng sau lưng Vương Uy nổi lên một
trận gió độc, anh phản ứng rất nhanh, vội thết lên một tiếng: “Không xong!!”,
nghoảnh lại đã thấy một bóng đen xô tới trước mặt. Bóng đen lao đến quá nhanh,
anh vừa nhác thấy, chưa kịp nổ súng, nó đã vụt qua bên người rồi biến mất giữa
biển sương mù bóng tối.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc thay nhau nổ súng bắn theo nhưng đều hụt, hai
người đưa mắt nhìn về phía Vương Uy, bất giác sững cả ra, chỉ thấy bóng đen kia
vụt qua nhanh không thể tưởng tượng nổi, còn cuốn heo gió làm cho lá cây
nghiêng ngả, xào xạc.

Ba người sợ hết vía, vừa lóp ngóp leo lên vừa thầm nhủ bản thân phải cẩn
thận hơn. Càng leo lên cao họ càng thêm kinh ngạc, để chế tác được một pho
tượng đất ở sâu dưới lòng đất thế này, hẳn phải tốn rất nhiều nhân lực vật lực!
Ngay pho Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên cao bảy mươi mốt mét cũng phải tốn một
khối lượng lớn tài lực vật lực, cật lực chế tác suốt chín mươi năm mới hoàn
thành. Pho tượng lớn nhường này, khoan tính đến tài lực, chỉ riêng việc xây đắp
thôi, sợ rằng sức người không thể làm nổi.

Không phải con người, vậy thứ gì đã tạo nên nó? Cả ba đều không thể trả lời
được. Đương vừa leo nừa nghĩ ngợi, bỗng Dương Hoài Ngọc đâp đập vào người Vương
Uy, Vương Uy quay lại nhìn, thấy cô chỉ vào giữa pho tượng, khẽ nói:

-Anh nhìn kìa, trên kia hình như có ánh đèn.

Dương Hoài Ngọc nói rất khẽ nhưng cả hai người kia đều nghe rõ, nhất loạt
nghoảnh lại nhìn, quả nhiên thấy ánh đèn thấp thoáng sau màn sương mù. Chuyện
này thật kỳ lạ, lẽ nào còn có người khác đang leo lên đây? Cả ba liền tắt đuốc,
thận trọng leo lên, hướng về phía trung tâm pho tượng. Họ leo không chậm không
nhanh, thứ nhất là sợ gây ra tiếng đánh động ánh đèn kia; thứ hai là trong lớp
sương mù dày đặc thế này có thể trông thấy ánh đèn, chứng tỏ ngọn đèn kia cũng
không xa họ lắm.

Ba người từ từ giãn nhau ra, tạo thành thế bao vây. Không ngờ, khi họ leo
đến giữa pho tượng thì phát hiện ánh dèn kia đã lặng lẽ biến mất, chỉ còn lại
bóng tối im lìm, không một tiếng động.

Ba người cách nhau một khoảng, lại không đốt đuốc, chỉ có thể mượn ngọn đèn
kia để xác định phương hướng, ngọn đèn kia không còn, họ lập tức biến thành
những con nhặng không đầu. Trong lúc nguy cấp này rất dễ rút dây động rừng, nếu
đối phương là người mà họ lại đốt đuốc lên, chắc chắn sẽ có một loạt đạn xối xả
bắn đến.

Ba người lần mò leo lên trong bóng tối, hoàn toàn dựa vào cảm giác. Không
có ánh sáng quả là bất lợi, may mà cái cây này có rất nhiều chạc cây, không dễ
bị ngã, nhưng trong bóng tối, đó cũng là một nhược điểm, hễ động đậy, họ có thể
bị cành cây đâm phải hoặc móc phải, huống hồ đây còn là cây đất, thân cành rất
cứng.

Cả ba bị cành cây đâm cho tơi tả, đành lần mò dò dẫm thật cẩn thận rồi tiếp
tục leo lên.

Vương Uy đang chật vật leo lên, chợt cảm thấy sau lưng có gió nổi lên, anh
lập tức né đi rồi chuyển sang một chạc cây khác, lòng thầm kinh hãi: chẳng nhẽ
thứ đó đang nấp trong bóng tối, âm thầm tập kích sao?

Anh nắm chắc súng trong tay, không dám lơi lỏng một phút. Trận gió ào qua,
xung quanh lại tĩnh lặng như tờ, Vương Uy còn đang thắc mắc thì nghe thấy phía
trước có tiếng thở vọng tới. Tuy âm thanh rất khẽ, nhưng trong bóng tối yên
tĩnh, lại trở nên rõ mồn một.

Vương Uy cứng người lại, không dám nhúc nhích, nghe tiếng thở mà suy thì có
lẽ đối phương là người. Nhưng nếu là người thì khi hắn lại gần anh, chắc chắn
không thể im ắng như vậy được, nhất là giữa đám cành lá rậm rì thế này, rất dễ
phát ra tiếng động.

Vương Uy đứng bất động trên chạc cây, nghe tiếng thở kia mỗi lúc một gần
hơn, hơi thở còn phả vào mặt anh. Không nén nổi, anh bèn đưa tay đẩy nó, nhưng
lại đụng phải một khuôn mặt lạnh băng. Khuôn mặt này trơn bóng nhẵn nhụi, không
thể là mặt dã thú, nhưng chắc chắn cũng không phải là người. Vương Uy vội đẩy
khuôn mặt kia ra xa hơn một thước, cả người cứng lại. Hơi thở hắt ra từ mũi vật
kia phả vào lòng bàn tay anh nhồn nhột, nhưng gương mặt ấy lại rất lạnh, vừa
đụng vào đã buốt cả tay, vô cùng kỳ dị, khiến toàn thân anh nổi da gà.

Anh rụt tay lại, thình lình vung báng súng quật thẳng vào gương mặt kia,
nhưng chỉ quật vào khoảng không. Động tác rụt tay vung báng súng lên của anh
chỉ trong nháy mắt, ấy vậy mà thứ đó đã lặng lẽ biến mất. Nhưng anh vẫn nghe
được tiếng thở của nó gần quanh đó, chỉ là không thể xác định nổi vị trí của nó
nữa.

Vương Uy cố gắng trấn tĩnh, thầm nhủ: thứ đó lửng lơ bất định, ở đây lại
không như trên mặt đất, hễ sơ sẩy là có thể rơi từ trên cao mấy trăm mét xuống, chết không kịp ngáp. Rõ ràng thứ đó đang dụ anh đuổi theo để anh rơi xuống mà chết. Nghĩ vậy, Vương Uy lại rủa thầm, không biết đó là
giống gì mà lại giảo hoạt đến vậy.

Vương Uy hiểu ra vấn đề, bèn mặc kệ thứ đó, tiếp tục thận trọng leo
lên. Tiếng thở của thứ đó vẫn lẵng nhẵng bám theo anh, không gần không
xa, hệt như u hồn, nhưng anh không làm sao xác định được vị trí cụ thể
của nó.

Vương Uy nơm nớp lo sợ, theo anh đoán, thứ đó đến tám phần là ma.
Hàng trăm nghìn năm trước, khi kiến tạo nên pho tượng khổng lồ bằng đất
này chắc chắn đã có không ít người phải chết, hẳn trên pho tượng này vẫn còn đầy những oan hồn lẩn khuất.

Vương Uy đang leo chợt thấy trước mặt thấp thoáng một tia sáng, ánh
sáng le lói giữa màn sương mù dày đặc, vô cùng hư ảo. Anh mừng rỡ cố leo lên thật nhanh về phía ánh sáng, thầm nhủ: trước hết phải hạ gục người
cầm đèn. Nghĩ vậy, anh bèn thắp đuốc lên, bất chấp sự rình rập của gương mặt quái gở ẩn nấp trong bóng tối.

Mải tập trung mọi chú ý vào tia sáng le lói sau màn sương mù dày đặc
và bóng tối mịt mù, anh chẳng còn bụng dạ nào để ý đến tiếng thở vẫn bám theo mình như hình với bóng nữa.

Leo được một quãng bỗng Vương Uy nghe thấy trên đầu vang lên tiếng
thở, tiếng thở này rất nặng nề, khác hẳn với tiếng thở nhẹ sau lưng anh.

Vương Uy bực bội, dần sinh ra sát ý, thầm nhủ nếu không giết bớt vài
mống để uy hiếp đối thủ thì những thứ như hồn ma bóng quế kia cứ tụ lại
mỗi lúc một nhiều, phiền toái không để đâu cho hết. Dù chúng đều là ma,
nhưng mặt mũi lại rất sống động, phải cho chúng nát mặt ra rồi tính sau.

Vương Uy đã quyết là làm, anh rón rén tiến tới, dồn sức mạnh lên đầu
ngón tay, Đoạn Môn chỉ gia truyền của anh có thể bóp nát cả gạch đá, một ngón tay điểm ra, sắc bén không thua gì dao kiếm, chỉ cần điểm vào chỗ
hiểm thì cầm chắc mười phần chết tám. Anh nhắm trúng vị trí của quái vật đang ở trên đầu, ngón tay điểm mạnh, nó vội né đi nhưng không kịp, khi
ngón tay anh sắp điểm trúng hai mắt nó, nó bỗng la lên:

-Thưa chỉ huy, là tôi…

Vương Uy giật mình, vội thu lực lại đồng thời xoay người thật nhanh,
ngón tay điểm trúng thân cây, lút vào gần một nửa. Thình lình phát hiện
ra thứ đang thở hồng hộc trong bóng tối kia lại chính là Nhị Rỗ, anh bất giác cau mày mắng thầm: sao gã này thoắt cái đã leo cao thế, suýt thì
lỡ tay giết nhầm rồi.

Nhị Rỗ nói nhỏ:

-Thưa chỉ huy, tôi vừa bò lên xem xét, ánh đèn trên kia rất có vấn đề.

Vương Uy ngẩn ra hỏi:

-Có chuyện gì?

Nhị Rỗ căng thẳng đáp:

-Tôi thấy cây đèn kia hình như không có ai cầm cả mà cứ treo lơ lửng
trên không, cạnh đấy cũng không thấy người. Hơn nữa cây đèn này rất kỳ
quái, thân đèn đầy những gỉ đồng, hình dạng như một bức tượng Phật, trên bụng khoét một cái lỗ, bên trong đặt bấc và dầu.

Vương Uy nghe nói cũng cảm thấy lạ lùng, bèn hỏi:

-Vậy là cái đèn đồng ấy bay lơ lửng trên không à?

Nhị Rỗ hạ giọng:

-Rất có thể nó bay lơ lửng trên không đấy, mẹ kiếp, nơi này đúng là quái gở.

Hai người đang nghĩ ngợi, chợt từ phía trên thốc xuống một luồng gió
độc, cả hai vội quay người né. Vương Uy không tránh kịp, thấy luồng gió
độc xộc thẳng đến đỉnh đầu, liền hốt hoảng sử dụng Đoạn Môn chỉ, ngón
tay chọc thẳng vào mặt vật kia. Nào ngờ Đoạn Môn chỉ có thể bóp nát cả
gạch đá của anh điểm vào mặt mà thứ đó chẳng hề có phản ứng gì, như đụng vào thép cứng vậy. Ngay sau đó, chẳng để anh kịp thu tay lại, Vương Uy
đột nhiên bị một đòn rất nặng vào lưng, cả người văng ra xa mấy mét, đập vào một cành cây, xương cốt toàn thân như vỡ vụn, đầu óc choáng váng.

Người anh vừa bắn tung lên, ngọn gió độc kia lại ập tới. Vương Uy
hoảng hồn, tự thấy mình không phải là đối thủ của nó, liền vội vàng ôm
thân cây tụt xuống. Anh tụt xuống chừng mươi mét, ngọn gió độc kia mới
tạm ngưng, thứ quái đản trong bóng tối ấy cũng biến đi đâu không biết.

Nhị Rỗ cũng tụt xuống theo Vương Uy:

-Chỉ huy không việc gì chứ?

Vương Uy đáp không sao nhưng trong lòng lại ớn lạnh, thứ kia đến
không tăm đi không tích, chẳng biết là thứ gì, bị nó theo dõi quả là
phiền phức. Bây giờ đã khẳng định được ngọn đèn trên kia không phải là
do người cầm, vậy thì không sợ bị đối phương bắn lén nữa, phải đốt đuốc
lên trước rồi nói.

Vương Uy rút ống mồi lửa ra châm đuốc cho mình và Nhị Rỗ, ánh đuốc
vừa sáng lên, anh liền trông thấy trên một chạc cây gần đấy có một chiếc bóng lờ mờ ẩn nấp trong làn sương mù. Vương Uy nổi nóng liền rút súng
ra bắn, thấy Vương Uy bắn, Nhị Rỗ cũng bắn quét một lượt.

Chiếc bóng mờ kia chỉ nhoáng lên một cái rồi biến mất, đạn của hai người bắn cả vào khoảng không. Nhị Rỗ chửi thề:

-Mẹ kiếp, rốt cuộc là thứ gì mà đến đạn cũng không sợ? Ông đây bắn súng không tồi, gần như vậy, ý nào lại bắn hụt?

Vương Uy cũng lấy làm lạ, Đoạn Môn chỉ của anh điểm ra, chỉ cảm thấy mặt nó rất cứng, chạm vào lạnh buốt, thật kỳ dị!

Dương Hoài Ngọc rớt lại sau cùng, thấy ánh đuốc của Vương Uy và Nhị
Rỗ, bèn bò đến đó. Nghe hai người thuật lại những chuyện gặp phải, cô vô cùng kinh hãi. Thứ đó vẫn nấp sau màn sương mù lén lút theo dõi họ, lại có sức mạnh phi thường, không sợ dao súng, quả là một chuyện vô cùng
phiền phức.

Hiện giờ trong ba người, Vương Uy dựa vào cách hành xử quyết đoán và
bình tĩnh đã tạo dựng được uy tín cho mình, Nhị Rỗ xưa nay vẫn nghe lời
Vương Uy, chỉ đâu đánh đó còn Dương Hoài Ngọc từ lúc gặp nạn trên chiến
thuyền cổ cũng bớt dần địch ý với anh. Anh trầm ngâm giây lát rồi nói
với hai người:

-Quá vật trong bóng tối tuy rất đáng sợ, nhưng hiện giờ chúng ta chưa có cách nào trị được nó, huống hồ phía trên cây này lại có một ngọn đèn kỳ quái, nghe nói hình dạng nó giống như tượng Phật, xung quanh đầy gỉ
đồng, hơn nữa còn không có người cầm, cứ tự động di chuyển phía trên bức tượng, thật lạ lùng hết sức.

Dương Hoài Ngọc nghe kể vô cùng kinh ngạc,vội hỏi phải làm thế nào.

Vương Uy nói:

-Cứ lên xem sao.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đều không có ý kiến gì, ba người cầm đuốc
tiếp tục leo lên. Vương Uy dẫn đầu, leo lên thêm mấy chục mét nữa mà
chẳng thấy chiếc đèn đồng Nhị Rỗ nói đâu cả.

Nhị Rỗ lại soi đuốc tìm trong phạm vi mấy chục mét quanh đấy nhưng
vẫn không tìm thấy tăm hơi cái đèn đâu hết. Dương Hoài Ngọc ngờ vực hỏi:

-Anh thấy ngọn đèn đó thật đấy chứ?

Nhị Rỗ đang sốt ruột, nghe Dương Hoài Ngọc hỏi, liền cáu nhặng lên:

-Ông đây không mù, cái đèn to như vậy mà không thấy à? Mẹ kiếp, đồ tây rởm óc bã đậu, có vậy mà cũng nghi ngờ!

Dương Hoài Ngọc nghe nói liền nổi khùng, lập tức chĩa súng bắn Nhị
Rỗ. Nhị Rỗ lăn lộn chiến trường mười mấy năm nay, giết không biết bao
nhiêu người, bản lĩnh ứng phó với nguy hiểm cũng chẳng phải vừa, liền
khom lưng một cái, từ trên cành đu xuống, lẩn vào đám lá nhưng Dương
Hoài Ngọc vẫn đuổi riết không tha.

Vương Uy để mặc hai người, tiếp tục leo lên thêm mười mấy mét nữa,
tiếc rằng ánh sáng có thể xua tan bóng tối nhưng không xua được sương
mù, tầm nhìn trong sương mù rất hạn chế, nhất định ánh sáng của cây đèn
kia yếu hơn ánh đuốc, phạm vi chiếu sáng hẹp, hơn nữa còn di động trong
đám lá nên khó mà thấy được. Vừa rồi trong lúc họ đụng độ với thứ ẩn náu trong sương mù kia, rất có thể ngọn đèn đã di chuyển đến một chỗ khác.

Vương Uy đang quan sát tình hình xung quanh, bỗng nghe thấy tiếng hét thất thanh trong đám lá, tiếng thét thê thảm vô cùng, chính là giọng
Nhị Rỗ. Anh hoảng hốt tụt xuống, tay xách súng, thò đầu vào đám lá nơi
Nhị Rỗ đang ẩn náu.

Vương Uy chui vào, vừa ngẩng lên liền trông thấy một bóng đen khổng
lồ xẹt qua, Dương Hoài Ngọc bị treo lủng lẳng trên chạc cây, hai tay đầy máu, còn Nhị Rỗ thì không biết biến đâu mất.

Vương Uy kinh hãi, vội ngoái đầu nhìn quanh, chợt cảm thấy một cơn
gió mạnh thốc đến từ phía sau, quay lại thì đã muộn. Anh vội co người,
lật tay sử ra Đoạn Môn chỉ, liền quét phải một vật gì đó. Ngay sau đó
bên tai anh chợt vang lên tiếng gầm như sấm động, tưởng chừng xé tan
màng nhĩ, khiến anh ngã lộn nhào, đột nhiên, thắt lưng anh bị tóm lấy,
anh vội nương theo thế ngã mà vùng ra. Vương Uy lăn vào đám lá, lập tức
đưa tay sờ hông, thấy tay đầy máu, con quái vật kia thật dễ sợ, vừa đụng vào là móc ngay được một mảng thịt.

Vương Uy rất lo cho sự an toàn của Nhị Rỗ, bèn bất chấp tất cả, vạch
lá nhìn vào, liền thấy ngay một khuôn mặt áp tới, cách mặt anh chưa đến
một thước. Toàn thân anh cứng đơ, mồ hôi lạnh toát đầm đìa, chỉ thấy bộ
mặt kia đầy sẹo lồi, thoạt nhìn giống hệt tượng Di Lặc trong các đền
chùa. Đôi mắt nó to cồ cộ như hai quả chuông đồng, con người và hàng mi
đều đỏ độc một màu máu, như thế có một ngọn lửa đang phừng phừng cháy
trong đó.

Vương Uy chưa bao giờ thấy một bộ mặt đáng sợ đến thế, nỗi kinh hoàng tận đáy lòng ào ạt tràn ra khắp người. Trong tay anh có súng, nhưng bị
gương mặt kia áp sát, anh đã mất hết dũng khí giương súng lên. Vương Uy
và gương mặt đó trừng mắt nhìn nhau hồi lâu, đột nhiên nó chớp mắt, rống lên, Vương Uy đang đứng sát ngay gần nó, tiếng rống này chẳng khác nào
tiếng sấm giữa trời quang, khiến anh sợ đến nỗi tuột tay đánh rơi cả
đuốc, phải giơ hai tay bịt chặt lấy tai.

Không còn đuốc, trước mắt Vương Uy lại tối sầm. Trong bóng tối, cành
lá không ngừng xào xạc, Vương Uy bịt tai, ngồi xổm trên chạc cây, không
thể nào đứng lên nổi. Một lúc lâu sau, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc thắp
đuốc đi tới, anh mới dần dần trấn tĩnh, còn thứ ma quái kia chẳng biết
đã biến mất từ bao giờ.

Lưng Nhị Rỗ bị xé toạc một mảng, vết thương không sâu lắm, vừa rồi gã kêu thảm thiết là vì bị thứ ma quái kia tóm vào lưng, cứ ngỡ rằng nó
sắp ăn thịt mình tớ nơi nên mới thét lên như thế. Hai tay Dương Hoài
Ngọc đều bị thương, một tay mất hẳn một miếng thịt, máu vẫn chưa cầm,
ống tay áo còn nhỏ máu tong tỏng.

Giọng run run, Nhị Rỗ hỏi Vương Uy:

-Chỉ huy có thấy thứ ma quái ấy không?

Vương Uy cố trấn tĩnh, chậm rãi đáp:

-Tôi thấy, tôi thấy một bộ mặt Phật…

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đều kinh ngạc, té ra nó đúng là thứ ở trên
bức tường thật, bức tượng này cao đến mấy trăm mét, vậy mà nó vẫn bám
theo, thật sự không đơn giản.

Vương Uy nói:

– Hai người còn thấy gì nữa không? Từ đầu đến giờ tôi chỉ thấy mỗi cái mặt của nó thôi, thật kỳ dị.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cùng lắc đầu, con quái vật kia đến nhanh
như gió đi nhanh như điện, họ chỉ nhác thấy một bóng đen xông tới, còn
chưa kịp nổ súng, đã bị xô ngã.

Vương Uy nói:

-Từ nhỏ tôi đã học tập kiến thức lăn lội giang hồ, lớn lên đi học
trường Tây, mẹ kiếp không thể nói là thông kim bác cổ, nhưng xấu tốt gì
cũng có chút kiến thức, vậy mà nghĩ mãi không ra con mặt có bộ mặt Phật
này là thứ gì?

Nhị Rỗ nói:

-Đừng nói có nghĩ ra hay không, chỉ huy xem, thứ đó cứ bám theo sau
chúng ta nhưng chỉ làm bị thương mà không giết chúng ta, không kỳ lạ hay sao?

Vương Uy gật đầu. Thứ mai quái kia mỗi lần xuất hiện thể nào cũng làm bị thương bọn họ, như thể đùa dai vậy, nhưng lại không làm chết người,
thật khiến người ta không sao hiểu nổi, ngồi nghỉ một lúc trên chạy cây
rồi tiếp tục leo lên.

Có được bài học vừa rồi, học không dám phân tán ra nữa, vừa leo vừa
quan sát động tĩnh, chỉ cần phát hiện có gì khác lạ là lập tức nổ súng.
Tuy đạn không thể làm bị thương thứ đó nhưng vẫn có thể xua đuổi nó.

Lại leo thêm đến độ cao mấy trăm mét, cành lá trên bức tượng bắt đầu
thưa dần, rồi trụi hẳn, căn cứ vào hoa văn trên thân tượng, họ phán đoán rằng đã leo đến phần ngực của bức tượng.

Dọc đường leo lên, ba người luôn hết sức thận trọng, chỉ sợ gương mặt Phật trong sương mù kia lại xông ra. Quái vật ấy thật là khủng khiếp,
chẳng thể làm gì được nó. Có điều lần này họ leo suốt mấy trăm mét,
không thấy con quái vật kia đâu cả, như thể nó đã biến mất vậy.

Từ ngực bức tượng đất trở lên chỉ có mấu để bám chân vào, không còn
cành chân chạc cây nữa nên rất khó leo, hễ không cẩn thận, rất dễ bị rơi xuống. Từ trên độ cao này rơi xuống chắc chắn sẽ thịt nát sương tan nên họ phải hết sức cẩn thận.

Vương Uy bị thương tương đối nặng, dần dần anh bị tụt lại phía sau
Dương Hoài Ngọc. Lần này, suốt dọc đường không thấy thứ ẩn nấp trong
sương mù kia nữa nên Dương Hoài Ngọc dần dà leo nhanh hơn, bỏ Vương Uy
và Nhị Rỗ lại phía sau cả chục mét.

Vương Uy và Nhị Rỗ leo rất vất vả, bỗng nghe thấy Dương Hoài Ngọc ở phía trên gọi to:

-Hai anh lên đây nhanh lên nào, hình như tôi phát hiện thấy thứ này kỳ lạ lắm.

Hai người leo lên đến nơi, thấy Dương Hoài Ngọc đang bám vào ngực pho tượng, ngẩn người ra. Cả hai vội đến gần xem xét, thì ra Dương Hoài
Ngọc đang quan sát những nét vạch dài hai bên ngực tượng, thấy Vương Uy
và Nhị Rỗ leo lên, cô bèn chỉ cho họ xem:

-Những nét vạch này hình như là chữ viết, các anh có nhận ra không?

Vương Uy nhìn đến hoa cả mắt, những vạch dài kia ngoằng ngoèo nghiêng ngả, nào có giống chữ viết giống một bức bích hoạ được phóng to thì
đúng hơn, nhưng bức hoạ lớn như vậy, bọn họ không sao thấy được toàn
cảnh nên chẳng thể hiểu rõ nổi.

Nhị Rỗ rất hứng thú với những nét vạch ấy, gã leo lên leo xuống xem xét hồi lầu rồi khẳng định với Vương Uy và Dương Hoài Ngọc.

-Đúng là chữ, hơn nữa còn là chữ Tạng.

Vương Uy trợn mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:

-Anh định lừa ai đấy? Chúng ta đánh nhau mười mấy năm ở vùng Xuyên Trung, chẳng nhẽ chưa thấy chữ Tạng?

Nhị Rỗ vội xua tay:

-Đây có lẽ là loại chữ Tạng cổ xưa nhất. Nói chung chữ Tạng có thể
chia làm ba loại, là Tạng, Khang và An Đa, tuỳ theo từng địa phương.
Vùng Tạng Xuyên Trung thuộc khu vực sử dụng loại chữ Khang, khác xa chữ
Tạng ở các địa phương khác. Không những vây, chữ Tạng từ thời cổ đại đến nay đã trải qua ba lần quy chuẩn và cải cách, gọi là ba đợt chỉnh lý
toàn diện… Đợt thứ nhất là vào khoảng giữa thời kỳ Trì Tùng Đức Tán,
thời đó còn biên soạn ra một quyển từ điển, gọi là Phạm Tạng từ điển,
chữ Tạng mô phạm trong quyển từ điển này khác hẳn chữ Tạng thời kỳ đầu
do Thôn Mẽ Tang Bố Trát, người xếp thứ tư trong số bảy đại hiền giả đặt
ra; sau đó Thổ Phồn Tán Phổ Trì Tổ Đức Tán nghiên cứu Tạng văn, lệnh cho các dịch sư tăng nhân nổi tiếng của hai nước tiến hành chỉnh lý lần thứ hai; lần cuối cùng là cách đây hơn một ngàn năm, đại dịch sư Nhân Thanh Tang Bố của Thổ Phồn, con trai A Lý Cổ Cách vương Ý Hy Ốc, cháu năm đời của Đạt Ma cuối thời Tán Phổ cầm đầu những dịch sử nổi tiếng Thiên
Trúc, mất đến chín mươi hai năm mưới chỉnh lý xong. Qua ba lần chỉnh lý
này, chữ Tạng đã có nhiều thay đổi lớn, dù là phát âm hay chữ viết đều
khác xưa rất nhiều. Chữ Tạng trên tượng đất này xem ra giống với chữ
Tạng thời kỳ đầu do đại sư Thôn Mẽ Tang Bố Trát đặt ra.

Vương Uy nuốt nước bọt, nói:

-Chữ Tạng thời kỳ đầu? Không thần bí đến thế chứ?

Nhị Rỗ vê vê bộ râu dê, nói:

-Hiện giờ tôi mới chỉ là phán đoán thôi, hai người chờ tôi ở đây, để tôi xem hết những dòng chữ này rồi nói.

Chữ Tạng đọc từ phải sang trái, Nhị Rỗ buộc bó đuốc vào cánh tay, bảo Vương Uy đưa cho gã cây bút chì và vài trang giấy, rồi leo từ bên phải
sang. Đoạn văn tự này phân thành mấy hàng, chạy dài suốt mấy chục mét ở
hai bên ngực pho tượng. Nhị Rỗ leo đi leo lại mấy lần, nhất nhất chép
lại những dòng chữ kia vào giấy, vất vả hồi lâu mới chép xong

Ba người tìm thấy một tảng đá lớn nhô ra gần ngực bức tượng, thừa sức để cả ba ngồi. Nhị Rỗ đọc lại những trang giấy ghi đầy chữ, vê rụng mấy sợi râu dê rồi mới nói:

-Những dòng chữ Tạng này cho biết, bức tượng này không phải là tượng
Phật mà chỉ là tượng một người được tất cả dân Tạng triều bái và cung
phụng.

Vương Uy hỏi:

-Nhiều chữ vậy mà chỉ một câu ấy thôi à?

Nhị Rỗ gật đầu, nói:

-Chỉ huy không tin ai thì được, nhưng đối với Nhị Rỗ này, anh phải tin trăm phần trăm.

Vương Uy xua tay, không tiếp lời Nhị Rỗ, chỉ hỏi:

-Anh có đoán được đây là tượng người nào không? Ai lại dựng cho người đó bức tượng lớn thế này?

Nhị Rỗ lắc đầu:

-Ở đất Tạng người có ảnh hưởng lớn nhất là Tùng Tán Can Bố[1] của
vương triều Thổ Phồn, về sau chính giáo vùng Tạng hợp nhất, Phật sống
trở thành lãnh tụ tinh thần của người Tạng, nhưng dù là Tán Phổ hay là
Phật sống, cũng chưa từng nghe nói có kẻ nào dựng lên bức tượng đất
khổng lồ thế này cho họ.

[1] Tùng Tán Can Bố hay Songzain Gambo (617-650) là người sáng lập
vương triều Thổ Phồn (Turbo) vùng Tây Tạng, Thanh Hải, tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9 – ND

Vương Uy gật đầu, ở Xuyên Trung anh cũng đã nghe nói đế những nhân
vật có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng Tạng, dân Tạng thường làm ca dao ca
ngợi những nhân vật này, anh nghe nhiều nên cũng biết một ít. Còn Nhị Rỗ từ khi vào vùng Tạng Xuyên Tây rất hứng thú với văn hoá Tạng, thường
đến đền chùa tìm các vị lạt ma, Phật sống để luận bàn kinh Phật, khiến
những kẻ hồi đó chỉ biết mải mê với rượu chè, cờ bạc, trai gái ra sức
cười chê.

Nhị Rỗ nói:

-Chúng ta leo lên xem, biết đâu trên kia còn có chữ nữa, có thể tìm thêm được nhiều đầu mối khác.

Ba người lại tiếp tục leo lên, leo thêm một đoạn nữa thì bắt đầu
trông thấy phần cổ bức tượng ở xa xa. Bức tượng đất này rất lạ, chân và
thân rất dài, nhưng cổ lại rất ngắn. lên đến đây thì sương mù đã tan,
tầm nhìn rộng ra nhiều. Ba người leo tới vai bức tượng thì dừng lại tạm
nghỉ một lúc, rồi tiếp tục leo lên cổ tượng, Vương Uy nói với Nhị Rỗ:

-Chắc lúc nữa thôi là đầu tượng.

Nhị Rỗ gật đầu. Bỗng trong bóng tối vang lên tiếng gào, ba người sợ
tái cả mặt, khỏi nói cũng biết, thứ lẩn khuất trong sương mù kia lại sắp xuất hiện. Có điều lúc này họ đang ở trên cổ bức tượng, chỗ này trơn vô cùng, hơn nữa còn rất cheo leo, bất cứ lúc nào cũng có thể từ trên cao
hơn nghìn mét rơi xuống, sao chống cự nổi thứ như thần long thấy đầu
không thấy đuôi kia.

Ba người lăm lăm súng trong tay, chăm chăm nhìn làn sương mù phía
sau, chỉ thấy đám sương mù mù gần đó đang tụ lại dày đặc, cuồn cuộn xao
động. Cả ba người không kịp nghĩ nhiều, lập tức bắn loạn xạ vào màn
sương ấy. Nhưng lần này thứ trong sương mù kia có vẻ rất lạ, tiếng súng
không làm nó bỏ chạy, trái lại đám sương mù càng cuồn cuộn xao động
nhiều hơn.

Nhị Rỗ bắn hết băng đạn, vội lắp băng khác, Vương Uy thấy quái vật
kia quẫy mạnh sau lớp sương mù, bèn đưa mắt nhìn quanh. Hình thế nơi này quá hiểm yếu, không có chỗ nào vững chắc để dựa vào, chỉ cần thứ kia
xông tới, ba người bọn họ không còn cách nào né tránh. Phần cổ này còn
cái đầu ít ra là hai mươi mấy mét, dưới ánh đuốc lờ mờ, chỉ thấy bên
trên có một khối đen lù lù, Vương Uy đoán đó là cái đầu. Nếu muốn leo
lên cần phải mất một lúc nữa, xem tình thế này, đành tụt xuống vai tượng trước đã rồi tính.

Vương Uy liền gọi hai người kia cùng tụt xuống, xem ra không thể trông vào súng đạn được nữa rồi.

Nhị Rỗ lên đạn, không kìm được lại bắn quét thêm một loạt nữa. Gã
không bắn còn đỡ, vừa nổ súng, đám sương mù kia bỗng nhiên tản ra. Một
bóng đen nhanh như điên xô tới, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đã tụt xuống dưới, ngước lên nhìn thấy bóng đen kia xô Nhị Rỗ rơi xuống.

Trong tiếng thét của Vương Uy, Nhị Rỗ như diều đứt dây rơi vào đám
sương mù, bên dưới vang lên mấy tiếng bịch bịch, chắc hẳn gã đã va phải
vật gì đó. Tình cảm giữa Vương Uy và Nhị Rỗ không thể dùng lời để diễn
tả được, thấy Nhị Rỗ gặp nguy, mặt Vương Uy tái nhợt, mắt đỏ ngầu lên,
anh giật khẩu súng máy trong tay Dương Hoài Ngọc, bắn xối xả vào bóng
đen kia.

Tốc độ của bóng đen kia rất nhanh, nhanh đến không thể tưởng tượng
nổi, nó xô Nhị Rỗ rới xuống rồi thoắt cái đã lẩn vào màn sương mù dày
đặc, chỉ còn thấy bóng đen lờ mờ. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc căng mắt
nhìn nhưng không sao trông rõ nổi hình dạng thứ đó. Sau khi chui vào đám sương mù dày đặc, nó không xuất hiện nữa, không lâu sau, sương mù cũng
từ từ loãng ra.

Vương Uy vô cùng lo lắng, anh đi trên vai tượng chừng hơn trăm mét,
rồi từ từ tụt xuống, anh không thể nhìn Nhị Rỗ chết tan xác được, nếu
thế thì đâu còn là anh em nữa. Lúc này Dương Hoài Ngọc không biết lấy
đâu ra dũng khí, cô ra sức lôi Vương Uy lại, quyết không để anh leo
xuống.

Vương Uy nổi điên gầm lên với cô, nhưng Dương Hoài Ngọc chẳng lấy thế làm điều, to tiếng mắng:

-Nhị Rỗ đã chết rồi, từ độ cao này rơi xuống thì tan xương nát thịt là cái chắc, anh tỉnh táo chút đi.

Vương Uy cố vùng ra khỏi tay Dương Hoài Ngọc, nhưng cô bất chấp tất
cả cố giữ Vương Uy lại, không hề phòng bị. Đang lúc tức giận, Vương Uy
giằng mạnh một cái, Dương Hoài Ngọc không đứng vững, liền đập người vào
cổ bức tượng.

Vương Uy chẳng thèm nhìn cô, quay ngoắt đi, tụt xuống dưới. Dương
Hoài Ngọc bị va đập mạnh, ê ẩm toàn thân, nhưng lần này cô không hề nổi
nóng, chỉ bình tĩnh nhìn Vương Uy tụt xuống mười mấy mét rồi cũng theo
xuống. Bức tượng cả ngàn năm tuổi này lên lên đã khó, tụt xuống càng khó hơn. Mắt con người ta ở trên đầu, khó mà trông thấy các mấu, các khe ở
dưới, nhất là đang ở dưới lòng đất tối om, nếu không còn lửa đuốc thì
xoè bàn tay cũng không thấy ngón, hơn nữa ánh đuốc cũng chỉ soi sáng
được lờ mờ dưới chân. Từ trên cao trèo xuống thật vô cùng bất tiện.

Vương Uy từ từ tụt xuống theo hướng rơi nghiêng nghiêng của Nhị Rỗ,
Dương Hoài Ngọc chỉ cách Vương Uy hơn chục mét, không nhanh không chậm
bám theo. Vương Uy đang đau buồn khôn xiết, vừa tụt xuống vừa không kìm
nổi tiếng thét bị thiết. Tiếng thét của anh vang lên trong không gian
lặng tờ như chết dưới lòng đất này, nghe càng thêm thê thảm, giống như
tiếng gầm của loài dã thú vậy.

Hai người tụt xuống chừng ba chục mét, bỗng Dương Hoài Ngọc ở trên gọi:

-Anh Uy, xem kìa…

Vương Uy dừng lại, nhìn theo tay Dương Hoài Ngọc chỉ, bỗng “ồ” lên
một tiếng, chỉ thấy gần đấy hình như có một bệ đá nhô ra, cách Vương Uy
chừng bảy, tám mét, anh chỉ thấy được một góc bệ trong sương mù mênh
mông, hơn nữa còn hết sức mơ hồ.

Vương Uy chần chừ một thoáng, đoạn lại tụt xuống tiếp, nhìn bộ dạng,
Dương Hoài Ngọc đoán anh sẽ tụt cuống tận khu rừng phía dưới, vội gọi:

-Anh nhìn kìa, chưa biết chừng anh Nhị vướng lại ở chỗ kia.

Vương Uy nghĩ cũng có thể, biết đâu Nhị Rỗ người hèn mạng lớn, Diêm
vương không chịu nhận, bị vật gì đó móc lại, không chết thì sao? Anh kêu to:

-Đúng đấy, Nhị Rỗ chắc chắn chưa chết đâu, gã ấy tốt số như vậy, đi
theo tôi mười mấy năm trời còn không chết, làm gì có chuyện dễ chết thế?

Nói rồi anh từ ngực bức tượng bò qua, vừa bò vừa cao giọng nói:

-Nhị Rỗ tốt số, không chết được đâu, tổ tiên anh ta nghiên cứu thuật
phong thuỷ địa nhãn cả năm trăm năm, mộ tổ táng vào nơi đất phát, sao mà đứt nổi mạch phong thuỷ đời đời đơn truyền ấy chứ.

Anh vừa bò vừa nói lớn, lệ nóng trào ra khoé mắt, tí tách nhỏ xuống, người cũng từ từ nhích được đến chỗ đó.

Vương Uy rướn người lên lên tới bệ đá, vừa ngước mắt nhìn, bỗng giật
nảy mình. Chỗ này không phải là bệ đá mà là một con đường quanh co, một
đầu nối liền với thân bức tượng đất, đầu kia mất hút trong mênh mông
sương mù.

Con đường này quanh co ngoằn ngoèo, rộng chừng ba bốn mét, đi trên
đó, nếu không gặp phải những chỗ rất dốc, thì về cơ bản, hệt như đi
đường trên mặt đất.

Vương Uy leo lên con đường kỳ lạ, nhớ đến Dương Hoài Ngọc còn ở phía
trên, bèn cầm đuốc vẫy cô. Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy đột nhiên thay
đổi thái độ, cũng vội leo đến.

Dương Hoài Ngọc leo đến chỗ nối giữa con đường với bức tượng đất,
Vương Uy liền cúi xuống, kéo cô lên. Anh thấy đầu tóc Dương Hoài Ngọc
rối bù, bộ dạng nhếch nhác, đều tại vừa rồi cô cố kéo anh lại không
buông, trong khi anh ra sức phản ứng, mới xô xát thành ra như thế. Rất
may, cô tây rởm này cũng là người tập võ, lại lớn lên trên biển, khoẻ
mạnh hơn những người con khác khác, nếu không e rằng cũng không chịu
đựng nổi.

Dương Hoài Ngọc leo lên con đường, liền kinh ngạc há hốc miệng ra.
Đây đúng là một con đường rộng rãi, xe quân sự cũng có thể chạy được.

Thấy Dương Hoài Ngọc nghi hoặc nhìn mình, Vương Uy lắc đầu:

-Đành tiến tới xem sao đã, nơi này vô cùng quái dở, chuyện gì cũng có thể xảy ra hết.

Hai người đi trên con đường rộng thênh thang nhưng vẫn rất dè dặt
thận trọng. Thảm trạng Nhị Rỗ rơi xuống vừa rồi họ vẫn chưa quên, hơn
nữa bên đường không có lan can, mắt chỉ thấy sương mù trắng xoá và bóng
tối mênh mông, hễ sơ ý là có thể rơi xuống khu rừng rận hơn nghìn mét
dưới kia.

Đi được chừng một trăm mét, bỗng Dương Hoài Ngọc kêu lên:

-Anh Uy xem kìa, ở kia có ánh đèn…

Vương Uy cũng đã trông thấy trong sương mù có ánh đèn yếu ớt, chập
chờn như lửa ma trơi. Tình cảnh này giống hệt lúc họ lên trên chân bức
tượng trông thấy ngọn đèn đồng đó, Nhị Rỗ từng bảo ngọn đèn đó rất quái
đản, không có người cầm đèn, nhưng vẫn có thể cứ từ từ di động.

Hai người rón rén tiến lại, Vương Uy lòng đầy nghi ngờ, thầm nhủ,
phải tìm cho ra nguyên nhân ngọn đèn ma kia tự di động. Hai người từ từ
đến gần ánh lửa le lói ấy, nhưng lại thấy quả thực nó chầm chậm đi xa
dần. Cả hai trợn trừng mắt lên, bất luận ngọn đèn này tự di động hay có
người xách trên tay, thì chỉ riêng việc nó xuất hiện giữa con đường lạ
lùng này cũng hết sức đáng sợ rồi.

Con đường không quá dài, chỉ hơn một trăm mét, tận cùng là một bình
đài thênh thang. Không thấy hết được chiều rộng và chiều dài của bình
đài, nhưng rõ ràng ánh lửa đang ở ngay giữa bình đài. Hai người cầm súng đi về phía ánh lửa, gần đến nơi họ mới dám khẳng định đấy đích xác là
một ngọn đèn.

Ngọn đèn phủ đầy gỉ đồng, lơ lửng trên không, to bằng đầu người, phía dưới đáy có tay cầm bằng đồng trông y như một cánh tay, lại rất dài,
chìm khuất trong làn sương mù.

Cai đèn được điểu khiển bởi tay cầm bằng đồng, đang không ngừng di
chuyển lên xuống, nhìn trong bóng tối tựa như ánh lửa ma trơi vậy. Vương Uy lần theo hướng tay cầm của chiếc đèn mà bước đén, tay cầm dài đến
hơn mười mét, nhờ ngọn đuốc xua tan bóng tối, ra đến giữa bệ đá, Vương
Uy mới thấy tận cùng của tay cầm là một cái giá bằng sắt, đặt ngang giữa bình đài.

Vương Uy đi vòng quanh cái giá sắt, không nén nổi kinh ngạc, một cái
giá sắt to như thế này để làm gì nhỉ? Cái giá sắt này bám đầy gỉ, nằm
rạp giữa bình đài, bề ngang bề dọc có đến mười mấy mét, cao bảy tám mét, kỳ lạ nhất là, trên lưng cái giá còn có đôi cánh sắt đang khép lại,
nhìn như một con chim vậy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN