Mộng Phù Hoa - Phần 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
600


Mộng Phù Hoa


Phần 12


Sau khi A Lâm rời đi được một lúc, mưa bên ngoài cũng đã ngớt hơn hẳn. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn một hồi lâu, sau đó mới xoay người đi về phía giường với em trai của mình, lúc này thằng bé đang ngồi tập tô với tập viết các nét.

Hai tháng trước, nhờ có sự giúp đỡ của Loan, Khánh cũng được người của trung tâm giáo dục đặc biệt nhận vào. Ban đầu, tôi còn ngờ ngợ không biết nơi này thật sự trông như thế nào, nhưng khi dẫn em trai đến rồi mới biết, ở đây họ thường tổ chức khoá học rèn luyện cho những người bị Down hoặc chứng tự bế, bại não. Các bác sĩ chuyên nghiệp giúp họ luyện chân tay và một số bộ phận trên cơ thể, ngoài ra còn bao gồm các hoạt động như đọc sách, ca hát, .. Làm cho họ cảm thấy yêu đời hơn, vui vẻ hơn, cảm nhận cuộc sống cũng tốt hơn.

Vẫn còn nhớ lần đầu tiên dẫn em trai đến trung tâm, bản thân tôi vừa khẩn trương lại vừa lo sợ. Lo sợ em ở chỗ đông người như thế này liệu có thích ứng được không, sợ khi tôi không có ở đây em có phát bệnh tự hành hạ mình hay không, rồi buổi trưa em ăn cơm như thế nào. Nói chung, bao nhiêu cảm xúc tôi đều để lộ hết trên mặt, lòng cứ thấp tha thấp thỏm không thôi. Cũng may vị bác sĩ phụ trách là một người khá là dễ tính, ông ấy nhìn thấy tôi như vậy liền nhẹ nhàng trấn an.

– Thả lỏng tâm lý một chút. Đối với những người ở đây, ai cũng sống trong thế giới riêng của mình nên họ không biết bản thân đang mang bệnh đâu. Ngược lại người thân như chúng ta cứ lo lắng thái quá cũng không tốt, sẽ gây ra cho bản thân mệt mỏi.

Đối với mấy cái chuyện về tâm lý như này, tôi thật không biết gì cả, nhưng sau khi nghe xong bản thân vẫn theo phép lịch sự gật đầu, giọng nói đáp lại vô cùng kính cẩn.

– Cảm ơn bác sĩ.

Vị bác sĩ cười xoà.

– Cảm ơn gì chứ, đây là trách nhiệm của chúng tôi, nên cô cứ yên tâm để em trai ở đây, sẽ không có chuyện gì hết.

Cuộc nói chuyện diễn ra ngắn ngủi vài phút, sau đấy bác sĩ mới dẫn tôi với Khánh đến một căn phòng rộng rãi. Ở trong đó có khoảng gần chục người, rải rác ở các độ tuổi, nhìn lướt qua cũng biết tất cả đều là những người bị Down như em trai của tôi. Giờ này, họ đang ngồi ngay ngắn ở chiếc bàn giống như bàn học của mình, chăm chú làm theo từng động tác mà tình nguyện viên dạy, khoé môi hiện lên nụ cười thích thú. Cũng may Khánh thích ứng với môi trường khá nhanh, nên lúc đưa em cho bác sĩ, tôi cũng không thấy em bài xích hay khóc lóc đòi về.

Thoát khỏi dòng tâm tư, tôi thở hắt ra một hơi thật dài, cúi đầu nhìn em trai đang cắn môi suy nghĩ làm thế nào để viết những nét chữ tiếp theo, tâm tình đã không còn sự nặng nề như trước. Từ ngày đi trung tâm, Khánh trở nên cởi mở hơn, không đòi léo nhéo xem phim nữa, thay vào đó là sẽ ngồi nghịch những đồ chơi mà bác sĩ dặn tôi mua đợt tháng trước, nên có thể nói tôi cũng có nhiều thời gian ngồi làm việc hơn.

Sáng hôm sau, đưa Khánh đến trung tâm xong tôi mới quay trở lại trụ sở để cùng với Tình chỉnh sửa đoạn phim cùng với kịch bản đêm hôm qua lọ mọ ngồi viết đến nửa đêm. Vừa thấy tôi từ cửa đi vào, cậu ta cất giọng hỏi.

– Hôm qua gọi điện cho cô nhưng không được. Tôi còn tưởng cô vẫn ở Tây Hồ không tìm được đường về.

Tôi nhướn mày, cúi người bật máy tính với lôi laptop ra đặt lên bàn, tiện tay thu dọn một đống giấy tờ lộn xộn trước mặt cho gọn lại, xong đó mới cất giọng nói.

– Cậu tưởng tôi là con nít chắc. Cậu quá coi thường tôi rồi đấy.

– Con người cô như thế nào cả phòng đều biết rồi, cô còn sợ xấu mặt cái gì. Có phụ nữ nào 28 tuổi mà mù đường giống như cô không. Đi mãi vẫn không nhớ nổi.

Khoé miệng tôi giật giật, muốn tức mà không tức nổi, muốn lớn giọng mà cũng chẳng xong. Cái chuyện mù đường này Tình nói là đúng, giả dụ nếu hôm qua không có A Lâm đi cùng, chắc tôi cũng không dám ho he đi lung tung như vậy đâu.

Còn nhớ mấy năm trước, tôi đi lấy tin ở một huyện nhỏ ven biển, vì tò mò cảnh ở đó mà lang thang chụp ảnh, cuối cùng lạc luôn chẳng nhớ được đường về. Điện thoại thì không mang, người cũng không gặp, cứ ngơ ngác đến tận tối mịt gặp được một bác trai trung niên tốt bụng cho mượn máy liên lạc với đoàn, nên Tình và Loan mới tìm đến được.

– Thế nào. Cậu vẫn có thời gian đứng ở đây cười nhạo tôi như vậy chắc không cần tôi giúp cậu chỉnh sửa phim đâu nhỉ.

Tình hừ lạnh, cậu ta gõ ngón tay lên mặt bàn mấy cái, ngữ điệu hậm hực ra lệnh cho tôi.

– Cô tranh thủ làm đi rồi qua chỗ tôi. Tổng biên Hồ nói ngày mai phim này phải chiếu trên đài truyền hình Tỉnh, không thể chậm trễ được.

Trong công việc, Tình với tôi được mọi người gán ghép là cặp đôi hoàn hảo trong việc hợp tác, lại thêm thái độ của cậu ấy trước nay vô cùng nghiêm túc, nên sau khi nghe xong tôi cũng không hề nghĩ ngợi gì nhiều, gật đầu nói luôn.

– Được rồi. Chúng ta đi thôi. Sửa phim cho cậu trước rồi tôi sửa kịch bản sau cũng được. Dù sao thì tài liệu làm không xong có thể mang về, chứ tôi không muốn ngày nào cũng phải tăng ca muộn ở trụ sở như thế này.

Lời nói này chỉ là một lời nói vô tình của tôi thôi, nhưng không hiểu sao Tình lại nghĩ rằng tôi đang ám chỉ việc không muốn tăng ca vì cậu ta phiền phức, nên ngay sau đấy, người thanh niên này bày luôn ra cái vẻ mặt lạnh và tức tối, nghiến răng nói.

– Cô có cần nhất thiết phải nói thẳng ra như thế không?

– Nói thẳng cái gì. Cậu lại bắt đầu ba hoa chích chòe rồi đấy.

– Chứ ý của cô không phải là thấy tôi phiền phức à. Phạm Vũ Quỳnh, chuyện ở làng Mường Nhé, tôi biết tôi quá đột ngột nên khiến cho cô không thích ứng kịp, từ giờ sẽ không có những lần sau như vậy nữa đâu.

Cuối cùng cũng đã nghe được những điều mà bản thân muốn nghe, tôi nâng mí mắt lên nhìn Tình, vỗ mạnh một tay lên bả vai của cậu ấy, gật đầu nói lớn.

– Nam tử hán đại trượng phu nói được làm được. Chứ đừng có nói suông rồi để đấy là tôi sẽ nghĩ khác mà cậu đấy.

Nói xong, tôi không để cho Tình có cơ hội nào phản bác, cằm hất lên ý chỉ cậu ta ngồi vào rồi làm việc. Cũng may, mọi chuyện sau đó đều diễn ra vô cùng suôn sẻ, khoảng cách ngột ngạt trước đôi phần được gỡ xuống, chúng tôi lại bắt đầu trở về làm những người cộng tác ăn ý giống như những ngày đầu.

***** ****** *****

Cứ thế, công việc của tôi đều quanh đi quẩn lại không ngừng nghỉ với những chuyến công tác đi đây đi đó và nhịp sống cũ, thoáng một cái thời gian lại trôi như thoi đẩy, ba tháng rất nhanh trôi đi.

Khoảng thời gian đó, tôi không có gặp lại A Lâm thêm một lần nào, cho dù chỉ là tình cờ giống như lần Tây Hồ. Anh giống như một cơn gió Bắc, thoắt đến rồi lại thoắt đi, mà tôi cũng bận rộn nên chẳng nhờ đến được phòng cảnh sát giao thông cung cấp tin tức về chiếc xe anh đi, thành ra có những lúc bản thân đã vô tình lãng quên anh từ lúc nào.

Thế nhưng, tôi thật không ngờ, duyên phận là một thứ gì đó rất kì diệu…

Buổi tối hôm nay, vì công việc nhiều đến ngập đầu nên tôi phải tăng ca ở lại đến hơn tám giờ mới rời khỏi văn phòng. Thời điểm này, thành phố A đã bước vào tháng mười, chẳng còn những trận mưa rào kéo đến đột ngột, cũng chẳng còn sấm sét kéo theo, mà thay vào đó là những cảm giác se lạnh mỗi khi sương đêm đổ xuống.

Khu đô thị ngập tràn ánh đèn điện cùng với những bản nhạc piano của ban nhạc đường phố, tôi chầm chậm bước từng bước đi trên vỉa hè lẳng lặng thưởng thức, định bụng ra bắt Grab để về nhà thì bất chợt ánh mắt như có điều gì thôi thúc nhìn về phía đường 5A. Ở đó, người qua người lại mua thịt nướng đông đúc, nhưng ánh mắt vẫn nhìn thấy hình ảnh của A Lâm ngồi trên chiếc xe máy cũ quen thuộc.

Anh vẫn bình dị như thế, vẫn đơn giản như thế, chẳng có gì thu hút hay đặc biệt, thế mà lại làm đáy lòng của tôi thổn thức.

Ở bên kia đường, A Lâm cũng nhìn thấy tôi, đôi mắt đen láy hiện lên một chút sửng sốt. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ anh sẽ giống như trước, tránh né tôi, trực tiếp coi tôi là một người lạ. Nhưng mà không ngờ, trong lúc bản thân vẫn ngẩn người không biết phải làm như thế nào, người đàn ông kia đã lái xe đỗ ở trước mặt tôi, miệng gọi tên tôi.

– Phóng viên Quỳnh.

Tôi mỉm cười với A Lâm trước mặt, thái độ đáp lại anh vô cùng hòa nhã và cẩn thận.

– A Lâm, anh đi đâu ngang qua đây à.

A Lâm gật đầu, anh đưa mắt nhìn tôi một thân quần áo công sở, đầu trần đứng dưới sương đêm dày đặc, đường ấn mày bất giác nhíu lại giống như không hài lòng. Tuy nhiên, giọng nói của anh vẫn vô cùng giữ khoảng cách.

– Hôm nay tôi rảnh nên đến đây đón khách. Cô thì sao, bây giờ mới tan làm à.

– Công việc nhiều, thường thì sẽ phải tăng ca làm cho xong, nên hầu như ngày nào tôi cũng muộn như này mới về.

A Lâm gật đầu, anh không hỏi tôi thêm điều gì nữa, cúi người đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm màu hồng mà trước đó anh mua cho tôi.

– Vậy lên xe đi, tôi đưa cô về.

Tôi không từ chối, đưa tay nhận chiếc mũ bảo hiểm nhưng không có đội lên đầu, mắt nhìn A Lâm nghiêm túc trong trạng thái muốn nổ xe máy, nói.

– Trời vẫn còn sớm, nếu không có việc gì vội thì cùng nhau ra ngoài đi. Tôi mời anh ăn một bữa thịt nướng.

A Lâm suy nghĩ một hồi, đôi môi mỏng mím lại, khuôn mặt mang theo một chút trầm tư khó đoán.

Một lát sau, anh đáp lời tôi.

– Được rồi, cô muốn ăn ở đâu.

– Tùy tiện một chỗ là được. Đa số các quán ở đây đều khá ngon, tôi đã thử mấy lần rồi.

– Vậy cô chọn đi.

Tôi không rõ trước lúc chưa quen nhau, A Lâm đã từng quen thuộc với nơi này chưa, nhưng mà anh đã nói để cho tôi chọn chỗ nên tôi cũng không đùn đẩy trách nhiệm hay thoái thác lại.

Chúng tôi đi bộ song song với nhau dưới lề đường in đầy bóng cây với tán lá rộng, khoảng chừng năm trăm mét mới quyết định tạt vào một quán tên là ven đường của đôi vợ chồng vẫn thường được gọi là bác Sáu.

Quán ăn này tôi đã ăn khoảng chừng vài lần, đa số đều là những buổi tụ tập và Loan với Tình kéo tôi đi. Gía cả không đắt như những quán khác, nhưng hương vị khá ngon, lại thêm họ có cô con gái bán thêm cả trà sữa, nên có thể nói nơi này chính là một nơi lý tưởng cho việc hẹn hò của những cặp đôi yêu nhau. Tất nhiên, những người độc thân làm việc quên trời quên đất như chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ.

A Lâm chọn một chỗ rộng rãi để dựng xe, xong xuôi tôi với anh mới cùng nhau đi vào chọn lấy bàn để ngồi. Cũng may, quán đông đúc nhưng chỗ rộng rãi, lại thêm thời tiết tháng mười có chút se lạnh, nên dù có nhiều hơi người, tôi vẫn không cảm thấy khó chịu.

Gọi một đĩa xiên thịt nướng thật lớn với mấy lon bia, trong lúc chờ đợi, tôi biết A Lâm là người trầm tính nên bản thân bèn cất giọng nói chuyện trước.

– Mấy tháng nay anh thế nào. Công việc có ổn thỏa không? Có đi chạy việc cho bên sự kiện nữa không?

A Lâm gật đầu, anh bật một lon bia đưa đến trước mặt tôi, sau đó cũng bật cho bản thân một lon, ngửa cổ uống một hơi thật dài, xong rồi mới nói.

– Tôi vẫn thế. Nếu bên sự kiện thiếu người, họ gọi tôi thì tôi sẽ đi.

Tôi gật đầu, móc từ trong túi ra bao thuốc lá dành cho nữ đặt lên trên bàn, rút lấy một điếu châm lửa hút. Ngày trước, tôi đối với thuốc lá không có hảo cảm, hễ ngửi thấy thì sẽ vô cùng khó chịu. Nhưng từ cái đêm ở Mường Nhé, sau khi trở về thành phố A, tôi bắt đầu mạnh dạn tìm đến nó, rồi dần dần từ lúc nào, cứ hai ba ngày sẽ lại phải đốt một điếu.

Thật ra nó chẳng thần thánh giống như mọi người vẫn nói, nhưng trong lúc bản thân mệt mỏi, thì cũng không phải là một lựa chọn gì tồi tệ.

Châm cho mình một điếu, tôi rủ mắt nhìn đầu lọc đang cháy phát ra ánh sáng màu cam yếu ớt, tâm tình có một chút không biết phải nói như thế nào. Khoảng thời gian trước, tôi hay gặp A Lâm nên rất muốn nói chuyện với anh, đã vậy bản thân còn xuất hiện nhiều cảm xúc cực lạ. Sau này, anh cứ vô định lúc ẩn lúc hiện, tôi thì cũng bộn bề công việc nên dần không chú ý quá nhiều. Ngưỡng tưởng mọi thứ chỉ là một phút bốc đồng, ai ngờ hiện tại gặp lại, chính mình mới phát hiện ra, hình như tôi đã bắt đầu có sự quan tâm và cảm giác mơ hồ gì đó với người đàn ông này rồi.

Ăn một xiên thịt, uống một hớp bia, tôi lúc này mới lại cất giọng hỏi anh.

– Quen nhau đã lâu nhưng tôi vẫn chưa biết anh làm việc ở chỗ nào thành phố A. Gara của anh biển hiệu là gì, có thể cho tôi biết được không?

A Lâm sững người, tôi nhìn thấy năm ngón tay của anh hơi siết chặt lon bia, nhưng rất nhanh sau đấy đã liền giãn ra ngay lập tức. Anh nói.

– Gara Thủy Hiền. Nằm ở ngoại thành chứ không phải trung tâm thành phố, nên có nói cô cũng không biết được đâu.

– Anh nói đúng. Tuy nhiên nếu anh có lòng muốn chỉ, thì tôi nhất định sẽ biết thôi.

– Không cần thiết đâu.

Lúc nào cuộc nói chuyện của chúng tôi cũng lãng xẹt như vậy mà kết thúc. Đối với A Lâm, tôi đương nhiên muốn tìm hiểu sâu hơn và nhiều hơn, nhưng mà anh ngược lại vô cùng bài xích và giữ khoảng cách, chỉ chờ tôi nói điều gì quá mức là trực tiếp dùng thái độ không nóng không lạnh từ chối.

Bỗng nhiên có một cơn gió lạnh thổi tới, thổi bay những kích động cũng như những lọn tóc lòa xòa trước trán, trong nháy mắt khiến cho tinh thần tôi thoát khỏi được những mông lung không điểm dừng.

Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng dưng nghe thấy lý trí nói với trái tim của mình.

“ Phạm Vũ Quỳnh, mày đang làm cái gì vậy, mày thật sự điên rồi…

Mày biết rõ, cuộc sống của mày không sung sướng gì cả, dù công việc là một phóng viên đài truyền hình, nhưng tiền lương cũng chỉ đủ mày với Khánh sống qua ngày ở cái thành phố phồn hoa này thôi.

Chẳng phải mày vẫn luôn có chấp niệm muốn tìm một người đàn ông có điều kiện tốt, có thể cùng mày chăm sóc em trai hay sao?

Chẳng phải mày vẫn luôn muốn mình có thể được nhập khẩu ở thành phố A hay sao?

Thế nhưng từ bao giờ, suy nghĩ của mày, lại vì cái người trước mặt mà lung lay hết lần này sang đến lần khác.”

Giữa ánh đèn vỉa hè vàng rực, tôi cứ để bản thân của mình trượt dài trong những suy nghĩ miên man như vậy, đáy lòng buồn bực uống hết lon bia này sang lon bia khác, đầu óc trống rỗng.

Có quá nhiều chuyện phải buồn phiền.

Tôi không nhìn A Lâm, nhưng bản thân vẫn cảm nhận được anh đang chăm chú nhìn mình. Hơi thở của anh cách tôi rất gần, tôi có thể ngửi thấy được mùi bia cùng với mùi thuốc lá anh thường hút, có cả mùi hương hoắc hương nhàn nhạt.

Ban đầu, tôi còn kìm lòng không muốn để ý, nhưng qua một vài giây, ý chí của tôi thật sự bị đánh gục, khi mà A Lâm cất giọng nói trầm trầm.

– Hôm nay cô gặp phải chuyện gì à. Uống nhiều bia như vậy mà không ăn gì sẽ bị cồn ruột đấy.

Trong tiếng nói chuyện cười đùa cùng với tiếng mỡ cháy xì xèo ở chiếc xe nướng thịt, tôi mấp máy môi đáp lại.

– Không có. Chỉ là dạo này stress quá nhiều, đúng hôm có người đi cùng giải sầu, nên thuận tiện xả hết mọi bực tức thôi.

A Lâm gật đầu, anh không đáp lại lời nói của tôi, hoặc có thể là vì anh chưa từng biết những người làm trong đài truyền hình như chúng tôi thường xuyên nhiều việc như thế nào, làm những công việc gì. Thế nhưng, anh cũng không phải là giữ im lặng hẳn.

– Cô đi làm về muộn thế này, em trai thường gửi ở nhà bác hàng xóm sao?

Tôi không giấu giếm.

– Đúng rồi. Bác ấy đã trông Khánh được vài năm, phẩm hạnh cũng tốt nên tôi mới tin tưởng giao em trai cho bác ấy để đi làm. Nếu không, anh nghĩ tôi có thể yên tâm như bây giờ sao.

Nói xong, tôi lại chậm rãi cầm xiên thịt nướng lên ăn cho đỡ đói. Ở đối diện, A Lâm châm cho mình một điếu thuốc nữa, anh lẳng lặng nhìn tôi, hờ hững nói tiếp.

– Cô hình như không phải người ở đây đúng không?

Tôi gật đầu :” Quê tôi ở tỉnh S.”

Sau khi tôi nói xong, nét mặt của A Lâm thoáng lên một chút ngạc nhiên, bầu không khí bỗng chốc liền rơi vào im lặng. Anh không nói, còn tôi thì cứ tưởng anh không biết huyện S ở đâu nên tiếp tục giải thích.

– Tỉnh S cách thành phố A gần 200km. Quê tôi là vùng đồng bằng, thị trấn An Ninh.

– Tôi biết chỗ đó. Năm ngoái tôi đã đi qua một lần, kinh tế nghe chừng cũng khá phát triển.

Tôi cười buồn, uống nốt ngụm bia trong lon, bản thân không muốn kể quá nhiều chuyện đau lòng của mình với anh nên chỉ nói.

– Từ ngày bố mẹ mất, nhiều năm rồi không về quê, tôi cũng chẳng rõ nơi đó thay đổi như thế nào nữa.

A Lâm là một người tinh tế, anh đương nhiên hiểu được cảm xúc không vui của tôi lúc này nên cũng không đề cập thêm gì nữa, nhưng ánh mắt vẫn nhìn tôi rất chăm chú. Trong đôi mắt ấy, tôi cảm nhận được một thoáng đau thương xẹt qua, không dễ dàng bị người khác phát hiện.Nó giống như một vẻ đẹp bình lặng khó nói lên lời, bị năm tháng đau khổ đánh bóng, dần dần trở nên trầm tĩnh và lầm lì.

Lấy cho mình một xiên thịt nướng nữa, tôi lại hỏi A Lâm.

– Hôm nọ tôi có nghe ngóng được tổng biên tập nói, phía bên nhà nước đã đồng ý xây kè tránh lũ với làm xây trường học cho trẻ nhỏ ở Mường Nhé rồi. Anh có định về đó không?

– Không? Công việc tôi bận rộn, với cả tôi có về cũng không giúp gì được cho họ, nên không cần thiết.

– Nhưng tôi thấy mọi người cùng với bác trưởng thôn vẫn lo lắng cho anh rất nhiều. Nếu anh không về được, anh cũng có thể gọi điện hỏi thăm họ một vài câu.

– Tôi biết. Cảm ơn cô đã quan tâm.

Dường như bất mãn với việc tôi can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng tư của mình, nên thái độ A Lâm có một chút không được hòa nhã, thành ra tiếp theo giữa chúng tôi chỉ có im lặng và im lặng. Đến gần mười giờ, khi mà sương đêm buông xuống càng thêm dày, mọi người trong quán bắt đầu tản đi vào những các quán Cub và bar, tôi mới lại nghe thấy anh lên tiếng nói chuyện với mình.

– Về thôi, ngày mai cô còn phải đi làm đấy.

Uống năm lon kia, tôi không say nhưng cũng không tránh khỏi việc đầu óc có một chút choáng váng. Lại thêm việc ngồi lâu khiến chân bị tê, nên lúc đứng lên, cả người chẳng giữ được thăng bằng với đôi giày cao gót đế nhọn, loạng choạng gần như muốn ngã. Cũng may đúng lúc ấy, A Lâm nhanh tay đỡ lấy tôi, bảo vệ tôi ở trong lòng của mình, nên khuôn mặt của tôi mới không bị chà sát dưới nền gạch sần sùi trên vỉa hè.

A Lâm cao hơn tôi hẳn một cái đầu. Tôi hơi nheo mắt, nhìn rõ mái tóc ngắn màu đen của anh, rậm rạp nhiều mồ hôi, cùng chiếc cổ cương trực, cùng với cả bờ vai trộng lớn ẩn hiện sau lớp áo lao động cũ màu, đáy lòng lại xuất hiện cảm giác lạ.

– Có sao không?

Tôi lắc đầu, vịn lấy tay anh giữ thăng bằng cho bản thân một lúc, sau đấy mới nói.

– Tôi không sao. Cảm ơn anh?

– Vậy được rồi, tôi đưa cô về.

Tôi không từ chối lời đề nghị đó, sau khi thanh toán tiền xong thì cùng anh đi ra xe. A Lâm như một thói quen đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm màu hồng, nhân tiện mở cốp lấy cho tôi một chiếc áo mưa đen vẫn còn mới, nói.

– Thời tiết đêm lạnh lắm, cô ăn mặc như vậy rất dễ bị ốm. Lần sau nên chú ý một chút, dù sao cũng ta cũng chỉ là người thường chứ không phải thần thánh gì hết.

– Vậy anh thì sao? Anh không thấy lạnh à?

Sau khi nói xong, tôi mới đưa mắt nhìn anh chờ đợi câu trả lời, nhưng đáp lại thì chỉ là sự im lặng tĩnh mịch. Anh đứng ngược sáng, ánh vàng của đèn điện phủ trên lưng anh, chỉ có khuôn mặt mang theo biểu cảm như thế nào, tôi thật không nhìn rõ ra được một chút.

Trong suy nghĩ của tôi lúc này không ngừng vang lên một câu hỏi, tại sao người đàn ông này lại luôn như vậy?

Anh rõ ràng tỏ ra lạnh nhạt với tôi, nhưng mỗi lần chúng tôi đi với nhau, anh luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt mà tôi vướng phải. Ở Mường Nhé, anh sợ tôi bị nhiễm trùng ngón tay nên vượt mưa đưa tôi đi bệnh viện huyện. Ở Tây Hồ, anh sợ tôi say xe nên mua theo cả quýt cho tôi ngồi ăn, lặng lẽ đưa bả vai làm chiếc gối để tôi tựa vào cho giấc ngủ không bị ngắt quãng. Còn lúc này, anh lại sợ tôi bị sương đêm phủ xuống làm lạnh người, ngày mai ốm không đi làm được.

Đầu ngón tay chạm nhau, tôi cắn môi, chẳng biết lấy dũng khí ở đâu mà lại đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình nhẹ nhàng nắm lấy tay của anh, mắt đối diện mắt, đôi môi hồng phấn mấp máy.

– A Lâm, anh đây là đang quan tâm tôi đấy à?

*** *** ****

Lời tác giả : 14/2, em chúc mọi người vui vẻ, luôn hạnh phúc với tình yêu của mình ạ. ❤️. Mai thứ 7 em nghỉ 1 hôm nhé các chị, hẹn mọi người chủ nhật.

Yêu thích: 2 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN