Mợ Hai Kỳ Bí Truyện - Phần 34
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
397


Mợ Hai Kỳ Bí Truyện


Phần 34


Trước khi tới xứ Gò để thăm cháu gái, thầy Đại sẵn dịp ghé thăm một người bạn đồng môn đã lâu không gặp. Người này là đệ tử của sư phụ nhỏ, còn thầy Đại là đệ tử của sư phụ lớn, từ nhỏ tình cảm đồng môn đã thân thiết, sau này lớn lên mỗi người một định hướng riêng, chỉ thi thoảng mới có dịp gặp lại.
Nhà to, sân vườn cũng to, thầy Đại nhìn quanh một vòng, chỉ cảm thán nhà to thế này thì khi quét dọn sẽ rất vất vả, ngược lại cũng không có chút mưu cầu gì khác…
– A Ngao, cậu xây nhà to thế này… lúc quét dọn chắc mệt lắm nhỉ?
Nghe thầy Đại hỏi, Ngao sư phụ liền cười trả lời.
– Có người quét dọn cả, tôi bận như vậy, đâu có thời gian mà quét dọn.
Thầy Đại gật gù, công nhận người có tiền có khác, không cần phải làm việc nhà. Để thầy nghĩ xem, hay là thầy cũng nhận thêm vài mối làm ăn mà có tiền thuê người giúp việc cho nhàn nhã tấm thân của thầy nhỉ?
Thấy thầy Đại trầm ngâm, Ngao sư phụ không biết thầy đang nghĩ gì, ông lúc này cất giọng hàn huyên.
– Lần này ghé thăm cậu ở lại chơi lâu một chút, không bận việc gì thì ở lại tôi đưa cậu đến thăm các vị sư huynh sư đệ. Bọn họ đều mong muốn gặp mặt cậu, cậu cứ trốn mãi ở trong núi, ẩn thân giống hệt như Tôn sư phụ vậy.
Biểu cảm nhàn nhã, ngữ điệu không mặn không nhạt, luôn là cốt cách không nhiễm khói trần, thầy Đại khẽ đáp.
– Lần này là đặc biệt tới thăm cậu một chút, không có ý định thăm nhiều người. Với lại tôi cũng bận, còn phải đi gặp cháu gái, không có thời gian hàn huyên tâm sự với chúng bạn, để lần khác đi.
Ngao đại sư thừa biết cái tính tình nhạt nhòa không có gì là quan trọng này của bạn thân mình, vậy nên ông cũng không dám ép. Thầy Đại chịu tới thăm ông là tốt lắm rồi, chứ còn ông muốn đi tìm thăm thầy Đại thì cũng không biết tìm ở đâu. Người này hành tẩu giang hồ đi mây về gió, không vợ không con không nhà không cửa, còn gặp được lần nào là mừng lần đó, ông quả thật không dám đòi hỏi quá nhiều.
Rót cho bạn tách trà mới, mùi thơm thanh ngọt của trà bay thoang thoảng, tạo ra một cảm giác rất thư thái dễ chịu.
– Cậu nói lần khác thì phải giữ lấy lời, một lần cậu đến thăm tôi ít nhiều gì cũng phải hơn 10 năm, tôi sợ là tôi chờ không được lần khác của cậu.
Thầy Đại cười khẽ, nụ cười rất đẹp, hàm răng trắng sáng.
– Yên tâm, cháu gái tôi sắp lấy chồng rồi, đợi tới lúc đó, tôi sẽ mời hết đám sư huynh sư đệ. Mà cậu nhớ bảo bọn họ đi phong bì dày dày một chút. Phong bì dày, tôi tiếp các cậu ba ngày ba đêm, không say không cho về.
– Vậy được. Tôi sẽ đi thông báo cho đám bọn họ biết. Năm nay nhận thêm nhiều vụ làm ăn để còn có tiền mừng cưới cháu gái. À, là cái con bé mà trước kia cậu nói với tôi, đứa con của quỷ đấy à? Sắp lấy chồng rồi sao? Vẫn còn sống?
– Tạm thời là vẫn còn sống.
Ngao sư phụ cũng có chút ngạc nhiên, ông lại hỏi.
– Mà là ai cưới con bé? Cậu ta có biết mệnh kiếp của con bé không?
– Chưa biết. Nhưng cậu trai này cũng có mệnh kiếp đặc biệt, chúng nó hợp nhau.
Ngao sư phụ gật gù đã hiểu, về chuyện đứa cháu gái này của lão Đại, ông cũng biết được chút ít. Trước kia ông cũng có ý định ngăn cản người bạn của mình đừng nên nhận nuôi đứa bé kia. Nhưng khi nghĩ lại, âu cũng là duyên số nên nhà kia mới gặp được lão Đại, bởi lão Đại đến ông gặp còn khó, nói gì là người xa lạ…
Nhắc đến cháu gái của lão Đại, Ngao sư phụ lại chợt nhớ đến cậu chủ của nhà họ Trần. Nghĩ nghĩ một chút, Ngao sư phụ quyết định nhờ vả thử bạn mình một lần.
– À lão Đại này, tôi có một trường hợp này cũng đặc biệt lắm, người này cũng có mệnh kiếp khác thường. Nếu cậu có thời gian thì ghé xem tình tình của cậu ấy giúp tôi được không, có gì cậu báo lại với tôi. Tôi cũng định là đến đó một chuyến nhưng tình hình ở tổng môn cậu cũng biết rồi đó, hiện tại tôi không thể đi đâu được.
Thầy Đại nhướng mày, nhàn nhạt hỏi.
– Nhà ở đâu?
Ngao sư phụ có chút dè chừng trả lời thầy Đại.
– Ừ thì cũng… hơi xa một chút. Đi xe cũng phải hơn 4,5 giờ đồng hồ… nhưng cậu yên tâm… tôi thuê xe riêng cho cậu đi… không để cậu ngồi xe khách mệt mỏi…
– Quan trọng là ở đâu mới được? Nếu tiện đường thì tôi ghé một chút, không tiện đường thì tôi chịu, không rảnh.
Cái tính khí này quả thật chỉ có lão Đại mới có, người gặp ông đều là cung kính xem trọng, duy nhất chỉ có “khứa” này là nói chuyện hời hợt với ông như vậy. Nhưng mà ông cũng quen rồi, làm bạn bè nhiều năm, chẳng lẽ ông lại không hiểu được tính tình của bạn thân mình sao!
– Ở xứ Gò, một thị trấn của tỉnh A, cách đây khoảng chừng 4,5 giờ đồng hồ đi xe. Cậu trai này là cậu chủ của một nhà giàu có, họ Trần, là hào môn của nông thôn, gia cảnh cũng thuộc hàng bề thế lắm, rất có cơ cấu. Cậu tới xứ Gò, hỏi người dân cậu Hai nhà họ Trần ở đâu, người ta sẽ tận tình đưa cậu tới nơi. Trường hợp của cậu Hai này tôi theo dõi đã lâu, cũng rất muốn giúp cậu ấy nhưng thật tình là tôi quá bận, mà nhà cậu ấy lại xa, muốn thường xuyên đến gặp cũng khó. Nếu cậu có thời gian thì đến xem một chút, đổi lại sau này cháu gái cậu lấy chồng, tôi mừng phong bì bằng một tháng lương của tôi ở tổng môn… cậu thấy sao?
Thầy Đại nhướng khẽ chân mày, trong lòng có chút ngạc nhiên, không nghĩ là lại có sự trùng hợp lớn như vậy. Xem ra cậu Hai này cũng có mối quan hệ đặc biệt với lão Ngao, vậy nên ông ấy mới chịu lấy tiền bạc ra để trao đổi với thầy. Phàm là con người thì lúc nào cũng có một giới hạn nhất định, mà giới hạn của lão Ngao chính là tiền tệ. Để cho ông ấy chịu lấy giới hạn của mình ra quy đổi, xem ra là cậu Hai rất có trọng lượng trong lòng lão Ngao.
Được thôi, một công đôi ba việc, sẵn tiện kiếm chút của hồi môn cho cháu gái… kèo này thầy chốt được!
Nụ cười bàng bạc trên môi, thầy Đại nhìn thẳng vào mắt Ngao sư phụ, ra giá trực tiếp không khoan nhượng.
– Cậu mừng cưới 3 tháng lương, tôi nhận đi xem giúp cậu.
Ngao sư phụ hốt hoảng, ông liền chống cự.
– Cái gì 3 tháng lương? Cậu chỉ ghé xem một chút thôi mà, 3 tháng lương là muốn cắt cổ tôi hả?
Thầy Đại nhún vai, giọng thầy chậm rãi nhưng rất hùng hồn.
– Ghé xem? Cậu chắc là tôi chỉ ghé xem thôi à? Tôi là bạn của cậu, tính tình cậu thế nào chẳng lẽ tôi không rõ. Đừng day dưa, hoặc là 3 tháng lương mừng cưới, hoặc là sống chết mặc bay… tôi cho cậu chọn.
Ngao sư phụ cảm thấy đau đớn trong lòng, 3 tháng lương ngót nghét cũng gần một trăm củ khoai của ông. Mà để có được mức lương một tháng mấy chục củ thì ông đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho tổng môn mới có được thành quả như vậy. Mới được thăng chức, mới được tăng lương có bao lâu đâu… bây giờ lại bắt ông ói ra một khoản to đùng… đau đớn c-h-ế-t đi được…
Mà nghĩ lại, một khi đã nhận 3 tháng lương của ông thì lão Đại chắc chắn phải làm được việc. Hiện tại cháu gái lão ta chưa cưới, lão mà không làm ra trò thì ông có thể quỵt bất cứ lúc nào. Với lại, nếu lão Đại giải quyết được vụ này của cậu Hai họ Trần, cậu Hai chắc chắn sẽ gửi phí dịch vụ lại cho ông. Mà cậu Hai giàu như thế, làm sao có thể gửi phí bèo được, từ trước tới giờ cậu ấy toàn gửi phí dịch vụ rất cao. Được được, suy cho cùng thì ông vẫn không có lỗ, vụ này chốt như thế vẫn được.
Khí thế hiên ngang, Ngao sư phụ hào sảng gật đầu đồng ý.
– Được. Tôi rất xem trọng vụ này, tiền nong không thành vấn đề, 3 tháng thì 3 tháng. Có cần tôi nói sơ tình hình với cậu không, lát nữa tôi sẽ gọi cho cậu ấy để thông báo là cậu sẽ tới.
Nụ cười hài lòng nở trên môi, thầy Đại không nói gì, chị cảm thấy lừa được tiền của Ngao sư phụ thật là tốt. Lão Ngao này cái gì cũng được, chỉ có tiền bạc là xem trọng như bánh xe bò. Lão ta chắc chắn là đang tính toán sẽ lấy tiền của cháu rể thầy để mừng cưới cháu gái thầy đây mà. Đúng là một con gà mờ, thầy phải để lão vừa cười vừa mếu mà nôn tiền ra mới được… mới nghĩ tới thôi mà đã thấy vui vẻ gì đâu!
*
Từ ngày đến giúp sức cho Ba Yến trừng trị mẹ con Hai Hạnh, bà Phấn thân với Ba Yến ra mặt, chuyện thân thiết của hai người họ cả xứ này ai cũng biết, vậy nên cũng có rất nhiều người bắt đầu làm thân qua lại với Ba Yến, quà cáp lia chia.
Bữa nay Ba Yến được bà Phấn mời đến ăn tiệc, lúc cô tới đã là 3 giờ chiều, mặc dù đã nói là phải ngồi xe lăn chưa đi lại được nhưng bà Phấn lại quá mức nhiệt tình cho người đến đón, Ba Yến không thể không đi. Bà Phấn chu đáo đến mức chọn loại bàn tiệc phù hợp cho người đang ngồi xe lăn, Ba Yến cảm động đến mức xuýt xoa ở trong lòng.
Sau khi dùng tiệc xong, Ba Yến vì hơi mệt nên cô ra một góc ngồi chơi hóng mát, lúc này cũng có một người phụ nữ đến ngồi chung. Ba Yến cũng không rõ người phụ nữ này là ai nhưng hai người lại có vẻ nói chuyện rất hợp.
– Cô Ba… tụi nhỏ nhà tôi hâm mộ cô Ba lắm… bữa nay mà tụi nó biết tôi sẽ được gặp cô Ba ở đây, tụi nó kiểu gì cũng đòi theo cho bằng được cho coi.
Ba Yến nghe mà nở đỏ hết mũi, cô ngại ngùng đáp lời.
– Ngại quá, con có gì đâu mà mấy đứa nhỏ lại hâm mộ con…
Người phụ nữ tên Lan cười hề hề, bà ấy nhất quyết khen ngợi đến cùng.
– Tụi nhỏ hâm mộ cô Ba là chuyện bình thường, tới tôi còn thấy hâm mộ cô Ba nữa mà. Nói nào ngay, trước kia tôi cũng từng có thời gian ở nhà họ Trần đó cô Ba, lúc đó cậu Hai còn trẻ lắm. Bây giờ cũng vẫn trẻ nhưng hồi đó trẻ hơn nhiều…
Dừng chút, bà Lan lại tiếp tục hàn huyên kể về chuyện cũ.
– Năm đó tôi tới nhà họ Trần là dạy nhà bếp làm các món bánh truyền thống, bởi tôi nổi danh là làm bánh ngon nhất cái xứ Gò này mà. Cậu Hai tôi ít tiếp xúc lắm, tại tôi thấy sợ cậu ấy sao sao đó cô Ba… cô Ba trông vậy mà sống chung nhà với cậu Hai được… hay dữ ha?
Ba Yến cười tươi đáp lại.
– Dạ đâu có gì đâu ạ, con thấy cậu Hai cũng bình thường… không đáng sợ đâu dì.
Bà Lan gật gù, bà đột nhiên nói.
– Chà, cái câu này nghe quen ha? Tôi nhớ trước kia cũng có một người nói với tôi như vậy… À nhớ rồi… là cô Ngọc… Mà tiếc là cô Ngọc bây giờ đâu còn sống…
Giống như là nhỡ lời, bà Lan im bặt không nói nữa, ánh mắt bà nhìn Ba Yến cực kỳ ái ngại…
Mà Ba Yến là ai chứ, mắt cô sáng, tai lại thính, cô nghe rõ được bà Lan vừa nhắc đến Nhã Ngọc, lại còn biết là chị ấy đã chết. Hiếm lắm mới có được một người nhớ đến Nhã Ngọc, cô phải hỏi, phải hỏi cho ra chuyện mới được.
– Dì… dì cũng biết cô Ngọc hả dì? Dì biết cô Ngọc vì sao chết không ạ?
Nghe thấy Ba Yến hỏi như vậy, bà Lan thoáng chốc tò mò kèm theo sợ sệt, bà dè chừng hỏi ngược lại cô.
– Sao cô Ba cũng biết cô Ngọc? Bộ cô Ba… quen cô Ngọc hả?
Ba Yến lắc đầu, cô tìm một cái cớ thật hoàn hảo để qua mắt bà Lan.
– Dạ không có quen ạ, mà tại thi thoảng con thường hay nghe người làm trong nhà bí mật nhắc tới cô gái tên Nhã Ngọc. Con tò mò lắm nhưng đâu biết hỏi ai, mà con… con còn từng nhìn thấy vong hồn của cô Ngọc gì đó mấy lần… con hiếu kỳ muốn biết chuyện của cô ấy lắm. Nghe nói… cô ấy c-h-ế-t là có liên quan tới cậu Hai… phải vậy không dì? Dì, dì biết gì dì kể con nghe với, con hứa sẽ không nói với ai… thề là sống để bụng, chết mang theo!
Nhìn thấy thái độ quyết tuyệt của Ba Yến, bà Lan có chút phân vân do dự trong lòng. Nhưng khi nghĩ đến sự ái mộ của đám nhỏ nhà bà dành cho cô gái này, cộng thêm sự tử tế của cậu Hai mà bà từng biết, bà nghĩ là bà có nói ra thì cũng không vấn đề gì. Thú thật chuyện này bà đã giấu rất nhiều năm, bà chỉ nói cho một mình chồng bà biết, ngoài ra vẫn chưa dám nói với ai…
– Chà, chuyện này… tôi nói cho cô Ba biết thì cũng được, bởi cũng không có ảnh hưởng gì tới tôi. Cũng nể tình đám nhỏ nhà tôi thích cô Ba như vậy, nhưng cô Ba hứa với tôi là không được nói là tôi nói, cô Ba thấy được không?
– Dạ được, được, con biết mà, con chỉ là tò mò muốn biết chuyện của cô Ngọc thôi, chứ con không có ý gì đâu, cũng sẽ không nói với ai là dì nói cho con biết đâu ạ.
Bà Lan gật đầu, bà kéo ghế ngồi sát bên cạnh Ba Yến, bắt đầu kể lại những chuyện mà bà đã biết về Nhã Ngọc và cậu Hai. Bà kể về sự tử tế của cậu Hai, kể về sự hiền lành của Nhã Ngọc, kể cả về sự mất tích kỳ lạ của Nhã Ngọc theo như lời kể của người nhà họ Trần…
Bà Lan cũng biết là Nhã Ngọc đã chết chứ không phải là đi nơi khác sinh sống, mà bà còn biết là Nhã Ngọc c-h-ế-t trong phòng ngủ của cậu Hai!
Bà còn nói, mặc dù phát hiện ra Nhã Ngọc c-h-ế-t trong phòng cậu Hai nhưng bà không tin là cậu Hai gây ra cái c-h-ế-t cho Nhã Ngọc. Bởi trong cái đêm đó, do bà bị đau bụng cần đi tới phòng thuốc lấy thuốc nên bà mới vô tình phát hiện ra là dường như có người đã lén vào phòng ngủ của Nhã Ngọc. Nhưng vì lúc đó đau bụng, bà cũng không để ý tới nhiều, chỉ nghĩ đơn giản là người làm hoặc là ai đó cần tìm Nhã Ngọc. Sau khi sự việc của Nhã Ngọc xảy ra, bà mới lờ mờ nhớ lại tình tiết của đêm hôm đó, chuyện này khiến bà sợ hãi suốt một thời gian dài. Mà bà cũng không rõ người có bóng lưng cao cao đã vào phòng của Nhã Ngọc là ai…
Chuyện của Nhã Ngọc bà chỉ nói cho một mình chồng bà biết, Ba Yến là người thứ hai, mà chồng bà cũng giấu nhẹm chuyện này không dám kể với bất kỳ ai. Năm đó bà biết rõ là nhà họ Trần cố tình giấu giếm về cái chết bất thường của Nhã Ngọc. Nhưng bà không có bằng chứng gì, mà nhà mẹ của Nhã Ngọc cũng không muốn truy cứu, vậy nên bà thức thời, biết gì đều im, nửa chữ cũng không hé. Chắc có thể là nhà họ Trần cũng không biết là bà biết về việc này, bà nghĩ là như vậy…
Mà Ba Yến sau khi nghe sự tình từ trong lời kể của bà Lan, cô vô thức thấy rét buốt trong lòng. Vậy, đúng là cái c-h-ế-t của Nhã Ngọc là có liên quan tới cậu Hai, nhưng mà, hình như là cậu Hai của cô… cậu ấy bị oan!

Yêu thích: 3.6 / 5 từ (11 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN