Mộng Phù Hoa - Phần 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
570


Mộng Phù Hoa


Phần 11


Hoàng hôn buông xuống, bầu trời quang đãng bỗng nhiên đổ mưa. ..

Mưa không lớn, nhưng mờ mịt những làn khói mỏng, dội sạch đi bụi bẩn đã bám lấy thành phố A suốt cả tuần trời. Xa xa, mặt trời lặn giữa màn mưa khiến cho hoàng hôn mang theo một vẻ đẹp đầy chất thơ, thậm chí, nhìn kĩ còn có thể thấy được cầu vồng bảy sắc.

Bình thường, tôi rất thích mưa, thích đến mức tôi có thể thần người ngồi cả buổi chỉ để ngắm xem những hạt mưa này đến bao giờ có dấu hiệu dừng lại. Hoặc là ngồi ở bên cửa sổ, thả lỏng thần trí của mình vào dòng suy nghĩ miên man những ngày còn trẻ với bao mơ mộng cho một cuộc sống đầy màu hồng. Thế nhưng hôm nay tôi không còn tâm trạng để thưởng thức vẻ đẹp ấy nữa, bởi vì ây giờ tôi đang hối hả với A Lâm trên chiếc xe máy cũ của anh đêm hôm đó, vượt con đường ngập trở về nhà.

Nhớ lại buổi trưa, cùng nhau ăn cơm với trò chuyện, đại đa số câu hỏi đều là tôi đưa ra, còn cái người đàn ông đang lái xe đây thì kiệm lời đến vô cùng. Anh hiếm khi trả lời lại, đặc biệt là những điều liên quan đến đời sống riêng tư thì tuyệt nhiên không hề nói một lời. Lúc ấy, tôi cũng có nhìn thẳng vào mắt của anh dò xét, nhưng chỉ nhận ra được anh muốn ám chỉ nếu tôi không phải là phụ nữ thì anh đã chẳng thèm ngồi nghe tôi lải nhải rồi.

Bữa cơm kéo dài hai tiếng, lúc rời khỏi quán, tôi vẫn không có ý định trở về, nên kiên quyết luôn đi bên cạnh A Lâm không rời nửa bước. Tất nhiên tôi biết mình mang đến cho anh không ít khó chịu, nhưng mà ai bảo anh cứ lạnh nhạt khiến cho tôi tò mò cơ chứ, nên tôi đành phải mặt dày đi theo thôi.

Chỉ là không ngờ, hôm nay cái người đàn ông này lại dễ thỏa thuận hơn trước.

Chúng tôi đi bên cạnh nhau, một cao một thấp, chiếc bóng hòa làm một. Tôi cẩn thận, anh tùy hứng thoải mái, hai tay xỏ vào chiếc quần lao động vải màu xanh đen, rõ ràng chỉ là bộ quần áo cũ rẻ tiền đã bạc màu, nhưng chẳng khiến người ngoài nhìn vào thấy bẩn thỉu, bài xích.

Gió thổi dọc đường, mái tóc anh được gió thổi bay, để lộ ra chiếc trán trơn bóng. Tôi thất thần mấy giây, không nhịn được liền hỏi.

– Anh nghỉ buổi chiều như với tôi như thế này, phía bên đoàn sự kiện họ có trừ tiền của anh không?

– Không trừ. Tôi làm xong phần việc của mình mới đi.

– Ra vậy. Tôi còn tưởng anh được họ thuê theo ngày, nghỉ nửa ngày thì sẽ mất nửa tiền công.

A Lâm không trả lời ngay, anh chậm rãi cùng với tôi đi trên con đường vỉa hè đầy những cửa hàng buôn bán tấp nập, im lặng một lúc mới lại lên tiếng nói. Tuy nhiên, anh không hề đề cập đến việc trả lời câu hỏi tôi thắc mắc, mà lạnh nhạt hỏi ngược lại tôi.

– Cô thì sao? Có trở về thành phố không?

Tôi liếc nhìn đồng hồ.

– Có chứ. Nhưng mà giờ vẫn còn sớm, đợi một lúc nữa ra bắt xe về cũng kịp. Dù sao huyện Tây Hồ cách trụ sở cũng không xa lắm, mất một tiếng đi xe buýt thôi.

A Lâm nhìn tôi, anh chỉnh lại.

– Một tiếng đấy là cô tính khi cô ngồi trên xe riêng với taxi thôi, còn đi xe buýt, đợi họ bắt khách trả khách, trung bình phải mất tận một tiếng rưỡi. Thêm nữa xe trở về thành phố đến 5 giờ là hết chuyến rồi, bây giờ đã hơn ba giờ, tôi nghĩ cô vẫn nên tranh thủ về đi thì hơn.

Thật ra tôi cảm thấy những lời anh nói hoàn toàn không phải không có lý, nên sau khi anh dứt lời, tôi cũng gật đầu tỏ rõ mình đã hiểu. Tuy nhiên vẫn không quên hỏi tiếp.

– Vậy còn anh. Anh ở lại hay về.

A Lâm liếc mắt nhìn tôi một cái, anh thản nhiên đáp.

– Tôi cũng về.

Khoảnh khắc ấy, tôi không thể nói rõ được cảm xúc của mình như thế nào, chỉ biết đáy lòng không hề nặng nề giống như mấy lần trước. Có lẽ là vì A Lâm chịu mở lòng cùng tôi nói chuyện, hoặc cũng có lẽ, tôi càng ngày càng cảm thấy chúng tôi có thể hợp để làm một đôi bạn chung hoàn cảnh.

Bến xe huyện Tây Hồ nằm cách ủy ban nhân dân một đoạn khá xa, xung quanh là một khu đất hoang còn chưa được khai thác, ven đường trồng nhiều loại cây cối nhưng lại không theo một cách quy hoạch nào cả. Thời tiết hiện tại không có mưa, cũng chẳng nắng gắt, ít nhất so với buổi sáng, không còn có cái cảnh đổ mồ hôi mướt mát nữa rồi.

Ngoài cổng bến có những hàng quán bán nước cùng với hàng tạp hóa, A Lâm chỉ cho tôi chiếc xe đi về thành phố A bảo tôi lên ngồi chờ anh một lúc, còn bản thân anh thì chạy xuống mua một bao thuốc lá với cả hai chai nước khoáng. Lúc đi lên đã là mấy phút sau đó, xe trống vắng hồi nãy trở nên đông nghịt, cũng may tôi nhanh trí giữ cho người này ghế bên cạnh của mình, vì thế anh cũng không đen đủi đến mức phải đứng.

Ngồi xuống ghế, A Lâm vươn tay đưa cho tôi một chai nước khoáng với một quả quýt vàng mọng, anh nói.

– Cô có bị say xe không? Nếu say quá thì ăn tạm, sau đó lấy vỏ ngửi. Chứ uống thuốc bây giờ cũng không có tác dụng đâu.

Tôi tròn mắt nhìn A Lâm, trong lòng dấy lên một vài câu hỏi mơ hồ, rõ ràng thắc mắc muốn tìm câu trả lời nhưng lại không biết phải nói như thế nào. Thật ra thì ở thành phố A, đoạn đường di chuyển từ nhà đến trụ sở cũng không hẳn là xa, thêm nữa xe buýt đều là loại tân tiến chuyên chở những người lao động và sinh viên, nên bên trong xe vô cùng thông thoáng và mát mẻ. Khác hẳn như chiếc xe tôi đang ngồi lúc này, người chật kín, người đứng ngồi chen chúc, hơi người, hơi mồ hôi, rồi có cả hơi rượu, tất cả hòa vào nhau không thoát ra ngoài khiến tôi có một chút buồn nôn.

– Nếu khó chịu quá thì tôi mở cửa cho cô nhé.

Có lẽ sắc mặt của tôi khá tệ, nên A Lâm có vẻ không được tự nhiên cho lắm. Anh thi thoảng sẽ hỏi tôi mấy lời, tuy biểu cảm trên mặt không hề tỏ ra lo lắng, nhưng đáy mắt để ý kĩ thấy sẽ có một chút thay đổi.

Khẽ lắc đầu, tôi cố nặn ra một nụ cười, nói.

– Không cần đâu. Tôi đâu có yếu ớt như thế.

Ngoài mặt tỏ ra bình thường như vậy, nhưng nói thật trong người tôi lúc này vô cùng khó chịu, một bụng đầy thức ăn bắt đầu cồn cào hành hạ rồi. Đã vậy cơn đau đầu choáng váng không dưng lại kéo đến, hại tôi một trận mệt đến mức nôn nao, mỗi lần đưa tay lên xoa thái dương cũng không dứt khoát lên hồn. Cuối cùng, tôi chỉ có thể ngắt quãng lúc được lúc không, rồi ngủ từ lúc nào cũng chẳng biết.

Chỉ biết rằng, trong lúc tôi ngủ, không rõ là mơ hay thật, mà tôi thấy đường ấn mày của mình được ai đó vuốt liên tục.

Tiếng phanh xe kêu kít một tiếng trong con hẻm nhỏ cuối cùng cũng kéo mình thoát khỏi những suy nghĩ miên man chạy dài, tôi đưa mắt nhìn vũng nước đọng lại ở giữa những viên gạch lát đường đã vỡ, không chờ đợi A Lâm nói liền lên tiếng trước.

– Trời mưa lớn như vậy rất dễ có sấm sét. Nếu anh không ngại thì lên nhà tôi ngồi một lát đi. Tạnh rồi hãy trở về.

Hai lần trước đưa tôi về, A Lâm đều dừng lại ở đây nên tuyệt nhiên không biết tôi thuê nhà ở chỗ nào, anh hỏi tôi.

– Cô thuê nhà ở đâu. Tôi đưa cô về đến cổng. Mưa lớn với nước bẩn như thế kia, để cô đi bộ cũng không được.

Tôi hơi ngạc nhiên, tuy có một chút không hài lòng khi A Lâm trực tiếp phớt lờ lời đề nghị của mình, nhưng nghĩ lại dưới cái thời tiết mưa lớn như thế này, đi bộ một đoạn cũng không phải là cách gì hay ho, nên bản thân cũng chẳng muốn nghĩ nhiều, mấp máy môi chỉ đường cho anh.

– Anh đi thẳng vào ngõ này, đi đến cụt đường là tòa nhà tôi ở.

A Lâm gật đầu, anh kéo ga lượn lách trong con ngõ nhỏ đầy nước, chưa đầy một phút cũng dừng lại trước chiếc cổng sắt đã hoen rỉ đầy mạt sắt. Chúng tôi bước xuống, cả hai đứng dưới mái hiên của lầu một, quần áo trên người tuy mặc áo mưa nhưng vẫn không tránh khỏi việc dính nước. Lại đưa mắt nhìn sang A Lâm, anh chỉ khoác chiếc áo mưa màu xanh lá cây giá rẻ mua lề đường, nhưng vì vóc người cao lớn nên từ đùi hất xuống đã ướt đẫm nước, chiếc quần vải màu xanh đen dán chặt vào chân.

Tiếng mưa khá lớn, anh lại nói nhỏ, tôi chẳng rõ được A Lâm nói cái gì. Chỉ cho đến khi bóng dáng cao lớn của anh một lần nữa đi xuống dưới sân, bản thân mới định thần trở lại được, vội vàng lao ra giữ lấy cánh tay ngăm đen tráng kiện của người đó.

Vẻ mặt của anh lúc ấy vô cùng sửng sốt, có rất nhiều biểu cảm thi nhau xuất hiện. Nhưng mà dưới trời mưa lớn mưa lớn như thế này, tôi chẳng có tâm trí nào để đánh giá nữa, chỉ có thể ngửa đầu nói.

– Hết mưa rồi hãy đi.

A Lâm định thần, anh níu lấy tay tôi, bước vài bước kéo tôi về dưới mái hiên vữa nãy. Giày với gấu quần của tôi lúc này cũng đã ướt đẫm nước, da thịt có một chút lạnh, để ý kĩ còn thấy hai đầu ngón tay bị thương ngày trước xuất hiện một chút sưng đỏ.

Buông tay tôi ra, A Lâm nói :” Cô lên nhà đi.”

Tôi gật đầu :” Vậy cùng lên đi.”

A Lâm vẫn đứng im, có lẽ anh hiểu được lời của tôi muốn nói là gì, nên đôi môi mỏng có hơi mím lại, dứt khoát lắc đầu từ chối.

– Cô đi lên nhà đi, tôi bây giờ phải về rồi, công việc ở gara còn rất nhiều.

Sau khi A Lâm nói xong, tôi dường như còn nghe được cả thấy tiếng thở dài nho nhỏ của anh, bỗng dưng muốn giận mà giận không nổi. Có điều, trời bên ngoài mưa vẫn rất lớn, thi thoảng còn có những tia chớp nhập nhằng lóe sáng xé rạch bầu trời, thêm cả tiếng sầm rền vang đến muốn rung chuyển cả trời đất, tất cả khiến cho tôi không thể hạ xuống được quyết tâm của mình.

– A Lâm. Tôi năm nay hai mươi tám tuổi, không phải là cô gái đôi mươi dễ lừa nữa. Anh có thể đưa ra được lý do thích hợp, tôi sẽ để anh đi. Còn không, lên nhà ngồi trú mưa một lát, trời tạnh ắt hẳn tôi sẽ để anh về.

Tôi nói xong, mí mắt mới nâng lên nhìn thẳng vào anh, người vì ngấm mưa lạnh có hơi run lên một chút. Thành phố A bước vào mùa hè, những cơn mưa bất chợt đến và đi không thiếu, nhưng có những trận mưa rào kéo theo cả sấm sét như này, thật là có chút dọa người. Đương nhiên một người như A Lâm tất nhiên là không sợ những điều ấy, nhưng tôi thì sợ, nên tôi không thể để cho anh đi được.

– Thế nào? Anh vẫn không chịu đồng ý?

A Lâm chăm chú nhìn tôi, sau một vài giây im lặng, cuối cùng anh cũng nói.

– Đi thôi.

Nhận được sự thỏa thuận của anh, khóe môi tôi mỉm cười, xoay người bước đi lên bậc thang dẫn lên trên lầu. Tòa nhà này đã cũ, mỗi mùa mưa đến là những đồ đạc được chất ở góc hành lang đều mang theo mùi ẩm ướt khó ngửi, thuận lợi là nơi để cho chuột cùng những con gián sinh sống và sinh sản, mặc dù mọi người đã rất nhiều lần đánh thuốc.

Đi được một đoạn, bỗng dưng có một con chuột từ trên chiếc ghế cũ nhảy xuống chạy qua chân rồi lao vào mất hút ở chiếc gùi cũ kĩ sâu trong góc. A Lâm đi đằng sau, có lẽ anh cũng đã nhìn thấy được điều ấy nên vội đưa tay nắm lấy bả vai tôi kéo lại sát người mình, sau đó cất giọng hỏi.

– Cô không sao chứ?

Tôi lắc đầu :” Không sao, mấy cái con này tôi không có sợ.”

A Lâm không đáp, thế nhưng ánh mắt anh nhìn tôi lại mang theo một chút phức tạp, có thể là không tin lời nói kia là thật. Thật ra tôi hiểu, trong suy nghĩ của đàn ông, đa số những người phụ nữ đều rất sợ chuột và mấy con vật bò sát, nhìn thấy chúng là nửa cái mạng coi như đã bị dọa mất hết rồi, làm gì có ai mạnh miệng nói mình không sao đâu cơ chứ. Nên nhìn thấy sự thản nhiên của tôi, anh sinh ra cảm giác ngờ vực cũng không có gì quá đáng.

Khẽ lắc đầu cười, tôi nói với anh.

– Ngày tôi còn nhỏ, vẫn hay theo mẹ ra đồng với bến bãi, ở đó có rất nhiều chuột. Nhất là mỗi lần vào vụ cấy lúa, mỗi buổi sáng đi thu bẫy chuột, tôi với mẹ hai tay mỗi tay phải cầm đến hai ba con. Mà chuột đồng thì anh biết rồi đấy, nó lớn hơn chuột sống ở cống rãnh này nhiều.

Đáy mắt xuất hiện một chút sửng sốt, A Lâm đáp lại tôi.

– Tôi không nghĩ cô như thế, tôi còn tưởng…

– Tưởng tôi là một cô gái thành phố chứ gì.

Tôi nhướn mày nhìn A Lâm, nụ cười trên khóe môi vẫn kéo lên như cũ, đôi mắt xinh đẹp hơi cong lại một chút giống như trăng lưỡi liềm ngày mùng 4, mùng 5.

– Thật ra tôi cũng giống như anh thôi, đều có gánh nặng của bản thân, đều lăn lộn trong cái chốn phù hoa này kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tiền lương hành chính chỉ có vài triệu, thuê nhà với ăn uống đã hết rồi, còn gì đâu mà để ra.

– Cô làm phóng viên như vậy, bình thường đều phải chạy khắp đất nước à, hay chỉ trong phạm vi miền Bắc thôi.

– Tôi làm bên mảng xã hội, việc phải đi là chuyện không tránh khỏi.

– Cô rất nghị lực.

Giọng nói của anh rất khẽ, bị hòa lẫn vào tiếng mưa rơi rào rào nghe như bị ngắt quãng. Chỉ có bốn từ, nhưng lại thành công để bản thân tôi nhớ lại rất nhiều chuyện tưởng chừng chính mình đã lãng quên, ném vào thùng rác của bộ nhớ.

Ngày mới ra trường, tôi may mắn được đến đài truyền hình thực tập. Ban đầu, chỉ làm mấy chân chạy vặt ở trường quay, bưng bê quét dọn và pha cafe cho mọi người trong những buổi làm đầy bận rộn. Sau này, tổng biên tập Hồ thấy tôi năng nổ, lại có cố gắng siêng năng, nên miễn cưỡng để cho tôi một vài chuyên mục nhẹ nhàng để tôi quen dần với việc chạy đi chạy lại của một phóng viên.

Tôi vẫn còn nhớ việc đầu tiên tôi được giao chính là chuyên mục về cuộc sống thường ngày của người dân trong thành phố, nói cách khác chính là mấy cái chuyện lá cải rau dưa. Thế nhưng, có lẽ vì tôi thể hiện quá xuất sắc trong việc là em gái bưng bê nên cùng buổi hôm ấy đang quay mấy bác lớn tuổi, bản thân như thế nào lại gặp phải đúng vụ thanh toán đòi nợ của một nhóm xã hội đen và một thanh niên.

Thú thật, lúc ấy tôi chỉ là một cô gái hơn hai mươi tuổi, tuy đã bớt ngây ngô so với cái ngày mới đặt chân lên thành phố A, nhưng tính cách vẫn nhát gan lắm. Tận mắt nhìn thấy cảnh nạn nhân bị chặt rời một cánh tay, bụng bị đâm maya nhát, máu me chảy xuống loang lổ, bao nhiêu bữa sáng trong miệng tôi cũng đều phun ra hết không còn một chút nào.

Quay phim là một cậu sinh viên đang trong thời gian thực tập, thoạt nhìn là người ngoan ngoãn, chưa từng gặp tình cảnh như thế này bao giờ nên chân tay sợ hãi run rẩy đến mức đánh rơi cả máy quay. Cũng may hàng đó là hàng sịn, nên không bị hỏng hóc hay sứt mẻ cái gì, nếu không thì tiền thực tập cả năm cậu ta cũng chẳng đền nổi rồi.

Mọi người gần đó sau khi chứng kiến sự việc thì hò hét gọi cấp cứu, tôi lại là phóng viên duy nhất tại hiện trường nên dù sợ hãi đến mấy cũng phải súc miệng đứng dậy làm với thái độ thật nghiêm túc. Thế là trong cái thời tiết lạnh đến cắt da cắt thịt kèm theo một chút mưa phùn ấy, tôi phải phỏng vấn hết người nọ đến người kia, bên cạnh vẫn là chàng trai bị chặt mất một cánh tay với vũng máu đỏ thật lớn.

Sau lần ấy, tôi được tổng biên tập Hồ khen ngợi và chính thức cho tham gia chuyên mục xã hội, hưởng lương thử việc trong vòng ba tháng, không cần nói cũng biết bản thân tôi sung sướng như thế nào. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, tận mắt chứng kiến một cảnh man rợ như vậy, bản thân tôi chẳng tránh khỏi được việc đêm nào cũng gặp ác mộng, có lúc đầu óc cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn. Cuối cùng, phải mất đến tận một tháng ngập mặt với tần suất làm việc dày đặc sau đó, tôi mới có thể hoàn toàn buông xuống được sự ám ảnh.

Thật ra, sau chuyện đấy, sau này tôi cũng có rất nhiều lần đi làm những chuyện nguy hiểm khác. Đại loại như là đi các vùng thiên tai bão lũ, đi các vùng dịch bệnh, đóng giả gái để trà trộn vào hang ổ mại dâm, hoặc là đóng giả nhân viên mua hàng để mua thuốc của những công ty sản xuất thuốc trái phép. Cái gì cũng có nguy hiểm, còn suýt chút nữa bị đối phương nhận ra, nhưng mà theo thời gian tính cách được tôi luyện đến mức bất cần và mạnh mẽ, tôi đã không còn sợ hay khóc lóc gì nữa. Tất nhiên, duy nhất việc của Khánh, là tôi vẫn không thể nào tỏ ra được mình là người nghị lực như thế nào.

Đây là một cách sống rất đáng buồn, tự bản thân tôi hiểu rõ, nhưng mà tôi lại không thể nào thay đổi được, mặc dù bản thân đã từng cố gắng rất nhiều.

Đi một lúc cũng đến được tầng tòa nhà bác Sầm, tôi lúc này mới quay sang A Lâm, khẽ mấp máy môi nói.

– Anh đợi tôi một chút, tôi vào đón em trai đã.

A Lâm gật đầu, anh đứng dựa người vào cột tường ẩm ướt, tay khum khum lại châm cho bản thân một điếu thuốc. Tóc trên đầu anh ướt đẫm, áo trong người cũng ướt, quyện với mùi mồ hôi buổi trưa nên toát ra một mùi rất nồng, thành ra chỉ cần để ý một chút, sẽ thấy người đàn ông đó cứ một giây là đường ấn sẽ lại nhíu lại.

Vào nhà bác Sầm, nói chuyện với bác đôi câu, tôi với bác ấy mới cùng nhau dìu Khánh đi ra ngoài. Lúc này, A Lâm cũng đã hút được một nửa điếu thuốc, anh nghe thấy tiếng nói chuyện liền quay đầu nhìn sang, đôi mắt đen láy mang theo sửng sốt dừng lại ở khuôn mặt của Khánh một lúc, sau đấy mới chuyển xuống dưới đôi chân hơi teo của em.
Lúc ấy, tôi còn chưa kịp lên tiếng nói gì thì đã thấy anh cởi chiếc áo mưa khỏi người, bước chân bước lại về phía tôi, nói.

– Để tôi giúp cô.

Nói xong, anh chẳng đợi tôi đồng ý hay không đã nhét chiếc áo mưa vào trong tay của tôi, sau đấy cúi người cõng Khánh trên lưng, bước lên cầu thang phía trước. Mà tôi lúc này cũng vội nên chỉ có thể quay sang bác Sầm giải thích một câu ngắn gọn đủ ý.

– Anh ấy là bạn của cháu. Không phải người xấu đâu bác.

Bác Sầm thở hắt một hơi thật dài, gật gật đầu với tôi rồi cũng quay người trở về.

Về đến cửa phòng, tôi tra chìa khóa mở cửa để A Lâm đặt Khánh lên giường, mở tủ lấy ra một bộ quần áo mới tôi mua cho em trai mấy ngày trước ra trước mặt anh, nói.

– Người anh ướt hết cả rồi, đi tắm trước đi đã. Tôi đi nấu cơm, một lúc là xong thôi.

A Lâm nhìn thoáng qua tôi, tôi biết anh định từ chối, nên lại nói.

– Hay là anh thấy tôi không giống như trong suy nghĩ của anh nên đang cố tình muốn bài xích với tôi.

Ngữ điệu của tôi nghe ra có rất nhiều ý tứ, mà người trầm tĩnh thông minh như A Lâm đương nhiên hiểu được tôi muốn nói gì, nên ngay sau đó, anh không còn tỏ thái độ khách sáo với tôi nữa. Người đàn ông ấy đưa tay nhận lấy quần áo với khăn vải, xoay người đi vào trong nhà tắm, xả nước, tắm gội, quá trình diễn ra rất nhanh, chưa đầy năm phút tôi đã thấy anh bước ra rồi.

Em trai tôi cao khoảng một mét tám, đối với một số thanh niên khác thì chiều cao như vậy có thể nói là ổn. Nhưng mà A Lâm so với Khánh còn cao hơn, nên quần áo anh mặc trên người có một chút hơi cộc. Tuy vậy điều ấy cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm, bởi vì nhìn kĩ thì con người anh giống như một cái móc treo vậy, mặc cái gì cũng không phá hủy thẩm mỹ của người khác.

Đưa cho A Lâm một cốc nước chanh mật ong được pha bằng nước ấm, tôi hỏi anh.

– Anh có kén ăn không. Ví dụ như đồ cay, hoặc đồ có tỏi…

A Lâm lắc đầu, anh nhìn tôi đang rửa cá lục với thịt, đôi chân sải dài bước lại gần, vươn tay tranh lấy việc tôi đang làm, nói.

– Cô đi tắm đi. Người cô cũng dính nước mưa, để lâu sẽ bị cảm đấy.

– Được, vậy anh làm giúp tôi nhé.

Tôi không từ chối sự giúp đỡ của A Lâm, đưa tay đến vòi nước rửa cho thật sạch, sau đấy mới xoay người lấy quần áo đi tắm với gội đầu. Lúc xong xuôi trở ra, người kia cũng đã làm xong được một món thịt lợn và ngọn su su xào,còn một món là cá lục dim chua thì vẫn còn đang sôi sùng sục trên bếp.

Đỡ Khánh ngồi lên xe lăn, tôi đẩy em trai về chỗ của nó hay ngồi rồi mới đưa tay kéo ghế ngồi xuống. A Lâm thành thục như một chủ nhà, anh đưa cho tôi một đôi đũa, đưa cho em trai một đôi và một cái thìa, trách nhiệm ngồi đầu nồi bình thường là của tôi thì hôm nay cũng bị anh nhận nốt.

Gắp cho mình một khúc cá lục, tôi nếm thử một miếng, đúng lúc cũng nghe thấy anh ngồi ở đối diện cất giọng.

– Tôi không biết khẩu vị của cô với em trai như thế nào, nên cho gia vị ít hơn tôi vẫn thường nấu.

Tôi khẽ nhướn mày, gật gật đầu một cái, vẻ mặt vô cùng chăm chú thưởng thức mấy món đơn giản trên bàn.

– Ngon lắm. Nói thật, anh còn nấu ngon hơn tôi nhiều đấy.

Những lời này tôi đương nhiên không hề nói xạo, cũng không phải là nói để lấy lòng A Lâm, mà thật sự là những lời bản thân đang suy nghĩ lúc này. Mấy năm nay, tôi bận rộn nhiều lắm nên chẳng có thời gian học tập chế biến nhiều món, thậm chí cơm em trai ăn ở nhà còn không nhiều bằng ăn dưới nhà bác Sầm, đâm ra tôi lại càng lười.

Ở đối diện, A Lâm cúi đầu ăn, anh không khách sáo cũng như câu lệ như tôi nghĩ trước đó, ngược lại từng cử chỉ đều từ tốn, tự nhiên vô cùng.

– Có một khoảng thời gian tôi được làm phụ bếp cho một nhà hàng, nên cũng học mót được nhiều món.

Tôi nhìn đĩa su su xào với đĩa thịt được Khánh ăn mất cả nửa già, khóe miệng vô thức kéo lên một nụ cười thật nhẹ, hỏi.

– Nói như vậy những món cầu kì hơn anh cũng biết làm đúng không.

– Có thể nói là như vậy.

Tôi gật đầu, vẫn không có ý định dừng lại sự tò mò của mình.

– Vậy tại sao anh không mở quán ăn. Thành phố này mọi người đều tất bật đi làm, việc nấu ăn ở nhà từ lâu đã không còn là chuyện có thể nhìn thấy nữa rồi.

A Lâm nhìn tôi :” Cô cũng thế luôn hả.”

– Đúng rồi, anh cũng biết công việc của tôi vô cùng bận rộn, đột xuất lúc nào cũng phải chạy đi chỗ này chỗ khác. Thành ra có những hôm về muộn quá tôi đều ặn mì, buổi trưa thì ăn cơm văn phòng mua ở các quán dưới cổng trụ sở.

Cuộc đời thật lắm điều kỳ lạ, kỳ lạ đến mức sau khi tôi nói xong, tôi mới biết đối với A Lâm, tôi chẳng cần anh cho phép cũng đã thừa nhận anh là một người bạn của mình. Một người tôi tin tưởng, một người có thể lắng nghe và thấu hiểu những vướng mắc và cảm xúc bộn bề mà tôi phải đối mặt mỗi ngày.

Có điều, đến cùng anh coi tôi là gì, tôi cũng không biết nữa…

Nghĩ đến điều ấy, tôi dời mắt, tiếp tục cúi đầu ăn cơm trong bát của mình. Đợi cho đến kết thúc, tranh phần rửa bát với A Lâm mang vào bồn rửa, lúc đi ra tôi đã thấy anh thay lại bộ quần áo ướt đứng ở giữa nhà rồi. Nhìn thấy tôi, anh nói.

– Cảm ơn bữa cơm của cô. Không còn vấn đề gì thì tôi đi đây.

Tôi nhìn ra bên ngoài, trời vẫn mưa rất lớn, lông mày vô thức nhíu lại không hài lòng.

– Vẫn còn mưa, anh vội về làm gì. Sợ tôi ăn thịt anh à?

A Lâm lắc đầu :” Không phải.”

Tôi chú ý đến lời anh nói, bản thân không hề có ý định buông tha.

– Vậy thì tại sao. Hay là anh sợ vợ anh quản, cho nên mới phải về sớm trước giờ quy định.

A Lâm nâng mắt nhìn tôi, đôi mắt đen láy còn mang theo một chút sóng ngầm dâng lên từng bọt sóng mạnh mẽ, cuộn trào.

– Tôi chưa có vợ.

*** *** ****

✴️ Lời tác giả : Đọc xong truyện cho em xin cái tương tác được không mọi người. Full truyện cũ xong là bị bỏ rơi luôn rồi 😭😭😭

Yêu thích: 1.5 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN