Mắt Âm Dương I - Chương 9: Tượng người chim
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
177


Mắt Âm Dương I


Chương 9: Tượng người chim


Thấy Nhị Rỗ đột ngột xuất hiện, Vương Uy sững sờ, nhất thời không biết nên
vui hay buồn, anh lặng người đi hồi lâu mới bừng tỉnh.

Vương Uy sững sờ, nhưng Dương Hoài Ngọc trên kia thì không hàm hồ chút nào,
thấy một cái đầu máu nhô lên từ dưới nước, cô liền lia ngay một loạt đạn. Loạt
đạn làm cho Nhị Rỗ phải lặn ngay xuống nước, một lúc sau mới nhô lên.

Tiếng súng khiến Vương Uy giật mình sực tỉnh, anh ngạc nhiên tóm ngay lấy
Nhị Rỗ, chửi đổng:

-Mẹ kiếp, đồ con rùa nhà mày là người hay là ma?

Nhị Rỗ cười khanh khách, nói:

-Chỉ huy hãy xem, tay vẫn là tay, chân vẫn là chân, sao không phải là
người?

Vương Uy thấy đúng vậy, thầm mắng bản thân vừa thấy Nhị Rỗ còn sống đã đánh
mất hết cả uy phong chỉ huy. Anh nhìn Nhị Rỗ hồi lâu, thấy tay chân gã vẫn
nguyên vẹn, không sứt mẻ chỗ nào, lòng mừng vô hạn. Bỗng Nhị Rỗ biến sắc, kêu
lên:

-Chỉ huy ơi, phải nhanh nhanh trèo lên đi thôi, thứ quái quỷ kia lại đến
kìa.

Nhị Rỗ vội vàng đẩy Vương Uy leo lên những khe hở chạy dọc thân bệ rồi cùng
trèo lên theo. Cả hai ngoảnh nhìn mặt nước, thấy chỗ họ vừa đứng có bọt máu to
như nắm tay ùng ục nổi lên, cuộn trào sôi sục trong một phạm vi lớn bằng vung
nồi, thoáng nhìn là biết ngay có gì đó sắp xuất hiện.

Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy nói chuyện với “cái đầu máu” nên không xem đó
là kẻ địch nữa, thu súng máy lại. Nhị Rỗ ngước lên, nói với Dương Hoài Ngọc:

-Ê, đồ tây rởm kia, hai chúng ông với đằng ấy phải cùng phối hợp, mới đánh
chết được thứ quái quỷ dưới đó, đằng ấy có đồng ý không?

Dương Hoài Ngọc nổi giận, trong đám cướp biển, xưa nay cô ta vẫn chỉ huy,
người khác chỉ cần thấy cô biến sắc đã sợ vãi đái ra quần, có kẻ nào dám chế
giễu cô thế này. Ngay lập tức, cô ta giơ súng lên chĩa thẳng vào Nhị Rỗ, tốc độ
nhanh, ngắm bắn chuẩn, thủ đoạn hiểm, không có vẻ gì là đùa cợt. Nhị Rỗ thấy
Dương Hoài Ngọc làm thật, vội lao đầu xuống nước trước khi cô kịp nổ súng. Đám
máu to bằng vung lúc này càng cuộn lên dữ dội hơn, Vương Uy kinh hãi, sợ Nhị Rỗ
xảy ra chuyện gì, toan lao xuống xem thử. Nào ngờ đúng lúc ấy Nhị Rỗ lại nhô
lên, vuốt máu trên mặt rồi nói với Vương Uy:

-Chỉ huy dùng Đoạn Môn chỉ bẻ gãy xúc tu của thứ quái quỷ kia đi.

Đoạn Nhị Rỗ lại quay sang bảo Dương Hoài Ngọc:

-Này cô tây rởm, ông không đùa đâu, hễ thứ quỷ quái kia nổi lên mặt nước
thì đằng ấy cứ nhắm vào đầu nó mà bắn nhé, bắn chuẩn vào đấy.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe mà ù ù cạc cạc, chẳng hiểu Nhị Rỗ định bày
trò gì. Nhị Rỗ chỉ cười khì khì, lại lặn xuống, Vương Uy liền lặn theo.

Vương Uy vừa lặn xuống thì một sợi thịt quăng tới trói nghiến anh lại, anh
bèn đưa tay ra bắt lấy sợi dây thịt mềm mềm rồi lần theo, thấy nó dài tới hơn
trượng. Trong lúc sốt ruột, anh chẳng kịp nghĩ gì nhiều, lần đến gốc dây liền
giở ngay Đoạn Môn chỉ chặt một nhát tận gốc.

Bị anh chặt đứt một xúc tu, con vật kia bèn vùng ra bỏ chạy nhưng Vương Uy
nào chịu buông tha dễ dàng như thế, anh lại đưa tay ra túm lấy một xúc tu khác,
giở Đoạn Môn chỉ sắc như dao một phát chặt cụt tận gốc, trong nháy mắt đã chặt
được mười mấy sợi.

Mặc cho con vật đó giãy giụa, Vương Uy cứ hăng hái chặt xúc tú, hễ tóm được
sợi nào là cắt ngay sợi nấy, qua một lúc sau hết hơi, anh mới lại ngoi lên hít
thở.

Nhị Rỗ cũng nổi lên theo, cười nhăn nhở với Vương Uy, khoe ra bộ mặt bê bết
máu dữ tợn:

-Được chiêm ngưỡng Đoạn Môn chỉ của nhà họ Vương vùng Quan Đông rồi, đời
này coi như không uổng.

Nghe nói vậy, lòng Vương Uy chợt trầm xuống, ngay bản thân anh còn chẳng
biết được bao nhiêu về nhà họ Vương vùng Quan Đông của mình, lai lịch thân thế
anh cũng là lão Tôn vạch rõ, sao Nhị Rỗ lại biết rõ như vậy?

Nhị Rỗ cười khì khì, chỉ lên bệ đá, nói:

-Chỉ huy xem, việc của chúng ta xong được một nửa rồi kìa.

Vương Uy chưa hiểu, bèn nhìn theo tay Nhị Rỗ, chỉ thấy từ trên xuống dưới
cái bệ đầy những xúc tu thịt đỏ lừ ngoe nguẩy, trông như những khúc lạp xưởng
vừa nhồi thịt.

Những xúc tu này giống như dây thường xuân bám chặt vào bệ đá. Trên bệ,
Dương Hoài Ngọc đang vật lộn với mười mấy cái xúc tu, đạn dược dù sao cũng có hạn,
mà dùng súng đánh giáp lá cà cũng rất bất lợi, mấy chiếc xúc tu đỏ lừ đã quấn
lấy eo lưng và bắp đùi cô. Vương Uy nói:

-Có chuyện gì vậy? Chúng ta giúp cô ấy một tay.

Nhị Rỗ ngăn Vương Uy lại:

-Chỉ huy đã chặt đứt bấy nhiêu cái xúc tu của nó, đời nào nó chịu để yên?
Thứ quái quỷ này lì lợm lắm, nó sẽ xuất hiện ngay thôi, chỉ huy mà không dùng
Đoạn Môn chỉ xé nát mặt nó ra, e rằng chúng ta chết cả nút mất.

Thấy Nhị Rỗ nói rất nghiêm trang, chằng hề có vẻ cợt nhả thường thấy, Vương
Uy hiểu thứ quái quỷ kia nhất định rất khó đối phó, liền thận trọng quan sát
mặt nước chờ con quái vật xuất hiện.

Nhị Rỗ đợi thời cơ chín muồi rồi một mình lặn xuống nước, lát sau thấy bọt
máu ùng ục nổi lên, mặt nước đột ngột bị rẽ ra. Một khuôn mặt người từ dưới
nước nhô lên, bê bết máu me, mũi sứt một mẩu, toàn thân mọc đầy xúc tu to như
những sợi dây thường, đôi mắt to cồ cộ gườm gườm nhìn anh như muốn lao tới.

Vương Uy trông thấy thứ đó, biết rằng chính chủ đã đến, thầm vận lực lên
ngón tay. Đúng lúc ấy, trên nóc bệ chợt vang lên một tràng súng nổ, bộ mặt kia
lập tức bị bắn nát.

Nhị Rỗ từ dưới nước nhô lên, kêu to:

-Chỉ huy còn chờ gì nữa? Xé nát mặt nó ra nhanh lên…

Vương Uy nghe nói liền xông tới, thoạt tiên chặt đứt mấy xúc tu đang cố
chống đỡ, sau đó ngón tay cắm vào bên dưới da mặt, dùng sức xé mạnh, nháy mắt
đã xé toạc lớp da mặt đó xuống.

Quái vật không kịp đề phòng, da mặt bị lột, đau đớn đến nỗi giãy giụa loạn
lên, quăng quật mấy cái xúc tu vừa to và dài. Nhân lúc đó Nhị Rỗ lao tới, tay
cầm túi lưới, ào một cái trùm lên đầu quái vật kia. Đầu quái vật bị chụp vào
lưới, nhưng những cái xúc tu khắp cơ thể nó vẫn còn nhanh nhẹn như rắn, cuốn
tới trói Nhị Rỗ và Vương Uy lại.

Vương Uy đời nào chịu lép vế, vung ngay Đoạn Môn chỉ tổ truyền chặt đứt cái
xúc tu đang quấn quanh mình rồi nhào sang giúp Nhị Rỗ khỏi mấy cái vòi, vội lôi
theo cái túi lưới lặn luôn xuống nước. Thấy con quái vật kia bị Nhị Rỗ lôi
xuống, Vương Uy cũng lao theo.

Hai người vừa lặn xuống đáy nước, Vương Uy đã cảm thấy quái lạ, xoáy nước
này giống như gió lốc trên mặt đất vậy, người cách đó xa xa mà trụ không vững
sẽ bị xoáy nước cuốn vào.

Vương Uy nắm chặt lấy một cái xúc tu, gắng trụ vững thân thể, trong khi tấm
thân khổng lồ kia từ từ chìm xuống xoáy nước. Đột nhiên Vương Uy sực hiểu ra,
Nhị Rỗ đang định dùng thân thể khổng lồ của con quái vật kia nút chặt chỗ đáy
thuyền bị thủng.

Anh bèn giúp Nhị Rỗ một tay, đẩy thân hình khổng lồ của quái vật nút vào lỗ
thủng, bỗng nghe thấy rầm một tiếng, con quái kia đã bị kẹt vào đó. Thấy bên
dưới không còn động tĩnh gì nữa, Vương Uy bèn nổi lên.

Nhô lên khỏi mặt nước, anh thấy Nhị Rỗ đang vuốt máu trên đầu, trên mặt.
Dương Hoài Ngọc cũng từ trên nóc bệ tụt xuống.

Máu trong nước không còn đậm đặc như khi nãy nữa, vì một lượng lớn nước
sông ngầm tràn vào qua lỗ thủng dưới đáy thuyền đã làm loãng bớt máu. Nhị Rỗ
nói:

-Không thể ở đây lâu được, chúng ta phải nhanh chóng thoát ra thôi.

-Thoát ra theo lỗ thủng bên dưới kia à? Anh đã nút chặt nó lại rồi cơ mà? –
Vương Uy nói.

Nhị Rỗ lắc đầu:

-Lỗ thủng lớn như vậy làm sao nút kín được? Trương Tử Thông phải dốc hết
tâm sức mới thiết kế ra được chiến thuyền này, cơ quan này cũng là do ông ta
dốc hết tâm sức tạo ra, chúng ta chỉ có thể trơ mắt nhìn cơ quan từ từ phát
động chẳng có cơ hội xoay chuyển đâu.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều ngớ ra, không hiểu Nhị Rỗ nói gì. Nhị Rỗ
lại nói:

-Chiến thuyền cổ này là vũ khí mà Trương Tử Thông dốc hết tâm sức chế ra để
phá giải Bối long âm khư, không thể quay ngược lại được.

Dương Hoài Ngọc muốn tiến thêm một bước, hỏi han cặn kẽ ngọn ngành nhưng
Nhị Rỗ đã xua tay, giục hai người chui vào lỗ thủng nơi đáy thuyền. Lúc này con
thuyền đang chìm dần, một khi chìm xuống đáy sông ngầm thì mọi người cũng phải
chôn thây theo.

Dứt lời, Nhị Rỗ lại lặn xuống nước, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng bám
theo. Máu ở bên dưới không ngừng bị nước sông tràn vào hoà loãng, Dương Hoài
Ngọc bật đèn pin chịu nước nên có thể trông rõ những thứ dưới nước trong phạm
vị mấy mét.

Ba người tìm thấy lỗ thủng dưới đáy thuyền, lỗ thủng này nằm tại chỗ trũng
ở đáy thuyền, đang bị con quái vật khổng lồ na ná như con mực kia trám vào
chính giữa, nhưng cho dù con quái vật ấy có lớn hơn nữa, vẫn còn hở một khoảng
khá lớn.

Nhị Rỗ chui vào trước tiên, Vương Uy khoá đuôi, vừa chui vào, anh kinh hãi
phát hiện ra trong đó đầy xúc tu quái vật, giống như từng chùm dây leo, nếu
không cẩn thận sẽ bị quấn ngay lấy. Bên trong lỗ thủng này thật giống thông đạo
của một cái giếng, nước chảy xiết, nước sông lạnh buốt xương đang chảy ngược
vào đây, mọi người rất dễ bị nước đẩy bật ngược trở lại khoang thuyền.

Nhị Rỗ ra hiệu cho mọi người nắm tay nhau, một tay còn lại bám chặt vào
những gờ mấu trong giếng để trụ vững, rồi lần từng bước tiến xuống phía dưới.

Cách này rất cực vì chiến thuyền cổ rất nặng, áp lực từ cả một chiếc thuyền
lớn đè ép xuống một miệng giếng nhỏ hẹp, khiến người trong giếng phải chống lại
hết sức chật vật.

Ba người mất bao nhiêu sức lực mới bò ra khỏi miệng giếng sâu mấy mét. Bơi
ra khỏi đáy thuyền, họ trông thấy cả con thuyền đang chìm dầm, trong khi nước
sông xung quanh đã nhuộm đỏ màu máu. Máu trên thuyền loang ra khắp xung quanh,
đâu đâu cũng tanh nồng mùi máu đến buồn nôn.

Ba người nổi lên mặt nước, thấy chiếc thuyền gỗ họ lấy từ trong kho dưới
chân đê đang xoay tròn trên sông. Bọn họ lên thuyền, thấy mọi thứ vẫn y nguyên,
có điều không thấy lão Tôn đâu cả.

Vương Uy lấy làm thắc mắc, chẳng hiểu lão Tôn đâu mất rồi, con sông ngầm
này rộng mênh mông, chiến thuyền cổ cũng đã chìm, không còn con thuyền nào khác
cả, lão Tôn có thể đi đâu?

Từ nhỏ Dương Hoài Ngọc đã lớn lên bên cạnh lão Tôn, e rằng còn thân thiết
với lão hơn cả bố đẻ. Không thấy lão Tôn đâu cả, cô hoảng cả lên, ngờ rằng lão
đã lên chiến thuyền cổ kia, cô toan lặn xuống tìm, nhưng bị Nhị Rỗ kéo lại.

Nhị Rỗ hừm một tiếng, nói:

-Này tây rởm, cô tưởng lão Tôn là người tử tế à? Chẳng qua ông ta coi các
người là ma thế mạng, làm kẻ mở đường cho ông ta thôi.

Dương Hoài Ngọc đời nào chịu để yên cho Nhị Rỗ nói xấu lão Tôn, liền rút
súng gí vào đầu Nhị Rỗ, lạnh lùng nói:

-Bác điều gì sai trái cũng không đến lượt hạng người như anh bình phẩm.

Nhị Rỗ cũng lạnh lùng nhìn Dương Hoài Ngọc, nói:

-Lão Tôn làm gì tôi còn rõ hơn cô, cô tưởng lão giúp cô hoàn thành di
nguyện của ông Thomas bố cô đấy à? Lão chỉ vì bản thân mình thôi.

Dương Hoài Ngọc nghe mà mắt toé lửa giận, cô giữ chặt cò súng, sẵn sàng bắn
bất cứ lúc nào. Vương Uy biết rõ tính khí cô tây rởm này, cô ta xuất thân từ
cướp biển, giết người đốt nhà như cơm bữa, xưa nay chưa từng nói đến quy củ,
anh vội giật lấy khẩu súng trong tay cô ta.

Nhị Rỗ nhếch mép cười bảo Dương Hoài Ngọc:

-Trên con sông ngầm này không có ai khác, lão Tôn lại vô duyên vô cớ mất
tích, chẳng đáng ngờ sao?

Dương Hoài Ngọc tức giận:

-Dưới hang ngầm này quá nhiều nguy hiểm, bác ấy tuổi đã cao, tôi lo rằng
bác ấy đã xảy ra chuyện gì đó rồi. Bác ấy đối với tôi thế nào tự tôi biết rõ,
không mượn anh là người ngoài nói này nói nọ.

Chợt Vương Uy nhớ ra điều gì, vội nói:

-Lẽ nào lão Tôn đã khoá cánh cửa sắt dưới thuyền kia lại?

Nhị Rỗ gật đầu;

-Đúng vậy, lão già này tâm địa hiểm ác, đem thí mạng các người đấy, mẹ kiếp,
đúng là chẳng ra gì.

Vương Uy ngăn Dương Hoài Ngọc đang bừng bừng lửa giận lại, rồi quay sang
mắng Nhị Rỗ:

-Rốt cuộc là chuyện gì? Lý nào lão Tôn lại muốn hại chết chúng tôi?

Nhị Rỗ thở dài, nói:

-Nói tới nguyên nhân bên trong, phải kể từ Trấn Đông đại tướng quân Trương
Tử Thông, viên tướng hạng nhất dưới cờ của Vạn Lịch hoàng đế.

Năm xưa Trương Tử Thông dốc hết tâm tư vào việc phá thế đất dữ Bối long âm
khư, cuối cùng ông ta cùng tìm được cách phá giải, nhưng cách ấy phải tốn nhiều
thời gian mà ông ta không thể chờ đợi nổi. Trong tình huống bất đắc dĩ, Trương
Tử Thông đành chọn cách này, nhưng cái giá phải trả khi sử dụng là sinh mạng
của năm nghìn tướng sĩ.

Mục đích Trương Tử Thông đóng chiến thuyền cổ này không phải để tuần thám
sông ngầm, phá giải Bối long âm khư như ghi chép của ông ta. Thật ra, trước khi
đóng thuyền, ông ta đã hiểu rõ bí mật của Bối long âm khư rồi, mục đích ông ta
nói như vậy chỉ là để đánh lừa năm nghìn tướng sĩ mà thôi.

Chiến thuyền cổ này là một toà lâu thuyền, chia ra làm ba tầng thượng,
trung và hạ. Khoang thuyền ở tầng thương và tầng trung được thiết kế giống như
những lâu thuyền khác, đều được làm bằng gỗ sam loại thượng đẳng, chỉ duy nhất
có khoang dưới cùng là làm bằng sắt. Thật ra, cả khoang dưới cùng này đều được
đúc toàn bằng gang dày đến ba mươi phân, ngay cả cửa khoang cũng được đúc bằng
sắt thật dày, chỉ cần khoá ngoài thì bên trong không thể nào mở ra nổi. Kỳ
thực, tầng dưới cùng này chính là cỗ máy giết người mà Trương Tử Thông thiết
kế.

Nghe đến đây Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều ngớ ra. Theo Trương Tử Thông
thì trên thuyền có một thứ quái gở gì đó đã lặng lẽ giết hết năm nghìn tướng sĩ
của ông ta, lẽ nào năm nghìn tướng sĩ ấy lại là do Trương Tử Thông giết ư?

Nhị Rỗ nói:

– Đúng là trên thuyền có một thứ quái gỡ, người thường không thế thấy nó
được, nó cứ âm thầm giết người không để lại dấu vết. Nhưng thứ đó là do chính
Trương Tử Thông đưa lên thuyền, mục đích là để giết hết đám trợ thủ của ông ta.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nhất thời không sao chấp nhận nổi quan điểm của
Nhị Rỗ, vẫn nghe nói người sắp chết đều nói lời thật, Trương Tử Thông quả thực
đã chết sau khi ông ta hoàn thành những ghi chép kia, tại sao trước khi ông ta
còn viết ra những lời giả dối làm gì?

Nhị Rỗ giải thích:

-Trương Tử Thông vốn là người bất chấp thủ đoạn nhằm đạt được mục đích, để
có thể phá giải cách cục phong thuỷ thần bí Bối long âm khư, ông ta đã dốc hêt
tâm tư, cuối cùng chẳng nề chôn vùi cả sinh mạng của chính mình và năm nghìn
tướng sĩ. Nghe nói dưới đáy biển Đông có một loài thuỷ mẫu, còn gọi là huyết
mẫu, loài sinh vật ở biển sâu này chuyên hút máu, được mệnh danh là quỷ hút máu
đáy biển. Huyết mẫu thông thường chỉ lớn bằng bàn tay, nhưng nó hút máu của
những động vật khác để sống, chỉ cần được cung cấp đủ máu nó sẽ lớn dần, càng lớn
thì càng cần nhiều máu hơn. Trương Tử Thông ngẫu nhiên bắt được một con huyết
mẫu từ dưới đáy biển sâu hai nghìn mét, ông ta nhất thời hứng khởi, bèn nuôi nó
bên mình. Để phá giải Bối long âm khư dưới hang sâu, ông ta đã tìm đủ mọi cách
nhưng không có kết quả, bỗng trông thấy con huyết mẫu trong tráp ngọc, ông ta
lập tức nảy ra một kế. Đôi mắt rồng của Bối long âm khư vẫn luôn ẩn náu tại nơi
âm khí nặng nề nhất trong cả bố cục phong thuỷ, nơi này nằm giữa âm dương, tuy
Trương Tử Thông tinh thông bí thuật tìm địa nhãn phong thuỷ, nhưng muốn tìm
được đôi mắt rồng cũng khó khăn vô cùng. Có điều, dưới dòng sông ngầm này,
Trương Từ Thông lại phát hiện ra một loài cá, theo cách nói trong bí thuật
phong thuỷ địa nhãn gọi là cá địa âm, tức là loài cá ẩn náu tại nơi âm khí nặng
nề nhất. Loại cá này bơi lội trong nước rất nhanh, lại chỉ đi một mình, thoáng
cái đã biến mất dưới dòng sông ngầm. Nếu có ai bám theo đến được hang ổ của cá
địa âm thì có thể tìm thấy vị trí đôi mắt rồng của Bối long âm khư. Trương Tử
Thông nuôi huyết mẫu là để dùng máu thu hút hàng loạt cá địa âm. Ông ta giấu
huyết mẫu trong một khoang thuyền lớn được cách ly, bên ngoài khoang thuyền là
nơi nghỉ ngơi của tướng sĩ, một khi tướng sĩ ngủ say, Trương Tử Thông sẽ mở cơ
quan phong bế trên bức tường sắt, khe hở trên bức tường sắt vừa mở, nước trong
khoang thuyền bị cách ly kia sẽ tràn ra. Xúc tu của huyết mẫu có thể co duỗi
tuỳ ý, chúng sẽ bò theo dòng nước, hễ chạm vào sinh vật sống nào những cái vòi
kia sẽ quấn chặt lấy, giác hút ở đầu vòi bám chặt vào mạch máu, chỉ trong nháy
mắt là hút kiệt máu, biến con người trở thành cái xác khô. Dần dà năm nghìn
tướng sĩ cứ thế chết dần chết mòn, con huyết mẫu cũng mỗi ngày một lớn, cái vòi
của nó có thể tự động co duỗi trong phạm vi từ mấy chục trượng đến hơn trăm
trường. Trương Tử Thông chờ cho huyết mẫu lớn đến một mức độ nhất định rồi đào
một cái giếng ngay dưới phòng cách ly của khoang thuyền, nhét huyết mẫu xuống
đấy, xúc tu của huyết mẫu đã đủ dài, có thể hút máu những sinh vật dưới sông
ngầm. Đáng tiếc là Trương Tử Thông tính hết thiên cơ, cứ ngỡ rằng làm vậy có
thể giữ lại được một số tướng sĩ, nào ngờ huyết mẫu mỗi ngày một lớn, lượng máu
cần thiết mỗi ngày một nhiều mà con sông ngầm này dù sao cũng nằm dưới hang
động ngầm ở sâu dưới lòng đất, nước sông chính là tuyết từ trên dãy núi Đường
Cổ Lạp tan chảy xuống mà thành, sinh vật trong nước rất ít, không đủ đáp ứng
nhu cầu của con huyết mẫu khổng lồ kia. Cuối cùng năm nghìn tướng sĩ đều chết
sạch, ngay cả Trương Tử Thông cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn tướng sĩ chết dần
chết mòn, tự biết đã hết cách xoay trời chuyển đất, đến cuối cùng sinh ra suy
sụp tinh thần, mới viết những lời lung tung đó vào di chúc rồi cũng chết vì
huyết mẫu.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc tròn xoe mắt, há hốc miệng nghe Nhị Rỗ kể, nói
vậy thì những cánh tay giống tay người tấn công họ trong căn phòng sắt đều là
do xúc tu của huyết mẫu khống chế. Nghĩ đến quái vật đó năm trăm năm nay đã
đoạt vô số sinh mạng, hút bao nhiêu máu, Vương Uy bỗng sởn cả gai ốc.

Nói đến đây Nhị Rỗ chợt mím môi, chỉ vào bóng tối, nói:

-Xin chỉ huy hãy cẩn thận, đôi mắt rồng của Bối long âm khư sắp xuất hiện
rồi. Chỉ người nào có mắt âm dương mới có thể nhìn thấy nó mà thôi, chỉ huy chú
ý, thời cơ phá Bối long âm khư đã đến rồi.

Câu nói của Nhị Rỗ khiến Vương Uy bừng tỉnh, trong ba người chỉ anh mới có
thể trông thấy đôi mắt rồng của Bối long âm khư. Huyết mẫu đã chết, máu mà nó
hút sẽ tràn khắp sông, nhiều máu như thế sẽ thu hút cá địa âm từng đàn kéo đến
kiếm ăn. Đuổi theo một con cá địa âm rất khó, nhưng theo một đàn thì dễ hơn
nhiều.

Đang suy nghĩ, chợt trước mắt Vương Uy sáng bừng lên, chỉ thấy trong bóng
tối có hai quả cầu sáng lập loè đang từ từ bay tới, toả ra ánh sáng xanh lét,
hệt như đôi mắt rồng của Bối long âm khư mà anh thấy khi trước. Vương Uy thầm
ngạc nhiên, trước đây đôi mắt rồng mà anh thấy chỉ là một đám lờ mờ, thậm chí
không thể phân biệt nổi thật giả nhưng đôi mắt này lại to như hai khối cầu lửa.
Thấy Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc vẫn ngẩn ra chăm chú nhìn mặt sông, Vương Uy nói
khẽ:

-Chuẩn bị chèo thuyền đi, mắt rồng xuất hiện rồi.

Nghe Vương Uy nói vậy, Nhị Rỗ vội quay vào khoang thuyền, cầm mái chèo
chuẩn bị nghe theo sự chỉ huy của Vương Uy. Vương Uy cầm đèn pin của Dương Hoài
Ngọc đưa, chiếu vào vị trí đôi mắt rồng xuất hiện, suýt nữa thì phát hoảng lên.
Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc tuy không trông thấy mắt rồng, nhưng dưới ánh đèn pin
loang loáng, cả hai vẫn thấy rõ mặt nước, chỉ thấy dưới nước là vô số những con
cá to đang đàn đàn lũ lũ bơi đến. Thân cá chìm trong nước nhưng sống lưng vừa
cao vừa dài nổi gồ lên mặt nước, khiến mặt sông gợn lên đầy bọt sóng, cảnh
tượng thật tráng lệ.

Đàn cá địa âm xúm xít quanh nơi chiến thuyền cổ bị chìm, cả mặt sông đều
nhuộm đỏ màu máu, bọn chúng vừa thấy máu liền nhao nhao trồi lên mặt nước. Ngồi
trên thuyền gỗ, ba người được dịp quan sát kỹ, quả nhiên những con cá địa âm
lớn lên trong dòng sông ngầm sâu dưới đất mấy trăm mét này, con nào con nấy
trông đều hung dữ, há miệng điên cuồng hớp máu, thấy mà sởn cả da gà.

Máu từ chiến thuyền cổ chảy ra ồ ạt, cá địa âm uống máu hàng mấy canh giờ
mới kéo đàn bỏ đi. Vương Uy thấy kinh hãi, thầm phục Trương Tử Thông thông
mình, ông ta biết cá địa âm khát máu, một khi hớp no máu, chúng sẽ bơi chậm
lại, bám theo truy tìm đến nơi có Bối long âm khư cũng dễ hơn. Nhưng dù thông
minh đến đâu chăng nữa, Trương Tử Thông cũng có lúc tính toán sai, cuối cùng
chẳng những không có cơ hội phá giải bí mật về Bối long âm khư mà ngược lại,
còn mất hết những gì mình có.

Cá địa âm rẽ nước từ từ bơi trên dòng sông ngầm, Vương Uy chỉ việc soi đèn
pin bám theo đàn cá, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chèo thuyền đi theo ánh đèn pin.

Chiếc thuyền gỗ không nhanh không chậm lướt trên mặt nước, tâm trạng Vương
Uy cũng dần bình ổn lại, điều anh thắc mắc nhất là Nhị Rỗ làm cách nào mà xuống
được cái hang ngầm này, hơn nữa còn biết rõ sự việc đến vậy. Vương Uy càng nghĩ
càng nghi ngờ, anh chợt cảm thấy mình kỳ thực không hiều gì về Nhị Rỗ cả, Nhị
Rỗ trước mặt đây và Nhị Rỗ hơn chục năm nay vẫn theo anh hoàn toàn là hai con
người khác nhau.

Anh nghĩ ngợi một lúc rồi gắng trấn tĩnh hỏi Nhị Rỗ:

-Anh vào khoang thuyền cách ly ấy bằng cách nào?

Nhị Rỗ đang mải miết chèo thuyền, nghe thấy Vương Uy hỏi, gã bỗng ngớ ra,
vừa ngước lên liền bắt gặp cặp mắt nghi ngờ của Vương Uy.

Vương Uy lạnh lùng nói:

-Có phải anh vẫn bám theo sau đội thám hiểm không? Hôm ấy Ngọng bảo anh ta
trông thấy anh, tôi vẫn không tin, bây giờ nghĩ lại kẻ đó chắc chắn là anh.

Nhị Rỗ tắt hẳn nụ cười, đáp:

-Thưa chỉ huy, tôi không cần phải giấu giếm làm gì. Hôm ấy chỉ huy bị đội
thám hiểm của lão Tôn bắt, tôi nấp trong rừng rậm thấy tất cả, lẽ ra lúc ấy
phải ra tay cứu chỉ huy và hai thằng kia, nhưng tôi thấy lão Tôn nên bỏ hẳn ý
nghĩ đó, bèn đổi sang cách âm thầm đi theo mọi người.

Vương Uy thắc mắc:

-Lão Tôn ấy à?

Nhị Rỗ ngẩng lên nhìn Vương Uy và Dương Hoài Ngọc, nói:

-Từ khi gặp lại hai người trong khoang thuyền cách ly, tôi vẫn luôn nghi
ngờ lão Tôn, mà hai người cũng có muôn vàn thắc mắc, tiện đây tôi xin kể lại
mọi ân oán giữa tôi và lão Tôn vậy.

Im lặng một lúc, Nhị Rỗ chậm rãi kể:

-Tôi với lão Tôn đều là truyền nhân của bí thuật địa nhãn phong thuỷ. Luận
vai ế, ông ấy còn là sư huynh của cha tôi nữa kìa. Nhưng bí thuật truyền kỳ này
của Trung Hoa rất khó hiểu, thuyết phong thuỷ vốn cũng rất mơ hồ, muốn tham
thấu đến tận cùng đạo lý hình thành nên núi cao sông dài, nếu không có ngộ tính
cực cao thì chẳng cách nào làm nổi. Ông nội tôi là bậc cao nhân trong dân gian
nhưng đến đời cha tôi lại chẳng hề có chí tiến thủ, chút kiến thức bề ngoài
cũng không học được. Về sau trong một lần hành tẩu giang hồ, ông tôi đụng phải
một toán thổ phỉ, bị chúng bắt, may sao đúng lúc đó có một bọn thổ phỉ khác đến
cướp trại, đánh tan bọn thổ phỉ kia. Lão Tôn là đầu lĩnh của bọn thổ phỉ đã cứu
ông tôi, thấy ông tôi ăn mặc rách rưới, kiếm chác được gì, liền thả ông ra. Cả
đời ông tôi hễ mang ơn là phải đền đáp, trò chuyện với lão Tôn một hồi, ông tôi
cảm thấy lão tuy xuất thân thảo mãng, nhưng có khiếu về mặt phong thuỷ, có thể
rèn giũa được, vậy là để đền đáp công ơn cứu mạng ông tôi liền truyền cho lão
một cổ thuật truyền kỳ. Bí thuật phong thuỷ địa nhãn của tổ tiên chúng tôi xưa
nay chỉ truyền cho con trai, không truyền cho con gái, truyền cho người trong
họ, không truyền cho người ngoài, đến đời ông tôi, thấy cha tôi không có khiếu
học về phong thuỷ, nghĩ lại bản thân đến từng tuổi này, biết đâu một ngày nhắm
mắt xuôi tay, chẳng phải bí thuật tổ truyền cũng sẽ bị mai một ư? Vừa gặp được
lão Tôn, ông nội tôi lập tức sinh lòng mến tài, hơn nữa lão ta còn là ân nhân
cứu mạng, nên ông đã dốc lòng truyền dạy mọi bí thuật phong thuỷ địa nhãn gia
truyền của dòng họ Triệu cho lão.

– Lão Tôn rất có khiếu, theo học ba năm đã có chút thành tựu, ông tôi vui
lắm. Không ngờ, ba năm sau, một đêm lão Tôn lại giở ngón đào tường khoét vách
của bọn giặc cướp, lẻn vào tầng hầm nơi để sách của ông tôi, đánh cắp một cuốn
sách gia truyền của nhà họ Triều rồi từ đấy bỏ đi biệt tích. Hơn ai hết, ông
tôi biết đó là cuốn sách vô cùng quan trọng, ngay cha tôi cũng chưa bao giờ
được nghe ông nhắc đến, chỉ là trong lúc ngẫu nhiên truyền dạy mới sơ sểnh để
lộ ra, lão Tôn nghe thấy liền nảy lòng tham. Cuốn sách bị lão Tôn đánh cắp
khiến ông tôi tức giận đổ bệnh liệt giường. Hồi đó tôi còn nhỏ, ông tôi nằm
trên giường bệnh hơn một năm trời, đoán rằng mệnh mình không còn bao lâu nữa,
lại chẳng trông mong gì được ở cha tôi, bèn nói với tôi về cuốn sách đó và tất
cả bí thuật phong thuỷ địa nhãn của tổ tiên dòng họ Triệu, để tôi có thể nhớ
được bao nhiều thì nhớ.

Vương Uy nói:

-Phải chăng trong cuốn sách đó có ghi chép những điều liên quan đến hang
ngầm này?

Nhị Rỗ gật đầu:

-Đúng vậy. Chắc mọi người không ngờ, năm trăm năm trước, nhà họ Triệu chúng
tôi cũng có quan hệ với đại tướng quân Trương Tử Thông.

Vương Uy giật mình, hèn chi Nhị Rỗ biết rõ về Trương Tử Thông và chiến
thuyền cổ như vậy. Tiếp theo, anh càng lo ngại hơn, nếu lão Tôn xuống hang ngầm
này với mục đích khác, vậy thì Nhị Rỗ cùng với anh xông pha khắp miền Xuyên
Trung phải chăng cũng có mục đích riêng?

Vừa nghĩ vậy, lòng Vương Uy chợt thoáng chút sợ hãi. Nhị Rỗ theo anh vào
sinh ra tử mười mấy năm trời, cùng thoát chết trong gang tấc không biết bao
nhiều lần. Phải nói rằng, đời này Vương Uy không Nhị Rỗ thì không còn biết tin
ai nữa. Nhưng cứ nghĩ đến việc Nhị Rỗ ôm mục đích khác, tiềm phục bên anh mười
mấy năm trời, bất giác Vương Uy không lạnh mà run, hơn nữa, dọc đường gã luôn
có hành tung kỳ dị, xuất quỷ nhập thần, bảo Vương Uy không nghi ngờ sao được.
Nhị Rỗ nói:

-Hơn năm trăm năm trước tổ tiên nhà họ Triệu chúng tôi cũng có một vị tướng
quân, tên gọi Triệu Chiêu, là phó tướng của đại tướng quân Trương Tử Thông.
Trương Tử Thông và Triệu Chiêu quen biết nhau từ thời trẻ, về sau lần lượt tòng
quân, Trương Tử Thông thuận buồm xuôi gió cứ thế thăng tiến, Triệu Chiêu tới
đầu quân cho Trương Tử Thông, sau mấy trận đánh, thấy Triệu Chiêu mưu trí anh dũng,
Trương Tử Thông rất coi trọng. Trương Tử Thông dẫn quân Nam chinh Bắc chiến mà
người duy nhất có tiếng nói trong hàng ngũ lính tráng là Triệu Chiêu, có đi có
lại, Trương Tử Thông bèn truyền thuật phong thuỷ địa nhãn cho ông ta. Triệu
Chiêu thông minh hơn người, chỉ mấy năm đã không thua kém gì Trương Tử Thông.
Khi Trương Tử Thông được Vạn Lịch hoàng đế cử đến Tứ Xuyên, Tây Tạng, Triệu
Chiêu đang dẫn quân chinh chiến bên ngoài nên mới thoát. Trương Tử Thông đắp đê
bên con sông ngầm, đóng chiến thuyền mất hơn chục năm, thời gian đó có viết cho
Triệu Chiêu một lá thư kể rõ mọi kế hoạch, hỏi ý Triệu Chiêu xem làm vậy có
được không, nếu được thì nhờ Triệu Chiêu tâu lại với hoàng đế, xin điều thêm
một vạn binh mã đến. Đáng tiếc, bấy giờ Vạn Lịch hoàng đế già yếu lắm rồi, chỉ
miệt mài lo hưởng lạc, từ lâu đã quên khuấy đại tướng quân Trương Tử Thông và
vị lạt ma già mười năm trước.

Nhị Rỗ mê mải kể, nhưng Dương Hoài Ngọc nghe mà lòng đầy đau đớn. Từ trước
đến nay Dương Hoài Ngọc vẫn xem lão Tôn như cha đẻ, nhưng cô không phải
là kẻ ngốc, trái lại bao nhiêu năm làm cướp biển đã rèn luyện cho cô một trí tuệ hơn người, cô chỉ biết vẻ bề ngoài của lão Tôn, còn lòng dạ lão thâm hiểm ra sao chỉ có lão mới biết. Có điều so sánh hơn chục năm sống cùng lão, với câu chuyện vừa rồi của Nhị Rỗ, cô cũng nhận thấy Nhị Rỗ
nói đúng, rất có thể cô đã bị lão Tôn lợi dụng. Nhưng nói gì thì nói,
lão Tôn cũng đã nuôi cô khôn lớn, cho dù Nhị Rỗ vạch ra đủ mọi vấn đề về lão, cô vẫn lo cho sự an toàn của lão.

Ba người, mỗi người một tâm tư, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đờ đẫn khua chèo, bỗng thấy Vương Uy kêu to:

-Nhìn kìa, bầy cá đang lặn xuống.

Câu nói của Vương Uy đối với Nhị Rỗ không khác gì một quả lựu đạn,
đang đứng trên sàn thuyền, gã lập tức nhảy dựng lên, chạy đến bên Vương
Uy. Vương Uy chiếu đèn pin lên mặt nước, chỉ thấy cá địa âm từng đàn lặn xuống sâu làm mặt nước cuộn sóng, những con cá địa âm ở phía sau cũng
theo đó mà lộ ra trên mặt nước.

Nhị Rỗ nói:

-Đúng rồi, nơi này đúng là đôi mắt rồng củ Bối long âm khư, chúng ta phải tranh thủ nhảy xuống theo trước khi chúng lặn đi hết.

Nói xong, gã lấy ra từ ba lô đeo sau lưng một bọc nhỏ thuốc nổ dưới nước, chắc hẳn đã có chuẩn bị từ trước.

Nhị Rỗ cầm bọc thuốc nổ định nhảy xuống nước, nhưng bị Vương Uy từ phía sau lôi lại:

-Cá địa âm là loài cá ăn thịt người, anh xuống như vậy nguy hiểm lắm.

Nhị Rỗ cười hì hì với Vương Uy:

-Không còn thời gian nữa đâu, Trương Tử Thông mất năm trăm năm mới
tạo nên cơ hội này, nếu không nắm lấy nó thì cả đời chúng ta đừng hòng
phá nổi Bối long âm khư. Lũ cá địa âm này đã no máu, khả năng tấn công
người là rất thấp, tôi phải xuống ngay bây giờ.

Không chờ Vương Uy nói thêm, Nhị Rỗ liền ôm bọc thuốc nổ nhảy xuống
nước, mặt nước sủi lên mấy chiếc bong bóng rồi cũng lặng dần.

Nước sông ngầm chảy đến đây trở nên xiết hơn, Dương Hoài Ngọc phải gắng sức chèo chống mới giữ vững được con thuyền.

Vương Uy cũng hợp sức với Dương Hoài Ngọc chống thuyền, cố giữ cho
con thuyền xoay tròn tại chỗ. Gần đây Vương Uy đều cảm thấy mỗi ngày dài như một năm, anh cứ chăm chăm dán mắt vào mặt nước, không hề chớp mắt.
Chẳng biết đã bao lâu, bỗng từ dưới nước nhô lên một người toàn thân đầy máu, chính là Nhị Rỗ.

Vương Uy vội buông mái chèo, vung Đoạn Môn chỉ ra đánh bay hai con cá địa âm đang cắn trên cánh tay Nhị Rỗ. Nhị Rỗ leo lên thuyền, thở hồng
hộc. Vương Uy biết gã bơi quá nhanh nên khi hít thở bị đau mạng sườn,
chưa thể nói gì ngay được, liền vỗ vỗ lên vai Nhị Rỗ giúp gã điều hoà
lại hơi thở.

Nhị Rỗ lại ra dấu đòi mình chèo thuyền ngay lập tức khiến Vương Uy
sực hiểu ra gã đã đốt thuốc nổ dưới nước. Anh vội vơ lấy mái chèo, Dương Hoài Ngọc trông tình hình cũng hiểu ra sự việc, hai người chèo lấy chèo để, làm bọt nước bắn tung toé, con thuyền băng băng lướt theo dòng.

Nhưng đã muộn, dưới nước bỗng vang lên một tiếng nổ lớn, sóng nước
cuộn lên, ập vào thuyền, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc chèo như điên, mặt
sông nổi sóng to, tiếng nổ dưới nước mỗi lúc một lớn, tựa như cả ngọn
núi bị nổ tung vậy. Đồng thời, tiếng vọng từ bốn phía hang ngầm ong ong
vẳng lại cơ hồ thủng màng nhĩ, đá trên trần hang rào rào rơi xuống, mực
nước cũng hạ thấp hẳn.

Vương Uy kêu to hỏng rồi, cả khối núi bị Nhị Rỗ đánh sập, lần này coi như xong, anh giận dữ trừng mắt nhìn Nhị Rỗ. Nhị Rỗ cũng lộ vẻ kinh
hoàng, rõ ràng gã cũng không ngờ bọc thuốc nổ kia lại có sức công phá
mạnh đến thế.

Họ đành trơ mắt nhìn mực nước thình lình tụt xuống, con thuyền gỗ
cũng tụt xuống theo, bốn bề xung quanh núi đá lở rào rào, chỗ nào cũng
nghe tiếng uỳnh oàng như sấm. Họ cảm nhận rõ rằng con thuyền đang rơi
xuống, thân người chợt hẫng đi như đang trên mây vậy, không cách gì phản kháng, cũng không có thứ gì để mượn lực.

Ba người nắm chặt lấy mạn thuyền, giờ đây cái duy nhất họ có thể bám
víu chỉ là chiếc thuyền này mà thôi, sàn thuyền đã bị đá từ trần hang
rơi xuống làm thủng mấy chỗ những lúc này giữ mạng là quan trọng nhất,
chẳng lo được chuyện gì khác nữa.

Vương Uy hét lên bảo Nhị Rỗ:

-Chúng ta rơi xuống đâu thế này?

Nhị Rỗ cũng rất hoang mang, đáp:

-Tôi không biết nữa…

Con thuyền gỗ không còn mặt nước nâng đỡ, cứ điên cuồng chao đảo giữa không trung. Vương Uy không sao đứng lên nổi, bằng không anh thật muốn
đá cho Nhị Rỗ một cái.

Dương Hoài Ngọc dù sao cũng là phụ nữ, dù trên mặt đất có hung hãn
đến đâu chăng nữa, rơi vào cảnh này cũng sợ đến tái mét mặt, đờ đẫn cả
ra. Mọi người đều biết, nếu phía dưới không phải là vực nước, thì rơi từ độ cao này xuống, bọn họ khó tránh khỏi cái chết.

Hai tay Nhị Rỗ bám lấy mạn thuyển, mặt đỏ gay vì sợ hãi, nhắm mắt kêu toáng lên:

-Cứu con với… Lạy Quán Thế âm Bồ tát Đại từ Đại bi…

Vương Uy giận đến suýt nữa bật cười, tai hoạ này là do Nhị Rỗ gây
nên, vậy mà gã lại kinh hoàng hơn ai hết. Bỗng một cái bóng khổng lồ
lướt ngang qua con thuyền gỗ, Vương Uy giật mình, hét bảo Nhị Rỗ và
Dương Hoài Ngọc:

-Vừa rồi hai người có thấy gì không?

Nhị Rỗ nhắm mắt, giọng run run:

-Không… không… tôi nhắm mắt, không thấy gì…

Dương Hoài Ngọc bình tĩnh đáp:

-Tôi có thấy, hình như là một bức tượng Phật, một bức tượng Phật rất lớn.

Nghe Dương Hoài Ngọc nói như vậy, Vương Uy liền hỏi:

-Cô khẳng định đấy là một bức tượng Phật chứ?

Dương Hoài Ngọc gật đầu:

-Chắc chắn là một bức tượng Phật, tôi trông rõ mặt pho tượng đó mà.

Vương Uy đang lấy làm lạ thì con thuyền bỗng đụng phải vật gì đó,
dừng khựng lại, tiếp đó chỉ nghe rầm rầm mấy tiếng, mấy thanh gỗ đâm
xuyên qua sàn thuyền, chiếc thuyền lật úp, lộn vòng rơi xuống. Thuyền
vừa lật, người trên thuyền cũng ngã nhào xuống.

Vương Uy cuống quýt vung chân huơ tay quờ quạng loạn lên, nắm được
một cành cây, nào ngờ anh rơi quá nhanh, vừa tóm được vào cành cây, đã
vít cả cành cây to bằng cánh tay gãy rời. Vương Uy sợ quá, phải vội vàng ôm lấy thân cây mới khỏi rơi xuống đất.

Rất may, trong lúc hoảng loạn anh vẫn giữ được cái đèn pin, Vương Uy
bật đèn chiếu quanh một vòng, thì ra họ đang ở trên một cái cây to.
Chiếc thuyền gỗ bị ba cành cây to bằng cánh tay đâm thủng, vỡ thành ba
mảnh treo lơ lửng trên cành cây. Không biết đây là cây gì, chỉ thấy lá
cây rất to, giống như chiếc quạt hương bồ người miền Nam vẫn phe phẩy
trong mùa hè vậy.

Chẳng thấy Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc có động tĩnh gì, Vương Uy liền
chõ xuống dưới gọi. Nhị Rỗ từ trên một cành cây ngay trên đầu Vương Uy
tụt xuống, gọi:

-Chỉ huy, không việc gì chứ?

Vương Uy xua tay:

-Không thấy cô tây rởm kia đâu, chúng ta tìm xem.

Vương Uy vừa nói xong thì nghe Dương Hoài Ngọc từ dưới gốc cây gọi to:

-Tôi ở đây, hai anh thế nào rồi?

Vương Uy và Nhị Rỗ vội tụt xuống, nào ngờ cái cây này tuy không lớn,
chỉ chừng hai người ôm, nhưng rất cao, hai người tụt xuống đến chỗ thân
cây không có lá, vẫn còn cách mặt đất chừng mười mấy trượng, thấy Dương
Hoài Ngọc đang đứng dưới gốc cây nhìn lên.

Thấy hai người từ trên cây tụt xuống, Dương Hoài Ngọc nói:

-Hình như đây là một khu rừng ngầm dưới lòng đất, các anh xem, phía bên trên rừng cây tối om, không có chút ánh sáng nào cả.

Nhị Rỗ cười:

-Chúng ta từ trong hang tụt xuống, chắc chắn phía trên không là vòm
không được, lẽ nào chút kiến thức thông thường đó cô Ngọc cũng không
biết?

Dương Hoài Ngọc tức giận:

-Đều tại anh cả…

Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:

-Tại anh làm nổ tung Bối long âm khư rồi đấy, anh bảo bây giờ tính sao đây?

Nhị Rỗ lắc đầu:

-Tôi chỉ biết ông tôi bảo phải làm theo cách của Trương Tử Thông để
phá Bối long âm khư mà thôi, sau khi cho nổ tung Bối long âm khư rồi thì sao, chẳng ai bảo tôi cả.

Dương Hoài Ngọc nghe nói liền nổi giận, nếu Vương Uy không can, hẳn cô đã lia cho Nhị Rỗ một loạt đạn rồi.

Cả ba người đều hiểu, đây mới thực sự là thế giới chưa một ai biết
tới, nơi này ít nhất cũng cách mặt đất đến mấy nghìn mét, đầy rẫy nguy
hiểm.

Theo Nhị Rỗ, hồi xưa ông nội gã chưa đọc hết toàn bộ cuốn sách, có
một phần nội dung ở cuối sách bị rách nát, không thể khôi phục nổi. Lão
Tôn trộm cuốn sách đó đi, dựa vào bản lĩnh tung hoành khắp Đông Nam Á
cũa lão ta, rất có thể đã xem hoàn chỉnh nội dung trong đó rồi. Năm xưa
Nhị Rỗ cũng không nghĩ phải đi tìm di cốt Trương Tử Thông, ông nội gã
chỉ dặn phải tìm lại cuốn sách bị lão Tôn đánh cắp để tạ tội với liệt tổ liệt tông mà thôi, ngoài ra không dặn thêm gì. Chẳng qua Nhị Rỗ ngẫu
nhiên gặp lão Tôn trong rừng sâu giáp giới giữa Tứ Xuyên và Tây Tạng mới nổi hứng theo dõi lão, lặn lội lần đến tận đây.

Nhưng điều khiến mọi người thắc mắc chính là, lão Tôn biết cách phá
Bối long âm khư, vậy tại sao sau khi huyết mẫu chết, máu chảy loang ra
sông ngầm, ông ta không nhân cơ hội ấy mà cho nổ tung đôi mắt rồng của
Bối long âm khư? Hoặc nói cách khác, ông ta mất tích vô duyên vô cớ như
vậy, liệu có phải cũng rơi xuống khu rừng dưới lòng đất này, hay đã tới
một nơi nào khác?

Điều này vẫn chưa có lời giải đáp, hiện giờ không có tung tích gì của lão Tôn, lão này đúng là bí ẩn. Có điều lúc này ba người bọn họ đang
rơi vào đường cùng, không có tâm trí nào lo chuyện khác nữa, trước hết
phải nghĩ cách thoát khỏi tình cảnh hiện tại cái đã.

Họ chỉnh đốn hành trang, ngồi dưới gốc cây nghỉ một lúc, rồi tiến sâu vào khu rừng nguyên thuỷ. Cánh rừng này tồn tại dưới lòng đất nghìn vạn năm nay, không có dấu vết con người, trong rừng cây cối um tùm, cỏ dại
rậm rạp, không có đường đi. Ba người phải dùng súng để rẽ lối tìm đường, nhiều lúc vừa vạch cỏ cây ra đã thấy trước mặt lù lù xuất hiện một cái
xác động vật to tướng, khiến người ta lợm cả giọng, khó chịu vô cùng.

Cứ thế, họ đi được mấy cây số, Nhị Rỗ dẫn đầu, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc theo sau, để tiết kiệm pin, bọn họ phải dùng cành khô làm đuốc.
Đột nhiên, Nhị Rỗ đang chui vào giữa một đám lá rậm rì, bỗng ré lên kinh hãi, làm cho Vương Uy và Dương Hoài Ngọc giật nảy mình.

Hai người vội vã chui vào xem, mặc cho những con sâu trên tán lá bám
vào cổ mình. Vừa vào đến nơi, họ cũng kinh hoàng hét lên, hệt như Nhị
Rỗ.

Chỉ thấy một ngôi nhà gỗ chình ình ngay trước mặt bọn họ, ngồi nhà
này xem ra bỏ không đã lâu, dây leo đã bọc kín ngôi nhà. Nếu nóc nhà
không lộ ra thì cũng khó phát hiện ra ngôi nhà giữa đám cây cối um tùm.

Cả ba người đều hết sức hiếu kỳ, bèn thận trọng đi vòng qua đám dây
nhợ gai góc, đến trước ngôi nhà. Họ phát hiện ra những căn nhà như thế
không chỉ có một, mà trái phải trước sau đều có, lẽ nào đây là nơi quần
cư của cả một bộ lạc?

Người nào lại sống dưới lòng đất sâu không thấy ánh mặt trời này? Thật khiến người ta không sao hiểu nổi.

Vương Uy đứng trước một ngôi nhà, đang định đẩy cửa, chợt Nhị Rỗ kéo anh lại, thì thào nói:

-Chỉ huy có thấy quen không?

Hành động và lời nói của Nhị Rỗ làm cho Dương Hoài Ngọc sinh nghi,
đôi mắt sáng hết chằm chằm nhìn Nhị Rỗ rồi lại nhìn sang Vương Uy. Lúc
này cô chỉ có một mình, không còn lão Tôn, chẳng có người tâm phúc nên
thấy hai người kia lộ vẻ lạ lùng, cô cũng phải cẩn thận đề phòng.

Vương Uy thận trọng quan sát kỹ bố cục những ngôi nhà, lòng chợt rúng động, đổi hẳn sắc mặt. Anh quay sang hỏi Nhị Rỗ:

-Những ngôi nhà gỗ này chúng ta đã từng gặp qua rồi, đúng không?

Nhị Rỗ căng thẳng gật đầu, cả hai đồng thời nhớ tới lần ở trong cánh
rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Tây Tạng. Bố cục của ngôi nhà
bên dưới bệ đá đó rất giống những ngôi nhà ở đây, vừa nghĩ tới điểm đó,
cả hai bỗng thấy lưng đẫm mồ hôi lạnh, quả là quái gở vô cùng.

Vương Uy thấy Dương Hoài Ngọc đầy vẻ nghi ngờ anh và Nhị Rỗ, có điều
anh không hề có ý thù địch gì với cô, hơn nữa dọc đường trải qua bao
nhiêu nguy hiểm, anh nhận thấy cô tuy tính tình nóng nảy nhưng không
phải loại người tâm địa xấu xa, vả lại anh cũng không coi cô là người
ngoài, bèn kể với cô những chuyện mình từng gặp trong cánh rừng giáp
giới Tứ Xuyên và Tây Tạng.

Dương Hoài Ngọc không sao tin nổi trên đời lại có những chuyện như thế, cô nhấn mạnh:

-Hai anh chắc chắn không nhìn nhầm đấy chứ? Hai nơi cách nhau cả ngàn dặm, sao lại có những ngôi nhà giống hệt nhau được?

Vương Uy nghiêm trang nói:

-Nếu chỉ một mình tôi nói thế thì cô có thể nghi ngờ, nhưng cả cậu
Nhị đây lúc ấy cũng cùng đi với tôi, chúng tôi thấy cách bố trí của
những ngôi nhà gỗ ấy giống hệt những ngôi nhà này thật mà.

Dương Hoài Ngọc nghe mà nổi da gà, chuyện này quả thực vô cùng quái
gở, thậm chí không có lý do nào giải thích nổi. Chẳng nhẽ người của một
bộ lạc nào đó trú ngụ trong cánh rừng giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Tây Tạng lại xuống ở dưới lòng đất sâu này hay sao?

Vương Uy càng cẩn thận hơn, một tay cầm đuốc, tay kia lăm lăm cây
súng, đầy cửa nhà ra, chỉ nghe một tiếng “kẹt”, tim anh cũng nảy thót
lên. Bóng tối trong nhà bị xé toang, Vương Uy vừa đẩy cửa ra chợt thấy
một đôi mắt đang nhìn mình chằm chằm không chớp, anh giật nảy mình, lập
tức bóp cò súng.

Theo kinh nghiệm hơn chục năm cầm súng của Vương Uy, với khoảng cách
gần như thế này ắt phải trăm phát trăm trúng, nhưng lần này viên đạn anh bắn lại chệch đi rất xa.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cảm thấy bên trong hình như có chuyện, bèn
xông vào theo. Dương Hoài Ngọc vừa soi đèn pin, thình lình trông thấy
một bức tượng người chim cao bằng người thật sừng sững giữa nhà. Đôi mắt bức tượng dưới ánh đèn pin lung linh sinh động, sáng như mắt người
sống.

Nhị Rỗ không nhịn được, buột miệng chửi thể:

-Mẹ kiếp, quả nhiên hai nơi có liên hệ với nhau, ngay cả pho tượng người chim cũng giống hệt.

Vương Uy lau mồ hôi trán, nói:

-Anh thấy bức tượng người chim trên chiến thuyền cổ không?

-Thấy… đương nhiên là thấy… sao cơ? – Nhị Rỗ hỏi.

-Anh có biết tại sao Trương Tử Thông đặt bức tượng người chim ấy trên thuyền khồn? – Vương Uy hỏi.

Nhị Rỗ không cần suy nghĩ, nói ngay:

-Nghe nói để trấn yểm tà ma dưới lòng đất, tránh cho con thuyền trên dòng sông ngầm không bị tà ma quấy rối.

Vương Uy chợt trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, như muốn nuốt chửng anh ta vào bụng. Nhị Rỗ giật mình hỏi lại:

-Chỉ huy, làm sao thế? Tôi không nói sai đấy chứ?

Vương Uy nhấn mạnh từng lời:

-Năm xưa Trương Tử Thông đã đến đây, hai người có nhận ra không?

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cùng giật nảy mình, năm xưa Trương Tử Thông nghĩ đủ mọi cách mà không phá nổi đôi mắt rồng của Bối long âm khư, sao lại xuống được cánh rừng dưới lòng đất này?

Họ đang định hỏi cho rõ thì đã nghe Vương Uy nói:

-Chúng ta chia nhau đi xem xét từng ngôi nhà một, xem có phải trong những nhà kia đều có tượng người chim không?

Nói xong, anh dẫn đầu đi ra, lần lượt đẩy cửa từng ngôi nhà, xông vào xem xét. Trên bãi đất trống trong khu rừng này chỉ có gần chục nóc nhà
như vậy, cuối cùng họ lại tụ lại trong gian nhà cuối cùng.

Quả nhiên không ngoài dự đoán của Vương Uy, trong nhà nào cũng có một bức tượng chim, kích thước lớn bé như nhau, thần thái giống nhau như
đúc, hơn nữa ngoài pho tượng ra, trong nhà không còn thứ gì khác.

Vương Uy đứng trong gian nhà gỗ cuối cùng, vẻ mặt căng thẳng, nói:

-Hai người có thấy gì không, ánh mắt của pho tượng người chim trên
chiến thuyền cổ và ánh mắt của những tượng người chim này rất giống
nhau. Nhìn vào mắt chúng, người ta đều có cảm giác sợ hãi, cảm thấy sau
lưng có gì đó đang chằm chặp nhìn mình. Nhưng bức tượng người chim chúng ta phát hiện được trong khu rừng giáp ranh hai tỉnh Tứ Xuyên và tây
Tạng lại khác hẳn, tôi đoán rằng, pho tượng trên chiến thuyền cổ không
phải do Trương Tử Thông tạo ra, mà vốn có xuất xứ từ nơi này.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đều tỏ vẻ nghi hoặc, nếu chỉ dựa vào những
căn cứ đó mà kết luận Trương Tử Thông đã từng đến khu rừng này thì không đủ sức thuyết phục.

Thấy vẻ nghi ngờ trên gương mặt hai người, Vương Uy nói tiếp:

-Dáng dấp của pho tượng có thể bắt chước, nhưng ánh mắt kỳ lạ kia thì không cách nào mô phỏng được, hai người cứ nhìn vào mắt pho tượng mà
xem, nhất định sẽ thấy sự khác thường bên trong. Tôi đã nhìn thẳng vào
mắt bức tượng người chim trên chiến thuyền cổ rồi, nhận ra ánh mắt của
bức tượng ấy rất giống những bức tượng ở đây.

Lý luận của Vương Uy không đủ sức thuyết phục Nhị Rỗ và Dương Hoài
Ngọc, nhưng họ đều biết Vương Uy xưa nay nói năng hành động đều chắc
chắn. Những lời của Vương Uy đã phủ bóng đen lên tâm trí họ, nhìn pho
tượng người chim trong căn nhà gỗ, họ lại chợt có cảm giác bứt rứt khó
chịu.

Trong khi Vương Uy nói, Nhị Rỗ đi vòng quanh bức tượng mấy vòng, quan sát thật kỹ mọi chi tiết.

Dương Hoài Ngọc cũng chằm chằm nhìn vào pho tượng người chim, lúc này mọi nghi vấn đều tập trung cả vào những bức tượng không có sinh mệnh
này, họ cần phải tìm ra bằng chứng xác thực hơn để chứng minh Trương Tử
Thông đã từng đến khu rừng ngầm dưới lòng đất này. Nhìn theo ánh đuốc
của Nhị Rỗ đang di động, bỗng cô kinh ngạc kêu lên:

-Các anh nhìn kìa, tượng người chim chảy nước mắt.

Nghe Dương Hoài Ngọc nói, Vương Uy và Nhị Rỗ đều đổ dồn vào gương mặt người chim. Quả nhiên, từ đôi mắt người chim có hai dòng nước từ từ
chảy xuống, từng chút từng chút thấm ra ngoài.

-Hình như là huyết lệ. – Vương Uy nói.

Nhị Rỗ gật đầu đồng ý:

-Chắc chắn bức tượng này rỗng ruột, bên trong hẳn có gì đó kỳ quái, chúng ta phá ra xem.

Vương Uy tìm thấy mấy tảng đá ở trước cửa nhà, mỗi người một cục, cùng đập bức tượng ra.

Bức tượng vốn là một lớp vỏ đá kín bọc ngoài, đập vỡ lớp vỏ đó, bên
trong lộ ra một đống máu thịt bầy nhầy, có cả óc lẫn tay chân. Những
mảnh thịt vụn được ghép lại với nhau, chỗ ghép đã đóng băng, có thể nói
thi thể tả tơi này được ghép lại bằng băng.

Vương Uy ngạc nhiên:

-Thi thể vẫn chưa bị rữa, những tảng băng này là thế nào nhỉ?

Họ không thể ngờ bên trong bức tượng lại là một thi thể còn tươi
nguyên, hẳn là mới chết chưa lâu. Có điều thi thể này lại đóng băng, gây khó khăn trong việc phán đoán thời gian chết. Nhưng điều kỳ lạ hơn cả
là bên trong bức người chim lại đóng băng, trong khi nơi này nằm giữa
khu rừng nguyên thuỷ dưới lòng đất, nhiệt độ phải cao hơn nhiều so với
hang động ngầm, dưới hang ngầm còn không có băng tuyết, huống hồ ở đây?

Hơn nữa, bức tượng này vốn kín mít, như vậy là trước khi bị bọc kín
trong pho tượng, thi thể đã bị băm vằm, nếu nói năm trăm năm trước
Trương Tử Thông đã đến đây rồi, vậy thì bức tượng này ít nhất cũng đã
tồn tại từ năm trăm năm trước ư? Lẽ nào thi thể có thể giữ nguyên vẹn
không bị phân huỷ bên trong pho tượng suốt năm trăm năm? Chuyện này thật quá lạ lùng.

Ba người ra khỏi căn nhà đó, sang các nhà khác xem xét, thấy bên
trong các pho tượng người chim đều giấu một thi thể đã bị băm vằm thành
từng mảnh. Vương Uy không khỏi hoang mang, bởi anh nhận ra những thi thể này cũng bị băm vằm hệt như Ngọng và Ngoẹo trong cỗ quan tài đá treo,
tựa hồ đều bị kền kền xé xác rồi được ai đó ghép lại vậy. Nhưng tại sao
họ bị kền kền xé xác? Tại sao lại bị phong kín trong tượng người chim?
Những điều này là bí ẩn khó lý giải.

Nghĩ đến kền kền, Vương Uy lại nhớ những truyền thuyết lưu truyền rộng rãi ở Xuyên Trung.

Nhưng những gì anh thấy vào lúc này lại ly kỳ hệt như truyền thuyết
về vị lạt ma già, nếu nhìn ở một góc độ khác, liệu có phải những thi thể này cũng giống vị lạt ma kia, đều bị thiên táng ngay khi còn sống?

Càng nghĩ Vương Uy càng thấy giả thiết này rất có khả năng, bằng
không những thi thể kia bị phong kín trong khu rừng dưới lòng đất hơn
năm trăm năm nay, hẳn đã phải mục rữa từ lâu, chỉ còn đống xương khô,
đâu thể chảy ra huyết lệ được? Nhưng nếu như giả thiết ấy là sự thật,
vậy chẳng phải là sau Trương Tử Thông đã có người khác tìm đến đây, cuối cùng bị chết một các ly kỳ ư?

Trong tượng người chim chỉ có một đống máu thịt bầy nhầy, không xác
định được là người từ thời đại nào, cho nên những giả thiết ấy đều không thể kiểm chứng, nhưng Vương Uy vẫn cảm thấy câu chuyện này đúng là như
vậy. Thế giới dưới lòng đất sâu này chỗ nào cũng có những chuyện quái
gở, vương triều Lạp Cách Nhật mà họ tìm kiếm vẫn chưa thấy tung tích,
nhưng những điều thần bí này lại có thể giết chết họ trong nháy mắt.

Vương Uy bảo Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc:

-Nơi này hết sức quái gở, mọi người phải hết sức cẩn thận. Chúng ta
ra phía trước kia xem, biết đâu phát hiện thêm được điều gì đó.

Nói rồi Vương Uy tiên phong đi trước, dập tắt đuốc, dùng đèn pin soi
đường. Ra khỏi khu vực mấy ngôi nhà gỗ, phía trước là một cánh rừng toàn đại thụ cao vút, cây bụi um tùm bên dưới, không có lấy một con đường,
rất khó băng qua.

Vương Uy đang mải mê nhìn đường dưới chân, bỗng nghe Nhị Rỗ nói với Dương Hoài Ngọc:

-Này tây rởm, cô xem bên kia có một bức tường kìa?

Bị Nhị Rỗ gọi là tây rởm, Dương Hoài Ngọc rất tức giận, bèn trừng mắt nhìn lại, không đáp. Nghe hai người đối đáp, Vương Uy bị thu hút, liền
ngoái đầu nhìn theo hướng Nhị Rỗ chỉ, quả nhiên thấy một bức tường cao
đến mấy trượng gần đó.

Ba người rảo bước đi tới, thấy bức tường đứng giữa hàng cây, đã sụp
nhiều chỗ. Tường xây bằng đá và đất bùn, nằm giữa rừng rậm, trước không
có làng mạc, sau chẳng thấy cửa nhà, liêu xiêu không dựa được vào đâu
cả, nếu gặp lũ chắc chắn sẽ đổ sụp.

Xung quanh tường mọc đầy cỏ dại, không có cách nào đến gần được, ba người đành đứng từ xa trông lại, cũng không thấy có gì lạ.

Nhị Rỗ ôm lấy thân cây leo lên chừng mười mấy mét, ngậm cây đèn pin
duy nhất vào miệng, quan sát một lúc lâu nhưng chẳng trông thấy gì. Nhị
Rỗ đu lên một cành cây, chuyền cành sang một cây khác gần đó, rồi chuyền tiếp sang bức tường.

Vương Uy đứng dưới lớn tiếng hỏi Nhị Rỗ có thấy gì không?

Một lúc lâu không nghe Nhị Rỗ đáp, chỉ thấy ánh đèn pin loang loáng
giữa đám lá, Vương Uy cho rằng gã gặp phải chuyện gì, bèn lớn tiếng gọi
thêm lần nữa.

Nhị Rỗ đã leo sang bên kia của bức tường, chỉ nghe tiếng gã thì thào vọng lại:

-Chỉ huy ơi, bức tường này vốn là chiến hào…

-Chiến hào? – Vương Uy hơi ngỡ ngàng, ai lại đánh trận ở dưới này chứ?

Bỗng Nhị Rỗ kêu thét lên từ bên kia bức tường, nghe tiếng hình như là bị ngã từ trên tường xuống đất. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nhìn nhau,
đều cảm thấy không ổn.

Vương Uy gọi to:

-Anh sao rồi?

Nhị Rỗ dở sống dở chết đáp:

-Mẹ kiếp, sợ quá, dưới chiến hào có một khẩu súng trường.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều vô cùng ngạc nhiên, xem ra chuyện này càng lúc càng thêm hóc búa. Trước đây, họ cho rằng khu rừng dưới đất
này bị Bối long âm khư vây hãm, ngay bậc cao nhân như Trương Tử Thông
cũng không phá nổi đôi mắt rồng của Bối long âm khư, huống hồ là người
khác. Sở dĩ Vương Uy phán đoán rằng Trương Tử Thông đã tới nơi này, là
bởi khi nhìn đôi mắt pho tượng người chim, cảm giác ấy như bật ra từ nơi sâu thẳm nhất trong tim anh, nhưng sau đó nghĩ kỹ lại, xem xét trên góc độ lý trí, anh mới phát hiện chuyện này có phần không được chắc chắn
cho lắm.

Nghe Nhị Rỗ nói có khẩu súng trường, anh giật thót tim, vội vàng cùng Dương Hoài Ngọc trèo cây sang xem.

Công cụ chiếu sáng tầm xa duy nhất đã bị Nhị Rỗ làm rơi vỡ, bức tường này cao đến mấy trượng, ánh đuốc không soi sáng được xa, chỉ thấy phía
dưới là một mảng tối om om. Nghe tiếng Nhị Rỗ rên rỉ trong bóng tối,
Vương Uy đoán chừng lúc ngã gã đã bị thương, liền hỏi vọng xuống:

-Nhị Rỗ, làm sao rồi?

Nhị Rỗ trả lời:

-Hai người cẩn thận nhé, trên tường có cái gì ấy, tôi vừa rồi chỉ mải nhìn khẩu súng trường bên dưới nên đụng phải nó.

Vương Uy nghi hoặc nhìn Dương Hoài Ngọc, trên tường gió thổi lồng
lộng, dưới ánh đuốc bập bùng, có thấy sinh vật nào đâu? Vương Uy giơ đèn pin soi, thấy bức tường đá này rất dài, chạy vào sâu trong rừng, bề
ngang cũng rộng, đủ cho mấy người cùng đứng trên đó. Thân thủ của Nhị Rỗ thế nào Vương Uy hiểu rõ hơn ai hết, nhất định gã không thể vô duyên vô cớ bị ngã ở đây được, nghĩ vậy, anh không khỏi căng mắt nhìn thật kỹ
bóng tối mênh mông phía trước.

Ngọn đuốc chỉ soi sáng được một phạm vi rất hạn chế, Vương Uy giương
mắt quan sát trong bóng tối, chợt thấy ở một góc ánh sáng lờ mờ, thấp
thoáng có một khuôn mặt. Có điều ngoài những đường nét rất mơ hồ, anh
chẳng thấy được gì hơn nữa cả. Anh không rõ đó là thứ gì, cũng không dám làm bừa, đành len lén lần tay rút súng rồi đột ngột nhằm thằng vào
gương mặt kia bắn luôn hai phát.

Gió chướng chợt nổi lên, Vương Uy chợt thấy một mùi tanh ập vào mặt
rồi biến mất ngay trong giây lát. Dương Hoài Ngọc đờ ra nhìn Vương Uy
hồi lâu, mặt tái nhợt, có lẽ vì quá sợ hãi.

Nhị Rỗ ở dưới kêu to:

-Thế nào, hai người đã phát hiện thấy gì chưa?

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều nắm chắc tay súng, thứ đang lẩn lút
trong bóng tối kia đã chuồn mất, chỉ còn gió rừng lùa vào cổ hai người
lạnh toát. Ở quãng giữa bức tường Vương Uy phát hiện thấy một dãy những
mô đá, các mô đá này thấp hơn bờ tường mấy mét, anh bèn cùng Dương Hoài
Ngọc nhảy xuống. Đứng trên mô đá nhìn bức tường đối diện, quả nhiên thấy có một hàng những lỗ châu mai to chừng hai nắm tay, đúng tiêu chuẩn của công sự thời cận đại.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều hiểu những lỗ châu mai này là để binh lính nấp bên trong bắn ra ngoài, lẽ nào khu rừng dưới mặt đất này từng
xảy ra chiến sự sao? Hơn nữa có thể xây công sự lớn thế này, chắc hẳn
phải là một cuộc xung đột quy mô lớn, rốt cuộc là kẻ nào mà có thể khua
chiêng gióng trống chém giết nhau dưới lòng đất thế này nhỉ?

Trong lòng cả hai đều có vô số thắc mắc không sao trả lời nổi. Dưới
mô đá có chiếc thang gỗ vẫn hoàn toàn mục nát, hai người bèn theo thang
tụt xuống, thấy Nhị Rỗ đang nằm trong bụi cỏ, hình như đã bị thương.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc chạy tới, hỏi:

-Anh sao thế? Có đứng dậy được không?

Thấy Nhị Rỗ nằm bất động, không trả lời, Vương Uy thầm than không ổn, bức tường này không cao lắm, không đến nỗi ngã từ trên tường xuống mà
chết được đấy chứ.

Anh chạy tới gần Nhị Rỗ, khi chỉ còn cách mấy bước chân, bỗng nghe Nhị Rỗ yếu ớt kêu lên:

-Đừng đến gần, đừng động đậy…

Vương Uy ngớ ra, vội khưng lại, Dương Hoài Ngọc cũng cảnh giác đứng
lại, hai người e dè nhìn lớp lá rụng và dây rừng phủ dày trên mặt đất,
nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.

Vương Uy nghi hoặc hỏi:

-Anh đụng phải cái gì thế? Chúng tôi làm thế nào để giúp anh đây?

Nhị Rỗ nói:

-Tôi cũng không biết đã giẫm vào cái gì nữa, chỉ thấy nửa người dưới
bị thứ đó ghì chặt, lôi tuột xuống dưới. Hai người cẩn thận, quanh đây
có thể vẫn còn thứ đó đấy, nó giống như cái bẫy vậy, giẫm phải là rơi
xuống liền, hai người cứ từ từ nhích dần đến đây rồi lôi tôi lên.

Lúc này Vương Uy mới chú ý thấy Nhị Rỗ chỉ lộ ra nửa thân người trên
mặt đất, nửa người dưới ngập trong đống lá khô và dây rừng, không hiểu
đã ra sao. Anh cùng Dương Hoài Ngọc người trước kẻ sau thận trọng lần
đến gần Nhị Rỗ. Ánh đuốc soi rõ khuôn mặt rỗ của Nhị đang tái nhợt đến
kinh người, cặp mắt cũng dại hẳn đi.

Hai người nắm lấy cánh tay Nhị Rỗ toan lôi lên, cả hai đồng thời dụng lực, nhưng Nhị Rỗ chẳng mảy may nhúc nhích, hệt như bị đóng đinh xuống
đất vậy, dù cố kéo đến mấy cũng không có tác dụng, khiến Vương Uy thầm
kinh hãi. Anh nhìn lại Nhị Rỗ thấy mắt gã đã trắng dã, xem ra còn nguy
cấp hơn vừa rồi, cứ lôi như thế này nữa e rằng gã không chịu nổi.

Vương Uy cắm bó được lên mặt đất, dùng hai tay bới lá rụng. Lá rụng
trên mặt đất qua nhiều năm chất thành lớp lá dày, lại thêm nước ngầm
ngấm vào nên tầng lá rụng bên dưới đã mục ải, khiến lớp bên trên vón
lại, bới rất mất sức. Anh đành dùng báng súng đập cho đất tơi ra, rồi
dùng tay bới, Dương Hoài Ngọc thấy vậy cũng xúm vào giúp một tay. Cô tây rởm này thật ra cũng tốt bụng, có điều nhiều năm nay theo lão Tôn giết
người cướp của, nên tính tình có phần hung bạo. Hiện giờ cô đang theo
Vương Uy và Nhị Rỗ, ba người cùng hội cùng thuyền, cho nên ra tay giúp
Nhị Rỗ là điều đương nhiên.

Càng đào, Vương Uy càng thấy kinh ngạc, tầng lá mục này rất rắn, cũng không thấy trên mặt đất có hầm hố gì, làm sao thứ bên dưới có thể thể
lôi tuột Nhị Rỗ xuống được? Khi đào đến bắp chân Nhị Rỗ, hai người bỗng
trông thấy có mấy rễ cây đen trũi to như ngón tay cái quấn quanh chân
gã, họ vừa bới lớp lá mục ra thì những rễ cây kia như có linh tính, rụt
ngay xuống đất.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc kinh ngạc, càng cố sức bới Nhị Rỗ lên,
Vương Uy vạch ống quần gã, thấy chân Nhị Rỗ có mấy vết thương rướm máu
hằn sâu như bị đánh bằng roi da.

Nhị Rỗ được kéo lên, nằm lăn ra đất thở hồng hộc hồi lâu rồi kéo chân Vương Uy nói:

-Thưa chỉ huy, à… không, thưa anh, hôm nay không có anh thì thằng Nhị Rỗ này đã bị chôn sống rồi, thật mang ơn anh quá.

-Rốt cuộc là chuyện gì thế? – Vương Uy hỏi.

Nhị Rỗ đảo mắt, nói:

-Tôi ngã từ trên tường xuống, chân chưa bén đất thì người đã bị lọt xuống đó, nửa người dưới mất hẳn cảm giác.

Vương Uy quay sang hỏi Dương Hoài Ngọc:

-Cô Ngọc từ nước ngoài đến, đã nghe nói ở đâu có thứ quái lạ thế này chưa?

Thấy Dương Hoài Ngọc lắc đầu, Vương Uy thầm kinh ngạc, tầng lá mục
này cứng như vậy, những cái rễ đen kia làm thế nào lôi tuột được người
xuống lòng đất? Thật không thể hiểu nổi. Tuy thứ đó đúng là có cội có
rễ, nhưng lại đen trùi trũi, chẳng giống rễ cây chút nào, nhìn nó linh
hoạt như vậy, chưa biết chừng là sinh vật cũng nên.

Nhị Rỗ nằm bò ra mặt đất xoa bóp chân cho lưu thông máu, mất một lúc
sau hai chân mới hồi phục được tri giác. Gã tiếp tục xoa đi xoa lại hồi
lâu, mới từ từ đứng lên đi nổi.

Mọi người thận trọng lục xoát kỹ xung quanh nơi phủ đầy dây rừng và
lá khô này, nhưng thứ đó chẳng thấy xuất hiện nữa. Vương Uy đoán nó sợ
ánh sáng nên không dám xông ra tấn công người nữa. Nhị Rỗ ngã từ trên
tường xuống, bị vỡ đèn pin, bốn bề tối om nên quái vật kia mới thừa cơ
nhào ra, suýt nữa thì lấy mạng gã.

Khoảnh đất dưới bức tường đá này rất rộng, mỗi chiều phải đến mấy
chục trượng, trên mặt là tầng lá mục và dây rừng rắn đanh, nhưng lạ một
điều là chẳng thấy cành cây ngọn cỏ gì sinh trưởng được ở đây cả.

Nhị Rỗ nói:

-Chỉ huy đừng nói gì vội, thử sờ lớp đất này xem đã, mẹ nó chứ, lạnh như băng ấy, đất gì mà lạnh thế, đúng là quái con bà nó gở.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc bới đất đến toé máu tay, đương nhiên biết điều ấy, nhưng khi nãy cả hai còn mải lo lắng cho Nhị Rỗ, chỉ biết bới
đất như điên, chẳng nghĩ ngợi gì cả, bây giờ nghe Nhị Rỗ nói, họ mới cảm thấy quả là khác thường.

Vương Uy ngồi xuống bới đất, phát hiện ra càng bới xuống sâu đất càng lạnh, tầng lá rụng và dây rừng bên trên rắn như vậy thật ra cũng một
phần lớn liên quan đến việc đất đai ở đây là đất bị đóng băng, nước
trong đất một khi bị đóng băng sẽ cứng lại. Vương Uy bới thêm một lúc
nữa, quả nhiên thấy trong đất có lẫn những mảnh băng nhỏ. Ba người nhìn
nhau, chẳng cần nói đã hiểu ý đối phương, bất giác cả ba cùng liên tưởng đến những bức tượng người chim bị đóng băng trong những gian nhà gỗ. Lẽ nào giữa hai chuyện này có mối liên quan với nhau?

Nhị Rỗ nói:

-Nhiệt độ trên mặt đất phải cao mới đúng, nói chung, chỉ đến mùa đông mới xảy ra hiện tượng mặt đất đóng băng, do nhiệt độ bên ngoài làm cho
mặt đất đông cứng lại mà thôi, làm sao ở đây lại xảy ra chuyện này được?

Vương Uy cau mày nghĩ ngợi, đột nhiên bảo Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc:

-Hai người có chú ý đến nhiệt độ xung quanh những căn nhà kia không?
Từ trong rừng đi tới, hình như nhiệt độ xung quanh những căn nhà ấy rất
thấp.

Lúc họ tiến vào dãy Đường Cổ Lạp, vì phải băng qua tuyết tuyến nên ai nấy đều mặc áo bông, đội thám hiểm chịu khó đầu tư rất nhiều tiền vào
những trang thiết bị này, đường may cực kỳ tỉ mỉ, bên trong còn có thêm
một lớp lót bằng da báo, mặc vào ấm vô cùng. Hơn nữa, nhiệt độ tại khu
vực bên dưới núi tuyết rất thấp, cứ đi lại trong môi trường như vậy, nếu không để ý kỹ thì rất khó cảm nhận được sự chênh lệch nhiệt độ rất nhỏ.

Nghe Vương Uy nói, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc sực nhớ ra, những căn
nhà gỗ âm u kia cũng thường toát ra một bầu không khí lành lạnh, khi
nhìn vào mắt tượng người chim trong những căn nhà đó, lập tức toàn thân
toát mồ hôi lạnh, lúc ấy họ chỉ nghĩ tà khí trong những căn nhà gỗ kia
quá nặng nề, giờ mới nhận ra nhiệt độ trong đó thấp hơn nhiệt độ trong
rừng thật. Đứng trong căn nhà gỗ, họ có thể cảm thấy hơi lạnh căm căm
như từ dưới đất bốc lên vậy.

Nhị Rỗ nghĩ ngợi một lát rồi nói:

-Tôi đoán dưới lòng đất này có khi nào chôn băng không? Chỉ có vậy
nhiệt độ trong lòng đất mới cao hơn trên mặt đất. Hai người bảo có phải
như thế không?

Vương Uy gật đầu, theo lý mà nói, chỉ có như vậy mới giải thích nổi
hiện tượng này. Nhưng tiếp theo làm thế nào để kiểm chứng mới là vấn đề, lớp đất cứng bên dưới mặt đất đóng băng, càng khó mà đào bới, lẽ nào
lại phải dùng tay bới lên?

Nhị Rỗ hiểu suy nghĩ của Vương Uy, bèn vỗ vào cái bọc đeo trên lưng Vương Uy, cười nói:

-Chỉ huy quên rồi à, cây đại đao này của chỉ huy dùng để đào đất không phải rất hay ư?

Hành động của Nhị Rỗ khiến Vương Uy giật nảy mình, vội lùi lại vài bước, bực bội đáp:

-Chắc chắn không dùng cái này được đâu, phải nghĩ cách khác.

Đại đao của anh đã bị mất trên chiến thuyền cổ, hiện giờ thứ đang đeo trên lưng anh chính là cái kích hình thú anh nhặt được trên núi tuyết.
Lúc này có mặt Dương Hoài Ngọc ở đây mà anh vẫn nghi kỵ cô tây rởm này,
nên không muốn đưa ra.

Nhị Rỗ suồng sã với Vương Uy đã quen, lần này lại thấy anh sa sầm
mặt, gã thầm lấy làm lạ, nhưng hiểu trong vụ này có chuyện gì đó, Vương
Uy không muốn nói ra, hẳn là có lý do riêng, nên chỉ cười khì khì nói
mấy câu, không nhắc tới chuyện này nữa.

Vương Uy lại chuyển chủ đề:

-Khẩu súng trường anh thấy lúc đứng trên tường đâu rồi?

Nhị Rỗ chỉ lên phía trên, nói:

-Ở trên mô đá kia kìa, nó nằm chênh chếch chỗ đấy.

Nhị Rỗ miệng cười, chợt ngẩng đầu lên, sực nghĩ ra: ánh đuốc không
chiếu được lên đến vị trí cao như thế mà chiếc đèn pin duy nhất có thể
chiếu được xa như thế thì không biết văng đâu mất rồi, đứng dưới này
không thể nào trông thấy khẩu súng trường trên đó được.

Tìm được khẩu súng có thể chứng minh được rất nhiều vấn đề nữa, nghĩ
vậy Vương Uy ngậm tay cầm của bó đuốc vào miệng, theo hướng tay Nhị Rỗ
chỉ, trèo lên cái thang mục nát rồi lên lên một mô đá. Anh leo từ mô đá
này sang mô đá khác, cứ thế qua mấy mô đá, quả nhiên trông thấy khẩu
súng trường đã gỉ đen trên mô đá cuối cùng.

Khẩu súng đã mục nát đến không còn ra hình dạng gì nữa, báng súng mủn quá nửa, xem ra nó đã nằm trong khu rừng này từ nhiều năm nay, hơn nữa
rất có khả năng có cùng niên đại với bức tường công sự bằng đá kia, bởi
phong cách kiến trúc của bức tường đá hoàn toàn theo kiểu cận đại.

Vương Uy ném khẩu súng xuống trước rồi trở về mô đá có chiếc thang
gỗ, kẽo kẹt tụt xuống. Bấy giờ Nhị Rỗ đang cầm khẩu súng lật đi lật lại
xem xét, còn lấy tay áo lau gỉ, lau mãi lau mãi, bỗng lên tiếng:

-Tôi đã thấy khẩu súng này rồi…

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc kinh ngạc nhìn Nhị Rỗ, chờ đợi những lời kinh thiên động địa tiếp theo.

Nhị Rỗ nheo mắt, ngắm đi ngắm lại khẩu súng, nói tiếp:

-Không sai, khẩu súng này giống hệt súng của đám lính Mã Văn Ninh mà tôi thấy trong hẻm núi lớn.

Năm xưa khi Mã Văn Ninh còn làm ông lớn ở vùng Tạng Xuyên Tay, phần
lớn trang bị trong quân đội đều mua của quân phiệt Bắc Dương, mà quân
phiệt Bắc Dương lại nhập súng ống từ Nhật Bản, bởi súng trường Nhật Bản
gọn nhẹ tinh xảo hơn các loại súng trường khác. Vương Uy và Nhị Rỗ quanh năm chinh chiến, vùng Xuyên Trung lại tương đối lạc hậu nên rất nhiều
vũ khí mà các thế lực quân phiệt ở đây sử dụng đều là hàng của quân
phiệt Bắc Dương mua từ Nhật Bản năm xưa, loại súng trường này cũng rất
phổ biến trên các chiến trường Xuyên Trung. Khi nãy Vương Uy cũng nhận
ra đây là súng trường do Nhật Bản chế tạo, nhưng anh không nắm rõ lắm về trang bị vũ khí của lính Mã Văn Ninh, nhờ Nhị Rỗ nói ra anh mới biết.

Vương Uy nghi ngờ hỏi lại:

-Mấy tên lính đào mộ của Mã Văn NInh mà chúng tôi gặp đều không cầm vũ khí, sao anh biết bọn chúng dùng súng trường Nhật Bản?

Nhị Rỗ đằng hắng mấy tiếng rồi nói:

-Trong hang ngầm, tôi từng gặp ba thằng lính đào mộ mặc quân phục vàng, còn đánh nhau với chúng một trận nữa.

Vương Uy nghi hoặc nhìn gã, anh không lạ gì ba tên lính mặc quân phục màu vàng, lúc trước cũng vì anh lần theo chúng mà tìm thấy lối vào
huyệt mộ, nhưng sau đấy ba tên này bị người của lão Tôn truy đuổi, chạy
xuống sông ngầm rồi không thấy đâu nữa. Về sau lão Tôn lại nói chính mắt nhìn thấy một thuyền đầy lính mặc quân phục vàng, chuyện này rất không
bình thường, có thể nói là ly kỳ, nhưng Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lên
chiến thuyền thì chẳng thấy tên lính áo vàng nào cả, thậm chí còn chẳng
có chút tung tích gì của bọn chúng.

Dương Hoài Ngọc nghe Nhị Rỗ nói xong, bên lên tiếng:

-Xem ra Mã Văn Ninh cũng từng đến đây rồi, vậy chắc chắn để tiến vào
khu rừng dưới lòng đất này, không phải chỉ có mỗi một con đường thông từ Bối long âm khư, rất có thể Trương Tử Thông đã đến đây như anh Uy nói.

Nhị Rỗ cũng tỏ vẻ đồng tình. Khẩu súng trường này rất có thể là của
lính Mã Văn Ninh, như vậy công sự hoành tráng xây theo kiểu cận đại kia
ắt cũng liên quan đến hắn. Nhưng họ nghĩ mãi không hiểu, lính của Mã Văn Ninh xây công sự đá trong khu rừng ngầm này nhằm mục đích gì? Rốt cuộc
họ khí thế rầm rộ như vậy là để đánh nhau với ai?

Vương Uy không hiểu, Nhị Rỗ cũng lắc đầu, ba người bọn họ như bị bóng tối bao trùm, nhất thời không tìm thấy đáp án, đành phải dấn bước tiến
về phía trước.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN