Miễn Cưỡng Kết Hôn - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4952


Miễn Cưỡng Kết Hôn


Phần 3


Cái ông Minh kia gọi oang oang làm tôi ngượng chín cả mặt, lúc ấy theo bản năng muốn tránh đi chỗ khác nhưng khu vực này chẳng có chỗ nào để trốn cả. Cuối cùng đành phải nặn ra một nụ cười gượng gạo chào anh ta.

– Chào… anh ạ.

Duy khẽ gật đầu, hôm nay anh ta vẫn mặc vest đen, áo sơ mi bên trong để mở hai cúc, trông có vẻ rất phóng khoáng tuỳ hứng, nhưng cơ mặt thì giống như bị liệt, lúc nào cũng cùng một kiểu cảm xúc thờ ơ:

– Hôm nay đổi địa điểm chụp ảnh à?
– À… tôi…

Anh Minh đứng cạnh thấy bọn tôi nói chuyện thế mới tròn mắt hỏi:

– Ơ thế hai người quen nhau à? Haha, thế Dương đến đây phỏng vấn là tình cờ hay là cố ý thế? Chẳng trách cứ đòi xin chữ ký của sếp, hay là Dương có ý gì với sếp tôi đấy?
– Không, tôi đến đây theo lịch cấp trên sắp xếp.
– Thế là có duyên rồi còn gì nữa, gặp đúng người quen luôn. Bình thường anh Duy không thích phỏng vấn với xin chữ ký đâu, nhưng nếu quen thì chắc anh ấy đồng ý đấy, với cả Dương xinh thế này cơ mà, ai mà nỡ từ chối nhỉ?

Duy lạnh lùng liếc cậu ta một cái, ánh mắt sắc như dao khiến tôi đứng đó cũng thấy nổi da gà:

– Cậu phỏng vấn xong chưa?
– Ấy, em xong rồi, xong rồi. Em về làm việc đây. Dương cứ tự nhiên phỏng vấn sếp nhé.

Nói rồi, lão Minh kia cúp đuôi chạy thẳng, lúc chỉ còn mỗi tôi với Duy thì không khí bỗng dưng lại im lặng một cách kỳ lạ. Tôi cũng không thích cái kiểu thiếu tự nhiên này nên đành nhanh chóng xốc lại tinh thần, mở miệng trước:

– Anh làm việc ở đây à?
– Ừ.
– Tôi còn một số chỗ cần phỏng vấn để viết bài nữa, anh có rỗi không, cho tôi ít thời gian được không?
– Để tôi bảo nhân viên tiếp cô.
– Không. Lúc đầu không có anh ở đây nên tôi định hỏi anh Minh kia về tiền thân của công ty Game. Nhưng giờ gặp anh nên tôi muốn hỏi trực tiếp luôn cho tiện. Cho tôi mười phút thôi, tôi hỏi tý là xong ngay.

Anh ta giơ đồng hồ lên, nhìn thời gian trên cổ tay rồi khẽ nhíu mày một cái:

– Phóng viên bọn cô hay phiền phức thế à?
– Hả?
– Mười phút, tôi còn có việc.

Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác chưa tiêu hóa kịp lời nói của Duy thì anh ta đã đi lại ghế sofa gần đó rồi ngồi xuống, vẻ mặt thiếu kiên nhẫn chờ đợi tôi.

Nhận ra anh ta đang cho mình mười phút để phỏng vấn, mặc dù khó ưa thái độ của cái gã này nhưng tôi vẫn đành phải đi lại ghế sofa đối diện rồi mở máy ghi âm ra, bắt đầu hỏi:

– Anh là người sáng lập ra game Warning Zone ở Mỹ phải không?
– Ừ.
– Tôi nghe nói Game đó ở Mỹ được giới trẻ rất ưa chuộng, để có được thành công như thế giữa một thị trường dày đặc trò chơi trực tuyến, chắc hẳn anh rất có sáng tạo trong thiết kế đồ họa và cả phương thức game đúng không?
– Cũng không có sáng tạo gì, chỉ thấy cái gì những game khác còn thiếu thì đem lắp ghép vào game của mình thôi.
– Sau khi về Việt Nam, phát triển trên nền tảng game Warning Zone, công ty anh đã cho ra mắt game Nguyệt Long Kích cũng thu hút được rất nhiều người chơi trò chơi này. Anh có cảm nhận gì về những thành tựu đã đạt được chỉ sau một thời gian ngắn phát hành không?
– Thứ nhất, tôi không phát triển trên nền tảng game cũ. Game cũ đã được bán cho một công ty Game ở Mỹ. Nguyệt Long Kích chỉ là một game mà công ty tôi đang duy trì, công ty chúng tôi còn nhiều trò chơi trực tuyến khác, thêm cả các ứng dụng hỗ trợ theo dõi sức khỏe cho người cài đặt, phần mềm kế toán, phần mềm định vị. Thứ hai, tôi chưa hài lòng về số tài khoản đăng nhập game Nguyệt Long Kích. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là 15 triệu tài khoản trong thời gian cuối năm nay. Thứ ba, cô là phóng viên đến phỏng vấn mà không tìm hiểu trước về nơi mình phỏng vấn, tác phong thiếu chuyên nghiệp.

Tôi nghẹn họng lần một. Dù gì tôi cũng là phóng viên, hơn nữa còn hơi quen quen anh ta, thế mà anh ta chẳng hề nể mặt tôi một tý nào cả, thẳng thừng mắng tôi luôn.

Tôi ấm ức nhưng biết anh ta mắng đúng nên không còn cách nào khác, đành mặt dày “xin lỗi” rồi chuyển sang chủ đề khác:

– Một công ty mới thành lập mà có thể cạnh tranh được với rất nhiều các công ty phát hành game cũ khác, đó cũng có thể coi là thành tựu lớn chứ?

Nói cách khác, tôi rất bái phục anh ta lẫn dàn nhân viên ở công ty này, tất cả đều là những người trẻ, nhưng khi tiếp xúc thì thấy bọn họ ai ai cũng ngập tràn nhiệt huyết, ngồi ôm máy tính làm việc cần mẫn, bất kể có phóng viên đến chụp hình cũng không để tâm. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay mà phát triển được đến mức đó, chứng tỏ bọn họ đều là người tài giỏi cả.

Duy thản nhiên trả lời:

– Ở Mỹ, công ty tôi còn làm được hơn thế.

Tôi câm nín lần hai. Nếu một tháng mà phỏng vấn mười người như thế này, chắc chắn tôi sẽ bỏ nghề phóng viên để đi chăn vịt. Tài giỏi thật nhưng ngạo mạn quá đỗi, chọc tức tôi.

Nhìn thời gian đã gần hết mười phút, tôi quyết định hỏi một câu cuối cùng:

– Tại sao ở Mỹ đang phát triển được như thế mà anh lại quyết định về nước? Môi trường kinh doanh game ở Việt Nam có điều gì có thể thu hút được anh về đây?

Câu hỏi này chẳng qua chỉ chuẩn bị để hỏi cho có thế thôi, tôi đoán hầu như ai cũng sẽ trả lời theo kiểu dập khuôn máy móc, dạng như “vì tôi muốn phát triển quê hương”, hoặc “tôi sinh ra ở đây nên muốn về đây mở công ty”. Thế nhưng trái với tưởng tượng của tôi, Duy chỉ nói:

– Bất cứ ai cũng có tổ quốc của riêng mình.

Tôi kinh ngạc ngẩng đầu lên nhìn anh ta, khi Duy nói câu này, ngữ điệu rất nhẹ nhàng, cũng rất thản nhiên, giống như nó xuất phát từ tận trong tim chứ không phải một câu trả lời máy móc, đánh bóng sự tốt đẹp của bản thân trước phóng viên.

Anh ta cũng nhìn tôi, chậm rãi đứng dậy:

– Hết mười phút. Tôi còn có việc, đi trước đây.
– À vâng. Chào anh. Cảm ơn anh về bài phỏng vấn ngày hôm nay.

Sau khi Duy vừa đi khỏi thì có một bạn nhân viên nữ đến tìm tôi, lúc đó tôi cũng chuẩn bị đứng dậy đi về rồi, nhưng bạn ấy lại nói:

– Em chào chị ạ. Em là nhân viên của công ty, em tên Dung. Sếp em có việc nên không tiếp chị được, sếp bảo em dẫn chị đi các phòng để chị lấy tư liệu.
– Sếp Duy ấy hả bạn?
– Vâng, sếp em có cuộc họp trực tuyến lúc 10h nên phải đi gấp, sếp vừa dặn em xong ạ. Để em dẫn chị đi thăm thêm một số phòng nhé?
– À… ừ… cảm ơn bạn.

Trong lòng tôi vẫn đang còn bứt rứt vì thái độ của Duy, nhưng sau khi nghe bạn nhân viên kia nói thế thì bỗng nhiên cũng thấy xuôi xuôi đi ít nhiều. Bận như thế nhưng vẫn cho tôi mười phút, còn dặn nhân viên đưa tôi đi thăm thú khắp nơi.

Bạn nhân viên kia vừa dẫn tôi đi, vừa giới thiệu:

– Thiết kế ở đây ngày trước không như thế này đâu. Tòa nhà 4 tầng này xây từ năm 2010 nhưng xuống cấp hết rồi, thiết kế cũng cũ. Sếp em mua lại xong hầu như sửa lại toàn bộ, phá bỏ hết tường rồi thiết kế bằng kính với cả nhựa cao cấp.
– Thế à? Tôi thấy ở đây thiết kế lạ, đẹp nữa, nhân viên ngồi làm việc không có cảm giác tù túng, nói chung không có không khí bức bối của văn phòng. Tha hồ sáng tạo nhỉ?
– Vâng. Em cũng thấy thế. Sếp em dặn phải trồng nhiều cây xanh thì mới dễ chịu.
– Trước bạn có làm bên Mỹ với sếp không?
– Em có, nhưng em vào sau. Lúc em vào làm thì công ty cũng sắp chuyển về đây rồi. Hồi ấy đang chuộng game Warning Zone. Hầu hết nhân viên trong công ty bọn em đều được đào tạo ở nước ngoài cả.
– Chẳng trách mới về nước đã phát triển được như thế. Tôi thấy toàn người trẻ nên cứ ngưỡng mộ mãi đấy.
– Có gì đâu, tại mấy anh em quý nhau, đoàn kết nữa. Lúc ở Mỹ công ty chỉ có mấy người thôi, về đây mới thêm đấy. Chủ yếu là do sếp Duy phát triển, bọn em chỉ là bậu xậu thôi.
– Sếp Duy cũng tốt nghiệp công nghệ thông tin bên Mỹ hả bạn?
– Vâng, bằng giỏi. Được nhà trường giữ lại làm giảng viên mà anh ấy không ở.
– À… giỏi thế, chẳng trách…

Chẳng trách còn trẻ mà đã có một cơ ngơi như thế!

Sau khi thăm thú một vòng công ty Game của Duy, tôi quay về Tòa soạn viết một bài rất ngắn gọn, đại loại là khen tựa Game Nguyệt Long Kích rất đẹp mắt, cấu hình khủng, số tiền nạp vào không cần quá nhiều vẫn có thể lên cấp, lại dễ được thưởng nữa.

Biên tập đọc xong thì nhíu mày:

– Công ty đó tốt như thế thật cơ à?
– Vâng, sếp trẻ, giỏi, game hay.
– Bị sếp bên đó hút hồn rồi nên mới khen nức nở thế đúng không?
– Ơ không phải. Cháu chỉ viết đúng sự thật thôi mà.
– Nếu đúng sự thật thì phải là “game hay, sếp giỏi, trẻ”.

Đúng là biên tập có kinh nghiệm lão luyện có khác, ngay cả cách sắp xếp từ của tôi cũng đoán ra được tôi đang chú ý đến giám đốc công ty đó. Tất nhiên là tôi có để ý đến Duy, nhưng không phải là thích mà đơn giản chỉ là ngưỡng mộ, tôi biết mình không qua mặt được biên tập nên đành gãi đầu cười:

– Thì cháu cũng là phụ nữ mà sếp, thấy trai đẹp thì để ý là điêu đương nhiên thôi. Sếp để cháu còn lấy chồng với chứ.
– Cô mà hốt được cái anh giám đốc công ty đó, tôi mời cô đi ăn một bữa lẩu hải sản.
– Thật hả sếp?

Chú biên tập cười cười:

– Thật, nhưng ăn được lẩu hải sản của tôi không dễ đâu đấy nhé. Nghe nói ông Duy đấy bán game Warning Zone được gần năm triệu đô đấy.
– Năm triệu đô bằng mấy tiền Việt hả chú? Cháu không biết tính.
– Hơn một trăm mười lăm tỉ.
– Ui mẹ ơi.

Trong lòng tôi thầm nghĩ, kiểu gì khi Thúy biết được tin này cũng sẽ muốn tự vả vào miệng mình vì chê Duy “ất ơ không có việc làm”. Anh ta bán game kia ở Mỹ đã được hơn một trăm tỉ, giờ về Việt Nam lại có công ty Game đang trên đà phát triển như thế, vốn liếng chắc cũng kha khá đấy nhỉ?

Tôi méo mặt cười khổ:

– Thôi giàu thế cháu không ham đâu, cháu không với tới nổi.
– Đấy, ăn lẩu hải sản của tôi mà dễ thế có mà cả cái Tòa soạn này được ăn rồi. Cầm bài báo này đưa đi kiểm duyệt rồi gửi cho họ xem lại đi.
– Vâng.
– Thế có cái ảnh nào chụp ông Duy kia không?
– Họ không cho chụp ảnh chú ạ, cháu chỉ được phỏng vấn đúng mười phút.
– Lần sau nếu sếp đẹp trai thì cứ chịu khó xin chụp vài cái ảnh, giới trẻ bây giờ ai cũng giống cô, thích ngắm trai đẹp. Có ảnh vào thì mới tăng lượt đọc hơn.
– Chú cứ trêu cháu.
– Tôi nói thật đấy.
– Vâng, cháu biết rồi, lần sau cháu sẽ chú ý ạ.

Ra khỏi Tòa soạn, tôi mua theo một túi hoa quả với đồ ăn vặt to đùng đến bệnh viện thăm Hải, tiện đường qua cửa hàng thú y của Nhạn rủ nó đi luôn.

Tôi biết kiểu gì con bé này cũng làm mình làm mẩy không thèm đi thăm, nên vừa đến đã bảo một câu:

– Thằng Hải thoi thóp lắm rồi, mày không đi sau đừng hối hận.
– Chết làm sao được mà chết, chị đừng lừa em. Tiêu chảy ba ngày không chết được đâu.
– Đến giờ vẫn chưa cầm được.

Nhạn mím môi im lặng mấy giây, sau một hồi đấu tranh tư tưởng cuối cùng cũng phải gật đầu, thở hắt ra một tiếng:

– Thế em đi với chị.

Tôi nghe nó nói thế thì suýt nữa không nhịn được, bật cười thành tiếng:

– Ừ, thay đồ đi rồi đi thôi.
– Vâng.

Đến bệnh viện, tay xách nách mang vào đến nơi mới thấy Hải mặt mày xanh rợt, nằm bẹp trên giường chẳng khác gì một miếng giẻ đã bị vắt sạch nước, tý nữa thì ngay cả tôi cũng tin nó sắp toi thật đến nơi. Vừa thấy tôi cùng Nhạn bước vào, vẻ mặt u ám mệt mỏi của nó mới sáng sủa lên được đôi chút:

– Ơ, sao mọi người lại đến đây.
– Đến hỏi tội mày chứ sao nữa. Không gửi tài liệu mà chỉ gọi điện nói sơ qua, chỉ trong vòng hai mươi phút sao chị mày biết gì mà phỏng vấn hả?
– Ơ thì tại em tin tưởng vào năng lực của chị, thậm chí không cần tài liệu mà chị vẫn chém gió được như thường.
– Chị đấm mày giờ.
– Ấy, em là người ốm mà, đừng đánh em.

Tôi tủm tỉm cười, kéo Nhạn ngồi xuống giường rồi buôn dưa với Hải thêm mấy câu về cuộc phỏng vấn công ty Game ngày hôm nay, sau đó thì tìm cớ lủi ra ngoài để đôi trẻ nói chuyện cho tự nhiên.

Haizzz, đúng là số khổ, chuyên làm bà mối cho người khác còn chính mình thì ế đến dài cổ, hai mươi sáu tuổi rồi mà nửa mảnh tình vắt vai cũng không có, không biết năm nào thì tôi mới lấy chồng được đây.

Đang lang thang nghĩ vẩn nghĩ vơ thì bỗng dưng thấy một bóng dáng quen quen từ phòng bác sĩ đi ra. Bác sĩ còn tiễn theo ra tận cửa để dặn dò:

– Ông nhớ chú ý giữ gìn sức khỏe, không nên lao động đầu óc nữa, chịu khó nghỉ ngơi nhiều, đi tập thể dục trong công viên với các cụ già cũng tốt. Bệnh tuổi già này thì ai cũng mắc phải, nhưng không phải sức khỏe của ai cũng giống ai, mình già rồi, nghỉ ngơi thôi ông ạ.
– Tôi cũng biết thế, nhưng chưa yên tâm được. Nhưng không sao, tôi sẽ cố gắng làm theo lời dặn của bác sĩ.
– Vâng, lần sau ông cứ gọi cháu đến là được, không cần phải mất công đến tận đây đâu ạ. Cháu đến nhà cho ông đỡ mất công đi lại.
– Đến nhà sợ mấy đứa nhỏ thấy lại lo, thôi cứ để tôi đến đây.
– Vâng. Cháu hiểu rồi ạ.
– Thôi tôi về đây, có gì tôi gọi điện cho cậu nhé.
– Vâng, cháu chào ông.

Nói xong, ông gật đầu chào bác sĩ thêm một cái rồi mới xoay người rời đi, ông yếu, chú lái xe phải đứng bên cạnh dìu ông.

Nhìn lưng ông đã còng hơn một chút, tóc cũng bạc và bước chân cũng run run thêm mấy phần, tôi mới chợt phát hiện ra rằng: so với lần đầu tiên lên Tây Bắc đón tôi về, ông ngoại đã già đi rất nhiều rồi, hơn nữa, sức khoẻ của ông đang có vấn đề mà vẫn giấu tất cả mọi người trong nhà, giấu cả tôi.

Cổ họng tôi bỗng nhiên hơi nghẹn lại, tôi rảo bước đi nhanh về phía trước, ôm chặt lấy cánh tay còn lại của ông. Ông tôi hơi giật mình, quay sang thấy tôi còn ngạc nhiên hơn nữa:

– Sao… sao con lại ở đây?
– Con đi thăm bạn, lúc vừa ra đây thì thấy ông. Ông vào đây làm gì thế?
– Ông cũng đi thăm người quen.

Tôi biết ông nói dối nhưng không muốn vạch trần, đành bày ra vẻ mặt tươi cười đáp:

– Thế ạ? Thế con về với ông luôn nhé?
– Con không phải đến Tòa soạn nữa à?
– Không ạ, con tan ca rồi.
– Thế về thôi.

Ông nhìn chú lái xe, cười cười:

– Không cần phải đỡ tôi nữa, cháu gái tôi đỡ tôi rồi. Cậu ra lấy xe đi, tôi đợi ở cổng.
– Vâng ạ.

Trên đường về tôi kể cho ông nghe rất nhiều chuyện ở Tòa soạn, kể những bài báo mà tôi viết, ông nghe xong mới bảo tôi:

– Giỏi quá nhỉ? Đi làm có gì khó khăn không con?
– Không ạ. Ở tòa soạn ai cũng tốt ông ạ. Con thích làm ở đây cực.
– Ừ, thế là được rồi. Có công việc tốt rồi thì nhanh chọn lấy ông chồng tốt nữa. Đừng có đòi ở với ông đấy, ông không nuôi nữa đâu.

Tôi cười hì hì:

– Ông nuôi con thêm một năm nữa thôi, mấy hôm nữa con kiếm người yêu để sang năm lấy chồng, không ở với ông nữa.
– Con nói đấy nhé.
– Vâng.

Sau hôm đó, tôi có đến gặp bác sĩ kia để hỏi về bệnh tình của ông ngoại. Bác sĩ đó không khuyên được ông nên khi tôi đến hỏi thì nói ngay:

– Đấy, may mà có cô đến. Cô dặn ông chịu khó nghỉ ngơi nhiều vào, chứ ai lại gần tám mươi tuổi rồi mà vẫn còn lo việc kinh doanh như ông. Ông bị huyết áp cao, tiền đình, suy tim, đái tháo đường dạng nhẹ. Nói chung toàn bệnh tuổi già cả nên cần phải nghỉ ngơi rồi.

Tôi không quan tâm đến việc kinh doanh của ông lắm nhưng tôi biết ông có một công ty bất động sản, ông là chủ tịch hội đồng quản trị còn cậu Dũng là giám đốc. Lẽ ra ông nên giao lại sản nghiệp lại cho cậu được rồi, nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ ông vẫn không cho cậu Dũng tất cả mà vẫn tự mình quản lý. Tuổi cao sức yếu, đến lúc phải nghỉ ngơi rồi mà ông vẫn không chịu nghe.

Bác sĩ dặn dò tôi một hồi, tôi cũng hạ quyết tâm buổi tối về nhà nhất định phải khuyên nhủ ông, thế nhưng vừa bước vào nhà đã thấy gia đình cô chú Tùng sang chơi, còn mang biếu ông bao nhiêu là đồ bổ.

Ông thấy tôi về thì vẫy tay cười tươi:

– Dương về rồi đấy à? Vào đây con.

Tôi cũng nở sẵn trên môi một nụ cười, tạm thời gác lại chuyện bệnh tật của ông, đi lại gần chào hỏi:

– Cô chú sang chơi ạ?
– Dương hôm nay tan làm sớm thế? Cô chú vừa mới sang chơi thôi.
– Vâng, lâu lâu mới thấy cô chú ghé qua. Tý nữa cô chú ở lại ăn cơm luôn nhé, nãy cháu qua chợ hải sản thấy có ghẹ tươi nên mua một ít về đây, tý nữa hấp để cả nhà ăn luôn.
– Cái con bé này siêng thế? Đi làm về xong còn đi chợ nữa.

Ông ngoại tôi nghe xong thì mặt mày rạng rỡ hẳn. Trong hai đứa tôi và Thúy thì ông thường chỉ khen mỗi tôi, tự hào vì mỗi tôi, Thuý thì thường xuyên bị mắng bởi vì từ khi học xong đến giờ vẫn chưa tìm được việc làm, cả ngày chỉ ăn chơi lêu lổng. Ông bảo:

– Đấy, cháu gái cưng của tôi đấy. Đậu á khoa trường báo chí nhé, tốt nghiệp loại giỏi nhé, ra trường được tuyển thẳng vào tòa soạn X luôn. Mỗi tội chẳng thấy dắt anh nào về cho ông xem.
– Ôi ông cứ lo gì. Đẹp gái với giỏi như thế thì có mà con trai xếp hàng dài mấy cây số ấy chứ.
– Thế mà nó có ưng ai đâu.

Tôi không muốn nghe thêm mấy vấn đề này nên vội vàng lủi vào trong bếp, bắt tay vào nấu nướng phụ với cô giúp việc. Lúc sau lên phòng tắm rửa thì đụng mặt Thúy ở ngay hành lang, cô ta vừa đi chơi về nên ăn mặc hở trên hở dưới, mặt trang điểm dày cộp. Thấy tôi, Thúy cố tình huých vai một cái làm tôi đau điếng:

– Mày lại bơm gì với ông đấy con ranh?
– Bơm gì? Cô không đi đứng được tử tế à?
– Mày không bơm mà vừa thấy mặt tao ông đã tỏ thái độ khó chịu à? Ông đang khen mày nức nở với hai ông bà già dưới nhà kia kìa. Mày thích bơm đểu dìm tao xuống để nâng mày lên không? Bố tiên sư cái con lòng lang dạ sói.
– Ông nói gì là việc của ông, không liên quan đến tôi. Tôi không có hứng với việc của cô, tôi không bao giờ nói đến thứ mình ghét.
– Cái gì cơ? Mày…
– Mày cái gì mà mày. Trong nhà này cô phải gọi tôi bằng chị đấy, ăn nói có văn hóa tý đi. Không người ta lại bảo có ăn có học mà không biết phân biệt trên dưới.
– Tao chả có máu mủ gì với cái con dân tộc như mày. Nhà này chỉ có ông công nhận mày thôi chứ có ai công nhận mày cùng dòng giống với tao đâu. Tao không có chị là tạp chủng.
– Không phải mình cô nghĩ thế đâu, tôi cũng mong không cùng dòng giống với cô đấy. Mỗi tội chả thay đổi được thôi.

Cô ta tức đến trợn trừng mắt, nhưng ở dưới nhà còn có ông và có khách nên không dám chửi to, chỉ lẩm bẩm chửi tôi là cái thứ tạp chủng mất dạy, là đồ mọi rợ, tóm lại, Thúy lôi tất cả những từ ngữ bẩn thỉu để chửi rủa tôi. Tôi quen rồi, vả lại dù sao từ khi tôi dọn đến đây, cô ta thường bị ông so sánh với tôi nên tôi biết Thúy tổn thương, cũng không muốn chấp nữa.

Tối hôm đó sau khi cô chú Tùng về, tôi theo ông vào phòng định nói chuyện về bệnh của ông, nhưng còn chưa kịp mở miệng ông đã lên tiếng trước:

– Ông biết con định nói gì rồi, lúc chiều bác sĩ có điện cho ông.
– Vâng. Bác sĩ bảo ông phải nghỉ ngơi nhiều, ông nhiều tuổi rồi, cứ làm việc nhiều thế không tốt tý nào.
– Con có biết sao ông không giao công ty cho cậu Dũng không?

Tôi lắc đầu:

– Con không.
– Vì cậu con chưa có đủ năng lực để quản lý điều hành. Hơn bốn mươi tuổi rồi mà cứ răm rắp nghe vợ, năng lực thì yếu kém. Không tin tưởng được.

Tôi không biết tại sao ông lại nói chuyện này với tôi, nhưng tôi hiểu chắc hẳn ông còn muốn nói với tôi thêm thứ gì đó nên chi im lặng lắng nghe mà không hỏi nhiều. Tôi bảo:

– Vâng.
– Quan trọng hơn là không có cháu trai, cậu con chỉ có mỗi con Thúy, đến giờ nó cũng chưa có công ăn việc làm gì, cũng không phải đứa có đầu óc. Người có đầu óc chỉ có con, nhưng con lại chọn nghề phóng viên. Ông không muốn ngăn cản ước mơ của con.

Không muốn ngăn cản ước mơ của tôi, để cho tôi tự do, giống như ngày xưa đã từng để mẹ tự do theo học Piano chứ không phải kinh doanh. Tôi biết, trong lòng ông vẫn còn thương mẹ nhiều lắm.

– Ông muốn chờ xem cháu rể thế nào rồi mới quyết định chia cổ phần đúng không ạ?

Ông cười:

– Đúng là chỉ có con thông minh. Đúng là ông muốn chờ xem hai đứa lấy chồng thế nào rồi mới chia cổ phần, chia xong thì nghỉ hưu dưỡng già thôi. Già rồi, không muốn nghĩ nhiều nữa.
– Vâng.
– Con thích Duy phải không?
– Dạ?
– Ông xem trong điện thoại con rồi. Ảnh của nó ấy.

Trời ạ. Không phải tôi lưu ảnh của Duy để ngắm, mà là từ khi chú biên tập bảo tôi phải dùng thêm hình ảnh để thu hút lượt đọc, tôi cũng muốn thêm tư liệu báo nên đã lên Fanpage của Nguyệt Long Kích tìm ảnh của anh ta. Nói chung Duy chụp ảnh rất ít, hiếm lắm mới có một, hai cái ảnh, tôi tìm thấy thì theo thói quen lưu vào điện thoại. Không ngờ ông đọc được lại tưởng tôi tương tư anh ta.

Tôi cuống cuồng giải thích:

– Không phải đâu, con không…
– Không phải ngại, thích thì cứ thích chứ có sao đâu. Ông nghĩ rồi, thằng Duy được đấy, tính tình điềm đạm, cũng đẹp trai, bố mẹ tử tế, mà nó cũng giỏi nữa, dân kinh doanh nhưng không lọc lõi khôn lỏi, sống rất được. Ồn thấy hợp với con đấy. Hay là con thử tìm hiểu nó đi, lấy chồng đi cho ông yên lòng.
– Anh Duy chắc không thích con đâu ạ.
– Chưa thử sao biết?

Tôi định nói mình biết Duy không phải loại đàn ông bình thường gì, tôi sợ mình không xứng với anh ta, vả lại người như anh ta cũng sẽ chẳng bao giờ buồn thích tôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sợ nói ra ông lại nghĩ tôi mặc cảm về bản thân cho nên chỉ bảo:

– Con đoán thế. Hai bọn con có quen biết gì nhau đâu, với cả hôm trước gặp mặt, nếu muốn làm quen thì anh ấy đã chủ động xin số điện thoại rồi.

Nghe tôi nói thế, ánh mắt ông bất chợt sáng lên, khóe miệng không giấu được, nở một nụ cười thật tươi:

– Ông không bảo hai đứa cưới nhau mà là thử tìm hiểu thôi, có cơ hội gặp nhiều mới vun đắp tình cảm được chứ.
– Nhưng mà…
– Chắc hôm trước nó ngại chưa dám xin số điện thoại đấy. Để hôm nào ông gọi nó đến ăn cơm, xong hai đứa đi chơi cho quen nhau nhé. Thấy hợp thì tiến tới, mà không hợp thì thôi, không ai ép con cả.

Thấy ông có vẻ vui, tôi không nỡ làm ông mất hứng nên đành phải nghe lời, mấy việc tìm hiểu nhau này có lẽ cả tôi và cả Duy cũng chẳng ai có hứng nên chắc cũng sẽ không tiến xa với nhau được đâu, thôi thì nghe lời cho ông yên lòng. Tôi bảo:

– Vâng, con biết rồi. Nhưng ông cũng phải hứa với con là phải giữ sức khỏe, làm việc ít thôi đấy.
– Ừ, ừ. Cháu ông mà lấy chồng, đẻ chắt, ông còn khỏe ra nhiều ấy chứ.

Tôi ôm lấy cánh tay gầy gầy run run của ông, khẽ cười!!!

***

Lời tác giả: Đoạn hôm nay dài đọc thích không chị em? Mới mấy đoạn đầu, tinh thần còn chưa hăng, mọi người nhớ tương tác động viên bạn Hổ nhé!

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (16 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN